Tin Thế Giới.
Cuộc chiến Ukraine: TT Zelensky nói tình hình ở Bakhmut ngày càng tồi tệ (BBC)
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết tình hình ở thành phố Bakhmut, trên tiền tuyến phía đông, đang trở nên “ngày càng tồi tệ hơn”.
Quân đội Nga đã cố gắng chiếm lấy thành phố này trong hơn sáu tháng.
“Kẻ thù liên tục phá hủy mọi thứ có thể được sử dụng để bảo vệ các vị trí của chúng tôi“, ông Zelensky nói.

Phát biểu của nhà lãnh đạo Ukraine được đưa ra khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, trong chuyến thăm Kyiv hôm 27/2, cảnh báo Trung Cộng về vấn đề trang bị vũ khí cho Nga
Thành phố Bakhmut, thuộc vùng Donetsk của Ukraine, một phần nằm dưới sự kiểm soát của Nga và các đồng minh ly khai. Đây là nơi diễn ra một số cuộc giao tranh ác liệt nhất kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào hơn một năm trước.
Gần đây, quân đội Nga đã tăng cường nỗ lực nhằm chiếm thành phố công nghiệp này, và đã giành được vị thế.
Lãnh đạo phe ly khai của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, Denis Pushilin, cho biết “thực tế tất cả các con đường” dẫn vào thành phố đều “nằm dưới sự kiểm soát hỏa lực [của Nga]”.
Đánh giá về tình hình trong bài phát biểu hàng đêm, Tổng thống Zelensky cho biết việc xoay sở để giành được vị thế ở Bakhmut và đảm bảo khả năng phòng thủ của thành phố đang bị tổn hại nặng nề trước cuộc tấn công mới của Nga.
Ông Zelensky “biết ơn từng người đã anh dũng giữ vững” địa bàn thành phố.
Tổng thống Ukraine một lần nữa kêu gọi hỗ trợ máy bay chiến đấu hiện đại để “toàn bộ lãnh thổ của đất nước chúng tôi” có thể được bảo vệ khỏi “sự khủng bố của Nga”.
Trong chuyến thăm bất ngờ tới Kyiv hôm 27/2, bà Janet Yellen đã công bố khoản viện trợ kinh tế và ngân sách mới nhất trị giá 1,25 tỷ USD cho Ukraine.
Tổng thư ký NATO nói Ukraine sẽ gia nhập liên minh này ‘trong dài hạn’ (BBC)
Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg nói Ukraine sẽ trở thành thành viên của tổ chức này “về dài hạn”, nhưng lúc này Ukraine cần giữ độc lập trong lúc đối mặt với cuộc xâm lăng của Nga.
Ukraine đã mong muốn gia nhập liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu nhiều năm nay.

Sau khi Nga xâm lược Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky yêu cầu đơn xin gia nhập Nato của nước này được xét duyệt nhanh.
Ukraine cũng làm đơn xin gia nhập EU chỉ ít ngày sau khi Nga xâm lược, và được trao tư cách ứng viên EU hồi tháng Sáu.
“Các nước đồng minh trong khối Nato nhất trí rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của liên minh, nhưng cùng lúc đây là một viễn cảnh dài hạn,” ông Stoltenberg nói với các phóng viên trong chuyến thăm Helsinki, thủ đô Phần Lan.
“Vấn đề lúc này là Ukraine có thể tồn tại như một quốc gia độc lập có chủ quyền.”
Trong nhiều năm qua, Ukraine đã tỏ ý muốn gia nhập liên minh quân sự gồm Mỹ, Canada và 28 quốc gia châu Âu, điều mà Tổng thống Vladimir Putin mô tả là một mối đe dọa an ninh đối với Nga.
Ông Zelensky kêu gọi Nato xét cho Ukraine gia nhập nhanh chóng, nhưng hiện không rõ liệu các nước trong liên minh Nato có xem xét cho Ukraine tư cách thành viên đầy đủ hay không ngay cả khi cuộc chiến kết thúc, mặc dù họ cam kết sẽ ủng hộ.
Khi cuộc chiến kết thúc “chúng ta cần đảm bảo rằng lịch sử không lặp lại”, ông Stoltenberg nói, trong một cuộc họp báo vơi Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin.
“Tổng thống Putin không thể tiếp tục tấn công các nước láng giềng. Ông ta muốn kiểm soát Ukraine và ông ta không có kế hoạch cho hòa bình, ông ta lên kế hoạch cho chiến tranh thêm nữa,” hãng tin AFP dẫn lời vị tổng thư ký Nato.
