Tin Thế Giới.
Thái Bình Dương: Mỹ, Anh, Úc công bố kế hoạch tàu ngầm hạt nhân, Trung Cộng lên án (RFI)
Tại California, Hoa Kỳ, hôm 13/03/2023, tổng thống Mỹ Joe Biden, cùng với hai thủ tướng Úc và Anh, đã công bố kế hoạch hợp tác ‘‘chưa từng có’’ về tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhằm đối phó với các thách thức của Trung Cộng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bắc Kinh ngay lập tức cực lực lên án, gọi đây là một ‘‘hướng đi sai lầm và nguy hiểm’’.

Dự án Mỹ bán tầu ngầm cho Úc, và phối hợp với Anh sản xuất tàu ngầm hạt nhân ‘‘thế hệ mới’’ tại Úc, kéo dài ít nhất 2 thập niên. Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho biết đây là ‘‘đầu tư lớn nhất’’ trong lịch sử quốc gia này . Ngay trong 10 năm đầu tiên của dự án, chi phí của Úc ước tính gần 40 tỉ đô la.
Hiện tại, nước Úc chưa hề làm chủ được công nghệ liên quan đến hạt nhân quân sự, cũng như dân sự. Dự án tàu ngầm hạt nhân Mỹ – Anh – Úc gồm 3 giai đoạn. Trong giai đoạn thứ nhất, Mỹ và Anh sẽ giúp đào tạo nhân sự Úc trong việc sử dụng tầu ngầm hạt nhân, tiếp cận với các cơ sở đóng tàu, các trường chuyên môn về lĩnh vực này. Mục tiêu là từ năm 2027 sẽ triển khai 4 tàu ngầm hạt nhân Mỹ và một của Anh tại một căn cứ Úc. Giai đoạn thứ hai bắt đầu với việc Mỹ bán cho Úc 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia, nếu được Quốc Hội bật đèn xanh.
Giai đoạn thứ ba cũng là giai đoạn tham vọng nhất của kế hoạch này : Mỹ, Anh và Úc phối hợp chế tạo tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ mới mang tên SSN AUKUS. Các tàu ngầm SSN AUKUS, theo thiết kế của Anh, tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến của Mỹ, sẽ được Anh và Úc chế tạo và triển khai. Các tàu ngầm hạt nhân SSN AUKUS, kết quả hợp tác Mỹ – Anh – Úc, dự kiến sẽ được triển khai từ cuối thập niên 2030, hoặc đầu thập niên 2040.
Trong buổi ra mắt kế hoạch tàu ngầm hạt nhân hôm qua tại San Diego, Hoa Kỳ, không có ai trong số ba lãnh đạo Mỹ, Anh, Úc trực tiếp nhắc đến tên Trung Cộng. Tuy nhiên, Bắc Kinh rõ ràng là đối tượng nhắm đến của liên minh AUKUS (Mỹ – Anh – Úc). Tổng thống Joe Biden khẳng định mục tiêu của liên minh là để bảo đảm ‘‘khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở’’. Đây là một diễn đạt quen thuộc trong ngoại giao của nước Mỹ nhằm lên án tham vọng của Trung Cộng.
Mỹ: Tình báo cho thấy Nga khuấy động bất ổn ở Moldova (VOA)
Các quan chức tình báo Mỹ xác định rằng những người có quan hệ với tình báo Nga đang lên kế hoạch tổ chức các cuộc biểu tình với hy vọng lật đổ chính phủ Moldova, theo Toà Bạch Ốc.
Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Toà Bạch Ốc John Kirby nói thông tin tình báo cho thấy những người có vai trò, một số có liên hệ với tình báo Nga, đang tìm cách dàn dựng và sử dụng các cuộc biểu tình ở Moldova làm cơ sở để kích động một cuộc nổi dậy chống lại chính phủ thân phương Tây mới của Moldova.

Ông Kirby cho biết thông tin tình báo cho thấy một nhóm người Nga khác sẽ cung cấp huấn luyện và giúp tổ chức các cuộc biểu tình ở Moldova, quốc gia đã được cấp tư cách ứng cử viên Liên hiệp châu Âu vào tháng 6 năm ngoái, cùng ngày với Ukraine, nước láng giềng đang bị chiến tranh tàn phá.
Công bố hoạt động ác ý của Moscow ở Moldova chỉ là ví dụ mới nhất về việc chính quyền Biden nới lỏng các hạn chế và công khai các phát hiện tình báo trong quá trình diễn ra cuộc chiến khốc liệt ở Ukraine. Chính quyền cho biết họ muốn làm nổi bật các kế hoạch cung cấp thông tin sai lệch và các hoạt động khác của Nga để các đồng minh hiểu rõ về ý định của Moscow và Nga phải suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện một chiến dịch.
“Trong lúc Moldova tiếp tục hội nhập với châu Âu, chúng tôi tin rằng Nga đang theo đuổi các phương pháp để làm suy yếu chính phủ Moldova có lẽ với mục tiêu cuối cùng là nhìn thấy một chính quyền thân thiện với Nga hơn ở thủ đô,” ông Kirby nói.
