TIN THẾ GIỚI.

Tổng thống Jimmy Carter: Đại ân nhân của thuyền nhân tị nạn Việt Nam

Khi đó cộng đồng quốc tế đã triệu tập hội nghị về người tị nạn ở Geneva và ông Carter đã là nguyên thủ đầu tiên cam kết tăng số người tị nạn mà Mỹ tiếp nhận…

Cựu tổng thống Jimmy Carter đã giúp hàng trăm ngàn người tị nạn Việt Nam đến Mỹ và thiết lập nền tảng để Mỹ tiếp đón người tị nạn về sau mà nếu không có ông thì đã có biết bao nhiêu thuyền nhân Việt chết trên biển, những người nắm rõ vấn đề trong cộng đồng Việt Nam cho biết.

Giáo sư Lê Xuân Khoa ở bang California, người từng đứng đầu một trung tâm tư vấn về chính sách đối với người tị nạn dưới thời Tổng thống Carter, nói với VOA rằng ‘tất cả người Việt tị nạn đều nhớ ông Carter là một ân nhân’.

Ông Khoa nhắc lại lịch sử là vào năm 1979 khi mà làn sóng thuyền nhân Việt Nam ồ ạt đổ đến các nước đông nam Á, ‘đã có nhiều tàu tị nạn bị kéo trở lại ra biển và còn dọa bị bắn khiến cho nhiều người tị nạn đã chết’.

Khi đó cộng đồng quốc tế đã triệu tập hội nghị về người tị nạn ở Geneva và ông Carter đã là nguyên thủ đầu tiên cam kết tăng số người tị nạn mà Mỹ tiếp nhận từ 7 ngàn lên 14 ngàn người một tháng, tổng cộng 168 ngàn người một năm, ông Khoa kể lại những con số mà ông ‘nhớ rất rõ’.

“Từ xưa đến nay chưa bao giờ có vị tổng thống nào chấp nhận cho người tị nạn hay di dân vào nước Mỹ nhiều như vậy,” ông nói.

Ngoài ra, ông Carter còn kêu gọi các nước tạm dung người Việt tị nạn tiếp tục tiếp nhận và các nước Âu-Mỹ theo gương Mỹ để nâng con số tiếp nhận lên, cũng theo lời kể của ông Khoa.

Theo nhận định của giáo sư này thì nếu không có hành động đó thì ‘chắc chắn dân tị nạn Việt Nam đã bị đuổi về hết và các trại tị nạn cũng sẽ bị đóng cửa’.

Ông đánh giá hành động này của ông Carter là ‘rất can đảm’ trong bối cảnh tình hình chính trị và thái độ người dân Mỹ lúc đó rất bài xích dân tị nạn Việt Nam.

“Đó là hành động rất can đảm của ông Carter bằng cách giải thích cho dân chúng Mỹ rằng truyền thống nước Mỹ là tiếp nhận tị nạn, là yêu giá trị tự do dân chủ, bằng cách giải thích rằng những người tị nạn là những người đã bỏ nước ra đi, bỏ tất cả sự nghiệp và tài sản để chạy trốn cộng sản.”

“Vì thế mà dân chúng Mỹ, các chính trị gia và Quốc hội đã lắng nghe ông và đồng ý cho ông tăng số lượng tiếp nhận người tị nạn lên,” ông nói thêm.

Đóng góp lớn thứ hai của ông Carter theo ông Khoa là giúp thông qua Đạo luật Tị nạn năm 1980 mà ông đánh giá là ‘đạo luật tị nạn đầu tiên của nước Mỹ có giá trị cho đến giờ và là nền tảng để cho nước Mỹ thâu nhận người tị nạn’, trong đó có những chương trình quan trọng đối với người tị nạn Việt Nam như HO và ODP (Ra đi có trật tự).

Ông cũng chỉ ra là bà Rosalynn Carter, phu nhân của ông Carter, là người đã đứng ra vận động gây quỹ viện trợ nhân đạo cho người tị nạn. Ông ca ngợi lòng nhân hậu của ông bà Carter sau khi về hưu vẫn đi vận động khắp thế giới để xây cất nhà cho người nghèo, trong đó có người nghèo ở Việt Nam.

Theo lời ông Nam Lộc “Nếu không có sự can thiệp của ông đối với thế giới, nếu ông không ra lệnh cho các chiến hạm của Mỹ và của hải quân Mỹ cứu vớt người Việt trên Biển Đông thì có lẽ hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng trên Biển Đông,” ông nói.

Được biết sau đợt định cư 130.000 người tị nạn Việt đầu tiên đến Mỹ vào năm 1975, với làn sóng vượt biển và chính sách định cư thuyền nhân được Tổng thống Carter ban hành, từ 1977 đến 1981 đã có hơn 300.000 người tị nạn Đông Nam Á, đại đa số là thuyền nhân Việt, được Hoa Kỳ cho nhập cư, là con số người tị nạn được Mỹ nhận nhiều nhất trong một nhiệm kỳ của tổng thống.

Sau đó lãnh đạo Mỹ tiếp tục có chính sách đón nhận cho định cư thuyền nhân vượt biển, con lai, cựu tù cải tạo cũng như thân nhân được đoàn tụ gia đình qua chương trình ODP, vì thế Tổng thống Jimmy Carter được tôn vinh là một đại ân nhân của thuyền nhân tị nạn người Việt.

Tổng Thống Carter là tổng thống thứ 39 của Hoa kỳ, nhậm chức năm 1977. Ông qua đời ngày 29/12/2024, hưởng thọ 100 tuổi.


TT Zelensky: Năm 2025 Ukraina phải chiến đấu trên cả chiến trường và bàn đàm phán (RFI)

Tại Ukraina, năm 2025 đánh dấu cuộc chiến tranh chống quân Nga xâm lược chuẩn bị bước sang năm thứ 4 và là năm thứ 11 tính từ khi Nga chiếm đóng bán đảo Crimée. Tổng thống Volodymyr Zelensky, tối hôm 31/12/2024, nhấn mạnh là trong năm 2025 Ukraina sẽ chiến đấu trên cả chiến trường và bàn đàm phán.

Cho dù các lực lượng Ukraina đã chiếm được 1 phần vùng biên Kursk của Nga và Kiev có thể tận dụng làm « lá bài » để đàm phán với Nga, thế nhưng Ukraina vẫn chưa thể giành lại những vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng. Theo dự báo, năm 2025 sẽ là năm đầy khó khăn với các lượng Ukraina, trong bối cảnh thiếu thốn cả nhân lực và vũ khí.

