Tin Thế Giới.

Tổng thống Mỹ mở đường cho việc cung cấp F-16 cho Ukraina (RFI)

Có thể nói đây là một bước ngoặt quan trọng về sự yểm trợ của phương Tây đối với Ukraina trong cuộc chiến chống Nga: Tại thượng đỉnh G7 ở Hiroshima (Nhật Bản), hôm 19/05/2023, tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố kể từ nay sẵn sàng cho phép các nước khác cung cấp cho Ukraina loại chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất.

Theo lời cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan, được hãng tin AFP trích dẫn, tổng thống Biden cũng ủng hộ một sáng kiến chung nhằm huấn luyện các phi công Ukraina sử dụng những loại chiến đấu cơ thế hệ thứ tư, trong đó có F-16 của Mỹ.

Ngay sau thông báo của tổng thống Biden, bộ Quốc Phòng Đan Mạch hôm qua thông báo nước này sẽ tham gia vào việc huấn luyện các phi công Ukraina lái chiến đấu cơ F-16.

Trong thời gian qua, áp lực lên tổng thống Mỹ ngày càng tăng, đòi ông phải bật đèn xanh cho việc cấp các chiến đấu cơ F-16 cho Ukraina từ những nước đang có các phi cơ này. Việc giao F-16 cho các nước thứ ba phải có sự chấp thuận của Washington, cụ thể là của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, do cần phải bảo vệ công nghệ quân sự của Mỹ.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky ngay lập tức hoan nghênh quyết định nói trên của tổng thống Biden, một quyết định mà ông cho là mang tính “lịch sử”. Theo lời cố vấn an ninh quốc gia Sullivan, tổng thống Biden rất nôn nóng gặp đồng nhiệm Ukraina để thảo luận về việc thực hiện kế hoạch này trong cuộc gặp vào ngày mai ở Hiroshima bên lề thượng đỉnh nhóm G7.

Bay từ Ả Rập Xê Út trên một chiếc máy bay của Cộng Hòa Pháp, ông Zelensky đã đến Hiroshima hôm nay để dự thượng đỉnh G7. Ngoài tổng thống Mỹ Biden, tổng thống Ukraina có các cuộc gặp song phương với tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Nhật Fumio Kishida.

Trên mạng Twitter hôm nay, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa cho biết ông cũng đã gặp tổng thống Zelensky tại Hiroshima. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ khi Nga mở cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina.

Trong bản thông cáo chung, các lãnh đạo G7 đã kêu gọi Trung Quốc “gây áp lực lên Nga để nước này ngừng cuộc xâm lăng Ukraina”, đồng thời khẳng định muốn duy trì các quan hệ “mang tính xây dựng và ổn định” với Bắc Kinh. Các lãnh đạo G7 nhân dịp này nhắc lại là họ vẫn chống mọi hành động “quân sự hóa” của Trung Quốc ở vùng châu Á-Thái Bình Dương.


Nga: Vùng Belgorod lại bị drone tấn công sau khi Matxcơva tuyên bố tiêu diệt quân đột kích (RFI)

Tình hình vùng Belgorod ở miền nam nước Nga, giáp với Ukraina, tiếp tục căng thẳng. Một hôm sau khi Matxcơva khẳng định đã phá tan cuộc đột kích từ lãnh thổ Ukraina đánh vào vùng này, chính thống đốc Belgorod hôm nay, 24/05/2023, cho biết là “nhiều” cuộc tấn công bằng drone vào Belgorod đã lại xẩy ra đêm qua, rạng sáng hôm nay, nhưng “một số lượng lớn” đã bị bắn hạ.

Trong một thông báo đăng trên mạng Telegram, ông Vyacheslav Gladkov cho biết là các vụ tấn công không làm ai bị thương, nhưng nhiều tòa nhà hành chính, chung cư và xe cộ đã bị hư hại.

Lực lượng nổi dậy của người Nga chống Putin

Hôm qua, chính quyền Nga khẳng định đã đẩy lùi một cuộc đột kích nghiêm trọng nhất từ trước đến nay xuất phát từ lãnh thổ Ukraina và đánh vào Belgorod. Theo bộ Quốc Phòng Nga, hơn 70 kẻ tấn công đã bị “tiêu diệt” trong trận giao tranh kéo dài khoảng 24 tiếng đồng hồ ở Belgorod, huy động đến cả pháo binh và không quân.

Chính quyền không đề cập đến thương vong bên phía lực lượng Nga, chỉ cho biết là đã có 12 thường dân bị thương trong vụ tấn công và 2 người thiệt mạng, trong đó có 1 người bị suy tim khi được sơ tán.

Matxcơva đã quy trách nhiệm vụ tấn công cho các “phần tử phá hoại” đến từ Ukraina, trong lúc Kiev lại cho đấy là một cuộc nổi dậy của chính người dân Nga chống lại điện Kremlin. Các nhóm vũ trang Nga có cơ sở tại Ukraina muốn lật đổ chế độ Putin đã tự nhận là tác giả vụ đột kích.

Theo ghi nhận của thông tín viên RFI Anissa el Jabri tại Matxcơva, như thường lệ, tổng thống Nga Vladimir Putin không phản ứng ngay lập tức, và một hội đồng quốc phòng thường kỳ sẽ được triệu tập vào thứ Sáu 26/05. Điều đáng chú ý là sau khi đã tỏ ra rất kín đáo, vào tối qua, các phương tiện truyền thông nhà nước rầm rộ đưa vụ việc lên hàng đầu của thời sự.

