Tin Hoa Kỳ và Thế Giới
Các Viên Chức Chính Quyền Đang Tìm Cách Đổ Lỗi Về COVID-19
Nhiều lãnh vực tại Hoa Kỳ đã ngừng hoạt động khi bắt đầu đại dịch COVID-19. Điều này bắt đầu dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump, với các hướng dẫn hồi tháng 03/2020. Họ tuyên bố rằng để “làm chậm sự lây lan”, đất nước này sẽ phải tự cách ly trong 15 ngày.
Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta cần cách ly lâu hơn. Nền kinh tế bắt đầu suy sụp. Chính phủ đã dùng hàng ngàn tỷ dollar để cứu trợ do virus corona. Người dân Mỹ nhận được một chút từ gói cứu trợ này. Các giáo viên đã từ chối trở lại trường học, và trẻ em buộc phải học ở nhà. Các doanh nghiệp bị liệt vào loại không thiết yếu phải ngừng hoạt động. Nhà thờ cũng bị cho là loại không thiết yếu và bị buộc phải đóng cửa. Rất nhiều người mất kế sinh nhai thì các doanh nghiệp được xem là loại “thiết yếu” thì kiếm lợi nhiều hơn rất nhiều.
Tại một số tiểu bang, các nhà tù bị xem là nơi dễ bị lây lan bệnh dịch nên các tù nhân được thả ra và nhà tù bị bỏ trống.
Trong lúc dân chúng bị cách ly và được khuyến cáo không nên tụ tập hay đến những nơi đông người thì các chính trị gia đi ăn nhà hàng với gia đình và đông đảo bạn bè và không đeo khẩu trang hay cách ly như họ buộc người dân phải tuân theo các luật lệ do họ đặt ra; chỉ những người phục vụ mới đeo khẩu trang. Ngoài đường phố thì phong trào BLM nổi loạn ở nhiều nơi nhưng không bị lực lượng công lực ngăn cản. Chính trị gia đã coi cuộc tranh đấu vì “công bằng chủng tộc” quan trọng hơn sứ khoẻ cộng đồng.
Cuộc sống ở Hoa Kỳ ngày nay, có người cho rằng đang trở lại bình thường, nhưng vẫn còn lâu lắm mới bình thường.
Chính phủ địa phương vẫn còn giữ luật bắt buộc trẻ em đeo khẩu trang trong lúc ở trường. Lệnh bắt trẻ em chích ngừa COVID-19 vẫn còn đang khai triển. Nhiều người Mỹ bị buộc phải chích các mũi thử nghiệm dựa trên dữ kiện sức khỏe trái với ý muốn của họ. Ngoài ra, các chiến dịch cải tổ bầu cử, kiểm duyệt hàng loạt, và chỉ trích công khai một cách áp bức đối với bất cứ ai không tuân theo các luật lệ do giới cầm quyền đặt ra.
Ba năm sau, mọi thứ cuối cùng cũng trở lại bình thường. Lệnh bắt buộc chích ngừa sắp kết thúc. Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng chính thức chấm dứt. Tạp chí The Atlantic thậm chí còn kêu gọi một “cuộc ân xá đại dịch”. Lời than thở đó kêu gọi dân chúng tha thứ cho những người đã vi phạm quyền của người dân và cứ tiếp tục.
Dĩ nhiên, công chúng không muốn nhìn thấy chính quyền cứ tiếp tục làm những điều sai quấy. Công chúng giờ đây lên tiếng kêu gọi thực thi công lý để bảo đảm điều này không bao giờ xảy ra nữa.
Những người chủ chốt chịu trách nhiệm về những sự lạm dụng công cộng này đang cố gắng đổ lỗi cho người khác. Dư luận cho rằng, họ đang viết lại lịch sử, thoái thác lỗi lầm, và hy vọng công chúng sẽ quên đi những gì đã thực sự diễn ra.
