Tin Hoa Kỳ và Thế Giới
Nhận Xét Của Ông Biden Sau Khi Bị Nhiễm COVID-19

Tổng thống Joe Biden lên tiếng sau khi ông bị nhiễm COVID-19 vào thứ Năm (21/07). Ông cho biết sức khoẻ ông ổn định và “luôn luôn bận rộn”. Ông viết trên Twitter, “Thưa quý vị, tôi cảm thấy bình thường. Cảm ơn sự quan tâm. Tôi vừa gọi điện thoại cho Nghị sĩ Casey, Dân biểu Cartwright, và Thị trưởng Cognetti (và nhiều người khác) để gửi lời hối tiếc vì đã bỏ lỡ công việc trong ngày hôm nay”.
Sau đó, trương mục của ông Biden đăng một video cho thấy vị ông Biden 79 tuổi, đang nói chuyện tại Tòa Bạch Ốc có vẻ còn khoẻ. Ông nói, “Sáng nay, tôi đã xét nghiệm positive với COVID. Tôi đã chích ngừa hai mũi và thêm hai liều tăng cường”. Tuy nhiên, “Các triệu chứng đều nhẹ. Và tôi thực sự cảm kích trước sự quan tâm của quý vị”.
Đây là lần đầu tiên ông Biden xác nhận rằng đã nhiễm virus sau khi chích 4 mũi thuốc ngừa. Điều này cho thấy, vaccine không hoàn toàn ngăn ngừa sự lây nhiễm COVID-19, còn gọi là Cúm Tàu. Ông là người cao tuổi, được coi là một trong những người thuộc nhóm có nguy cơ cao bị COVID-19 tác hại.
Ông hiện đang bị cách ly tại Tòa Bạch Ốc và sẽ tiếp tục làm việc trong khi lưu lại Toà Bạch Ốc. Tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc, cô Karine Jean-Pierre cho biết, ông Biden sẽ tham dự các cuộc họp qua điện thoại hay video Zoom.
Tòa Bạch Ốc cho biết TT Biden đang dùng loại thuốc Paxlovid do Pfizer sản xuất, để điều trị. Đây là loại thuốc mà các viên chức y tế cho biết hồi đầu năm là có thể gây tái phát các triệu chứng COVID-19 ngay cả sau khi xét nghiệm có kết quả Negative.
Cố vấn COVID-19 của Tòa Bạch Ốc, ông Anthony Fauci cũng bị nhiễm virus sau khi chích ngừa đủ 4 mũi, và cũng dùng thuốc Paxlovid để điều trị trong năm ngày. Rồi thử nghiệm, có kết quả Negative. Vài ngày sau, ông thử nghiệm cho chắc ăn thì lại có kết quả Positive. Đầu tháng Sáu, Trung Tâm Kiểm Soát Và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) đã gửi một cảnh báo về cái gọi là “sự tái phát COVID”, có nghĩa là bệnh nhân có khả năng tái phát các triệu chứng sau khi dùng Paxlovid.
Một nghiên cứu do Đại học California tại San Diego công bố rằng sự tái phát này có thể là do lượng thuốc tiếp cận các tế bào bị nhiễm bệnh không đủ để ngăn chặn virus tái tạo.
Hồi năm ngoái, Toà Bạch Ốc đã đưa ra tuyên bố với báo chí rằng những người được chích ngừa không thể nhiễm COVID-19. Đến nay, điều này chứng minh dự đoán đó không chính xác.
Stephen Bannon Bị Kết Tội Khinh Thường Quốc Hội
Ông Bannon, là người thân tín của cựu tổng thống Trump, bị kết tội khinh thường Quốc Hội vì ông từ chối cung cấp tài liệu hoặc lời khai cho Uỷ Ban 6 tháng Giêng.