Từ Kiev, thông tín viên Emmanuelle Chaze điểm lại tình hình :

« Người dân Ukraina hiểu được rõ việc không nên ngồi chờ xem ngày mai sẽ ra sao và chiến đấu từng ngày, từng năm cho nền tự do của mình. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã nói về năm qua như vậy, trong bối cảnh sự bất định là điều ngự trị trong năm mới đối với vài chục triệu người dân Ukraina.

Tại Ukraina, mọi con mắt đều đổ dồn về phía Washington, cho đến nay vẫn là đồng minh quan trọng nhất của Kiev, nhất là về trang thiết bị quân sự. Và mọi người đều hướng đến ngày 20/01/2025, khi nhiệm kỳ tổng thống Mỹ của Donald Trump bắt đầu, kéo theo một sự thay đổi trong chính sách mà không ai biết sẽ có hệ quả thế nào đối với việc hỗ trợ Ukraina. Trong khi đó, quân đội Ukraina năm qua đã gặp nhiều vất vả, khó khăn trong việc đối phó với các cuộc tấn công xâm lược của Nga, đặc biệt là ở miền đông, nơi quân đội Nga đã tiến gần về phía Pokrovsk và thành phố này có thể thất thủ trong những tháng sắp tới.

Nếu chiến tranh tiếp diễn, Ukraina sẽ phải suy tính lại các phương thức tuyển quân dự bị, vào lúc ngày càng nhiều người Ukraina, dẫu không phải đa số, tính đến việc phải nhượng bộ lãnh thổ sau gần 3 năm chiến tranh kinh hoàng. Năm nay, Kiev cũng sẽ phải đối mặt với thách thức về năng lượng, sau một năm các lực lượng Nga oanh tạc dữ dội vào cơ sở hạ tầng điện của Ukraina và do mối nguy bị cắt nguồn cung cấp năng lượng từ Slovakia ».

Về phía Mỹ, theo AFP, hôm 31/12 tổng thống Joe Biden thông báo một khoản viện trợ quân sự và kinh tế lớn cho Kiev, với tổng trị giá 6 tỉ đô la, trong đó có khoảng 2,5 tỉ đô la trang thiết bị quân sự và khoảng 3,4 tỉ đô la hỗ trợ ngân sách cho Kiev.


Bộ Tài chính Mỹ nói bị tin tặc Trung Cộng đánh cắp tài liệu mật (VOA)

Các tin tặc do nhà nước Trung Cộng bảo trợ đã đột nhập hành lang bảo mật máy tính của Bộ Tài chính Hoa Kỳ trong tháng này và đánh cắp tài liệu trong vụ việc mà Bộ Tài chính gọi là ‘sự cố nghiêm trọng’ theo một bức thư gửi đến các nghị sỹ mà các quan chức Bộ Tài chính đưa cho Reuters hôm 31/12.

Các tin tặc đã xâm nhập vào hệ thống BeyondTrust, nhà cung cấp dịch vụ an ninh mạng bên thứ ba, và có thể truy cập các tài liệu mật, bức thư cho biết.

Bộ Tài Chính

Theo bức thư, tin tặc ‘đã có quyền truy cập vào chìa khóa được nhà cung cấp sử dụng để bảo mật dịch vụ trên đám mây vốn được dùng để hỗ trợ kỹ thuật từ xa cho người dùng thuộc Văn phòng Bộ Tài chính (DO). Truy cập được vào chìa khóa này, đối tượng có thể vượt qua hệ thống bảo mật, truy cập từ xa một số máy tính làm việc của nhân viên Bộ Tài Chính và truy cập một số tài liệu mật mà những nhân viên này cất giữ’.

“Dựa trên các chỉ dấu có được, vụ việc được cho là do một tác nhân APT, tức Đe dọa thường trực tân tiến, do chính quyền Trung Cộng bảo trợ gây ra,” bức thư cho biết.

Bộ Tài chính cho biết họ đã được BeyondTrust cảnh báo về vụ xâm nhập vào ngày 8/12 và họ đang làm việc với Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng Hoa Kỳ (CISA) và FBI để đánh giá tác động của vụ tấn công.

Các quan chức Bộ Tài chính đã không trả lời ngay email hỏi thêm chi tiết vụ việc của Reuters. FBI cũng không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận của Reuters, trong khi CISA yêu cầu chuyển các câu hỏi đến Bộ Tài chính.

“Trung Cộng luôn phản đối tất cả các hình thức tấn công tin tặc,” bà Mao Ninh, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Cộng, cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 31/12.

Một phát ngôn nhân của Đại sứ quán Trung Cộng tại Washington bác bỏ trách nhiệm đối với vụ tin tặc, và nói rằng Bắc Kinh ‘kiên quyết phản đối các hành động công kích bôi nhọ của Mỹ nhằm vào Trung Cộng mà không có bất kỳ cơ sở thực tế nào’.

Phát ngôn nhân của BeyondTrust, công ty có trụ sở tại Johns Creek, Georgia, nói với Reuters trong một email rằng họ ‘trước đây đã xác định và có các biện pháp để giải quyết sự cố bảo mật vào đầu tháng 12 năm 2024’ liên quan đến sản phẩm hỗ trợ từ xa. BeyondTrust ‘đã thông báo đến số ít khách hàng có liên quan’ và cơ quan thực thi pháp luật đã được thông báo, người phát ngôn cho biết.

“BeyondTrust đã và đang hỗ trợ các nỗ lực điều tra.”

Người phát ngôn này cũng đề cập đến một thông cáo được đăng trên trang web của công ty vào ngày 8/12 trong đó chia sẻ một số chi tiết của cuộc điều tra, bao gồm việc chìa khóa số đã bị đánh cắp trong vụ việc và cuộc điều tra đang được tiến hành. Thông cáo đó được cập nhật lần cuối vào ngày 18/12.

Tom Hegel, nhà nghiên cứu về đe dọa tại công ty an ninh mạng SentinelOne, cho biết sự cố bảo mật được báo cáo ‘phù hợp với mô hình hoạt động được ghi nhận nhiều của các nhóm tin tặc dính đến Trung Cộng, với trọng tâm đặc biệt là quấy phá dịch vụ đáng tin cậy của bên thứ ba – phương pháp ngày càng trở nên nổi bật trong những năm gần đây,” ông cho biết.


Kiev và Matxcơva oanh kích lẫn nhau ngày giao thừa (RFI)

Hôm 31/12/2024, ngày cuối năm 2024, chiến trường Ukraina vẫn không im tiếng bom đạn. Nga bắn tên lửa vào thủ đô Kiev và phía bắc Ukraina, trong khi quân đội Ukraina tiến hành một đợt tấn công bằng drone gây hỏa hoạn một kho chứa nhiên liệu tại Smolensk, phía tây nước Nga.Tuy nhiên, hôm qua, 30/12, Nga và Ukraina đã tiến hành một đợt trao đổi tù binh mới liên quan đến hơn 300 người.