Ông Kirby cũng chỉ ra những nỗ lực gần đây của Nga mà ông nói là nhằm gieo rắc thông tin sai lệch về sự ổn định chung của Moldova. Ông đặc biệt chỉ ra tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga vào tháng trước rằng Ukraine đang lên kế hoạch xâm chiếm Transnistria, khu vực ly khai của Moldova do Moscow hậu thuẫn. Ông gọi hành động đó là “vô căn cứ, sai trái” và cho rằng những tuyên bố như vậy “tạo ra báo động vô căn cứ”.
Toà Bạch Ốc đã công bố thông tin tình báo ngay trước khi ông Biden chuẩn bị gặp Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen.
Trong những tuần gần đây, một số cuộc biểu tình chống chính phủ đã được tổ chức tại thủ đô Chisinau, bởi một nhóm tự xưng là Phong trào Nhân dân và được hỗ trợ bởi các thành viên của Đảng Shor thân Nga của Moldova, đảng nắm giữ sáu ghế trong tổng số 101 ghế của cơ quan lập pháp đất nước. Một cuộc biểu tình cũng được lên kế hoạch bởi nhóm này vào ngày 12/3.
Lãnh đạo của Đảng Shor, Ilan Shor, là một nhà tài phiệt người Moldova hiện đang sống lưu vong ở Israel. Ông Shor có tên trong danh sách chế tài của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vì làm việc cho lợi ích của Nga. Anh cũng đã thêm Shor vào danh sách trừng phạt vào tháng 12 năm ngoái.
Nằm giữa Ukraine và Romania, Moldova thường là trung tâm của cuộc đấu tranh giữa Moscow và phương Tây. Từng là một phần của Liên Xô, Moldova tuyên bố độc lập vào năm 1991. Là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu với dân số khoảng 2,6 triệu người, nước này có quan hệ lịch sử với Nga nhưng lại muốn gia nhập Liên hiệp châu Âu gồm 27 quốc gia.
Thế giằng co chỉ tăng cường kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho Nga xâm lược Ukraine vào năm ngoái.
Tổng thống Moldova Maria Sandu đã gặp Tổng thống Joe Biden vào tháng trước trong lúc ông Biden thăm Ba Lan để kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lược Ukraine.
Tái lập bang giao Iran-Ả Rập Xê Út: Một sự kiện lịch sử nhưng tác động còn chưa rõ (RFI)
Thỏa thuận tái lập bang giao giữa Iran và Ả Rập Xê Út, hai cường quốc đối nghịch nhau ở vùng Trung Đông, được bất ngờ công bố hôm 10/03/2023 tại Bắc Kinh, đã được đánh giá là lịch sử. Thế nhưng, theo hãng tin Pháp AFP, nhiều nhà phân tích vẫn hoài nghi về khả năng sự xích lại gần nhau giữa hai kẻ cựu thù này mang lại được hòa bình cho một khu vực thường xuyên bị tranh chấp giữa Teheran và Riyad khuấy động.

Phải nói là chiều hướng chung có vẻ rất lạc quan. Vài ngày sau khi công bố thỏa thuận hòa giải với Ả Rập Xê Út, ngày 13/03, chính quyền Iran cho biết họ sẵn sàng xích lại gần Bahrain, một vương quốc nhỏ ở vùng Vịnh, đồng thời là một đồng minh kiên định của Riyad. Giống như Ả Rập Xê Út, Bahrain cũng đã đoạn giao với Iran vào năm 2016 sau vụ người biểu tình tại Iran tấn công vào các cơ quan ngoại giao của Ả Rập Xê Út ở Iran sau khi Riyad hành quyết một giáo sĩ Shia nổi tiếng.
Nếu phía Teheran phô trương thái độ lạc quan về triển vọng hòa giải, thì trái lại, Riyad có thái độ thận trọng hơn, với ngoại trưởng Ả Rập Xê Út hôm 13/03 cho rằng trong quan hệ song phương, vẫn còn nhiều điểm nhạy cảm cần được giải quyết.
Theo ghi nhận của AFP, trong một tuyên bố chung, được công bố sau các cuộc đàm phán ở Trung Cộng, Teheran và Riyad “đã đồng ý nối lại quan hệ ngoại giao và mở lại các đại sứ quán và cơ quan đại diện (ngoại giao) trong thời hạn tối đa hai tháng”. Thế nhưng, về những điểm khác, bản tuyên bố vẫn còn khá mơ hồ, chỉ cam kết tôn trọng chủ quyền và không can thiệp vào “công việc nội bộ” của nhau.
Đối với giới phân tích, các diễn biến tới đây tại Yemen sẽ cho phép thấy rõ hơn ảnh hưởng của thỏa thuận hòa giải vừa ký giữa Iran và Ả Rập Xê Út. Trong thời gian qua, Riyad đã lãnh đạo một liên minh quân sự can thiệp vào Yemen để chống lại phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn. Để đối phó lại, Iran được cho là đã hỗ trợ phiến quân Houthi dùng drone và tên lửa tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Ả Rập Xê Út.
