Tin Thế Giới.
Ukrain: Quân Nga bị đẩy lùi ở chiến trường miền nam và miền đông (Tổng hợp).
Trong buổi tổng kết tình hình hàng ngày tối 04/10/2022, tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định quân đội Ukraina đã tổ chức nhiều cuộc tấn công « mạnh » ở miền nam, « giải phóng được vài chục địa phương chỉ riêng trong tuần này », cùng thời điểm Nga chính thức sáp nhập 4 bốn vùng lãnh thổ chiếm đóng và ly khai ở miền đông và miền nam Ukraina.
Đà tiến của quân đội Ukraina ở các vùng quan trọng Kharkiv (đông bắc) và Kherson (miền nam) được bộ Quốc Phòng Nga gián tiếp xác nhận ngày 04/10 khi công bố nhiều bản đồ quân sự. Theo đó, quân Nga đã rút gần như hoàn toàn khỏi bờ đông của sông Oskil (miền đông), khu vực cuối cùng trong vùng họ còn chiếm đóng.

Bộ Quốc phòng Ukraine đã đăng một đoạn video cho thấy lữ đoàn hải quân số 35 đã treo cờ Ukraine ở ngôi làng Davydiv Brid, trong bối cảnh có thông tin Ukraine tái chiếm những ngôi làng gần đó.
Ở mặt trận miền nam, quân đội Nga không thông báo rút quân, nhưng chính quyền thân Nga ở vùng chiếm đóng kêu gọi người dân « đừng hoảng loạn ». Từ vài ngày nay, nhiều đoạn video của lính Ukraina trên mạng xã hội cho thấy cờ Ukraina được treo ở nhiều ngôi làng phía bắc vùng Kherson. Chánh văn phòng tổng thống Ukraina Andri Iermak đăng trên mạng Telegram hình quốc kỳ Ukraina và một quả dưa hấu, nông phẩm chính của vùng Kherson.
Trong 48 giờ qua, các lực lượng Ukraine đã tiến về phía nam dọc theo bờ tây của con sông, và các đơn vị Nga hiện cũng buộc phải rút lui khỏi một số khu dân cư ở phía bắc Kherson.
Trong bài phát biểu tối 4/10, ông Zelensky cho biết các ngôi làng Lyubimivka, Khreshchenivka, Zolota Balka, Bilyaivka, Ukrainka, Velyka Oleksandrivka và Mala Oleksandrivka cũng đã được giải phóng, và đây “chưa phải là danh sách đầy đủ”.
Thứ trưởng Nội vụ Ukraine, Yevhen Enin cho biết 50 thị trấn và làng mạc đã được Ukraine giành lại và khoảng 3,500 công dân đã được tự do ở Kherson, nhưng không tiết lộ trong khoảng thời gian nào.Bộ Quốc phòng Nga sau đó cho hay quân đội Nga đã mất tinh thần và cố gắng phá hủy các cây cầu nhằm làm chậm bước tiến của Ukraine.
Kherson đã nhanh chóng bị quân Nga chiếm đóng từ khi cuộc chiến nổ ra, khi binh lính Nga tràn vào khu vực từ bán đảo Crimea được sáp nhập năm 2014.
Ukraine đã có nhiều chiến công quan trọng hơn ở Kharkiv, phía đông bắc và Donetsk, giành lại được địa điểm quan trọng về mặt chiến lược Lyman hôm 1/10. Thị trấn Lyman là một phần của Donetsk nhưng được coi là cửa ngõ dẫn đến Luhansk, khu vực bị Nga chiếm đóng gần như hoàn toàn.
Truyền thông Nhà nước Nga chỉ trích thất bại quân sự tại Ukraina (RFI)
Cho đến nay, truyền thông Nhà nước Nga đã im lặng trước các thất bại dồn dập của quân đội Nga và lực lượng ly khai thân Nga, tại miền đông và đông bắc Ukraina, kể cả sau vụ thất thủ tại thành phố chiến lược Lyman thuộc vùng Donbass mà Matxcơva tuyên bố sáp nhập vào Nga. Tuy nhiên, hôm qua, 04/10/2022, nhiều phương tiện truyền thông Nhà nước Nga đã thay đổi giọng điệu.
Nhiều nhà bình luận quân sự Nga đã trực tiếp lên tiếng thừa nhận các thất bại quân sự.
Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Anissa el-Jabri ghi nhận thay đổi đáng chú ý này :
‘‘Vào kỳ nghỉ cuối tuần trước khi quân đội Ukraina giành lại thành phố Lyman, truyền thông Nhà nước Nga đã hoàn toàn im lặng. Tuy nhiên, ngày hôm qua, 04/10, trong một chương trình được người Nga theo dõi rất nhiều, công chúng có thể thấy người dẫn chương trình đã chất vấn một chỉ huy quân sự của lực lượng ly khai thân Nga tỉnh Lugansk : ‘‘Vì sao chúng ta lại chỉ tiến được từng mét một, trong lúc họ lại liên tục chiếm được hết làng này đến làng khác ?’’
Điều đáng quan tâm không phải là nội dung câu trả lời, bởi đối thủ của Nga không phải là Ukraina mà là NATO mà là việc nêu ra câu hỏi.
Trên mạng Telegram, các bình luận còn quyết liệt hơn. Sau một loạt các chỉ trích dữ dội rất trực diện của giới dân tộc chủ nghĩa, lên án các chỉ huy quân sự Nga về thất bại tuần trước, chứ không lên án điện Kremlin, quân đội. Lần nay, các nhà báo chuyên về quân sự trên các phương tiện truyền thông Nga, trung thành với điện Kremlin, đã bày tỏ quan điểm dứt khoát trên kênh Telegram, vốn được rất nhiều người theo dõi. Hôm qua, một nhà bình luận rất nổi tiếng được khoảng 800.000 người đăng ký, viết: ‘‘tình hình khó khăn ở miền bắc, căng thẳng ở miền nam’’. Với khoảng 600.000 người đăng ký trên Telegram, một nhà báo rất có uy tín chuyên bình luận về quân sự của tờ Komsomolskaya Pravda, hôm qua, đăng một tin nhắn dài : ‘‘Ở đây có một số người cáo buộc tôi là đã làm mất tinh thần công chúng với những thông tin mà tôi loan tải. Rõ ràng mọi người cần được nghe những thông tin tích cực, nhưng hiện tại tình hình không phải như vậy’’.
Nhà báo này nhấn mạnh: ‘‘Sẽ không có những tin tức tốt lành trong tương lai gần, cả ở mặt trận Kherson, cả ở mặt trận Lugansk. Chúng ta không có đủ lực để giữ được tất cả các vùng đất đã giành được. Vì sao lại như vậy ? Bởi chúng ta không có đủ binh sĩ’’.
Đây dĩ nhiên là một vấn đề quân sự, nhưng cũng còn là một vấn đề mang tính chính trị. Hình ảnh và quan hệ với phương Tây đã không còn là mối quan tâm đối với tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên đối với chế độ Nga, người lãnh đạo không được phép tỏ ra là một kẻ thua cuộc trước con mắt của dân chúng trong nước’’.
Bắc Hàn thử hàng loạt tên lửa sau chuyến thăm của bà Kamala Harris (BBC)
30/9/2022. Bắc Hàn thực hiện một vụ thử tên lửa bị cấm khác, chỉ vài giờ sau chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, quân đội Nam Hàn cho biết.
Hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn đã được bắn vào vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông Bắc Hàn, trong lần vi phạm thứ ba các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc trong tuần này.

Vụ thử diễn ra sau chuyến thăm của bà Harris tới khu phi quân sự phân chia hai miền Triều Tiên.
Đây là một năm kỷ lục về các vụ thử tên lửa ở Bắc Hàn, và vụ phóng mới nhất đã được lên lịch để gửi một thông điệp. Các vụ phóng được thực hiện khi Mỹ và Nam Hàn tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung trong tuần này quanh bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, hôm thứ Năm, bà Harris đã gặp Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol ngay sau khi bà đến thủ đô Seoul.
Cả hai đều lên án hành động của Bình Nhưỡng.
Trong một tuyên bố của Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đã chỉ trích “các phát biểu mang tính khiêu khích về hạt nhân và các vụ phóng tên lửa đạn đạo” của Bình Nhưỡng, đồng thời “tái khẳng định sự liên kết của họ … và mục tiêu của việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”.
Phó tổng thống Mỹ cũng “nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ cam kết bảo vệ [Nam Hàn] … và hoan nghênh sự hợp tác chặt chẽ [giữa hai nước]“.
Với việc các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Bắc Hàn và Mỹ bị đình trệ từ lâu, các vụ phóng tên lửa này là một phần trong sự leo thang của Bắc Hàn, trong đó Bình Nhưỡng tiếp tục chế tạo và tinh chỉnh vũ khí, trong khi Washington tăng cường phòng thủ.
