Nguồn: Takahashi Kosuke, “The Tyranny of Distance: What Trump Needs to Know About the Japan-US Alliance”, The Diplomat, 15/11/2024
Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Những cáo buộc cho rằng Nhật Bản đang lợi dụng các cam kết an ninh của Mỹ đã bỏ qua giá trị chiến lược và địa lý to lớn của các căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản, bao gồm Okinawa và Yokosuka.
Tổng thống đắc cử Donald Trump nhìn nhận Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất và là ưu tiên cao nhất trong nhiệm kỳ sắp tới của ông. Trump cũng đã bổ nhiệm những nhân vật chống Trung Quốc quyết liệt vào các vị trí nội các về an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại.
Các quốc gia Đông Á như Nhật Bản và Đài Loan, nằm trên chuỗi đảo thứ nhất mặt giáp mặt với Trung Quốc, đang lo ngại rằng ông Trump sẽ buộc họ gia tăng ngân sách quốc phòng, trả tiền để đối lấy sự bảo hộ của Mỹ, và phải mua nhiều vũ khí của Mỹ hơn.
Theo sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào tháng hai năm 2022, chính quyền của cựu thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio quyết định gia tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng lên 2% GDP vào tháng mười hai cùng năm, hành động đã được chính quyền Joe Biden khen ngợi.
Theo một tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của Trump, ông Trump vào tháng tư năm 2024 cũng ca ngợi nỗ lực gia tăng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản khi gặp mặt thủ tướng Nhật Bản Aso Taro tại New York.
Nhưng vẫn chưa rõ liệu Trump có hài lòng với điều này hay không.
Elbridge Colby, người từng giữ chức vụ phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng về chiến lược và phát triển lực lượng trong chính quyền Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình NHK vào đầu năm nay rằng Tokyo nên gia tăng ngân sách quốc phòng lên 3% GDP. Colby hiện đang được cho sẽ là nhân vật tiềm năng cho một vị trí an ninh quốc gia trong chính quyền Trump nhiệm kỳ hai.
Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông Trump cũng đã buộc Nhật Bản và Hàn Quốc gia tăng quỹ thường niên dành cho việc triển khai quân đội Mỹ tại hai nước này lần lượt lên 8 tỷ USD và 5 tỷ USD, John Bolton viết điều này trong cuốn sách của ông “The Room Where It Happened: A White House Memoir” xuất bản vào năm 2022.
Bolton, người từng giữ chức cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền Trump, cũng đã cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với Nihon Keizai Shimbun vào tháng ba năm nay rằng nếu Trump nắm quyền trở lại, Nhật Bản có thể sẽ bị buộc phải điều chỉnh lại hiệp ước an ninh theo hướng yêu cầu Tokyo triển khai Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) trong trường hợp có một cuộc tấn công vào đất liền Mỹ.
Điều 5 trong hiệp ước an ninh giữa hai nước quy định các nghĩa vụ quốc phòng của Mỹ đối với Nhật Bản trong trường hợp lãnh thổ Nhật Bản bị tấn công. Trong khi đó, Nhật Bản không bị yêu cầu hỗ trợ Mỹ trong một cuộc xung đột vũ trang trên lãnh thổ Mỹ hoặc các lãnh thổ khác ngoài biên giới của chính Nhật Bản.
Trump liên tục phàn nàn rằng điều kiện trên là “không công bằng”, Bolton viết trong cuốn sách của mình. Lập luận cho rằng Nhật Bản đang tận hưởng một cách miễn phí các điều ước về an ninh không phải chỉ được mỗi mình ông Trump nêu lên, nhưng nó đã được thảo luận tại Washington từ rất lâu. Việc cố gắng để Nhật Bản gánh vác phần trách nhiệm của mình trong vấn đề an ninh không phải là điều gì mới, và Nhật Bản đã làm điều này ở một mức độ nào đó.
Vào những năm 1970, Mỹ đã thua trong Chiến tranh Việt Nam sau khi phải hứng chịu nhiều thương vong và sức mạnh quốc gia bị suy yếu. Trong khi đó, Nhật Bản đạt được tăng trưởng kinh tế đáng kể và trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới. Khi thặng dư thương mại giữa Nhật Bản với Mỹ ngày càng tăng, các lý thuyết cho rằng Nhật Bản đang lợi dụng hiệp ước an ninh mà không phải trả bất kỳ cái giá nào bắt đầu xuất hiện, chủ yếu là từ bên trong Quốc hội Mỹ. Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng trong khi Mỹ đang chiến đấu chống lại chủ nghĩa cộng sản, Nhật Bản lại đang lợi dụng Mỹ để làm giàu cho chính mình một cách bất công.
