Tin Hoa Kỳ
Cơ Quan Lưu Trữ Được Lệnh Không Công Bố Tài Liệu Mật
Theo Ủy Ban Giám Sát Và Trách Nhiệm Giải Trình của Hạ Viện, Cục Quản Lý Hồ Sơ và Lưu Trữ Quốc Gia đã thông báo với Quốc Hội hôm 01/02 rằng cơ quan này đã nhận được lệnh không tuyên bố những gì liên quan đến các tài liệu mật được tìm thấy tại Trung tâm Penn Biden vào tháng Mười Một, năm ngoái.
Tiết lộ này được công bố trên trương mục Twitter của Uỷ Ban, ngay sau khi ông Ian Sams, cố vấn cao cấp của Văn phòng Luật sư Tòa Bạch Ốc, bị các phóng viên chất vấn về vấn đề này. ông Sams nói khi trả lời một câu hỏi, “Tôi không biết gì về điều đó”.
Uỷ Ban do Dân biểu James Comer (Cộng Hòa-Kentucky) làm chủ tịch, sau đó đã đưa ra tuyên bố như sau: “Hôm qua, Cục Quản Lý Hồ Sơ và Lưu Trữ Quốc Gia Hoa Kỳ đã thông báo với chúng tôi rằng họ đã chuẩn bị một thông cáo báo chí liên quan đến các tài liệu mật ở Trung tâm Penn Biden. Tuy nhiên, cục lưu trữ xác nhận rằng ai đó đã ngăn không cho tuyên bố này được công khai. Chỉ có hai nơi có thẩm quyền đó: 1. Tòa Bạch Ốc và 2. DOJ”.
Các thành viên của Uỷ Ban đã gặp nhau hôm 01/02 trong dịp mà Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez (Dân Chủ-New York) mô tả là “một cuộc lấy lời khai kín” liên quan đến Cục Quản Lý Hồ Sơ và Lưu Trữ Quốc Gia.
Bà Ocasio-Cortez nói rằng, “Tôi nghĩ rằng việc đặt câu hỏi là rất quan trọng để có được một số dữ kiện thực tế của vấn đề này. Chúng tôi muốn không ai có bất cứ sự hiểu sai nào của phe đa số Đảng Cộng Hòa về những dữ kiện thực tế của vấn đề này. Dường như phía Đảng Cộng Hòa đã viết sẵn kịch bản của họ trước khi bất cứ nhân chứng nào bước vào căn phòng đó”.
Bà Ocasio-Cortez đã so sánh sự khác biệt giữa Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump về việc phát giác ra các tài liệu mật mà họ đã giữ, nói rằng Tổng thống Biden rất chủ động trong việc cung cấp thông tin. Có nghĩa ông Biden có nhúng tay thay đổi theo ý mình.
Ông Sams đã đưa ra một thông điệp tương tự cho các phóng viên, đã lặp lại 11 lần rằng, tổng thống đã “hoàn toàn hợp tác” hoặc “đã hợp tác hoàn toàn”, trong một cuộc phỏng vấn dài 10 phút.
Các tài liệu mật được tìm thấy trong các văn phòng cũ của TT Biden tại Trung tâm Penn Biden, được phát giác vào ngày 02/11/2022, sáu ngày trước cuộc bầu cử giữa kỳ, nhưng không được tiết lộ cho công chúng cho đến ngày 09/01/2023.
Các phát giác tương tự đã xảy ra tại tư gia của TT Biden ở Wilmington, Delaware, vào các ngày 20/12/2022, 14/01, và 20/01/2023.
Lạm Phát Ở Nông Thôn Cao Hơn Thành Thị Ở Hoa Kỳ
Theo một cuộc khảo sát, lạm phát cao đang gây thiệt hại lớn cho các gia đình ở nông thôn so với người dân ở thành thị. Theo nhà nghiên cứu Dave Peters của đại học Iowa State University (ISU), thu nhập khả dụng của các cư dân nông thôn đã giảm 38% kể từ năm 2021, giảm từ gần 10,000 USD một năm xuống chỉ còn 6,000 USD.

Các nghiên cứu khác đã cho thấy rằng thu nhập khả dụng của cư dân ở các thị trấn nhỏ cũng giảm đáng kể trong năm vừa qua. Báo cáo của ISU cho biết các khu vực thành thị không có mức giảm đáng kể như vậy về thu nhập khả dụng, vốn đã giảm 17% trong cùng thời kỳ.
Ông Peters nói, “Đó là một sự sụt giảm lớn, và có lẽ mọi người đã không tiết kiệm được nhiều tiền cho tình huống đó”.
Một phân tích của Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội hồi tháng 04/2022 cho thấy khu vực nông thôn có lạm phát cao hơn khu vực thành thị trong thời kỳ đại dịch. Cuộc sống ở vùng nông thôn dễ bị tổn thương khi giá cả tăng đột biến. Ông Peters nhận thấy rằng nhiều người Mỹ ở nông thôn đang chi tiêu nhiều hơn cho việc đi lại và sưởi ấm bằng dầu nhiên liệu, do giá năng lượng đã tăng đáng kể kể từ năm 2021.
Theo Cục Thống Kê Lao Động Hoa Kỳ, tỷ lệ lạm phát trung bình hiện ở mức 6.5% tính đến tháng trước, sau khi giảm trở lại từ mức cao 9.1% vào tháng Sáu — mức cao nhất trong gần 41 năm.
Tuy nhiên, chỉ số lạm phát chính của chính phủ, Chỉ số Giá Tiêu dùng, lại không bao gồm những người sống ở vùng nông thôn Mỹ trong cuộc khảo sát.
Midwest Messenger đưa tin rằng việc không bao gồm người dân nông thôn đó có thể đang che đậy khoảng cách lạm phát thực sự giữa nông thôn và thành thị.
Nhóm ISU đã báo cáo rằng chi phí điện, phương tiện máy móc, và dịch vụ thú y đã tăng nhanh hơn tại các thị trấn ở vùng nông thôn so với ở các thành phố. Tuy nhiên, giá nhiên liệu đã lấy đi phần lớn thu nhập ở nông thôn, vì người dân vùng nông thôn thường đi lại xa hơn.
Ngoài ra, mặc dù nhà ở có xu hướng rẻ hơn ở các vùng nông thôn, nhưng chi phí sưởi ấm và làm mát dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả. Chi phí vận chuyển thực phẩm và hàng bách hóa đã trở thành một vấn đề khác mà các gia đình ở nông thôn phải chịu đựng, góp phần làm giảm mức sống.
Theo Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ, người Mỹ ở nông thôn có xu hướng lái xe nhiều gấp 4 đến 5 lần để mua hàng bách hóa so với người dân thành thị.
Theo dữ kiện của chính phủ, số lượng cửa hàng bách hóa ở khu vực nông thôn cũng đang giảm dần, với các cửa hàng giá rẻ đang có xu hướng thay thế. Tuy nhiên, những cửa hàng giảm giá này cung cấp ít thực phẩm tươi hơn so với cửa hàng bách hóa thông thường, khiến thực phẩm tươi trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn.
Việc thiếu thực phẩm lành mạnh cũng có thể dẫn đến chế độ ăn uống hạn chế và không lành mạnh hơn. Khi chi phí ăn uống tại nhà tăng nhanh hơn giá ăn ngoài, người dân nông thôn, những người có xu hướng ăn nhiều hơn ở nhà, đã bị căng thẳng về tài chính.
Trong khi đó, theo nghiên cứu kể trên, tăng trưởng tiền lương ở khu vực nông thôn đang chậm lại, trong khi người dân thành phố có thu nhập tăng 4.6%. Ngược lại, cư dân thị trấn nhỏ chỉ chứng kiến tiền lương tăng 2.6%. Ông Peters cho biết vào năm 2020, khoảng 82% tiền lương ở nông thôn được dùng để chi tiêu, hiện chi tiêu “ngốn 91% tiền lương thực nhận ở nông thôn. Không có thêm khoản đệm tài chính này khiến các gia đình ở nông thôn có nguy cơ mắc nợ cao hơn, vỡ nợ, và có thể phá sản”.
