Tin Thế Giới.
Chiến tranh Ukraina: Severodonetsk bị cô lập hoàn toàn (RFI)
Cuộc chiến Ukraina hôm 14/06/2022, bước sang ngày thứ 111 với sự kiện nổi bật là thành phố Severodonetsk ở tỉnh Lugansk, miền đông Ukraina, đã hoàn toàn bị cô lập sau khi cây cầu cuối cùng nối liền thành phố với phần còn lại của đất nước đã bị phá hủy vào hôm qua, 13/06. Trước tình hình đó, tổng thống Ukraina một lần nữa kêu gọi phương Tây cấp tốc chi viện vũ khí “hiện đại” để giúp Kiev tránh được thiệt hại “khủng khiếp” về nhân mạng do quân đội Nga gây ra.
Theo ông Serguiï Gaïdaï, thống đốc vùng Lugansk, lực lượng Nga đã phá hủy cây cầu cuối cùng ở Severodonestsk bắc qua sông Donets và nối với thành phố Lysytchansk lân cận. Việc cây cầu bị đánh sập sẽ cản trở việc sơ tán những thường dân vẫn còn bị kẹt lại trong thành phố, và khiến cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo không thể thực hiện được.
Trong bài phát biểu hàng ngày, hôm qua tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã cảnh báo về “cái giá nhân mạng” của trận đánh Severodonetsk được ông cho là “khủng khiếp”. Đối với ông Zelensky, “trận đánh Donbass chắc chắn sẽ đi vào lịch sử quân sự như là một trong những trận đánh ác liệt nhất ở châu Âu”, và tổn thất nhân mạng mà quân đội Ukraina phải gánh chịu “thật khủng khiếp”. Theo các số liệu của chính quyền Kiev, mỗi ngày, có từ 100 đến 300 binh sĩ Ukraina tử trận.
Zelensky: Ukraina rất cần vũ khí “hiện đại”
Trước tình hình đó, theo ông Zelensky, Ukraina đang rất cần vũ khí “hiện đại” từ phương Tây. Ông xác định : “Chỉ có pháo binh hiện đại mới có thể giúp Ukraina giành ưu thế”, và quân đội nước ông “chỉ cần có đủ vũ khí” là có thể “giải phóng lãnh thổ… kể cả Mariupol và Crimée”.
Lời kêu gọi mới của tổng thống Ukraina được đưa ra trong bối cảnh các đồng minh đã cung cấp cho Kiev đạn dược, phụ tùng thay thế, vũ khí hạng nhẹ, cùng một số ít vũ khí hạng nặng, và Nhóm Liên Lạc về Ukraina, do bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin thành lập, sẽ họp vào ngày mai, 14/06, tại Bruxelles, Bỉ.
Anh gửi tên lửa tầm xa đầu tiên cho Ukraine (BBC)
London sẽ gửi tên lửa tầm xa đầu tiên tới Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết, bất chấp đe dọa của Nga với phương Tây.
Ông Ben Wallace nói hệ thống tên lửa phóng hàng loạt (MLRS) M270 sẽ giúp Ukraine tự vệ trước các cuộc tấn công của Nga.

Chính phủ Anh chưa xác nhận số lượng được gửi đi là bao nhiêu, nhưng BBC được biết ban đầu sẽ có ba vũ khí.
Quyết định này được đưa ra sau khi Hoa Kỳ tuyên bố hồi tuần trước là sẽ cung cấp một hệ thống tên lửa cho Kiyv.
Việc Hoa Kỳ gửi hệ thống rocket cơ động cao (HIMARS) M142 đã chọc giận Moscow, khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm Chủ Nhật đe dọa mở rộng danh sách các mục tiêu mà Nga sẽ tấn công ở Ukraine nếu các nước phương Tây gửi vũ khí tầm xa tới Kyiv.
Chính phủ Anh cho biết quân đội Ukraine sẽ được đào tạo tại Anh về cách sử dụng bệ phóng trong những tuần tới.
Hệ thống tên lửa phóng hàng loạt có thể bắn đi 12 tên lửa đất đối đất trong vòng một phút, tấn công vào các mục tiêu trong phạm vi 50 dặm (80km) với độ chính xác cao hơn nhiều so với loại pháo mà Ukraine hiện đang sở hữu.
Ông Wallace cho biết Anh đang đóng vai trò lãnh đạo trong việc cung cấp cho quân đội Ukraine “vũ khí quan trọng mà họ cần để bảo vệ đất nước của họ khỏi cuộc xâm lược vô cớ”.
“Vì chiến thuật của Nga thay đổi, nên chúng tôi cũng phải hỗ trợ Ukraine,” ông nói.