Trả lời AFP, ông Mohammed Alyahya, chuyên gia về Ả Rập Xê Út tại Trung tâm Belfer, Đại Học Harvard (Hoa Kỳ) nhận định rằng rất có thể Iran đã hứa với Trung Cộng, nước bảo trợ cho “hòa ước” giữa Teheran và Riyad, rằng họ sẽ không tấn công trực tiếp Ả Rập Xê Út làm tình hình xấu đi thêm.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng việc nối lại quan hệ giữa Teheran và Riyad không đồng nghĩa với hòa bình ngay lập tức ở Yemen. Ngoài Yemen, tình hình các nơi khác như Syria, Liban và Irak cũng cần được theo dõi vì tại các nước này, Teheran và Riyad đã ủng hộ các phe đối địch với nhau.
Lãnh đạo tối cao Trung Cộng khẳng định ‘‘an ninh’’ là lĩnh vực chủ chốt (RFI)
Hôm nay, 13/03/2023, lãnh đạo tối cao Trung Cộng Tập Cận Bình có bài diễn văn trong phiên bế mạc Quốc Hội. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của ‘‘an ninh’’, trong bối cảnh căng thẳng với Hoa Kỳ gia tăng.

Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình khẳng định: ‘‘An ninh là nền tảng cho phát triển, và ổn định là điều kiện của thịnh vượng’’. Đây là bài phát biểu đầu tiên của ông Tập Cận Bình sau khi Quốc Hội Trung Cộng bỏ phiếu để lãnh đạo họ Tập tiếp tục đảm nhiệm chức chủ tịch nước nhiệm kỳ ba. Hãng tin Anh Reuters chú ý đến hình ảnh về quân đội mà tổng bí thư kiêm chủ tịch Trung Cộng đưa ra. Theo ông Tập Cận Bình, Trung Cộng phải hiện đại hóa để quân đội trở thành một ‘‘Vạn Lý Trường Thành bằng thép’’.
Vẫn theo Reuters, đảng Cộng Sản Trung Cộng sẽ phải tăng cường việc kiểm soát an ninh trong nước, sau việc ông Tập Cận Bình bổ nhiệm nhiều nhân vật thân tín vào các vị trí lãnh đạo an ninh. Trả lời phỏng vấn RFI, nhà Trung Cộng học Jean-Pierre Béja lưu ý đến điều, mà theo ông ‘‘giới quan sát đã ít chú ý’’, đó là mức tăng ngân sách khác thường dành cho an ninh nội địa của Trung Cộng. Nếu như năm ngoái, ngân sách cho an ninh chỉ tăng 4,7%, thì năm nay là 6,7%. Theo chuyên gia Jean-Pierre Béja, điều này cho thấy Đảng ‘‘không hoàn toàn tự tin’’ sau nhiều hoạt động phản kháng bùng lên trong nước năm qua.
Cũng trong bài phát biểu hôm qua, theo AP, lãnh đạo tối cao Trung Cộng khẳng định Trung Cộng cần ‘‘đóng một vai trò lớn hơn trong việc quản lý các vấn đề toàn cầu’’. Tuyên bố được đưa ra sau khi Bắc Kinh ‘‘ghi một bàn thắng ngoại giao’’ khi là chủ nhà của các cuộc đàm phán dẫn đến một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Iran.
Nam Hàn nhấn mạnh tầm quan trọng bình thường hóa quan hệ với Nhật (RFI)
Trước ngày tổng thống Nam Hàn có chuyến công du tới Tokyo, phủ tổng thống Nam Hàn khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh Nhật-Hàn tới đây sẽ đánh dấu giai đoạn bình thường hóa quan hệ thực sự giữa hai nước.

Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol bắt đầu từ ngày mai,16/03. Họp báo tại Seoul hôm nay, cố vấn An ninh Quốc gia Nam Hàn, ông Kim Sung-han thông báo tổng thống Suk-yeol sẽ hội đàm với thủ tướng Nhật Fumio Kishida vào chiều ngày mai. Lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận về cách thức bình thường hóa quan hệ song phương, trong đó có vấn đề triển khai các giải pháp do Seoul đề xuất để giải quyết vấn đề lao động Nam Hàn bị cưỡng bức trong thời gian bị Nhật chiếm đóng hồi Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Tuần trước, chính phủ Nam Hàn đã công bố kế hoạch bồi thường cho các nạn nhân và thân nhân, thông qua một quỹ của chính phủ được thành lập dựa trên nguồn tài trợ và hảo tâm của các doanh nghiệp Nam Hàn và Nhật. Ngay lập tức, kế hoạch này đã bị đông đảo dư luận và các đảng phái đối lập ở Nam Hàn phản đối dữ dội vì không thấy có phần trách nhiệm của chính phủ Nhật hiện nay.
Quan chức Nam Hàn khẳng định việc lãnh đạo hai nước nối lại các cuộc gặp thượng đỉnh sau 12 năm gián đoạn đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước.
