Tin Thế Giới.
Liên Âu sẽ tích cực hỗ trợ đạn pháo cho Ukraina (RFI)
Các bộ trưởng Quốc Phòng của Liên Hiệp châu Âu (EU) hôm nay 08/03/2023, nhóm họp không chính thức tại Stockholm, Thụy Điển để bàn về kế hoạch cung cấp đạn dược cho Ukraina, với đợt chuyển giao đạn dược khẩn cấp đầu tiên trị giá 1 tỷ euro.

Tham dự cuộc họp còn có tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg và bộ trưởng quốc phòng Ukraina Oleksiï Reznikov. Mục tiêu là đạt được đồng thuận về kế hoạch cung cấp đạn dược cho Ukraina để trình lên cuộc họp các ngoại trưởng Liên Âu vào ngày 20/03.
Theo AFP, kế hoạch này bao gồm 3 nội dung chính : Trước tiên là rút 1 tỷ euro từ qũy của Cơ chế Hòa bình châu Âu (EPF) để mua đạn dược trong các kho dự trữ hiện có và khẩn cấp chuyển giao cho Ukraina.
Tiếp đến là phối hợp, tiến hành các đơn đặt hàng chung để có giá rẻ và bảo đảm cho các tập đoàn công nghiệp quốc phòng có đơn đặt hàng trong một thời gian dài. Cuối cùng, thảo luận các biện pháp nâng cao khả năng phòng thủ của châu Âu về lâu dài.
Madis Roll, một quan chức của bộ Quốc phòng Estonia cho biết là Ukraina cần ít nhất 350.000 quả đạn 155mm mỗi tháng.
AFP nhắc lại rằng quân đội Ukraina bắn hàng nghìn viên đạn mỗi ngày để đẩy lùi quân xâm lược Nga, và đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn 155mm trầm trọng.
Ukraina: Trùm lính đánh thuê Nga Wagner cảnh báo nguy cơ vòng vây Bakhmut bị vỡ nếu thiếu đạn (RFI)
Lãnh đạo tập đoàn lính đánh thuê Nga Wagner ngày hôm qua 05/03/2023 đã lại lên tiếng cảnh cáo Matxcơva về khả năng vòng vây mà Nga đang muốn siết chặt quanh thành phố Bakhmut, miền đông Ukraina, có thể bị vỡ, nếu lực lượng của ông không được tiếp tế đạn dược. Tuyên bố công khai này là một dấu hiệu mới về quan hệ căng thẳng giữa quân đội Nga với người đứng đầu đạo quân tư nhân này.

Trong một thông điệp công bố trênh mạng Telegram, lãnh đạo tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin, cho biết các vị trí mà quân đội Nga đang chiếm giữ quanh Bakhmut sẽ bị rơi vào vòng nguy hiểm nếu lực lượng của ông không nhận được đạn dược mà Matxcơva đã hứa cấp vào tháng Hai vừa qua.
Khi đề cập đến tình trạng thiếu đạn dược, nhân vật này không ngần ngại tố cáo: “Chúng tôi đang cố tìm hiểu lý do: Đó chỉ là vấn đề quan liêu bình thường hay là một hành vi phản bội.”
Trong một đoạn video dài gần bốn phút, công bố hôm thứ Bảy, 04/03, ông Prigozhin đã báo động: “Nếu Wagner rút lui khỏi Bakhmut vào lúc này, toàn bộ mặt trận sẽ sụp đổ” và “tình hình sẽ không dễ dàng đối với mọi lực lượng quân sự bảo vệ lợi ích của Nga”.
Theo hãng tin Anh Reuters, lãnh đạo tập đoàn Wagner thường xuyên chỉ trích giới lãnh đạo quốc phòng và các tướng lĩnh hàng đầu của Nga. Tháng Hai vừa qua, ông đã cáo buộc bộ trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu và một số người khác vào tội “phản quốc” vì đã ngăn chận việc cung cấp đạn dược cho binh lính của ông.
Chiến sự tại khu vực Bakhmut vẫn rất ác liệt. Reuters trích lời ông Volodymyr Nazarenko, chỉ huy quân đội Ukraina ở Bakhmut, nói rằng không hề có chuyện rút lui và “lực lượng phòng thủ đang cầm cự” trong điều kiện khắc nghiệt. Nhà phân tích quân sự Ukraina Oleh Zhdanov cũng cho biết trong một video bình luận: “Tình hình ở Bakhmut có thể được mô tả là rất nguy cấp.”
Đích thân tổng thống Ukraina Zelensky vào hôm qua đã công nhận rằng các lực lượng Ukraina đang tham gia những trận chiến “đau đớn và khó khăn” ở vùng Donbass, trong đó có Bakhmut.
Về phần mình, Quân đội Ukraina sáng nay cho biết đã đẩy lùi được 95 cuộc tấn công của Nga ở khu vực Bakhmut vào hôm qua.