Sau đó, với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, các “quốc gia bất hảo” như Iraq xuất hiện. Theo yêu cầu của Mỹ, Nhật Bản đã vượt ra ngoài phạm vi chính sách an ninh quốc phòng thuần túy và bắt đầu điều động JSDF ra nước ngoài từ những năm 1990 trở đi. Bắt đầu với việc điều động đơn vị rà phá bom mìn của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đến Vùng Vịnh Ba Tư năm 1991 sau khi Chiến tranh Vùng Vịnh kết thúc, điều này tiếp tục dẫn đến việc điều động JSDF đến Iraq (2003-2009) và các chiến dịch tiếp nhiên liệu tại Ấn Độ Dương (2001-2010).
Kể từ những năm 1990, đã xuất hiện một xu hướng lịch sử trong đó vai trò quân sự ngày càng mở rộng của Nhật Bản đã góp phần ổn định các thỏa thuận an ninh Nhật-Mỹ. Những thay đổi như vậy về phía Nhật Bản bao gồm quyết định lịch sử của nội các dưới thời Thủ tướng Abe Shinzo vào tháng 7 năm 2014 để thay đổi cách giải thích Hiến pháp Nhật Bản nhằm cho phép thực hiện quyền tự vệ tập thể. Trước đây, các binh sĩ JSDF chỉ được phép sử dụng vũ lực tối thiểu để đáp trả một cuộc tấn công trực tiếp vào Nhật Bản, nhưng giờ đây họ có thể trả đũa nếu một quốc gia láng giềng bị tấn công, miễn là đáp ứng được một số điều kiện nhất định.
Với bối cảnh lịch sử này, Tokyo nên phản ứng như thế nào trước những cáo buộc mới nhất nhắm vào Nhật Bản liên quan tới việc nước này lợi dụng “miễn phí” hiệp ước an ninh với Mỹ?
Nhật Bản nên nhấn mạnh đến “lời nguyền khoảng cách” (the tyranny of distance), một thuật ngữ thường được sử dụng trong hàng ngũ nhân viên quân sự ở Washington. Hiểu được thuật ngữ này là chìa khóa để hiểu được giá trị chiến lược và địa lý của các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản, bao gồm Okinawa và Yokosuka, đối với Mỹ.
Dưới đây là ý nghĩa của lời nguyền khoảng cách. Từ góc nhìn của Mỹ, Nhật Bản nằm ở phía bên kia Thái Bình Dương. Từ bờ biển phía Tây của Mỹ đến Nhật Bản ở phía Tây Thái Bình Dương cách nhau 16 múi giờ. Mất hơn 10 giờ để đi máy bay và khoảng hai tuần đi tàu với tốc độ trung bình 15 hải lý (khoảng 28 km/h).
Đối với Washington, khoảng thời gian để vượt qua Thái Bình Dương rộng lớn có thể được tiết kiệm bằng cách đóng quân tại Nhật Bản. Chi phí vận hành của một tàu sân bay ước tính khoảng 1 triệu đô la mỗi ngày, nhưng nếu giữ Yokosuka làm cảng nhà, riêng tàu sân bay có thể tiết kiệm được 14 triệu đô la một chiều và 28 triệu đô la hai chiều liên quan tới chi phí vượt Thái Bình Dương. Không cần phải điều động một tàu sân bay từ Căn cứ Hải quân San Diego ở bờ biển phía Tây của Mỹ mỗi khi Hải quân Mỹ cần thể hiện sức mạnh tại Tây Thái Bình Dương.
