Các Cửa Hàng Tạp Hoá và Trạm Xăng Vẫn Tin Vào Xe Hơi Chạy Bằng Xăng
Các chuỗi trạm xăng/cửa hàng tiện lợi trên khắp Hoa Kỳ đang xây dựng các cửa hàng mới, bất chấp trong thị trường có các thúc đẩy của chính phủ về tiềm năng xe điện.
Công ty Rutter’s có trụ sở tại Pennsylvania đã công bố kế hoạch xây dựng thêm 50 trạm xăng/cửa hàng tiện lợi mới trong vòng năm năm tới ở Pennsylvania, Maryland, Virginia, West Virginia, và Delaware. Rutter’s hiện có 84 địa điểm kinh doanh.

Trong số các địa điểm đó, 21 cửa hàng ở Pennsylvania có đặt máy xổ số điện tử, khiến Rutter’s trở thành nhà điều hành máy xổ số điện tử được cấp phép lớn nhất mà bị xem là sòng bạc ở tiểu bang này. Tuy nhiên, Rutter’s không phải là chuỗi trạm xăng duy nhất đang phát triển. Buc-ee’s có trụ sở tại Texas đã thông báo hồi tháng Hai năm 2022 rằng họ tiếp tục xây thêm hàng chục cửa hàng tiện lợi mới cho đến năm 2026. Chuỗi cửa hàng này nổi tiếng với bánh mì thịt và một số lượng lớn máy bơm xăng — thường là khoảng 100.
Các cửa hàng Buc-ee’s mới dự tính sẽ tọa lạc ở Auburn, Alabama vào năm 2023; Sevierville, Tennessee vào năm 2023; Hillsboro, Texas vào năm 2024; Smiths Grove, Kentucky vào năm 2024; Springfield, Missouri vào năm 2024; Johnstown, Colorado cũng vào năm 2024; và Boerne, Texas vào năm 2025.
Theo Hiệp Hội Cửa Hàng Tiện Lợi Quốc Gia (NACS), các cửa hàng tiện lợi bán khoảng 80% nhiên liệu động cơ mà người tiêu dùng ở Hoa Kỳ mua.
Hồi tháng 06/2022, Wawa có trụ sở tại Pennsylvania đã thông báo rằng họ đang trên đà mở 54 cửa hàng mới vào năm 2022 và thêm 40 cửa hàng tiện lợi vào năm 2025 tại các tiểu bang Florida, Alabama, North Carolina, và Tennessee.
Ngoài ra, tại tiểu bang Pennsylvania, Sheetz đã lên kế hoạch mở 20 cửa hàng mới ở Ohio trong năm năm tới. Theo trang web của họ, Kwik Trip có trụ sở tại Wisconsin có 847 cửa hàng tiện lợi. Chuỗi cửa hàng này dự định mở thêm ba cửa hàng ở South Dakota dưới tên Kwik Star.
Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi xe điện chiếm 50% tổng số xe bán ra tại Hoa Kỳ vào năm 2030. Nhiều tiểu bang đang dự tính cho một tương lai xe điện với các nghiên cứu về cách thay thế thuế xăng bằng phí đường bộ dựa trên số dặm và các kế hoạch xây dựng các trạm sạc điện.
Các tiểu bang California, Oregon, Washington, New York, và Massachusetts sẽ cấm bán tất cả các loại xe chạy bằng xăng mới bắt đầu từ năm 2035.

Trong khi đó, phần lớn dân chúng cần trạm xăng cho xe chạy bằng xăng của họ. Ông Jeff Lenard, phó chủ tịch phụ trách các sáng kiến công nghiệp chiến lược tại NACS, nói với The Epoch Times: “Chúng tôi biết rằng ngay bây giờ, số bán xe điện chiếm khoảng 5% trong các xe, vì vậy sẽ mất nhiều chục năm để xe điện chiếm nhiều hơn trong số xe lưu thông trên đường”. Ông Lenard nói: “Có rất nhiều phương tiện chạy bằng xăng cần nhiên liệu. Các công ty đang mở trạm xăng để đáp ứng nhu cầu”.
Ông nói: “Không nghi ngờ gì nữa, xe điện sẽ là một phần của tương lai. Cũng không nghi ngờ gì rằng, dầu mỏ cũng sẽ là một phần của tương lai. Các nhà bán lẻ nhiên liệu đang đặt cược vào nơi họ cảm thấy thị trường sẽ phát triển và nơi đó họ có thể thu được lời nhuận”.
Dân Số Tennessee Tăng, Nhiều Người Rời Bỏ Các Tiểu Bang Thiên Tả
Thanh bình và yên tĩnh là những yếu tố chính khiến người Mỹ di chuyển từ các tiểu bang đông đúc như New York và California đến các tiểu bang nhỏ hơn nhưng đang phát triển như Tennessee. Tuy nhiên, cũng có những lý do khác thúc đẩy người dân chuyển đến vùng đất này.

Trong các cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ba người từ các tiểu bang thiên tả chuyển đến các thị trấn nhỏ ở khu vực Đông Nam của tiểu bang Tennessee trong vài năm qua cho biết họ đã được thúc đẩy để tìm về sinh sống ở nơi có khuynh hướng bảo tồn truyền thống, các quyền tự do cá nhân được tôn trọng, và giảm thuế.
Theo ước tính của Cục Điều Tra Dân Số Hoa Kỳ, hồi năm 2022, lần đầu tiên Tennessee vượt mốc 7 triệu cư dân, khiến tiểu bang này trở thành tiểu bang có dân số tăng nhanh đứng hàng thứ bảy tại Hoa Kỳ hồi năm ngoái.
Các tiểu bang như Tennessee đã trở nên hấp dẫn đối với người Mỹ không chỉ bởi các yếu tố như môi trường tự nhiên, núi non, và sông ngòi. Những người được The Epoch Times phỏng vấn đã chuyển đến từ Illinois và New York cho biết thuế địa ốc thấp hơn, thuế thu nhập tiểu bang thấp hoặc không có thuế, và dân cư theo phái bảo tồn truyền thống nhiều hơn đã trở thành những lý do hấp dẫn khiến họ chuyển đến vùng đông nam.
