Tin Thế Giới.
Tân Thủ tướng Anh Truss đưa ra lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Cộng (VOA).
Bà Liz Truss, một trong những người chỉ trích Trung Cộng mạnh mẽ nhất trên chính trường Anh và cũng thường tự mô tả là người bảo vệ cho trật tự thế giới phương Tây thời hậu chiến, trở thành thủ tướng hôm 6/9, thay thế ông Boris Johnson, người bị nhiều đảng viên trong cùng đảng của ông xem là chưa cứng rắn kịp thời, theo Reuters.

Quan hệ giữa London và Bắc Kinh đã trở nên tồi tệ trong thập kỷ qua khi Anh ngày càng lo ngại rằng việc mở cửa cho đầu tư của Trung Cộng có thể gây ra rủi ro an ninh quốc gia, đồng thời sự lấn át về kinh tế và quân sự của Trung Cộng có thể đi ngược lại chương trình thương mại tự do hậu Brexit của nước này.
Bà Truss coi Trung Cộng là mối đe dọa đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đã chi phối thương mại và ngoại giao sau Thế chiến II, và bà tự xem rằng mình có vai trò xây dựng một bức tường thành chống lại mối đe dọa của Bắc Kinh.
Trong một bài phát biểu được nhiều người biết đến rộng rãi hồi đầu năm nay, trong cương vị là Ngoại Trưởng, bà nói: “Các quốc gia phải tuân thủ luật chơi và bao gồm cả Trung Cộng”, đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh đang “nhanh chóng xây dựng một quân đội có khả năng phô trương sức mạnh đi sâu vào các khu vực có lợi ích chiến lược của châu Âu”.
Bà Truss cảnh báo rằng nếu Trung Cộng không tuân theo các quy tắc toàn cầu, họ sẽ khó mà vươn lên như một siêu cường và họ nên rút ra bài học từ phản ứng kinh tế mạnh mẽ của phương Tây đối với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Bà nói rằng sự trỗi dậy của Trung Cộng không phải là bất khả kháng và phương Tây nên đảm bảo rằng Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh nói là lãnh thổ của chính họ, có thể tự vệ.
Thời báo Hoàn cầu, một phụ bản của Nhân dân Nhật báo – tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Cộng, gọi bà Truss là một “người theo chủ nghĩa dân túy cấp tiến” và nói rằng bà nên vứt bỏ đi “tâm lý đế quốc lỗi thời”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Cộng Mao Ninh hôm 6/9 cho biết bà hy vọng quan hệ với Anh vẫn sẽ “đi đúng hướng”.
Ông James Rogers, đồng sáng lập Hội đồng nghiên cứu Geostrategy có trụ sở tại London, cho biết bà Truss sẽ áp đặt nhiều hạn chế hơn đối với việc Trung Cộng mua lại các công ty của Anh và sẽ làm nhiều hơn nữa để gắn kết các nước với nhau nhằm chống lại sự trỗi dậy của Trung Cộng.
Ông nói: “Bà ấy hiểu về những lợi ích kinh tế ngắn hạn có thể có tác động chiến lược và chính trị lâu dài ra sao, và sẽ cố gắng cân bằng những lợi ích đó hiệu quả hơn so với trước đây”.
Kiev xác nhận phản công ở mặt trận miền đông và đông bắc Ukraina (RFI)
Từ cuối tháng 08/2022, quân đội Ukraina đã tổ chức phản công trên quy mô lớn để chiếm lại thành phố Kherson ở miền nam, do Nga kiểm soát từ tháng Ba. Tối 06/09, một cố vấn của tổng thống Zelensky thông báo Ukraina cũng đang phản công ở miền đông và đông bắc nước này, « song song » với chiến dịch ở miền nam.

