Khinh Khí Cầu Do Thám Của Trung Cộng Bị Bắn Hạ
Hai hôm trước, dân chúng Hoa Kỳ xôn xao sau khi phát giác một khinh khí cầu xuất hiện trên bầu trời tiểu bang Montana. Ngay sau đó, tin tức cho biết đó là khinh khí cầu do thám của Trung Cộng. Bộ Ngoại Giao Trung Cộng lên tiếng xác nhận đó chỉ là khinh khí cầu thăm dò thời tiết của Trung Cộng, bị gió làm lệch hướng trôi về miền Bắc Hoa Kỳ.

Dân chúng Hoa Kỳ loan truyền nhanh chóng trên các mạng xã hội tin tức về khinh khí cầu mang theo các trang thiết bị dọ thám nhằm thu thập dữ kiện về các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ đặt ở tiểu bang Montana. Người ta thắc mắc tại sao quân đội Hoa Kỳ không bắn hạ khinh khí cầu ngay lập tức mà lại để cho nó bay lơ lửng trên không phận của Hoa Kỳ.
Quân đội Hoa Kỳ cho biết không nên bắn hạ ngay vì sợ những mảnh vỡ rơi xuống mặt đất có thể gây tai nạn. Tin cũng cho biết nhà chức trách Canada đồng ý với phản ứng của Hoa Kỳ.
Qua ngày hôm sau, hai chiến đấu cơ thuộc Bộ Tư lệnh Bắc Mỹ đã bắn hạ khinh khí cầu Trung Cộng khi nó vừa ra đến bờ biển North Myrtle Beach, cạnh Đại Tây Dương, thuộc lãnh thổ của tiểu bang South Carolina. Cơ Quan Quản Trị Hàng Không Liên Bang ra lệnh tạm hoãn các chuyến bay ngang qua vùng không gian có khinh khí cầu cho đến khi nó bị bắn hạ.
Các tàu Hải Quân và Tuần Duyên Hoa Kỳ đang trục vớt các mảnh vỡ của khinh khí cầu Trung Cộng đem về cho phòng thí nghiệm. Chính quyền địa phương cũng kêu gọi dân chúng ven bờ biển nếu có bắt gặp mảnh vỡ nào của khinh khí cầu thì nên nhanh chóng thông báo cho văn phòng cảnh sát địa phương.
Sự kiện này khiến cho Ngoại trưởng Antony Blinken phải hoãn chuyến công du dự định tới Bắc Kinh hôm thứ Sáu (03/02). Theo yêu cầu của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California), chính phủ Biden sẽ tổ chức một cuộc họp cơ mật với bốn nhà lãnh đạo Quốc Hội cùng các Uỷ Ban Tình báo Hạ Viện và Thượng Viện bàn về sự kiện khinh khí cầu này.
Chủ Tịch Fed Powell Cho Biết Không Cắt Giảm Lãi Suất
Chủ tịch Quỹ Dự Trữ Liên Bang Jerome Powell đã có một thông điệp rõ ràng hôm thứ Tư (01/02): dù “hài lòng” vì lạm phát đã bắt đầu chậm lại, nhưng ngân hàng trung ương còn xa mới đảo ngược chính sách hay tuyên bố chiến thắng.

“Sẽ mất một thời gian” để tình trạng giảm phát lan rộng khắp nền kinh tế, ông Powell cho biết trong một cuộc họp báo sau đợt tăng lãi suất 0.25 điểm phần trăm mới đây nhất của Fed. Ông nói rằng ông dự định có một vài đợt tăng lãi suất nữa sẽ diễn ra, và “dựa trên triển vọng, tôi không nghĩ sẽ có cắt giảm lãi suất trong năm nay”.
Các nhà đầu tư đã phớt lờ ông Powell, tiếp tục đặt cược vào một đợt tăng lãi suất nữa và tiếp tục đặt cược rằng lãi suất sẽ thấp hơn vào cuối năm nay so với hiện tại.
Các thị trường đã nhiều lần phải loại bỏ các đặt cược để xoay trục nhanh chóng, đẩy những kỳ vọng cắt giảm lãi suất về xa hơn khi ngân hàng trung ương tiến hành chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất trong vòng 40 năm.
Mỗi tam cá nguyệt trong năm ngoái, các nhà hoạch định chính sách của Fed đều tiếp tục tăng cường ước tính về việc họ sẽ đẩy lãi suất lên cao như thế nào khi lạm phát tỏ ra mạnh hơn và dai dẳng hơn so với dự đoán. Chưa một lần nào Fed báo hiệu sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Cách giải quyết tình trạng mất liên hệ về dự báo giữa Fed và thị trường đang hiện hữu này chủ yếu phụ thuộc vào việc liệu lạm phát có giảm nhanh hơn sự dự đoán của ngân hàng trung ương, hay thị trường lao động có yếu đi không.
Ông Tim Duy, kinh tế gia tại SGH Macro Advisors, cho biết: “Kết quả thực tế phụ thuộc vào dữ kiện, và chúng ta sẽ không có dữ kiện để xác nhận hay phủ nhận… cho đến khi chúng ta tiến sâu hơn vào nửa đầu năm nay”.
Và chừng nào vẫn còn sự không chắc chắn đó, thì mối quan tâm của ông Powell là cố gắng giữ cho thị trường tài chính không đặt cược quá nhiều vào việc cắt giảm lãi suất vốn sẽ nới lỏng các điều kiện tài chính, có thể làm suy yếu tiến triển chống lạm phát mà Fed đã vất vả đạt được.
Ông Powell đã khẳng định việc không cắt giảm lãi suất, và thực sự cần phải đưa lãi suất lên ít nhất trên 5% như các nhà hoạch định chính sách dự báo hồi tháng Mười Hai. Ông Powell nói, “Theo đánh giá của chúng tôi, chúng tôi vẫn chưa có lập trường chính sách tiền tệ đủ thắt chặt. Đó là lý do tại sao chúng tôi kỳ vọng các đợt tăng lãi suất tiếp theo sẽ là phù hợp”.
Nhưng cho đến nay, bà Megan Greene, kinh tế gia của Viện Kroll cho biết, “thị trường không tin những gì Fed đang tuyên bố”.
Dữ kiện lạm phát đang có xu hướng đi đúng hướng trong ba tháng qua. Theo thước đo ưa thích của Fed, lạm phát hiện đang ở mức 5.0% hàng năm, vẫn cao hơn gấp đôi mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương, nhưng giảm từ mức cao 7% vào mùa hè năm ngoái.
Hoa Kỳ Nên Đối Xử Vừa Phải Đối Với Cuộc Chiến Nga-Ukraine
Trong khi phe bảo tồn truyền thống kiểu mới ủng hộ một cách tiếp cận “khai triển mọi thứ” để giải quyết xung đột Nga-Ukraine, và phe đối lập muốn Hoa Kỳ không tham gia vào cuộc chiến này, thì ông Sebastian Gorka, cựu chiến lược gia của cựu Tổng thống Trump, lại ủng hộ một giải pháp vừa phải.

