______________________________

Trong cơn đại dịch tình huống khủng hoảng Ngân Sách ngày một rõ dần khi mà nơi quy tụ phần lớn doanh nghiệp làm ra tiền là Saigon và nhiều Tỉnh phía Nam quay cuồng trong đại dịchVũ Hán; chịu cảnh “phong tỏa toàn diện” của Nhà Nước chống dịch bằng mệnh lệnh chính trị thay vì bằng các giải pháp khoa học của Y-tế. Hậu quả của sự u tối này càng thúc bách guồng máy trung ương Ba Đình ra sức tiến hành các diễn tiến để soạn hồ sơ vay thêmsố nợ lên đến 3,068 triệu tỷ dồng. Tuy nhiên, thảm cảnh doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt, dân thất nghiệp cao, xã hội oán than khắp nơi . . . lại làm cho các chủ nợ quốc tế rất do dự trong việc cho vay nợ!

“Ngân Sách khủng hoảng” đã có dấu hiệu xấu từ nhiều năm trước, nhưng năm 2019 do “buột” miệng từ Chủ Tịch Quốc Hội, bà Nguyễn thị Kim-Ngân “Ngân Sách Nhà Nước như dòng sông đã cạn”. [1] Điều này càng khiến dân chúng tin rằng, những năm trước đó do muốn “lừa” dân về “tài ba” đưa GDP tăng cao, nên CSVN đã “bơm” ra thị trường thêm nhiều tiền mới in. Đồng thời huy động nhân lực gom góp thông tin từ các thành phần được Hà-nội gọi là “kinh tế ngầm” trong dân chúng để cộng vào GDP, làm cho số liệu cao lên trung bình mỗi năm trên 25% nữa, nhằm chứng minh trong hồ sơ vay nợ quốc tế, dù giá tri thật của nền kinh tế vẫn không thay đổi.

Gần đây, Báo chí Nhà Nước nói là: IMF khuyến nghị Tổng Cục Thống Kê Việt Nam chuyển đổi phương pháp thống kê GDP từ 5 gốc “cố định” sang 5 gốc “liên hoàn”.  Đồng thời ra sức tô hồng rằng, trên lý thuyết, việc sử dụng 5 gốc liên hoàn ưu việt hơn, bởi vì các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được cập nhật thường xuyên, giảm nguy cơ xảy ra những méo mó so với cách tiếp cận dựa trên 5 gốc cố định.

Tháng 11-2016, với 82,39% đại biểu tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Theo đó, quy mô nợ công hằng năm giai đoạn này không quá 65% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nợ Chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Năm 2021, sau khi đánh giá lại GDP, nợ công trên GDP sẽ giảm từ 56,1% còn 44,7%; nợ chính phủ trên GDP giảm từ 49,2% còn 39,2%; nợ nước ngoài trên GDP giảm từ 45,8% còn 36,5%; thâm hụt ngân sách trên GDP giảm từ 3,6% còn 2,9%.

Căn cứ vào số liệu trên, nợ Chính Phủ mới có 39,2%. Như thế CSVN đã “thu xếp” êm xuôi nguyên tắc vay thêm nợ gần gấp đôi mà không bị một tỷ lệ nào do Lập Pháp (dù cũng chỉ là đảng cử) ràng buộc.

Dự toán thu cho NSNN năm 2021 là 1 triệu 343 ngàn 300 tỷ đồng, tăng 1,5% so với năm 2020. Dự toán chi NSNN năm 2021 là 1 triệu 687 ngàn tỷ đồng. Tỷ lệ bội chi NSNN năm 2021 dự kiến khoảng 4% GDP, tương ứng 343.670 tỷ đồng.

Chuẩn bị cho khuynh hướng “mở đường” vay thêm nợ, ngày 13/7, tại phiên họp thứ 58, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặt mục tiêu cho trần nợ công 5 năm tới không quá 60% GDP, thấp hơn so với giai đoạn 2016 – 2020 (65% GDP). Nợ Chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài quốc gia khoảng 45%.

Mục tiêu của Quốc Hội ấn đinh mức tổng thu NSNN giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 8,3 triệu tỷ đồng. Tổng chi NSNN giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 10,26 triệu tỷ đồng. Số thu ít hơn tiền chi ra là 1 triệu 960 ngàn tỷ đồng, được tính theo tỷ lệ là 3,7% GDP sau khi đánh giá lại.

GDP năm 2021 sau khi được Tổng cục Thống kê tiến hành đánh giá lại trên 9 triệu tỷ đồng, điều chỉnh tăng 25,4%. Chỉ tiêu này đã được Chính phủ chính thức trình Quốc hội trong báo cáo số 530/BC-CP ngày 16/10/2020. GDP Việt Nam năm 2020 là 7 triệu 980 ngàn tỷ đồng.

Chưa biết sau khi đánh giá lại thì GDP của CSVN 5 năm sắp tới 2021-2025 sẽ lên đến bao nhiêu chục triệu tỷ.