Thông tín viên đài RFI Jean-Didier Revoin tường trình từ Matxcơva :

« Nhờ vào sự hòa giải của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Kiev và Matxcơva hôm qua, đã tiến hành một đợt trao đổi tù binh mới theo nguyên tắc 150 người Ukraina đổi lấy 150 người Nga. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky khẳng định rằng tổng cộng có 189 người Ukraina đã được thả, bao gồm nhiều binh sĩ và hai thường dân. Matxcơva đã không phản đối về con số này.

Theo quân đội Nga, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã bảo đảm một sự hòa giải nhân đạo để đưa các quân nhân Nga bị bắt giữ trở về nước. Hiện số người này đang ở Belarus, quốc gia đồng minh của Matxcơva và là láng giềng của Ukraina. Họ nhận được hỗ trợ về tâm lý và y tế trong khi chờ đợi trở về Nga.

Tính từ đầu cuộc chiến tháng 2/2022, gần 60 đợt trao đổi tù nhân đã diễn ra giữa Kiev và Matxcơva. Lần gần đây nhất là hồi trung tuần tháng 10, với cuộc trao đổi 95 tù binh mỗi bên. »


Gruzia: Phong trào phản kháng chính quyền thân Nga tiếp tục, bất chấp các biện pháp đàn áp mới (RFI).

Sau khi tổng thống mãn nhiệm Gruzia, Salome Zourabichvili, rời khỏi phủ tổng thống hôm qua 29/12/2024, biểu tình tiếp tục diễn ra tại thủ đô Tbilisi trước trụ sở Quốc Hội.

Bất chấp các biện pháp đàn áp mới, mà tân tổng thống Mikheïl Kavelachvili đưa ra ngay sau khi nhậm chức, phong trào không có dấu hiệu chùn bước. Một cuộc biểu tình lớn dự kiến sẽ diễn ra đêm Giao Thừa, ngày 31/12/2024;

Phóng sự tại Tbilisi của đặc phái viên Julien Chavanne, với sự cộng tác của Irma Inaridze :

« Dán áp phích lên tường sẽ bị phạt số tiền tương đương hơn 300 euro. Chiếu tia laser bị phạt gần 700 euro, gấp gần hai tháng lương trung bình ở đây. Ngay sau khi nhậm chức, tân tổng thống Mikheil Kavelachvili đã quyết định ưu tiên việc thông qua nhiều đạo luật đàn áp. Quyền hạn của cảnh sát trong việc bắt bớ và câu lưu được mở rộng. Việc sa thải công chức trở nên dễ dàng hơn. 

Đối với phe đối lập, tại Gruzia từ giờ trở đi, quyền tự do ngôn luận đã bị lâm nguy. Tuy nhiên, tại khu vực trước trụ sở Quốc Hội, các đe dọa mới dường như đã không làm phong trào bị chựng lại, như lời ghi nhận của một phụ nữ biểu tình trẻ, có mặt ở đây : ‘‘người ta muốn làm cho chúng tôi sợ hãi, rõ ràng là như vậy. Nhưng việc này không có tác dụng. Chúng tôi không sợ, chúng tôi sẽ tiếp tục, bởi chúng tôi biết sẽ luôn có người hỗ trợ chúng tôi’’. 

Nếu như cảnh sát và bộ máy tư pháp nằm trong tay đảng Giấc mơ Gruzia, quân đội vẫn giữ khoảng cách với chính quyền. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử đất nước, đã không có lễ duyệt binh trong lễ nhậm chức của tổng thống »;

Theo các thông tin từ Tbilisi, dân chúng tại đây chờ đợi phong trào phản kháng sẽ còn kéo dài ít nhất trong nhiều tháng nữa. 

Dự luật Mỹ : Zourabichvili là « lãnh đạo hợp pháp duy nhất » của Gruzia

Trên mạng X, dân biểu Joe Wilson, đảng Cộng Hòa, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện, hôm 28/12, cho biết vào tuần tới ông sẽ đệ trình lên Hạ Viện một dự luật không thừa nhận « chế độ độc tài bất hợp pháp » tại Gruzia, và công nhận tổng thống mãn nhiệm Salome Zourabichvili là « lãnh đạo duy nhất hợp pháp cho đến khi có bầu cử tự do và công bằng ». Trước đó một ngày, cũng vị dân biểu này cho biết tổng thống Salome Zourabichvili đã được mời đến dự lễ nhậm chức của tổng thống Donald Trump ngày 20/01/2025.

Hôm qua khi rời phủ tổng thống, bà Salome Zourabichvili cho biết bà vẫn là « tổng thống hợp pháp duy nhất » của Gruzia.


Diễn văn năm mới: Tổng thống Đài Loan kêu gọi tăng cường phòng thủ trước mối đe dọa từ Trung Cộng (RFI)

Phát biểu trong buổi họp báo đầu năm mới, tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức hôm 01/01/2025, cam kết tăng cường khả năng phòng thủ của hòn đảo trước các mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Cộng nhưng cũng đồng thời hoan nghênh các cuộc trao đổi bình đẳng và tôn trọng với Bắc Kinh.

Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức

Hãng tin AP trích dẫn phát biểu của tổng thống Đài Loan, cho biết : “Các quốc gia độc tài như Trung Cộng, Nga, Bắc Triều Tiên và Iran vẫn đang hợp tác để đe dọa trật tự quốc tế. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cũng như hòa bình, ổn định của toàn thế giới,”. Trước tình hình đó, ông Lại nhấn mạnh : “Đài Loan phải chuẩn bị đối phó với các mối nguy hiểm ngay từ trong thời bình. Phải không ngừng tăng ngân sách quốc phòng để củng cố năng lực phòng thủ, nhằm thể hiện quyết tâm bảo vệ đất nước. Mỗi người dân đều có trách nhiệm bảo vệ nền dân chủ và an ninh của Đài Loan,”.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết “Đài Loan hy vọng có các cuộc trao đổi công bằng, dựa trên luật lệ với Trung Cộng, theo nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi” nhưng bày tỏ nghi ngờ về thiện chí từ Bắc Kinh. Theo ông, Trung Cộng đang cản trở những trao đổi đơn giản giữa hai bên như cho phép công dân đi du lịch. Bắc Kinh đang áp đặt hạn chế đối với khách du lịch Trung Cộng đến Đài Loan hoặc sinh viên Trung Cộng học tập trên hòn đảo này, trong khi Đài Bắc không áp dụng các lệnh cấm tương tự đối với người Đài Loan đến Trung Cộng. Do vậy, tổng thống Đài Loan đã đặt câu hỏi tại sao công dân Trung Cộng có thể tự do đến các quốc gia như Hoa Kỳ và Nhật Bản, nhưng lại bị kiểm soát khi muốn tới Đài Loan. “Liệu điều này có thực sự thể hiện thiện chí đối với Đài Loan? Họ không thể đối xử công bằng với mọi người hay sao?

