– Sanh năm 1937 tại Thủ Dầu Một.
– Xuất thân khoá 10 Nhân Vị , Trường SQTB / Thủ Đức năm 1961
– 1961-1968 : Chi Đội Trưởng và Chi Đoàn Trưởng Chi Đoàn 3 Trung Đoàn 1 KBTG
– 1968-1969 : Sỉ Quan Tiếp Vận , Thiết Đoàn 11 Kỵ Binh, Quảng Trị, QĐ I
– 1969-1970 : Trưởng Phòng Bảo vệ, Phủ Thủ Tướng, Sàigòn
– 1970 -1971: Chi Đoàn Trưởng CĐ2/18 Thiết Kỵ, LĐ III KB, QĐ. III
– 1972-1974 : Thiết Đoàn Phó TD9KB, LĐIVKB, QĐ.IV
-1974-1975 : Thiết Đoàn Trưởng , TD9KB, LĐIVKB, QĐ IV
– 1975-1983 : Tù CS ở Miền Bắc Việt Nam
– Cuối 1990 : Định cư tại Hoa Kỳ/ HO3
– Với 5 lần bị thương ở chiến trường
* Tri ân và tưởng niệm Cố Thiếu Tướng Lê Văn Hưng, Nguyên Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn IV và Quí Chiến hữu cùng chiến đấu đã nằm xuống vì lý tưởng Tự Do.
* Vinh danh và trân trọng tri ơn Quí Chiến hữu Không Quân, Hải Quân, Biệt Động Quân, Bộ Binh, Địa Phương Quân, Nghĩa Quân và Kỵ Binh các cấp đã cùng phối hợp tạo nên những thành quả nầy.
* Kính tặng Chuẩn Tướng Mạch văn Trường, Tư Lệnh Sư Đoàn 21 BB. Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, người đã trực tiếp chỉ huy tôi…
Sau Hiệp Định Paris năm 1973, vì nhu cầu chiến lược giành dân, giữ đất và yểm trợ bình định, Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi Tư Lệnh Quân Đoàn IV kiêm Quân Khu IV, đã xử dụng SĐ21BB, tổ chức những cuộc hành quân càn quét, dồn địch vào rừng U Minh và lập một hệ thống đồn bót vòng đai U Minh để kiểm soát và ngăn chận hoạt động địch, đồng thời thành lập căn cứ hoả lực Pháo binh 105 ly tại xã Lương Tâm để chỉ huy và yểm trợ các hoạt động của quân ta.
(Quân Khu IV dự trù sau nầy dân cư trù phú, sẽ trình Chính Phủ lập thêm 1 Quận Hành Chánh đặt tên là Quận Hưng Long thuộc Tỉnh Chương Thiện)
Ngày 1/11/ 1974, Đại Tá Mạch văn Trường nhận chức Tư Lệnh Sư Đoàn 21 BB thay Chuẩn Tướng Lê văn Hưng. Tướng Hưng về làm Tư Lệnh Phó Quân Đoàn IV, Phụ Tá cho Thiếu Tướng Nguyển Khoa Nam, Tư Lệnh Quân Đoàn IV.
Sư Đoàn 21 BB, trách nhiệm hành quân yểm trợ chiến thuật cho các Tỉnh An Xuyên + Bạc Liêu + Ba Xuyên + Phong Dinh + Chương Thiện + Kiên Giang + An Giang, tức là phần đất từ Sông Hậu Giang xuống Cà Mau, trực thuộc QĐ IV và QK IV.
Giữa năm 1974, do nghị quyết của Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng Cộng Sản VN ở Hà Nội, Sư Đoàn 4 Hậu Giang trực thuộc Quân Khu 9 CSVN (tức vùng đất từ Sông Hậu Giang xuống mũi Cà Mau) được thành lập, gồm có 3 Trung Đoàn Chủ lực biệt lập D1+ D2 + E 6, thêm Trung Đoàn Pháo – Cối từ Miền Bắc mới xâm nhập vào (hoả Tiển 122 ly + cối 120 ly + đại bác không giật 82 ly và súng 12ly 8 phòng không )
Cuối năm 1974, CSVN phát động chiến dịch Đông Xuân, đánh phá đồng loạt vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tại QK9,Việt Cộng tung Sư Đoàn 4 Hậu Giang khai quân vào chiến dịch nầy. Khởiđầu, địch quân đánh chiếm hệ thống đồn bót vòng đai U Minh, giai đoạn kế tiếp là đánh chiếm tỉnh Chương Thiện. Chương Thiện và Rạch Giá là một vùng sông rạch chằn chịt, ruộng lúa và sình lầy ngập nước.
