Tin Thế Giới.

Tòa án Hình sự Quốc tế phát lệnh truy nã để bắt Tổng thống Vladimir Putin (BBC).

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tòa án này cáo buộc ông phải chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh, bao gồm cả việc bắt nhiều trẻ em từ Ukraine đưa về Nga.

Tòa này nói rằng tội ác đã xảy ra ở Ukraine ít nhất là từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 – khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện.

Moscow đã bác bỏ cáo buộc về tội ác chiến tranh trong cuộc xâm lược.

Phía Nga không che giấu việc đưa trẻ em từ các vùng Nga chiếm đóng của Ukraine về Liên bang Nga nhưng nói đó là hành động “nhân đạo”. Ukraine từ lâu đã lên tiếng Nga “cướp dân” của họ bằng cách bắt người Ukraine ở phía Đông phải về Liên bang Nga.

Phía Nga từng nói những người dân Ukraine ở phía Đông “chính là người Nga”, nhưng cùng lúc vẫn bắn phá từ xa, giết hại nhiều thường dân Ukraine.

ICC nói ông Putin có liên quan đến việc trục xuất trẻ em và nói rằng họ có cơ sở hợp lý để tin rằng ông đã trực tiếp thực hiện các hành vi cũng như hợp tác với những người khác.

Công tố viên của ICC, Karim Khan có chuyến đi điều tra tội ác chiến tranh ở Ukraine trở về sau khi một cuộc điều tra chính thức được mở một năm trước. Ông Khan cho hay trong thời gian tới Ukraine, ông chú ý tìm cách bằng chứng về tội ác nhắm vào trẻ em và việc cố ý tàn phá các mục tiêu dân sự.

Ủy viên quyền trẻ em của Nga, Maria Lvova-Belova, cũng bị ICC truy nã.

ICC không có quyền bắt giữ các nghi phạm và chỉ có thể thực thi quyền tài phán trong các quốc gia đã ký kết thỏa thuận thành lập tòa án.

Nga không phải là bên ký kết thỏa thuận đó.

Bao nhiêu trẻ em Ukraine bị Nga bắt về?

Từ tháng 6/2022, các luật sư quốc tế đã bắt đầu tìm hiểu các báo buộc trẻ em Ukraine bị quân Nga bắt về Nga.

Ukraine cũng có cuộc điều tra riêng và theo Trưởng Công tố Iryna Venediktova, người giám sát các cuộc điều tra về tội ác chiến tranh của quân Nga thì họ thấy có ít nhất 20 vụ “bắt đi cưỡng bức” với công dân Ukraine, kể từ khi cuộc xâm lăng bắt đầu ngày 24/02 cho đến tháng 6/2022.

“Forced mass deportation of people” – tức trục xuất cưỡng bức thường dân trong xung đột, là một tội ác chiến tranh, theo Công ước chống Diệt chủng năm 1948. Các nhà vận động nhân quyền Ukraine giữa năm ngoái đã nói có 1,2 triệu người Ukraine bị cưỡng bức phải về sống ở Nga, gồm 210 nghìn trẻ em, theo Reuters.

Nước Nga không hề phủ nhận các con số này, chỉ nói là họ “tự nguyện sang Nga”.

TASS từng đưa tin rằng, từ tháng 2 đến tháng 6/2022, “hơn 1,55 triệu người từ Ukraine và Donbas đã qua biên giới, vào Liên bang Nga, gồm 254 nghìn trẻ em“.

Chỉ từ đầu cuộc xâm lăng của Nga đến cuối tháng 3/2022, hơn 1,5 triệu trẻ em đã phải rời Ukraine, theo thống kê của LHQ.

Số trẻ em bị mất nhà do bạo lực lan rộng ở nhiều nơi còn lớn hơn thế.

Mặc dù Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở The Hague đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin, nhưng đó chỉ là bước đầu tiên trong một quá trình rất dài. Liên Hợp Quốc rõ ràng tin rằng có đủ bằng chứng để buộc tội nhà lãnh đạo Nga về tội ác chiến tranh ở Ukraine.


Cuộc chiến Ukraine: Zelensky thăm vùng chiến tuyến đổ nát gần Bakhmut (BBC)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến thăm vùng chiến tuyến gần Bakhmut, nơi đang có giao tranh khốc liệt.

Thành phố bị bao vây đã trở thành tâm điểm của cuộc chiến, với việc Nga cố gắng chiếm trong nhiều tháng. Bộ Quốc phòng Anh (MoD) cho biết các lực lượng Ukraine gần đây đã tiến hành phản công ở phía tây thành phố.

Chuyến thăm của ông Zelensky diễn ra sau khi các lực lượng Nga tấn công các thành phố của Ukraine hồi đêm, giết chết ít nhất 4 người trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (drone) gần thủ đô.

Nhà lãnh đạo Ukraine cảm ơn quân đội xung quanh Bakhmut đã bảo vệ thành phố và đất nước, một thông cáo nói. “Tôi vinh dự được có mặt ở đây ngày hôm nay,” tổng thống Ukraine nói với các quân nhân, “ở phía đông của đất nước chúng ta, Donbas, để vinh danh các anh hùng của chúng ta, để cảm ơn các bạn, để bắt tay các bạn.”

Bakhmut nằm trong đống đổ nát. Trong hơn bảy tháng, nơi đây đã xảy ra tình trạng giao tranh ác liệt khi quân Nga cố gắng giành lãnh thổ để làm hài lòng Điện Kremlin.

MoD cho biết cuộc phản công của Ukraine ở phía tây Bakhmut nhiều khả năng sẽ làm giảm áp lực lên tuyến đường tiếp tế chính tới thành phố – và cho biết cuộc tấn công của Nga vào thành phố có thể đang mất đà.

“Giao tranh vẫn tiếp diễn quanh khu vực trung tâm thị trấn và lực lượng phòng thủ của Ukraine vẫn có nguy cơ bị bao vây từ phía bắc, phía nam,” thông cáo cho biết thêm.

Tuy nhiên, có một khả năng thực tế là cuộc tấn công của Nga vào thị trấn đang mất đà, một phần là do một số đơn vị [quân đội] của Nga đã được tái phân bố sang các khu vực khác.”

Trước đó, ông Zelensky cho biết Moscow đã phóng hơn 20 “máy bay không người lái sát thủ”, cũng như tên lửa và đạn pháo.

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào một khu dân cư ở vùng Kyiv đã đánh trúng các tầng trên của hai ký túc xá sinh viên ở thành phố Rzhyshchiv. Bốn người thiệt mạng và một em nhỏ 11 tuổi nằm trong số những người bị thương. Một tòa nhà ba tầng của trường học cũng bị trúng đạn.

