TIN THẾ GIỚI.

Trump: Nga và Ukraine sẽ ‘lập tức’ đàm phán ngừng bắn (BBC).

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết Nga và Ukraine sẽ “ngay lập tức” bắt đầu đàm phán hướng tới một lệnh ngừng bắn và chấm dứt chiến tranh, sau cuộc điện đàm kéo dài hai tiếng với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Ông Trump, người mô tả cuộc trò chuyện là “rất tốt”, cũng nói rằng các điều kiện để đạt được hòa bình sẽ cần được đàm phán giữa hai bên.

Tuy nhiên, bất chấp giọng điệu lạc quan từ ông Trump — người cũng đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky — thì chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy một lệnh ngừng bắn hay thỏa thuận hòa bình sẽ sớm được thực hiện.

Ông Putin nói rằng ông sẵn sàng hợp tác với Ukraine về một “bản ghi nhớ liên quan đến một thỏa thuận hòa bình tiềm năng trong tương lai”, trong khi ông Zelensky gọi đây là “thời khắc mang tính quyết định”, và kêu gọi Hoa Kỳ không rút lui khỏi tiến trình đàm phán.

Mặc dù ông Trump bày tỏ sự tích cực sau cuộc trò chuyện với ông Putin, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy khi nào các cuộc đàm phán hòa bình sẽ diễn ra.

Tổng thống Nga cũng không đề cập đến yêu cầu từ Mỹ và các quốc gia châu Âu về một lệnh ngừng bắn vô điều kiện kéo dài 30 ngày.

Sau cuộc gọi riêng với ông Trump, ông Zelensky tái khẳng định Ukraine mong muốn một “lệnh ngừng bắn toàn diện và vô điều kiện”, đồng thời cảnh báo rằng nếu Moscow chưa sẵn sàng, “các lệnh trừng phạt phải được siết chặt hơn”.

Phát biểu trước cuộc trò chuyện giữa ông Trump và ông Putin, Zelensky nói rằng ông đã yêu cầu bất kỳ quyết định nào liên quan đến Ukraine không được đưa ra nếu không có sự tham gia của nước này, gọi đó là “vấn đề nguyên tắc” đối với Ukraine.

Ông cũng cho biết hiện chưa có thông tin chi tiết nào về “bản ghi nhớ”, nhưng khẳng định khi nhận được bất kỳ tài liệu nào từ phía Nga, phía Ukraine sẽ “có thể xây dựng quan điểm của mình một cách phù hợp”.

Viết trên mạng xã hội Truth Social sau cuộc gọi, ông Trump cho biết: “Nga và Ukraine sẽ ngay lập tức bắt đầu đàm phán để tiến tới lệnh ngừng bắn và, quan trọng hơn, CHẤM DỨT CHIẾN TRANH,” đồng thời nói rằng ông đã thông báo điều này với ông Zelensky trong một cuộc gọi thứ hai, có sự tham gia của các lãnh đạo thế giới khác.

Ông nói thêm: “Các điều kiện cho việc đó sẽ do hai bên thương lượng, vì chỉ họ mới biết chi tiết của cuộc đàm phán mà không ai khác nắm được.”

Ông Zelensky cho rằng tiến trình đàm phán “phải có sự tham gia của các đại diện Mỹ và châu Âu ở cấp độ phù hợp.”

Điều quan trọng đối với tất cả chúng ta là Hoa Kỳ không được rút khỏi các cuộc đàm phán và tiến trình tìm kiếm hòa bình, bởi vì người duy nhất hưởng lợi từ điều đó là ông Putin,” ông giải thích.

Phát biểu tại một sự kiện ở Nhà Trắng cùng ngày sau đó, ông Trump cho biết Mỹ sẽ không từ bỏ vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, nhưng ông cũng nói mình có “lằn ranh đỏ trong đầu” về thời điểm sẽ ngừng gây áp lực lên cả hai bên.

Trong vài tuần gần đây, ông Trump liên tục cảnh báo rằng Mỹ có thể rút khỏi tiến trình đàm phán do ngày càng thất vọng trước sự trì trệ từ cả Moscow và Kyiv trong việc thúc đẩy hòa bình.

Khi được hỏi về quan điểm đối với Nga, ông nói ông tin rằng ông Putin đã mệt mỏi với chiến tranh và muốn chấm dứt nó.

Trong khi đó, ông Putin — người mô tả cuộc gọi với Trump, diễn ra khi ông đang thăm một trường nhạc ở Sochi, là “thẳng thắn, nhiều thông tin và mang tính xây dựng” — cũng đề cập đến khả năng về một lệnh ngừng bắn.

Chúng tôi đã đồng ý với Tổng thống Mỹ rằng Nga sẽ đề xuất và sẵn sàng hợp tác với Ukraine về một bản ghi nhớ cho một thỏa thuận hòa bình tiềm năng trong tương lai,” ông nói.

Ông cho biết thêm, tài liệu này sẽ xác định “một số lập trường” bao gồm “các nguyên tắc giải quyết và một mốc thời gian để hoàn tất thỏa thuận hòa bình tiềm năng… bao gồm khả năng ngừng bắn trong một khoảng thời gian nhất định, nếu đạt được các thỏa thuận liên quan”.

Yury Ushakov, một trợ lý của tổng thống Nga, cho biết khung thời gian cho lệnh ngừng bắn không được “đưa ra bàn thảo… mặc dù ông Trump, dĩ nhiên, nhấn mạnh sự quan tâm của ông trong việc đạt được một thỏa thuận càng sớm càng tốt”.

Ông Zelensky đã có cuộc gọi thứ hai với ông Trump sau khi Tổng thống Mỹ nói chuyện với ông Putin. Cuộc gọi này còn có sự tham gia của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, và các nhà lãnh đạo Pháp, Ý, Đức và Phần Lan.

“Tôi muốn cảm ơn Tổng thống Trump vì những nỗ lực không mệt mỏi của ông trong việc thúc đẩy lệnh ngừng bắn tại Ukraine,” bà von der Leyen nói.

Bà đồng thời nhấn mạnh: “Điều quan trọng là Mỹ phải duy trì vai trò trong tiến trình này.”