Dụ địch ra khỏi hang … VC phơi mình trong lưới lửa
Ngày 11/11/74, nhằm giải tỏa áp lực địch và giải vây cho căn cứ hỏa lực tại xã Lương Tâm, theo lệnh của Quân Đoàn IV, Trung Đoàn 31 /21 BB, do Đại Tá Nguyển văn Biết chỉ huy, cho 2 Tiểu Đoàn 1+3/31 BB trực thăng vận xuống ruộng trống hướng Đông của căn cứ hoả lực và cách khoảng 2 cây số. Vừa đặt chân xuống bãi đáp an toàn, 2 Tiểu đoàn tiến song song về hướng Tây (hướng căn cứ hoả lực), cách căn cứ hoả lực khoảng 1 Km. Tiểu Đoàn 1/31 đi ngoài ruộng trống và bị VC dùng chiến thuật độn thổ phục kích. Tiểu Đoàn 3/31 đi phía trong con rạch và vườn cây cũng chạm súng nặng và bị VC cầm chân, không ứng cứu được Tiểu Đoàn 1/31. Trung Đoàn 31 BB đã phải dùng hoả lực phi pháo yểm trợ tối đa mới giúp được 2 Tiểu Đoàn nầy lui quân ra khỏi vòng chiến.
Trong trận đổ quân bị phục kích và chạm địch này, Tiểu đoàn 1/31 BB bị tổn thất nặng (Tiểu đoàn trưởng chết và mất xác, một số binh sĩ bị mất tích), Tiểu Đoàn 3/31 BB bị tổn thất trung bình, đổi lại, Việt Cộng bị tổn thất rất nặng trong trận đánh xáp lá cà và bị mưa pháo bắn dập. Điều đáng ca ngợi tinh thần huynh đệ chi binh của 2 Tiểu Đoàn nầy, mặc dầu giao chiến hết sức gay go và thất thế, nhưng họ vẫn cố gắng khiên vác đưa ra vùng an toàn hơn 100 đồng đội bị thương.
Sau đó Đại Tá Tư Lệnh Sư Đoàn lệnh cho thành lập Chiến Đoàn 32 lưu động do Trung Tá Hồ Viết Lượng, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 32/21 Bộ Binh Chỉ huy (nồng cốt là Trung Đoàn 32/21 BB) và di quân rời vùng Cà Mau lên vùng Chương Thiện, phối hợp với Chiến Đoàn 219 xung kích (nồng cốt là Thiết Đoàn 9 Kỵ Binh do Trung Tá Trần Hữu Thành, Thiết Đoàn Trưởng TĐ9KB làm Chiến Đoàn Trưởng) để hành quân giải tỏa áp lực VC ở vùng căn cứ hỏa lực nầy. Sư Đoàn 21BB chỉ huy trực tiếp cuộc hành quân .
Đại Tá Tư Lệnh Sư Đoàn nhận định, với thực tế địa thế sình lầy, sông lớn và kinh rạch chằng chịt, sông Cái Lớn quá rộng và sóng rất to, 2 bờ sông sình và lầy, Thiết kỵ khó có thể làm capstan để vượt sộng, rất trở ngại cho Thiết Kỵ di chuyển và áp dụng đội hình thích hợp. Nếu tung Chiến Đoàn 32 Lưu Động vào mà không có Thiết Kỵ đi kèm để hổ trợ thì khó thành công, và sẽ bị tổn thất nặng như Trung Đoàn 31 BB. Do đó, Đại Tá Tư Lệnh Sư Đoàn và chúng tôi thảo luận và chấp nhận chọn giải pháp: Câu thời gian, dùng chiến thuật “điệu hổ ly sơn”, dụ địch ra khỏi hang để tiêu diệt.