Các quan chức nói một người thiệt mạng và 25 người khác bị thương ở thành phố Zaporizhzhia phía đông nam, nơi cũng bị tấn công.

Quân đội Ukraine cho biết 16 trong số 21 máy bay không người lái được phóng hôm thứ Tư từ vùng Bryansk của Nga, phía bắc biên giới Ukraine, đã bị bắn hạ.

Đề cập đến việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rời khỏi Nga vài giờ trước đó, nhà lãnh đạo Ukraine nói rằng mỗi khi “ai đó cố gắng nghe từ ‘hòa bình’ ở Moscow”, thì một mệnh lệnh tấn công khác lại được đưa ra.

Hôm thứ Ba, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng nhiều điều khoản trong kế hoạch hòa bình 12 điểm của Trung Quốc “có thể được coi là cơ sở để giải quyết xung đột ở Ukraine, bất cứ khi nào phương Tây và Kiev sẵn sàng”.

Kế hoạch không đưa ra đề xuất cụ thể và không kêu gọi rõ ràng lực lượng Nga rời khỏi phần lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine.


Tập Cận Bình và Vladimir Putin : Quan hệ Nga-Trung bước vào “kỷ nguyên mới” đối mặt với phương Tây (RFI)

Sáng hôm nay, 22/03/2023, chủ tịch Trung Quốc đã rời Matxcơva, kết thúc chuyến thăm chính thức Nga 2 ngày. Trong chuyến công du này, tổng thống Vladimir Putin và chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định mối quan hệ « đặc biệt » giữa hai nước, bước vào « kỷ nguyên mới » đối mặt với phương Tây.

Sau các nghi lễ đón tiếp long trọng và gặp riêng, hôm qua (21/03), tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm chính thức. Chưa thể có được bước đột phá nào trong việc giải quyết cuộc xung đột Ukraina, cuộc gặp thượng đỉnh Nga – Trung lần này, trước hết nhằm chứng minh mối quan hệ bền chặt giữa Nga và Trung Quốc, trong bối cảnh cả hai nước đang đọ sức căng thẳng với các nước phương Tây.

AFP dẫn nguồn truyền thông Nga cho biết, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đánh giá quan hệ giữa Bắc Kinh và Matxcơva đang bước vào « một kỷ nguyên mới ». Sau cuộc hội đàm, hai bên đã ra thông cáo chung về quan hệ « đối tác chiến lược ». Với nội dung mang nặng không khí chiến tranh lạnh, lãnh đạo hai nước chỉ trích gay gắt phương Tây, lên án Hoa Kỳ « phá hoại » an ninh quốc tế nhằm mục đích duy trì « ưu thế quân sự », áp đặt trật tự thế giới theo cách riêng của họ.

Ông Tập Cận Bình và Vladimir Putin cũng bày tỏ mối « lo ngại » trước sự hiện diện ngày càng gia tăng của NATO ở châu Á. Nga và Trung Quốc cùng khẳng định một cuộc chiến tranh hạt nhân không bao giờ được xảy ra.

Giới quan sát nhận định, chuyến thăm Matxcơva của ông Tập là một sự ủng hộ quan trọng đối với cá nhân nguyên thủ Nga, cách đây một tuần vừa bị Tòa Án Hình Sự Quốc Tế phát lệnh bắt vì tội ác chiến tranh. Một quyết định chủ yếu mang ý nghĩa cô lập hơn nữa ông Putin.

Chuyến đi của chủ tịch Trung Quốc cũng diễn ra vào lúc nước Nga đang trông cậy nhiều vào nền kinh tế thứ 2 thế giới để đối phó với các trừng phạt của phương Tây. Trong bối cảnh đó, hôm qua, tổng thống Putin thông báo đã nhất trí với ông Tập Cận Bình về dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt khổng lồ mang tên Sức mạnh Siberi 2, cho phép Nga cung cấp cho Trung Quốc mỗi năm thêm 50 tỷ mét khối khí đốt.

Ông Tập Cận Bình đã mời ông Vladimir Putin tới thăm Trung Quốc trong năm nay và tổng thống Nga đã nhận lời.


Kết quả cuộc gặp Putin-Tập (VOA)

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại Moscow trong tuần này.

Ukraine

Ông Putin nói các đề nghị của Trung Quốc có thể được sử dụng làm cơ sở cho một giải pháp hòa bình ở Ukraine, nhưng không có gì nổi lên từ cuộc gặp này để có thể trói tay Putin về mặt quân sự. Một tuyên bố chung từ hội nghị thượng đỉnh lặp lại ngôn ngữ từ tài liệu 12 điểm của Trung Quốc vào tháng rồi khi kêu gọi đối thoại, mặc dù trong đó không nhắc tới việc tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, nó đã cảnh báo chống lại “đối đầu khối” và lên án các chế tài đơn phương – đề cập đến việc NATO vũ trang cho Ukraine và việc phương Tây giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Nga. Nga biết rằng Ukraine sẽ không đồng ý với bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào mà không khôi phục được toàn bộ lãnh thổ đã bị chiếm và Hoa Kỳ nói rằng bất kỳ lệnh ngừng bắn nào hiện nay sẽ chỉ chốt lại những thắng lợi của Nga và cho quân đội Nga thời gian để tập hợp lại. Vì vậy, ông Putin có thể nói rằng ông ủng hộ kế hoạch của Trung Quốc khi biết rằng nó sẽ không đi đến đâu, ngăn chặn bất kỳ sự bất ngờ nào từ hoạt động ngoại giao tiếp theo có thể xảy ra giữa ông Tập và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.

Điểm mấu chốt: Ngôn ngữ của hội nghị thượng đỉnh đã được thống nhất phù hợp với mục đích của ông Putin, cho phép ông tiếp tục chiến đấu trong khi nói rằng ông sẵn sàng đàm phán hòa bình.