“Những hệ thống có khả năng cao trong việc phóng tên lửa ra hàng loạt này sẽ cho phép những người bạn Ukraine của chúng ta tự vệ tốt hơn trước việc các lực lượng của Putin sử dụng tàn bạo các loại pháo tầm xa, bừa bãi san phẳng các thành phố.”
Phóng viên về quốc phòng của BBC Jonathan Beale cho biết Anh và Mỹ đi đầu trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhưng việc cung cấp cho Kiyv các tên lửa tầm xa tân tiến đánh dấu một sự thay đổi đáng kể.
Đây cũng là sự công nhận rằng Ukraine đang phải chật vật đọ sức với kho đạn pháo khổng lồ của Nga, phóng viên BBC cho biết thêm.
Tuần trước, Washington cho biết họ sẽ cung cấp bốn bệ phóng tên lửa HIMARS cho Ukraine – sau khi nhận được đảm bảo rằng chúng sẽ chỉ được sử dụng cho mục đích phòng thủ và không tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga. Hạn chế tương tự cũng áp dụng cho việc sử dụng hệ thống M270 của Anh gửi.
QUÂN ĐỘI NGA. Chiến tranh Ukraina: Nga ngày càng thiếu quân (RFI)
Trong một thông báo đăng trên mạng Twitter ngày 09/06/2022, tức là ngày thứ 106 của cuộc chiến tranh Ukraina do Nga phát động, bộ Quốc Phòng Ukraina khẳng định đã có đến 31.700 binh sĩ Nga thiệt mạng. Đây là một con số không thể được kiểm chứng một cách độc lập. Tuy nhiên, theo các quan sát viên phương Tây, sau hơn một trăm ngày xâm lược Ukraina, một trong những vấn đề chính mà Quân Đội Nga bắt đầu gặp phải là tình trạng ngày càng thiếu binh sĩ.
Theo ghi nhận của đài truyền hình Pháp France24, trong bài phân tích ngày 08/06/2022 mang tựa đề “Chiến tranh Ukraina: Nga tuyệt vọng tìm thêm binh lính”, tình trạng thiếu quân mà Matxcơva đang gặp phải quả là một điều khá lạ lùng đối với một nước mà trong lịch sử thường được coi là “một cỗ máy có thể cử hết làn sóng chiến binh này đến làn sóng chiến binh khác xông lên, làm kiệt quệ những kẻ thù vượt trội về công nghệ, chẳng hạn như Đức Quốc Xã vào thời Thế Chiến Thứ II”.
Ra sức tuyển mộ, kể cả dùng tiền để dụ dỗ

Dấu hiệu rõ rệt nhất phản ánh tình trạng quân số thiếu hụt là những nỗ lực của Quân Đội Nga từ hơn ba tháng nay nhằm tuyển thêm binh lính, từ việc hứa hẹn lương cao cho đến mở rộng hạn tuổi nhập ngũ.
Nhật báo Nga Moscow Times ngày 23/05 vừa qua cho biết là nhiều đoàn xe tuyển quân đã ngang dọc đất nước, đến tận vùng Siberia xa xôi chiêu mộ tân binh cho mặt trận Ukraina. Tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung cũng ghi nhận là Quân Đội Nga đã cho thiết lập nhiều văn phòng tuyển dụng lưu động gần nơi trình diễn của các nhóm nhạc rock nổi tiếng để thu hút thanh niên.
Ở cấp thượng tầng Nhà Nước, tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 25/05 cũng đã ban hành một đạo luật cho phép tất cả người Nga trong độ tuổi từ 18 đến 65 được phép nhập ngũ, trong khi trước đó chỉ có những người Nga dưới 40 tuổi mới được phép gia nhập quân đội.
Để thu hút lính mới, chính quyền sẵn sàng dùng đến biện pháp kích thích tài chánh. Jeff Hawn, chuyên gia về các vấn đề quân sự của Nga tại trung tâm nghiên cứu địa chính trị New Lines Institute của Mỹ, nêu bật: “Quân Đội Nga đang đề nghị trả cho những tân binh ký hợp đồng ba tháng một mức lương gần tương đương với một năm thu nhập của cư dân tại một số vùng nghèo”.
Theo ông Rod Thornton, chuyên gia về các lực lượng vũ trang Nga tại King’s College ở Luân Đôn, giới hạn duy nhất mà chính quyền Nga dường như tự đặt ra là “không được gửi lính nghĩa vụ ra trận, vì ở Nga, đó là một hành vi bất hợp pháp”. Tuy nhiên, không thiếu bằng chứng về việc lính nghĩa vụ trẻ tuổi bị đưa sang chiến đấu ở Ukraina.
