Tin Thế Giới.
Lần thứ 2 thăm Kiev, thủ tướng Anh Boris Johnson đề nghị “huấn luyện cho quân đội Ukraina” (RFI)
Ngày 17/06/2022, thủ tướng Anh đã bất ngờ tới thăm Kiev. Trong chuyến đi tới Ukraina lần thứ 2 kể từ đầu cuộc xâm lược của Nga, ông Boris Johnson đã đề xuất với tổng thống Zelensky một « chương trình huấn luyện » cho quân đội Ukraina.

Tại Kiev, ông Boris Johnson đã gặp lại tổng thống Volodymyr Zelensky lần thứ 2 kể từ đầu cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraina hôm 24/02. Theo một thông cáo của chính phủ Anh, thủ tướng Boris Johnson đã « đề xuất mở một chương trình huấn luyện lớn cho quân đội Ukraina, có khả năng cứ 120 ngày đào tạo được 10 nghìn binh sĩ ».
Thông cáo trích dẫn tuyên bố của thủ tướng Anh : « Chuyến thăm của tôi hôm nay, giữa chiến tranh, nhằm gửi một thông điệp rõ ràng và giản dị với người dân Ukraina là Vương Quốc Anh đang đồng hành cùng với các bạn và sẽ cùng với các bạn cho đến chiến thắng ».
Về phần mình tổng thống Zelensky phát biểu : « Đã nhiều lần, Anh Quốc chứng minh sự ủng hộ Ukraina là mạnh mẽ và kiên quyết. Tôi vui mừng có người bạn lớn của đất nước chúng ta, Broris Johnson, trở lại Kiev ».
Ông Boris Johnson trở lại thăm Kiev, đúng một ngày sau chuyến thăm cũng khá bất ngờ của lãnh đạo các nước EU, Pháp, Đức Ý và Rumani. Các lãnh đạo trên cũng như Ủy Ban Châu Âu đã nhất trí ủng hộ Ukraina được hưởng quy chế ứng viên gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, một tiến triển giúp Kiev có thêm hy vọng sớm được gia nhập Liên Âu.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu: ‘Nga chặn ngũ cốc Ukraine là phạm tội ác chiến tranh’ (VOA)
Nga chặn xuất khẩu hàng triệu tấn ngũ cốc của Ukraine là phạm tội ác chiến tranh, lãnh đạo chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu nói hôm 20/6 khi các bộ trưởng ngoại giao EU họp để thảo luận về cách thức giải phóng nông sản trong bối cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Ukraine là một trong những nước sản xuất lúa mì hàng đầu thế giới, nhưng các lô hàng của họ đã bị đình trệ và hơn 20 triệu tấn ngũ cốc đã kẹt trong các kho chứa kể từ khi Nga xua quân vào xâm lược hồi tháng 2 và ngay sau đó phong tỏa các cảng của Ukraine.
Nga phủ nhận trách nhiệm về cuộc khủng hoảng lương thực, đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow đã khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt. Liên Hợp Quốc cảnh báo về nạn đói ở các nước nghèo vốn phụ thuộc nhiều vào ngũ cốc nhập khẩu.
Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell kêu gọi Nga mở các tuyến hàng hải trên Biển Đen vốn rất quan trọng trong việc xuất khẩu một lượng lớn hơn ngũ cốc Ukraine.
“Người ta không thể tưởng tượng hàng triệu tấn lúa mì vẫn bị chặn ở Ukraine trong khi ở phần còn lại của thế giới, người dân đang đói,” ông nói với báo giới khi ông đến tham dự cuộc họp ở Luxembourg. “Đây là tội ác chiến tranh thực sự.”
EU ủng hộ những nỗ lực của Liên Hợp Quốc để làm trung gian một thỏa thuận nối lại xuất khẩu đường biển của Ukraine để đổi lấy việc tạo điều kiện xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga, nhưng điều đó sẽ cần được Moscow bật đèn xanh.
Kyiv đã thu hoạch con số kỷ lục 84 triệu tấn ngũ cốc vào năm 2021, tăng từ 65 triệu tấn hồi năm 2020.