Theo Cục Điều Tra Dân Số Hoa Kỳ, Đông Nam Hoa Kỳ là khu vực đông dân nhất đất nước với gần 129 triệu cư dân và là khu vực có mức tăng dân số nhiều nhất vào năm 2022, với mức tăng 1.1% hay 1.3 triệu người. Hầu hết sự gia tăng dân số này là do di dân từ các tiểu bang khác của Hoa Kỳ (867,935 người), tuy nhiên cũng có một tỷ lệ nhỏ hơn là do tình trạng di dân quốc tế (414,740 người).
Matt Moreno và vợ là Marla chuyển từ Chicago đến Spring City, Tennessee, hồi năm 2020, họ cho biết, “Chúng tôi đã muốn chuyển tới một nơi vắng vẻ. Chúng tôi đã được mách nước về điền sản và đến đây khi mới vừa rời khỏi thế giới doanh nghiệp ở Chicago. Lúc đầu, chúng tôi nghĩ rằng có thể chỉ tạm thời và chờ cho nạn dịch COVID kết thúc thì trở về”. Nhưng họ đã không trở về. Nơi họ ở trước đây ở phía bắc Chicago, có các cuộc bạo loạn và cướp bóc là những thứ họ phải bỏ xứ mà đi.
Anh Matt làm việc trong lĩnh vực địa ốc, còn chị Marla bán các sản phẩm thuốc thảo mộc. Ngoài những điều hấp dẫn là khung cảnh thiên nhiên và khả năng trở thành những homesteader (người xây nhà, xây trang trại trên đất của chính phủ, phát triển cộng đồng, và tự trồng lương thực) cao hơn so với những người sống ở thành phố, thì các số liệu thống kê như tội phạm thấp hơn, thuế thấp hơn, và chính trị theo hướng bảo tồn truyền thống cũng rất hấp dẫn mọi người.
Matt nói: “Ở đây có rất nhiều người mang súng bên mình, nhưng khi sống ở đây thì chúng tôi cảm thấy an tâm hơn”. Anh tâm sự rằng, ngoài khung cảnh thiên nhiên, môi trường trong sạch, người dân ở đây rất tử tế, khiến cho vợ chồng anh, hồi mới đến chỉ dự định ở tạm, nhưng lại không thể rời đi, và quyết định ở lại.
Những Khác Biệt Trong Vụ Tài Liệu Mật Của Ông Biden Và Ông Trump
Cựu Tổng thống Donald Trump cho đến nay dường như có nhiều tài liệu được đánh dấu “mật” tại Mar-a-Lago ở Florida hơn những gì TT Joe Biden có tại các ngôi nhà khác nhau của ông ở Delaware.
Tuy nhiên, khi so sánh giữa hai vụ việc hầu như không mang lại kết luận có lợi cho ông Biden.
Thứ nhất, nơi để tài liệu tại tư dinh Mar-a-Lago của ông Trump thì được bảo vệ kỹ càng bởi mật vụ. Trong khi ông Biden để tài liệu trong nhà để xe hoặc để những nơi có nhiều người biết. Ông Biden giữ tài liệu mật trong lúc không phải chỉ là thường dân, trước khi là phó Tổng thống. Ngay khi là Phó Tổng thống, ông Biden cũng không có quyền đụng tới những tài liệu đó.
Thứ hai, chính đội ngũ của Tổng thống Biden cũng đang điều tra Tổng thống Biden. Bộ Tư pháp của Chính phủ Tổng thống Biden và FBI không chỉ điều tra ông Trump là thường dân, mà là điều tra một cựu tổng thống, cố ý ngăn chặn ông Trump có thể là ứng cử viên tổng thống trong năm 2024 và là đối thủ của ông Biden. Trong lúc ông Trump đang là tổng thống, yêu cầu điều tra ông Biden thì bị cho là tấn công đối thủ vì ông Biden có thể sẽ trở thành ứng cử viên tổng thống.
Thứ ba, không ai trong chính phủ đã công khai quở trách các vi phạm an ninh của ông Biden đang bị cáo buộc. Trường hợp ông Trump thì nhiều người trong đảng Dan Chủ nhao nhao chỉ trích ông Trump trong khi chưa đủ bằng chứng để cáo buộc ông Trump. Trong lúc đang điều tra thì ông Biden đã tuyên bố cựu tổng thống Trump có tội. Biden nói: “Sao lại có thể có ai vô trách nhiệm đến như vậy”?. Ngược lại, khi ông Biden bị điều tra, có bằng chứng rành rành vi phạm thì ông bác bỏ rằng, “Chẳng có gì quan trọng ở đó cả”.
Thứ tư, ông Trump với tư cách là tổng thống, ông ấy có quyền yêu cầu giải mật, so với ông Biden, người đã cầm theo các tài liệu này trong vai trò là thượng nghị sĩ hoặc phó tổng thống, không có quyền đụng đến những tài liệu đó.
Thứ năm, FBI không chỉ là bất cân xứng khi đột kích nhà ông Trump một cách đột ngột trong khi cho phép các luật sư của ông Biden kiểm tra nhiều đồ lưu trữ khác nhau của ông Biden. FBI cũng đã làm rò rỉ nội dung một cách có chủ đích các đối tượng trong tài liệu mật của ông Trump, (lan truyền sai sự thật về “tài liệu hạch tâm”) nhưng họ không làm với các tài liệu của ông Biden.
FBI đã đi xa đến mức chụp hình tài liệu trên sàn nhà để làm ra vẻ những tài liệu này đã được lưu trữ một cách rất lộn xộn. Cho đến nay, FBI xem xét tài liệu do ông Biden lưu trữ một cách nhẹ nhàng và muộn màng, không có đội SWAT yểm trợ.
Thứ sáu, ông Biden đã không “tự giác báo cáo”. Nhóm của ông Biden đã không gọi cho các cơ quan chính phủ có liên quan ngay khi họ phát giác ra các tài liệu mật trong văn phòng, tư gia, và nhà để xe của ông Biden.
