Tin Thế Giới.

Giao tranh khốc liệt ở thị trấn Soledar của Ukraine mặc dù quân đánh thuê Nga tuyên bố đã chiếm được (VOA).

Các lực lượng Nga và Ukraine giao tranh dữ dội hôm 11/1 tại thị trấn Soledar ở miền đông Ukraine – một bước đệm trong nỗ lực của Moscow nhằm chiếm toàn bộ khu vực Donbas – với việc quân Nga dường như chiếm thế thượng phong, theo Reuters.

Nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga đi tiên phong trong cuộc tấn công đã tuyên bố hôm 10/1 là quân Nga đã chiếm được thị trấn nhỏ chuyên khai thác muối mặc dù quân Ukraine vẫn còn cố thủ tại một số cứ điểm trong trung tâm.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm 11/1 rằng các đơn vị nhảy dù đã cắt đứt liên lạc của thị trấn Soledar ở phía bắc và phía nam.

Nhưng phía Ukraine phủ nhận việc thị trấn này thất thủ. Trước khi chiến tranh diễn ra, thị trấn này có dân số khoảng 10.000 người. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar viết trên Telegram: “Giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn ở Soledar”.

Kẻ thù một lần nữa thay thế các đơn vị của họ sau khi chịu tổn thất, đã tăng số lượng lính Wagner và đang cố gắng chọc thủng phòng tuyến của chúng tôi để chiếm hoàn toàn thành phố, nhưng không được”, bà Maliar cho biết thêm.

Điện Kremlin cũng chưa tuyên bố chiến thắng và thừa nhận thương vong nặng nề. “Chúng ta đừng vội vàng, hãy chờ đợi những tuyên bố chính thức. Có một diễn biến tích cực”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.

Reuters không thể xác minh độc lập tình hình ở thị trấn Soledar. Nhưng một nhiếp ảnh gia của Reuters đến vùng ngoại ô trong những ngày gần đây cho biết nhiều cư dân đã sơ tán khỏi thị trấn trong cái lạnh thấu xương.

Nữ phóng viên này cho biết có thể nhìn thấy những cột khói bốc lên bao trùm thị trấn và trọng pháo bắn tới không ngưng.

Với cuộc chiến hiện đang ở tháng thứ 11, các chỉ huy Nga nhắm mục tiêu thị trấn Soledar như một bàn đạp để tấn công thành phố Bakhmut gần đó, nơi đã cầm cự trong nhiều tháng trước cuộc tấn công dữ dội của Nga và là trung tâm cung cấp tiếp tế ở miền đông Ukraine.


Binh sĩ Ukraina được huấn luyện sử dụng hỏa tiễn Patriot tại Mỹ (RFI)

Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ hôm 10/01/2023 cho biết sẽ huấn luyện binh sĩ Ukraina, ngay trên đất Mỹ, về cách vận hành và bảo trì hệ thống tên lửa phòng không Patriot mà Washington sẽ cung cấp cho Kiev. Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc, tướng Pat Ryder, khóa huấn luyện bắt đầu vào tuần tới tại bang Oklahoma, miền trung Hoa Kỳ.

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin cho biết cụ thể :

Căn cứ Fort Sill ở bang Oklahoma, miền trung nước Mỹ, sẽ tiếp đón gần một trăm binh sĩ Ukraina. Tại đó, họ sẽ được huấn luyện cách sử dụng hệ thống phòng không tinh vi nhất trong hệ thống vũ khí của Mỹ. Hoa Kỳ đã quyết định cung cấp cho Ukraina loại vũ khí này sau các yêu cầu của Kiev và các cuộc tranh luận ở Washington diễn ra trong vòng nhiều tháng.

Về nguyên tắc, việc huấn luyện lính Mỹ sử dụng vũ khí này cũng mất khoảng một năm. Trong trường hợp này, do tình hình cấp bách và các cuộc tấn công gần như hàng ngày của Nga, Lầu Năm Góc sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ huấn luyện. Từ nhiều tháng qua, các binh sĩ Ukraina đã chăm chỉ, tiếp thu tốt và nhạy bén trong việc học sử dụng các hệ thống vũ khí do Hoa Kỳ cung cấp. Bởi cho đến nay, hầu hết các khóa huấn luyện và đào tạo đều diễn ra trên lãnh thổ Đức.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi Nga xâm lược Ukraina, Hoa Kỳ sẽ huấn luyện binh lính Ukraina trên lãnh thổ của mình. Thêm một dấu hiệu cho thấy sự cam kết của Mỹ ủng hộ Ukraina, cùng với việc Washington cung cấp nhiều loại vũ khí ngày càng tinh vi cho Kiev. Đợt viện trợ gần đây nhất, bao gồm các xe bọc thép được trang bị vũ khí có trị giá lên tới hơn 3 tỷ đô la.

Tên lửa Patriot là một hệ thống đất đối không có khả năng tiêu diệt nhanh các mục tiêu trên không như tên lửa hành trình. Một khẩu đội thường được điều khiển bởi 90 binh sĩ mà phải trải qua một năm huấn luyện.

Quân đội Ukraine sẽ được huấn luyện cấp tốc, dự kiến sẽ mất vài tháng để hoàn thành. Khóa đào tạo sẽ bao gồm các buổi học trên lớp và thực hành trong phòng thí nghiệm mô phỏng.

Thông báo về tên lửa Patriot được đưa ra khi Tổng thống Biden gặp các nhà lãnh đạo của Canada và Mexico trong một hội nghị thượng đỉnh ở Mexico City.


Mỹ loan báo viện trợ quân sự mới cho Ukraine (VOA)

8/1/23, Mỹ sẽ cung cấp hơn 3,75 tỉ đôla viện trợ quân sự cho Ukraine và các quốc gia bị ảnh hưởng bởi cuộc xâm lược của Nga nhắm vào nước láng giềng, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken loan báo vào ngày thứ Sáu.

Ông Blinken cho biết trong một phát biểu rằng Washington sẽ cấp cho Ukraine xe Chiến đấu Bộ binh Bradley, lựu pháo tự hành, xe bọc thép chở quân, phi đạn đất đối không, đạn dược và các vật phẩm khác để yểm trợ Ukraine.

