Tin Thế Giới.
Sau thắng lợi bầu cử, Thủ tướng Kishida cam kết thực hiện chiến lược của ông Abe (BBC)
Thủ tướng Fumio Kishida cho biết ông quyết tâm làm việc để sửa đổi Hiến pháp và các vấn đề chính sách ưu tiên khác mà cựu Thủ tướng Abe Shinzo, người bị bắn chết vài ngày trước, dày công xây dựng và theo đuổi, truyền thông Nhật đưa tin.

Ông Kishida đã nói với các phóng viên vào thứ Hai sau khi LDP, Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của ông, giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử Thượng viện hôm Chủ nhật.
Đề cập đến vụ ông Abe bị bắn chết, ông Kishida cam kết sẽ làm theo mong muốn của cố thủ tướng trong việc giải quyết những thách thức khó khăn như sửa đổi Hiến pháp và giải quyết vấn đề mật vụ Bắc Hàn bắt cóc công dân Nhật Bản.
Ông Kishida tái khẳng định chủ trương tăng cường mạnh khả năng quốc phòng của Nhật Bản trong vòng 5 năm sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Về việc sửa đổi Hiến pháp, ông Kishida đã trích dẫn bốn lĩnh vực mà LDP đã đề xuất thay đổi, bao gồm quy định sự tồn tại của Lực lượng Phòng vệ trong Điều 9 của Hiến pháp. Điều 9 là một điều khoản trong Hiến pháp Nhật Bản không cho phép sử dụng chiến tranh để làm phương tiện giải quyết các xung đột quốc tế có liên quan đến Nhật Bản, vốn có hiệu lực từ giữa năm 1947, sau Thế chiến Hai.
Điều 9 này là một vấn đề nhạy cảm đối với Hàn Quốc và Trung Quốc vì cả hai đều phải hứng chịu chủ nghĩa quân phiệt thời chiến của Nhật Bản.
Đảng cầm quyền LDP cũng muốn chấm dứt cuộc tranh luận về tính hợp hiến của Lực lượng Phòng vệ bằng cách đề cập rõ ràng về lực lựợng này trong luật tối cao.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Bảy rằng Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ đến Tokyo vào hôm thứ Hai để bày tỏ lòng kính trọng đối với người dân Nhật sau vụ ông Abe bị bắn chết hôm thứ Sáu.
Quân đội Ukraina oanh kích dữ dội quân Nga tại vùng Kherson (RFI)
Theo AFP, hôm nay 12/07/2022, Ukraina thông báo đã oanh kích vào Kherson, vùng đang bị quân Nga chiếm đóng ở miền nam đất nước. Chính quyền thành phố do Matxcơva dựng lên tố cáo các cuộc tấn công đã nhằm vào các khu dân cư làm nhiều người thiệt mạng.
Từ nhiều tuần nay, quân đội Ukraina đã mở nhiều cuộc phản công vào vùng Kherson, đã bị quân Nga chiếm giữ từ hồi tháng Ba, nằm sát bán đảo Crimée (vùng lãnh thổ Ukraina đã bị Nga kiểm soát từ năm 2014). Theo các giới chức quân sự Ukraina đảm trách mặt trận phía nam đất nước, cuộc tấn công đêm qua, đã tiêu diệt 52 binh sĩ Nga và phá hủy « một kho vũ khí » tại Nova Kakhovka, cách thành phố Kherson khoảng 70 km.

Phát ngôn viên quân đội vùng Odessa thông báo trên Telegram, quân đội Ukraina đã sử dụng hệ thống pháo phản lực của Mỹ HIMARS oanh kích tổng hành dinh quân đội Nga tại vùng Kherson và đã « thanh toán » tướng Artem Nasbulin, tham mưu trưởng quân đoàn 22 của Nga. Nếu thông tin trên chính xác thì đây là viên tướng Nga thứ 9 bị thiệt mạng từ đầu cuộc xâm lược Ukraina, hôm 24/02.
