Sơn Hà (Dec.2023)

Sau khi có phản ứng của quân đội Israel tấn công Hamas ở Dải Gaza, trả đũa vụ Hamas đột kích phía nam Israel vào ngày 07/Oct/2023, thế giới bắt đầu nghe tin phiến quân Houthi ở Yemen ra tay tấn công vào các tàu hàng đi qua Hồng Hải (Red Sea), một trong những tuyến đường thương mại hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, bao gồm những tàu chở dầu. Cuộc phản công dữ dội của quân đội Israel đã phá hoại nhiều hang ổ của phiến quân Hamas ở Dải Gaza. Nhiều thành phố trên thế giới đã có những cuộc biểu tình bênh vực Palestine, lên án các cuộc tấn công của quân đội Israel giết chết nhiều thường dân. Các hệ thống truyền thông “chống Do Thái” và thiên tả cũng tiếp tay lên án Israel nhưng ít đề cập đến lực lượng Hamas và cũng ít nói đến nguyên nhân của cuộc chiến. Cuộc chiến Israel-Hamas được khởi đầu bởi những cuộc đột kích của phiến quân Hamas, từ sào huyệt trong Dải Gaza, đánh vào các tỉnh phía nam Israel, giết chết khoảng 1200 người, hầu hết là thường dân và bắt đi 236 người Do Thái để làm con tin, trong đó có rất nhiều trẻ em và phụ nữ. Phản ứng của Israel là hành động trả đũa theo sau cuộc đột kích gây chiến của Hamas.

Bài phân tích trước đây đã nói đến các lực lượng Hamas và Hezbollah (https://vanhoimoi.org/?p=18905). Bài này chỉ nói về Lực lượng Houthi, bản doanh đặt tại Yemen. Houthi công khai tuyên bố yểm trợ cho Hamas và chủ trương “tiêu diệt Israel”

Houthi là ai?

Lực lượng quân sự Houthi được đội ngũ hoá kể từ cuộc nổi dậy cướp chính quyền ở Yemen vào năm 2014. Phong trào này có tên gọi “Ansar Allah”, có nghĩa là những người đi theo Thượng Đế hay “Con Cái Thượng Đế”. Khẩu hiệu của phong trào là “Tiêu diệt đế quốc Mỹ”, “Tiêu diệt Israel”, “Căm thù Do Thái”.

Nguồn tin Masirah do Houthi điều hành, đăng tải lời tuyên bố của thủ lãnh Houthi rằng, nếu Mỹ can thiệp vào cuộc chiến Israel-Hamas, thì lực lượng Houthi sẽ đáp trả bằng “các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, máy bay không người lái vào các quyền lợi của Mỹ”.

Phong trào Houthi bắt nguồn từ phía bắc Yemen và được đặt theo tên của gia đình Houthi. Những thành viên của gia đình Houthi đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành tổ chức.

Từ lâu, dân tộc Zaidi là một thiểu số ở Yemen, bị phân biệt đối xử, bị gạt ra ngoài lề xã hội. Thủ lãnh Abdul-Malik al-Houthi lãnh đạo cuộc nổi dậy của người Zaidi với tư cách là phong trào tôn giáo ủng hộ Hồi Giáo Zaidi Shia, là một nhánh của Hồi Giáo Shia, tức là Shia Muslim. Và, Zaidi Shia là một nhánh của Hồi Giáo Shia, là Hồi Giáo ở Iran.

Ban đầu, phong trào Houthi nổi lên vào khoảng năm 2000 chỉ tranh đấu cho cộng đồng Hồi giáo Zaidi Shia ở Yemen. Cuộc tranh đấu kéo dài đến năm 2014 thì cướp được chính quyền tại Yemen, buộc Tổng thống lúc bấy giờ là Abed Rabbo Mansour Hadi phải chạy trốn sang Ả Rập Saudi (Saudi Arabia). Từ đó, phong trào Houthi phát triển có tầm vóc quốc tế và gây ra cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm, giết chết hàng chục ngàn người và tình trạng khẩn cấp nhân đạo ngày càng gia tăng.

Các nhà phân tích cho biết, Houthi đã tự nhận là lực lượng hậu thuẫn Hamas của Palestine, đồng thời tìm cách củng cố vị thế trong số các lực lượng phiến quân khác, được Iran nuôi dưỡng hoặc viện trợ.

Houthi Chủ Trương Cắt Mạch Máu Thương Mại Của Israel

Houthi công khai tuyên bố sẽ tấn công bất cứ tàu hàng nào ra hay vào hải cảng của Israel, hay trên đường đến Israel. Tuy tuyên bố như vậy, Houthi đã tấn công gần như bất cứ tàu nào đi ngang Hồng Hải.