Ông Gorka cho biết trong một cuộc phỏng vấn mới đây trong chương trình “American Thought Leaders” của EpochTV rằng những người theo chủ nghĩa bảo tồn truyền thống kiểu mới, chính là những người thường ủng hộ việc thúc đẩy dân chủ trong chính sách ngoại giao bằng mọi cách có thể, trong đó có cả lực lượng quân sự, đã kêu gọi chính phủ Mỹ gửi xe tăng cho Ukraine và “khai triển mọi thứ trong khả năng”. Theo ông, họ khẳng định rằng cuộc xung đột này là “phép thử cuối cùng của nền văn minh Tây phương”.
Ông Gorka xem Thượng nghị sĩ Graham (Cộng Hòa-South Carolina) là một người theo phái bảo tồn truyền thống kiểu mới vì ông ủng hộ mạnh mẽ việc gửi viện trợ quân sự cho Ukraine.
Ông Graham đã thúc giục Chính phủ Biden cung cấp vũ khí tân tiến cho Ukraine kể từ khi cuộc chiến này bùng nổ. Trong một bài xã luận hồi tháng 04/2022, ông Graham đã kêu gọi Hoa Kỳ và thế giới Tây Phương cung cấp cho Ukraine “các năng lực và viện trợ sát thương bổ sung như phi cơ không người lái Switchblade lớn hơn, chiến đấu cơ, hệ thống phòng thủ hỏa tiễn tinh vi hơn, và xe tăng”.
Ông Graham cũng đã bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với những vũ khí cùng viện trợ kinh tế và nhân đạo trị giá 40 tỷ USD cho Ukraine được Quốc hội thông qua hồi tháng 05/2022.
Trong chuyến thăm Ukraine hồi tháng Giêng cùng với hai thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ, ông Graham cho biết tại cuộc họp báo ở Kyiv rằng, “Ông Putin đang cố gắng vẽ lại bản đồ Âu Châu bằng vũ lực. Trật tự thế giới đang bị đe dọa”.
Sau chuyến thăm kể trên, trong một tuyên bố, ông Graham đã ca ngợi việc Hoa Kỳ và Đức quyết định gửi xe tăng tân tiến tới Ukraine. Ông Graham tuyên bố, “Chúng ta không thể để những lời quát tháo và đe dọa của ông Putin quyết định tiến trình tự do trong thế kỷ 21. Việc Nga bị đánh bại ở Ukraine là vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ bởi vì tham vọng của Nga là vẽ lại bản đồ Âu Châu, hơn nữa Trung Quốc đang theo dõi”.
Phe đối lập, mà ông Gorka gọi là “những tân tín đồ của bà Buchan”, tin rằng Hoa Kỳ không nên tham gia vào các cuộc xung đột quốc tế vì chúng không liên quan gì đến đất nước.
Theo quan điểm của ông Gorks, ông Tucker Carlson, một người dẫn chương trình của truyền hình FoxNews, đã bày tỏ quan điểm, “Tôi thực sự không quan tâm theo cách này hay cách khác về những gì ông Putin làm, bởi vì ông ấy không phải là tổng thống của tôi; ông ấy không có quyền trên đất nước của tôi”.
Ông Carlson nói: “Những gì ông ấy làm ở Ukraine — tuy rằng tôi nghĩ là có ý nghĩa lịch sử, chắc chắn là có ý nghĩa đối với người dân Ukraine — nhưng đối với tôi không quan trọng hơn phí tổn khí đốt”.
Những người theo phái bảo tồn truyền thống kiểu mới và những tân tín đồ của bà Buchan đại diện cho hai cách tiếp cận cực đoan đối với các vấn đề an ninh quốc gia và chính sách ngoại giao, nhưng ông Gorka muốn áp dụng “suy nghĩ phức tạp hơn một chút” cho những vấn đề này. Cuộc chiến Nga-Ukraine, kéo dài gần một năm, “là rất quan trọng đối với Mỹ”, ông Gorka nói, “bởi vì ông Putin, người đã đang lãnh đạo nước Nga trong khoảng 20 năm và cũng là một đại tá KGB, đã nói rằng: ‘không chỉ Ukraine, mà Ba Lan, các quốc gia vùng Baltic là những quốc gia bất hợp pháp, không có quyền tồn tại’”.
Ông Gorka, người dẫn chương trình America First cho biết: “Mặt khác, việc gửi hàng chục tỷ dollar đến Kyiv mà không có trách nhiệm giải trình cũng không mang tính chiến lược trên thực tế. Gửi hàng đống tiền đến bất cứ quốc gia nào cũng là điều ngớ ngẩn…. A) điều đó không tốt về mặt địa chính trị và B) điều đó có dấu hiệu của tham nhũng”.
Ông Gorka cho biết Mỹ không nên can dự bằng quân đội hoặc có bất cứ sự tham gia quân sự lớn nào khác vào cuộc xung đột này. Thay vào đó, Mỹ có thể trợ giúp một số quốc gia thành viên NATO, như Ba Lan hoặc Hungary, trong việc cung cấp cho Ukraine các thiết bị quân sự thời Liên Xô. Ba Lan, Hungary, và một số Đồng minh NATO khác ở Đông Âu từng là thành viên của hiệp ước quân sự do Liên Xô lãnh đạo, được gọi là Hiệp ước Warsaw, và vẫn có thể đang có vũ khí của Liên Xô.
Ông Gorka cho biết thêm, một đề nghị như vậy đã từng được đưa ra thảo luận, nhưng đã bị Chính phủ TT Biden bác bỏ. Ông nói, “Ukraine cần các loại vũ khí mà họ biết cách sử dụng. Nước này không cần hỏa tiễn Patriot, những phương tiện mà không ai ở Ukraine biết cách điều khiển, để họ có thể tự chiến đấu”.
Ông Gorka cũng khuyên nên cung cấp cho Ukraine các tin tức tình báo từ các vệ tinh của Mỹ để cho phép quân đội Ukraine “gây thiệt hại nhiều nhất cho quân xâm lược bằng cách nhắm vào mục tiêu một cách hiệu quả”.
Tập Cận Bình Muốn Thống Trị Thế Giới
Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cảnh báo rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có ý định thống trị thế giới và ông Tập đặt ra một mối đe dọa lớn hơn cả Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Pompeo nói trong một cuộc phỏng vấn với Sky News hôm 02/02 rằng, “Ông ấy muốn sở hữu quý vị…. Ông ấy muốn có ý định bá quyền trên toàn thế giới với tầm nhìn theo chủ nghĩa Marx-Lenin của mình đồng thời muốn Trung Cộng thống trị về kinh tế và chính trị ở mọi nơi trên thế giới”.

Ông đã gọi ý định của ông Tập Cận Bình là một “mục tiêu xấu xa” và nói thêm rằng, “Chúng ta có một nghĩa vụ đối với thế hệ tiếp theo nhằm kháng cự lại điều đó”.
Khi được người dẫn chương trình Beth Rigby hỏi liệu ông có nghĩ rằng Tập Cận Bình nguy hiểm hơn ông Putin hay không, ông Pompeo nói: “Chắc chắn rồi. Thậm chí nguy hiểm hơn nhiều”.
Cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, ông Pompeo cho biết ông Tập “tin rằng ông ấy sẽ thống trị thế giới… Ông ấytin chắc như vậy”.
Hơn nữa, ông Pompeo lưu ý rằng ông Tập có đầy đủ khả năng để hoàn thành mục tiêu đó, vì “toàn cầu phụ thuộc vào ông ấy về mặt kinh tế, ông ấy có 1.4 tỷ dân”.