Pháo binh và xe tăng thay vì quân lính
Đối với giới phân tích, thiệt hại nhân mạng nặng nề của Quân Đội Nga tại Ukraina chỉ là bề nổi của vấn đề thiếu hụt quân số đã có từ rất lâu trong một lực lượng được mô tả là lớn thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ.
Theo chuyên gia Rod Thornton: “Trên giấy tờ, Nga có một số lượng lớn các sư đoàn bộ binh, nhưng phải biết là hầu hết các lữ đoàn tạo thành các lực lượng đó đều thiếu quân số kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc”.
Còn theo ông Jeff Hawn, tình trạng thiếu binh sĩ kinh niên này là “kết quả của một sự tiến hóa qua nhiều thế hệ đối với một dân số đã phải chịu tổn thất to lớn trong hai cuộc chiến tranh thế giới, gánh chịu hậu quả của cuộc thanh trừng thời Stalin và công cuộc công nghiệp hóa bắt buộc trong thời kỳ Xô Viết”. Nói cách khác, số dân có thể nhập ngũ đã giảm đi đáng kể vào thời kỳ Liên Xô sụp đổ.
Nicolo Fasola, chuyên gia về các vấn đề an ninh tại các nước Liên Xô cũ tại Đại Học Anh Quốc Birmingham, giải thích: “Chính vì thiếu người mà Nga đã điều chỉnh học thuyết chiến tranh, “nhấn mạnh nhiều hơn trên việc sử dụng pháo binh và xe thiết giáp, thay vì bộ binh”. Cuộc khủng hoảng nhân khẩu đang diễn ra khiến cho Matxcơva không muốn hy sinh thêm người, trong khi chính quyền đang làm mọi cách để ngăn chặn sự sụt giảm dân số nghiêm trọng.
Tuy nhiên, theo ông Fasola, nếu chiến thuật nói trên hoàn toàn phù hợp với kiểu chiến tranh chớp nhoáng, như tại Crimée năm 2014, và các trận đánh dùng hỏa lực hùng hậu nghiền nát kẻ thù như ở Syria, thì tại Ukraina, “nơi lực lượng xâm lược tìm cách chiếm cứ các vùng lãnh thổ, điều cần phải có là những người lính cụ thể có khả năng chiếm đóng các vùng đất đó, và đây chính là yếu huyệt của quân đội Nga”.
Theo nhà nghiên cứu từ trường đại học Anh, những thành công của Quân Đội Ukraina ở Kiev và Kherson, nơi các lực lượng chiếm đóng đã bị đẩy lùi, minh họa cho điểm yếu này của Nga, và Matxcơva đã thất bại “vì vấn đề nhân lực và học thuyết không phù hợp với mục tiêu của cuộc chiến”.
Cố vấn an ninh Mỹ – Trung trao đổi “thẳng thắn” tại Luxembourg (RFI)
Hôm 13/06/2022, tại Luxembourg, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã gặp người đồng cấp Trung Cộng Dương Khiết Trì, ủy viên Bộ chính trị phụ trách đối ngoại của đảng Cộng Sản Trung Cộng. Theo Bắc Kinh và Washington, đôi bên đã có những cuộc trao đổi « thẳng thắn, thực chất và hiệu quả », vào lúc căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung gia tăng, nhất là trong vấn đề Đài Loan.
CNN cho biết, cuộc họp cấp cao này, không được thông báo trước, kéo dài bốn tiếng rưỡi đồng hồ. Đây có thể là bước chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình, rất có khả năng diễn ra trong tháng 07/2022.

Quan hệ Mỹ và Trung Cộng xuống cấp nghiêm trọng trong những năm gần đây do đôi bên có nhiều bất đồng trong các vấn đề nhân quyền, thương mại, đà bành trướng quân sự của Trung Cộng và nhất là trong hồ sơ Đài Loan, một lần nữa đã được đôi bên nhắc đến trong cuộc họp.
Theo AFP, ông Dương Khiết Trì thúc giục Mỹ tránh đưa ra những « phán xét sai lệch », những « ảo tưởng » và cảnh cáo : « Vấn đề Đài Loan tác động đến nền tảng chính trị quan hệ Mỹ – Trung, và nếu không được xử lý đúng đắn, hồ sơ này sẽ gây một tác động tai hại ».