Uỷ Ban 6 tháng Giêng là tên ngắn gọn của một Uỷ Ban Điều Tra Vụ Nổi Loạn Ngày 6 tháng Giêng năm 2021 tại Toà Nhà Quốc Hội. Uỷ ban này được đảng Dân Chủ thành lập và do chủ tịch Quốc Hội, bà Pelosi trực tiếp chọn thành viên. Các thành viên trong uỷ ban này, không ai có cảm tình với đảng Cộng Hoà và ông Trump. Trái ngược, tất cả các thành viên của Uỷ Ban này đều có chủ trương tấn công đảng Cộng Hoà và tổng thống Trump. Các uỷ ban khác của Hạ Viện Hoa Kỳ đều được thiết lập gồm các đảng viên của lưỡng đảng thể hiện sự cân bằng cho mỗi đề án công tác.
Ông Bannon, là người có tinh thần bảo thủ, từng là cố vấn cho Toà Bạch Ốc, dù đã không còn phục vụ với tư cách là cố vấn kể từ năm 2017, nhưng ông vẫn bị buộc tội đã xúi dục cuộc nổi dậy trong ngày 6 tháng Giêng năm 2021, là ngày Quốc Hội Hoa Kỳ duyệt và xác nhận kết quả cuộc bầu cử Tổng thống 2020. Quốc Hội đã gởi cho ông trát đòi hầu toà để trình bày các bằng chứng rằng ông không có hành vi xúi dục hay âm mưu lật đổ kết quả bầu cử. Ông Bannon đã không hầu toà. Sau đó ông hầu toà nhưng không trưng ra các bằng chứng về Vụ Nổi Loạn 6 tháng Giêng như Uỷ Ban chờ đợi.
Uỷ Ban 6 tháng Giêng cho rằng ông Bannon là người cùng với tổng thống Trump âm mưu thực hiện của lật ngược kết quả bầu cử Tổng thống 2020, đưa đến cuộc nổi dậy 6 tháng Giêng, hoặc của nổi loạn nằm trong kế hoạch. Bồi thẩm đoàn của phiên toà liên bang đã luận tội và đi đến kết luận ông Bannon mắc tội khinh thường và không hợp tác với Quốc Hội.
Nếu ông Bannon nhận tội ông sẽ bị đóng tiền phạt là 100,000 Đô-la và 12 tháng tù. Tuy nhiên, luật sư của ông Stephen Bannon nói, ông Bannon sẽ chống án lên toà trên.
Ông Fauci Tuyên Bố Không Về Hưu
Hôm thứ Ba (19/07), cố vấn y tế của Tòa Bạch Ốc, Tiến sĩ Anthony Fauci tuyên bố ông không về hưu, nhưng ông sẽ từ chức cố vấn y tế của Toà Bạch Ốc sau khi ông Biden không còn làm tổng thống.
Trước đó, ông Fauci có nói với báo Politico vào sáng ngày 18/07 rằng ông sẽ không ở lại vị trí hiện tại khi nhiệm kỳ kết thúc vào tháng 01/2025. Lời tuyên bố này làm cho báo chí suy đoán ông Fauci sẽ về hưu trước ngày đó. Ông có nói với báo Hill rằng, “Tôi sẽ không về hưu. Tôi có thể từ chức vị trí hiện tại. Tôi đã nói sự thật, rằng cho dù đó là ông Donald Trump hay đó là nhiệm kỳ thứ hai của ông Joe Biden, tôi không có ý định ở lại chức vụ cố vấn y tế của Toà Bạch Ốc”.

Theo cơ quan giám sát chính phủ, một tổ chức bất vụ lợi có tên là Open The Book thì lương hưu của tiến sĩ Anthony Fauci sẽ là 414,667 Đô-La, sau khi đã trừ thuế. Mức lương này cao hơn lương chính thức của Tổng thống Hoa Kỳ là 400,000 Đô-La. Hiện tại, ông Fauci đang hưởng lương hàng năm là 456,028 Đô-La.
Ông Fauci, 81 tuổi, giám đốc Viện Dị Ứng Và Bệnh Truyền Nhiễm Quốc Gia từ năm 1984 nhưng gần như không ai biết tên. Ông trở thành một cái tên quen thuộc vào đầu năm 2020 khi ông xuất hiện trên báo chí về đại dịch COVID-19. Và ông là phát ngôn viên chính thức của chính phủ về đại dịch. Khi đại dịch kéo dài ông trở thành một người tạo sự chia rẽ trong quần chúng. Có lúc ông đưa ra lời dự đoán có vẻ ảm đạm; có khi ông cho là bệnh dịch sắp hết. Đến nay, thì ông nói rằng, vi khuẩn cúm Tàu, còn gọi là COVID-19, sẽ ở với chúng ta rất lâu.
