Tin Thế Giới.
Đức đồng ý cung cấp xe tăng cho Ukraine, Mỹ cũng sẵn lòng (VOA).
Hôm 25/1, Đức mở đường cho châu Âu gửi nhiều xe tăng tới cho Ukraine, và Washington cũng sẵn sàng đưa ra một thông báo tương tự – những quyết định được Kiev ca ngợi là một bước ngoặt tiềm năng trong cuộc chiến đấu của Ukraine chống quân Nga xâm lược, còn Moscow thì lên án đó là hành động leo thang chiến tranh, theo Reuters.
Kiev trong nhiều tháng qua đã kêu gọi phương Tây cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực của họ để tăng cường cho các lực lượng Ukraine hỏa lực mạnh hơn, khả năng bảo vệ và tính cơ động cao hơn để chọc thủng các tuyến phòng thủ của quân Nga để giành lại lãnh thổ bị quân xâm lược chiếm đóng.

Ông Andriy Yermak, người đứng đầu chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, nhắc nhở các đồng minh của Kiev rằng Ukraine mong muốn có hàng trăm xe tăng. Ông nói thêm trên Telegram: “Đây là thứ sẽ trở thành một cú đấm thực sự của nền dân chủ”.
Đức nói sẽ gửi một đại đội đầu tiên gồm 14 xe tăng Leopard 2 từ kho dự trữ cho Ukraine, đồng thời chấp thuận cho các nước châu Âu khác gửi xe tăng của Đức chế tạo cho Ukraine.
Mục đích tổng thể là cung cấp cho Ukraine hai tiểu đoàn xe tăng Leopard, thường bao gồm ba hoặc bốn đại đội, mỗi đại đội có khoảng 14 xe tăng.
Berlin cho biết đại đội đầu tiên sẽ đến Ukraine trong vòng 3 hoặc 4 tháng tới, và cũng sẽ cung cấp huấn luyện, đạn dược và bảo trì.
“Quyết định này nằm trong khuôn khổ của chính sách được nêu rõ của chúng tôi là hỗ trợ Ukraine hết khả năng. Chúng tôi đang hành động theo cách phối hợp chặt chẽ trên phạm vi quốc tế”, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết trong một tuyên bố.
Quyết định của Đức ngay lập tức mở đường cho các cam kết từ các quốc gia khác cũng sẽ cung cấp loại xe tăng tương tự cho Ukraine.
Tây Ban Nha và Hà Lan cho biết họ cũng có thể gửi xe tăng Leopard và Na Uy được cho là đang xem xét vấn đề này. Ba Lan và Phần Lan đã cam kết sẽ gửi một số xe tăng ngay sau khi Berlin chấp thuận. Anh đã cung cấp một đại đội 14 chiếc xe tăng Challenger và Pháp đang xem xét gửi xe tăng Leclerc cho Ukraine.
Quyết định cung cấp xe tăng này dỡ bỏ một trong những điều cấm kỵ cuối cùng trong việc hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine, đó là cung cấp vũ khí chủ yếu cho mục đích tấn công thay vì vũ khí phòng thủ.
Hai nguồn tin tại Hoa Kỳ cho biết Washington trong ngày 25/1 sẽ thông báo Mỹ sẽ cung cấp hàng chục xe tăng Abrams M1 cho Ukraine.
Đại sứ quán Nga tại Đức đã lên án “quyết định cực kỳ nguy hiểm” này của Berlin, mà họ cho rằng có thể kéo Đức vào cuộc chiến – điều mà Berlin bác bỏ thẳng thừng. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết bất kỳ xe tăng nào của Mỹ được gửi đến Ukraine sẽ bị “bắn cháy như tất cả những chiếc xe tăng kia”.
Moscow nói rằng việc cung cấp vũ khí tấn công hiện đại cho Ukraine sẽ kéo dài cuộc chiến và làm chậm lại điều mà họ cho là chiến thắng tất yếu. Ông Anatoly Antonov, Đại sứ Nga tại Washington, cho biết việc chuyển giao xe tăng chiến đấu của Mỹ sẽ là một “sự khiêu khích trắng trợn nữa”.