Các vụ phóng tên lửa tuần này – tên lửa đầu tiên được phóng vào Chủ nhật trước khi cuộc tập trận hải quân bắt đầu, tiếp theo là hai tên lửa trước chuyến thăm của bà Harris và hai giờ cuối cùng sau khi bà rời đi – là tên lửa đầu tiên được phóng kể từ đầu tháng Sáu, nhưng Bắc Hàn đã phóng thử hơn 30 tên lửa cho tới nay, riêng trong năm 2022. Nhiều hơn bất cứ năm nào khác.
Các chuyên gia tin rằng các vụ phóng là để trả đũa cuộc tập trận hải quân chung khi Washington và Seoul tăng cường bảo vệ Nam Hàn – cuộc tập trận chung kéo dài 4 ngày là cuộc tập trận đầu tiên có sự tham gia của tàu sân bay Mỹ kể từ năm 2017.
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng hồi đầu tuần, Đại sứ Bình Nhưỡng tại Liên Hiệp Quốc Song Kim đã chỉ trích Mỹ và Nam Hàn về các cuộc tập trận quân sự, cho rằng họ đang đưa bán đảo này đến “bờ vực chiến tranh”. Ông này nói rằng “chính sách thù địch” của Hoa Kỳ đối với Bắc Hàn là lý do khiến thế giới hiện đang “bước vào một giai đoạn nguy hiểm hơn nhiều”.
Nam Hàn và Mỹ từ lâu đã bảo vệ các cuộc tập trận chung, nói rằng mụch đích là nhằm ổn định khu vực.
Sự quyết đoán của Bắc Hàn – một quốc gia cộng sản bí mật – đối với việc sở hữu vũ khí hạt nhân ngày càng gia tăng – và điều đó khiến Mỹ và Nam Hàn lo ngại. Đầu tháng này, Bắc Hàn đã thông qua luật tuyên bố mình là một quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố đất nước của ông sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hoặc tham gia vào các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân.
Luật này cũng cho phép Bắc Hàn nổ súng trước, trong một loạt các kịch bản. Cho đến gần đây, Bắc Hàn luôn tuyên bố vũ khí của mình là nhằm ngăn chặn chiến tranh.
Trong nhiều tháng, thông tin tình báo của Mỹ và Nam Hàn cho rằng Bắc Hàn sẵn sàng thử vũ khí hạt nhân nhưng đang chờ thời cơ chính trị.
Đây sẽ là vụ thử hạt nhân thứ bảy và là lần đầu tiên trong năm năm. Hôm thứ Tư, cơ quan gián điệp của Nam Hàn nói với các chính trị gia rằng vụ thử hạt nhân có thể xảy ra từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 11, có khả năng xảy ra trong thời điểm diễn ra giữa đại hội Đảng Cộng sản Trung Cộng và trước cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ.
Mỹ cắt khả năng Trung Cộng tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến (VOA)
Hoa Kỳ trong tuần này dự kiến sẽ công bố các biện pháp mới hạn chế các công ty Trung Cộng tiếp cận với công nghệ máy tính hiệu năng cao, ba người được thuyết trình về vấn đề này nói với Reuters.

Ba nguồn tin vừa kể cho biết các biện pháp này nhằm cắt đứt khả năng của Trung Cộng tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến. Tờ New York Times là hãng tin đầu tiên tường thuật về các biện pháp mới có thể được đưa ra trong tuần này, đồng thời cho biết thêm rằng Washington cũng có kế hoạch hạn chế bán các vi mạch do Mỹ sản xuất cho các dự án trung tâm dữ liệu và cho các dự án siêu máy tính mạnh nhất của Trung Cộng.
Tòa Bạch Ốc không trả lời ngay yêu cầu bình luận và Bộ Thương mại từ chối phát biểu.
Reuters tháng trước đưa tin chính quyền Biden đã lên kế hoạch vào tháng 10 mở rộng các quy định hạn chế đối với các lô hàng của Mỹ đến Trung Cộng đối với các chất bán dẫn được sử dụng cho trí tuệ nhân tạo và các công cụ sản xuất chip.
Các quy tắc này là một phần trong nỗ lực tăng cường của Hoa Kỳ nhằm kiểm soát công nghệ có thể hỗ trợ quân đội Trung Cộng.
Hồi tháng 8, Reuters đưa tin rằng Hoa Kỳ đang xem xét hạn chế chuyển các lô hàng thiết bị sản xuất chip cho các nhà sản xuất chip bộ nhớ ở Trung Cộng.
