Tin Hoa Kỳ và Thế Giới

Bộ Trưởng Ngân Khố Cảnh Báo Có Thể Khủng Hoảng Hiến Pháp Xảy Ra

Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen cho biết bà sẽ tuyên bố trần nợ là vi hiến nếu Quốc hội không thể giải quyết bế tắc về trần nợ, nhưng cho biết rằng “không có lựa chọn tốt nào” được đưa ra bàn thảo.

Bà Yellen tuyên bố trên chương trình “This Week” của ABC hôm Chủ Nhật (07/05), “Không có cách nào để bảo vệ hệ thống tài chính của chúng ta ngoài việc Quốc Hội nâng mức trần nợ và cho phép chúng ta thanh toán các hóa đơn”.

Bà đang phúc đáp câu hỏi về việc liệu Bộ Ngân Khố có thể sử dụng Tu chính án thứ 14 để tuyên bố trần nợ là vi hiến hay không. Trong tu chính án này có đoạn viết, “tính hợp lệ của khoản nợ công của Hoa Kỳ, được pháp luật cho phép, bao gồm các khoản nợ phát sinh để thanh toán lương hưu và tiền thưởng cho các quân chủng trong việc trấn áp nổi dậy hoặc nổi loạn, sẽ không bị nghi ngờ”.

Khi bị ông George Stephanopoulos của đài ABC, cựu tuỳ viên báo chí Tòa Bạch Ốc thời TT Clinton, nói rằng chính phủ TT Biden không thể làm gì để tránh một “thảm họa kinh tế” nếu Tu chính án thứ 14 được viện dẫn.

Ông Stephanopoulos đặt câu hỏi, “Đây có phải là lựa chọn cho trường hợp khẩn cấp và có bàn thảo hay không”?

Bà Yellen trả lời rằng: “Tôi không muốn xem đó là trường hợp khẩn cấp. Điều quan trọng là các thành viên của Quốc Hội có nhận ra trách nhiệm và ngăn chặn những điều không may sẽ xảy ra, có thể là một thảm họa kinh tế và tài chính”.

Bà Yellen cho rằng “Điều gì sẽ xảy ra nếu Quốc Hội lãnh trách nhiệm của mình, đơn giản là không còn lựa chọn nào tốt hơn”.

Ý tưởng viện dẫn Tu chính án thứ 14 đã được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn hồi tuần trước (34-30/04) với TT Joe Biden, và ông ta cho biết ý kiến này đang được bàn thảo. Ông Biden dự định ​​sẽ gặp Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) vào tuần này về trần nợ theo lời cảnh báo của bà Yellen.

Chính phủ liên bang đã đạt đến giới hạn nợ 31.4 ngàn tỷ USD vào tháng Giêng. Theo bà Yellen, kể từ đó, Bộ Ngân khố đã sử dụng “các biện pháp đặc biệt” để duy trì dòng tiền trong thời gian chờ đợi. Tòa Bạch Ốc và một số thành viên Đảng Dân Chủ đã nhấn mạnh rằng đề xướng hạn chế nợ không nên đi kèm với các điều kiện ràng buộc. Tuy nhiên, ông McCarthy cho biết bất cứ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm cắt giảm chi tiêu liên bang.

Trong những tháng gần đây, TT Biden đã nói rằng sẽ thảo luận về việc cắt giảm ngân sách sau khi giới hạn mới được thông qua. Quốc Hội thường kết hợp việc tăng trần nợ với các biện pháp chi tiêu và ngân sách khác. Hoa Thịnh Đốn thường xuyên đặt ra giới hạn cho khoản vay của liên bang. Hiện tại, mức trần tương đương với khoảng 120% sản lượng kinh tế hàng năm của đất nước. Đến tháng Bảy hoặc tháng Tám, Hoa Thịnh Đốn có thể phải ngừng vay nợ hoàn toàn.

Theo kịch bản đó, những ảnh hưởng xấu có thể lan ra khắp thị trường tài chính toàn cầu khi các nhà đầu tư đặt câu hỏi về giá trị của công khố phiếu Hoa Kỳ. Bởi vì công khố phiếu Hoa Kỳ được xem như là một trong những khoản đầu tư an toàn nhất và đóng vai trò xây dựng cho hệ thống tài chính thế giới.

Dự luật được Hạ Viện thông qua sẽ cắt giảm chi tiêu xuống mức năm 2022 và sau đó giới hạn mức tăng trưởng ở mức 1% một năm, bãi bỏ một số ưu đãi thuế đối với năng lượng tái tạo, và thắt chặt các yêu cầu về làm việc đối với một số chương trình chống đói nghèo.


Cựu Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Tuyên Bố Độc Lập Năng Lượng Là Chìa Khóa Cho An Ninh Quốc Gia

Hôm nay (19/04), cựu Phó Tổng thống (TT) Mike Pence nói với cử toạ tại một hội nghị ở Quận Cam, California rằng những điểm mấu chốt về an ninh quốc gia và sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ phụ thuộc vào việc sản xuất dầu khí trong nước cũng như sự độc lập về năng lượng.

PTT Mike Pence

Năng lượng không chỉ là một vấn đề trong nước. Nó ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao, ông Pence cho biết trong Hội Nghị Năng Lượng Quốc Gia Nixon tại Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Richard Nixon ở Yorba Linda.