Về phần mình, chính quyền thành phố Kherson do quân đội Nga dựng lên khẳng định các đợt oanh kích của quân Ukraina không nhằm vào mục tiêu quân sự, đã làm 7 người chết và khoảng 60 người bị thương, tất cả đều là thường dân. Ngoài ra vẫn theo chính quyền Kherson của Nga, « hàng chục ngôi nhà » cũng như một kho chứa hàng, một hiệu dược phẩm, các trạm xăng và cả một nhà thờ đã bị trúng pháo kích của quân đội Ukraina. Theo AFP, hiện tại không thể kiểm chứng được các tuyến bố nói trên của chính quyền Kherson bằng các nguồn tin độc lập.
Trong khi đó, tại miền đông Ukraina, quân Nga tiếp tục các cuộc tấn công mạnh. Phía Ukraina dự tính quân Nga đang chuẩn bị mở các đợt tấn công mới vào trung tâm hành chính của Donbass, thành phố Kramatorsk và thành phố bên cạnh Sloviansk, hiện vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Ukraina.
Tại Kharkov (đông-bắc), các trận oanh kích của Nga hôm thứ Hai (11/07) đã làm 6 thường dân thiệt mạng, theo chính quyền địa phương.
Sri Lanka: Người biểu tình chiếm giữ dinh tổng thống, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đào thoát sang Maldives.
Sri Lanka đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất từ khi độc lập năm 1948. Ngày 26/06/2022, xăng dầu lại tăng giá trong bối cảnh nước này gần như cạn dầu, hết tiền mua lương thực. Trước đó, bộ trưởng Năng Lượng thông báo là Sri Lanka đã không nhận được các đợt giao dầu lửa, dự kiến vào tuần trước. Theo một số nguồn tin chính thức được AFP trích dẫn, nguồn nhiên liệu hiện giờ của Sri Lanka chỉ đáp ứng được nhu cầu cho hai ngày.TT Biden công du

Từ nhiều tháng nay, quốc gia Nam Á này bị ngập trong nợ, được thẩm định lên tới 51 tỉ đô la và không có khả năng thanh toán. Thiếu ngoại tệ, chính quyền trung ương không thể cung ứng được cho người dân, từ nhu yếu phẩm đến thuốc men. Tỉ lệ lạm phát lên đến mức kỷ lục 54,6 % trong tháng Sáu. 80 % dân số bị thiếu ăn.
Liên Hiệp Quốc thẩm định 80% dân số Sri Lanka đã phải giảm mức tiêu thụ lương thực vì tình trạng khan hiếm nghiêm trọng và vật giá leo thang, gần 1,7 triệu người cần « hỗ trợ thiết yếu », đồng thời kêu gọi giải ngân khẩn cấp 47 triệu đô la cho những người gặp khó khăn nhất trong tổng số 22 triệu dân ở Sri Lanka.
Hôm thứ Bảy 09/07/2022, những người biểu tình đã tràn vào dinh tổng thống. Lực lượng bảo vệ tòa nhà chỉ có thể ngăn chận họ trong một thời gian đủ để cho tổng thống Rajapaksa trốn thoát. Những người biểu tình đã đuổi tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa ra khỏi dinh tổng thống tuyên bố sẽ chiếm giữ tòa nhà này cho đến khi ông từ chức như đã hứa.
Hàng trăm ngàn người dân đã xuống đường để bày tỏ sự phẫn nộ về khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka mà họ cho một phần là do tổng thống Rajapaksa gây ra. Theo hãng tin AFP, tuyên bố hôm qua với báo chí, Lahiru Weerasekara, một trong những sinh viên đứng đầu phong trào biểu tình, cho biết họ sẽ chiếm giữ dinh tổng thống cho đến khi nào ông Rajapaksa thật sự rời bỏ chính quyền.
Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã rời Sri Lanka vào sáng nay 13/07/2022 trên một chiếc máy bay quân sự để đến Maldives.
Đối với một số người, điều này không thực sự bất ngờ bởi tổng thống đã tìm cách bỏ trốn vào hôm qua 12/07. Có người cho đây là một tin vui vì ông ta sẽ thực sự từ chức. Nhưng cũng có người bất bình và cho rằng Gotabaya và gia đình ông ta phải bị xét xử về tội tham nhũng.
Vài giờ sau khi tổng thống chạy trốn, Sri Lanka đã ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với tình huống ngoại lệ này. Theo cảnh sát, lệnh giới nghiêm đã được áp dụng ở Colombo để chấm dứt các cuộc biểu tình.
Chính quyền độc tài, tham nhũng, quản lý kinh tế tồi tệ, và rơi vào bẫy nợ khiến bị lệ thuộc Bắc Kinh… Tập hợp những yếu tố này đã dẫn đến thực trạng của Sri Lanka ngày nay.
TT Mỹ Joe Biden đến Israel thúc đẩy đà xích lại gần nhau giữa Tel Aviv và Riyad (RFI).
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã bắt đầu vòng công du Cận Đông hôm 13/07/2022 tại Israel, chặng đầu tiên trong một chuyến thăm sẽ đưa ông qua vùng lãnh thổ Palestine và đặc biệt là Ả Rập Xê Út, được xem chặng quan trọng nhất.
Theo ghi nhận của thông tín viên RFI tại Israel, chính quyền Nhà nước Do Thái đang trông cậy vào đồng minh Mỹ để khởi động một quan hệ hợp tác với Ả Rập Xê Út, phù hợp với các thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel và các nước Ả Rập.

Từ Jerusalem, thông tín viên RFI Sami Boukhelifa phân tích:
“Việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Israel là điều “sẽ không thể xảy ra trong một sớm một chiều”. Một quan chức cấp cao của Israel đã nhận xét một cách thực tế như trên, trước khi nhanh chóng bổ sung: “Tuy nhiên vẫn có những cơ hội mới trong khu vực”.
Trong số này có việc Ả Rập Xê Út và Israel cùng có chung một kẻ thù: Cộng Hòa Hồi Giáo Iran. Nhân vật này giải thích: “Trước đây là tình trạng người Ả Rập chống lại người Do Thái. Ngày nay là những người ôn hòa chống lại những kẻ cực đoan”. Điều đó có nghĩa là: Đã đến lúc hình thành ra một liên minh chiến lược khu vực, một loại hiệp ước quân sự để chống lại Tehran.
Do đó, Nhà nước Do Thái đang trông cậy vào tổng thống Mỹ Joe Biden để thúc đẩy sự hội tụ lợi ích này, với các đồng minh khác của Washington ở Trung Đông.
Cũng theo quan chức Israel kể trên, sau giai đoạn đầu tiên, cần tiến tới việc “mở rộng các pham vi bình thường hóa, bởi vì cơ hội là vô tận… Ý tưởng là tạo ra các mối liên hệ giữa người dân Israel và Ả Rập Xê Út, cùng nhau làm việc, cùng nhau học tập, cùng nhau viết nên một câu chuyện chung”.
Như một biểu tượng của sự xích lại gần nhau đó, ngày thứ Sáu, 15 tháng 7 tới đây, tổng thống Mỹ sẽ bay thẳng từ Israel qua Ả Rập Xê Út. Chuyến bay Tel Aviv-Djdda sẽ là chuyến bay trực tiếp đầu tiên trong lịch sử của hai nước.”
Được biết vào ngày 14 tháng 9 năm ngoái, vào dịp tròn một năm các Thỏa thuận Abraham được ký kết cho phép thiết lập bang giao giữa Israel với 3 quốc gia Ả Rập gồm Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Bahrein và Maroc, Chính quyền Joe Biden quyết định kỷ niệm một năm “các Thỏa thuận Abraham”. Việc chính thức dùng tên gọi “các Thỏa thuận Abraham” là một dấu hiệu rõ ràng, từ phía chính quyền Biden, khẳng định thành quả ngoại giao dưới thời tổng thống tiền nhiệm Donald Trump.
