Tin Thế Giới.
Ukraina đã sẵn sàng cho đợt tổng tấn công mùa xuân (RFI).
Bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina khẳng định khâu chuẩn bị cho đợt tấn công mùa xuân đã kết thúc. Kiev sẵn sàng chinh phục lại những vùng đất mà quân Nga đang chiếm đóng nhưng không thể trông chờ vào xe tăng Abrams của Mỹ trong đợt phản công lần này.
Ngay sau đợt oanh kích khốc liệt của quân Nga hôm 28/04/2023, làm ít nhất 26 thường dân Ukraina thiệt mạng, bộ trưởng Quốc Phòng Oleksii Reznikov tuyên bố Ukraina « sẵn sàng » cho chiến dịch mùa xuân, « khâu chuẩn bị đang bước vào giai đoạn chót ». Các trang thiết bị mà quốc tế cam kết viện trợ cho Kiev đã « được chuẩn bị xong » và « một phần trong số đó đã được giao cho Ukraina ».

Trong cuộc họp báo hôm qua, ông Oleksii Reznikov đương nhiên giấu kín thời điểm khởi động chiến dịch mùa xuân và chỉ cho biết rằng chiến xa Abrams của Mỹ không kịp tham gia đợt phản công lần này. Trên nguyên tắc đến cuối 2023, Ukraina mới nhận được xe tăng hạng nặng Abrams.
Chưa có xe tăng của Mỹ, chính quyền Kiev có thể trông cậy vào các giàn pháo tự hành Caesar do Pháp chế tạo. Bộ trưởng Quốc Phòng Reznikov cho biết, như Đan Mạch đã cam kết hồi tháng 2/2023, « hàng đã đến tay Ukraina ». Tuy nhiên, Kiev tránh nêu rõ số lượng giàn pháo Caesar đã nhận được.
Từ nhiều tháng qua, với trang thiết bị quân sự, vũ khí do phương Tây viện trợ, Kiev chuẩn bị một đợt phản công quy mô giải phóng gần 20% lãnh thổ bị Nga chiếm đóng. Ukraina có tham vọng giành lại cả bán đảo Cirimée đã bị Matxcơva thôn tính từ năm 2014. Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO đến nay đã cung cấp cho Ukraina 230 xe tăng chiến đấu, hơn 1.500 các loại xe thiết giáp.
Drone Ukraina tấn công kho dầu của Hạm Đội Nga ở Crimée
Vào lúc Kiev tiết lộ việc đã hoàn tất công cuộc chuẩn bị chiến dịch phản công mùa xuân, một cuộc tấn công bằng drone vào một kho nhiên liệu của Hạm Đội Biển Đen của Nga ở cảng Sebastopol trên bán đảo Crimée vào sáng nay, 29/04 đã gây ra một vụ hỏa hoạn dữ dội.
Trên mạng Telegram, thị trưởng Sebastopol, ông Mikhail Razvojayev cho biết là một đám cháy lớn đã bùng lên trong một kho dầu tại hải cảng vốn là căn cứ của Hạm Đội Biển Đen của Nga, sau một cuộc tấn công bằng drone.
Theo nhân vật này, kho bị cháy nằm ở vịnh Kazatchia, đám cháy hoành hành trên diện tích khoảng 1.000 m2 và phải đến tối mới khống chế được. Tuy nhiên không có ai bị thương.
Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc tấn công vào Ukraina vào tháng 02/2022, bán đảo Crimée bị Nga sáp nhập vào năm 2014, đã nhiều lần bị tấn công bằng drone, cả trên không và trên biển.
Tình hình căng thẳng đến mức chính quyền địa phương, vào giữa tháng 4 vừa qua, đã phải tuyên bố hủy bỏ các lễ kỷ niệm ngày lễ Lao Động 1/5 và ngày chính thức kết thúc Thế Chiến Thứ II ở Nga 9/5, vì « các vấn đề an ninh ».
Biển Đông: Mỹ yêu cầu Trung Cộng chấm dứt các hành vi “khiêu khích” (RFI)
Hai hôm trước ngày tổng thống Mỹ tiếp đón đồng nhiệm Philippines tại Nhà Trắng, Hoa Kỳ vào hôm 29/04/2023 đã tố cáo Trung Cộng về một vụ “sách nhiễu và hù dọa” tàu Philippines tại Biển Đông, kêu gọi Trung Cộng chấm dứt các hành động “khiêu khích và thiếu an toàn” đồng thời khẳng định rằng mọi hành vi tấn công vào tàu thuyền hay máy bay công vụ của Philippines tại vùng Thái Bình Dương sẽ bi đáp trả đúng theo hiệp định phòng thủ hỗ tương đã được ký kết giữa Washington và Manila.

Trong một thông cáo báo chí với lời lẽ cứng rắn, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Matthew Miller xác định rằng Hoa Kỳ sát cánh với Philippines trước các vụ Hải Cảnh Trung Cộng tiếp tục vi phạm quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
Thông cáo ghi nhận rằng: “Hình ảnh và video được các phương tiện truyền thông công bố gần đây là lời nhắc nhở rõ ràng về hành vi sách nhiễu và hù dọa của Trung Cộng nhắm vào tàu thuyền của Philippines khi các chiếc tàu này thực hiện các cuộc tuần tra định kỳ trong vùng đặc quyền kinh tế của mình,” Trên cơ sở đó, bộ Ngoại Giao Mỹ kêu gọi Bắc Kinh “chấm dứt các hành vi khiêu khích, thiếu an toàn”.
Thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ không ngần ngại nhắc nhở Trung Cộng rằng “một cuộc tấn công vũ trang ở Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, nhằm vào các lực lượng vũ trang, tàu công vụ hoặc máy bay của Philippines, bao gồm cả các phương tiện của lực lượng Tuần Duyên Philippines, sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung của Hoa Kỳ ghi trong Điều IV của Hiệp Ước Phòng Thủ Chung Mỹ-Philippines năm 1951.”
Sự cố giữa tàu Trung Cộng và Philippines xảy ra hôm Chủ Nhật 23/04 gần Bãi Cỏ Mây, vùng quần đảo Trường Sa (Biển Đông) khi một chiếc tàu Hải Cảnh Trung Cộng đột ngột cắt ngang đường di chuyển của một chiếc tàu Tuần Duyên Philippines, buộc phía Philippines phải bẻ lái để tránh va chạm.
Bắc Kinh tố cáo tàu Philippines khiêu khích khi xâm phạm lãnh hải của Trung Cộng, trong lúc Philippines tái khẳng định quyền tuần tra trong vùng biển thuộc chủ quyền của mình.
Tuyên bố cứng rắn của Mỹ về Biển Đông được đưa ra trong bối cảnh tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr chuẩn bị công du nước Mỹ trong 4 ngày và sẽ được đồng nhiệm Mỹ Joe Biden tiếp đón tại Nhà Trắng vào ngày mai, 01/05.
