Tin Thế Giới.
Vua Charles III đăng quang: Thách thức nào đang chờ đợi Tân vương? (BBC)
Về mặt thủ tục, dường như ít có quá trình chuyển giao ngai vàng nào suôn sẻ như đối với Hoàng gia Anh. Chưa đến 48 giờ sau khi Nữ hoàng Elizabeth II tạ thế, người thừa kế, Charles, được chính thức công bố sẽ là Tân vương của Anh Quốc. Và giờ đây sau tám tháng, ông đã chính thức đăng quang.
Mặc dù vậy, mọi chuyện không đơn giản như nhìn vào bề ngoài: Vua Charles III đã kế vị ngôi vương vào thời điểm mang tính thách thức của nước Anh và Hoàng gia. Trả lời phỏng vấn của BBC, các nhà sử học cho rằng Tân vương sẽ đối mặt với “những thách thức chưa từng có”, dù diễn ra theo chiều hướng nào đi chăng nữa, thì sẽ mang tính định hình kỷ nguyên trị vì của ông và thế hệ tiếp theo.

Từ việc phải giải quyết tác động từ cuộc khủng hoảng năng lượng trong nước, cho đến đối mặt với nhận thức công chúng đang thay đổi đối với Hoàng gia sau 70 năm trị vì của mẹ ông, Vua Charles III sẽ có những quãng thời gian mang tính phép thử chờ đợi ông phía trước.
Đây là một số vấn đề chính Tân vương cần phải lưu tâm.
Nền quân chủ ‘gần dân’?
Hàng triệu gia đình tại Anh Quốc đối mặt với việc thiếu thốn nhiên liệu trong mùa đông này khi giá cả năng lượng tăng chóng mặt, bị ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh Ukraine. Các dự đoán lạc quan nhất cho thấy lên đến 45 triệu người sẽ phải chật vật chi trả hóa đơn, chiếm đến 2/3 dân số Anh.
Kịch bản như vậy có thể khiến tài chính của Hoàng gia Anh bị soi xét hơn thường lệ. Thật sự thì thậm chí trước khi cuộc chiến Ukraine xảy ra, đã có những lời đồn đoán trên các mặt báo của Anh Quốc rằng Thân vương xứ Wales vào thời điểm đó muốn giảm quy mô các buổi lễ và sự kiện hoàng gia, chính xác là đại lễ đăng quang của mình.
Khác với lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II vào năm 1953, lần đầu tiên được truyền hình trực tiếp, lễ đăng quang của Vua Charles II ngắn gọn hơn, và quan trọng hơn, mang tính đa văn hóa để phản ánh sự đa dạng trong xã hội Anh Quốc.
Vua Charles trước đó đã nói về mong muốn của mình về có một chế độ quân chủ – có thể gồm các nhóm thành viên làm việc chính của Hoàng gia với quy mô nhỏ hơn, với Nhà vua và Hoàng hậu Camilla, Hoàng tử William và Nữ công tước Catherine ở vị trí trung tâm.
“Rất có thể chúng ta sẽ thấy việc giảm quy mô, đặc biệt lễ đăng quang,” nhà sử học hoàng gia Kelly Swab nói với BBC.
“Hoàng gia Anh sẽ phải được nhìn nhận có ý thức được tình hình đang diễn ra ở quốc gia vào những thời khắc khó khăn như thế này,” bà cho biết thêm.
Danh tiếng sụt giảm
Sự ủng hộ chế độ quân chủ đang ở mức thấp nhất trong hơn 30 năm qua, theo cuộc khảo sát British Social Attitudes Survey, vốn thường xuyên đo lường cảm nhận của một nhóm dân số Anh đối với Hoàng gia.
Một cuộc thăm dò ý kiến mới đây do BBC thực hiện hai tuần trước lễ đăng quang cho thấy trong 58% người trả lời nhìn chung tin rằng nước Anh nên tiếp tục duy trì chế độ quân chủ, thì chưa đến 1/3 người trưởng thành ở độ tuổi trẻ hơn muốn nền quân chủ tiếp tục.
Vào tháng Năm, Vua Charles III xuất hiện vị trí thứ ba trong danh sách các nhân vật trong Hoàng gia Anh được người dân yêu mến, theo sau Nữ hoàng và con trai cả của ông, Hoàng tử William. Trong khi đó các cuộc thăm dò được tiến hành sau khi Nữ hoàng Elizabeth II tạ thế cho thấy sự ủng hộ ngày càng tăng cho Tân vương, thì cũng có những tín hiệu Vua Charles III phải giải quyết xét về mặt danh tiếng của Hoàng gia.
“Một trong những thách thức cho Vua Charles III là làm cho nền quân chủ hấp dẫn trong mắt thế hệ trẻ,” nhà sử học hoàng gia Richard Fitzwilliams nói.
Khối Thịnh vượng chung và di sản thực dân
Sau khi Nữ hoàng Elizabeth II tạ thế, nhà vua Charles III đã trở thành người đứng đầu Khối Thịnh vượng chung (Commonwealth), một liên hiệp chính trị gồm 56 quốc gia, hầu hết là các thuộc địa cũ của Anh Quốc. Ông cũng là người đứng đầu nhà nước của 14 quốc gia bên cạnh Anh Quốc – danh sách bao gồm Úc, Canada, Jamaica và New Zealand.
Tuy nhiên, trong những năm qua, một số quốc gia trong Khối Thịnh vượng chung đã bắt đầu tranh cãi về mối quan hệ của họ với Hoàng gia Anh. Trong quá trình này, Barbados đã quyết định trở thành nước cộng hòa vào cuối năm 2021, và kết quả dẫn đến Nữ hoàng Anh không còn là người đứng đầu nhà nước và kết thúc hàng thế kỷ ảnh hưởng của nước Anh lên hòn đảo này, vốn là đầu mối buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương trong hơn 200 năm.