Ông đề nghị tất cả mọi người phải mang khẩu trang, chích ngừa COVID-19, thì bị dân chúng phản đối, cho rằng ông vi phạm quyền tự do cá nhân. Hồi đầu năm, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã bác bỏ quy định xét nghiệm hoặc chích ngừa của chính phủ Biden, và tuyên bố rằng Cục Quản Lý Sức Khỏe và An Toàn Lao Động đã vượt quá thẩm quyền.
Cách đây vài tuần lễ, ông Fauci cho biết ông bị nhiễm COVID-19 mặc dù đã chích bốn liều vaccine. Tuần trước, ông Fauci đã gây nhiều chú ý khi phát biểu trên truyền hình Fox News rằng vaccine COVID-19 “không bảo vệ hữu hiệu lắm… để chống lại sự lây nhiễm”, mà chỉ tránh bị bệnh nặng, khỏi phải vào bệnh viện.
Bộ Ngoại Giao Mỹ Kêu Gọi Trung Cộng Chấm Dứt Bức Hại Pháp Luân Công

Để đánh dấu năm thứ 23 của chiến dịch tàn bạo của Trung Cộng nhằm xóa sổ Pháp Luân Công, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã lên tiếng rằng cuộc bức hại Pháp Luân Công của nhà cầm quyền Trung Cộng là “không thể chấp nhận được và cần phải chấm dứt”.
Văn phòng Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Của Bộ Ngoại Giao đã công bố trên Twitter hôm 21/07 rằng: “Kể từ 23 năm trước, Trung Cộng đã bắt đầu cuộc đàn áp tàn bạo nhắm vào Pháp Luân Công, các học viên, những người ủng hộ phong trào này, cũng như những người bảo vệ nhân quyền”.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần truyền dạy các giá trị chân, thiện, và nhẫn với một bộ công pháp tĩnh tại. Môn tập này đã nhanh chóng trở nên phổ biến trong những năm 1990, với ước tính khoảng 70 triệu đến 100 triệu người theo học vào cuối thập niên đó.
Thế nhưng, Trung Cộng xem đây mối đe dọa đối với đảng cộng sản. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu một chiến dịch trên toàn quốc nhắm vào môn tu luyện này. Từ đó, các học viên thường xuyên bị sách nhiễu, tra tấn, cưỡng bức lao động, và chịu nhiều hình thức lạm dụng khác. Nhiều người trong số họ đã bị sát hại trong khi giam giữ để lấy nội tạng bán cho các đường dây kinh doanh cấy ghép nội tạng do nhà cầm quyền Trung Cộng tổ chức.
Ông Rashad Hussain, đại sứ Hoa Kỳ đặc trách về tự do tôn giáo quốc tế, cũng đã phát biểu lời ủng hộ hàng triệu người đang sống dưới cuộc đàn áp không ngừng nghỉ ở Trung Quốc, do bởi Trung Cộng. Ông viết: “Tôi sát cánh cùng cộng đồng Pháp Luân Công. Hàng ngàn người đã bị tra tấn, sách nhiễu, bỏ tù, và buộc phải từ bỏ đức tin của họ. Chiến dịch bất công này cần phải kết thúc”.
Hôm 20/07, Liên Minh Nghị Viện Xuyên Quốc Gia về Chính Sách Trung Quốc, một nhóm các nhà lập pháp liên đảng quốc tế đang thúc đẩy một lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh về các vấn đề như thương mại và nhân quyền, đã đưa ra một tuyên bố để “tưởng niệm tất cả những người ở Trung Quốc bị từ chối quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo”.
Các nhà lập pháp này lưu ý rằng nhiều học viên của Pháp Luân Công đã phải chịu đựng “những hình thức tra tấn tàn nhẫn nhất và đã có các báo cáo đáng tin cậy về hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức diễn ra trên quy mô toàn quốc tại Trung Quốc”.