Ukraina: Zelensky gạt bỏ các quan chức tham nhũng để lấy lại uy tín (RFI)
Lần đầu tiên kể từ khi nổ ra chiến tranh, các vụ tai tiếng tham nhũng liên quan đến nhiều quan chức cấp cao Ukraina đã làm suy yếu vị thế của tổng thống Volodymyr Zelensky, buộc ông phải tiến hành một cuộc thanh trừng để làm trong sạch bộ máy cầm quyền vào lúc mà Kiev đang hối thúc các nước phương Tây gia tăng viện trợ quân sự để chống quân xâm lược Nga.
Từ Chủ nhật 22/01 cho đến hôm qua, 24/01/2023, một loạt quan chức cao cấp có dính líu đến vụ tham nhũng đã bị cách chức hoặc buộc phải từ chức, bao gồm 5 thống đốc vùng, 4 thứ trưởng và hai lãnh đạo một cơ quan chính phủ, cùng với phó chánh văn phòng tổng thống và phó chưởng lý.

Điều đáng nói là, trong số các vụ tai tiếng tham nhũng, có một vụ liên quan đến quân đội. Cụ thể, bộ Quốc Phòng Ukraina bị tố là đã ký một hợp đồng trị giá 330 triệu euro mua lương thực cho binh lính với giá cao hơn gấp từ 2 đến 3 lần so với giá thị trường. Cho nên hôm qua, thứ trưởng Quốc Phòng đặc trách hậu cần cho quân đội, ông Viatcheslav Shapovalov, đã bị cách chức.
Những quan chức khác bị mất ghế hôm qua thì không có dính líu đến vụ này nhưng có những sai phạm khác. Ví dụ như phó chánh văn phòng tổng thống Kyrylo Tymoshenko tháng 10 năm ngoái bị cáo buộc đã sử dụng một chiếc xe vượt mọi địa hình mà tập đoàn Mỹ General Motors tặng cho Ukraina. Sau khi vụ này bị phanh phui, ông Tymoshenko cho biết đã giao lại chiếc xe này cho quân đội để phục vụ cho chiến trường. Tymoshenko là một trong những cộng sự viên thân cận nhất vẫn sát cánh với Zelensky kể từ khi ông đắc cử tổng thống năm 2019. Nhưng để thể hiện quyết tâm làm trong sạch bộ máy cầm quyền, ông Zelensky buộc phải chia tay nhân vật này.
Phó chưởng lý Oleksiï Simonenko thì bị cáo buộc gần đây đã đi nghỉ ở Tây Ban Nha, trong khi trên nguyên tắc tại Ukraina hiện nay, đàn ông trong độ tuổi có thể chiến đấu bị cấm ra nước ngoài, trừ những chuyến đi liên quan đến nghề nghiệp.
Trước các vụ cách chức hôm qua, một số quan chức cấp cao khác cũng đã bị mất ghế do tham nhũng, ví dụ như thống đốc vùng Dnipropetrovsk (miền trung Ukraina), ông Valentin Reznichenko, vào tháng 11 năm ngoái bị báo chí tố là giành các hợp đồng tu sửa đường xá trị giá hàng chục triệu euro cho một công ty của cô bồ.
Tối qua, tổng thống Zelensky đã tuyên bố việc cách chức các quan chức cao cấp nói trên là “cần thiết” để bảo đảm “một Nhà nước mạnh”. Ông còn khẳng định là chiến dịch chống tham nhũng này sẽ đưa Ukraina đến gần các định chế châu Âu và cũng góp phần bảo vệ Ukraina.
Thật ra thì tham nhũng là chuyện không có gì mới lạ ở Ukraina, vì trong bảng xếp hạng 2021 của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International), nước này vẫn đứng thứ 122 trên tổng số 180 quốc gia về mức độ trong sạch.