Vatican sẵn sàng đón tiếp các cuộc đàm phán giữa Ukraina và Nga (RFI)

Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, hôm qua, 20/05/2025, cho biết đã điện đàm với giáo hoàng Lêô XIV và người đứng đầu Tòa Thánh khẳng định sẵn sàng đón tiếp các cuộc đàm phán về hòa bình cho Ukraina. Hôm Chủ Nhật, 18/05, trong lễ nhậm chức, giáo hoàng cũng đã đề xuất đứng ra làm trung gian cho tất cả các bên tham chiến trên toàn thế giới.

Từ Liege, Bỉ, thông tín viên Duy An cho biết thêm thông tin về tuyên bố của phủ thủ tướng Ý liên quan đến việc Vatican có thể đón tiếp các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraina :

« Tối muộn hôm qua, 20 tháng 5, phủ thủ tướng Ý ra một thông báo chính thức xác nhận các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga có thể diễn ra tại Vatican.

Thông báo cho biết, xin trích, ”thủ tướng Giorgia Meloni đã có cuộc điện đàm ngày hôm nay với Đức Thánh Cha về các bước tiếp theo cần thực hiện để xây dựng một nền hòa bình công bằng và lâu dài tại Ukraine. Cuộc điện đàm diễn ra sau những cuộc điện đàm khác trong ngày hôm qua, với tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo châu Âu khác, trong đó thủ tướng Ý được yêu cầu xác minh khả năng của Tòa thánh tổ chức các cuộc đàm phán”.

ĐGH Leo tiếp TT Zelensky và phu nhân tại Vatican, 18-5-2025

Ý tưởng đón nhận và tổ chức các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraina tại Tòa Thánh nhận được sự đồng thuận rộng rãi trong số các nước đang nỗ lực vận động để đạt được lệnh ngừng bắn ở Ukraina, và cũng nhận được sự ủng hộ của tổng thống Zelensky. Tuy nhiên, tổng thống Nga Vladimir Putin chưa có phản ứng về đề xuất này.

Cho đến nay, tân giáo hoàng Lêô XIV chưa bổ nhiệm chính thức các vị trí quan trọng như quốc vụ khanh Tòa Thánh hay chức vụ ngoại trưởng sau thời gian Trống Tòa. Nhưng ngài đã có cuộc gặp riêng hôm thứ Bảy 17/5 với hồng y Matteo Zuppi, người đã làm con thoi trung gian giữa các bên về các vấn đề nhân đạo trong cuộc chiến Nga – Ukraina, hồi hương các trẻ em Ukraina bị bắt cóc sang Nga và các cuộc trao đổi tù binh chiến tranh. Đáng chú ý là tổng thống Ukraina Zelensky là một trong số ít nguyên thủ quốc gia được giáo hoàng Lêô XIV tiếp riêng sau buổi lễ nhậm chức của ngài hôm 18/5. »

Mỹ trông đợi Nga nhanh chóng đưa ra các điều kiệnTrước Ủy ban Thượng viện Hoa Kỳ, hôm qua 20/05 ngoại trưởng Marco Rubio, được AFP trích dẫn, cho biết ông hy vọng Nga sẽ đưa ra các điều kiện về một lệnh ngưng bắn tại Ukraina « trong những ngày sắp tới, có thể là trong tuần này ». Theo ông, điều này sẽ cho phép « khởi động các cuộc đàm phán chi tiết nhằm chấm dứt xung đột ». Về phía Kiev, hôm qua, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hôm qua tố cáo « Nga đang tìm cách kéo dài thời gian để có thể tiếp tục cuộc chiến và chiếm đóng lãnh thổ ». Tuy nhiên, hôm nay, Matxcơva đã bác bỏ cáo buộc trên của Kiev.


Gaza: Nhiều nước nước phương Tây lên án mạnh mẽ Israel, đòi nối lại viện trợ nhân đạo (RFI)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Anh Keir Starmer và thủ tướng Canada Mark Carney, hôm 19/05/2025, trong thông cáo chung đã lên án chính quyền Netanyahu và đe dọa có “biện pháp cụ thể” nếu Israel không chấm dứt cuộc tấn công quân sự và chặn viện trợ nhân đạo tại Gaza.

Sau Ý và Tây Ban Nha kêu gọi Israel chấm dứt các vụ thảm sát tại Gaza, lãnh đạo Pháp, Anh và Canada cam kết không “khoanh tay đứng nhìn” những hành động “đáng xấu hổ” của chính quyền Netanyahu và đe dọa Nhà nước Do Thái bằng các biện pháp cụ thể nếu họ không ngừng tấn công quân sự và giải tỏa viện trợ nhân đạo. Ba nước cũng khẳng định quyết tâm hướng tới việc công nhận Nhà nước Palestine. Ngay lập tức chính phủ Israel đã có phản ứng. 

Thông tín viên RFI Michel Paul tại Jerusalem tường trình:

Có lẽ đây là tuyên bố mạnh mẽ  nhất đối với Israel kể từ đầu cuộc chiến tranh tại Gaza. Trong một thông cáo của văn phòng thủ tướng, phía Israel đáp trả ngay lập tức:  ” Các lãnh đạo của Luân Đôn, Ottawa và Paris đang trao phần thưởng vô cùng lớn cho cuộc tấn công diệt chủng vào Israel và khuyến khích các hành động tàn bạo tương tự khác. Israel chấp nhận quan điểm của tổng thống Trump và kêu gọi tất cả các lãnh đạo châu Âu cũng làm như vậy”.

Thông cáo kết luận : “Chiến tranh có thể kết thúc nay mai nếu những con tin cuối cùng được trả tự do, nếu Hamas hạ vũ khí. Không một quốc gia nào có thể chấp nhận ít hơn điều đó và Israel chắc chắn cũng không chấp nhận”.

Bên cạnh đó còn có những tuyên bố lên án khác. Hai mươi hai nước phương Tây đòi “nối lại toàn bộ viện trợ nhân đạo cho Gaza, ngay lập tức”.

Nhưng điều khiến Israel lo ngại nhất, theo Washington Post, đó là việc chính quyền Mỹ dọa từ bỏ ủng hộ Israel.