Ông Pence cho biết, dưới thời chính phủ TT Trump, một nền kinh tế vững mạnh đã giúp Hoa Kỳ tái thiết quân đội để ngăn chặn các mối đe dọa của ngoại bang. Nhưng chính phủ TT Biden đã ngừng sản xuất dầu khí trong nước. Ông tuyên bố,

“Một ngành năng lượng sôi động sẽ cung cấp sức mạnh và sự độc lập của Hoa Kỳ đối với thế giới. Và với sức mạnh kinh tế mới đó, chúng ta không chỉ có thể xây dựng lại nền kinh tế mà còn có thể xây dựng lại quân đội sau nhiều năm cắt giảm ngân sách một cách liều lĩnh”,

Ông Pence cho biết các chính sách năng lượng mà chính phủ TT Trump đề xướng được dựa trên những ý tưởng mà TT Nixon đưa ra.

“Sự thật là chúng tôi không phát minh ra sách lược năng lượng đó. Trên thực tế, nó có vẻ giống với sách lược của TT Nixon vốn đã bị Quốc Hội vào thời ấy phớt lờ cách đây 50 năm”.

Khi đó cũng như bây giờ, ông cho biết, cuộc khủng hoảng năng lượng mà TT Nixon phải đối phó vào đầu những năm 1970 là do “chính phủ gây ra”.

Ông Mike Pence cho biết, một trong những hành động đầu tiên của chính phủ TT Trump là rút Hoa Kỳ ra khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris “không công bằng”, vốn trừng phạt ngành công nghiệp của Mỹ mà lại cho phép Trung Cộng “tiếp tục gây ô nhiễm mà không bị trừng phạt”.

Ông Pence nói thêm, chính phủ Trump đã thay thế Kế hoạch Năng lượng Sạch của chính phủ cựu TT Obama bằng các quy định về năng lượng sạch thị trường tự do giá cả phải chăng, phê chuẩn dự án đường ống Keystone và Dakota, xúc tiến phê chuẩn dự án đường ống Burgos, và mở cửa khu vực Động vật hoang dã Quốc gia Alaska để cho thuê dầu khí có trách nhiệm. “Đó là một thành công phi thường. Trong vòng vài tháng sau khi tháo nút thắt cho Năng lượng Mỹ… nền kinh tế của chúng ta đã lao đi như một chú thỏ rừng như chúng ta vẫn nói ở Indiana”.

Ông Pence cho biết Hoa Kỳ đã trở thành nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới, và lần đầu tiên sau 3/4 thế kỷ, trở thành nước xuất cảng ròng khí đốt tự nhiên, với lượng nhập cảng năng lượng giảm xuống mức thấp nhất trong 60 năm qua.

“Chúng tôi đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế — 7 triệu việc làm được trả lương cao — tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 50 năm, chúng tôi đã chuyển 10 triệu người từ phúc lợi sang làm việc”, ông nói. “Đó là công cuộc giảm nghèo lớn nhất trong lịch sử Mỹ quốc. Và điều sẽ xảy ra khi quý vị mở cửa năng lượng của nước Mỹ đó là: Mỹ quốc thịnh vượng”.

Dưới thời ông Trump, Hoa Kỳ đã khôi phục sức mạnh và sự độc lập của nước Mỹ, đạt được thỏa thuận hòa bình ở Thế giới Ả Rập sau 25 năm theo Hiệp định Abraham. Ông Pence nói: “Chúng ta đã làm nên lịch sử”.

Tuy nhiên, trong hơn hai năm, dưới thời chính phủ ông Biden, “cuộc chiến năng lượng” đã quay trở lại ở mức độ tồi tệ và Hoa Kỳ “yếu thế hơn bao giờ hết trên trường quốc tế”. Ông Pence chỉ trích ông Biden và nói rằng, ông ta muốn “chấm dứt nhiên liệu hóa thạch” trong chiến dịch tranh cử là hành động cạnh tranh chính trị “đảng phái”.

Ông Pence nói, đảng Dân Chủ và ông Biden đã hủy bỏ các đường ống Keystone và XL, áp đặt các lệnh ngừng khoan dầu, từ chối đấu giá các hợp đồng thuê dầu khí trên các vùng đất của liên bang, và bóp nghẹt nguồn tài chính cho các nguồn năng lượng truyền thống. Chủ trương loại bỏ xe xăng để dùng xe điện sẽ làm tăng sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào Trung Cộng, nhà sản xuất pin chủ yếu của thế giới.

Ông Pence cũng chỉ trích ông Biden vì đã làm cạn kiệt một nửa kho dự trữ xăng dầu chiến lược quốc gia dành cho các trường hợp khẩn cấp thay vì tăng sản xuất năng lượng trong nước.

Ông Pence nói,  “Đã đến lúc nước Mỹ quay trở lại với các chính sách tăng cường năng lượng để tăng trưởng sức mạnh Hoa Kỳ”.


Tòa Bạch Ốc Cảnh Báo Hàng Triệu Người Mất Việc Làm

Tòa Bạch Ốc đã cảnh báo rằng việc tiếp tục chạm mức trần nợ của Hoa Kỳ có thể dẫn đến “sự gián đoạn đáng kể” đối với thị trường tài chính và “thiệt hại trầm trọng” đối với nền kinh tế, trong đó hơn 8 triệu người sẽ mất việc làm.

