Tin Thế Giới.
Ukraina: Tổng thống Mỹ Biden bất ngờ viếng thăm Kiev (RFI).
Theo hãng tin AFP, hôm 20/02/2023, tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện chuyến viếng thăm bất ngờ đến thủ đô Kiev của Ukraina. Tại đây, ông Biden đã gặp tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Đây là lần đầu tiên tổng thống Mỹ đến thăm Ukraina. Chuyến đi diễn ra chỉ vài ngày trước khi đánh dấu một năm Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina.

Theo thông cáo của Nhà Trắng, tại Kiev, tổng thống Biden đã tuyên bố là Hoa Kỳ “sẽ sát cánh với Ukraina cho tới khi nào vẫn còn cần thiết” để chống trả quân Nga. Tổng thống Mỹ cho biết sẽ thông báo cung cấp thêm cho Ukraina những thiết bị quân sự thiết yếu, như đạn đại bác, hệ thống chống xe thiết giáp và các radar giám sát không phận để bảo vệ người dân trước các cuộc oanh tạc của Nga. Ông còn thông báo là Washington sẽ ban hành các biện pháp trừng phạt mới đối với Matxcơva.
Về phần tổng thống Zelensky, trên mạng Twitter, ông khẳng định chuyến thăm Kiev của tổng thống Biden là một “dấu hiệu yểm trợ cực kỳ quan trọng”.
Theo hãng tin AFP, giữa lúc tổng thống Biden đang thăm Kiev, những tiếng còi báo động phòng không đã vang lên ở thủ đô Ukraina, nhưng trước mắt không có vụ tấn công nào bằng tên lửa hay bằng drone.
New York Times đưa tin chuyến đi bí mật của ông Biden đến Ukraine được thực hiện bằng tàu hỏa từ biên giới Ba Lan.
Chuyến thăm Kiev được giữ bí mật vì những lo ngại về an ninh. Các nguồn tin nói rằng ông Biden rời Washington mà không báo trước sau khi ông và vợ Jill dùng bữa tối hiếm hoi ở nhà hàng vào tối hôm thứ Bảy.
Các quan chức chính phủ Hoa Kỳ trước đó phủ nhận việc Biden sẽ đến thăm Ukraine trong chuyến công du dự kiến tới Đông Âu. Tờ New York Times nói “Trên thực tế Nhà Trắng vào tối Chủ nhật đã công bố lịch trình công khai cho ngày thứ Hai cho thấy tổng thống vẫn ở Washington và rời đi vào buổi tối để tới Warsaw, trong khi thực ra là ông đã ở cách xa nửa vòng trái đất.“
Tổng thống Mỹ đến Kiev trước khi thực hiện chuyến thăm chính thức Ba Lan để gặp tổng thống Andrzej Duda và lãnh đạo các nước đồng minh ở Đông Âu.
Cuộc họp ngoại trưởng Mỹ-Trung căng thẳng khiến vụ khinh khí cầu trầm trọng hơn (BBC)
Trong bối cảnh rạn nứt giữa Mỹ và Trung Cộng liên quan đến vụ khinh khí cầu ngày càng lan rộng thì trên thế giới, vốn đang theo dõi sát sao vụ tranh chấp đầy rủi ro này, sự chia rẽ cũng đang gia tăng theo.
Cuộc trao đổi gay gắt diễn ra mới đây nhất vào hôm thứ Bảy 18/02, lúc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken gặp người đồng cấp Trung Cộng Vương Nghị bên lề Hội nghị An ninh Munich, cuộc gặp cấp cao đầu tiên kể từ khi căng thẳng bắt đầu.

Ông Blinken nói rằng Mỹ sẽ không “chấp nhận bất kỳ hành vi vi phạm chủ quyền nào của chúng tôi” và nói “hành động vô trách nhiệm này không bao giờ được tái diễn”.
Trong khi đó, ông Vương gọi vụ việc là “trò hề chính trị do Mỹ dựng nên” và cáo buộc Mỹ “dùng mọi cách để ngăn chặn và đàn áp Trung Cộng”.
Trung Cộng tiếp tục phủ nhận đã phóng khinh khí cầu do thám, ngay cả khi Mỹ tiếp tục tung ra thêm nhiều chi tiết về vật thể này để chứng minh cho cáo buộc của họ.
Thế nhưng vượt khỏi cuộc tranh chấp, cách Bắc Kinh và Washington phản ứng với nhau được theo dõi chặt chẽ khi thế giới đang cố gắng tìm hiểu những hàm ý từ vụ việc này đối với sự ổn định địa chính trị và nền an ninh quốc gia.
Giới quan sát cho rằng kết quả cuối cùng là vụ việc đã củng cố các lập trường – làm sâu sắc thêm sự mất niềm tin đối với những người vốn đã ngờ vực Trung Cộng hoặc Mỹ – và khiến Washington và Bắc Kinh khó thu hẹp khoảng cách giữa đôi bên.
Đối với một số người, vụ việc đã làm gia tăng những lo ngại về phạm vi hoạt động do thám Trung Cộng, khi các chính phủ khẩn trương đánh giá lại những gì họ biết về năng lực này của Trung Cộng.
Mỹ tuyên bố khinh khí cầu quân sự Trung Cộng đã bay qua không phận của hơn 40 quốc gia trên khắp năm châu lục.
Tuần này, Nhật Bản – một đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ – tuyên bố rằng sau khi phân tích lại các trường hợp vật thể bay không xác định trong quá khứ, họ “nghi ngờ mạnh mẽ” rằng Trung Cộng đã cho ít nhất ba khinh khí cầu do thám bay qua lãnh thổ của họ kể từ năm 2019.
Một báo cáo của Financial Times dẫn lời các quan chức Đài Loan giấu tên nói rằng hòn đảo này – một đồng minh khác của Hoa Kỳ và cũng là vùng lãnh thổ mà Trung Cộng tuyên bố chủ quyền – đã bị hàng chục khinh khí cầu quân sự của Trung Cộng do thám.