Theo hãng tin Anh Reuters, một quan chức Mỹ cấp cao tiết lộ rằng nhân chuyến công du của tổng thống Philippines, ngoài các thỏa thuận kinh doanh, hai bên sẽ thảo luận về việc đẩy mạnh thêm hợp tác quốc phòng, như khả năng tổ chức các cuộc tuần tra chung với Mỹ-Philippines trên Biển Đông và các vùng biển khác, hay kế hoạch tăng cường đối thoại ba bên Mỹ-Nhật-Philippines về an ninh khu vực.
Tổng thống Biden: Cam kết của Mỹ bảo vệ Philippines là ‘sắt đá’ (VOA)
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Tòa Bạch Ốc hôm 1/5 rằng cam kết của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ đồng minh là “sắt đá” kể cả ở Biển Đông nơi Manila đang chịu áp lực từ Trung Quốc.
Ông Marcos, trong chuyến thăm Tòa Bạch Ốc đầu tiên của một nhà lãnh đạo Philippines sau 10 năm, nhấn mạnh tầm quan trọng của Hoa Kỳ với tư cách là đồng minh hiệp ước duy nhất của Philippines trong một khu vực có “tình hình địa chính trị được cho là phức tạp nhất trên thế giới hiện nay.”
Các quan chức Hoa Kỳ cho biết lãnh đạo Mỹ-Philippines sẽ nhất trí các hướng dẫn mới về hợp tác quân sự mạnh mẽ hơn, cũng như đẩy mạnh hợp tác kinh tế, nhấn mạnh sự thay đổi đáng kể trong quan hệ Hoa Kỳ-Philippines trong năm qua.

“Hoa Kỳ vẫn kiên định với cam kết bảo vệ Philippines, bao gồm cả Biển Đông,” ông Biden nói với ông Marcos tại Phòng Bầu dục, tái khẳng định Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 kêu gọi Hoa Kỳ hành động trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang vào quân đội Philippines.
Quan chức Mỹ cho biết các hướng dẫn mới tập trung vào sự phối hợp quân sự trên bộ, trên biển, trên không, vũ trụ và không gian mạng, trong khi chính quyền Mỹ cũng sẽ chuyển giao ba máy bay C-130 và tìm cách gửi thêm tàu tuần tra tới Philippines.
“Việc Philippines tìm đến đối tác hiệp ước duy nhất trên thế giới để củng cố và xác định lại mối quan hệ mà chúng ta có và vai trò của chúng ta trước những căng thẳng gia tăng mà chúng ta thấy xung quanh Biển Đông, Khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, là điều tự nhiên,” ông Marcos nói.
Dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, người tiền nhiệm của ông Marcos, các mối quan hệ với Hoa Kỳ trở nên xấu đi vì ông đưa Philippines quay lưng lại với quốc gia cai trị thuộc địa cũ và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Philippines lần này là trọng tâm chuyến thăm Hoa Kỳ kéo dài bốn ngày của ông Marcos bắt đầu từ ngày 30/4.
Ông Biden đã đầu tư vào việc ve vãn ông Marcos, người vẫn đang phải đối mặt với phán quyết của tòa án Hoa Kỳ liên quan đến 2 tỷ đô la tài sản bị cướp đoạt dưới sự cai trị của cha mình.
Washington đã giúp thân phụ của ông Marcos lưu vong ở Hawaii trong cuộc nổi dậy “quyền lực nhân dân” năm 1986 và với tư cách là nguyên thủ quốc gia, con trai ông được miễn trừ khỏi sự truy tố của Hoa Kỳ.
Ông Biden lưu ý với ông Marcos rằng “đã lâu rồi bạn mới đến đây”, trước khi nói thêm rằng ông Marcos Jr. đã đi cùng cha mình đến Hoa Kỳ khi ông gặp cựu Tổng thống Ronald Reagan.
Ông Marcos trở thành tổng thống vào năm ngoái và đã tìm kiếm mối quan hệ nồng ấm với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, những nước đang tranh giành ảnh hưởng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Washington coi Philippines là chìa khóa cho bất kỳ nỗ lực nào nhằm chống lại cuộc xâm lược của Trung Quốc vào Đài Loan. Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình. Manila gần đây đã đồng ý cho phép Hoa Kỳ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao, nhưng hai bên chưa cho biết lực lượng nào của Hoa Kỳ sẽ đóng quân tại những căn cứ đó.
Các chuyên gia cho rằng Washington coi Philippines là một địa điểm tiềm năng để triển khai rốc-két, phi đạn và hệ thống pháo nhằm chống lại một cuộc tấn công đổ bộ của Trung Quốc vào Đài Loan.
Tuy nhiên, ông Marcos nói với các phóng viên rằng Trung Quốc đã đồng ý thảo luận về quyền đánh bắt cá ở Biển Đông và ông cũng sẽ không cho phép Philippines trở thành một “sân khấu” cho hành động quân sự.
Trước khi khởi hành đến Washington vào ngày 30/4, ông Marcos cho biết ông sẽ tái khẳng định cam kết của Manila “trong việc thúc đẩy liên minh lâu đời của chúng ta như một công cụ hòa bình và là chất xúc tác phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”
Lập trường cứng rắn hơn
Khi nhiều người Philippines phẫn nộ trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm cả việc quấy rối các tàu và ngư dân Philippines ở các vùng biển mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền, sự ủng hộ của người dân về việc có lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh đã tăng lên.
Sự cảnh giác về Trung Quốc chỉ mới gia tăng trong thời gian gần đây.
Phát biểu hồi tháng trước của đại sứ Bắc Kinh tại Manila rằng Philippines chớ nên ủng hộ nền độc lập của Đài Loan “nếu quan tâm đến 150.000 công nhân nước ngoài” gốc Philippines sống ở đó bị xem là “lời đe dọa ngấm ngầm”, một quan chức Mỹ cho biết.
Ông Biden coi việc tăng cường quan hệ kinh tế và quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là nền tảng trong chính sách đối ngoại của mình.
Các căn cứ mới của Philippines mà Hoa Kỳ đã tiếp cận vào tháng trước bao gồm ba căn cứ đối diện với Đài Loan và một căn cứ gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc nói đây là “đổ thêm dầu vào lửa.”
Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói: “Một số bước mà Trung Quốc đã thực hiện đã khiến (Marcos) lo ngại, thậm chí có thể khiến ông ấy ngạc nhiên”. “Ông ấy có mong muốn mạnh mẽ được hợp tác chặt chẽ với cả hai nước nhưng thấy mình đang ở trong một tình huống mà các bước đi mà Trung Quốc đang thực hiện rất đáng lo ngại.”
Một quan chức Mỹ nói: “Chúng tôi đang kề vai sát cánh ở Biển Đông, nơi mà sự liên kết của chúng tôi chưa bao giờ mạnh mẽ hơn thế”.