Đường ống dẫn khí đốt

Hội nghị thượng đỉnh đã đạt được 14 thỏa thuận về các chủ đề từ đậu tương đến năng lượng nguyên tử, nhưng nó không mang lại giải thưởng lớn mà Nga mong muốn: thỏa thuận về đường ống dẫn khí đốt mới, Power of Siberia 2, để bơm thêm 50 tỷ mét khối khí đốt hàng năm của Nga đến Trung Quốc qua Mông Cổ. Ông Putin nói “các thỏa thuận với Mông Cổ” đã đạt được nhưng Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói rõ rằng đó chưa phải là một thỏa thuận được thực hiện, đồng thời cho biết chỉ thị đã được đưa ra cho công ty khí đốt khổng lồ Gazprom phải giành được hợp đồng càng sớm càng tốt. Có hai vấn đề có thể xảy ra: ai sẽ xây dựng đường ống dài 2.600 km và khí đốt sẽ được định giá như thế nào. Trung Quốc có vị trí thuận lợi để thúc đẩy một cuộc mặc cả khó khăn, vì Moscow cần thỏa thuận này hơn: Gazprom đang tìm đến Trung Quốc để bù đắp cho sự sụp đổ của thị trường châu Âu từng chiếm 80% xuất khẩu của họ. Do các lệnh trừng phạt và các vụ nổ không rõ nguyên nhân vào năm ngoái trong các đường ống Nord Stream dưới Biển Baltic, các nhà phân tích dự đoán Gazprom sẽ chỉ cung cấp 50-65 tỷ mét khối cho châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay, giảm từ mức đỉnh khoảng 200 tỷ mét khối trong năm 2018.

Điểm mấu chốt: Nga vẫn đang chờ đợi một thỏa thuận và Trung Quốc có đòn bẩy mạnh mẽ để đảm bảo các điều khoản về giá có lợi.

Tình bạn Putin-Tập và mối quan hệ Trung-Nga

Thực tế chuyến thăm của ông Tập là một lực đẩy kịp thời cho ông Putin, ba ngày sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế cáo buộc ông về các tội ác chiến tranh ở Ukraine. Chuyến thăm của ông Tập cho phép Putin chứng tỏ rằng bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập ông, ông có sự hậu thuẫn của một người bạn quyền lực, người có cùng quan điểm phản đối ý tưởng về một “thế giới đơn cực” do Hoa Kỳ thống trị. Bản chất cá nhân của mối quan hệ – họ đã gặp nhau khoảng 40 lần và gọi nhau là “bạn thân” – ràng buộc ông Tập Cận Bình với ông Putin theo cách có nghĩa là bất kỳ thất bại nào của ông Putin ở Ukraine cũng sẽ gây tổn hại cho nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Tuy nhiên, ở những khía cạnh khác, chuyến thăm cho thấy bản chất ngày càng lệch lạc của mối quan hệ và những lợi ích mà Bắc Kinh thu được, vốn đã tiết kiệm được hàng tỷ đô la nhờ giảm giá dầu và than từ Nga kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Ông Putin cho biết các công ty Trung Quốc sẽ là những công ty đầu tiên thay thế các công ty phương Tây vốn đã rời bỏ Nga. Ông cũng cho biết Nga ủng hộ việc tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong giao dịch thương mại với châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin.

Điểm mấu chốt: Lợi ích ngắn hạn dành cho ông Putin nhưng sự thay đổi dài hạn có lợi cho Trung Quốc.


Kế hoạch hòa bình cho Ukraina: Mỹ cáo buộc Trung Quốc chỉ ‘‘lặp lại’’ các tuyên truyền của Nga (RFI)

Trong tuyên bố chung Trung – Nga hôm 21/03/2023, lãnh đạo Nga đánh giá cao ‘‘lập trường khách quan và không thiên vị’’ của Trung Quốc ‘‘về vấn đề Ukraina’’,‘‘các ý tưởng mang tính xây dựng’’ trong kế hoạch hòa bình cho Ukraina của Trung Quốc. Cùng ngày, chính quyền Mỹ đã lên tiếng tố cáo Bắc Kinh hoàn toàn đứng về phía Nga, ‘‘lặp lại các tuyên truyền’’ của Matxcơva.

Trong cuộc trả lời báo giới hôm qua, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của Nhà Trắng, ông John Kirby, đã bác bỏ vai trò được gọi là ‘‘tích cực’’ của Trung Quốc trong việc giải quyết xung đột Nga – Ukraina ‘‘bằng con đường chính trị-ngoại giao’’ như khẳng định của tuyên bố Trung Nga, được Le Monde đăng tải. Ông John Kirby nhấn mạnh điều căn bản là Trung Quốc ‘‘đã không hề lên án cuộc xâm lăng của Nga’’, ‘‘không ngừng mua dầu và năng lượng của Nga’’, và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và chế độ của ông ấy đã ‘‘liên tục nhắc lại các tuyên truyền của Nga, đó là bằng cách này hay cách khác, đây là cuộc chiến của phương Tây chống lại Nga, và đây là một mối đe dọa sống còn với tổng thống Nga Putin’’.

Ông John Kirby

Theo ông John Kirby, nếu Trung Quốc muốn ‘‘đóng vai trò mang tính xây dựng’’, thì điều ngay lập tức cần làm là ‘‘gây áp lực để buộc Nga phải rút quân khỏi Ukraina, các vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Ukraina, hối thúc tổng thống Putin ngừng ném bom các thành phố, bệnh viện và trường học; ngăn chặn tội ác chiến tranh và các hành động tàn bạo’’.

Đài Euro News nhận định đây là ‘‘chỉ trích mạnh mẽ nhất’’ của chính quyền Mỹ đối với đề xuất trung gian hòa bình của Trung Quốc cho đến nay. Phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của Nhà Trắng cũng lên án Trung Quốc và Nga muốn ‘‘thay đổi các quy tắc’’ của trật tự quốc tế hiện hành.

NATO kêu gọi Trung Quốc đối thoại ‘‘trực tiếp’’ với TT Ukraina

Về phần mình, tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, hôm qua trong một cuộc họp báo tại Bruxelles, kêu gọi nếu Trung Quốc muốn kế hoạch hòa bình của Bắc Kinh được coi là nghiêm túc, thì họ cần đối thoại ‘‘trực tiếp’’ với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Lãnh đạo NATO nhấn mạnh : ‘‘thỏa thuận ngừng bắn hay bất cứ giải pháp nào không tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina sẽ chỉ là cách để đóng băng chiến tranh, và cho phép Nga khôi phục lực lượng, để tấn công một lần nữa’’.


Thủ tướng Nhật công du Ấn Độ với trọng tâm là tăng cường hợp tác để đối phó với Trung Cộng (RFI)

Hôm 20/03/2023, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đến New Delhi trong chuyến công du hai ngày. Theo AP, tại New Delhi, thủ tướng Nhật công bố ‘‘một kế hoạch mới’’ vì khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ‘‘tự do và rộng mở’’ nhằm làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Cộng.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida

Phát biểu trước khi lên đường thăm Ấn Độ hôm qua, thủ tướng Nhật Bản cho biết ông sẽ trình bày một kế hoạch hành động mới cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tiếp nối nhiều hợp tác trước đó của Nhật Bản với Ấn Độ trong  khu vực. Theo hãng tin Bloomberg, Nhật Bản sẽ chi 2 tỷ đôla trong ba năm tới để giúp các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trang bị nhiều thiết bị, phương tiện, trong đó có tàu tuần tra, cũng như đào tạo nhân sự để tăng cường khả năng thực thi pháp luật hàng hải.