Chuyến đi của Hoàng tử William đến hòn đảo ở vùng biển Caribbe hồi đầu năm 2022 đã làm bùng phát các cuộc biểu tình chống thực dân, và kêu gọi bồi thường cho nạn buôn bán nô lệ, Thủ tướng Jamaica Andrew Holness công khai tuyên bố với Hoàng gia Anh là quốc gia này sẽ “đi tiếp”.
Sean Coughlan, phóng viên hoàng gia của BBC cho rằng việc định hình một mối quan hệ hiện đại hơn với Khối Thịnh vượng chung sẽ là “một thách thức quan trọng” cho Vua Charles.
“Với vai trò người đứng đầu nhà nước mới, làm cách nào để các chuyến công du của nhà vua đến các quốc gia trong Khối Thịnh vượng chung có thể đi qua những di sản khó khăn của chủ nghĩa thực dân và những vấn đề như chế độ nô lệ?”
Ukraine chuẩn bị cuộc phản công Nga như thế nào? (RFI)
Những ngày gần đây, nhiều phát biểu của các lãnh đạo Ukraina và phương Tây rộ lên một cách ồn ào như thể Ukraina đã sẵn sàng cho một cuộc phản công lớn trong ngày một ngày hai.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm Phần Lan hôm thứ Tư tuần trước tuyên bố rằng cuộc tấn công “sắp diễn ra”. Trước đó hai hôm, bộ trưởng Quốc Phòng Oleksiy Reznikov khẳng định : “Chúng tôi đã sẵn sàng”.
Một động thái bất thường khác, quân đội Ukraina thông báo lệnh giới nghiêm trong vòng 58 giờ bắt đầu từ tối ngày 05/05, tại Kherson, thành phố nằm ở cửa sông Dniepr mà Kiev đã lấy lại từ quân Nga hồi tháng 11/2022.

Trong khi đó, tham mưu trưởng quân đội Mỹ, tướng Milley, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của báo Foreign Affairs, cho biết: “Người Ukraina hiện có khả năng tấn công, họ có thể thực hiện các hoạt động tấn công và khả năng tự vệ của họ cũng đã được cải thiện đáng kể so với một năm trước“.
Tất nhiên thời điểm, quy mô và các hướng tấn công chính vẫn còn là bí mật. Tuy nhiên, trước khi khởi sự, các bộ tham mưu của quân đội Ukraina được đề nghị « lên mô hình » sa bàn thực địa mặt trận và các vị trí của đối phương để tính toán sao cho có lợi về tương quan lực lượng trong các trận chiến bộ binh. Giới quân sự gọi giai đoạn này là “định hình” chiến trường. Cách đây hơn một năm trước, quân đội Nga dường như đã bỏ qua giai đoạn tiên quyết này khi mở chiến dịch tấn công vào Ukraina.
Để tăng cơ hội thắng cho mình khi tương quan về quân số bất lợi, quân đội Ukraina, được phương Tây cố vấn, rất chú ý về vấn đề này.
Chuẩn bị trận địa trước hết còn có nghĩa là làm mệt mỏi, suy kiệt tinh thần bằng cách kéo dài thời gian chờ đợi. Sự cảnh giác trên mặt trận của lính Nga được đặt trong tình trạng báo động cao độ quá lâu có thể bị suy giảm. Trong các chiến hào cũng như trước các màn hình radar, sự tập trung đã suy giảm cùng với thời gian. Phía Ukraina có lẽ cũng đang tung ra nhưng dấu hiệu giả để che giấu việc chuẩn bị, đánh lừa đối phương. Trong việc này, đã có những chiến dịch trên không gian mạng được tiến hành từ nhiều tháng qua.
Chiến dịch phá hoại hậu phương Nga
Trước khi phát động phản công, Quân đội Ukraina đã phải thu thập thông tin tình báo về các phòng tuyến của đối thủ. Thực địa chiến trường đã quen thuộc với quân Ukraina. Nhưng, từ nhiều tháng qua, quân Nga đã đào nhiều tuyến chiến hào và gia cố các vị trí của họ bằng phòng tuyến « răng rồng » hoặc cài mìn các lối vào. Những hệ thống phòng thủ như vậy được thiết kế để đơn vị quân xung kích của đối thủ phải đi theo một con đường như họ muốn dẫn vào một điểm chết để pháo binh có thể tiêu diệt. Trong vùng Zaporijia ở phía nam và phía bắc Melitopol, các tuyến phòng thủ như vậy đặc biệt nhiều.
Những thông tin tình báo từ nguồn vệ tinh, chủ yếu do người Mỹ cung cấp, đã đưa ra một bản đồ chính xác về hệ thống công sự của Nga. Những người xâm nhập vào hậu cứ của Nga cũng có thể cung cấp những chỉ dẫn hữu ích. Phía Ukraina phải mổ xẻ nghiên cứu những điểm yếu của đối thủ để xác định điểm tấn công.
Từ nhiều tuần qua, các chiến dịch phá hoại đã liên tiếp xảy ra trong các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng. Đầu tuần trước, các vụ đặt mìn đã nhằm vào hai đoàn tàu chở hàng trong vùng Biansk. Một vụ tấn công khác bằng drone đã đánh vào kho nhiên liệu ở Crimée. Các hành động như vậy diễn ra riêng lẻ, có ít tác động. Tuy nhiên, nó cũng giúp quân Ukraina làm mất ổn định hậu cần khiến Nga có thể phản ứng chậm trong trường hợp Ukraina mở tấn công. Ngược lại, Nga cũng tìm cách làm chậm các đợt tấn công của đối phương bằng cách tiến hành đánh phá các trục giao thông Ukraina.
Những giờ tấn công đầu tiên sẽ mang tính chất quyết định. Vì thế các chiến dịch đầu tiên sẽ phải nhằm vào mục tiêu là hệ thống radar, trung tâm chỉ huy để làm cho đối phương bị « mù ». Các loại tên lửa chuyên dụng chống radar AGM8-8 Harm được Mỹ cung cấp sẽ đặc biệt hữu dụng ở giai đoạn này. Dường như không quân Ukraina đã được tăng cường thành công với chiến đấu cơ MiG-29. Nhưng để không quân Ukraina, vốn là mắt xích yếu, có thể cất cánh thì việc đầu tiên phải phá hủy hệ thống phòng không Nga. Về phần mình, không quân Nga từ một năm nay ít bị tổn thất, tiềm lực hiện vẫn còn rất mạnh. Để giải quyết sự yếu kém này, quân đội Ukraina có thể sẽ tìm cách chuyển đến gần mặt trận một số hệ thống phòng thủ được phương Tây cung cấp.