Trên mạng Telegram, ông Oleksiy Arestovych cho biết « ở vùng Kharkiv, có nhiều thay đổi nhanh chóng buộc quân đội Nga phải rút về phía đông. Nơi duy nhất mà các toán quân Nga đến là Bakhmut. Nhưng không thành công ». Còn theo bản tin sáng 07/09 của quân đội Ukraina, bộ binh đã tấn công 7 điểm chỉ huy Nga, 13 « khu vực tập trung lực lượng Nga » nhưng không nêu chi tiết và đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga ở nhiều thành phố trong vùng Donetsk, kể cả thành phố chiến lược Bakhmut.
Cụ thể, theo thông tin trên mạng Telegram của Danil Bezsonov, một quan chức cấp cao của nước Cộng Hòa tự xưng Donetsk, « lực lượng vũ trang Ukraina, sau thời gian dài chuẩn bị pháo binh, đã tấn công thành phố Balakliya », ở vùng Kharkiv. « Hiện tại, Balakliya bị bao vây và nằm trong tầm pháo của Ukraina. Mọi cách tiếp cận đều bị cản vì đạn pháo ». Vẫn theo quan chức ly khai này, nếu Balakliya bị thất thủ, quân Nga ở Izyum sẽ bị hở sườn tây bắc.
Hãng tin Reuters chưa kiểm chứng được những thông tin trên. Còn tổng thống Volodymyr Zelensky tỏ ra thận trọng, không nhắc nhiều đến các chiến dịch đang diễn ra ở vùng Kharkiv trong buổi tổng kết tình hình tối 06/09. Tuy nhiên, ông thông báo quân Ukraina đã bắn hạ 5 tên lửa hành trình của Nga trong ngày 06/09, chủ yếu ở mặt trận miền nam.
Nga càng căng thẳng với phương Tây, Putin càng “xoay trục” sang châu Á (RFI).
Việc tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua đến thị sát các cuộc tập trận quy mô với các đồng minh ở vùng Viễn Đông Nga, trước khi đến phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Vladivostok hôm nay cho thấy là căng thẳng với phương Tây càng gia tăng do cuộc chiến tranh Ukraina, chủ nhân điện Kremlin càng hướng về châu Á và nhất là càng tăng cường quan hệ với Trung Cộng.

Các cuộc tập trận mang tên Vostok-2022 đã bắt đầu từ thứ năm tuần trước, với sự tham gia của các đơn vị quân đội của nhiều nước có biên giới chung với Nga hay của các nước đồng minh của Matxcơva, như Belarus, Syria, Ấn Độ và đông nhất là Trung Cộng. Chuyên gia quân sự Nga Ivan Konovalov, được nhật báo Pháp Le Figaro trích dẫn hôm qua, nhận định: “Khi tham gia tập trận chung với Nga, Bắc Kinh chứng tỏ với Hoa Kỳ rằng trên thực tế họ là đồng minh của Nga và sẵn sàng cùng với Nga đẩy lùi mọi mối đe dọa trong khu vực”.
Hôm nay, quân sự nhường chỗ cho kinh tế với việc ông Putin đến phát biểu tại Diễn đàn Vladivostok, một diễn đàn mà phái đoàn Trung Cộng cũng chiếm số đông nhất, với tổng cộng 114 thành viên, theo thông báo của điện Kremlin. Dẫn đầu phái đoàn Trung Cộng không ai khác hơn chính là ông Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Quốc Hội Trung Cộng, nhân vật lãnh đạo đứng hàng thứ ba của chế độ Bắc Kinh.
Trong một thông cáo được công bố hôm qua, điện Kremlin đã tỏ vẻ vui mừng khi thấy “quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược giữa Nga và Trung Cộng đang phát triển theo từng bước”. Matxcơva còn khen ngợi “chính sách rất cân đối của Trung Cộng về khủng hoảng Ukraina” và việc Bắc Kinh rất hiểu những lý do khiến Nga tấn công Ukraina.
Theo nhận định của hãng tin AFP, trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây, Diễn đàn Vladivostok năm nay càng có tầm quan trọng chiến lược đối với Nga, do nền kinh tế nước này đang gánh chịu tác động của các trừng phạt. Mặc dù ủng hộ Nga về mặt chính trị trong cuộc chiến tranh Ukraina và cũng rất cần đến nguồn dầu khí của Nga, nhưng cho tới nay Trung Cộng vẫn tránh giúp Matxcơva lách các trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, chính là với Trung Cộng mà tổng thống Nga muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ kinh tế và an ninh.