Hàng ngàn học viên Pháp Luân Công ở Hoa Kỳ đã tụ tập về thủ đô Washington DC để tuần hành trên Đại Lộ Hiến Pháp, đánh dấu 23 năm Pháp Luân Công bị đày đoạ ngay tại ở đất nước Trung Hoa.
Chiến Tranh Nga-Ukraine Tạo Sự Sụp Đổ Vành Đai Con Đường Của Trung Cộng
Mười năm qua, Trung Cộng dựa vào sáng kiến Một Vành Đai Một Con Đường trị giá 4 ngàn tỷ USD, một chiến lược nhằm tạo hào quang cho Trung Cộng tại 149 quốc gia. Nhưng ánh sáng thành công chưa thấy mà chỉ thấy nhiều đe doạ sẽ sụp đổ.

Các nhà quan sát đã có nhận định rằng, đà phát triển sáng kiến Vành Đai – Con Đường đang bị đình trệ trên tất cả các quốc gia Âu Châu. Trung Cộng đã không lường trước các rào cản của lệnh trừng phạt do thế giới áp đặt lên nước Nga, vì Nga xâm lăng Ukraine.
Trước khi có các lệnh trừng phạt, Trung Cộng sử dụng Nga như là một điểm trung chuyển thuận tiện cho việc vận chuyển nguyên vật liệu cho việc phát triển Vành Đai – Con Đường, đến St. Petersburg của Nga qua đường Hoả Xa Trung Quốc-Âu Châu, sau đó đi qua Biển Baltic vào trung tâm Âu Châu. Các lệnh trừng phạt buộc Trung Cộng phải đổi đường vận chuyển đi vòng quanh nước Nga và vào Âu Châu thông qua các đường bộ, đi qua Belarus, Ba Lan và các quốc gia khác.
Chiến lược Vành Đai – Con Đường của Trung Cộng ra mắt lần đầu tiên vào năm 2013. Chiến lược này gồm hai phần: trên bộ thông qua Vành đai Kinh tế Con Đường Tơ Lụa chạy qua Trung Á, Trung Âu và Đông Âu đến Tây Âu; và trên biển thì đi qua “Con Đường Tơ Lụa Hàng Hải”, băng qua Biển Đông và Ấn Độ Dương, đi về phía tây, đi qua Đông Nam Á đến Nam Á, Trung Đông, Phi Châu và Âu Châu.
Ukraine, là quốc gia đang bị tàn phá bởi chiến tranh, ở ngã ba của lục địa Á-Âu, là cửa ngõ quan trọng đi từ Á Châu để vào Âu Châu và là nguồn cung cấp năng lượng, lương thực và kỹ nghệ quân sự quan trọng cho Trung Cộng.
Các quốc gia khác dọc theo tuyến đường vận chuyển Vành Đai – Con Đường, bao gồm Belarus, Ba Lan và Romania, cũng cảm thấy căng thẳng do chiến tranh Nga-Ukraine. Chẳng hạn, Belarus đã phải chịu chung số phận lệnh trừng phạt bởi vì Belarus ngả theo nhà cầm quyền Nga.
Đường Hoả Xa từ Tàu đến Âu Châu là một khâu quan trọng để vận chuyển hàng hóa trên đường bộ. Đó là con đường vận tải quan trọng nhất của vành đai kinh tế trên bộ với các tuyến đường đi từ đông sang tây ngang qua Kazakhstan, Nga, Belarus, Ba Lan và Âu Châu.
Hôm 31/03, Nhật báo Kinh Tế của Trung Cộng đã mô tả các lệnh trừng phạt đối với Nga và Belarus đã buộc các chuyến tàu chạy vòng quanh các quốc gia này và Ukraine. Do đó, các chuyến hàng vào Âu Châu đang bị trì trệ trong khi các chuyến trở về Tàu thì trống rỗng. Không biết sự gián đoạn này sẽ kéo dài bao lâu.