Ngày thứ 2 của chuyến thăm Nhật, tổng thống Nam Hàn dự kiến dự một cuộc hội thảo của các doanh nghiệp hai nước và sẽ tới phát biểu trong một sự kiện của sinh viên Nhật-Hàn tổ chức.
Mỹ, Philippines tổ chức cuộc tập trận thường niên lớn nhất từ trước đến nay (VOA)
Mỹ và Philippines sẽ tiến hành cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay vào tháng tới, một phát ngôn viên của cuộc tập trận thường niên cho biết hôm thứ Ba 14/3. Sự kiện này làm nổi bật thực tế là mối quan hệ giữa Manila với cường quốc phương Tây được cải thiện dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos (con).

Năm nay, cuộc tập trận “Balikatan” (kề vai sát cánh) diễn ra trong bối cảnh Philippines gọi các hành động của Trung Cộng ở Biển Đông là “hung hăng”.
Theo Đại tá Michael Logico, chỉ huy trung tâm huấn luyện của quân đội Philippines và là người phát ngôn cho cuộc tập trận, sự kiện này sẽ được tổ chức từ ngày 11-28/4, có 17.600 người tham gia từ cả hai bên, trong đó có khoảng 12.000 người từ phía Hoa Kỳ, và lần đầu tiên sẽ có “các cuộc diễn tập bắn đạn thật xuống nước”.
“Đây chính thức là cuộc tập trận Balikatan lớn nhất”, ông Logico nói.
Trước đó, cuộc tập trận chung lớn nhất diễn ra vào năm 2015 với hơn 11.000 binh sĩ tham gia.
Cuộc tập trận có quy mô lớn hơn được lên lịch sau khi có quyết định của Tổng thống Marcos hồi tháng trước cho Hoa Kỳ được tiếp cận nhiều hơn với các căn cứ quân sự của đất nước ông, trong khi đó, Trung Cộng cho rằng điều đó sẽ làm giảm mực độ ổn định trong khu vực.
Về khả năng cuộc tập trận chung sẽ khiến cho Trung Cộng tức tối hơn, ông Logico nói: “Chúng tôi có quyền bảo vệ lãnh thổ của mình, đó là quyền tối cao, không thể tước bỏ. Chúng tôi hiện diện để chứng tỏ rằng chúng tôi luôn sẵn sàng chiến đấu“.
Cuộc tập trận Balikatan sẽ được thực hiện ở một số tỉnh, bao gồm cả Palawan, gần Biển Đông. Ông Logico cho biết thêm cũng sẽ có khoảng 111 người thuộc lực lượng quốc phòng Úc tham gia cuộc tập trận, mặc dù họ sẽ chỉ tham gia giới hạn vào “các cuộc tập trận trên bộ có quy mô nhỏ hơn”.
Tân thủ tướng Trung Cộng khẳng định khó đạt mục tiêu tăng trưởng 5% (RFI)
Hôm 13/03/2023, trong phiên bế mạc kỳ họp Quốc Hội Trung Cộng, tân thủ tướng Lý Cường, lần đầu tiên xuất hiện trước báo giới, đã cố gắng trấn an giới kinh tế tư nhân, và kêu gọi siết chặt hợp tác với Mỹ. Ông Lý Cường cũng thừa nhận Trung Cộng sẽ khó đạt được tỉ lệ tăng trưởng 5% trong năm nay, như thủ tướng mãn nhiệm đề ra.

Tỉ lệ tăng trưởng 5% vốn đã là một trong những mức tăng trưởng thấp nhất trong lịch sử Trung Cộng trong những thập niên gần đây. Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :
‘‘Khuôn mặt tươi cười, ngón tay trỏ nhiều lần hướng về phía rừng máy quay, trong bài phát biểu đầu tiên trước báo giới, thủ tướng Trung Cộng Lý Cường đã trở lại với mục tiêu tăng trưởng Trung Cộng. Theo ông, mức dự báo 5% cho năm nay ‘‘sẽ khó đạt được’’, nhưng người đứng đầu chính phủ Trung Cộng tự tin vào các nền tảng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với thị trường cực lớn, sự năng động của các công ty, đặc biệt là về xuất khẩu.
Chỉ trích những người ở Mỹ chủ trương tách Hoa Kỳ khỏi Trung Cộng, ông Lý Cường khẳng định: “Theo các số liệu của Trung Cộng, thương mại giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ đạt 760 tỷ đô la vào năm ngoái, đây là một kỷ lục trong lịch sử.Trung Cộng và Hoa Kỳ phải hợp tác. Nếu chúng ta hợp tác, chúng ta có thể đạt được nhiều điều lớn lao. Bao vây và trấn áp không phải là một giải pháp’’.
Để trấn an thị trường một lần nữa, thủ tướng Trung Cộng nhắc lại hiểu biết của mình về giới kinh doanh, đã được đúc kết trong thời gian làm việc tại các tỉnh miền đông, nơi mà chính sách mở cửa đã được thiết lập và ông cho biết sẽ tiếp tục mở cửa. Thủ tướng Lý Cường nói : tất cả các nước đều trải qua những khó khăn, người dân Trung Cộng luôn vượt qua khó khăn của mình’’.