Không chiến Ấn Độ – Pakistan: Cuộc thử nghiệm vũ khí Trung Cộng (RFI)

Đêm ngày 06 rạng sáng ngày 07/05/2025, Ấn Độ tiến hành chiến dịch quân sự Sindoor, không kích nhiều mục tiêu « khủng bố » trên lãnh thổ Pakistan nhằm trả đũa vụ tấn công khủng bố tại vùng Kashmir làm thiệt mạng 26 du khách Ấn Độ. Nhưng đợt giao tranh lần này, cuộc không chiến lớn nhất giữa hai cường quốc Nam Á có vũ khí nguyên tử, còn là một cuộc « đọ sức » giữa vũ khí phương Tây và Trung Cộng.

Không chiến quy mô lớn chưa từng có

Theo trang Armée.com, cuộc không chiến giữa Ấn Độ và Pakistan huy động tổng cộng 125 chiến đấu cơ. Không quân Ấn Độ chủ yếu sử dụng các loại máy bay chiến đấu do Pháp và Nga sản xuất như Rafale, Mirage hay Su-30MKI và Mig-29. Còn phía Pakistan thì dùng đến các tiêm kích F-16 (Mỹ) và JF-17, J-10C của Trung Cộng. Ngoài ra, còn phải kể đến các loại trang thiết bị quân sự khác như hệ thống phòng không S-400 (thời Xô Viết) cũng như các loại drone Harop (Israel) được phía Ấn Độ dùng đến, hay như hệ thống tên lửa địa đối không HQ-9 của Trung Cộng bên phía Pakistan.

Chiến đấu cơ Rafale của Pháp

Ngay trong đêm đầu tiên giao chiến, không quân Ấn Độ khẳng định đã phá hủy nhiều mục tiêu, còn không quân Pakistan loan báo đã bắn hạ được 5 chiến đấu cơ của Ấn Độ, trong đó có ba chiếc Rafale do Pháp sản xuất. Trang mạng Armée nêu rõ, các đợt nã tên lửa lẫn nhau được tiến hành từ xa, đôi khi lên đến 160 km và không một chiếc tiêm kích nào vượt qua biên giới giữa hai nước.

Theo như khẳng định từ bộ Ngoại Giao Pakistan với phái bộ ngoại giao Trung Cộng tại Islamabad, vào lúc 4 giờ sáng ngày 07/05, ba chiếc Rafale của Pháp đã trúng tên lửa PL-15 trang bị cho tiêm kích J-10C do Trung Cộng chế tạo và cấp cho Pakistan.

Cho đến hiện tại Ấn Độ không xác nhận cũng không phủ nhận các thông tin trên. Hãng Dassault, nhà sản xuất chiến đấu Rafale cũng không trả lời yêu cầu bình luận của kênh truyền hình quốc tế France 24. Tuy nhiên, hãng tin Anh Reuters dẫn một phân tích từ Washington Post, do ba chuyên gia về vũ khí tiến hành, đã khẳng định rằng các hình ảnh được thẩm định từ điểm rơi máy bay cho thấy những mảnh vỡ đó « tương thích với ít nhất hai chiến đấu cơ do Pháp sản xuất cho không quân Ấn Độ – một Rafale và một Mirage ».

« Đọ sức » giữa Rafale Pháp và J-10C Trung Cộng

Nếu như thông tin được khẳng định, đây có lẽ là lần đầu tiên một chiếc Rafale chính thức bị bắn hạ trong chiến đấu. Khả năng tên lửa Trung Cộng bắn rơi Rafale làm dấy lên một câu hỏi lớn : Phải chăng Bắc Kinh đã vượt qua được công nghệ Pháp trên phương diện chiến đấu cơ ?

Theo trang GEO, về mặt kỹ thuật, chiến đấu cơ Rafale, do hãng Dassault Aviation của Pháp chế tạo, được coi là mẫu máy bay chủ lực của ngành hàng không quân sự. Là loại máy bay chiến đấu đa năng, Rafale vượt trội về chiếm ưu thế trên không, tấn công trên bộ, trinh sát, tấn công hạt nhân và hỗ trợ tầm gần. Ấn Độ được cho là khách hàng chính của hãng, hiện sở hữu đến 62 chiếc Rafale, trong đó, 36 chiếc cho không quân và 26 chiếc cho thủy quân lục chiến, tăng cường đáng kể năng lực không quân.

Liên quan đến chiếc J-10C, còn có biệt danh là Vigorous Dragon, là do tập đoàn hàng không Thành Đô thiết kế, thể hiện tham vọng của Bắc Kinh như là một giải pháp thay thế đáng tin cậy đối với nhiều loại tiêm kích của phương Tây như F-16 của Mỹ. Trang Armée.com cho biết, J-10C được cho là có khả năng tàng hình, được trang bị ra-đa AESA, hệ thống tác chiến điện tử tích hợp, và tên lửa tầm xa PL-15.

Tuy nhiên, không giống như F-16 của Mỹ hay Rafale của Pháp, được thử nghiệm trong điều kiện chiến đấu thực tế, các tính năng của J-10C chỉ được thể hiện trong các cuộc triển lãm hàng không hoặc tập trận chung được lên kịch bản, trong những điều kiện mà ở đó các mối đe dọa được mô phỏng một cách thuận lợi. Một điểm khác đáng chú ý là trong cuộc không chiến này, giới chuyên gia nghi ngờ Pakistan sử dụng loại tên lửa PL-15 không xuất khẩu có tầm bắn đến 300 km thay vì là 140, loại vũ khí xuất khẩu.

Trung Cộng rút ngắn cách biệt công nghệ

Thông báo của Pakistan về việc bắn hạ được ba chiến đấu cơ Rafale của Pháp, « sẽ là một thắng lợi lớn cho Trung Cộng trên phương diện hình ảnh, nhất là đối với một nước, về mặt lý thuyết, chưa tiến hành một cuộc chiến nào kể từ sau chiến tranh Việt Nam 1979 và do vậy vũ khí chưa có cùng tiếng tăm như vũ khí Pháp hay Mỹ », theo như đánh giá từ Carlotta Rinaudo, chuyên gia về Trung Cộng tại International Team for the Study of Security Verona (ITSS) với France 24.