Bộ Quốc phòng Đài Loan sau đó đã làm rõ rằng họ chỉ phát hiện khí cầu thời tiết của Trung Cộng – hôm thứ Sáu 17/02 họ đã tìm thấy mảnh vỡ của một vật thể như vậy – nhưng cũng cảnh báo sẽ không ngần ngại bắn hạ bất kỳ vật thể quân sự nào khả nghi trong không phận của Đài Loan.
Chiến tranh Ukraine: Putin cảnh báo hạt nhân với phương Tây (BBC).
Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Ba, 21/2, đưa ra một cảnh báo đối với phương Tây về Ukraine bằng cách đình chỉ hiệp ước mang tính bước ngoặt về kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Putin tuyên bố rằng các hệ thống chiến lược mới đã được đưa vào trực chiến và đe dọa nối lại các vụ thử hạt nhân.
Gần một năm sau khi ra lệnh tiến hành cuộc xâm lược vốn châm ngòi cho cuộc đối đầu lớn nhất với phương Tây trong 6 thập niên qua, ông Putin cho biết Nga sẽ đạt được mục tiêu của mình và cáo buộc phương Tây đang cố gắng tiêu diệt nước này.
“Giới tinh hoa của phương Tây không che giấu mục đích của họ. Nhưng họ cũng không thể không nhận ra rằng đánh bại Nga trên chiến trường là chóp bu chính trị và quân sự của Nga.”

Ông Putin cáo buộc rằng Hoa Kỳ đang biến cuộc chiến thành một cuộc xung đột toàn cầu và nói Nga đang đình chỉ tham gia Hiệp ước START mới, là hiệp ước kiểm soát vũ khí qui mô cuối cùng của Moscow với Washington.
Được ký bởi Tổng thống Barack Obama và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev vào năm 2010, hiệp ước giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà các nước có thể triển khai. Hiệp ước này hết hạn vào năm 2026 và nó cho phép nước này thực tiếp kiểm tra kho vũ khí hạt nhân của nước kia, mặc dù căng thẳng về Ukraine đã khiến các cuộc kiểm tra bị ngừng.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken gọi động thái của Putin là “vô cùng đáng tiếc và vô trách nhiệm”. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết quyết định này khiến thế giới trở thành một nơi nguy hiểm hơn và kêu gọi Putin xem xét lại.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết, mà không đưa ra bằng chứng, rằng một số người ở Washington đang xem xét ngưng lệnh cấm thử hạt nhân.
Trước đó Tổng thống Nga Putin đã có bài phát biểu trước toàn thể đất nước. Ông Putin đã lặp lại khẳng định Nga đang đối mặt với đe doạ Phát xít, cùng “sự thù địch thường xuyên” từ chính quyền Kyiv.
Ông nói Ukraine đang đợi Nga đến để trợ giúp. Ông Putin cũng tiếp tục khi nói Nga đang cố gắng dàn xếp cuộc xung đột tại Donbas bằng các biện pháp hoà bình.
Ông nói cam kết của Phương Tây về nền hoà bình đã biến thành sự “lừa đảo” và là “lời nói dối tàn ác” khi tuyên bố Kyiv đang cố gắng thu gom vũ khí hạt nhân và sinh học.
Ông Putin đã sử dụng ngôn từ mạnh về điều mà ông ta xem là chủ nghĩa bành trướng của Phương Tây và Nato về Đông Âu, uy hiếp đến Nga.
Trước cuộc xâm lược Ukraine cách đây đúng một năm, 21/02/2022, ông Putin đã có bài phát biểu được xem là viết lại lịch sử Ukraine.
Tổng thống Mỹ gặp các lãnh đạo Đông Âu tại Ba Lan (RFI).
Hôm 22/02/2023, tại thủ đô Vacxava của Ba Lan, tổng thống Mỹ Joe Biden gặp lãnh đạo 9 quốc gia thành viên NATO của khu vực Trung và Đông Âu, để khẳng định sự ủng hộ “không gì lay chuyển” của Washington đối với các nước này trước mối đe dọa từ nước Nga.
Theo thông báo của Nhà Trắng được AFP trích dẫn, cuộc gặp giữa tổng thống Biden với lãnh đạo các quốc gia Trung và Đông Âu sẽ có sự hiện diện của tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg.
Từ Vacxava, thông tín viên Martin Chabal tường trình:
“ Cuộc gặp hôm nay của ông Biden chủ yếu sẽ tập trung vào chiến lược mà các nước thành viên NATO ở Đông Âu cần thông qua để đối phó với Nga và các đồng minh của Matxcơva. Tổng thống Mỹ sẽ gặp các lãnh đạo của nhóm Bucarest, quy tụ 9 quốc gia khối NATO ở sườn phía đông, mà trong đó nhiều nước có biên giới chung với Nga hoặc với Ukraina.
Việc tổ chức cuộc gặp ở Ba Lan mang ý nghĩa biểu tượng : Là láng giềng sát bên một quốc gia đang có xung đột, nhiều người dân Ba Lan cảm thấy bị đe dọa nếu quân đội Nga đánh thắng được Ukraina. Nhưng trong bài diễn văn tối qua, trước một đám đông phấn khích, tổng thống Biden đã nhắc lại ông rất coi trọng điều khoản thứ 5 của khối NATO, tức điều khoản quy định rằng một nước thành viên bị tấn công có nghĩa là toàn bộ Liên minh bị tấn công.
Người ta chờ đợi là trong các cuộc thảo luận hôm nay, Hoa Kỳ sẽ đưa ra quyết định về việc đóng quân thường trực trên lãnh thổ Ba Lan và qua đó thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai quốc mà hôm qua đã bày tỏ tình thân hữu trước toàn thế giới. Trong buổi chiều, theo dự kiến, tổng thống Biden sẽ bay về Washington.”
Trong bài phát biểu tối qua tại Vacxava, tổng thống Mỹ đã tuyên bố : ” Ukraina sẽ không bao giờ là một chiến thắng đối với Nga”. Ông Biden còn khẳng định “phương Tây không hề có âm mưu tấn công nước Nga như cáo buộc của Putin”.
