Tại sao người Việt khắp nơi đều mừng Tết Nguyên Đán?

Người Việt khắp nơi trong và ngòai nước đang chuẩn bị đón mừng Tết Nguyên Đán Giáp Thìn vào ngày 10 tháng Hai năm 2024. Riêng tại Orange County, thủ đô tỵ nạn của người Việt tại hải ngọai, từ ba tuần lễ trước Tết, đông đảo dân chúng nô nức đi săm sửa Tết tại Chợ Tết ở Phúc Lộc Thọ. Rồi vào dịp Tết, cộng đồng người Việt tổ chức cuộc Diễn Hành Tết trên đại lộ Bolsa – Trần Hưng Đạo, Hội Chợ Tết ở Mile Square Park, Hội Chợ Tết Sinh Viên ở Costa Mesa, Phố Hoa Tết ở Main Street Garden Grove. Còn ở các nơi khác có đông người Việt cư ngụ, cũng có Hội Chợ Tết. Người Mỹ bản xứ đã thắc mắc tại sao người Việt khắp nơi đều ăn Tết Nguyên Đán rầm rộ như vậy? Đó là vì Tết Nguyên Đán có ý nghĩa nhân văn và tâm linh sâu sắc mà tổ tiên ta đã truyền lại cho các thế hệ con cháu trong suốt chiều dài lịch sử hơn 4 ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt. Để mừng Tết Nguyên Đán, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại ý nghĩa của Tết Nguyên Đán truyền thống Việt Nam để truyền lại cho con cháu.

  • Tết Nguyên Đán là gì?

Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống lớn nhất và có ý nghĩa nhất trong năm của mọi gia đình người Việt vì đây là thời điểm khởi đầu cho một năm mới, thời gian để gia đình đòan viên, sum họp, cảm tạ Trời Đất, kính nhớ tổ tiên, thảo hiếu với cha mẹ, và cùng nhau ăn Tết vui vẻ.

Tết Nguyên Đán được tính theo âm lịch và bắt đầu vào sáng sớm ngày đầu tiên của năm âm lịch hàng năm. Tết Nguyên Đán của Việt Nam được tính theo chu kỳ vận hành của Mặt Trăng chung quanh Mật Trời (tức là Âm lịch) trong khi Tết Tây lại được tính theo chu kỳ vận hành của Trái Đất chung quanh Mặt Trời (tức là Dương lịch).

Chữ “Tết” trong “Tết Nguyên Đán” bắt nguồn từ chữ “Tiết” trong chữ Hán Việt, có nghĩa là thay đổi thời tiết từ mùa Đông gía lạnh sang mùa Xuân ấm áp.  Còn “Nguyên Đán” có nghĩa là bình minh đầu tiên hoặc buổi sáng đầu tiên của năm Âm lịch. Vậy có thể nói Tết Nguyên Đán là Tết Minh Niên, mừng buổi bình minh đầu tiên của năm mới âm lịch, khác với Tết Đoan Ngọ vào tháng Năm và Tết Trung Thu vào ngày rằm tháng Tám âm lịch.

Vì Tết Ta tính theo Âm lịch là lịch theo chu kỳ vận hành của Mặt Trăng nên Tết Nguyên Đán của Việt Nam muộn hơn Tết Dương lịch (còn gọi nôm na là Tết Tây). Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của Tết Nguyên Đán không bao giờ xảy ra trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch mà thường chỉ rơi vào khoảng giữa những ngày này.

Ở Việt Nam, thời gian mừng Tết Ta hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng). Riêng tại các tỉnh thành, người dân chỉ ăn Tết 3 ngày đầu năm. Còn bên Mỹ, người Việt cũng ăn Tết ba ngày đầu năm.

  • Nguồn gốc Tết Nguyên Đán: Tết cổ truyền đã có từ thời Vua Hùng Vương

Khi lật lại những trang lịch sử lập nước và giữ nước hào hùng của dân tộc Việt, ta nhận thấy truyền thống ăn Tết của người Việt đã có từ thời vua Hùng Vương (trước thời Bắc thuộc kéo dài 1000 năm) qua sự tích “Bánh dày bánh chưng”. Nội dung câu truyện đã cho thấy phong tục làm bánh chưng bánh dày ăn Tết đã có từ đời Hùng Vương.  

Hùng Vương thứ nhất (tranh vẽ: ViVi)

Sự tích Bánh Dày Bánh Chưng:

Ngày xưa, đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con. Nhân dịp đầu Xuân, vua mới họp các hoàng tử lại, bảo rằng: “Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho”.

Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng mình lấy được ngai vàng.