Thành công này dường như cho thấy Trung Cộng đang rút ngắn cách biệt kỹ thuật với phương Tây trong một số lĩnh vực, đặc biệt là « tích hợp các hệ thống » và chiến tranh điện tử. Theo bà Carlotta Rinaudo, cuộc không chiến giữa Ấn Độ và Pakistan buộc phương Tây phải thay đổi cách nhìn về vũ khí Trung Cộng thường bị đánh giá thấp : « Ngày nay Trung Cộng bán nhiều vũ khí hiện đại và tinh vi hơn, được cho là rất hiệu quả. Bài học rút ra ở đây là chớ nên xem vũ khí Trung Cộng kém hơn vũ khí phương Tây ».

Dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã cải thiện đáng kể các năng lực của ngành công nghiệp vũ khí. Trung Cộng những năm gần đây đã bắt đầu gia tăng mức xuất khẩu vũ khí sang các nước phương Nam Toàn Cầu, châu Phi, châu Mỹ Latinh và cả châu Á. Vũ khí Trung Cộng còn tạo sự khác biệt so với phương Tây là có giá cả phải chăng. Trong bối cảnh Donald Trump đe dọa toàn cầu với các biện pháp thuế quan, Trung Cộng có nhiều cơ may mở rộng thị phần bên cạnh những nước nào có mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung vũ khí.

Sự việc cũng khiến các cường quốc vũ khí phương Tây lo lắng. Theo quan điểm của ông Fabrice Wolf trên trang Meta Defense, thất bại này làm sứt mẻ độ tin cậy của các loại vũ khí phương Tây (Eurofighter, Gripen, Super Hornet…). Việc một chiếc Rafale bị bắn hạ trong chiến đấu là đòn đau cho Dassault nói riêng và Pháp nói chung, vốn đã ký kết được gần 20 hợp đồng xuất khẩu trong 10 năm. Ngay khi có thông tin mất một chiếc Rafale, giá cổ phiếu của Dassault đã bị rớt đến 10%, bằng chứng cho thấy sự cố có tác động đến tâm lý các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, trong vụ việc này, bên đáng lo nhất có lẽ là Đài Loan. Theo France 24, Đài Loan theo dõi sát sao cuộc xung đột, thể hiện rõ tính năng của vũ khí tiên tiến Trung Cộng so với những thiết bị quân sự mà các nước thành viên NATO đang sử dụng. Những năm gần đây, Trung Cộng thường xuyên điều chiến đấu cơ J-10C xâm nhập vào eo biển Đài Loan nhằm phô trương sức mạnh quân sự !


Nhiệm kỳ 2 của TT Trump: Đã hết thời thủ tướng Israel Netanyahu “muốn gì được nấy”? (RFI)

Lần đầu công du nước ngoài kể từ khi trở lại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Donald Trump tuần này đã có vòng công du 3 nước đồng minh Vùng Vịnh : Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Qatar. Ngoài việc ký kết các hợp đồng lớn về hàng không, quốc phòng … ông Trump cũng bàn với các nhà lãnh đạo về những hồ sơ ngoại giao quan trọng trong khu vực, như hạt nhân Iran, đàm phán ngừng bắn với lực lượng Houthi Yemen, chiến tranh Gaza, tình hình Syria.

Đặc biệt, sau 25 năm, lần đầu tiên một vị tổng thống Mỹ gặp gỡ một vị tổng thống Syria, nhất là khi tổng thống lâm thời Syria Ahmad Al Sharaa trước đây có tên trong danh sách khủng bố của Mỹ. Syria cũng được tổng thống Mỹ Donald Trump dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Điều gây ngạc nhiên là đồng minh Israel lại hoàn toàn bị tổng thống Mỹ phớt lờ, trong khi tổng thống Trump ở nhiệm kỳ đầu đã cho Netanyahu hầu như mọi thứ theo ý của thủ tướng Israel, kể cả việc chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem.

Đối với truyền thông Israel, rõ ràng là giờ đây tổng thống Mỹ Donald Trump đang mất kiên nhẫn với Tel Aviv, và nhất là với thủ tướng Benyamin Netanyahu. Về phía Tel Aviv, chính quyền Netanyahu ngày càng cảm thấy bị gạt ra bên lề các quyết định của chính quyền Donald Trump. Chính sách « Nước Mỹ là trên hết » và các mối ưu tiên của chính phủ Israel dường như ngày càng bớt tương thích với nhau.

Từ Jerusalem, thông tín viên Michel Paul ngày 14/05/2025 cho biết thêm :

« Có những dấu hiệu căng thẳng gia tăng trong những tuần gần đây. Các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Hoa Kỳ và Hamas đã dẫn đến việc con tin song tịch Mỹ – Israel, Edan Alexander, được thả. Ngoài ra Mỹ còn đàm phán với Iran về hạt nhân, ngừng bắn với phiến quân Houthis Yemen trong khi phe nổi dậy này vẫn tiếp tục tấn công Israel.

Và thêm một thất bại mới nhất cho Israel : Donald Trump dỡ bỏ lệnh trừng phạt Syria, chấp nhận gặp tổng thống lâm thời al-Sharaa, nhưng lại gạt Israel ra khỏi chuyến công du Trung Đông của ông. Liệu đây có phải là hồi kết của tuần trăng mật giữa Israel và tổng thống Mỹ Donald Trump hay không ? Không, Benjamin Netanyahu tuyên bố như vậy. Ông nói rằng đó chỉ là trò dàn dựng của các phương tiện truyền thông.

Nhưng ít nhất có một vị bộ trưởng, vốn nổi tiếng với những tuyên bố thẳng thắn, đã tiết lộ những gì đảng Likud của Netanyahu nghĩ về ông Donald Trump. David Amsalem là bộ trưởng chuyên trách về hợp tác trong khu vực. Ông nói : « Họ cho rằng ông ấy (tức tổng thống Mỹ Donald Trump) là người khó đoán định. Mỗi sáng, khi thức dậy, ông ấy lại có một ý kiến ​​khác, và chủ đề nào cũng làm cả thế giới phải bối rối. Tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề nghiêm trọng và phá vỡ mọi quy tắc từ trước tới giờ vẫn luôn chi phối mối quan hệ giữa Israel và Hoa Kỳ ».