Những tuyên bố nói trên nhằm đáp lại bài diễn văn với giọng điệu hiếu chiến của tổng thống Vladimir Putin hôm qua, cam kết là quân Nga sẽ tiếp tục cuộc tấn công bắt đầu từ cách đây gần đúng một năm. Trong bài diễn văn này, ông Putin cũng thông báo quyết định rút nước Nga ra khỏi hiệp ước New Start ký với Mỹ về giải trừ vũ khí hạt nhân.
Ngoại trưởng Mỹ đến Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết bất đồng trong NATO (RFI).
Theo hãng tin AFP, hôm 20/02/2023, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ để gặp tổng thống Recep Tayyip Erdogan sau khi đến thăm những nơi bị động đất và thông báo viện trợ thêm 100 triệu đô la.
Đây là chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên của ngoại trưởng Blinken kể từ khi ông nhậm chức cách đây hai năm. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng do chiến tranh Ukraina, Hoa Kỳ nhìn nhận vai trò mang tính xây dựng của Thổ Nhĩ Kỳ: từ đầu cuộc chiến Ukraina đến nay, Ankara, vốn vẫn giữ quan hệ tốt với cả Matxcơva lẫn Kiev, đã đề nghị đứng ra làm trung gian hòa giải để chấm dứt xung đột.
Tuy vậy, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh trong khối NATO, đôi khi khá căng thẳng. Trong chuyến đi lần này của ngoại trưởng Mỹ, hai bên sẽ bàn về những bất đồng. Hồ sơ ưu tiên chính là việc Ankara vẫn ngăn cản NATO thu nhận hai nước Bắc Âu Thụy Điển và Phần Lan.
Bên cạnh đó còn có việc bán chiến đấu cơ F-16 mà tổng thống Biden đã hứa với Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc Hội Mỹ đã chặn lại vụ mua bán này do những quan ngại về tình hình nhân quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ và về mối đe dọa của nước này đối với Hy Lạp.
Chuyến đi của ngoại trưởng Blinken diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua thông báo kết thúc hầu hết các cuộc tìm kiếm người sống sót sau trận động đất 7,5 độ Richter ngày 06/02, khiến hơn 44.000 người chết, theo tổng kết mới nhất. Sau khoản viện trợ đầu tiên 85 triệu đô la của Hoa Kỳ, hôm qua, ông Blinken thông báo một khoản viện trợ bổ sung 100 triệu đô la. Ngoại trưởng Mỹ đã cùng với ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đi trực thăng, bay bên trên các vùng bị động đất, đồng thời ông đã đến gặp các nhân viên cứu hộ người Syria đang hoạt động tại các vùng do phiến quân kiểm soát.
Tổng thống Pháp ủng hộ kế hoạch hòa bình của tổng thống Ukraina
Trong một cuộc điện đàm hôm qua, 19/02/2023, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố ủng hộ kế hoạch hòa bình của đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky.
Cụ thể, theo điện Elysée, tổng thống Macron đã tái khẳng định sự ủng hộ kế hoạch hòa bình 10 điểm do tổng thống Zelensky đề nghị và « sẽ hỗ trợ sáng kiến này trên trường quốc tế trong các sự kiện ngoại giao sắp tới.” Hai nhà lãnh đạo cũng đã nhắc lại sự cần thiết tăng cường và đẩy nhanh sự yểm trợ về quân sự cho Ukraina.

Cuộc điện đàm giữa hai tổng thống Pháp và Ukraina đã diễn ra sau khi trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí Pháp, được đăng tải tối thứ Bảy, ông Macron tuyên bố muốn thấy nước Nga bị thua Ukraina, nhưng cảnh báo những ai muốn “ bằng mọi giá nghiền nát nước Nga”.
Phản ứng của Nga về tuyên bố của tổng thống Pháp như thế nào, sau đây là tường trình của thông tín viên Julian Colling từ Matxcơva:
“ Những tuyên bố của tổng thống Emmanuel Macron đã gây sự chú ý của ngành ngoại giao Nga hôm Chủ nhật. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Maria Zakharova, đã ngay lập tức có phản ứng trên kênh Telegram của bà, nhấn mạnh rằng lời nói của ông Macron « chẳng có giá trị gì », do tổng thống Pháp bị xem là không có lập trường nhất quán.
Bà Zakharova cho rằng lập trường của ông Macron là « không đứng vững và tự mâu thuẫn với nhau »: với tư cách là một thành viên khối NATO, Pháp phải theo đi theo quyết tâm chung của khối này, đó là muốn Nga thua trận, cho dù ông Macron khẳng định không muốn “nghiền nát” nước Nga và mong mỏi một giải pháp thương lượng. Nhưng bà lưu ý, trong khi đó, Paris lại tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraina,
Các chuyên gia về địa chính trị, như chuyên gia nổi tiếng Fyodor Lukyanov thì cho rằng lập trường của tổng thống Pháp là “lập trường duy nhất mà ta có thể xem là thật sự phản ánh xu hướng của châu Âu”
Nhưng tuyên bố của tổng thống Pháp cũng đã gây phản ứng từ những giới thân điện Kremlin. Tại hội nghị an ninh Munich, ông Macron đã tuyên bố không ủng hộ chính sách nhằm làm “thay đổi chế độ”, sau một loạt thất bại trên thế giới.
Đối với các nhà bình luận Nga, rõ ràng là tổng thống Pháp gián tiếp nhìn nhận là từ nhiều năm qua, phương Tây vẫn cố tìm cách lật đổ chính quyền Nga. Điều này càng làm gia tăng thái độ nghi ngờ của Matxcơva về ý định thật sự của phương Tây và khối NATO.”
Trung Cộng công bố tài liệu chiến lược chống Mỹ (RFI)
Hôm thứ Hai, 20/02/2023, bộ Ngoại Giao Trung Cộng đã công bố hai tài liệu nêu chi tiết chiến lược của Bắc Kinh chống lại “thế bá quyền” của Mỹ.