Sự chậm trễ không phải là vấn đề duy nhất, mà các lệnh trừng phạt và tình trạng bất ổn vì chiến tranh đã tạo ra những khó khăn về hậu cần, tăng cao chi phí lao động và khó khăn trong việc giải quyết các thỏa thuận thương mại vì các ngân hàng Nga không còn là một phần của SWIFT, huyết mạch của hệ thống tài chính toàn cầu.
Một nhà bình luận ở Hoa Kỳ, ông Tuo Wei cho rằng, hình ảnh Vành Đai – Con Đường đang lu mờ dần đối với các nước Âu Châu bởi vì Trung Cộng liên kết với Nga. Chính sự lu mờ rồi trở nên tối đen sẽ đem lại sự thất bại cho chiến lược Vành Đai – Con Đường của Trung Cộng tại Âu Châu và nhiều nơi khác.
Vì sự thân thiện của Trung Cộng đối với Nga khiến Ukraine sợ mình sẽ trở thành con chốt thí sau khi chiến tranh chấm dứt. Lithuania cũng e sợ như vậy. Ông Wei nói “Các quốc gia Âu Châu khác, trong đó có Đức, Cộng hòa Czech, Hungary, Ba Lan, Bulgaria và Romania, cũng có thể cân nhắc lại sự hợp tác của họ với Trung Cộng và cảnh giác với sự xâm nhập của Trung Cộng”.
Trong khi đó tình hình tại Sri Lanka, một điểm quan trọng của Con Đường Tơ Lụa Hàng Hải, người dân đang biểu tình do nền kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1948. Quốc đảo nhỏ bé này phụ thuộc vào sự giao thương với Nga và Ukraine trong ngành du lịch và trà. Nhưng chiến tranh giữa các quốc gia này đang làm cho nền kinh tế Sri Lanka suy sụp và cuộc khủng hoảng kinh tế của Sri Lanka đang chuyển sang một cuộc khủng hoảng chính trị.
Nền kinh tế thất bại của Sri Lanka không bắt nguồn từ việc Nga xâm lăng Ukraine. Mà bắt đầu khi Trung Cộng sử dụng chiến lược Vành Đai – Con Đường để gài Sri Lanka vào cái bẫy nợ, rồi trở thành một cơn ác mộng chính trị. Ngày nay, Sri Lanka không còn khả năng trả nợ cho Trung Cộng, đang trên đà phá sản.
Các quốc gia nằm trên con đường tơ lụa “Vành Đai – Con Đường” nhìn thấy sự phá sản của Sri Lanka không thể không nghĩ đến thân phận của mình.
Trung Cộng Học Các Thất Bại Của Nga Để Chuẩn Bị Đánh Chiếm Đài Loan
Thông tấn Fox News cho biết Giám đốc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương của Hoa Kỳ (CIA), ông William Burns nhận xét rằng Trung Cộng sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng những thất bại của Nga ở Ukraine. Từ đó, người ta có thể nhìn thấy “cách thức và thời điểm” Trung Cộng đánh chiếm Đài Loan.

Ông Burns phát biểu tại Diễn Đàn An Ninh Aspen, rằng ông không đặt câu hỏi là mấy năm nữa thì Trung Cộng sẽ đánh chiếm Đài Loan, mà câu hỏi sẽ là Trung Cộng sẽ đánh cách nào và khi nào. Ông Burns nói: “Nếu có một bài học mà Trung Cộng có thể rút ra từ kinh nghiệm của Putin ở Ukraine là phải đánh nhanh, thắng nhanh bằng lực lượng áp đảo”.
Tại Diễn Đàn An Ninh Aspen, ông Burns tham gia nhiều cuộc thảo luận qua nhiều chủ đề khác nhau, từ khả năng hạch tâm của Iran đến việc Nga giam tù cầu thủ cầu thủ bóng rổ Brittney Griner. Ông dành nhiều thì giờ để thảo luận về hai nước thù địch lớn nhất đối với Hoa Kỳ. Ông chú ý đến cuộc xâm lăng của Nga đối với Ukraine, bao gồm cả tâm lý của Putin và các yếu tố làm cho Nga không thể chiến thắng nhanh chóng và dứt khoát mà Trung Cộng có thể rút ra bài học cho cuộc xâm lăng Đài Loan sau này. Ông Burns nói “Tôi sẽ không đánh giá thấp Tập Cận Bình. Ông ta củng cố quân đội và quyết tâm tiến tới việc đánh chiếm Đài Loan”.