Ngoại trưởng Antony Blinken

Gói viện trợ này sử dụng khoản tiền lớn nhất – 2,8 tỉ đôla – của Thẩm quyền Giải ngân Tổng thống (PDA) kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết.

Thẩm quyền này cho phép Mỹ chuyển các mặt hàng quốc phòng như xe Humvee, xe tải và đạn dược từ các kho dự trữ một cách nhanh chóng mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội trong trường hợp khẩn cấp.

Viện trợ bao gồm các xe chống phục kích kháng mìn (MRAP), các hệ thống phóng tên lửa hàng loạt có điều hướng (GMLRS), phi đạn đất đối không, mìn chống xe và đạn dược, bà Jean-Pierre nói.

Các phi đạn RIM-7 Sea Sparrow, được sử dụng cho phòng không, cũng sẽ được gửi tới Ukraine. Các phi đạn sẽ được phóng từ bệ phóng Buk, một hệ thống vũ khí từ thời Soviet mà Ukraine đang sử dụng.

Laura Cooper, Phó Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách Nga, Ukraine và vùng Âu Á, nói với các phóng viên tại Lầu Năm Góc: “Đó là một giải pháp sáng tạo đòi hỏi trình độ kĩ thuật khéo léo” để dùng giàn phóng thời Soviet với phi đạn dược sản xuất bởi công ty Raytheon Technologies và General Dynamics của Mỹ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có hệ thống phòng không tốt hơn để kiềm chế các cuộc tấn công bằng phi đạn của Nga vốn đã gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này trong mùa đông.

Mỹ và Đức cũng đã cam kết gửi các hệ thống phi đạn Patriot để đẩy lùi các cuộc tấn công bằng phi đạn và máy bay không người lái của Nga.

“Gói thiết bị PDA đặc biệt này, và Xe Chiến đấu Bradley, có ý nghĩa rất lớn trong việc tăng cường khả năng thực hiện điều mà chúng tôi gọi là chiến tranh ‘điều động vũ khí hỗn hợp,'” John Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, nói.

Các lực lượng Ukraine sẽ được huấn luyện về chiến thuật này bắt đầu trong những tuần tới.

Xe bọc thép Bradley có súng mạnh và được Lục quân Mỹ sử dụng thường xuyên để chở binh sĩ đi khắp các chiến trường kể từ giữa những năm 1980. Lục quân có hàng ngàn xe Bradley. Mỹ định gửi khoảng 50 chiếc.


Trong lúc đại dịch “Viêm phỏi Vũ Hán” đang bùng phát và lan tràn khắp nước, Trung Cộng mở toang cửa để làm gì?

Vì sao Bắc Kinh lại vội vã mở cửa sau một thời gian dài biến Hoa lục thành ốc đảo cô lập giữa hành tinh, bất chấp nguy cơ cả triệu người chết vì Covid ? Trên báo Le Figaro, chuyên gia Thierry Wolton cho rằng sinh mạng con người chưa bao giờ là mối quan tâm của chính quyền cộng sản Trung Cộng. Cũng không loại trừ khả năng Tập Cận Bình lại gieo rắc virus để kéo lùi các nước, buộc cả thế giới phải chờ đợi Trung Cộng khắc phục được khủng hoảng.

Trung Cộng : Nhiều người nổi tiếng chết vì Covid ?

Ở châu Á, Le Figaro cho biết « Tại Trung Cộng, cái chết của nhiều nhân vật nổi tiếng càng làm tăng thêm nghi ngờ về số nạn nhân thực sự của Covid ». Những tuần lễ gần đây Hoa lục đã mất đi một số diễn viên, ca sĩ, cầu thủ…với lý do tử vong luôn mơ hồ.

Ca sĩ opera Trữ Lan Lan (Chu Lanlan) qua đời vào tháng 12 ở tuổi 40, nhưng gia đình không cho biết tại sao, khiến cư dân mạng thực sự lo ngại. Vài ngày trước đó cựu cầu thủ Vương Nhược Ký (Wang Jingguang) chết khi mới 37 tuổi. Tài tử loạt phim truyền hình nổi tiếng Cung Cẩm Đường (Gong Jintang), 84 tuổi ra đi đúng ngày đầu năm dương lịch, được cho là nạn nhân đợt tử vong của người già vì Covid. Danh sách không dừng lại ở đây. Theo France Inter còn phải kể đến nhà biên kịch Tô Đồng (Ni Zhen, tác giả kịch bản phim « Đèn lồng đỏ treo cao »), giáo sư đại học Hồ Phúc Minh (Hu Fuming), khoa học gia Đàm Vệ Quốc (Tang Weiguo) …

Dân Trung Cộng, nhất là ở các đại đô thị, thấy mối đe dọa đang đến gần khi nghe tin những người quen biết lần lượt nhiễm bệnh rồi qua đời. Chuyên gia Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược nhận xét, bên cạnh sự quá tải thấy rõ của các bệnh viện và cơ sở hỏa táng, còn có những dấu hiệu về tỉ lệ tử vong cao một cách bất thường. Chẳng hạn Học viện Kỹ thuật Trung Cộng có đến 20 thành viên qua đời trong vòng chưa đầy một tháng.

Dịch bệnh lan tràn, Bắc Kinh khuyến khích cư dân xuất ngoại

Người dân thừa biết là chính quyền nói dối, con số chính thức thấp một cách buồn cười, như thứ Tư 04/01 cả nước Trung Cộng chỉ có 15 trường hợp tử vong vì Covid. Theo ông Bondaz, Bắc Kinh không muốn gây hoảng loạn. Trong khi đó đại họa chỉ mới bắt đầu. Phó giám đốc một trong những bệnh viện lớn ở Thượng Hải ước tính 70 % cư dân đại đô thị này đã bị lây nhiễm. Sắp tới sẽ đến lượt các thành phố trung bình và nông thôn, dân chúng ít được chích ngừa hơn và bệnh viện thiếu thốn hơn.