Theo Bloomberg, thủ tướng Nhật có nhiều khả năng nhận được sự ủng hộ của chính quyền Modi, khi công bố sáng kiến mới giúp các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối phó với Trung Cộng tại Indian Council of World Affairs (Hội đồng các vấn đề thế giới của Ấn Độ), họp vào cuối ngày hôm nay. Indian Council of World Affairs được coi là viện tư vấn độc lập hàng đầu về các vấn đề quốc tế của Ấn Độ.

Nhật Bản là chủ tịch luân phiên của nhóm G7, còn Ấn Độ là chủ tịch luân phiên nhóm G20. Sau cuộc hội kiến, lãnh đạo hai bên nhất trí ‘‘G7 và G20 sẽ hợp tác chặt chẽ về tài chính phát triển, an ninh lương thực, khí hậu và năng lượng’’, theo thủ tướng Nhật. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhận lời dự thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật Bản, tháng 5 tới.

Nhật tìm cách thuyết phục Ấn cứng rắn với Nga

Ấn Độ và Nhật Bản cùng với Hoa Kỳ và Úc lập thành liên minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thường được gọi là nhóm Bộ Tứ (QUAD), nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Cộng ở châu Á. Ấn Độ là thành viên duy nhất trong Bộ Tứ không lên án cuộc xâm lược Ukraina của Nga. Theo Bloomberg, trong chuyến công du Ấn Độ lần này, thủ tướng Nhật muốn thuyết phục New Delhi có thái độ cứng rắn hơn với Nga.

Trong một bài viết trên báo Ấn Độ Indian Express đăng tải hôm nay, thủ tướng Kishida cho biết “nền móng của trật tự quốc tế đã bị lung lay do hành động gây hấn của Nga đối với Ukraina”, và tác động của cuộc xâm lăng đối với an ninh lương thực và giá phân bón đã được cộng đồng quốc tế nhận thấy rõ, bao gồm cả vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.


Lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc thăm hai bên chiến tuyến Ukraine – Nga (BBC)

Nếu bạn cần được thấy một biểu hiện cuộc chiến ở Ukraine ảnh hưởng ở châu Á ra sao, lịch công du của các nhà lãnh đạo Nhật và Trung Quốc sẽ cho bạn một ví dụ điển hình.

Cả hai vị lãnh đạo đều đang có các chuyến công du chiến lược tới hai bên đối lập trong cuộc chiến này.

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đang ở Kyiv nơi ông hứa hẹn sự ủng hộ không nao núng với tổng thống Ukraine, và bàn về viện trợ nhân đạo và tái thiết.

Thủ tướng Kishida và Tổng thống Zelensky ở Kiev

Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đang ở Moscow và được Tổng thống Nga Putin gọi là một người bạn và đối tác. Trung Quốc có thể khăng khăng rằng họ trung lập, nhưng nước này có vẻ nghiêng về phía Moscow hơn là một nước hòa giải trung lập lúc này.

Hôm thứ Ba, ông Tập nói Trung Quốc sẽ ưu tiên mối quan hệ với Nga và mô tả hai nước là “hai cường quốc láng giềng lớn.”

Với những gì đang diễn ra ở Moscow, thời điểm của chuyến đi song song của Thủ tướng Kishida là đáng chú ý. Vậy chúng ta có thể thấy gì về chuyến đi này?

Hiếm khi một lãnh đạo Nhật Bản có một chuyến công du nước ngoài không báo trước và ông Kishida là lãnh đạo Nhật đầu tiên tới thăm một nước đang có xung đột kể từ Thế Chiến thứ Hai.

Chuyến đi được giữ bí mật cho tới khi ông sắp đặt chân đến Ukraine hôm thứ Ba vì lý do an ninh, các quan chức Nhật cho biết.

Ông Kishida sẽ “bày tỏ sự kính trọng tinh thần dũng cảm và kiên trì của người dân Ukraine những người đang đứng lên bảo vệ quê hương… và bày tỏ tình đoàn kết và sự ủng hộ không nao núng” trong chuyến thăm, Bộ Ngoại giao Nhật bản cho hay.

Ông Kishida cũng sẽ bày tỏ “sự phản đối hoàn toàn thay đổi một phía của Nga tới tình trạng hiện có bằng cách xâm lược và dùng vũ lực,” thông cáo của Bộ Ngoại giao Nhật nói thêm.

Ông Kishida gặp sức ép ngày càng lớn có chuyến thăm Ukraine từ chính đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông.

Cho tới hôm nay, ông là lãnh đạo G7 duy nhất chưa thăm Ukraine kể từ khi Nga xâm lược Ukraine năm ngoái và nhiều ý kiến kêu gọi ông đi Ukraine trước khi ông chủ trì Thượng đỉnh G7 ở Hiroshima vào tháng Năm.

Ông đã đạt được một thắng lợi chiến lược trên mặt trận ngoại giao bằng việc tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh với tổng thống Hàn Quốc tuần trước ở Tokyo – lần đầu tiên điều này xảy ra trong hơn một thập kỷ. Bình thường hóa quan hệ với Seoul, chia sẻ thông tin tình báo và thể hiện sự đoàn kết trước Bắc Hàn sẽ trấn an Hoa Kỳ, đồng minh chiến lược của Nhật.

Chuyến đi Ukraine của ông Kishida chắc chắc cũng sẽ được Washington hoan nghênh.

Một phần chuyến đi Moscow của Chủ tịch Tập Cận Bình là nỗ lực để mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc. Sự hiện diện của vị lãnh đạo Nhật ở Ukraine cùng một lúc gửi một thông điệp mạnh mẽ về hai nước đứng ở đâu trong sự hỗn loạn địa chính trị này.

Đây không phải là thắng lợi nhỏ, Nhật Bản phải cân bằng thận trọng, đặc biệt là trong mối quan hệ với Trung Quốc.

Tháng trước, lần đầu tiên trong bốn năm, hai nước có các cuộc đàm phán về an ninh ở Tokyo. Bắc Kinh nói họ lo ngại về việc tăng cường khả năng quân sự của Nhật và Tokyo chỉ trích quan hệ quân sự của Trung Quốc với Nga và việc Trung Quốc bị nghi ngờ sử dụng khinh khí cầu do thám.

Đây là các nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, và một kênh liên lạc mở là điều quan trọng mặc dù có căng thẳng trong quan hệ Nhật-Trung hiện nay.