Trên thực tế, ông Biden, và có người nào đó thân cận với ông Biden, biết về những tài liệu mất ấy. Trong ít nhất là sáu năm qua ông Biden đã không cảm thấy hối tiếc khi thú nhận với các nhà chức trách rằng ông đã lưu trữ trái phép các tài liệu mật.
Khi sự việc bị đưa ra ánh sáng, rõ ràng Tòa Bạch Ốc, giới truyền thông, Bộ Tư pháp của ông Biden, và biện lý đặc biệt đã chú tâm quá mức vào các tài liệu của ông Trump, và sợ có ai đó đặt ra câu hỏi về việc liệu bản thân ông Biden có thể đang phạm chính tội mà họ đang dùng để truy tố ông Trump hay không.
Tệ hơn nữa, Tổng thống Biden và các nhân viên của ông biết rằng ông đang giữ các tài liệu mật trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, nhưng đã cố tình che giấu cho đến sau khi cuộc bầu cử kết thúc.
Thứ bảy, các tài liệu của ông Trump chỉ được lưu trữ tại một nơi duy nhất — Mar-a-Lago, và chỉ trong khoảng 19 tháng. Còn các tài liệu của ông Biden đã được cất giấu ở nhiều địa điểm khác nhau trong gần bảy năm, và có thể lâu hơn 10 năm.
Thứ tám, báo chí đã suy đoán sai lầm, về các tài liệu ở Mar-a-Lago và đòi được biết có gì trong đó. Ngược lại, không ai biết hoặc thậm chí không hỏi tại sao ông Biden lại cầm theo các tài liệu mật, các tài liệu này liên quan đến chủ đề gì hoặc ai trong gia đình ông ấy có quyền tiếp cận với những văn bản đó.
Thứ chín, các tài liệu của ông Trump không tiết lộ các trách nhiệm pháp lý khác của ông Trump. Các hồ sơ của ông Biden cho đến nay đã hướng sự chú ý đến khoản đóng góp hàng chục triệu dollar bí ẩn bằng tiền mặt của Trung Cộng đổ vào nhóm chuyên gia cố vấn của Tổng thống Biden tại trường Đại học Pennsylvania, đến các hoạt động kinh doanh ở hải ngoại của gia đình ông Biden.
Ông Hunter Biden có bao giờ tham khảo hoặc xem các tài liệu mật khi sống dưới cùng mái nhà với các tài liệu đó không? Sẽ có kiểm tra dấu vân tay hoặc xét nghiệm DNA trên các tài liệu chứ? Nếu người ta khám phá ông Hunter đã thọc tay vào tài liệu mật ấy, thì nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden sẽ kết thúc.
Thứ mười, ông Trump đang giữ các tài liệu gây tranh cãi với tư cách là một cựu tổng thống. Các hồ sơ đang tranh chấp của ông Biden liên quan đến hành vi hiện tại của tổng thống Hoa Kỳ. Ông Biden đã tranh cử, đắc cử, và hiện đang giữ chức vụ tổng thống với hiểu biết đầy đủ rằng trong suốt khoảng thời gian đó, ông đã sở hữu các tài liệu mật một cách bất hợp pháp.
Chính Phủ TT Biden Thả Hơn 1,300 Người Nhập Cư Bất Hợp Pháp Trong 1 Tháng
Theo số liệu thống kê được tiết lộ mới đây, chính phủ Tổng thống Joe Biden đã thả hơn 1,300 người nhập cư bất hợp pháp là tội phạm chỉ trong một tháng.

Theo dữ kiện do Cơ Quan Thực Thi Di Trú Và Hải Quan Hoa Kỳ (ICE) công bố, hồi tháng 12/2022, các viên chức nhập cư đã trả tự do cho 521 tội phạm ngoại quốc bị kết án và 795 người có các cáo buộc hình sự đang chờ xét xử.
Số lượng tội phạm ngoại quốc bị kết án và những người ngoại quốc có các cáo buộc hình sự đang chờ xét xử được thả, tăng từ 58% của tháng trước và 48% của tháng 10/2022.
Tội phạm bị kết án được định nghĩa là những người vi phạm luật nhập cư và bị kết án hình sự vào thời điểm họ bị ICE bắt giữ. Những tiền án chính xác này không được nêu chi tiết. Những người nhập cư khác có các cáo buộc hình sự đang chờ xét xử tại thời điểm bị bắt giữ.
Hầu hết những trường hợp được thả này bắt nguồn từ các lệnh công nhận, hoặc một quyết định tạm thời rằng những người ngoại quốc được đề cập ở trên “không phải là ưu tiên giam giữ”.
Những trường hợp khác dưới lệnh giám sát được thả ra là do một văn phòng địa phương “không thể nhận được một giấy thông hành” hoặc được tạm tha. Tạm tha là một quyết định theo từng trường hợp vì “các lý do nhân đạo khẩn cấp hoặc lợi ích công cộng thiết yếu” được luật liên bang cho phép.
Ông Ron Kovach, Tham Vụ Báo Chí tại Liên Đoàn Cải Cách Nhập Cư Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times, “Luật này quy định rõ ràng rằng những người vượt biên trái phép phải bị giam giữ, nhưng chính phủ TT Biden không muốn giam giữ, không trục xuất bất cứ ai. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi họ cũng thả những tội phạm ngoại quốc. An toàn công cộng và pháp quyền đang bị tấn công”.
Các viên chức nhập cư nói với The Washington Times, rằng việc thả người nói trên bắt nguồn từ việc muốn chuẩn bị cho việc chấm dứt Đề mục 42. Đề mục 42 là một lệnh y tế công cộng cho phép chính phủ trục xuất nhanh chóng một số người nhập cư bất hợp pháp vì lo ngại rằng họ có thể mắc COVID-19.
Hồi cuối tháng 12/2022, Tối cao Pháp viện đã ra lệnh cho chính phủ giữ nguyên Đề mục 42. Hồi tháng 12/2022, các nhà chức trách cũng đã trả tự do cho hơn 28,000 người nhập cư đã vi phạm luật nhập cư nhưng không bị kết án hình sự hoặc bất cứ cáo buộc nào đang chờ xét xử ngoài hành vi vi phạm luật nhập cư.
