Tin Thế Giới.

Tổng thống Zelensky công du Hoa Kỳ (Tổng hợp)

Tổng thống Ukraina hội kiến tổng thống Mỹ tại Washington và phát biểu trước Quốc Hội  Hoa Kỳ vào chiều nay, 21/12/2022. Kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraina, đây là lần đầu tiên Volodymyr Zelensky xuất ngoại và ông đã dành chuyến công du đầu tiên đến Hoa Kỳ, điểm tựa quân sự chính của Ukraina.

Hình ảnh tổng thống Volodymyr Zelensky bắt tay đồng nhiệm Joe Biden tại Nhà Trắng, bài phát biểu trực tiếp tại Quốc Hội Mỹ hôm 21/12/2022 chắn chắn là một biểu tượng mạnh sau gần 10 tháng Nga xâm lược Ukraina. Bất chấp những thách thức về mặt an ninh, tổng thống Ukraina gấp rút công du Hoa Kỳ với mục đích duy nhất : chạy đua với thời gian để thuyết phục Washington tiếp tục viện trợ quân sự.

Mới hôm trước, tổng thống Zelensky còn đi thị sát Bakhmut, miền đông Ukraina, một trong những mặt trận nguy hiểm nhất do quân đội Nga vẫn cận kề. Khó có thể tin rằng, chưa đầy 24 giờ sau, cũng ông Zelensky hội kiến ông Biden tại Phòng Bầu Dục và họp báo chung với tổng thống Hoa Kỳ.

Con đường từ Bakhmut đến Washington tưởng xa mà gần. Tại Nhà Trắng chiều nay ông Zelensky sẽ tặng tổng thống Mỹ lá cờ Ukraina mang về từ miền khói lửa Bakhmut. Theo giới quan sát, cử chỉ này nhằm chứng tỏ Kiev rất biết ơn nước Mỹ ngay từ đầu cuộc chiến đã giúp đỡ Ukraina về nhiều mặt từ tài chính đến ngoại giao và nhất là quân sự.

Zelensky, Biden là hai thủ lĩnh chiến tranh. Do đất nước bị xâm lược, Volodymyr Zelensky trực tiếp đương đầu với các đợt oanh kích của quân đội Nga đẩy hàng chục triệu người dân Ukraina vào cảnh nhà tan cửa nát, 10 triệu người mất điện, mất nước trong những ngày mùa đông giá rét.

Về phần Joe Biden, từ ngày 24/02/2022 chiến tranh Ukraina đặt tổng thống Hoa Kỳ vào thế của một thủ lĩnh đứng đầu khối Tây phương để tạo điều kiện cho Ukraina kháng cự trước sức mạnh quân sự của Liên Bang Nga.

Điều này dường như đang được chứng minh thêm một lần nữa qua việc Washington đã đảm bảo các điều kiện về an ninh cho chuyến công Hoa Kỳ lần này của ông Zelensky, cho dù trên thực tế tổng thống Ukraina chỉ hiện diện trên lãnh thổ Mỹ « trong vỏn vẹn vài giờ đồng hồ ». Giới phân tích cho rằng, chỉ nội việc đất nước đang trong « khói lửa » mà Volodymyr Zelensky vẫn sang được tới Mỹ đã là một kỳ công.

Cuộc gặp của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Washington đánh dấu một điểm cao trong mối quan hệ giữa Ukraine và đồng minh quan trọng nhất của họ, làm nổi bật mối quan hệ được củng cố bởi cuộc xâm lược của Nga.

“Khi chúng ta đang hướng tới năm mới, người Mỹ và thế giới cần phải lắng nghe trực tiếp từ Ngài Tổng thống về cuộc chiến ở Ukraine và sự cần thiết phải chung vai sát cánh qua hết năm 2023,” ông Biden tuyên bố tại cuộc họp báo.

Tổng thống Mỹ nói ông nhận thấy NATO và Liên hiệp châu Âu đoàn kết về vấn đề Ukraine hơn bất cứ vấn đề nào khác.

Trong cuộc hội đàm với ông Biden tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Ukraine đã trao cho ông Biden một huy chương danh dự và bày tỏ lòng biết ơn đối với vai trò của ông Biden trong việc giúp đỡ Ukraine và huy động sự hỗ trợ cho Ukraine.

Sau cuộc họp với Tổng thống Biden, ông Zelenskyy phát biểu trước một cuộc họp chung của cả Hạ viện lẫn Thượng viện Hoa Kỳ, đúng vào lúc Thượng Viện và Hạ Viện Mỹ chuẩn bị thông qua dự luật cấp thêm 45 tỷ đô la cho Ukraina. Theo các thống kê chính thức, từ đầu cuộc chiến Ukraina tới nay, Hoa Kỳ đã chi ra gần 50 tỷ đô la để hỗ trợ Ukraina, 20 tỷ trong số đó thuần túy là viện trợ quân sự. Có lẽ Washington sẽ không để Kiev phải thất vọng.