Tài liệu đàm phán Trung – Nga về vũ khí sát thương ‘‘bị lộ’’, Bắc Kinh tức giận (RFI)
Một lần nữa chính quyền Mỹ gia tăng áp lực lên Trung Cộng trong hồ sơ Bắc Kinh bị cáo buộc có kế hoạch cấp vũ khí sát thương cho quân đội Nga tại Ukraina. Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW hôm qua, 04/03/2023 loan tin, Bắc Kinh đã ‘‘tức giận’’ về việc Matxcơva để lọt tài liệu về các thảo luận liên quan đến việc mua bán vũ khí.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh, có trụ sở tại Washington, trong bản tin hàng ngày về tình hình chiến tranh Ukraina, đã dẫn lại thông tin từ báo Anh The Economist hôm 02/03, theo đó: ‘Trung Cộng giận giữ với điện Kremlin về việc nội dung các thảo luận song phương đang diễn ra về việc bán vũ khí đã bị lọt vào tay Hoa Kỳ’’. Một giới chức châu Âu gần gũi với hồ sơ này tiết lộ như trên. Cùng lúc đó, hôm 03/03/2023, báo Mỹ NBC News đưa tin hai quan chức Hoa Kỳ gần gũi với giới tình báo, xin ẩn danh, cũng đã khẳng định Bắc Kinh đang xem xét cấp vũ khí cho Nga.
Áp lực của Mỹ ‘‘dường như đã có hiệu quả’’
Theo NBC News, đã có một số thảo luận trong nội bộ chính quyền Mỹ về việc giải mật một số tin tức tình báo liên quan đến dự định của Trung Cộng cấp vũ khí sát thương cho Nga, nhưng giới lãnh đạo Mỹ đã quyết định tạm thời chưa làm, vì ‘‘tính nhạy cảm’’ của các nguồn cung cấp thông tin tình báo, và mục tiêu khi gửi tín hiệu đến Trung Cộng ‘‘dường như đã đạt kết quả’’, với việc Bắc Kinh chưa quyết định cấp vũ khí Nga.
Vẫn theo NBC News, hôm thứ Năm, 02/03, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia, ông John Kirby, khẳng định tuy Trung Cộng không chính thức từ bỏ ý định bán vũ khí cho Nga, nhưng cũng không thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị gửi vũ khí sát thương cho Matxcơva.
Các quan chức hàng đầu của Mỹ, bao gồm ngoại trưởng Antony Blinken và giám đốc CIA Williams Burns, ‘‘đã công khai bày tỏ tin tưởng vào các tin tức tình báo và cảnh báo’’ Trung Cộng không được cung cấp viện trợ quân sự sát thương cho Nga. Bắc Kinh đã bác bỏ, gọi cáo buộc của Hoa Kỳ là “thông tin sai lệch”. Theo một giới chức Hoa Kỳ, mục tiêu gây áp lực của chính quyền Biden là để Trung Cộng hiểu rằng không thể ‘‘tiếp tay’’ cho Nga ‘‘giết hại những người Ukraina vô tội’’.
Philippines nói tàu Trung Cộng xuất hiện gần hòn đảo tranh chấp trên Biển Đông (BBC)
Philippines ngày 04/03 cho biết đã phát hiện một tàu hải quân Trung Cộng và hàng chục tàu khác gần hòn đảo tranh chấp do quốc gia này đang nắm giữ ở Biển Đông.
Diễn biến mới nhất xảy ra trong bối cảnh căng thẳng về chủ quyền lãnh thổ đang gia tăng trong khu vực.
Lực lượng tuần duyên Philippines cho biết 42 con tàu, được cho là của lực lượng dân quân trên biển của Trung Cộng đã được nhìn thấy xung quanh đảo Thitu, mà phía Việt Nam gọi là đảo Thị Tứ.

Tàu hải quân Trung Cộng và tàu hộ vệ được nhìn thấy “di chuyển chậm rãi” trong vùng biển xung quanh đảo.
Đại sứ quán Trung Cộng ở Manila không lập tức phản hồi yêu cầu bình luận từ Reuters.
Đảo ThiTu nằm ở chuỗi đảo Spratly (phía Việt Nam gọi là đảo Thị Tứ nằm ở quần đảo Trường Sa) là một tiền đồn lớn nhất và quan trọng nhất về mặt chiến lược của Manila trên Biển Đông, nơi Bắc Kinh tuyên bố phần lớn chủ quyền.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr tuyên bố cách đây hai tuần rằng Philippines “sẽ không mất một inch” lãnh thổ nào trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này phản đối “những hoạt động hung hãn” của Trung Cộng trên Biển Đông.
Philippines còn gọi đảo này là Pagasa, Thitu nằm cách tỉnh Palawan của Philippines khoảng 480 km về phía tây. Nơi đây có hơn 400 người dân sinh sống, bao gồm lực lượng quân đội và lực lượng thực thi luật pháp. Hòn đảo này được Manila sử dụng để đảm bảo chủ quyền.