Trong một báo cáo được công bố hôm 03/05, Hội Đồng Cố Vấn Kinh tế của Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh rằng việc Hoa Kỳ không thực hiện các nghĩa vụ nợ mang tính lịch sử của mình — được gọi là “ngày X” — đang đến rất nhanh, và một hành động như vậy sẽ chứng kiến nền kinh tế “nhanh chóng chuyển sang hướng ngược lại”.

Cảnh báo trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Ngân khố, bà Janet Yellen cho biết Hoa Kỳ có thể không thực hiện được các nghĩa vụ tài chính của mình trước ngày 01/06 trừ khi Quốc Hội có hành động nâng mức trần nợ 31.4 ngàn tỷ USD của quốc gia.

Các nhà kinh tế của Tòa Bạch Ốc đã cảnh báo về ba kịch bản có thể xảy ra nếu các cuộc đàm phán giữa Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ về giới hạn nợ tiếp tục kéo dài: tình trạng bên bờ vực, vỡ nợ trong thời gian ngắn, và vỡ nợ trong thời gian dài.

Theo chính phủ TT Biden, trong kịch bản đầu tiên, trong đó giới hạn trên được tiếp cận nhưng tránh được tình trạng vỡ nợ, có thể bị mất 200,000 việc làm và 0.3 điểm phần trăm GDP hàng năm, và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 0.1%.

Trong một vụ vỡ nợ trong thời gian ngắn, trong đó Quốc Hội hành động nhanh chóng để cho phép quốc gia vay lại sau khi vỡ nợ, khoảng nửa triệu việc làm, 0.6 điểm phần trăm GDP hàng năm sẽ bị mất và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 0.3%.

Trong trường hợp vỡ nợ kéo dài, kịch bản nguy hiểm nhất mà Hoa Kỳ không tăng mức vay trong hơn ba tháng, khoảng 8.3 triệu việc làm sẽ bị mất, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 5% do người tiêu dùng cắt giảm mua sắm và doanh nghiệp sa thải nhân viên, và GDP sẽ giảm 6.1 điểm phần trăm.

Các nhà kinh tế nhận thấy kết quả sẽ là một “cuộc suy thoái trầm trọng, ngay lập tức” tương đương với cuộc Đại suy thoái trong khi thị trường chứng khoán cũng sẽ giảm khoảng 45%.

Các nhà kinh tế viết rằng, “Một vụ vỡ nợ kéo dài có thể sẽ dẫn đến thiệt hại trầm trọng cho nền kinh tế, thiệt hại lên đến hàng triệu việc làm. Không giống như cuộc Đại suy thoái và cuộc suy thoái do COVID, chính phủ không thể giúp đỡ người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Khi tình trạng chạm mức trần nợ tiếp tục, thì nền kinh tế phục hồi chậm và tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao hơn 3 điểm phần trăm vào cuối năm 2023. Mặc dù cho đến nay, trong lịch sử của Hoa Kỳ, đã tránh gây ra những thiệt hại như vậy đối với nền kinh tế Hoa Kỳ và thậm chí toàn cầu, nhưng hầu như mọi phân tích cho thấy vỡ nợ dẫn đến tình trạng suy thoái đang đến rất gần”.

Các dự đoán của Tòa Bạch Ốc tương tự như một báo cáo gần đây của Moody’s Analytics sử dụng một mô hình kinh tế vĩ mô khác nhưng đưa ra kết luận tương tự, lưu ý rằng cuộc suy thoái kinh tế sẽ xảy ra sau đó sẽ “có thể so sánh với những gì xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”.

Ông Biden và các thành viên Đảng Cộng Hòa (GOP) đã rơi vào bế tắc về giới hạn nợ và chi tiêu của chính phủ, với việc Chính phủ từ chối cắt giảm chi tiêu cho đến khi giới hạn nợ được nâng lên.

Tuần trước, các nhà lập pháp GOP đã thông qua một dự luật cho phép tăng mức trần nợ thêm 1.5 ngàn tỷ USD để đổi lấy việc thắt chặt chi tiêu của chính phủ trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng vỡ nợ sắp xảy ra.


New York Trở Thành Tiểu Bang Đầu Tiên Cấm Dùng Lò Gas

New York đã trở thành tiểu bang đầu tiên trong cả nước cấm dùng lò gas sau khi Quốc Hội tiểu bang phê chuẩn một ngân sách mới, bao gồm một luật cấm đốt nhiên liệu hóa thạch trong hầu hết các công trình mới xây bắt đầu từ năm 2026.

Cuộc bỏ phiếu cuối cùng diễn ra sau nhiều tuần mà Thống đốc Kathy Hochul gọi là các cuộc đàm phán “rất căng thẳng” dẫn đến việc thông qua ngân sách tiểu bang trị giá 229 tỷ USD hôm 02/05, bao gồm luật cấm bếp gas, lò nung, và bộ phận đốt nóng bằng khí propan dùng cho các thiết bị như máy bơm nhiệt và bếp điện.

Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện tiểu bang đã chỉ trích dự luật và cho rằng, dự luật sẽ làm tăng hóa đơn điện nước và chi phí nhà ở.

Bà Hochul cho biết rằng, việc thông qua những giới hạn ngân sách này — một quá trình đàm phán kín kéo dài hàng tuần — liên quan đến “rất nhiều nhượng bộ lẫn nhau, rất nhiều cảm xúc mạnh mẽ” về các chủ đề như lệnh cấm khí đốt tự nhiên.

