Tin Thế Giới.
Giàn khoan, chiến hạm, Đảo Rắn: Ukraina phản công Nga trên Biển Đen (RFI)
Trong tuần qua, vùng Biển Đen nằm sát Ukraina đột nhiên dậy sóng với liên tiếp nhiều vụ tấn công nhắm vào các mục tiêu Nga được chính phía Ukraina loan báo, từ các cơ sở quân sự trên Đảo Rắn ngày 21/06/2022, cho đến một số giàn khoan ngoài khơi bán đảo Crimée trước đó một hôm. Theo giới quan sát, các diễn biến vừa kể nêu bật mong muốn của Kiev trong việc nới lỏng gọng kìm của Matxcơva trên các cảng Ukraina.

Trong một bài phân tích về giá trị chiến lược, quân sự và kinh tế của Biển Đen hôm 23/06/2022, nhật báo Pháp Le Monde ghi nhận một thực tế là kể từ khi bắt đầu cuộc chiến do Vladimir Putin khởi xướng vào hạ tuần tháng Hai, quyền tiếp cận vùng biển phía nam Ukraina đã trở thành một vấn đề chiến lược đối với cả Kiev lẫn Matxcơva.
Chính bằng đường biển mà Nga đã cố gắng nhưng hoài công tìm cách xâm lược vùng tây nam Ukraina trong những tuần lễ đầu tiên của cuộc chiến, và không ngần ngại cho Hạm Đội Hắc Hải của họ phong tỏa Biển Đen. Trong lúc đó thì cũng bằng đường biển, Ukraina hy vọng xuất khẩu được hàng triệu tấn ngũ cốc đang nằm trong các kho chứa, điều cần thiết để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Các chiến dịch quân sự của Ukraina
Đáng chú ý nhất trong tình hình chiến sự ở Biển Đen được giới quan sát ghi nhận là những cuộc tấn công đầu tiên của lực lượng Ukraina vào ba giàn khoan khí đốt của Nga nằm ngoài khơi Crimée hôm 20/06, làm một giàn khoan bốc cháy và khiến cho nhiều người mất tích hay bị thương.
Vào ngày 20/06, Ukraina cũng đã bắn vào Đảo Rắn bị quân đội Nga chiếm đóng kể từ ngày 24/02. Theo Matxcơva, 15 máy bay không người lái của Ukraina, cũng như các hệ thống pháo binh và pháo phản lực, đã tham gia cuộc tấn công này và Nga đã đẩy lùi nhờ giàn phòng không của họ trên đảo, điều không thể kiểm chứng.
Trước đó, hôm 17/06, lực lượng Kiev đã vô hiệu hóa một tàu Nga bị tình nghi cung cấp nhân sự và vật liệu cho Đảo Rắn, nơi mà hai bên tham chiến đang tranh giành. Bị Nga chiếm đóng ngay khi bắt đầu cuộc chiến, hòn đảo chỉ rộng khoảng 20 ha này nằm cách bờ biển Ukraina khoảng 30 km và kiểm soát đường ra vào các vịnh của sông Danube và Odessa, một chốt mang tính chiến lược đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa.
Trong những ngày gần đây, Ukraina được cho là đã triển khai một số khẩu đội pháo ven biển ở Vịnh Odessa, được trang bị tên lửa Harpoon của Mỹ do Đan Mạch cung cấp, hiệu quả hơn loại Neptune sản xuất trong nước. Tên lửa có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa 300 km và rất khó đối phó, nhờ được gắn ra đa kèm theo.
Trong một thông cáo ngày 21/06, bộ Quốc phòng Anh cũng ghi nhận : “Khả năng phòng thủ bờ biển của Ukraina đã vô hiệu hóa phần lớn khả năng Nga nắm quyền kiểm soát hàng hải và điều lực lượng của họ vào vùng biển tây bắc Biển Đen“.
G7 chỉ trích và ra chiến lược chống Trung Quốc ‘bành trướng’ (BBC)
28/6/2022. Hoa Kỳ và đồng minh vừa kết thúc hội nghị G7 với một tuyên bố tập trung vào lo ngại về Trung Quốc, mặc dù cuộc chiến của Nga ở Ukraine đang là mối quan tâm cấp bách nhất trong cuộc họp kéo dài ba ngày.