Tổng thống Ukraina bất ngờ đến thị sát chiến trường Bakhmut (RFI)

Gần đến dịp nghỉ lễ cuối năm, nhưng chiến sự vẫn không có xu hướng ngưng nghỉ tại Ukraina. Hôm 20/12/2022, tổng thống Ukraina bất ngờ đến thị sát thị xã Bakhmut, miền đông Ukraina, nơi diễn ra các trận chiến ác liệt từ nhiều tháng nay. 

Theo AFP, ông Volodymyr Zelensky thường xuyên có mặt tại nhiều điểm gần mặt trận, nhưng chuyến đi đến Bakhmut được xem là chuyến thị sát nguy hiểm nhất đối với an ninh của tổng thống kể từ đầu chiến tranh. Cơ quan báo chí của tổng thống cho biết ông đã ‘‘gặp gỡ các quân nhân, trò chuyện và trao tặng huân huy chương’’. Cho đến nay, quân đội Ukraina vẫn kiểm soát khu vực này, bất chấp các nỗ lực tấn công của Nga. 

Về tình hình ở mặt trận miền nam Ukraina, khu vực dọc biển Azov gần đây không còn là nơi an toàn với quân Nga, sau các cuộc phản công liên tiếp của các lực lượng Ukraina.

Ngoài ra, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết bảo vệ biên giới của Ukraine là “ưu tiên hàng đầu” và đất nước của ông đã sẵn sàng cho mọi kịch bản có thể xảy ra với Nga và đồng minh Belarus của Nga, quốc gia mà Kyiv đã cảnh báo có thể bị lôi kéo vào cuộc xung đột kéo dài 10 tháng qua, theo Reuters. Ông đã phát biểu vào đêm trước chuyến thăm Belarus của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bối cảnh các cuộc thảo luận về một cuộc tấn công mới có thể xảy ra của Nga và những gợi ý rằng nó có thể bắt nguồn từ Belarus.

Trong nhiều tháng qua, giới chức Kyiv đã cảnh báo rằng Belarus có thể gia nhập quân đội Nga và đóng vai trò là bệ phóng cho một cuộc tấn công mới nhằm hình thành mặt trận thứ hai trong cuộc chiến.


Putin xác định mục tiêu quân sự Nga cho năm 2023 (RFI)

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chủ trì cuộc họp mở rộng của bộ Quốc Phòng ngày 21/12/2022 để tổng kết tình hình quân sự trong năm 2022 và ấn định những mục tiêu, nhiệm vụ cho năm 2023. Khoảng 15.000 quan chức dự cuộc họp thông qua hình thức trực tuyến.

Theo AFP, bộ trưởng Quốc Phòng Serguei Choigu báo cáo về « tiến triển của chiến dịch quân sự đặc biệt » tại Ukraina. Ông khẳng định quân Nga chống lại « những lực lượng hỗn hợp của phương Tây » tại Ukraina, khi nói về sự hỗ trợ tài chính và chuyển giao vũ khí cho chính quyền Kiev.

Tổng thống Putin thông báo quân đội Nga sẽ được trang bị tên lửa hành trình siêu thanh Zircon ngay từ tháng Giêng tới. Đây là loại vũ khí tân tiến nhất được Nga phát triển trong những năm gần đây và « được trang bị cho chiến hạm Gorchokov sẽ được đưa vào hoạt động ». Nguyên thủ Nga khẳng định tại cuộc họp rằng Zircon không có đối thủ trên thế giới.

Trước đó, ông Putin khai trương khu khai thác khí đốt Kovykta, được ông đánh giá là « khu khai thác lớn nhất ở miền đông Siberi », đánh dấu sự khởi đầu của « quá trình phát triển năng động thực sự cho các vùng ở miền đông nước Nga ». Khu mỏ Kovykta cung cấp cho đường ống Power of Siberia dẫn sang Trung Cộng và nằm trong chiến dịch xoay trục sang Trung Cộng sau khi Liên Hiệp Châu Âu giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga để trừng phạt Matxcơva gây chiến ở Ukraina.

Nga bắt đầu bán khí đốt cho Trung Cộng từ cuối năm 2019 thông qua đường ống Power of Siberia, cung cấp khoảng 10 tỉ mét khối khí năm 2021. Dự kiến đến năm 2025, khối lượng này sẽ tăng gấp 4 lần, đạt 38 tỉ mét khối.

Trong bối cảnh Nga tìm cách thắt chặt quan hệ với Trung Cộng, phó chủ tịch Hội Đồng An Ninh Nga Dmitri Medvedev đã đến Bắc Kinh ngày 21/12. Trong chuyến thăm bất ngờ này, ông khẳng định đã đề cập với chủ tịch Tập Cận Bình về cuộc xung đột Ukraina và quan hệ đối tác chiến lược « không giới hạn ».


Mỹ công bố viện trợ quân sự thêm cho Ukraine 1,85 tỷ đô (VOA)

Hoa Kỳ sẽ cung cấp thêm 1,85 tỷ đô la viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm cả việc chuyển giao Hệ thống Phòng không Patriot, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết ngày 21/12.