Nhật Bản cũng có những lo ngại riêng về cuộc chiến ở Ukraine. Có sự lo ngại sâu sắc về sự tương đồng giữa cuộc xâm lăng của Nga và một viễn cảnh xấu nhất khi quân đội Trung Quốc gây hấn với Đài Loan – điều mà không nghi ngờ gì sẽ lôi Nhật Bản vào cuộc.


Trung Cộng và Campuchia lần đầu diễn tập chung trên biển (RFA)

Trung Cộng và Campuchia vào ngày 19/3 tiến hành cuộc diễn tập Hải quân lần đầu tiên giữa hai phía tại vùng biển Xứ Chùa Tháp.

Hoạt động diễn tập Hải quân giữa Trung Cộng và Campuchia được diễn ra ngay trước thềm cuộc tập trận chung Rồng Vàng- 2023 giữa quân đội hai nước.

Reuters loan tin dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Trung Cộng cho biết cuộc diễn tập Hải quân có sự tham gia của ba tàu của hai phía nhằm hoàn thành các bài tập liên lạc và huấn luyện đội hình.

Cuộc tập trận chung Rồng Vàng- 2023 giữa quân đội Trung Cộng và Campuchia diễn ra từ này 20/3 đến ngày 8/4. Tin nói có hơn 3.000 nhân sự và hơn 300 phương tiện của hai phía tham gia.

Đây là lần thứ năm Trung Cộng và Campuchia tập trận chung với nhau.


Tin Việt Nam.

Hoa Kỳ: Nhân quyền tại Việt Nam vẫn rất tệ

Nội dung của bản phúc trình nhân quyền hàng năm mới được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày Thứ Hai 20 Tháng Ba, riêng về phần nói về Việt Nam qua 22 trang nói rõ: Việt Nam vẫn là một nước Cộng sản độc tài đảng trị. Các quyền tự do căn bản của người dân chỉ có trên giấy, không có trong thực tế.

Ngay trong phần đầu giới thiệu bản tường trình nhân quyền Việt Nam xuyên qua các dẫn chứng, chế độ Hà Nội làm ngược lại các cam kết quốc tế về nhân quyền trong năm 2022. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng chế độ Hà Nội dung dưỡng cho Công an lạm dụng quyền hành nhưng không bị trừng phạt. Dân chúng bị siết các quyền tự do căn bản, từ tự do ngôn luận đến cư trú, tự do bầu cử ứng cử, còn nhà cầm quyền thì tham nhũng.

Trong phần thứ nhất của bản tường trình, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dẫn chứng nhiều trường hợp chết đầy nghi vấn của những người mới bị bắt tạm giam để cáo buộc rằng CSVN dung dưỡng cho Công an giết người. Ít nhất 6 người chết bất thường năm 2022 khi bị Công an bắt giam mà người ta tin rằng hoặc bị tra tấn hoặc đầu độc diệt khẩu. Dù vậy họ đều bị khỏa lấp bằng những tuyên truyền như tự tử hoặc chết bệnh.

Người ta bị bắt giam một cách độc đoán, nhiều khi như bắt cóc giữa đường mà không hề có án lệnh của tòa án. Trong khi bị giam giữ, người ta không được phép gia đình thăm gặp, luật sư cũng không được tiếp xúc cho đến gần ngày bị lôi ra tòa kết án mới được gặp một lúc. Nhiều luật sư từng tố cáo thẩm phán xử án đã bất chấp Luật Tố tụng Hình sự để đưa ra các bản án phi lý, bất công.

Bản tường trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng đến giữa Tháng Chín 2022, ít nhất đã có 173 người bị nhà cầm quyền CSVN tống giam, trong đó 24 người chưa có án. Người ta chỉ thực thi các quyền tự do căn bản được xác định trong hiến pháp nhưng lại bị áp dụng tùy tiện các điều luật hình sự mà cả Ủy ban Nhân quyền LHQ cũng từng lên án nhiều lần.

Quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng tại Việt Nam đã bị giới hạn chặt chẽ. Chỉ có các tổ chức tôn giáo nằm trong hệ thống kiểm soát và điều khiển của nhà nước mới dễ dàng hoạt động. Các tôn giáo, hệ phái độc lâp đều gặp khó khăn, thậm chí đàn áp quyết liệt. Theo bản phúc trình trên, các sắc dân thiểu số vừa bị phân biệt đối xử, vừa bị đàn áp tôn giáo nghiêm trọng.

Hiến pháp CSVN nói công dân có quyền bầu cử và ứng cử nhưng trong thực tế hoàn toàn ngược lại. Chỉ có những ứng cử viên là các đảng viên đảng CSVN được cài cắm vào các “Hội đồng nhân dân” địa phương và Quốc hội ở trung ương theo những cách lựa chọn độc đoán nhằm gạt ra ngoài tất cả những người ngoài đảng.

Bất cứ ai vận động nhân quyền, đòi hỏi tự do tôn giáo, tự do báo chí, hội họp, nghiệp đoàn, đều bị coi là chống đảng, chống chế độ và dẫn đến đàn áp, khủng bố, tù tội. “Nhà cầm quyền thường xuyên cáo buộc những ai cổ võ nhân quyền, dân chủ là những người hành động chống lại đảng và nhà nước”, bản phúc trình Bộ Ngoại giao Mỹ viết.


Học Giả Huỳnh Văn Lang mới qua đời

Học Giả Huỳnh Văn Lang đã về với Thiên Chúa chiều Chủ Nhật 12 tháng 3 năm 2023, khi vừa trên 101 tuổi.

Cụ ra đi bình an tại Miền Bắc California gần nhà hai gia đình con gái của Cụ.

Học Giả Huỳnh Văn Lang

Cụ ra đi để lại một gia tài Văn Hóa vô cùng đồ sộ, một lòng Yêu Nước bao la và một tinh thần chống chủ nghĩa vô thần Cộng Sản kiên trì. Với quá trình học vấn tân tiến vừa cao xa vừa sâu rộng ở các nước Tây Âu, ông đã từng là một công chức cao cấp của chánh phủ Việt Nam thời Đệ Nhất Cộng Hòa, một  nhà kinh doanh lớn ở Sài Gòn, một chủ nhân ông của một ngân hàng tư quan trọng, và là một nhà văn hóa giáo dục có nhiều thành tích tốt đẹp. Tính người ngay thẳng, bộc trực, khí khái anh hùng, thiết tha gắn bó với bà con, anh em, với quê hương xứ sở, với lịch sử, văn hóa nước nhà, ông đã để nhiều công phu sưu tầm, nghiên cứu viết lách, đem lại sự công bằng, rọi thêm ánh sáng cho một số vấn đề liên hệ tới lịch sử cũng như cuộc sống của người dân Việt.