Nghị Quyết Hạ Viện Hoa Kỳ Lên Án Chủ Nghĩa Xã Hội
Hôm thứ Ba (31/01), một phiên điều trần của Uỷ Ban Quy Tắc Hạ Viện về nghị quyết H. Con. Res 9, một nghị quyết có nhan đề “Lên án Sự khủng khiếp của Chủ Nghĩa Xã Hội”, đã trở thành một cuộc thảo luận và tranh luận gay gắt về các giá trị của chủ nghĩa tư bản và tự do kinh doanh cùng những tai họa và ảnh hưởng phá hoại của một hệ thống phương thức sản xuất thuộc sở hữu công cũng như sở hữu nhà nước, và những điều khủng khiếp của các chế độ toàn trị.
Nghị quyết này, vốn do Dân biểu Maria Salazar (Cộng Hòa-Florida) và Lãnh Đạo Đa Số Hạ Viện Steve Scalise đến từ Louisiana giới thiệu. Dân biểu Salazar, sinh trưởng trong khu phố Little Havana của Miami với cha mẹ là những người chạy giặc cộng sản đến từ Cuba, đã nhất quán trong những chỉ trích và phơi bày chủ nghĩa xã hội.
Nếu Ủy Ban Quy Tắc bỏ phiếu để thông qua nghị quyết vào thứ Tư (01/02) này, thì nghị quyết đó sẽ được gửi tới toàn thể Hạ Viện để bỏ phiếu vào thứ Năm (02/02).
Trong những nhận xét mở đầu phiên điều trần của mình, Chủ tịch Uỷ Ban Tom Cole của Oklahoma cho biết: “Trong những năm gần đây, nhiều chính trị gia Mỹ đã phớt lờ lịch sử tàn khốc của chủ nghĩa xã hội và công khai đón nhận danh hiệu xã hội chủ nghĩa hoặc thúc đẩy chính sách xã hội chủ nghĩa bất chấp lịch sử lâu đời về vi phạm nhân quyền dưới tay các chế độ xã hội chủ nghĩa hoặc cộng sản để đạt được mộng tưởng của họ”.
Ông McGovern đưa ra ý kiến, “Nghị quyết trước mắt chúng ta lên án chủ nghĩa xã hội, bày tỏ thương tiếc trước sự mất mát của con người dưới tay các chế độ xã hội chủ nghĩa, và phản đối việc thực hiện các chính sách xã hội chủ nghĩa ở Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Nước Mỹ là pháo đài của tự do và là ngọn hải đăng của hy vọng cho phần còn lại của thế giới, và tôi hy vọng các đồng sự của tôi ở đảng đối lập sẽ cùng chúng tôi ủng hộ nghị quyết này”.
Sau đó, Chủ tịch Cole đã nhường lời cho người tiền nhiệm, thành viên cao cấp thuộc bên thiểu số, Dân biểu Jim McGovern, người mà ông có mối quan hệ thân tình, kể cả trong thời kỳ đối nghịch với nhau. Dân biểu McGovern đã tạo dựng tinh thần chung cho cuộc tranh luận bằng nhận xét của mình, “Tôi nói điều này với tình thương và thiện ý, nhưng mà chúng ta đang làm cái quái gì ở đây. Ý tôi là, tôi sẽ nói ngắn gọn vì tôi thực sự không muốn cuộc họp này trở nên lãng phí thời giờ hơn nữa. Đây là thứ mà bên Đa số đang lãng phí thời giờ của chúng ta hay sao? Một nghị quyết không ràng buộc mà hoàn toàn không làm được gì sao? Sau hết tháng này đến tháng khác khoe khoang về cách bên đa số sẽ giải quyết tất cả những vấn đề quan trọng đối với người dân Mỹ này, ở đây chúng ta đang tranh luận về một nghị quyết không ràng buộc về chủ nghĩa xã hội sao”?..
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã chuyển nghị quyết H. Con. Res 9 cho Ủy Ban Dịch Vụ Tài Chính, yêu cầu Dân biểu Patrick McHenry (Cộng Hòa-North Carolina), chủ tịch Uỷ Ban này, phải xuất hiện tại phiên điều trần và ra làm chứng.
Ông McHenry nói, “Tôi nghĩ chúng ta đều có thể đồng ý rằng chủ nghĩa xã hội đi ngược lại với tầm nhìn của các tổ phụ lập quốc của chúng ta. Các chính sách của chủ nghĩa xã hội đã thất bại hết lần này đến lần khác. Hệ tư tưởng của chủ nghĩa xã hội đã dẫn đến sự đau đớn và thống khổ không thể tưởng tượng được ở các quốc gia trên khắp thế giới”.
Đảng Cộng Hòa Ủng Hộ Chuyến Thăm Đài Loan Của Ông McCarthy
Đảng Cộng Hòa đang lên tiếng ủng hộ chuyến thăm có thể được thực hiện bởi Chủ tịch Hạ Viện, ông Kevin McCarthy tới Đài Loan, bất chấp những cảnh báo từ chế độ cộng sản Trung Quốc rằng ông không nên đi.

Chính quyền Trung Cộng đã phản ứng giận dữ trước những thông tin cho rằng ông McCarthy và Ngũ Giác Đài đang cùng lập kế hoạch cho một chuyến công du đến Đài Loan.
Hồi đầu tuần này (30/01-05/02), một phát ngôn viên của Trung Cộng, là đảng đang cai trị Trung Quốc như một chế độ độc đảng, cho biết rằng nhà cầm quyền Trung Cộng “phản đối bất cứ hình thức tương tác chính thức nào” giữa Đài Loan và các quốc gia có mối bang giao với Trung Quốc.
Dân biểu Michelle Steel (Cộng Hòa-California) nói rằng Quốc Hội sẽ không để Trung Cộng bắt nạt và điều quan trọng là cơ quan lập pháp liên bang cần phải tăng cường kết nối với Đài Loan.
Bà Steel nói rằng, “Hoa Kỳ sẽ không nhận lệnh từ Trung Cộng, và Trung Cộng cũng không nên ra lệnh cho các hoạt động của bất cứ quốc gia tự do và độc lập nào. Tôi sẽ tiếp tục ủng hộ các chính sách chống lại sự thù địch Trung Cộng đối với các quốc gia yêu chuộng tự do trên khắp thế giới và củng cố mối quan hệ của Hoa Kỳ với Đài Loan là một phần quan trọng của công việc đó”.
Tương tự, Dân biểu Tom Tiffany (Cộng Hòa-Wisconsin) nói rằng ông McCarthy nên giữ vững lập trường của mình và Hoa Kỳ không cần sự chấp thuận của Trung Cộng để đi công du các quốc gia. Ông Tiffany nói, “Các nhà lập pháp và viên chức Mỹ không cần sự cho phép của Trung Cộng để thăm viếng bằng hữu và đồng minh của chúng ta. Tôi rất vui vì Chủ tịch McCarthy vẫn giữ vững lập trường của mình và hy vọng ông ấy sẽ có một chuyến thăm hữu ích”.
Trung Cộng tuyên bố rằng Đài Loan là một tỉnh nổi loạn của Trung Quốc mà nhà cầm quyền này cần phải thống nhất, một yêu sách được biết đến với danh hiệu là Nguyên tắc Một Trung Quốc. Tuy nhiên, Đài Loan chưa bao giờ bị Trung Cộng kiểm soát và tự hào có một nền độc lập và nền kinh tế thị trường thịnh vượng.
Về phía Hoa Kỳ đã áp dụng “Chính sách Một Trung Quốc”, thừa nhận nhưng không tán thành Nguyên tắc Một Trung Quốc của Trung Cộng.
Ông Tiffany nói rằng chuyến đi của ông McCarthy sẽ giúp nhấn mạnh thực tế rằng Đài Loan hoàn toàn không bị Trung Cộng kiểm soát, một lập trường mà ông cảm thấy Hoa Kỳ nên thể hiện một cách cởi mở và rõ ràng hơn. Ông Tiffany nói, “Đài Loan là một quốc gia độc lập và tự do, một quốc gia chưa bao giờ là một phần lãnh thổ của Trung Cộng hoặc nằm dưới sự kiểm soát của những người cai trị không qua bầu cử của họ, dù chỉ một ngày — và chính sách của Hoa Kỳ phải phản ảnh sự thật không thể chối cãi đó”.
Cải thiện mối bang giao Hoa Kỳ-Đài Loan đã trở thành một vấn đề được thảo luận giữa hai đảng trong những tháng gần đây, sau một chuyến thăm Đài Loan năm 2022 của Chủ tịch Hạ viện lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi.