Giai đoạn đầu, quan niệm hành quân là: Chiến Đoàn 219 xung kích nhận nhiệm vụ làm mũi nhọn tiến quân chính, tiến từ hướng Bắc xuống sông Cái Lớn, vượt sông Cái Lớn và tiến xuống giải toả áp lực địch quanh căn cứ hoả lực. Chiến Đoàn 32 Lưu Động làm lực lượng trừ bị, hành quân phía sau, giữ đường tiếp tế, giải toả áp lực địch quanh quận Kiên Hưng, cùng lúc đánh phá khu hậu cần của Trung Đoàn D2 Việt Cộng và sẳn sàng Trực Thăng Vận. (Xem phóng đồ số 1)
Khi Chiến Đoàn 219 tiến xuống cách phía Bắc bờ sông Cái Lớn khoảng hơn 3 cây số thì Chi Đoàn 3/9 Thiết Kỵ báo cáo bị lầy. Chi Đoàn 3/9Thiết Kỵ do Thiếu Tá Nguyễn Quí Phát làm Chi Đoàn Trưởng, được 2 Đại Đội của Tiểu Đoàn 1/33/21 BB tùng thiết. Chiến Đoàn đã dùng nghi binh là bị lầy, các chiến xa lên, xuống, xoay xích sắt quanh chỗ nầy, không đi được xuống hướng Nam để chuẩn bị vượt sông như lệnh hành quân. Liên tiếp trong nhiều ngày Chiến Đoàn bị Tư Lệnh Sư Đoàn xài xể rùm beng trong máy… Trong thời gian nầy căn cứ hoả lực được bảo vệ hữu hiẹäu bằng Pháo Binh. Những trở ngại trao đổi giữa Chiến Đoàn với Tư Lệnh Sư Đoàn chắc chắn là VC kiểm thính và nghe tất cả. Đánh giá là Thiết giáp thực sự không đi xuống hướng Nam được, VC cho bỏ trận địa chờ đón đả viện ở phía Nam sông và di quân vượt sông Cái Lớn lên hướng Bắc, bố trí tạo dựng trận địa mới, phục kích chận đánh BB.
Sáng ngày N+4, khoảng 10 giờ, sau khi báo cáo bị lầy như các ngày trước, Chi Đoàn 3/9 Thiết Kỵ cho 2 ĐĐ/BB tùng thiết xuống xe và đi về phía trước, tức hướng Nam cận bờ sông Cái Lớn, lục soát và bố trí. Khi 2 ĐĐ/BB đi cách Chi Đoàn khoảng 700 thước thì bị VC khai hoả bằng thượng liên phòng không 12 ly 8. Bộ Binh liền nằm lại, móc hố, bố trí bám trụ, không rút lui.( Vì đã nhận lệnh miệng từ trước là nằm tại chỗ, Thiết Kỵ sẽ tràn lên diệt địch ).
Bộ Binh báo cáo trước mặt họ khoảng 600 thước có 5, 6 cái ụ đất có cây tràm mọc,VC đặt thượng liên ở đó bắn vào cánh quân của Bộ Binh, và có thể có súng nặng ở đó. Chiến Đoàn cho pháo binh tác xạ mạnh vào các điểm tiên liệu phía trước và điều động Chi Đoàn 1/9 TK do Đại Uý Lê Quí Thọ chỉ huy, trừ bị từ phía sau tiến lên, cùng dàng hàng ngang với Chi Đoàn 3/9 TK, di chuyển vượt qua tuyến Bộ Binh, cùng lúc, 2 Chi Đoàn cùng xung phong vào phòng tuyến VC… Hai chi đội 4/1/9 và 4/3/9 yểm trợ cùng 6 xe M113 trang bị 106 ly không giật của 2 Chi Đoàn 1 và 3 Thiết kỵ do Thiếu Uý Nguyển Ngọc Dưỡng, Chi Đoàn phó Chi Đoàn 1/9 TK chỉ huy, di chuyển xéo lên bên phải và bố trí để làm căn cứ hoả lực, xử dụng cối 81 ly cùng 106 không giật và đại liên 50 tác xạ cực mạnh xéo ngang hông các đơn vị VC, yểm trợ cho 2 Chi Đoàn xung phong.