Dự luật này cấm lắp đặt thiết bị sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các tòa nhà mới dưới bảy tầng vào năm 2026 và ở những tòa nhà cao hơn vào năm 2029, bắt buộc phải nấu nướng và sưởi ấm hoàn toàn bằng điện.

Có các miễn trừ cho những nơi như bệnh viện, các cơ sở sản xuất, và các nhà hàng. Các tòa nhà hiện có cũng được miễn trừ khỏi lệnh cấm này.

Ngân sách mới này cũng cho phép Cơ quan Điện lực New York xây dựng các dự án năng lượng tái tạo và tạo ra chương trình Trợ giúp Cộng đồng và Tiếp cận Năng lượng Tái tạo (REACH) sẽ trợ cấp điện và năng lượng cho cư dân có thu nhập thấp.

Ông Heastie cho biết trong một tuyên bố: “Việc thay đổi cách chúng ta tạo ra và sử dụng năng lượng để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sẽ giúp bảo đảm một môi trường lành mạnh hơn cho chúng ta và con em chúng ta”.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, cứ 5 gia đình ở bang New York thì có khoảng 3 gia đình sử dụng khí đốt tự nhiên để sưởi ấm.

Những người chỉ trích luật này đã lập luận rằng luật này hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng và sẽ khiến hóa đơn điện nước cao hơn, vì điện đắt hơn khí đốt tự nhiên tại hầu hết các nơi ở New York.

Lãnh đạo Đảng Cộng hòa Thượng viện Rob Ortt đã chỉ trích ngân sách này. Ông đã nói trong một tuyên bố rằng ngân sách này bỏ qua những ưu tiên của người dân New York.

Ông nói: “Bản ngân sách kém minh bạch này đã không giải quyết được cuộc khủng hoảng khả năng chi trả, không giúp cải thiện an toàn công cộng, mà còn áp đặt thêm các quy định bắt buộc của chính phủ toàn trị vốn đe dọa nền kinh tế của chúng ta”. Nói về lệnh cấm thiết bị nhiên liệu hóa thạch này, ông Ortt cho biết lệnh cấm này sẽ khiến nhà ở trở nên đắt đỏ hơn. Ông nói: “Một lệnh cấm vi hiến và cũng là đầu tiên trên toàn quốc đối với hệ thống dẫn khí gas trong các công trình xây dựng mới sẽ khiến các hóa đơn điện nước và chi phí nhà ở tăng cao”.


Tucker Carlson Nói Rằng Những Lời Dối Trá Của Truyền Thông Gây Tai Hại Cho Con Người

Trong bài diễn thuyết trực tiếp đầu tiên sau khi rời Fox News, ông Tucker Carlson đã không ngần ngại nói về những gì ông xem là những vấn đề đang làm suy yếu nước Mỹ — ngành truyền thông thiếu chân thật và sự chia rẽ quốc gia “được ngụy tạo”. Trước cử toạ hơn 1200 người, phần mở đầu, Tucker nói, “Tôi nghĩ mình có lẽ là người thất nghiệp đầu tiên từng được mời lên tiếng… Khi tôi nhận lời mời diễn thuyết này… tôi đã không nhận ra rằng tôi lại có nhiều thời gian rảnh rỗi…”.

Fox đã thông báo hôm 24/04 rằng hai bên “đã đồng ý chia tay” mà không cung cấp thêm lời giải thích nào, khiến nhiều người suy đoán về hoàn cảnh ra đi và những gì sắp xảy đến tiếp theo với Tucker Carlson. Tỷ lệ người xem của mạng lưới truyền hình Fox đã giảm đáng kể kể từ khi Tucker ra đi.

Trong bài diễn thuyết kéo dài một giờ, ông Tucker không trực tiếp đề cập đến tình huống xảy ra với Fox News mà nói về các vấn đề chính trị và xã hội của Mỹ mà ông tin rằng có thể dẫn đến “sự kết thúc của nền dân chủ” và sự lệ thuộc của người dân Mỹ.

Tucker Carlson

Theo ông Carlson, những gì ông chứng kiến ​​tại cơ sở của Rainbow Omega — cuộc sống của nhiều người được cải thiện về mặt vật chất — hoàn toàn trái ngược với trải nghiệm của ông với chính trị Mỹ và ngành truyền thông.

Tucker nói, “Chính trị Mỹ được cho là nhằm cải thiện cuộc sống của người dân, nhưng thực ra mục đích của chính trị là gì?  Khi chúng ta lo lắng về những vấn đề trừu tượng lớn lao ở những nơi tận đẩu tận đâu, hoặc tuyên bố rằng chúng ta có thể kiểm soát thời tiết hoặc bất cứ điều gì chúng ta tuyên bố, thì có những đứa trẻ bị khuyết tật, cha mẹ đang già đi và các bậc cha mẹ này thực sự lo sợ một cách chính đáng về điều gì sẽ xảy ra khi họ qua đời”.

Tuy nhiên, ông cho biết những ý tưởng được lan truyền rộng rãi là không chỉ không ăn nhập gì với mối quan tâm thường nhật của người Mỹ mà còn được toan tính để gây chia rẽ.