Đối với các nước, Libération đặt vấn đề « Covid : Tại Trung Cộng, sự giải phóng và những câu hỏi ». Luồng du khách từ Hoa lục cộng với sự thiếu minh bạch của đảng cộng sản Trung Cộng về tình hình dịch bệnh gây lo lắng. Mạng xã hội ở Hoa lục tràn ngập hình ảnh bệnh nhân nằm la liệt ở vỉa hè hay ngoài sảnh bệnh viện, người sống bên cạnh người chết, những quan tài để trên nóc xe hơi chở đi vì nhà đòn quá tải. Trong khi đó báo chí nhà nước đăng các video cổ vũ người dân Trung Cộng đi Na Uy chèo thuyền, đến Paris chụp hình…, loan báo sẽ lại cấp hộ chiếu như trước dịch. Cho đến nay, xin cấp hộ chiếu hết sức khó khăn, nếu không có lý do bất khả kháng.

Lý do khiến Trung Cộng vội vã từ bỏ zero Covid

Nhà sử học Thierry Wolton giải thích trên Le Figaro « Những lý do thực sự của việc từ bỏ chính sách zero Covid ở Trung Cộng ». Bắc Kinh muốn gì, vì sao lại vội vàng mở cửa sau một thời gian dài đóng kín Hoa lục với toàn thế giới ?

Phải chăng do những cuộc biểu tình chống phong tỏa vào đầu tháng 12 ? Có lẽ không, vì số lượng người biểu tình còn ít ỏi, và chế độ có thể bóp nghẹt qua đàn áp của công an, với những phương tiện giám sát bằng công nghệ. Hay là một sự bất đồng giữa Tập Cận Bình và các ủy viên thường trực Bộ Chính trị vì thiệt hại quá lớn, như Mao Trạch Đông đã phải trả giá sau Đại nhảy vọt làm 30 đến 50 triệu người chết ? Nhưng hiện ông Tập vẫn nắm quyền tuyệt đối, nạn tôn sùng lãnh tụ vẫn tiếp diễn. Nhà nghiên cứu cho rằng tình hình kinh tế suy sụp là giả thiết khả tín nhất.

Ba năm phong tỏa toàn bộ đã cô lập Trung Cộng với thế giới, hậu quả là trao đổi thương mại lao dốc, sản xuất sụt giảm. Thống kê chính thức dự báo tỉ lệ tăng trưởng năm nay khoảng 3 %, có nghĩa là thất nghiệp sẽ tăng vọt. Chưa kể số nợ khổng lồ của lãnh vực địa ốc (trên 300 tỉ đô la) sẽ không thể giải quyết được nếu bộ máy kinh tế trục trặc. Đảng có nguy cơ mất đi tính chính danh, nhất là đối với giai cấp trung lưu ngày càng đông đảo (25 % dân số), vốn được hưởng lợi từ sự cất cánh kinh tế trong 40 năm qua. Chính giai cấp này đã xuống đường hồi tháng 12, vì họ mất đi nhiều quyền lợi như việc xuất ngoại.

Tập Cận Bình muốn người già chết bớt, hay câu giờ cho « Trung Hoa mộng » ?

Đảng cộng sản phải khẩn cấp thay đổi chính sách, bất chấp đất nước có thể bị nhấn chìm trong khủng hoảng dịch tễ. Việc dỡ bỏ tất cả những biện pháp phong tỏa, dù biết rằng con virus sẽ hoành hành trong dân số ít được chích ngừa, đặc biệt những người lớn tuổi, là vô cùng độc ác. Trong suy nghĩ phương Tây chuyện này không thể tưởng tượng được, nhưng trong đầu một nhà lãnh đạo cộng sản, kiểu tính toán ấy không có gì lạ.

Theo chuyên gia Thierry Wolton, lão hóa dân số là vấn đề nhức đầu cho chế độ Bắc Kinh, vì phải tài trợ cho những người về hưu ngày càng nhiều (trên 300 triệu vào năm 2030). Sinh mạng con người chưa bao giờ là mối quan tâm của chính quyền cộng sản, ý tưởng hy sinh hàng trăm ngàn người già với việc đột ngột bỏ phong tỏa không làm Tập Cận Bình và các đồng chí của ông ta lo lắng. Trong tình hình đó, những lời kêu gọi quan tâm lẫn nhau của ông Tập chỉ là đạo đức giả.

Nhà sử học Thierry Wolton cũng không loại trừ một giả thiết khác còn cay độc hơn. Chính sách zero Covid làm giấc mộng Trung Hoa của Tập Cận Bình trở nên xa vời, trong khi các nước dân chủ đã vượt qua cú sốc. Dỡ bỏ phong tỏa, mặc cho nguy cơ con virus biến đổi trong dân số khổng lồ của Trung Cộng, và mở toang biên giới để gây ra một cuộc khủng hoảng dịch tễ mới trên hành tinh, do vac-xin không chận nổi những biến thể, Bắc Kinh có thể « vặn lại đồng hồ », kéo phần còn lại của thế giới thụt lùi lại ba năm, khi « Trung Hoa mộng » chừng như sắp đạt được. Không thể nào tin được chăng ? Ở phương Tây người ta không hiểu được tâm lý thù hận của cộng sản Trung Cộng, thông qua tuyên truyền quy mọi cái xấu cho tư bản. Chế độ cố gắng thoát khỏi ngõ cụt zero Covid do chính mình tạo ra, bằng cách nhấn chìm tất cả vào một cuộc khủng hoảng mới.


Trung Cộng lần nữa tập trận quanh Đài Loan (BBC).

Quân đội Trung Cộng cho biết họ đã tiến hành các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan vào Chủ nhật, 8/1/23.

Đây là cuộc tập trận thứ hai diễn ra trong vòng chưa đầy một tháng, với việc Bộ Quốc phòng của hòn đảo ghi nhận phát hiện 57 chiến đấu cơ Trung Cộng, theo Reuters.

Trung Cộng coi Đài Loan được vận hành một cách dân chủ là lãnh thổ của mình và đã tăng cường áp lực quân sự, chính trị và kinh tế để xác quyết những yêu sách đó.

Bộ Tư lệnh Mặt trận miền Đông của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Cộng cho biết trong một tuyên bố hôm Chủ nhật rằng lực lượng của họ đã triển khai “các cuộc tuần tra chung sẵn sàng chiến đấu và các cuộc diễn tập thực chiếntrên biển và không phận xung quanh Đài Loan, tập trung tấn công trên bộ và trên biển.