“Sau 24 giờ im ắng, các kênh truyền hình Nga tối hôm qua đã đưa kết quả chiến dịch phản công tại Belgorod lên đầu bản tin, với các hình ảnh do Bộ Quốc Phòng Nga cung cấp, cho thấy các loại xe được cho là của Mỹ đã được sử dụng để xâm nhập vào khu vực Belgorod, với một chiếc bên trên có dòng chữ “Vì Bakhmut”.

Nhiều hình ảnh khác cũng cho thấy – và đây là điều rất hiếm tại Nga – thi thể của những kẻ tấn công bị hạ sát, xếp cạnh nhau trong rừng, với các thùng đạn và vũ khí bị tịch thu.

Các hình ảnh kể trên nhằm chứng minh một cách mạnh mẽ hiệu năng của lực lượng an ninh, thế nhưng vào buổi tối, sau khi đi thăm các ngôi làng biên giới bị tấn công trở về, trong một đoạn video trên trang V Kontakt (tương đương với Facebook tại Nga), thống đốc Belgorod đã tuyên bố với người dân: “Tôi thậm chí còn có nhiều câu hỏi hơn quý vị để chất vấn bộ Quốc Phòng”.

Cho đến nay, chỉ duy nhất một thống đốc khác là dám chỉ trích bộ Quốc Phòng, đó lã lãnh đạo vùng Kursk, một vùng biên giới khác. Tháng 10 năm ngoái, nhân vật này đã nêu bật tình trạng rối loạn tổ chức của chiến dịch động viên.”


Vụ tấn công tỉnh biên giới Nga: Truyền thông Ukraina chào mừng ‘‘Cộng hòa Nhân dân Belgorod’’ (RFI)

Các cuộc xâm nhập và tấn công tại tỉnh biên giới Belgorod, miền tây nam nước Nga, của một số lực lượng xuất kích từ Ukraina là một dịp để truyền thông Ukraina đả kích nhà cầm quyền Nga.

Lực lượng ‘‘Quân đoàn Tự do Nga’’

Theo quan điểm chính thức của Kiev, tác giả của các cuộc tấn công là những lực lượng nổi dậy người Nga chống chế độ Putin. Trong khi đó trên truyền thông Ukraina, nhiều người đã ca ngợi sự ra đời của một nước ‘‘Cộng hòa Nhân dân Belgorod’’ ngay trong lòng lãnh thổ Nga. Đối với họ, Matxcơva gieo gió thì gặt bão: Kẻ hậu thuẫn các lực lượng ly khai trên đất Ukraina giờ đây đang chứng kiến cảnh người Nga đòi quyền tự trị.

Thông tín viên Stéphane Siohan tường trình từ Poltava, Ukraina:

Theo thông tin mới nhất, hai nhóm chiến binh người Nga, liên minh với Ukraina, xâm nhập vào tỉnh Belgorod, hiện vẫn đang kiểm soát một số địa phương trên lãnh thổ Nga. Họ còn lâu mới bị tiêu diệt hoàn toàn, như các tuyên bố hùng hồn của điện Kremlin, bởi vài người trong số họ đã trở về lãnh thổ Ukraina.

Chính quyền Ukraina cũng đang chuẩn bị tiết lộ các chiến công của họ với báo chí, cố gắng khai thác ý nghĩa chính trị của các sự kiện trong vòng 24 giờ qua, với một tài bẩm sinh của dân Ukraina châm biếm đối thủ .

Nhìn từ phía Kiev, đó là một ‘‘bí mật’’ mà ai cũng đã biết. Điều rõ ràng là các lực lượng ‘‘Quân đoàn Tự do Nga’’ và ‘‘Quân đoàn Tình nguyện Nga’’ nằm dưới quyền chỉ huy của tình báo quân đội Ukraina, và người ta thậm chí đã không cần cố gắng để che giấu điều đó.

Tuy nhiên, chỉ đến lúc này, các nhà bình luận, chính trị gia và giới truyền thông Ukraina mới công khai bày tỏ niềm vui về cuộc đột nhập của các lực lượng ly khai trên chính lãnh thổ Nga và sự ra đời của ‘‘Cộng hòa Nhân dân Belgorod’’, danh xưng ngụ ý nhắc đến các nước cộng hòa ly khai tự xưng Donetsk và Lugansk, ở miền đông Ukraina, mà Nga hậu thuẫn.

Trên thực tế, những gì mà người Ukraina bày tỏ đang mang lại các tác động tâm lý quan trọng, khi mọi người thấy rõ gậy ông đập lưng ông, kẻ nào gieo gió thì phải gặt bão. Kiev đã giúp cho người Nga thấy rằng các tội ác mà điện Kremlin đã gây ra với người dân Ukraina vào mùa xuân năm 2014 đang để lại những hậu quả như thế nào”.


Papua New Guinea, đồng minh mới của Mỹ trong chiến lược chống Trung Quốc

Ngày 22/05/2023, Hoa Kỳ đã ký hiệp ước an ninh với Papua New Guinea, cho phép quân đội Mỹ tiếp cận các hải cảng và sân bay của quốc đảo nằm ở phía tây nam Thái Bình Dương, khu vực mà Hoa kỳ đang tìm cách tăng cường sự hiện diện nhằm ngăn chặn đà bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Thủ tướng Papua New Guinea James Marape hôm qua, xác nhận : “ chúng tôi chuyển từ mối quan hệ chung chung sang một quan hệ cụ thể với Hoa Kỳ. Thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực quốc phòng đã được đúc kết ».