Tuần duyên Trung Cộng vào vùng biển tranh chấp ở Biển Hoa Đông (VOA)
Lực lượng Tuần duyên Trung Cộng tiến vào vùng biển xung quanh các đảo nhỏ đang tranh chấp ở Biển Hoa Đông ngày 15/3 để chống lại điều mà họ gọi là sự xâm phạm của tàu Nhật Bản vào lãnh hải Trung Cộng.

Các hòn đảo nhỏ tranh chấp ở Biển Hoa Đông mà Trung Cộng và Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền từ lâu đã trở thành điểm mấu chốt trong quan hệ song phương. Trung Cộng gọi quần đảo này là Điếu Ngư trong khi Nhật Bản gọi là Senkaku.
Phát ngôn viên Tuần duyên Trung Cộng Gan Yu nói trong một tuyên bố rằng các tàu tuần duyên đã đi vào vùng biển của Điếu Ngư để “tuần tra thông thường bảo vệ các quyền” của mình và gọi đó là “hoạt động thường lệ”.
“(Đây cũng) là một biện pháp đối phó mạnh mẽ đối với việc phía Nhật Bản cho một du thuyền và một số tàu tuần tra xâm nhập vào lãnh hải của chúng tôi,” ông Gan nói, mặc dù ông không nêu rõ bất kỳ sự kiện nào.
Cuối tháng 1 năm nay, lực lượng Tuần duyên Trung Cộng cho biết tàu Shinsei Maru và 4 tàu khác của Nhật Bản đã xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh hải của quần đảo Điếu Ngư trước khi bị các tàu tuần duyên Trung Cộng xua đuổi.
Cuộc tuần tra ngày 15/3 diễn ra một ngày trước khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol tại Tokyo, cuộc gặp đầu tiên như vậy ở Nhật Bản trong hơn một thập niên, vào thời điểm mà Hoa Kỳ hy vọng hai nước láng giềng có thể thành lập một mặt trận đoàn kết hơn chống lại Bắc Kinh.
Washington cáo buộc Matxcơva gây ra vụ va chạm khiến drone Mỹ bị rơi trên Biển Đen (RFI).
Quân đội Mỹ, hôm 14/03/2023 thông báo, một chiến đấu cơ Nga đã va đập làm chiếc drone của Mỹ bị rơi khi đang hoạt động trên vùng trời Biển Đen. Mỹ cáo buộc không quân Nga “đã chặn và va đập” làm drone của Mỹ bị rơi. Không quân Nga phủ nhận cáo buộc này. Sự cố khiến quan hệ Washington và Matxcơva thêm căng thẳng.

Tướng James Hecker, tư lệnh không lực Mỹ tại Châu Âu xác nhận : “Chiếc drone MQ-9 của chúng tôi đã tiến hành hoạt động thường lệ trong không phận quốc tế thì bị một máy bay Nga chặn và va đập khiến chiếc MQ-9 bị rơi”. Đây là lần đầu tiên từ khi nổ ra cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina, lực lượng thuộc NATO bị tổn thất thiết bị khi hoạt động trong khu vực nhạy cảm như Biển Đen.
Thông tín viên David Thomson tại Miami cho biết thêm thông tin từ phía Mỹ:
Drone của Mỹ bị một chiến đấu cơ Nga chặn trên bầu trời vùng biển Đen không phải là chuyện bất thường. Nhưng lần này thì có khác. Theo Washington, chiếc drone loại Reaper này đang hoạt động như thường lệ trong không phận quốc tế thì bị một chiến đấu cơ Nga SU-27 va đập vào cánh quạt khiến nó bị rơi ngay lập tức.
Đây là hành động chưa từng có đuợc phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, ông John Kirby đánh giá là “ nguy hiểm, không chuyên nghiệp và thiếu suy nghĩ”.
Tổng thống Joe Biden đã được thông báo về vụ tai nạn và bộ Ngoại Giao cho biết sẽ tiếp xúc với các giới chức Nga để trực tiếp bày tỏ mối quan ngại của Hoa Kỳ.
Quân đội Mỹ ghi nhận sự kiện này diễn ra trong bối cảnh các phi công Nga hoạt động trên vùng Biển Đen gần hạm đội Mỹ ngày càng hành xử gây hấn nhiều hơn.
Triệu mời đại sứ
Bộ Ngoại Giao Mỹ hôm qua đã triệu mời đại sứ Nga tại Washington, ông Anatoli Antonov lên để phản đối. Đồng thời, đại sứ Mỹ tại Matxcơva, bà Lynne Tracy đã gửi công hàm bày tỏ lo ngại với bộ Ngoại Giao Nga.
Hôm 15/03, đại sứ Nga tại Mỹ đã lên tiếng kêu gọi Washington chấm dứt các chuyến bay có mục đích “thù địch” gần biên giới Nga, đồng thời nhấn mạnh Matxcơcva coi mọi hành động gần biên giới Nga có sử dụng vũ khí Mỹ là mang tính chất thù địch.