Hai Chi Đoàn trưởng đã phối hợp hàng ngang tuyệt vời, từng đợt từng đợt 6 trái 106 ly không giật bắn bay mất các ụ đất cao, khoá miệng các súng phòng không 12 ly 8 và 82 ly không giật chống Thiết Giáp. Vết xích xung phong của Thiết Kỵ đã cày nát tuyến phục kích của VC. Tuyến bị vỡ, quân VC số bị dìm chết dưới xích sắt chiến xa, số bung ra khỏi hầm hố thoát chạy và bị bắn gục hết lớp này đến lớp khác.
Trên thực tế, VC bị yếu tố bất ngờ vì nghĩ rằng đất lầy nên M 113 không di chuyển được, nhưng địa thế tuy có nước lấp xấp, đất vẫn còn cứng và M113 di chuyển rất tốt và dễ dàng, do đó VC không trở tay kịp và làm mồi cho đại bác 106 không giật, súng cối và đại liên 50 + 30 trên xe M113. Một số lớn bị đánh bật khỏi vị trí, rút lui về phía sông thì lại bị pháo binh và cối của ta hủy diệt, xác địch nằm vương vãi trên bờ ruộng, trong lùm cây, trên sông lạch…
Với kinh nghiệm chiến trường, Thiếu Tá Phát và Đại Uý Thọ cùng các Kỵ Binh 2 Chi Đoàn đã phối hợp hỏa lực và di động chuẩn xác đã gây cho VC thiệt hại nặng nề. Trong trận đánh này, Chiến Đoàn chưa nhờ đến sự yễm trợ của không quân.
Kiểm điểm kết quả sau trận đánh, về phíaViệt Cộng, 1 Tiểu Đoàn của Trung Doàn D2 bị xoá tên hoàn toàn và một số tổn thất khác không rõ. Về phía QLVNCH, số thương vong không đáng kể, gồm 8 người bị thương (6 BB và 1 HSQ xạ thủ ĐL50 và 1 Trung sĩ trưởng xa.) Ta tịch thu 2 đại bác 82 ly không giật chống TG +3 thượng liên 12ly8 phòng không và trên 50 súng cá nhân và B40, B41.
Chiến thuật Ngựa ngậm tăm: im lặng vô tuyến, nghi binh, chuyển thế. Lê Đức Anh vứt chiến bào thoát thân trong lửa đạn. (Xem phóng đồ số 2 )
Sau những lần thất bại nặng nề liên tiếp, tướng Việt Cộng Lê Đức Anh, Tư Lệnh Quân Khu 9 của CSVN rất bực tức, quyết định phục hận, quyết đánh chiếm Toà hành chánh cùng thị xã Vị Thanh của Tỉnh Chương Thiện và san bằng BTL/Hành Quân của SĐ 21 BB nằm sát cạnh vòng đai Thị Xã Vị Thanh về phía Nam. Cùng lúc, địch dàn quân với ý đồ phục kích chận đánh tiêu diệt Chiến Đoàn 219 xung kích và Chiến Đoàn 32 lưu động từ vùng Kiên Hưng khi các đơn vị này về cứu viện, và theo dự trù, hai Chiến đoàn này di quân dọc theo trục lộ từ Cầu đúc Cái Sình qua xóm làng Hỏa Lựu về sát phía Nam với BTL/HQ của SĐ21 BB.
