Người Quan Sát
Hình: Đỗ Lộc

Đầu thập niên 80 thế kỷ trước, ngoài sinh hoạt thuần túy tôn giáo, Nhóm Gioan Tiền Hô thuộc Phong Trào Học Hội Kitô Giáo (Cursillo) Giáo phận Orange, quyết định cho ra đời tạp chí Đường Sống để gửi qua các trại tạm cư làm món ăn tinh thần cho đồng hương tị nạn CS tại hầu hết các quốc gia Đông Nam Á (*). Song song với việc phát hành tờ nguyệt san trong 12 năm (1980/1992), những năm kế tiếp, Nhóm lập quỹ “Giải Vây Kinh Tế” để đáp ứng cấp thời cảnh ngộ ngặt nghèo của hàng ngàn nhân khẩu tại giáo xứ Nguyệt Biều, Việt Nam khi Cha Sở Tadêô Nguyễn Văn Lý công khai đứng lên chống lại tập đoàn độc tài, tàn bạo CS Hà-Nội với khẩu hiệu “Tự Do Tôn Giáo hay là Chết!” ngạo nghễ tung bay trên tháp chuông nhà thờ.

Được biết, nguồn sinh kế duy nhất của giáo dân Xứ này và vùng phụ cận hồi ấy là nghề sản xuất nón lá. Sau những lời đe dọa cha Lý nhưng không bẻ gãy được ý chí can trường của cha, tập doàn CS Hà-Nội đã hèn hạ tìm cách triệt nguồn sống của giáo dân bằng cách ngăn chặn không cho nhập nội tất cả những phương tiện liên hệ tới nghề làm nón.

Cho dù sự trợ giúp của Nhóm trong thời gian ấy khá tốt và kịp thời, vẫn chỉ giới hạn trong phạm vi cục bộ. Nhưng chính từ đấy đã khơi nguồn cho những kế hoạch quy mô sau này.

Bước qua đệ tam thiên niên, với sự lớn mạnh của cao trào đấu tranh chống lại chính sách độc tài, tàn bạo của chế độ CSVN, Nhóm thành lập Quỹ Hy Vọng, một tổ chức bất vụ lợi để có đủ phương tiện đáp ứng nhu cầu trợ giúp các Tù Nhân Lương Tâm trước sự đàn áp, bắt bớ, giam cầm oan sai của công an CS.

Đây cũng là thời gian, con số Thương Bệnh Binh VNCH bước vào tuổi già phải đối mặt với sinh kế nghiệt ngã, lại bị chế độ mới bạc đãi! Đặc biệt với những nạn nhân đã cống hiến một phần thân thể như mất chân, mất tay, mù mắt… cho cuộc chiến chống lại kẻ thù phương Bắc.

Từ đấy đặt ra cho chúng ta, những đồng hương đang sống tự do, an toàn ở hải ngoại nghĩa vụ phải làm gì khi nhìn về quê hương khốn khó?

Dưới đây là ký sự “Đêm Tri Ân Thương Bệnh Binh VNCH và Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam” do Cơ Sở Hy Vọng tổ chức chiều Chúa Nhật 06-10-2024, như thông lệ hàng năm.

Hai khuôn mặt quen thuộc trong Cộng đồng người Việt tại Thủ đô của người Việt tị nạn ở miền nam California Hoa Kỳ giữ vai trò MC trong Đêm Tri Ân là cô Diệu Quyên và Bs Trần Việt Cường. Cả hai vị đã hoàn thành xuất sắc trong vai trò của mình.

Sau phần Thủ tục gồm Chào Quốc Kỳ Mỹ/Việt và phút Mặc Niệm, ông Nguyễn Văn Liêm, Trưởng ban Tổ chức được mời lên diễn đàn Chào Mừng Quan Khách và tuyên bố khai mạc “Đêm Tri Ân TPB/VNCH và TNLT Việt Nam”. Ông nói:

“Sự hiện diện của ngót 600 khách mời dự buổi Tri Ân đêm nay thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã phục vụ và chiến đấu bảo vệ thành trì tự do của đất nước chúng ta trong giai đoạn bi thương của lịch sử. Hơn hai mươi năm tự do và những giá trị nhân bản của VNCH đã phải trả giá rất đắt bởi những con người dũng cảm. Cuộc chiến đã chấm dứt, những vị ấy, chính là những thương binh VNCH đã cống hiến một phần thân thể cho núi sông. Giờ đây phải sống những ngày cơ cực tật nguyền khổ đau, thiếu thốn trăm bề trong phần đời còn lại”.