Mục đích của cuộc tập trận là kiểm tra khả năng chiến đấu chung và “kiên quyết chống lại các hành động khiêu khích của các lực lượng bên ngoài và lực lượng ly khai độc lập Đài Loan”, bộ này nói thêm trong một tuyên bố ngắn gọn.

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết hôm thứ Hai rằng trong 24 giờ trước đó, họ đã phát hiện 57 máy bay và bốn tàu hải quân Trung Cộng hoạt động quanh hòn đảo, trong đó có 28 máy bay đã bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.

Một số trong số 28 chiếc đó đã vượt qua đường trung tuyến eo biển Đài Loan, vùng đệm không chính thức giữa hai bên, bao gồm các chiến đấu cơ Su-30 và J-16, trong khi hai máy bay ném bom H-6 có khả năng mang vũ khí hạt nhân bay tới phía nam Đài Loan.

Trung Cộng đã thực hiện các cuộc tập trận tương tự vào cuối tháng trước. Đài Loan khi đó báo cáo có 43 máy bay Trung Cộng đã vượt qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan.

Trung Cộng, nước chưa bao giờ loại trừ việc sử dụng vũ lực để kiểm soát hòn đảo này, đã thường xuyên tiến hành các cuộc xâm nhập quân sự vào vùng biển và vùng trời gần Đài Loan trong suốt ba năm qua.

Trung Cộng đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan vào tháng Tám năm ngoái sau chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ khi đó là bà Nancy Pelosi.

Đài Loan bác bỏ mạnh mẽ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, nói rằng chỉ có 23 triệu dân của hòn đảo mới có thể quyết định tương lai của họ.

Bắc Kinh đã đặc biệt tức giận trước sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Đài Loan, bao gồm cả việc bán vũ khí.

Hoa Kỳ, giống như hầu hết các quốc gia, không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng là nhà cung cấp vũ khí quan trọng nhất của hòn đảo và là bên hậu thuẫn trên trường quốc tế.


Tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan; Trung Cộng tức tối (VOA).

Một tàu chiến của Hoa Kỳ đi qua eo biển Đài Loan đầy nhạy cảm hôm thứ Năm 5/1. Trong một tuyên bố, quân đội Mỹ cho hay tàu khu trục Chung-Hoon mang tên lửa điều hướng, thuộc lớp Arleigh Burke, đã thực hiện chuyến hải hành.

“Việc tàu Chung-Hoon đi quá cảnh qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, tuyên bố cho biết.

Ảnh minh họa

Trong một tuyên bố, Liu Pengyu, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Cộng tại Washington, nói rằng Trung Cộng kiên quyết phản đối động thái này và kêu gọi Hoa Kỳ “ngay lập tức ngừng gây rắc rối, ngừng leo thang căng thẳng và phá hoại hòa bình, ổn định trên eo biển Đài Loan”.

Người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Chiến trường miền Đông của Giải phóng quân Nhân dân Trung Cộng cho biết họ đã tập hợp các binh sĩ để theo dõi và canh gác khi con tàu đi qua, và “mọi hoạt động đều nằm trong tầm kiểm soát”.

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho hay con tàu đi qua eo biển về phía bắc. Các lực lượng của Đài Loan đã theo dõi hành trình của tàu và không nhận thấy điều gì khác thường.

Eo biển Đài Loan có bề ngang hẹp là nơi thường xuyên nảy sinh các căng thẳng quân sự kể từ khi chính phủ Trung Hoa Dân Quốc bại trận chạy sang Đài Loan vào năm 1949 sau khi họ thua trong cuộc nội chiến với phe cộng sản, phe này đã thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng có cam kết được ghi trong luật về việc cung cấp các phương tiện tự vệ cho hòn đảo.

Trung Cộng chưa bao giờ loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để giành quyền kiểm soát Đài Loan. Đài Loan thề sẽ tự vệ nếu bị tấn công, nói rằng yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh là vô hiệu vì Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ cai trị hòn đảo này.


Tòa tối cao Philippines vô hiệu hóa thỏa thuận cũ về năng lượng Biển Đông với TQ, VN (VOA)

Tòa án Tối cao ở Philippines hôm thứ Ba 10/1 tuyên bố thỏa thuận thăm dò năng lượng năm 2005 của nước này với các công ty Trung Cộng và Việt Nam là bất hợp pháp, phán quyết hiến pháp không cho phép các thực thể nước ngoài khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Quyết định này, dựa trên một thỏa thuận đã hết hạn vào năm 2008, có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực của Trung Cộng nhằm nối lại các cuộc đàm phán thăm dò dầu khí với Philippines ở các khu vực không có tranh chấp ở Biển Đông. Tòa án không đưa ra lời giải thích lý do tại sao phán quyết xảy ra sau 14 năm kể từ khi đơn kiện được đệ trình.

Trung Cộng và Philippines đã tranh chấp trong nhiều thập niên về chủ quyền và tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông, dẫn đến một vụ kiện mang tính bước ngoặt vào năm 2016 mà Manila đã thắng.

Những nỗ lực nhằm tìm kiếm một phương cách khả thi về mặt pháp lý để hợp tác cùng nhau trong việc thăm dò năng lượng đã nhiều lần gặp trở ngại.

Chính phủ tiền nhiệm của Philippines vào tháng 6 năm ngoái đã từ bỏ nỗ lực mới nhất, viện dẫn những ràng buộc về hiến pháp và các vấn đề về chủ quyền.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos (con), trước thềm chuyến thăm Trung Cộng vào tuần trước, nói Philippines phải tìm cách khai thác trữ lượng năng lượng chưa được khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, ngay cả khi không có chuyên gia của Trung Cộng.

Trung Cộng tuyên bố quyền tài phán đối với gần như toàn bộ Biển Đông và nguy cơ bị gián đoạn các hoạt động năng lượng đã khiến Philippines gặp khó khăn trong việc tìm đối tác nước ngoài, mặc dù tòa trọng tài đã làm rõ những quyền lợi của Manila.

Tòa án Tối cao hôm 10/1 đã hủy bỏ thỏa thuận giữa Công ty Dầu khí Quốc gia Philippines do nhà nước điều hành, Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Cộng và Tổng công ty Dầu khí Việt Nam trong khu vực có diện tích 142.886 km2 trên biển.