Tướng VC Lê đức Anh, cho lệnh tấn công, pháo kích nặng đồn Vĩnh Chèo và Chi Đoàn 2/9 Thiết Kỵ do Trung Uý Dương Vĩnh Trường, Chi Đoàn Trưởng chỉ huy. Chi Đoàn đang tăng phái hành quân bảo vệ vùng nầy, hành quân xa với Chi Đoàn 1 và 3. Lê đức Anh cùng lúc cho đại quân di chuyển dần ra gần tỉnh và BTL/SĐ21/HQ, chiếm khu vườn Cò của Ông Hội Đồng Hổ ở xã Tân Thuận Đông, cùng dàn tuyến phục kích dài theo xã Hoả Lựu, chuẩn bị trận địa đồng loạt tấn kích ngày hôm sau.
Nhận được báo cáo chính xác tin của Phòng 2 SĐ, Đại Tá TL/SĐ 21BB cho lệnh Chiến Đoàn 219 xung kích phản công, chận đánh VC với quan niệm không chấp nhận bị phục kích từ Cầu đúc Cái Sình, Hỏa Lựu về BTL/SĐ/HQ. Chiến Đoàn Trưởng trình bày kế hoạch tổng quát như sau :
Để Chi Đoàn 1/9 Thiết Kỵ ở lại vùng hành quân với Chiến Đoàn 32 Lưu Động. Cho Chi Đoàn 3/9 Thiết Kỵ di chuyển về Chương Thiện, phối hợp với Chi Đoàn 2/9 Thiết Kỵ phản công, kế hoạch chi tiết, tôi sẽ trình vào sáng hôm sau. Đại Tá Tư Lệnh đồng ý với kế hoạch trên.
Ngay sau khi nhận lệnh, Hổ Cáp (biệt danh của Chiến Đoàn Trưởng) đáp trực thăng Chỉ huy xuống Chi Đoàn 1+ 3 Thiết Kỵ và cho lệnh miệng tại chỗ:
– 36 (biệt danh của Thiếu Tá Nguyển Quí Phát, Chi Đoàn Trưởng Chi Đoàn 3/9 Thiết kỵ), chuẩn bị khi trời vừa tối, chi đoàn chở Đại Đội 32 Trinh Sát làm tùng thiết, tắt đèn, im lặng vô tuyến, không liên lạc bằng máy truyền tin (chỉ lên tiếng khi chạm địch), chỉ liên lạc bằng mắt, di chuyển ra lộ cái, đi về Rạch Giá, qua Long Xuyên, về Cần Thơ, xuống ngả 3 Cái Tắc nhận tiếp tế đạn dược, xăng dầu, lương thực. Đúng 3 giờ sáng rời điểm tiếp tế đi vô Chương Thiện, cách Tỉnh Lỵ 2 Cây số, đổi hướng trái và vượt kinh, bố trí sau lưng xóm nhà hướng về hướng Nam, sẳn sàng tấn công mục tiêu trước 6 giờ sáng. Chờ lệnh.
Trong khi Chi Đoàn di chuyển, Chi Đoàn cho 1 HSQ Ban 3 ở lại với BCH/Chiến Đoàn 32 với máy truyền tin tại ấp Áp Lục, luôn báo cáo về BCH/Chiến Đoàn 219 Xung Kích điểm ngủ đêm của Chi Đoàn, phục kích đêm của Bộ Binh tùng thiết, hỏa tập pháo binh, báo cáo hoạt động trong ngày. Nhiệm vụ là luôn giữ liên lạc và báo cáo y như là Chi Đoàn đang qua đêm tại Vùng hành quân.
– 18 (biệt danh của Đại Uý Lê Quí Thọ Chi Đoàn Trưởng Chi Đoàn 1/9 Thiết Kỵ) bố trí qua đêm tại chỗ. Sáng hôm sau, Chi Đoàn tăng phái cho Chiến Đoàn 32 lưu động, vào tần số và nhận lệnh trực tiếp Chiến Đoàn.