Donald Trump muốn rằng cuộc chiến ở Gaza, mà ông mô tả là tàn khốc, phải chấm dứt. Về phần mình, thủ tướng Israel đáp trả : « Sẽ không có tình huống nào khiến chúng tôi phải dừng cuộc chiến ». Và ông nhấn mạnh : « Quân đội Israel sẽ tiến vào dải Gaza « với toàn thể sức mạnh » trong những ngày tới đây. Và điều này có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng mở giữa Israel và Hoa Kỳ ».


Mỹ điều tàu, máy bay đến Biển Đông tập trận với Philippines

Mỹ đã điều tàu tuần duyên và máy bay tuần tra biển tham gia cuộc tập trận chung ở Biển Đông với lực lượng tuần duyên cùng hải quân và không quân Philippines, theo Reuters.

Cuộc tập trận chung nói trên được tổ chức tại vùng biển ngoài khơi hai tỉnh Palawan và Occidental Mindoro của Philippines hôm 20/5, với sự tham gia của Hải quân, Không quân và Lực lượng Tuần duyên Philippines, cùng với tàu USCGC Stratton của Lực lượng Tuần duyên Mỹ và một máy bay tuần tra hàng hải P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ.

Đây là lần đầu tiên Lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG) và Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG) cùng tham gia cuộc tập trận trên biển với hải quân và không quân, theo Đài GMA News dẫn thông báo từ Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) hôm nay 21/5.

Hoạt động hợp tác trên biển (MCA) này là hoạt động thứ hai trong năm nay và là hoạt động thứ sáu kể từ khi Mỹ và Philippines triển khai các hoạt động chung vào năm 2023, bao gồm các cuộc diễn tập liên lạc và các tình huống tìm kiếm cứu nạn, theo quân đội Philippines.

Các hoạt động chung như MCA tái khẳng định cam kết của Lực lượng Vũ trang Philippines trong việc hiện đại hóa năng lực và tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng để bảo vệ các lợi ích hàng hải quốc gia và khu vực của chúng tôi“, Tổng tham mưu trưởng AFP Romeo Brawner nhấn mạnh.

Cuộc tập trận nói trên diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Philippines và Trung Cộng đã trở nên căng thẳng do tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Trung Cộng tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết tuyến đường thủy chiến lược này dù phán quyết năm 2016 của tòa trọng tài quốc tế khẳng định các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông không có cơ sở theo luật pháp quốc tế, theo Reuters. Bắc Kinh không công nhận phán quyết đó.


Bộ trưởng Nhật từ chức vì phát ngôn ‘không cần mua gạo’

Bộ trưởng Nông nghiệp thông báo từ chức để chịu trách nhiệm về phát biểu “không cần mua gạo” hồi đầu tuần khiến công chúng bất bình.

Tôi đã có phát ngôn rất không phù hợp vào thời điểm người dân đang vật lộn vì giá gạo tăng vọt“, Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản Taku Eto nói trong họp báo ngày 21/5 sau khi nộp đơn từ chức tại Văn phòng Thủ tướng.

Ông Eto là người đầu tiên từ chức trong Nội các của Thủ tướng Shigeru Ishiba, thành lập hồi tháng 10/2024. Truyền thông Nhật Bản cho biết ông Ishiba có thể bổ nhiệm cựu bộ trưởng môi trường Shinjiro Koizumi thay thế ông Eto.

Tại sự kiện gây quỹ của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền ở Saga ngày 18/5, ông nói rằng ông “không cần mua gạo và trong nhà có nhiều gạo đến mức có thể mang đi bán” do được người ủng hộ tặng gạo.

Phát ngôn này khiến ông Eto bị phe đối lập lẫn các nghị sĩ trong liên minh cầm quyền chỉ trích dữ dội. Trong họp báo một ngày sau, ông Eto xin lỗi và cho biết ông đã “đi quá xa”.

“Tôi vừa bị vợ mắng qua điện thoại”, ông Eto nói. “Nhà chỉ có hai người nên thường là đủ gạo để dùng. Bà ấy nói lúc hết gạo vẫn phải tự đi mua”.

Giá trung bình một bao gạo 5 kg tại các siêu thị Nhật Bản từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5 là 4.214 yen (29 USD), lần đầu giảm sau 18 tháng, song vẫn cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một trong những mối quan tâm hàng đầu của cử tri Nhật Bản.

Ông Eto từ chức trong bối cảnh Bộ Nông nghiệp đang cân nhắc các chính sách giúp hạ giá gạo. Chính phủ có kế hoạch xuất thêm 300.000 tấn gạo từ kho dự trữ vào tháng 7, sau khi đã xuất 312.000 tấn hồi tháng 3 và 4.

Khoảng 87% số người được hỏi trong khảo sát của Kyodo bày tỏ thái độ không hài lòng với cách chính phủ ứng phó với giá gạo tăng cao. Tình trạng này đến sau những tháng Nhật Bản thiếu gạo vì mất mùa do biến đổi khí hậu, lượng du khách nước ngoài bùng nổ và tâm lý tích trữ của người dân sau cảnh báo động đất.


Ứng cử viên thân Liên Âu đắc cử tổng thống Rumani (RFI)

Nicusor Dan, thị trưởng phe cánh trung của Bucarest và là ứng cử viên thân Liên Hiệp Châu Âu (EU), hôm 18/05/2025, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Rumani, sau khi đánh bại George Simion, ứng cử viên dân tộc chủ nghĩa. Kết quả gần như chung cuộc cho thấy ông Dan nhận được hơn 54% phiếu bầu, trong khi ông Simion chỉ được gần 46% và đã chúc mừng chiến thắng của đối thủ.

Tân Tổng thống Roumani Nicusor Dan

Ngay sau khi biết tin đắc cử, Nicusor Dan, 55 tuổi, đã tuyên bố sẽ bắt đầu “tái thiết” Rumani và cho rằng chiến thắng của ông cũng là thắng lợi của những người muốn thay đổi sâu rộng đất nước.

Từ Bucarest, đặc phái viên Murielle Paradon tường trình :

Được đám đông tung hô, Nicusor Dan, với nụ cười trên môi, đi bộ vài mét từ ‘tổng hành dinh’ của đảng đến công viên Cismigiu, nơi những người ủng hộ đang chờ đón ông. Valentin phấn khích, cho biết : “Tối nay là một chiến thắng cho nền dân chủ, cho châu Âu, và chúng tôi rất hài lòng !