Thông cáo chung ra hôm 28/6 của G7 lên án hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng quyền con người và quyền tự chủ của Hong Kong.

G7 cũng thúc ép Trung Quốc nỗ lực chấm dứt hành động gây hấn của Nga ở Ukraine.
Thông cáo ngày 28/6 của G7 nói: “Chúng tôi nhắc lại tầm quan trọng của việc duy trì một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, dựa trên pháp quyền.” “Chúng tôi vẫn quan tâm nghiêm túc đến tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.“
“Chúng tôi cực lực phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc làm gia tăng căng thẳng.”
“Chúng tôi nhấn mạnh rằng không có cơ sở pháp lý nào cho các tuyên bố chủ quyền trên biển ngày càng lan rộng của Trung Quốc tại Biển Đông. Về vấn đề này, chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tuân thủ đầy đủ phán quyết của trọng tài ngày 12 tháng 7 năm 2016 và tôn trọng các quyền và tự do hàng hải được ghi trong UNCLOS.“
“Chúng tôi nhắc nhở Trung Quốc về sự cần thiết phải duy trì nguyên tắc của Hiến chương LHQ về giải quyết hòa bình các tranh chấp và tránh đe dọa, ép buộc, hoặc sử dụng vũ lực.“
Cũng vào thứ Ba, các nhà lãnh đạo G-7 cam kết 5 tỷ USD cho các vấn đề an ninh lương thực toàn cầu, với hơn một nửa là viện trợ của Mỹ cho Ukraine.
G7 đã cam kết huy động 600 tỷ USD từ quỹ công và tư trong 5 năm để tài trợ cho cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, cạnh tranh với dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: “Các nước đang phát triển thường thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu để giúp đối phó với các cú sốc toàn cầu, như đại dịch.”
Ông Biden cho biết, Hoa Kỳ sẽ huy động 200 tỷ USD tài trợ trong 5 năm để hỗ trợ các dự án ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình nhằm giúp giải quyết biến đổi khí hậu cũng như cải thiện sức khỏe toàn cầu, bình đẳng giới và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Châu Âu sẽ huy động 300 tỷ euro (317 tỷ USD) cho sáng kiến này trong cùng thời kỳ nhằm xây dựng một giải pháp thay thế bền vững cho kế hoạch Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
NATO cam kết hiện đại hóa quân đội Ukraine để chống lại sự xâm lược của Nga (VOA)
29/6/2022. Khái niệm chiến lược mới đầu tiên của NATO trong một thập niên sẽ lần đầu tiên coi Trung Quốc là mối quan tâm nhưng các quốc gia thành viên vẫn còn mâu thuẫn về cách mô tả quốc gia có quân đội lớn nhất thế giới và mối quan hệ của Trung Quốc với Nga, các nhà ngoại giao NATO nói.

Cả hai thượng đỉnh G7 (đang diễn ra ở Đức) và thượng đỉnh NATO (diễn ra ở Madrid, Spain) đều bàn về mối quan hệ ngày càng sâu sắc của Trung Quốc với Nga sau cuộc xâm lược Ukraine và xu hướng ngày càng tăng của Trung Quốc nhằm phô trương sức mạnh địa chính trị và khả năng kinh tế mang tính uy hiếp đối với các nước.
NATO nhất trí coi Nga là “mối đe dọa trực tiếp” nhất đối với an ninh của các đồng minh sau cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine, và tuyên bố sẽ hiện đại hóa các lực lượng vũ trang đang bị tấn công của Kyiv. Khối này nói rằng họ ủng hộ hết mình “lực lượng phòng thủ anh hùng” của Ukraine.
Sau khi hoàn thành hội nghị thượng đỉnh với nội dung chính về cuộc xâm lược và biến động địa chính trị mà cuộc chiến gây ra, NATO đã chính thức mời Thụy Điển và Phần Lan tham gia liên minh và cam kết tăng cường các lực lượng sẵn sàng chiến đấu và phản ứng nhanh ở sườn phía đông, nơi gần Nga nhất.