Ông Biden cũng sẽ thực hiện các bước hợp tác kinh tế, bao gồm cử phái đoàn thương mại và đầu tư tới Manila, hỗ trợ triển khai công nghệ viễn thông 5G, phát động tài trợ công-tư cho các khoáng sản quan trọng và phát triển lưới điện “thông minh”, thảo luận song phương mới về các vấn đề lao động và hỗ trợ an ninh sân bay, an toàn hàng hải và ngành y tế của Philippines.
Chuyến thăm của ông Marcos là một phần trong chính sách ngoại giao Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang được đẩy mạnh của Hoa Kỳ.
Ông Biden đã tiếp đón tổng thống Hàn Quốc vào tuần trước và sẽ tới Nhật Bản trong tháng này để tham dự cuộc họp của Nhóm 7 nước và tới Úc để tham dự hội nghị thượng đỉnh Quad với các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Cả hai cuộc họp dự kiến sẽ tập trung nhiều vào Trung Quốc.
Theo Hoa Kỳ, 20 nghìn lính Nga tử trận trong ‘‘chiến dịch mùa đông’’ tại Ukraina (RFI)
Chính quyền Mỹ hôm 01/05/2023, ước tính khoảng 100.000 quân Nga thương vong, trong đó có 20.000 lính chết, trong ‘‘chiến dịch mùa đông’’ ở vùng Donbass, miền đông Ukraina, một phần chủ yếu là tại Bakhmut. Theo phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ, ‘‘chiến dịch mùa đông’’ Nga – với tâm điểm là mục tiêu chiếm Bakhmut ‘‘đã thất bại’’.

Phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ, John Kirby, cho biết : ‘‘Tháng 12 năm ngoái, Nga bắt đầu mở một loạt các đợt tấn công, trong đó có các mục tiêu như Vuhledar, Avdiivka, Bakhmut, và Kreminna. Đa số các cuộc tấn công đã dậm chân tại chỗ và thất bại. Quân Nga đã không thể chiếm được bất cứ vùng đất có ý nghĩa chiến lược nào’’.
Theo ông John Kirby, Nga có chiếm thêm được một số địa bàn tại Bakhmut, nhưng ‘‘với cái giá khủng khiếp’’. Trong số 20.000 lính bị tiêu diệt, có 10.000 quân của công ty lính đánh thuê tư nhân Wagner. Chiến trường chủ yếu của công ty này là Bakhmut.
Phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ đánh giá ‘‘Nga đã cạn kiệt kho dự trữ quân sự và lực lượng vũ trang’’, và hầu hết các binh sĩ của công ty lính đánh thuê Wagner là ‘‘những người Nga bị kết án tù, bị ném vào chiến trường ở Bakhmut mà không được huấn luyện đầy đủ’’.
Bất chấp trận chiến kéo dài từ 10 tháng nay, quân Nga vẫn không chiếm được thành phố Bakhmut. Lãnh đạo công ty lính đánh thuê Wagner, Yevgeny Prigozhin, thường xuyên quy lỗi cho việc thiếu phương tiện. Hôm qua, 01/05/2023, trên Telegram, Yevgeny Prigozhinkhẳng định lực lượng này cần đến 300 tấn đạn pháo một ngày, nhưng chỉ nhận được một phần ba.
Giáo hoàng: Vatican tham gia vào một nỗ lực vãn hồi hòa bình cho Ukraina (RFI)
Trên chuyến bay trở về Vatican sau chuyến tông du 3 ngày ở Hungary, giáo hoàng Phanxicô hôm qua, 30/04/2023, tiết lộ là Tòa Thánh đang tham gia vào một sứ mệnh hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina. Tuy nhiên, giáo hoàng từ chối cho biết chi tiết về sứ mệnh này.

Theo hãng tin Reuters, giáo hoàng Phanxicô đã nói với các phóng viên đi cùng với ngài trên máy bay: “Tôi sẵn sàng làm tất cả những gì cần làm. Một sứ mệnh hòa bình đang được tiến hành, nhưng chưa thể được công bố. Khi nào được phép công bố, tôi sẽ cho biết”. Giáo hoàng Phanxicô nói thêm là trong chuyến tông du ở Hungary, ngài đã thảo luận về tình hình Ukraina với thủ tướng Viktor Orban và tổng giám mục Chính Thống Giáo Hilarion, nguyên chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Matxcơva, hiện sống ở Budapest.
Về chiến sự tại Ukraina, theo hãng tin AFP, trong đêm qua quân Nga đã bắn một loạt tên lửa mới vào nhiều thành phố của Ukraina, nhưng lực lượng của Kiev khẳng định đã bắn chặn được phần lớn các tên lửa này. Cụ thể, theo thông báo của tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraina Valery Zaloujny trên mạng Telegram, quân Nga đã bắn tổng cộng 18 tên lửa hành trình từ máy bay, nhưng lực lượng của Kiev đã phá hủy được 15 tên lửa.
Riêng tại vùng Kherson ở miền nam, theo chính quyền quân sự địa phương, trong đêm qua đã có một người thiệt mạng và 3 người bị thương do các cuộc không kích của quân Nga.
Trong tuần qua, Kiev khẳng định đã hoàn tất các bước chuẩn bị cho một cuộc phản công nhằm lấy lại các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng. Lãnh đạo tổ chức lính đánh thuê Wagner, Evgueni Prigojine, hôm qua báo động là lực lượng của ông, nhất là lực lượng đang chiến đấu tại Bakhmut, miền đông Ukraina, đang thiếu rất nhiều đạn dược và một cuộc phản công của quân Ukraina sẽ là một “thảm kịch” đối với nước Nga. Ông Prigojine vẫn tố cáo các cấp chỉ huy quân đội Nga cố tình không cung cấp đủ đạn dược cho lực lượng Wagner và đã nhiều lần công khai chỉ trích bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergeï Shoïgu.
Thủ tướng Nhật Bản đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, công du châu Phi trước khi thăm Nam Hàn (RFI)
Một tháng trước hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, các hoạt động ngoại giao của thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tăng tốc đáng kể, với một vòng công du châu Phi bắt đầu từ hôm nay, 29/04/2023, sẽ đưa ông đến Ai Cập, Ghana, Kenya và Mozambique. Sau đó, thủ tướng Nhật sẽ có chuyến thăm quan trọng đến Nam Hàn.
Theo thông tín viên RFI Fréderic Charles tại Tokyo, đây là lần đầu tiên từ năm 2014 đến nay mà một lãnh đạo Nhật Bản công du bốn quốc gia châu Phi, với mục tiêu là cạnh tranh với Trung Cộng và Nga trong cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng ở Châu Phi.

“Fumio Kishida muốn tăng cường hợp tác giữa châu Phi và nhóm G7. Ông đã mời Liên Hiệp Châu Phi đến làm khách ở thượng đỉnh Hiroshima sắp tới đây, thay vì mời riêng một quốc gia nào đó. Quyết định này của Tokyo có nguy cơ làm Nam Phi phật ý vì nước này đã quen với việc được mời trong tư cách là thành viên châu Phi duy nhất của nhóm G20.