Ngay chiều hôm đó, Thiếu Tá Hồ Đình Thuận, Thiết Đoàn Phó TĐ9KB theo trực thăng chỉ huy về hậu trạm Chiến Đoàn tại tỉnh lỵ Chương Thiện, phối hợp với 94 ( biệt danh của Đại uý Đào văn Cung), Sĩ quan Tiếp Vận của Thiết Đoàn lo việc tiếp tế cho Chi Đoàn 3/9 TK tại Ngả 3 Cái Tắc, đoàn xe tiếp tế có mặt trước 1 giờ sáng và Ban truyền tin chuẩn bị máy và rà, tìm kiếm tần số liên lạc truyền tin của VC, theo dõi hoạt động của chúng hầu cập nhật tình hình, tìm đúng chỗ chúng bố trí để có quan niệm hành quân thích nghi, áp dụng đội hình cùng hướng tiến quân thích hợp và chính xác vào sáng hôm sau.
Đúng 6 giờ sáng, mặt trời sắp mọc, ánh sáng mờ mờ, Chiến Đoàn điều động Chi Đoàn 2/9 TK do 27 (biệt danh của Trung Uý Dương Vĩnh Trường Chi Đoàn Trưởng) rời điểm ngủ đêm, di chuyển lên hướng Bắc vượt kinh Hội Đồng Hổ, bắt tay với Chi Đoàn 3/9 TK cùng thanh toán mục tiêu. Đồng thời cho Chi Đoàn 3/9 TK rời vi trí di chuyển xuống hướng Nam, sẳn sàng bắt tay với Chi Đoàn 2/9 TK. Thiết Kỵ di chuyển rất chậm và đổi hướng luôn luôn theo lệnh Chiến Đoàn để Ban Truyền tin do 96 Thượng Sỉ I Hầu Châu Pâu chỉ huy rà tìm tần số liên lạc của VC.
Sau hơn 1 giờ tìm kiếm, Ban Truyền Tin Chiến đoàn đã bắt được tần số liên lạc của VC. Và sau nhiều lần thay đổi hướng tiến của Chi Đoàn 3/9 Thiết Kỵ, nghe chúng báo cáo, Chiến Đoàn biết chắc chắn là Tướng VC Lê đức Anh đã cho quân bố trí ngoài ruộng trống, trước mặt của Chi Đoàn 3/9 Thiết Kỵ chứ không bố trí trong kinh rạch như lệ thường, cốt ý là để tránh phi pháo và gây bất ngờ cho ta. Một lần nữa, Việt cộng lại áp dụng chiến thuật độn thổ phục kích ngoài ruộng trống.
Tình hình dàn quân của địch đã rõ: Địch ở ngay trước mặt Chi Đoàn 3/9 TK. Chiến Đoàn lệnh cho Chi Đoàn 2/9TK vượt kinh ngay, sau khi vượt kinh xong, Chiến Đoàn lệnh cho Trung uý Diệp Minh Tâm, Chi Đoàn phó Chi Đoàn 3/9 Thiết kỵ chỉ huy căn cứ hoả lực gồm 6 đại bác 106 ly không giật (gồm 3 của Chi Doàn 3/9 TK và 3 của Chi Đoàn 2/9 TK) cùng 2 Chi Đội yểm trợ súng cối 81 ly của 2 Chi Đoàn cùng toàn bộ phần còn lại của Chi Đoàn 2/9 TK, tác xạ từ hướng Đông sang Tây yểm trợ cho chi Đoàn 3/9 TK xung phong từ Bắc xuống Nam.
Cuộc giao tranh diễn ra ác liệt, trên trực thăng chỉ huy, Hổ Cáp nhìn xuống trận địa thấy rất rõ địa thế và tình hình bao quát, thấy hỏa lực địch còn rất nặng trước mặt bên phải Chi Đoàn 3/9 TK, dàn súng cối của VC đặt ở bờ sông Cái Lớn phía Nam bắn lên. Chi Đoàn 3/9 Thiết Kỵ nhận lệnh bố trí lại tại chỗ và tác xa cầm chân VC chờ lệnh. Trung úy Tam nhận lệnh dời căn cứ hỏa lực lên thay thế vi trí Chi Đoàn 2/9 TK, và 27 cùng Chi Đoàn di chuyển đi phía sau Chi Đoàn 3/9 từ hướng Đông qua hướng Tây, qua bên phải xong, đổi đội hình dàn hàng ngang với Chi Đoàn 3/9 Thiết Kỵ.