Thay mặt tổng thống Mỹ Joe Biden, vào phút chót đã hủy chuyến đi do phải thương lượng với Hạ Viện về trần nợ công, ngoại trưởng Anthony Blinken đã tới Port Moresby, ký thỏa thuận quốc phòng đầu tiên giữa Mỹ với Papua New Guinea ngay trước lúc khai mạc thượng đỉnh giữa 14 đảo quốc trong vùng Thái Bình Dương với Hoa Kỳ.

Trong những năm gần đây, Ấn Độ Thái Bình Dương đã trở thành vùng trọng điểm Hoa Kỳ trong chiến lược ngăn chặn đà ảnh hưởng của Trung Quốc. Sau khi đã tập hợp thành công các quốc gia lớn như Ấn Độ, Úc, Nhật Bản trong liên minh gọn nhỏ mang tên Bộ Tứ QUAD, tiếp đó mở rộng liên minh quân sự với Philippines, giờ đây Washington tìm kiếm đồng minh trong số những quốc đảo có vị trí chiến lược quan trọng vùng Thái Bình Dương.

Thỏa thuận vừa ký với Papua New Guinea nhằm tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước, theo đó Hoa Kỳ từ giờ trở đi có thể tiếp cận hải cảng, sân bay của quần đảo này. Theo như cách nói của ông Anthony Blinken, quân nhân hai nước có thể lên tàu chiến của nhau để « cùng tuần tra tốt hơn » trên biển.

Như vậy Hoa Kỳ có thể tăng cường được khả năng giám sát vùng biển nằm gần tuyến hàng hải thương mại dẫn tới Úc và Nhật Bản. Đổi lại, đồng minh Papua New Guinea được Hoa Kỳ cung cấp thông tin vệ tinh để kiểm soát lãnh thổ của mình. Bên cạnh đó là những khoản viện trợ phát triển, cùng sự bảo đảm về an ninh cho đảo quốc Thái Bình Dương này. Trước mắt, một khoản viện trợ trị giá 45 triệu đô la đã được thông báo. Theo thủ tướng James Marape, « Papua New Guinea không có kẻ thù, nhưng việc đó là để chuẩn bị ».

Cho dù ngoại trưởng Mỹ Anthony  Blinken tuyên bố thỏa thuận này « không liên quan gì đến một nước khác, đây là quan hệ của chúng tôi với các đảo quốc trong Thái Bình Dương và xuất phát từ tầm nhìn mà chúng tôi chia sẻ với vùng này », nhưng giới quan sát đều thấy rõ trong bước đi này, Washington quan tâm đặc biệt đến những tham vọng của Trung Quốc trong vùng Thái Bình Dương. Chuyên gia Gordon Peake, thuộc Viện Hòa bình Hoa Kỳ, được AFP trích dẫn, nhận định: « Cho dù không hề được nêu tên trong văn kiện, nhưng Trung Quốc nằm ẩn dưới mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Hoa Kỳ và Papua New Guinea ».

Năm ngoái, Bắc Kinh đã ngấm ngầm ký một thỏa thuận quốc phòng với quần đảo Salomon, cho phép Trung Quốc triển khai quân đội ở nước láng giềng của Papua New Guinea. Khi đó dư luận xem đây là tiếng chuông báo động đối với vùng Thái Bình Dương cũng như đối với Hoa Kỳ. Vài tháng sau đó, tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì một cuộc họp thượng đỉnh tại Washington với các đảo quốc Thái Bình Dương, thông báo viện trợ hàng trăm triệu đô la các quốc gia trong khu vực này. Cùng lúc, Bắc Kinh cũng đã đề xuất với các đảo quốc Thái Bình Dương một chương trình viện trợ dưới hình thức thỏa thuận dựa trên cơ sở an ninh khu vực và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, dự án của Bắc Kinh đã không có được đồng thuận giữa các quốc đảo liên quan.

Theo phần đông các nhà phân tích, giờ đây Hoa Kỳ lo ngại rằng, với một điểm cắm chân quân sự trong vùng nam Thái Bình Dương, Trung Quốc có thể không chế căn cứ hải quân của Mỹ ở đảo Guam, gây khó khăn cho việc bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Bắc Kinh  tấn công hòn đảo.

Thỏa thuận quốc phòng được ký với Papua New Guinea, đảo quốc lớn thứ 3 trên thế giới, có diện tích trên 462.840km2, nằm trong bối cảnh trận chiến giành ảnh hưởng kinh tế và quân sự giữa Washington và Bắc Kinh trong vùng Thái Bình Dương ngày càng quyết liệt. Trong cuộc đua này, Bắc Kinh cũng không tỏ ra kém cạnh, đã đặt quan hệ đối tác với nhiều quốc gia như Fidji, quần đảo Tonga, Salomon và cũng đã rất tích cực lôi kéo Papua New Guinea.


Bắc Kinh triệu mời đại sứ Nhật lên phản đối thông cáo của G7 về Trung Cộng (RFI)

Bắc Kinh nổi giận về việc các nhà lãnh đạo khối 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới, trong thông cáo của thượng đỉnh Hiroshima hôm 20/05/2023, đã kêu gọi Trung Cộng « không tiến hành các hành động can thiệp » vào công việc của những nước thành viên G7 và bày tỏ « quan ngại » về tình hình nhân quyền ở Tây Tạng và Tân Cương.