Rất nhiều thanh niên trong đám đông vẫy cờ Rumani và Liên Hiệp Châu Âu, như Flavius, 33 tuổi. Anh nói : “Đối với chúng tôi, kết quả này đồng nghĩa với việc Rumani sẽ tiếp tục ở lại Liên Âu, và đất nước vẫn đi theo con đường thân châu Âu. Chúng ta là một gia đình.”

Ở lại Liên Âu cũng rất quan trọng về mặt kinh tế ,đối với Christian, một bác sĩ phẫu thuật, 53 tuổi. Ông nói : “Chiến thắng của Nicusor Dan là điều thiết yếu cho kinh tế và hình ảnh của Rumani. Vì uy tín của đất nước, vì các khoản đầu tư, vì sự ổn định, lựa chọn tốt nhất chính là ông ấy.

Petru, khoảng 20 tuổi, thì gắn bó với vấn đề tôn trọng các quyền tự do. Anh hy vọng tân tổng thống sẽ là người bảo vệ những giá trị đó. Anh nói : “Tôi hy vọng ông ấy sẽ là một tổng thống đại diện cho tất cả mọi người, bảo vệ tốt hơn các cộng đồng thiểu số, quyền phụ nữ, cộng đồng LGBT. Tổng thống phải là chất xúc tác của xã hội.”

Nicusor Dan đã cam kết sẽ xây dựng lại một Rumani đoàn kết, dựa trên sự tôn trọng pháp luật và người dân. Ông đang được kỳ vọng rất nhiều.

Cuối năm 2024, Tòa Bảo Hiến Rumani đã hủy bỏ cuộc bầu cử tổng thống trước đó sau khi cáo buộc Nga can thiệp.


Tổng thống Mỹ công bố dự án phòng thủ tên lửa “Vòm Vàng” (RFI)

Tổng thống Donald Trump, hôm 20/05/2025, thông báo Hoa Kỳ sẽ xây dựng một lá chắn tên lửa quy mô lớn mang tên “Vòm Vàng”, có khả năng đánh chặn mọi loại tên lửa, bao gồm cả những tên lửa được phóng từ bên kia bán cầu hoặc thậm chí từ không gian.

Chủ nhân Nhà Trắng khẳng định hệ thống này sẽ được hoàn thành trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ và sẽ có tổng chi phí khoảng 175 tỷ đô la. Về phần mình, Trung Cộng đã lên án lá chắn này là một dự án “mang tính tấn công mạnh mẽ” và là yếu tố có thể thúc đẩy quá trình quân sự hóa không gian, làm rối loạn cân bằng chiến lược toàn cầu và làm mất sự ổn định trên thế giới.

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :

Đó là một giấc mơ xưa cũ của Mỹ, bảo vệ đất nước khỏi mọi mối đe dọa tên lửa từ bên ngoài. Để thực hiện điều đó, Hoa Kỳ sẽ xây dựng một mạng lưới cảm biến phát hiện và bệ phóng tên lửa đặt trên quỹ đạo, và Donald Trump khẳng định hệ thống này gần như bất khả xâm phạm.

Tổng thống Mỹ tuyên bố : “Một khi hoàn thành, ‘Vòm Vàng’ sẽ có khả năng đánh chặn tên lửa, ngay cả khi chúng được phóng từ phía bên kia bán cầu hoặc thậm chí từ không gian. Chúng ta sẽ có hệ thống phòng thủ tốt nhất chưa từng được xây dựng. Chúng ta đã giúp Israel xây dựng hệ thống của họ và nó hoạt động rất tốt, và bây giờ công nghệ của chúng ta còn tân tiến hơn nữa. Dù đó là tên lửa siêu thanh, tên lửa đạn đạo hay tên lửa hành trình, tất cả sẽ bị loại bỏ khỏi bầu trời của chúng ta. Chúng ta sẽ thực sự hoàn thành công việc mà tổng thống Reagan đã khởi xướng cách đây 40 năm, chấm dứt vĩnh viễn mối đe dọa tên lửa đối với lãnh thổ Hoa Kỳ, và tính hiệu quả của hệ thống này đạt gần 100%, thực sự đáng kinh ngạc.”

Điều này có thể làm thay đổi cán cân chiến lược toàn cầu. Toàn bộ dự án được Nhà Trắng ước tính có chi phí lên tới 175 tỷ đô la, và Hoa Kỳ dự định chia sẻ hệ thống này với Canada mà theo Washington cũng quan tâm đến “Vòm Vàng”. Donald Trump cho rằng có thể hoàn thành dự án này trong vòng chưa đầy 3 năm.


Căn cứ quân sự của Nga ở Syria bị tấn công

Một nhóm vũ trang đã tấn công căn cứ không quân Hmeimim của Nga tại tỉnh Latakia của Syria, dẫn tới các vụ đụng độ và mất liên lạc.

Tờ Al Mayadeen dẫn các nguồn tin địa phương cho hay, vào sáng 20/5, một nhóm vũ trang chưa thể xác định danh tính đã phát động tấn công vào khu vực xung quanh căn cứ Hmeimim của Nga. Đụng độ dữ dội đã xảy ra khi lực lượng đồn trú bên trong căn cứ dùng súng máy chống trả nhóm vũ trang. 

Các nguồn tin xác nhận đã nghe thấy tiếng súng trong quá trình giao tranh ở một số ngôi làng gần căn cứ Hmeimim, khiến các trường học trong khu vực phải hoãn kỳ thi theo kế hoạch đã định để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Ngoài ra, người dân báo cáo việc căn cứ Hmeimim tiến hành hoạt động gây nhiễu trên diện rộng, làm ảnh hưởng mạng lưới liên lạc cũng như dẫn tới tình trạng mất điện gần như hoàn toàn ở khu vực xung quanh cơ sở này trong nhiều giờ liên tiếp.

Báo cáo sơ bộ cho biết, các cuộc đụng độ giữa quân đội Nga và nhóm vũ trang đã gây thương vong cho cả hai bên. 

Hiện Bộ Quốc phòng Nga và chính quyền Syria chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào.