Nhưng chuyến công du châu Phi lần này của ông Fumio Kishida tới bốn quốc gia trước hết xuất phát từ mong muốn của Nhật Bản, muốn hạn chế ảnh hưởng của Trung Cộng trên lục địa châu Phi. Tờ báo kinh tế Nikkei của Nhật lưu ý rằng Bắc Kinh đang hưởng lợi từ tình trạng đang có một “ác cảm ngoại giao chung tại châu Phi đối với Hoa Kỳ”, với “Nga cũng đang tìm cách tận dụng điều đó”.
Tình trạng đó đang khiến Nhật Bản vốn phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên của các nước phương Nam bứt rứt. Phát biểu với một số người thân cận, ông Kishida tuyên bố: “Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình và các lãnh đạo Trung Cộng khác đã đi khắp Châu Phi và Nam Mỹ. Với tốc độ này, chúng ta sẽ thua họ”.
Tại Mozambique, một dự án khí tự nhiên hóa lỏng do Trung Cộng hậu thuẫn đã bắt đầu đi vào sản xuất. Thương mại của Kenya với Trung Cộng đã tăng 27% vào năm 2022.
Tại hội nghị thượng đỉnh Ticad ở Tunis vào năm ngoái, Nhật Bản đã loan báo cung cấp 30 tỷ đô la đầu tư công và tư nhân vào châu Phi trong ba năm. Mục tiêu của Tokyo là giúp kinh tế châu Phi kiên cường hơn để đối phó với tác động của cuộc chiến ở Ukraina và tình trạng mất an ninh lương thực mà cuộc chiến này nó tạo ra ở Châu Phi.
Thủ tướng Nhật Bản dự kiến thăm Nam Hàn trước hội nghị G7
Sau vòng công du châu Phi, thủ tướng Nhật Bản Kishida được cho là sẽ đến thăm Nam Hàn và hội đàm với tổng thống Yoon Suk Yeol. Theo hãng tin Anh Reuters, một quan chức chính phủ Nhật Bản và một quan chức khác của một thành viên G7 cho biết cuộc họp dự kiến diễn ra trước khi ông Kishida chủ trì hội nghị thượng đỉnh G7 từ ngày 19/05.
Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản vào hôm nay đã trích dẫn nhiều nguồn tin ngoại giao giấu tên của Nhật Bản và Nam Hàn cho biết là hai lãnh đạo sẽ gặp nhau vào khoảng ngày 07 hoặc 08/05, với mục tiêu khẳng định việc hai nước tăng cường hợp tác về vấn đề Bắc Triều Tiên trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima.
Thủ lĩnh nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo bị tiêu diệt ở Syria (RFI)
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, hôm qua 30/04/2023, tuyên bố, Abu Hussein al-Qurachi, người được cho là thủ lĩnh của nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS), đã bị tiêu diệt trong một chiến dịch do cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện hôm 29/04.
Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer tường trình :
“Abu Hussein al-Qurachi, người được cho là thủ lĩnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), đã bị tiêu diệt ở Syria hôm thứ Bảy” : tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố như trên trong một cuộc trả lời phỏng vấn được phát trực tiếp trên truyền hình.
Ông Recep Tayyip Erdoğan không cung cấp thông tin chi tiết, đặc biệt là vị trí chính xác của chiến dịch này. Nhưng ông khẳng định rằng cơ quan mật vụ Thổ Nhĩ Kỳ – MIT đã theo dõi Abu Hussein al-Qurachi trong một thời gian dài.
Một ngày trước đó, một nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ nắm nhiều thông tin về Syria đã đưa tin và trích dẫn các nguồn tin địa phương đi kèm với các bức ảnh, cho biết rằng thủ lĩnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã “bị nổ tung” trong một chiến dịch của mật vụ Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Jindires. Đây là một thành phố nằm ở khu vực Afrin, phía tây bắc Syria, nằm dưới sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ, cách biên giới nước này vài cây số.
AFP cũng đưa tin rằng tình báo Thổ Nhĩ Kỳ và cảnh sát quân sự địa phương do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã phong tỏa một khu vực gần thị trấn Jindires vào thứ Bảy.
Mỹ khẳng định đưa tầu ngầm hạt nhân đến Nam Hàn để răn đe Bắc Triều Tiên (RFI)
Một tầu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SNLE) lớp Ohio sẽ được điều đến Nam Hàn, chiểu theo thỏa thuận giữa Seoul và Washington vào tuần trước. Ngày 02/05/2023, bộ Quốc Phòng Mỹ khẳng định, sự kiện trên nhằm tăng cường nỗ lực răn đe của Mỹ đối với những mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên.

Chuẩn tướng Pat Ryder, người phát ngôn của bộ Quốc Phòng Mỹ, xác nhận chuyến thăm của « tầu ngầm SNLE lớp Ohio » nhưng từ chối trả lời câu hỏi liệu tầu ngầm có được trang bị vũ khí hạt nhân không. Ông cũng « không thông báo về thời điểm triển khai » tầu ngầm.
Ngoài chuyến thăm của một tầu ngầm hạt nhân, « Tuyên bố Washington » giữa hai nguyên thủ Yool Suk Yeol và Joe Biden còn kêu gọi triển khai « thường xuyên hơn » những phương tiện chiến lược Mỹ ở Nam Hàn và thành lập một Nhóm tư vấn hạt nhân mới (NCG). Nhóm này giúp Seoul có thể tham gia nhiều hơn vào cách chuẩn bị đối phó của Washington đối với những tình huống khẩn cấp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, Bình Nhưỡng đã lên án thỏa thuận giữa Mỹ và Nam Hàn, cho đó là « lời biện bạch hợp pháp » để triển khai thường xuyên hơn một tầu ngầm hạt nhân hoặc các phương tiện chiến lược khác chống Bắc Triều Tiên.
Ngày 01/05, cơ quan thông tấn trung ương Bắc Triều Tiên KCNA đăng bình luận của nhà phân tích các vấn đề an ninh quốc tế Choe Ju Hyon, chỉ trích « nghịch lý » của Seoul và Washington khi biện minh rằng kế hoạch triển khai tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Mỹ không vi phạm Thỏa thuận Liên Triều năm 1991 và không đặt ra vấn đề pháp lý.
Tin Việt Nam.
Biểu tình trước ĐSQ Việt Nam ở Mỹ: “Cờ đỏ sao vàng không đại diện cho người dân!” (RFA)
“Tôi biết các bạn là những người Việt thực sự. Nhiều người quên rằng lá cờ cộng sản Việt Nam thật ra không đại diện cho người Việt Nam,” một người trẻ Mỹ tên Driver Benson cầm lá cờ vàng ba sọc đỏ đứng phát biểu trước những người Việt biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Washington D.C, Hoa Kỳ.