Năm nay, nông dân đã gieo trồng 14,2 triệu ha ngũ cốc mùa xuân, giảm so với 16,9 triệu ha vào năm 2021 do cuộc xâm lược của Nga, theo Bộ Nông nghiệp Ukraine.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết Berlin ủng hộ Ba Lan và Romania điều chỉnh tuyến đường sắt của họ để tạo điều kiện xuất khẩu ngũ cốc bằng đường bộ.
“Rõ ràng là cuối cùng chúng ta chắc chắn sẽ không đưa được toàn bộ ngũ cốc mắc kẹt ra khỏi Ukraine, nhưng nếu chúng ta chỉ cần giải phóng được phần nào, bằng các con đường khác nhau, thì điều này sẽ có ích khi chúng ta đang đối mặt thách thức toàn cầu,” bà Baerbock nói với các phóng viên ở Luxembourg.
Nga cảnh cáo Lithuania về việc chặn tuyến vận tải đường sắt tới Kaliningrad (BBC).
Nga đã cảnh cáo Lithuania về những hậu quả “nghiêm trọng” sau khi nước này cấm vận chuyển một số hàng hóa bằng đường hỏa xa đến vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga.

Nga “chắc chắn sẽ đáp trả những hành động thù địch như vậy”, quan chức an ninh cấp cao Nikolai Patrushev nói.
Lithuania cho biết họ chỉ tuân theo các lệnh trừng phạt của EU đối với cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine.
Kaliningrad – khu vực chiến lược nơi Hạm đội Baltic của Nga đồn trú – không có biên giới với lục địa Nga. Vùng lãnh thổ phía tây được sáp nhập từ Đức vào năm 1945, sau Thế Chiến II, và giáp với các thành viên EU và Nato là Lithuania và Ba Lan.
Khu vực này chủ yếu dựa vào vận chuyển đường sắt, quá cảnh qua Lithuania.
Sau khi Litva (Lithuania) quyết định hạn chế một số mặt hàng quá cảnh qua lãnh thổ của họ để vào Kaliningrad, vào hôm qua, 20/06/2022, Nga đã đe dọa trừng phạt Litva. Liên Hiệp Châu Âu lập tức lên tiếng ủng hộ thành viên của mình.
Phát biểu tại Bruxelles, ông Josep Borrell, lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Âu, cho rằng Litva không hề đơn phương hành động chống Nga, mà chỉ áp dụng các biện pháp trừng phạt của châu Âu khi quyết định cấm vận chuyển một số hàng hóa đến khu vực Kaliningrad của Nga.
Bắc Kinh hạ thủy hàng không mẫu hạm thứ ba trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung (RFI)
Hải Quân Trung Cộng vừa có thêm một hàng không mẫu hạm thứ ba hiện đại hơn nhiều so với hai chiếc Liêu Ninh và Sơn Đông. Ngày 17/06/2022, chiếc hàng không mẫu hạm Phúc Kiến đã được hạ thủy ngoài khơi Thượng Hải. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washignton trên vấn đề Đài Loan, mà tới nay Trung Cộng vẫn xem là một phần lãnh thổ của Hoa Lục.

Hàng không mẫu hạm Phúc Kiến hoàn toàn do Trung Cộng thiết kế và tự đóng. Tàu được trang bị công nghệ tối tân như hệ thống phóng máy bay được cho là gần ngang tầm với công nghệ của Mỹ. Hàng không mẫu hạm mới của Trung Cộng có khả năng phóng đi nhiều máy bay hơn, và phóng những máy bay lớn hơn, mang theo nhiều vũ khí hơn so với tàu Liêu Ninh hay Sơn Đông. Sau lễ hạ thủy, hàng không mẫu hạm Phúc Kiến sẽ còn mất nhiều năm mới có thể đi vào hoạt động.
Trong tương lai, hàng không mẫu hạm Phúc Kiến sẽ tăng cường đáng kể khả năng răn đe và tác chiến ngoài lãnh thổ Trung Cộng. Bắc Kinh đã mất hơn một chục năm để cải tạo Liêu Ninh, hàng không mẫu hạm đầu tiên mua lại của Ukraina và đã cần đến hai năm từ khi hạ thủy Sơn Đông cho đến khi có thể điều chiếc hàng không mẫu hạm này tham gia các cuộc tập trận đầu tiên và tham gia các chiến dịch xa bờ.