Theo thẩm định của Trung tâm Chiến lược Kinh tế của Ukraina, tổng viện trợ của phương Tây cho Ukraina (gồm cả tài chính, quân sự, …) trong năm 2023 có thể lên đến 100 tỷ đôla, trong đó hơn 40 tỷ là dành riêng cho quân đội. Viện trợ quốc tế càng dồi dào thì nguy cơ tham nhũng càng cao.
Tổng thống Zelensky buộc phải chứng tỏ quyết tâm diệt trừ tệ nạn này không chỉ để lấy lại uy tín của ông đối với dân Ukraina, mà còn phục hồi sự tin cậy của phương Tây vào Ukraina, vào lúc Kiev đang cần được các nước đồng minh cung cấp xe tăng hạng nặng để chống quân Nga. Khi sang thăm Hoa Kỳ ngày 22/12 năm ngoái, ông Zelensky đã từng long trọng cam kết: “Tiền của quý vị không phải là tiền bố thí. Chúng tôi sẽ quản lý tiền này một cách có trách nhiệm”.
Cuộc thanh lọc hàng ngũ lãnh đạo càng cần thiết bởi vì Liên Hiệp Châu Âu vẫn xem chống tham nhũng là một trong những cải tổ chủ chốt để Ukraina có thể được làm ứng viên gia nhập khối này.
Trả đũa Matxcơva, Estonia và Latvia trục xuất đại sứ Nga (RFI)
Quan hệ giữa Nga và Estonia chỉ trong vài giờ qua đã xuống cấp nghiêm trọng. Hôm qua, 23/01/2023, không lâu sau thông báo của Matxcơva trục xuất đại sứ Estonia, chính quyền Tallinn đã có biện pháp trả đũa tương tự.
Thông tín viên trong khu vực, Marielle Vitureau giải thích :
« Theo Matxcơva, những năm gần đây, Estonia chỉ làm cho các mối quan hệ với nước Nga láng giềng xấu đi. Việc chính quyền Tallinn gần đây trục xuất 13 nhà ngoại giao và 8 nhân viên kỹ thuật là giọt nước tràn ly. Matxcơva đã đáp trả bằng cách trục xuất đại sứ Estonia.
Quyết định của Nga là một đòn đau cho đại sứ Estonia. Trả lời phỏng vấn đài phát thanh nhà nước, đại sứ Estonia lấy làm tiếc rằng vị đại biện tại chức ở Matxcơva sẽ không thể có cùng nguồn tiếp cận thông tin. Những nguồn tin thiết yếu trong thời chiến.
Để trả đũa Nga, Estonia đã quyết định làm tương tự. Ngoại trưởng Estonia đã đề nghị các nước châu Âu khác nên áp dụng nguyên tắc tương xứng. Cũng theo lưu ý của lãnh đạo ngoại giao Estonia, số nhân viên được tuyển dụng tại các cơ quan đại diện ngoại giao Nga ở nước ngoài thường quá đông.
Lời kêu gọi này đã được quốc gia láng giềng Latvia hưởng ứng. Nước này vừa thông báo trục xuất đại sứ Nga. Từ đầu cuộc chiến tại Ukraina, ba nước vùng Baltic hình thành một mặt trận chung vì đây là vấn đề an ninh. »
Không quân Ấn, Nhật dự kiến tổ chức tập trận chung tại Ấn Độ (RFI)
Hôm 23/01/2023, Ấn Độ và Nhật Bản mời báo giới chứng kiến các hoạt động tập trận không quân chung tại một khu vực gần thủ đô Tokyo. Theo đài Nhật NHK, không quân hai nước dự kiến tổ chức một cuộc tập trận tương tự tại Ấn Độ.