Tin Việt Nam.
Nhà hoạt động Trương Dũng sẽ bị đưa ra xử sơ thẩm vào ngày 28/3
Tin từ RFA cho biết, Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ tổ chức phiên toà sơ thẩm vào ngày 28/3 để xét xử nhà hoạt động Trương Văn Dũng (hay còn gọi là Trương Dũng) theo cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự cũ năm 1999.
Bà Nghiêm Thị Hợp, vợ của ông Dũng cho biết vào ngày 10/3, bà nhận được văn bản triệu tập của toà án trong đó bà có vai trò của người làm chứng trong phiên toà sắp tới.

Ông Dũng, 65 tuổi, người thường xuyên tham gia các cuộc biểu tình chống Trung cộng ở Hà Nội, bị bắt vào ngày 21/5/2022.
Ông bị biệt giam không được gặp người thân kể từ khi bị bắt tới nay. Vào ngày 03/3, ông được gặp luật sư Ngô Anh Tuấn lần đầu tiên để chuẩn bị cho việc bào chữa trong phiên toà sắp tới.
Bà Hợp chỉ được tiếp tế cho chồng hàng tháng. Đầu tháng qua, bà đi cùng luật sư đến Trại tạm giam số 1 nơi ông Dũng đang bị giam giữ nhưng bà không được gặp chồng. Bà nói với RFA:
“Tôi cùng luật sư vào, luật sư được vào gặp (chồng tôi- PV) còn tôi ngồi chờ ở cổng Trại giam số 1. Luật sư được gặp nửa tiếng.
Luật sư nói anh Dũng khoẻ mạnh bình thường, hàng ngày anh ấy niệm Phật.”
Trong tin nhắn gửi RFA, luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết trong lần gặp đầu tiên với thân chủ, hai bên chưa trao đổi gì cụ thể vì ông chưa nhận được hồ sơ vụ án. Dự kiến, ông sẽ sao chụp hồ vụ án trong tuần này và sau đó mới có thể trao đổi với thân chủ về việc bào chữa.
Ông Trương Văn Dũng là người tham gia tích cực vào các hoạt động dân sự ở Hà Nội như biểu tình phản đối Trung cộng xâm chiếm biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông, phản đối công ty Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường biển bốn tỉnh miền Trung Việt Nam hồi năm 2016, hay đòi chính quyền tôn trọng các quyền tự do căn bản, và công lý cho các dân oan.
Vì tham gia hoạt động này, ông Dũng đã nhiều lần bị công an bắt giữ, thậm chí đánh đập. Trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2018, ông Dũng đã bị công an đánh ít nhất sáu lần.
Cách đây đúng năm năm, trong ngày tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma ở Trường Sa bị thảm sát bởi Trung Quốc (14/3), ông bị đánh gãy răng ở văn phòng Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội. Ông còn bị lấy mất xe và bốn triệu đồng tiền mặt.
Người Việt ở Mỹ lên tiếng về Biển Đông trước đại sứ quán Trung cộng, Việt Nam
Một cuộc biểu tình phản đối những hành động của Trung cộng tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 18/3 ở thủ đô Washington của Mỹ, một phần trong chuỗi sự kiện biểu tình được lên kế hoạch ở một số các thành phố lớn khắp thế giới trong những tuần sắp tới.
Các cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh Việt Nam kỉ niệm trận hải chiến tại Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa vào ngày 14 tháng 3 năm 1988, khi 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hi sinh trong một cuộc tấn công của lực lượng hải quân Trung cộng. Bắc Kinh kể từ đó đã chiếm quyền kiểm soát thực thể này.
Trung cộng trước đó đã chiếm quần đảo Hoàng Sa từ Việt Nam Cộng Hòa trong một trận hải chiến vào năm 1974.
Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với cả hai quần đảo này và hiện kiểm soát phần nhiều các đảo ở Trường Sa, nơi mà Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Brunei và Malaysia cũng có những tuyên bố chủ quyền chồng chéo. (Trích VOA)
Việt Nam đưa ra cảnh báo bệnh “liên cầu lợn”
Phần lớn các trường hợp nhiễm liên cầu lợn đều liên quan đến việc tiếp xúc với thịt lợn hoặc ăn các sản phẩm sống và nội tạng lợn.
Đài VOA dẫn tin từ Bộ Y tế Việt Nam vừa đưa ra cảnh báo, kêu gọi các cơ sở y tế cảnh giác với các trường hợp nghi ngờ nhiễm liên cầu lợn, một loại virus có nguồn gốc từ lợn, sau khi một số trường hợp nhiễm bệnh ở người được phát hiện trong vài tháng qua, truyền thông địa phương đưa tin hôm 14/3.
Từ đầu năm đến nay, một số ca nhiễm liên cầu lợn đã được ghi nhận trên toàn quốc và phần lớn các trường hợp này liên quan đến những người ăn các sản phẩm từ thịt lợn như tiết canh hoặc là những người giết mổ lợn, theo thông tin từ Bộ Y tế.