Bộ trưởng Ngân khố Mỹ bất ngờ thăm Kyiv, tái khẳng định viện trợ cho Ukraine (VOA)
Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen có chuyến thăm bất ngờ tới Kyiv ngày 27/2 để tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Ukraine trong cuộc đấu tranh chống lại cuộc xâm lược của Nga và quảng bá viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ nhằm củng cố nỗ lực chiến tranh của Ukraine.
Bà Yellen gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskyy và các quan chức chính phủ quan trọng khác, nhắc lại những đảm bảo của Hoa Kỳ do Tổng thống Joe Biden đưa ra một tuần trước tại Kyiv.

“Mỹ sẽ sát cánh với Ukraine cho đến chừng nào còn có thể,” bà Yellen, đứng giữa các bao cát tại văn phòng bộ trưởng nội các, nói với Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal.
Trong cuộc gặp riêng với ông Zelenskyy vào cuối buổi chiều, Bộ Ngân khố nói bà khen ngợi ông “vì sự lãnh đạo và quyết tâm của ông khi đối mặt với cuộc chiến bất hợp pháp và vô cớ của Nga.”
Bộ Ngân khố cho biết bà hoan nghênh các hành động của ông Zelenskyy nhằm tăng cường quản trị và giải quyết nạn tham nhũng – những hành động cần thiết để đảm bảo rằng viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ được chi tiêu một cách có trách nhiệm.
“Hoa Kỳ đã hỗ trợ chúng tôi một cách mạnh mẽ kể từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến này không chỉ bằng vũ khí mà còn trên mặt trận tài chính”, ông Zelenskyy nói trên kênh truyền thông xã hội Telegram.
“Cần tăng cường hơn nữa các biện pháp trừng phạt nhằm tước đi khả năng tài trợ cho cuộc chiến của Nga”.
Trong bài phát biểu trước công chúng, ông Shmyhal nói ông và bà Yellen đã thảo luận về các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga, bao gồm cả việc tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga để mang lại lợi ích cho sự phục hồi của Ukraine.
Nhưng bà Yellen nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo rằng vẫn còn những trở ngại pháp lý đáng kể đối với việc tịch thu hoàn toàn khoảng 300 tỷ đô la tài sản của ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng và bày tỏ sự thận trọng về những hạn chế mới đối với lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Nga.
Bà Yellen tuyên bố chuyển 1,25 tỷ đô la đầu tiên từ đợt hỗ trợ kinh tế và ngân sách mới nhất trị giá 9,9 tỷ đô la từ Washington.
Chiến tranh Ukraina : Nhiều nước láng giềng Trung Cộng tăng tốc vũ trang (RFI)
Cuộc chiến do Nga phát động từ tháng 02/20222 ở Ukraina dường như khiến các nước láng giềng của Trung Cộng gia tăng ngân sách quốc phòng. Báo mạng Hồng Kông South China Morning Post ngày 26/02/2023 trích một số chuyên gia Trung Cộng cho rằng chiến tranh ở châu Âu cũng đã làm thay đổi đáng kể tình hình an ninh ở châu Á.
Trong một bài báo đăng trên tạp chí Thái Bình Dương của đại học Nhân Dân Trung Cộng, nhóm nghiên cứu cho rằng « cuộc khủng hoảng ở Ukraina đã làm trầm trọng thêm căng thẳng xung quanh Trung Cộng, tạo ra một loạt thách thức mới về an ninh và khiến Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ ngả về phía Hoa Kỳ nhiều hơn ».
Tuy nhiên, theo báo cáo thường niên của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm – SIPRI, « xu hướng gia tăng chi tiêu quân sự không ngừng này đã có ít nhất từ năm 1989 ». Trong đó đứng đầu là Trung Cộng, cường quốc quân sự thứ hai thế giới, chi 229,6 tỉ đô la cho quốc phòng năm 2022, tăng 7,1% so với năm trước.
Quy mô phát triển quốc phòng của Trung Cộng, cũng như những tranh chấp lãnh thổ và mối đe dọa an ninh, như vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, khiến các nước láng giềng của Trung Cộng không ngừng tăng ngân sách quốc phòng. Ví dụ Nhật Bản tăng 26% cho năm 2023 và là mức tăng kỉ lục kể từ năm 1952. Chính quyền Tokyo dự kiến đến năm 2027 sẽ dành 2% GDP cho chi tiêu quân sự, thay vì 1,1% hiện nay.
Ấn Độ cũng dự kiến tăng ngân sách quốc phòng thêm 13% (72,6 tỉ đô la) cho năm 2023-2024 do những căng thẳng ở biên giới với Trung Cộng và Pakistan. Để đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc dành 42,1 tỉ đô la (tăng 4,6%) cho quốc phòng trong năm 2023 để hiện đại hóa hệ thống chống tên lửa, phát triển chiến đấu cơ, tầu ngầm và tăng lương cho quân nhân.