Trong cuộc họp báo hôm qua, tư lệnh khu vực miền tây của Không quân Ấn Độ, Pankaj Sinha, thông báo đã nêu đề xuất một cuộc tập trận với phía Nhật Bản. Về phần mình, binh chủng không quân của Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản khẳng định muốn siết chặt hợp tác với Không quân Ấn Độ, nhưng các chi tiết cụ thể của đợt tập trận này hiện còn chưa được xác định.
Đợt tập trận không quân Nhật – Ấn tổ chức lần đầu tiên tại Nhật Bản diễn ra tại căn cứ Hyakuri, tỉnh Ibaraki, phía đông bắc thủ đô Tokyo từ ngày 16/01, và sẽ tiếp tục cho đến ngày 26/01. Cuộc tập trận được tổ chức theo thỏa thuận giữa các lãnh đạo Ngoại Giao và Quốc Phòng hai nước vào tháng 11/2019.
Về cuộc tập trận này, báo Nhật Asahi Shimbun cho biết cụ thể là tư lệnh không quân Ấn Độ Pankaj Sinha đã có mặt trên một máy bay tiêm kích F-20 của không quân Nhật Bản. Tư lệnh không quân Ấn Độ cho phóng viên biết ông có ấn tượng rất mạnh trước thao tác thành thạo của các phi công Nhật và hy vọng một cuộc tập trận tương tự sẽ được tổ chức sớm, có thể là vào cuối năm 2023.
Philippines sẽ tuần tra Biển Đông cùng với Mỹ và ASEAN (RFI)
Thượng nghị sĩ Philippines Francis Tolentino hôm nay 25/01/2023 cho biết, Manila có thể sẽ tiến hành các cuộc tuần tra hàng hải chung ở Biển Đông với Hoa Kỳ hoặc với các quốc gia thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Theo nhật báo Philippines Inquirer, ông Tolentino đã tán thành việc tổ chức các cuộc tuần tra chung giữa cảnh sát biển của Mỹ-Philippines, và thậm chí có thể mở rộng hoạt động này thành cuộc tuần tra đa phương bao gồm các quốc gia thuộc khối ASEAN để bảo đảm tự do hàng hải, thực hiện quyền đánh bắt cá và những hoạt động khác… Thượng nghị sĩ Tolentino cho rằng Philippines sẽ không thể đơn độc tổ chức các cuộc tuần tra này, và cần sự tham gia của các quốc gia khác quan tâm đến việc duy trì tự do hàng hải trong khu vực.
Trước đó không lâu, lực lượng tuần duyên Philippines cho biết một chiếc tàu cảnh sát biển Trung Cộng đã xua đuổi một tàu đánh cá Philippines ở bãi cạn Ayungin (tên quốc tế là Second Thomas Shoal, tên tiếng Việt là Bãi Cỏ Mây), cách Palawan 315 km về phía tây.
Vụ việc này xảy ra sau khi tổng thống Ferdinand Marcos Jr. thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Bắc Kinh, trong đó chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình cam kết tìm những giải pháp giúp đỡ các ngư dân gặp khó khăn ở Biển Đông mà Manila gọi là biển Tây Philippines.
Nga mang tên lửa siêu thanh tập trận chung với Trung Cộng và Nam Phi (RFI)
Tàu chiến của Nga Gortchkov được trang bị tên lửa siêu thanh Zircon có tầm bắn trên 1.000 km lên đường trực chỉ cảng Durban, Nam Phi, chuẩn bị tập trận chung với hải quân Trung Cộng và Nam Phi. Hãng tin Tass ngày 23/01/2023 loan tải tin trên vào lúc ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov hội đàm với đồng cấp Nam Phi, Naledi Pando về chiến tranh Ukraina.
Trích dẫn một nguồn tin từ bộ Quốc Phòng Nga xin được giấu tên, hãng tin TASS tiết lộ, tàu chiến Gortchkov đang hướng tới hải cảng Tartous tại Syria chặng đầu trước khi đi tiếp sang Nam Phi. Tàu được trang bị tên lửa hành trình siêu thanh thế hệ mới Zircon. Theo Matxcơva, tên lửa này có thể bay với tốc độ « cao hơn gấp 9 lần tốc độ của âm thanh » và tấn công các mục tiêu cách xa hơn 1.000 cây số.