Về phần mình, trong bài diễn văn năm mới, chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình tuyên bố rằng “không ai có thể ngăn cản” việc thống nhất Đài Loan. Hãng tin AFP trích lời ông Tập được phát đi trên sóng truyền hình Nhà nước, cho biết : “Người dân Trung Cộng ở hai bờ eo biển Đài Loan là trong một gia đình. Không ai có thể cắt đứt mối quan hệ máu mủ của chúng ta, và không ai có thể ngăn cản xu thế phát triển của lịch sử là thống nhất (Đài Loan) về đất mẹ.”


Ukraina – Syria tái lập quan hệ ngoại giao, mở ra giai đoạn hợp tác mới (RFI)

Chính quyền Ukraina và chế độ mới tại Syria đã chính thức tái lập quan hệ ngoại giao sau nhiều năm gián đoạn dưới thời nhà độc tài Bachar Al Assad mà chế độ Putin hậu thuẫn. Tiếp đón ngoại trưởng Ukraina, Andriy Sybiha, tại Damas vào hôm 30/12/2024, tân ngoại trưởng Syria, Assaad Hassan al Chibani, tuyên bố cácquan hệ đối tác chiến lượcgiữa Syria và Ukraina, sẽ diễn ra trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và khoa học.

Tân lãnh đạo Syria, Ahmed Hussein al Charaa (phải) tiếp Ngoại trưởng Ukraine Andriy Sybiha

Theo Reuters, phái đoàn cấp cao của Ukraina, do ngoại trưởng Andriy Sybiha dẫn đầu, cũng đã có cuộc gặp với tân lãnh đạo Syria, Ahmed Hussein al Charaa. Ông Al Charaa nhận định « nhân dân Syria và Ukraina có cùng trải nghiệm và cùng phải chịu đựng những nỗi đau khổ giống nhau » trong suốt nhiều năm qua, ý nói đến cuộc nội chiến tàn khốc tại Syria nổ ra từ năm 2011 và cuộc kháng chiến của Ukraina chống lại quân Nga.

Từ Kiev, thông tin viên Emmanuelle Chaze cho biết thêm về ý nghĩa chuyến công du của ngoại trưởng Ukraina :

« Đây là một thời khắc lịch sử đối với cả hai nước : Kiev đã mở lại đại sứ quán Ukraina tại Damas sau 8 năm không hoạt động và 2 năm cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao. Chế độ Bachar Al Assad, do Nga hậu thuẫn, hồi năm 2022 đã công nhận nền độc lập của các vùng lãnh thổ của Ukraina là Lugansk và Donetsk mà Nga chiếm đóng bất hợp pháp.

Chuyến thăm của ngoại trưởng Ukraina, Andriy Sybiha, đến Damas và cuộc gặp của ông với Ahmed Al Sharaa, tân lãnh đạo trên thực tế tại Syria mới được giải phóng khỏi chế độ độc tài Assad, cho thấy cả hai bên đều mong muốn hợp tác.

Ngoại trưởng Ukraina, Andriy Sybiha, đã đề cập đến một số hợp tác : Về tư pháp, ông đề nghị là Ukraina sẽ hỗ trợ Damas điều tra về các tội ác chống nhân dân Syria mà chế độ Assad đã gây ra. Về cứu trợ nhân đạo, ngoại trưởng Ukraina khẳng định Kiev sẽ chuyển cho Syria 500 tấn lúa mỳ trong khuôn khổ một chương trình lương thực mang tên Ngũ cốc của Ukraina mà Kiev đã phát động hồi cuối năm 2022.

Đối với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, đây là một cơ hội để tái lập sự ổn định tại Syria sau nhiều năm Nga can thiệp vào nước này. Tổng thống Ukraina cũng đã bày tỏ hy vọng rằng, không như chính quyền Assad trước đây, chế độ mới tại Damas sẽ tôn trọng luật nhân đạo quốc tế ».


Đại sứ Israel tại LHQ cảnh báo Houthi sẽ chịu chung số phận với Hamas, Hezbollah (VOA)

Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc hôm 30/12 đã đưa ra điều mà ông gọi là lời cảnh báo cuối cùng đối với các chiến binh Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen là phải ngừng các cuộc tấn công tên lửa vào Israel, nói rằng họ có nguy cơ phải chịu ‘số phận bi thương’ như Hamas, Hezbollah và cựu tổng thống Syria Bashar al-Assad nếu họ vẫn cứng đầu.

Đại sứ Danny Danon cũng cảnh báo Tehran rằng Israel có khả năng tấn công bất kỳ mục tiêu nào ở Trung Đông, bao gồm cả Iran. Ông nói thêm rằng Israel sẽ không dung thứ cho các cuộc tấn công của các nhóm có liên hệ với Iran.

Vài giờ sau, quân đội Israel thông báo họ đã đánh chặn một tên lửa được bắn lên từ Yemen, khiến còi báo động vang lên khắp đất nước.

Quân Houthi đã nhắm bắn vào sân bay Ben Gurion gần Tel Aviv và một nhà máy điện ở phía nam Jerusalem với tên lửa đạn đạo siêu thanh và tên lửa đạn đạo Zulfiqar, phát ngôn nhân quân sự Houthi, Yahya Saree, cho biết hôm 31/12.

Quân Houthi sẽ không chấm dứt các cuộc tấn công vào Israel, ông Mohamed Ali al-Houthi, người đứng đầu ủy ban cách mạng tối cao của Houthi, cho biết sau khi quân đội Israel tuyên bố đã đánh chặn tên lửa.

Cuộc tấn công vào thực thể (tức Israel) vẫn tiếp tục và sự hỗ trợ cho Gaza vẫn tiếp tục,” ông viết trên X.

Quân Houthi đã nhiều lần phóng máy bay không người lái và tên lửa về phía Israel trong hành động mà họ mô tả là đoàn kết với người Palestine hiện đang hứng hỏa lực của Israel ở Gaza.

Đại sứ Danon phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng Israel sẽ không dung thứ cho các cuộc tấn công nữa của Houthi.