Tổng thống Joe Biden đã công bố các kế hoạch triển khai bổ sung lực lượng trên bộ, trên không và trên biển của Hoa Kỳ trên khắp châu Âu, từ phía tây Tây Ban Nha cho đến Romania và Ba Lan, giáp giới với Ukraine. Việc triển khai bao gồm một sở chỉ huy quân đội thường trực với tiểu đoàn yểm trợ ở Ba Lan – đơn vị đầu tiên toàn thời gian của Hoa Kỳ được triển khai ở rìa phía đông của NATO.
Khi 30 lãnh đạo quốc gia NATO đang họp tại Madrid, các lực lượng Nga đã tăng cường các cuộc tấn công ở Ukraine, bao gồm cả các cuộc tấn công tên lửa vào khu vực phía nam Mykolaiv gần chiến tuyến.
Hội nghị thượng đỉnh NATO, bắt đầu vào tối 28/6 bằng yến tiệc tại cung điện hoàng gia Tây Ban Nha, còn chào đón các nhà lãnh đạo của các nước ngoài NATO là Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc.
TT Biden tấn công Trung cộng bằng Bản ghi nhớ chống đánh cá bất hợp pháp (RFI)
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 27/06/2022 đã ký Bản ghi nhớ an ninh quốc gia về chống đánh cá trái phép. Đây là một phần của nỗ lực đối phó với những vi phạm của các đoàn tàu đánh cá « phi pháp », đặc biệt của Trung cộng.
Trong một thông cáo, Nhà Trắng cho biết sẽ lập một liên minh với Canada và Anh để « hành động khẩn cấp » nhằm cải thiện việc theo dõi, kiểm soát, giám sát, trong cuộc chiến chống lại « nạn đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định» (IUU – cụm từ viết tắt của Illegal, Unreported và Unregulated fishing).
Các viên chức Mỹ muốn đưa vào những quy tắc để có thể đối phó tốt hơn trước nạn đánh cá lậu, nhất là tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong khuôn khổ cam kết chặt chẽ hơn ở khu vực để chống lại ảnh hưởng Trung cộng. Một số quốc gia trong vùng phẫn nộ trước tình trạng những đội tàu cá hùng hậu của Trung cộng thường xuyên xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ, càn quét hải sản, gây thiệt hại lớn cho môi trường và kinh tế.
Bản Ghi nhớ đòi hỏi có những hành động để « chấm dứt nạn buôn người, cưỡng bức lao động, xúc tiến việc khai thác đại dương một cách an toàn, bền vững ». Bộ Lao Động, bộ Quốc Phòng, lực lượng tuần duyên và các cơ quan thực thi luật pháp có thể làm việc với các đối tác tư nhân và nước ngoài để « điều tra các tàu đánh cá và công ty bị nghi ngờ dùng lao động cưỡng bức để thu hoạch hải sản ».
Tuy không nhắm vào một quốc gia cụ thể nào, nhưng phía Mỹ cho biết Trung cộng là nước vi phạm hàng đầu. Trung cộng luôn đứng đầu thế giới về các vụ đánh cá bất hợp pháp, và cản trở việc triển khai các biện pháp chống IUU và khai thác hải sản bừa bãi của các tổ chức quốc tế. Viên chức Mỹ nói rằng Bắc Kinh phải có trách nhiệm tôn trọng những cam kết, cần chỉnh đốn hoạt động của các tàu treo cờ Trung cộng tại vùng biển những nước khác.
Cuộc xâm lăng Ukraina có thể khiến Nga mất hẳn đồng minh đàn em Kazakhstan (RFI)
Cuộc xâm lăng Ukraina của Nga do chính quyền Putin phát động từ ngày 24/02/2022, kéo dài bốn tháng nay, không chỉ khiến Nga và phương Tây gần như đi đến chỗ tuyệt giao. Cuộc xâm lăng của Nga còn có nguy cơ khiến Matxcơva mất đi một số ít ỏi đồng minh thuộc không gian Liên Xô cũ. Kazakhstan nằm trong số đó.