Nguồn tin của TradeWinds (tradewindsnews.com) tháng 12.2023 cho biết bảo hiểm Rủi Ro Chiến Tranh tăng lên rất nhiều cho các chuyến hàng đi qua Hồng Hải, sau khi Houthi tấn công tàu dầu Strinda của Na-Uy khi đi qua eo biển Bab el-Mandeb, để tiến vào Hồng Hải vào đêm 11-Dec-2023. Tin tức quân sự cho biết phiến quân Houthi đã bấm nút phóng hoả tiễn hành trình từ lãnh thổ Yemen, dưới sự điều động của lực lượng Al-Quds (Al-Quds Force). Thủy thủ đoàn của Strinda — tất cả công dân Ấn Độ — đã cố gắng dập tắt ngọn lửa. Khinh tốc hạm của Hải Quân Pháp đã bắn hạ một phi cơ không người lái mang bom tự sát trong lúc “đe dọa” tàu Strinda. Một khu trục hạm của Hải Quân Hoa Kỳ đã xuất hiện để yểm trợ.

Lực lượng Al-Quds là một nhánh của Lực Lượng Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo Iran (Iran’s Islamic Revolutionary Guard Corps -IRGC), một lực lượng bán quân sự, trách nhiệm bảo vệ Hồi Giáo và “lý tưởng cách mạng” của Iran. Lực lượng Al-Quds, còn tự nhận Lực lượng Jerusalem, đặc trách các hoạt động ngoại biên của Iran. Lực lượng này nỗ lực tạo ảnh hưởng rộng lớn của Iran ở khu vực Trung Đông, đặc biệt là ở các quốc gia có quyền lợi của Iran gắn liền với hoạt động của các nhóm địa phương.

Lực Lượng Al-Quds có liên quan đến việc hỗ trợ và cố vấn cho các nhóm bán quân sự và nổi dậy ở các quốc gia Hồi Giáo, bao gồm Lebanon (Hezbollah), Iraq, Syria và Yemen. Qasem Soleimani từng là thủ lãnh của Al-Quds đã bị Mỹ hạ sát vào tháng Giêng năm 2020.

Trong lúc đó, nhóm Houthi đã tung ra cho thế giới các bản tin tuyên truyền, nói rằng Strinda đang chở dầu thô đến Israel. Họ nhắc lại tuyên bố hôm 09/12 rằng, từ nay trở đi các chiến binh Houthi sẽ tấn công bất cứ tàu nào mà họ tin rằng đang hướng tới Israel, bất chấp tàu của ai.

Các nguồn tin thương mại hàng hải cho biết tàu Strinda đang chở dầu từ Indonesia, có thể sẽ ngang qua Malta trước khi đến Ý Đại Lợi. TradeWinds và chính phủ Na Uy đã tuyên bố một sự thật rõ ràng rằng: cuộc tấn công của Houthi vào Strinda cho thấy sự leo thang mạnh mẽ trong cuộc chiến ủy nhiệm giữa Iran và Israel. Tổ Chức Hàng Hải Quốc Tế (International Maritime Organization – IMO) của Liên Hiệp Quốc cũng bày tỏ “mối lo ngại sâu sắc” đối với sự an toàn của vận tải hàng hải quốc tế.

Dữ kiện chính xác cho biết: Vụ Strinda liên quan đến ba quốc gia thành viên của NATO là Na Uy, Pháp, và Hoa Kỳ. Vì công dân Ấn Độ điều khiển con tàu, nên Ấn Độ được xem là có liên đới. Một viên chức chính phủ Na Uy, ông Eivind Vad Petersson, nói với báo chí rằng, Na Uy đang hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ, Pháp và Anh quốc “cả về mặt chính trị và quân sự — để bảo đảm tự do và an toàn hàng hải”.

Trước đó, vào ngày 19 tháng 11, phiến quân Houthi đã đánh cướp tàu hàng dài 620 feet, Galaxy Leader và bắt giữ 25 người trong thủy thủ đoàn.

Hồng Hải (Red Sea) là vùng biển mà các chuyến vận chuyển hàng hải phải đi qua trước khi đến kinh đào Suez để vào Địa Trung Hải. Từ đó, mới đến được với các nước Âu Châu và tiến vào Đại Tây Dương.

Trước sau, Houthi chỉ là một tập hợp các tay súng khủng bố hiếu chiến, căm thù Do Thái và Hoa Kỳ. Những hành động gần như chỉ làm theo mệnh lệnh của một nước lớn đứng đàng sau. Đó là Iran. Theo nhận xét của các nhà quan sát quân sự, lực lượng Houthi nhận sự yểm trợ mạnh mẽ từ Iran. Hầu hết các phương tiện quân sự mà lực lượng Houthi đang sử dụng, từ hoả tiễn cho đến các máy bay không người lái, súng ống,… đều là những thứ được chế tạo tại Iran và do Iran viện trợ. Thêm vào đó, dân chúng ở Iran theo Hồi Giáo, hệ phái Shia, được xem là thân cận với Houthi, Zaidi Shia.