Ngoại trưởng Antony Blinken

Loan báo được đưa ra khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tới Washington để gặp Tổng thống Joe Biden và phát biểu trước Quốc hội Mỹ trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi Nga xâm lược Ukraine 300 ngày trước.

Ngoại trưởng Blinken nói khoản viện trợ này bao gồm 1 tỷ đô la để cung cấp cho Ukraine “năng lực phòng không và tấn công chính xác mở rộng” cộng thêm 850 triệu đô la hỗ trợ an ninh.

“Viện trợ hôm nay lần đầu tiên bao gồm Hệ thống Phòng không Patriot, có khả năng bắn hạ phi đạn hành trình, phi đạn đạn đạo tầm ngắn và máy bay ở tầm bay cao hơn đáng kể so với các hệ thống phòng không được cung cấp trước đây”, ông Blinken nói trong tuyên bố do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố.

Trước đó, ông Zelenskyy cho biết chuyến thăm Mỹ của ông nhằm tăng cường “khả năng phục hồi và phòng thủ” của Ukraine trong bối cảnh Nga liên tục thực hiện các cuộc tấn công bằng phi đạn và máy bay không người lái nhắm vào nguồn cung cấp nước và năng lượng của Ukraine giữa mùa đông chết chóc.


Covid tại Trung Cộng: Lò thiêu “hết công suất”, cả triệu ca tử vong được dự báo (RFI)

Vào lúc Trung Cộng đang đối mặt với một đợt Covid-19 chưa từng thấy, chính quyền Bắc Kinh hôm 21/12/2022 vẫn loan báo nước này không ghi nhận thêm bất kỳ trường hợp tử vong nào liên quan đến dịch bệnh. Lời khẳng định đi ngược hoàn toàn với thực tế được báo chí ghi nhận là các lò hỏa táng tại nhiều thành phố lớn ở Trung Cộng đang phải chạy “hết công suất”, trong lúc dự phóng của giới chuyên gia cho thấy nguy cơ hàng triệu người bị thiệt mạng vì dịch bệnh trong những tháng tới.

Theo thống kê chính thức, kể từ đầu tháng 12 đến nay, tức là kể từ khi các hạn chế phòng dịch trong chính sách zero Covid được dỡ bỏ, chỉ có 7 bệnh nhân tử vong vì Covid được chính thức ghi nhận. Tính đến Thứ Hai 19/12/2022, tổng số người thiệt mạng vì Covid-19 tại Trung Cộng chỉ là 5.242 người từ đầu dịch, một tỷ lệ cực nhỏ so với dân số 1,4 tỷ người của nước này.

Kịch bản Vũ Hán 2020

Sự kiện các lò thiêu bị “quá tải” do số lượng người chết đến mỗi ngày tăng vọt trong lúc chính quyền tiếp tục phủ nhận các ca tử vong vì Covid-19 và nhanh chóng kiểm duyệt những hình ảnh và các thông tin liên quan đã khiến nhiều nhà quan sát nghĩ đến kịch bản thời đại dịch bùng phát ở Vũ Hán vào đầu năm 2020.

Hôm 20/12 chẳng hạn, các lò thiêu ở Bắc Kinh, Trùng Khánh và Quảng Châu đã công nhận với hãng tin Pháp AFP rằng họ bận rộn hơn nhiều so với bình thường, với một cơ sở hỏa táng cho biết là họ đã “hết chỗ”. Tuy nhiên hãng tin cho biết không thể xác định liệu hiện tượng gia tăng số người chết đó có liên quan đến Covid-19 hay không, vì các nhân viên từ chối trả lời.

Tại thủ đô Bắc Kinh chẳng hạn, nhân viên bảo vệ được thấy tuần tra ở lối vào một lò hỏa táng dành riêng cho người bị Covid-19, với hơn chục chiếc xe hòm đang chờ để vào. Theo AFP, tình trạng ùn tắc là một thực tế và một tài xế ở đầu hàng xe xác nhận rằng việc phải đợi vài tiếng đồng hồ trước đó.

Tại Trùng Khánh – thành phố 30 triệu dân vốn đã kêu gọi những người có triệu chứng Covid “nhẹ” đi làm – một lò hỏa táng cho biết là họ không còn chỗ để nhận thi thể. Theo một nhân viên xin giấu tên thì “Số lượng thi thể được đưa tới trong những ngày gần đây nhiều gấp bội so với trước đây… Chúng tôi rất bận rộn và không còn khoang lạnh cho các thi thể”.

Khi được hỏi liệu các trường hợp tử vong có liên quan đến Covid-19 hay không, nhân viên không trả lời và đề nghị AFP hỏi “cấp phụ trách lãnh đạo”.

Còn tại thành phố Quảng Châu ở miền nam Trung Cộng, một lò thiêu cho biết họ phải hỏa táng hơn 30 thi thể mỗi ngày. Một cơ sở khác cũng cho biết họ “cực kỳ bận rộn”, với các hoạt động nhiều hơn “gấp ba, bốn lần so với những năm trước”. Một nhân viên công nhận: “Chúng tôi hỏa táng hơn 40 thi thể mỗi ngày trong khi trước đây chỉ có khoảng hơn một chục thi thể”.