Các chuyên gia cho biết đội tàu đánh bắt cá của Trung Cộng và lực lượng bảo vệ bờ biển đóng vai trò quan trọng đối với những tham vọng chiến lược của Bắc Kinh trên Biển Đông, vốn đã duy trì sự hiện diện liên tục và làm phức tạp hoạt động đánh bắt cá và khai thác năng lượng ngoài khơi của các quốc gia có đường bờ biển.
“Sự hiện diện thường xuyên không được phép của họ rõ ràng không tuân thủ quyền về một lối đi qua vô hại (innocent passage) và vi phạm trắng trợn sự thống nhất lãnh thổ của Philippines,” lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines nêu trong một tuyên bố.
Hồi tháng rồi, ông Marcos đã triệu tập Đại sứ Trung Cộng tại Philippines để nêu về tần suất và mức độ về các hành động của Trung Cộng trên Biển Đông.
Philippines cho biết đã đệ 77 đơn khiếu nại về các hành động của Trung Cộng trên biển, bao gồm việc một tàu hải cảnh Trung Cộng hôm 06/02 chiếu “laser mang cấp độ quân sự” nhằm vào một tàu hải cảnh khác của Philippines khi tàu này đang thực hiện sứ mệnh cung cấp nhiên liệu.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ định gặp Tổng thống Đài Loan tại Mỹ (VOA)
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy có kế hoạch gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại Hoa Kỳ trong những tuần tới, hai nguồn tin nói với Reuters ngày 6/3, một động thái có thể thay thế chuyến đi dự kiến nhưng nhạy cảm của ông McCarthy tới Đài Loan, hòn đảo được quản lý một cách dân chủ mà Trung Cộng tuyên bố có chủ quyền.
Các nguồn tin giấu tên cho biết bà Thái đã được mời phát biểu tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan trong thời gian quá cảnh qua California trong chuyến thăm đã lên kế hoạch tới Trung Mỹ và ông McCarthy có thể sẽ gặp bà ở Hoa Kỳ.

Một trong những nguồn tin cho biết nếu cuộc họp tại Hoa Kỳ diễn ra – có thể là vào tháng 4 – thì không nhất thiết loại trừ khả năng ông McCarthy sẽ đến thăm Đài Loan trong tương lai.
Văn phòng của ông McCarthy không trả lời ngay các câu hỏi của Reuters về vấn đề này, bao gồm cả việc liệu cuộc họp theo kế hoạch có phải là một nỗ lực nhằm tránh làm gia tăng căng thẳng với Trung Cộng hay không. Bắc Kinh từng tức giận về chuyến thăm Đài Loan vào tháng 8 năm ngoái của cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Financial Times là tờ báo đầu tiên đưa tin về kế hoạch gặp mặt ở California.
Trong một cuộc phỏng vấn của CNBC vào sáng ngày 6/3, ông McCarthy từ chối trả lời liệu ông có đến thăm Đài Loan hay không, nói rằng ông sẽ thông báo bất kỳ kế hoạch du hành nào khi có.
Bốn nguồn tin khác – bao gồm các quan chức Hoa Kỳ và những người hiểu biết về suy nghĩ của chính quyền Hoa Kỳ và Đài Loan – cho biết cả hai bên đều vô cùng lo lắng rằng chuyến thăm trong tương lai của ông McCarthy sẽ làm gia tăng căng thẳng nghiêm trọng trên Eo biển Đài Loan vào thời điểm hòn đảo này đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào đầu năm tới.
Thư viện Reagan và Tòa đại sứ Trung Cộng tại Washington không trả lời ngay các yêu cầu bình luận.
Tòa đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Washington cho biết họ “không có thông tin để chia sẻ” khi được hỏi về cuộc gặp.
“Nói chung, việc sắp xếp cho các chuyến thăm của Tổng thống Thái Anh Văn tới các đồng minh ngoại giao của Đài Loan và quá cảnh qua Hoa Kỳ được thực hiện theo thông lệ,” tòa đại sứ nói với Reuters.
Trung Cộng coi việc giao tiếp giữa các quan chức Hoa Kỳ và Đài Loan là vi phạm chủ quyền của Trung Cộng.
Nhưng các tổng thống Đài Loan, bao gồm cả bà Thái Anh Văn, từng đi qua Hoa Kỳ trên đường đến các nước khác, mặc dù chính phủ Hoa Kỳ thường tránh gặp các quan chức cấp cao của Đài Loan ở Washington.
Giống như hầu hết các quốc gia, Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Tuy nhiên, theo luật Mỹ, Washington phải cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự vệ.
Chủ tịch Tập Cận Bình lên án phương Tây “trấn áp” Trung Cộng (RFI)
Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình, trong phiên họp Quốc Hội ở Bắc Kinh, lên án việc phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, “ngăn chặn” và “trấn áp” đất nước Trung Cộng, khiến Bắc Kinh phải đối phó với những thách thức chưa từng có.