Sau khi nhắc lại những nghĩa cử cao đẹp đầy ý nghĩa của một số ân nhân tiêu biểu trong Cộng đồng tị nạn, hướng về đám đông quan khách, ông nói tiếp:

“Tại đây, giây phút này, đêm nay, quý vị đang cho đi điều quý giá nhất, đó là thời gian, thì giờ để chúng ta cùng nhau chia sẻ món nợ không bao giờ trả hết đối với những người ơn của chúng ta.” Ý ông muốn nói tới không chỉ những Thương Bệnh Binh những người đã góp máu để xây dựng và bảo vệ nền Cộng Hòa miền Nam, mà còn bao gồm các thế hệ kế tiếp đang ngày đêm xả thân chống lại tà quyền CS, bất chấp nhà tù và những hành vi dã man, tàn độc của chúng.

Sau phần giới thiệu sơ lược các đoàn thể và cá nhân hiện diện trong Đêm Tri Ân Thương Bệnh Binh và TNLT, MC đã tóm lược tiểu sử diễn giả chính trong dịp này là Luật sư Đặng Đình Mạnh và trân trọng mời ông lên diễn đàn trước tràng pháo tay vang động hội trường.

Được biết diễn giả Đặng Đình Mạnh vốn được coi là một luật sư nhân quyền trong thời gian còn ở trong nước. Suốt một thập niên qua, ông tham gia bào chữa cho nhiều bị can trong hơn 80 phiên tòa chính trị ở Việt Nam. Nhiều người trong số thân chủ của ông là những tù nhân chính trị trong đó có những vụ án nổi tiếng như các nhà báo Phạm Chí Dũng, Phạm Thị Đoan Trang, Trương Duy Nhất, Huỳnh Thục Vy, ba mẹ con bà Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Vụ án Đồng Tâm, Vườn Rau Lộc Hưng, Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, v.v…

Năm 2021 ông bị Bộ Công An ban hành quyết định cấm xuất cảnh. Tháng 02/2023, một lần nữa Ls Mạnh lại bị Bộ Công An yêu cầu Cơ Quan An Ninh tiến hành điều tra về ông.

Cho đến tháng 6 năm 2023, ông được chính quyền Hoa Kỳ cho phép nhập cảnh để tỵ nạn chính trị tại Mỹ. Hiện nay Ls Mạnh và gia đình định cư tại Thủ Đô Mỹ quốc.

Mở đầu diễn từ dài khoảng 20 phút, Ls Mạnh nói tới cảnh ngộ thương tâm của các Thương Bệnh Binh VNCH sau ngày CSBV xâm chiếm miền Nam. Ông nói:

“Từ ngày 30/04/1975, sau khi hoàn tất việc cưỡng chiếm miền Nam, thì ngay chiều hôm ấy, Cộng sản đã đến Tổng Y Viện Cộng Hòa tại Gò Vấp để cưỡng chế các Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa đang điều trị tại đây phải rời ngay lập tức, dù bệnh tình hay thương tích của họ nặng nề như thế nào đi nữa”.

Ông nói tiếp: “Sau Thương Phế Binh VNCH, thì đến quân, dân, cán chính và toàn xã hội miền Nam trở thành nạn nhân của chế độ Cộng sản. Sự việc tệ hại đó kéo dài 50 năm qua, cho đến tận ngày nay vẫn chưa một ngày chấm dứt”.

Sau khi lược trình về hành trạng của ông trong 28 năm với tư cách một Luật sư Nhân quyền từng tham gia nhiều vụ án bảo vệ các TNLT, Ls Mạnh dành nhiều thì giờ để trình bày chi tiết về những hành vi tra tấn cực kỳ dã man và thâm độc các bị cáo của CA/CS, dẫn tới những cái chết oan khốc của các nạn nhân, trong số có cả các bậc tu hành.