Cuộc xâm lăng Ukraine của Nga đã chứng tỏ một “thất bại chiến lược” đối với Putin. Theo ông Burns, tình báo Hoa Kỳ ước tính quân lính Nga đã tử trận khoảng 15,000 và số thương binh có thể gấp ba lần con số đó. Về phía Ukraine, tổn thất có thể ít hơn một chút nhưng con số thương vong cũng lớn. Ông Burns nhận xét rằng, Nga sẽ tiếp tục tấn công Ukraine và tin rằng mùa đông đến, khi chi phí nhiên liệu lên cao sẽ làm suy yếu tinh thần của NATO. Tuy nhiên, theo ông, Putin không thể “phá vỡ NATO” mà NATO lại có thêm hai quốc gia thành viên mới là Thuỵ Điển và Phần Lan.
Đây là điểm khiến Trung Cộng thận trọng nhiều hơn sau khi nhìn thấy Putin đã thúc đẩy Âu Châu đến gần Mỹ hơn và làm cho NATO (Minh Ước Bắc Đại Dương) đoàn kết hơn. Chính điều này gây nên nỗi bất an cho Trung Cộng. Bởi vì Trung Cộng lâu nay tưởng mình có khả năng gây chia rẽ Âu Châu và Mỹ. Một khi chiến tranh nổ ra thì Trung Cộng sẽ ở vào thế đơn độc chống lại một khối các quốc Tây Phương.
Năng Lượng Mặt Trời và Năng Lượng Gió Vẫn Còn Xa Vời
Người ta thường nghe nói năng lượng mặt trời là tương lai. Khắp nơi nghe lời trấn an, kỹ nghệ tạo năng lượng mặt trời không có rủi ro. Nhưng không phải là vậy. Năng lượng mặt trời không mang lại hiệu quả. Hệ thống của nó rất tốn kém, không chỉ về mặt tài chánh mà còn về phương diện môi trường.

Thế giới đang ở giữa một cuộc khủng hoảng an toàn lương thực. Giờ đây, trong một nỗ lực chống lại cuộc khủng hoảng đang leo thang này, Trung Hoa là nơi có đông dân nhất thế giới, đang lo lắng và bắt đầu ngăn cấm các nhà phát triển năng lượng mặt trời xây dựng các tấm pin quang năng trên đất nông nghiệp.
Báo Irish Independent gần đây đưa tin rằng Trung Cộng đang xem xét một cách nghiêm chỉnh về việc “cấm sử dụng đất rừng và đất canh tác để phát triển năng lượng mặt trời”.
Sự thật là, Trung Cộng đã đầu tư rất nhiều vào các dự án năng lượng mặt trời. Báo Bloomberg cho hay, Trung Cộng đầu tư vào việc phát triển năng lượng mặt trời “là 4.3 tỷ USD từ tháng Một đến tháng Tư, cao hơn khoảng 204% so với cùng thời kỳ năm trước”.
Trước đây, Trung Cộng từng tuyên bố sẽ tăng gấp đôi công suất năng lượng gió và năng lượng mặt trời của Trung Quốc vào năm 2025. Tuy nhiên, giờ đây, Bắc Kinh bắt đầu quay lại180 độ, cho rằng kế hoạch Green là vấn đề tai hại cho Trung Quốc.
Cũng theo báo Irish Independent, Trung Cộng cho rằng nhiều mảnh đất đặt năng lượng gió và năng lượng mặt trời được coi là “không ổn định”. Các nhà phân tích tại GreenMatch, một công ty chuyên tập trung vào năng lượng tái tạo, thì việc xây dựng các cơ sở năng lượng mặt trời có chi phí đáng kể, bao gồm “việc đất đai bị khô cằn, sự thay đổi của các kênh thoát nước tạo ra quá nhiều sự xói mòn”. Nói cách khác, nông dân không thể còn trồng trọt được bởi vì chương trình năng lượng mặt trời gây ảnh hưởng đáng kể cho các vụ mùa của họ.