Cuối cùng, Đài Loan, bị Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai, đã dành 3,5 tỉ đô la cho « quỹ đặc biệt » từ tháng 08/2022 để mua vũ khí của Mỹ, đặc biệt là chiến đấu cơ F-16. Ngân sách quốc phòng năm 2023 của Đài Loan là 13,7 tỉ đô la, tăng 24% so với năm 2022.
Giám đốc CIA: Trung Cộng nghi ngại khả năng xâm lược Đài Loan (VOA)
Theo tình báo Hoa Kỳ, Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình đã chỉ thị cho quân đội nước này sẵn sàng xâm lược Đài Loan vào năm 2027 mặc dù hiện tại ông có thể đang nghi ngại về khả năng của mình để làm như vậy do kinh nghiệm của Nga trong cuộc chiến với Ukraine, Giám đốc CIA William Burns cho biết.
Ông Burns, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình phát sóng hôm 26/2, nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ phải xem xét “rất nghiêm túc” mong muốn kiểm soát Đài Loan của ông Tập Cận Bình ngay cả khi xung đột quân sự là không thể tránh khỏi.

“Chúng tôi biết, như đã được công khai, rằng Chủ tịch Tập đã chỉ thị cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Cộng PLA, ban lãnh đạo quân đội Trung Cộng, sẵn sàng xâm lược Đài Loan vào năm 2027, nhưng điều đó không có nghĩa là ông ấy quyết định xâm lược vào năm 2027 hay bất kỳ năm nào khác,” ông Burns nói với chương trình “Face the Nation” của CBS.
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng phán đoán của chúng tôi ít nhất là Chủ tịch Tập và giới lãnh đạo quân sự của ông ấy hiện nghi ngại về việc liệu họ có thể thực hiện được cuộc xâm lược đó hay không”.
Đài Loan và Trung Cộng chia cắt vào năm 1949 sau một cuộc nội chiến kết thúc với việc Đảng Cộng sản kiểm soát đại lục. Hòn đảo tự trị hoạt động như một quốc gia có chủ quyền nhưng không được Liên hiệp quốc hay bất kỳ quốc gia lớn nào công nhận. Năm 1979, Tổng thống Jimmy Carter chính thức công nhận chính phủ ở Bắc Kinh và cắt đứt quan hệ quốc gia với Đài Loan. Đáp lại, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Quan hệ Đài Loan, tạo ra một chuẩn mực cho một mối quan hệ tiếp tục.
Đài Loan đã nhận được nhiều sự bày tỏ ủng hộ chính thức của Mỹ đối với nền dân chủ trên đảo trước những màn phô trương vũ lực ngày càng tăng của Bắc Kinh, quốc gia tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình. Tổng thống Joe Biden đã nói rằng các lực lượng Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu Trung Cộng cố gắng xâm lược. Tòa Bạch Ốc cho biết chính sách của Hoa Kỳ không thay đổi khi nói rõ rằng Washington muốn thấy tình trạng của Đài Loan được giải quyết một cách hòa bình. Hiện vẫn chưa có thông tin về việc liệu các lực lượng Hoa Kỳ có thể được gửi đi để đáp trả một cuộc tấn công của Trung Cộng hay không.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 26/2, ông Burns cho biết sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu dành cho Ukraine sau cuộc xâm lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào Ukraine có thể đóng vai trò như một biện pháp ngăn chặn tiềm năng đối với các quan chức Trung Cộng vào lúc này nhưng cho biết nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công vào Đài Loan sẽ chỉ tăng lên mạnh mẽ hơn.
“Tôi nghĩ, khi họ xem xét kinh nghiệm của ông Putin ở Ukraine, điều đó có thể củng cố thêm một số nghi ngại đó,” ông Burns nói. “Vì vậy, tất cả những gì tôi muốn nói là tôi nghĩ rằng những rủi ro của việc sử dụng vũ lực tiềm ẩn có thể tăng lên trong thập niên này và sau đó nữa, trong thập niên tiếp theo.”
“Vì vậy, đó là điều hiển nhiên mà chúng tôi theo dõi rất, rất cẩn thận,” ông nói.
Đại sứ Mỹ: Trung Cộng phải ‘trung thực hơn’ về nguồn gốc COVID (VOA)
Trung Cộng phải trung thực hơn về nguồn gốc của đại dịch COVID-19, đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Cộng phát biểu hôm 27/2, sau khi có phúc trình của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ kết luận rằng đại dịch có thể phát sinh do rò rỉ virus từ một phòng thí nghiệm của Trung Cộng.