Mỹ, Nam Hàn, Nhật Bản tập trận chống tàu ngầm giữa lúc có căng thẳng với Triều Tiên (VOA).
Hải quân của Nam Hàn, Mỹ và Nhật Bản tổ chức tập trận chống tàu ngầm ba bên lần đầu tiên sau 5 năm vào thứ Sáu 30/9, trong bối cảnh có căng thẳng về hàng loạt vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
Các cuộc tập trận được tổ chức ở vùng biển quốc tế ngoài khơi bờ biển phía đông của bán đảo Triều Tiên, chỉ một ngày sau khi Triều Tiên bắn hai tên lửa đạn đạo vào vùng biển phía đông nước này và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến thăm Seoul và đường biên giới được canh phòng cẩn mật giữa hai miền Triều Tiên.

“Các cuộc tập trận được thiết kế để cải thiện khả năng đối phó với các mối đe dọa ngày càng tăng từ tàu ngầm của Triều Tiên, bao gồm cả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) của nước này vào thời điểm nước này liên tục gây ra các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa bằng một loạt vụ thử tên lửa đạn đạo”, hải quân Nam Hàn cho biết trong một tuyên bố.
Hải quân Hoa Kỳ cho hay các cuộc tập trận sẽ tăng cường khả năng phối hợp với nhau và điều phối chiến thuật và kỹ thuật giữa ba nước.
Hải quân Mỹ và Nhật Bản cũng nói rằng các cuộc tập trận dự kiến sẽ thúc đẩy “một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, trong bối cảnh có căng thẳng về các hành động của Trung Cộng ở eo biển Đài Loan.
Các cuộc tập trận chống tàu ngầm đã không được tiến hành kể từ năm 2017 vì chính quyền cấp tiến cũ của Nam Hàn tìm cách cải thiện quan hệ liên Triều và tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Bình Nhưỡng và Washington, nhưng các cuộc đàm phán đã bị đình trệ từ năm 2019.
Tổng thống mới của Nam Hàn Yoon Suk-yeol, người nhậm chức vào tháng 5, đã tuyên bố sẽ thúc đẩy hợp tác an ninh ba bên với Hoa Kỳ và Nhật Bản để đối phó tốt hơn với các mối đe dọa vũ khí ngày càng lớn của Triều Tiên.
Các cuộc tập trận này quy tụ tàu sân bay USS Ronald Reagan, tàu tuần dương mang tên lửa điều hướng 9.800 tấn USS Chancellorsville, tàu khu trục trang bị hệ thống Aegis 6.900 tấn USS Barry, tàu khu trục 4.400 tấn Munmu Đại vương của Nam Hàn và tàu chở dầu 5.100 tấn Asahi của Nhật Bản, cùng các tàu khác, hải quân ba nước cho biết.
Các cuộc tập trận diễn ra vài ngày sau khi một tổ chức tư vấn của Mỹ cho biết Triều Tiên có thể đang chuẩn bị hạ thủy một tàu ngầm mới được cho là có khả năng bắn đi tên lửa đạn đạo, tổ chức này dẫn ra các ảnh vệ tinh thương mại.
Hãng tin Yonhap đưa tin hôm 24/9 rằng quân đội Nam Hàn cũng đã phát hiện các dấu hiệu cho thấy quốc gia bị cô lập Triều Tiên có thể chuẩn bị cho một cuộc thử SLBM.
Nam Hàn và các đồng minh cũng lo ngại rằng Triều Tiên sắp tiến hành một vụ thử hạt nhân – sẽ là vụ thử hạt nhân lần thứ bảy kể từ năm 2006 và lần đầu tiên kể từ năm 2017.
Mỹ tái cam kết giúp Đài Loan tự vệ trước khả năng Trung Cộng xâm lược (RFI)
Hoa Kỳ tái khẳng định sẽ giúp Đài Loan « phát triển năng lực phòng thủ » chống xâm lược Trung Cộng. Tuy nhiên, bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin, trong buổi phỏng vấn với đài CNN ngày 02/10/2022, đã tránh trả lời thẳng câu hỏi liệu Mỹ có gửi quân đến bảo vệ Đài Loan hay không.

Vào tháng trước, khi được hỏi tương tự trên đài CBS, tổng thống Mỹ Joe Biden đã trả lời là « Có » nếu đó là « một cuộc tấn công chưa từng có ». Ngược lại, ông Lloyd Ausin chỉ nhắc lại : « Quân đội Mỹ luôn sẵn sàng bảo vệ lợi ích của chúng ta (Mỹ) và tôn trọng những cam kết của chúng ta (Mỹ). Tôi nghĩ là tổng thống đã rõ ràng về vấn đề này trong những câu trả lời của ông ấy về giả thuyết đó ».