Kazakhstan là nước cộng hòa cuối cùng thuộc Liên Xô cũ tuyên bố độc lập, ngày 19/12/1991. Nước cộng hoà Trung Á Kazakhstan có diện tích lớn thứ hai trong Liên Xô trước đây, sau Nga, với hơn 2,7 triệu km vuông. Cho đến nay, Kazakhstan, quốc gia có đường biên giới trên bộ dài nhất với Nga (6.846 km), về mặt thể chế vẫn gắn bó mật thiết với Nga thông qua ba định chế: Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (OTSC), liên minh chính trị – quân sự bao gồm 6 nước cộng hoà Liên Xô cũ, trong đó Liên bang Nga là trụ cột. Thứ hai là Liên minh Kinh tế Á – Âu (một dạng khu vực thị trường chung thời hậu Xô Viết, bao gồm 5 thành viên chính thức, là 5 nước Cộng hoà thuộc Liên Xô cũ, và một số quan sát viên trong đó có Trung cộng, Iran).Và định chế thứ ba là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (OCS), với Nga và Trung cộng là thành viên trụ cột.
Tuy nhiên, cuộc xâm lăng Ukraina của Nga có nguy cơ khiến Matxcơva mất đi, hay ít nhất cũng bị đồng minh đàn em lâu đời xa lánh. Bất đồng sâu sắc Kazakhstan – Nga thể hiện rõ rệt trong dịp Diễn đàn Kinh tế Quốc tế tại thành phố St Petersbourg trung tuần tháng 6 vừa qua. Tổng thống Kazakhstan, ông Kassym-Jomart Tokaïev, là một trong các lãnh đạo quốc gia hiếm hoi trên thế giới tham gia diễn đàn kinh tế thường niên nổi tiếng do Nga tổ chức, nhưng bị đông đảo các nước tẩy chay năm nay do cuộc xâm lăng Ukraina. Tuy tham gia, nhưng chính tại diễn đàn này, nguyên thủ Kazakhstan đã tuyên bố thẳng ngay trước tổng thống Nga Vladimir Putin: Kazakhstan không thừa nhận hai vùng lãnh thổ ly khai miền đông Ukraina, với tên gọi ‘‘Cộng hòa Donetsk’’ và ‘‘Cộng hòa Lugansk’’, mà Nga công nhận. Can thiệp vào Ukraina để bảo vệ hai vùng lãnh thổ ly khai nói trên là cái cớ mà điện Kremlin đưa ra để biện minh cho cuộc xâm lăng.
Phía Nga cũng có trả đũa ngay tức thì trước thái độ kiên quyết của Kazakhstan. Theo Les Echos, tổng thống Nga đã đáp trả khi ‘‘cố tình phát âm sai tên’’ của đồng nhiệm Kazakhstan, một phản ứng được coi là ‘‘mang đầy ý nghĩa biểu tượng’’. Đúng hai hôm sau, Matxcơva đưa ra một trừng phạt cụ thể : ngừng cho phép dầu mỏ Kazakhstan xuất khẩu ra bên ngoài thông qua cảng dầu Novorossisk trên Biển Đen.
Tuy nhiên, tổng thống Kazakhstan, đưa ra một tuyên bố được đánh giá là “rất cứng rắn”, có thể được nhìn nhận như ‘‘một hành động khiêu khích’’ từ phía Matxcơva, theo Les Echos. Tổng thống Kazakhstan Tokaiev nhấn mạnh là ‘‘nước Nga đừng nên cố gắng đóng vai trò của đấng cứu thế, bởi sẽ không ai cần đến việc này, cũng sẽ không ai khuất phục’’.
Đài Loan, Hoa Kỳ tổ chức các cuộc đàm phán thương mại hôm 27/6 (VOA)
Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho biết Đài Loan và Hoa Kỳ sẽ tổ chức các cuộc đàm phán thương mại vào ngày 27/6 theo một khuôn khổ mới được thống nhất, theo Reuters.

Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Sarah Bianchi sẽ gặp nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Đài Loan John Deng để thảo luận về một sáng kiến về thương mại thế kỷ 21, văn phòng của bà cho biết, mà không cung cấp chi tiết.
Sáng kiến này vừa được công bố trong tháng 6, chỉ vài ngày sau khi chính quyền Biden đưa hòn đảo do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ra khỏi kế hoạch kinh tế tập trung vào châu Á được thiết kế để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF).