Tucker Carlson nói, “Tôi bắt đầu thực sự tin rằng những vết rạn nứt mà chúng ta đang chứng kiến trong xã hội phần nhiều là do con người tạo ra”, đồng thời sự chia rẽ là ý tưởng về phân biệt chủng tộc. “Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Obama là cách mà chúng ta đã vượt qua vấn đề chủng tộc. Tôi đã không bỏ phiếu cho ông ấy, nhưng tất cả những người tôi biết đều rất phấn khích, và tôi cũng vậy. Chúng ta đã bầu ra một người mà tôi không đồng tình cho lắm, nhưng chúng ta đã đạt đến một điểm là không chà xát vào vết thương nữa mà nên tiến về phía trước. Là một tín đồ Cơ Đốc, tôi hoàn toàn ủng hộ điều đó”.

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama, khi ông ấy nói: “Ồ chưa đâu, chúng ta chưa vượt qua vấn đề phân biệt chủng tộc đâu. Tất cả những gì chúng ta sẽ nói đến là chủng tộc và khiến chúng ta thù hận lẫn nhau vì vấn đề chủng tộc”.

Ông Cảlson nói thêm, “Tôi không nghĩ rằng hầu hết người Mỹ không ưa nhau vì sự khác biệt về sắc tộc. Tôi nghĩ có rất nhiều điều lời nói dối, nhằm làm cho mọi người phân tâm”. Theo Tucker Carlson, điều mà ông nhận thấy là “sự tuyên truyền” do “đại đa số” các phương tiện truyền thông Mỹ sản xuất. “Thật sự là họ chẳng hề hay biết rằng nền kinh tế đang sa sút hay sao? Làm thế nào quý vị lại có thể không biết điều đó? Chẳng lẽ chúng ta không biết chúng ta đang tích cực chống lại Nga trong một cuộc chiến tranh hay sao? Tôi nghĩ đến một lúc nào đó chúng ta  sẽ phải gọi tên hành động đúng với bản chất của nó — đó là sự dối trá. Đó không phải là đưa tin. Đó chính là kiểu tuyên truyền lỗi thời”.

Ông Carlson nói, “Hãy tìm kiếm sự chân thật trong các mối quan hệ giữa người với người của quý vị — luôn luôn khiêm tốn — hãy nhớ rằng thật khó để đi đến sự thật cốt lõi của bất cứ điều gì trong cuộc sống này. Và mặc dù chúng ta có thể sẽ không bao giờ chạm đến được gốc rễ của sự thật, nhưng chúng ta có thể di chuyển theo hướng đó”.

Ông khuyến khích khán giả hãy nói lên sự thật và không tham gia vào những lời dối trá được tuyên truyền trong xã hội. “Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách tự mình nói ra sự thật. Những gì chúng ta có thể kiểm soát là hành vi của chính mình. Không để cho ai đó áp đặt những lời dối trá lên chúng ta. Chúng ta không chấp nhận những xảo ngôn đó. Bởi vì nó sẽ cướp đi điều quan trọng duy nhất, đó là nhân tính của chúng ta mà Thiên Chúa ban cho chúng ta”.

Sau đó, ông khuyến khích khán giả bỏ phiếu theo lương tâm của mình. Ông nói rằng ông ủng hộ sự sống và bỏ phiếu cho Đảng Cộng Hòa vì lập trường của họ về vấn đề này.


Đảng Dân Chủ Đề Xướng Dỡ Bỏ Tượng Đài Abraham Lincoln

Tổng thống Jefferson của Đảng Dân Chủ và Liên minh Ly khai có lẽ đã không thể trục xuất tổng thống Abraham Lincoln khỏi thủ đô, nhưng đại diện Đảng Dân Chủ Eleanor Norton (Dân Chủ-Thủ đô Hoa Thịnh Đốn) thì có thể.

Bà Norton, đại diện Quốc Hội không bỏ phiếu của Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, đã lại đưa ra dự luật nhằm dỡ bỏ một tượng đài về ông Lincoln cùng một nô lệ được giải phóng đang quỳ gối.

Tượng đài đã đứng ở Công viên Lincoln gần Điện Capitol từ năm 1876. Bức tượng mô tả cảnh một người nô lệ, cởi trần và được gỡ bỏ xiềng xích, sắp đứng lên. Ông Lincoln chĩa tay qua người đàn ông.

Những nô lệ được giải phóng đã trả tiền để tạo ra bức tượng đài này. Nhưng theo thông cáo báo chí của bà Norton, điều đó là không đủ. Thông cáo báo chí của bà Norton viết, “Bức tượng mô tả một người đàn ông Da Đen quỳ gối trước Tổng thống Lincoln không công nhận quyền tự quyết của người Mỹ gốc Phi Châu trong việc thúc đẩy cho sự giải phóng của chính họ”.

Dự luật của bà Norton sẽ di dời tượng đài này ra khỏi Công viên Lincoln và đặt trong một viện bảo tàng “với lời giải thích về nguồn gốc và ý nghĩa của nó”.

Bà cũng lưu ý rằng những người nô lệ được giải phóng trả tiền cho tượng đài đã không đưa ra ý kiến ​​đóng góp cho việc thiết kế bức tượng.

Bà Norton nói “Mặc dù những người Mỹ từng là nô lệ đã trả tiền cho tượng đài này, nhưng quá trình thiết kế và điêu khắc đã được thực hiện mà không có sự đóng góp hoặc tham gia của họ, và điều này đã thể hiện ra. Vào thời điểm đó, họ chỉ vừa mới được giải phóng khỏi chế độ nô lệ và rất biết ơn vì bất cứ sự công nhận nào cho sự tự do của họ”.