Vẫn AFP cho rằng lễ hạ thủy hàng không mẫu hạm Phúc Kiến diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục cảnh cáo trước mọi ý đồ độc lập của Đài Loan. Đây cũng là một “tín hiệu mạnh mà Trung Cộng nhắm gửi tới Hoa Kỳ”, điểm tựa về an ninh của Đài Bắc, đến chính quyền của tổng thống Thái Anh Văn và cả các quốc gia trong vùng Biển Đông, cũng như Biển Hoa Đông. Chuyên gia về Trung Cộng Collin Koh đại học công nghệ Nanyang – Singapore đánh giá, với một chiếc hàng không mẫu hạm hiện đại như Phúc Kiến, Trung Cộng càng gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực, từ Nhật Bản đến Philippines hay Việt Nam, bởi “khi cần, ít nhất Bắc Kinh có thể huy động tức thời một hàng không mẫu hạm, có thể can thiệp xa bờ khi xảy ra chiến tranh”.
Dù vậy với ba chiếc hàng không mẫu hạm – mà hai đang vận hành, Trung Cộng vẫn còn bị Hoa Kỳ bỏ xa. Mỹ hiện có 11 chiếc hàng không mẫu hạm đang hoạt động, Anh Quốc cũng có hai chiếc. Pháp, Nga, Ý, Ấn Độ và Thái Lan, mỗi quốc gia có một hàng không mẫu hạm.
Mỹ và Úc nỗ lực chống các sáng kiến của Trung Cộng tại Nam Thái Bình Dương (RFI)
Nam Thái Bình Dương đang dần trở thành một mặt trận cạnh tranh gay gắt giữa Trung Cộng và phương Tây, đứng đầu là Mỹ. Tân ngoại trưởng Úc Penny Wong, hôm qua, 17/06/2022, đã đến thăm quần đảo Salomon, trong khi Mỹ và quần đảo Marshall khởi động vòng đàm phán triển hạn một thỏa thuận an ninh và kinh tế.
Tại thủ đô Honiara, sau cuộc gặp thủ tướng Manassah Sogavare, tân ngoại trưởng Úc Penny Wong cam kết rằng các đảo quốc Nam Thái Bình Dương sẽ không phải dựa vào bất kỳ sự trợ giúp nào từ bên ngoài để phòng vệ. Theo bà, « gia đình Thái Bình Dương thừa khả năng cung cấp an ninh (…) và Úc luôn nghĩ rằng gia đình Thái Bình Dương phải có trách nhiệm về an ninh của mình. »
Trước mối lo của Úc về khả năng có căn cứ quân sự Trung Cộng trên đảo, thủ tướng Sogavare trấn an rằng “sẽ không có căn cứ quân sự cũng như không có căn cứ quân sự thường trực trên quần đảo Salomon”, chỉ cách nước Úc chưa đầy 2.000km.
Trong khi đó, Hoa Kỳ và quần đảo Marshall trong tuần đã bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên nhằm đạt được một thỏa thuận an ninh – kinh tế vào cuối tháng 9/2022. AFP cho biết, trên thực tế giữa Washington và Majuro đã có một thỏa thuận tài trợ 20 năm, sắp hết hạn vào cuối năm 2023.
Với chỉ có 60.000 dân, 40% ngân sách của đảo quốc có chủ quyền này lại phụ thuộc vào Mỹ. Đổi lại, Hoa Kỳ có thể thiết lập các cơ sở quân sự quan trọng về mặt chiến lược – từ các bệ phóng hỏa tiễn cho đến các cơ sở hải quân. Các thỏa thuận tương tự cũng sẽ được gia hạn với Liên bang Micronesia và Palau.
Thời gian gần đây, Trung Cộng và Úc đua nhau ve vãn các nước Nam Thái Bình Dương. Tân thủ tướng Úc ngay khi vừa nhậm chức hồi cuối tháng 5/2022, Penny Wong đã đến thăm Nhật Bản, quần đảo Fidji, Samoa và New Zealand.
Cùng lúc ngoại trưởng Trung Cộng Vương Nghị thực hiện một vòng công du trong khu vực để xúc tiến một dự án thỏa thuận rộng lớn về an ninh và kinh tế khu vực do Bắc Kinh đề xướng, nhưng đã bị đại diện 10 nước Nam Thái Bình Dương bác bỏ ngày 30/05/2022.