Nhìn chung, các lò hỏa táng ở siêu đô thị Quảng Châu đều xác nhận rằng họ “liên tục nhận được các cuộc gọi” đặt chỗ, nhưng nhấn mạnh rằng “thật khó để nói” liệu sự gia tăng số lượng người chết có liên quan đến Covid-19 hay không.

Thảm họa được dự đoán: Hơn 2 triệu người chết.


Nga và Trung Cộng tập trận hải quân chung ở Biển Hoa Đông trong tuần này (VOA).

Nga và Trung Cộng tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung từ ngày 21-27/12, Reuters dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm 19/12.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết cuộc tập trận hải quân chung, diễn ra hàng năm kể từ năm 2012, sẽ có bắn tên lửa và pháo binh ở Biển Hoa Đông.

Chiến hạm TC, Minh họa

“Mục đích chính của cuộc tập trận là tăng cường hợp tác hải quân giữa Nga và Trung Cộng, đồng thời duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2, Moscow đã tìm cách tăng cường liên kết chính trị, an ninh và kinh tế với Bắc Kinh, đồng thời coi nhà lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình là đồng minh chủ chốt trong liên minh chống phương Tây.

Hai nước đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược “không giới hạn” chỉ vài ngày trước khi Moscow tiến hành cuộc xâm lược trên bộ lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II vào tháng 2, nhưng Bắc Kinh bày tỏ lo ngại về các hành động của Nga ở Ukraine.

Nga cho biết 4 tàu của họ sẽ tham gia cuộc tập trận này – bao gồm cả tàu tuần dương tên lửa Varyag – trong khi 6 tàu Trung Cộng sẽ tham gia cùng với máy bay và trực thăng của cả hai bên.

Các tàu Nga hôm 19/12 đã khởi hành từ cảng Vladivostok ở Viễn Đông để tham gia cuộc tập trận kéo dài một tuần, bắt đầu vào 21/12.


Biển Đông : Philippines quan ngại việc Trung Cộng cải tạo bốn thực thể ở Trường Sa (RFI).

Hôm 21/12/2022, Philippines cho biết « vô cùng quan ngại » về một báo cáo mới cho thấy Trung Cộng đã cải tạo ít nhất 4 thực thể ở Biển Đông. Hôm qua, hãng tin Mỹ Bloomberg đưa tin Trung Cộng đang tìm cách lập nguyên trạng mới khi bồi đắp nhiều đảo nhân tạo quanh quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp, dù chưa rõ Bắc Kinh có tìm cách quân sự hóa các đảo đó hay không.

Đá Én Đất (Eldad Reef)

Theo một số chuyên gia được Bloomberg trích dẫn, lực lượng tầu dân quân, dưới sự chỉ đạo của chính quyền Bắc Kinh, đã tiến hành hoạt động xây dựng tại bốn thực thể không có người ở tại quần đảo Trường Sa trong một thập niên qua. Một số khu vực đã được mở rộng diện tích gấp 10 lần trong những năm gần đây.

Tại khu vực Đá Én Đất (Eldad Reef, phía bắc quần đảo Trường Sa), nhiều khối đất mới đã xuất hiện. Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy nhiều lỗ lớn, các đống đất đá và dấu vết của máy xúc thủy lực, được cho là hoạt động từ năm 2014 ở khu vực này. Trung Cộng cũng tiến hành những hoạt động tương tự ở bãi Anh Nhơn (Lankiam Cay), nơi một thực thể đã được gia cố với một bức tường rào mới chỉ trong vài tháng. Một số hình ảnh khác cho thấy những thay đổi rõ ràng ở Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) và Đá Hoài Ân (Sandy Cay), hai khu vực trước đây thường xuyên chìm dưới nước khi thủy triều lên.

Trong thông cáo ngày 20/12, bộ Ngoại Giao Philippines bày tỏ « quan ngại sâu sắc vì những hoạt động như vậy đi ngược lại với cam kết kềm chế trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông và Phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye năm 2016 », đồng thời yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền khác điều tra thêm. Đại sứ quán Trung Cộng ở Manila hôm nay khẳng định những thông tin của Bloomberg là « sai sự thật ».

Philippines “không từ bỏ một cm2 lãnh thổ”

Theo AFP, sự kiện này diễn ra chỉ một tuần sau khi bộ Quốc Phòng Philippines bày tỏ quan ngại về việc nhiều tầu Trung Cộng xuất hiện ở Đá Khúc Giác (Iroquois Reef) và Bãi Sa Bin (Sabina Shoal), hai khu vực mà Manila đều khẳng định chủ quyền. Lúc đó, quyền bộ trưởng Quốc Phòng Jose Faustino khẳng định, « chỉ thị » của tổng thống Marcos Jr « rất rõ » : « Chúng tôi sẽ không từ bỏ một cm2 lãnh thổ nào của Philippines ». Dù thừa nhận có « bất đồng » với Manila, nhưng đại sứ quán Trung Cộng không đề cập trực tiếp đến hoạt động của số tầu trên.