Toà phán quyết rằng việc này là bất hợp pháp vì hiến pháp quy định nhà nước Philippines phải kiểm soát và giám sát các hoạt động và các công ty liên quan phải thuộc sở hữu đa số của Philippines.


TT Biden ‘bất ngờ’ về việc phát hiện tài liệu mật ở văn phòng riêng của ông (Trích từ VOA)

Tổng thống Joe Biden hôm 10/1 nói ông rất ngạc nhiên khi hay tin các tài liệu mật được tìm thấy trong một văn phòng tại một trung tâm nghiên cứu mà ông từng sử dụng và cho biết ông và đội ngũ nhân viên của ông đang hợp tác toàn diện với một cuộc điều tra xem xét chuyện gì đã xảy ra, theo Reuters.

Ông Biden nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo chung với các nhà lãnh đạo Mexico và Canada rằng ông rất coi trọng các tài liệu mật. Ông nói rằng ông không biết các tài liệu mật đó là gì.

“Chúng tôi đang hợp tác toàn diện với việc điều tra xem xét mà tôi hy vọng sẽ sớm hoàn thành”, ông Biden nói.

Là một đảng viên Dân chủ, ông Biden đã phải đối mặt với sự chỉ trích từ Ðảng Cộng hòa sau khi Bộ Tư pháp của chính quyền hồi năm ngoái mở cuộc điều tra về việc cựu Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump xử lý các tài liệu mật được phát hiện tại tư gia ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở thành phố Palm Beach, bang Florida.

Các luật sư của ông Biden phát hiện ra gần một chục hồ sơ mật bên trong văn phòng tại trung tâm nghiên cứu và đã thông báo cho Cục Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ về phát hiện của họ, chuyển giao các tài liệu cho cơ quan này và cho biết họ đang hợp tác với Cục Lưu trữ và Bộ Tư pháp.

Ông Biden sử dụng văn phòng đặt trong trung tâm nghiên cứu này theo định kỳ từ giữa năm 2017, sau khi nhiệm kỳ phó tổng thống của ông dưới thời Tổng thống Đảng Dân chủ Barack Obama kết thúc, cho đến khi ông bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020.

Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Merrick Garland bổ nhiệm Cố vấn đặc biệt Jack Smith vào tháng 11 để điều tra vấn đề này.

Trong vụ của ông Biden, Dân biểu Cộng hòa Mike Turner của Ủy ban Tình báo Hạ viện gửi thư yêu cầu Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ Avril Haines “điều tra ngay lập tức và đánh giá thiệt hại” đối với trường hợp tài liệu của ông Biden.

Ông Turner cho biết trong một tuyên bố hôm 11/1: “Việc phát hiện ra thông tin mật này sẽ khiến Tổng thống Biden có khả năng vi phạm luật bảo vệ an ninh quốc gia, bao gồm Đạo luật Gián điệp và Đạo luật Hồ sơ Tổng thống”.

Dân biểu Elise Stefanik, một đồng minh trung thành của ông Trump, người chủ trì cuộc họp kín của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, cho biết trong một tuyên bố rằng các tài liệu đặt ra những nghi vấn nghiêm trọng về an ninh quốc gia. Bà cho rằng việc chúng được chuyển đến Cục Lưu trữ Quốc gia ngay trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 là “đáng lo ngại” và Bộ Tư pháp của ông Biden lũng đoạn đã che đậy việc này trong hai tháng qua”.


Tin Việt Nam.

Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam bị bắt về tội “Nhận hối lộ”

Trang thông tin điện tử của Bộ Công an ngày 11/01 xác nhận: Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, ông Đặng Việt Hà, chính thức bị bắt giam về tội “Nhận hối lộ”.

Ông Đặng Việt Hà bị bắt giữ hôm 11/1/2023

Ông Tô Ân Xô – Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết, đến nay ngành công an đã khám xét chỗ ở, nơi làm việc của 83 bị can dính líu đến các sai phạm ở những trung tâm đăng kiểm trên cả nước, gồm:

Tại Miền Nam: 13 trung tâm đăng kiểm thuộc Saigon, 8 trung tâm đăng kiểm tại các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Đồng Nai, Bình Dương.

Tại Miền Bắc: các Trung Tâm đăng kiểm tại Hà-nội đối với xe cơ giới 2903S; xe cơ giới 2906V; xe cơ giới 2914D; xe cơ giới 2929D…Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Hoà Bình.

Hiện có 30 trung tâm đăng kiểm trên cả nước phải ngưng hoạt dộng vì bị điều tra.

Đăng kiểm là quy trình bắt buộc chủ xe xe phải đưa xe đến Trung Tâm Đăng Kiểm để các đơn vị chuyên ngành tiến hành kiểm định về chất lượng của chiếc xe ô tô trước khi cấp phép cho xe đó lưu thông trên đường phố. (Tổng hợp)


LHQ đề nghị Việt Nam giải trình việc bắt giam 18 nhà hoạt động

Các chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc vừa gửi văn thư đề nghị chính phủ Việt Nam giải trình việc giam giữ “tùy tiện” 18 nhà hoạt động nhân quyền với các cáo buộc mà nhóm này gọi là các điều khoản “mơ hồ” như “Tuyên truyền chống nhà nước” và “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.

Các báo cáo viên đặc biệt về tình hình người bảo vệ nhân quyền của LHQ, nhóm công tác về giam giữ tùy tiện, báo cáo viên đặc biệt về quyền sức khỏe thể chất và tinh thần, và báo cáo viên đặc biệt về tra tấn và các hình thức đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác gửi văn thư này đến chính phủ Việt Nam ngày 2/11/2022 và được văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ công bố hôm 4/1/2023.

Văn thư cho biết 18 nhà bảo vệ nhân quyền này, trong đó có các nhà báo và các nhà hoạt động, là “những người đã bị bắt giữ tùy tiện và bị tước quyền tự do khi thực hiện quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm của họ, bị kết án dựa trên các điều khoản mơ hồ, và trong một số trường hợp, có cáo buộc là họ bị tra tấn và hay bị các hình thức ngược đãi khác trong thời gian tạm giam trước khi xét xử”.