Hổ Cáp cho 2 Chi Đoàn dàn hàng ngang, mỗi xe cách nhau khoảng 50 thước, đại liên nối đạn dài 5 hay 10 thùng, tác xạ 15 hay 20 viên / loạt, mãnh liệt và liên tục vào mục tiêu địch. 27 và 36 liên lạc hàng ngang phối hợp thật chặt chẽ ào ạt xung phong vào tuyến VC. Cùng lúc, lệnh cho 93, Đại úy Nguyễn Quang Minh, sĩ quan Hành Quân Chiến Đoàn, điều phối họp hỏa lực Pháo Binh bắn tập trung vào tuyến địch ở Kinh Ông Hội Đồng Hổ, khu vườn Cò và vị trí súng cối địch ở phía Nam, đồng thời cản đường tiếp viện hay rút lui, tản thương của địch.
Thiết Kỵ và Bộ Binh đan lưới lửa phủ chụp lên các vị trí địch, và yếu tố bất ngờ mà địch tưởng dành cho đối phương đã bị đảo ngược, họ trở thành mục tiêu tác xạ lộ thiên không nơi chắn che, nương tựa, bị dí chết giữa đồng rộng dưới lưới đạn và xích sắt, hoặc vỡ phòng tuyến tháo chạy thành những hàng bia di động bị đốn ngả.
Sau hơn 1 giờ quần nhau từ ruộng lầy trống vào đến sát bờ kinh, Chiến Đoàn đã làm chủ toàn bộ chiến trường và khai thác trận địa. Nắng soi rõ mặt, chiến địa sình lầy nhầy nhụa máu và xác người, súng và đạn, những mô đất vỡ tung, những nhành cây gẫy cụp. Chiến địa hoang tàn trong nỗi kinh hoàng của những toán quân cộng sản may mắn còn sống tháo chạy không dám quay đầu..
Chiến Đoàn báo cáo chiến lợi phẩm thu được về cho 54 (biệt danh của Đại Tá Lâm Chánh Ngôn, Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn) ghi sổ và tính ra tiền để thưởng, và cuối cùng 54 báo qũy hết tiền, tức không còn tiền để thưởng nữa vì vũ khí quân lính tướng VC Lê Đức Anh bỏ lại quá nhiều (Mỗi khẩu súng cộng đồng được thưởng 50.000đồng). Và phải ghi nợ (Xem phóng đồ số 2)
Trong trận đấu trí và ác chiến kinh hoàng này, theo tin tức của Đoàn 7X tại Cần Thơ cung cấp thì Tướng VC Lê Đức Anh đã phải cởi áo, lột sao bỏ lại trận địa, giả dạng ông già câu cá… mới vượt được khỏi trận địa và thoát chết trong đường tơ kẻ tóc. Tư Lệnh Phó Chiến Trường, nhân vật số 2 sau Lê Đức Anh, bị xích sắt M 113 dìm giữa trận địa sình lầy, trọng thương được quân ta chuyển về rừng U Minh, được chữa trị nhưng ông ta hôn mê và chết sau đó 4 tháng. Cha xứ nhà thờ Vĩnh Chèo cho biết VC đã dùng nhiều xuồng, có trên 30 chiếc, chở xác chết và thương binh trong đêm tối về vùng căn cứ lỏm ở kinh Trực Thăng và Hóc Hỏa…
Thế nhưng, cuộc chiến thắng nào cũng có cái giá bi thương của nó. Về con số quân bạn thương vong, Bộ Binh tùng thiết có 4 tử thương và 8 bị thương. Chi Đoàn 3/9 TK 1 HSI xạ thủ ĐL50 tử thương và 1 bị thương. Chi Đoàn 2/9 TK bị cháy 1 xe M 113 và 3 kỵ binh bị thương.
Về vũ khí, tịch thu: 3 Đại bác 82 ly không giật chống Thiết Giáp, 9 thượng liên 12ly 8 phòng không, 22 khẩu súng B40 và B41 chống xe Thiết Giáp, trên 100 súng tiểu liên Ak 47 của khối Cộng Sản.