Theo Pretoria, cuộc tập trận chung lần này ra từ ngày 17 đến 27/02/2023 ở ngoài khơi cảng Durban và vịnh Richard Bay, bờ đông Nam Phi. Đây là lần thứ nhì hải quân ba nước thành viên BRICS (khối các nền kinh tế đang trỗi dậy) cùng diễn tập. Lần đầu là vào năm 2019.
Tổng thống Vladimir Putin trong thời gian gần đây đã ra lệnh cho hải quân Nga điều chiếc Gortchkov ra ngoài khơi Na Uy và theo giới phân tích, đây là tín hiệu báo trước Matxcơva không lùi bước trong cuộc chiến ở Ukraina.
Đang có mặt tại Pretoria trong một cuộc họp với đồng cấp Nam Phi, khi được hỏi về cuộc tập trận vào tháng tới giữa hải quân Nga, Trung Cộng và Nam Phi, và Matxcơva huy động cả tên lửa siêu thanh, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov trả lời ngắn gọn : Phía Nga không muốn gây « ồn ào » và Matxcơva cung cấp « tất cả những thông tin cần thiết » về các chương trình diễn tập quân sự.
Về phần ngoại trưởng Nam Phi, Naledi Pando, bà giải thích cuộc tập trận chung với hai đối tác lớn trong khối BRICS nằm trong khuôn khổ các hoạt động « bình thường » hàng năm, trong « quan hệ » giữa Nam Phi với Nga cũng như với Trung Cộng. Tới nay, tại Liên Hiệp Quốc, Nam Phi tránh bỏ phiếu lên án Nga xâm lược Ukraina.
Tàu hải cảnh Trung Cộng đuổi tàu cá Philippines khỏi Bãi Cỏ Mây (RFA)
Bất chấp những hứa hẹn giữa lãnh đạo hai nước Philippines và Trung Cộng hồi đầu tháng 1/2023, tàu hải cảnh Trung Cộng mới đây đã đuổi tàu cá của Philippines khỏi Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa các nước.
Truyền thông Philippines cho biết sự việc xảy ra vào ngày 9/1 vừa qua và chỉ mới được báo cáo lại cho giới chức vào ngày 20/1 mới đây.

Thuyền trưởng tàu cá Philippines cung cấp một đoạn video cho giới chức Philippines cho thấy tàu hải cảnh Trung Cộng mang ký hiệu CCG 5204 đã đuổi tàu cá Ken-Ken của Philippines khi tàu này hoạt động gần Bãi Cỏ Mây.
Video cho thấy tàu Trung Cộng đã theo sát tàu cá của Philippines ở khoảng cách khoảng 800 mét và ra ký hiệu yêu cầu tàu cá phải đi khỏi khu vực này. Tàu cá của Philippines đã phải đáp ứng yêu cầu này.
Sau khi nhận được báo cáo, tuần duyên Philippines đã phái các tàu tuần tra đến khu vực để điều tra và dự định sẽ nộp báo cáo lên Bộ ngoại giao để chính thức đưa phản đối đến Đại sứ quán Trung Cộng.
Trước đó, vào ngày 4/1, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. và Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình, hai bên đã có thông báo về việc Chủ tịch Trung Cộng đồng ý tìm giải pháp cho phép ngư dân Philippines tiếp cận các ngư trường truyền thống.
Bãi Cỏ Mây hiện đang bị tranh chấp giữa Philippines, Trung Cộng, Đài Loan và Việt Nam. Philippines là quốc gia đang kiểm soát bãi này.
Tin Việt Nam.