Ông nói:
“Tra tấn tù nhân cũng là nguồn gốc phát sinh ra vô số bản án hình sự oan trái tày trời, như Vụ Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Lê Bá Mai, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh, Hồ Duy Hải…  Tra tấn không chỉ ở trại giam, mà còn xảy ra ngay tại trụ sở công an phường, xã, ấp… với hàng trăm trường hợp “Chết ở đồn công an” đã từng được ghi nhận…

 Tuy chính quyền hoặc công an chối tội, nhưng những dấu tích tra tấn, dùng nhục hình vẫn hiển hiện rõ ràng trên thi thể người chết, gồm cả vỡ xương sọ, gẫy xương sườn, tứ chi tím bầm, lục phủ ngũ tạng bị dập nát…”.

LS Mạnh cho hay thêm:
“Trong phiên tòa xét xử vụ án Đồng Tâm, khi tôi, với tư cách luật sư, hỏi: “Những ai KHÔNG bị tra tấn trong giai đoạn điều tra thì vui lòng giơ tay?”. Có 10 cánh tay giơ lên. Nhưng vẫn có đến 19 người không giơ tay là những người bị Công an Điều tra tra tấn. Một nữ phạm nhân cho biết, chúng lột truồng bà và dội nước bẩn vào vùng kín của bà
Không chỉ với tù nhân, điều tra viên Cơ quan Điều tra An ninh tại Sài Gòn đã tự tiện bắt giữ, hành hung, bỏ đói người mẹ già và em trai của người không liên quan gì đến việc làm của nghi can. Chúng đã đạp vào lưng bà cụ, khiến bà té sấp mặt, hộc máu mồm, chấn thương nội”.

Vẫn theo diễn giả, hầu hết các quyền căn bản của con người như quyền tự do ngôn luận; quyền tự do lập hội, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng đều bị chế độ Hà-Nội xâm phạm một cách công khai, trắng trợn, bất chấp những lời họ đã cam kết trước Ủy Hội Nhân Quyền Quốc Tế.

Trong một thống kê chính thức vào năm 2015 gây sửng sốt dư luận. Chỉ trong 3 năm trước đó, ghi nhận có đến 226 người đã chết trong quá trình giam giữ. Sau đó, những con số thống kê tương tự không còn được công bố công khai nữa.

Đề cập khả năng cải thiện nhân quyền trong nước, Ls Mạnh tỏ dấu bi quan. Ông cho rằng, trên thực tế, có thể khẳng định chế độ Cộng sản không bao giờ có khả năng tự thay đổi. Ngay trong thời điểm ông Tô Lâm thực hiện chuyến công du Hoa Kỳ, Hà Nội vẫn tiếp tục đàn áp, bắt giữ, xét xử tù nhân chính trị, những người kêu gọi cải tổ chính trị một cách ôn hòa.

Trong số những trí thức hàng đầu ở trong nước vừa bị xách nhiễu có Ts Nguyễn Quang A.  Ông Hoàng Tùng Thiện bị tuyên án 6 năm tù và ông Nguyễn Vũ Bình, bị tuyên án 7 năm tù về cùng tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước”. Ngoài ra họ còn bắt giữ 5 người khác gồm 2 mẹ con bà Trần Thị Hồng Duyên, bà Bùi Thị Ánh Ngọc; bà Nguyễn Thị Hường, 2 ông Trần văn Linh, Nguyễn ngọc Châu về tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Cho nên, theo Ls Mạnh, khả năng thay đổi chính trị của chế độ Cộng sản là điều hoàn toàn ảo tưởng. Vẫn theo ông, nếu thật sự Hà Nội có thiện chí muốn thay đổi, chỉ cần họ thẳng thắn thực hiện 2 điều sau đây: Thứ nhất, trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị và Thứ hai, dứt khoát loại bỏ thể chế chính trị độc tài, độc đảng hiện nay.