Ông Nicholas Burns, phát biểu qua liên kết video tại một sinh hoạt của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, cho biết cần phải thúc đẩy Trung Cộng đóng vai trò tích cực hơn trong Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nếu cơ quan y tế của Liên hiệp quốc được củng cố.

Trung Cộng cũng cần “trung thực hơn về những gì đã xảy ra ba năm trước ở Vũ Hán với nguồn gốc của cuộc khủng hoảng COVID-19”, ông Burns nói, đề cập đến thành phố miền trung Trung Cộng nơi những ca đầu tiên nơi người được báo cáo vào tháng 12 năm 2019.
Tờ Wall Street Journal lần đầu tiên đưa tin vào ngày 26/2 rằng Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã kết luận đại dịch có khả năng phát sinh từ một vụ rò rỉ phòng thí nghiệm của Trung Cộng, một đánh giá mà Bắc Kinh phủ nhận.
Bộ đưa ra nhận xét này với “mức tin tưởng thấp” trong một phúc trình tình báo mật gần đây được cung cấp cho Tòa Bạch Ốc và các thành viên chủ chốt của Quốc hội, Wall Street Journal cho biết, trích dẫn từ những người đã đọc phúc trình tình báo.
Vẫn theo nguồn tin này, bốn cơ quan khác của Hoa Kỳ, cùng với một ủy ban tình báo quốc gia, vẫn đánh giá rằng COVID-19 có khả năng là kết quả của sự lây truyền tự nhiên, trong khi có hai cơ quan khác còn chưa quyết định.
Bộ Năng lượng không trả lời yêu cầu bình luận.
Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden, Jake Sullivan, ngày 26/2 nói có “nhiều quan điểm khác nhau trong cộng đồng tình báo” về nguồn gốc của đại dịch.
“Một số người trong số họ nói rằng họ không có đủ thông tin”, ông Sullivan nói với đài CNN
Khi được yêu cầu bình luận về phúc trình, vốn đã được các phương tiện truyền thông khác của Hoa Kỳ xác nhận, Bộ Ngoại giao Trung Cộng đề cập đến một báo cáo liên kết giữa WHO và Trung Cộng chỉ ra nguồn gốc tự nhiên của đại dịch, có thể là từ loài dơi, chứ không phải do rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mao Ninh nói: “Một số bên nên ngừng nhắc lại câu chuyện ‘rò rỉ từ phòng thí nghiệm’, ngừng bôi nhọ Trung Cộng và ngừng chính trị hóa vấn đề truy xuất nguồn gốc.”
Mỹ và Thái Lan mở lại cuộc tập trận chung Cobra Gold trên quy mô lớn (RFI).
Hôm nay, 28/02/2023, Hoa Kỳ và Thái Lan đã khởi động trở lại cuộc tập trận thường niên đa quốc gia Cobra Gold (Hổ Mang Vàng). Bị thu hẹp trong hai năm vừa qua vì dịch bệnh Covid-19, cuộc tập trận Cobra Golf năm nay có quy mô lớn, diễn ra trên trên lãnh thổ Thái Lan cho đến ngày 10/03, huy động khoảng 10 ngàn quân nhân đến từ 30 nước. Viêt Nam tham gia sự kiện với tư cách quan sát viên.
Phát biểu nhân lễ khai mạc cuộc tập trận, đô đốc John Aquilino, chỉ huy Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố: “Thông qua Cobra Gold, chúng tôi thể hiện quyết tâm cùng nhau ứng phó để bảo đảm một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở sao cho mọi các quốc gia được hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.

Theo đô đốc Aquilino, chính nhờ thao diễn chung trong khuôn khổ cuộc tập trận Cobra Gold trước đây mà Mỹ và Thái Lan đã phản ứng tốt sau trận động đất gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ và các thảm họa thiên nhiên khác.
Được công nhận là cuộc thao diễn quân sự quốc tế lớn nhất ở Đông Nam Á, cuộc tập trận Cobra Gold năm nay huy động hơn 6000 quân nhân Mỹ, trong đó có 3800 lính thuộc lực lượng trên bộ, và 3000 binh sĩ Thái Lan. Theo tờ báo Nhật Bản Nikkei Asia, đối với Mỹ, đây là một lực lượng hùng hậu nhất được huy động trong một thập kỷ gần đây.
Bên cạnh hai thành phần chủ lực kể trên, hàng trăm binh sĩ đến từ Indonesia, Malaysia, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tham gia các cuộc tâp trận chính, trong lúc 10 quốc gia khác – Bangladesh, Brunei, Canada, Fiji, Pháp, Mông Cổ, Nepal, New Zealand, Philippines và Vương Quốc Anh – sẽ tham gia các cuộc hội thảo về việc thiết lập kế hoạch tác chiến đa quốc gia. Trung Cộng, Ấn Độ và Úc sẽ tham gia diễn tập nhân đạo và cứu trợ thiên tai.