“Đối với quân Houthi, có lẽ quý vị đã không để ý đến những gì đã xảy ra ở Trung Đông trong năm qua,” ông nói.

Vâng, hãy để tôi nhắc nhở quý vị những gì đã xảy ra với Hamas, Hezbollah, và Assad, với tất cả những ai muốn hủy diệt chúng tôi. Hãy xem đây là lời cảnh báo cuối cùng cho quý vị. Đây không phải là lời đe dọa. Đây là lời hứa. Quý vị sẽ cùng chịu số phận thảm thương như vậy,” Danon nói.

Trước cuộc họp, ông Danon nói với các phóng viên: “Israel sẽ bảo vệ người dân của mình. Nếu khoảng cách 2.000 km không đủ để tách rời người dân chúng tôi với bọn khủng bố, thì tôi đảm bảo với quý vị rằng nó cũng không đủ để giữ cho bọn chúng không khỏi kinh hoàng trước sức mạnh của chúng tôi”.

Tuần trước, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo Houthi rằng Israel ‘chỉ mới bắt đầu’ sau các cuộc tấn công của Israel vào nhiều mục tiêu có dính đến Houthi ở Yemen, bao gồm sân bay Sanaa, các cảng ở bờ biển phía tây của đất nước và hai nhà máy điện.

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết ông đang chuẩn bị lên máy bay tại sân bay thì bị Israel tấn công. Một thành viên phi hành đoàn trên máy bay đã bị thương, ông nói.

Việc Israel thủ tiêu các thủ lĩnh hàng đầu của Hamas và Hezbollah ở Lebanon và phá hủy cấu trúc quân sự của họ cùng với sự sụp đổ của chế độ Assad là chuỗi những chiến thắng quan trọng cho ông Netanyahu.

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an, Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về Trung Đông Khaled Khiari nhắc lại quan ngại sâu sắc về sự leo thang bạo lực, kêu gọi Houthi ngừng các cuộc tấn công vào Israel và tôn trọng luật pháp quốc tế và nhân đạo.

“Leo thang quân sự hơn nữa có thể gây nguy hiểm cho ổn định khu vực với những hậu quả bất lợi về chính trị, an ninh, kinh tế và nhân đạo,” ông Khiari nói.

“Hàng triệu người ở Yemen, Israel và trên khắp khu vực sẽ tiếp tục ở nơi đầu sóng ngọn gió phải gánh chịu hậu quả của hành động leo thang không hồi kết.”


Tòa án Nam Hàn ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Yoon (VOA)

Hôm thứ Ba 31/12, một tòa án Nam Hàn phê chuẩn lệnh bắt giữ Tổng thống Yoon Suk Yeol, người đã bị luận tội và bị đình chỉ quyền lực vì quyết định ban bố thiết quân luật vào ngày 3/12, các cơ quan điều tra cho biết.

Văn phòng Điều tra Tham nhũng Trong Các Quan chức Cấp cao (CIO) xác nhận Tòa án Quận Tây Seoul đã phê chuẩn lệnh mà các điều tra viên đã đề nghị. Họ là những người điều tra việc ông Yoon ban bố thiết quân luật chỉ có hiệu lực trong thời gian ngắn.

Theo truyền thông Nam Hàn, đây là lệnh bắt giữ đầu tiên được ban hành nhằm vào một tổng thống đương nhiệm ở Nam Hàn.

CIO không bình luận về lý do tòa án cấp lệnh bắt giữ. Tòa án cũng từ chối bình luận.

Hiện chưa rõ lệnh bắt giữ ông Yoon sẽ được thực hiện khi nào hoặc như thế nào. Cơ quan an ninh tổng thống Nam Hàn cho biết trong một tuyên bố hôm 31/12 rằng họ sẽ xử lý lệnh bắt giữ theo đúng trình tự tố tụng.

Tòa án cũng đã phê chuẩn lệnh khám xét nơi ở của ông Yoon, CIO cho hay.

Trước đó, cảnh sát đã cố gắng nhưng không thành công trong việc đột kích văn phòng tổng thống trong khuôn khổ cuộc điều tra, do cơ quan an ninh tổng thống chặn đường vào.

Ông Yoon đang phải đối mặt với một cuộc điều tra hình sự về khả năng ông phạm tội phản loạn. Phản loạn là một trong số ít những tội danh mà tổng thống Nam Hàn không được miễn trừ.

Nhà lãnh đạo tạm quyền của Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền của Nam Hàn, Kweon Seong-dong, nói hôm 31/12 rằng việc cố gắng bắt giữ một tổng thống đương nhiệm là không phù hợp, theo hãng thông tấn Yonhap.


TIN VIỆT NAM.

Luật sư Trần Đình Triển sắp ra tòa vì ‘nói xấu’ ông Nguyễn Hòa Bình

Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử luật sư Trần Đình Triển vào ngày 9 tháng 1 năm 2025, dưới cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.

Thông tin trên được luật sư Nguyễn Duy Bình, người bào chữa cho ông Trần Đình Triển, đăng tải công khai trên trang Facebook cá nhân vào ngày 29 tháng 12.

Luật sư Trần Đình Triển bị bắt giam từ tháng 6 năm 2024, phía công an cáo buộc ông vi phạm điều 331 của bộ luật hình sự, vì đã “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” trên không gian mạng.

Cụ thể, ông Triển bị cáo buộc đăng tải các bài viết lên trang Facebook cá nhân chứa nội dung “xâm phạm lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, trong trường hợp này là ngành tòa án và cá nhân lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao.

Theo nội dung bản cáo trạng được luật sư Nguyễn Duy Bình công khai trên mạng xã hội, thì sở dĩ luật sư Trần Đình Triển vướng vòng lao lý vì hai bài viết, có các tựa đề “Nguyễn Hòa Bình –  Những cái nhất khi làm Chánh án”, và “Ông Nguyễn Hòa Bình nói đúng hay sai?!”.

Từ đó có thể suy ra, vị lãnh đạo tòa tối cao có lợi ích bị xâm phạm trong vụ án này là ông Nguyễn Hòa Bình, do ở thời điểm các bài viết trên được đăng tải, ông này đang giữ ghế chánh án tòa tối cao.

Nếu bị tuyên có tội trong phiên tòa sắp tới, luật sư Trần Đình Triển có nguy cơ phải đối diện với mức án tối đa là 7 năm tù giam.