Nói cách khác, bằng cách duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Mỹ tại Nhật Bản, Lục quân, Hải quân, Không quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc, vốn sẽ được chi tiêu cho việc vận chuyển nhân sự và vật chất trong trường hợp khẩn cấp tại các tuyến đường biển nối liền Trung Đông và Đông Á. Và ngay cả trong thời bình, lực lượng Mỹ tại Nhật Bản có thể duy trì sự hiện diện quân sự, duy trì sự bá quyền của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Về giá trị của việc triển khai Thủy quân Lục chiến Mỹ tại Okinawa nói riêng, Trung tá R. K. Dobson, người từng là chỉ huy tiểu đoàn của Sư đoàn 3 Thủy quân Lục chiến tại Okinawa, lưu ý rằng từ đảo Nhật Bản, Thủy quân Lục chiến Mỹ có thể được triển khai nhanh chóng đến bất kỳ đâu trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương bằng cách sử dụng khả năng vận chuyển đường hàng không và đường biển. Ông cũng nhấn mạnh rằng vị trí chiến lược của Okinawa giúp làm giảm thời gian phản ứng và giảm áp lực lên khả năng vận chuyển hàng không và đường biển chiến lược khá hạn chế, vốn cần thiết để vận chuyển lực lượng tiếp viện và hậu cần từ lục địa Mỹ.
Nói cách khác, Mỹ phải có các căn cứ quân sự tại Nhật Bản, chẳng hạn như Okinawa, Yokosuka và Sasebo, vì lý do lợi ích tự thân: để vượt qua lời nguyền khoảng cách.
Lập luận phản bác được nêu ở trên có thể được sử dụng chống lại các chính trị gia như Trump, những người ủng hộ quan điểm Nhật Bản là kẻ ăn bám.
Nếu Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ là đơn phương, thì Nhật Bản đã cho Mỹ mượn các căn cứ quân sự rộng lớn và có tầm quan trọng chiến lược trên khắp đất nước. Điều này cũng là đơn phương. Nếu hệ thống an ninh thực sự là song phương, Nhật Bản nên yêu cầu Mỹ cho mượn Căn cứ Không quân Andersen ở Guam để đổi lấy Kadena, và Trân Châu Cảng ở Hawaii và San Diego ở California để đổi lấy Yokosuka và Sasebo, chẳng hạn.
Và chúng ta không được quên những tác động phức tạp tới nền độc lập và sự tự hào dân tộc tới từ sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ của đất nước mình. Đây cũng là một gánh nặng nặng nề mà Nhật Bản đang phải trả.
Như Ebata Kensuke, một phóng viên cao cấp của Jane’s Defense Weekly, đã từng viết trong cuốn sách của mình rằng, không một quốc gia nào mong muốn các lực lượng và căn cứ quân sự nước ngoài đóng quân trên lãnh thổ của mình. Quân đội là lực lượng vũ trang của một quốc gia, thực hiện chủ quyền quốc gia. Nếu binh lính và căn cứ quân sự của một quốc gia được đặt tại một quốc gia khác, thì điều đó sẽ tạo ra một tình huống mà trong đó chủ quyền quốc gia của nước chủ nhà sẽ bị hạn chế hoặc đôi khi bị xâm phạm, và không thể tránh khỏi trở thành một nguồn cơn gây rắc rối.
Trong suốt chiều dài lịch sử, sự phản đối mạnh mẽ đã được chứng kiến ở nhiều nơi khi quân đội nước ngoài thiết lập căn cứ trên đất nước khác. Nếu Thủ tướng Ishiba Shigeru thực sự là một người dân tộc chủ nghĩa, ông ta nên hướng tới việc giảm số lượng căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản.
Sự trở lại chính trường của Trump đặt ra câu hỏi về mức độ hợp tác thực sự giữa Nhật Bản và Mỹ trên cơ sở bình đẳng. Tuy nhiên, đây không phải là một phương trình đơn phương. Tokyo phải rõ ràng và kiên định trong giao tiếp với Washington, và nỗ lực làm thu hẹp khoảng cách nhận thức giữa dư luận trong nước và dư luận của Mỹ về gánh nặng an ninh. Đây mới là điều thực sự cần thiết để củng cố liên minh Nhật-Mỹ.
Takahashi Kosuke
Phóng viên tờ The Diplomat tại Tokyo.
Nguồn trích: Nghiên Cứu Quốc Tế
https://nghiencuuquocte.org/2024/12/31/loi-nguyen-khoang-cach-nhung-dieu-trump-can-biet-ve-lien-minh-my-nhat/#more-59944
Ảnh minh hoạ: Vận Hội Mới