Học Giả Huỳnh Văn Lang viết nhiều cuốn sách rất giá trị, nhiều cuốn cụ là nhân chứng lịch sử của nhiều biến cố đã xẩy ra trong ngót 70 năm qua.

Học Giả Huỳnh Văn Lang được Thủ Tướng Ngô Đình Diệm mời về nước năm 1954 giúp đỡ thành lập cấp tốc chính phủ để xây dựng miền Nam Việt Nam chống lại hai kẻ thù Cộng Sản và Pháp trong lúc ông sắp trình Luận Án Tiến Sĩ Đệ Tam cấp về Kinh Tế năm 1954 tại University Of Chicago.


Doanh nghiệp nhà nước cũng kêu ca về ‘cơ chế’

Không riêng gì các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân trong nước, các đại gia quốc doanh cũng kêu ca về “vướng mắc cơ chế”.

Ngày Thứ Bảy 18 Tháng Ba, các tập đoàn và tổng công ty quốc doanh hàng đầu của chế độ chuyên quyền tại Việt nam “nêu các kiến nghị để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” khi họp với ông thủ tướng Phạm Minh Chính. Cuộc họp diễn ra khi đang có những dấu hiệu nền kinh tế đối diện nhiều khó khăn.

Theo tường thuật trên trang mạng chính thức chinhphu.vn, ba tập đoàn và tổng công ty hàng đầu tại Việt Nam gồm Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) và Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) đều kêu ca về các khó khăn mà họ đang đối diện. Trong đó, cơ chế, chính sách của nhà nước lại là cái rào cản lớn nhất.

Nguồn tin trên thuật lời Tổng giám đốc PVN than cơ chế giải ngân vốn đầu tư cho các dự án lớn đều cần phải tháo gỡ. Đài điện Vinafood1 kêu gọi “hoàn thiện hành lang pháp lý” để giúp doanh nghiệp “cơ cấu lại tài chính, đầu tư hiệu quả”. Còn Vinachem thì cũng đòi sửa nhiều luật về thuế để “giảm bớt khó khăn trong hoạt động xuất khẩu”.

Tại cuộc họp kể trên, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Công Thương nhìn nhận “Quy định hiện hành về doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nói chung còn bất cập, chồng chéo, bị phân tán tại nhiều văn bản, các tập đoàn, tổng công ty chưa thực sự có quyền tự chủ theo cơ chế thị trường, các văn bản quy phạm pháp lý chưa quy định rõ thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý các DNNN.”

Hậu quả là cơ quan quản lý vốn của nhà nước và DNNN cũng như các bộ ngành quản lý “hiểu khác nhau” dẫn đến chậm trễ trong đầu tư, phối hợp các bộ ngành, địa phương, thẩm quyền phê duyệt, theo báo Công Thương, cơ quan tuyên truyền của Bộ Công Thương.

Các tập đoàn và tổng công ty quốc doanh tại Việt Nam xưa nay nổi tiếng “lãi giả, lỗ thật”. Khi báo cáo tổng kết thường khoe lãi lớn, nhưng khi cần vòi thêm tiền đều khai lỗ. Theo một bản báo cáo giữa Tháng Mười 2022, tính đến cuối năm 2021, Việt Nam có 826 doanh nghiệp “có vốn góp của nhà nước”; trong đó có 673 doanh nghiệp vốn hoàn toàn của nhà nước và 153 doanh nghiệp “có cổ phần, vốn góp của nhà nước”.

Các định chế tài trợ quốc tế đã rất nhiều lần thúc hối bán hay giải thể các DNNN thay vì phải liên tục bơm tiền nuôi dưỡng những cái ổ tham nhũng từ năm này sang năm khác. Hãng hàng không quốc doanh Air Vietnam là một điển hình, theo báo cáo hồi đầu năm 2023, “lỗ lũy kế” ba năm 2020, 2021 và 2022 là khoảng 1.5 tỉ đô la.

Một kế hoạch được đưa ra để “thoái vốn” tại 141 doanh nghiệp nhà nước giai đoàn 2021-2025 được tiến hành nhưng rất ỳ ạch. Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 4 Tháng Mười 2022 dẫn một báo cáo của Bộ Tài Chính CSVN cho hay “Trong 9 tháng đầu năm 2022, vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn DNNN gần như dậm chân tại chỗ”.


Quan chức sở thuế phải ký cam kết không ăn hối lộ

Thời báo Tài chính, cơ quan tuyên truyền của Bộ Tài chính CSVN, ngày Thứ Hai 20 Tháng Ba đưa tin bộ này ra lệnh cho cơ quan thuế vụ “tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ…đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng”. Trong đó, buộc Quan chức thuế vụ phải ký tờ cam kết không ăn hối lộ, tham nhũng nhằm “siết chặt kỷ luật, kỷ cương” của cơ quan đầy tai tiếng.

Trước đó hai ngày, một số báo tại Việt Nam đưa tin Quyền Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế CSVN, Mai Xuân Thành chuyển lệnh tới thuộc cấp ngành thuế trên cả nước, hối thúc làm theo lệnh trên. Mấy ngày trước đó, hai quan thuế vụ ở Hải Phòng đã bị bắt vì liên quan đến vụ gian lận hoàn thuế Giá trị Gia tăng (GTGT) rất lớn của nhiều công ty ma ở cả Quảng Ninh và Hải Phòng.

Trong vụ vừa kể dính cả tướng Công an Đỗ Hữu Ca, người nổi tiếng về “trận đánh đẹp” tấn công cưỡng chế nông trại của ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng năm 2012. Ông Ca đã giao nộp cho cơ quan điều tra số tiền 35 tỉ đồng (khoảng 1.5 triệu đô la) nhận “chạy án” của Trương Xuân Đước, người cầm đầu một số công ty ma để lập thủ tục hoàn thuế GTGT, moi ruột nhà nước.

Ông Mai Xuân Thành, chỉ nhận chức “Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế” từ giữa Tháng Hai, được điều chuyển từ ghế “Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan”, đều là những chức vụ hái ra tiền trong guồng máy cai trị độc tài và cực kỳ tham nhũng tại Việt Nam.

Chuyện quan chức thuế vụ CSVN bị buộc phải ký cam kết không ăn hối lộ, tham nhũng đã thấy có từ năm 2020 khi ông Đinh Tiến Dũng, nay là Bí thư thành ủy Hà Nội, làm Bộ trưởng Tài Chính, chứ không phải mới gì. Tháng Giêng năm đó, ông từng ra lệnh “đưa ra khỏi ngành thuế những cán bộ, công chức thuế tham nhũng, tiêu cực”.