Trước đó, bộ Ngoại Giao Philippines đã gửi công hàm ngoại giao đến Bắc Kinh để phản đối tầu của hải cảnh Trung Cộng vào tháng 11/2022 « dùng vũ lực » để thu giữ các mảnh vỡ từ một tên lửa Trung Cộng và được tầu Philippines vớt lên. Đại sứ quán Trung Cộng ở Manila đã bác bỏ cáo buộc « sử dụng vũ lực », khẳng định chỉ thu hồi các mãnh vỡ nói trên sau khi « tham vấn hữu nghị ». Sau hai sự cố đó, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Mỹ tái khẳng định sự ủng hộ của Washington với Manila và kêu gọi Bắc Kinh « tôn trọng luật pháp quốc tế ». Trung Cộng thì cáo buộc Hoa Kỳ sử dụng tranh chấp ở Biển Đông để « gây rắc rối ».


Động đất 6,4 độ Richter rung chuyển bắc California, 2 người chết, hàng ngàn người mất điện (VOA)

Một trận động đất cường độ mạnh 6,4 độ Richter đã làm rung chuyển bờ biển cực bắc của California trước bình minh hôm thứ Ba (20/12), phá hủy nhà cửa và đường xá, làm đứt các đường dây điện và khiến hàng ngàn cư dân không có nước và điện.

Theo Văn phòng Cảnh sát trưởng Hạt Humboldt, ít nhất một chục người bị thương và hai người chết khi được cấp cứu trong lúc hoặc sau khi xảy ra động đất.

Trận động đất xảy ra lúc 2:30 sáng theo giờ Thái Bình Dương và kéo theo khoảng 80 cơn dư chấn, tâm chấn ở ngoài khơi cách San Francisco 215 dặm (350 km) về phía bắc, thuộc quận hạt Humboldt, một khu vực nông thôn chủ yếu được biết đến với rừng gỗ đỏ, hải sản địa phương, gỗ xẻ công nghiệp và trang trại bò sữa.

Thống đốc Gavin Newsom của California đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào thứ Ba cho quận hạt Humboldt để hỗ trợ ứng phó khẩn cấp.

Ông Newsom chỉ đạo các cơ quan và ban ngành của tiểu bang phải hành động thích hợp khi cần thiết để cung cấp hỗ trợ cho các cộng đồng địa phương, theo một tuyên bố.

Khu vực này cũng được biết đến với hoạt động địa chấn tương đối thường xuyên. Trận động đất mới nhất dường như gây ra nhiều gián đoạn hơn những trận động đất khác trong những năm gần đây.

Các nhà chức trách cho biết trận động đất hôm thứ Ba đã gây hoả hoạn cho một công trình khi nó cắt đứt đường dẫn khí đốt của một máy nước nóng, khiến ít nhất hai tòa nhà khác bị sập.

Theo các quan chức cứu hỏa, ngọn lửa đã nhanh chóng được dập tắt và đội cứu hỏa đã nhanh chóng giải cứu một người dân bị mắc kẹt trong nhà.

Khoảng hai chục ngôi nhà bị hư hại nặng nề đến mức phải gắn “cảnh báo đỏ”, nghĩa là không an toàn để ở. Hầu hết đều ở Rio Dell, một thị trấn có khoảng 3.400 cư dân, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của trận động đất.

Dịch vụ cấp nước cho toàn bộ cộng đồng đã bị cắt và người đứng đầu thành phố, Kyle Knopp, cho biết ông dự kiến 100 đến 150 cư dân có thể sẽ phải di dời sau khi việc thanh tra, đánh giá thiệt hại về cấu trúc nhà ở trong khu vực hoàn tất.


Tin Việt Nam.

Báo cáo thường niên của RSF: Việt Nam đứng thứ tư thế giới về việc bỏ tù nhà báo

Việt Nam đứng thứ tư thế giới về số lượng các nhà báo bị chính quyền bỏ tù trong năm qua, theo một bản báo cáo thường niên của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) được công bố cách đây ít ngày.

Bản báo cáo có tên “Tổng kết 2022 – Các nhà báo bị giam cầm, giết hại, giữ làm con tin và mất tích” được tổ chức có trụ sở ở Paris, Pháp, đưa ra hôm 14/12. Trong phần nói về các nhà báo bị giam cầm, báo cáo cho biết có 39 nhà báo đang phải ngồi tù ở Việt Nam, con số này đặt đất nước có chính quyền cộng sản ở vị trí số 4 trong số các nước bỏ tù nhiều nhà báo nhất.

Đứng số 1 trong danh sách nêu trên là Trung Quốc, cũng là một nước cộng sản, với 110 nhà báo bị cầm tù; tiếp theo là Myanmar, 62 nhà báo; và thứ ba là Iran, 47 nhà báo. Đứng thứ năm, dưới Việt Nam, là Belarus, nơi có 31 nhà báo bị bỏ tù. RSF nói rằng 5 nước nêu trên chiếm 54% số các nhà báo bị chính quyền giam cầm.