Đáp lời người đồng cấp Trung Cộng, Jake Sullivan đã nhắc lại lập trường của Mỹ về chính sách một nước Trung Hoa duy nhất, cũng như « những quan điểm và mối quan ngại của Mỹ về các hành động mang tính cưỡng ép và hung hăng của Bắc Kinh tại eo biển Đài Loan. »
Theo AFP, cho dù đồng ý duy trì đối thoại, nhưng khi kết thúc phiên họp, cả hai cố vấn không cho biết là có đã đạt được đồng thuận về những điểm bất đồng chính giữa hai nước hay không. Theo một thông cáo do Tân Hoa Xã công bố, ông Dương Khiết Trì đã long trọng bày tỏ lập trường của Bắc Kinh về những vấn đề liên quan đến Tân Cương, Hồng Kông, Tây Tạng, Biển Đông, cũng như các vấn đề nhân quyền và tự do tín ngưỡng.
AFP nhắc lại những ngày gần đây Mỹ và Trung Cộng đã có những trao đổi gay gắt. Tại hội nghị an ninh Đối Thoại Shangri-La, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Cộng đã cảnh cáo Bắc Kinh không ngần ngại khởi động một cuộc chiến nếu như Đài Loan tuyên bố độc lập, trong khi đồng nhiệm Mỹ Lloyd Austin chỉ trích mạnh mẽ các hoạt động quân sự « khiêu khích và gây bất ổn định » của Bắc Kinh trong khu vực.
Đài Loan: Liệu Mỹ và Trung Cộng đang tiến tới cuộc chiến giành hòn đảo? (BBC)
Nhiều tuần sau khi Tổng thống Mỹ cảnh báo Trung Cộng về vấn đề Đài Loan, Bắc Kinh đã đưa ra bác bỏ quyết liệt nhất, nói rằng họ sẽ “kiên quyết đập tan bất kỳ nỗ lực nào” nhằm giành độc lập cho Đài Loan.
Hôm Chủ nhật, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Cộng Ngụy Phượng Hòa về cơ bản cáo buộc Mỹ ủng hộ nền độc lập của hòn đảo, nói rằng Mỹ “vi phạm lời hứa về Đài Loan” và “can thiệp” vào chuyện của Trung Cộng.
“Hãy để tôi làm rõ điều này: nếu bất cứ nước nào dám chia tách Đài Loan khỏi Trung Cộng, chúng tôi sẽ không ngần ngại chiến đấu. Chúng tôi sẽ chiến đấu bằng mọi giá và chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng. Đây là sự lựa chọn duy nhất cho Trung Cộng,” ông Ngụy Phượng Hòa nói tại Đối thoại Shangri-la, một hội nghị thượng đỉnh về an ninh châu Á được tổ chức tại Singapore.

Bình luận của ông Ngụy Phượng Hòa được đưa ra sau thông điệp gần đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhắn gửi Trung Cộng rằng nước này đang “đùa với lửa” bằng việc cho máy bay chiến đấu đến gần Đài Loan. Ông thề sẽ bảo vệ hòn đảo bằng quân đội nếu nó bị tấn công.
Đài Loan tự cho mình là quốc gia có chủ quyền nhưng bị Trung Cộng coi là tỉnh ly khai. Tuy nhiên, Đài Loan cũng coi Mỹ là đồng minh lớn nhất của mình và Washington có luật yêu cầu nước này giúp hòn đảo tự vệ.
Các luận điệu leo thang khi Trung Cộng liên tiếp cử các chiến đấu cơ vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan – đợt bay xuất kích lớn nhất trong năm của họ chỉ vào tháng trước – trong khi Mỹ đã điều tàu hải quân đi qua vùng biển của Đài Loan.
Vậy phải chăng Mỹ và Trung Cộng đang tiến tới một cuộc xung đột quân sự?
Cân nhắc kỹ những thiếu sót
Một nỗi lo sợ lớn nhất là liệu chiến tranh có nổ ra nếu Trung Cộng xâm lược Đài Loan. Trước đây, Bắc Kinh từng nói họ có thể giành lại hòn đảo này bằng vũ lực nếu cần thiết.
Nhưng hầu hết các nhà phân tích cho rằng điều này – hiện tại – là không có khả năng xảy ra.
Đã có cuộc tranh luận về việc liệu Trung Cộng có đủ khả năng quân sự để xâm lược thành công hay không, và Đài Loan đã tăng cường đáng kể hệ thống phòng thủ trên không và trên biển.
Nhưng nhiều ý kiến cho rằng Bắc Kinh nhận thấy một động thái như vậy là quá tốn kém và thảm khốc – không chỉ đối với Trung Cộng, mà còn đối với thế giới.