Washington luôn duy trì chính sách « mập mờ chiến lược » về khả năng can thiệp quân sự hay không, nếu như Đài Loan bị Trung Cộng tấn công. Theo AFP, chính sách này nhằm hai mục đích : ngăn chặn một cuộc xâm lược của Trung Cộng và để Đài Loan không làm Bắc Kinh tức giận qua việc chính thức tuyến bố độc lập.
Do đó, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ nhắc lại là Washington « tiếp tục nỗ lực để bảo đảm có năng lực tốt, ở đúng chỗ để chắc chắn rằng chúng ta hỗ trợ các đồng minh duy trì một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở ».
Vẫn trong buổi phỏng vấn với CNN, ông Lloyd Austin cho biết không thấy bất kỳ « mối đe dọa tức thì » nào về khả năng Bắc Kinh xâm chiếm Đài Loan. Ngược lại, theo ông, việc quân đội Trung Cộng gia tăng hoạt động quân sự ở eo biển Đài Loan cho thấy Bắc Kinh chuẩn bị thiết lập một kiểu tình trạng « bình thường mới ».
Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương đạt thỏa thuận đối tác (VOA).
Lãnh đạo Hoa Kỳ và lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương đạt được Tuyên bố chín điểm về Quan hệ Đối tác Hoa Kỳ-Thái Bình Dương trong thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ với các đảo quốc này do Washington tổ chức.
Hoa Kỳ sắp công bố hơn 810 triệu đô la trong các chương trình mở rộng để hỗ trợ các đảo quốc Thái Bình Dương khi hội nghị thượng đỉnh lịch sử bước sang ngày thứ nhì. Theo một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ, Washington đã cung cấp tới 1,5 tỷ đô để hỗ trợ các đảo quốc ở Thái Bình Dương trong thập kỷ qua.

Hoa Kỳ cũng cam kết công nhận Quần đảo Cook và Niue là các quốc gia có chủ quyền, sau các cuộc tham vấn thích hợp. Trong khi cả Quần đảo Cook và Niue đều có độc lập hiến định hoàn toàn khỏi New Zealand và hoạt động như các quốc gia độc lập, Mỹ coi đó là các lãnh thổ tự quản và chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ chỉ định một đặc sứ đầu tiên của Mỹ cho Diễn đàn các quần đảo Thái Bình Dương trong khu vực. Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) sẽ tái lập sứ mệnh tại Suva, Fiji trước tháng 9 năm sau.
Kế hoạch của Washington nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao với Thái Bình Dương được đưa ra trong lúc lo ngại gia tăng về việc Trung Cộng bành trướng ảnh hưởng trong khu vực.
Trước đó, Quần đảo Solomon nói họ sẽ không ký một tuyên bố chung trong cuộc họp cấp cao với Mỹ, chỉ 5 tháng sau khi họ ký một thỏa thuận an ninh với Trung Cộng.
Trong số các sáng kiến mới được liệt kê trong thỏa thuận Đối tác Hoa Kỳ – Thái Bình Dương, Washington sẽ đầu tư 20 triệu đô la để thúc đẩy du lịch và giảm nghèo ở Quần đảo Solomon.
Theo thỏa thuận mới, Hoa Kỳ sẽ khởi động một cuộc đối thoại thương mại và đầu tư mới với các quốc đảo Thái Bình Dương, tăng cường an ninh hàng hải, cũng như cung cấp tới 3,5 triệu đô la trong 5 năm để cải thiện kết nối internet của khu vực và hỗ trợ an ninh mạng.
Quần đảo Marshall, Palau và Micronesia được gọi là các Quốc gia Liên kết Tự do (FAS) đã ký các hiệp ước với Hoa Kỳ. Các thỏa thuận hiện tại hết hạn vào tháng 9 năm sau đối với Quần đảo Marshall và Micronesia, và với Palau thì hết hạn vào năm sau nữa.
Theo các hiệp ước sắp hết hạn được gọi là Hiệp ước Liên kết Tự do, ba quốc đảo Thái Bình Dương này nhận được viện trợ không hoàn lại và đảm bảo an ninh từ chính phủ Hoa Kỳ. Công dân của FAS có thể sống và làm việc tại Hoa Kỳ mà không cần thị thực.