Ông Deng nói với Reuters rằng Đài Loan vẫn hy vọng sau này sẽ đạt được thỏa thuận thương mại tự do với Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ không có quan hệ chính thức với Đài Loan, nhà sản xuất chất bán dẫn lớn, nhưng đã tăng cường sự can dự với hòn đảo trong khi Trung Quốc tìm cách cô lập, tách Đài Loan ra khỏi các định chế toàn cầu.
Tập trận RIMPAC diễn ra giữa lúc căng thẳng Mỹ- Trung gia tăng (RFA)
Đợt tập trận hải quân lớn nhất thế giới do Hoa Kỳ dẫn đầu, Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), khởi sự hôm thứ tư 29/6. Mục đích được cho biết nhằm tăng cường hợp tác hàng hải trong khu vực hiện đang bị phủ bóng bởi đối thủ cạnh tranh Trung Quốc.
Kỳ tập trận lần này với sự tham dự của tất cả các nước thành viên Nhóm Đối Thoại An Ninh Bốn bên (QUAD) đưa ra một thông điệp rõ ràng cho Bắc Kinh khi mà căng thẳng Eo Biển Đài Loan gia tăng và cuộc chiến tại Ukraine đang kéo dài.

Trung Quốc lâu nay chỉ trích sự hợp tác của nhóm QUAD gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc như là nỗ lực nhằm thành lập ‘phiên bản NATO Châu Á- Thái Bình Dương’.
Hải quân Hoa Kỳ cho biết đợt tập trận hai năm một lần kỳ này có 26 quốc gia tham dự với 38 chiến hạm mặt nước, bốn tàu ngầm, chín lực lượng mặt đất quốc gia, hơn 170 máy bay và xấp xỉ 25 ngàn nhân sự. Theo kế hoạch, RIMPAC 2022 diễn ra từ ngày 29/6 đến 4/8 năm nay.
Năm quốc gia ven Biển Đông gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore tham gia RIMPAC 2022. Trong số năm nước này, ba nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông, nơi mà Trung Quốc tuyên bố họ có ‘chủ quyền lịch sử’ gần như toàn bộ.
Theo một tuyên bố của Hải quân Hoa Kỳ, chủ đề của đợt tập trận RIMPAC 2022 là ‘Năng lực, Thích ứng, Đối tác’ và mục tiêu chính là cổ xúy cho một khu vực Ấn Độ Dương- Thái BÌnh Dương tự do và rộng mở. Chương trình huấn luyện gồm có ‘hành quân đổ bộ, thao tác vận hành súng lớn- hỏa tiễn, diễn tập chống tàu ngầm và phòng không, cũng như tác chiến chống cướp biển, hoạt động tháo gỡ mìn, loại bỏ chất nổ, hoạt động lặn và trục vớt’.
Nhiều đối tác của Hoa Kỳ và đồng minh gốm các nước thành viên NATO, Canada, Đức, Anh Quốc, Đan Mạch và Pháp tham gia đợt tập trận RIMPAC 2022.
Giới phân tích có lưu ý rằng quốc đảo Tonga ở Thái Bình Dương được mời tham dự RIMPAC lần thứ hai.
Tin Việt Nam.
Việt Nam thận trọng về tin G7 đầu tư 600 tỷ Mỹ kim để đối trọng với Bắc Kinh
Tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden, hôm Chúa nhật, 26/6 thông báo kế hoạch huy động 600 tỷ Mỹ kim cùng với các quốc gia đồng minh thuộc khối G7, để tạo nên một dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trong vòng năm năm tới, nhằm hỗ trợ các quốc gia Châu Á nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng.

Dự án có tên Đối tác vì Cơ sở Hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (PGII), được mô tả là sẽ trở thành đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh.
Tuy nhiên khác với Bắc Kinh, vốn chú trọng đầu tư vào các dự án cầu đường, khai mỏ, và cảng biển. Thì mục tiêu của dự án đầu tư mà Phương Tây đưa ra nhắm vào lĩnh vực năng lượng sạch, hệ thống y tế, bình đẳng giới, công nghệ thông tin và truyền thông.