Nhưng chẳng bao lâu sau, ngày 8 Tháng Bảy 2020, bản tin của đài VOV nói rằng “6 tháng qua, ngành thuế đã xử lý 150 công chức thuế vi phạm trong thực thi công vụ, đáng nói, có một số công chức thuế biết sai nhưng vẫn cố tình vi phạm”. VOV không nói trắng ra, ai cũng hiểu “cố tình vi phạm” để làm gì.

Trong khi cuộc điều tra về gian lận hoàn thuế GTGT ở Quảng Ninh và Hải Phòng đang tiến hành, ngày 15 Tháng Ba, tờ Tiền Phong đưa tin Đàm Văn Hiệu, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Thạch An, và Hà Minh Huy, cán bộ thuế thành phố Cao Bằng, đã bị bắt giam vì “gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước”.


Góp ý sửa Luật Đât Đai phải đúng “ý đảng”.

Cho dân đóng góp ý kiến khi sửa “Luật đất đai” nhưng lại giới hạn “không tiếp thu” những ý kiến trái với “chủ trương, đường lối của đảng”.

Một bản dự thảo “Luật đất đai” đang được chế độ Hà Nội chuẩn bị đưa ra Quốc hội biểu quyết vào cuối năm nay. Luật Đất Đai hiện hành có từ năm 2013 dù đã từng được sửa đổi vẫn đầy những lỗ hổng giúp đám quan chức đảng viên cơ hội tham nhũng, làm giầu bất chính.

Suốt nhiều năm qua, báo chí tại Việt Nam dẫn lời quan chức thanh tra hay tư pháp của chế độ nhìn nhận hơn 70% các vụ khiếu kiện trên cả nước liên quan tới đất đai. Giải tỏa, đền bù giá rẻ mạt, thậm chí cướp không đất của dân, rồi bán lại cho các công ty “sân sau” hoặc tư bản đỏ, để ăn hối lộ đã gây căm phẫn mà người ta nhìn thấy qua các cuộc biểu tình chống đối.

Tại một hội nghị lấy ý kiến của giới “chuyên viên pháp luật và các chuyên gia, nhà khoa học” ngày 20 Tháng Hai, đài VOV dẫn lời một chuyên gia pháp lý nhìn nhận “Không có tham nhũng nào lớn bằng tham nhũng đất đai và không có lãng phí nào lớn bằng lãng phí về đất đai”.

Dự thảo “Luật đất đai” có mục đích loại trừ những “bất cập” cho công bằng hơn nhưng thực tế những gì đang diễn ra không giúp người ta hy vọng gì. Ngày Thứ Bảy 18 Tháng Ba, nhiều báo tại Việt Nam đưa tin ông Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lên tiếng về chiến dịch “lấy ý kiến” nhân dân để sửa luật vừa kể.

Ông Huệ được thuật lời là “các ý kiến góp ý Luật Đất đai sửa đổi trái với chủ trương, đường lối của đảng, trái hiến pháp thì không tiếp thu…”. Điều này nghĩa là ai đề nghị ngược với ý muốn những kẻ cầm quyền trong tay thì sẽ bị ném vào sọt rác. Tuy vậy, một hai ngày trước đó, tờ Thanh Niên vẫn tuyên truyền rằng mọi ý kiến đóng góp đều được “cầu thị” và “tiếp thu”.

Các đạo luật tại nước Việt Nam cộng sản xưa nay không do các dân cử ở Quốc hội soạn thảo theo nguyện vọng của người dân. Chúng được các bộ, ngành của nhà cầm quyền soạn thảo nhằm phục vụ guồng máy cai trị độc tài. Các ông bà “đại biểu nhân dân” đều là đảng viên CSVN được “cơ cấu” để biểu quyết thông qua các dự luật nên bị gọi là bù nhìn hay con dấu cao su.

Tuy luật đem sửa đổi, cái mấu chốt là quyền tư hữu đất đai của người dân vẫn bị tước đoạt. Người dân vẫn chỉ được có “quyền sử dụng đất” mà thôi và nhà nước có thể lấy lại cái quyền sử dụng đó bất cứ lúc nào, nhân danh công ích. Điều này dẫn đến sự lạm dụng của đám quan chức đảng viên có chức có quyền để tham nhũng.

Vì cho góp ý nhưng chỉ cho người ta góp ý vuốt đuôi theo ý đảng, trên mạng xã hội, hàng trăm người đã phản ứng phẫn nộ với cái kiểu lấy ý kiến cho có hình thức để tuyên truyền. Trong số đó có 210 bình luận trên trang Facebook cá nhân của ông Mạc Văn Trang, một nhà giáo nghỉ hưu.

“Ngày xưa không hiểu từ ”Dân chủ giả cầy’, hóa ra món giả cầy không phải là thịt chó mà là giả chó.” Facebooker Anh Tran viết. Còn Facebooker Phan Lữ viết “Vậy thì góp ý làm đéo (xin lỗi nói tục) gì cho phí lời!”. Facebooker tên Xuan Pham viết “Quen thói là bố của dân lâu rồi, vì thế cụ Kình mới bị giết”. Facebooker Chau My Chau viết “Một cái đất nước kỳ lạ. Luật gì cũng có nhưng tất cả vẫn phải theo chủ trương…Đã vậy thì vất cha nó luật đi!”

Tuần qua, người ta còn thấy nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn lấy ý kiến cả trẻ em để sửa “Luật Đất đai” dẫn đến nhiều lời diễu cợt trên mạng. Hàng chục vụ chống cưỡng chế đất đổ máu xảy ra trên cả nước trong những năm qua nổi tiếng dư luận trong ngoài nước như vụ cưỡng chế tại xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức Hà Nội đầu năm 2020.

Trong một buổi lấy ý kiến ở Sài Gòn hồi đầu tháng, tờ Thanh Niên dẫn ý kiến của một luật sư nói rằng cái luật sẽ thông qua rồi vẫn bị quan chức chế độ “lợi dụng để thu hồi đất một cách tùy tiện, thiếu minh bạch hoặc không đúng mục đích” để ăn bẩn.