RSF nhận xét rằng ở Việt Nam và Belarus, mặc dù số nhà báo bị bắt giam giảm xuống một chút trong năm 2022, song hai chính quyền chuyên chế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Lukashenko vẫn tiếp tục các nỗ lực dẹp tan truyền thông độc lập.

Nhà báo Phạm Đoan Trang

Nhìn rộng hơn, trong 5 năm trở lại đây, số nhà báo bị bỏ tù ở Việt Nam đã tăng gấp đôi so với khoảng thời gian tương tự trước đó, báo cáo của RSF cho hay.

Một trong những khuôn mặt nhà báo nữ bị bỏ tù được nêu bật trong báo cáo là bà Phạm Đoan Trang. RSF cho biết bà Trang hiện đang thụ án tù 9 năm về tội “tuyên truyền chống nhà nước” do bà viết các bài chỉ trích chính phủ.

Nữ nhà báo từng được trao giải Tầm ảnh hưởng của RSF hồi năm 2019 hiện bị giam trong một nhà tù ở miền nam cách nhà 1.000 kilomet, bị RSF xem là một chiêu trò của nhà chức trách để bịt thông tin về tình trạng sức khỏe của tù nhân. Có 3 nhà báo nữ khác ở Việt Nam cũng đang chịu cảnh tương tự.

Theo quan sát của VOA, Hà Nội chưa có phản ứng gì về bản báo cáo của RSF. VOA cố gắng liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam để tìm hiểu quan điểm của họ về vấn đề này nhưng không nhận được hồi đáp.

Các đại diện của chính quyền và Bộ Ngoại giao Việt Nam lâu nay vẫn thường tuyên bố rằng đất nước này tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và các quyền tự do hợp pháp khác của người dân; không ai bị bỏ tù vì thực hiện các quyền đó và những người bị chính quyền kết án tù là do vi phạm luật hình sự.

Bất chấp các tuyên bố như vậy từ phía Hà Nội, Mỹ, một số nước phương Tây và các tổ chức về nhân quyền, tự do báo chí không ít lần kêu gọi Việt Nam cải thiện nhân quyền và trả tự do cho những người bị bỏ tù chỉ vì họ lên tiếng một cách ôn hòa.


Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn bị đề nghị kỷ luật

Uỷ Ban Kiểm Tra (UBKT) Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Vũ Hồng Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản.

Thông cáo của cơ quan kiểm tra kỷ luật của Đảng Cộng sản ngày 21/2 nêu ra các vi phạm của Bộ Ngoại giao Việt Nam. 

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

“Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Ngoại giao và nhiều tổ chức, cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tham mưu, tổ chức thực hiện các chuyến bay giải cứu, đưa công dân về nước trong đại dịch Covid-19.”

Khai trừ ra khỏi Đảng: Nguyễn Hồng Hà, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản; Lý Tiến Hùng, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga; Nguyễn Lê Ngọc Anh, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia; Vũ Ngọc Minh, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola.

Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2020 – 2025 đối với Trần Việt Thái, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia.

– Cảnh cáo Nguyễn Hoàng Linh, Nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia.

Khiển trách: Phạm Sanh Châu, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ; Vũ Bình, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản; Phạm Như Ý, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.

UBKT Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam còn đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Vũ Hồng Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản.

Ông Bùi Thanh Sơn sinh năm 1962, vào Đảng Cộng sản năm 1986.

Ông là Ủy viên Trung ương Đảng: Khóa XII, XIII, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (từ 4/2021). (RFA)


4,700 Công an tại thành phố Hà Nội ‘xin nghỉ việc’?

Ngày 19 Tháng 12, Bộ Công an CSVN tổ chức cuộc họp báo cuối năm “thông báo tình hình, kết quả công tác công an năm 2022”. Nhân dịp này, tờ Dân Trí dẫn thông tin trên mạng hỏi Giám đốc Công an Hà Nội về thông tin trên mạng xã hội nói có tới 4,700 công an “xin nghỉ việc”.

Lý do được hé lộ là họ không chịu được “kỷ luật khắt khe quá” của ông tướng Giám đốc Công an Hà Nội. Trả lời nhà báo, tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội, khoe rằng hàng năm có từ 150 đến 160 cán bộ “xuất ngũ” nên “không có gì đột biến”. Còn số lượng lên tới 4,700 cán bộ xin nghỉ việc bị ông phủ nhận.

Mấy năm gần đây, có khoản gần 20 tướng Công an bị bỏ tù vì tham nhũng. Các ông sĩ quan công an, cảnh sát giao thông cấp thấp ăn hối lộ ngay giữa ban ngày khi đứng trên phố hay dọc theo các trục lộ giao thông, mọi người đều biết là “chuyện thường ngày ở huyện”. Hình ảnh chụp lén họ đang nhận tiền hối lộ được phổ biến cả trên mặt báo chính thống trong nước.

Dù sự thực như vừa kể, nhưng khi đến dự “Hội nghị Công an toàn quốc” trong ngày Thứ Hai, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính vẽ ra hình ảnh các ông bà “siêu nhân” Công an CSVN “có trái tim nóng, cái đầu lạnh, đôi chân vững chắc và hai bàn tay sạch, trọng danh dự” dụ dỗ họ làm theo.