Bệnh nhận nhiễm liên cầu lợn thường có các triệu chứng lâm sàng nghiêm trọng và cần phải được điều trị lâu dài, rất tốn kém và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh. Khi bệnh nhân bị nhiễm virus từ lợn, bệnh sẽ diễn biến nhanh và dẫn đến các biến chứng như sốc nhiễm trùng, hôn mê, suy đa tạng.
Ca nhiễm liên cầu lợn đầu tiên được phát hiện vào năm 1960. Đến nay, trên thế giới đã ghi nhận khoảng 490 ca bệnh liên cầu lợn ở người. Trong đó, tỷ lệ tử vong là 17,5%.
Tại Việt Nam, bệnh liên cầu lợn mới được biết đến từ năm 2003. Trong những năm trước, chỉ có khoảng 10 bệnh nhân nhập viện, nhưng con số này tăng cao trong hai năm 2005-2006 với 72 trường hợp nhiễm bệnh phải nhập viện. Năm 2007 có hơn 48 ca được chẩn đoán bị bệnh liên cầu lợn, 3 ca trong số này đã tử vong.
Một nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh cho thấy bệnh liên cầu lợn có khuynh hướng xảy ra vào mùa hè nắng nóng với số bệnh nhân nam giới chiếm phần đông (81%).
Cục Y tế Dự phòng đề nghị các cơ quan y tế ở địa phương tăng cường giám sát để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và có biện pháp xử lý ổ dịch.
Người dân được khuyến khích nấu chín thịt lợn đúng cách để loại bỏ nguy cơ nhiễm trùng tiềm ẩn, vì hiện tại chưa có vaccine phòng bệnh này.
Mất gần 47 tỉ đồng trong tài khoản tiền gửi tại Sacombank, Khánh Hòa
Bà Hồ Thị Thùy Dương ngụ tại tỉnh Khánh Hòa đã gửi đơn kêu cứu tới Bộ Công an khi bất ngờ bị mất 46,9 tỉ đồng trong tài khoản cá nhân của bà gửi tại Sacombank.
Tờ Xây dựng điện tử loan tin trên trong ngày 15/3 dẫn nội dung đơn kêu cứu của bà Dương gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và các cơ quan báo chí.
Theo đơn, bà Dương cho biết là chủ tài khoản 0500420042321 mở tại Ngân hàng Sacombank, Chi nhánh Khánh Hòa, Phòng giao dịch Cam Ranh. Đây là tài khoản để thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động kinh doanh tôm giống giữa bà Dương và các chủ hàng, hộ cá thể nuôi tôm. Tuy nhiên, đến tháng 5/2022, bà Dương phát hiện tài khoản của mình bị mất tiền và đã đề nghị Ngân hàng Sacombank trích lục sao kê từ ngày 01/5/2022 để kiểm tra và đối chiếu các giao dịch.
Sau khi rà soát, bà Dương phát hiện có 12 giao dịch trong đó có chín giao dịch rút tiền mặt và ba giao dịch chuyển khoản bất thường với số tiền bị mất lên đến 46,9 tỷ đồng.
Bà Dương cho biết trong ba giao dịch chuyển khoản trái phép thì có một giao dịch được thực hiện trót lọt với số tiền 11 tỷ đồng. Trong khi hạn mức cho phép tối đa chuyển khoản của bà chỉ là 10 tỷ đồng. Ngoài ra, từ trước đến nay, bà Dương không có bất kỳ ủy quyền cho ai thay mặt để thực hiện các giao dịch tại ngân hàng. Do đó trong ngày 4/1/2023 bà Dương đã gửi đơn kêu cứu đến các bộ, ngành.
Theo nguồn tin của tờ Xây dựng, Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín Sacombank đã có văn bản ủy quyền cho luật sư thông báo đến bà Dương rằng Sacombank sẽ hỗ trợ tạm ứng số tiền 15 tỷ đồng cho bà Dương trong thời gian chờ kết quả xử lý của cơ quan Nhà nước. Đồng thời, Sacombank yêu cầu bà Dương không thực hiện việc đăng tin, lan truyền thông tin này trên mạng xã hội và các phương tiện khác khi chưa có sự kết luận của Cơ quan chức năng và sự đồng ý bằng văn bản của Sacombank. Tuy nhiên bà Dương không chấp nhận.
11 ngân hàng bị thanh tra liên quan trái phiếu doanh nghiệp
Mười một ngân hàng tại Việt Nam bị Ngân hàng Nhà nước CSVN “thanh tra đột xuất” liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.
Nhiều báo tại Việt Nam ngày Chủ Nhật 12 Tháng Ba cho hay 11 tổ chức tín dụng đã bị thanh tra đột xuất và một số ngân hàng bị phạt hành chính liên quan đến vi phạm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Nhiều cuộc biểu tình của những người bỏ tiền ra mua trái phiếu doanh nghiệp đã xảy ra những tháng cuối năm ngoái sau vụ bắt giữ bà Trương Mỹ Lan, chủ nhân tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Cuộc thanh tra được tờ Tiền Phong dẫn thuật từ thông tin của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm “phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm và các rủi ro có nguy cơ gây mất an toàn trong hoạt động, đảm bảo việc chấp hành các quy định pháp luật trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.”