Loading

Bài liên quan:
  • Tin Chính Trong Tuần 29-30-31/05/2023.
  • Drone tấn công thủ đô Nga, dân Matxcơva bắt đầu nếm mùi
  • Các vụ tấn công trên lãnh thổ Nga vẫn tiếp diễn
  • EU tổ chức thượng đỉnh với Trung Á lần thứ hai trong nửa năm
  • Bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: Erdogan tái đắc cử
  • Chiến đấu cơ Trung Cộng lượn 'hung hãn' gần máy bay quân sự Mỹ
  • Philippines, Mỹ, Nhật Bản lần đầu diễn tập bảo vệ bờ biển
  • Bắc Hàn thất bại trong việc phóng vệ tinh do thám
  • Đức đóng cửa 4 lãnh sự quán Nga
  • Gặp giữa 2 bộ trưởng Quốc Phòng: Trung Cộng bác đề nghị của Mỹ
  • Người Việt ở Mỹ góp sức hỗ trợ người tị nạn đồng hương từ Thái Lan
  • Biển Đông: Việt Nam phản đối Trung Cộng đặt phao đèn ở Trường Sa
  • Việt Nam muốn cắt giảm 44% lượng gạo xuất cảng
  • Ukraine tước danh hiệu công dân danh dự của Trường Chinh
  • Ông Trần Huỳnh Duy Thức lại tuyệt thực đòi trả tự do
  • Hơn 82% doanh nghiệp Việt Nam đang “hấp hối”
  • Không doanh nghiệp nào muốn bôi trơn nhưng….
  • Tin Chính Trong Ngày 22-23-24/05/2023.
  • Biden mở đường cho việc cung cấp F-16 cho Ukraina
  • Vùng Belgorod lại bị tấn công sau khi Nga tuyên bố tiêu diệt quân đột kích
  • Truyền thông Ukraina chào mừng ‘‘Cộng hòa Nhân dân Belgorod’’
  • Papua New Guinea, đồng minh mới của Mỹ trong chiến lược chống TC
  • Bắc Kinh triệu đại sứ Nhật lên phản đối thông cáo của G7 về TC
  • Thăm Úc, thủ tướng Ấn Độ mong muốn siết chặt quan hệ quốc phòng
  • Tiếp đặc sứ TC, Pháp và EU khẳng định đoàn kết với Ukraina
  • TC triển khai ba thiết bị cố định để định vị tại quần đảo Trường Sa
  • Medvedev tới HN thảo luận với lãnh đạo VN về Ukraine và kinh tế
  • Hàng xuất cảng của VN sang Mỹ bị tuột giảm 21,6%
  • Kinh tế Việt Nam đang có những khó khăn
  • Ân Xá Quốc Tế đòi CSVN trả tự do cho 'Thánh rắc hành'
  • CSVN: 'nhũng nhiễu chưa được ngăn chặn triệt để'
  • Mỹ điều tra chống bán phá giá kệ bằng sắt của VN
  • Nạn nhân trái phiếu SCB: ‘chờ trong tuyệt vọng’
  • Tin Cuối Tuần (20-21-May-2023)
  • Các Viên Chức Chính Quyền Đang Tìm Cách Đổ Lỗi Về COVID-19
  • Ông Robert F. Kennedy Jr. Tuyên Bố Sẽ Không Ra Tranh Cử Với Cựu Tổng Thống Donald Trump
  • Đảng Cộng Hòa Và TT Biden Có Thể Tìm Thấy Thảo Luận Về Mức Trần Nợ
  • Các Nhà Lập Pháp Lưỡng Đảng Phẫn Nộ Về Việc FBI Lạm Dụng Quy Định Giám Sát
  • CEO Công Ty Mẹ Của CNN Đưa Ra Bình Luận Bất Ngờ
  • Tại Hội Nghị G-7, Hầu Hết Các Đồng Minh Đều ‘Sẽ Đáp Trả’ Nếu Trung Cộng Xâm Chiếm Đài Loan
  • TT Biden Gặp Ông Zelensky Tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Ở Hiroshima
  • Các Công Ty Có Trụ Sở Tại Trung Cộng Đánh Cắp Tài Sản Trí Tuệ Của Hoa Kỳ
  • Thống Đốc Montana Ra Lệnh Cấm Tiktok Trên Toàn Tiểu Bang
  • Dự Luật Lưỡng Đảng Ngăn Chặn Trung Cộng Mua Đất Nông Nghiệp Của Hoa Kỳ
  • Tin Chính Trong Tuần 15-16-17/05/2023.
  • Chiến sự Bakhmut: Ukraine đang nhử quân Nga
  • TT Ukraine Zelensky yết kiến Giáo hoàng Francis ở Rome
  • Quân đội Ukraina giành được ‘‘chiến thắng đầu tiên’’ tại Bakhmut
  • Bầu cử Quốc Hội Thái Lan: Đối lập ủng hộ dân chủ thắng lớn
  • Bầu cử Thổ: Tổng thống Erdogan và đối thủ Kiliçdaroglu vào vòng hai
  • Biển Đông: Philippines đặt phao hàng hải để xác quyết chủ quyền
  • Thượng viện Hoa Kỳ điều trần về Trung Cộng, ba bộ trưởng tham gia
  • Mỹ truy tố nhiều công dân Nga và Trung Cộng vì tội gián điệp
  • Campuchia: Đảng đối lập bị cấm tranh cử
  • Thủ Tướng Phạm Minh Chính với tin đồn “bị cưa ghế”
  • Bộ Ngoại Giao Mỹ: CSVN vẫn siết chặt quyền tự do tôn giáo
  • “Thánh rắc hành” Bùi Tuấn Lâm bị lôi ra tòa ngày 25 Tháng 5
  • Tàu TC tới biển Việt Nam ngăn cản khoan tìm dầu khí
  • 77 tạp chí đang bị chế độ Hà Nội 'theo dõi chặt'
  • Tin Cuối Tuần (13-14-May-2023)
  • Các Viên Chức FBI Thiếu Xót Trong Việc Phân Tích Hồ Sơ Trump-Nga
  • Trước Các Phát Giác Trong Báo Cáo Của Ông Durham, Cựu TT Trump Lên Tiếng Rằng, Công Chúng Mỹ Đã Bị Lừa Gạt
  • Ông Trump Tiết Lộ Chiến Lược Truyền Thông Cho Chiến Dịch Tranh Cử Năm 2024
  • Chính Phủ TT Biden Và Các Nhà Lập Pháp GOP Tranh Cãi Về Mức Trần Nợ
  • Quốc Hội Chỉ Trích Việc Chính Phủ Biden Trì Hoãn Kế Hoạch Dầu Khí Ngoài Khơi
  • Những ràng buộc với Trung Quốc đè nặng lên các thương hiệu Hoa Kỳ
  • Đức Cho Biết Trung Quốc Vẫn Vận Hành Đồn Công An Ở Berlin
  • Tổng Thống Zelensky Bất Ngờ Thăm Vương Quốc Anh, Hội Đàm Với Thủ Tướng Sunak
  • Các Thành Phố Của Hoà Lan Cắt Đứt Liên Hệ Với Các Thành Phố Kết Nghĩa Để Tách Khỏi Trung Cộng