Bà Norton lưu ý rằng người theo chủ nghĩa bãi nô nổi tiếng và là nô lệ được giải phóng Frederick Douglass đã diễn thuyết khánh thành bức tượng nhưng “không ca ngợi bức tượng một cách rõ ràng”.

Bài diễn văn của ông Douglass thể hiện một loạt cảm xúc phức tạp. Ông đã gọi ông Lincoln là “Tổng thống của người da trắng” nhưng cũng ca ngợi ông ấy là một “người đàn ông vĩ đại” và “là người giải phóng nô lệ”.

“Ngày hôm nay, chúng ta đã làm được một việc tốt cho chủng tộc của mình”, ông Douglass nói tại lễ khánh thành bức tượng. “Để long trọng tưởng nhớ người bạn và người giải phóng của chúng ta, chúng ta đã và đang trao vinh dự cao nhất cho chính chúng ta và những thế hệ sau của chúng ta”.


Bộ Trưởng Mayorkas Tuyên Bố Chính Phủ TT Biden Sắp Cho Người Nhập Cư Sau Khi Đề Mục 42 Kết Thúc

Khi Đề mục 42 sắp kết thúc, chính phủ Tổng thống (TT) Biden đang khuyến khích người nhập cư sử dụng nhiều lộ trình hợp pháp hơn để nhập cảnh vào quốc gia này, hoặc sẽ gặp các quy trình trục xuất cấp tốc mới.

Các quy trình trục xuất như vậy được thiết lập để đi kèm với việc thực hiện một quy định mới mà chính phủ sẽ sớm hoàn thiện. Quy định này sẽ từ chối tị nạn đối với nhiều người nhập cư bất hợp pháp bị bắt tại biên giới phía nam.

Bộ trưởng An Ninh Nội Địa, ông Alejandro Mayorkas cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu (05/05) rằng quy định mới “quy định rằng những cá nhân không tiếp cận các lộ trình hợp pháp của chúng tôi sẽ được xem là không đủ điều kiện xin tị nạn và sẽ gia tăng nhiều gánh nặng”.

Hành động này là một phần trong kế hoạch của chính phủ TT Biden nhằm hạn chế sự gia tăng người nhập cư bất hợp pháp tại biên giới Hoa Kỳ-Mexico bắt đầu từ ngày 11/05, khi thời hạn của Đề mục 42 kết thúc. Ngày này cũng đánh dấu sự kết thúc của tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do COVID-19 của Hoa Kỳ.

Đề mục 42, một phần của Đạo luật Dịch vụ Y tế Công cộng năm 1944, được thực hiện dưới thời chính phủ cựu TT Trump vào tháng 03/2020. Đề mục này cho phép ngăn chặn các yêu cầu xin tị nạn và trục xuất nhanh chóng hầu hết những người vượt biên trái phép với lý do ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm xâm nhập vào Hoa Kỳ.

Theo Đề mục 42, các nhân viên biên giới có thể nhanh chóng đưa nhiều người nhập cư bất hợp pháp trở lại Mexico, giúp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại các cơ sở giam giữ đông đúc.

Khi Đề mục 42 kết thúc, tất cả những người nhập cư bất hợp pháp sẽ được giải quyết theo luật nhập cư Đề mục 8.

Ông Mayorkas cho biết hôm thứ Sáu, “Trong một môi trường hậu Đề mục 42, chúng tôi sẽ sử dụng quyền trục xuất nhanh theo Đề mục 8 của Bộ luật Hoa Kỳ. Điều này cho phép chúng tôi trục xuất rất nhanh chóng”.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Bộ An Ninh Nội Địa Hoa Kỳ (DHS) cho biết trong một bản tin vào tuần trước (24-30/04) rằng Hoa Kỳ sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba số chuyến bay trục xuất đến một số quốc gia và nhằm mục đích giải quyết các trường hợp người di cư vượt biên trái phép trong vài ngày tới.

Đề mục 8 là luật liên bang cho phép trục xuất nếu những người nhập cư bất hợp pháp không đủ điều kiện để xin tị nạn. Quá trình trục xuất một người nhập cư bất hợp pháp theo Đề mục 8 hiện mất nhiều thời giờ hơn so với Đề mục 42.

Theo Đề mục 8, có một số rào cản, có nghĩa là nếu ai đó bị trục xuất, họ sẽ bị cấm 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm hoặc hơn, có nghĩa là họ không thể quay trở lại đất nước này.

Ngoài ra, ông Mayorkas cho biết chính phủ Mexico sẽ tăng cường an ninh biên giới ở miền nam Mexico theo một thỏa thuận đạt được trong tuần này.


Đề Mục 42 Sắp Hết Hiệu Lực, Hàng Ngàn Người Di Cư Đến Biên Giới Phía Nam Hoa Kỳ

Theo Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ, Đề mục 42, một lệnh y tế công có từ thời cựu Tổng thống (TT) Trump cho phép chính phủ tự động trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp, sẽ hết hiệu lực vào ngày 11/05.

Khi Đề mục 42 hết hạn, thì tất cả những người nhập cư bất hợp pháp sẽ được giải quyết theo Đề mục 8 luật nhập cư vốn phức tạp hơn và là một quá trình dài hơn.