Ông nói: “Ông ấy có một nền kinh tế sánh ngang với quy mô của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, một chương trình không gian, quân sự và mạng có năng lực cao. Và đó là những năng lực. Và ta đã nhìn thấy ý định của ông ta”.
Ông Pompeo nói thêm, mặc dù ông Putin tin tưởng vào một nước Nga vĩ đại hơn, nhưng “ông ấy không có những ảo tưởng về khả năng thống trị thế giới”.
Ông nói: “Ông Vladimir Putin có một chương trình hạch tâm rất có năng lực và một nền kinh tế phụ thuộc vào một ngành công nghiệp duy nhất. Nhưng nếu chúng ta khai thác năng lượng ở Mỹ, thì ngành công nghiệp đó sẽ ít có giá trị hơn rất nhiều đối với ông ấy. Đó là hai rủi ro căn bản khác nhau đối với lối sống của chúng ta ở châu Âu, Hoa Kỳ, châu Á, Trung Đông, và ở mọi nơi”.
Tuy nhiên, ông Pompeo tin rằng nhà lãnh đạo Nga là một “kẻ xấu”. Ông nhớ lại khi nhìn vào mắt của ông Putin, “Tôi đã không nhìn thấy một linh hồn nào. Tôi nghĩ đó là chuyện chẳng lành. Đừng nhầm lẫn, ông ấy là kẻ xấu”.
Ông Pompeo tin rằng tham vọng của ông Putin “đã không thay đổi” kể từ khi ông thực hiện hành động đánh chiếm Crimea hồi năm 2014.
Ông Pompeo: “Chúng ta luôn nghĩ rằng cuộc chiến này bắt đầu vào ngày 24/02/2022, cách đây gần một năm. Thật ra cuộc chiến này bắt đầu hồi năm 2014”.
Ông nói thêm: “Sau đó, trong bốn năm, ông Putin không xâm chiếm châu Âu. Không mất thêm một tất đất nào nữa. Và sau đó, chúng tôi rời nhiệm sở và ông ấy lại tiếp tục. Tôi tin rằng đó không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên”.
Ông Pompeo tin rằng ông Putin đã bị chính quyền Tổng thống Trump ngăn trở.
Ông lập luận: “Chúng tôi đã đặt nền kinh tế của ông ấy vào tình thế nguy hiểm. Chúng tôi đã xây dựng quân đội Mỹ. Chúng tôi đã tạo ra một tình huống nơi các thành viên NATO đầu tư thêm 40 tỷ USD vào NATO”.
Theo ông Pompeo, Vladimir Putin đã chờ đợi cơ hội tốt là khi Joe Biden làm tổng thống. Ông Pompeo nói: “Tây phương đã chậm chạp, muộn màng, và lo sợ leo thang, và đó đã là một sai lầm. Và vì vậy chúng ta nên cố gắng hết sức để khắc phục điều đó ngay hôm nay. Chúng ta nên cung cấp cho họ những thứ họ cần đồng thời đặt Ukraine và Tây phương vào vị thế mà ông Vladimir Putin sẽ nhận thấy các dấu hiệu bất ổn một cách rõ ràng. Đây là cách quý vị khôi phục khả năng răn đe”.
Ông Pompeo đã đề ra các bước có thể dẫn đến “một giải pháp ngoại giao được đàm phán cho cuộc chiến này. Và phải bắt đầu là, Hoa Kỳ và quan trọng nhất là châu Âu thực sự cung cấp các công cụ mà người dân Ukraine cần để chiến đấu và bảo vệ chủ quyền của chính họ. Điều đó sẽ đặt Tổng thống Zelensky và người dân Ukraine vào vị thế mà Tổng thống Putin sẽ đàm phán từ thế yếu”.
Hoa Kỳ Cam Kết Bảo Vệ Nam Hàn
Hôm thứ Sáu (03/02), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết, Hoa Kỳ vẫn cam kết sử dụng toàn bộ khả năng quân sự của mình, bao gồm cả vũ khí hạch tâm, để bảo vệ Nam Hàn khỏi sự gây hấn của Bắc Hàn.

Trình bày cùng Ngoại trưởng Nam Hàn Park Jin tại một cuộc họp báo, ông Blinken đã tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ trong việc cải thiện khả năng phòng thủ cho quốc gia đồng minh của mình trước các mối đe dọa chung và quá trình phi hạch tâm hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.
Ông đã gọi liên minh Hoa Kỳ-Nam Hàn là “trụ cột” của nền hòa bình trong khu vực này và cho biết liên minh này tìm cách tăng cường hợp tác an ninh ba bên với Nhật Bản nhằm ngăn chặn các hành động khiêu khích bằng hỏa tiễn của Bắc Hàn.
Ông Blinken nói với các phóng viên ở Hoa Thịnh Đốn: “Chúng tôi cam kết bảo vệ Nam Hàn bằng toàn bộ khả năng của chúng tôi — các năng lực phòng thủ bằng hạch tâm, vũ khí theo quy ước, và hỏa tiễn”.
Ông nói thêm: “Vì vậy, chúng tôi cam kết một cách chắc chắn trong việc bảo vệ các đồng minh, đối tác, bằng hữu của chúng tôi, cũng như trong việc răn đe lâu dài”.
Ngoại trưởng Park Jin cho biết, hai đồng minh đã đồng thuận “duy trì một tư thế phòng thủ được kết hợp mạnh mẽ”, đồng thời cho biết thêm rằng bất cứ hành động khiêu khích nào từ Bắc Hàn cũng sẽ được “đáp trả kiên quyết và hiệp lực”.
Ông Pảk nói: “Hòa bình mà không có sự phi hạch tâm hóa là hòa bình giả tạo. Các chương trình hạch tâm và hỏa tiễn của Bắc Hàn là một mối đe dọa trực tiếp và trầm trọng, không chỉ đối với Nam Hàn mà còn đối với hòa bình và an ninh quốc tế”.
Ông Park cũng đã kêu gọi Trung Cộng, một đồng minh lớn của Bắc Hàn, hãy sử dụng ảnh hưởng của mình để kiềm chế các vụ phóng hỏa tiễn của Bắc Hàn. Ông nói: “Chúng tôi đã đồng ý rằng Trung Quốc có một khả năng và trách nhiệm rõ ràng trong việc tác động đến hành vi của Bình Nhưỡng. Phi hạch tâm hóa Bắc Hàn từ lâu đã là một lĩnh vực hợp tác của Trung Quốc cũng như Nam Hàn và Hoa Kỳ, và vấn đề này cần phải tiếp tục được thực hiện theo cách đó”.
Trước đây, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi Trung Cộng kiềm chế Bắc Hàn thực hiện các vụ thử hạch tâm; và nếu không làm vậy thì sẽ dẫn đến việc Hoa Kỳ thực hiện “một số hành động nhất định mang tính phòng thủ hơn nữa” nhằm đáp trả.
Cuộc gặp của ông Blinken với ông Park Jin diễn ra chỉ vài ngày sau khi các bộ trưởng quốc phòng của cả hai nước đồng ý mở rộng các cuộc tập trận quân sự chung của họ. Có khoảng 28,500 quân nhân Hoa Kỳ đồn trú tại Nam Hàn, khiến nơi này là một trong những địa điểm khai triển binh lính lớn nhất của Hoa Kỳ trên thế giới.