Mười nước khác đã cử quan sát viên đến theo dõi cuộc tập trận, trong đó có Việt Nam, Lào, Cam Bốt và một số quốc gia ngoài khu vực như Brazil, Đức, Thụy Điển, Hy Lạp, Sri Lanka…
Tính chất hùng hậu của cuộc tập trận Hổ Mang Vàng năm nay trái ngược hoàn toàn với quy mô thu nhỏ của sự kiện này trong hai năm 2021 và 2022. Năm ngoái chẳng hạn, Cobra Gold chỉ huy động 3.460 quân nhân đến từ bảy quốc gia chính, với nhiều hoạt động bị hạn chế, bị hủy bỏ hoặc chỉ được thực hiện qua mạng.
Tất cả các hoạt động đều sẽ được tái lập vào năm nay, kể cả những bài tập đổ bộ. Theo ghi nhận của báo Nikkei Asia, lần đầu tiên sẽ có những bài tập ứng phó với các thảm họa đến từ không gian có thể ảnh hưởng đến hệ thống liên lạc vệ tinh.
Nhật, Úc có thể tham gia cùng Mỹ, Philippines tuần tra Biển Đông (VOA)
Philippines đang đàm phán để có thể đưa Úc và Nhật Bản vào kế hoạch tuần tra chung trên Biển Đông với Hoa Kỳ, một nhà ngoại giao cấp cao cho biết hôm thứ Hai (27/2), trong một dấu hiệu lo ngại khác về các hoạt động của Bắc Kinh trong vùng biển chiến lược.
“Các cuộc họp đã được ấn định và có lẽ chúng tôi có thể mời Nhật và Úc tham gia”, Đại sứ Philippines tại Hoa Kỳ Jose Manuel Romualdez nói với Reuters.

“Họ muốn tham gia tuần tra chung để đảm bảo có quy tắc ứng xử và tự do hàng hải”, đồng thời ông nói thêm rằng đây vẫn là “một ý tưởng đang được thảo luận”.
Nếu kế hoạch trở thành hiện thực, đây sẽ là lần đầu tiên Philippines tham gia các cuộc tuần tra hàng hải đa phương trên Biển Đông, một động thái có thể sẽ khiến Bắc Kinh tức giận. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phần lớn trong vùng biển này.
Bộ ngoại giao Úc và các đại sứ quán của Hoa Kỳ, Trung Quốc tại Manila không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Nhật Bản sẽ “khám phá khả năng hợp tác với các đối tác để tăng cường nhận thức về lĩnh vực hàng hải và thực thi pháp luật hàng hải”, Đại sứ quán Nhật Bản tại Manila nói hôm thứ Ba, đồng thời cho biết thêm rằng không có kế hoạch hay cuộc thảo luận cụ thể nào về các cuộc tuần tra chung.
Các cuộc đàm phán về tuần tra và tái cam kết với Hoa Kỳ nhấn mạnh mức độ mà Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. muốn tổ chức lại mối quan hệ với đồng minh lịch sử của mình, loại bỏ cách tiếp cận thù địch của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte đối với Washington trong khi vẫn theo đuổi sự can dự kinh tế chặt chẽ với cường quốc khu vực Trung Quốc.
Úc và Hoa Kỳ đã thảo luận riêng về các cuộc tuần tra chung với Philippines, giữa những lo ngại về sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi có khoảng 3,4 nghìn tỷ đô la thương mại đi qua mỗi năm.
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân ba bên và các cuộc tuần tra chung với các nước này sẽ “tốt cho Philippines và cho toàn bộ khu vực”, ông Romualdez nói, đồng thời thêm rằng “Chúng tôi muốn có tự do hàng hải”.
Tin Việt Nam.
CSVN họp đặc biệt chọn ông Võ văn Thưởng làm Chủ Tịch Nước
BBC được cho biết một hội nghị đặc biệt của 172 người quyền lực nhất thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã diễn ra sáng 1/3Ba Đình, Hà Nội, để chọn tân Chủ tịch nước, nhiều phần sẽ là ông Võ văn Thưởng, 52 tuổi, sinh quán Tỉnh Vĩnh Long để điền khuyết chức Chủ Tịch Nước sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc bị loại khỏi hệ thống cầm quyền trong chế độ độc tài trong tháng Giêng.