Nhưng một điều chắc chắn rằng, dù có đánh giá lại GDP thì nền kinh tế vẫn vậy thôi,  CSVN vẫn phải vay trong giai đoạn 2021 – 2025 ít ra là 3,068 triệu tỷ đồng, mới tạm đủ tiêu.[2]

Nhưng mọi toan tính của CSVN lại bị dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, từ hôm 27/4, khiến số thuế, phí thu về cho Ngân Sách Nhà Nước (NSNN) có dấu hiệu giảm xuống. Tháng 5 và 6/ 2021, thu NSNN giảm khoảng 54 nghìn tỷ đồng. Thuế thu không được phải tăng các khoản tiền phạt, gây oán than trong dân chúng, nhưng số thu cũng khó có thể bù đắp cho NSNN phải chi tiêu nhiều hơn trong hoàn cảnh đại dịch CoVid lên đến trên 100 ngàn ca vào cuối tháng 7.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT về các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 7 tháng đầu năm giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 39,7% so với tháng trước. Sự kiện này gây ra mối lo cho NSNN vì lãnh vực xuất cảng của Việt Nam dựa vào công ty FDI đến 70%. Nay họ giới hạn đầu tư, sản xuất đình đốn thì lấy gì nộp thuế cho Nhà Nước.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, trong 3 tháng đầu năm 2021, có khoảng 60% doanh nghiệp khu vực tư nhân giảm doanh thu. Trong 6 tháng qua, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục có xu hướng gia tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có gần 12 ngàn xí nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó đã xuất hiện nhiều hơn những doanh nghiệp quy mô vừa và lớn.

Chỉ mới tỉnh Đồng Nai, gần cuối tháng 7/2021, đã có 25 ngàn công nhân mất việc thuộc 230 công ty, hầu hết là các doanh nghiệp FDI, tạm dừng hoạt động do không đáp ứng được quy định “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ) để phòng, chống dịch của tỉnh Đồng Nai.

Chỉ thị “3 tại chỗ” đẩy các công ty vào tình huống không thể thi hành. Không một nhà máy nào lại có thể đủ điều kiện phòng ốc và lương thực lo cho hàng ngàn công nhân làm việc và ăn ở, sinh hoạt ngay trong công ty như lệnh của chế độ. Hơn nữa, hàng ngàn công nhân sinh hoạt hết ngày này qua ngày khác là môi trường dễ lây lan dịch bệnh.

Ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế âu lo, diễn biến phức tạp trở lại của dịch bệnh Covid-19 tại các tỉnh phía Nam đã và đang tác động không thuận đến kết quả thu NSNN của toàn quốc.

CSVN xoay sang “chấn lột” các đồng chí ăn chia không đều, thuộc “phe bên kia”: Báo chí Nhà Nước gần đây liên tục loan tin nhiều vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng được tiếp tục phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử công khai, nghiêm minh và thu hồi hơn 14 ngàn tỷ đồng chỉ trong năm 2020. Số tiến này mới chỉ tương đương với chỉ tiêu 61% tổng số đưa ra cho năm 2020. Năm 2021 chắc chắn nhiều “tay mới nổi, không biết điều” đang lâm vào cảnh “đợi tới phiên lên thớt”. [3]

Tính chung 7 tháng năm 2021, Việt Nam nhập siêu 2,7 tỷ Mỹ kim (cùng kỳ năm trước xuất siêu 8,69 tỷ Mỹ kim). Như thế Việt Nam phải bỏ ra 2,7 tỷ Mỹ kim mua hàng về, trong đó có nguyên liệu để sản xuất, nhưng nhà máy đóng cửa vì hai lý do, “3 tại chỗ” và phong tỏa thành phố, không ai di chuyển được. [4]

Guồng máy chế độ vẫn phải trấn áp, trấn lột để tự tồn. Tiền lương mỗi tháng cho hàng triệu nhân viên an ninh, đảng viên thuộc hai hệ thống song hành vẫn phải chi ra là mối lo vật vã khôn nguôi của chế độ.

Nếu Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh bị đại dịch Covid-19 đánh gục một thời gian nữa thôi, chế độ Hà Nội khó tránh khỏi khủng hoảng ngân sách. Tới tình huống này thì vay nợ cũng rất khó.

31 July

Tham khảo:

[1]https://tuyenquangtv.vn/thoi-su-chinh-tri/tin-trong-nuoc/201908/ngan-sach-nhu-song-can-nhung-cac-quy-nhu-ao-ho-van-giu-nuoc-7532515/

[2]https://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/than-trong-tinh-toan-thu-chi-ngan-sach-nha-nuoc-nam-2021-20201103163035164.htm

[3]https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/corruption-cases-in-vn-more-than-14k-billion-vnd-collected-in-2020-07232021083556.html

[4] https://vietstock.vn/2021/07/can-can-thuong-mai-7-thang-nam-2021-uoc-tinh-nhap-sieu-27-ty-usd-768-880372.htm

Bài liên quan:
  • 1975 – Khi Xuân Về: Phước Long khởi đầu hoàng hôn của VNCH
    TS Nguyễn Tiến Hưng
  • Cuộc chiến ngầm trong lòng Israel
    Mairav ​​Zonszein
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 5/1/2025. Hoà Bình trong danh dự sẽ đến với Ukraine và Xung đột Trung Đông sẽ lắng dịu?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Lời nguyền khoảng cách: Những điều Trump cần biết về Liên minh Mỹ-Nhật
    Takahashi Kosuke
  • Nguồn gốc của những cuộc tấn công “trả thù xã hội” ở Trung Quốc
    Tôn Phái Đông (Peidong Sun)