Hồi năm 2022, Bắc Hàn đã bắn một số lượng hỏa tiễn chưa từng có. Một hỏa tiễn trong số đó được cho là đã bay ngang qua Nhật Bản, và gây ra các báo động cảnh báo tìm nơi trú ẩn đối với người dân ở các quận Hokkaido và Aomori.
Hồi tháng 09/2022, Bắc Hàn đã phê chuẩn một luật cho phép nước này tiến hành một cuộc tấn công hạch tâm “tự động” nhằm vào bất cứ “thế lực thù địch” nào đang gây ra một mối đe dọa.
Tại cuộc họp báo nói trên, ông Blinken đã cho biết rằng ông sẽ hoãn lại một chuyến công du đến Trung Quốc dự kiến bắt đầu hôm thứ Sáu (03/02), sau khi một khinh khí cầu của Trung Cộng bị nghi ngờ là công cụ do thám đã được nhìn thấy đang bay trên bầu trời Hoa Kỳ, một hành vi vi phạm chủ quyền của Hoa Kỳ. Ông nói: “Chúng tôi đã kết luận rằng các điều kiện vào thời điểm này đã không thuận lợi cho một chuyến công du mang tính xây dựng”.
Ông Blinken cho biết ông đã trao đổi với nhà ngoại giao cao cấp của Trung Cộng Vương Nghị rằng vụ việc xảy ra vào đêm trước chuyến công du của ông là một “hành động vô trách nhiệm” của Trung Cộng, nhưng Hoa Thịnh Đốn vẫn muốn gặp gỡ và ông sẽ đến thăm, khi các điều kiện cho phép.
Hạ Viện Hoa Kỳ Bãi Nhiệm Dân Biểu Ilhan Omar
Hôm 02/02, các dân biểu Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã thông qua một nghị quyết bãi nhiệm Dân biểu Ilhan Omar (Dân Chủ-Minnesota) khỏi Uỷ Ban Ngoại Giao của Hạ Viện. Nghị quyết này được thông qua theo đường hướng đảng phái, với 218 dân biểu Đảng Cộng Hòa bỏ phiếu bãi nhiệm bà Omar và 211 dân biểu Đảng Dân Chủ bỏ phiếu chống lại nghị quyết. Một nhà lập pháp đã bỏ phiếu trắng, trong khi đó, ba dân biểu Đảng Cộng Hòa và một dân biểu Đảng Dân Chủ đã không bỏ phiếu.

Bất chấp một số phản đối từ những người chỉ trích phía Đảng Cộng Hòa về hành động đó, biện pháp này đã dễ dàng vượt qua rào cản về thủ tục để bắt đầu cuộc tranh luận với tỷ lệ bỏ phiếu 218 phiếu thuận – 209 phiếu chống theo đảng phái hôm 01/02.
Tuy nhiên, vì Đảng Dân Chủ chưa công bố danh sách những người được bổ nhiệm vào Uỷ Ban này, nên chưa có hành động nào về nghị quyết này có thể diễn ra. Bà Omar từng cho thấy rằng bà mong muốn trở thành một trong những người được đảng của bà bổ nhiệm vào Uỷ Ban này.
Vài lần bà Omar đã bị chỉ trích vì những bình luận tiêu cực về Israel, mà những người chỉ trích đã mô tả là “bài bác Do Thái”.
Do những bình luận này mà từ lâu Đảng Cộng Hòa đã bày tỏ sự phản đối gay gắt với việc đưa bà Omar vào Uỷ Ban Ngoại Giao. Đôi lúc Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đã cho thấy rằng ông sẽ không cho phép bà Omar phụng sự trong Uỷ Ban này.
Trong một cuộc họp báo của giới lãnh đạo Đảng Cộng Hòa hôm 31/01, Lãnh đạo Đa số Hạ Viện Steve Scalise (Cộng Hòa-Louisiana) đã thông báo rằng Đảng Cộng Hòa sẽ bãi nhiệm bà Omar nếu bà được bổ nhiệm vào Uỷ Ban Ngoại Giao của Hạ Viện.
Ông Scalise nói, “Tất cả chúng ta đều đã xem những câu trích dẫn và những điều mà bà ấy đã nói đi nói lại với tư cách là một dân biểu Quốc Hội, điều đó sẽ tạo ra những vấn đề trầm trọng nếu bà ấy ở trong Uỷ Ban Ngoại Giao. Vì vậy, chúng tôi sẽ phải bãi nhiệm bà ấy”.
Hôm 31/01, bà Omar nói với các phóng viên rằng bà đang trong “trạng thái lấy lòng” với các thành viên Uỷ Ban này.
Trong một bài diễn văn tại Hạ Viện, Dân biểu vừa mới nhậm chức Mike Lawler (Cộng Hòa-New York) đã bảo vệ nghị quyết của đảng mình.
Ông cho biết: “Bà Omar đang phải chịu trách nhiệm về lời nói và hành động của mình”.
Lý Do Khiến Ngành Sản Xuất Trung Cộng Sụt Giảm
Trung Cộng luôn được xem là một quốc gia sản xuất lớn, đóng vai trò chủ chốt trong phân công lao động công nghiệp toàn cầu. Tuy nhiên, người ta cho rằng thế giới sẽ chứng kiến ngành sản xuất của Trung Cộng sẽ sụt giảm nhanh chóng và sẽ mất vị thế là “công xưởng của thế giới”.
Hôm 17/01, Cục Thống Kê Quốc Gia Trung Cộng đã công bố số liệu thống kê dân số mới nhất, cho thấy 9.56 triệu người được sinh ra và 10.41 triệu người tử vong vào năm 2022, dân số giảm khoảng 850,000 người trong một năm. Lần gần đây nhất dân số Trung Quốc giảm là 60 năm trước khi “Nạn Đói Lớn” khiến dân số giảm 5.4 triệu người vào năm 1961. Không giống như đợt giảm dân số trước đây, đợt giảm này là không thể đảo ngược, nghĩa là dân số Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm.
Ngay từ đầu, Trung Cộng đã có thể thu hút sản xuất là vì có chi phí lao động thấp. Nhưng nguồn nhân lực khan hiếm đồng nghĩa với việc giá nhân công trở nên đắt đỏ hơn.
Chính sách kỹ nghệ của Trung Cộng tìm cách cải thiện khả năng cạnh tranh toàn cầu. Và khi tìm cách làm như vậy, nhà cầm quyền Trung Cộng đã dùng thủ thuật đánh cắp tài sản trí tuệ, điều đã gây ra báo động ở nhiều quốc gia khác nhau.
Năm 2014, một dự thảo đã được đệ trình lên Quốc Vụ Viện Trung Cộng để phê chuẩn. Với sự trợ giúp của một số bộ và các học giả từ cả hai học viện quốc gia (Viện Khoa Học Trung Quốc, CAS, cùng Viện Kỹ Thuật Trung Quốc, CAE), do Bộ Công Nghiệp và Kỹ Nghệ Thông Tin chủ trì, dự thảo “Made in China 2025” xoay quanh nghiên cứu và phát triển kỹ nghệ cao, chẳng hạn như máy công cụ CNC, người máy, các phương tiện sử dụng năng lượng mới, năng lượng hạch tâm, và vật liệu nano.