Các nhà phân tích lưu ý rằng nhà máy trung tâm đòi hỏi một lượng nước rất lớn cho việc làm mát máy móc, càng làm cho môi trường càng khô cằn hơn. Hơn nữa, “sự gia tăng nhu cầu về nước có thể làm khô thêm nguồn nước sẵn có cũng như sự đổ vỡ lan tràn hóa chất từ các nhà máy”. Sự căng thẳng này “có thể dẫn đến việc ô nhiễm nước ngầm hoặc nước trên bề mặt đất đai”.
Những lời này đến từ những người từng ủng hộ việc sử dụng năng lượng mặt trời. Họ làm việc cho một công ty có quan tâm đến việc bảo vệ môi trường.
Mặc dù Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ bảo đảm rằng kỹ nghệ năng lượng mặt trời “có thể làm giảm lượng khí thải và cải thiện phẩm chất không khí”, nhưng các nhà phân tích tại GreenMatch cảnh báo rằng, trên thực tế việc xây dựng các nhà máy điện năng lượng mặt trời gây ra các nguy cơ đáng kể đối với phẩm chất không khí của chúng ta. Ngoài ra, các cơ sở này tạo ra mầm bệnh trong đất, làm ô nhiễm các hồ chứa nước lân cận, gây tai hại cho môi trường.
Trong một bài báo trên Human Events có nhan đề “Than Đá Chết, Than Đá Muôn Năm” (“Coal is Dead, Long Live Coal”), một sự thật về các tấm pin quang năng, cho là không độc hại, thực ra nó tạo ra chất thải độc hại gấp nhiều lần so với chất thải hạch tâm.
Về năng lượng gió thì bị cho là gây ô nhiễm tiếng ồn, là hạn chế cho những nơi xây dựng các trang trại tuabin gió. Phân tích trên báo Solar Reviews lưu ý rằng mặc dù gió thúc đẩy năng lượng sạch, nhưng mặt trái có nhiều tai hại. Gió vốn dĩ không thể đoán trước được, và năng lượng chỉ có thể được tạo ra khi gió thổi. Không có gió thì không có năng lượng. Không có năng lượng thì không có cây trồng.
Đe doạ đối với động vật hoang dã thì rất lớn. Tạp Chí về Động Vật Hoang Dã cho biết các trang trại gió ở khắp nơi có thể giết chết khoảng 140,000 đến nửa triệu con chim mỗi năm.
Báo cáo năm 2019 từ Quỹ Hâm Nóng Toàn cầu (GWPF) kết luận rằng các tuabin gió từng “gây hại rất nhiều cho động vật hoang dã”. GWPF cho biết họ “không đưa ra quan điểm về năng lượng gió hoặc năng lượng tái tạo”. GWPF chỉ trích các tuabin gió trong một bài báo tiếp theo, có nhan đề “Những Cỗ Máy Sát Hại Môi Trường Xanh” (“Green Killing Machines”). GWPF cảnh báo rằng “nguy cơ rất lớn đối với các loài chim và các sinh vật có cánh, đến mức có thể xoá sổ toàn bộ quần thể các loài chim” bởi các tuabin gió.
Bên cạnh việc gây hại cho đất đai và nhiều loài động vật khác nhau, năng lượng mặt trời và năng lượng gió còn rất tốn kém. Với những người dân bình thường ở Hoa Kỳ, báo Solar Reviews đưa ra con số phỏng đoán cho quy trình lắp đặt các tấm pin quang năng tiêu tốn khoảng 2 dollar hoặc 3 dollar cho mỗi watt. Trung bình mỗi gia đình tại Hoa Kỳ tiêu thụ khoảng 11,000 kilowatt giờ (kWh) mỗi năm, hoặc khoảng 990 watt mỗi tháng. Nói cách khác, trung bình người Mỹ cần phải chuẩn bị hàng chục ngàn dollar đầu tư vào nguồn điện solar hay tuabin gió để cung cấp điện cho ngôi nhà của mình.