Xã luận của Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Cộng, hôm 22/05/2023, xem thượng đỉnh G7 ở Hiroshima là « xưởng sản xuất tư tưởng bài Trung Cộng », tố cáo « Mỹ tìm cách gây dựng mạng lưới chống Trung Cộng trong thế giới phương Tây ». Bắc Kinh đã triệu mời đại sứ Nhật Bản, nước chủ nhà thượng đỉnh G7 lên để yêu cầu giải thích về “sự thổi phồng truyền thông” xung quanh các vấn đề liên quan đến Trung Cộng.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm :

« Nói Không với tư tưởng đế quốc của khối G7, nói Không với chiến tranh ». Đây là những khẩu hiệu mà những người biểu tình của cánh tả Nhật Bản hô vang và được phát trên Đài phát thanh và truyền hình trung ương Trung Cộng. Các đặc phái viên của Tân Hoa Xã ở Hiroshima bình luận thêm : « Dưới cái nắng đổ lửa, như thiêu như đốt, họ đến để nói không với chiến tranh ».

Một chuyên gia Nhật Bản về quan hệ quốc tế nhận định là tất cả các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Cộng có chung quan điểm: « Khối G7 đã đi quá xa ». Nói cách khác, cuộc họp của 7 quốc gia giàu nhất thế giới đã vượt quá đặc quyền của khối này.

Đây là một lời cáo buộc được ghi trong công hàm phản đối long trọng mà thứ trưởng Ngoại Giao Trung Cộng Tôn Vệ Đông (Sun Weidong) gửi cho Tokyo vào tối Chủ Nhật 21/05. Thông điệp được chuyển trực tiếp đến đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh, Hiedo Chui, người có lẽ đã bị chỉ trích sau lưng trong buổi tối hôm qua. Quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Cộng đe dọa : « Nhật Bản phải điều chỉnh lại cách hiểu của mình về Trung Cộng ».

Chính quan chức này hồi tháng trước đã cáo buộc G7 « vu khống và muốn bôi nhọ » Trung Cộng. Đối với Bắc Kinh, cho dù đó là về Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương hay Hồng Kông, khối G7 đều can thiệp vào những gì không liên quan đến khối này và G7 vẫn còn mang nặng tư duy Chiến tranh Lạnh.


Thăm Úc, thủ tướng Ấn Độ khẳng định mong muốn siết chặt quan hệ quốc phòng song phương (RFI)

Công du nước Úc sau Thượng Đỉnh G7 tại Hiroshima (Nhật Bản), thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm nay, 24/05/2023, đã hội đàm với đồng nhiệm Úc Antony Albanese tại Sydney. Một trong những mong muốn được lãnh đạo Ấn Độ nhấn mạnh là siết chặt hơn nữa quan hệ quốc phòng giữa hai nước cùng là thành viên của nhóm Bộ Tứ, vốn bao gồm cả Mỹ và Nhật.

TT Úc Antony Albanese tiếp TT Ấn Độ Modi

Trong một bản thông cáo, văn phòng thủ tướng Úc cho biết là trong cuộc gặp hôm nay, hai ông Modi và Albanese đã “củng cố thêm cam kết của hai bên đối với một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương rộng mở, thịnh vượng và an ninh”.

Đây là chuyến công du Úc lần thứ hai của ông Modi trong cương vị thủ tướng Ấn Độ. Phát biểu với báo chí Úc trước cuộc gặp với thủ tướng Albanese, Modi cho biết là ông mong muốn hai nước có được các quan hệ quốc phòng và an ninh chặt chẽ hơn vào lúc ảnh hưởng của Trung Cộng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương gia tăng.

Phát biểu với tờ báo Úc The Australian số ra hôm qua, thủ tướng Modi cho biết ông muốn nâng quan hệ của Ấn-Úc lên “một tầm cao mới”:Là hai nền dân chủ, Ấn Độ và Úc có chung lợi ích trong một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, cởi mở và không loại trừ ai.”

Về phần mình, thủ tướng Úc Albanese cũng xác định rằng “Ấn Độ là một đối tác chiến lược quan trọng” và trong năm nay, Úc sẽ lần đầu tiên tổ chức cuộc tập trận hải quân Malabar có sự tham gia của Ấn Độ, Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Ông Modi là lãnh đạo duy nhất của nhóm Quad thăm Úc sau khi tổng thống Joe Biden rút lui vào tuần trước để trở về Washington tiếp tục đàm phán về mức trần nợ công của Mỹ. Thủ tướng Nhật Fumio Kishida cũng đã hủy bỏ chuyến đi Úc sau quyết định của ông Biden.

Trước khi đến Úc vào tối thứ Hai vừa qua, thủ tướng Ấn Độ đã ghé Papua New Guinea để họp với lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương để thảo luận về tăng cường hợp tác giữa hai bên. Đây là một chuyến thăm lịch sử, vì ông Modi là người đứng đầu chính phủ Ấn Độ đầu tiên đến thăm Papua New Guinea.


Tiếp đặc sứ Trung Cộng, Pháp và Liên Hiệp Châu Âu khẳng định đoàn kết với Ukraina (RFI)

Hôm 23/05/2023, tiếp đặc sứ Trung Cộng Lý Huy, đại diện bộ Ngoại Giao Pháp, ông Frédéric Mondoloni, phụ trách các vấn đề chính trị và an ninh, tái khẳng định lập trường của Paris trong hồ sơ Ukraina: Pháp và Liên Hiệp Châu Âu quyết tâm hậu thuẫn Ukraina « lâu dài » và « trong mọi lĩnh vực ».