Không chỉ khác biệt ở đối tượng đầu tư, dự án này còn được tham vọng sẽ giúp Phương Tây đối trọng với Bắc Kinh về lĩnh vực ý thức hệ chính trị.
Đây là điểm làm cho Việt Nam do dự, vì dù đang có nhu cầu rất lớn về vốn để cải thiện hệ thống giao thông nhưng theo các chuyên gia, thì csVN sẽ đặt an toàn của chế độ cầm quyền lên hàng đầu.
Dù Bắc Kinh vẫn tuyên truyền rằng các dự án đầu tư của họ là “không ràng buộc” bất cứ điều kiện gì, nhưng giới quan sát đặc biệt là ở Phương Tây vẫn cho rằng Bắc Kinh đang dùng các dự án đầu tư để dụ các quốc gia đang phát triển rơi vào bẫy nợ, sau đó ép các nước này phục tùng yêu sách của họ. (Trích RFA)
Công Bố Báo Cáo Nhân Quyền tại Việt Nam Năm 2021-2022
Ngày 24 tháng 6 năm 2022, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam đã công bố Báo cáo về Nhân quyền tại Việt Nam giai đoạn 2021-2022 trong một cuộc họp báo tại Little Saigon, California. Một số nhà báo thuộc các cơ quan báo chí Việt ngữ trong vùng và thông tín viên của 3 đài phát thanh về Việt Nam: Á Châu Tự Do, Tiếng Nói Hoa Kỳ, và Đáp Lời Sông Núi, và một số nhân sĩ của cộng đồng người Việt tham gia buổi họp báo. Buổi họp báo cũng được phát trực tiếp qua Zoom.

Báo cáo được hoàn thành do sự hợp tác giữa MLNQVN và một số nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam, và ghi lại tình hình nhân quyền ở Việt Nam từ tháng 1 năm 2021 đến ngày 31 tháng 5 năm 2022, thông qua tám lĩnh vực: – Quyền sống, quyền tự do và an ninh thân thể – Quyền được xét xử công bằng bởi toà án độc lập và vô tư – Quyền được tham gia đời sống chính trị quốc gia – Quyền tự do phát biểu và tự do thông tin – Quyền tự do tôn giáo và thờ phượng – Quyền được làm việc và hưởng thụ thành quả lao động – Quyền được đối xử bình đẳng không kỳ thị – Quyền được hưởng cuộc sống an lạc. Báo cáo cũng bao gồm ba phụ lục:
– Danh sách các tù nhân chính trị và tôn giáo bị bắt và truy tố trong giai đoạn 2021-2022, – Danh sách những nhà hoạt động chính trị và tôn giáo hiện đang bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt giam, – Tiểu sử của những người nhận Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam năm 2021.
Cũng như những năm trước, không có tiến bộ đáng kể nào về nhân quyền được ghi nhận; trái lại, bằng chứng cho thấy chính quyền cộng sản Việt Nam đã vi phạm các quyền cơ bản của công dân một cách nghiêm trọng và có hệ thống hơn. “Với thành tích nhân quyền tồi tệ được trình bày trong báo cáo này, Việt Nam không xứng đáng được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Vì vậy, chúng tôi khẩn thiết kêu gọi các quốc gia thành viên của Đại hội đồng LHQ không bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025”.
Vợ TNLT Nguyễn Bắc Truyển bị cấm đi dự Hội nghị Tự do Tôn giáo ở Mỹ
Hôm 27 tháng 6, tổ chức BPSOS cho đăng tải đoạn video bài phát biểu của bà Bùi Thị Kim Phượng, vợ của tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển, gửi tới Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2022.