Nguồn tin từ Quốc hội được AFP trích thuật cho biết, bước kế tiếp sẽ là gần 500 thành viên Quốc hội cũng họp bất thường ngay sau đó để bầu chức Chủ Tịch Nước theo đề nghị của Ban Chấp Hành Trung Ương csVN,”
Theo đúng quy trình, phải có đa số thành viên Quốc hội bầu thì ông Võ văn Thưởng mới chính thức thành Chủ Tịch Nước. Tuy nhiên, nhà quan sát chính trị lâu năm Carl Thayer cho rằng, đó là một kết quả hầu như đã có thể dự đoán trước vì Quốc hội chỉ mang tính hình thức.
Dù là ai thì chức vụ Chủ Tịch Nước được chọn vào lúc này chỉ đảm nhiệm cương vị cho tới hết nhiệm kỳ, tức là tới tháng 5/2026.
Trên nửa triệu công nhân giảm thu nhập, mất việc
Gần 550.000 công nhân bị cắt giảm giờ làm trong vòng 5 tháng qua do đơn hàng bị cắt hoặc giảm đi, theo một báo cáo mới được công bố của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Báo cáo cho biết 546.835 công nhân của 1.300 doanh nghiệp tại 50 tỉnh, thành phố trên cả nước đã bị giảm giờ làm. Trong số này, hơn 491.000 người đã bị giảm giờ làm, bị sa thải tạm thời hoặc bị hoãn hợp đồng lao động; khoảng 50.000 công nhân bị cắt hợp đồng lao động.

Đa số những lao động bị ảnh hưởng (chiếm khoảng 75% ) là từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chuyên về dệt may, da giày và chế biến gỗ ở các tỉnh phía Nam, bao gồm TP.HCM, Long An, Tây Ninh, Đông Nai, Bình Dương, An Giang.
Báo cáo cho biết thêm rằng 36 doanh nghiệp ở 16 tỉnh, thành phố đang thiếu nợ đến 74 tỷ đồng tiền lương của 5.979 công nhân. Đến nay, mới chỉ có 486 công nhân được chi trả, còn hơn 5.400 công nhân khác vẫn bị nợ lương.
Trước đó trong tháng, Công ty Pouyuen tại TP HCM, một trong những công ty sản xuất giày lớn nhất của Việt Nam cho các thương hiệu lớn như Nike và Adidas, thông báo sẽ không gia hạn hợp đồng lao động với 3.000 công nhân hết hạn hợp đồng. Công ty của Đài Loan cũng sa thải khoảng 3.000 công nhân trong tháng 2.
Trong khi bị sa thải hàng loạt, hàng ngàn công nhân của Pouyuen hôm 1/3 cho báo chí biết họ vẫn phải đóng 10% thuế thu nhập cá nhân trong số tiền hỗ trợ 0,8% tháng lương cho mỗi năm làm việc.
Tình hình việc làm trên toàn cầu năm 2023 được cho là sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm, lãi suất tăng và lạm phát.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố vào tháng 10/2022 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam được dự báo có tỷ lệ thất nghiệp 2,3% trong năm 2023. (VOA)
CSVN bắt học sinh học tập xử án ‘Lợi dụng tự do dân chủ’
Nhiều báo tại Việt Nam ngày Thứ Hai 27 Tháng Hai đưa tin tòa án của chế độ ở thành phố Thủ Đức phối hợp với trường trung học phổ thông Thủ Thiêm tổ chức một phiên tòa giả định, xử tội người bị cáo buộc vi phạm điều 331 Luật hình sự nhằm đe doa giới trẻ.

Phiên tòa giả định nhằm đe dọa giới thanh thiếu niên xử dụng mạng xã hội phát biểu những điều bị coi là “chống phá” chế độ được tổ chức chỉ vài ngày sau khi Công an tống giam nhà báo Hàn Ni của báo SGGP và một số người bị cáo buộc theo điều 331. Bà này và bà Nguyễn Phương Hằng, tổng giám đốc công ty Đại Nam, lời qua tiếng lại trên mạng xã hội rồi cuối cùng cả hai đều bị bắt với cùng một tội danh.
Nhưng phiên tòa giả định đe nẹt học sinh Thủ Thiêm không “giả định” chuyện bôi bẩn lẫn nhau, dựng đứng những chuyện không có thật của đời tư cá nhân, mà là “tán phát nhiều bài viết, hình ảnh bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước lên các hội nhóm trên Facebook, thu hút hàng ngàn lượt tương tác, bình luận với những câu chữ hết sức thô tục”.