Nam Hàn phóng thành công hỏa tiễn vũ trụ, đưa vệ tinh lên quỹ đạo (VOA)
Các quan chức Nam Hàn cho biết vụ phóng thử thứ hai đối với hỏa tiễn Nuri được sản xuất trong nước đã đưa thành công một số vệ tinh vào quỹ đạo hôm 21/6, thực hiện một bước quan trọng trong nỗ lực khởi động chương trình không gian của nước này sau vụ thử đầu tiên thất bại vào năm ngoái, theo Reuters.
Hỏa tiễn được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Naro trên bờ biển miền nam Nam Hàn lúc 4 giờ chiều hôm 21/6. Các quan chức cho biết một vệ tinh nặng 162,5 kg (358 lb) – được thiết kế để xác minh hoạt động của chính hỏa tiễn đẩy – đã liên lạc thành công với một trạm cơ sở ở Nam Cực sau khi đi vào quỹ đạo.
Hỏa tiễn cũng đưa vào quỹ đạo thành công một vệ tinh giả nặng 1,3 tấn và 4 vệ tinh hình khối nhỏ do các trường đại học phát triển để nghiên cứu.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Thông tin Lee Jong-ho phát biểu tại cuộc họp báo: “Bầu trời của vũ trụ Nam Hàn giờ đây đang rộng mở”. Ông nói thêm: “Khoa học và công nghệ của chúng ta đã có những bước tiến dài”.
Hỏa tiễn KSLV-II Nuri ba tầng, do Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Nam Hàn (KARI) thiết kế, là nền tảng cho tham vọng của đất nước với mục tiêu nhắm đến mạng 6G, vệ tinh do thám và thậm chí cả tàu thăm dò Mặt Trăng.
Mỹ chấp thuận bán linh kiện cho Đài Loan bảo trì tàu chiến (VOA)
Hoa Kỳ đồng ý cho bán các linh kiện có thể trị giá 120 triệu đô la, giúp Đài Loan bảo trì tàu chiến của họ. Bộ Quốc phòng Đài Loan nói việc này sẽ giúp họ đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu khi đối mặt với “các hoạt động thường xuyên” của Trung Cộng gần hòn đảo.

Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết đã gửi chứng nhận cần thiết để thông báo cho Quốc hội sau khi Bộ Ngoại giao chấp thuận việc mua bán này, theo yêu cầu của đại sứ quán Đài Loan trên thực tế ở Washington.
Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Hoa Kỳ nói việc bán hàng bao gồm các phụ tùng thay thế và sửa chữa cho tàu và các hệ thống tàu, hỗ trợ kỹ thuật hậu cần.
Cơ quan này cho biết trong một tuyên bố: “Thương vụ đề nghị sẽ góp phần duy trì hạm đội tàu của bên nhận, tăng cường khả năng đối phó với các mối đe dọa hiện tại và tương lai”, đồng thời cho biết thêm rằng các linh kiện này sẽ có nguồn gốc từ “các nhà cung cấp Hải quân Hoa Kỳ đã được phê duyệt và/hoặc trong kho của Hải quân Hoa Kỳ.”
Bộ Quốc phòng Đài Loan ngày 9/6 nói thỏa thuận này dự kiến sẽ có hiệu lực trong vòng một tháng, đồng thời bày tỏ cảm kích Washington vì đã hỗ trợ Đài Loan tự vệ.
“Xét về các hoạt động thường xuyên gần đây của tàu chiến Trung Cộng trên vùng biển và không phận xung quanh chúng tôi, các linh kiện tàu mà Hoa Kỳ đồng ý bán sẽ giúp duy trì trang thiết bị và mức tiêu thụ thích hợp của tàu hải quân của chúng tôi và đáp ứng nhu cầu thực tế của nhiệm vụ sẵn sàng tác chiến,” bộ nói.
Không bên nào cho biết chi tiết về các linh kiện mà Đài Loan sẽ nhận.
Hầu hết các tàu chiến chủ lực của Đài Loan là do Hoa Kỳ sản xuất hoặc thiết kế.
Tổng thống Indonesia sẽ gặp Tổng thống Putin trong tháng này (VOA).