Đặc biệt, HSI xạ thủ đại liên 50 bị tử thương là anh ruột của BI lái xe, và chính BI nầy đã anh dũng dùng 1 tay quăng lựu đạn, 1 tay lái xe cày nát tuyến VC và nhẩy xuống khỏi xe, thu khẩu Thượng liên 12 ly 8 phòng không đầu tiên, trước cả Trinh sát 32 tùng thiết. Anh đã được đặc cách vinh thăng lên HSI. Hai Anh Em cùng làm việc chung trên 1 xe M.113 ( Anh là 1 xạ thủ đại liên 50, Em thì lái xe. Hai anh em cùng đầu quân vào Thiết Đoàn 9 Kỵ Binh và cùng phục vụ chung trên 1 xe M 113.) Tôi rất tiếc và vô cùng ân hận đã quên tên họ của 2 chiến hữu kỵ binh kiêu hùng nầy. Cầu xin 2 anh thứ lỗi cho tôi.
Nhìn lại trận chiến, tướng VC Lê đức Anh và Ban Tham Mưu của Quân Khu 9 VC đã ước tính sai tình hình. Họ nghĩ là họ đã khoá chặt Chiến Đoàn 219 và Chiến Đoàn 32 tại vùng Kiên Hưng, không về ứng cứu được trận địa mới nầy. Nếu về thì phải đi vào đường chết do chúng chọn lựa. Theo dự liệu của Lê Đức Anh và bộ tham mưu VC, toàn bộ Chiến đoàn 219 trên đường về cứu viện sẽ bị phục kích và tiêu diệt, vì Chiến Đoàn phải vượt sông Cầu Đúc, cầu nầy đã bị VC giật mìn sập không xử dụng được, muốn qua phải dùng phà do Công Binh chở qua sông và phải đi qua ấp Cái Sình, xã Hỏa Lựu, tức đi vào vùng trận địa do chúng chọn lựa và tổ chức phục kích. Đây là đoạn đường gần nhất dài khoảng 20 cây số. Duy nhất chỉ có Chi Đoàn 2/9 TK trong vùng và VC đã bố trí độn thổ ngoài trống để phục kích chận đánh Chi Đoàn nầy khi di chuyển về cứu Tỉnh lỵ và BTL/SĐ. Họ không ngờ họ bị đánh lừa. Chiến Đoàn đã nguỵ trang, cho Chi Đoàn 3/9 TK im lặng vô tuyến, không mở đèn, di chuyển suốt đêm, đi một đoạn đường dài trên 260 cây số ngàn, để sáng sớm hôm sau vượt kinh xong và di chuyển về hướng chúng nằm ngoài trống, phía sau tuyến bố trí của chúng. Quân Lê Đức Anh phải chấp nhận giao tranh trong tình trạng bất ngờ trên một chiến địa bất lợi trước hỏa lực của Thiết Kỵ và Bộ Binh tùng thiết..
Trong tình hình nếu Chi Đoàn 2/9 Thiết Kỵ không được lệnh nghi binh, di chuyển đường xa và đổi chiến thuật lừa địch, thì khi đang vượt kinh và bị cộng quân khai hỏa, quân ta sẽ rơi vào tình thế rất nguy hiểm, mức độ tổn thất sẽ không lường được, thế trận bị kẹt cứng, không khai triển đội hình để lui về phía sau, không di quân bên phải, bên trái được, không xử dụng hỏûa lực được… vì dừa nước 2 bên bờ kinh cản trở và chỉ làm mồi ngon cho B40, B41 của địch mà thôi. Chính vì thế, thay vì tiêu diệt được Chiến Đoàn 219 xung kích, ngược lại, Quân Khu 9 CSVN đã bị tổn thất rất nặng nề về quân số và vũ khí cũng như cấp chỉ huy, không kể trường hợp Tư Lệnh chiến trường tướng VC Lê Đức Anh đã phải theo “sách Tôn Sĩ Nghị”, vứt chiến bào, giả dạng thường dân lội sình trốn chạy thoát thân…
Hổ Cáp
Gia đình 9 Kỵ Binh