Đáp lại chuyến thăm đó, Trung Cộng đã thực hiện một loạt các hành động quân sự khiêu khích nhằm đe dọa cả Đài Loan và Hoa Kỳ, bao gồm bắn một số hỏa tiễn bay ngang qua Đài Loan, mà sau đó đã rơi xuống vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Kể từ đó, nhiều người trong Quốc Hội Hoa Kỳ đã tìm cách củng cố các mối liên kết thương mại và quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.
Chẳng hạn, hồi đầu tháng này, ông Tiffany đã đưa ra một nghị quyết sẽ chính thức chấm dứt Chính sách Một Trung Quốc của Hoa Kỳ, và một nhóm các nhà lập pháp do Thượng nghị sĩ Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansas) dẫn đầu đang tìm cách thông qua luật thu hồi quy chế tối huệ quốc cho Trung Cộng.
Tương tự như vậy, Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) nói rằng Hoa Kỳ sẽ cần tăng gấp đôi nỗ lực của mình trong việc cung cấp cho Đài Loan những vũ khí cần thiết để tự tự vệ trước sự xâm lăng của Trung Cộng.
Trong một cuộc họp báo hôm 31/01, ông McConnell nói: “Chúng ta cần làm việc với người Đài Loan để cung cấp thiết bị quân sự cho Đài Loan để ngăn chặn bất cứ hành động quân sự của Trung Cộng. Đó là những gì chúng ta cần làm cho Đài Loan, bảo đảm họ được trang bị đầy đủ vũ khí. Họ có khả năng chi trả cho những vũ khí đó”.
Ông McCarthy đã từng nói, “Đài Loan xứng đáng nhận được sự ủng hộ của chúng ta vì ở Đài Loan có một nền độc lập, tự do sôi động và thịnh vượng. Người dân của họ muốn hòa bình, tự do, và quyền tự quyết định tương lai của chính mình”.
Chủ Tịch Hạ Viện Nói Trung Cộng Không Có Quyền Bảo Tôi Đi Đâu
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đã đáp trả lại sau khi Trung Cộng cảnh báo ông không nên đến thăm Đài Loan sau khi nghe tin ông McCarthy có thể sẽ thực hiện chuyến công du đến Đài Loan trong tương lai.
Khi được hỏi về những lời cảnh báo của nhà cầm quyền Trung Cộng ông không nên đến thăm Đài Loan theo cách mà cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã làm, ông McCarthy đã đưa ra một câu trả lời dứt khoát, trong cuộc họp báo bên ngoài Tòa Bạch Ốc, “Tôi nghĩ rằng Trung Cộng không thể chỉ định nơi tôi cần đến vào bất cứ thời điểm nào”.
Trung Cộng tuyên bố rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ, và phải được thống nhất với đại lục. Tuy nhiên, Đài Loan chưa bao giờ nằm dưới sự kiểm soát của Trung Cộng và tự hào có một nền độc lập tự do và kinh tế thị trường thịnh vượng. Nhà cầm quyền Trung Cộng sẽ không từ bỏ việc sử dụng vũ lực để chiếm giữ hòn đảo này.
Các thành viên Đảng Cộng Hòa đã lên tiếng ủng hộ chuyến thăm của ông McCarthy đến Đài Loan. Chuyến thăm này vốn được đồn đoán là đang trong quá trình trù hoạch.
Dân biểu Michelle Steel (Cộng Hòa-California) cho biết, “Hoa Kỳ sẽ không nhận các mệnh lệnh từ Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như ĐCSTQ không nên định đoạt hành động của bất cứ quốc gia tự do và có chủ quyền nào”. Dân biểu Tom Tiffany (Cộng Hòa-Wisconsin) phát biểu, “Các nhà lập pháp và viên chức Mỹ không cần phải có sự cho phép của Trung Cộng thì mới được tới nói chuyện với bằng hữu và đồng minh của mình. Tôi rất vui khi thấy Chủ tịch Hạ Viện McCarthy vẫn giữ vững lập trường của mình và hy vọng ông sẽ có một chuyến thăm hữu ích”.
Việc cải thiện mối bang giao Hoa Kỳ-Đài Loan đã trở thành tâm điểm thảo luận của lưỡng đảng trong những tháng gần đây, sau chuyến thăm Đài Loan năm 2022 của Chủ tịch Hạ viện đương thời Nancy Pelosi.
Tin Thế Giới
Mexico Không Thực Sự Là Một Người Bạn Của Mỹ
Tổng thống thiên tả của Mexico Andrés Manuel López Obrador gần đây đã ca ngợi khi Tổng thống Joe Biden tới thăm đất nước này rằng: “Hãy tưởng tượng: Có 40 triệu người Mexico ở Hoa Kỳ – 40 triệu người sinh ra ở Mexico đây, (hoặc) là con em của những người sinh ra ở Mexico!”
Sao ông López Obrador lại không vui mừng cho được? Kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng 01/2021, Hoa Kỳ đã cho phép khoảng 5 triệu đến 6 triệu người nhập cảnh bất hợp pháp qua biên giới phía nam Hoa Kỳ.

Ông López Obrador còn chúc mừng ông Biden dễ bảo, người mà ông ấy dường như coi là một tri kỷ cánh tả, tâm đầu ý hợp nhưng khá tự mãn. Ông Obrador từng nói với ông Biden, “Ông là tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ trong một thời gian rất dài chưa xây một mét nào cho bức tường biên giới”. Điều đó cho thấy Mexico rất vui mừng khi Hoa Kỳ giờ đây ít quan tâm đến an ninh biên giới, sự biến mất của biên giới rõ ràng là một tin tuyệt vời đối với Mexico.
Tin tức cho thấy Mexico đã tạo điều kiện thuận lợi cho các vụ vượt biên bất hợp pháp, miễn là những người nhập cư từ các xứ khác cứ tiếp tục tiến về phía bắc để vào Hoa Kỳ.
Nhưng nếu những người này cố ở lại Mexico, phạm tội, hoặc muốn hưởng các dịch vụ xã hội của Mexico, thì ngay lập tức Mexico sẽ gửi binh sĩ đến đóng cửa biên giới, trục xuất những người vượt biên trái phép này, và thảo luận về việc xây dựng một bức tường biên giới của riêng Mexico.
Ông Biden đã dỡ bỏ biên giới phía nam nước Mỹ, vô hiệu hóa luật nhập cư của Hoa Kỳ quả là phù hợp với sự mong muốn của ông López Obrador.
Nhưng đó là một cơn ác mộng đối với những người Mỹ, những người bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ việc phá hoại an ninh biên giới của Hoa Kỳ. Họ kiệt sức vì làn sóng ma túy cướp đi mạng sống của bao người. Và họ tức giận vì hàng trăm tỷ dollar dành cho các dịch vụ xã hội thiếu thốn của chính người dân Mỹ và đem san sẻ cho những người nhập cư bất hợp pháp.
Ngay cả các thành phố theo đảng Dân Chủ từng chấp nhận luật nhập cư liên bang nhưng giờ đây đã bắt đầu phản đối sự đồng lõa của ông Biden trong việc để cho Mexico thao túng biên giới.
Thực tế đó đặt ra câu hỏi rằng nếu Mexico là kẻ thù của Hoa Kỳ, thì Mexico sẽ cư xử khác như thế nào so với hiện nay? Lấy ma túy làm ví dụ chẳng hạn. Tình trạng sử dụng ma túy quá liều ở Mỹ do fentanyl và các chất thuộc loại thuốc phiện (opioids) khác đã gây ra gần 100,000 ca tử vong mỗi năm.
Hầu như tất cả các loại thuốc phiện gây tử vong đều được sản xuất tại các nhà máy do các băng đảng ma túy ở Mexico điều hành, những người trên thực tế được hưởng quyền miễn truy tố. Ngành kỹ nghệ thuốc phiện của Mexico chỉ để xuất cảng sinh lợi sang Hoa Kỳ. Họ hoàn toàn không quan tâm đến mạng sống và sự hủy diệt do các sản phẩm của ngành kỹ nghệ này gây ra. Ngoài nạn buôn người và buôn lậu, các băng đảng ma túy gián tiếp thu về cho nền kinh tế Mexico khoảng từ 35 tỷ đến 45 tỷ USD mỗi năm.