Ông Fauci, cựu Cố vấn Y tế của Tòa Bạch Ốc, Tiến sĩ Anthony Fauci là tâm điểm của những lời chỉ trích. Thống đốc Florida Ron DeSantis đã nói về ông Fauci: “Ông Fauci nói rằng ông không gây ra bất cứ thiệt hại vĩnh viễn nào cho bất cứ đứa trẻ nhỏ nào. Tin tức cho biết các đợt phong tỏa đó đã gây tai hại cho trẻ em, và đối xử quá tệ đối với trẻ em”.
Báo The New York Times, đăng tải lời ông Fauci “Chẳng có gì được thực hiện một cách hoàn hảo”. Và ông Fauci không nhận trách nhiệm chỉ huy việc chích ngừa, ông nói ông chỉ là nhà khoa học và sức khỏe cộng đồng không phải là nhà kinh tế. Vấn đề kinh tế suy sụp không phải lỗi của ông. Các viên chức chính phủ đổ lỗi người này sang người khác, không ai dám nhận trách nhiệm.
Ông Robert F. Kennedy Jr. Tuyên Bố Sẽ Không Ra Tranh Cử Với Cựu Tổng Thống Donald Trump
Để đáp lại những bình luận ở nhiều nơi khác, ông Robert F. Kennedy Jr. đã tuyên bố trên Twitter: “Để dập tắt mọi đồn đoán, tôi sẽ KHÔNG BAO GIỜ tham gia tranh cử đồng hành với ông Donald Trump. Quan điểm của chúng tôi về một số vấn đề căn bản, cách tiếp cận của chúng tôi đối với việc điều hành, và triết lý lãnh đạo của chúng tôi không hề khác biệt nhau lắm”.
Có tin cho rằng, ông Kennedy cảm thấy ông không chắc được đảng Dan Chủ đề cử nên ông tuyên bố trước là ông sẽ không ra tranh cử tổng thống. Có người cho rằng sức khoẻ ông Kennedy không cho phép ông tranh cử tổng thống.
Ông Kennedy không ngần ngại chỉ trích các cơ quan tình báo của Hoa Kỳ là FBI và CIA đã nhúng tay trong vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy vào năm 1963, là người anh của ông. Trong khi hai cơ quan tình báo này lại được ông Biden cho là lực lượng bảo vệ gia đình ông và chính phủ của ông.
Ông Kennedy thông cảm cho cựu tổng thống Trump và những ai đang bị FBI làm phiền. Ông Robert F. Kennedy Jr. còn nhắc lời chỉ trích gay gắt của chính tổng thống John F. Kennedy rằng, ông muốn “nghiền CIA thành hàng ngàn mảnh để ném tung trong gió”.
Gần đây ông Kennedy cho biết ông không tán đồng lập trường thiên về cánh tả của đảng Dân Chủ. Ông muốn có một nỗ lực củng cố đảng đang bị suy yếu và xa dần với chủ trương ban đầu của đảng. Tuy nhiên, ông chưa đưa ra một chương trình cải tổ nào có tính cách cụ thể.
Đảng Cộng Hòa Và TT Biden Có Thể Tìm Thấy Thảo Luận Về Mức Trần Nợ
Hôm Chủ Nhật (21/05), Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) cho biết Đảng Cộng Hòa (GOP) và Tổng thống (TT) Joe Biden có thể tìm thấy “điểm chung” về mức trần nợ bất chấp những bất đồng mang tính “triết học” kéo dài.
Được biết ông McCarthy và ông Biden đã thảo luận lại vấn đề này khi ông Biden trở về nước trên từ Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản.
Ông McCarthy nói với các phóng viên tại Tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ rằng cuộc điện đàm này là “hiệu quả” và cuộc thảo luận sẽ tiếp tục vào tối nay.
Ông McCarthy cho biết “Tôi nghĩ chúng tôi có thể giải quyết một số vấn đề này nếu ông ấy hiểu những gì chúng ta đang xem xét. Nhưng tôi đã nói rất rõ ràng với ông ấy ngay từ đầu. Chúng ta cần phải chi tiêu ít tiền hơn năm ngoái”.