Tân Hoa Xã tối thứ Hai 06/03/2023 trích dẫn phát biểu của chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình : “Môi trường bên ngoài của công cuộc phát triển của Trung Cộng đã có những thay đổi nhanh chóng. Các yếu tố bấp bênh và không thể lường trước đã tăng mạnh”, “các nước phương Tây, do Mỹ dẫn đầu, đã triển khai chính sách ngăn chặn, bao vây và trấn áp nhắm vào Trung Cộng, điều này đã gây ra những thách thức chưa từng có đối với sự phát triển” của Trung Cộng.
Cũng theo ông Tập Cận Bình, 5 năm qua được đánh dấu bằng hàng loạt trở ngại mới, đe dọa kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế của Trung Cộng.
AFP nhắc lại, các chủ đề căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington đã gia tăng trong những năm gần đây, chẳng hạn về hồ sơ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, sự mất cân bằng cán cân thương mại song phương, hồ sơ Đài Loan, sự thống trị trong các ngành công nghệ mũi nhọn, thiết bị bán dẫn, các cáo buộc gián điệp, những chuyến thăm của các nghị sĩ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, tới Đài Loan … Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã thông qua nhiều biện pháp trừng phạt Kắc Kinh liên quan đến một số hồ sơ nói trên, và Bắc Kinh đã có nhiều biện pháp đáp trả.
Ngoại trưởng Trung Cộng cảnh báo về nguy cơ “xung đột và đối đầu”
Trong khi đó, vào hôm nay 07/03, tân ngoại trưởng Trung Cộng, Tần Cương, đổ lỗi cho Mỹ về những căng thẳng ngày càng tăng giữa hai nước. Theo Reuters, phát biểu với các nhà báo bên lề phiên họp Quốc Hội, ông Tần Cương, cảnh báo về nguy cơ “xung đột và đối đầu” nếu Washington không điều chỉnh chính sách. Theo lãnh đạo ngoại giao Trung Cộng, thay vì cạnh tranh, Washington đã trấn áp và phong tỏa Trung Cộng, và đây là một trò “đánh cược đầy rủi ro” của Mỹ, có thể gây tổn hại cho những lợi ích cơ bản của nhân dân Trung Cộng và Mỹ, thậm chí là tương lai của nhân loại.
Liên quan đến chiến tranh Ukraina, ngoại trưởng Tần Cương cho rằng đang có một “bàn tay vô hình” – hàm ý nói Hoa Kỳ – sử dụng cuộc khủng hoảng Ukraina để phục vụ cho mục đích địa chính trị.
Mỹ huy động oanh tạc cơ B-52H tập trận chung với Hàn Quốc (RFI)
Một tuần lễ trước đợt tập trận chung Freedom Shield mở ra từ ngày 13-23/03/2023, Hoa Kỳ và Hàn Quốc hôm 06/03/2023, bắt đầu một bài tập phòng thủ trên không. Mỹ huy động máy bay ném bom B-52. Washington và Seoul cùng nhiều loại máy bay trinh sát, răn đe Bình Nhưỡng trước khả năng có hành động khiêu khích.
Thông cáo của bộ Quốc Phòng Hàn Quốc được Reuters trích dẫn chỉ đề cập đến loại máy bay ném bom B-52 « có khả năng mang theo đầu đạn nguyên tử ». Nhưng hãng tin Hàn Quốc, Yonhap thì đi sâu hơn vào chi tiết khi tiết lộ Washington gửi « một máy bay ném bom siêu thanh » B-52H đến tham gia cuộc thao diễn sáng nay trên bán đảo Triều Tiên.

Đây là « lần đầu tiên từ ba tháng nay, B-52 của Mỹ và B-2 quay lại khu vực này ». B-52 có khả năng bay khứ hồi để nhắm tới các mục tiêu cách xa hơn 6.400 cây số, mang theo 31 tấn bom kể cả loại tên lửa địa đối không với tầm bắn 200 km.
Cũng trong cuộc diễn tập sáng nay, hãng tin Yonhap ghi nhận không quân Mỹ-Hàn sử dụng cả các loại chiến đấu cơ F-15K và F-16K do Hàn Quốc chế tạo, cùng với drone chiến đấu MQ-9Reaper.
Trong thời gian gần đây, Mỹ và Hàn Quốc huy động nhiều « phương tiện chiến lược » trong các cuộc giao lưu về quân sự. Trong số này có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ lớp Los Angeles USS Springfield, tàu khu trục lớp Arleigh Burke. Washington và Seoul đang nghiên cứu khả năng đưa hàng không mẫu hạm Mỹ US Nimitz đến bán đảo Triều Tiên.
Tất cả các hoạt động nói trên nhằm ngăn cản Bắc Triều Tiên có hành động khiêu khích. Bình Nhưỡng luôn xem các chương trình tập trận chung giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc là một bài tập chuẩn bị « xâm chiếm » Bắc Triều Tiên.