Trong khi đó, người con trai thứ 18 của Hùng Vương, là Tiết Liêu (còn gọi là Lang Liêu) có tính tình hiền hậu, lối sống đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ. Vì mẹ mất sớm, thiếu người chỉ vẽ, nên ông lo lắng không biết làm thế nào.

Mộ Tổ Hùng Vương (Vĩnh Phúc Yên)
(photo: Trần Cao Lĩnh)

Một hôm, Tiết Liêu nằm mộng thấy có vị Thần đến bảo: “Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành”.

Tiết Liêu tỉnh dậy, vô cùng mừng rỡ. Ông làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng hình Đất, bỏ vào chõ chưng chín gọi là Bánh Chưng. Và ông giã xôi làm bánh tròn, để tượng hình Trời, gọi là Bánh Dầỵ Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái.

Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem thức ăn đến bày trên mâm cỗ. Ôi thôi, đủ cả sơn hào hải vị, nhiều món ngon lành. Hoàng tử Tiết Liêu thì chỉ có Bánh Dầy và Bánh Chưng. Vua Hùng Vương lấy làm lạ hỏi, thì Tiết Liêu đem chuyện Thần báo mộng kể, giải thích ý nghĩa của Bánh Dầy Bánh Chưng. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon, khen có ý nghĩa, bèn truyền ngôi Vua lại cho Tiết Liêu con trai thứ 18.

Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, thì dân chúng làm bánh Chưng và bánh Dầy để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất.

Ý nghĩa của Bánh Dầy – Bánh Chưng:

Bánh chưng hình vuông, màu xanh, tượng trưng cho Đất – Âm. Bánh dầy hình tròn, màu trắng, tượng trưng Trời – Dương, thể hiện triết lý Âm – Dương. Bánh chưng tượng trưng cho Mẹ, bánh dầy tượng trưng cho Cha. Bánh chưng bánh dầy là thức ăn truyền thống cao quý và ý nghĩa nhất để cúng Tổ Tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục bao la như trời đất của cha mẹ.

Tết Nguyên Đán thể hiện đầy đủ nhất những ý nghĩa về giá trị nhân văn và tâm linh vô cùng sâu sắc và thâm thúy của văn hóa và tinh thần của dân tộc Việt.

  • Tết Nguyên Đán là thời điểm giao hòa giữa Thiên – Địa – Nhân
Bánh Dày – Bánh Chưng (tranh vẽ: ViVi)

Tết là thời điểm kết thúc một vòng chu kỳ tuần hoàn của vũ trụ, tiễn đưa chu kỳ cũ và chào đón một chu kỳ mới. Nước Việt Nam giống như các nước Đông Á trước đây vốn chủ yếu canh tác lúa nước, nên để thuận tiện trong quá trình canh tác, người nông dân đã dựa vào thời tiết trong năm tính theo Âm Lịch để phân chia thời gian trong năm thành 24 tiết khí. Trong đó tiết quan trọng nhất, khởi đầu cho một chu kỳ canh tác, gieo trồng chính là tiết Nguyên Đán, hay vẫn thường gọi là Tết Nguyên Đán.

Theo quan niệm dân gian, Tết Nguyên Đán là khoảng thời gian giao thoa giữa Trời với Đất, và giữa con người với thần linh.

Tết Nguyên Đán là khoảng thời gian giao thoa giữa Trời với Đất vì vào tiết Xuân,Trời phú cho các yếu tố thiên nhiên thuận lợi cho việc canh tác, trồng cấy như thời tiết ôn hòa, khí hậu ấm áp, mưa nắng điều hòa. Mưa nắng của Trời đã tưới gội cho đất đai đông cứng khô cằn trong mùa Đông trở nên mầu mỡ, cây cối đâm chồi nẩy lộc, cỏ hoa xanh tươi mà thi hào Nguyễn Du đã diễn tả tiết Xuân bằng vài nét chấm phá qua hai câu thơ lục bát: “Cỏ non xanh tận chân trời, cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.  

Tết Nguyên Đán còn là thời điểm giao cảm giữa con người và thần linh vì từ quan niệm “Ơn trời mưa nắng phải thì”, người dân coi Tết là dịp để bầy tỏ lòng biết ơn Trời và các vị thần linh (Thần Mưa, Thần Nắng, Thần Gío, Thần Đất) đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, và thiên hạ ấm no thái bình. Lòng tin tưởng và biết ơn Trời và các vị thần linh đã được biểu lộ trong các tục lệ Tết như Cúng Thổ Công (Ông Táo), dựng Cây Nêu, Cúng Giao Thừa, và hái lộc đầu xuân.   