Dân biểu Henry Cuellar (Dân Chủ-Texas), một thành viên Đảng Dân Chủ, nói với báo chí rằng Đề mục 42 đã không hiệu quả trong việc ngăn chặn những người nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ.

Theo ông cho biết, “Với Đề mục 42, chúng ta chỉ trục xuất người ta mà không có hậu quả nào; họ vẫn có thể quay lại ngay. Theo Đề mục 8, có một số quy tắc hiện hành, nghĩa là nếu ai đó bị trục xuất, thì sẽ bị cấm 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm hoặc hơn, đồng nghĩa với việc họ không thể quay trở lại đất nước này”.

Việc loại bỏ Đề mục 42 diễn ra trong bối cảnh hàng ngàn người nhập cư bất hợp pháp đang di chuyển trong một đoàn lữ hành khắp Mexico để đến biên giới Hoa Kỳ và 1,500 binh sĩ đã được chính phủ TT Biden gửi đến biên giới.


Ký Giả Công Dân Trung Quốc Từng Đưa Tin Về COVID-19 Được Trả Tự Do Sau 3 Năm, Trở Thành Người Vô Gia Cư

Hôm Chủ Nhật (30/04), ký giả công dân Trung Quốc Fang Bin đã được trả tự do sau khi bị chế độ Trung Cộng bí mật kết án ba năm tù vì phơi bày tình hình thực sự của đợt bùng phát COVID-19 tại thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc.

Hôm thứ Hai (01/05), được biết ông Fang đã trở thành người vô gia cư do áp lực của chính quyền đối với gia đình ông.

Một cư dân Vũ Hán biết hoàn cảnh của ông Fang nhưng không muốn nêu danh tính nói với The Epoch Times rằng ông Fang đã được ra tù hôm 30/04. Sau đó, công an Vũ Hán đã gửi ông đến Bắc Kinh, nơi con trai ông đã cho ông một bữa ăn.

Tiếp theo, công an Bắc Kinh đưa ông Fang trở lại Vũ Hán. Gia đình ông ở Vũ Hán không dám nhận ông vì họ bị chính quyền đe dọa.  

Cư dân Vũ Hán tiết lộ rằng vào đêm hôm 01/05, ông Fang đã lang thang trên đường phố Vũ Hán mà không có tiền bạc trong người. Ông không được phép nhận các cuộc phỏng vấn của giới truyền thông, và có người đang theo sát và giám sát ông.

Người dân này cho biết: “Ông Fang Bin đang lang thang không nhà cửa ở trên quê hương của mình và tôi kêu gọi lãnh đạo Trung Cộng,Tập Cận Bình hãy để ông Fang được sống yên ổn”.

Một công dân khác ở Vũ Hán biết tình hình này nhưng cũng không muốn tiết lộ danh tính nói với The Epoch Times rằng ông Fang hẳn đã bị tra tấn trong tù. Nhiều người ở Vũ Hán theo dõi tình hình của ông đã bị chính quyền theo dõi, và công an cố tình thả ông ra ngoài để xem ông sẽ liên lạc với ai. Đầu năm 2020, COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán và thành phố này đã đột ngột bị phong tỏa. Ông Fang đã đến nhiều bệnh viện ở Vũ Hán để quay phim tình hình thực tế khi nhà cầm quyền Trung Cộng che đậy quy mô thực sự của đợt bùng phát này.

Các video ông quay và đăng trên mạng xã hội cho thấy tại nhà tang lễ Vũ Xương, người ta có thể nhìn thấy 8 túi thi thể trong vòng vài phút, trong khi tại Bệnh viện Số 5 Vũ Hán, 8 thi thể đã được chuyển ra ngoài.

Vào ngày 02/02/2020, công an đã bắt giữ ông Fang. Năm 2021, họ đã bí mật kết án ba năm tù đối với ông vì tội “gây gổ và gây rối”.

Ông Fang đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Thành phố Vũ Hán và vào năm 2022, tòa án này đã ra phán quyết rằng họ sẽ giữ nguyên bản án ban đầu.  

Trước khi ông Fang ra tù, một trương mục Twitter mới được cho là của ông Fang bất ngờ xuất hiện. Hôm 26/04, một thông báo đã được đăng trên trương mục này: “Cảm ơn tất cả cư dân mạng, tôi đã trở lại. Đừng bỏ cuộc! Hãy tiếp tục làm việc chăm chỉ”.Tuy nhiên theo người dân giấu tên này cho biết ông Fang Bin không có khả năng truy cập Internet và các đường dây truyền thông ngoại quốc đều bị tường lửa Trung Cộng ngăn chặn thì không thể đó là trương mục Twitter của ông Fang. Và những bản tin trong trương mục đó đều là giả mạo. Đó là do công an giăng bẫy để bắt những người liên lạc với ông Fang.


Dân Biểu Kêu Gọi Đóng Cửa Lãnh Sự Quán Trung Cộng Ở Thành Phố New York

Hai nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa đã giới thiệu một luật mà sẽ chỉ thị chính phủ Tổng thống (TT) Biden đóng cửa Tổng Lãnh sự Trung Cộng và Văn phòng Kinh tế và Thương mại Hồng Kông tại thành phố New York, sau khi hai cá nhân bị bắt giữ với cáo buộc điều hành một đồn công an chìm ở thành phố này thay mặt cho nhà cầm quyền Trung Cộng.