Không Chỉ Phá Hoại Kinh Tế Của Israel, Houthi Đánh Vào Kinh Tế Của Tây Phương

Houthi không chỉ tấn công Israel. Houthi tấn công vào các quyền lợi của Tây Phương, nhất là Hoa Kỳ.  Sự hỗ trợ của Iran dành cho phiến quân Houthi ở Yemen bắt nguồn từ sự kết hợp về địa chính trị, hệ tư tưởng và chiến lược. Quan hệ giữa Iran và Houthi rất phức tạp, nhưng tựu trung có thể tóm lược trong vài yếu tố sau đây:

-Ảnh hưởng chiến lược: Vị trí chiến lược của Yemen, chung biên giới với Ả Rập Saudi, một đối thủ của Iran, khiến Yemen trở thành một vị trí quan trọng để Iran sử dụng cho việc thao túng địa chính trị. Hỗ trợ phiến quân Houthi cho phép Iran tăng cường ảnh hưởng ở Bán đảo Ả Rập (Arabian Peninsula) và thách thức với Ả Rập Saudi.

-Hồi Giáo Shia: Phong trào Houthi thuộc giáo phái Zaidi Shia. Cũng như Iran, là một quốc gia theo Hồi giáo Shia, có thể xem có cùng hệ tư tưởng với phiến quân Houthi. Giáo phái Zaidi Shia của Houthi tuy không hoàn toàn giống như Twelver Shia của Iran, nhưng vẫn gần gũi với nhau nhất, so với các hệ phái Hồi Giáo khác.

Trong khi đó, phần lớn người dân ở Ả Rập Saudi tuân theo nhánh Hồi giáo Sunni, đặc biệt là theo trường phái tư tưởng Wahhabi. Hồi Giáo Sunni đại diện cho nhánh Hồi Giáo lớn nhất trên toàn cầu, là nền tảng cho các hoạt động tôn giáo ở Ả Rập Saudi. Wahhabism là một hình thức Hồi giáo Sunni bảo thủ và thuần túy, có ảnh hưởng ở Ả Rập Saudi kể từ thế kỷ 18, và giáo lý được diễn giải rất nghiêm ngặt.

-Tâm lý chống Saudi: Phiến quân Houthi đã nhiều lần đụng độ với Saudi Arabia, đặc biệt là dọc biên giới Saudi-Yemen. Sự hỗ trợ của Iran dành cho lực lượng Houthi có thể để chống lại ảnh hưởng của Ả Rập Saudi.

-Chiến tranh ủy nhiệm: Iran và Ả Rập Saudi từng có xung đột với nhau trên toàn khu vực. Cuộc xung đột ở Yemen được xem là một phần của cuộc cạnh tranh khu vực rộng lớn hơn giữa Iran và Ả Rập Saudi để giành ảnh hưởng trong vùng.

-Tiếp cận Hồng Hải: Kiểm soát eo biển Bab el Mandeb, một điểm huyết mạch quan trọng đối với giao thông hàng hải ngang qua Hồng Hải, có tầm quan trọng chiến lược. Các khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen mang lại cho Iran sức ảnh hưởng lớn đối với con đường hàng hải quan trọng này.

Trung Cộng Ở Đâu Trong Các Cuộc Xung Đột?

Lẽ nào, con đường hàng hải ngang qua Hồng Hải và Kênh Đào Suez mà không có liên hệ gì với Một Vành Đai, Một Con Đường của Trung Cộng (One Belt, One Road – OBOR) hay còn gọi là Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường (Belt and Road Initiative – BRI), hay chăng? Một Vành Đai, Một Con Đường của Trung Cộng là hai Con Đường Tơ Lụa, một trên đất liền, một trên biển; từng được người Tàu xây dựng từ trước khi bị cộng sản cướp chính quyền ở Trung Hoa.

Khi Đặng Tiểu Bình lên ngôi, rồi đến Tập Cận Bình, sáng kiến này được đem ra sử dụng để cứu nguy nền kinh tế XHCN của Trung Cộng, và để đổi chiến lược, hầu có thể cạnh tranh với Tây Phương. Nhờ con đường này, Trung Cộng đã đạt được khả năng kinh tế khá cao trong bảng xếp hạng của thế giới. Lợi nhuận sinh ra từ con đường này đã giúp Trung Cộng chế tạo súng đạn và xây dựng quân đội to lớn như ngày nay. Không có nó, tiền đâu để nuôi quân?