Theo bảng lương mới nhất sẽ được áp dụng từ ngày 1 Tháng Bảy 2023 thì lương của ông đại tướng Bộ trưởng Công an cũng chỉ có gần 15 triệu rưỡi đồng, tức khoảng $650 đô la một tháng, gọi là tạm đủ ăn tiêu nếu sống lương thiện. Cấp thấp nhất là hạ sĩ chỉ được 4,768,000 đồng tức khoảng $200 đô la một tháng, chắc chắn đói rách xác xơ không thể nào đủ sống.


Viện trưởng ‘Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển’ bị bắt

Ông Hoàng Ngọc Giao, một luật sư tại Hà Nội và cũng là Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển, bị bắt giữ và khởi tố về tội trốn thuế. Theo tờ báo Pháp Luật đưa tin Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Hoàng Ngọc Giao, 68 tuổi, là Viện trưởng PLD, để điều tra về tội trốn thuế theo Điều 200 Bộ luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên tin không nêu cụ thể về hành vi trốn thuế của ông Giao.

Ông Hoàng Ngọc Giao

Tuy nhiên, ngày Thứ Hai 19 Tháng 12, Đài RFA dựa vào 3 nguồn tin độc lập khác nhau lại nói rằng ông Hoàng Ngọc Giao, 68 tuổi, đã bị bắt tuần qua với cáo buộc “đưa tài liệu ra nước ngoài” nhằm “chống lại nhà nước…”, theo điểm C, khoản 1 của Điều 110 “Tội gián điệp” trong Bộ luật Hình sự.

Báo chí truyền thông CSVN hoàn toàn nín lặng về tin này nhưng RFA dẫn lời ông Nguyễn Khắc Mai, từng là “Vụ trưởng Vụ nghiên cứu – Ban Dân vận trung ương” của đảng CSVN, một người quen biết với ông Hoàng Ngọc Giao cho biết “Anh ấy bị bắt vào Thứ Sáu ngày 16 Tháng 12. Hỏi lý do thì người ta bảo vì đưa tài liệu ra nước ngoài. Cũng không biết nước ngoài là nước nào và cho ai.”

Ông Hoàng Ngọc Giao từng là “Vụ phó Ban biên giới chính phủ” một một viên chức cấp cao tại Bộ Ngoại Giao CSVN. Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (tên viết tắt là PLD) mà ông Giao đang làm viện trưởng là một tổ chức thuộc “Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam” gọi tắt là Vusta, vốn là một bộ phận ngoại vi của đảng CSVN.


Hiệu trưởng ăn chặn 2 tỷ tiền hỗ trợ học sinh nghèo ở Sơn La (VOA)

Một hiệu trưởng ở một trong những tỉnh miền núi khó khăn nhất Việt Nam vừa bị bắt tội tham ô tài sản sau khi bị cáo buộc biển thủ hơn hai tỷ đồng từ ngân sách nhà nước dành hỗ trợ học sinh nghèo, truyền thông trong nước đưa tin.

Theo đó, ông Nguyễn Như Thành, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Sơn La khởi tố bị can và bắt tạm giam để điều tra, Thông tấn xã Việt Nam cho biết.

Hiệu trưởng Nguyễn Như Thành khi bị công an đọc tuyên bố bắt tạm giam

Ngôi trường mà ông Thành làm hiệu trưởng là nơi theo học của các em học sinh dân tộc miền núi mà đa số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được Nhà nước hỗ trợ.

Theo thông tin từ cơ quan công an được Tuổi Trẻ dẫn lại, ông Thành đã chỉ đạo bộ phận kế toán và thủ quỹ trường lập hồ sơ, chứng từ để rút tiền từ ngân sách nhà nước hỗ trợ cho học sinh nhà trường, nhưng không phát tiền đó cho học sinh mà lại sử dụng cho mục đích cá nhân trong hai năm học 2019 – 2020 và 2021 – 2022.

Số tiền mà hiệu trưởng này đã chiếm đoạt là hơn hai tỷ đồng. Để hợp pháp hóa số tiền này, ông Thành đã chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ khống và báo quyết toán hàng năm không trung thực.

Theo Tuổi Trẻ, vụ việc này trên đã gây bức xúc cho dư luận trong tỉnh Sơn La, nhất là ở vùng miền núi, nơi có nhiều dân tộc thiểu số cư trú với đời sống còn rất khó khăn. Tờ báo không đưa tin về lời khai của ông Thành khi làm việc với cơ quan công an.

Theo tiêu chí đánh giá của chính quyền Việt Nam thì huyện Thuận Châu là một trong hai huyện nghèo nhất của tỉnh Sơn La hơn một nửa dân số thuộc diện nghèo và cận nghèo với tỷ lệ 54,96%. Có 24/29 xã của huyện Thuận Châu thuộc diện đặc biệt khó khăn với thu thu nhập bình quân đầu người dưới 25 triệu đồng một năm, tương đương khoảng 2.000 đô la, theo thông tin trên báo Sơn La.