Thông cáo của bộ Ngoại Giao Pháp, được AFP dẫn lại, còn nhấn mạnh « Nga phải chịu toàn bộ trách nhiệm trong việc khởi động và theo đuổi chiến tranh ». Bộ Ngoại Giao Pháp hoan nghênh « Trung Cộng và Ukraina nối lại đối thoại », nhưng cũng không quên nhắc lại rằng « Kiev thực thi quyền tự vệ chính đáng » và nhấn mạnh sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Pháp và Liên Âu dành cho Ukraina.  

Đặc sứ Trung Cộng Lý Huy đang công du châu Âu từ một tuần nay nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina, kéo dài từ hơn một năm qua. Trước khi đến Paris, đặc sứ Trung Cộng đã đến Kiev và Vacxava. Hai chặng cuối của ông Lý Huy sẽ là Đức và Nga.

Trong cuộc xung đột Nga – Ukraina, Trung Cộng tỏ ra trung lập, nhưng lại duy trì quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn với Nga. Bắc Kinh cũng bị nhiều nước phương Tây chỉ trích là đã không lên án cuộc chiến xâm lược của Matxcơva chống quốc gia láng giềng. 

Trong bối cảnh này, nhiều nước châu Âu hy vọng Trung Cộng sẽ sử dụng tầm ảnh hưởng của mình đối với Nga nhằm giúp chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, trong cuộc gặp đặc sứ Trung Cộng, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã khẳng định lập trường « không chấp nhận » nhượng lãnh thổ để đổi lấy hòa bình, hay « đóng băng xung đột », gây bất lợi cho Kiev.


Trung Cộng triển khai ba thiết bị cố định để định vị tại khu vực quần đảo Trường Sa (RFA)

Trung Cộng vừa triển khai ba thiết bị định vị quanh khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa Trung Cộng và các quốc gia láng giềng.

Reuters dẫn thông báo của Bộ Giao thông Trung Cộng hôm 24/5 cho biết trung tâm an ninh biển Biển Đông của nước này đã đặt ba thiết bị gần Đá Cá Nhám, Đá Ba Đầu và Đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa.

Thông báo cho biết, các thiết bị này để đảm bảo sự an toàn đi lại của tàu thuyền.

Hồi đầu tháng này, Philippines cũng đã thả các phao định vị mang cờ của nước này trong khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines.

Tuần duyên Philippines hôm 14/5 cho biết nước này đã thả năm phao định vị hàng hải tại năm khu vực ở Biển Đông bao gồm Đá Ba Đầu và cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam cũng đòi chủ quyền.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước động thái này của Philippines đã khẳng định: “Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, Tuyên bố chung về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), có đóng góp thiết thực và tích cực cho việc duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông cũng như tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC)”.


Tin Việt Nam.

Dmitry Medvedev tới HN thảo luận với lãnh đạo VN về Ukraine và kinh tế (BBC)

Chủ tịch đảng Nước Nga Thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, ông Dmitry Medvedev vừa tới Việt Nam vào ngày thứ Hai, 22 tháng 5, theo hãng tin Nga Tass.

Chiều cùng ngày, ông đã có cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng tại Trụ sở Trung ương Đảng, VOV tường thuật.

Tass đưa tin, trích theo nguồn từ ban thư ký của ông Medvedev, người từng giữ các chức tổng thống và thủ tướng Nga, ông sẽ có hội đàm với các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam.

Ngoài ông Nguyễn Phú Trọng, ông Medvedev sẽ gặp gỡ Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trương Thị Mai, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Chính vừa có cái bắt tay “bất ngờ” tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, khách mời đặc biệt của Nhật Bản, nước chủ nhà G7 năm nay.

Giới quan sát tin rằng động tác ngoại giao này không nói lên điều gì nhiều vì Nga “vẫn là đồng minh quan trọng hơn” đối với Hà Nội.

Dù vậy, Tass nói quan hệ hai bên không chỉ tập trung vào trao đổi hệ kinh tế.

“Trong số những chủ đề ông Medvedev có kế hoạch thảo luận với các lãnh đạo VN sẽ gồm cả việc hợp tác khu vực và tình hình Ukraine.”

Vẫn hãng tin Nga thừa nhận mậu dịch hai bên xuống thấp:

“Vào tháng 1 năm 2023, thương mại song phương giữa hai nước đạt 304,6 triệu USD, thấp hơn 44,7% so với cùng kỳ năm trước.” Cấm vận làm giảm giao thương Nga-Việt. Tass nói đó là vì cấm vận của Phương Tây, nên ba năm liên tục trao đổi thương mại Nga-Việt giảm, từ 7 tỷ USD xuống còn 4,569 tỷ USD năm ngoái.

Cả xuất nhập khẩu của Nga với VN đều giảm hàng chục phần trăm.

Hợp tác năng lượng, nhất là dầu khí sẽ được bàn đến.

Hiện các tập đoàn năng lượng của Nga Gazprom, Zarubezhneft và Novatek đều có các hoạt động tại VN.