Các chuyên gia cho biết họ “vô cùng quan ngại” trước việc 18 cá nhân này bị giam giữ kéo dài, đôi khi bị biệt giam, và được cho là bị tra tấn và ngược đãi, đồng thời các chuyên gia cũng nhắc nhở chính phủ Việt Nam rằng: “Quyền tự do không bị giam giữ tùy tiện và tra tấn cũng như các hình thức tàn ác, vô nhân đạo khác hoặc đối xử hoặc trừng phạt hạ nhục là những quyền không thể bị hủy bỏ theo luật pháp quốc tế”. (VOA)


Việt Nam mở biên giới cho khách từ Hoa Lục.

Trong khi một số người dân lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 ở Việt Nam một lần nữa khi Hà Nội mở toang cửa tiếp đón du khách Trung Quốc, một số chuyên gia bày tỏ tin tưởng hơn vào miễn dịch cộng đồng. 

Hôm 08/1/2023, Việt Nam và Trung cộng chính thức mở cửa trở lại cửa khẩu đường bộ quốc tế Móng Cái, Quảng Ninh với Đông Hưng (Trung cộng) sau gần ba năm phải đóng cửa do đại dịch COVID-19, người dân hai nước được làm thủ tục xuất nhập cảnh qua lại biên giới.

Việc người dân Trung cộng đặc biệt là khách du lịch sang Việt Nam mang lại lợi ích kinh tế nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro gây quá tải cho hệ thống y tế. Theo thông tin từ các chuyên gia y tế thế giới, biến thể BF.7- một biến thể mới của Omicron BA.5 chiếm phần lớn trong các ca nhiễm ở Trung cộng, có tỷ lệ lây nhiễm cực cao.

Nhiều quốc gia đã nhanh chóng áp đặt quy định, theo đó hành khách đến từ Trung cộng phải thực hiện xét nghiệm. Đã có hơn 10 quốc gia đưa ra quy định này, bao gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản và một số quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU).

Giới chức tỉnh giáp biên Lạng Sơn, hôm mùng 09 tháng Giêng đã yêu cầu xét nghiệm nhanh COVID-19 đối với dòng người về và đến từ Trung cộng qua cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị sau khi phía Trung cộng cho xuất nhập cảnh trở lại sau ba năm. (Tổng hợp)


Vừa được ‘chỉ định thầu’, nhà thầu tính ‘bán thầu’ cao tốc Bắc-Nam

Dự án xây dựng cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 vừa mới được ông Thủ Tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công ngày 1 Tháng Giêng với lời hô hò của Bộ Giao Thông Vận tải “quản lý chặt chẽ, kiên quyết phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng, thông thầu”. Thì 9 ngày sau đã có tin rò rỉ chuyện “bán thầu” xây dựng cao tốc Bắc-Nam. Một chuyện quen thuộc của đầu tư công tại Việt Nam.

Ngày Thứ Hai mùng 9 Tháng Giêng, nhiều báo tại Việt Nam nói rằng Bộ Công an CSVN đã gửi báo cáo cho ông Chính, thúc giục ông “chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các nhà thầu chuyển nhượng trái phép tại dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 (2017-2020)”.

Hệ quả là cứ mỗi một nấc bán thầu thì phẩm chất của dự án bị cấu véo đi một phần phẩm chất xây dựng. Rất nhiều nhà thầu nhỏ “không có năng lực” nhưng ráng gồng để kiếm tiền cho mình bên cạnh việc phải “cống nạp” cho các quan. Tuy giai đoạn I của dự án phải hoàn tất năm 2020, nhưng đến nay vẫn còn một số gói thầu được báo chí trong nước nói tới Tháng Tư 2023 mới hy vọng xong.

Ngày 6 Tháng Hai 2022, tờ Lao Động thuật lời ông Phạm Minh Chính kêu ca “có tình trạng một km đường được chia cho 4 đơn vị thi công. Có những nhà thầu chỉ thực hiện thi công có 400 mét đường. Chưa kể có những lý trình 4 nhà thầu, người thì thi công lớp đất nền, kẻ phối đá dăm, doanh nghiệp gia cố nhựa, đơn vị đổ bê tông”.


Cựu bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh trồng 600 mẫu sâm Ngọc Linh “trên giấy”

Mạng xã hội dẫn thông tin từ báo chí của nhà nước kêu rằng một công ty quảng cáo rùm beng đã trồng và khai thác 600 ha sâm Ngọc Linh là bịa đặt.

Sau khi đọc tin trên TTXVN, Facebooker Trịnh Sơn ngày 9 Tháng Giêng kêu rằng “Mình leo Ngọc Linh 80 bận. Đi Kontum – Gia Lai 800 lần. Bằng mắt thường cũng chỉ thấy được tổng diện tích sâm Ngọc Linh của công ty và toàn dân trồng nhỏ lẻ xứ này tầm 6 mẫu đến 60 mẫu là sây sẩm mặt mày rồi”.

Trịnh Sơn bình luận tiếp rằng “Nhưng rồi tụi nó rống như heo bị cắt tiết rằng “Đó là thành quả của 50 kỹ sư cử nhân trên 10 năm tại đỉnh núi Ngọc Linh cao 1,800m” với tổng diện tích sở hữu 7,000 mẫu và đã trồng sâm hơn 600 mẫu”.

Ngày 5 Tháng Giêng, TTXVN đưa tin nhà cầm quyền huyện Tu Mơ Rông tỉnh Kontum “thu hồi “Giấy xác nhận” ngày 30 Tháng Năm 2022 nói “Công ty cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kontum đã và đang sản xuất, trồng, bảo vệ, bảo tồn và khai thác sâm Ngọc Linh tại huyện Tu Mơ Rông theo quyết định ngày 18 Tháng Mười Hai 2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ”.

Công ty cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kontum là một công ty con của Tập Đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam mà ông Võ Kim Cự làm chủ tịch.

Theo TTXVN kế hoạch kỹ nghệ hóa trồng sâm Ngọc Linh quy mô lớn của Bộ KH-CN đến Tháng Mười 2022 mới được tỉnh Kontum cho “chủ trương liên kết đưa sâm nuôi cấy mô ra trồng thử nghiệm dưới tán rừng nên chưa có cơ sở khẳng định khai thác sâm Ngọc Linh”.