203 tội phạm bị kết án khác đã được một thẩm phán hoặc một viên chức An Ninh cho tại ngoại sau một phiên tòa. 91 người khác đã được tại ngoại với các cáo buộc hình sự đang chờ xét xử. Ngoài ra 1,414 người được tại ngoại khác là người không bị kết án hoặc có các cáo buộc hình sự đang chờ xét xử.
1.4 Triệu Học Sinh Mỹ Bỏ Học Vào Năm 2020 Đã Đi Đâu?
Trong năm 2020, hơn một triệu trẻ em đã rời trường công lập, một đợt chuyển trường đã diễn ra sau khi trường học đóng cửa và yêu cầu đeo khẩu trang, và còn diễn ra nhanh hơn do các bậc cha mẹ ngày càng bất mãn đối với nền giáo dục cấp Trung Học.
Theo dữ kiện từ Trung Tâm Thống Kê Giáo Dục Quốc Gia (NCES), lượng ghi danh vào các trường công lập của Hoa Kỳ đã giảm 1.4 triệu học sinh từ mùa thu năm 2019 đến mùa thu năm 2020, giảm xuống còn 49.4 triệu, mất gần 3%.
Theo một báo cáo của Education Next, mức giảm này có thể lên đến 2 triệu. Báo cáo này còn cho thấy tỷ lệ nhập học tại trường công lập truyền thống tính theo tỷ lệ phần trăm ghi danh của tất cả các trường học đã giảm mạnh từ năm 2020 đến năm 2022.
Lượng ghi danh vào các trường công lập truyền thống đã giảm từ 81% xuống 76.5% tổng số lượng ghi danh trong giai đoạn đó, trong khi lượng ghi danh vào các trường bán công, trường tư thục, và giáo dục tại nhà tăng tổng cộng 4.5%.
Những con số này cho thấy gần 2 triệu học sinh đã rời các trường công lập truyền thống để lựa chọn giáo dục khác trong ba năm vừa qua.
Trong nhiều trường hợp, việc học tập bị gián đoạn do các chính sách COVID-19, là lý do khiến nhiều cha mẹ chuyển từ trường công lập sang trường bán công, trường tư thục, và giáo dục tại nhà.
Dựa trên số liệu ghi danh mới đây và việc nhiều bậc cha mẹ bày tỏ sự hài lòng với quyết định lựa chọn không cho con theo học tại các trường công lập, thì có vẻ như hàng triệu học sinh đang vắng mặt này sẽ không quay trở lại nữa.
Theo Gallup, từ năm 2019 đến 2022, mức hài lòng của cha mẹ đối với giáo dục Trung Học đã giảm. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, 51% cha mẹ cho biết, họ hoàn toàn hoặc phần nào hài lòng với việc học của con em mình. Ba năm sau, mức độ hài lòng đó là 42%, mức thấp nhất trong hơn 20 năm qua. Gần một phần tư người Mỹ, tương đương 23%, cho biết họ hoàn toàn không hài lòng với việc học của con mình.
Dự Luật Mới Của Đảng Cộng Hòa Sẽ Ngăn Chặn Việc Bán Dầu Cho Trung Cộng
Hôm 25/01, Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) đã đề xướng luật ngăn chặn Hoa Kỳ bán dầu từ Kho Dự Trữ Dầu Mỏ Chiến Lược (SPR) cho Trung Cộng và các công ty Đảng Cộng sản Trung Quốc.
15 thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa khác đã đồng bảo trợ dự luật “Đạo Luật Bảo Vệ Dự Trữ Dầu Mỏ Chiến Lược Của Hoa Kỳ” của ông Cruz.

Ông Cruz cho biết trong một tuyên bố: “Kho Dự Trữ Dầu Mỏ Chiến Lược được lập ra để bảo đảm rằng Mỹ có đủ trữ lượng dầu mỏ trong trường hợp khẩn cấp”.
Thượng Nghị Sĩ Cruz trích dẫn tin tức rằng chính phủ Tổng thống (TT) Biden năm ngoái đã bán gần 6 triệu thùng dầu từ Kho Dự Trữ Dầu Mỏ Chiến Lược Hoa Kỳ cho công ty dầu mỏ quốc doanh Sinopec của Trung Cộng.
Ông Cruz nói, “Tổng thống Joe Biden đã bán một phần tài sản an ninh quốc gia quan trọng này cho Trung Cộng trong khi Trung Cộng đang tích trữ dầu cho mục đích sử dụng chiến lược của riêng mình và trong khi người dân Mỹ đang phải trả giá ngày càng cao hơn cho nhiên liệu do các chính sách năng lượng tai hại của chính phủ ông Biden. Chúng ta cần phải hành động ngay lập tức để ngăn chặn điều này xảy ra trong tương lai và giải phóng năng lượng của Mỹ”.
Dự luật của ông Cruz gần giống với dự luật mà Đảng Cộng Hòa đã thông qua hôm 12/01 với số phiếu lưỡng đảng, áp đảo là 331–97, với 113 Dân biểu Đảng Dân Chủ ủng hộ dự luật.
Đề xướng này sẽ cấm “Bộ Năng Lượng bán các sản phẩm dầu mỏ (chẳng hạn như dầu thô) từ Kho Dự Trữ Dầu Mỏ Chiến Lược Hoa Kỳ cho bất cứ tổ chức nào thuộc quyền sở hữu, kiểm soát, hoặc ảnh hưởng của Trung Cộng”, theo một bản tóm tắt từ Vụ Khảo Cứu Quốc Hội. “Hơn nữa, Bộ Năng Lượng phải yêu cầu như một điều kiện đối với bất cứ hoạt động bán dầu thô nào từ Kho Dự Trữ Dầu Mỏ Chiến Lược Hoa Kỳ là dầu không được xuất cảng sang Trung Quốc”.
Sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine hồi tháng 02/2022, trong khi liên tục đổ lỗi giá năng lượng tăng vọt cho “sự tăng giá của ông Putin” đồng thời không ủng hộ các chính sách trợ giúp sản xuất dầu nội địa, chính phủ TT Biden đã tuyên bố xuất kho 30 triệu thùng dầu và 180 triệu thùng dầu khác hồi tháng 03/2022.