Đức kêu gọi Trung Cộng từ bỏ lập trường ‘‘trung lập’’ về chiến tranh Ukraina (RFI)
Berlin kêu gọi Bắc Kinh có lập trường rõ ràng về cuộc xung đột ở Ukraina. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh : Duy trì lập trường ‘‘trung lập có nghĩa là đứng về phía kẻ xâm lăng’’.
Trong cuộc họp báo chung với ngoại trưởng Trung Cộng Tần Cương (Qin Gang) tại Berlin, hôm 09/05/2023, lãnh đạo ngoại giao Đức khẳng định: ‘‘Trung Cộng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp kết thúc chiến tranh, nếu Bắc Kinh muốn’’. Hãng tin Đức DW ghi nhận Đức ‘‘hối thúc’’ Trung Cộng thay đổi lập trường. Ngoại trưởng Đức giải thích rõ: ‘Trung lập có nghĩa là đứng về phía kẻ xâm lược, bởi vậy nguyên tắc chỉ đạo của chúng tôi là khẳng định rõ thái độ đứng về phía nạn nhân’’.
Lãnh đạo ngoại giao Đức một mặt hoan nghênh tuyên bố mới đây của chính quyền Trung Cộng công nhận chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia từng là thành viên của Liên Xô trước đây, nhưng mặt khác lưu ý rằng lập trường đó cũng phải được khẳng định rõ ràng đối với cả Ukraina.
Vẫn theo DW, trong cuộc trả lời báo giới hôm qua cùng đồng nhiệm Đức về chiến tranh Ukraina, ngoại trưởng Trung Cộng khẳng định: “Là một thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và là quốc gia có trách nhiệm lớn, Trung Cộng sẽ không thể đứng yên nhìn lửa cháy từ bờ bên kia, cũng như không đổ thêm dầu vào lửa’’. Diễn đạt ‘‘đổ thêm dầu vào lửa’’ thường được chính quyền Trung Cộng sử dụng để lên án các hỗ trợ quân sự của phương Tây giúp Ukraina chống xâm lược Nga.
Chuyến công du ba nước châu Âu (Đức, Pháp và Na Uy) của ngoại trưởng Trung Cộng diễn ra đúng vào lúc Liên Âu bắt đầu xem xét loạt trừng phạt thứ 11 chống Nga, trong đó nhiều công ty Trung Cộng bị đặt trong tầm ngắm, với cáo buộc đã cung cấp các vật tư, thiết bị có thể được sử dụng cho các hoạt động quân sự của Nga chống Ukraina. Trong buổi họp báo hôm qua, ngoại trưởng Trung Cộng một lần nữa báo trước Bắc Kinh sẽ ‘‘trả đũa’’, nếu các trừng phạt được áp dụng.
Tổng thống Marcos Jr. củng cố vị thế của Philippines ở Biển Đông
Như mọi năm, Biển Đông vẫn là một trong những chủ đề bao trùm hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Indonesia, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng lại bùng phát giữa Philippines và Trung Cộng tại khu vực này. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., qua việc đẩy mạnh hợp tác quân sự với Hoa Kỳ, đang củng cố vị thế của Philippines ở Biển Đông trước những hành động lấn lướt của Trung Cộng tại vùng biển tranh chấp này.
Khác với người tiền nhiệm Duterte, nghiêng về Trung Cộng nhiều hơn và xa rời đồng minh Mỹ, tổng thống đương nhiệm của Philippines Marcos Jr. đã không ngần ngại để cho Hoa Kỳ mở rộng sự hiện diện quân sự ở Philippines, đồng thời công khai lên án các hành động hung hăng của Trung Cộng trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Vào tháng 2 vừa qua, tổng thống Marcos Jr. đã chấp nhận cho quân đội Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự ở Philippines để giúp bảo vệ các lợi ích của Manila. Đến giữa tháng 4, Philippines và Mỹ đã mở cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay.
Vào tuần trước, ông Marcos Jr. đã đi thăm Hoa Kỳ để gặp tổng thống Joe Biden. Ông đã nhận được những bảo đảm an ninh mới của Mỹ và được tặng thêm một số tàu tuần tra và phi cơ quân sự. Hai bên cũng đã ban hành một văn bản hướng dẫn nhằm cập nhật hóa Hiệp ước phòng thủ chung ký kết vào năm 1951. Theo văn bản mới, hiệp ước này sẽ được kích hoạt nếu một trong hai bên bị tấn công trên Biển Đông hoặc nếu các tàu tuần duyên bị tấn công. Bộ Ngoại Giao Trung Cộng đã ngay lập tức ra tuyên bố “phản đối việc sử dụng các hiệp ước phòng thủ song phương để can thiệp vào Biển Đông”.
Vài ngày trước chuyến viếng thăm của tổng thống Marcos Jr., Washington đã lên án Trung Cộng về những hành động “hù dọa và sách nhiễu” ở Biển Đông, sau khi lực lượng tuần duyên Philippines tố cáo những “chiến thuật gây hấn” và “những thao tác nguy hiểm” của các tàu Trung Cộng ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Trang mạng Nikkei Asia ngày 09/052023 trích dẫn giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Honolulu, nhận định: “ Việc Philippines củng cố vị thế ở Biển Đông, bằng cách gia tăng hợp tác với Mỹ và không ngần ngại lên án các hoạt động phi pháp của Trung Cộng trong vùng biển này, sẽ khuyến khích các nước tranh chấp khác trong khối Đông Nam Á mạnh dạn hơn trong việc bảo vệ quyền của họ ở Biển Đông”. Theo ông Alexander Vuving, những nước tranh chấp khác như Việt Nam, hay Malaysia sẽ bớt “cảm thấy lẻ loi”.