Tuy chế độ Cộng Sản đàn áp khốc liệt như vậy, nhưng vẫn không ngăn cản được người dân lên tiếng tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ cùng các quyền tự do trong nước. Ông nói:

“Nhân đây, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn, cùng sự cảm phục đối với Quý vị chủ trương Cơ sở Hy Vọng. Những điều Quý vị thực hiện lâu nay sẽ giúp xoa dịu phần nào nỗi đau của những Thương Phế binh VNCH và bày tỏ sự liên đới trách nhiệm trước vận mệnh đất nước đối với các tù nhân lương tâm tại Việt Nam. Quý vị đã gởi đi một thông điệp không gì rõ ràng hơn, rằng sự hy sinh của họ luôn luôn được ghi nhớ và họ không hề đơn độc trên hành trình tranh đấu cho những giá trị nhân bản, tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.

Tiếp theo, Gs Nguyễn Thanh GiGu thuộc Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo đại diện phái đoàn Liên tôn đã được mời lên tiếng trong dịp này. Ông hết lời ca ngợi những tấm lòng vàng của đồng hương hải ngoại đã rộng tay đóng góp phương tiện cho Cơ Sở Hy Vọng và quý LM DCCT/VN trong việc trợ giúp các TBB/VNCH và các TNLTVN, những ân nhân, kẻ trước người sau đã thay chúng ta giữ gìn đất nước chống lại chế độ CS bạo tàn.

Trong bài phát biểu ngắn của Ls Lê Quốc Quân qua video trình chiếu trong đêm Tri Ân, khách thưởng ngoạn nhận được nơi ông một thái độ trầm tĩnh, lạc quan, tràn đầy hy vọng của Con Cái Chúa. Ông nhắc lại thời gian bị CS tống ngục, ông đã tuyệt thực để phản kháng chế độ đã không đáp ứng yêu sách chính đáng của ông là cho phép người nhà ông gửi bộ sách Luật để ông tự bảo vệ mình trong khi ở tù và cuốn Kinh Thánh, một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với một tín hữu Công giáo như ông.

Ls Quân cho biết thêm, khi cuộc tuyệt thực tới ngày thứ 18/19, ông cảm thấy sức khoẻ bị suy yếu cùng cực, các cơ bắp bị teo vì mất mỡ. Rồi như một Phép Màu, đúng lúc ấy, yêu sách của ông được đáp ứng. Ông nhận được cuốn Kinh Thánh. Bỗng dưng một niềm Hy Vọng chan chứa tràn ngập trong tâm hồn. Từ đấy ông nhớ lại niềm Hy Vọng do Cơ Sở Hy Vọng trao gửi cho ông qua các LM/DCCT trong những năm tháng đầu đệ tam thiên niên, đấu tranh không mệt mỏi cho quyền sống, quyền tự do tôn giáo trên quê hương.

Và giây phút này, ông dự cảm, vẫn niềm Hy Vọng ấy, đang tuôn trào nơi ánh mắt, trái tim từng người hiện diện trong Đêm Tri Ân các TBB/VNCH và các TNLTVN hôm nay, Chúa Nhật, 06-10-2024.

Khi các diễn giả kết thúc phần phát biểu, nhà hàng Golden Seafood khởi sự đưa các món ăn khoái khẩu ra mời các quan khách hiện diện thưởng thức, cuộc xổ số cũng rộn rã bắt đầu lần lượt xổ từ các lô an ủi trúng 2 trăm Mỹ kim, 1 ngàn, 2 ngàn và kết thúc với lô Độc Đắc 5 ngàn Mỹ kim trong không khí tưng bừng, phấn khởi của một ngày Hội Lớn.

Trong đợt đầu, một trong những khách mời là bà Võ Ngọc Hoa trúng lô an ủi 200 MK và bà đã quảng đại tặng ngay tại chỗ cho BTC. (Kết quả các lô trúng sẽ được công bố cùng với tổng số ngân khoản do các mạnh thường Quân rộng tay đóng góp cho Cơ Sở Hy Vọng trong Đêm Tri Ân sẽ được công bố ở phần cuối Ký Sự).