Theo tờ Le Monde, tài liệu đầu tiên có tựa đề “ Thế bá quyền của Mỹ và những mối nguy hiểm”, lên án chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ từ khi độc lập cho đến ngày nay. Tài liệu viết :” Từ khi giành được độc lập vào năm 1776, Hoa Kỳ vẫn liên tục mở rộng ảnh hưởng bằng vũ lực. Ngày nay, tại Ukraina, Irak, Afghanistan, Libya, Syria, Pakistan và Yemen, Hoa Kỳ vẫn áp dụng chiến thuật cũ: tiến hành các cuộc chiến tranh thông qua các trung gian.” Theo cái nhìn của Bắc Kinh, cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraina chính là hậu quả từ những thủ đoạn của phương Tây.
Trong tài liệu nói trên, Trung Cộng lên án việc Hoa Kỳ đặt “ 800 căn cứ quân sự” tại “159 quốc gia”, cũng như việc chính quyền Donald Trump đã ban hành đến “hơn 3.900” trừng phạt kinh tế. Tài liệu còn tố cáo việc các phương tiện truyền thông của Nga ở Mỹ và châu Âu bị “kiểm duyệt gắt gao chưa từng có”.
Trong tài liệu thứ hai, bộ Ngoại Giao Trung Cộng trình bày “Sáng kiến cho an ninh thế giới”, nêu lên những nguyên tắc chính, với khoảng 20 điểm rất cụ thể và một phương pháp để đạt đến mục tiêu đó.
Chiến lược này dựa trên 6 cam kết, trong đó có tầm nhìn của Tập Cận Bình về “một nền an ninh chung và bền vững” được đưa ra vào năm 2014, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Về điểm này, tài liệu cho rằng “ tâm lý chiến tranh lạnh, chủ nghĩa đơn phương, sự đối đầu giữa các khối, và thế bá quyền là đi ngược lại tinh thần của Hiến chương Liên Hiệp Quốc”. Đây là những cụm từ mà Bắc Kinh vẫn dùng để mô tả chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.
Theo nhận định của tờ Le Monde, Trung Cộng đưa ra sáng kiến nói trên nhằm cổ vũ cho một trật tự thế giới mới và gia tăng ảnh hưởng như họ đang làm từ 10 năm qua, thông qua các dự án “những con đường tơ lụa mới”.
Đài Loan tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ để ngăn chặn ‘‘bành trướng độc tài’’ (RFI)
Hôm 21/02/2023, sau khi tiếp phái đoàn nghị sĩ Mỹ, tại Đài Bắc, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác quân sự với Hoa Kỳ để ngăn chặn các thế lực ‘‘bành trướng độc tài’’.
Theo AFP, tổng thống Đài Loan khẳng định : ‘‘Đài Loan sẽ hợp tác mạnh mẽ hơn với Hoa Kỳ và các đối tác dân chủ khác để đối mặt với các thách thức quốc tế, như chủ nghĩa bành trướng độc tài và biến đổi khí hậu’’. Bà Thái Anh Văn nhấn mạnh: ‘‘Cùng nhau, chúng ta sẽ có thể tiếp tục bảo vệ các giá trị dân chủ và tự do’’.

Đoàn nghị sĩ Mỹ có chuyến công du 5 ngày tại Đài Loan. Hợp tác về quốc phòng và bán dẫn là hai trọng tâm của chuyến đi. Nghị sĩ Dân Chủ Ro Khanna, thành viên của tân ủy ban của Hạ Viện phụ trách ‘‘cạnh tranh chiến lược với đảng Cộng Sản Trung Cộng’’ khẳng định mục tiêu của chuyến công du này là nhằm mở rộng ‘‘đối tác về quân sự và quốc phòng’’ và củng cố quan hệ của Mỹ với đảo quốc, đặc biệt về lĩnh vực bán dẫn.
Phái đoàn đã có cuộc gặp với ông Morris Chang, nhà sáng lập tập đoàn TSMC, đứng hàng đầu về sản xuất chíp điện tử. Hoa Kỳ hiện đang triển khai chính sách hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn Trung Cộng mua và sản xuất chíp bán dẫn cao cấp ‘‘được sử dụng cho mục tiêu quân sự’’.
Chuyến công du của phái đoàn nghị sĩ Mỹ diễn ra sau chuyến đi của quan chức cao cấp bộ Quốc Phòng Mỹ, phụ trách Trung Cộng, ông Michael Chase, hôm thứ Sáu 17/02, quan chức cao cấp nhất trong chính phủ Mỹ đến Đài Loan kể từ năm 2019, theo Financial Times. Chính quyền Trung Cộng đã cực lực lên án chuyến đi này.
Phái đoàn Trung Cộng đầu tiên đến Đài Loan kể từ đầu đại dịch
Theo AFP, hôm nay 21/02, thị trưởng Đài Bắc Tương Vạn An (Chiang Wan-an) đã tiếp một phái đoàn Trung Cộng đến từ Thượng Hải. Đứng đầu phái đoàn là người phụ trách quan hệ với Đài Loan của thành phố Thượng Hải, Lý Hiểu Đông (Li Xiao-dong). Phái đoàn đến Đài Loan từ thứ Bảy 18/02. Thành phố Đài Bắc hiện do đảng đối lập Quốc Dân Đảng kiểm soát. Chủ trương của Quốc Dân Đảng là siết chặt quan hệ với Trung Cộng.
Phó chủ tịch Quốc Dân Đảng Hạ Lập Ngôn (Andrew Hsia) vừa có chuyến đi Trung Cộng 9 ngày. Ông Hạ kêu gọi Bắc Kinh dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu hàng Đài Loan và tăng số lượng các chuyến bay trực tiếp giữa hai bờ eo biển. Ông Tống Đào (Song Tao), người phụ trách các vấn đề Đài Loan của chính quyền Trung Cộng, khẳng định là Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Quốc Dân Đảng để thúc đẩy quan hệ song phương trên nguyên tắc Đài Loan không tuyên bố độc lập.