Mới đây nhất, có tin một tàu nghiên cứu Trung Cộng, hai tàu tuần duyên và 11 tàu đánh cá đã vào lô 04-03 của Vietsovpetro, một liên doanh giữa Zarubezhneft của Nga và PetroVietnam ở Biển Đông, dữ liệu từ hai tàu giám sát độc lập mà Reuters xem qua cho thấy.

Dầu khí bán sang châu Á là nguồn thu quan trọng khi Nga bị EU và Hoa Kỳ cấm vận vì gây ra cuộc chiến tranh xâm lược nước láng giềng Ukraine năm 2022.

Tháng 11/2018, ông Medvedev, Thủ tướng Nga nhiệm kỳ năm đó, đồng thời đã là Chủ tịch Ðảng Nước Nga Thống nhất sang thăm VN theo lời mời của người tương nhiệm [khi ấy] Nguyễn Xuân Phúc.


Hàng xuất cảng của Việt Nam sang Mỹ bị tuột giảm 21,6%

Tạp chí Hải Quan của Việt Nam hôm thứ Ba 23/5 nhìn nhận rằng kim ngạch xuất cảng sang Hoa Kỳ giảm mạnh trong những tháng đầu năm nay, nhưng nền kinh tế số 1 thế giới vẫn duy trì vị thế thị trường lớn nhất của Việt Nam. Theo Hải Quan Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 28,6 tỷ USD, giảm 21,6%, với nhiều loại mặt hàng: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, hàng dệt may, điện thoại và giày dép

Trong khi đó, tin cho hay, nhập cảng từ Hoa Kỳ trong 4 tháng đạt 4,3 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 4,3% kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Cũng liên quan tới vấn đề xuất cảng của Việt Nam, trong bản cập nhật về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (World Bank) thứ Năm tuần trước, 18/5, nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam “đang phải đối mặt với những cơn gió ngược bên ngoài khi nhu cầu bên ngoài suy yếu tiếp tục tạo áp lực giảm xuất khẩu, dẫn đến sản xuất công nghiệp suy yếu”.

Theo World Bank, xuất nhập cảng hàng hóa của Việt Nam giảm lần lượt 17,1% và 20,5% vào tháng 4 năm nay.

Tổ chức tài chính này nhận định trong bản cập nhật: “Điều này phản ánh sức cầu toàn cầu suy yếu, đặc biệt là ở Mỹ và EU, khi xuất cảng sang hai thị trường này tương ứng giảm 22,1% và 14,1% trong 4 tháng đầu năm 2023”.


Kinh tế Việt Nam đang có những khó khăn khó vượt qua

Báo cáo mới nhất của chính phủ gửi Quốc hội csVN ngày 22 Tháng Năm chi biết, những khó khăn kinh tế đang xảy ra mà truyền thông của đảng gọi là cần “cấp bách tiếp sức cho doanh nghiệp” để “ngăn tình trạng giải thể, phá sản và làn sóng “bán mình” của doanh nghiệp có nguy cơ lan rộng”.

Khi thay mặt chính phủ báo cáo với Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhìn nhận tăng trưởng kinh tế quý I năm nay “chỉ đạt 3.32%” trong khi cùng thời kỳ này năm ngoái được tới 5.03%. Tăng trưởng kinh tế đi thụt lùi vì “nhiều địa phương sản xuất công nghiệp thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm”. Nói chung thì “Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực công nghiệp nhỏ và vừa”.

Cùng với việc tường thuật báo cáo Quốc hội của ông Lê Minh Khái, tờ Tuổi Trẻ dẫn lời ông Mạc Quốc Anh, phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội nêu ra các khó khăn nhiều mặt của giới doanh nghiệp các ngành chứ không riêng một ngành nào. Nếu họ khốn đốn dẫn tới đóng cửa, cả nên kinh tế cũng bị ảnh hưởng theo.

Hàng tồn kho của nhiều ngành sản xuất chủ lực như da giày, dệt may, điện tử, sắt thép, xi măng tăng. Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn, không đủ tiền vận hành. Không ít doanh nghiệp phải bán tài sản, thậm chí bán doanh nghiệp giá rẻ”. Lời ông Mạc Quốc Anh dẫn trên tờ Tuổi Trẻ ngày 22 Tháng Năm.

Ông Lê Minh Khái khi giải thích về những khó khăn mà nền kinh tế của Việt Nam đang đối diện đã đổ vạ cho “tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, vượt dự báo, gây khó khăn” nên làm cho “công tác chỉ đạo điều hành” của chế độ Hà Nội bị kẹt, kinh tế thụt lùi. Với giới công kỹ nghệ trong nước thì “sức chống chịu chưa cao” nên gần kiệt sức.

Vì kinh doanh khó khăn trong khi khả năng tài chính giới hạn, bản báo cáo trên nói rằng, trong 4 tháng đầu năm nay, có gần 78,900 doanh nghiệp thành lập mới hay quay trở lại kinh doanh, nhưng lại có tới 77,000 doanh nghiệp “rút lui khỏi thị trường”, tức đóng cửa. Tình hình này “có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn hơn trong thời gian tới”, theo báo cáo trên.

Cuối Tháng Tư, Liên đoàn Thương mại và Công Kỹ nghệ Việt Nam (VCCI) công bố một bản nghiên cứu nói rằng khó khăn nhất của phần lớn giới doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam là khả năng tiếp cận vốn, tín dụng ngân hàng. Doanh nghiệp tư nhân bị kỳ thị trên thị trường tín dụng mấy chục năm qua, bị kêu ca mãi nhưng vẫn không thấy thay đổi trong khi ông thủ tướng thì lập lại lời hô hò “quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” nhằm cứu nền kinh tế đang đi thụt lùi.