Chế độ Hà Nội đại kỵ tất cả các loại thông tin phê phán, đụng chạm tới hình ảnh lãnh tụ, chính sách nhà nước. Khi những thứ này được nhiều người chuyền đi trên mạng xã hội, kèm theo những lời bình phẩm, chỉ trích, đều không được tha thứ, hoặc coi như sự phê bình trái chiều bình thường trong một xã hội dân chủ để bỏ qua. Nó phải dẫn tới đe nẹt, cấm đoán. Cấm đoán không được thì bỏ tù.
Phiên tòa giả định diễn tiến theo trình tự như đã từng diễn ra trong thực tế khi coi bị cáo là “nguy hiểm” vì “xâm phạm lợi ích” về chính trị, kinh tế của chế độ, vì cố ý lập đi lập lại trong một thời gian dài. Kết quả phiên tòa là kẻ bị lôi ra tòa bị kết án nhằm làm gương cho người khác sợ, không còn can đảm đòi hỏi tự do, nhân quyền gì cả. Luật sư biện hộ dù có giỏi đến đâu cũng không có tác dụng.
Phiên tòa giả định tổ chức tại trường trung học phổ thông Thủ Thiêm có nội dung tương tự những vụ bắt bỏ tù nhiều người trước đây với cáo buộc vi phạm điều 331. Bản án theo tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” nhẹ hơn nhiều so với điều 88 vu cho người ta “Tuyên truyền chống nhà nước…” với bản án có thể đến 20 năm tù. Hoặc theo điều 117 “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc thông tin, tài liệu, vật phẩm” nhằm chống chế độ độc tài đảng trị Hà Nội cũng bị tới 20 năm tù.
Phiên tòa giả định nhằm đe dọa giới thanh thiếu niên xử dụng mạng xã hội phát biểu những điều bị coi là “chống phá” chế độ được tổ chức chỉ vài ngày sau khi Công an tống giam nhà báo Hàn Ni của báo SGGP và một số người bị cáo buộc theo điều 331. Bà này và bà Nguyễn Phương Hằng, tổng giám đốc công ty Đại Nam, lời qua tiếng lại trên mạng xã hội rồi cuối cùng cả hai đều bị bắt với cùng một tội danh.
Chưa có thống kê nào cho biết có bao nhiêu học sinh sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là bàn luận, trao đổi về các vấn đề thời sự. Có thể là ít nhưng phiên tòa giả định được tổ chức có vẻ như răn đe trước một khuynh hướng suy nghĩ của học sinh trước khi nó lan rộng.
Kinh tế Việt Nam chậm lại theo nhịp độ tiêu thụ thế giới
Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội công bố ngày Thứ Ba 28 Tháng Hai bản báo cáo định kỳ hàng tháng về các hoạt động kinh tế xã hội. Tuy cho hay sản xuất công nghiệp Tháng Hai gia tăng so với Tháng Giêng, nhưng cộng cả hai tháng vẫn thấp hơn cùng thời kỳ này năm ngoái.
“Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) Tháng Hai 2023 ước tính tăng 5.1% so với tháng trước và tăng 3.6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, IIP ước giảm 6.3% so với cùng kỳ năm trước”. Bản báo cáo của Tổng cục Thống kê (TCTK) viết. Cuộc chiến kéo dài tại Ukraine ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu tiêu dùng khắp nơi.
Do nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường khách hàng chậm lại, TCTK cho hay gộp chung cả hai tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất cảng chỉ được 49.44 tỉ đô la, giảm 10.4% so với cùng thời kỳ của năm ngoái. Trong đó, hàng công nghiệp chế biến chiếm đến 89.8%. Cũng vì xuất cảng giảm, nhập cảng nguyên vật liệu và phụ kiện để sản xuất xuất cảng cũng giảm theo 16% so với cùng thời kỳ này năm ngoái.
Theo hãng tin Reuters, các loại điện thoại thông minh mà giới đầu tư ngoại quốc sản xuất tại Việt Nam giảm sản lượng gần 10% trong khi sản xuất các bộ phận rời cho điện thoại giảm gần 15%. Tuy nhiên điện thoại thông minh xuất cảng vẫn gia tăng 14.7% nhiều phần nhờ các nhà sản xuất hạ thấp hàng tồn kho trong Tháng Hai.
Sản xuất giày dép gia tăng gần 19% trong Tháng Hai và xuất cảng tăng 4.1% sau khi đã giảm mạnh trong Tháng Giêng. Nói chung, cộng cả hai tháng lại thì xuất cảng giày dép đã giảm mất 16% so với cùng thời kỳ này năm ngoái. Công ty Pou Chen của Đài Loan, nhà thầu cung cấp giày dép cho các công ty Addidas, Nike dự trù sa thải tới 6,000 công nhân tại Việt Nam từ nay tới cuối năm vì nhu cầu thế giới giảm.