Thêm một bước chuẩn bị để Bình Nhưỡng phóng vệ tinh do thám ?
Vẫn Yonhap hôm nay trích dẫn hãng tin chính thức Bắc Triều Tiên KCNA cho biết Bình Nhưỡng « không ngừng tiến bộ » trong việc phát triển vệ tinh đa năng, và có « thành quả cao ». Phát biểu hôm Chủ Nhật 05/03/2023, phó giám đốc Cơ quan đặc trách các chương trình phát triển không gian quốc gia NADA của Bắc Triều Tiên, ông Park Kyong Su cho biết : Bình Nhưỡng đang trong quá trình hoàn thiện động cơ có lực đẩy lớn, đủ sức « phóng nhiều vệ tinh lên quỹ đạo ». Tuyên bố này được đưa ra vào lúc, Seoul dự báo từ nay đến cuối tháng 4/2023, Bắc Triều Tiên sẽ phóng vệ tinh dọ thám mang tính quân sự.
Trung Cộng tăng 7,2% chi tiêu quân sự cho năm 2023, mức cao nhất từ 2019 (RFI)
Mặc dù tỏ ra thận trọng về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, Bắc Kinh lại thúc đẩy mạnh chi tiêu quân sự. Ngân sách Trung Cộng dành cho quốc phòng hiện đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, theo dự kiến sẽ tăng thêm 7,2% trong năm nay, lên thành hơn 1 533 tỉ nhân dân tệ (221 tỉ đô la), mức tăng cao nhất tính từ năm 2019 đến nay.

Theo báo cáo bộ Tài Chính công bố hôm nay 05/03/2023 bên lề phiên họp toàn thể, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Trung Cộng khóa 14, mức tăng ngân sách quốc phòng năm nay như vậy tăng nhẹ so với tỉ lệ tăng 7,1% của năm 2022.
Điểm đáng lưu ý là, theo Niklas Swanström, giám đốc Viện Chính Sách An Ninh Và Phát Triển, tại Stockholm, Thụy Điển, được AFP trích dẫn, « một phần lớn kinh phí cho nghiên cứu quân sự, chẳng hạn về tên lửa, phòng thủ trước các cuộc tấn công mạng … không nằm trong chi tiêu quân sự của Trung Cộng, mà được xem là nghiên cứu và phát triển dân sự ».
Cũng về quốc phòng, phát biểu trước gần 3.000 đại biểu trong phiên họp toàn thể, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Trung Cộng khóa 14, tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, ở Bắc Kinh, hôm nay 05/03/2023, thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Khắc Cường kêu gọi « đẩy mạnh » huấn luyện, « cải thiện năng lực quân sự » và « chuẩn bị chiến đấu » trong bối cảnh căng thẳng Trung – Mỹ ngày càng gia tăng.
Liên quan đến vấn đề Đài Loan, ông Lý Khắc Cường cũng kêu gọi « thống nhất hòa bình », « thúc đẩy sự phát triển hòa bình của quan hệ Trung Cộng-Đài Loan », bởi vì « người Hoa ở cả hai bờ eo biển Đài Loan là một gia đình có chung dòng máu ».
Đáp lại, Đài Bắc kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền, nền dân chủ và tự do của Đài Loan.
Tin Việt Nam.
Một nhóm Tin Lành ở Quảng Nam bị nhà cầm quyền ngăn chặn
Báo Nhà Nước hôm mùng 7 Tháng Ba dẫn thông tin từ Công an Hội An nói rằng 10 người tham gia một buổi sinh hoạt của “Hội thánh Đức Chúa Trời mẹ” đã bị ngăn chặn. Kinh thánh và một số trang bị đã bị nhà cầm quyền “tạm giữ”, một cách nói thay cho hành động “tịch thu”.
Bản tin trên cáo buộc tổ chức tôn giáo này hoạt động “trái phép” nên những người “có liên quan” đã bị Công an thẩm vấn, điều tra. Không thấy báo Nhà Nước nói những người kể trên có bị phạt gì không ngoài chuyện cấm đoán hoạt động, kinh thánh, máy vi tính, các tài liệu và trang bị hành lễ bị tịch thu.
Hệ phái Tin lành “Hội thánh Đức Chúa Trời mẹ” có nguồn gốc từ Đại Hàn, theo chân một mục sư người Hàn Quốc và một số người Việt Nam đi lao động ở Hàn Quốc trở về, du nhập vào Việt Nam từ khoảng năm 2001. Từ đó, các hoạt động của họ dần dần hình thành ở Sài Gòn nhưng hầu hết phát triển tại các tỉnh thị miền Trung và miền bắc Việt Nam.
Theo một bản tin trên tờ CAND ngày 29 Tháng Giêng 2022 đả kích những người “mê muội đi theo”, “gây đau khổ cho nhiều gia đình” đối với hệ phái nói trên, “Hội thánh Đức Chúa Trời mẹ” đã xuất hiện tại 21 tỉnh và thành phố trên cả nước gồm Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Thanh Hóa, Sơn La, Bình Thuận, Vĩnh Phúc, Tiền Giang, Lai Châu, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Điện Biên, Lào Cai, Bến Tre, Hòa Bình, Quảng Bình, Yên Bái, An Giang, Hải Dương.