Mỹ và Úc sẽ cùng Philippines tuần tra chung ở Biển Đông (RFA)
Cả Mỹ và Úc đều đang đàm phán với Philippines về khả năng tham gia tuần tra chung ở Biển Đông vào khi Trung Cộng đang gia tăng các nỗ lực khẳng định những đòi hỏi về chủ quyền của Bắc Kinh ở vùng nước đang có tranh chấp giữa nhiều quốc gia.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc là Richard Marles đã gặp người đồng cấp Philippines Cartilo Galvez Jr. hôm 21/2 vừa qua ở Manila để thảo luận vấn đề này.
Nói với báo giới tại họp báo sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết hai bên đã thảo luận về khả năng tuần tra chung và sẽ tiếp tục thảo luận. Ông hy vọng sẽ sớm có kết quả.
Hôm 20/2, chính phủ Philippines thông báo Washington và Manila cũng đang thảo luận về các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông.
Bộ Quốc phòng Mỹ hồi đầu tháng này cũng cho biết hai bên đã “đồng ý để khởi động lại các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông”. Tuy nhiên, thông tin cụ thể về các cuộc tuần tra bao gồm các phương tiện tham gia tuần tra hiện vẫn còn trong vòng đàm phán.
Các cuộc tuần tra chung giữa Mỹ và Philippines đã bị cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte quyết định ngưng lại sau khi ông nhận chức Tổng thống vào năm 2016 vì không muốn làm Trung Cộng tức giận.
Bắc Kinh trong thời gian qua đã có các hành động bị Philipppines cáo buộc là gây hấn, đe dọa chủ quyền của Philippines ở các vùng nước thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Tuần duyên Philippines hồi đầu tuần này cáo buộc tàu Hải cảnh và hàng chục tàu dân quân biển của Trung Cộng đã bao vây Bãi Cỏ Mây và Sabina do Philippines kiểm soát.
Biển Đông là vùng nước hiện có tranh chấp chủ quyền giữa các nước bao gồm: Trung Cộng, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Đài Loan.
Trung Cộng là nước đòi chủ quyền nhiều nhất ở vùng biển này với khoảng 90% diện tích vùng biển. Bắc Kinh cũng liên tục lên tiếng chỉ trích Mỹ và đồng minh đã gây bất ổn trong khu vực khi điều các tàu và máy bay tuần tra vào vùng Biển Đông.
Tin Việt Nam.
Bloomberg: Trấn áp tham nhũng khiến các quan chức sợ đến nỗi “không làm gì cả”
Đài VOA vừa dẫn bản điều nghiên của báo Bloomberg nói rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đang ngày càng lo lắng về một câu thần chú mới lan truyền trong giới quan chức: “Làm nhiều, gặp nhiều rắc rối; Làm ít, gặp ít rắc rối hơn; Không làm gì thì không gặp rắc rối.”
Tờ báo chuyên về tài chính của Mỹ nhận định từ các cuộc phỏng vấn với các quan chức, nhà phân tích, chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp, rằng càng ngày các quan chức càng chọn phương án cuối cùng và điều này cũng đang gây tác động đến một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.

Các quan chức cảnh giác khi ký kết các dự án đầu tư vì sợ rằng họ có thể bị dính líu đến tham nhũng trong lúc chiến dịch chống tham nhũng trên diện rộng đã hạ bệ ba quan chức cao nhất của Việt Nam trong năm nay, theo nhiều quan chức yêu cầu không nêu danh tính vì sợ bị trừng phạt cho Bloomberg biết.
Tháng trước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bất ngờ “từ chức” không lâu sau khi hai phó thủ tướng từng dưới quyền ông, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, phải rời chức vụ giữa nhiệm kỳ. Việc thanh trừng chưa từng có tiền lệ này ở Việt Nam diễn ra giữa lúc cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt ngày càng mở rộng tới nhiều bộ ngành của chính phủ.
Các quan chức dấu tên nói với Bloomberg, có trụ sở ở New York, rằng việc phê duyệt theo thông lệ các dự án phát triển bất động sản hoặc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đang ngày càng bị trì hoãn.
Một quan chức giám sát việc phê duyệt cơ sở hạ tầng cho Bloomberg biết rằng ông thà bị quở trách vì không làm gì cả còn hơn có nguy cơ bị bỏ tù vì mắc bất kỳ sai lầm nào. Một người khác cho biết mối lo lắng nhất là ở các quan chức cấp địa phương vì họ là những người phải ký duyệt các dự án và các văn bản pháp lý.
“Không ai ở Việt Nam muốn được biết là đã thông qua bất cứ cái gì bởi vì họ không biết liệu điều đó sau này có trở thành bằng chứng chống lại họ trong cuộc chiến chống tham nhũng hay không,” Albert Park, kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nói với Bloomberg. Theo kinh tế gia này, thậm chí ngay cả bộ phận nghiên cứu của ông cũng đang phải vật lộn để có được sự chấp thuận, thường là ngay tức thì, cho một dự án.
Đại diện từ văn phòng thủ tướng và bộ ngoại giao không đưa ra bình luận trước yêu cầu của Bloomberg.
Ghi chú: Mời Quý Độc Giả theo dõi bài Chính Phủ “phản pháo” Doanh Nghiệp tại “bàn cờ” Bất Động Sản Việt Nam, sẽ đăng nay mai.
CSVN ngăn cản Lãnh Sự Hoa Kỳ gặp Giáo Hội Tin Lành Tây Nguyên
Chính quyền ở hai huyện Buôn Đôn và Cư Mgar của tỉnh Đắk Lắk ngày 22/02 ngăn cản phái đoàn của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Saigon đến gặp các tu sĩ và tín đồ của Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, một nhóm tôn giáo không được chính quyền Việt Nam công nhận.
Một số thầy truyền giáo ở các địa phương khác được mời đến nhà của hai thầy truyền đạo là Y Kreec Bya và Y Cung Niê để gặp hai viên chức ngoại giao Mỹ nhằm phản ánh tình trạng vi phạm tự do tôn giáo mà những người trong hội thánh này đối mặt trong thời gian gần đây.