Quỹ An Toàn Ngoại Hối bất ngờ “hụt” 21 tỷ Mỹ kim
Mặc dầu Việt Nam nằm trong tốp 3 nước nhận được lượng kiều hối cao nhất Châu Á Thái Bình Dương, tăng 5% năm trong 2022, nhưng hôm 20 tháng Giêng báo sputniknews.vn báo động: Quỹ an toàn Ngoại Hối Việt Nam bất ngờ “hụt” 21 tỷ Mỹ kim.
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSC) hy vọng là năm 2023, NHNN sẽ mua vào được 10-12 tỷ Mỹ kim thì tình trạng an toàn ngoại hối của Việt Nam sẽ cân bằng đáng kể. Công ty KBSV nói, NHNN đã mua được 2 tỷ Mỹ kim trong phiên ngày 11/1/2023 và 13/1/2023 khi tỷ giá trong nước về mức 23.450 – cũng là mức giá mua USD từ NHNN.
Công ty VNDirect đã dựa vào thông tin nói trên để dự báo ngoại hối của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 3 tháng nhập cảng, đạt 102 tỷ Mỹ kim vào cuối năm 2023 từ mức hiện tại là chỉ còn 89 tỷ Mỹ kim”.
Quỹ An Toàn Ngoại Hối bao gồm: tiền mặt, quý kim, các giấy tờ giá trị, và tiền mua công phiếu của Chính Phủ Mỹ. Nhìn vào bản cân đối tính đến 21 tháng 7 năm 2022 cho thấy, Việt Nam nắm giữ liên tục giảm từ mức 45,2 tỷ Mỹ kim vào tháng 9/2021 tụt xuống còn 39,1 tỷ Mỹ kim vào tháng 5/2022. Như thế, đồng bạc Xanh trong Quỹ An Toàn Ngoại Hối của Việt Nam hiện tại không có là bao.
(Xin mời quý Độc Giả đọc bài trình bầy về tình hình Kinh Tế Tài Chánh Việt Nam liên quan đến sự kiện này trên Vận Hội Mới trong ngày mai).
Việt Nam cân nhắc mở cửa thị trường cho các hãng vũ khí nước ngoài
Việt Nam đang xem xét một bộ luật về công nghiệp quốc phòng và an ninh – một khung khổ pháp lý có thể mở đường cho các công ty nước ngoài thâm nhập vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng đang phát triển nhanh chóng của quốc gia này.

Cho đến nay, chỉ có các công ty trong nước thuộc sở hữu của quân đội mới được phép đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh trị giá nhiều tỷ Mỹ kim và có tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam.
Dự luật sẽ được chuyển cho Chính phủ đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội Việt Nam, để thảo luận thêm và thông qua – Thượng tướng Cương nói trong một cuộc phỏng vấn báo chí vào cuối tuần qua.
Thiếu tướng Lương Thanh Chương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, nói với tờ Quân đội Nhân dân rằng vì Việt Nam theo đuổi chiến lược thúc đẩy sự “lưỡng dụng” của công nghệ và thiết bị quốc phòng, nghĩa là phục vụ cả mục đích quân sự và dân sự, các doanh nghiệp và tổ chức tư nhân được khuyến khích đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng.
Tờ báo, cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng cũng dẫn lời các nhà sản xuất vũ khí không nêu tên của Việt Nam nói rằng “mọi thành phần kinh tế, gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà thành viên hoặc cổ đông nước ngoài có tỷ lệ vốn góp không có quyền quyết định, cần được tham gia” vào lĩnh vực này.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm – một tổ chức chuyên theo dõi các hoạt động chuyển giao quân sự toàn cầu – chi tiêu quân sự của Việt Nam đã tăng gần 700% từ năm 2003 đến 2018 và lên tới 5,5 tỷ USD vào năm 2018.
Chi tiêu quốc phòng của Việt Nam dự báo sẽ đạt 8,5 tỷ đô la Mỹ vào năm 2027. (RFA)
Quốc tế kêu gọi CSVN trả tự do cho những người hoạt động môi trường
Các tổ chức nhân quyền quốc tế gồm cả LHQ thúc giục CSVN trả tự do cho các nhà hoạt động bảo vệ môi trường.