Mỹ cấm công ty ‘công nghệ tiên tiến’ xây dựng nhà máy ở Trung Cộng (BBC)
Các công ty công nghệ Mỹ nhận tài trợ của chính phủ liên bang sẽ bị cấm xây dựng các cơ sở “công nghệ tiên tiến” ở Trung Cộng trong 10 năm, chính quyền Tổng thống Joe Biden nói.
Hướng dẫn được công bố như một phần của kế hoạch trị giá 50 tỷ USD nhằm xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn nội địa.

Thông báo được đưa ra khi các nhóm doanh nghiệp kêu gọi sự hỗ trợ của chính phủ nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào Trung Cộng.
Họ phải đối mặt với tình trạng thiếu vi mạch toàn cầu khiến sản xuất bị đình trệ.
“Chúng tôi sẽ thực hiện các rào cản để đảm bảo những ai nhận được quỹ CHIPS không thể xâm phạm an ninh quốc gia… họ không được phép sử dụng tiền này để đầu tư vào Trung Cộng, họ không thể phát triển công nghệ tiên tiến hàng đầu ở Trung Cộng… trong thời gian 10 năm,” theo giải thích của Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo. về Đạo luật Chips và Khoa học của Hoa Kỳ.
“Các công ty nhận tiền chỉ có thể mở rộng nhà máy dùng loại chip sử dụng công nghệ thấp hơn để phục vụ thị trường Trung Cộng.”
Mỹ và Trung Cộng đang vướng vào tranh chấp kéo dài về thương mại và công nghệ.
Vào tháng Tám, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký đạo luật cam kết chi 280 tỷ USD cho sản xuất công nghệ cao và nghiên cứu khoa học, trong bối cảnh có những lo ngại rằng Mỹ đang đánh mất lợi thế công nghệ của mình vào tay Trung Cộng.
Các khoản đầu tư bao gồm giảm thuế cho các công ty xây dựng nhà máy sản xuất chip máy tính ở Mỹ.
Mỹ hiện sản xuất khoảng 10% nguồn cung chất bán dẫn toàn cầu, vốn là chìa khóa cho mọi thứ từ ô tô đến điện thoại di động, giảm gần 40% so với năm 1990.
Đại sứ quán Trung Cộng tại Washington phản đối dự luật bán dẫn, cho rằng nó gợi lại “tâm lý Chiến tranh Lạnh”.
Một số nhà sản xuất chip của Hoa Kỳ đã phải hứng chịu tác động của sự trừng trị thẳng tay của Washington đối với việc bán công nghệ của Mỹ cho Trung Cộng.
Thẩm phán Mỹ đồng ý chỉ định trọng tài đặc biệt trong vụ lục soát nhà ông Trump (VOA)
Một thẩm phán liên bang Hoa Kỳ hôm 5/9 đồng ý về việc bổ nhiệm một chuyên gia đặc biệt để xem xét các hồ sơ bị FBI thu giữ trong quá trình khám xét nơi ở của cựu Tổng thống Donald Trump ở Florida, một động thái có khả năng kéo dài cuộc điều tra hình sự của Bộ Tư pháp, theo Reuters.
Trong phán quyết của mình, Thẩm phán quận hạt Hoa Kỳ Aileen Cannon ở West Palm Beach, Florida, đã chấp thuận yêu cầu của ông Trump về việc chỉ định một trọng tài đặc biệt, một bên thứ ba độc lập, người đôi khi được chỉ định trong các trường hợp nhạy cảm để xem xét các tài liệu có thể được bảo vệ bởi đặc quyền của luật sư – thân chủ.
Bà Cannon cho biết trọng tài này sẽ được giao nhiệm vụ xem xét các tài liệu không chỉ thuộc đặc quyền luật sư – thân chủ mà còn cả bất kỳ hồ sơ nào có thể được hưởng đặc quyền hành pháp.