Tuy nhiên, theo lời ông Zokhri Idris, một đối tác của công ty tư vấn Malaysia Global Asia Consulting, được Nikkei Asia trích dẫn, không phải nước nào cũng hào hứng với sự can dự của Mỹ vào vấn đề Biển Đông. Ông Idris ghi nhận rằng những nước tranh chấp khác như Malaysia hay Brunei không có liên minh quân sự với Mỹ, và đặc biệt Malaysia không chấp nhận sự hiện diện quân sự của nước ngoài ở khu vực Đông Nam Á.
Theo cái nhìn của ông Idris, Việt Nam có thể sẽ theo chân Philippines tỏ ra cứng rắn hơn ở Biển Đông, tuy ông nhấn mạnh Hà Nội sẽ vẫn rất thận trọng. Về mặt chính thức, Việt Nam vẫn theo chính sách quốc phòng “bốn không”, trong đó có việc không tham gia liên minh quân sự và không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác.
Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Daniel K. Inouye, cho rằng việc Philippines nay hành xử giống như lãnh đạo trong cuộc đối đầu với Trung Cộng ở Biển Đông có thể khiến Manila trở thành mục tiêu chính trong các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh. Theo ông, Trung Cộng có thể sẽ hung hăng hơn đối với Philippines để trắc nghiệm sự yểm trợ của Mỹ, nhưng Trung Cộng sẽ vẫn giữ thái độ xác quyết đối với Việt Nam, Malaysia và Indonesia để răn đe các nước này đừng theo gương Philippines.
ASEAN họp thượng đỉnh với trọng tâm là khủng hoảng Miến Điện (RFI)
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN hôm 09/05/2023, khai mạc cuộc họp thượng đỉnh tại Indonesia, với trọng tâm là Miến Điện, nơi mà bạo lực đang leo thang. Trong cuộc họp thượng đỉnh kéo dài ba ngày tại Labuan Bajo, trên đảo Flores, miền đông Indonesia, các nước Đông Nam Á sẽ tìm cách thúc đẩy việc thực hiện bản đồng thuận 5 điểm nhằm chấm dứt bạo lực ở Miến Điện.

Miến Điện đã lâm vào khủng hoảng chính trị và nhân đạo kể từ sau cuộc đảo chính quân sự vào tháng 02/2021 lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi, tiếp theo là chiến dịch đàn áp đẫm máu do tập đoàn quân sự tiến hành.
Bị chỉ trích vì không có hành động gì trước tình hình này, ASEAN đã cố tìm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng, nhưng cho tới nay nỗ lực của các nước Đông Nam Á không đạt kết quả, nhất là vì tập đoàn quân sự dứt khoát không muốn đối thoại với phe đối lập, thậm chí còn đàn áp dữ dội hơn. Gần đây nhất, vào tháng 4, các cuộc không kích ở vùng Sagaing, miền trung Miến Điện, đã khiến ít nhất 170 người chết, trong đó có nhiều trẻ em.
Bạo động leo thang tại Miến Điện càng làm gia tăng áp lực đối với ASEAN. Theo hãng tin AFP, tuyên bố tại thượng đỉnh hôm nay, bộ trưởng điều phối viên về Các vấn đề chính trị, tư pháp và an ninh của Indonesia, ông Mahfud MD, cho rằng ASEAN đang đứng trước “một sự chọn lựa mang tính quyết định”. Theo vị bộ trưởng này, nếu thất bại trong việc giải quyết khủng hoảng Miến Điện, ASEAN có nguy cơ mất hết uy tín.
Hôm nay, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch cho rằng các vụ không kích nói trên “rất có thể là một tội ác chiến tranh”. Tổ chức này thúc giục ASEAN có những biện pháp mạnh hơn để cắt đứt các nguồn thu nhập của tập đoàn quân sự Miến Điện và thúc ép các tướng lãnh cầm quyền chấp nhận những thay đổi.
Theo hãng tin AFP, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á càng buộc phải có hành động trong hồ sơ Miến Điện sau khi một đoàn xe chở các nhà ngoại giao và các quan chức mang theo hàng cứu trợ nhân đạo bị tấn công ở khu vực phía đông của bang Shan. Trong đoàn xe có đại diện của sứ quán Singapore và sứ quán Indonesia. Hai nước này đã lên án vụ tấn công.
Canada và Trung Cộng “ăn miếng trả miếng” trục xuất các nhà ngoại giao (RFI)
Quan hệ giữa Canada và Trung Cộng lại căng thẳng. Theo báo Quebec La Press, hôm 08/05/2023, chính quyền Ottawa thông báo trục xuất một nhà ngoại giao Trung Cộng vì cho rằng nhân vật này đã có những hành động hăm dọa một dân biểu Canada, ông Trang Văn Hạo (Michael Chong), và « can thiệp vào nội bộ Canada ». Trước đó, dân biểu Trang đã chỉ trích Bắc Kinh vi phạm nhân quyền.

Từ Quebec, thông tín viên RFI Pascale Guericolas cho biết thêm thông tin :
« Rõ ràng là chính phủ Canada không có lựa chọn nào khác là phải hành động. Cách nay một tuần, nhật báo Globe và Mail đã tiết lộ rằng cơ quan tình báo Canada đã biết từ tháng 7/2021 về việc một nhà ngoại giao Trung Cộng Zhao Wei, (làm việc tại lãnh sự ở Toronto), đã đe dọa nghị sĩ Trang Văn Hạo (Michaël Chong) và gia đình ông.
Hôm nay, vị dân biểu Canada lấy làm tiếc về việc chính quyền cần chừng ấy thời gian mới có hành động. Theo ông Trang, Canada phải chỉ ra cho chế độc độc tài thấy rằng Canada tin vào công lý, quyền con người và không cho thế lực nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Ông cho rằng « việc chính phủ Canada bảo vệ các giá trị của mình là vô cùng cần thiết. Nếu không, tất cả những thứ như thịnh vượng, kinh tế sẽ biết mất ».