Sự hiện diện quân sự lâu dài của Nga tại căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Hmeimim ở Syria trở nên bấp bênh, sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Bashar Assad bị sụp đổ vào đầu tháng 12/2024. Đáng nói, Tartus là căn cứ hải quân duy nhất của Nga ở nước ngoài, đóng vai trò quan trọng cho sự hiện diện của Hải quân Nga tại Địa Trung Hải cũng như mở rộng tầm ảnh hưởng gần châu Phi. 


Hai oanh tạc cơ chiến lược Tu-95MS của Nga xuất hiện gần biên giới NATO

Hình ảnh vệ tinh gần đây tiết lộ sự xuất hiện của 2 oanh tạc cơ chiến lược Tupolev Tu-95MS của Nga tại căn cứ không quân Olenya, nằm trên Bán đảo Kola – cách Phần Lan khoảng 150 km.

Theo các hình ảnh vệ tinh do AviVector công bố hôm 19/5, căn cứ không quân Olenya hiện có 5 máy bay ném bom Tu-95MS, 5 máy bay vận tải An-12 và 38 máy bay ném bom Tu-22M3. Hai máy bay Tu-95MS mới, được chuyển từ căn cứ không quân Belaya ở Siberia, đánh dấu một sự tăng cường đáng kể trong hàng không chiến lược của Nga .

oanh tạc cơ chiến lược Tu-95MS

Được biết, Olenya nằm cách Ukraine khoảng 1.800 km về phía bắc và chỉ cách Phần Lan, thành viên mới gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ( NATO ) khoảng 150 km.

Trước đó, tờ New York Times đưa tin, Nga đang tăng cường sự hiện diện quân sự dọc biên giới với Phần Lan, mở rộng những căn cứ hiện có, xây dựng boongke, bãi tập và các kho vũ khí mới. Các hoạt động quân sự của Nga đang gia tăng ở Leningrad và Cộng hòa Karelia, bao gồm các căn cứ ở Kamenka, Petrozavodsk, Severomorsk-2 và Olenya.

Tu-95 là loại oanh tạc cơ chiến lược hạng nặng của Nga, được hãng Tupolev chế tạo và sản xuất. Máy bay được thiết kế để giải quyết các nhiệm vụ tấn công, đánh bại các mục tiêu quan trọng nhất ở xa và sâu trong hậu phương của kẻ địch. Nga đã nâng cấp Tu-95 lên Tu-95MS để tăng cường khả năng tác chiến.

Tu-95MS có chiều dài 49,5 m; sải cánh 50,5 m và chiều cao là 12.2 m. Được gọi là máy bay hạng nặng bởi nó trọng lượng rỗng là 90 tấn và trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 187 tấn.

Máy bay sử dụng bốn động cơ tuốc bin cánh quạt Kuznetsov NK-12MV với tổng công suất 59.200 mã lực, cho phép nó hoạt động với tốc độ tối đa là 925 km/h, tầm hoạt động 15.000 km, trần bay 12 km.

Tu-95MS được trang bị nhiều loại vũ khí như pháo AM-23 23 mm; tên lửa Kh-20, Kh-22; tên lửa hành trình tầm xa Kh-55 hoặc Kh-55SM. Ngoài ra, máy bay cũng có thể mang theo bom chiến đấu FAB-250, FAB-500 và FAB-1500.

Căn cứ không quân Olenya, nằm cách Murmansk 92 km về phía nam, có lịch sử lâu đời và có vị trí quan trọng trong cơ sở hạ tầng quân sự của Nga.

Sân bay có đường băng dài 3.500 mét, dài nhất trên bán đảo Kola, có thể tiếp nhận máy bay hạng nặng và hỗ trợ các chuyến bay xuyên qua Bắc Đại Tây Dương. Trong những năm 1960 và 1970, Olenya là điểm dừng tiếp nhiên liệu cho máy bay chở khách Tu-114 trên tuyến đường từ Moscow đến Havana, nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của sân bay này.

Kể từ Nga-Ukraine xảy ra xung đột vào tháng 2/2022, căn cứ này đã trở thành điểm cất cánh cho các cuộc tấn công bằng tên lửa vào các mục tiêu của Ukraine. Máy bay ném bom từ Olenya thường bay về phía nam đến các vị trí trên Biển Caspi hoặc khu vực Saratov của Nga, phóng tên lửa hành trình từ khoảng cách an toàn.


TIN VIỆT NAM.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân sẽ thăm Việt Nam

Hấu hết báo chí quốc doanh ở Việt Nam đều thuật tin từ Bộ Ngoại giao cho biết hôm 20 tháng 5, Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân sẽ thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 25 – 27/5.

Tô Lâm gặp TT Macron tại Paris, 10-2024

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người có thiện cảm với Việt Nam và yêu thích ẩm thực Việt Nam. Tổng thống Macron từng đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Pháp tháng 3/2018; Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Pháp tháng 11/2021; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm chính thức Pháp tháng 10.2024.

Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 5 của Việt Nam, kim ngạch thương mại năm 2024 đạt 5,42 tỉ USD, tăng 12,9% so với năm 2023; đứng thứ 16/147 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 700 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,95 tỉ USD. Việt Nam có 20 dự án đầu tư tại Pháp với tổng vốn đăng ký đạt 38,93 triệu USD.

Pháp còn là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp.

Tháng 10/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm chính thức Pháp và hai nước đã ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam – Pháp lên Đối tác chiến lược toàn diện. Pháp trở thành nước EU đầu tiên có quan hệ ở mức cao nhất với Việt Nam.

Hai nước duy trì nhiều cơ chế hợp tác song phương đa dạng; phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế.

Cộng đồng người Việt tại Pháp hiện nay khoảng 350.000 người, gồm nhiều thành phần và phần lớn đã vào quốc tịch Pháp, hòa nhập tốt với xã hội và có truyền thống lâu đời và gắn bó với đất nước.


Biến thể XEC lan rộng, Saigon siết chặt phòng chống dịch Covid-19

Các báo quốc doanh Việt Nam đều loan tin: Ngày 20/5, Sở Y tế Saigon tổ chức cuộc họp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố (HCDC), Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và các chuyên gia trong lĩnh vực truyền nhiễm, đánh giá tình hình dịch Covid-19 và triển khai các biện pháp phòng chống dịch trong bối cảnh biến thể Omicron XEC đang phát tán.