Bà Cannon cũng ra lệnh cho Bộ Tư pháp ngừng xem xét các hồ sơ như một phần của cuộc điều tra tội phạm của họ, một động thái có khả năng ít nhất sẽ tạm thời cản trở việc họ có thể tiếp tục điều tra.
Tuy nhiên, bà Cannon cho biết các quan chức tình báo Hoa Kỳ có thể tiếp tục tiến hành xem xét liệu các hồ sơ có thể gây ra bất kỳ thiệt hại nào cho an ninh quốc gia không, nếu bị lộ.
Ông Trump đang bị điều tra về việc lấy đi hồ sơ chính phủ, một số hồ sơ được gắn nhãn tuyệt mật, lấy ra từ Nhà Trắng sau khi ông rời nhiệm sở vào tháng 1/2021 và lưu trữ chúng tại tư dinh Mar-a-Lago của ông ở Palm Beach.
Bộ Tư pháp cho biết họ cũng đang điều tra về việc có thể đã xảy ra hành vi cản trở, sau khi FBI phát hiện ra bằng chứng cho thấy nhóm của ông Trump có thể đã cố tình che giấu các tài liệu mật khi các đặc vụ cố gắng thu hồi chúng vào tháng 6.
Thẩm phán Cannon ra hạn định đến 9/9 cho nhóm pháp lý của ông Trump và Bộ Tư pháp cùng nộp một danh sách đề xuất các ứng cử viên làm trọng tài đặc biệt.
Chiến tranh Ukraina: Bắc Triều Tiên trở thành nguồn cung cấp đạn dược cho Nga (RFI)
Nhật báo Mỹ The New York Times ngày 05/09/2022 đã tiết lộ một thông tin tình báo Hoa Kỳ, theo đó Bắc Triều Tiên đang trở thành nguồn cung cấp đạn pháo cho Nga để sử dụng trên chiến trường Ukraina. Việc Matxcơva bị buộc phải quay sang Bình Nhưỡng để tìm mua đạn dược – và có thể là một số loại vũ khí khác – là dấu hiệu cho thấy Nga ngày càng bị tổn thất nặng nề trong cuộc chiến Ukraina.

Theo New York Times, một tài liệu tình báo Mỹ được giải mật cho biết là thương vụ vũ khí Nga-Bắc Triều Tiên này bao gồm hàng triệu quả đạn đại bác và rocket, nhưng không cung cấp thêm chi tiết về thời điểm hoặc loại đạn mà Matxcơva đặt mua.
Trang thông tin Mỹ Axios ngày 06/09 trích dẫn một quan chức Mỹ cao cấp xác nhận tiết lộ của New York Times và cho rằng “vụ mua bán này cho thấy là quân đội Nga tiếp tục bị thiếu hụt vũ khí và đạn dược một cách trầm trọng ở Ukraina, một phần do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và trừng phạt” mà Matxcơva đang phải gánh chịu. Quan chức này nói thêm rằng Hoa Kỳ không loại trừ việc Nga sẽ tiếp tục mua “thiết bị quân sự bổ sung của Bắc Triều Tiên” trong tương lai.
Chiến thuật dội lửa của Nga bị hụt hơi
Theo các chuyên gia quân sự, việc Nga bị thiếu đạn pháo và rocket trên chiến trường Ukraina bắt nguồn từ chiến thuật dội lửa trên đầu đối phương được quân đội nước này áp dụng kể từ khi khởi động cuộc chiến đến nay.
Nhật báo Pháp Le Monde ngày 07/09 nhắc lại ước tính của Lầu Năm Góc Hoa Kỳ theo đó kể từ sau thất bại trong chiến dịch đánh chiếm Kiev và chuyển quân qua tập trung đánh phá miền Đông và miền Nam Ukraina vào tháng Tư, Nga mỗi ngày trút đến 60.000 quả đạn pháo xuống mặt trận. Mức độ tiêu hao đạn dược khủng khiếp đó rất khó mà chịu đựng được, ngay cả đối với những kho vũ khí khổng lồ kế thừa từ thời Liên Xô mà quy mô và tình trạng luôn được Matxcơva giữ kín.