Kế hoạch “Made in China 2025” này đã thu hút nhân tài ngoại quốc bằng mức lương hậu hĩnh, mở đường cho “Chương Trình Ngàn Nhân Tài”. Tuy nhiên, chương trình này đã dẫn đến nhiều tranh chấp pháp lý và một số thành viên của chương trình đã bị bắt và bị kết án vì đánh cắp tài sản trí tuệ hoặc che giấu thu nhập của họ. Một trong những trường hợp nổi tiếng nhất là trường hợp của Tiến sĩ Charles Lieber, trưởng khoa Hóa Học và Hóa Sinh Học tại Đại học Harvard. Hồi tháng 12/2021, ông bị chính phủ liên bang kết tội che giấu việc tham gia chương trình tuyển dụng Ngàn Nhân Tài của Trung Cộng.
Không chỉ mình chương trình này thu hút sự giám sát của FBI, mà vấn đề đánh cắp tài sản trí tuệ còn là một trong những yếu tố chính gây ra cuộc chiến thương mại giữa chính phủ cựu Tổng thống Trump và Trung Cộng. Kể từ năm 2017, Trung Cộng đã cố gắng tránh nói công khai về “Chương Trình Ngàn Nhân Tài” và “Made in China 2025” của mình.
Tháng 06/2022, sau hội nghị thượng đỉnh G-7, chính phủ Tổng thống Biden đã đưa ra một tuyên bố nhắm vào chế độ toàn trị Trung Cộng: “Các nhà lãnh đạo G-7 — cùng với các nhà lãnh đạo của Argentina, Ấn Độ, Indonesia, Senegal, và Nam Phi — đã đưa ra một tuyên bố về Sức Kháng Cự của Nền Dân Chủ, khẳng định tầm quan trọng của việc tăng khả năng kháng cự trước các mối đe dọa độc tài trong các nền dân chủ của chúng ta và trên toàn thế giới”.
Đặc biệt là với sự bùng nổ của chiến tranh Nga-Ukraine, các nước dân chủ càng lo lắng hơn rằng nếu Trung Cộng tiến hành một cuộc tấn công vào Đài Loan, thì việc này sẽ phá vỡ chuỗi công nghiệp toàn cầu.
Hồng Kông Rơi Vào Tay Chế Độ Chuyên Chế Là Một Bi Kịch
Theo Chỉ Số Tự Do Nhân Loại (HFI) 2022 mới nhất, Hồng Kông đã rớt từ vị trí số 1 thế giới vào năm 2016 xuống vị trí thứ 34 vào năm 2022. Thứ hạng về quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp lần lượt tụt xuống thứ 78 và 140.

Báo cáo này được Viện Nghiên Cứu Cato, một tổ chức cố vấn của Mỹ và Viện Fraser, một tổ chức cố vấn của Canada đồng công bố.
“Chỉ Số Tự Do Nhân Loại” so sánh mức độ tự do cá nhân và tự do kinh tế ở 165 quốc gia và khu vực trên cơ sở 83 chỉ số trong 12 hạng mục, trong đó có pháp quyền; an ninh, an toàn; quyền tự do đi lại; quyền tự do tôn giáo; quyền tự do hội họp, lập hội, và sinh hoạt xã hội dân sự; quyền tự do biểu đạt và tiếp cận thông tin; quyền tự do xây dựng mối quan hệ; quy mô của chính phủ; hệ thống pháp luật và quyền tài sản; tiền âm thanh (sound money: loại tiền không tăng hoặc giảm giá đột ngột và có giá trị ổn định); quyền tự do mậu dịch quốc tế; và Quy định.
Báo cáo nêu tên mười quốc gia và khu vực có Chỉ Số Tự Do Nhân Loại giảm mạnh từ năm 2007 đến năm 2020, bao gồm Syria, Nicaragua, Hungary, Ai Cập, Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ, El Salvador, Burundi, Bahrain, và Hồng Kông.
Về tự do cá nhân, Hồng Kông đứng thứ 62; về tự do kinh tế, Hồng Kông vẫn đứng thứ nhất.
Báo cáo kết luận, “Hồng Kông rơi vào tay chế độ chuyên chế là một bi kịch”, nhưng Hồng Kông sẽ tiếp tục là một bài học quan trọng về giá trị của quyền tự do. Giờ đây, số phận của Hồng Kông gắn liền với số phận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng).
Báo cáo này cũng dự đoán rằng Trung Cộng sẽ tiếp tục các cuộc đàn áp ở Hồng Kông, làm suy yếu các quyền tự do dân sự và quyền tự do cá nhân của thành phố này. Mặc dù Hồng Kông duy trì mức độ tự do kinh tế cao nhất trên toàn cầu, nhưng báo cáo dự đoán rằng sự can thiệp của Trung Cộng sẽ gây ra tác động tiêu cực hơn đối với tự do kinh tế của Hồng Kông.
Trong vài năm qua, Trung Cộng đã tăng cường trấn áp thị trường tự do, tăng cường việc bắt giữ các giám đốc điều hành công ty, và đẩy nhanh việc thành lập các chi bộ đảng trong các công ty tư nhân. Các tổ chức tin rằng cuối cùng Trung Cộng sẽ thực hiện việc kiểm soát tại Hồng Kông như những gì đã làm ở Hoa lục.
Báo cáo trích dẫn ước tính từ các tổ chức khác rằng 73% các công ty tư nhân Trung Quốc đã thành lập chi bộ đảng. Và kể từ đầu năm 2021, 92% trong số “500 công ty hàng đầu của Trung Cộng” cũng đã thành lập các chi bộ Đảng tương tự.
Trong nhiều năm, mặc dù Hồng Kông không thể được gọi là một khu vực dân chủ, nhưng thành phố này vẫn duy trì mức độ tự do cao. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, điểm số về tự do bắt đầu giảm mạnh, điều này phản ảnh sự can thiệp ngày càng tăng của Trung Cộng vào Hồng Kông. Báo cáo cũng chỉ trích việc vi phạm quyền tự do của Hồng Kông.
Căn cứ vào các cuộc tấn công vẫn đang tiếp diễn không ngừng vào các quyền tự do của Hồng Kông, báo cáo này cho biết thêm, “chúng tôi sẽ ngạc nhiên nếu các báo cáo trong tương lai không cho thấy sự rơi rớt liên tục và rõ rệt trong các xếp hạng của khu tự trị này, trong đó có sự suy giảm đáng kể về tự do kinh tế”.
Trung Quốc xếp thứ 152 trong số 165 quốc gia và khu vực trong chỉ số này, giảm hai bậc so với năm 2021. Về tổng điểm, Trung Quốc tụt 35 bậc trong giai đoạn 2000-2020. Nước này xếp thứ 154 về tự do cá nhân và thứ 116 về tự do kinh tế.