Mức Kho Dự Trữ Dầu Mỏ Chiến Lược Hoa Kỳ đã giảm xuống chỉ còn hơn 400 triệu thùng dưới thời TT Biden, giảm khoảng 40% so với mức dự trữ thông thường và là mức thấp nhất kể từ năm 1984.
Các nghị sĩ Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện, do Dân biểu Cathy McMorris Rodgers (Cộng Hòa-Washington) dẫn đầu, đã tiến xa thêm một bước nữa bằng cách đưa ra một dự luật yêu cầu chính phủ TT Biden xây dựng một bản kế hoạch để tăng tỷ lệ đất cho thuê liên bang cho mục đích khai thác sản xuất dầu khí nếu chính phủ muốn xuất dầu từ Kho Dự Trữ Dầu Mỏ Chiến Lược Hoa Kỳ vào hồi đầu tháng này.
“Đạo luật Ứng phó Sản xuất Chiến lược” hay H.R. 21 có một ngoại lệ trong trường hợp gián đoạn “nguồn cung cấp năng lượng trầm trọng”.
Tuy nhiên, hôm 23/01, Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm nói rằng TT Biden sẽ phủ quyết dự luật của các dân biểu Đảng Cộng Hòa nếu dự luật được Quốc hội thông qua. Bà Granholm nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc rằng, “Nếu Quốc hội thông qua H.R. 21, thì tổng thống sẽ phủ quyết dự luật này. Ông ấy sẽ không để người dân Mỹ phải chịu thiệt hại vì nghị trình lạc hậu mà Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đang thúc đẩy”. Bà Granholm cho rằng, làm như vậy sẽ làm suy yếu an ninh quốc gia, gây ra tình trạng thiếu dầu thô và tăng giá xăng dầu.
Đáp lại, một phụ tá Đảng Cộng Hòa tại Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện nói với các phóng viên rằng các dân biểu Đảng Cộng Hòa đang tìm cách “giới hạn việc sử dụng Dầu Dự Trữ chỉ cho những tình huống có sự gián đoạn nguồn cung trầm trọng”.
Trong tháng này Bộ Năng Lượng đã từ chối những đề nghị đấu thầu đầu tiên từ các công ty dầu mỏ để tái cung cấp một lượng nhỏ dầu thô cho Kho Dự Trữ Dầu Mỏ Chiến Lược Hoa Kỳ. Bà Granholm cho rằng, Hoa Kỳ sẽ có thể lấp đầy trở lại Kho Dự Trữ Dầu Mỏ Chiến Lược Hoa Kỳ với chi phí tiết kiệm cho người nộp thuế.
Một cuộc bỏ phiếu về H.R. 21 dự kiến sẽ diễn ra ngay trong tuần này. Tuy nhiên, việc dự luật có được Quốc Hội thông qua hay không vẫn còn phải chờ xem vì Thượng Viện hiện đang do Đảng Dân Chủ kiểm soát.
77 Nhà Lập Pháp Đảng Dân Chủ Chỉ Trích Kế Hoạch Biên Giới Của Biden
Hai ngày sau khi Tổng thống Joe Biden gặp gỡ các nhà lập pháp quốc hội thuộc Đảng Dân Chủ, 77 trong số các viên chức đắc cử đó đã gửi thư hôm 26/01 hối thúc ông rút lại các kế hoạch hạn chế khả năng tiếp cận và điều kiện xin tị nạn ở biên giới Hoa Kỳ-Mexico.
Bức thư trên thể hiện sự bất đồng quan điểm giữa các thành viên Đảng Dân Chủ về cách mà chính phủ TT Biden cần phải làm để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư bất hợp pháp.
Trước đó trong tháng Giêng, chính phủ TT Biden đã công bố một bản kế hoạch toàn diện được thiết kế để giảm đáng kể tình trạng vượt biên trái phép, đồng thời thông báo rằng những người nhập cư từ Cuba, Haiti, Nicaragua, và Venezuela sẽ bị trục xuất về lại Mexico theo Đề mục 42 nếu họ nhập cảnh trái phép vào quốc gia này. Kế hoạch này cũng tạo ra các cơ hội nhập cư hợp pháp cho những người xin tị nạn dễ bị tổn thương và những người di cư với người bảo lãnh ở Hoa Kỳ.
Là một phần trong kế hoạch của chính phủ Biden, 30,000 người di cư từ bốn quốc gia trên có thể nộp đơn xin bảo vệ tị nạn từ quê hương của họ. Mexico đã đồng ý nhận 30,000 người mỗi tháng.
Các dân biểu Đảng Dân Chủ viết, “Chúng tôi tin rằng chính phủ của ông có thể và phải tiếp tục mở rộng các con đường hợp pháp cho người di cư và người tị nạn vào Hoa Kỳ — mà không cần tước bỏ hơn nữa quyền xin tị nạn tại biên giới của chúng ta. Quyền này là một cột trụ của trật tự quốc tế thời hậu chiến mà Hoa Kỳ đã cam kết tuân theo. Thay vì ban hành một lệnh cấm quá cảnh tị nạn mới và mở rộng Đề mục 42, chúng tôi khuyến khích chính phủ giữ vững cam kết và bảo vệ quyền lợi của những người xin tị nạn”.
Một phần của Đạo luật Dịch Vụ Y Tế Công Cộng dưới thời Tổng thống Franklin D. Roosevelt vào năm 1944, Đề mục 42 được thiết kế để ngăn chặn sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm ở Hoa Kỳ. Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu xảy ra vào năm 2020, chính phủ cựu Tổng thống Trump đã viện dẫn đạo luật trên để hạn chế nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Thẩm Phán Chặn Luật Thông Tin Sai Lệch Về COVID-19 Của California
Hôm thứ Tư (25/01), một thẩm phán ở California đã tạm dừng cái gọi là luật về tin giả và thông tin sai lệch về COVID-19 của tiểu bang, vốn đã bị các bác sĩ phản đối trong hai vụ kiện, tuyên bố rằng luật này vi phạm quyền hiến định của họ.