Tổng thống Indonesia đồng thời là đương kim Chủ tịch nhóm G-20, ông Joko Widodo, sẽ đến thăm Moscow vào cuối tháng này để hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, hãng thông tấn nhà nước Indonesia dẫn lời Bộ trưởng An ninh nước này cho biết, theo Reuters.
Các cuộc họp năm nay của nhóm G-20 đã bị u ám bởi cuộc chiến ở Ukraine, trong đó Indonesia đang vật lộn để duy trì sự đoàn kết của nhóm khi một số nước phương Tây đe dọa tẩy chay hội nghị thượng đỉnh này và thúc đẩy loại trừ Nga.
Hãng thông tấn Antara đưa tin rằng nhà lãnh đạo Indonesia, còn được biết với cái tên là Jokowi, dự kiến gặp ông Putin vào ngày 30/6. “Vâng, đó là chương trình nghị sự của tổng thống”, Bộ trưởng An ninh điều phối Mahfud MD nói với các phóng viên tại dinh tổng thống hôm 20/6.
Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS cũng xác nhận cuộc gặp này trong một bản tin vào tuần trước, trích dẫn một nguồn tin của Điện Kremlin.
Ông Jokowi sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm G-7 tại Đức diễn ra vào ngày 26-28/6 trước khi tới Moscow, với một điểm dừng ở Ukraine cũng đang được xem xét, theo bản tin của truyền thông Indonesia.
Tin Việt Nam.
Việt Nam lại tăng giá xăng, dầu
Từ hôm 21/6/2022, giá xăng RON 95 tại Việt Nam đã gần chạm ngưỡng 33 ngàn đồng 1 lít, xăng E5 RON 92 cũng tăng thêm 190 đồng lên 31.300 đồng một lít.

Giá dầu còn tăng mạnh hơn giá xăng. Dầu diesel tăng mạnh nhất – với mức tăng 990 đồng – lên 30.010 đồng một lít, còn dầu hỏa lên mức 28.780 đồng một lít, tăng 950 đồng.
Như vậy, sau 7 lần tăng giá liên tiếp kể từ ngày 21/4, mỗi lít xăng RON 95-III ở Việt Nam đã tăng thêm 5.560, tương đương gần 17%; trong khi mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng thêm 4.830 đồng, tương đương trên 15%.
Bộ Tài chính cho biết, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc Hội chấp thuận từ tháng 7/2022 giảm thuế bảo vệ môi trường trên xăng dầu ở mức tối đa 1.000 đồng mỗi lít, xuống tới 300 đồng mỗi lít, tùy theo loại xăng dầu, thì giá mới rẻ hơn trong 4 tháng cuối năm, kể từ ngày 1/8/2022.
Việt-Nga thảo luận các dự án khí đốt mới giữa chế tài của phương Tây
Hãng tin Interfax cho hay, Nga và Việt Nam đã thảo luận về các dự án hợp tác tiềm năng mới về khí đốt từ hôm 17/6 mới đây.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak được Interfax trích lời nói với các phóng viên bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg hôm 17/6 nói rằng: “Trong cuộc gặp với phía Việt Nam, chúng tôi đã thảo luận các dự án hợp tác tiềm năng do các công ty của chúng tôi triển khai”.
Nga tuyên bố Việt Nam có thể tham gia vào các dự án sản xuất khí đốt ở nước này và có thể cung cấp dầu cho quốc gia Đông Nam Á trong lúc Moscow đang chịu các chế tài của phương Tây do tiến hành cuộc xâm lược ở Ukraine trong gần 4 tháng qua.
Kể từ khi Nga bị Mỹ và các nước phương Tây cô lập về cả kinh tế và ngoại giao do khởi động cuộc chiến tranh ở Ukraine từ cuối tháng 2 đến nay, Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn tiếp tục có mối quan hệ thân thiết và hợp tác với Nga.
Cựu đại úy công an Lê Chí Thành nhận thêm 3 năm tù vì ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’
Sáng 22/6, tòa án nhân dân huyện Hàm Tân, Bình Thuận vừa xét xử cựu đại úy công an Lê Chí Thành với tội danh “Lợi dụng quyền tự do dân chủ”.