Tuần báo Pháp L’Express ngày 06/09 cũng ghi nhận là theo ước tính của chính quyền Kiev, vào cuối mùa xuân vừa qua, lúc mở ra cuộc tấn công vào vùng Donbass, Nga đã “bắn khoảng 20.000 quả đạn mỗi ngày”, những trận mưa lửa gây khó khăn rất lớn cho lực lượng Ukraina. Thế nhưng vài tháng sau, kho dự trữ đạn pháo thời Liên Xô của Nga đã tan chảy.
Kho đạn Nga bị Ukraina phá hủy
Một lý do khác khiến Nga phải cấp tốc đi tìm nguồn cung cấp đạn dược từ nơi khác đã được Le Monde nêu bật: Quân Đôi Nga đang phải đối mặt với chiến dịch phá hủy kho đạn mà lực lượng Ukraina đã đẩy mạnh từ đầu mùa hè, và ngày càng có thêm dấu hiệu thành công.
Nhờ được trang bị thêm nhiều hệ thống phóng pháo phản lực M142 HIMARS và M270 MLRS do phương Tây chuyển giao, các xạ thủ Ukraina đã có thể bắn trúng mục tiêu cách xa tới 80 km, với độ chính xác chỉ vài mét. Hôm 05/09 vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Anh Ben Wallace khẳng định rằng kể từ tháng Sáu, Ukraina đã thực hiện 350 cuộc tấn công tầm xa vào các mục tiêu “có giá trị gia tăng cao”, ý muốn nói đến các mục tiêu có giá trị chiến lược, trong đó có các kho vũ khí, đạn dược.
Thêm vào vấn đề đạn dược bị tiêu hao đáng kể tại Ukraina, công nghiệp vũ khí Nga lại không thể đáp ứng kịp nhu cầu chiến trường, đặc biệt trong bối cảnh Matxcơva đang phải gánh chịu tác hại từ lệnh cấm vận chuyển giao vũ khí và các linh kiện quân sự do các nước phương Tây áp đặt từ năm 2014 và được tăng cường sau ngày 24/02 khi Nga khởi động cuộc xâm lược Ukraina.
Tin Việt Nam.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ lãnh đạo GHPGVN Thống Nhất
Trong ngày cuối tháng 8-2022, ở Việt Nam xôn xao tin tức về sự ra mắt của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, chính thức vào chức vụ Chánh Thư Ký – Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống. Bậc minh sư lâu nay ẩn danh đột nhiên xuất hiện ở lễ nhận di chúc, ấn tín, và khai ấn từ Đệ ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ khiến những người yêu Phật giáo chân chính và tự do của Việt Nam đều vui mừng.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, người từng bị chính quyền Việt Nam kết án tử hình, vừa trở thành lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất – một tổ chức tôn giáo không được nhà nước công nhận.
Đây là việc đã được ghi trong chúc thư của Hòa thượng Thích Quảng Độ, người viên tịch vào ngày 22/02/2020.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) Thống Nhất được cho là có ảnh hưởng sâu rộng tại miền Nam và từng phát triển rực rỡ trước năm 1975. Nhưng chính quyền Việt Nam không công nhận tổ chức này và sau 1975, cho thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trong thông cáo mang tên Thông bạch của Hội đồng Giáo hội Trung ương công bố mới đây, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã kêu gọi ‘tăng già hòa hợp’, tiến tới kiện toàn nhân sự của GHPGVN Thống Nhất trong thời gian tới.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, 79 tuổi, vốn nổi tiếng là một nhà tu hành uyên bác. Ông từng là giáo sư của Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn.
Ông thông thạo nhiều ngoại ngữ, là nhà thơ, dịch giả, và có nhiều hoạt động được cho là bất đồng với chính phủ Việt Nam.