Đây cũng là lần đầu tiên chính quyền Biden khẳng định việc ủng hộ “các Thỏa thuận Abraham” sẽ góp phần giải quyết các xung đột giữa Israel và Palestine.
Mỹ sẽ bảo vệ đồng minh nếu Trung Cộng vi phạm phán quyết của Tòa La Haye (RFI)
Ngày 12/07/2022 đánh dấu tròn 6 năm Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) La Haye ra phán quyết bác bỏ những yêu sách phi lý của Trung Cộng về chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông. Nhân sự kiện này, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken một lần nữa kêu gọi Trung Cộng tôn trọng phán quyết năm 2016, đồng thời cảnh báo Washington sẽ buộc phải bảo vệ đồng minh Philippines, trong trường hợp nước này bị tấn công ở vùng biển có tranh chấp.

Trong bản tuyên bố được đại sứ quán Mỹ ở Manila đăng trên website ngày 12/07, ngoại trưởng Blinken viết : “Một lần nữa chúng tôi kêu gọi RPC (Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa) tôn trọng những cam kết của họ về luật pháp quốc tế và ngừng mọi hành vi gây hấn”. Hoa Kỳ sẽ bảo vệ đồng minh Philippines theo khuôn khổ hiệp định quốc phòng hỗ tương giữa hai nước được ký năm 1951.
Tuy nhiên, hãng tin Mỹ AP nhắc lại là Trung Cộng không công nhận thẩm quyền của Tòa Trọng Tài Thường Trực, cũng như phán quyết của Tòa năm 2016 bác hầu hết yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Về phía Philippines, trong một thông cáo ngày 12/07, ngoại trưởng Enrique Manalo tuyên bố phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye năm 2016 là điều “không thể chối cãi” và là điều kiện tiên quyết cho “ổn định, hòa bình và tiến bộ” ở khu vực có tranh chấp ở Biển Đông. Ngoài ra, phán quyết năm 2016 sẽ là một trụ cột cho chính sách và hành động của tân chính quyền liên quan đến vùng biển tranh chấp. Dù không nhắc đến Trung Cộng nhưng Philippines “sẽ kiên quyết bác bỏ tất cả những mưu đồ phá hoại, thậm chí là xóa bỏ luật pháp, lịch sử và ký ức tập thể của chúng ta”.
Cũng để kỷ niệm 6 năm Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về Biển Đông, vài chục nhà đấu tranh cánh tả và công nhân Philippines đã biểu tình trước đại sứ quán Trung Cộng ở Manilla, yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng phán quyết, cũng như đòi tổng thống Marcos bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ở Biển Đông.
Tầu khu trục Mỹ USS Benfold áp sát quần đảo Hoàng Sa, Trung Cộng tức giận (RFI).
Hoa Kỳ tiếp tục các chuyến tuần tra vì tự do lưu thông ở Biển Đông. Ngày 13/07/2022, tầu khu trục USS Benfold đã áp sát quần đảo Hoàng Sa bị Trung Cộng chiếm của Việt Nam năm 1974 khiến Bắc Kinh tức giận và điều lực lượng “đuổi” tầu Mỹ khỏi lãnh hải.

Theo Reuters, Hải Quân Mỹ cho biết tầu USS Benfold “khẳng định các quyền và tự do được lưu thông ở Biển Đông, gần quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”. Ngược lại, bộ chỉ huy Chiến Khu Miền Nam của quân đội Trung Cộng cáo buộc “hoạt động của tầu Mỹ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Cộng với việc thâm nhập trái phép vùng lãnh hải của Trung Cộng quanh quần đảo Hoàng Sa”.