Trước đó, ngày 13/4, TAND TP.HCM đã tuyên y án đối với ông Lê Chí Thành 2 năm tù về tội “chống người thi hành công vụ”.

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa của ông Lê Chí Thành nói với BBC tòa đã tuyên mức hình phạt 3 năm tù giam về tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015.
Sáng 22/6, tòa án nhân dân huyện Hàm Tân dành thời gian để thực hiện các thủ tục xét hỏi, tranh luận cho đến khoảng 10:30 sáng thì trở vào trong để nghị án. Việc tuyên đọc bản án thực hiện vào lúc 15:00 chiều cùng ngày, luật sự Mạnh cho biết (BBC)
Theo dư luận Việt nam,Ông Thành nguyên là một đại úy Công an phục vụ tại nhà giam Thủ Đức, tố cáo xếp là đại tá Lê Bá Thụy bất công và tham nhũng nặng nên bị đẩy ra khỏi ngành Công an năm 2020. Ông lập trang Facebook cá nhân tố cáo không những xếp cũ mà còn cả những xếp lớn bên trên trong ngành, bao che, lấp liếm cho nhau qua những buổi phát hình trực tiếp (live stream) lôi cuốn hàng triệu người theo dõi.
Anh, Mỹ và nhiều tổ chức quốc tế ‘quan ngại’, kêu gọi VN trả tự do cho bà Ngụy Thị Khanh
Vương quốc Anh hôm 21/6 lên tiếng bày tỏ quan ngại về mức án tù dành cho nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh, theo thông tin từ ĐSQ Anh tại Hà Nội.

Vương quốc Anh cũng bày tỏ quan ngại về việc không gian dành cho các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam nêu ý kiến và đóng góp cho các vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu đang bị hạn chế.
Trước đó, hôm 19/6, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho hay họ ‘vô cùng lo ngại’ trước bản án ngày 17/6 của Việt Nam đối với nhà hoạt động và bảo vệ môi trường Nguy Thị Khanh, theo Reuters.
Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà Khanh, người được quốc tế công nhận về các nỗ lực chống biến đổi khí hậu và thuc đẩy các vấn đề năng lượng bền vững ở Việt Nam.
Bà Khanh nhận Giải thưởng Môi trường Goldman năm 2018, cho những đóng góp chuyên môn có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực chung ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
Ông Nguyễn thành Phong, cựu Chủ Tịch Saigon, bị kỷ luật
Cựu Chủ tịch Thành phố Saigon, ông Nguyễn Thành Phong bị Ủy Ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (UBKTTW) đề nghị Bộ Chính trị xem xét thi hành kỷ luật.

Đề nghị vừa nêu được đưa ra tại Kỳ họp thứ 16 của UBKTTW từ ngày 20 đến 22/6 và được truyền thông Nhà nước loan đi cùng ngày.
Do Ban Cán sự đảng UBND Saigon nhiệm kỳ 2016-2021 có những vi phạm gồm vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo dẫn đến nhiều vi phạm để xảy ra những vụ án, vụ việc trên địa bàn thành phố này…
UBKTTW đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật Ban Cán sự đảng UBNDTPHCM nhiệm kỳ 2016-2021 và ông Nguyễn Thành Phong.
Hôm 26/8/2021 khi giao nhiêm vụ làm Phó Ban Kinh Tế Trung Ương, Ông Trần tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ việc ông Nguyễn Thành Phong được Bộ Chính trị điều động, phân công công tác tại Ban Kinh tế Trung ương là sự tín nhiệm, là quyết định được cân nhắc, đánh giá thấu đáo.
Việt Nam có gần 63 ngàn người măc bệnh suốt xuất huyết
Ngày 22-6, Bộ Y tế csVN cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 62.955 trường hợp mắc suốt xuất huyết (SXH), làm cho 29 người tử vong, 47.821 trường hợp nhập viện điều trị.
So với cùng kỳ năm 2021 (31.962/5) số mắc tăng 97% lần, số tử vong tăng 24 trường hợp.
Trong những tuần gần đây, số mắc SXH trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam với số mắc và tử vong liên tục tăng cao. Dự báo thời gian tới sẽ bước vào những tháng cao điểm do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh phát triển.