Về phần mình, Bắc Kinh đã cảnh báo Canada nếu trục xuất nhà ngoại giao của Trung Cộng thì sẽ phải lãnh hậu quả. Vào năm 2018, chính quyền Trung Cộng đã bắt giữ hai công dân Canada, sinh sống ở Trung Cộng, là Michael Kovrig và Michael Spavor, ngay sau khi Canada bắt giữ lãnh đạo quyền lực thứ hai của tập đoàn Hoa Vi, theo yêu cầu của Hoa Kỳ. Hai người Canada tên Michael đã bị giam trong nhà tù Trung Cộng hai năm. »
Theo AFP, trong một thông cáo, bộ Ngoại Giao Trung Cộng cho biết hôm nay bà Jennifer Lynn Lalonde, thuộc lãnh sự quán Canada ở Thượng Hải, kể từ nay « không được hoan nghênh » và phải rời khỏi Trung Cộng trước ngày 13/05.
Biển Đông: Tàu dân quân Trung Cộng đến gần khu vực tập trận giữa Ấn Độ và ASEAN (RFI).
Theo hai nguồn tin Ấn Độ được Reuters trích dẫn, vào hôm 08/05/2023, các tàu dân quân Trung Cộng đã tiếp cận khu vực mà Ấn Độ và ASEAN thao dượt trên Biển Đông.
Cuộc thao dượt hàng hải ASEAN-Ấn Độ (AIME 2023) do Ấn Độ và Singapore đồng tổ chức, kéo dài hai ngày (07-08/05), với sự tham gia của các tàu hải quân và máy bay từ các nước như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Brunei và Philippines.
Hãng tin Reuters dẫn lời hai nguồn tin Ấn Độ cho biết khi cuộc thao dượt diễn ra trong Vùng Đặc Quyền Kinh Tế của Việt Nam thì các tàu dân quân của Trung Cộng tiến đến và sau đó đi qua chứ không đối đầu.
Theo nhà nghiên cứu Van Pham, sáng lập tổ chức phi lợi nhuận độc lập với tên gọi Đại Sử Ký Biển Đông – The South China Sea Chronicle Initiative (SCSCI),chuyên theo dõi dữ liệu tàu, đây không phải là lần đầu tiên những phương tiện gọi là tàu cá của Trung Cộng “vây quanh, đe dọa tàu chiến của các nước khác”. Trên mạng xã hội Facebook, chuyên gia này cho biết một hạm đội tàu gồm tàu nghiên cứu Hướng Dương Hồng 10 (Xiang Yang Hong 10) được hộ tống bởi gần chục tàu dân quân Trung Cộng.
“Vì vậy, có khả năng là cuộc diễn tập đã bị gián đoạn… hình thái di chuyển đã bị phá vỡ và một số tàu phải thay đổi hướng đi của họ”, bà nói với Reuters.
Ông Ray Powell, chỉ đạo Dự án Myoushu (Project Myoushu) trên Biển Đông tại đại học Stanford, Hoa Kỳ, cho biết các tàu này thuộc về Qiong Sansha Yu, một hạm đội dân quân trong khu vực. Lực lượng này gồm các tàu đánh cá, được cho là phối hợp với chính quyền Trung Cộng thực hiện các mục tiêu chính trị. Tuy nhiên Trung Cộng bác bỏ điều này.
Cả Bắc Kinh và Hà Nội đều không đưa ra bình luận nào về vụ việc này.
Nhật Bản – Nam Hàn bình thường hóa trở lại quan hệ song phương (RFI)
Nam Hàn và Nhật Bản họp thượng đỉnh tại Seoul ngày 07/05/2023 nhân chuyến công du chính thức của thủ tướng Nhật Fumio Kishida. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tiến hành các bước nhằm cải thiện quan hệ song phương, đặc biệt là về mặt an ninh, kinh tế. Riêng vấn đề lao động cưỡng bức thời Nhật Bản chiếm đóng Nam Hàn, một chủ đề lịch sử nhạy cảm, thủ tướng Kishida giữ nguyên lập trường chính thức từ trước đến nay của Tokyo và ông chỉ bày tỏ quan điểm cá nhân.

Theo NHK, dường như chính quyền của tổng thống Nam Hàn coi cử chỉ này là một dạng nhượng bộ của Nhật Bản. Thông tín viên RFI Trần Công tại Seoul cho biết thêm :
« Một trong những vấn đề tâm điểm trong mối bang giao giữa Nam Hàn và Nhật Bản đó chính là vấn đề lao động cưỡng bức trong thời gian Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên. Tại hội nghị thượng đỉnh, thủ tướng Kishida vẫn giữ quan điểm và lập trường của nội các Nhật Bản từ trước đến nay về vấn đề lịch sử. Mặc dù ông Kishida nói rằng « trên phương diện cá nhân, tôi rất đau lòng khi nghĩ đến những người đã phải chịu đựng nỗi đau khủng khiếp trong hoàn cảnh và môi trường khắc nghiệt trong thời kỳ thuộc địa Nhật Bản ». Tuy nhiên cho tới nay, phía Nhật Bản vẫn giữ nguyên quan điểm không đưa ra lời xin lỗi với những nạn nhân lao động cưỡng bức tại Nam Hàn.
Mối bang giao Nam Hàn – Nhật Bản đã từng bị đóng băng từ năm 2018, khi Nam Hàn yêu cầu hai công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian đô hộ. Đáp lại, Tokyo đã tuyên bố hạn chế xuất khẩu một số vật liệu công nghệ cao ngành bán dẫn sang Nam Hàn. Mọi chuyện chỉ lắng xuống khi Nam Hàn đưa ra kế hoạch bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức thông qua một quỹ được đóng góp tư nhân. Nam Hàn hi vọng rằng các công ty tư nhân Nhật Bản sẽ đóng góp vào quỹ này và những nạn nhân lao động cưỡng sẽ nhận được lời xin lỗi từ Nhật Bản.
Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước cũng nhiều lần nhấn mạnh về sự cần thiết hợp tác giữa Nam Hàn và Nhật Bản để đối phó với mối đe dọa quân sự từ BắcTriều Tiên. Thủ tướng Kishida cho biết ông đồng ý với tổng thống Yoon về « tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng răn đe và phản ứng thông quan liên minh Nhật – Mỹ, Hàn – Mỹ, và hợp tác an ninh ba bên Nhật – Hàn – Mỹ trong bối cảnh an ninh ngày càng nguy hiểm hiện nay ».
Một vấn đề khác cũng được quan tâm đó là việc Nhật Bản xả nước thải nhiễm xạ từ nhà máy Fukushima ra biển. Trong cuộc họp lần này, hai nhà lãnh đạo đồng ý trao đổi thông tin, giám sát độc lập và tham khảo cùng với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Đây cũng là lần đầu tiên một đoàn thanh tra từ một nước khác được khảo sát vấn đề xả thải tại Nhật Bản ».
Trung Cộng kêu gọi ‘cảnh giác cao độ’ về khả năng NATO bành trướng ở châu Á (VOA)
Trung Cộng nói hôm thứ Năm 4/5 rằng cần phải “cảnh giác cao độ” trước khả năng NATO “bành trướng về phía đông” sau khi có tin rằng khối liên minh này đang lên kế hoạch mở văn phòng ở Nhật Bản để tạo thuận lợi cho việc tham vấn với các đồng minh trong khu vực.
NATO đang lên kế hoạch mở văn phòng liên lạc đầu tiên ở châu Á, tại Nhật Bản, để tạo thuận lợi cho các cuộc đàm thoại với các đối tác an ninh như Nam Hàn, Australia và New Zealand, có tính đến những thách thức địa chính trị từ Trung Cộng và Nga, tờ Nikkei Asia đưa tin hôm 3/5, trích dẫn thông tin từ các quan chức Nhật Bản và NATO.
Bà Mao Ning, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Cộng, nói rằng châu Á là “miền đất đầy hứa hẹn về sự hợp tác và phát triển và không nên trở thành đấu trường tranh giành về địa chính trị”.
“Việc NATO liên tục bành trướng về phía đông ở châu Á-Thái Bình Dương, can thiệp vào các vấn đề khu vực, âm mưu phá hoại hòa bình và ổn định khu vực, đồng thời thúc đẩy đối đầu giữa các khối là điều đòi hỏi các nước trong khu vực phải cảnh giác cao độ”, bà Mao nói trong một cuộc họp báo thường kỳ.
Nikkei Asia cho biết rằng theo đề xuất, văn phòng sẽ được mở vào năm tới ở Tokyo.
Trước đó, khi được hỏi về bản tin của Nikkei Asia, người phát ngôn của NATO Oana Lungescu nói rằng khối liên minh sẽ không đi vào chi tiết về các cuộc thảo luận của các đồng minh NATO.
Bà nói: “NATO có các văn phòng và các phương thức liên lạc với một số tổ chức quốc tế và các quốc gia đối tác, đồng thời các đồng minh thường xuyên đánh giá các phương thức liên lạc đó để đảm bảo rằng chúng phục vụ tốt nhất nhu cầu của cả NATO lẫn các đối tác của chúng tôi”.
Bà Lungescu nói rằng NATO có mối quan hệ đối tác chặt chẽ với Nhật Bản mối quan hệ này đang tiếp tục phát triển.
Tin Việt Nam.
Tàu khảo sát Trung cộng lại xâm nhập vùng đặc quyền Kinh Tế Việt Nam
Tàu Kiểm ngư Việt Nam 414 vào tối ngày 10/5 (giờ Việt Nam) được ghi nhận đi theo tàu khảo sát Trung cộng Xiang Yang Hong (Hướng Dương Hồng 10) khi tàu này đang ở trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách Côn Đảo khoảng 120 hải lý. Ảnh Marine Traffic do RFA chụp lại cho thấy như vừa nêu.

Ngoài tàu khảo sát Xiang Yang Hong, ảnh chụp trước đó còn cho thấy một nhóm gồm hai tàu Tuần duyên Trung Quốc số hiệu 4303, 5305, và bảy tàu dân quân biển nước này bị tàu Kiểm ngư 414 giám sát. Phía Việt Nam còn điều thêm tàu Kiểm ngư 475 từ Cam Ranh ra theo dõi các tàu của phía Trung Quốc.
Như tin Reuters loan ngày 8/5 dẫn hai nguồn của Ấn Độ cho hay, tàu dân quân biển Trung Quốc đi vào khu vực Vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam nơi mà Hải quân các nước ASEAN và Ấn Độ đang diễn tập trong khuôn khổ hoạt động có tên AIME-2023.
Tin nói rõ vào khi chiến hạm và máy bay của các bên tham gia đang diễn tập, tàu dân quân biển Trung Quốc tiến đến, cả hai phía chạy qua nhau nhưng không xảy ra đối đầu.
Lâu nay, một số quốc gia láng giềng của Trung Quốc quanh Biển Đông cáo giác Trung Quốc sử dụng tàu dân quân biển cũng như tàu chính thức mang cờ Hoa Lục sách nhiễu, hăm dọa tàu đánh cá cũng như tàu quân sự của họ tại Biển Đông. (RFA)
CSVN công bố thành tích chống tham nhũng
Đài RFA hôm mùng 10 tháng 5, thuật tin Đảng Cộng sản Việt Nam từ cấp trung ương đến địa phương trong thời gian từ đầu năm đến nay tiến hành kỷ luật hơn 100 tổ chức đảng, hơn 3.600 đảng viên. Trong số này có ba chủ tịch, nguyên chủ tịch Ủy Ban Nhân dân (UBND) tỉnh, hai thiếu tướng quân đội đã về hưu.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng/Chống Tham nhũng/Tiêu cực (Ban Chỉ đạo) vào ngày 10/5 thông báo như vừa nêu tại cuộc họp ở Hà Nội dưới sự chủ trì của Trưởng Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cụ thể, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý kỷ luật 12 tổ chức đảng, 26 cán bộ cấp Giám đốc Sở và tương đương trở lên; trong số này có một nguyên ủy viên Trung ương Đảng, ba chủ tịch, nguyên chủ tịch UBND cấp tỉnh, và hai thiếu tướng quân đội như vừa nêu.