Do đó, “ bộ chỉ huy Chiến khu Miền Nam của Quân Giải phóng Nhân Dân Trung Hoa đã phải tổ chức lực lượng hải quân, không quân để theo dõi, cảnh báo và đuổi” tầu Mỹ. Phía Trung Cộng cũng cáo buộc “thêm một lần nữa Mỹ không khác gì là một kẻ quấy rối đối với an ninh ở Biển Đông” và là một “kẻ phá hoại hòa bình và ổn định khu vực”.
Hải Quân Mỹ cũng ngay lập tức đáp trả, cho rằng cáo buộc của Trung Cộng về hoạt động của tầu Benfold là “sai sự thật” nhằm “bóp méo những chuyến tuần tra hợp pháp của Mỹ và để nhằm khẳng định những yêu sách chủ quyền quá đáng và bất hợp pháp đối với những nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông”.
Chuyến tuần tra của tầu Benfold diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 6 năm Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye bác yêu sách chủ quyền của Trung Cộng đối với hầu hết Biển Đông. Phát biểu hôm 12/07, ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố Hoa Kỳ sẽ giúp đỡ đồng minh trong trường hợp bị Trung Cộng tấn công ở các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông.
Úc chuẩn bị chiến lược quốc phòng mới đối phó với Trung Cộng (RFI)
Chính phủ mới của Úc đang nghiên cứu bối cảnh quốc phòng và cấu trúc lực lượng quân đội để thích ứng với việc Trung Cộng “đang tìm cách kiến tạo lại thế giới xung quanh chúng ta”.
Trong buổi nói chuyện ngày 11/07/2022 tại Trung Tâm Chiến Lược và Nghiên Cứu Quốc Tế (ISIS), phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Quốc Phòng Úc Richard Marles cho biết vào đầu năm 2023, sẽ công bố tài liệu giúp giải đáp một số câu hỏi quan trọng : “Chúng ta đang ở đâu ? ” và “Chúng ta sẽ phải đi đâu ? ”.
Trong chiến lược mới này, “Úc phát triển vũ khí tầm xa, kiên định với việc xây dựng lực lượng tầu ngầm hạt nhân” và kết hợp với Hoa Kỳ để tăng khả năng ngăn chặn tiếp cận trong bối cảnh Trung Cộng không ngừng tìm cách thao túng các quốc đảo Thái Bình Dương. Ngoài ra, Úc cũng “lo ngại việc Trung Cộng sử dụng vũ lực” ở Biển Đông, tương tự như Nga đang làm với cuộc xâm lược Ukraina, có nghĩa là sẵn sàng tấn công trực diện trật tự thế giới, dùng vũ lực thay vì ưu tiên đối thoại.
Theo trang USNI News ngày 12/07, phó thủ tướng Úc cho biết “chiến lược mới là cách đáp trả thận trọng” đặc biệt trong bối cảnh quân đội Trung Cộng không ngừng đạt được những tiến bộ vượt bậc trong thời gian gần đây. “Điều này làm thay đổi hoàn toàn môi trường an ninh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Do đó, các đồng minh, như Úc và Mỹ, “không thể đứng yên” trước những mối đe dọa ngày càng lớn.
Canberra muốn Mỹ can thiệp nhiều hơn vào khu vực, đặc biệt là gia tăng hiện diện quân lính, tầu chiến, chiến đấu cơ. Chính phủ mới dường như muốn đóng vai trò rõ ràng hơn khi cho rằng Úc có nhiệm vụ “chia sẻ gánh nặng về lực lượng chiến lược” với Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Tin Việt Nam.
Cảnh Sát Nghệ An đàn áp dân chiếm đất
Sáng ngày 13/7, chính quyền tỉnh Nghệ An điều động công an, trong đó có cảnh sát cơ động và nhiều người mặc thường phục, vào khu vực xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc để hỗ trợ việc phá bỏ con đường nối từ xóm Khánh Thiện đến đường N5. Theo dân chúng địa phương, con đường dân sinh này đã tồn tại từ rất lâu nhưng bây giờ chính quyền muốn phá bỏ để giao đất cho khu công nghiệp, tuy nhiên không được người địa phương đồng ý.