Gia đình 13 người H’mong bị “trục xuất khỏi địa phương” vì theo Tin Lành
Ít nhất một trẻ sơ sinh bị từ chối cấp giấy khai sinh vì cha mẹ không chịu bỏ đạo.
Một gia đình 13 người ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết đang phải đối diện với sự đàn áp khắc nghiệt tới từ chính quyền địa phương vì lý do tôn giáo.
Ông Xồng Bá Thông hôm 15/6 có bản tường trình gửi Hội thánh tin lành Việt Nam (miền Bắc) về việc điểm nhóm Ka Dưới của ông bị đàn áp, mặc dù đã được chấp thuận gia nhập một tổ chức tôn giáo hợp pháp.

Bị trục xuất khỏi địa phương vì theo Tin Lành
Theo tìm hiểu của chúng tôi, gia đình của ông Xồng Bá Thông (sinh năm 1996) là người sắc tộc H’mong, sinh sống ở khu vực này qua nhiều thế hệ và vốn theo phong tục thờ ma của người địa phương.
Ông Thông cho biết đến khoảng năm 2017 thì toàn bộ gia đình bao gồm cha mẹ, các em và bản thân ông đã tự nguyện cải đạo sang Tin Lành sau khi tìm hiểu về đạo này qua sóng phát thanh.
Đến khoảng năm 2019 thì chính quyền địa phương bắt đầu yêu cầu gia đình này phải từ bỏ đạo Tin Lành và ép họ phải quay trở lại thực hành tập tục cũ.
“Họ chỉ nói một câu duy nhất đó là ở đây khu vực huyện Kỳ Sơn, xã Na Ngoi, cả tỉnh Nghệ An là chưa có ai theo đạo mà mình theo đạo là trái pháp luật. Còn thứ hai thì họ nói là mình làm mất đại đoàn kết dân tộc ở đây.” – Ông Thông cho hay.
Vì muốn được theo đạo một cách chính thức nên gia đình đã làm đơn xin gia nhập Tổng hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (Miền Bắc), và đã được chấp thuận trở thành thành viên hồi tháng 4 năm 2022.
Tuy nhiên thay vì thừa nhận và để yên cho gia đình ông Thông theo đạo, chính quyền địa phương lại tăng cường gây sức ép để bắt họ từ bỏ niềm tin tôn giáo.
Chính quyền đã liên tiếp tới nhà để vận động người nhà bỏ đạo, ngoài ra thì bản thân ông Thông đã bị triệu tập lên trụ sở xã làm việc nhiều lần, một trong số đó là làm việc với đoàn cán bộ của huyện Kỳ Sơn hôm 17 tháng 5, nội dung vẫn xoay quanh việc yêu cầu từ bỏ đạo Tin Lành.
“Hôm bữa gặp đoàn của huyện thì tôi có đọc luật tín ngưỡng tôn giáo cho họ nghe hết và trình cho họ thấy hết, nhưng mà họ nói luật không có tác dụng gì ở đây cả, không có tác dụng gì ở cái huyện, cái tỉnh này, họ nói thế thôi.” – Ông Thông nói.
Ngoài gây sức ép về mặt tinh thần, chính quyền xã còn áp dụng các biện pháp trừng phạt.
Người dân cho biết đã bị chính quyền tịch thu một chiếc máy cày, vốn trước đó được nhà nước tặng để canh tác nhưng nay vì từ chối bỏ đạo nên bị lấy lại. Ngoài ra chính quyền cũng lấy đi một số gỗ mà gia đình định sử dụng để dựng nhà.
Đỉnh điểm của chiến dịch đàn áp này là vào ngày 4 tháng 6, chính quyền tổ chức một cuộc bỏ phiếu để trục xuất gia đình ông Xồng Bá Thông ra khỏi địa phương. Và theo ông Thông thì người dân không ai dám bỏ phiếu chống lại quyết định trên.
Hệ quả của việc này là giờ đây chính quyền không coi những người trong gia đình này là công dân địa phương, không cho phép sử dụng các dịch vụ công, và thậm chí từ chối cấp căn cước công dân và giấy khai sinh cho một số thành viên của hộ này.
Phóng viên Đài Á châu Tự do đã gọi điện thoại nhiều lần cho bí thư và chủ tịch xã Na Ngoi để xác minh thông tin nhưng không ai nhấc máy.