Nhiệm kỳ chánh án tòa tối cao của ông Nguyễn Hòa Bình được gắn với vụ án của Hồ Duy Hải, người bị tòa tuyên tử hình dưới cáo buộc giết người, cướp tài sản vào năm 2009, nhưng đã một mực kêu oan.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao sau đó đã kháng nghị bản án này vào tháng 11 năm 2019, do phát hiện nhiều sai sót trong khâu điều tra và xét xử. Tuy nhiên, tòa tối cao dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Hòa Bình sau đó đã ra quyết định giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải, trong phiên xét xử giám đốc thẩm diễn ra vào tháng 5 năm 2020.

Hai tháng sau khi luật sư Trần Đình Triển bị bắt, ông Nguyễn Hòa Bình được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng Chính phủ, trong phiên họp quốc hội hồi tháng 8 năm 2024. (RFA)


Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Tuý bị ngăn cản kỷ niệm 105 năm Đản sanh của Đức Huỳnh Giáo chủ

Các tín đồ Phật giáo Hòa hảo ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ không theo tổ chức đăng ký với Nhà nước bị ngăn cấm tập trung tổ chức đại lễ kỷ niệm 105 ngày sinh của Đức Huỳnh Phú Sổ vào ngày 25/11 Âm lịch (25/12 Dương lịch). 

Từ ngày 23/12, Công an huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang lập chốt ở hai phía con đường dẫn vào trụ sở tạm thời của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý (PGHHT) ở xã Long Giang, để kiểm soát và hạn chế người qua lại. 

Một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thuần túy thắp hương kỷ niệm 105 năm ngày Đản sinh của Đức Huỳnh Giáo chủ (25/11 Âm lịch) tại tư gia. Nguồn: RFA

Trước đó, công an đã đến và yêu cầu miệng không cho tổ chức lễ Đản sanh, cấm dựng lễ dài, và cấm treo băng rôn có dòng chữ “Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý.

Ông Hà Văn Duy Hồ, hội trưởng PGHHTT tỉnh An Giang, người chịu trách nhiệm tổ chức lễ Đản sanh ở trụ sở của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHHTT, cho biết năm nay huyện Chợ Mới thực hiện việc cấm đoán khắt khe hơn trước. 

Ông nói chính quyền đưa an ninh mặc thường phục xuống canh gác gần tư gia của các chức sắc của giáo hội vài ngày trước ngày lễ, theo sát mỗi khi họ đi ra khỏi nhà, và ngăn cản khi họ định đi đến trụ sở của Ban Trị sự Trung ương. 

Bản thân ông bị canh gác gắt gao từ ngày 15/12, sớm hơn nhiều so với các năm trước. Ông nói với RFA trong ngày 26/12: 

“Cấm tín đồ Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý chúng tôi, không được làm lễ và không được đi đến để dự lễ, như vậy là đã sai phạm với Luật tôn giáo rồi, đã sai phạm với quyền tự do tín ngưỡng của tín đồ Phật giáo Hoà Hảo.”

Phóng viên gọi điện cho Công an huyện Chợ Mới để kiểm chứng thông tin nhưng người trực điện thoại yêu cầu đến trụ sở cơ quan để được lãnh đạo cung cấp thông tin.

Chúng tôi cũng nói chuyện với một tín đồ ở tỉnh Vĩnh Long và một trị sự viên của PGHHTT ở tỉnh Đồng Tháp và họ đều xác nhận bị cơ quan an ninh đóng chốt gần nhà, ngăn cản họ đến An Giang dự lễ. 

Trong khi đó, Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo – một tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được tổ chức kỷ niệm 105 Đại lễ Đản sanh của Đức Huỳnh Phú Sổ một cách rầm rộ ở chùa An Hòa Tự, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân (An Giang) có sự tham gia của Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước. 


Chính phủ dự chi 130.000 tỷ đồng để sắp xếp, tinh gọn hệ thống

Dự thảo Nghị định đề nghị Chính phủ chi 130.000 tỷ đồng (hơn 5 tỷ USD) để giải quyết chế độ cho cán bộ, công chức… khi sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy làm việc của hệ thống chính trị, việc này được cho sẽ giúp tiết kiệm được 113.000 tỷ trong năm năm tới. 

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình Chính phủ dự thảo Nghị định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Trong đó nêu rõ chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi; chính sách với cán bộ được kéo dài thời gian công tác; chính sách nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức; chính sách nghỉ thôi việc đối với viên chức và người lao động (trừ viên chức và người lao động làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập khác). 

Mạng báo Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) dẫn dự thảo hôm 29/12 cho biết, dự kiến cần 130 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chính sách, chế độ do ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập. Con số này xấp sỉ với giá trị xuất khẩu gạo trong năm 2024 (5,05 tỷ USD). 

Trong đó, có 111 nghìn tỷ đồng chi trả chính sách, chế độ đối với cán bộ; 4.000 tỷ đồng chi trả chính sách, chế độ đối với người lao động; 9.000 tỷ đồng chi trả chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức cấp xã; 4.000 tỷ đồng kinh phí đóng bảo hiểm xã hội và 2.000 tỷ đồng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng.

Việc tinh giản biên chế sẽ làm giảm chi thường xuyên và giảm kinh phí từ ngân sách nhà nước để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn…, quỹ tiền thưởng.

Trong năm năm, ngân sách Nhà nước dự kiến tiết kiệm chi khoảng 113.000 tỷ đồng.

Trước đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cảnh báo việc tái sắp xếp bộ máy làm việc và tinh giản biên chế lần này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 100 nghìn người, yêu cầu phải bảo đảm bộ máy vận hành, hoạt động liên tục, không đứt đoạn để phục vụ người dân, doanh nghiệp; cố gắng hạn chế thấp nhất các tiêu cực phát sinh.


Sư Minh Tuệ và đoàn bộ hành đã đến Thái Lan

Cập nhật lúc 12:45 PM ngày 31/12/2024 giờ miền Đông Hoa Kỳ

Đoàn bộ hành của sư Minh Tuệ rời cửa khẩu Vang Tao của Lào và bước qua cửa khẩu Chong Mek của Thái Lan vào lúc khoảng 10 giờ 30 phút sáng ngày 31/12/2024 sau 19 ngày ở Lào. 

Video trực tiếp từ ông Đoàn Văn Báu cho thấy, sư Minh Tuệ cùng các sư Minh Tạng, Minh Trí, Chơn Trí, An Lạc và Vô Sanh được tạo điều kiện xuất cảnh khỏi Lào và nhập cảnh Thái Lan một cách đơn giản, mọi thủ tục đều có những tình nguyện viên lo trước. 