Nhà cầm quyền các địa phương đã mở các cuộc trấn áp “việc tụ tập, tuyên truyền, sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật” của “Hội thánh Đức Chúa Trời mẹ”. Bài viết của tờ CAND thuộc Bộ Công an CSVN cáo buộc các người tham gia “mang tính chất tà giáo, mê tín dị đoan” với các dẫn chứng như “Tuyên truyền về ngày tận thế, chỉ cần sống cho bản thân mình, từ bỏ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, không làm cũng có ăn, đi theo Hội thánh mới được cứu rỗi; đồng thời có dấu hiệu cưỡng ép người theo đạo, lợi dụng giáo lý để trục lợi.”
Năm 2018, một chiến dịch được Công an tại nhiều tỉnh đồng loạt tấn công các buổi sinh hoạt của “Hội thánh Đức Chúa Trời mẹ” ở nhiều địa phương nhằm “lật tẩy tà đạo” mà cơ quan tuyên truyền của bộ Công an CSVN cáo buộc “để lại những hệ lụy xấu cho cộng đồng, xã hội”.
Không có nguồn tin nào hay một thống kê nào cho biết hệ phái “Hội thánh Đức Chúa Trời mẹ” tại Việt Nam có bao nhiêu tín đồ nhưng khi họ xuất hiện ở đâu thì chỉ một thời gian ngắn sau bị Công an tới trấn áp, buộc tín đồ của họ bỏ đạo.
Các tổ chức hay giáo hội tôn giáo tại Việt Nam chỉ được hoạt động công khai nếu nằm trong các tổ chức do chế độ Hà Nội cho phép hoạt động và kiểm soát nhằm phục vụ nhu cầu chính trị của đảng CSVN.
Việt Nam mua Công phiếu của Mỹ gần 37 tỷ
Việt Nam đang nợ nhiều nước và các định chế tài trợ quốc tế một số tiền rất lớn nhưng đang là một trong những chủ nợ của nước Mỹ.
Cuối Tháng Hai, Bộ Tài chính Mỹ phổ biến bản tóm lược tình hình nợ công của chính phủ. Cho tới cuối năm 2022, rất nhiều nước buôn bán với Mỹ đã không mang hết đô la về nước mà giữ lại ở nước này để tái đầu tư dưới hình thức mua trái phiếu chính phủ (Treasury Bond).

Bản danh sách các chủ nợ chính yếu của Mỹ chỉ liệt kê 38 nước, còn những nước có số nợ ít hơn thì không thấy tên. Trên đó, Việt Nam đứng hàng thứ 36 với số công trái của Mỹ là gần $37 tỉ đô la. Nước đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ là Nhật Bản với hơn 1,076 tỉ đô la. Chủ nợ lớn thứ nhì là Trung Quốc với hơn 867 tỉ đô la. Thứ ba là Anh Quốc với 654 tỉ rưỡi đô la. Tính tới cuối năm 2022, nước Mỹ đang nợ các nước khác hơn $7,314 tỉ đô la.
Năm 2022, Việt Nam thặng du thương mại với Mỹ hơn 116 tỷ Mỹ kim, tái đầu tư một phần tiền thặng dư thương mại với Mỹ vừa để sinh lời, vừa là nơi giữ tiền an toàn, bảo đảm. Nhưng mặt khác, theo bản tin công bố nợ công của Bộ Tài chính CSVN, chế độ Hà Nội đang nợ nước ngoài khoảng 139 tỷ Mỹ Kim tương đương 38% tổng sản phẩm quốc gia (GDP). Trong đó, nợ của chính phủ khoảng $47 tỷ Mỹ kim và nợ của các doanh nghiệp khoảng $93 tỷ Mỹ kim.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank), định chế tài trợ quốc tế này là chủ nợ lớn nhất của Việt Nam với 16 tỉ đô la. Nước Nhật là nước chủ nợ lớn nhất của Việt Nam với 14.6 tỉ đô la vào năm 2021, kế đến là Ngân hàng Phát triển Á Châu với $8.1 tỉ đô la. Một bản tin hồi Tháng Tám 2022 cho hay mỗi đầu người Việt Nam bất kể già trẻ lớn bé đều phải ôm một số nợ công lối 37 triệu đồng hay khoảng gần 1,600 đô la.
Thật ra, công trái của nước Mỹ được công nhận như một trong những hình thức đầu tư tài chính vừa an toàn nhất vừa ổn định, bảo đảm nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, đồng đô la Mỹ được thế giới dự trữ, sử dụng trong các giao dịch thương mại quốc tế. Công trái chính phủ Mỹ được xếp hạng tín nhiệm AAA vì an toàn nhất và thanh khoản cao, tương đương với tiền mặt. Thêm nữa, chính phủ Mỹ trả lãi định kỳ cho chủ nợ.