Các tiểu bang gần biên giới với Mexico không còn xem Mexico là người bạn láng giềng tốt của Hoa Kỳ.
Đảng Cộng Hòa Yêu Cầu Sử Dụng Chính Sách Ngoại Giao Cứng Rắn
Lãnh đạo Thiểu số Thượng Viện nói rằng giải pháp để bảo vệ Đài Loan là kiên quyết chống lại Nga ở Ukraine. Các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Thượng Viện đã chỉ trích gay gắt các chính sách kinh tế của Tổng thống (TT) Joe Biden. Họ đã nói rõ rằng giải pháp để giải quyết các mối lo ngại của họ là đàm phán tăng mức trần nợ với Chủ tịch Hạ Viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California.) Tại một cuộc họp báo sau tiệc trưa chính sách hàng tuần của Đảng Cộng Hòa tại Thượng Viện, lãnh đạo thiểu số Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) cho biết ông và các thượng nghị sĩ (TNS) Đảng Cộng Hòa khác đồng thuận với những người đồng cấp tại Hạ Viện.

Ông McConnell nói, “Tổng thống và Chủ tịch phải đạt được một thỏa thuận. Tất cả chúng tôi đều đứng sau ông Kevin và chúc ông ấy mọi điều tốt đẹp”.
Các TNS Đảng Cộng Hòa này cũng đề cập đến mối bang giao của Hoa Kỳ với Trung Cộng liên quan đến Đài Loan và cuộc tranh cãi mới đây về việc ít nhất hai tổng thống và các viên chức hàng đầu khác có thể đã quản lý sai các tài liệu mật.
TNS John Thune (Cộng Hòa-South Dakota) cho biết ông hy vọng TT Biden sẽ trình bày tác động của các chính sách tài khóa của ông đối với người Mỹ trong bài diễn văn Thông điệp Liên Bang của ông, dự định diễn ra vào 9 giờ tối Thứ Ba, ngày 07/02. Ông Thune cho biết ông Biden có nhiều điều cần trả lời.
Trong khi tỷ lệ lạm phát chung là 13.5%, ông Thune và những người khác cho biết tác động lớn nhất đối với người tiêu dùng là lương thực, năng lượng, và nhà ở. Ông cho biết hóa đơn hàng bách hóa trung bình đã tăng 18.6%. Ông Thune cho biết giá trứng tăng 60%, bơ tăng 30%, và rau diếp đắt hơn 24% so với thời điểm khi ông Biden bắt đầu nhậm chức.
Ông Thune nói: “Tôi hy vọng tổng thống sẽ giải quyết vấn đề đó bằng những gì ông ấy dự định làm để giải quyết tình trạng lạm phát tràn lan nguy hại đến túi tiền của người dân thường Mỹ”.
TNS John Barrasso (Cộng Hòa-Wyoming) đã đồng ý. Ông cho biết nguyên nhân chính của lạm phát là hai năm chi tiêu đầy tắc trách của Đảng Dân Chủ. Với khoản nợ quốc gia hiện ở mức 31 ngàn tỷ USD, chỉ riêng tiền lãi đã lên tới 400 tỷ USD. Ông Barrasso cho khoản tiền này nhiều hơn toàn bộ ngân sách quân sự, bao gồm cả tiền lương hưu.
Ông chỉ ra rằng lãi suất đã tăng bảy lần trong hai năm qua làm tăng thêm gánh nặng tài chính vốn đã chồng chất cho người tiêu dùng.
Ông Barrasso nói: “Chúng ta phải dừng chuyện chi tiêu tiền mà chúng ta không có”.
TNS Shelley Moore Capito (Cộng Hòa-West Virginia) nói rằng chi phí gia tăng đã đẩy nhiều cử tri của bà đến điểm phá sản. Bà Capito gọi đó là “vắt kiệt tầng lớp trung lưu”. Bà cho biết chi phí gia tăng sẽ quét sạch mọi khoản tăng lương, và nhiều gia đình phải đưa ra những lựa chọn khó khăn. Bà Capito nói, “Đó là mẹ của những đứa trẻ; cô ấy thức cả đêm vì không biết làm sao trả tiền mua thức ăn, làm sao trả tiền sưởi ấm cho ngôi nhà”?.
Ông Barrasso cho biết, “cách duy nhất để đưa nền kinh tế đang suy sụp của chúng ta trở lại đúng hướng”, là ràng buộc bất cứ việc tăng mức trần nợ nào với việc thay đổi cách chi tiêu. Ông Barrasso cho biết trước đây việc này đã được thực hiện 8 lần và có thể được thực hiện lại nếu tổng thống sẵn sàng đàm phán với Chủ tịch Hạ viện.
Ông Barrasso cho biết 24 TNS Đảng Cộng Hòa đã ký một lá thư gửi ông Biden yêu cầu rằng bất cứ việc tăng mức trần nợ nào cũng phải đi kèm với việc cắt giảm chi tiêu tương ứng. Ông Barrasso nói, “Chúng ta đã làm điều này trước đây, từ năm 1985. Hai phần ba người dân Mỹ hoàn toàn tin rằng chúng ta nên ràng buộc việc thay đổi chi tiêu với việc tăng mức trần nợ”.
Cảnh Báo Chiến Tranh Vào Năm 2025
Trong một văn thư nội bộ bị tiết lộ hồi cuối tháng Giêng, Đại tướng Không quân Mike Minihan nói rằng ông dự đoán có thể có chiến tranh giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ sẽ nổ ra vào năm 2025.
Theo ông Gordon Chang, thành viên cao cấp tại Viện Gatestone, một tổ chức nghiên cứu chính sách quốc tế, mặc dù dự đoán đó rất thảm khốc, nhưng là điều mà các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cần phải nghe.
Ông Chang cho biết trong một thư điện tử gửi cho The Epoch Times, viết rằng, “Những bình luận của Đại tướng Minihan là lời giục giã hoàn toàn cần thiết. Nếu chúng ta không bắt đầu chú ý đến ông Minihan, thì chúng ta sẽ rơi vào một thảm họa có tầm vóc lịch sử”.
Đối với ông Chang, văn thư ông Minihan mang lại cảm giác cấp bách rất cần thiết đối với cuộc cạnh tranh đang diễn ra và xung đột tiềm tàng giữa Hoa Kỳ và Đảng Cộng sản Trung Quốc, là nhà cầm quyền độc đảng đang cai trị Trung Hó lục địa.
Trước đây, ông Chang đã cảnh báo rằng Trung Cộng đang chuẩn bị cho chiến tranh qua việc tăng cường sản xuất quân sự và đơn giản hóa phương cách huy động quân sự của Trung Cộng. Ông hy vọng rằng văn thư nội bộ của ông Minihan sẽ thúc đẩy nước Mỹ thấy rõ mối đe dọa và có hành động thích đáng.
Ông Chang nói, “Chính phủ Biden và Ngũ Giác Đài thiếu một tinh thần cấp bách. Lúc này Trung Cộng đang chuẩn bị cho chiến tranh, nhưng người Mỹ lại không cho điều đó là quan trọng”.
Trước đây, giới lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng Trung Cộng sẽ xâm lăng Đài Loan vào năm 2027, và có thể đẩy Hoa Kỳ vào một cuộc xung đột thảm khốc.
Văn thư của ông Minihan thu ngắn mốc thời gian đó dựa trên một số yếu tố, bao gồm cả việc cả Hoa Kỳ và Đài Loan sẽ kết thúc các cuộc bầu cử tổng thống vào đầu năm 2025, có thể sao lãng mối đe dọa do Trung Cộng gây ra.
Ông Minihan nói, “Tôi hy vọng là mình sai. Nhưng linh tính cho tôi biết rằng chúng ta sẽ tham chiến vào năm 2025. Sự tổ chức quân đội, động lực, và cơ hội của Tập Cận Bình cho thấy chiến tranh sẽ xảy ra năm 2025”.
Tòa Bạch Ốc đã đánh giá thấp nội dung của văn thư này và thuyết phục rằng không có lý do gì để cuộc cạnh tranh giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ biến thành cuộc chiến.