Tại cửa khẩu Chongmex, thuộc tỉnh Ubonratchathani (thường được gọi tắt là tỉnh Ubon) thuộc Thái Lan trên biên giới với Lào, khoảng 100 người, chủ yếu là tiểu thương và tài xế xe tuktuk người Thái Lan và Lào, mưu sinh tại khu vực sát biên giới, đã tập trung trước cửa khẩu để chào đón đoàn bộ hành. Khoảng 20 YouTuber Việt Nam cũng đã có mặt tại cửa khẩu từ sớm để đưa tin.

Những người dân mang theo hoa và nước, quỳ trước cổng ra vào cửa khẩu, rải hoa và vẩy nước dưới đường đi như một nghi thức đảnh lễ với các nhà sư.

Đi cùng tăng đoàn, ngoài hai YouTuber quen thuộc trong hành trình bộ hành qua đất Lào là ông Đoàn Văn Báu và Lê Khả Giáp, còn có bốn tình nguyện viên khác đảm nhận công việc hậu cần là người Thái và hai cảnh sát thuộc tỉnh Ubon được điều động để giữ trật tự.

Theo YouTuber Đoàn Văn Báu, đoàn sẽ đi bộ 1.300 km trong hai tháng trên đất Thái Lan trước khi vào Myanmar để tiếp tục hành trình đến đất Phật là Ấn Độ.

Đoàn của sư Minh Tuệ xuất phát từ cửa khẩu Bờ Y, Gia Lai của Việt Nam vào ngày 12/12 và đi qua các tỉnh Attapeu, Sekong, Champasak, thành phố Pakse (thuộc tỉnh Champasak)… rồi đến cửa khẩu đường bộ Vang Tao vào sáng 31/12 .

Theo lời ông Báu, người đi theo đoàn lo các thủ tục, đoàn của sư Minh Tuệ sẽ bộ hành đến tỉnh Mae Sot của Thái Lan để xuất cảnh qua Myanmar theo lộ trình hành hương đến Ấn Độ để đảnh lễ các thánh tích Phật giáo. 

Đến hết năm 2024, thêm một nhà tu hành chân chính, lương thiện đã phải bỏ nước ra đi.


Tỷ lệ sinh của Việt Nam giảm xuống mức thấp kỷ lục

Tỷ lệ sinh của Việt Nam đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là 1,91 con/phụ nữ – đánh dấu năm thứ ba liên tiếp tỷ lệnh sinh của Việt Nam giảm xuống dưới mức thay thế, Thông tấn xã Việt Nam, dẫn nguồn từ Cục Dân số thuộc Bộ Y tế cho biết.

Số liệu của cơ quan này được dẫn lại cho thấy tỷ lệ sinh của Việt Nam tuần tự giảm trong vài năm qua: từ 2,11 con/phụ nữ vào năm 2021 xuống còn 2,01 vào năm 2022 và tiếp tục xuống còn 1,96 vào năm 2023.

Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong vài năm tới. Một nguyên nhân là nguồn lực do chính quyền trung ương và địa phương đầu tư cho công tác dân số không đủ, theo một bài đăng trên trang web của Bộ Y tế dẫn lời Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương được Bloomberg dẫn lại.

Theo lời ông Phạm Vũ Hoàng, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, được hãng tin nhà nước dẫn lại thì dân số Việt Nam có thể bắt đầu giảm sau năm 2054 nếu tỷ lệ sinh tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Các dự báo cho thấy dân số Việt Nam có thể giảm 0,04% từ năm 2054 đến năm 2059 và 0,18% từ năm 2064 đến năm 2069, tương đương với giảm trung bình 200.000 người mỗi năm.

Ngược lại, nếu Việt Nam duy trì được tỷ lệ sinh ở mức thay thế, thì hàng năm nước này sẽ có mức tăng dân số nhẹ là 0,17%, tức có thêm khoảng 200.000 người mỗi năm, ông Hoàng được dẫn lời nói.

Cũng như nhiều quốc gia trên khắp châu Á vốn đang chứng kiến tỷ lệ sinh giảm, Việt Nam ngày càng lo ngại về tác động lâu dài của tỷ lệ sinh giảm và dân số già đi.

Việt Nam thậm chí còn phải nhờ tới các show hẹn hò và áp phích tuyên truyền để khuyến khích người trẻ sinh con nhiều hơn khi mà cấu trúc dân số cùng nhu cầu tài chính đã dẫn đến việc nhiều người muốn có gia đình ít con hơn.

Tỷ lệ sinh thấp kéo dài có thể dẫn đến tình trạng thiếu lao động, dân số già nhanh chóng và căng thẳng về an sinh xã hội. Việt Nam là một trong những quốc gia có dân số già nhanh nhất thế giới, theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc. Vào năm 2019, người từ 60 tuổi trở lên chỉ chiếm 11,9% tổng dân số nước này nhưng sẽ tăng lên hơn 25% vào năm 2050, hãng tin Bloomberg dẫn nguồn từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc cho biết.

Dự thảo Luật Dân số đề xuất một số biện pháp để khuyến sinh, bao gồm hỗ trợ công nhân nuôi con nhỏ. Nó cũng đề nghị sửa đổi quy định phạt những gia đình sinh con thứ ba, khuyến khích phụ nữ kết hôn trước 30 tuổi và có hai con trước 35 tuổi.

Dự thảo luật này dự kiến sẽ được trình ra Quốc hội thảo luận trong kỳ họp thứ 10 vào đầu năm sau, theo Bloomberg.

Việt Nam trở thành quốc gia đông dân thứ ba ở Đông Nam Á và là đông dân thứ 15 trên thế giới khi dân số của họ vượt mức 100 triệu người vào năm 2023.

Quốc gia này đã bước vào thời kỳ dân số vàng vào năm 2007 sau khi chính thức đạt mức sinh thay thế vào năm 2006.

Hôm 15/10, ông Nguyễn Thiện Nhân, người từng là Ủy viên Bộ Chính trị và chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã cảnh báo tại một hội thảo về công tác dân số ở thành phố Hồ Chí Minh rằng dân số Việt Nam có thể sẽ giảm xuống còn 46 triệu dân, tức là giảm hơn một nửa, vào năm 2200, nếu tỷ lệ sinh thấp như hiện nay tiếp tục được duy trì.

Ông lưu ý rằng chính quyền Việt Nam cần có sự thay đổi đột phá về chính sách kinh tế, xã hội cũng như dân số, nếu không thì tỷ suất sinh ở Việt “sẽ tiếp tục giảm sâu dưới 2,1 và duy trì lâu dài”.

Số liệu của Tổng cục Thống kê được VietNamNet trích dẫn cho thấy dân số của Việt Nam trong năm 2023 là trên 100,3 triệu người, tăng gần 835.000 người – tương đương với 0,84% – so với năm 2022.

Cũng theo cơ quan này, Việt Nam đã duy trì mức sinh thay thế trong suốt 15 năm kể từ năm 2006 cho đến 2021.


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 16-17-18/12/2024.
  • Tổng thống Zelensky họp với nhiều lãnh đạo Liên Âu về tương lai của Ukraina
  • TT Trump sẽ cử đặc phái viên về Ukraina đi châu Âu vào đầu năm 2025
  • Ukraina thừa nhận thực hiện vụ ám sát một tướng Nga ở Matxcơva
  • Liên Hiệp Châu Âu mong muốn tương lai Syria “không có Nga và Iran”
  • Tập Cận Bình thanh trừng cả những người thân tín trong quân đội
  • Nam Hàn: Luật sư tổng thống Yoon phản bác mọi cáo buộc về “nổi loạn”
  • Syria: Nga vẫn chưa quyết định về tương lai của các căn cứ quân sự
  • Ám sát các tướng Nga tại Matxcơva: Màn phô trương thế mạnh của điệp viên Ukraina
  • Philippines gửi nhu yếu phẩm cho quân nhân đồn trú ở Biển Đông
  • Đài Loan tiếp nhận lô xe tăng Abrams đầu tiên của Mỹ
  • Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam 2024 tại TP Houston, Texas, Hoa Kỳ
  • WSJ: Việt Nam là mục tiêu của chính quyền Trump 2.0, khác với lần trước
  • CSVN tinh gọn: Giảm 5 bộ và 5 cơ quan trực thuộc Chính phủ
  • Thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi trả tự do cho Phạm Chí Dũng, Phạm Đoan Trang
  • USCIRF vô cùng quan ngại về sự đàn áp ‘leo thang’ ở Việt Nam
  • Dự án 88: csVN bóp nghẹt hơn quyền lập hội
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 9-10-11/12/2024.
  • Trump kêu gọi 'ngừng bắn ngay lập tức' ở Ukraine sau khi gặp ông Zelensky ở Paris
  • Hoa Kỳ công bố gần 1 tỷ đôla viện trợ quân sự cho Ukraine
  • Lý giải chiến thắng thần tốc của quân nổi dậy Syria
  • Syria: Thủ tướng lâm thời cam kết bảo đảm ổn định và yên bình cho đất nước
  • Tổng thống Biden kêu gọi đưa ra chiến lược mới nhắm vào Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran
  • Nga trả giá đắt với chiến thuật 'cối xay thịt' ở Ukraine
  • Israel và Mỹ oanh kích nhiều mục tiêu tại Syria sau khi chế độ Assad sụp đổ
  • Thủ tướng Ba Lan: Khả năng có các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine vào mùa đông này
  • Trung Cộng tăng cường sự hiện diện quân sự quanh Đài Loan
  • Quân đội Đài Loan “sẵn sàng chiến đấu” sau khi Trung Quốc áp đặt 7 “khu vực không phận hạn chế”
  • 2 quan chức Việt Nam bị cáo buộc tấn công tình dục 2 nữ bồi bàn ở New Zealand
  • CSVN không giải thể Ban Kinh tế Trung ương
  • Việt Nam khẳng định ‘ưu tiên hàng đầu’ quan hệ với Trung cộng
  • CsVN lập thêm “Cục Phòng, chống lãng phí”
  • Bốn trong năm luật sư của Tịnh Thất Bồng Lai đã đến Mỹ tị nạn chính trị
  • Thánh TRƯƠNG BỬU DIỆP được tôn kính khắp Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ.
    Trần Nguyên Thao
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 25-26-27/11/2024.
  • NATO, Ukraina họp tại Bruxelles sau vụ Nga bắn tên lửa đạn đạo vào Ukraina
  • Paris và Luân Đôn lập liên minh điều lính sang Ukraina ?
  • Liban: Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah bắt đầu có hiệu lực
  • Hoa Kỳ: Công tố viên đặc biệt hủy hai vụ truy tố Donald Trump
  • Nhóm tàu tấn công của Hải quân Mỹ hoạt động ở Biển Đông
  • Đội ngũ của Trump ký thỏa thuận chuyển giao với Nhà Trắng của Biden
  • Trung Cộng: Bộ trưởng Quốc Phòng Đổng Quân bị điều tra vì tham nhũng ?
  • Task Force Ayungin: Mỹ ngầm ủng hộ chủ quyền của Philippines đối với Bãi Cỏ Mây
  • Trump chọn một nhân vật chống Trung Cộng làm Đại diện Thương mại
  • Mỹ nghiên cứu bố trí tên lửa tại Nhật Bản trong trường hợp khủng hoảng Đài Loan
  • Việt Nam phạt tù 9 nhà sư, nhà hoạt động Khmer Krom
  • VinFast báo lỗ 550 triệu USD trong quý 3
  • Việt Nam là cửa ngõ của hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ cấm vận
  • Gần 4 tháng Kon Tum hứng chịu hơn 60 trận động đất
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 18-19-20/11/2024.
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga
  • Tổng thống Nga ký sắc lệnh mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân
  • Ukraine lần đầu tiên tấn công Nga bằng tên lửa của Mỹ vào ngày thứ 1.000 của cuộc chiến
  • Bắc Triều Tiên cung cấp cho Nga tên lửa và pháo tầm xa
  • Đặc phái viên Mỹ: Khả năng chấm dứt chiến tranh Israel-Hezbollah 'trong tầm tay'
  • An ninh Đông Á bị tác động nghiêm trọng vì lính Bắc Triều Tiên can dự chiến tranh Ukraina
  • Nhóm 5 nước lớn nhất châu Âu "ủng hộ" trái phiếu quốc phòng
  • Liên Âu bất đồng về việc cho Ukraina dùng vũ khí được cung cấp tấn công lãnh thổ Nga
  • Thượng đỉnh G20 khép lại với tuyên bố chung chống nạn đói toàn cầu
  • Manila tố cáo Trung Cộng ngụy trang tàu chiến thành tàu cá xâm chiếm biển Philippines
  • Ba tù nhân chính trị đang thụ án 26 năm tù được trao Giải Nhân quyền Việt Nam 2024
  • Giám đốc Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA tuyên bố ủng hộ nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Mỹ xác định Việt Nam ‘không thao túng tiền tệ’.
  • Nghiên cứu mới: 99% quần đảo Trường Sa nằm trong tầm với của Bắc Kinh
  • Mỹ cho Việt Nam 5 máy bay huần luyện
  • Hà Nội dự kiến hạn chế xe máy vào nội thành