Triết lý Tam Tài: Thiên – Địa – Nhân:

Sự giao thoa giữa con người với Trời Đất nói trên bắt nguồn từ triết lý Tam Tài: Thiên – Địa – Nhân. Con người được sinh ra sống trên đời, đầu đội Trời, chân đạp Đất. Nên con người chỉ có thể sinh tồn và phát triển trong xã hội lòai người nếu hội đủ cả ba yếu tố: Thiên Thời, Địa Lợi, Nhân Hòa. Mưa thuận gío hòa và nắng mưa điều hòa là yếu tố Thiên Thời; đất đai mầu mỡ sản sinh ra mùa màng tươi tốt và các lọai thực phầm cây trái cho con người là yếu tố Địa Lợi; và yếu tố Nhân Hòa: con người sống hòa hợp với nhau thì gia đình êm ấm, làng xóm mới được yên vui, đất nước phú cường, và thiên hạ được thái bình.

  • Tết Nguyên Đán là thời gian để gia đình sum vầy, đòan tụ, hòa thuận yêu thương nhau

Tết là dịp các con cháu xa xứ trở về nhà, sum họp vui vẻ với gia đình, quên hết những nhọc nhằn và bất hòa trong năm cũ, để cùng nhau ăn Tết, kính nhớ đến ông bà tổ tiên đã khuất, tỏ lòng thảo hiếu với cha mẹ, chúc mừng nhau những lời lẽ tốt đẹp nhất. Đó là hương vị tình thân rất trân qúy của ngày Tết mà chỉ những người xa xứ trở về nhà ăn Tết mới cảm nhận được một cách sâu sắc và thiêng liêng nhất.

Hương vị tình thân của ngày Tết:

Còn gì hạnh phúc hơn vào ngày trước Tết, cả gia đình quây quần bên bếp lửa hồng canh nồi bánh chưng và đón khoảnh khắc giao thừa. Rồi sáng ngày Mồng Một Tết, đại gia đình gồm cha mẹ, anh chị em, con cháu quây quần cầu nguyện trước bàn thờ gia tiên mời tổ tiên ông bà về ăn Tết, rồi mừng tuổi nhau, cùng nhau ôn lại chuyện cũ của một năm trôi qua, chia sẻ những dự định cho một năm mới, và thưởng thức mâm cỗ Tết thịnh sọan đầy ắp hương vị Tết như bánh dầy ăn với giò chả, bánh chưng ăn kèm với món hành nén hay củ kiệu, bánh tét ăn với dưa món, thit heo quay ăn với bánh hỏi, xôi gấc, xôi vò, giò thủ, cùng các lọai kẹo mứt như kẹo lạc, mứt hạt sen, mứt dừa, mứt gừng, mứt mãng cầu, hồng khô, chà là.

Trong lúc trà dư tửu hậu, cả nhà tụ lại chơi bài Tam Cúc hoặc đánh Bầu-Cua-Cá-Cọp. Tiếng cười vui rộn rã của người lớn bên bàn Tam Cúc hòa lẫn với tiếng reo hò của trẻ con bên bàn Bầu-Cua-Cá-Cọp, tạo nên cảnh gia đình vui Xuân đầm ấm trong khi bên ngòai tiếng pháo nổ vang rền khói pháo vươn bay cao lên bầu trời chan hòa nắng xuân ấm áp.  

Đây mới thực sự là hương vị tình thân của ngày Tết mà có lẽ chỉ những người con xa xứ mới có thể thấu hiểu được. Dù có bận rộn đến đâu nơi đất khách quê người thì mỗi dịp Tết đến lại khiến những người con xa xứ trạnh lòng nhớ nhà và muốn trở về quê ăn Tết đúng với câu ca dao tục ngữ: “Dù ai buôn bán mãi đâu, Nhớ ngày Tết đến, rủ nhau mà về”.

mâm ngũ quả (photo: Epoch Times)

Ngày Tết đem lại một sự khởi đầu mới, nên mọi người rũ bỏ những điều buồn phiền trong năm cũ, bỏ qua mọi hiềm khích bất hòa cũ. Mọi người đều giữ thái độ vui vẻ hòa nhã với nhau, và cầu chúc nhau một năm mới được Phúc (may mắn), Lộc (giàu có, sung túc), Thọ (sống lâu), Khang (khỏe mạnh), Ninh (bình yên).

Người Việt luôn tin rằng “Đầu xuôi đuôi lọt” nên những ngày Tết sum họp vui vẻ và hòa hợp đầu năm báo hiệu một năm mới may mắn, an lành, tốt đẹp.

Ngoài ý nghĩa gia đình đoàn tụ ăn Tết, Tết còn thể hiện tinh thần Đạo Hiếu và tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt.