Tại địa điểm nhà riêng của ông Y Kreec Bya (ở buôn Cuor Knia, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn), phái đoàn Hoa Kỳ không thể vào nhà vì nhiều người mặc thường phục chặn ở ngay cổng. Ông Y Kreec Bya nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào trưa cùng ngày:
“Sáng khoảng 10 giờ ông Đại Sứ quán Hoa Kỳ (phái đoàn Tổng Lãnh sự quán- PV) đến thăm Hội Thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên của chúng tôi để nhận biết và trao đổi với họ về tự do tôn giáo và tín ngưỡng.

Nhưng mà họ xuống rất là đông, các ban ngành, lực lượng công an đứng bên ngoài canh gác, trước cửa nhà can thiệp và không cho phái đoàn vào trong nhà để trao đổi với nhau.
Họ cũng đuổi phái đoàn Hoa Kỳ về luôn, không cho bắt tay, không cho nói chuyện.”
Thầy Truyền Giáo Tin Lành, ông Y Kreec Bya nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 22 tháng 2 rằng, công an các cấp canh gác nhà ông từ ngày hôm trước và những người mà phía Hoa Kỳ có dự định gặp ở nhà của ông, đồng thời đe dọa “nếu Hội Thánh Tin lành Đấng Christ không dừng hoạt động họ sẽ làm các biện pháp mạnh hơn cứng rắn hơn.”
Hai thầy truyền đạo Y Nguyet Buôn Krong và Y Cơi Buôn Krong, cùng ở buôn Komleo, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, cách nhà ông Y Kreec 14 km đều bị giam lỏng trong nhà không cho đi tham dự cuộc gặp. Ông Y Nguyet Buôn Krong nói qua điện thoại:
“Sau khi quốc tế đưa Việt Nam vào danh sách đen đặc biệt quan tâm, họ (chính quyền) đàn áp rất căng. Mỗi chủ nhật, khi chúng tôi sắp thực hành nghi lễ tôn giáo, họ đứng trước cổng nhà tôi và đuổi hết các tín đồ về.”
Còn ông Y Cơi chỉ có thể nhắn tin cho phóng viên để nói về việc mình bị canh gác mà không thể gọi điện thoại vì người của chính quyền đứng rất gần, những người này đã đến canh nhà ông từ chiều ngày 20/2.
Ông cho biết, họ còn đe doạ cấm ông đi làm và bắt giam, không cho đi thăm anh ruột đang cấp cứu ở bệnh viện.
Tình trạng tương tự xảy ra ở buôn Sút M’đưng, xã Cư Suê, huyện Cư Mgar vào ngày 22/2.
Theo video clip đăng tải trên trang Facebook Người Thượng Vì Công lý, một nhóm nhiều người mặc quần áo dân sự có đeo thẻ ngăn cản phái đoàn Hoa Kỳ khi họ định vào nhà của ông Y Cung Niê, buộc ba vị khách đứng dưới sân trao đổi với chủ nhà.
Có rất nhiều người khác vây xung quanh gây ồn ào bằng cả tiếng địa phương và tiếng Kinh.
Một phụ nữ đeo thẻ tên trước ngực kiểm tra giấy tờ của hai viên chức, nói to rằng “không có sự đàn áp, bắt bớ” đồng thời cho rằng:
“Nói chung trước đây gia đình anh em ở đây theo đạo, theo tín ngưỡng rất là tốt, tuy nhiên bây giờ do một số đối tượng, thành phần ở ngoài kích động mang tiếng ở đây thôi.
Thời gian vừa rồi có việc Y Quynh Buon Dap ở Thái Lan có viết giấy về kích động anh em có muốn tách ra. Nói về tôn giáo thôi mình khuyên thôi vì đây cũng là công dân của mình mà.”
Sau khi người phiên dịch chuyển ngữ sang tiếng Anh, một trong hai viên chức ngoại giao Hoa Kỳ nói với chủ nhà bằng tiếng Việt cho biết, không thể có cuộc gặp trong ngày vì đang có nhiều xung đột và “hy vọng được gặp lại trong tương lai” trong một cuộc gặp “yên lặng” hơn.
Chúng tôi có gọi điện cho ông Chánh Văn phòng Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk nhưng ông không nghe máy. Phóng viên cũng gọi điện cho ông Lê Văn Nuôi- Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn để hỏi về vụ việc nhưng ông nói cần phải đến gặp trực tiếp để được cung cấp thông tin.
Chúng tôi cũng gửi email tới lãnh đạo của tỉnh và hai huyện nhưng chưa nhận được phản hồi.
Phóng viên cũng gửi email tới tòa Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh để đề nghị bình luận về sự việc tuy nhiên chưa nhận được thư trả lời.
Bình luận về sự việc, mục sư Aga từ tiểu bang North Carolina (Mỹ) thuộc Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, nói với RFA trong tối 22/2:
“Bấy lâu nay họ (phía Hoa Kỳ) đã biết việc chính quyền cộng sản đàn áp những hội thánh Tây Nguyên và các hội thánh độc lập khác. Họ chính thức bây giờ mới sắp xếp được thời gian đến thăm để muốn biết thực tế tình trạng đàn áp tôn giáo ở các tỉnh Tây Nguyên như thế nào.
Chính quyền luôn cho rằng những người muốn chống phá nhà nước luôn xuyên tạc bịa đặt không có thật và Việt Nam đã có quyền tự do đầy đủ thì đây chứng tỏ rõ ràng mình không nói dối xuyên tạc và vu khống chính quyền. Phái đoàn của Mỹ đến tận nơi và chứng kiến rất là rõ các vấn đề của Việt Nam.”
Trong thời gian gần đây, đặc biệt vào dịp Giáng sinh vừa qua, chính quyền tỉnh Đắk Lắk tìm mọi cách ngăn cản các nhóm tôn giáo độc lập khác thực hành nghi lễ, trong đó có Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên.