Trong phát biểu của mình, bà Phượng cho biết đã bị chính quyền Việt Nam áp đặt lệnh cấm xuất cảnh nhằm ngăn chặn bà tới diễn đàn để nói về tình trạng của chồng mình, và vấn nạn đàn áp tôn giáo ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Bắc Truyển bị bắt hồi tháng 7 năm 2017 dưới cáo buộc “Âm mưu lật đổ chính quyền” và bị kết án 11 năm tù trong một phiên toà diễn ra tại Hà Nội hồi tháng 4 năm 2018.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, bà Phượng cho biết rằng bản thân bị cấm xuất cảnh từ năm 2019:
“Vào năm 2019 thì tôi được Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế mời đi dự hội nghị, nhưng khi tới sân bay Tân Sơn Nhất thì tôi bị chặn xuất cảnh. Hôm đó họ lập biên bản, họ nói rằng lý do tôi bị chặn là vì lý do an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Khi về thì tôi làm đơn khiếu nại đến Bộ Công an và bên Cục Xuất Nhập cảnh thì họ cũng trả lời với lý do y như vậy.”
Theo bà Phượng, từ năm 2019 đến nay, năm nào bà cũng được mời đi dự hội nghị về tự do tôn giáo, và dù hàng năm bà vẫn gửi đơn khiếu nại lên Bộ Công an để yêu cầu được xuất cảnh, nhưng không được giải quyết.
CSVN ở vị thế nào trong bảng xếp hạng về mức sống ?
Việt Nam đứng thứ 62 trên thế giới và đứng thứ 7 trong số 10 nước ASEAN về chất lượng sống, theo đánh giá của tạp chí CEOWORLD có trụ sở chính ở New York, Mỹ.
Bảng xếp hạng mang tên “Những nước tốt nhất thế giới về chất lượng cuộc sống, 2021”, được CEOWORLD công bố hôm 20/6, nêu tên Phần Lan ở vị trí số 1, tiếp theo là 8 nước ở Bắc Âu và Tây Âu. Nhật Bản và Hàn Quốc của châu Á lần lượt có xếp hạng thứ 10 và 13. Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới – xếp thứ 14.
Nước láng giềng khổng lồ của Việt Nam, đồng thời là nền kinh tế thứ hai thế giới, nắm vị trí số 37, vẫn còn cách xa các nước đứng đầu. Nga, đối tác thân thiết lâu đời của Việt Nam, đứng thứ 43.
Mỹ tăng cường giúp Việt Nam đối phó nạn đánh cá bất hợp pháp
Chính phủ Mỹ hôm Thứ Hai 27/6 loan báo sẽ gia tăng hợp tác với Việt Nam và Đài Loan cũng như nhiều nước khác đối phó nạn đánh cá bất hợp pháp.

Đây là vấn nạn từng thảo luận nhiều năm qua trên các diễn đàn quốc tế. Nhiều biện pháp được đề cập cũng như thi hành nhưng vấn nạn vẫn còn tiếp diễn. Các tổ chức bảo vệ môi trường cũng như các quốc gia tây phương ngày càng cáo buộc Trung Quốc là thủ phạm nghiêm trọng nhất của thế giới.
Hãng tin AFP ngày 27 Tháng Sáu cho hay trong khi hội nghị do LHQ tổ chức tại Bồ Đào Nha đang diễn ra về phục hồi môi trường biển đang bị tàn hại, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký một bản ghi nhớ với chủ đích gia tăng phối hợp giữa lực lượng bảo vệ pháp luật của Hoa Kỳ với các đối tác nhằm đối phó nạn khai thác thủy sản bất hợp pháp, từ ngữ quốc tế gọi tắt là IUU.
Theo nguồn tin trên, Hoa Kỳ sẽ đưa ra kế hoạch phối hợp với một số quốc gia khu vực Thái Bình Dương và Phi Châu như Ecuador, Panama ở châu Mỹ, Senegal ở Phi châu, Đài Loan và Việt Nam ở Á châu. Một viên chức chính phủ Mỹ không cho hay thêm chi tiết nhưng nói rằng sự hợp tác gồm cả giúp “xây dựng năng lực” cho họ như một phần của kế hoạch chiến lược.
Chính phủ Mỹ nêu tên 5 nước kể trên để hợp tác, “không phải vì họ là những nước là nạn nhân đánh cá lậu nghiêm trọng nhất, mà vì họ sẵn sàng hợp tác với Mỹ để đối phó với tệ nạn khai thác thủy sản lậu ở nước họ” lời viên chức chính phủ Mỹ không nêu tên nói với báo giới.