“Có rất nhiều luận điệu, nhưng người Trung Cộng phải cân nhắc kỹ những thiếu sót nếu muốn tiến hành một cuộc xâm lược Đài Loan, đặc biệt là quá giống với cuộc khủng hoảng Ukraine,” William Choong, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, cho biết.
Quan điểm nhất quán của Trung Cộng là tìm kiếm “sự thống nhất hòa bình” với Đài Loan – điều mà Tướng Ngụy Phượng Hòa nhắc lại vào Chủ nhật – và rằng Bắc Kinh sẽ chỉ hành động nếu đối mặt với sự khiêu khích.
Một hành động có thể châm ngòi là Đài Loan chính thức tuyên bố độc lập. Nhưng đây là điều mà Tổng thống Thái Anh Văn đã hết sức tránh, ngay cả khi bà khẳng định họ đã là một quốc gia có chủ quyền.
Hầu hết người Đài Loan ủng hộ lập trường này, vốn được gọi là “duy trì hiện trạng”, dù một vài người ngày càng nhấn mạnh rằng họ muốn tiến tới độc lập.
Tương tự, Mỹ sẽ miễn cưỡng bị kéo vào một cuộc xung đột quân sự tốn kém ở châu Á, và Mỹ đã nhiều lần ra tín hiệu rằng họ không muốn chiến tranh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, người cũng tham dự Đối thoại, phát biểu rằng Mỹ không ủng hộ Đài Loan độc lập, cũng như không muốn “một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”.
“Đôi bên đều kiên định lập trường về Đài Loan. Họ cần trông cứng rắn, họ không muốn bị coi là thụt lại hay lùi bước,” Collin Koh, nghiên cứu viên của Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam, nói
“Nhưng đồng thời họ cũng rất lưu tâm về việc nhảy vào một cuộc xung đột toàn diện. Họ đang chăm chú lắng nghe luận điệu của nhau, và cả hai bên đều đang gắng sức kiềm chế rủi ro.”
Việc cả Tướng Ngụy Phượng Hòa và ông Austin gặp nhau bên lề Đối thoại Shangri-la là một dấu hiệu tích cực, vì điều đó có nghĩa là cả hai bên đều muốn thể hiện rằng “họ vẫn sẵn lòng ngồi xuống đối thoại, đi đến thống nhất, và hòa giải khác biệt,” ông Koh nói.
Đối thoại Shangri-La: Các nước bàn về Ukraine, Đài Loan (BBC)
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, phát biểu qua mạng với Đối thoại Shangri-La ở Singapore, tuyên bố kết quả của cuộc chiến ở Ukraine sẽ ảnh hưởng đến cả thế giới.
“Tôi biết ơn sự hỗ trợ của các bạn … nhưng sự hỗ trợ này không chỉ dành cho Ukraine, mà còn cho cả các bạn”, ông nói.
“Chính trên các chiến trường của Ukraine, các quy tắc tương lai của thế giới này đang được quyết định.”

Ông nói rằng Nga đang phong tỏa các cảng ở Biển Đen và Biển Azov, khiến xuất khẩu thực phẩm của Ukraine không thể đến với thị trường thế giới.
Ông nói: “Nếu do sự phong tỏa của Nga mà chúng tôi không thể xuất khẩu thực phẩm, thế giới sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng.”
Phát biểu trước 575 đại biểu đến từ 40 quốc gia, Zelenskiy nói quân đội của ông không có tham vọng tiến vào lãnh thổ Nga.
“Xin hãy nhớ rằng chiến tranh đang được tiến hành trên đất của chúng tôi. Người dân Ukraine đang chết dần.”
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Cộng và Mỹ trao đổi
Tại Singapore ngày 10/6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Cộng Ngụy Phượng Hòa đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.
Phía Trung Cộng thông báo ông Ngụy Phượng Hòa đã tái khẳng định lập trường “kiên định” của Trung Cộng trên vấn đề Đài Loan.
Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa nhấn mạnh “nếu có ai dám chia cắt Đài Loan khỏi Trung Cộng, quân đội Trung Cộng chắc chắn sẽ không ngần ngại bắt đầu một cuộc chiến, không tiếc mọi giá, kiên quyết đập tan bất kỳ âm mưu nào nhằm chia cắt Đài Loan“.
Về Biển Đông, Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa nói với người đồng cấp Mỹ rằng “thế lực ngoài khu vực nhúng tay vào mới là nhân tố lớn nhất phá hoại ổn định khu vực Nam Hải”, theo thông báo của Trung Cộng cho báo chí.
Đối thoại Shangri-La còn được biết đến với tên gọi Hội nghị cấp cao an ninh khu vực châu Á.
Hội nghị lần thứ 19 do Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh tổ chức, diễn ra từ ngày 10 đến 12/6 tại Singapore.