Đây là các hội thánh không được chính quyền Việt Nam thừa nhận. Những người thuộc Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên cho biết đơn xin được hoạt động tôn giáo của họ gửi chính quyền từ năm 2013 đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Chính quyền Việt Nam nhiều lần cáo buộc Hội thánh Tin lành Đấng Christ ở Tây Nguyên là phản động, chống phá Nhà nước. Những tín đồ theo đạo Tin lành Đấng Christ mà RFA phỏng vấn đều bác bỏ cáo buộc này.
Ngày 2/12/2022, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào nhóm các nước thuộc Danh sách Giám sát Đặc biệt (Special Watch List) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo. Nếu sau một thời gian Việt Nam vẫn không cải thiện thì đó là căn cứ để bị chỉ định vào Danh sách quan tâm đặc biệt (CPC) là mức cao nhất đối với các quốc gia vi phạm quyền tự do tôn giáo.
Thanh Hóa xây tượng đài hơn 125 tỷ đồng
Tỉnh Thanh hóa hôm 21/2 khởi công xây dựng một công viên trị giá hơn 125 tỷ đồng. Đây là công viên tưởng niệm 64 giáo viên và học sinh đã hy sinh khi bảo vệ đê Sông Mã trong năm 1972.
Theo truyền thông Nhà nước, chủ trương xây dựng tượng đài này được Hội đồng Nhân dân Thanh Hóa thông qua tại kỳ họp tháng 4/2019. Dự kiến kế hoạch triển khai dự án là từ 2019 đến 2021 nhưng đến nay mới được thực hiện.
Dự án do UBND Thanh Hóa là chủ đầu tư với diện tích là 2,05 héc-ta, dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2024. Nguồn vốn huy động từ ngân sách tỉnh và do UBND thành phố huy động.
Hồi tháng 8 năm ngoái, Thanh Hóa cũng cho khởi công xây dựng một tượng đài khác với trị giá là 225 tỷ đồng. Dự án là Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc gồm hạng mục chính là tượng đài con tàu tập kết dự kiến hoàn thành giữa năm 2023. Dự án này được cho biết do ngân sách tỉnh hỗ trợ là 76,5 tỷ đồng, vốn ngân sách thành phố Sầm Sơn và các nguồn huy động khác là 178,5 tỷ đồng.
Dự án tượng đài 225 tỷ đồng của Thanh Hóa đã bị trì hoãn hồi năm 2021 do đại dịch COVID-19. Một số người dân đã đưa các nhận xét trên Facebook phản đối dự án này vì cho rằng Chính phủ đang xin tiền dân để mua vắc-xin thì Thanh Hóa là bỏ hàng trăm tỷ đồng ra xây tượng đài.
Nhiều người cũng đã từng có phản ứng trước đó khi Thanh Hóa vào năm 2020 đầu tư 50 tỷ đồng để xây dựng Biểu tượng di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, với Tượng đài Búa liềm, Chim Lạc và Trống đồng.
Những người dân Thanh Hóa trả lời phỏng vấn của RFA cho rằng Thanh Hóa đã lãng phí tiền thuế của dân vào việc xây dựng các tượng đài không có ý nghĩa thiết thực.
Việc các địa phương tại Việt Nam xây dựng tượng đài thời gian gần đây liên tục gặp phải các thắc mắc của người dân trên mạng xã hội vì cho rằng tốn kém trong khi còn nhiều vấn đề kinh tế và xã hội khác cấp thiết hơn cần đầu tư. (RFA)
Dấu hiệu nạn thất nghiệp có thể gia tăng tại Việt Nam
Một công ty ngoại quốc mới đây loan báo cắt bớt 6,000 nhân công vì thiếu đơn đặt hàng, báo hiệu nạn thất nghiệp có thể gia tăng ở Việt Nam.
Theo bản tin thông tấn Reuters ngày Thứ Ba 21 Tháng Hai, tập đoàn Pou Chen của Đài Loan thông báo cắt bớt 3 ngàn công nhân ngay trong tháng này. Đồng thời từ nay đến cuối năm sẽ không gia hạn hợp đồng với 3,000 công nhân nữa.
Lý do được nêu ra là viễn ảnh nhu cầu tiêu thụ xuống thấp. Pou Chen có một số cơ sở tại Việt Nam, là nhà thầu sản xuất giày dép cho một số nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới như Nike, Addidas. Riêng cơ sở của họ ở khu vực Sài Gòn thâu dụng tới hơn 50,000 nhân công. Kỹ nghệ sản xuất giày dép và quần áo tại Việt Nam, cả các công ty ngoại quốc và nội địa, thu dụng nhiều triệu công nhân.

Việc Pou Chen loan báo cắt giảm nhân công trái ngược với những tháng cuối năm 2021 khi họ cũng như hàng loạt các công ty khác tới tấp tuyển mộ nhân công làm việc trở lại, tiếp tục sản xuất sau đợt đóng cửa chống đại dịch COVID-19.
Tháng Tám 2022, hãng điện tử Samsung loan báo cắt giảm giờ làm của công nhân tại cơ sở của họ ở Việt Nam mà bình thường họ phải gia tăng sản xuất để cung cấp sản phẩm bán vào dịp lễ tết cuối năm. Không riêng gì Samsung, tình hình sản xuất tại nhiều công ty ngoại quốc đầu tư tại Việt Nam từ giữa năm 2022 đến nay không có dấu hiệu cải thiện.
Cuối Tháng Giêng 2023, Tổng cục Thống kê Hà Nội báo cáo trị giá hàng hóa xuất cảng vào tháng này đã giảm mất 26% so với cùng thời gian này của năm ngoái. Đồng thời, nhập cảng với phần lớn là nguyên liệu và bộ phận rời để sản xuất hàng hóa hoàn thiện, cũng giảm đến 24%. Tình trạng giảm cả xuất cảng và nhập cảng có thể báo hiệu khả năng xuất cảng sản phẩm tiêu dùng của Việt Nam xuống thấp hơn những tháng tới đây.