Kinh doanh khó khăn, chỉ có hơn 42% doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả và có lãi trong năm 2022, theo VCCI. Năm 2019, chỉ có hơn 35% các doanh nghiệp này báo lỗ. Bản báo cáo kể trên của VCCI dẫn các con số thống kê để chứng minh khả năng tiếp cận vốn của giới doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam càng ngày càng bị bó chặt.

Tạp chí Hải quan hôm thứ Ba 23/5 đưa tin rằng kim ngạch xuất cảng sang Hoa Kỳ giảm mạnh trong những tháng đầu năm nay, nhưng nền kinh tế số 1 thế giới vẫn duy trì vị thế thị trường lớn nhất của Việt Nam. 

Cơ quan báo chí của Tổng cục Hải quan dẫn số liệu của tổng cục này cho biết rằng trong 4 tháng đầu năm nay, xuất cảng sang Hoa Kỳ đạt 28,6 tỷ USD, giảm 21,6%. 

Tin cho hay, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 5,33 tỷ USD, dẫn đầu trong các nhóm hàng xuất cảng chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ, nhưng kết quả này giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Theo tạp chí Hải quan, máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện đứng thứ hai với 4,73 tỷ USD, tăng 5,3%, và đây cũng là nhóm hàng chủ lực hiếm hoi có tăng trưởng dương. 

Tạp chí này đưa tin rằng các nhóm hàng chủ lực khác như dệt may, điện thoại và giày dép… đều có kim ngạch sụt giảm. 

Trong khi đó, tin cho hay, nhập cảng từ Hoa Kỳ trong 4 tháng đạt 4,3 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 4,3% kim ngạch nhập cảng của cả nước. 

Cũng liên quan tới vấn đề xuất cảng của Việt Nam, trong bản cập nhật về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (World Bank) thứ Năm tuần trước, 18/5, nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam “đang phải đối mặt với những cơn gió ngược bên ngoài khi nhu cầu bên ngoài suy yếu tiếp tục tạo áp lực giảm xuất cảng, dẫn đến sản xuất công nghiệp suy yếu”. 

Theo World Bank, xuất cảng và nhập cảng hàng hóa của Việt Nam giảm lần lượt 17,1% và 20,5% vào tháng 4 năm nay.

 Tổ chức tài chính này nhận định trong bản cập nhật: “Điều này phản ánh nhu cầu thế giới suy yếu, đặc biệt là ở Mỹ và EU, khi xuất cảng sang hai thị trường này tương ứng giảm 22,1% và 14,1% trong 4 tháng đầu năm 2023”.


Ân Xá Quốc Tế đòi CSVN trả tự do cho ‘Thánh rắc hành’

Qua bản tuyên bố ngày 23 tháng 5, Tổ chức Ân Xá Quốc Tế đòi CSVN hủy bỏ cáo buộc bị thổi phồng và tự do ngay tức khắc và vô điều kiện cho ông Bùi Tuấn Lâm, vì châm biếm không phải là tội ác. Cái trò hề công lý này phải chấm dứt”.

Ông Bùi Tuấn Lâm, năm nay 39 tuổi, nổi tiếng trên mạng xã hội Facebook và YouTube với biệt danh “Thánh rắc hành” khi ông biểu diễn rắc hành vào tô bún bò mà ông bán tại Đà Nẵng. Ông bắt chước kiểu rắc muối vào tảng “thịt bò dát vàng” mà đầu bếp Salt Bae biểu diễn trước khi cắt một miếng, đút vào mồm Bộ trưởng Công an CSVN Tô Lâm đầu Tháng Mười Một năm 2021.

Nhà cầm quyền CSVN loan báo sẽ đưa ông ra tòa án tại Đà Nẵng kết án ngày ngày 25 Tháng Năm này. Ông bị vu cho tội “Tuyên truyền chống nhà nước” CSVN qua những bài viết và clip trên Youtube nhạo báng hoặc đả kích những sai trái trong chính sách cai trị ngược lòng dân của chế độ, theo khoản 1 điều 117 của Luật Hình Sự. Nếu bị kết án, bản án có thể đến 12 năm tù.

Bà Lê Thanh Lâm, vợ ông Bùi Tuấn Lâm công bố bản “Quyết định” thông báo của tòa án CSVN tại thành phố Đà Nẵng nói sẽ đem chồng bà ra kết án, trên đó thấy nói phiên tòa sẽ được “xét xử công khai” tức mọi người dân có quyền vào dự khán.

Bà Lê Thanh Lâm kêu gọi mọi người quan tâm “tham dự và đồng hành” cùng gia đình bà. Tuy nhiên, như tất cả các phiên xử những người bất đồng chính kiến khác từng diễn ra trước đây, người ngồi dự khán đều là công an, cán bộ, các ban bệ của nhà cầm quyền tại địa phương. Người nào “quan tâm” đều bị Công an ngăn chặn, cấm đến gần tòa án chứ đừng nói đến cho vào dự khán. Thậm chí, vợ con, cha mẹ, thân nhân nhiều người từng bị cấm vào theo dõi phiên xử.