Số tiền công trái Mỹ Việt Nam đang nắm giữ không phải là nhiều nhất từ trước đến giờ. Năm 2021, có lúc Việt Nam ôm 45.2 tỷ Mỹ kim công trái Mỹ, tức giờ này đã bán bớt hơn 18%. Trước đó, Việt Nam thường nằm trong số 35 chủ nợ lớn nhất của Mỹ.
Việt Nam bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ từ năm 2020 trong khi nhà cầm quyền Hà Nội phủ nhận và đưa ra một số lời giải thích. Ông Vương Đình Huệ khi đó là Phó thủ tướng phụ trách mảng kinh tế đã vội vàng bay sang Washington giải thích. Chính phủ Mỹ cử người sang Việt Nam điều tra rồi ra kết luận là Hà Nội không thao túng tiền tệ nhưng vẫn giám sát chặt chẽ.
Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục thúc giục CSVN thả Phạm Đoan Trang
Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục vận động đòi chế độ Hà Nội trả tự do cho nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang hiện đang bị tù với bản án 9 năm.
“Là một nhà báo và tác giả, Phạm Đoan Trang cổ võ một cách ôn hòa cho nhân quyền, cai trị theo pháp luật, và một Việt Nam toàn diện hơn. Bà đã bị kết án tù 9 năm chỉ vì những gì bà vận động.” Trang Twitter dưới tiêu đề “Without Just Cause” (Không có lý do chính đáng) của Bộ Ngoại giao Mỹ viết như vậy ngày 27 Tháng Hai vừa qua.

Ngày 11 Tháng Giêng, Bộ Ngoại giao Mỹ phát động chiến dịch vận động đòi trả tư do cho 19 nhân vật vận động nhân quyền trên thế giới, hầu hết đều là dân các nước độc tài đảng trị, Cộng sản hay quân phiệt, tôn giáo cuồng tín, trong đó có bà Phạm Đoan Trang của Việt Nam. Bây giờ, Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục cổ võ để cho thấy họ vẫn tiếp tục chiến dịch.
Bà Phạm Đoan Trang, 44 tuổi, đã bị chế độ Hà Nội kết án 9 năm tù ngày 14 Tháng Mười Hai 2021 khi vu cho bà “Tuyên truyền chống” chế độ độc tài đảng trị và cực kỳ tham những tại Việt Nam. Hoa Kỳ, Canada, Anh quốc và nhiều nước khác đã lên án CSVN vi phạm quyền con người của bà Phạm Đoan Trang vì bà không làm gì ngoài chuyện phát biểu ý kiến một cách ôn hòa.
Chính phủ Mỹ kêu gọi CSVN phải để công dân phát biểu ý kiến công khai một cách ôn hòa mà không bị khủng bố, đe dọa hay bỏ tù. Mỹ cũng như nhiều nước khác từng nhắc nhở Hà Nội rất nhiều lần là luật lệ cũng như hành động của họ phải nhất quán với các cam kết quốc tế về nhân quyền. CSVN ký vào Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị nhưng hoàn toàn làm ngược lại.
Theo thống kê của một số tổ chức vận động nhân quyền cho Việt Nam, chế độ Hà Nội đang cầm tù ít nhất hơn 200 tù chính trị và tôn giáo trong những điều kiện giam cầm khắc nghiệt. Một số tù nhân đã chết thời gian gần đây vì bệnh nặng mà không được săn sóc y tế.
Ngay sau khi loan báo chiến dịch “Without Just Cause”, bà Michele Taylor, đại sứ Mỹ tại Ủy ban Nhân quyền LHQ đã đến Hà Nội. Người ta tin rằng bà Taylor đã thúc giục CSVN trả tự do cho bà Đoan Trang cũng như các tù nhân lương tâm khác. Tuy nhiên, chế độ Hà Nội đến nay vẫn nín lặng trước các đòi hỏi cải thiện nhân quyền.
Ngay như Ủy Ban Nhân quyền LHQ từng nhiều lần phê phán CSVN đàn áp nhân quyền, bỏ tù người dân ngược với các cam kết quốc tế về nhân quyền, cũng không hề có tác dụng. Hiện bà Phạm Đoan Trang đang bị giam giữ tại nhà tù An Phước, tỉnh Bình Dương. Mẹ bà muốn đi thăm nuôi, phải đi từ Hà Nội vào Nam đường xa khoảng 2,000 km.
Bà Phạm Đoan Trang từng được nhiều tổ chức quốc tế trang tặng giải thưởng để biểu dương lòng quả cảm của một phụ nữ đã bất chấp sự an nguy của bản thân, đấu tranh cho một nước Việt Nam có dân chủ, nhân quyền thật sự. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng vinh danh bà là một trong những phụ nữ can đảm trên thế giới năm 2022.