Đổi lại, Hoa Kỳ có quyền xây dựng các căn cứ quân sự tại ba quốc đảo này và có thể khước từ quyền tiếp cận của nước ngoài đối với vùng biển, không phận và đất liền của ba quốc đảo đó.
Hoa Kỳ dự kiến việc đàm phán cho ba thỏa thuận mới sẽ chung quyết vào cuối năm nay.
Tin Việt Nam.
Guồng máy cai trị của csVN bị chảy máu chất xám
Thứ trưởng Bộ Nội vụ của Việt Nam, Nguyễn Duy Thăng nhìn nhận có nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến cho trên 2 năm qua, có đến 39.552 cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc.
Hiện tượng này được dư luận quan tâm hơn cả là Ngành Y-Tế Việt Nam đã có nhiều bác sĩ bỏ việc, khiến nhiều cơ quan y tế không vận hành được sau đại dịch Covid, hiện tượng “bỏ việc nhà nước” xem ra sâu rộng hơn, vượt ra ngoài ngành y.
Các báo và mạng xã hội từ mấy năm qua cũng nêu ra các hiện tượng “nhân tài đi du học không về nước” và các “cán bộ nguồn” đi du học về cũng bỏ nhà nước, ra làm tư.
“Khách quan là nền kinh tế thị trường XHCN, trong đó có thị trường lao động…nền kinh tế nhiều thành phần có cả công và tư nên có sự tương tác cùng phát triển, cạnh tranh trong đó có thị trường lao động…”
Ông cũng cho biết phương thức ký hợp đồng làm việc nên có sự ra vào giữa khu vực công và tư.
Còn về nguyên nhân chủ quan, ông Thăng nêu ra chế độ chính sách, rằng “tiền lương trong khu vực công so với nhu cầu cuộc sống còn nhiều khó khăn”.
Ngoài ra còn là công tác quy hoạch cán bộ, nhất là với các chuyên gia là chưa làm tốt nên với những người có năng lực giỏi thì khu vực tư lại có nhiều chính sách để thu hút, theo thứ trưởng Bộ Nội vụ.
“Theo thống kê của Bộ Y tế, trong vòng 18 tháng, đã có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc. Làn sóng nghỉ việc của các y bác sĩ phơi bày những bất cập trong ngành y tế về chế độ đãi ngộ, lương bổng cũng như áp lực từ xã hội mà họ phải chịu đựng.”
Đây không phải là điều mới, nhưng đáng ngại vì khu vực công mất đi chất xám, trình độ thay nghề.
Vì ngay từ tháng 8/2022 Thành phố Saigon cho hay “hầu hết nhân viên y tế nghỉ việc là người có thâm niên, kinh nghiệm”. (Trích BBC)
TNLT Trịnh Bá Tư bị từ chối cho gặp người nhà sau nhiều ngày tuyên bố tuyệt thực
Hôm 5/10, ông Trịnh Bá Khiêm đến Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) để thăm gặp con mình là ông Trịnh Bá Tư, tuy nhiên cán bộ trại giam không cho thăm gặp cũng như gửi đồ với lý do ông vẫn đang bị kỷ luật.
Tù nhân lương tâm (TNLT) Trịnh Bá Tư là một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng, bị tuyên án tám năm tù giam hồi năm 2020 với tội danh “phát tán tài liệu nhằm chống Nhà nước” cùng với mẹ và anh trai.

Trong lần thăm gặp gần đây nhất vào ngày 20/9, ông Tư thông báo cho người thân biết về việc bị cùm chân, đánh đập trong trại vì tố cáo một sự việc trong trại giam.
Ông cũng cho biết, bản thân đang tuyệt thực đến ngày thứ 14 để phản đối những điều này.
Bà Trịnh Thị Thảo, chị của Trịnh Bá Tư thuật lại với phóng viên Đài Á Châu Tự Do:
“Sáng nay, bố tôi đến Trại giam số 6 để mong là sẽ thăm gặp em Tư để xem là tình hình em còn tuyệt thực nữa hay không, sức khỏe em ra sao thì họ không cho Tư nhận đồ vào tháng 10 này, không cho thăm gặp nữa.
Gia đình rất lo lắng như ngồi trên đống lửa, rất xót xa về việc em Tư tuyệt thực và lo lắng về tình trạng của em.”
Ông Trịnh Bá Khiêm chạy xe máy khoảng 300 km từ tỉnh Hòa Bình đến trại giam ở Nghệ An để chở thức ăn, đồ dùng cá nhân cho con mình, tuy nhiên khi không được cho thăm gặp ông phải vất vả chở từng ấy đồ đạc về quê.