Phối trí viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia John Kirby cho biết trong một cuộc phỏng hôm 30/01 với CNN: “Chúng tôi đã giải quyết những thách thức đến từ Trung Cộng ở đây trong một thời gian khá dài. Tổng thống tin rằng chúng ta nên cạnh tranh với Trung Cộng và không nên phát triển thành xung đột. Không có lý do gì để nó xảy ra”.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 29/01 với Fox News, Dân biểu Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas), chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ viện, cho biết rằng ông tin dự đoán của vị tướng này là chính xác. Ông McCaul nói, “Tôi hy vọng ông Minihan sai. Nhưng điều không may, theo tôi nghĩ ông ấy nói đúng. Chúng ta phải sẵn sàng cho sự kiện này”.
Trung Cộng Điều Động Hàng Không Mẫu Hạm Tới Guam
Trong khi nước Mỹ tập trung các sinh hoạt ở Hạ Viện Hoa Kỳ, và một vụ gián đoạn của hệ thống hàng không nội địa Mỹ do thời tiết mùa đông, thì Trung Cộng đã gia tăng các thách thức chưa từng thấy về hải quân và không quân đối với Nhật Bản và Đài Loan.

Hôm 16/12/2022, một trong hai hàng không mẫu hạm hiện có của Trung Cộng, chiếc Liêu Ninh, đã đi xuyên qua chuỗi đảo Lưu Cầu/Nam Tây (Ryukyu/Nansei) ở phía nam đảo lớn Cửu Châu (Kyushu) của Nhật Bản. Hàng không mẫu hạm Trung Quốc thứ hai, chiếc Sơn Đông, đã ở trên biển, và sau đó xuất hiện hồi tháng Giêng ở Biển Đông dường như cũng cùng lúc với Nhóm Tác chiến Hàng Không Mẫu Hạm Nimitz của Mỹ trong bối cảnh các hàng không mẫu hạm của Mỹ và Trung Cộng tiến hành các hoạt động phô trương năng lực của mình — mà theo một số quan sát, đó là một cuộc đối đầu.
Lực lượng Đặc nhiệm Liêu Ninh đã tiến hành các hoạt động bay tăng cường để phối hợp với các phi cơ trên bộ của lực lượng không quân Trung Cộng nhằm thách thức không phận Nhật Bản. Lực lượng này cũng thao diễn các tình huống tấn công nhắm vào chuỗi đảo Lưu Cầu/Nam Tây, trong đó có đảo Okinawa, nơi một lực lượng quân sự lớn của Hoa Kỳ đóng quân. Cùng lúc đó, lực lượng không quân Trung Cộng đã tiến hành một hành động thách thức lớn nhất từ trước đến nay đối với không phận Đài Loan.
Vào dịp Lễ Giáng Sinh, hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và lực lượng đặc nhiệm của mẫu hạm này đã tiến hành các hoạt động trong khoảng cách có thể tấn công đảo Guam. Việc di chuyển về phía đảo Guam hiếm thấy rc đây, đã thiết lập một giới hạn giới mới, xa hơn cho lực lượng hàng không mẫu hạm đang phát triển của Trung Cộng.
Việc hai hàng không mẫu hạm Trung Cộng cùng hiện diện trên biển hồi tháng 12/2022 và tháng Giêng cũng là một giới hạn mới về nhịp độ hoạt động của lực lượng này.
Điều khiến Lực lượng Đặc nhiệm Liêu Ninh xoay trục đến đảo Guam có thể là do Đạo luật Ủy Quyền Quốc Phòng (NDAA) mới đã được Tổng thống Joe Biden ký hôm 23/12/2022. Một hãng thông tấn Trung Cộng đã đặt nhan đề là “NDAA 2023 biến Đài Loan thành một tiền đồn quân sự của Hoa Kỳ”.
NDAA mang đến rất nhiều sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Đài Loan, điều quan trọng hơn hết là luật mới có nhan đề “Đạo Luật Tăng Cường Khả Năng Phục Hồi của Đài Loan” (TERA), vốn thiết lập một chương trình cấp tốc kéo dài năm năm, trị giá 10 tỷ USD để cung cấp viện trợ quân sự cho Đài Loan, vượt quá các yêu cầu hiện có và trong tương lai của Đài Loan — về căn bản là một chương trình “Cho Thuê” như trong Đệ Nhị Thế Chiến dành cho Đài Loan.
Hơn thế nữa, trước khi ban hành TERA, đã có một thông báo hồi tháng 10/2022 nhằm hạn chế Trung Cộng tiếp cận ngành mạch điện chất bán dẫn, tương tự như một phiên bản hiện đại của các hạn chế đối với Nhật Bản mà Tổng thống Roosevelt đưa ra hồi tháng 06/1941.
Mỹ Sẽ Không Cung Cấp F-16 Cho Ukraine
Hôm thứ Hai (30/01), Tổng thống (TT) Joe Biden cho biết, Hoa Kỳ sẽ không cung cấp cho Ukraine chiến đấu cơ F-16 mà Ukraine đã yêu cầu để chiến đấu chống lại Nga, trong khi các lực lượng Nga tuyên bố giành được nhiều lãnh thổ ở miền đông đất nước này.
Hôm thứ Sáu (27/01), một cố vấn của Bộ Trưởng Quốc Phòng Ukraine cho biết, Ukraine dự định thúc đẩy các chiến đấu cơ thế hệ thứ tư của Tây phương như F-16 sau khi bảo đảm nguồn cung cấp chiến xa chủ lực hồi tuần trước (23-29/01). Một phát ngôn viên của lực lượng không quân Ukraine cho biết việc huấn luyện các phi công của họ trên các chiến đấu cơ như vậy sẽ mất khoảng nửa năm.
Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có cung cấp các phản lực cơ này hay không, TT Biden nói ngắn gọn với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc rằng: “Không”.
Cuộc trò chuyện ngắn này đã diễn ra sau tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, Nga đã bắt đầu tấn công Ukraine không ngừng ở phía đông để trả đũa việc Ukraine phản kháng cuộc xâm lược của họ.
Tổng thống Zelensky đã cảnh báo trong nhiều tuần rằng Moscow đang có ý định tăng cường tấn công Ukraine sau khoảng hai tháng hầu như là bế tắc dọc theo chiến tuyến trải dài qua vùng phía nam và phía đông.
Tuần trước (23-29/01), Ukraine đã giành được một trợ lực lớn khi Đức và Hoa Kỳ công bố kế hoạch cung cấp các chiến xa hạng nặng, chấm dứt nhiều tuần bế tắc ngoại giao về vấn đề này.
Hôm thứ Sáu (27/01), ông Yuriy Sak, cố vấn của Bộ Trưởng Quốc Phòng Oleksiy Reznikov, nói với thông tấn Reuters rằng: “Rào cản lớn tiếp theo lúc này sẽ là các chiến đấu cơ”.
Mặc dù không có dấu hiệu về một cuộc tấn công mới quy mô lớn hơn từ phía Nga, nhưng người quản lý các khu vực do Nga kiểm soát ở tỉnh Donetsk phía đông Ukraine, ông Denis Pushilin, cho biết quân đội Nga đã giành được chỗ đứng ở Vuhledar, một thị trấn khai thác than có các mỏ từng là pháo đài của Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc chiến.
Ông Pushilin cho biết các lực lượng Ukraine đã không ngừng gửi quân tiếp viện tới ba thị trấn Bakhmut, Maryinka, và Vuhledar trải dài từ phía bắc xuống nam ngay hướng tây thành phố Donetsk. Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đã dẫn lời ông nói rằng các lực lượng Nga đang đạt được bước tiến ở đó, nhưng “không rõ ràng, bởi vì theo đúng nghĩa đen, từng mét đất ở đây đều có một cuộc giao tranh”. Cố vấn của ông Pushilin, ông Yan Gagin, cho biết các chiến binh từ lực lượng lính đánh thuê Wagner của Nga đã kiểm soát một phần con đường tiếp tế dẫn đến Bakhmut, một thành phố đã trở thành mục tiêu chính của Moscow trong nhiều tháng qua.
Một ngày trước đó, người đứng đầu Wagner cho biết các chiến binh của ông đã chiếm được Blahodatne, một ngôi làng ở phía bắc Bakhmut. Kyiv cho biết họ đã đẩy lùi các cuộc tấn công vào Blahodatne và Vuhledar, và thông tấn Reuters không thể kiểm chứng tình hình ở các nơi đó. Tuy nhiên tại các địa điểm có giao tranh xảy ra, Nga đang có những thành công nhưng rất chậm.