Trồng sâm đòi hỏi nhiều năm mới có thể khai thác, khác với trồng rau, khoai chỉ cần vài ba tháng. Sâm Ngọc Linh nguyên thủy là loại nhân sâm hơn chục năm trước người ta tìm thấy trên đỉnh núi Ngọc Linh, ngọn núi nằm giữa hai tỉnh Kontum và Quảng Nam, nhiều nhất tại các huyện Đăk Tô và huyên Tu Mơ Rông của Kontum và huyện Nam Trà Mi của Quảng Nam.

Loại sâm này được Bộ Y tế Hà Nội nghiên cứu và nói thân rễ sâm Ngọc Linh chứa 26 hợp chất saponin nhiều nhất, tốt cho sức khỏe, hơn cả sâm nổi tiếng của Bắc Hàn và Nam Hàn. Vì giá trị như vậy, nhiều người đã tới rừng núi Ngọc Linh tìm kiếm sâm hoặc lập trang trại tìm cây giống trồng sâm hy vọng làm giàu. Giá sâm Ngọc Linh ngày càng cao, thậm chí còn cao hơn cả sâm Triều Tiên nhiều lần.

Giữa Tháng Mười Hai năm ngoái, người ta thấy ông Võ Kim Cự họp báo giới thiệu “hệ thống 335 showroom trong và ngoài nước” vừa để người dân trong nước có thể tiếp cận với “quốc bảo”, vừa giúp tiếp thị ra “15 thị trường và vùng lãnh thổ thế giới”.

Báo Nông Nghiệp Việt Nam ngày 16 Tháng Mười Hai 2022 thuật lời bà phó tổng giám đốc của ông Cự khoe rằng riêng tại tỉnh Kontum, công ty của bà đã có “hàng vạn cây sâm có tuổi đời từ 7 đến 10 năm đang phát triển rất tốt, dự kiến sẽ đáp ứng đủ công suất cho hoạt động sản xuất thực phẩm chức năng, thuốc và các sản phẩm làm đẹp”.

Bản tin NNVN còn khoe rằng “Hiện Tập đoàn này đang sản xuất, phân phối một số sản phẩm nổi bật như: Rượu ngọc đế sâm Ngọc Linh; nước tăng lực Panaxx; mỹ phẩm mang tên PN’S CHOICE; thực phẩm chức năng dành cho người lớn (Panaxx Men, Panaxx Women) và trẻ em (Panaxx Pony Kid).”

Nhưng bản tin TTXVN vạch ra sự dối trá của ông Võ Kim Cự khi viết rằng “Thực tế, diện tích 600 mẫu của Tập đoàn (Võ Kim Cự) chỉ là trồng…trên giấy! Hiện nay, tại Kontum, diện tích sâm Ngọc Linh được người dân trồng (tổng cộng) hơn 60 mẫu (chưa tính 2 doanh nghiệp được tỉnh công nhận là Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô).

Một số Facebooker cho rằng các loại rượu sâm và các sản phẩm khác của sâm Ngọc Linh mà công ty của ông Võ Kim Cự bán có thể là hàng dỏm vì họ không có hàng vạn cây sâm 7 tuổi tới 10 tuổi như quảng cáo.

Ông Võ Kim Cự mất chức bí thu tỉnh ủy Hà Tĩnh khi công ty lọc dầu Formosa xả chất độc xuống biển, đầu độc một dải từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế hồi năm 2017. Dân chúng khắp nơi biểu tình đòi bồi thường thiệt hại cũng như đòi đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam.


Trung cộng đưa mẫu hạm Sơn Đông tập trận trên Biển Đông

Bắc Kinh đưa mẫu hạm tự đóng Sơn Đông đi xuống Biển Đông tập trận trong khi mẫu hạm Liêu Ninh tập trận ở Tây Thái Bình dương.

Hoàn Cầu thời báo cho hay mẫu hạm Sơn Đông, mẫu hạm đầu tiên do Trung cộng tự đóng tới Biển Đông tập luyện những tình huống chiến đấu thực tế. Khi mẫu hạm Sơn Đông tới Biển Đông thì mẫu hạm Liêu Ninh được đưa tới vùng biển tây Thái Bình Dương thực hành chiến đấu ở hai vùng biển khác nhau cùng một lúc.

Đài truyền hình Trung cộng đưa tin này kèm theo video clip máy bay khu trục lên xuống bên cạnh các hoạt động khác như đối phó các hư hại khi mẫu hạm bị tấn công, các tình huống đối phó khẩn cấp. Bản tin cuối tuần qua của Hoàn Cầu thời báo và đài truyền hình CNTV không thấy nêu ra ngày tháng nào của cuộc tập trận, chỉ cho hay cuộc tập trận lần này thi hành các trường hợp khó giải quyết hơn trước.

Không thấy báo trên cho hay mẫu hạm Sơn Đông tập trận tại khu vực nào trên Biển Đông nhưng cho hay mẫu hạm Liêu Ninh có hai khu trục hạm 10,000 tấn, trang bị hỏa tiễn, và một số chiến hạm khác tập trận trên vùng biển phía đông Đài Loan và phía nam Nhật Bản và phía tây của đảo Guam. Cuộc tập trận này có sự theo dõi chặt chẽ của hải quân Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Nguồn tin trên khoe rằng hai cuộc tập trận với hai nhóm mẫu hạm tác chiến diễn ra cùng một lúc chứng tỏ các nhóm tàu mẫu hạm đã gia tăng nhiều về khả năng chiến đấu “giúp ổn định tình hình khu vực”. Họ kêu ca lực lượng Mỹ vẫn “khiêu khích Trung cộng” ở các vùng biển tây Thái Bình Dương và Biển Đông những ngày gần đây.

Khi hai mẫu hạm Sơn Đông và Liêu Ninh tập trận, khu trục hạm Mỹ USS Chung Hoon đã đi qua eo biển Đài Loan, khu vực biển quốc tế nhưng Bắc Kinh coi như “ao sau nhà mình” nên luôn luôn la lối là Mỹ khiêu khích và cho chiến hạm bám sát theo dõi.

Hạm đội 7 Hoa Kỳ đưa tin USS Chung Hoon đi qua eo biển Đài Loan ngày 5 Tháng Giêng, khu vực nằm ngoài lãnh hải của Trung cộng hay Đài Loan, chứng minh sự cam kết của nước Mỹ bảo vệ quyền tự do hải hành và phi hành trên các vùng biển quốc tế được các nước công nhận.