Phóng viên gọi điện thoại cho Trại giam số 6 để xác minh vụ việc nhưng không thể kết nối.
Gia đình ông Tư dự tính sẽ trở lại trại giam một lần nữa trong tháng 10 để hy vọng có thể biết tin tức về tù nhân lương tâm này.
Hôm 23/9, Tổ chức Ân Xá Quốc tế ra thông cáo báo chí kêu gọi Việt Nam tiến hành điều tra ngay cáo giác về việc Trại 6, Thanh Chương, Nghệ An đánh đập và cùm chân ông Trịnh Bá Tư.
Thông cáo dẫn lời bà Ming Yu Hah, Phó Giám đốc Vận động Khu vực của Amnesty International, rằng: “Việc đánh đập, biệt giam và cùm chân suốt nhiều ngày là hình thức tra tấn hoặc ngược đãi.
Cơ quan chức năng Việt Nam phải khẩn cấp điều tra những cáo buộc liên quan và truy cứu trách nhiệm đối với những người vi phạm.” (RFA)
Ớt tươi Trung Quốc nhập vào Việt Nam tồn dư hóa chất diệt côn trùng
Ớt tươi Trung cộng nhập chính ngạch vào Việt Nam bị phát hiện tồn dư hóa chất diệt côn trùng, không đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm. Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn của Việt Nam cho truyền thông Nhà nước biết như vừa nêu.

Theo đó, việc phát hiện nằm trong khuôn khổ chương trình giám sát an toàn thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu năm 2022 của Cục Bảo vệ Thực Vật.
Mẫu ớt tươi của Trung cộng được lấy từ một lô hàng với số lượng 20 tấn hôm 22/8 của Công ty Phát triển Nông nghiệp Tần Giang Chiêu Thông.
Số mẫu bị phát hiện tồn dư chất Lambda-cyhalothrin, loại hóa chất diệt côn trùng với hàm lượng 0,5 mg/kg. Tiêu chuẩn Việt Nam chỉ cho phép tối đa 0,3 mg/kg.
Mạng báo Người Lao động cho biết trong ba tháng 6, 7 và 8 vừa qua số ớt tươi Trung cộng nhập vào Việt Nam tương ứng là 70 tấn, 159 tấn và 147 tấn.(RFA)
Trung ương đảng CSVN họp giữa hàng loạt đảng viên ‘nhúng chàm’
Truyền Thông Nhà Nước hôm Thứ Hai 3 Tháng Mười loan tin “Hội nghị Trung ương 6” khai mạc cùng ngày và kéo dài một tuần lễ. Cuộc họp diễn ra khi 30 Ủy Viên Trung Ương Đảng trong tù vì tham nhũng; còn dân chúng thì bị 20 đập thủy điện tại tỉnh Nghệ An của các “quan đỏ” đồng loạt xả lũ gây thiệt hại nghiêm trọng cả người và tài sản cho dân địa phương.

Nội dung cuộc họp thì to lớn. Đảng đặt cái khung “dự toán” để cái Quốc hội “đảng cử” biểu quyết ngân sách tài khóa 2023 tại khóa họp cuối năm sắp diễn ra, và cả “kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025” theo kiểu cái cày đặt trước con trâu. Kinh tế CSVN tăng trưởng phần lớn dựa vào kỹ nghệ sản xuất điện tử và hàng tiêu dùng của giới đầu tư ngoại quốc đến 74% trong khi tình hình kinh tế thế giới có nhiều bất định.
TTXVN nói cuộc họp Trung ương đảng còn có tham vọng quy hoạch tổng thể cho thập niên 2021-2030 và “tầm nhìn đến năm 2050” khi cả ông Trọng và các ông bà Trung ương đảng viên CSVN đều đã chết. Và chắc gì cái đảng độc tài và cực kỳ tham nhũng này còn tồn tại. Dù vậy, khi còn súng đạn trong tay, TTXVN nói cuộc họp nói trên không quên bàn thảo “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” tức tiếp tục độc tài đảng trị.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6 nói trên, ông Nguyễn Phú Trọng được báo chí trong nước thuật lời kêu ca “một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, còn thiếu gương mẫu, ảnh hưởng xấu đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng”. Chuyện tệ hại xấu xa đó xảy ra vì “chưa kiểm soát tốt được quyền lực trong công tác cán bộ”.