Tuy Nga đang gánh chịu thương vong nặng nề, nhưng TT Zelensky tuyên bố các cuộc tấn công của Nga ở phía đông vẫn không ngừng nghỉ, đồng thời gọi đó là sự trả thù cho thành quả của Ukraine trong việc buộc quân đội Nga phải rút lui khỏi thủ đô, khu vực đông bắc và phía nam trước đó trong cuộc chiến này.
Tin Việt Nam
Đàn Áp Tôn Giáo Ở Việt Nam Được Trình Bày Tại Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế 2023
Vụ án Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, các tín đồ Công giáo bị bắt vì phản đối Formosa hay Chính quyền “Quốc Doanh Hoá” các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam là những vấn đề được giới hoạt động Việt Nam nêu ra tại Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế 2023 (IRF Summit 2023).

Tự Do Tôn Giáo Việt Nam
tại Hội nghị IRF
Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam bị đàn áp ra sao?
“Chính quyền Việt Nam không tôn trọng sự thật và công lý. Rất nhiều các tín đồ Công Giáo của chúng tôi đã bị bỏ tù. Phần lớn trong số họ sống ở phía bắc, trong vụ Formosa năm 2016. Rất nhiều tín đồ Công giáo sinh sống ở đó tìm kiếm công lý nhưng bị bắt và kết án nhiều năm trời, như Lê Đình Lượng, Nguyễn Năng Tĩnh hay Nguyễn Văn Hoá… cùng với khoảng hơn 60 tù nhân lương tâm khác đang bị giam giữ ở đất nước chúng tôi…”
Đó là lời phát biểu của Linh mục Phê-rô Nguyễn Văn Khải, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, tại một phiên họp nằm trong khuôn khổ của IRF Summit 2023, được tổ chức vào hai ngày 31/1 và 1/2/2023 tại Washington DC, thủ đô Hoa Kỳ, với sự tham dự của hàng chục chức sắc, các nhà hoạt động và tổ chức quốc tế đấu tranh cho Tự Do Tôn Giáo.
Vị Linh mục hiện đang học tập và làm việc tại Roma nói thêm với RFA bên lề hội nghị:
“Tôi muốn nói cho thế giới biết rằng nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đang vi phạm tự do tôn giáo. Trước đây, nhà cầm quyền CSVN tìm cách tiêu diệt các tôn giáo, thế nhưng họ đã thất bại. Vậy thì bây giờ, họ dùng các chính sách khác. Họ dựng nên các giáo hội quốc doanh, đặt người của họ vào trong ban lãnh đạo của các giáo hội.
Những giáo hội nào mà họ không thành công trong việc quốc doanh hóa thì họ sẽ đàn áp, khủng bố các chức sắc tôn giáo và họ sẽ tìm cách giải tán các giáo hội đó”.
Linh mục Khải cũng cho biết Chính quyền đang can thiệp một cách quyết liệt và thô bạo vào nội bộ Giáo hội. Họ mua chuộc, đe dọa, gài bẫy các chức sắc tôn giáo để qua đó kiểm soát, khống chế các tín đồ Công giáo.
Ông nói tiếp: “Có sự can thiệp rất quyết liệt, mạnh mẽ và trơ trẽn của nhà cầm quyền. Nhà cầm quyền đã gửi hẳn các văn bản đến các bề trên và yêu cầu buộc các linh mục phải im tiếng. Tôi còn được đọc một văn bản gửi đến cho một vị giám mục để yêu cầu một linh mục phải im tiếng và chuyển linh mục đó đi nơi khác. Hơn nữa là buộc linh mục đó phải thôi hết các chức vụ, nhưng mà vị giám mục đó đã không làm theo lời của chính quyền thì tôi thấy rằng vị giám mục đó khôn ngoan”.
Cũng tại hội nghị, Bà Tanya, một người đấu tranh cho Tự Do Tôn Giáo, mang câu chuyện “chưa có hồi kết” liên quan đến các thành viên của cơ sở tu tại gia đang bị chính quyền cộng sản Việt Nam cầm tù – Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ hay còn có tên Tịnh Thất Bồng Lai.
Bà Tanya nói, vụ việc xảy ra ở Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không chỉ vi phạm quyền Tự Do Tôn Giáo, mà còn vi phạm cả quyền trẻ em, quyền của người lớn tuổi:
“Tại sao tôi phải đem cái chuyện này ra thế giới? Vì họ đại diện cho những người lớn tuổi, đại diện cho những trẻ em, những phụ nữ. Họ rất nổi tiếng. Bất cứ một đạo nào tu tại gia thì nhà cầm quyền, công an không kiểm soát được, mà sau lưng Thiền am thì lại được cả triệu người yêu thích. Các quốc gia Cộng sản như Việt Nam không cho phép chuyện này được xảy ra”.
Có 70 tổ chức tham dự hội nghị năm nay, trong đó có nhiều nhân vật nổi tiếng và giới chức lãnh đạo quốc tế như Chủ tịch Quốc Hội Đài loan, Thủ tướng Cộng Hoà Slovakia, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Tự Do Tôn Giáo hay Niềm tin, Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID), Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại của Hạ Viện Hoa Kỳ, lãnh đạo khối thiểu số trong Uỷ ban Đối ngoại Hạ Viện Hoa Kỳ, Đại sứ Lưu động về Tự Do Tôn Giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, và nhiều lãnh đạo của các giáo hội khắp thế giới.
Đoàn Việt Nam có gần 30 nhà hoạt động tôn giáo Việt Nam và hải ngoại tham gia hội nghị. Mục tiêu của họ là tiếp tục nêu lên những vấn đề vi phạm tự do tôn giáo của nhà cầm quyền Việt Nam và trên hết là nỗ lực cho thế giới biết ở Việt Nam có tự do tôn giáo thực sự hay không (theo bản tin của RFA).
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng Viết Sách Chống Tham Nhũng
Tin từ Đài VOA cho biết, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sắp cho ra mắt một cuốn sách đồ sộ về chống tham nhũng nhân kỷ niệm tròn 10 năm ông thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Cuốn sách dày đến 600 trang có tựa đề ‘Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh’ do do Ban Nội chính Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật phối hợp xuất bản.
Ông Trọng thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng vào ngày 1/2 năm 2013, không lâu sau khi ông lên làm Tổng bí thư. Thời gian đầu, cơ quan này nằm dưới sự lãnh đạo của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước khi chuyển sang cho ông Trọng làm trưởng ban cho đến nay.
Theo lời giới thiệu của hãng tin của Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thì, cuốn sách này ‘hệ thống hóa sự chỉ đạo’ của ông Trọng về chống tham nhũng và ‘thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán của Đảng trong công tác chống tham nhũng’.
Cuốn sách được chia ra làm ba phần. Phần một đăng lại các bài viết, bài phát biểu của ông Trọng tại các hội nghị của Đảng về chống tham nhũng cũng như tại các phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Phần thứ hai là tập hợp tuyển lựa các bài viết của ông Trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên’. Ông Trọng được cho là có chuyên môn về Xây dựng Đảng với bằng Tiến sỹ lấy được ở Liên Xô trước đây.
Riêng phần thứ ba là gần 100 ý kiến đánh giá về công cuộc chống tham nhũng của ông Trọng từ các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc Hội, các quan chức và các nhân vật quốc tế.
Theo tìm hiểu của VOA, các dạng sách chính trị, tuyên truyền của Đảng như quyển này của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thường không có người dân nào mua về đọc mà chỉ được phân phối miễn phí cho các cơ sở Đảng trên toàn quốc. Họ đem sách về để đấy hoặc ép buộc các đảng viên phải đọc.
Thông tấn xã CSVN cho biết, bên cạnh bản in trên giấy, nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật cũng tung ra bản điện tử của cuốn sách để độc giả có thể vào đọc miễn phí trên trang stbook.vn.
Hải Cảnh Trung Cộng Gia Tăng Tuần Tra Ở Các Vùng Biển Tranh Chấp
Bộ phận Sáng kiến minh bạch hàng hải Á Châu (AMTI) của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) tại Washington ngày 30 Tháng Giêng công bố bản phúc trình nói rằng càng ngày Trung Cộng càng đưa thêm lực lượng hải cảnh tuần tra gần như thường trực ở các khu vực tranh chấp trong năm 2022.