Năm nước vực dậy hiệp ước an ninh 1971 giữa mối đe dọa từ Trung Cộng (VOA)
Anh và bốn nước thành viên châu Á trong Khối thịnh vượng chung vừa công bố nỗ lực mở rộng và tái tạo sức mạnh cho Thỏa thuận Phòng thủ Năm cường quốc (FPDA), một loạt thỏa thuận tương trợ bao gồm Anh, Malaysia, Singapore, New Zealand và Úc.

Về cốt lõi, hiệp ước buộc các thành viên phải tham khảo ý kiến của nhau trong trường hợp có mối đe dọa tấn công vũ trang đối với bất kỳ thành viên nào trong FPDA và cùng nhau quyết định các biện pháp, chung hoặc riêng. Không có nghĩa vụ cụ thể nào để can thiệp quân sự.
Hiệp ước được thành lập vào năm 1971, sau khi Vương quốc Anh chấm dứt bảo đảm quốc phòng cho Malaya.
Bộ Quốc phòng Singapore cho hay tại cuộc họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng 5 nước vừa kể bên lề ba ngày Đối thoại Shangri-La vừa kết thúc tại Singapore hôm 12/6, Bộ trưởng 5 nước đã thảo luận về các cách thức để tăng cường hợp tác hiện có trong các lĩnh vực qui ước cũng như trong các lĩnh vực phi qui ước và mới nổi, để đảm bảo rằng FPDA vẫn phù hợp trong việc giải quyết các thách thức an ninh đương đại.
Vẫn theo nguồn tin này, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Malaysia, Singapore, New Zealand và Úc cũng thảo luận về vai trò quan trọng của FPDA trong việc xây dựng lòng tin, thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và cung cấp sự trấn an trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Bộ trưởng cấp cao của Malaysia về Quốc phòng, Hishammuddin Hussein, cho biết tại cuộc họp rằng “mối quan tâm lớn nhất của ông là các sự cố và tai nạn ngoài ý muốn có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và biến thành lớn chuyện.”
Mặc dù ông không đề cập đến tên của bất kỳ quốc gia nào nhưng những mối đe dọa an ninh tức thời nhất trong khu vực bao gồm một cuộc tấn công của Trung Quốc có thể xảy ra nhắm vào Đài Loan và một tai nạn liên quan đến phi đạn hạt nhân của Triều Tiên.
“Nếu các nền tảng này [chẳng hạn như FPDA] không tồn tại, sẽ không có bất kỳ cơ hội nào để quản lý các sự cố đôi khi vượt quá tầm kiểm soát”, ông Hussein nói.
Ngoài ông Hussein, những người tham dự cuộc họp còn có Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Úc Richard Marles, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Peeni Henare và Cao ủy Anh tại Singapore Kara Owen. Cả năm người đều tái khẳng định cam kết của họ với FPDA.
Các đảo quốc Thái Bình Dương từ chối thỏa thuận an ninh chung với Trung Cộng (RFI)
Theo AFP, Hội nghị các ngoại trưởng Trung Cộng và 10 đảo quốc trong Thái Bình Dương tại Fidji hôm 30/05/2022 đánh dấu thất bại ngoại giao của Bắc Kinh. Các đảo quốc trong Thái Bình Dương đã bác bỏ đề xuất hiệp định an ninh chung với Bắc Kinh, trong cuộc họp tại Suva, thủ đô của quần đảo Fidji, hôm 30/05/2022 vì e ngại sẽ bị lôi kéo vào quỹ đạo của Trung Cộng.
Nhằm trực tiếp vào ảnh hưởng của Hoa Kỳ và các đồng minh trong vùng biển chiến lược này, Trung Cộng đã đề nghị với các đảo quốc nhỏ trong vùng ký một thỏa thuận quy mô lớn, theo đó Bắc Kinh sẽ giúp các quốc đảo Thái Bình Dương đào tạo lực lượng cảnh sát, hỗ trợ an ninh mạng, mở rộng các quan hệ chính trị, tiến hành lập bản đồ các vùng đáy biển giúp các nước tiếp cận tốt hơn nguồn tài nguyên biển cũng như trên đất liền.
Để thuyết phục các nước trong khu vực, Bắc Kinh đề nghị khoản viện trợ nhiều triệu đô la và viễn cảnh một hiệp định tự do mậu dịch để các quốc gia nhỏ bé này có thể tiếp cận thị trường 1,4 tỷ người Trung Cộng.