Giữa Tháng Tám 2022, mẫu hạm Sơn Đông đã cùng một số tàu hộ tống tập trận trên Biển Đông. Báo chí Bắc Kinh khoe mục đích là “huấn luyện khả năng chiến đấu trong thực tế”. Mẫu hạm Sơn Đông tuy là mẫu hạm đầu tiên do Trung cộng tự đó nhưng chỉ là cải tiến thêm dựa trên mô hình chiếc Liêu Ninh vốn là tàu phế thải của Nga đem bán sắt vụn. Trung cộng mua về sửa chữa lại và trang bị thêm.

Trong khi mẫu hạm của Mỹ trọng tải 100,000 tấn và chạy bằng năng lượng nguyên tử, chiến hạm Liêu Ninh và Sơn Đông của Trung cộng chỉ có trọng tải 43,000 tấn và 49,000 tấn, chạy với hệ thống máy tàu thông thường.

Theo phân tích gia Collin Koh của Viện nghiên cứu Quốc tế ở Singapore viết trên tạp chí East Asia Forum, không thấy có những dấu hiệu tiến bộ gì về đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông giữa ASEAN và Trung cộng. Các nước khu vực ưu tiên đối phó với các vấn đề kinh tế xã hội của mình nhiều hơn.

Mỹ và các đồng minh vẫn tiếp tục phối hợp với nhau bảo vệ tuyến hàng hải qua Biển Đông qua các cuộc tập trận hỗn hợp trong khi Bắc Kinh vẫn hùng hổ tập trận nhiều hơn ở khu vực. Đồng thời dùng cả lực lượng dân quân biển đe dọa các nước nhỏ đang tranh chấp chủ quyền biển đảo.


Bài liên quan:
  • Tin Chính Trong Tuần 27-28-29/11/2023.
  • NATO: Ukraina ‘‘gây tổn thất nặng nề cho quân xâm lược Nga’’
  • Israel-Hamas: Các nhà trung gian vận động cho một ngừng bắn lâu dài
  • Biển Đông: Mỹ tuyên bố thách thức các hạn chế 'phi pháp' của Trung Cộng
  • Ngoại trưởng Mỹ: NATO ‘không hề thấy mệt mỏi’ khi trợ giúp Ukraine
  • Bắc Kinh ngày càng lo ngại nội chiến tại Miến Điện lan sang Trung Cộng
  • Trung Cộng khẳng định số ca bệnh hô hấp gia tăng là do dịch cúm
  • Úc, Philippines bắt đầu tuần tra trên biển, trên không ở Biển Đông
  • Hội chợ Năng lượng Nguyên tử lớn nhất thế giới khai mạc tại Pháp
  • Biên giới Miến-Hoa: Quân nổi dậy chiếm được một cửa khẩu thương mại
  • Tang lễ cố Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ vẫn diễn ra tốt đẹp
  • Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chia buồn về sự ra đi của Trưởng lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ
  • CSVN: Ăn hối lộ ‘Không vụ lợi’ được miễn tố
  • Gần hết năm, Giải ngân đầu tư công vẫn thấp
  • Nhật–Việt nâng quan hệ lên ‘Đối tác chiến lược toàn diện’
  • VN áp thuế tối thiểu toàn cầu lên các công ty đa quốc gia
  • Cựu tù chính trị Nguyễn Viết Dũng trốn khỏi Việt Nam
  • Tin Vui lớn dành cho cựu TT Donald Trump dịp Lễ Tạ Ơn
    Công luận cho thấy ông Trump khuynh loát cuộc đua làm chủ Bạch Ốc

    -Trần Phong Vũ
  • Tin Cuối Tuần (25-26-Nov-2023)   
  • Hoa Kỳ Mất Kiểm Soát Nợ - Tiền Lãi Lên Tới 1 Ngàn Tỷ USD
  • Tiền Thuế Của Người Mỹ Tài Trợ Cho Các Tù Nhân Thay Đổi Giới Tính
  • Tiểu Bang Xanh Phải Trả Nhiều Tiền Điện Hơn Ở Các Tiểu Bang Đỏ
  • Nhóm Pháp Lý Của Ông Trump Bất Đồng Với DOJ Về Các Vụ Kiện
  • Bắc Kinh Tiếp Tục Thay Đổi Kế Hoạch Đánh Chiếm Đài Loan
  • Thách Thức Của Trung Cộng Đối Với Hoa Kỳ Ở Trung Đông
  • Sự Thống Trị Về Xe Điện Của Trung Cộng Có Thể Sắp Kết Thúc
  • Israel, Hamas Đạt Thỏa Thuận Ngừng Bắn, Thả Con Tin
  • Phụ họa với Chủ tịch Hạ viện,
    Cựu TT Trump tái xác định quyết tâm bảo vệ biên giới

    -Trần Phong Vũ
  • Tin Chính Trong Tuần 20-21-22/11/2023.
  • Quân Ukraine gặp khó khăn trong phòng thủ khi mùa đông tới
  • Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ bất ngờ tới Kiev
  • Israel công bố video đường hầm kiên cố của Hamas dưới BV Shifa
  • Israel-Hamas đạt thỏa thuận trao đổi con tin-tù nhân và ngừng bắn
  • Ấn Độ và Úc đối thoại tăng cường an ninh và quan hệ chiến lược
  • Xung đột Israel-Hamas bao trùm thượng đỉnh BRICS
  • Các nước Hồi giáo vận động ngừng bắn tại Gaza
  • TT Philippines gặp CT Trung Cộng tìm cách giảm căng thẳng Biển Đông
  • Úc chỉ trích Trung Cộng tương tác hải quân 'không an toàn’
  • Mỹ-Philippines tuần tra chung trên biển, trên không
  • Việt Nam khoe sắp được Mỹ cấp quy chế kinh tế thị trường
  • Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Mỹ thăm Việt Nam
  • Ông Trọng: Chống tham nhũng đừng làm cho có
  • Tham nhũng vẫn xảy ra ngay trong cơ quan phòng chống tham nhũng
  • Liên Hiệp Quốc: csVN vẫn bắt người tùy tiện
  • Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” chính thức được chuyển giao cho Việt Nam