Chỉ kể từ đầu năm 2022 đến nay, gần 30 Trung ương ủy viên đảng CSVN đã bị “kỷ luật”. Nhiều người trong số đó đã nằm trong tù chờ ngày ra tòa nhận bản án. Người thì dính “Kít xét nghiệm COVID-19” Việt Á, người thì tham nhũng đất đai, mua bán bằng cấp.
Một số ủy viên Trung ương nổi bật trong đám “dính chàm” đó có thể kể tên chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh từng là Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ngay khi Trung ương đảng họp, báo chí tại Việt Nam cho hay 3 trung ương ủy viên “thôi tham gia Trung ương khóa 13” vì mới bị đảng “kỷ luật cảnh cáo”.
Đó là các ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương (nguyên chủ tịch UBND Sài Gòn); Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương”.
Xuất cảng của Việt Nam vẫn phụ thuộc giới đầu tư ngoại quốc
Ba phần tư (74%) trị giá hàng hóa xuất cảng của Việt Nam là từ các hãng xưởng ngoại quốc đầu tư sản xuất tại Việt Nam, nhất là điện tử.
Tỉ lệ này kéo dài suốt nhiều năm qua, theo các bản thống kê tình hình kinh tế xã hội của Tổng cục Thống kê (TCTK), trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư ở Hà Nội. Mấy năm trước người ta từng thấy khi các nhà máy sản xuất điện tử Samsung tại Việt Nam “xổ mũi hắt hơi”, ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam không nhỏ.
Ngày 29 Tháng Chín, TCTK khoe trên bản “Thông cáo báo chí tình hình kinh tế – xã hội Quý III và 9 tháng năm 2022” là “Tính chung 9 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6.52 tỷ Mỹ kim”. Cùng thời kỳ này năm ngoái Việt Nam nhập siêu 3.44 tỷ Mỹ kim vì hậu quả hãng xưởng buộc phải đóng cửa chống đại dịch COVID-19.
Kim ngạch xuất khẩu chung cho tất cả các loại hàng hóa xuất cảng suốt 9 tháng đầu năm nay tổng cộng 282.52 tỉ USD, gia tăng 17.3% so với cùng thời kỳ này năm ngoái. Đi vào chi tiết, cơ quan trên nói trị giá các loại hàng hóa từ khu vực trong nước sản xuất xuất cảng được 73.22 tỷ Mỹ kim. Trong khi đó, các hãng xưởng giới đầu tư ngoại quốc xuất cảng (gồm cả dầu thô) đạt được 209.3 tỷ Mỹ kim, tăng 17.6% so với năm ngoái, đồng thời chiếm tới 74.1% tổng trị giá hàng hóa xuất cảng của Việt Nam.
Trong số những công ty ngoại quốc có vốn đầu tư nhiều nhất và xuất cảng đem về nhiều ngoại tệ nhất cho Việt Nam là hãng điện tử Samsung của Hàn Quốc. Ngày 19 Tháng Giêng vừa qua, hãng Samsung có bản tin nói rằng dù hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, năm 2021 “doanh thu của Samsung Việt Nam đạt 74.2 tỷ Mỹ kim tăng 14% so với với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 65.5 tỷ Mỹ kim tăng 16% so với năm 2020.”
Cuối năm ngoái, TCTK báo cáo cả năm 2021 “ kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 336.25 tỷ Mỹ kim, tăng 19% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 88.71 tỷ Mỹ kim, tăng 13.4%, chiếm 26.4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 247.54 tỷ Mỹ kim, tăng 21.1%, chiếm 73.6% tổng kim ngạch xuất khẩu.”
Trong các con số thống kê vừa kể, nhóm hàng công nghệ chế biến (phần lớn là ngoại quốc đầu tư sản xuất, lợi dụng giá nhân công rẻ mạt) chiếm 89.2% tổng giá trị hàng xuất khẩu. Hàng chủ lực của Việt Nam chỉ là nông, lâm sản, khoáng sản và đồ gia công giá trị thấp như quần áo, giày dép.
Năm 2020 trước đó cũng tương tự. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm này được 281.5 tỉ USD, tăng 6.5% so với năm 2019. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước chỉ xuất cảng được 78.2 tỉ USD, chiếm 27.8 tổng trị giá hàng xuất khẩu. Còn khu vực vốn đầu tư nước ngoài xuất cảng được 203.3 tỉ USD, chiếm 72.8% tổng kim ngạch xuất cảng.
Theo TCTK, “mặt hàng đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của Việt Nam là điện thoại và linh kiện với trị giá xuất khẩu đạt 50.9 tỉ USD, chiếm 18.1% tổng trị giá hàng xuất khẩu.