DB Tom Tiffany

Các Dân biểu Tom Tiffany (Cộng Hòa-Wisconsin) và Lance Gooden (Cộng Hòa-Texas) đang tìm cách trục xuất các “nhà ngoại giao” của Trung Cộng ra khỏi thành phố New York. Trong một tuyên bố, Dân biểu Tiffany trích dẫn một báo cáo về một đồn công an chìm ở New York, được cho là một trong hơn 100 đồn công an do các đặc vụ Trung Cộng điều hành trên khắp thế giới, cũng như vụ bắt giữ hơn 40 người, mà hầu hết trong số này là sĩ quan của Bộ Công an Trung Cộng.

Hồi tháng 09/2022, một báo cáo của Safeguard Defenders cáo buộc các đặc vụ của nhà cầm quyền Trung Cộng đã đang bí mật hoạt động ở một số quốc gia, sử dụng các đồn công an chìm làm cơ sở hoạt động để giám sát những người Hoa bất đồng chính kiến, và thậm chí ép buộc những người Hoa ở hải ngoại quay trở về Trung Quốc.

Vấn đề là Đảng Trung Cộng “đã thiết lập các đồn công an này trên khắp thế giới, bao gồm cả ở thành phố New York. Người ta không chú ý lắm đến điều này. Nhưng Trung Cộng đang thực hiện việc này trên toàn thế giới, kể cả ở Hoa Kỳ”.

Ông Tiffany nói, “Tôi tin rằng chính phủ Tổng thống Biden nên đóng cửa các đồn công an chìm đó. Và việc mà chúng tôi đang đề nghị là đóng cửa toà lãnh sự. Và những nhà ngoại giao có liên quan đến các đồn công an chìm của Trung Cộng nên bị trục xuất khỏi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”.

Đề nghị này được công bố vài ngày sau khi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) công bố cáo buộc đối với hai cá nhân bị tình nghi điều hành một đồn công an chìm ở New York theo lệnh của Bộ Công an Trung Cộng.

Trong cuộc phỏng vấn, Dân biểu Tiffany gọi các đồn công an chìm là “trái ngược với đất nước tự do cởi mở mà chúng ta khao khát trở thành”, ông nói, đồng thời nói thêm rằng ĐCSTQ đang cố gắng đe dọa những người Trung Quốc sống ở Hoa Kỳ để họ không thể tiếp tục cuộc sống của họ.

Ông nêu ra một bản tin nói về sáu đồn công an Trung Quốc khác đang hoạt động tại Hoa Kỳ — trải dài từ California đến New York và ở giữa, theo một bản tin hôm 18/04 của New York Post.

Ông nói, “Tôi hy vọng các cơ quan tình báo của chúng ta đang tiếp tục điều tra việc này. Bởi vì nếu chúng ta thấy mô hình hành vi này ở các toà lãnh sự, hoặc các đồn công an khác, các hoạt động vệ tinh khác, hay bất cứ tên nào mà quý vị muốn gọi các hoạt động này trên khắp đất nước, nếu đúng như vậy, thì mỗi một cái trong số các hoạt động này nên bị đóng cửa khi chúng ta xác định được những hoạt động đó đang đe dọa những người ở đây trên đất Hoa Kỳ hoặc đánh cắp tài sản trí tuệ của chúng ta”.

Vị nghị sĩ này cho rằng chính phủ TT Biden nên cứng rắn trong việc đẩy lùi một mối đe dọa.


Tòa Bạch Ốc Cảnh Báo Về Việc TT Biden Phủ Quyết Thuế Quan Về Pin Mặt Trời Nhắm Vào Trung Cộng

Theo Tòa Bạch Ốc, Tổng thống (TT) Joe Biden sẽ phủ quyết một nghị quyết chung nhắm vào quy tắc về pin mặt trời, quy tắc này tạm thời bảo vệ một số thiết bị do Trung Cộng sản xuất trước quy định thuế quan.

Toà Bạch Ốc tuyên bố, “Quy tắc này là cần thiết để đáp ứng nhu cầu về năng lượng sạch và đáng tin cậy đồng thời bảo đảm Bộ Thương mại có thể thực thi nghiêm ngặt luật thương mại của Hoa Kỳ, quy trách nhiệm cho các đối tác thương mại, và bảo vệ các ngành công nghiệp và người lao động Hoa Kỳ trước các hành động thương mại không công bằng”.

Nghị quyết được các thành viên Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ tại Hạ viện ủng hộ, sẽ khôi phục thuế quan đối với các tấm pin mặt trời có các bộ phận và phụ tùng đến từ Trung Cộng được lắp ráp tại Thái Lan, Cambodia, Việt Nam, và Malaysia.

Nghị quyết này đi cùng với một nghị quyết không chấp thuận của Thượng viện được Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng Hòa-Florida) giới thiệu hồi tháng Hai. Nghị quyết của Hạ viện có thể được đưa ra bỏ phiếu trong tuần này.

Nếu cả hai nghị quyết đều được Hạ viện và Thượng viện thông qua, thì nghị quyết chung có thể lật ngược tình trạng đóng băng thuế quan kéo dài 24 tháng của TT Biden.

Nhưng nếu TT Biden cố gắng bác bỏ nghị quyết chung, thì lưỡng viện phải đạt được đa số 2/3 để đánh bại quyền phủ quyết của tổng thống.

Loading