Bài liên quan:
  • Tin Cuối Tuần (25-26-Mar-2023)
  • Điểm Chính Trong Ngân Sách Năm 2024 Của TT Biden
  • Cựu TT Trump Mở Đầu Cuộc Vận Động Tranh Cử Năm 2024
  • Các Ủy Ban Của Đảng Cộng Hòa Tại Hạ Viện Yêu Cầu Văn Phòng Biện Lý Quận Manhattan Cung Cấp Bản Cáo Trạng
  • Hoa Kỳ Viện Trợ Cho Các Đảo Thái Bình Dương Để Chống Lại Trung Cộng
  • TT Biden Nói Rằng Hoa Kỳ Không Muốn Xung Đột Với Iran Nhưng Sẵn Sàng Hành Động
  • TT Biden Tuyên Bố ‘Thảm Họa Lớn’ Ở Mississippi Sau Khi Lốc Xoáy Khiến Hàng Chục Người Thiệt Mạng
  • Xuất Cảng Của Trung Cộng Sang Hoa Kỳ Giảm Bảy Tháng Liên Tiếp
  • Tin Chính Trong Tuần 20-21-22/03/2023
  • Tòa án Hình sự Quốc tế phát lệnh truy nã Tổng thống Putin
  • TT Zelensky thăm vùng chiến tuyến đổ nát gần Bakhmut
  • Quan hệ Nga-Trung bước vào “kỷ nguyên mới” đối mặt với phương Tây
  • Kết quả cuộc gặp Putin-Tập
  • Kế hoạch hòa bình Ukraina: Mỹ cáo buộc Trung Quốc chỉ ‘‘lặp lại’’ các tuyên truyền của Nga
  • Thủ tướng Nhật công du Ấn Độ để tăng cường hợp tác đối phó với Trung Cộng
  • Lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc thăm hai bên chiến tuyến Ukraine-Nga
  • Hoa Kỳ: Nhân quyền tại Việt Nam vẫn rất tệ
  • Học Giả Huỳnh Văn Lang mới qua đời
  • Doanh nghiệp nhà nước cũng kêu ca về 'cơ chế'
  • Quan chức sở thuế phải ký cam kết không ăn hối lộ
  • Góp ý sửa Luật Đât Đai phải đúng “ý đảng”
  • Tin Cuối Tuần (18-19-Mar-2023)
  • Cựu Tổng Thống Trump Cho Rằng Ông Sẽ Bị Bắt Vào Tuần Tới
  • Nghị Sĩ Cộng Hoà Giới Thiệu Dự Luật Chấm Dứt Chính Sách Phá Thai Của Ngũ Giác Đài
  • Tiền Tiết Kiệm Tại Ngân Hàng Của Người Mỹ ‘Vẫn An Toàn’ Sau Những Vụ Sụp Đổ Vừa Qua
  • Hơn 50 Viên chức Thúc Đẩy Việc Kiểm Duyệt Truyền Thông Xã Hội
  • Bộ Trưởng Của Liên Bang Đức Chính Thức Thăm Đài Loan
  • Các Cảnh Báo Chiến Tranh Của Trung Quốc
  • Hoa Kỳ, Philippines Sẽ Tổ Chức Tập Trận Chung
  • Tòa Án Hình Sự Quốc Tế Ban Hành Lệnh Bắt Giữ Putin
  • Ba Lan Gửi Chiến Đấu Cơ Tới Ukraine
  • Hoa Kỳ Công Bố Thỏa Thuận Tàu Ngầm
  • “Cùng Mẹ, Lên Đường” Với Liên Ca Đoàn Trẻ, Giáo phận Orange
    Trangđài Glassey-Trầnguyễn
  • Tin Chính Trong Tuần 13-14-15/03/2023
  • Mỹ, Anh, Úc công bố kế hoạch tàu ngầm nguyên tử
  • Tình báo cho thấy Nga gây bất ổn ở Moldova
  • Tái lập bang giao Iran-Ả Rập Xê Út
  • Lãnh đạo tối cao Trung Cộng khẳng định ‘‘an ninh’’ là lĩnh vực chủ chốt
  • Nam Hàn nhấn mạnh tầm quan trọng bình thường hóa quan hệ với Nhật
  • Mỹ, Philippines tổ chức cuộc tập trận thường niên lớn nhất
  • Tân TT Trung Cộng khẳng định khó đạt mục tiêu tăng trưởng 5%
  • Tuần duyên Trung Cộng vào vùng biển tranh chấp ở Biển Hoa Đông
  • Washington cáo buộc Matxcơva gây ra vụ va chạm khiến drone Mỹ bị rơi xuống biển
  • Nhà hoạt động Trương Dũng sẽ bị đưa ra xử sơ thẩm
  • Người Việt ở Mỹ lên tiếng về Biển Đông trước sứ quán Trung cộng, Việt Nam
  • Việt Nam đưa ra cảnh báo bệnh “liên cầu lợn”
  • Mất gần 47 tỉ đồng trong tài khoản tiền gửi tại Sacombank
  • 11 ngân hàng bị thanh tra liên quan trái phiếu doanh nghiệp
  • Dân số Việt Nam tới 100 triệu người