Nghiên Cứu Cho Thấy 70% Người Hồng Kông Di Cư Sang Anh Vì Lý Do Chính Trị
Gần đây, Bộ Nội Vụ Vương quốc Anh đã thông báo rằng, trong hai năm qua, nước này đã tiếp nhận tổng cộng 144,500 người dân Hồng Kông kể từ khi chương trình thị thực Công dân Anh (ở Hải ngoại) (còn gọi là BNO) chính thức được ra mắt vào ngày 31/01/2021. Một cuộc khảo sát gần đây do cộng đồng Hương Cảng ở hải ngoại thực hiện cho thấy gần 70% người Hồng Kông chuyển đến Vương quốc Anh vì những lo ngại về tình hình chính trị, quyền tự do, và an toàn cá nhân. Các học giả mô tả họ là “những người tị nạn chính trị”.
Nền tảng Giáo Dục Công Dân Hiện Đại (Citizens of Our Time Learning Hub), được những người Hồng Kông nhập cư vào Vương quốc Anh thành lập đã thực hiện cuộc khảo sát này cùng với sự phối hợp của công ty truyền thông của người Hồng Kông ở ngoại quốc, The Chaser News. Phiếu khảo sát này được đăng tải trên mạng từ ngày 01/11/2022 đến ngày 29/11/2022. Họ đã nhận về khoảng 822 phiếu khảo sát hợp lệ từ những cư dân từ 16 tuổi trở lên chuyển đến Vương quốc Anh theo Chương trình BNO.
Hôm 31/01, hai học giả nổi tiếng của Hồng Kông sống ở Anh là ông Chung Kiếm Hoa (Chung Kim-wah) và là ông Hoàng Vỹ Quốc (Benson Wong Wai-Kwok) đã tổ chức một cuộc họp báo trực tuyến. Họ đã công bố báo cáo “Khảo sát hai năm thực hiện Chương trình Thị thực BNO: Người tị nạn chính trị không ngừng cố gắng”.
Cuộc khảo sát cho thấy 69.5% số người được hỏi có bằng đại học trở lên, trong đó 37.3% có bằng cử nhân và 32.2% có bằng thạc sĩ trở lên. Khoảng 14.2% có bằng cao đẳng hoặc bằng tốt nghiệp. Gần 54% số người được hỏi là các bậc cha mẹ có con đang/sắp đi học hoặc các em học sinh đang đi học.
Cuộc khảo sát này phát giác rằng gần 70% số người được hỏi đã di cư đến Vương quốc Anh theo Chương trình thị thực BNO vì các lý do: tình hình chính trị ở Hồng Kông (48.7%) hoặc tự do và an toàn cá nhân (21.7%); nền giáo dục và sự phát triển của trẻ em (25.2%).
Ông Chung giải thích rằng con số này cho thấy đa số người Hồng Kông lo lắng rằng Trung Cộng sẽ tẩy não con em họ ở Hồng Kông. Ông Hoàng nói rằng những người Hồng Kông sở hữu thị thực BNO là “những người tị nạn chính trị” ở một mức độ nhất định.
Khi được hỏi sự kiện nào quan trọng nhất và đáng nhớ nhất đối với người Hồng Kông, hầu hết những người được phỏng vấn đã chọn “Cuộc tấn công Nhà ga Nguyên Lãng ngày 21/07” (68.7%), “Cuộc tấn công Nhà ga Thái tử Edward ngày 31/08” (44.2%), và “Cuộc trấn áp của cảnh sát đối với một cuộc biểu tình lớn phản đối dự luật dẫn độ ngày 12/06” (39.2%); “Cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 04/06/1989” và “Cuộc biểu tình thường niên ngày 01/07/Xông vào Khu liên hợp Hội đồng Lập pháp để phản đối dự luật dẫn độ” (17.8%).
Ông Hoàng tin rằng phong trào chống dự luật sửa đổi luật dẫn độ năm 2019 đã trở thành một ký ức chung không thể xóa nhòa, thậm chí đã trở thành một phần trong đặc trưng nhân dạng của họ; đó cũng là lý do tại sao những người Hồng Kông di tản đến Vương quốc Anh được gọi là “những người tị nạn chính trị”.
Về việc làm, hơn 52.1% số người được hỏi đang chủ động về mặt kinh tế, trong đó 42.6% có việc làm và 9.5% tự làm chủ hoặc khởi nghiệp. Khoảng 21.2% số người được hỏi đang tìm kiếm việc làm.
Gần 70% người được hỏi bày tỏ rằng họ đã thích nghi với cuộc sống ở Vương quốc Anh, phần còn lại cho biết họ vẫn chưa thích nghi. Trong số đó, 28.3% nói rằng họ “rất cần” sự trợ giúp về “thông tin dịch vụ y tế”, 28.2% cần “cải thiện khả năng nói tiếng Anh”, 26.2% cần “thêm thông tin về xã hội, chính trị, và hệ thống kinh tế địa phương”, 24.9% cần “tìm kiếm cơ hội việc làm”, và 23.1% cần “làm quen với văn hóa và phong tục địa phương”.
Đàng Sau Kiểm Soát Dịch Bệnh Là Giám Sát Mạng
The Epoch Times đã nhận được các tài liệu nội bộ tiết lộ về bộ máy tuyên truyền của Trung Cộng kiểm soát tin tức về tình hình dịch bệnh ở cấp địa phương. Các tài liệu này đã được một bộ phận tuyên truyền hàng ngày của huyện công bố.
Ba số phát hành — Kỳ 106, 107, và 108 — của một bản tin nội bộ, xuất bản vào các ngày 29, 30/11, và 01/12/2022, đã ghi lại kết quả hàng ngày của những nỗ lực kiểm duyệt mạng xã hội, đồng thời công bố một hình ảnh tích cực về chính sách COVID-19 ở huyện Quảng Hà, thuộc tỉnh Cam Túc phía tây bắc của Trung Quốc.
Được đánh dấu là “bí mật”, các tài liệu chính thức có tên của cơ quan ban hành được in màu đỏ ở trên cùng — có nhan đề “Tình Hình Công Tác Tuyên Truyền về Phòng Ngừa và Kiểm Soát Dịch Bệnh”. “Nhóm Phản Hồi Ý kiến Dư luận và Tuyên truyền” về việc phòng chống dịch bệnh của huyện này đã thực hiện các tài liệu nói trên.
“Nhóm Phản Hồi” này thường do ban tuyên giáo địa phương và bí thư đảng Trung Cộng địa phương lãnh đạo, dựa trên một bản tin của hãng truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã.
Theo ba số phát hành mà The Epoch Times thu thập được, công việc của nhóm phản hồi này thường được chia thành ba phần: “giải quyết dư luận”, “xu hướng dư luận”, và “tiến độ công việc và phân tích dư luận”.
Trong phần “giải quyết dư luận”, ba bản tin này chỉ ra rằng các phương tiện truyền thông xã hội của Trung Quốc như Weibo và Kuaishou được theo dõi định kỳ để tìm “thông tin nhạy cảm”. Các phương thức “giải quyết” thông tin đó bao gồm xóa bài viết, đề nghị xóa bài viết, và báo cáo bài viết để các nhà chức trách vào cuộc điều tra.
Kỳ số 108 trong nhật ký công việc này kết luận rằng từ ngày 12/09/2022 đến ngày 01/12/2022, nhóm phản hồi đã xác định được tổng cộng 5,161 mẩu thông tin liên quan đến dịch bệnh, đã xóa 2,927 mẩu thông tin nhạy cảm trên các nền tảng mạng xã hội Kuaishou, Douyin, và Weibo, cũng như đình chỉ 304 chương trình phát sóng trực tiếp.