Một liên minh gồm nhiều tổ chức xã hội dân sự bảo vệ nhân quyền quốc tế thành lập một trang mạng có tên là standwithbach.org kêu gọi chế độ Hà Nội trả tự do ngay lập tức cho ông Đặng Đình Bách hiện đang bị bỏ tù vì hoạt động bảo vệ môi trường.
“Ông Bách là một trong những nhân vật hàng đầu bảo vệ môi trường nhưng lại bị bỏ tù khi bị vu cho tội trốn thuế. Tội danh này ngày càng được sử dụng nhiều hơn nhằm bịt miệng xã hội dân sự tại Việt Nam’. Bà Maureen Harris, Cố vấn cấp cao của tổ chức International Rivers phát biểu. “Việc hình sự hóa mỗi ngày một nhiều hơn tại Việt Nam đối với các người hàng đầu bảo vệ môi trường cần phải chấm dứt.”

Lời kêu gọi phổ biến trên trang mạng standwithbach.org (Đứng chung với Bách) được đưa ra nhân dịp đánh dấu một năm kể từ khi ông Bách, một luật gia về các vấn đề môi trường, bị kết án 5 năm tù. Mọi người biết rằng cái cáo buộc “trốn thuế” dùng để áp đặt bản án 5 năm tù đối với ông Đặng Đình Bách chỉ là cá bình phong nhằm bịt mồm những ai và tổ chức dân sự không nằm trong hệ thống tay chân mà nhà cầm quyền sai khiến.
Các tổ chức quốc tế cùng đứng trên trang mạng standwithbach.org gồm có Global Witness (Nhân chứng Toàn cầu), Friends of the Earth US (Bạn hữu của trái đất ở Mỹ), Earthrights International (Quyền trái đất Quốc tế), International Land Coalition (Liên minh Đất đai Quốc tế), Grassroots Foundation (Quỹ cấp cơ sở), và International Rivers (Sông Quốc tế).
Ông Đặng Đình Bách là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD). Hợp tác với ông còn có nhà báo Mai Phan Lợi và ông Bạch Hùng Dương. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 24 Tháng Giêng 2022, ông Đặng Đình Bách bị kết án 5 năm tù, ông Mai Phan Lợi 4 năm tù,ông Bạch Hùng Dương 3 năm rưỡi tù.
Tại phiên tòa phúc thẩm mấy tháng sau đó, hai ông Lợi và Dương được giảm án mỗi người 3 tháng trong khi ông Bách cương quyết không nhận tội nên vẫn bị y án khi bị cho rằng “trốn thuế” tới 1.3 tỉ đồng.
Theo các tổ chức quốc trế nói trên, hoạt động của ông Đặng Đình Bách cổ võ Việt Nam giảm dần sự lệ thuộc vào nhiệt điện than, một trong những nguyên nhân kích thích trái đất nóng lên nhanh hơn. Trung Tâm LPSD hoạt động bảo vệ cộng đồng trước những chất thải độc hại, cổ võ từ bỏ dần chất thải plastic, đồng thời hậu thuẫn cho nhà nước chuyển đổi từ nhiệt điện than sang các loại năng lượng tái tạo.
“Tôi không thể nào ngờ dược rằng chồng tôi lại bị bỏ tù cho những việc ông ấy làm là giúp đỡ mọi người.” Tổ chức standwithbach.org dẫn lời bà Trần Phương Thảo, vợ ông Bách. “Ưu tiên hàng đầu của chồng tôi là sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân Việt Nam.” Gần đây bà cũng kêu gọi nhà cầm quyền CSVN trả tự do để ông Bách về ăn tết với gia đình.
Theo tổ chức nói trên, ông Bách cũng như các người bạn cùng bị bắt đã không được xử án công bằng. Ngay như các chuyên viên Liên Hiệp Quốc cũng cho rằng việc kết tội ông Bách là do các toan tính chính trị của chế độ Hà Nội. Khi bỏ tù ông Bách, một người hoạt động bảo vệ môi trường khác là bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc Trung Tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Green ID) cũng đã bị áp đặt tội danh trốn thuế.