Bên cạnh các tàu Hải cảnh cỡ lớn của họ còn có một lực lượng đông đảo tàu dân quân biển, tuy là tàu đánh cá vỏ sắt nhưng không đánh cá mà làm nhiệm vụ tai mắt cho Hải cảnh và tàu quân sự Trung Cộng. Theo AMTI, điều đó chứng tỏ quyết tâm của họ kiểm soát vùng biển rộng lớn trong phạm vi “Lưỡi bò” mà họ tuyên bố chủ quyền dù không được nước nào công nhận.
Tổ chức AMTI phân tích dữ kiện định vị tự động quốc tế (AIS) của tàu biển các nước suốt cả năm 2022 thấy rằng 5 vùng biển trên Biển Đông thuộc đặc quyền kinh tế của các nước khác, theo Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS), nhưng Bắc Kinh vẫn ngang ngược tuyên bố chủ quyền, có tàu Hải cảnh tuần tiễu thường trực.
Năm khu vực đó là Second Thomas Shoal (Việt Nam gọi là bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa, cách Palawan của Philippins gần 200km); Luconia Shoals (nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia); Scarborough Shoal (bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa cách khu vực Luzon của Philippins lối 220km ); Vanguard Bank (bãi Tư Chính, cách Vũng Tàu khoảng 160km), and Thitu Island (đảo Thị Tứ ở Trường Sa đang do Philippins trấn giữ).
Theo AMTI, so sánh dữ kiện năm 2022 với dữ kiện ghi nhận năm 2021, sự hiện diện của lực lượng Trung cộng ở các khu vực kể trên đã gia tăng gấp bội.
Tại khu vực bãi Tư Chính, Việt Nam có một số nhà dàn DK và một hải đăng duy trì sự hiện diện thường trực. Đồng thời cũng có các hoạt động khai thác dầu khí tại các mỏ Lan Tây (Lô 06.1) và mỏ Hải Thạch (Lô 05.2). Năm 2018, Hà Nội đã phải bồi thường khoảng 1 tỉ đô la cho công ty dò tìm dầu khí Rapsol khi buộc họ dừng hoạt động tại lô 07.03 (dự án Cá Rồng Đỏ) trước sự đe dọa của Bắc Kinh.
AMTI nói rằng số ngày mà Hải cảnh Trung Cộng tuần tiễu ở bãi Tư Chính từ 142 ngày hồi năm 2020 lên đến 310 ngày trong năm 2022. Hải cảnh Trung Cộng tuần tiễu khu vực bãi Cỏ Mây gia tăng từ 232 ngày năm 2020 lên tới 279 ngày năm 2022. Tại đây, Philippins có một đơn vị trấn giữ trên chiếc tàu vận tải biển BRP Sierra Madre. Hải cảnh Trung Cộng đã nhiều lần cản trở tàu tiếp liệu của Philippins.
Hải cảnh Trung Cộng gia tăng tuần tiễu tại khu vực Luconia Shoals, nơi có các hoạt động dầu khí quan trọng của Malaysia, từ 279 hồi năm 2020 lên tới 316 ngày trong năm 2022. Còn tại khu vực Scarborough Shoal, nơi ngư dân Philippins đánh cá thường xuyên thì sự hiện diện cả Hải cảnh Trung Cộng cũng tăng từ 287 ngày lên tới 344 ngày trong năm 2022. Nơi đây, không phải chỉ có một tàu Hải cảnh mà nhiều tàu cùng tới đây một lúc.
Thật sự, các dữ kiện của tổ chức AIS có thể không đầy đủ vì nhiều khi tàu Trung Cộng tắt máy định vị để che giấu tung tích. Sự có mặt của các tàu Hải cảnh và tàu dân quân biển Trung Cộng ở các vùng biển tranh chấp với các nước khu vực còn nhiều hơn nhiều khi các tín hiệu hiện diện không được vệ tinh của AIS ghi nhận.
Nhiều khi tàu Hải Cảnh Trung Cộng còn đánh lừa cả AIS khi phát tính hiệu của tàu đánh cá trong khi thật sự đó là tàu Hải cảnh Lớp Zhaojun dài 101 mét, AMTI cho hay. Tin tức mấy năm vừa qua trên một số trang mạng tại Việt Nam nói rằng nhiều khi tàu Hải cảnh Trung Cộng tiến rất gần đến các giàn khai thác dầu khí của Việt Nam như để đe dọa.
Theo AMTI, khi các nước khu vực hiện diện và hoạt động của họ ở khu vực Trường Sa trong năm 2023 và sự hiện diện của lực lượng Hải cảnh cùng dân quân biển Trung Cộng ngày một nhiều hơn, các cuộc đối đầu khó tránh xảy ra.
Cả Trăm Cây Xăng Ở Việt Nam Đóng Cửa Vì Hết Xăng
Tin của báo Tiền Phong ngày Thứ Hai 30 Tháng Giêng, ở khu vực các tỉnh phía nam, có khoảng 80 cây xăng treo bảng “hết xăng, dầu hoặc thiếu xăng, thiếu dầu trong vài tiếng đồng hồ và một số ít cửa hàng bán lẻ đóng cửa nghỉ bán Tết do nhân viên về quê”.

Tính chung cả nước, báo trên nói khoảng “gần 100 cây xăng bán lẻ trên toàn quốc đóng cửa”. Tuy con số vừa kể rất nhỏ so với hơn 8,600 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước, chúng lại tập trong ở các khu vực đông dân cư nên người ta đã phải chạy lòng vòng từ khu phố này sang khu phố khác tìm chỗ đổ xăng.
Báo Tiền Phong thuật lời một người thuộc “doanh nghiệp đầu mối” kinh doanh xăng dầu cho hay, tuy xăng dầu không thiếu nhưng các cửa hàng bán lẻ “không được điều chỉnh” giá bán ra (cao hơn) làm họ bị lỗ. Kinh doanh thì phải có lời nhưng bị buộc phải bán lỗ vốn nên chủ cây xăng bán lẻ đã tìm cách, từ hạn chế đến đóng cửa.
Từ mấy ngày qua, người ta đã thấy một số báo tại Việt Nam cho hay nhiều cây xăng đóng cửa nghỉ bán vì họ bị nhà cung cấp bán sỉ cung cấp xăng dầu với “chiết khấu bằng 0” làm họ lỗ nặng, có thể tới 1,300 một lít, theo tin báo Lao Động ngày 29 Tháng Giêng. “Chiết khấu” là cách nói tại Việt Nam mà “công ty đầu mối”, nhà đại lý nhập cảng hay phân phối xăng dầu sản xuất trong nước, cho chủ các cây xăng bán lẻ được hưởng lãi bao nhiêu vì giá bán lẻ trên thị trường do nhà nước ấn định.
Hiện nay, hệ thống kinh doanh và phân phối xăng dầu từ nhập cảng đến sản xuất và bán lẻ trên thị trường tại Việt Nam gồm 5 tầng nấc là “Thương nhân đầu mối kinh doanh và thương nhân đầu mới sản xuất” với hơn 30 công ty lớn nhỏ, trong đó các hãng quốc doanh làm trùm quá phân nửa thị trường. Kế đến là “Thương nhân phân phối”, tầng thứ ba là “Tổng đại lý”. Tầng thứ tư là “đại lý”. Nằm dưới cùng là “cửa hàng bán lẻ”. Các “cửa hàng bán lẻ” lại không dược mua từ 2 nhà đại lý khác nhau.
Dân chúng kêu than rất nhiều khi xảy ra cuộc khủng hoảng xăng dầu năm ngoái, Bộ Công Thương CSVN tổ chức một cuộc họp nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng khác trong tương lai. Nay đang có dấu hiệu tái diễn.
Mỹ Thúc CSVN Trả Quyền Tự Do Nghiệp Đoàn Cho Công Nhân
Bản tin của báo Nhật Nikkei cho hay, hôm Thứ Hai 30 Tháng Giêng. Chính phủ Mỹ và CSVN đã đạt thỏa thuận về điều kiện chế độ Hà Nội chấp nhận cho giới công nhân được quyền tự do thành lập các nghiệp đoàn độc lập. Nhờ vậy CSVN được gia nhập Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hiệp định được thương thuyết và thỏa thuận dưới thời tổng thống của đảng Dân Chủ Barack Obama sau nhiều năm đàm phán. Tuy nhiên khi ông Donald Trump của đảng Cộng Hòa lên nắm quyền, ông đã ký lệnh rút ra khỏi hiệp định này ngay ngày đầu tiên ông chính thức ngồi vào Tòa Bạch Ốc đầu năm 2017.