Trong vụ Hoeg kiện Newsom, năm bác sĩ cáo buộc rằng luật tiểu bang, AB 2098, là vi hiến theo các Tu chính án thứ Nhất và thứ Mười Bốn của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Một vụ kiện khác cũng đưa ra những cáo buộc tương tự.

Cả hai vụ kiện đều tranh thủ một lệnh sơ bộ để ngăn California thi hành luật này.
Năm vị bác sĩ, Tracy Hoeg, Ram Duriseti, Aaron Kheriaty, Pete Mazolewski, và Azadeh Khatibi, đã đệ đơn kiện Thống đốc Gavin Newsom cùng các viên chức khác, bao gồm cả chủ tịch và các thành viên của Hội Đồng Y Tế California.
Họ lập luận rằng luật ngăn cản họ cung cấp thông tin cho bệnh nhân của họ mà những thông tin đó có thể mâu thuẫn với những gì luật cho phép hoặc cấm. Họ cũng cáo buộc luật này được sử dụng để đe dọa và trừng phạt các bác sĩ không đồng ý với quan điểm phổ biến về COVID-19.
Thẩm phán William Shubb, người được cựu TT George W. Bush bổ nhiệm, đã viết trong phán quyết của mình rằng, việc hội đồng y tế đã xác định hành vi của họ vi phạm AB 2098 là hợp lý, và do đó nỗi sợ hãi của các bác sĩ là hợp lý “vì sự mơ hồ của thuật ngữ ‘đồng thuận khoa học’ và định nghĩa về ‘thông tin sai lệch’ nói chung”.
Ông Shubb lưu ý rằng điều này có lợi cho lập trường của các nguyên đơn. Ông Shubb viết, “Bởi vì định nghĩa về thông tin sai lệch ‘không cung cấp thông báo công bằng cho một người có tri thức bình thường về những gì bị cấm, [và] thiếu tiêu chuẩn đến mức luật đó cho phép hoặc khuyến khích việc áp dụng phân biệt đối xử trầm trọng’, nên điều khoản này mơ hồ một cách vi hiến. Theo đó, tòa án kết luận rằng các nguyên đơn đã chứng minh khả năng thành công nhờ những thách thức về tính mơ hồ của họ”.
Ông Newsom đã ký dự luật này thành luật vào tháng 09/2022 và luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Luật định nghĩa thông tin sai lệch là “thông tin mâu thuẫn với sự đồng thuận khoa học đương đại” và cấm các bác sĩ phổ biến “tin giả hoặc thông tin sai lệch liên quan đến COVID-19, bao gồm thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm về bản chất và rủi ro của virus, cách phòng ngừa và điều trị; cùng sự phát triển, tính an toàn, và hiệu quả của vaccine COVID-19”.
Các bác sĩ không tuân theo các hướng dẫn đã được thiết lập của Trung Tâm Kiểm Soát Và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ khi cố gắng đánh giá và tư vấn cho bệnh nhân của họ với tư cách cá nhân có thể vi phạm luật mới này.
Theo luật, hội đồng y tế của tiểu bang phải hành động chống lại bất cứ bác sĩ được cấp phép nào bị buộc tội có hành vi thiếu chuyên nghiệp.
Phán quyết của tòa án tạm dừng luật này một cách hiệu quả trong lúc thách thức pháp lý đang diễn ra.
Tổ chức pháp lý đại diện cho các bác sĩ cho biết thân chủ của họ bị đặt vào tình thế khó khăn, lo sợ bị trừng phạt vì đã hành động có lợi nhất cho bệnh nhân bằng cách cung cấp thông tin trung thực cho họ, tước quyền được tư vấn và nghe các lựa chọn điều trị mà không e sợ kỷ luật nghề nghiệp.
Theo Liên Minh Quyền Tự Do Dân Sự Hoa Kỳ (ACLA), Tu chính án thứ Nhất, bảo vệ quyền tự do ngôn luận và biểu đạt của người Mỹ, áp dụng cho cả ý kiến của thiểu số và ý kiến của đa số.
Theo ACLA, các bác sĩ này cáo buộc rằng họ đã bị các bác sĩ và cá nhân khác đe dọa sử dụng luật AB 2098 để tước giấy phép hành nghề của họ trên mạng xã hội.
“Họ đang bị đặt giữa một tình thế tiến thoái lưỡng nan, lo sợ hậu quả vì đã hành động vì lợi ích tốt nhất của bệnh nhân bằng cách trung thực cung cấp cho họ thông tin mà họ tin rằng bệnh nhân của họ cần để đưa ra quyết định chăm sóc sáng suốt”.
Một trong các bác sĩ trong vụ Hoeg kiện Newsom hoan nghênh phán quyết này của thẩm phán. Ông Kheriaty viết trên Twitter, “Phán quyết này báo hiệu tốt cho vụ kiện của chúng tôi: quán quyết chỉ ra rằng lập luận của chúng tôi rằng luật này là vi hiến có cơ sở vững chắc trước khi xét xử. Tất nhiên, không phải để tự mãn hay cố gắng dự đoán kết quả cuối cùng của vụ án, nhưng đây là một diễn biến rất tích cực”.
Hoa Kỳ Phụ Thuộc Vào Trung Cộng Về Dược Phẩm Có Thể Gây Ra Thảm Họa
Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng trên chương trình Newsmakers của NTD và The Epoch Times hôm 25/01, ông Sebastian Gorka nói rằng Hoa Kỳ đã không quản lý tốt các nguồn lực quân sự của mình. Nhưng một mối quan tâm đáng kể hơn là Hoa Kỳ phụ thuộc vào Trung Cộng về dược phẩm của mình.