Trong phần “xu hướng dư luận”, kỳ số 106 đã tóm tắt xu hướng các bài đăng của cư dân mạng như sau: những bài viết “phản ánh cuộc sống thường nhật” đang dần tăng lên, còn “các bài dạng video và hình ảnh liên quan đến tình hình dịch bệnh giảm mạnh”.
Kỳ số 108 cho biết, “Các cư dân mạng phàn nàn về vật tư y tế và chất thải y tế được giải quyết không đúng cách”.
Về phần “tiến độ công việc và phân tích dư luận”, nhóm phản hồi này nhấn mạnh chiến dịch “tuyên truyền tích cực trên mạng — tạo một bầu không khí toàn dân cùng tham gia chống dịch”, thông qua nỗ lực phối hợp của các “thành viên mạng lưới” cộng đồng để các bài đăng chính thức bao phủ hết mạng xã hội.
Hệ thống theo dõi và giám sát trực tuyến của Trung Cộng, cùng với các camera được lắp đặt khắp mọi nơi, đã phát triển thành cái được gọi là “mạng lưới”. Mạng lưới này được chia thành bốn cấp: mạng lưới lớn (hay cấp quận/huyện), mạng lưới trung bình, mạng lưới nhỏ (trong phạm vi 50 gia đình), và mạng lưới siêu nhỏ (phạm vi 20 gia đình); trong mỗi mạng lưới lại có “các thành viên mạng lưới” đảm trách việc theo dõi tất cả những người hàng xóm xung quanh trong toàn bộ phạm vi của mạng lưới đó.
Ở khu vực nội thành, một mạng lưới sẽ bao phủ khoảng 300 gia đình, và ở ngoại thành, một mạng lưới sẽ bao phủ khoảng 100 gia đình.
Theo tờ Nhân Dân Nhật báo của nhà cầm quyền Trung Cộng, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, hệ thống mạng lưới này đã được phát triển và củng cố thành một “mạng lưới tốt hơn” vào năm 2020, tăng cường tuyển thêm “các thành viên mạng lưới” trên một quy mô lớn và đưa họ vào hệ thống giám sát trực tuyến của địa phương.
Ở cấp cơ sở, các thành viên mạng lưới là nhân viên giám sát địa phương, trợ giúp cho nỗ lực của Cục Thực thi Pháp luật và Quản lý Hành Chính Thành thị (gọi tắt là Thành Quản) — lực lượng quản lý đô thị chủ yếu nhắm mục tiêu vào những người bán hàng rong trái phép trên đường đô thị — và lực lượng công an.
Các Lệnh Trừng Phạt Gây Thiệt Hại Cho Nền Kinh Tế Nga
Khi Tây phương tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, cuộc tranh luận đã nổ ra về hiệu quả của những biện pháp hạn chế này trong việc làm suy yếu nền kinh tế Nga và khả năng gây chiến của Nga ở Ukraine.
Không có gì bí mật khi nền kinh tế Nga tiếp tục hoạt động, trong khi cuộc xâm lược Ukraine của Moscow — hiện đang bước vào tháng thứ 11 — không có dấu hiệu chậm lại.
Ông Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cho biết hôm 31/01: “Các nước thù địch không đủ can đảm để nhận ra rằng các lệnh trừng phạt tệ hại của họ đã thất bại”.
Ông Medvedev nói trong các bình luận trên hãng thông tấn TASS, “Các lệnh trừng phạt này không hề hiệu quả. Ngay cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng phỏng đoán kinh tế ở Nga tăng trưởng trong năm nay”.
Cùng ngày, Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, đã chủ trì một diễn đàn trực tuyến với nhan đề “Tác động thiết thực của các lệnh trừng phạt của Tây phương đối với Nga”. Sự kiện này có sự góp mặt của một số thành viên tham gia hội thảo cho rằng bất chấp những tuyên bố ngược lại, các lệnh trừng phạt của Tây phương đang gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga.
Bà Elina Ribakova, chuyên viên kinh tế Viện Tài Chính Quốc Tế cho biết: “Các lệnh trừng phạt này đang bắt đầu tác dụng”. Tuy nhiên, theo bà, chúng ta không nên xem các lệnh trừng phạt như một “cây đũa thần” ngay lập tức sẽ khiến nền kinh tế Nga “tan rã”.
Một tham luận viên khác, ông Vladimir Milov, phó chủ tịch vận động quốc tế tại Tổ chức Nước Nga Tự do, cũng bày tỏ quan điểm tương tự.
Mặc dù thừa nhận rằng nền kinh tế Nga đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kể, nhưng ông Milov cũng khẳng định rằng các lệnh trừng phạt của Tây phương đã có một “tác động lớn”.
Theo ông Vladimir Milov, “Bối cảnh này khá ảm đạm đối với chính phủ Nga”, hoạt động kinh tế ở Nga đã giảm từ 5 đến 10% do hậu quả trực tiếp của các lệnh trừng phạt.
Ông Ferit Temur, nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ và là chuyên gia về các vấn đề của Nga, cho rằng, còn quá sớm để nói liệu các lệnh trừng phạt có tác động trầm trọng được đến nền kinh tế hay năng lực quân sự của Nga hay không. Ông nói, “Các lệnh trừng phạt thường khởi tác dụng hoàn toàn trong trung hạn và dài hạn. Nga chủ yếu tự túc về cả tài nguyên dưới lòng đất và trên mặt đất. Hầu hết các nước Tây phương đều có các mối bang giao thương mại với Nga về mặt phụ thuộc vào chuỗi cung ứng. Không có chuyện họ sẽ thay thế chuỗi cung ứng này trong thời gian ngắn như vậy”.
Theo ông Milov, nguyên là thứ trưởng năng lượng Nga hồi năm 2002, các đồng minh Tây phương của Kyiv đang “đi đúng hướng” về chính sách trừng phạt chung của họ. Tuy nhiên, ông nói rằng sẽ “mất một thời gian” trước khi các lệnh trừng phạt này khởi tác dụng rõ ràng hơn.
Giám Đốc CIA Cảnh Báo Trung Cộng Xâm Lăng Đài Loan Vào Năm 2027
Hôm thứ Năm (02/02), Giám đốc CIA William Burns cho hay Hoa Kỳ biết việc Tập Cận Bình ra lệnh cho quân đội Trung Cộng chuẩn bị xâm lược Đài Loan vào năm 2027 “là một vấn đề về tình báo”.
Ông Burns nói rằng mệnh lệnh của Tập Cận Bình dành cho quân đội Trung Cộng có thể không đại diện cho mốc thời gian dự tính cho cuộc xâm lược Đài Loan, nhưng điều đó thể hiện sự mong muốn Tập Cận Bình trong việc theo đuổi mục tiêu này.

Ông Burn tuyên bố trong buổi nói chuyện tại Đại học Georgetown ở Hoa Thịnh Đốn rằng, “Đánh giá của chúng tôi là tôi sẽ không đánh giá thấp các tham vọng của Tập Cận Bình đối với Đài Loan”. Ông Burns cho biết Tập Cận Bình có thể “bất an” trước màn trình diễn của quân đội Nga trong cuộc chiến Ukraine và có thể ông ấy đã cố gắng đánh giá hiệu quả của các hệ thống vũ khí của Nga ở Ukraine cho tham vọng của mình đối với Đài Loan.