Tháng Mười 2022, Tổng thư ký LHQ António Guterres đã đến thăm Việt Nam. Ông đã kêu gọi CSVN trả tự do cho các người hoạt động môi trường cũng như những người vận động nhân quyền, tự do thông tin nhưng không hề thấy tác dụng.
Hải quân Việt Nam sẽ tập trận chung với các nước ASEAN (AMNEX).
Đai RFA dẫn tin từ hãng thông tấn Philippines hôm 18/1 dẫn lời người phát ngôn Hải quân Philippines Benjo Negranza cho biết một kế hoạch huấn luyện cơ bản cho cuộc tập trận chung vào tháng 5 năm 2023 để thúc đẩy tương tác và hoạt động trôi chảy giữa các lực lượng hải quân các nước ASEAN đã được đưa ra tại một hội nghị với sự tham gia của các đại diện hải quân các nước thành viên ASEAN bao gồm: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam.

Tập trận chung AMNEX giữa các nước ASEAN được Hải quân Hoàng gia Thái Lan khởi xướng hồi năm 2014. Cuộc tập trận chung đầu tiên diễn ra vào năm 2017 tại Thái Lan. Việt Nam vào lúc đó đã điều tàu chiến 012 – Lý Thái Tổ tham gia cuộc tập trận này.
Người phát ngôn Hải quân Philippines cho biết cuộc tập trận chung lần này thể hiện “quyết tâm của Philippines nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ và làm sâu hơn sự hiểu biết, thúc đẩy hợp tác hướng tới một khu vực ASEAN ổn định và hòa bình”.
Cuộc tập trận chung diễn ra vào lúc vẫn có những căng thẳng ở Biển Đông nơi Trung Quốc và một số quốc gia ở ASEAN bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đều có những đòi hỏi về chủ quyền.
Philippines mới đây lên tiếng cáo buộc tàu hải cảnh của Trung Quốc đuổi tàu cá của Philippines khỏi vùng biển ở khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp.
Bộ Quốc phòng Việt Nam hiện chưa lên tiếng về thông tin này. Truyền thông Việt Nam cũng chưa đưa tin về cuộc tập trận chung AMNEX năm 2023.
Ba ngày Tết Quý Mão: 11.500 tai nạn giao thông, 128 tử vong
Trong ba ngày nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão (từ 21 đến 23), Việt Nam ghi nhận 11.500 vụ tai nạn giao thông đường bộ, khiến 128 người tử vong.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế cho truyền thông hay tin trên trong ngày 24/1. Theo Cơ Quan này, số người tử vong vì tai nạn giao thông tăng 12 ca so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022.

Bên cạnh đó, cũng sau ba ngày nghỉ, có 311 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, nhiều hơn 103 ca so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022. 29 trường hợp cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế, khiến hai người tử vong.
Tổng số ca khám, cấp cứu rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn từ sáng mùng 1 đến sáng mùng 2 (tức 22 và 23/1) là 119 trường hợp. Trong đó, 68 trường hợp được xác định là ngộ độc/say rượu, bia; năm trường hợp khai do ngộ độc thức ăn tự chế biến, chưa phát hiện vụ ngộ độc thực phẩm.
Tính chung trong ba ngày nghỉ Tết, đã có 306 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hoá, chiếm 0,2% trong tổng số khám, cấp cứu. Ba ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu (tự tử).
Số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh trên cả nước tăng gần 40% so với năm ngoái, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh cho truyền thông hay.
Lịch nghỉ Tết Quý Mão 2023 của công chức, viên chức tại Việt Nam bắt đầu từ ngày 20/1 và kéo dài đến hết ngày 26/1 (tức 29 đến Mồng 5 Âm lịch).(RFA)