Ban Chỉ đạo còn cho biết nhiều địa phương như Cao Bằng, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hà Nam, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Bà Rịa- Vũng Tàu đã khởi tố lãnh đạo cấp phó chủ tịch UBND tỉnh, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giám đốc, phó giám đốc sở, chủ tịch UBND cấp quận…
Ban Chỉ đạo cho rằng công tác phòng chống tham nhũng/tiêu cực tại các địa phương có chuyển biến, không còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” như trước đây.
Trong Quý II này, Ban Chỉ đạo dự kiến đưa ra xét xử năm vụ án trong đó có hai vụ gồm “các chuyến bay giải cứu đợt dịch COVID-19”, , vụ án tham ô tài sản tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển.
Phong trào cán bộ mọi cấp thừa hành đùn đẩy, tránh việc đang lên. . . .
Báo Nhà Nước hôm Thứ Ba mùng 9 Tháng Năm dẫn lời Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kêu ca tại một cuộc họp cùng ngày của Ban thường vụ Quốc hội CSVN: Theo đó, các cấp cán bộ đang áp dụng phương cách “né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, hiện tượng “đá bóng”, đá lên trên xong lại ngồi chờ, tức là không làm gì”.
Ông Dũng nêu ra một trong những thí dụ điển hình xảy ra tại thành phố Sài Gòn, đầu tàu kinh tế cả nước, mà ông ta gọi là “không làm gì”. Ông Dũng dẫn số liệu cho thấy, năm 2022, TP Saigon có 584 văn bản hỏi Bộ KH-ĐT và bộ trả lời bằng 604 văn bản. Tuy nhiên, nội dung TP hỏi đều thuộc thẩm quyền của TP. Ông Dũng kết luận, đây là hiện tượng né tránh, đùn đẩy, ”đá lên trên rồi ngồi chờ, tức là không làm”.
Trang mạng chinhphu.vn của nhà cầm quyền trung ương CSVN ngày Thứ Hai mùng 8 Tháng Năm chỉ trích thái độ ù lỳ của đám quan chức khắp nơi. Đồng thời, đe dọa “xử lý nghiêm” các đơn vị hay cá nhân “tránh né, đùn đẩy công việc, thoái thác nhiệm vụ…” làm “chậm trễ hoặc không quyết định các vấn đề…” Vì đó là nguy cơ ảnh hưởng đến các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cả nước.
Ba ngày trước, Bộ Tài chính báo cáo rằng giải ngân vốn đầu tư công cho đến hết Tháng Tư “mới đạt 14.66% kế hoạch”, theo đó, còn thấp hơn cả giải ngân cùng thời kỳ này năm ngoái vốn đã bị kêu ca và thúc giục mà không có kết quả. Bốn tháng đầu năm 2022, giải ngân đầu tư công tuy rất thấp chỉ được 17.09%. Số liệu từ Bộ Tài Chính đầu Tháng Năm chứng minh những lời đe dọa trừng phạt không có bao nhiêu tác dụng.
Trước thái độ tránh né công việc của thuộc cấp, ngày 23 Tháng Ba, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính ra chỉ thị cấm tất cả các bộ, ngành và địa phương trả lại các dự án đầu tư công đã được giao thực hiện.
Ông Nguyễn Chí Dũng kêu rằng trước tình trạng bất nhất của quan chức chế độ, nhà cầm quyền trung ương đã ra 17 nghị quyết và riêng cái bộ của ông cũng đã có tới 23 văn bản “nhắc nhở suốt ngày nhưng không triển khai được”.
Để “đáp lễ” cấp trên, cán bộ thừa hành mọi ngành âm thầm áp dụng khẩu hiệu “không làm, không sai” như “kim chỉ Nam” trong công vụ. Bởi vì việc “chấm mút” ngày nay ở cấp thừa hành khó khăn hơn trước, nên cán bộ rỉ tai nhau giữ thái độ “ù lỳ”, vì sợ có làm thì có sai dẫn đến bị bắt lại lòi ra các vụ tham nhũng cũ.
“Lực lượng 47 – dư luận viên” làm trùm ở Việt Nam
Để kiểm soát mạng xã hội chặt chẽ hơn nữa, CSVN sắp bắt “chủ tài khoản mạng xã hội” dù là cá nhân hay tổ chức phải “định danh”.
Một nhà báo Tây phương có mặt thường xuyên ở Cam Bốt chuyên theo dõi các vấn đề khu vực nêu ra sự lộng hành của “Lực lượng 47” trên Facebook cho biết, bất cứ ai đả kích CSVN thì bị cấm cản trong khi phe bênh vực chế độ độc tài tham nhũng tại thượng tầng kiến trúc quốc gia thì hoạt động thoải mái.
Từ dịp lễ Giáng Sinh 2017, Bộ Quốc phòng CSVN công bố, lực lượng quân sự có tên là “Lực lượng 47” với hàng ngàn “tay súng” đã được thành lập để rà quét các cá nhân và tổ chức “phản động” trên các mạng xã hội tại Việt Nam. Từ đó đến nay, lực lượng này và các nhóm “dư luận viên”, tay chân của “Tuyên giáo”, lướt các mạng xã hội để đối phó với tất cả những ai bị coi là chống phá chế độ.
Các tổ chức của nhà cầm quyền CSVN từng bị cáo buộc dùng nhiều biện pháp khác nhau, đặc biệt là báo cáo tập thể cho các mạng xã hội như Facebook, Youtube, vu cho người ta “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng” để bị trừng phạt dù trên thực tế, theo nguyên tắc tự do thông tin, phản biện, người ta chẳng vi phạm gì. Chế độ Hà Nội tạo áp lực để ngăn chặn, đánh sập các thông tin bất lợi và bình luận trái chiều.