Sau đó, dù Mỹ rút ra, các nước còn lại vẫn tiến hành và đổi TTP thành Hiệp định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình dương (CPTPP) có hiệu lực từ 14 Tháng Giêng 2019. Hiệp định này và Hiệp định Tự Do Thương Mại mà Hà Nội ký với Liên Âu (EVFTA) vào Tháng Sáu cùng năm cũng có điều khoản đòi hỏi CSVN để giới công nhân được quyền tự do nghiệp đoàn, theo một lộ trình.
Tại cuộc họp báo vào Tháng Mười 2019, Ủy ban Âu Châu (EC) ra thông cáo nói họ và CSVN đồng ý bảo đảm việc thực thi đầy đủ quyền của người lao động theo nguyên tắc của Tổ chức Lao Động Quốc Tế (ILO). Thỏa thuận cũng bao gồm việc hợp tác về nhân quyền cho phép EU có các biện pháp cần thiết, thậm chí ngưng hiệp định khi Hà Nội vi phạm nhân quyền.
Cho tới nay, tổ chức công đoàn tại nhiều xí nghiệp ở Việt Nam đều là các tổ chức lao động trực thuộc Tổng liên đoàn Lao Động Việt Nam, một tổ chức ngoại vi do đảng CSVN thành lập và điều hành theo các nhu cầu chính trị của nhà cầm quyền. Bởi vậy, hệ thống tổ chức này không bảo vệ quyền lợi của giới công nhân nên hàng ngàn các vụ đình công đòi tăng lương và đòi hỏi cải thiện điều kiện làm việc đều do công nhân tự phát tiến hành.
Cũng trong năm 2019, trước áp lực quốc tế và phải thi hành cam kết để được gia nhập EVFTA và CPTPP, nhà cầm quyền CSVN đã phải sửa lại Luật Lao Động cho phép công nhân các xí nghiệp được thành lập nghiệp đoàn độc lập. Tuy nhiên, đạo luật này lại ràng buộc điều kiện “xin cho” hành chính nên đến nay, không hề thấy có tổ chức lao động độc lập nào xuất hiện.
Một số nhà bình luận cho rằng nhóm chữ “độc lập” luôn luôn bị đồng hóa với “đối lập” và “phản động” bị “các thế lực thù địch” giật dây từ bên ngoài nhằm lật đổ nhà nước nên luôn luôn bị đảng CSVN tìm mọi cách ngăn chặn, bóp chết từ khi còn trong trứng nước.
Khi điều trần ở Uỷ Ban Châu Âu ngày 10 Tháng Mười năm 2018 tại Bruxels, Bỉ, một số nhà tranh đấu nhân quyền cho Việt Nam đã khuyến cáo rằng chế độ Hà Nội sẽ tìm đủ mọi cách cản trở giới công nhân thành lập công đoàn độc lập dù luật lệ cho phép vì nó đi ngược lại quyền lợi của của đảng.
Một số người còn cho rằng CSVN sẽ cho thành lập những tổ chức nghệp đoàn độc lập giả hiệu do các đảng viên CSVN hoặc những người do đảng cài cắm để giật dây. Ngày nay, tin tức trên báo Nikkei xuất bản ở Nhật, nói rằng chính phủ Mỹ thúc giục Hà Nội phải để cho giới công nhân tự do lập nghiệp đoàn, thì sẽ không biết có bao nhiêu tác dụng.
6 Người Việt Nam Nhập Lậu Đường Bộ Vào Mỹ Qua Ngả Canada
HOULTON, Maine, USA (NV) .- Báo The Canadian Press cho hay, một nhóm di dân lậu trong số đó có 6 người từ Việt Nam bị chặn giữ ở biên giới Mỹ với Canada.
Nguồn tin cho biết, vào ngày Thứ Bảy 28 Tháng Giêng, lực lượng Biên Phòng Mỹ mới đây đã chận giữ 13 người ngoại quốc gồm 7 người Mexico và 6 người Việt Nam. Tất cả đều nhập cảnh bất hợp pháp từ hai địa điểm ở phía tây tỉnh New Brunswich, Canada, giáp giới tiểu bang Maine của Mỹ.
Ngày Thứ Năm tuần trước, Cục Quan Thuế và Bảo Vệ Biên Giới Mỹ ra một bản thông cáo nói hiện nay vấn đề chuyển vận di dân lậu tại khu vực tiểu bang Maine với tỉnh New Brunswich chưa phải là vấn đề lớn như những khu vực biên giới khác của nước Mỹ. Tuy nhiên, “hoạt động tội phạm xuyên quốc gia” mới xảy ra đây là nguyên do cần phải quan tâm.
Vào thời gian này trong năm, nhiệt độ rất lạnh ở khu vực có thể dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng. Cơ quan vừa kể cho biết họ đã bắt giữ 3 nghi can người Mexico ngày 19 Tháng Giêng sau khi viên chức biên phòng được báo động là có thể có một số người nhập cảnh bất hợp pháp. Sau đó, họ thấy một số dấu chân gần thành phố Caswell, tiểu bang Maine. Nơi đây nằm ở phía tây của thị trấn Grand Falls thuộc tỉnh New Brunswich. Một trong những người nghi nhập lậu có dấu hiệu bị tê cóng nên đã được đưa tới bệnh viện địa phương điều trị.
Vào ngày 20 Tháng Giêng, viên chức Biên Phòng đóng tại thành phố Calais, tiểu bang Maine, ra lệnh cho một chiếc xe dừng lại ở khu vực hồ Lambert Lake, nằm ở phía tây của đường xuyên biên giới với thành phố St Croix tây nam tỉnh New Brunswich. Có 6 người Việt Nam bị cáo buộc nhập cảnh bất hợp pháp vào Hoa Kỳ. Tài xế chiếc xe là công dân Mỹ đã bị bắt giữ vì tình nghi vận chuyển di dân lậu.
Cả hai trường hợp kể trên, tất cả những người nước ngoài đều bị phạt mỗi người 5,000 đô la và làm thủ tục trục xuất khỏi nước Mỹ.
Chuyện xảy ra tại tiểu bang Maine là chuyện hiếm hoi, khác với chuyện nhiều người Việt Nam tìm cách nhập lậu vào các nước Âu Châu để kiếm sống, đặc biệt là nước Anh. Họ trả một số tiền, có khi lên hàng chục ngàn đô la, cho một nhóm người tổ chức các chuyến đi từ Việt Nam sang Nga, vượt biên đường bộ rất gian nan sang Đông Âu rồi được chở trên các xe tải bít bùng tới Tây Âu.
Nhiều người Việt Nam khác chọn con đường kết hôn giả để tới Mỹ sinh sống nhưng rất tốn kém. Hồi năm 2019, có 50 người gồm cả người Việt và người Mỹ đã bị chính phủ Mỹ bắt giam trong cuộc điều tra đường dây kết hôn giả ở Houston, Texas. Phụ nữ có tên là Ashley Yen Nguyen, còn được biết với tên Duyên, 53 tuổi, bị cáo buộc là người cầm đầu đường dây kết hôn giả để đưa người từ Việt Nam sang Mỹ sinh sống.
Bà Duyên bị cáo buộc lấy lệ phí từ 50,000 đến 70,000 đô la cho một vụ người Việt Nam kết hôn giả với một người Mỹ và trở thành thường trú nhân, tức sống hợp pháp tại nước Mỹ. Hồ sơ tòa án nói các cuộc hôn nhân này bị xác định là giả vì vợ và chồng không sống cùng nhau cũng như không có ý định sống cùng nhau, trái với giấy tờ và các tuyên bố họ cung cấp cho cơ quan di trú Mỹ USCIS.
Các cặp vợi chồng giả này chỉ gặp nhau một thời gian rất ngắn, thường ngay trước khi họ có giấy chứng nhân kết hôn, hoặc thậm chí không gặp nhau lần nào.(TN)