Ngày 10 Tháng Giêng, Tổng cục Thống kê Hà Nội họp báo cho biết, khoảng 1.8 triệu người thất nghiệp tại Việt Nam vào quý 4 năm 2022. Với những dấu hiệu đang diễn ra, công nhân chỉ được trả lương tạm đủ chi dùng ở mức tối thiểu nên nếu chẳng may bị thất nghiệp, họ sẽ vô cùng khốn đốn. Báo chí tại Việt Nam gần đây có một số ký sự về dân lao động thất nghiệp phải đi lượm ve chai, nhặt rác.
Tổng cục Thống kê cho biết, “Trong thời gian tới, tình hình trong nước và thế giới tiếp tục có nhiều biến động khó lường. Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn, đơn hàng sẽ bị tiếp tục cắt giảm có thể hết quý I, thậm chí quý II/2023 dẫn đến nhiều người lao động bị mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống”.
Quảng Ninh: Khởi tố, bắt giam ông Đỗ Hữu Ca về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh hôm 22/2 ra Quyết định khởi tố bị can, đồng thời tống đạt lệnh bắt tạm giam đối với cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng, Thiếu Tướng Đỗ Hữu Ca, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Truyền thông Nhà nước trích dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết, ông Ca đã nhận 35 tỷ đồng của doanh nghiệp để chạy án nhưng không thành. Mặc dù vậy, ông Ca vẫn giữ lại số tiền chạy án này.
Vụ án này liên quan đến một vụ án bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố hồi tháng 4/2022 liên quan đến những sai phạm trong đấu thầu mua bán vật tư, thiết bị xảy ra tại Công ty Nhiệt điện Đông Triều. Công an đã hởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Dân Trí trích nguồn tin giấu tên cho biết gia đình ông Ca đã nộp trả lại số tiền này để khắc phục hậu quả.
Ông Đỗ Hữu Ca, sinh năm 1958, đã từng nắm giữ chức Giám đốc Công an TP Hải Phòng từ tháng 7/2010 đến tháng 6/2013. Ông Ca nổi tiếng là người đã trực tiếp chỉ đạo vụ cưỡng chế đất của gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng vào năm 2012 dẫn đến nổ súng khiến bốn công an và hai dân thường bị thương. Sáu người dân đã bị bắt và khởi tố sau vụ cưỡng chế.
Vụ cưỡng chế sau đó được Chính phủ xác định là có sai phạm. Tuy nhiên, lãnh đạo Công an Hải Phòng vào lúc đó chỉ bị kiểm điểm trách nhiệm trong công tác tham mưu, chỉ đạo, nắm tình hình và xử lý tình huống không tốt để gây ra hậu quả nghiêm trọng trong vụ việc cưỡng chế, thu hồi đất. (Trích RFA)
CSVN ỳ ạch gỡ ‘thẻ vàng’ chống khai thác thủy sản bất hợp pháp
Nhà cầm quyền Hà Nội ra kế hoạch 3 tháng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp với hy vọng Liên Âu (EU) gỡ bỏ “thẻ vàng” đe dọa cấm xuất cảng.
“Kế hoạch hành động chống IUU” mà trong đó nhà cầm quyền trung ương thúc các bộ, ngành, địa phương, từ nay đến Tháng Năm, phải thi hành những điều EU đề ra.
IUU là thuật ngữ viết tắt của nhóm từ “Illegal, Unreported, Unregulated”, tức là hoạt động khai thác thủy sản “bất hợp pháp, không báo cáo (khai báo) và không được quản lý”. Các nước EU không chấp nhận cho các nước khác xuất cảng thủy sản vào thị trường EU nếu nằm trong danh mục bị cấm đoán. Thẻ vàng là cảnh cáo. Thẻ đỏ là cấm.
Eu là thị trường quan trọng xuất cảng thủy sản của Việt Nam. Năm 2017, EU thông báo “thẻ vàng” tức cảnh cáo Việt Nam là sẽ cấm nước này xuất cảng thủy sản sang đó nếu không chứng minh được xuất xứ hợp pháp. Hà Nội đã khuyến cáo ngư dân, đồng thời buộc các tàu đánh cá xa bờ phải gắn máy định vị và tránh khai thác thủy sản ở vùng biển các nước khác.
Dù vậy, tình trạng vẫn còn tiếp diễn. Trước áp lực của Liên Âu, Hà Nội buộc phải thúc ép các bộ, ngành và địa phương trong vòng 3 tháng phải “thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định.”
Cho tới nay, khoảng 95% tàu đánh cá xa bờ của Việt Nam đã gắn máy định vị. Tuy nhiên, một số tàu đã cố tình tắt máy định vị để có thể đánh bắt ở những khu vực họ muốn. Chính vì vậy, thông tin từ Tổng cục Thủy Sản ở Hà Nội nói rằng trong năm 2022, có 81 vụ tàu đánh cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài với 957 ngư dân bị nước người ta bắt giữ. Chỉ một số rất ít những vụ bắt giữ vừa kể được báo chí nước ngoài đưa tin và báo chí tại Việt Nam thuật lại.
Theo một thống kê năm 2020, Việt Nam có khoảng 30,500 tàu đánh cá xa bờ có công suất lớn hơn 90CV trên tổng số 96,600 tàu các loại. Tổ chức theo dõi hoạt động trên biển của Trung Quốc SCSPI thường xuyên thống kê hoạt động tàu biển của Việt Nam nói trong Tháng Giêng 2023, ghi nhận có 7,322 tàu cá Việt Nam hoạt động tại Biển Đông. SCSPI chỉ thống kê tàu đánh cá của Việt Nam mà tảng lờ thống kê vị trí số lượng tàu đánh cá Trung Quốc, gồm cả tàu “dân quân biển”. Nhưng một tổ chức quốc tế có tên là Global Illegal Fishing Index thống kê cho biết Trung Quốc là nước vi phạm quy định IUU tệ hại nhất thế giới.
Hà Nội có “khắc phục” được nạn đánh bắt thủy sản bất hợp pháp để gỡ “thẻ vàng” trong năm nay hay không, tờ Dân Việt ngày 20 Tháng Hai nói rằng hiện “vẫn chưa đạt những yêu cầu của EU đề ra”.(TN)