Hoa Kỳ vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam trong khi Trung Quốc vẫn là nguồn nhập cảng nguyên liệu và phụ kiện chính yếu phục vụ sản xuất xuất cảng của Việt Nam. TCTK nói hai tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất cảng sang Mỹ số lượng hàng hóa trị giá 13.1 tỉ đô la, trong khi nhập cảng từ Trung Quốc 14.6 tỉ đô la. Dù vậy, Việt Nam vẫn thặng dư thương mại được 2.3 tỉ đô la. Hiện hai Thứ trưởng Thương mại Hoa Kỳ đang có mặt ở Việt Nam thúc đẩy nước này gia tăng nhập cảng sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.
Khủng hoảng y tế tại Việt Nam do luật rườm rà và quan chức ‘đùn đẩy’
Ngày Thứ Bảy 25 Tháng Hai, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính ký một công điện gửi các bộ ngành của chế độ thúc hối đối phó với cuộc khủng hoảng y tế kéo dài từ mấy tháng qua. Thậm chí có bệnh viện dọa phải đóng cửa, có bệnh viện sắp cạn cả thuốc lẫn các hóa chất xét nghiệm.
Công điện thúc các Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, nhà cầm quyền các địa phương “khẩn trương kiểm tra, nắm tình hình, kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc quyền quản lý, triển quyết liệt khai các giải pháp cần thiết để bảo đảm đủ thuộc, trang thiết bị y tế phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh…”

Để vượt qua rào cản thủ tục hành chính chậm chạp, nhà cầm quyền trung ương sẽ phải ban hành “Nghị quyết” nhằm có hiệu lực ngay trong những ngày cuối Tháng Hai, đầu Tháng Ba này. Liên tiếp mấy ngày tuần qua, nhà cầm quyền trung ương họp liên tục với các chức sắc y tế nhằm “tháo gỡ các vướng mắc” gây ra tình trạng khủng hoảng hiện nay.
Luật lệ rườm ra, tròng tréo làm chuyện mua sắm khó khăn, một trong những lý do là ngăn chặn tham nhũng. Vì nhiều quan chức không riêng gì quan chức y yế bị bỏ tù vì tham nhũng, đám chức sắc nhà nước “sợ sai” làm cho cuộc khủng hoảng thêm khó đối phó. Bản công điện thúc giục quan chức của chế độ “tránh tình trạng dùn đẩy, né tránh, kéo dài không dám chịu trách nhiệm.”
Khi họp trực tuyến với quan chức y tế ngày 24 Tháng Hai, ông Phạm Minh Chính đã phải kêu gọi họ “khắc phục tâm lý sợ sai, làm ít sai ít, không làm không sai”, theo bản tin Vietnemnet. Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang, nhiều bác sĩ giám đốc bệnh viện, cơ quan y tế dự phòng đã bị tống giam vì dính tham nhũng.
Đám quan chức thì cấu kết với nhau tìm cách rút ruột công quỹ qua các trò đấu thầu gian lận là một chuyện, nhà cầm quyền trung ương Hà Nội cũng nhìn nhận “Hệ thống văn bản pháp luật còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ, nhất là mua sắm, đấu thầu…giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng một số bệnh viện còn chậm…”
Theo báo VNExpress giữa tuần qua, từ đầu Tháng Ba tới đây, bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội sẽ phải hạn chế ca mổ và chỉ “chỉ định xét nghiệm khi thật sự cần thiết” vì “thiếu vật tư, hóa chất”. Lý do thiếu thốn được nêu ra là “không thể đấu thầu mua sắm bởi có nhiều vướng mắc về thủ tục”. Bệnh viện này được mô tả là cơ sở “đầu ngành ngoại khoa” ở miền bắc Việt Nam.
Tháng Tám năm ngoái, nhiều báo ở trong nước thuật lời bác sĩ giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn kêu rằng, bệnh viện phải dùng loại dao mổ “rạch 3 lần mới đứt da”, dẫn đến hệ quả “làm tổn thương mô lan rộng, tăng sác xuất biến chứng cho bệnh nhân”. Nguyên nhân dao mổ phẩm chất tồi tệ vì đấu thầu buộc mua loại rẻ tiền nhất. Trước đây, còn có quy định buộc “giá gói thầu năm sau phải rẻ hơn năm trước”.
Hiện nay, việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế của các cơ quan y tế và bệnh viện công tại Việt Nam bị chi phối bởi rất nhiều luật lệ khác nhau từ luật đấu thầu, luật giá, luật tài sản công, luật dược bên cạnh các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Phức tạp và rắc rối như thế nhưng các quan vẫn toa rập với nhau, làm “đúng quy trình” để xà xẻo của công.