Sau vụ bắt giữ một loạt đại gia tỉ phú hàng đầu Việt Nam như bà Trương Mỹ Lan (Vạn Thịnh Phát), Trịnh Văn Quyết (TLC), và một số đại gia khác, hàng loạt các vụ biểu tình đòi tiền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vì người ta sợ mất hết cả chì lẫn chài.
Cho đến cuối năm 2022, thống kê thấy gần 1,200 doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản hay giải thể. Hàng trăm ngàn tỉ đồng chôn trong các họp đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn nhưng các công ty phát hành đã không có tiền trả. Nếu các công ty này sập tiệm có thể kéo theo sự khủng hoảng của cả hệ thống tài chính.
Ngày 5 Tháng Ba vừa qua, nhà cầm quyền Hà Nội đưa ra một nghị định mới cho phép các công ty, tổ chức tài chính hoặc doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoãn thanh toán đến 2 năm cả vốn gốc lẫn tiền lời. Đồng thời lại cho phép “cấn nợ” với các loại tài sản khác thay vì phải hoàn trả bằng tiền mặt.
Quy định vừa kể nhằm “gỡ khó” trước mặt cho giới tư bản đỏ “mượn đầu heo nấu cháo” nhưng người ta đặt câu hỏi nếu 2 năm nữa các người mua trái phiếu vẫn không được thanh toán thì sao, hiện không thấy có câu trả lời cụ thể. Chỉ thấy cái nghị định mới đưa ra đòi “Doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật”.
Trái phiếu doanh nghiệp là một hình thức giấy vay nợ có trả lãi định kỳ do một doanh nghiệp hay một tổ chức tín dụng, một ngân hàng, phát hành dưới hình thức chứng chỉ, trái phiếu. Nhà đầu tư được trả cả vốn và tiền lời khi đáo hạn.
Theo tin tức hồi cuối Tháng Hai, trong năm 2023, có gần 273,000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Ngay từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp đã phải xin “khất nợ” vì không có khả năng hoàn trả.
Dân số Việt Nam tới 100 triệu người vào Tháng Tư 2023
Dân số Việt Nam sẽ lên tới 100 triệu người vào khoảng giữa Tháng Tư 2023, theo báo cáo mới đây từ Tổng cục Thống kê Hà Nội.
Các báo mạng tại Việt Nam dẫn thuật từ nguồn tin kể trên, nói vào Tháng Tư 2022, dân số Việt Nam là 99.2 triệu người, xếp hàng tứ 15 trong số những nước đông dân nhất thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam đứng hạng ba về đông dân nhất.

Vào cuối năm 2022, theo cơ quan Quỹ Dân Số Liên Hiệp Quốc, nước đông dân nhất thế giới vẫn là Trung Quốc với hơn 1.4 tỉ người. Ấn Độ vẫn đông hàng thứ nhì với khoảng 15 triệu người ít hơn Trung Quốc. Tại khu vực Đông Nam Á, Insonesia đông dân nhất với hơn 218 triệu người. Kế đến là Phi Luật Tân với hơn 113 triệu người. Cuối năm 2022, dân số Việt Nam gần với 99.5 triệu người, hạng thứ ba.
Tinh thần trọng nam khinh nữ vẫn còn nặng trong xã hội tại Việt Nam. Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Việt Nam, Bộ Y tế, cuối Tháng Mười Hai năm ngoái, được báo chí thuật lời báo động tình trạng mất cân bằng giới tính ở nước này “theo hướng thừa nam, thiếu nữ tăng nhanh đã ở mức nghiêm trọng”.
Tình trạng phá thai khi xét nghiệm biết bào thai là con gái vẫn diễn ra không chỉ xảy ra ở các thành phố lớn mà lan ra trên cả nước xuống tới các khu vực thôn quê, tin của Vietnamnet tường thuật. Dân số gia tăng “chậm hơn 10 năm” nhờ các kế hoạch hóa gia đình qua sự tài trợ của Liên Hiệp Quốc. Để chận đà gia tăng dân số quá nhanh, chế độ Hà Nội đã từng bắt buộc phụ nữ phải đeo vòng xoắn tránh thai, đàn ông phải cắt ống dẫn tinh triệt sản. Loa phường ngày ngày réo gọi theo danh sách những ai phải thi hành lệnh.
Theo ông Nguyễn Doãn Tú, mức sinh thông thường ở Việt Nam khoảng 104-106 bé trai so với 100 bé gái. Nhưng năm 2022, tỉ lệ sinh sản này vọt lên 113.7 bé trai trong khi chỉ có 100 bé gái ra đời. Nhà cầm quyền đề ra chỉ tiêu kềm giữ giới hạn tỉ lệ sinh sản 111.4 bé trai so với 100 bé gái, như vậy đã bị “vượt kế hoạch”.