Dân nghèo tại Việt Nam chịu đựng khi xăng tăng giá vùn vụt
Giá xăng dầu leo thang vùn vụt từ đầu năm đến nay làm người nghèo và ngay cả những cơ sở kinh doanh nhỏ bé điêu đứng.
Tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn (TBKTSG) ngày Chủ Nhật 26 Tháng Sáu dẫn lời nhiều người kêu rên về các khốn khó họ đang phải chịu đựng đến gần ngộp thở chỉ vì xăng dầu lên giá vùn vụt, kéo theo mọi thứ lên giá theo.

TBKTSG ghi lại những lời kêu rên của những người nghèo khó trong xã hội Việt Nam, tức những người dễ bị tổn thương nhất “ăn bữa sáng, lo bữa tối”. Vì đồng tiền kiếm được vốn dĩ đã quá ít ỏi, xăng lên giá nhanh chóng kéo theo tất cả mọi thứ khác leo thang theo, làm cho bữa ăn của họ “ngày càng kém chất lượng hơn”
Báo này nói “tăng giá xăng và giá hàng loạt mặt hàng thực phẩm thiết yếu đã làm cho người nghèo và rất nhiều doanh nghiệp nhỏ gần như hết cách để xoay xở.” Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu tại Việt Nam đã bị điều chỉnh 15 lần thì 12 lần lên cao hơn, ba lần giảm bớt chút ít. Lúc đầu năm giá xăng chỉ hơn 23,000 đồng/lít. Đến lần điều chỉnh mới nhất gần đây thì lên gần 33,000 đồng/lít.
Một người bán cà rem trên xe máy nhà ở Thủ Đức chạy lên Sài Gòn mỗi ngày chỉ kiếm được từ 100,000 đến 300,000 đồng. Trước đây, ông đổ 50,000 xăng thì chạy được 3 ngày, nay mỗi ngày đổ hết 30,000 đồng xăng nhưng vẫn phải gắng gượng vì không muốn mất khu vực quen khách hàng.
Một bà từ quận 12, Sài Gòn, chở bánh tráng tới quận I để bán. Vì xăng lên giá nhiều nên bà không còn bao nhiêu lời lãi nữa. “Dạo này tôi bán ế lắm. Giá xăng cũng mắc, thường ngày tôi đổ 50,000 đồng chạy lòng vòng bán cũng được hai đến ba ngày, giờ chạy cùng lắm là đủ một ngày. Tiền nguyên liệu cũng vậy, tăng gấp hai”, lời bà bán bánh tráng tên Loan nói.
Còn bà tên Bích ở quận Bình Thạnh, ngày phụ bán cơm, tối lượm ve chai, vốn đã chật vật, nay thêm giá xăng tăng cao nên nhiều ngày, bữa ăn của bà chỉ có quả trứng và nước canh là “nước mì tôm”.
Một ông tên Hạnh chạy xe ôm ở Hà Nội thấy kể trên tờ TBKTSG là ông còn phải làm bảo vệ ở nhà hàng vào buổi tối mới có thêm tiền để sống. Một nữ công nhân tên Liên ở Hà Nội than “Giờ đi mua đồ phải đi đến chợ đầu mối, đi khi chợ sắp đóng cửa, lúc đó thực phẩm sẽ giảm giá. Tôi cố gắng chi tiêu tằn tiện cho qua ngày”.
Hai ngày trước, người ta thấy báo chí tại Việt Nam đưa tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gửi công văn cho Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội “đề nghị khẩn cấp hỗ trợ trước mắt 6 tháng cho hàng ngàn ngư dân bám biển vì giá dầu tăng quá cao, 40-55% tàu cá đang phải nằm bờ.”
Điều này cho thấy hàng triệu người tại Việt Nam đang vô cùng khốn đốn vì giá xăng dầu tăng vùn vụt kéo theo mọi thứ tăng theo, bên trên sức chịu đựng của họ.
Ngày Thứ Bảy 25 Tháng Sáu, tờ TBKTSG dẫn ý kiến của nhiều chuyên viên kinh tế, doanh nhân kêu gọi nhà cầm quyền Hà Nội “đã đến lúc phải hy sinh thuế xăng dầu để cứu nền kinh tế”.