Chiều 30/4/2023, hàng chục người gốc Việt ở thủ đô và các vùng phụ cận đội mưa tưởng niệm 48 năm biến cố 30/4 và cùng biểu tình lên tiếng đòi hỏi tự do và dân chủ cho người dân ở trong nước.
“Hoàng kỳ mới thực sự là lá cờ của quốc gia Việt Nam”
Anh Driver Benson từ đầu đến cuối cầm lá cờ của Việt Nam Cộng Hòa cùng hai người bạn Mỹ của mình đến tham gia tưởng niệm và sau đó là đến cuộc biểu tình.
Anh cho rằng, Hoàng kỳ mới thực sự là lá cờ của quốc gia Việt Nam “bởi vì cờ đỏ sao vàng đại diện cho Chủ nghĩa Quốc tế, nó không đại diện cho đất nước, đó là lý do vì sao đất nước theo cộng sản thường sử dụng cờ đỏ và sao vàng bởi vì chủ nghĩa của nó là đại diện cho sản phẩm Quốc tế Cộng sản.”
Anh nói rằng có nhiều người Việt ở trong nước ủng hộ lá cờ này nhiều hơn mọi người nghĩ. Anh khẳng định: “Nếu bạn thực sự quan tâm đến đất nước của mình và bạn quan tâm đến văn hóa, cũng như bản sắc của bạn và mọi thứ đi kèm với nó, âm nhạc, thơ ca, văn học, mọi thứ.
Bạn cần phải là một người yêu nước và ủng hộ đất nước, lịch sử và di sản của bạn chính là lá cờ này. Đây là lá cờ 1000 năm tuổi chứ không phải lá cờ cộng sản quốc tế như lá cờ kia.”
Ông Kevin Phạm, Chủ tịch Cộng đồng người Việt ở vùng thủ đô Washington D.C, Virginia và Maryland cho biết hai điều quan trọng nhất đối với Việt Nam hiện nay là vấn đề quyền con người và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trước người láng giềng xấu tính Trung Cộng.
Ông nói với RFA:
“Tôi nghĩ điểm quan trọng nhất là quyền con người. Điều thứ hai là chúng ta phải bảo vệ đất nước không để đất nước Việt Nam rơi vào tay thế lực quốc tế nào khác.
Tất cả mọi người chúng ta mong mỏi một đất nước Việt Nam dân chủ hơn và quyền con người được tôn trọng.
Triển vọng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ

Mười năm sau cuộc chiến Việt Nam, Việt Nam và Hoa Kỳ đã bình thường hoá quan hệ. Hai nước cựu thù ngày nào giờ đã thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện và đang hướng tới việc nâng cấp quan hệ song phương thành Đối tác Chiến lược.
Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và số lượng du học sinh Việt Nam đứng vào top năm của các trường đại học ở Mỹ.
Ông Kevin Phạm đưa ra nhận xét về mối quan hệ Việt-Mỹ trong thời gian gần đây:
“Theo cái nhìn của một người Mỹ gốc Việt thì tôi thấy dường như Chính phủ Mỹ có một chính sách cởi mở và tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam phải hiểu rằng phải thay đổi để tiếp tục quan hệ với chính phủ Mỹ bên này.”
Theo ông, nếu Hoa Kỳ và Việt Nam nâng cấp quan hệ hai nước sẽ đẩy mạnh quan hệ kinh tế và trao đổi giáo dục, qua đó giới trẻ Việt Nam có điều kiện tiếp thu khoa học công nghệ về để phục vụ đất nước.
Tuy nhiên, ông Tim Le – một thành viên của ban điều hành Cộng đồng người Việt ở khu vực, cho rằng hai nước khó có thể nâng cấp quan hệ ngoại giao song phương lên tầm đối tác chiến lược do sự thiếu thành thật của Hà Nội. Ông nói:
“Cộng sản Việt Nam là một bộ máy lật lọng và xảo quyệt. Chúng không thể là bạn tốt lâu dài với bất cứ ai trên thế giới này cả. Bao chục năm nay, chúng đang đi hàng hai: vừa kết giao với Trung Cộng, vừa bợ đỡ Mỹ. Họ chỉ lợi dụng nhất thời và tạm thời thôi.”
Theo ông, nước Mỹ cần phải sử dụng các đòn bẩy kinh tế, quân sự và ngoại giao để buộc Nhà nước cộng sản Việt Nam hiện nay tôn trọng quyền con người.
Ông Tim Le, người phụ trách cuộc biểu tình hôm nay, cho biết cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ và trên thế giới có may mắn được sống trong thế giới tự do, luôn luôn cổ vũ người Việt trong nước đứng lên đòi quyền con người.
“Người Việt hải ngoại luôn luôn hỗ trợ và sát cánh về tinh thần cũng như vật chất nếu cần cho đồng bào quốc nội đứng lên giành lại độc lập, dân chủ và nhất là tiếng nói dân quyền của mình.”
Anh Andrew Greene, một trong ba bạn trẻ người Mỹ tới cuộc biểu tình nói với RFA:
“Tôi đến đây để ủng hộ những người bạn Việt Nam và vinh danh di sản của những người đấu tranh chống lại chủ nghĩa cộng sản và khủng bố trên thế giới. Tôi ủng hộ tự do và giải phóng người Việt khỏi chủ nghĩa cộng sản.”
Anh Andrew, một thanh niên sinh ra ở North Carolina và hiện đang sống ở khu vực thủ đô, nói anh có rất nhiều bạn người Mỹ gốc Việt.
Về triển vọng nâng cấp quan hệ Mỹ- Việt lên Đối tác Chiến lược, anh Andrew cho rằng trước sự hung hăng của Trung Cộng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, việc Hoa Kỳ thiết lập đối tác chiến lược với nhiều quốc gia trong khu vực là điều rất cần thiết.
Ngày 30/4 trở thành ngày hỗ trợ cộng đồng
Jesssie Le và Allen Le là hai chị em có bố mẹ là người Việt và gia đình họ đang sinh sống ở tiểu bang Maryland. Họ có thể hiểu được tiếng Việt nhưng khả năng nói hạn chế.
Họ không hiểu nhiều về Việt Nam cho dù bố mẹ cố gắng giáo dục con cái giữ văn hoá truyền thống. Cả hai theo học lớp võ Vovinam- là một cách gắn kết với cộng đồng người Việt ở vùng Hoa Thịnh Đốn.
Cô Jesssie Le nói với RFA trong ngày tưởng niệm các nạn nhân của chiến tranh Việt Nam:
“Ngày hôm nay là ngày miền Nam thất trận phải không? Do vậy rất là buồn. Tuy nhiên, chúng tôi tìm thấy cộng đồng người Việt ở Virginia để chúng tôi tưởng niệm cùng nhau và hỗ trợ cho nhau.”
USCIRF đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách CPC (VOA)
Hôm 1/5, Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) tiếp tục kết luận và khuyến nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách Quốc gia Cần quan tâm Đặc biệt (CPC) vì tình trạng vi phạm tự do tôn giáo “nghiêm trọng, có hệ thống và đang tiếp diễn”.