Đài RFA thuật tin từ một nhân chứng tại chỗ cho biết “Có khoảng 1.000 cảnh sát cơ động, công an mặc cảnh phục và thường phục trang bị dùi cui, khiên chắn, dây thép gai . . . để đàn áp khoảng vài ba trăm thường dân muốn bảo vệ một con đường trong khu vực được dân chúng sử dụng từ lâu nay. Có khoảng 10 người dân bị bắt và bị đánh đập, trong đó có một người cao tuổi và một phụ nữ bị công an vào tận nhà đánh đập nặng và bắt đi. Phía cảnh sát cũng có một người bị thương nhẹ.”
Theo tin sơ khởi, có ít nhất 5 người dân bị công an bắt giữ và một số người bị thương trong cuộc đối đầu giữa dân với cảnh sát cơ động sáng ngày 13/7/2022 tại xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An
Trong các đoạn video phát trực tiếp trên mạng xã hội Facebook của người dân địa phương, người dân dỡ bỏ hàng rào và hai bên xô đẩy nhau.
Một cảnh sát cơ động bị người dân lôi đi và có đấm đá, ở chiều ngược lại nhiều người dân cũng bị cảnh sát tấn công và bắt giữ.
Cảnh sát cơ động bắn quả nổ nghiệp vụ, lựu đạn hơi cay và đẩy đuổi người dân đến giữa làng, một số người sử dụng bom xăng ném về phía lực lượng công an. (Trích RFA)
Dữ liệu cá nhân của 30 triệu người Việt bị tin tặc rao bán
Đai RFA thuật một tin từ Truyền thông Nhà nước loan hôm 13/7 cho biết, một hacker rao bán dữ liệu của 30 triệu người Việt với số tiền là 3.500 đô la trên một diễn đàn hacker hôm 8/7. Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng xác minh dữ liệu lấy cắp không phải từ nguồn của Bộ.

Theo VnExpress, Hacker có tên meli0das đăng trên một diễn đàn hacker ảnh chụp thông tin của một số người bị hack và cho biết thông tin bao gồm tên đăng nhập, email, số điện thoại, họ tên đầy đủ, ngày sinh, trường học và địa chỉ.
Hacker này cũng cho biết dữ liệu này được lấy từ một website trường học phổ biến ở Việt Nam và mới được lấy trong tháng 7.
“Cơ sở dữ liệu này rất hữu ích cho việc tiếp thị hay đánh cắp thông tin, vì con số này tương đương 1/3 dân số Việt Nam” – hacker viết và cho biết thêm sẵn sàng nhận thanh toán bằng tiền điện tử Monero.
Vào ngày 13/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho báo chí biết Bộ này đang phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Công an để tiếp tục xác minh nội dung liên quan đến thông tin rao bán dữ liệu của 30 triệu hồ sơ trong lĩnh vực giáo dục.
Thu nhập đầu người Việt Nam đứng thứ 7 Đông Nam Á, 130 trên thế giới
Thu nhập quốc dân – Gross National Income (GNI) trên đầu người của Việt Nam đứng thứ 7 trong số 11 nước Đông Nam Á và thứ 130 trên 195 nước được Ngân hàng Thế giới thống kê, xếp hạng, theo số liệu vừa được ngân hàng này cập nhật vào đầu tháng 7.

Bộ Chỉ số Phát triển Thế giới (WDI) được Ngân hàng Thế giới cập nhật hôm 1/7 cho thấy GNI đầu người của Việt Nam vào năm 2021 là 3.560 đô la. Chỉ so với các nước trong cùng khu vực, con số của Việt Nam chỉ bằng gần 1 phần 18 của Singapore, 64.010 đô la. GNI đầu người của đảo quốc có quy mô một thành phố này đạt vị trí cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 10 thế giới.