Trong số các sự kiện gây chấn động Phật giáo Việt Nam thời gian trước là việc ông bị bắt năm 1984, sau đó bị chính quyền Việt Nam tuyên án tử hình năm 1988, với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”.
Sáu các đợt vận động và sự can thiệp của các tổ chức quốc tế, tu sỹ Thích Tuệ Sỹ thoát án tử năm 1998.
Cùng năm này, ông cùng bảy người Việt khác được Tổ chức Human Rights Watch tặng giải thưởng nhân quyền Hellmann-Hamett Awards.
Trải qua nhiều thăng trầm, GHPGVN Thống Nhất hiện nay được cho là có nhiều chia rẽ trong nội bộ, theo thông tin từ một số thành viên của tổ chức này.
Trao đổi với BBC ngày 5/9, Đại đức Thích Đồng Long, Chánh Thư ký Ban Đại diện GHPGVN Thống Nhất Miền Quảng Đức, cho hay:
“Không riêng gì chúng tôi mà hầu như mọi tín đồ tăng ni phật giáo Việt Nam, kể cả hai giáo hội đều quý mến Hòa thượng Tuệ Sỹ vì ông là một bậc học giả uyên thâm, từng có thời gian đấu tranh bảo vệ Phật giáo tại Việt Nam.
“Các thành viên của GHPGVN Thống Nhất đều mong có được sự hòa hợp, đoàn kết, để phát triển tổ chức”.
“Tuy nhiên có nhiều vấn đề về pháp lý và cơ cấu tổ chức còn chưa rõ,” ông nói với BBC từ Sài Gòn.
Tổng bí thư nắm quyền cắt đặt nhân sự kể cả “tứ trụ”
Ngày Thứ Hai mùng 5 Tháng Chín, báo chí trong đảng csVN đưa tin, Võ Văn Thưởng, “Thường trực Ban Bí thư” thay mặt Bộ Chính trị của đảng CSVN ký ban hành “Quy định 80 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử (Quy định 80) thay thế cho Quy định 105 năm 2017.”
Quyết định mới này “Bổ sung nhiều quyền về quản lý cán bộ cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư” của đảng. Nói khác, càng ngày cái nhóm chóp bu của đảng CSVN có vẻ muốn tranh quyền kiểm soát cả hai guồng máy đảng và nhà nước.
“Bộ Chính trị sẽ chuẩn bị và giới thiệu nhân sự để Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, bầu Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (gồm Chủ nhiệm và các ủy viên); đồng thời, giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.” Về mặt hình thức thì cả cái Bộ Chính Trị gồm gần 2 chục ông bà ngồi chót vót trên hệ thống quyền lực của chế độ, nhiệm kỳ 5 năm vào mỗi dịp họp đại hội đảng, sẽ họp rồi “giới thiệu thành phần nhân sự” như nói trên. Nhưng trên thực tế, từ trước tới giờ, kẻ nào ngồi trên ghế tổng bí thư thường nắm trọn quyền lực cài cắm bè đảng chung quanh
Tổng thống Biden ‘rất muốn thăm Việt Nam’ nhưng bận lắm?
Tổng thống Mỹ Joe Biden “đang rất muốn thăm Việt Nam nhưng còn vướng một số vấn đề quốc tế nên chưa thu xếp được”.

Hôm Thứ Hai mùng 5 Tháng Chín, báo Nhà Nước thuật lời ông John Kerry, cựu ngoại trưởng và hiện là đặc phái viên của chính phủ Mỹ về biến đổi khí hậu thế giới, nói với báo giới trong cuộc tiếp xúc cùng ngày ở Hà Nội, sau khi ông đã đi quan sát một số khu vực ở miền nam Việt Nam.
“Tôi có thể xác nhận Tổng thống Biden đang rất muốn thăm Việt Nam nhưng vẫn chưa có ngày cụ thể được lên lịch”. Lời ông Kerry được nhiều báo dẫn lại trong bản tin khi cho hay cuộc chiến tại Ukraine và căng thẳng với Trung cộng đang chiếm sự bận tâm của tổng thống Mỹ. “Ông ấy phải dành giờ tập trung cho những vấn đề này, nhưng tôi biết tổng thống rất muốn sang thăm Việt Nam.”