Tuy nhiên, USCIRF cho biết thêm rằng họ hy vọng việc Việt Nam bị đưa vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL) vừa qua sẽ khuyến khích chính phủ Việt Nam thực hiện các bước cụ thể để giải quyết các mối quan ngại lâu dài về tự do tôn giáo.
Uỷ viên USCIRF Frederick Davie phát biểu trực tuyến hôm 1/5 khi cơ quan này công bố bản cáo báo 2023:
“Trong năm 2022, nhà cầm quyền ở Việt Nam đã tăng cường kiểm soát và đàn áp các nhóm tôn giáo, bao gồm người Thượng và người Hmong theo đạo Tin lành, tín đồ Cao Đài Chơn truyền, Phật giáo Hòa Hảo độc lập và Giáo hội Phật giáo Thống nhất, đạo Dương Văn Mình và cả Pháp Luân Công”.

Bản báo cáo viết: “Trong năm qua chính quyền sách nhiễu, bức hại một số nhóm độc lập, đặc biệt là Tin lành người Thượng và Cao Đài Chơn truyền khi các nhóm này kỷ niệm Ngày Quốc tế Nhân quyền và Ngày Quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của hành vi bạo lực vì Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng (10/12)”.
“Có sự gia tăng đáng kể số trường hợp giới chức địa phương ép buộc các người Hmong công khai từ bỏ đạo, kể cả những tín đồ của những hội thánh Tin Lành dưới sự kiểm soát của nhà nước.
“Những ai khước từ phải đối mặt với các lời đe doạ và các cuộc tấn công, các khoản tiền phạt to lớn, biện pháp tước đoạt tài sản ảnh hưởng sinh kế, việc từ chối cấp các giấy tờ tuỳ thân quan trọng và giấy khai sanh làm cho họ thực tế trở thành những người vô quốc gia, và nguy cơ bị đuổi ra khỏi nhà và khỏi cộng đồng của người Hmong ở địa phương,” bản báo cáo viết.
Chính quyền cũng tiếp tục đàn áp các tôn giáo khác—gồm nhóm Dương Văn Mình, Pháp Luân Công, Hà Mòn, Hội Thánh Đức Chúa Trời… gọi đó là các nhóm “tà đạo”, “đạo lạ” và kiên quyết loại trừ, xóa sổ các nhóm này. Vào tháng 5, Ban Tôn giáo Chính phủ ở Hà Nội cho biết các nhóm như vậy không đủ điều kiện để đăng ký hoạt động tôn giáo với chính phủ, vẫn theo bản báo cáo.
USCIRF đề xuất chính phủ Hoa Kỳ buộc Việt Nam chịu trách nhiệm về vi phạm quyền tự do tôn giáo với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) và hối thúc Việt Nam cho phép các chuyên gia Đặc biệt của Liên hợp quốc (UN) có liên quan được đến nước này để theo dõi và điều tra tự do tôn giáo và các vi phạm nhân quyền khác.
Vào tháng 10/2022, Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ với nhiệm kỳ ba năm, bất chấp những lo ngại rộng rãi và sâu sắc về hồ sơ nhân quyền của đất nước này, USCIRF cho biết.
Đối với các tù nhân tôn giáo, USCIRF yêu cầu phái đoàn ngoại giao của Mỹ ở Việt Nam tăng cường giám sát các điều kiện giam giữ và kêu gọi trả tự do cho họ.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA về bản báo cáo mới nhất này.
Thêm một trí thức phản biện nổi tiếng Việt Nam bị chặn xuất cảnh (VOA)
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trí thức phản biện nổi tiếng và là một trong những lãnh đạo của phong trào xã hội dân sự tại Việt Nam, vừa bị giới hữu trách Việt Nam chặn xuất cảnh vào ngày 1/5 với lý do “an ninh quốc gia”.
TS. Nguyễn Quang A, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) đã bị chính phủ Việt Nam giải thể trước đây vì có những kiến nghị táo bạo được cho là đi ngược với đường lối của chính quyền, cũng là người được bình chọn là một trong 10 người có ảnh hưởng đến sự phát triển của Internet Việt Nam trong 10 năm (1997-2007), kể lại sự việc với VOA.

“Tôi có visa Schengen 5 năm. Hai năm Covid nên mình không đi đâu được, thì định bay sang Hungary chơi với bạn bè thôi. Thế nhưng mà vé máy bay đi châu Âu thì nó đắt, nên tôi thử đi Bangkok xem thế nào. Tôi mua một cái vé đi Bangkok và ngày hôm qua, 1/5, tôi đi lên sân bay Nội Bài để bay sang Bangkok. Lúc 9:40 là lúc làm thủ tục cửa khẩu thì họ nói họ phải để hệ thống xem xét lại thế nào”.
Sau nhiều tiếng đồng hồ chờ đợi, nhân viên hải quan thông báo với TS. Nguyễn Quang A rằng ông bị tạm hoãn xuất nhập cảnh.
“Tôi nói ‘Ok không sao cả, miễn là các bạn làm theo đúng luật. Mà theo tôi biết thì luật xuất nhập cảnh có quy định rất là rõ ràng khi nào thì nhà chức trách được tạm hoãn hay cấm xuất hiện cảnh đối với một công dân”, TS. Nguyễn Quang A kể lại cuộc đối thoại với nhân viên an ninh.
Sau khi liệt kê ra các trường hợp quy định hoãn hay cấm xuất cảnh theo luật định, TS. Nguyễn Quang A yêu cầu được cấp biên bản về quyết định không cho ông xuất cảnh.
“Cuối cùng, đến khoảng 12 giờ thì có hai người ở Bộ công an từ Hà Nội lên đến sân bay Nội Bài. Họ hỏi tôi là ‘Thế bác không biết chuyện bác bị công an Hà Nội triệu tập à? Cái chuyện đó xong chưa?’”.
TS. Nguyễn Quang A cho biết vào năm cuối năm 2020 và trong năm 2021, bỗng dưng có người đến nhà đưa cho ông giấy triệu tập của cơ quan an ninh điều tra Công an TP Hà Nội với nội dung “làm việc liên quan đến kiến nghị của Cục An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao Bộ Công an”.
“Thế sau 3, 4 bận lên làm việc với họ thì cho đến nay không thấy động tĩnh gì hơn, thế thì chắc là có lẽ là vì cái đó”, TS. Nguyễn Quang A suy đoán. “Cuối cùng, họ đưa cho tôi một biên bản nói là chiếu theo Điều 36 của Luật Xuất nhập cảnh, trong đó có nêu 9 điểm khi nào một người có thể bị hoãn xuất nhập cảnh hay là cấm xuất nhập cảnh. Thì của tôi họ ghi là điểm thứ 9, tức là liên quan đến an ninh quốc gia”, TS Nguyễn Quang A cho biết thêm.