Lần lượt đứng thứ hai và thứ ba ở Đông Nam Á là Brunei và Malaysia với các con số tương ứng là 31.510 và 10.930 đô la, cao hơn Việt Nam gấp khoảng 9 lần và 3 lần. Hai nước kể trên lần lượt đứng thứ 33 và 70 trên thế giới.
Ba nước khác thuộc khối ASEAN đứng trên Việt Nam là Thái Lan, với 7.260 đô la/người, đứng thứ 88 trên thế giới; Indonesia, 4.140 đô la, vị trí 119; và Philippines, 3.640 đô la, vị trí 128.
Các nước cùng khu vực có GNI đầu người thấp hơn Việt Nam là Lào, Timor Leste, Campuchia và Myanmar.
Một số cường quốc gắn liền với khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thứ hạng như sau: Mỹ đứng thứ 7 trên thế giới, Nhật Bản, 28; Hàn Quốc, 32; Trung Quốc, 68 và Nga, 69. (Trích VOA)
Sài Gòn có tới 25 ngàn người bị sốt xuất huyết
Chỉ riêng ở Sài Gòn, đã có gần 25,000 người bị sốt xuất huyết, 13 người đã thiệt mạng kể từ đầu năm 2022 cho đến nay trong khi các loại thuốc điều trị đang thiếu. Cách đây một tuần lễ, Bộ Y tế Việt nam nói cả nước có 92,000 ca sốt xuất huyết và tới thời điểm vừa kể đã có 36 người thiệt mạng.
Sốt xuất huyết là một chứng bệnh nhiệt đới xảy ra hàng năm, cả ngươi lớn và trẻ em đều có thể bị bệnh nhưng trẻ em dễ mắc hơn. Sốt xuất huyết có thể lây truyền từ người này sang người khác, hoặc do một loại siêu vi trùng dengue mà muỗi mang mầm bệnh này đốt.
Khi mắc bệnh, triệu chứng có thể kéo dài từ 3 cho tới 14 ngày, cơ thể người ta trở nên đau nhức, nóng sốt, nôn mửa, nhức đầu, ngứa ngáy và nổi mụn ngoài da. Thông thường thì cơn bệnh sẽ qua đi trong vòng hai tuần lễ nhưng những trường hợp nặng có thể dẫn đến chảy máu, giảm áp huyết đột ngột và thiệt mạng.
Gần 10 ngàn Bác sĩ y tá bỏ việc vì lương thấp, trách nhiệm cao
Theo báo Nhà Nước loan tin, trong khoảng một năm rưỡi trở lại đây, trên cả nước có gần 10,000 bác sĩ, y tá, viên chức trong hệ thống y tế công đã theo nhau nghỉ việc, vì đồng lương quá thấp, công việc lại quá cực nhọc và trách nhiệm là mạng sống của người bệnh và cả người chữa bệnh.
Thay vì tăng lương cho đủ sống, nhà cầm quyền trung ương đã ra nghị quyết trả phụ cấp từ 200,000 đồng/ngày đến 300,000 đồng/ngày cho viên chức y tế trực tiếp khám và chữa bệnh và “những người đi giám sát, điều tra xác minh dịch”. Nhưng phần lớn không nhận được đồng nào, gây bất mãn khắp nơi.
Lúc đầu thì tuyên truyền viên chức y tế cứ chích một mũi thuốc được 7,500 đồng nhưng về sau lại ra lệnh “phải có chứng chỉ y khoa” mới được lấy tiền, và số tiến được hưởng không quá 150,000 đồng.