Khi ông thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính đến Washington hồi Tháng Năm vừa qua dự cuộc họp thượng đỉnh ASEAN với tổng thống Mỹ, báo chí tại Việt Nam tường thuật lời ông ta chuyển lời của tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng mời tổng thống Mỹ Biden đến thăm Việt Nam. Vietnemnet tường thuật tin này nói ông Biden nhận lời nhưng “sẽ thu xếp vào thời gian phù hợp”.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Jenkins sắp tới Việt Nam
Bộ Ngoại giao Mỹ ra bản thông cáo báo chí nói bà Bonnie D. Jenkins, nữ Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đặc trách kiểm soát võ khí và an ninh quốc tế, lên đường công du ba nước ASEAN gồm Phi Luật Tân, Việt Nam và Singapore từ ngày mùng 5 đến 14 Tháng Chín.
Theo bản thông cáo báo chí nói trên, bà Jenkins sẽ đến Việt Nam vào các ngày từ 8 đến 10 Tháng Chín sau ba ngày ở Phi Luật Tân. Tại Hà Nội, bà “sẽ gặp các viên chức cấp cao của nhà nước và các đối tác xã hội dân sự để thảo luận các vấn đề an ninh hàng không và biên giới, chống phổ biến võ khí nguyên tử, an toàn sức khỏe toàn cầu, xây dựng lực lượng bảo vệ hòa bình thế giới, phối hợp nỗ lực bành trướng sự tham dự của phụ nữ trong mọi giai đoạn của lực lượng bảo vệ hòa bình”.
Trong chuyến đi này, bà cũng tới Quảng Trị, thăm viếng những nơi có sự hợp tác tiêu biểu giữa hai nước về rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Bà sẽ quan sát hoạt động khảo sát và dọn phá các loại bom mìn chưa nổ còn sót lại và gặp mặt các phụ nữ tham gia rà phá bom mìn.
Bà Jenkins đến Việt Nam vào ngày Thứ Năm tới đây trong lúc cựu ngoại trưởng John Kerry đang có mặt tại Việt Nam. Ông Kerry là đặc phái viên về đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu của chính phủ Mỹ. Ông đã đến vùng bờ biển tỉnh Bến Tre ngày 3 Tháng Chín và hôm sau đi tàu trên sông Sài Gòn để nghe các chuyên viên và chức sắc địa phương nói về các tác động của biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng Cửu Long.
Nhà báo Lê Anh Hùng bị kết án 5 năm tù trong phiên xử kín
Nhà báo độc lập Lê Anh Hùng đã bị nhà cầm quyền CSVN kết án 5 năm tù trong một phiên xử kín tại Hà Nội không cho thân nhân biết.

Ngày 6 Tháng Chín, mẹ Lê Anh Hùng là bà Trần Thị Niêm đã gọi điện cho điều tra viên hỏi tin tức của Lê Anh Hùng.” Ông Nguyễn Vũ Bình viết trên Facebook. “Điều tra viên cho biết, Lê Anh Hùng đã bị đưa ra xét xử hôm 30 Tháng Tám và bị kết án 5 năm tù giam.”
Ông Nguyễn Vũ Bình cho hay thêm là “Luật sư của Lê Anh Hùng cho biết, do Lê Anh Hùng đã viết giấy từ chối luật sư, nên luật sư không nhận được thông tin gì về vụ án của Hùng nữa, và không biết gì về phiên tòa xử Lê Anh Hùng.”
Ông Lê Anh Hùng, năm nay 49 tuổi, là một blogger, Facebooker khá nổi tiếng trước khi bị bắt ngày 5 Tháng Bảy 2018. Ông cũng từng là người có blog Lê Anh Hùng trên trang mạng của đài VOA. Các bài viết tố cáo tham nhũng, chỉ trích chế độ độc tài đảng trị tại Việt Nam mà ông phổ biến trên mạng khiến ông bị chụp cho cái tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.