Ông Gorka nói, “Có những vấn đề rộng lớn hơn nhiều so với việc Mỹ có bao nhiêu đạn và bom. Hãy nghĩ về điều này, hơn 90% các loại thuốc chúng ta có ở Mỹ, chẳng hạn như thuốc kháng sinh, chúng ta đều mua từ Trung Cộng. Nếu Trung Cộng quyết định rằng họ muốn chiếm Đài Loan, họ muốn gây hấn quân sự ở khu vực Thái Bình Dương, và như một tổn thất xảy ra do việc đó, họ nói, ‘Ồ, nhân tiện, chúng tôi sẽ không bán thuốc cho các ông, những loại thuốc mà các ông đã mua từ chúng tôi trong 30 năm qua.’ Sau đó, chúng ta không những không thể chiến đấu trên nhiều mặt trận chống lại kẻ xâm luọc, mà chúng ta có thể sẽ không có đủ dược phẩm và thuốc men để cung cấp cho công dân của chính mình”.
Ông Gorka, một cựu chiến lược gia của Tổng thống Donald Trump, là một chuyên gia chống khủng bố và từng phụng sự trong lực lượng trừ bị của Quân Đội Anh trong một đơn vị Tình Báo Quân Đội. Ông có bằng tiến sĩ Khoa học Chính trị và là nghiên cứu sinh tại Trường Chính phủ Kennedy của Harvard.
Ông Gorka cho biết quyết định gửi thiết vận xa M1 Abrams tới Ukraine của Tổng thống Joe Biden là một “hành động ngu ngốc”, nhưng việc “hợp tác với Trung Cộng” thậm chí còn tồi tệ hơn.
Theo một báo cáo gần đây của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS), nếu một “cuộc xung đột lớn trong khu vực” — chẳng hạn như xung đột giữa Trung Cộng và Đài Loan — xảy ra, thì Hoa Kỳ sẽ cạn kiệt “một số loại đạn dược” trong vòng chưa đầy một tuần.
Báo cáo cho biết, “Việc sử dụng đạn dược của Hoa Kỳ có thể sẽ vượt quá kho dự trữ hiện tại của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Theo kết quả của một loạt các mô phỏng chiến tranh của CSIS, Hoa Kỳ có thể sẽ cạn kiệt một số loại đạn dược — chẳng hạn như đạn tầm xa, đạn dẫn đường chính xác — trong vòng chưa đầy một tuần trong một cuộc xung đột ở Eo biển Đài Loan”.
“Cuộc chiến ở Ukraine cũng đã bộc lộ những thiếu sót trầm trọng trong cơ sở công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ và là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng một cuộc xung đột kéo dài có thể là một cuộc chiến công nghiệp đòi hỏi ngành công nghiệp quốc phòng phải có khả năng sản xuất đủ đạn dược, các hệ thống vũ khí, và vật tư để thay thế các kho dự trữ đã cạn kiệt”.
Ông Gorka đồng ý một phần với báo cáo của CSIS và cho biết việc TT Biden gửi thiết vận xa M1 Abrams tới Ukraine là một ví dụ điển hình về việc chính phủ ông Biden “không biết mình đang làm gì trong các vấn đề liên quan đến địa chính trị và an ninh quốc gia. Thiết vận xa M1 Abrams không phải là thứ mà người Ukraine đã từng sử dụng. Họ chưa được đào tạo về loại phương tiện đó. Họ không có đạn dược cho nó”, ông Gorka nói. “Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, tôi đã biết rất rõ. Đây là cuộc chiến mà đất nước Ukraine phải tự chiến đấu”.
“Chúng ta có thể trợ giúp họ, nhưng chúng ta phải giúp họ theo những cách hợp lý. Ukraine là một phần của Liên Xô. Họ biết cách sử dụng các thiết bị thời Liên Xô, cho dù đó là AK-47, dòng thiết vận xa T, hay dòng xe bọc thép chở quân BTL hay súng phóng lựu RPG…. Sao họ lại cần thiết vận xa M1 Abrams mà họ không hề có kinh nghiệm sử dụng? Hãy cung cấp cho họ những thứ mà họ có thể sử dụng và họ biết cách sử dụng, chứ không phải hàng đống tiền mặt và thiết bị của Mỹ”.
Ông Gorka cho biết việc cung cấp thiết vận xa M1 Abrams cho Ukraine và việc chính phủ TT Biden để lại “thiết bị trị giá 83 tỷ USD” ở Afghanistan là những ví dụ về việc Hoa Kỳ không quản lý tốt các nguồn lực của mình.
Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ Trừng Phạt Trung Cộng Cung Cấp Thông Tin Tình Báo Cho Nga
Một nhà sản xuất vệ tinh của Trung Cộng đã bị Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ trừng phạt hôm thứ Năm (26/01) vì cung cấp hình ảnh vệ tinh cho Nga trong cuộc chiến với Ukraine. Một cuộc điều tra sâu hơn đã tiết lộ mối liên hệ sâu sắc giữa công ty Trung Cộng này và ngành công nghiệp quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước của Trung Cộng.
Theo Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ, Spacety, hay Công ty TNHH Viện Nghiên cứu Kỹ nghệ và Khoa học Vũ trụ Thiên Nghi, đã bị cáo buộc cung cấp hình ảnh vệ tinh cho Nga “nhằm hỗ trợ các hoạt động chiến đấu của Wagner ở Ukraine”.
Tập đoàn Wagner là một tổ chức quân đội tư nhân trên thực tế nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tổ chức này đã bị chính phủ Hoa Kỳ nhận diện là một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia quan trọng.
Nhìn bề ngoài, Spacety có vẻ là một nhà sản xuất vệ tinh thương mại tư nhân nhỏ có trụ sở tại thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam của Trung Cộng. Nhưng cuộc điều tra độc lập đã phát giác ra mối liên hệ phức tạp giữa Spacety và quân đội Trung Cộng, gọi Quân Giải phóng Nhân dân (PLA).
Một trong những đối tác chiến lược mà Spacety liệt kê trên trang web của công ty là Học Viện Kỹ Nghệ Phương Tiện Phóng Trung Cộng (CALVT), viện nghiên cứu hỏa tiễn hàng đầu của Trung Cộng. Được Bộ Quốc phòng Trung Cộng thành lập vào năm 1956, giám đốc đầu tiên của CALVT trong những năm 1950 và 1960 là ông Tiền Học Sâm (Qian Xuesen, hay còn gọi là Hsue-Shen Tsien), người được coi là cha đẻ của ngành công nghiệp hệ thống hỏa tiễn của Trung Cộng. Sĩ quan chính trị đầu tiên của CALVT là ông Cốc Cảnh Sinh (Gu Jingsheng), một trung tướng quân đội Trung Cộng.