Và lúc này, một chương trình văn nghệ chọn lọc cũng mở màn xen kẽ giữa những lời phát biểu thấm đẫm tình đồng hương của các diễn giả và những tràng pháo tay tán thưởng của cử tọa dồn dập vang lên. Điểm nổi trội cần ghi nhớ là so với những Đêm Tri Ân trong quá khứ, chương trình Văn Nghệ đêm nay có phần phong phú hơn. Được như vậy là nhờ một số đông ca sĩ trong cộng đồng tị nạn đã tự nguyện cống hiến miễn phí tiếng hát điêu luyện của họ cho quý quan khách tham dự Đêm Tri Ân.

Ngoài sự góp mặt thường xuyên từ nhiều năm qua của Nhạc sĩ Xuân Điềm và Nhóm Tù Ca của ông, chúng tôi nêu danh một số khuôn mặt tiêu biểu như các ca sĩ Trần Ngọc, Lệ Hằng, Ngọc Diệp, Huy Hoàng, Nguyễn Thiên và Đình Thanh, người độc tấu Saxo.

Các giọng ca trên đây lần lượt được hai MC mời lên trình bày những nhạc phẩm giá trị, quen thuộc của các nhạc sĩ Phạm Duy, Anh Bằng. Phạm Đình Chương, Nguyễn Văn Đông, Trần Thiện Thanh, Xuân Điềm… đã phả vào Đêm Tri Ân một bầu khí thiêng liêng, thánh thiện đầy ắp tình người, tình dân tộc.

Với một danh sách dài lê thê những người viết nhạc lẫy lừng như trên kèm theo danh tính những ca viên được giới mộ điệu yêu thích, đặt ra cho người ghi lại mấy trang ký sự giới hạn này một chọn lựa không dễ chút nào. Thôi thì đành vậy, gặp đâu tính đấy… và cuối cùng chỉ biết chân thành xin lỗi người hát cũng như người nghe về những thiếu sót “chẳng đặng đừng” chắc chắn sẽ không tránh được.

Mở đầu chương trình Văn Nghệ, khi giọng ca trầm ấm của Trần Ngọc cất lên với nhạc phẩm “Đêm Nguyện Cầu” của cố nhạc sĩ Anh Bằng, khán phòng với sự hiện diện của trên dưới 600 khách mộ điệu bỗng dưng hoàn toàn rơi vào thinh lặng như đông cứng lại để cho những ca từ huyền hoặc như lời kinh đêm len lỏi vào đến chỗ vô cùng của trái tim người thưởng ngoạn.

“Có những lúc tiếng chuông đêm đêm vọng về…
Rưng rưng tôi chắp tay nghe hồn khóc đến rướm máu
…..
Thượng Đế hỡi có thấu cho Việt Nam này
Nhiều sóng gió trôi dạt lâu dài.
…..
Thượng Đế hỡi hãy lắng nghe người dân hiền.
Vì đất nước đang còn ưu phiền.
Còn tiếng khóc đi vào đêm trường…. triền miên…”

Vẫn trong không khí nguyện cầu cho Quê hương đau khổ, MC giới thiệu ca sĩ Kimmy trình bày nhạc phẩm “Người ở lại Charlie” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.

Người ở lại Charlie không ai khác là Trung Tá Nguyễn Đình Bảo thuộc Binh chủng Nhảy Dù khét tiếng của QLVNCH trong Mùa Hè Đỏ Lửa trung tuần tháng Tư năm 1972.

Người xưa còn để lại câu nói bất hủ “Anh hùng Tử nhưng khí hùng bất tử.” Nguyễn Đình Bảo đã đổ máu, đã gục ngã trên đồi Charlie. Nhưng khí phách và những bước chân kiêu hùng trong cuộc chiến để bảo toàn đất mẹ của anh xuyên qua các địa danh Toumorong, Dakto, Krek, Snoul, Đức Cơ, Khe Sanh…vẫn còn cháy sáng trên những trang Quốc Sử oai hùng của Việt tộc.

Rồi nhạc phẩm “Anh không chết đâu anh” cũng của Trần Thiện Thanh qua giọng hát đằm thắm, ngọt ngào của ca sĩ Lệ Hằng cất lên, khơi gợi biết bao niềm thương, nỗi nhớ trong tâm tư các chiến hữu và người thân ở lại.