Tòa Hà Tĩnh: Facebooker theo Công giáo bị tuyên 5 năm 6 tháng tù với cáo buộc chống Nhà nước
Đài RFA hôm 13/7 loan tin Ông Nguyễn Đức Hùng, sinh năm 1991, chủ các tài khoản Facebook ‘Nguyễn Đức Hùng’ và ‘Nguyễn Đức Hùng Sbr’ vào ngày 13/7 bị Tòa Hà Tĩnh tuyên 5 năm 6 tháng tù. Cáo buộc đối với ông Hùng là ‘Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhắm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’ theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự 2015 của Việt Nam.

Trang Facebook của Nguyễn Đức Hùng cho thấy ông là một người Công giáo và có khoảng chín nghìn người theo dõi.
Cáo trạng cho rằng, từ năm 2016-2021, ông Hùng ngoài hai tài khoản Facebook vừa nêu còn lập một số tài khoản mạng xã hội khác. Trên các tài khoản đó ông biên soạn, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, hình ảnh, video clips bị cho có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam.
Thống kê của RFA cho thấy trong năm 2022, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã bắt giữ và cấm đi khỏi nơi cư trú ít nhất 19 người thuộc giới bất đồng chính kiến.
Nhiều tướng, tá cảnh sát biển VN đối mặt án tù vì bảo kê buôn lậu xăng dầu
Một loạt cựu sỹ quan cấp tướng, tá của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đang bị đưa ra xét xử tại một tòa án ở Hà Nội với cáo buộc nhận hối lộ để bảo kê cho một đường dây buôn lậu xăng dầu.
Theo truyền thông trong nước, 14 bị cáo đang bị xét xử tại Tòa án Quân sự Quân khu 7 trong phiên tòa kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ 12/7, là các sỹ quan cấp cao của lực lượng cảnh sát biển và bộ đội biên phòng. Họ bị cáo buộc phạm tội buôn lậu, nhận hối lộ, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài và không tố giác tội phạm.

Trong số các bị cáo bị đưa ra tòa, nhiều cựu tướng tá cảnh sát biển và biên phòng bị xét xử vì có liên quan đến đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng dầu, trị giá khoảng 2.900 tỷ đồng, từ Singapore về Việt Nam do Phan Thanh Hữu, giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phan Lê Hoàng Anh, cầm đầu và đang bị Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đồng Nai truy tố về tội “buôn lậu”, theo báo Tiền Phong.
Một số bị cáo khác, gồm các cựu sĩ quan Cảnh sát biển, Cảnh sát giao thông và sĩ quan Biên phòng thuộc các tỉnh phía nam, bị cáo buộc nhận hối lộ của bị can Hữu từ vài trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng. Vẫn theo Tiền Phong, một nhóm bị cáo khác thuộc nhóm dân sự bị cáo buộc có hành vi “không tố giác tội phạm.”
Một trong số những người đang bị xét xử là cựu đại tá Phan Thế Anh, chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, bị truy tố tội “Nhận hối lộ” và “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép,” theo các điều 349 và 354 của Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng được báo Thanh Niên trích dẫn, ông Anh, khi đó là phó cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đã nhận tiền từ ông Hữu để giúp đỡ người này buôn lậu xăng dầu sang Campuchia kiếm lời. Theo thỏa thuận, mỗi tháng ông Hữu chi cho ông Anh 30.000 USD và 100 triệu đồng. Cáo trạng cho biết, từ tháng 10/2019 đến tháng 2/2020, vị đại tá 49 tuổi đã nhận của ông Hữu 150.000 USD và 500 triệu đồng.
Cũng trong vụ án đang được xét xử ở Hà Nội, Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương cáo buộc hai người vợ của hai vị Tư lệnh vùng Cảnh sát biển đã trực tiếp nhận tiền hối lộ hàng tỷ đồng từ chủ doanh nghiệp buôn lậu xăng dầu từ Singapore về Việt Nam, tức ông Hữu.
Một người trong số đó là vợ của cựu Thiếu tướng Lê Văn Minh, Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 4, và người còn lại là vợ cựu Thiếu tướng Lê Xuân Thanh, Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 3.