Tuy nhiên, trong hậu trường của hội nghị, lãnh đạo các nước trong vùng Thái Bình Dương tỏ lo lắng về những đề nghị viện trợ của Bắc Kinh. Trong một thư gửi các đồng nhiệm trong vùng, tổng thống quần đảo Micronesie, ông David Panuelo đã cảnh báo sự giúp đỡ không hề thiện tâm của Bắc Kinh sẽ chỉ giúp cho Trung Cộng gây ảnh hưởng với chính phủ và kiểm soát kinh tế của các nước.
Tại hội nghị hôm nay, bên cạnh Micronesie, đại diện Papuasia-New Guine và quần đảo Samoa cũng tỏ e ngại về những đề xuất thỏa thuận ở quy mô khu vực của Bắc Kinh.
Các quan chức Trung Cộng tham gia hội nghị cũng thừa nhận đã không thuyết phục được các nước ký một thỏa thuận chung.
Tin Việt Nam.
Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách giám sát ngoại hối
Ngày 13/6, Ngân Hàng Nhà Nước cho biết, Bộ Tài chính Hoa Kỳ từ hôm 11/6 đã quyết định đưa Việt Nam trở lại “danh sách giám sát” về các chính sách ngoại hối, do không còn đáp ứng cả 3 tiêu chí, gồm: thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.
Theo đó, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa 12 nền kinh tế vào Danh sách giám sát, bao gồm: Trung cộng, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ấn Độ, Sing-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Mê-hi-cô, Việt Nam và Đài Loan. Thuỵ Sĩ là nền kinh tế duy nhất đáp ứng cả 3 tiêu chí và Bộ Tài chính Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện tiếp xúc nâng cao với Ngân hàng trung ương Thuỵ Sĩ.
Trong khi đó, Việt Nam và Đài Loan, do không còn đáp ứng cả 3 tiêu chí, nên Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa trở lại Danh sách giám sát.
Báo CSVN lờ chuyện Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ thúc giục nhân quyền
Ngày Thứ Ba 14 Tháng Sáu, rất nhiều báo chính thống tại Việt Nam đưa tin về cuộc tiếp xúc một ngày trước đó giữa bà Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman với Thứ trưởng Ngoại giao CSVN Hà Kim Ngọc. Trong đó tuyền thông lề phải đã tảng lờ không tường thuật việc bà Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ thúc giục CSVN cải thiện nhân quyền.

Các bản tin đó được “giật tít” với nội dung tương tự như một giàn loa phường “Thúc đẩy chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden trong năm 2022”. Hay “Việt Nam hy vọng được đón tiếp Tổng thống Biden trong năm nay” với chủ đích thổi phồng vị thế địa chính trị của Việt Nam đối với Mỹ cũng như thế giới.
Các bản tin này đều khai thác lời ông Hà Kim Ngọc nói với bà Wendy Sherman là ông “đề nghị người đồng cấp Mỹ phối hợp thúc đẩy chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden trong năm 2022.” Hoặc là “đề nghị Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman phối hợp thúc đẩy chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden trong năm 2022.”
TNLT Phạm Chí Dũng phản đối trại giam không chữa trị y tế cho bạn tù
Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam Phạm Chí Dũng, người đang thụ án 15 năm tù tại Trại giam Xuân Lộc với tội danh “phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước” từ chối nhận thức ăn của trại giam để phản đối việc giám thị từ chối cung cấp dịch vụ y tế cho một số tù nhân lương tâm (TNLT) khác.

TNLT Huỳnh Đức Thanh Bình, người đang thụ án tù 10 năm trong trại giam này và ở buồng giam sát với ông Dũng cho mẹ mình là bà Nguyễn Thị Huệ biết thông tin trên, trong buổi thăm gặp ngày 14/6.
Lý do mà ông Phạm Chí Dũng không nhận thực phẩm của trại giam ở tỉnh Đồng Nai được cho là để phản đối việc nhiều tù nhân chính trị bị giam ở đây bị đau răng khiến ăn uống khó khăn và khuôn mặt bị sưng đỏ, sức khoẻ suy kém nhưng không được chăm sóc y tế.
Nhân quyền LHQ đòi CSVN trả tự do tức khắc cho ông Châu Văn Khảm
Nhóm công tác Chống bắt người Tùy tiện thuộc Ủy ban Nhân quyền LHQ đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN trả tự do tức khắc cho ông Châu Văn Khảm.

Trong một bản ý kiến dài 16 trang, Nhóm công tác kể trên phổ biến mới đây trên trang mạng của Ủy ban Nhân quyền LHQ lời đòi hỏi như vậy sau khi trình bày các khía cạnh về việc ông Châu Văn Khảm, một công dân Úc gốc Việt Nam, bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt giam tùy tiện rồi kết án 12 năm tù ở Sài Gòn ngày 11 Tháng Mười Một 2019.