“Anh không chết đâu anh, người anh hùng mũ đỏ tên Đương
Tôi vẫn thấy đêm đêm một bóng dù sáng trên đồi máu
Nghe trong đêm kêu gào từng tiếng súng pháo đếm mau
Từng tiếng súng, tiếng súng hay nhạc chiêu hồn đưa anh đi, anh đi…

Anh không chết đâu anh, anh chỉ về với mẹ mong con
Anh vẫn sống thênh thang trong lòng muôn người biết yêu đời lính
Trong tim cô sinh viên hay buồn thường nhắc nhớ những chiến công
Chuyện nước mắt ướt sân trường đại học, chuyện anh, riêng anh, riêng anh

Ôi đất mát trên đồi xanh, tình yêu khóc ngất bên cỏ tranh
Đâu cánh dù ôm gió, đây cánh dù ôm kín đời anh…’

Tiếp đến là dòng nhạc mềm, quen thuộc “Đêm Đông” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông do Đình Thanh độc tấu saxo.

Nương theo làn hơi trầm bổng của người nghệ sĩ trình tấu saxo tài hoa, những lời nhạc êm đềm tự động len lách bật lên trong tâm tư mọi người. Cả hai như quyện vào nhau, dẫn đưa người thưởng ngoạn trở về với một Sài-Gòn đã mất tên trong cái giá lạnh của đêm trường, ẩn hiện những bóng hình xiêu vẹo của các Thương Bệnh Binh mắt mù, kẻ cụt tay, người cụt chân đang lê lết kiếm sống trước cảnh xa hoa của phố phường về khuya cùng với vài cảnh ngộ ngang trái của lũ công an nhà nước đang vung dùi cui vô cảm rượt đuổi, khủng bố không nương tay đám đông những người dân oan không nhà, không cửa.

Sau phần trình diễn điêu luyện của ca sĩ Huy Hoàng với bản nhạc “Chiều Trên Phá Tam Giang” của Trần Thiện Thanh, MC Bs Trần Việt Cường thay mặt BTC cám ơn tất cả quý quan khách đã ở lại đến phút cuối và quảng đại giúp phương tiện cho Quỹ Hy Vọng trong Đêm Tri Ân TBB/VNCH và TNLTVN, bản nhạc Việt Nam, Việt Nam do Ban Tù Ca Xuân Điểm trình bày với sự phụ họa nồng nhiệt của toàn thể hội trường.

Và âm hưởng rộn ràng, tươi vui của dòng nhạc, lời ca của bài Việt Nam Việt Nam tuồng như vẫn còn tiếp tục vang vọng trong tâm tưởng mọi người trên đường lái xe về nhà.

Đêm Tri Ân TBB/VNCH và TNLTVN, Chúa Nhật 06-10-2024
Người Quan Sát


(*) Các nước Đông Nam Á có trại tỵ nạn, gồm: Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Singapore, Hồng Kong, Nam Hàn và Phi luật Tân.

Phụ lục

I. Sơ khởi tổng kết Đêm Tri Ân đồng hương đóng góp hơn 40 ngàn Đô-la
II. KẾT QUẢ XỔ SỐ ĐÊM TRI ÂN CHÚA NHẬT OCT. 6, 2024

10 Lô An Ủi:
1.       139157
2.       187517
3.       172366
4.       100437
5.       180841
6.       180842
7.       139141
8.       133755
9.       187714
10.     106186
Hạng Ba – $500 – 123084
Hạng Nhì – $1,000      – 113158
Hạng Nhất – $2,000 – 108752
ĐỘC ĐẮC – $5,000 – 182087

Ban Tổ chức sẽ liên lạc trực tiếp với Quý vị chủ các vé số may mắn trên đây qua số điện thoại của Quý vị ghi trên vé số. Quý vị cũng có thể gọi Ban Tổ Chức qua số (714) 867-3839.

Bài liên quan:
  • Người Không Nhận Tội: Kha Tư Giáo
    -Duy Nhân