Ông Nguyễn Quang A là trường hợp bị cấm xuất nhập cảnh mới nhất trong hàng loạt các vụ cấm xuất nhập cảnh thời gian gần đây đối với các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền và giới phản biện.
Trước đó, Luật sư nhân quyền Võ An Đôn và gia đình đã bị nhà chức trách Việt Nam cấm xuất cảnh khi gia đình ông ra phi trường đi tị nạn chính trị. Một số linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam cũng nhận được quyết định tương tự khi đi công tác nước ngoài.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho rằng tình trạng cấm xuất cảnh một cách tuỳ tiện tại Việt Nam cho thấy chính quyền đang tìm cách “trả thù” những người hoạt động nhân quyền và đang vi phạm luật pháp của chính họ.
“Tôi thấy thực sự đáng lo ngại cho tình hình nhân quyền của Việt Nam trong thời gian gầy đây”, TS. Nguyễn Quang A, người cổ xuý cho việc phát triển các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam, bày tỏ, đồng thời đề cập đến một số trường hợp gần đây như Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao, một luật sư, trí thức phản biện nổi tiếng đã bị chính quyền bắt vào cuối tháng 12 vừa qua với cáo buộc “trốn thuế”, hay trường hợp Luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh bị quấy nhiễu… cho thấy tình hình nhân quyền tại Việt Nam ngày càng xấu đi, bất chấp việc Việt Nam vừa đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ vào tháng 10 năm ngoái.
RSF: Tự do báo chí Việt Nam tụt hạng, đứng 178/180; chỉ trên Bắc Triều Tiên và Trung Cộng (VOA)
Việt Nam tụt hạng gần ‘đội sổ’ tự do báo chí năm 2023, xếp thứ 178 trong tổng số 180 quốc gia trên thế giới, theo tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF).
Đại diện của tổ chức này nói với VOA rằng lý do tụt hạng của Việt Nam là do phe cánh của người đứng đầu Đảng Cộng sản tăng cường bịt miệng những tiếng nói của các đối thủ trong cuộc đấu đá nội bộ.
Hôm 3/5, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Tự do Báo chí Thế giới, tổ chức RSF công bố bảng xếp hạng tự do báo chí năm 2023, theo đó ba nước châu Á đứng cuối bảng là Việt Nam, xếp thứ 178; Trung Cộng 179; và Triều Tiên 180.

Như vậy, Việt Nam, nơi chính quyền tự hào và cổ võ cho nền “báo chí cách mạng”, bị rớt từ hạng 174 hồi năm 2022 xuống gần cuối bảng trong năm nay, và cũng là mức thấp nhất kể từ khi RSF công bố xếp hạng hàng năm từ năm 2002 đến nay.
Lý do rớt hạng
Theo RSF, tổ chức có trụ sở ở thủ đô Paris của Pháp, lý do Việt Nam bị tụt hạng là do chính quyền Hà Nội “gần như hoàn tất việc truy bắt các nhà báo độc lập và các nhà bình luận” trên mạng xã hội.
“Việc Việt Nam tụt hạng năm 2023 là kết quả của cuộc đàn áp không ngừng đối với báo chí độc lập dưới nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Qua những vụ bắt bớ và án tù nặng nề, ông Trọng đã thành công trong việc đè bẹp sự năng động to lớn của báo chí trực tuyến trong xã hội Việt Nam, cũng như những nỗ lực tạo ra một cuộc tranh luận bên trong các cơ quan truyền thông chính thức”, ông Daniel Bastard, Giám đốc Ban châu Á – Thái Bình Dương của RSF, cho VOA biết qua email khi tổ chức này công bố bảng xếp hạng 2023.
Ông Bastard cho biết một minh họa mới nhất về “thành quả” của sự đàn áp này là vụ bắt giữ nhà báo Đường Văn Thái, người đang tị nạn ở Thái Lan gần đây. “Điều này có nghĩa là phe cánh của ông Nguyễn Phú Trọng đang truy sát các đối thủ của mình và truy sát xuyên biên giới những người công khai lên tiếng về đấu đá nội bộ đảng”, ông Bastard viết.
Trước đó, hôm 27/4, RSF cũng lên án việc chính quyền Việt Nam bắt giam ông Đường Văn Thái hôm 14/4 ở Hà Tĩnh do “nhập cảnh trái phép” trong khi bạn bè của ông cho rằng ông bị mật vụ Việt Nam “bắt cóc” ở Thái Lan.
Ông Daniel Bastard nhận định trong một tuyên bố của RSF về việc công an Hà Tĩnh bắt ông Thái: “Công an thậm chí đã không tôn trọng các quy tắc của chính họ trong việc quyết định sẽ làm gì với ông ấy. Trường hợp này là một ví dụ đáng buồn về mức độ khinh thường khủng khiếp mà chính quyền chà đạp lên sự thượng tôn pháp luật và tự do báo chí”.
Năm ngoái, các chỉ số cụ thể của Việt Nam được RSF nêu ra gồm chỉ số chính trị ở hạng 173, chỉ số kinh tế xếp hạng 176, chỉ số lập pháp 172, chỉ số xã hội 170 và chỉ số an ninh 170.
Liên tục trong nhiều năm qua, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 10 quốc gia tồi tệ nhất trên thế giới về tự do báo chí, tức danh sách đỏ của bảng Chỉ số, gồm những nước có tình hình báo chí “rất tồi tệ”.
Theo báo cáo của RSF, truyền thông chính thống của Việt Nam bị kiểm duyệt chặt chẽ bởi độc đảng và việc các phóng viên độc lập cũng như các blogger thường xuyên bị bỏ tù khiến cho Việt Nam trở thành nhà tù lớn thứ ba trên thế giới đối với các nhà báo.
Việt Nam hiện đang giam giữ 35 nhà báo sau song sắt trong năm 2022, theo thống kê của RSF.
Lần đầu tiên một thống đốc bang ở Mỹ ra tuyên bố kỷ niệm sự kiện 30/4 (VOA)
Thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer vừa ra một tuyên bố nhân dịp đánh dấu 48 năm ngày kết thúc Chiến tranh Việt Nam, 30/4, gọi đó là “Tháng 4 Đen”, trong nỗ lực nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự kiện quan trọng này, nhất là cho thế hệ trẻ.
Dường như đây là lần đầu tiên một thống đốc bang ở Mỹ ra tuyên bố tưởng niệm sự kiện này trên toàn bang. Các lễ tưởng niệm 30/4 trước đây ở Mỹ, nơi có cộng đồng người Việt hải ngoại lớn nhất, chỉ dừng tại ở cấp thành phố hoặc khu vực.

Trong một tuyên bố đăng trên trang web chính thức, nữ Thống đốc Gretchen Whitmer cho biết sự kiện này đánh dấu 48 năm ngày kết thúc Chiến tranh Việt Nam 30/4/1975, ghi nhớ “một thảm kịch đầy đau khổ và mất mát sinh mạng” của hơn 58.000 người Mỹ, 275.000 người Việt và người Đông Nam Á.