Con Đường Tơ Lụa trên biển của Trung Cộng có đoạn đi qua Hồng Hải và Kênh Đào Suez, được xem là đoạn đường quan trọng để đến với các quốc gia bên bờ Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Lẽ nào Trung Cộng đứng nhìn việc phá hoại đoạn đường huyết mạch này?

Con Đường Tơ Lụa trên đất liền đi qua Teheran của Iran, Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ rồi Mạc Tư Khoa của Nga,… cũng là đoạn đường vô cùng quan trọng của Trung Cộng. Khó có thể Trung Cộng nhúng tay khuấy rối những đoạn đường huyết mạch đã gầy dựng bao năm qua.

Trung Cộng cũng không thể thừa nước đục thả câu. Lợi dụng trong lúc các quốc gia trong Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ bận rộn ở Trung Đông và Âu Châu để đem quân đánh chiếm Đài Loan, mặc cho Con Đường Tơ Lụa bị dày xéo vì chiến tranh? Quân lương dự trữ có đủ để nuôi quân trong bao lâu? Vì thế, việc đánh chiếm Đài Loan khó có thể xảy ra trong lúc này.

—oOo—

Sự hỗ trợ của Iran dành cho phiến quân Houthi là nguyên nhân gây căng thẳng trong khu vực, tạo ra động lực địa chính trị rộng lớn hơn ở Trung Đông.  Houthi không chỉ tấn công Israel, mà tấn công bất cứ ai đi qua Hồng Hải, cửa ngõ đi vào Âu Châu. Là để dằn mặt Saudi Arabia và mở tầm ảnh hưởng của Hồi Giáo Shia, do Iran lãnh đạo. Đó là mưu tính của Iran mang tính chiến lược được chuẩn bị từ lâu.

Lực lượng Hoa Kỳ ở Trung Đông đã đáp trả trong một số trường hợp; như hồi tháng 11-2023, tàu USS Carney đã bắn hạ hỏa tiễn hành trình và máy bay không người lái phóng từ Yemen; và các đòn phản công nhắm vào các nhóm khác, cũng là vệ tinh của Iran. Cả hai phe đem vũ khí mới ra để thi thố với nhau.

Lâu nay, Lực lượng Hoa Kỳ ở Trung Đông (và nhiều nơi khác trên thế giới) có vai trò giữ gìn an ninh khu vực lại bị các đối thủ, nhất là các quốc gia Cộng Sản dán nhãn với hỗn danh “sen đầm quốc tế”. Cái tên có tính cách miệt thị nhưng nó đóng vai trò đúng nghĩa “cảnh sát quốc tế”. Sen đầm được phiên âm từ tiếng Pháp “Gens D’armes”, có nghĩa là “hiến binh”. Mỹ, Anh, Pháp,… là những “sen đầm”, bị chỉ trích là thò thọc can thiệp vào chính quyền của các nước khác.

Con đường vận chuyển hàng hải từ Á Châu sang Âu Châu, nếu không được đi qua Hồng Hải và Kinh đào Suez, thì phải đi đường vòng xuống phía nam, đi qua Capes Good Hope (Mũi Hảo Vọng) rồi đi lên phía bắc mới đến các nước Âu Châu. Tiền bạc và thì giờ sẽ tốn kém gần gấp đôi, ảnh hưởng lớn cho toàn thế giới. Vì thế, Trung Cộng sẽ phải tiếp tay xây dựng hoà bình ở Trung Đông và Âu Châu hầu tránh tai hại cho Con Đường Tơ Lụa của mình.

Dù có ra sao, chắc chắn Lực lượng Hoa Kỳ đang có mặt ở Trung Đông sẽ phải can thiệp. Nếu không giúp các nước khác thì ít nhất cũng để bảo vệ quyền lợi của chính Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cần phải có một vị Tổng Tư Lệnh mạnh mẽ hơn, sáng suốt hơn, để lãnh đạo Hoa Kỳ và thế giới.

Sơn Hà (Dec.2023)

Bài liên quan:
  • BA ĐÌNH LUYỆN KIẾM: “TÔ-VƯƠNG” đấu đá vừa phân tỏ!
    Trần nguyên Thao
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/4/2024. Kênh đào Techo Funan ở Cam Bốt: TC bao vây Việt Nam, bức tử đồng bằng sông Cửu Long! Làn gió mới cho Singapore?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 20/4/2024. Xung đột trực diện Israel-Iran mở màn. Chiến tranh Trung Đông lan rộng?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Từ việc Iran tấn công Israel cùng nhìn lại “Liên minh ma quỷ”
    Eliot Cohen
  • HỘI LUẬN ngày 20/4/2024. Iran tấn công Israel: Chiến tranh trực diện đầu tiên bắt đầu? – Kênh đào Funan ở Cam Bốt: TC bao vây VN, sông Cửu Long cạn dòng? – Diện mạo chính trị Singapore thay đổi?
    BS Nguyễn Trọng Việt