Mấy năm qua, tin tức cho thấy CSVN khoe hàng ngàn trang cá nhân trên các mạng xã hội đã bị dẹp theo các áp lực của nhà cầm quyền Hà Nội. Bây giờ, một dự thảo dự trù thông qua ở Quốc Hội khóa họp cuối năm nay sẽ làm cho những ai đưa thông tin hay bình luận trái chiều trên Internet không còn có thể giấu mặt được nữa.
Tờ Tuổi Trẻ ngày Thứ Hai mùng 8 Tháng Năm dẫn một phiên “giải trình” tại Ủy ban Tư pháp của Quốc hội CSVN về việc sửa đổi “Luật viễn thông” nói tât cả các “chủ tài khoản” trên mạng xã hội của bất cứ ai cũng “phải thực hiện việc định danh”.
Theo các con số thống kê được nêu ra Tháng Ba vừa qua, khoảng gần 78 triệu người trên tổng số dân 100 triệu, dùng internet tại Việt Nam. E-mail, mạng Facebook rồi đến Youtube, TikTok là những nền tảng internet rất phổ biến mà bất cứ người nào có điện thoại cầm tay đều quen thuộc. Kiểm soát tất cả những thứ vừa kể để đối phó các “thế lực thù địch” bên ngoài và “phản động” trong nước là mối lo gan ruột của chế độ.
Khi Quốc hội CSVN sửa “Luật Viễn thông”, để được đăng ký tài khoản định danh điện tử, mọi cá nhân phải “khai báo đầy đủ các thông tin gồm: số định danh cá nhân, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch, số điện thoại, e-mail…” Tài khoản mạng xã hội với “nick ảo” sẽ không còn “ảo” nữa với Công an, ngoài những “nick ảo” của đám dư luận viên và “Lực lượng 47”.
Nhiều người tại Việt Nam từng cáo buộc các công ty như Facebook chỉ vì cả tỉ đô la lợi nhuận mà thông đồng với nhà cầm quyền độc tài đảng trị, không phải là tôn trọng quyền tự do ngôn luận như họ vẫn cả quyết.
Việt Nam gia tăng khai thác gấp 10 lần quặng đất hiếm
Theo ước lượng quốc tế, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm (rare earth) nhiều thứ nhì trên thế giới. Nhiều công ty chạy tới nước này để thu mua quặng đất hiếm, trong lúc bị Bắc kinh bắt chẹt cả về tăng giá bán cũng như số lượng.

Đất hiếm là tên gọi chung của một nhóm kim loại đặc biệt tồn tại trong thiên nhiên như một dạng đá cứng. Chúng gồm 17 nguyên tố, không phải nước nào cũng có, được sử dụng trong các ngành kỹ thuật cao để sản xuất các bộ phận cho xe điện, điện thoại thông minh, phần cứng máy điện toán, màn ảnh phẳng máy truyền hình, trang bị quân sự v.v…
Mỏ đất hiếm phần lớn tập trung tại 3 tỉnh Lai Châu, Lào Cai hay Yên Bái. Một số nhỏ quặng đất hiếm (được gọi là sa khoáng) rải rác tại một số khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Vũng Tàu. Việt Nam có khoảng 11 triệu tấn nhưng ước lượng có thể đến 22 triệu tấn và không có khả năng tinh lọc quy mô như một kỹ nghệ vì thiếu điều kiện tài chính cũng như kỹ thuật máy móc chuyên môn. Hiện chỉ có khả năng khai thác quặng, sơ luyện rồi bán cho các công ty nước ngoài.
Sản lượng quặng đất hiếm khai thác tại Việt Nam gia tăng gấp 10 lần trong năm 2022 khi nhiều công ty quốc tế đổ xô tới nước này thu mua.
Theo hãng tin Reuters, công ty Australian Strategic Materials Ltd (ASM) của Úc tuần qua cho hay họ dự trù mua 100 tấn đất hiếm từ Việt Nam trong năm nay và dự trù ký kết thỏa thuận để có nguồn cung cấp lâu dài. ASAM nói một thỏa thuận dài hạn với một công ty Việt Nam, thực chất do chính phủ Trung Quốc làm chủ (ultimately owned by China’s government), sẽ cung cấp cho họ nhiều nguồn nguyên liệu và thêm sự an toàn nguồn cung cấp cho nhà máy tinh luyện của họ ở Hàn Quốc.
Năm 2022, sản lượng đất hiếm của Việt Nam lên tới 4,300 tấn trong khi năm 2021 chỉ được 400 tấn, theo thống kê của Cục Khảo sát Địa chất của chính phủ Hoa Kỳ (United States Geological Survey (USGS). Thật ra, con số vừa kể chỉ là một phần rất nhỏ so với lượng đất hiếm được Bắc Kinh khai thác.
USGC cho hay năm 2022, Bắc Kinh khai thác 210,000 tấn, trong khi Hoa Kỳ khai thác được 43,000 tấn, còn Úc khai thác được 18,000 tấn. Nếu Việt Nam tiếp tục gia tăng sản lượng khai thác đất hiếm như con số thống kê nêu trên, đây có thể là khởi điểm cho bước ngoặc về khai thác nguồn tài nguyên đặc biệt này tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Reuters, kẻ hưởng lợi chính yếu khi gia tăng sản lượng đất hiếm tại Việt Nam có vẻ là Trung cộng, nước có thị trường xe hơi điện lớn nhất thế giới và cũng là trung tâm sản xuất các sản phẩm điện tử cho thế giới, đặc biệt là điện thoại thông minh và máy truyền hình, máy điện toán.
Thống kê của Hải quan Trung cộng cho thấy nước này nhập cảng gấp đôi lượng đất hiếm từ Việt Nam và các loại quặng tuyển luyện khác, thường là các kim loại mang tính chiến lược, lên gần 12,000 tấn hồi năm ngoái. Số lượng nhập cảng vừa kể gồm bao nhiêu đất hiếm đã được sơ luyện hoặc còn nguyên dạng quặng thô, vẫn không có tin tức rõ ràng. Việt Nam cũng nhập cảng đất hiếm để sơ luyện rồi xuất cảng.
[pvc_stats postid=”” increase=”1″ show_views_today=”0″]