Bản ý kiến về trường hợp bắt bỏ tù ông Châu Văn Khảm liệt kê ra các dẫn chứng cụ thể chứng tỏ CSVN làm trái ngược với nhiều điều khoản của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền cũng như Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà CSVN đã đặt bút ký cam kết tôn trọng. Ông Khảm đã bị bắt giam “tùy tiện” cũng như không theo các trình tự pháp lý như luật pháp của chế độ xác nhân.
Anh Quốc điều tra khoản tài trợ của tỷ phú Phương Thảo
BBC ngày 15/6 cho biết, Chính phủ Anh đang điều tra một khoản tài trợ trị giá 155 triệu bảng Anh cho một trường trực thuộc Đại học Oxford từ một công ty Việt Nam, BBC News tiếng Anh đưa tin.
Các mối quan ngại đã được Dân Biểu Juluan Lewis nêu ra tại Hạ viện Anh. Vì thế Quốc vụ khanh phụ trách mảng đại học Vương quốc Anh Michelle Donelan nói với các dân biểu rằng, mới đây được “cảnh báo” về khoản tài trợ này, nên bà đang “tích cực điều tra” vấn đề này và sẽ cung cấp thông tin cập nhật trong vòng vài ngày nữa.
Dân biểu Julian Lewis được báo The Telegraph dẫn lời rằng, không thể nào có “các công ty thực sự độc lập hoạt động trong các nước Cộng sản độc đoán”.
Dân biểu Lewis, hiện là chủ tịch Ủy ban Tình báo và An ninh nhưng nói thêm với tư cách cá nhân với báo này rằng: “Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các chế độ Cộng sản đã thành công hơn rất nhiều trong việc khuynh đảo các xã hội phương Tây bằng cách sử dụng những khoản tiền khổng lồ để luồn sâu vào vị thế kiểm soát.”
Tháng 11 năm 2021 Trường Linacre – đào tạo sau đại học, trực thuộc Đại học Oxford của Anh đã đồng ý nhận khoản tài trợ mang tính “chuyển biến” trị giá 155 triệu bảng Anh từ một tập đoàn Việt Nam – SOVICO, do bà Nguyễn Thị Phương Thảo làm chủ tịch.
Việc đổi tên – cần được Hội đồng Cơ mật (Privy Council) thông qua – là để vinh danh bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn SOVICO, Tổng giám đốc VietJet Air và là Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng HDBank.
Công nhân đình công ít được đưa tin tại Việt Nam

Cuối tuần qua, bản tin điện tử của Đài VOV cho hay tại tỉnh bình Dương, từ đầu năm 2022 đến nay đã xảy ra 18 vụ đình công tại địa phương. Hầu hết đều xảy ra tại các xí nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Hiếm hoi những vụ đình công vừa kể được báo chí địa phương theo dõi và đưa tin.
Để tránh né sự “nhậy cảm” chính trị, đài VOV không gọi đó là các vụ đình công mà gọi là “tranh chấp lao động tập thể”. Số người tham gia vào các vụ đình công đó thấy được nói khoảng 10,700 người và xảy ra phần lớn tại các xí nghiệp sản xuất đồ gỗ với 9 vụ đình công. VOV còn nói rằng các vụ “tranh chấp lao động tập thể” đang “có xu hướng tăng”.
Nguồn tin trên đổ vạ cho các vụ đình công “có xu hướng tăng” do “hành vi vi phạm pháp luật” của cả giới chủ nhân cũng như giới công nhân.
Việt Nam ghi nhận 52 ngàn ca sốt xuất huyết, 29 tử vong
Số ca mắc sốt xuất huyết ở Việt Nam đang tăng lên từng ngày và chưa có xu hướng giảm. Đã có 52.200 trường hợp mắc sốt xuất huyết tính đến ngày 12/6, trong đó có 29 trường hợp tử vong.

Bộ Y tế cho biết số liệu vừa nêu và cảnh báo hiện đang là cao điểm của mùa dịch, số ca mắc liên tục tăng tại nhiều tỉnh, thành trong những tuần gần đây, dự báo thời gian tới số ca mắc tiếp tục tăng và có thể bùng phát trên một quy mô lớn, nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.
Các chuyên gia dự báo dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát vào tháng 6 và tháng 7 năm 2022. Theo GS.TS Phan Trọng Lân- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, sốt xuất huyết trở thành dịch khi mất cân bằng giữa ba yếu tố gồm, tác nhân gây bệnh là vi-rút Dengue; muỗi và con người. (RFA)