Tiền Học Sâm từng là giáo sư tại Viện Kỹ nghệ Massachusetts và Viện Kỹ nghệ California vào những năm 1950. Ông cũng là một cựu đại tá phục vụ trong Lực Lượng Không Quân Hoa Kỳ. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã giam giữ ông Tiền Học Sâm vì hoạt động cho Trung Cộng. Đến năm 1955, chính phủ Hoa Kỳ cho phép ông Tiền quay trở lại Trung Quốc, theo báo cáo là để đổi lấy một số phi công Hoa Kỳ bị Trung Cộng bắt giữ trong Chiến Tranh Triều Tiên.
Đối tác chiến lược của Spacety cũng bao gồm Công ty TNHH Tập đoàn Điện Tứ Xuyên Cửu Châu (SJEG), một trong những nhà thầu quốc phòng hàng đầu của Trung Cộng. Các sản phẩm chính của SJEG bao gồm hệ thống dữ kiện và AI quân sự, hệ thống radar quân sự, hệ thống phòng thủ phát giác mục tiêu tầm thấp và siêu thấp, cũng như thiết bị 5G.
Được thành lập vào năm 1958, SJEG trước đây được gọi là Nhà Máy 783, một cái tên được Trung Cộng dùng để nguỵ trang một tổ chức quốc phòng. Ban đầu Nhà Máy 783 do Liên Xô viện trợ tài chính.
Cùng với CALVT và SJEG, trang web chính thức của Spacety cũng cung cấp một danh sách dài các đối tác chiến lược, tất cả đều là những viện nghiên cứu hàng đầu phục vụ ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Cộng. Theo trang web chính thức của Spacety, nhiều nhà quản lý cao cấp của công ty này có liên hệ gần gũi với các chương trình vũ trụ và quân sự của Trung Cộng.
Ông Nhậm Duy Giai (Ren Weijia), giám đốc kỹ nghệ của Spacety, đã đóng một vai trò quan trọng trong các chương trình không gian Thần Châu và Thiên Châu của Trung Cộng, trong hai thập niên qua.
Ông Hùng Thục Kiệt (Xiong Shujie), phó chủ tịch của Spacety, nguyên là phó giám đốc bộ phận thiết kế của Bắc Đẩu, hệ thống vệ tinh dẫn đường của Trung Cộng, là thành phần chính trong hệ thống hỏa tiễn tấn công tầm xa của quân đội Trung Cộng.

Ông Lưu Kinh Dương (Liu Jingyang), một phó chủ tịch khác, tốt nghiệp Học viện Ngoại ngữ Lạc Dương (LGLS) và Đại học Quốc phòng Quân Giải phóng Trung Cộng. Học viện Ngoại ngữ Lạc Dương là một trường tình báo quân sự nổi tiếng của Trung Cộng, chuyên đào tạo sĩ quan tình báo cho quân đội Trung Cộng. Đại học Quốc phòng Quân Giải phóng Trung Cộng là học viện quân sự cấp cao nhất của Trung Cộng, chuyên đào tạo sĩ quan cao cấp của Trung Cộng.
Một trong những đối tác chiến lược mà Spacety liệt kê trên trang web của công ty là nền tảng phát triển Tích hợp Quân sự-Dân sự (MCI) Hồ Nam. Nền tảng MCI, còn được gọi là dự án Hợp Tác Quân Sự-Dân Sự, là một trong những nỗ lực hàng đầu của nhà cầm quyền Trung Cộng nhằm hiện đại hóa quân đội của họ. Thông qua nền tảng MCI, quân đội Trung Cộng có thể hợp tác với nhiều trường đại học và tổ chức Trung Cộng, những nơi đã xây dựng được quan hệ với các trường đại học và tập đoàn Tây phương, đồng thời thu thập kỹ nghệ tân tiến từ Tây phương để sử dụng cho mục đích quân sự của Trung Cộng.
Trong mười năm qua, nhà cầm quyền Trung Cộng đã đầu tư đáng kể vào các nền tảng Tích hợp Quân sự-Dân sự trên các cấp chính quyền và quân đội khác nhau.
Tháng 10/2015, chủ tịch Trung Cộng, Tập Cận Bình đã đưa Tích hợp Quân sự-Dân sự trở thành ưu tiên hàng đầu trong cuộc họp của Uỷ Ban Trung Ương Trung Cộng, cơ quan ra quyết định cho nhà cầm quyền. Định hướng là thiết lập một hệ thống quản lý, điều hành, và hệ thống chính sách toàn quốc cho MCI.
Trung Cộng đã chính thức thành lập Uỷ Ban Trung Ương về Phát Triển Hội Nhập Quân-Dân Sự vào tháng 01/2017, với Tập Cận Bình là giám đốc Uỷ Ban.
Chiến lược MCI của nhà cầm quyền Trung Cộng đã bị cả chính phủ cựu Tổng thống Trump lẫn chính phủ Tổng thống Biden nhắm đến. Chính phủ Hoa Kỳ đã đưa vào danh sách đen một loạt các công ty kỹ nghệ và quốc phòng Trung Cộng. Ông Trump đã ban hành một sắc lệnh cấm các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào một nhóm các công ty liên kết với quân đội Trung Cộng, vốn là một phần của chiến lược MCI. Tổng thống Joe Biden sau đó đã mở rộng danh sách các công ty Trung Cộng thuộc lệnh cấm này.
Mặc dù từ vẻ bề ngoài, mối quan hệ đối tác giữa Spacety của Trung Cộng và Tập đoàn Wagner của Nga là sự hợp tác ở cấp độ tư nhân. Tuy nhiên, mối liên hệ sâu sắc giữa Spacety và các chương trình quân sự của Trung Cộng và sự tham gia trực tiếp của Wagner vào chiến tranh Ukraine rõ ràng đã bộc lộ một khía cạnh rất khác trong việc Trung Cộng ủng hộ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.