Giám đốc CIA cũng cảnh báo không nên đánh giá thấp động cơ đằng sau: “mối quan hệ đối tác không giới hạn” giữa Trung Cộng và Nga được tuyên bố hồi năm ngoái. Ông Burn lưu ý, “Tôi nghĩ sẽ là một sai lầm khi đánh giá thấp cam kết chung trong mối quan hệ đối tác đó, nhưng đó không phải là một tình bằng hữu hoàn toàn không có giới hạn”.
Trung Quốc đã không lên án Nga vì xâm lăng Ukraine, lấy lý do là Nga có “những lo ngại chính đáng về các vấn đề an ninh”. Tháng 02/2022, hai quốc gia này đã tuyên bố mối quan hệ đối tác “không giới hạn”. Theo tuyên bố chung của họ, Nga cho biết họ công nhận Đài Loan là “một phần không thể tách rời của Trung Quốc” và bác bỏ nền độc lập của Đài Loan “dưới mọi hình thức”, trong khi Trung Cộng ủng hộ Nga phản đối việc mở rộng NATO.
Đài Loan là một quốc tự trị kể từ khi cuộc nội chiến ở Trung Quốc kết thúc vào năm 1949. Tuy nhiên, Trung Cộng vẫn xem Đài Loan là một tỉnh ly khai phải được sáp nhập với Hoa lục bằng mọi cách cần thiết.
Lưỡng Đảng Giới Thiệu Dự Luật Bảo Vệ Kho Dự Trữ Dầu Mỏ Chiến Lược Của Hoa Kỳ
Trong một nỗ lực của lưỡng đảng do Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) dẫn đầu, hôm thứ Tư (03/02), Chủ tịch Uỷ Ban Năng Lượng và Tài Nguyên Thiên Nhiên của Thượng Viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia), đã giới thiệu dự luật cấm chính phủ Tổng thống Biden bán dầu thô từ kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược Hoa Kỳ (SPR) cho Trung Quốc hoặc cho bất cứ công ty nào do Trung Cộng kiểm soát.

Như được mô tả trong một thông cáo báo chí rằng ủy ban này đã công bố Đạo luật Bảo Vệ Dự Trữ Dầu Mỏ Chiến Lược của Mỹ, “dự luật lưỡng đảng này sẽ cấm bán dầu thô của Mỹ từ kho Dự Trữ Dầu Mỏ Chiến Lược (SPR) cho bất cứ công ty nào nằm dưới sự kiểm soát của Trung Cộng và cấm xuất cảng bất cứ loại dầu thô nào từ SPR sang Trung Cộng”.
Ông Manchin cho biết trong thông cáo báo chí, “Kho Dự Trữ Dầu Mỏ Chiến Lược là một phần quan trọng trong cơ sở hạ tầng của quốc gia chúng ta nhằm củng cố năng lượng và an ninh quốc gia của chúng ta. Mặc dù kho dự trữ này là một giải pháp tạm thời cho giá xăng tăng cao và tình trạng bất ổn toàn cầu do việc Nga xâm lược Ukraine gây ra, nhưng trên hết, kho dự trữ này là để giúp Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta vượt qua những thời kỳ khó khăn, chứ không phải để giúp đỡ Trung Cộng thúc đẩy nền kinh tế Trung Cộng”.
“Dự luật này sẽ bảo đảm rằng chúng ta không mạo hiểm với an ninh năng lượng của chúng ta bằng cách bán trữ lượng dầu mỏ của mình cho Trung Cộng, và sự ủng hộ của lưỡng đảng mà dự luật này nhận được cho thấy tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn và độc lập về năng lượng đối với Mỹ”.
Tham gia cùng ông Cruz và ông Manchin trong việc giới thiệu dự luật nói trên là 18 thượng nghị sĩ — ba thành viên Đảng Dân Chủ, 13 thành viên Đảng Cộng Hòa, và hai thành viên Độc Lập — những người đã ký tên với tư cách là người đồng bảo trợ: Angus King (Độc Lập-Maine), Michael Bennet (Dân Chủ-Colorado), Maggie Hassan (Dân Chủ-New Hamsphire), Dan Sullivan (Cộng Hòa-Arkansa), Mike Braun (Cộng Hòa-Indiana), Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansa), Cindy Hyde-Smith (Cộng Hòa-Missouri), Tommy Tuberville (Cộng Hòa-Alabama), John Hoeven (Cộng Hòa-North Dakota), John Boozman (Cộng Hòa-Arkansa), Joni Ernst (Cộng Hòa-Iowa), John Cornyn (Cộng Hòa-Texas), Jerry Moran (Cộng Hòa-Kansas), Roger Marshall (Cộng Hòa-Kansas), Rick Scott (Cộng Hòa-Florida), Mike Lee (Cộng Hòa-Utah), Kyrsten Sinema (Độc Lập-Arizona), và Mark Kelly (Dân Chủ-Arizona).
Theo thống kê của Cơ Quan Thông Tin Năng Lượng Hoa Kỳ (EIA), bắt đầu từ tháng 01/2020 và kéo dài đến tháng 11/2022, kho Dự Trữ Dầu Mỏ Chiến Lược đã giảm khoảng 240 triệu thùng, giảm từ khoảng 635 triệu thùng xuống còn 388 triệu thùng.
Ngày 27/02/2022, thông tấn Reuters đưa tin, trong khi Trung Cộng tăng cường kho dự trữ của chính họ, thì Hoa Kỳ này đã phớt lờ lời kêu gọi từ Tòa Bạch Ốc đối với một tổ hợp các quốc gia, trong một nỗ lực hạ giá nhiên liệu, nhằm xuất dầu khỏi kho dự trữ của các quốc gia này.
Trích dẫn thông tin do công ty phân tích dữ kiện Kayrros cung cấp, Reuters lưu ý rằng Trung Cộng đã tăng dự trữ thêm 30 triệu thùng kể từ giữa tháng 11/2022. Công ty Kayrros đưa tổng lượng dầu thô dự trữ của Trung Cộng, thu được từ vệ tinh giám sát các bể chứa, lên tổng cộng 950 triệu thùng.
Một dự luật tương tự về mục đích và phạm vi đã dễ dàng được Hạ Viện do Đảng Cộng Hòa (GOP) kiểm soát thông qua trong một cuộc bỏ phiếu của lưỡng đảng hồi đầu tháng Giêng.
Hôm 12/01, Hạ Viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ 331 phiếu thuận-97 phiếu chống để phê chuẩn đạo luật cấm bộ trưởng năng lượng gửi các sản phẩm dầu mỏ từ kho Dự Trữ Dầu Mỏ Chiến Lược đến Trung Cộng và cho các mục đích khác, với 113 thành viên Đảng Dân Chủ đứng về phía các thành viên GOP đồng thuận ủng hộ đối với dự luật này.
Từ lâu ông Cruz đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về các mối đe dọa đối với an ninh của Mỹ do trữ lượng dầu chiến lược đang cạn kiệt trong khi Trung Quốc gia tăng trữ lượng nhiên liệu.