Ông McCarthy đã cảnh báo: “Hiện chưa có thỏa thuận nào về bất cứ điều gì”.
Cùng ngày, ông Biden lại đưa ra một ý tưởng đã được Đảng Dân Chủ lưu truyền từ lâu: rằng tổng thống có thể sử dụng một điều khoản trong Tu chính án thứ 14 để đơn phương tăng mức trần nợ mà không cần quốc hội cho phép.
Ông Biden cho biết Tòa Bạch Ốc đang xem xét tính hợp pháp và tính thực tế của quyết định này, cho thấy ông ấy vẫn chưa tin rằng có thể đạt được một thỏa thuận.
Trong cuộc họp báo hôm 21/05, ông Biden đã cáo buộc Đảng Cộng Hòa có “quan điểm cực đoan” và nói, “Đã đến lúc Đảng Cộng Hòa phải chấp nhận rằng không có thỏa thuận nào được thực hiện chỉ hoàn toàn dựa trên các điều khoản đảng phái của họ”. Tất cả các nhà lãnh đạo tham gia vào các cuộc đàm phán đang diễn ra đều khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ không vỡ nợ.
Trong nhiều tháng, Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ đã bế tắc về vấn đề mức trần nợ, vốn mô tả số tiền tối đa mà Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ có thể vay. Cả hai viện của Quốc hội phải thông qua việc tăng trần nợ để quốc gia có thể tiếp tục hoạt động. Nếu không tăng trần nợ, Hoa Kỳ sẽ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử, một kết quả có thể gây ra những tác động thảm khốc đối với giá trị của đồng dollar.
Đảng Cộng Hòa dưới sự lãnh đạo của ông McCarthy đã yêu cầu cắt giảm chi tiêu để cả hai đảng sẽ đi đến sự đồng ý tăng giới hạn nợ, với lý do cần phải kiểm soát được thâm hụt và nợ quốc gia của Hoa Kỳ, hiện vượt quá 31.4 ngàn tỷ dollar. Để đạt được mục tiêu này, đề xướng của Đảng Cộng Hòa sẽ cắt giảm chi tiêu khoảng 22%.
Những cắt giảm này bao gồm các yêu cầu công việc nghiêm ngặt hơn đối với bảo hiểm Medicaid và trợ cấp phiếu thực phẩm. Các yêu cầu khác của đảng Cộng Hoà bao gồm bãi bỏ tài trợ vốn cho phép IRS thuê tới 87,000 nhân viên thuế mới, cũng như yêu cầu thắt chặt an ninh biên giới. Các nhà lãnh đạo Đảng Dân Chủ đã mô tả những đề nghị này là “không thể chấp nhận được”.
Trong nhiều tháng, ông Biden đã từ chối đàm phán với Đảng Cộng Hòa (GOP) về mức trần nợ. Điều đó đã thay đổi sau khi ông McCarthy tập hợp sự ủng hộ của nhóm các thành viên GOP vốn có ý kiến sẽ nâng mức trần nợ nhưng cắt giảm chi tiêu. Áp lực về vấn đề này cũng đến từ Thượng viện, với hầu hết các thành viên của GOP tại Thượng viện đều đưa ra yêu cầu tương tự.
Các Nhà Lập Pháp Lưỡng Đảng Phẫn Nộ Về Việc FBI Lạm Dụng Quy Định Giám Sát
Hôm 19/05, các nhà lập pháp đến từ cả hai đảng đã bày tỏ lo ngại sau khi một lệnh của tòa án được mở niêm phong tiết lộ FBI đã lạm dụng một quy định giám sát gây tranh cãi để thu thập thông tin tình báo về công dân Hoa Kỳ, trong đó có thông tin về những người bị tình nghi là có liên quan đến vụ xâm nhập Điện Capitol vào ngày 06/01/2021 và các cuộc biểu tình ủng hộ ông George Floyd.
Trong một bản ý kiến của tòa án được biên tập lại hoàn toàn do Văn Phòng Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia công bố hôm thứ Sáu (19/05), Thẩm phán Rudolph Contreras thuộc Tòa Án Giám Sát Tình Báo Ngoại Quốc đã nêu ra các chi tiết của thông tin được thu thập không đúng quy định này.
Trong bản ý kiến ngày 21/04/2022, ông Contreras lưu ý rằng FBI đã thường xuyên vi phạm các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của chính họ về việc sử dụng cơ sở dữ kiện theo Đạo Luật Giám Sát Tình Báo Ngoại Quốc (FISA). Cơ sở dữ kiện này chứa một kho các cuộc trao đổi bằng điện tử và thông tin tình báo ngoại quốc khác.
“Một nhà phân tích (giấu tên) đã thực hiện 13 truy vấn về những người bị tình nghi là có liên quan đến vụ xâm nhập Điện Capitol vào ngày 06/01/2021”, vị thẩm phán này đã viện dẫn các trường hợp này như một ví dụ. “Nhà phân tích này cho biết rằng cô đã thực hiện các truy vấn này để xác định xem những cá nhân đó có những mối quan hệ ngoại quốc nào hay không, và cũng trình bày rằng cô đã điều tra ‘hàng ngàn danh tính trong các hệ thống của FBI có liên quan đến cuộc điều tra vụ xâm nhập Điện Capitol’ và không nhớ tại sao cô lại thực hiện 13 truy vấn này dựa trên thông tin nguyên thuỷ theo đạo luật FISA”.
Trong vụ việc đó, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSD) của Bộ Tư pháp đã kết luận rằng những truy vấn này được thực hiện mà không có niềm tin hợp lý rằng việc truy vấn sẽ mang lại thông tin tình báo ngoại quốc hoặc bằng chứng về một hành vi phạm tội — một yếu tố quan trọng cần thiết để sử dụng cơ sở dữ kiện theo FISA một cách hợp pháp.
Tổng cộng hơn 270,000 lượt tìm kiếm bất hợp pháp đã được xác định và bao gồm các cá nhân có liên quan đến các cuộc biểu tình ủng hộ ông George Floyd, những nạn nhân trong các vụ sát nhân và các thân nhân của họ, cũng như hơn 19,000 nhà tài trợ cho một chiến dịch tranh cử của Quốc Hội, trong số những người khác.
Theo ông Contreras, FBI đã hành động để khắc phục vấn đề này, cho rằng việc lạm dụng hết sức rõ ràng cơ sở dữ kiện này là do một “sự thiếu hiểu biết thông thường” trong nội bộ FBI và Cơ quan An ninh Quốc gia về “ý nghĩa của một truy vấn hợp lý có khả năng mang lại thông tin tình báo ngoại quốc hoặc bằng chứng về một hành vi phạm tội”.
Tuy nhiên, việc tiết lộ rằng quy định này đã chống lại công dân Hoa Kỳ một cách vô căn cứ sẽ khiến cơ quan này không có khả năng nhận được sự tái cấp phép Mục 702 của đạo luật FISA từ Quốc Hội, vốn cho phép sự giám sát không cần trát lệnh đối với những người không phải là công dân Hoa Kỳ ở hải ngoại để thu thập thông tin tình báo về các mối đe dọa an ninh quốc gia. Nếu không được gia hạn, mục này sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
CEO Công Ty Mẹ Của CNN Đưa Ra Bình Luận Bất Ngờ
Giám đốc điều hành (CEO) của công ty mẹ của CNN đã đáp lại những lời chỉ trích gần đây đối với hệ thống mạng của ông bằng cách nói rằng họ cần phải “thể hiện quan điểm của hai phía” để tái cấu trúc thương hiệu.
Ông David Zaslav, giám đốc điều hành của hãng Warner Bros. Discovery, đã nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm (19/05) rằng CNN cần chuyển từ một mạng lưới “thiên tả” sang “thể hiện quan điểm cả hai đảng trong mọi vấn đề”. Đây dường như là một lối trả lời đối với những bình luận chỉ trích từ phe chính trị cánh tả về việc CNN tổ chức một cuộc phỏng vấn cựu Tổng thống (TT) Donald Trump. Trong cuộc phỏng vấn này, ông Trump cũng có dịp tiếp xúc với cử tri trong hàng ngũ khán giả.
Ông Zaslav nói, “Quan điểm của chúng tôi là có các mạng lưới ủng hộ ở cả hai phía. Chúng tôi có những ký giả giỏi nhất thế giới. Chúng tôi cần thể hiện quan điểm từ cả hai đảng trong mọi vấn đề. CNN nên là nơi mà mọi người đến vì phiên bản tốt nhất của sự thật và báo chí”. Lời này đã lặp lại những tuyên bố công khai gần đây của Giám đốc điều hành CNN Chris Licht.
Ông Kevin Tober, một nhà phân tích tin tức tại NewsBusters, nói với The Epoch Times vào tuần trước rằng ông tin rằng cô Collins đã thể hiện sự “cáu kỉnh và trẻ con” trong buổi phỏng vấn ông Trump, mô tả cô là người “thường xuyên ngắt lời cựu tổng thống và trả lời xấc xược”.
Nhưng ông Licht được cho là đã nói với các nhân viên trong cuộc gọi biên tập buổi sáng của CNN vào ngày hôm sau rằng “việc đưa tin về ông Donald Trump là lộn xộn và khó khăn” và rằng “chúng ta sẽ làm điều đó một cách công bằng, cứng rắn và tích cực, như cô Kaitlan đã làm”.
Trong khi đó, cô Collins — người trước đây từng là một phóng viên của Daily Caller — gần đây đã được thăng chức vào đội hình giờ vàng của CNN sau sự kiện gặp gỡ cử tri của ông Trump. Cô đang làm việc vào khung 9 giờ tối, khung thời gian bị bỏ trống khi CNN chấm dứt hợp đồng với Chris Cuomo, người em trai cựu Thống đốc Andrew Cuomo.
Tại Hội Nghị G-7, Hầu Hết Các Đồng Minh Đều ‘Sẽ Đáp Trả’ Nếu Trung Cộng Xâm Chiếm Đài Loan
Tại hội nghị thượng đỉnh G-7, Tổng thống (TT) Joe Biden nói với một phóng viên rằng hầu hết các đồng minh của Hoa Kỳ đều hiểu “rõ ràng” rằng nếu Trung Cộng cố gắng xâm chiếm Đài Loan, “thì sẽ có một sự đáp trả”.
Hôm Chủ Nhật (21/05), TT Biden đã được một phóng viên hỏi rằng ông sẽ giải quyết mối quan hệ ngoại giao với Trung Cộng như thế nào, và ông sẽ củng cố liên minh của Hoa Kỳ với các nước khác như Nhật Bản và Nam Hàn ra sao để chống lại Trung Cộng.
Trong một phần phúc đáp, TT Biden cho rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì chính sách “Một Trung Quốc” của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông Biden nói, “Bây giờ, tất cả quý vị đều biết, nhưng công chúng lại dường như quên rằng [chính sách Một Trung Quốc] nói rằng không một quốc gia nào, Trung Quốc hay Đài Loan, cũng như không vùng lãnh thổ nào, có thể tuyên bố một cách độc lập về những gì họ sẽ thực hiện. Phải có một kết quả được cả hai bên thống nhất. Vì vậy [Hoa Kỳ] tuân thủ điều đó. Chúng tôi sẽ không bảo Trung Cộng những gì họ có thể làm. Chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi cũng không mong đợi Đài Loan tuyên bố độc lập. Nhưng trong khi đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đặt Đài Loan vào một vị trí mà họ có thể tự bảo vệ mình. Và hầu hết các đồng minh của chúng tôi đều hiểu rõ rằng trên thực tế, nếu Trung Cộng hành động đơn phương, thì họ sẽ đáp trả, sẽ đáp trả”.
Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống này, TT Biden đã ít nhất bốn lần nói rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Cộng cố xâm chiếm Đài Loan.
TT Biden cũng khẳng định, trong bối cảnh chống lại các hành động gây bất ổn từ Trung Cộng: “Tôi nghĩ chúng ta đồng lòng hơn bao giờ hết ở Thái Bình Dương về mặt duy trì sự ổn định, và duy trì một cảm giác an toàn”.
Ông lưu ý rằng mối bang giao của Hoa Kỳ với Nhật Bản “đang ở thời điểm mạnh mẽ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ” và rằng Nhật Bản đang chứng kiến một “sự khởi đầu của việc nối lại quan hệ với Nam Hàn”.
Trong một tuyên bố khác, TT Biden thừa nhận rằng đường dây nóng quân sự với Trung Cộng hiện không hoạt động, nhưng về tổng thể, mối quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ-Trung Cộng dự định sẽ “sớm bắt đầu cởi mở hơn”.
TT Biden Gặp Ông Zelensky Tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Ở Hiroshima
Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống (TT) Joe Biden sẽ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong những ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima.
Cuộc gặp này sẽ diễn ra vào chiều ngày 21/05 theo giờ địa phương.
Hôm thứ Bảy (20/05), một viên chức chính phủ cao cấp cho biết trong một cuộc gọi thông báo, “Chúng tôi kỳ vọng rằng tổng thống sẽ có một cuộc gặp song phương với Tổng thống Zelensky… Trong cuộc gặp đó, tổng thống sẽ tiếp tục nhắc lại sự ủng hộ vững chắc và kiên quyết của Hoa Kỳ đối với Ukraine trong tương lai”.
Các nhà lãnh đạo từ các quốc gia G7, bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Canada, và Ý, đang có một hội nghị thượng đỉnh tại Hiroshima, Nhật Bản. Ông Zelensky đã đến vào thứ Bảy để trò chuyện với những nhà lãnh đạo này.
Hôm thứ Bảy, G7 đã cam kết sẽ tăng cường sự cấp bách trong tuyên bố chung của nhóm này.
Nhóm cho biết, “Cuộc chiến xâm lược tàn bạo của Nga là một mối đe dọa đối với toàn thế giới, vi phạm các chuẩn mực, quy tắc và nguyên tắc căn bản của cộng đồng quốc tế. Chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ kiên định của chúng tôi đối với Ukraine miễn là điều đó còn mang lại một nền hòa bình toàn diện, công bằng, và lâu dài”.
Politico đưa tin rằng chính phủ TT Biden sẽ công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 375 triệu USD cho Ukraine sau cuộc họp giữa ông Biden và ông Zelensky.
Viên chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc này đã không xác nhận hoặc phủ nhận bản tin nói trên.
Hôm thứ Sáu (19/05), TT Biden nói với những người đồng cấp G-7 của mình rằng Hoa Kỳ sẽ ủng hộ một nỗ lực chung để đào tạo các phi công Ukraine sử dụng chiến đấu cơ. Như một phần trong quyết định này, Hoa Kỳ sẽ cho phép các đồng minh Tây phương cung cấp các chiến đấu cơ cho Ukraine, bao gồm cả những chiếc F-16 do Hoa Kỳ chế tạo.
Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan nói với các phóng viên: “Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác của chúng tôi đã tập trung vào việc cung cấp cho Ukraine những hệ thống, vũ khí, và sự huấn luyện mà họ cần để tiến hành các chiến dịch tấn công vào mùa xuân và mùa hè này”.
Các Công Ty Có Trụ Sở Tại Trung Cộng Đánh Cắp Tài Sản Trí Tuệ Của Hoa Kỳ
Các chuyên gia cho biết các nhà đầu tư Mỹ đang tài trợ cho các công ty có trụ sở tại Trung Cộng đánh cắp tài sản trí tuệ (IP) từ các công ty Hoa Kỳ.
Theo ông Derek Scissors, một thành viên cao cấp tại Viện Doanh Nghiệp Hoa Kỳ (AEI), các công ty có trụ sở tại Trung Cộng tái tạo lại tài sản trí tuệ bị đánh cắp trong các kỹ nghệ quan trọng như chất bán dẫn thậm chí còn có nhiều khả năng được các nhà đầu tư Hoa Kỳ tài trợ hơn, vì họ sẽ được Đảng Trung Cộng trợ cấp.
Ông Scissors cho biết trong một phiên điều trần của Tiểu ban Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hôm 18/05, “Về phía Trung Cộng, nếu quý vị thành công trong việc đánh cắp IP, thì quý vị sẽ được trợ cấp và [do đó] trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư Mỹ. Tiền bạc và kỹ nghệ của Mỹ không được phép giúp Trung Cộng trở nên tốt hơn trong việc ép buộc các đồng minh của chúng ta và chúng ta trong việc làm tổn hại đến lợi ích của chính mình”.
Ông Scissors cảnh báo rằng Hoa Kỳ trên thực tế đang khuyến khích nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc trở thành một “kẻ săn mồi” IP tốt hơn do không đặt ra các hạn chế đối với các khoản đầu tư vào các công ty Trung Cộng, những nơi vốn đánh cắp từ các công ty Mỹ, bao gồm cả các công ty tham gia sản xuất các sản phẩm bị cấm xuất cảng sang Trung Cộng.
Ví dụ đáng chú ý nhất là các công ty Trung Cộng đánh cắp IP cần thiết để giúp phát triển chất bán dẫn tân tiến. Ông Scissors cho biết những chất bán dẫn này hiện bị cấm bán cho Trung Cộng, nhưng lại không có hạn chế nào để ngăn người Mỹ tài trợ cho các công ty Trung Cộng chế tạo chất bán dẫn ở Trung Quốc bằng kỹ nghệ đánh cắp.
Ông Scissors nói, “Nếu chúng ta không để người Trung Quốc mua chất bán dẫn ở đây vì chúng ta đang bảo vệ kỹ nghệ này, thì chúng ta không nên cho phép người Mỹ tài trợ để phát triển chất bán dẫn ở Trung Quốc. Đó không phải là một hành động hợp lý về phía chúng ta”.
Thống Đốc Montana Ra Lệnh Cấm TikTok Trên Toàn Tiểu Bang
Thống đốc Montana Greg Gianforte đã bảo vệ quyết định cấm ứng dụng TikTok của Trung Cộng, nói rằng ông mong muốn sự hạn chế này có thể rộng hơn để bao gồm cả những ứng dụng khác do các đối thủ của Hoa Kỳ sở hữu.
Khả năng Đảng Cộng sản Trung Quốc “sử dụng TikTok để theo dõi người Mỹ đã được ghi nhận rõ ràng. Đó là lý do tại sao tôi hài lòng việc chúng tôi đã cấm ứng dụng này ở đây tại Montana”.
Ông Gianforte nói trên chương trình “America Reports” của Fox News được phát sóng hôm 18/05, “Tôi ước dự luật này thực sự rộng hơn. Tôi muốn chọn các ứng dụng truyền thông xã hội khác [được] các đối thủ ngoại quốc sở hữu, nhưng đây là một bước đi đúng hướng”.
Hôm 17/05, ông Gianforte đã ký dự luật này thành luật cấm cư dân Montana sử dụng ứng dụng Tiktok. Dự luật sẽ khiến việc các cửa hàng ứng dụng của Google và Apple cung cấp cho người dùng Montana là bất hợp pháp.
Phát ngôn viên của TikTok Brooke Oberwetter mô tả dự luật này là bất hợp pháp, cho rằng lệnh cấm trên là vi phạm quyền Tu chính án thứ Nhất của người dân.
Liên minh Tự do Dân sự Mỹ quốc (ACLU) cũng cho rằng chính phủ không có quyền áp đặt một lệnh cấm hoàn toàn đối với các nền tảng truyền thông như TikTok.
Khi được hỏi về những lời chỉ trích của ACLU, ông Gianforte nói, “Họ hoàn toàn sai lầm”. Vị thống đốc này nói rõ rằng Hiến Pháp Montana có “sự bảo vệ rất rộng rãi đối với quyền riêng tư cá nhân”. Ông cho rằng TikTok đã vi phạm điều luật này. Ông nói, “Ý tôi là, việc do thám người Mỹ, thế đủ rồi — là đủ rồi. Chúng tôi sẽ không để những kẻ thù ngoại bang giám sát người dân Montana”.
TikTok, một nền tảng chia sẻ video với 150 triệu người dùng ở Mỹ quốc, được đại công ty kỹ nghệ Trung Cộng ByteDance thành lập và sở hữu. Các nhà lập pháp ở cả hai đảng đã bày tỏ lo ngại an ninh về ứng dụng phổ biến này vốn có thể chuyển dữ kiện của người dùng Mỹ cho nhà cầm quyền Trung Cộng.
Dự Luật Lưỡng Đảng Ngăn Chặn Trung Cộng Mua Đất Nông Nghiệp Của Hoa Kỳ
Hôm 17/05, một đề nghị lưỡng đảng được giới thiệu tại Hạ viện Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn những cá nhân/tổ chức có liên đới với Trung Cộng nắm giữ đất nông nghiệp của Hoa Kỳ, góp phần vào nỗ lực ngày càng tăng của lưỡng đảng trong Quốc hội nhằm chống lại các mối đe dọa từ nhà cầm quyền ở Bắc Kinh.
Dự luật của Dân biểu Dale Strong (Cộng Hòa-Alabama) và Dân biểu Abigail Spanberger (Dân chủ-Virginia), có nhan đề “Đạo Luật Bảo Vệ Đất Nông Nghiệp Của Mỹ Khỏi Hành Động Có Hại Của Ngoại Quốc”, sẽ cấm các cá nhân có liên quan đến nhà cầm quyền Trung Cộng và các địch thủ ngoại quốc khác mua hoặc thuê đất nông nghiệp của Hoa Kỳ.
Lệnh cấm này bao gồm bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào “được sở hữu, được kiểm soát, nằm trong phạm vi quản lý hoặc chịu sự chỉ thị của một địch thủ ngoại quốc” — trong số đó có Iran, Bắc Hàn, Trung Cộng, và Nga, ngoại trừ công dân và thường trú nhân Hoa Kỳ.
Theo đề xướng luật kể trên, những cá nhân và tổ chức có trong danh sách sẽ bị cấm tham gia các chương trình của Bộ Nông nghiệp (USDA) nếu họ sở hữu toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu đất nông nghiệp của Hoa Kỳ hoặc thuê đất nông nghiệp trong nước, trừ phi việc tham gia đó là có liên quan đến các yêu cầu quy định về an toàn thực phẩm hoặc sức khỏe và an toàn lao động của các cá nhân.
Ông Strong nói trong một tuyên bố, “Hoa Kỳ không còn có thể nhắm mắt làm ngơ trước các mối đe dọa mà Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra. Khi ĐCSTQ tìm cách lợi dụng những điểm yếu trong xã hội tự do và cởi mở của chúng ta, thì trách nhiệm của chúng ta là phải bảo đảm rằng người dân Mỹ được bảo vệ trước những tác nhân đang tìm cách làm suy yếu lợi ích quốc gia của chúng ta”.
Theo USDA, tính đến cuối năm 2020, Trung Quốc sở hữu 325,686 mẫu Anh đất nông nghiệp của Hoa Kỳ. Mặc dù con số này chưa đến 1% tổng diện tích đất do ngoại quốc nắm giữ, nhưng diện tích này đã đánh dấu một bước nhảy vọt gấp hơn 20 lần so với một thập niên trước đó.
Bà Spanberger, một cựu nhân viên tình báo của CIA, nói rằng công việc trước đây của bà trong lĩnh vực tình báo đã giúp bà hiểu rõ hơn về “các mối đe dọa do các chiến dịch gây ảnh hưởng mạnh mẽ của Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra, cũng như những nỗ lực của họ trong việc nhắm vào lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ qua các giao dịch dường như vô hại”.
[pvc_stats postid=”” increase =”1″ show_views_today=”0″]