Mỹ cáo buộc công ty Việt Nam chở dầu lậu cho Iran
Chính phủ Mỹ cáo buộc một công ty của Việt Nam tham gia chở dầu cho Iran trong khi Iran đang bị Mỹ cấm vận nghiêm ngặt.
Theo một bản thông cáo báo chí do Bộ Tài Chính Mỹ công bố hôm Thứ Năm 2 Tháng Ba, có 20 tàu vận tải của một số nước như Trung cộng, Việt Nam, Thụy Sĩ bị đưa vào danh sách đen chở dầu khí và các sản phẩm dầu hỏa cho Iran.
Iran bị Mỹ cấm vận từ nhiều năm qua, gần đây lại bị cấm vận chặt chẽ hơn sau khi Mỹ cáo buộc Iran cung cấp tên lửa và máy bay không người lái cho Nga xâm lăng Ukraine. Tất cả những nước nào hoặc công ty của nước nào tiếp tay trực tiếp hoặc gián tiếp giúp Iran vận chuyển, buôn bán dầu khí và võ khí đều bị ảnh hưởng từ lệnh cấm vận nói trên.
Bộ Tài chính Mỹ nêu đích danh tên 8 chiếc tàu của “Công ty Cổ phần Dầu khí và Bất động sản Sen Vàng” (tên tiếng Anh là Golden Lotus Oil Gas and Real Estate Joint Stock Company) có trụ sở tại 67 Phó Đức Chính, tham gia vào chuyện chở dầu đi bán cho Iran. Các tàu này mang cờ hiệu nhiều nước khác nhau như Panama, Tuvalu, Togo và Vietnam. Tuy nhiên, Bộ Tài Chính Mỹ truy cứu nguồn gốc chủ tàu thì những tàu đó đều trực thuộc công ty nói trên trụ sở ở Hà Nội.
Cấm vận quốc tế là hạn chế từng phần, ngăn chận hoặc cấm đoán hoàn toàn các giao dịch tùy mục đích của loại cấm vận. Cấm vận kinh tế để ảnh hưởng tới chính trị và quân sự hiện đang được Mỹ và Liên Âu áp dụng đối với Nga và Iran và một số nước.
Việc Bộ Tài chính Mỹ đưa tên công ty Sen Vàng vào danh sách đen sẽ có tác dụng và ảnh hưởng gì trong mối quan hệ nhiều mặt giữa Washington và Hà Nội.
Trương Thị Mai làm “Thường trực Ban Bí thư” đảng CSVN
Guồng máy thông tin tuyên truyền tại Việt Nam đồng loạt đưa tin Bà Trương Thị Mai, thành viên Bộ Chính trị CSVN được đẩy từ ghế “Trưởng ban Tổ chức Trung ương” sang ghế “Thường trực Ban Bí thư” đảng CSVN. Lần đầu tiên trong lịch sử đảng CSVN, một phụ nữ được cắt đặt vào cái ghế được coi là nhân vật số 5 của đảng, đứng sau “tứ trụ” tức Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.
Bà Trương Thị Mai, 65 tuổi, quê quán Quảng Bình, trình độ học vấn cử nhân lịch sử, thạc sĩ hành chính công, đi lên qua các vị trí trong hệ thống đảng, không thấy giữ một chức vụ hành chính công quyền nào. Bà ngồi vào ghế “Thường trực Ban Bí thư” thay cho Võ Văn Thưởng khi ông này được cho ngồi ghế “Chủ tịch nước” vốn tạm thời bỏ trống từ Tháng Giêng vừa qua vì tai tiếng tham nhũng.
Cái ghế “Thường trực Ban bí thư” trước đây từng được gọi là “Thường trực Bộ chính trị” là một chức vụ do Bộ Chính trị chỉ định, giám sát việc thi hành chính sách hàng ngày của đảng CSVN. Nhưng trên thực tế được ngồi vào ghế này là do ý muốn áp đảo của kẻ làm Tổng bí thư đảng, hiện nay là Nguyễn Phú Trọng.
Từ những ngày đầu năm 2023 đến nay, CSVN đã có những xáo trộn lớn ở thượng tầng cai trị gây nhiều ngạc nhiên dư luận trong và ngoài nước. Đầu tiên, hai ông Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam bị ép “thôi” hết các chức vụ trong đảng và chính quyền. Một tháng sau, đầu Tháng Hai, Nguyễn Xuân Phúc cũng “xin thôi” chức Chủ tịch nước.
Một số nhà phân tích thời sự Việt Nam cho rằng việc cho Võ Văn Thưởng ngồi ghế Chủ tịch nước và bà Trương Thị Mai ngồi ghế “Thường trực Ban bí thư” là cách Nguyễn Phú Trọng đẩy ra khỏi đảng những kẻ mà ông không muốn nhòm ngó ghế tổng bí thư khi ông ta về vườn. Tai tiếng tham nhũng đã giúp ông Trọng giải quyết chuyện chuyển giao quyền lực êm xuôi theo ý ông ta.