Chi gần 3 triệu Đô “Chạy án” được miễn trách hình sự
Hơn 2,6 triệu đô la (tương đương gần 60 tỷ đồng) là số tiền mà cựu giám đốc Bệnh Viện Thủ Đức Nguyễn Minh Quân chi ra để chạy án.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao được truyền thông Nhà nước trích dẫn ngày 6/9 xác định thông tin vừa nêu. Cụ thể, ông Nguyễn Minh Quân trong thời gian bốn tháng từ tháng 3/2021 đến tháng 7/2021 đã giao tiền nhiều lần cho các ông bà Bùi Trung Kiên, Bùi Thị Hồng Giang và Trần Văn Long tổng số tiền 2,67 triệu đô la Mỹ. Mục đích để ba người này hối lộ cho những vị quan chức có thẩm quyền giúp ông Nguyễn Minh Quân không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các hành vi sai phạm trong đấu thầu tại Bệnh viện Thủ Đức.
Cáo trạng nêu rằng việc đưa tiền để chạy án của ông Nguyễn Minh Quân đã phạm vào tội ’đưa hối lộ’; thế nhưng do ông này chủ động khai báo trước khi bị phát giác nên được Cơ quan Điều tra miễn trách nhiệm hình sự. (RFA)
Tài tử điện ảnh Thẩm Thúy Hắng qua đời
Bà Thẩm Thúy Hằng, ngôi sao điện ảnh nổi tiếng hàng đầu miền Nam Việt Nam trước 1975, vừa qua đời ngày 7/9 ở tuổi 83, theo các bản tin ở Việt Nam.

Bà Dương Cẩm Thúy – Chủ tịch Hội Điện ảnh TP Saigon – được dẫn lời nói sức khỏe của bà Thẩm Thúy Hằng “xuống dốc vài tháng gần đây”.
Những năm qua, bà Thẩm Thúy Hằng ít khi xuất hiện trước công chúng.
Bà Thẩm thúy Hắng tên thật là Nguyễn Kim Phụng, sinh ra tại Hải Phòng, và cùng gia đình di cư vào miền Nam năm 1954 và trưởng thành ở An Giang.
Sinh ngày 20/10/1940, bà sớm trở thành ngôi sao ở Sài Gòn, với vai diễn đầu tiên trong phim Người đẹp Bình Dương, ra mắt năm 1957.
Trong nhiều năm, bà được xem là một trong những nữ diễn viên đẹp nhất của màn ảnh miền Nam.
Theo một vài thông tin, bà đóng khoảng 60 phim tại miền Nam. (BBC)
Nội các Nhật ăn cơm với gạo ngon nhất Việt Nam
Văn phòng Nội các Nhật Bản dùng loại gạo được gọi là ngon nhất của Việt Nam để nấu cơm cho bữa ăn trưa, theo tin tờ Tuổi Trẻ cho hay.
Tờ Tuổi Trẻ mới đây thuật Nguồn tin thuật tin từ “Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản” cho hay, Văn phòng Nội các Nhật Bản dùng loại gạo ST25 là gạo ngon nhất của Việt Nam để nấu cơm cho bữa ăn trưa cho Văn phòng Nội các Nhật Bản.
Năm 2019, Việt Nam đưa gạo ST25 tham dự cuộc thi gạo ngon nhất thế giới do tổ chức The Rice Trader thực hiện. Gạo này đã được công nhận là ngon nhất thế giới vượt qua gạo Thái Lan và Cam Bốt. Tuy nhiên sang cuộc thi năm 2020 thì tuột xuống hạng nhì, thua gạo Hom Mali của Thái Lan khi tham dự cuộc thi được tổ chức tại Mỹ.
Gạo mang ký hiệu ST25 được đặt tên theo nơi nó được kỹ sư Hồ Quang Cua, tiến sĩ Trần Tấn Phương và kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương nghiên cứu và sản xuất tại tỉnh Sóc Trăng suốt 20 năm qua các chương trình lai giống nhiều giống lúa thơm.