Bà Whitmer, 52 tuổi, một luật sư sinh ra ở Michigan và trở thành thống đốc thứ 49 của bang này từ năm 2019, nhắc lại sự kiện lịch sử di dân sau khi Sài Gòn sụp đổ: “Bắt đầu từ năm 1975, và kéo dài đến giữa những năm 1990, nhiều làn sóng người tị nạn Việt Nam bắt đầu rời Việt Nam; gần 800.000 người đã liều mạng trên những chiếc thuyền nhỏ, nguy hiểm để đến các trại tái định cư ở Hong Kong, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines trước khi cuối cùng được tái định cư tại Hoa Kỳ”.
Với việc cộng đồng Việt Nam lớn mạnh ở khắp nước Mỹ và tại Michigan, nơi có 25.000 người Việt đang sinh sống, đông nhất là tại Quận Oakland và khu vực phía tây Michigan, sự kiện này được xem là có ý nghĩa quan trọng.
“Chúng ta phải dạy cho con cháu chúng ta và các thế hệ tương lai những bài học quan trọng từ Chiến tranh Việt Nam, kể cả hoàn cảnh của những người tị nạn Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc, xem đó là một minh chứng mạnh mẽ về các giá trị của tự do và dân chủ”, bà Whitmer cho biết.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA về tuyên bố này của Thống đốc Whitmer.
Cộng đồng người Việt tại Michigan, nhất là những người tị nạn và con cháu của họ, bày tỏ cảm xúc vui mừng trước tuyên bố của Thống đốc bang.
Hôm 27/4, ông Đinh Thái Hòa, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc gia Michigan, nói với VOA rằng cộng đồng xem tuyên bố của Thống đốc Whitmer như một “món quà tinh thần” có ý nghĩa:
“Tôi rất vinh dự, hân hạnh được nhận lãnh một món quà tinh thần thật vô giá cho cộng đồng người Việt ở Michigan nói riêng, và cho tất cả cộng đồng người Việt trên toàn nước Mỹ và tất cả mọi nơi nói chung.
“Thống đốc Michigan có nhiều chương trình cho người Á Đông, trong đó có người Việt. Thống đốc Michigan luôn chú trọng vào những cộng đồng thiểu số Á Đông”.
“Các em sinh ra ở bên Mỹ không biết về cuộc chiến Việt Nam. Bà Thống đốc nhắn nhủ chúng ta nên chỉ dẫn, dạy cho con cháu của chúng ta về lịch sử của Việt Nam để con cháu chúng ta biết được những khó khăn trên đường đi tìm tự do của tất cả các đấng làm cha, mẹ và sự hy sinh thật là quý giá của các chiến sỹ Việt Nam Cộng hòa về lý tưởng tự do”, ông Hòa cho biết thêm.
Việt Nam ghi nhận gần 3.000 ca tai nạn giao thông trong hai ngày nghỉ lễ (RFA).
Tổng số người bị tai nạn giao thông (TNGT) trong hai ngày 29 và 30/4 là 2.984, trong đó có 19 người chết, 43 người đang nguy kịch và 1.437 người phải nhập viện điều trị, theo dõi.
Cục Quản lý khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế cho truyền thông hay tin trên trong ngày 30/4.
Theo Cục, đáng lưu ý là tai nạn xảy ra trong ngày 29/4 tại Lào Cai. Sở Y tế tỉnh này cho biết có một tai nạn xe khách xảy ra tại Km 183 cao tốc Nội Bài –Lào Cai. Vụ tai nạn khiến lái xe chết và 17 người bị thương, trong đó có chin người nước ngoài.

Cũng trong ngày 30/4, Bộ Y tế Việt Nam cho biết có 1.039 người bệnh khám COVID-19, trong đó có 559 người phải nhập viện điều trị nội trú.
Có ba ca tử vong vì COVID-19 trong ngày 29 và 30/4. Hiện số người bệnh COVID -19 nặng, nguy kịch đang điều trị tại các bệnh viện tính đến 7 giờ ngày 30/4 là 76 người.
Trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các cơ sở y tế tăng cường đảm bảo công tác thu dung, điều trị cấp cứu, phòng chống dịch bệnh trong dịp lễ 30/4 và 1/5.
Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị các cơ sở y tế bảo đảm thường trực đường dây nóng 24/24 giờ, sẵn sàng chỉ đạo, phối hợp, chi viện, ứng cứu trong trường hợp cần thiết. Đồng thời, báo cáo hằng ngày tình hình khám chữa bệnh, cấp cứu tai nạn giao thông, COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đặc biệt, trường hợp có diễn biến như bùng phát dịch COVID-19 và các dịch bệnh nguy hiểm, cấp cứu thảm họa, tai nạn hàng loạt, ngộ độc thực phẩm và các trường hợp đặc biệt khác, đề nghị đơn vị có báo cáo khẩn về cơ quan quản lý trực tiếp để kịp thời giải quyết.
Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông hàng đầu thế giới. Trong năm 2022, toàn quốc xảy ra hơn 11.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 6.000 người, bị thương hơn 7.000 người, theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an Việt Nam.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ tai nạn giao thông cao tại Việt Nam là tình trạng uống rượu bia.
Việt Nam xếp thứ hai trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người.
Người Việt chi hơn 1,6 tỷ USD để mua Iphone ngoại nhập (RFA)
Iphone nhập khẩu về Việt Nam đạt giá trị 1,61 tỷ USD, chiếm khoảng 46% tổng kim ngạch nhập khẩu điện thoại nguyên chiếc trong năm 2022.
Tờ VnExpress loan tin hôm cuối tháng 4 dựa theo số liệu từ Bộ Công thương. Theo báo cáo xuất nhập khẩu của Bộ Công thương, Việt Nam nhập khẩu điện thoại nguyên chiếc đạt 3,5 tỷ USD vào năm 2022, tăng 10,5% so với 2021. Các thương hiệu dẫn đầu là Iphone, Samsung, Oppo và Xiaomi chiếm khoảng 93,43%.
iPhone là dòng máy giá trị cao nhất, chiếm 46% đạt 1,61 tỷ USD tiếp đến là Samsung, với 940 triệu USD và Oppo đạt hơn 442 triệu USD. Các mặt hàng nhập khẩu trên chủ yếu là từ Nam Hàn và Trung Cộng.
Nhiều nhà phân phối của Apple cho biết iPhone càng đắt tiền thì nhu cầu mua càng cao.
Cũng theo Bộ Công thương, năm ngoái, số điện thoại sản xuất ở Việt Nam ước tính khoảng 210,5 triệu chiếc, trị giá 663,7 nghìn tỷ đồng giảm 9,1% về lượng nhưng tăng 15,1% về giá trị.
Xuất khẩu điện thoại nguyên chiếc đạt 33,32 tỷ đô la. Trong đó, Samsung là nhà sản xuất lớn nhất, chiếm 31,42 tỷ đô la.