Theo nhận định của Sở Y tế, biến thể XEC không phải là chủng mới và đã xuất hiện từ tháng 6/2024. Biến thể này hiện đã có mặt trên nhiều quốc gia trên thế giới, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm nguy cơ thấp, cần theo dõi.

Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, thành phố cần chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh, bảo đảm thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả cho người bệnh mắc Covid-19.

Trường hợp chuyển nặng cần được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong.

Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (HCDC) tăng cường giám sát dịch bệnh tại cộng đồng và cơ sở y tế; theo dõi tình hình thế giới và khu vực để đưa ra các dự báo kịp thời, tham mưu Sở Y tế các hoạt động cần triển khai can thiệp, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh.

Ngoài ra, cần phối hợp với các đơn vị liên quan lấy mẫu xét nghiệm tại các ổ dịch và bệnh viện; đồng thời tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế và đẩy mạnh truyền thông phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, HCDC cần đảm bảo cung ứng đủ sinh phẩm, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động phòng chống dịch và trung tâm; dự trù kinh phí phòng, chống dịch Covid-19.

Các bệnh viện được chỉ đạo cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19; chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư y tế trong trường hợp dịch bệnh trở nên phức tạp.

Ngoài ra, cần tăng cường kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện và bảo vệ nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, phụ nữ mang thai và bệnh nhân mắc bệnh nền.

Trường hợp tiếp nhận người bệnh Covid-19 nặng hoặc biến chứng cần chủ động hội chẩn, chuyển người bệnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để tiếp tục điều trị.

Sở cũng đề nghị các phòng y tế quận, huyện và TP Thủ Đức tham mưu UBND địa phương triển khai các biện pháp phòng dịch; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực giám sát, điều tra dịch tễ và xây dựng các thông điệp truyền thông phù hợp với từng địa phương.

Đồng thời, các đơn vị phải thực hiện nghiêm túc chế độ khai báo, báo cáo dịch bệnh theo quy định.

Trước đó, thống kê của Sở Y tế Saigon cho hay, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn thành phố đã có 51 ca bệnh Covid-19. So với cùng kỳ năm 2024, tổng số ca mắc năm 2025 giảm đến 83% và không có ca bệnh cần phải hỗ trợ hô hấp.

Số ca mắc mới tăng nhiều từ giữa tháng 4. Theo Sở Y tế Saigon, sự gia tăng đi lại, tụ tập giao lưu của người dân tại các sự kiện lễ hội vừa qua là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng số ca Covid-19 trong những tuần gần đây và có thể trong những tuần tiếp theo.


Tăng mức phạt vi phạm giao thông tối đa 200 triệu đồng mới ‘đủ răn đe’

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề xuất mức phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy từ 75 lên 150-200 triệu đồng để tăng sức răn đe.

Chiều 16/5, tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Phó giám đốc Công an tỉnh Đăk Lăk, cho biết sau 14 năm thi hành, luật hiện hành bộc lộ nhiều bất cập. Mức phạt hành chính còn thấp, chưa tạo sức răn đe, nhất là với những trường hợp vi phạm có tính chất nghiêm trọng, hoặc cố tình tái phạm.

“Khi theo dõi truyền thông, tôi thấy nhiều lái xe cố tình đi ngược chiều trên cao tốc – nơi các phương tiện di chuyển với tốc độ cao, mật độ lớn. Chỉ cần một xe đi ngược chiều có thể gây hậu quả thảm khốc”, bà nói.

Theo nữ đại biểu, mức phạt tối đa 75 triệu đồng như quy định tại Nghị định 168/2024 mới ban hành vẫn chưa đủ mạnh. Tuyên truyền, giáo dục ý thức người tham gia giao thông là biện pháp bền vững, nhưng nếu mức phạt quá nhỏ “thì người vi phạm sẽ sẵn sàng tái phạm ở các mức độ”. (vnexpress)


Tập Đoàn SpaceX cam kết sẽ đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ đã có cuộc gặp và làm việc với lãnh đạo các tập đoàn của Hoa Kỳ, trong đó có SpaceX.

Theo đó, tại cuộc làm việc với Tập đoàn Space X do Phó Chủ tịch Tim Hughes là Trưởng đoàn, phía SpaceX khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc đầu tư và phát triển hạ tầng viễn thông tại Việt Nam thông qua dự án triển khai dịch vụ Internet vệ tinh Starlink.

Đáng chú ý, đại diện SpaceX chia sẻ, doanh nghiệp sẽ đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD nhằm cung cấp kết nối Internet băng thông rộng trên toàn quốc, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

Dự kiến, trong giai đoạn đầu, SpaceX sẽ xây dựng từ 10 đến 15 trạm mặt đất tại Việt Nam. Đồng thời cam kết cung cấp dịch vụ viễn thông hiện đại, ổn định và giá cả hợp lý, giúp nâng cao chất lượng kết nối cho hàng triệu người dân Việt Nam, đặc biệt ở những khu vực khó tiếp cận với mạng lưới truyền thống.

“Việt Nam là một thị trường chiến lược trong định hướng mở rộng dịch vụ toàn cầu của Starlink”, đại diện SpaceX nhấn mạnh.

Space X không chỉ mang đến giải pháp kết nối mà còn mong muốn đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số, thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội gắn với công nghệ cao.

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao kế hoạch đầu tư và cam kết dài hạn của SpaceX. Đồng thời, Bộ trưởng cho biết Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách và đang tích cực tháo gỡ vướng mắc liên quan đến pháp lý, để dự án được triển khai đúng tiến độ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị SpaceX mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực như công nghệ thông tin, năng lượng sạch và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao. Đây được xem nền tảng cho phát triển hạ tầng số bền vững tại Việt Nam. (CaFeF)


Cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã từ trần ở 88 tuổi

Báo quốc doanh thuật tin từ Hội đồng chuyên môn, bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, y bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc nhưng do tuổi cao, sức yếu, ông đã từ trần hồi 22 giờ 51 phút ngày 20.5, tại nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi.