Thánh TRƯƠNG BỬU DIỆP
(1897 – 1946)

Đức Thánh Cha Phanxico, đã ủy quyền cho Bộ Phong Thánh công bố sắc lệnh hôm 25 tháng 11 năm 2024 dọn đường tuyên Thánh cho nhiều vị Thánh của Giáo Hội Công Giáo, trong đó có “Tôi Tớ Chúa – Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp được Giáo Hội công nhận là Thánh Tử Đạo và sẽ được Hội Thánh trên toàn thế giới sùng kính”.

Trong phần nói về Cha Phanxico Xavie Trương Bửu Diệp, sắc lệnh công nhận rằng: Cuộc tử đạo của Tôi tớ Chúa Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, linh mục Triều, sinh ngày 01 tháng Giêng năm 1897 tại Tân Đức, Việt Nam, đã bị giết vì lòng căm thù Đức Tin ngày 12 tháng 03 năm 1946 tại Tắc Sậy, Việt Nam”.

Hồ sơ Tuyên Thánh cho Cha Phanxico Xavie Trương Bửu Diệp đã được Hội Đồng Thần Học do Bộ Tuyên Thánh ủy quyền cứu xét và phê duyệt vào ngày 01 tháng 06 năm 2023. Quyết định này được thực hiện sớm hơn nhiều so với sự sắp đặt trước đó.

Ngược dòng thời gian, theo Cha Roland Jacques Dương Hữu Nhân, OMI thì mùa Hè năm 2023, mọi thủ tục cứu xét ở cấp cao nhất để phong Thánh cho vị Linh Mục “chết vì đoàn chiên” Cha Phanxico Xavie Trương Bửu Diệp đã xong. Lịch trình tuyên Á Thánh cho Cha Phanxico Xavie được tiến rất nhanh. Đúng ra chúng ta cần phải “xếp hàng” theo thứ tự, vì có rất nhiều Tôi Tớ Thiên Chúa đang đợi để được tuyên Á Thánh. . . .

Linh Mục Dương hữu Nhân, trong tư cách Cáo Thỉnh Viên Án Tuyên Thánh Cha Phanxico Xavie Trương Bửu Diệp cũng đã đến Vatican nhiều lần để trả lời các câu hỏi của Hội Đồng Thần Học, Bộ Tuyên Thánh. Cha Nhân tâm sự rằng, do lời cầu nguyện của mọi người mà những điều Ngài trình bầy ở Bộ Tuyên Thánh cũng thành công như năm 2021 trước Hội Đồng Sử Gia, và đạt như ý sở cầu của hàng triệu con tim yêu mến Cha Phanxico Xavie.

LM Roland Jasques, Cáo thỉnh viên, đang tường trình kết quả Án tuyên thánh cho LM Trương Bửu Diệp tại trụ sở Hội Yểm Trợ Án Tuyên thánh LM TBD, Nam California

Vào giữa tháng 12 năm 2021, Hội Đồng Sử Gia của Giáo Hội đã minh xác Linh Mục Phanxico Xavie Trương Bửu Diệp bị hạ sát vì Đức Tin – Tử Vì Đạo thay cho đoàn chiên của Ngài vào ngày 12 tháng 03 năm 1946 tại Giáo Xứ Tắc Sậy, Việt Nam. Minh xác của Hội Đồng Sử Gia của Giáo Hội đã đánh dấu bước đầu khó khăn nhất và mở đường cho tiến trình Tuyên Thánh Cha Phanxico Xavie diễn ra nhanh hơn.

Đây là kết quả tiến trình xem xét, điều tra cẩn trọng và độc lập kéo dài nhiều tháng của Hội Đồng Sử Gia gồm nhiều chuyên gia nghiên cứu lịch sử thuộc Giáo Hội Công Giáo. Sau khi các chuyên gia lịch sử nghiên cứu, xem xét các lời khai, hình ảnh minh chứng của mọi giới, được Linh Mục Dương Hữu Nhân đúc kết trong một tập tài liệu điều tra trên 400 trang, đã thực hiện theo đúng qui định trước đó. Tiếp theo là một cuộc “điều trần” được mở ra để các chuyên gia lịch sử và cơ chế liên hệ đến tiến trình Tuyên Thánh Cha Phanxico Xavie Trương Bửu Diệp được triệu tập đến Roma để nghe vị Cáo Thỉnh Viên chính thức Linh Mục Roland Jacques, Dương Hữu Nhân trình bầy và trả lời chất vấn của Hội Đồng Sử Gia của Giáo Hội.

Bằng vào lập luận trình bầy rõ ràng về các lời khai còn lưu lại trong ký ức dai dẳng nơi tâm khảm của người dân địa phương về các sự kiện liên tục theo thời gian liên quan đến biến cố lịch sử trong đại này xẩy ra vào Mùa Xuân năm 1946, Linh Mục Roland Jacques đã giúp Hội Đồng Sử Gia “dựng lại” cuộc đời và cuộc Tử Đạo của Tôi Tớ Chúa, Cha Phanxico Savie Trương Bửu Diệp.

Lễ giỗ cha Trương Bửu Diệp tại Trung Tâm Công Giáo, giáo phận Orange, California với LM GĐ Phạm Ngọc Hùng, LM Roland Jacques và các linh mục.

Hội Đồng Sử Gia Giáo Hội đi đến kết luận: khi thông tin của các nguồn này được kết hợp với nhau, đã cung cấp một bản trình bầy về toàn diện con người, lý lịch, nguồn gốc gia đình và lai lịch của Tôi Tớ Thiên Chúa – Cha Phanxico Savie. Bản văn tái hiện bối cảnh chính trị-xã hội chống lại Đạo Thiên Chúa một cách quyết liệt, và cung cấp nhiều thông tin về sự tận tâm và hiệu quả trong sứ vụ nơi Linh Mục Phanxico savie Trương Bửu Diệp. Qua đó, lịch sử cho mọi người thấy một Linh Mục quyết tâm hướng dẫn đoàn chiên và những người ngoài đạo về Đức Tin, mang lòng vị tha, quên mình và dũng cảm một cách gương mẫu. Văn bản đồng thời cũng minh chứng rằng, Cha Diệp đã sẵng sàng hy sinh mạng sống mình vì lợi ích tha nhân, vì tình mến Chúa yêu người. Nhờ dó, có thể thấy được giá trị cuối cùng, nơi việc Cha quyết định noi theo gương vị Mục Tử Nhân Lành, không bỏ đoàn chiên trong lúc gian nguy nhất.

Ông Nguyễn văn Liêm, Hội Trưởng Hội Yểm Trợ Án Tuyên Thánh Cha Phanxico Xavie Trương Bữu Diệp giải thích rằng, thông thường, việc phong Thánh cho tín hữu Công Giáo trải qua 4 giai đoan:  Tôi tớ Chúa, Bậc Đáng Kính, Chân Phước hay Á Thanh và Hiển Thánh. Bước sau cùng tuyên xưng Hiển Thánh chỉ là thủ tục của Giáo Luật.

Trong bộ luật hiện hành, thủ tục phong chân phước bắt đầu bằng cuộc điều tra về việc thực hành các nhân đức anh hùng. Trường hợp Cha Phanxico Xavie Trương Bửu Diệp, ngài đã được Hội Đồng Sử Gia thuộc Giáo Hội xem xét hồ sơ do linh mục cáo thỉnh viên Roland Jacques đúc kết và phúc trình.

Tiếp đến toàn bộ hồ sơ chứng từ được chuyển đến ủy ban các nhà Thần Học gồm các vị Hồng Y, giám Mục vào tháng 12 năm 2021 để cứu xét và phê duyệt.

NƠI AN NGHỈ của cha Thánh Trương Bửu Diệp tại Tắc Sậy, Bạc Liêu, thuộc giáo phận Cần Thơ

Hội đồng Thần Học, sau một năm rưỡi duyệt xét và mọi thắc mắc, nghi vấn và được giải đáp thỏa đáng qua các cuộc điều trần của linh mục Roland Jacques, đã chấp thuận vào ngày 1 tháng 6 năm 2023, và chuyển hồ sơ lên Thượng Hội Đồng của Bộ Phong Thánh để trình lên Vị thẩm quyền tối cao của Giáo Hội, Đức Thánh cha Phanxicô.

Ngày 25 tháng 11 năm 2025 Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố Tôi Tớ Chúa Linh Mục Phanxicô Xavie Trương Bửu Diệp đã chết Vì Đạo. Khi Đức Thánh Cha tuyên bố Cha Trương Bửu Diệp là Vị Tử Đạo thì đương nhiên là Vị Đáng Kính và chuẩn bị phong lên bậc Chân Phước , tức là Á Thánh ngay, không phải qua giai đoạn ở Bậc Đáng Kính như các Vị Thánh Hiển Tu.

Trường hợp Cha Phanxico Xavie Trương Bửu Diệp được hàng triệu người trong, ngoài Công Giáo tôn kính từ 78 năm qua, thì dù Ngài chỉ được phong Thánh vào ngày 25 tháng 11 năm 2024 theo thủ tục thông thường, nhưng trong tâm hồn những ai từng ngưỡng mộ Ngài trên một phần ba Thế Kỷ, Ngài cũng đã được tôn kính như là vị Hiển Thánh rồi.

Trần Nguyên Thao

===========================

Cha Thánh Trương Bửu Diệp

Đôi dòng tiểu sử

Linh mục Phanxicô Trương Bửu Diệp sinh ngày 1-1-1897, được Cha Giuse Sớm rửa tội ngày 2-2-1897 tại họ đạo Cồn Phước, làng Tấn Ðức, nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, Chợ Mới, Tỉnh An Giang.

Cha ngài là Micae Trương Văn Đặng (1860-1935), mẹ ngài là Lucia Lê Thị Thanh. Gia đình sinh sống tại họ đạo Cồn Phước.

Năm 1904, lúc ngài lên 7 tuổi thì mẹ mất. Theo cha, gia đình dời lên Battambang, Campuchia, sinh sống bằng nghề thợ mộc. Tại đây, thân phụ ngài tục huyền với bà Maria Nguyển thị Phước, sinh năm 1890, quê quán họ Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang. Kế mẫu đã sinh cho ngài người em gái tên là Trương thị Thìn (1913), hiện còn sống tại họ đạo Bến Dinh, xã Tân Hoà, huyện Thanh Bình, tỉnh Ðồng Tháp.

Năm 1909, cha Phêrô Lê Huỳnh Tiền cho ngài vào Tiểu chủng viện Cù lao Giêng, xã Tấn Mỹ, Chợ Mới An Giang. Mãn Tiểu chủng viện, ngài lên Ðại chủng viện Nam Vang, Campuchia (lúc đó các họ đạo khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long trực thuộc giáo phận Phnom Penh, Campuchia).

Năm 1924, sau thời gian tu học, ngài được thụ phong linh mục tại Nam Vang, thời Ðức cha GB. Chabalier. Lễ vinh quy và mở tay được tổ chức tại nhà người cô ruột là bà Sáu Nhiều, tại họ đạo Cồn Phước.

Năm 1924-1927, được bề trên bổ nhiệm làm cha phó họ đạo Hố Trư, một họ đạo của người Việt Nam sinh sống tại tỉnh Kandal, Campuchia.

Năm 1927-1929, ngài về làm giáo sư tại Tiểu chủng viện Cù lao Giêng.

Sống chết vì đoàn chiên

Tháng 3 năm 1930, ngài về nhậm họ đạo Tắc Sậy. Trong những năm làm cha sở, ngài quan hệ, giúp đỡ, thành lập nhiều họ đạo vùng phụ cận như: Bà Ðốc, Cam Bô, An Hải, Ðầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Ðồng Gò, Rạch Rắn.

Theo lời kể của ông Giacôbê Huỳnh Văn Lập 76t, ngày xưa là chú bé giúp lễ ở với cha (ông Ba Lập hiện vẫn còn sống ở tại Tắc Sậy) thì cha Diệp rất hiền nhưng khi giảng thì có lúc giọng cha rất hùng hồn mạnh mẽ, có lúc lại rất êm đềm. Cha cũng rất thương người nghèo: ông còn nhớ khi có những người nghèo đói bất kể lương giáo hay người lỡ đường cha đều kêu vào rồi mở lẫm lúa cho họ lấy lúa đem ra xay giã lấy gạo (vì lúc đó không có nhà máy xay lúa như bây giờ).

Mộ của cha Trương Bửu Diệp được đặt bên trong thánh đường Tắc Sậy để giáo dân kính viếng

Hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương vì chiến tranh giữa Nhật và Pháp, dân chúng nhiều người di tản. Cha Bề trên điạ phận Phêrô Trần Minh Ký ở Bạc Liêu kêu gọi ngài lánh mặt; người Pháp 3 lần đem xe đến rước, khuyên ngài tạm lánh khi nào tình hình yên ổn thì trở về họ đạo, nhưng ngài trả lời: “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng giữa đoàn chiên. Tôi không đi đâu hết.”

Ngày 12-3-1946, ngài bị Nhật bắt cùng với trên 70 người giáo dân tại họ Tắc Sậy, tất cả bị lùa đi và nhốt chung tại lẫm luá của ông giáo Sự ở Cây Dừa. Cũng theo lời kể của ông Ba Lập thì họ chất rơm chung quanh tính đốt tất cả, nhưng cha Diệp đứng ra tranh đấu cho dân, đồng thời an ủi những người cùng bị giam. Cha khuyên giáo dân ăn năn tội và giải tội cho họ. Cha bị mời đi làm việc 3 lần và lần thứ ba thì không thấy trở về nữa. Sau khi cha bị mời đi lần thứ ba bổn đạo thấy cửa lẫm để mở ngỏ và họ đã trốn thoát.

Quang cảnh lễ giỗ cha Trương Bửu Diệp tại nhà thờ Tắc Sậy

Sau đó vài ngày giáo dân đã tìm thấy xác ngài từ một cái ao của ông giáo Sự, với vết chém sau ót ngang mang tai và thân xác trần trụi như Chuá Giêsu trên thập giá.

Thi hài ngài được vớt lên và chôn cất trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo. Ðến năm 1969, hài cốt ngài được di dời về nhà thờ Tắc Sậy, nhiệm sở của ngài thi hành chức vụ chủ chăn trong 16 năm. Ngôi nhà mồ của ngài hiện nay, được trùng tu và khánh thành ngày 4-6-1989. Ngài là cha sở thứ nhì của họ đạo Tắc Sậy.

Chứng nhân Đức Ái

Giáo dân tụ họp tại nhà thờ Tắc Sậy

Lễ giỗ đầu đầu tiên do cha Antôn Vũ Xuân Vinh tổ chức năm 1979 với thành phần tham dự đến từ những họ đạo chung quanh (chỉ khoảng chừng 30 người). Nhưng dần dần số người nhận được ơn lành nhờ lời bầu cử của cha Diệp ngày càng nhiều và họ đổn thổi về sự hiển linh của ngài nên rất đông đảo người lương cũng như giáo trong nước và cả ngoài nước đều tuôn về Tắc Sậy để cầu khấn với ngài. Số khách hành hương trong ngày lễ giỗ ngày càng tăng, con số lên đến hàng chục ngàn người và không chỉ trong ngày lễ giỗ mà còn thường xuyên trong năm vẫn có những người đến hành hương.

Vì thế kể từ 21-01-1997 Đức Giám mục Cần Thơ đã chính thức thành lập Trung tâm Truyền giáo Phanxicô tại Tắc Sậy. Từ nơi đây rất nhiều người đã nhận được những ơn lành phần xác cũng như phần hồn.

Nếu ngày xưa ngài đã vì thương đoàn chiên mà sẵn sàng sống chết vì họ thì ngày nay ngài lại trở thành chứng nhân của Đức Ái qua biết bao nhiêu ơn lạ nhờ lời bầu cử của ngài cho tất cả những ai chạy đến với ngài.

GP Cần Thơ

Bài liên quan:
  • Châu Âu đã hết thời gian để điều chỉnh chính sách quốc phòng
    Norbert Röttgen
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 1/12/2024. Người Việt ở Mỹ tích cực tham gia chính trị dòng chính! Tô Lâm củng cố quyền lực: Đưa thêm củi vào lò?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Trump 2.0 có thể khiến Trung Quốc đau đầu ở Đông Nam Á
    Derek Grossman
  • Biển Đông dưới thời chính quyền Trump 2.0: Cần một chiến lược đa chiều
    SD Pradhan
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 30/11/2024. Xung đột Israel-Hezbollah: Đạt thoả thuận ngưng chiến! Iran vừa mừng vừa lo? Biển Đông căng thẳng: TC leo thang! Phản ứng của Mỹ và đồng minh?
    BS Nguyễn Trọng Việt