  • Tết Nguyên Đán là dịp bày tỏ lòng kính nhớ tổ tiên ông bà

Trong ngày Mồng Một Tết, mọi gia đình đều thắp hương và bày biện mâm cúng lên bàn thờ gia tiên để bày tỏ lòng hiếu kính, hiếu đạo của con cháu đối với tổ tiên ông bà và mời tổ tiên ông bà về Ăn Tết. Một mâm cúng truyền thống gồm mâm ngũ quả, bánh mứt, xôi chè và đĩa thịt. Mâm ngũ qủa tượng trưng cho Ngũ Hành, tức năm yếu tố tạo thành thiên nhiên vạn vật: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Riêng các gia đình Công Giáo, bàn thờ gia tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa, và trên bàn thờ gia tiên, chỉ trưng bầy lư hương, nhang đèn, hoa Tết, và mâm ngũ quả.

Một số nơi còn có phong tục tảo mộ đầu năm để mời ông bà về ăn Tết với gia đình. Trong những ngày Tết, mọi người đều tin rằng tổ tiên sẽ trở về hiện diện trên ban thờ gia tiên, chứng giám lòng thành của con cháu và phù hộ con cháu khỏe mạnh, học hành tấn tới, làm ăn phát đạt, và vạn sự hanh thông.

Mừng Tuổi Đầu Năm (photo: Trần Cao Lĩnh)
  • Tết Nguyên đán là dịp thể hiện truyền thống hiếu nghĩa và tôn sư trọng đạo

Trong tiềm thức, người Việt đều tin rằng, ngày Tết chính là cơ hội để thể hiện đạo lý “Uống  nước nhớ nguồn” một cách sâu sắc và rõ nét nhất. Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” này không những đề cao truyền thống hiếu nghĩa, biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất mà còn biết ơn ông bà, cha mẹ còn tại thế và cả các bậc ân sư trong truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt qua câu “Mùng một Tết cha, mùng 2 Tết chú, mùng 3 Tết thầy“. Đó là những phong tục chúc Tết hết sức tốt đẹp của dân tộc ta, thể hiện sự tôn ty trật tự từ trong gia tộc cho đến ngòai xã hội. “Mùng một Tết cha”: chữ “cha” ở đây là cha mẹ, đấng sinh thành và dưỡng dục mình. “Mùng 2 Tết chú” có ý chỉ các bậc trưởng thương trong gia tộc như chú bác, cô dì, cậu mợ. “mùng 3 Tết thầy” tức học trò phải tết các thầy cô đã có công dạy dỗ minh về kiến thức và đạo dức.

Tết Nguyên Đán là dịp thể hiện lòng biết ơn với ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, cậu mợ, và cả các bậc ân sư nữa. Một trong truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta là tinh thần hiếu học và truyền thống tôn sư trọng đạo qua câu nói: “Nhất tự vi sư, Bán tự vi sư”, nghĩa là mọi người đều phải biết ơn và kính trọng tất cả những thầy cô đã dạy dỗ mình dù nhiều hay ít.

Thay lời kết: Hãy duy trì và bảo tồn Tết Nguyên Đán truyền thống của dân tộc Việt

Trên đây là các ý nghĩa nhân văn và tâm linh sâu sắc và thâm thúy của Tết Nguyên Đán Việt Nam. Trong tâm thức của người Việt, Tết nguyên đán thể hiện đầy đủ nhất những giá trị nhân văn và thiêng liêng thắm đượn bản sắc văn hóa và tinh thần người Việt. Vì Tết Việt Nam là gia bảo văn hóa đẹp đẽ và là tài sản tinh thần vô cùng quý giá do ông cha ta truyền lại cho các thế hệ con cháu noi theo. nên mọi người Việt phải biết duy trì và bảo tồn Tết Nguyên Đán truyền thống của dân tộc Việt.

Little Saigòn – Nam Cali, thượng tuần Tháng Chạp Qúy Mão
Vũ Ngọc Lộc


Tài liệu tham khảo:

Ý Nghĩa Của Ngày Tết Nguyên Đán Trong Văn Hóa Việt Nam:
https://bazanland.com/qua-tang-tet/y-nghia-cua-ngay-tet-nguyen-dan/

Tết Nguyên Đán là gì? Phong tục ăn Tết Cổ Truyền của người Việt:
https://sangom.vn/blog/tet-nguyen-dan-la-gi/

Ý nghĩa đặc biệt của Tết Nguyên Đán có thể bạn chưa biết!
https://taxitaikienvanghanoi.com/y-nghia-cua-tet-nguyen-dan/

Tết Nguyên đán là gì? Ý nghĩa và nguồn gốc của Tết Nguyên Đán Việt Nam:
https://lala.com.vn/tet-nguyen-dan

Sự tích Bánh Dầy – Bánh Chưng (truyencotichvietnam.vn)