Vì sợ có thể không được cho vào tòa, bà Lê Thanh Lâm và các người thân ruột thịt của ông Bùi Tuấn Lâm gồm cả vợ, và cha mẹ đôi bên, các em ông cùng đứng tên trong một “Bản kiến nghị” đòi được vào dự khán phiên tòa ngày 25 Tháng Năm. Bà không thấy tòa án gửi giấy thông báo đến dự khán, trong khi đã công bố ngày xử án.

Hãy đem người Phản động Bùi Tuấn Lâm mà các ông hô hào là chống phá nhà nước ra xét xử công khai trước bàn dân thiên hạ, để người dân có thể thấu suốt hơn phản động là như thế nào, chống phá ra sao?” Bà Lê Thanh Lâm viết trên trang Facebook cá nhân.


CSVN: ‘nhũng nhiễu chưa được ngăn chặn triệt để’

Hôm 23 tháng 05, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phước phàn nàn tại phiên họp Quốc hội rằng, “Tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn triệt để”.

Nạn tham nhũng, vòi vĩnh hối lộ trong guồng máy cai trị từ trên xuống dưới tại Việt Nam là vấn nạn ai cũng biết suốt nhiều thập niên qua. Năm nào người ta cũng đều thấy các quan cấp cao, gồm cả tổng bí thư đảng CSVN khoe tham nhũng “từng bước được đẩy lùi”, bây giờ ông Hồ Đức Phước vẫn còn thấy kêu rên là “chưa được ngăn chặn triệt để”.

Nói như vậy, một cách gián tiếp, ông Phước thấy chiến dịch “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng vẫn không làm cho quan chức đảng viên CSVN hãi sợ mà không dám ăn bẩn nữa. Có chăng những kẻ bị bắt lôi ra tòa trị tội chỉ là “những đồng chí bị lộ” và không nằm trong phe nhóm quyền lực. Những đồng chí nào chưa bị gọi tên thì vẫn bình tĩnh vơ vét trong tinh thần “tư duy nhiệm kỳ”.

Những đại án nổi bật gần đây như Kít xét nghiệm COVID-19 của công ty Việt Á, các chuyến bay “giải cứu” người dân ở nước ngoài về trốn dịch, các quan chức cấp cao thuộc nhiều bộ ngành của nhà nước CSVN đã cấu kết nhau làm thành những mạng lưới tham nhũng dày đặc.

Thật ra, chính ông Hồ Đức Phứớc cũng không làm gì nổi đám thuộc cấp của ông nhũng nhiễu dân, doanh nghiệp. Ngày 11 Tháng Ba 2023, Bộ Tài chính của ông gửi một văn thư tới Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan về việc “tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ”. Trong đó ông dọa “Nghiêm cấm công chức thuế, hải quan có biểu hiện, hành vi tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức…”

Tới ngày 23 Tháng 5 thì ông lại kêu “Tình trạng cán bộ những nhiễu chưa được ngăn chặn triệt để”, gián tiếp cho thiên hạ thấy chẳng thuộc cấp nào sợ ông. Rất nhiều quan chức Thuế vụ, Hải quan đã bị bắt vì vòi vĩnh hối lộ thấy tin tức nhiều trên mặt báo những năm qua.


Mỹ điều tra chống bán phá giá kệ xếp đồ bằng sắt của Việt Nam

Đài RFA hôm 23/5 cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với những kệ xếp đồ bằng sắt nhập khẩu từ Việt Nam.

Việc điều tra được tiến hành theo đơn khiếu nại của công ty Edsal Manufacturing CO.j INC. (Mỹ). Sản phẩm bị điều tra là kệ xếp đồ bằng sắt không dùng bù-long có mã HS 9403.20.0075.

Kệ xếp đồ bằng sắt của VN (Nguồn RFA)

Ngày khởi xướng 15/5/2023; thời kỳ điều tra chống bán phá giá từ ngày 1/10/2022 đến ngày 31/3/2023.

Theo dữ liệu sơ bộ của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC), trong năm 2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng 32,7 triệu USD sản phẩm bị đề nghị điều tra sang Mỹ, chiếm khoảng 15,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của các nước vào Mỹ.

Dự kiến, DOC sẽ ban hành kết luận sơ bộ trong vòng 140 ngày kể từ ngày (15/5/2023) khởi xướng điều tra vụ việc (có thể gia hạn).

Hồi tháng tư vừa qua, Bộ  Công Thương Việt Nam đã khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam phải cẩn trọng với việc bị điều tra do mặt hàng giá đề đồ bằng sắt của một số quốc gia bao gồm Việt Nam bị đề nghị điều tra chống bán phá giá. Các quốc gia khác cũng bị đề nghị điều tra gồm Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan và Đài Loan.


Nạn nhân trái phiếu SCB: ‘chờ trong tuyệt vọng’

Đã gần 8 tháng kể từ khi xảy ra vụ đổ bể trái phiếu công ty An Đông thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan mà ngân hàng SCB bị tố cáo là đứng ra dụ dỗ các nạn nhân vào tròng, hơn 40 ngàn nạn nhân trên khắp cả nước vẫn ròng rã mỗi ngày lên các chi nhánh của SCB biểu tình phản đối và đòi tiền.

Hiện vụ án ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ của bà Trương Mỹ Lan vẫn đang trong vòng điều tra kín của công an và nạn nhân vẫn chưa biết được bất kỳ thông tin gì. Trong khoảng thời gian này, tài sản của các nạn nhân vẫn đang bị mắc kẹt, không rút được cả lãi lẫn gốc.

Trong khi đó, trong vụ lừa đảo bảo hiểm Manulife cũng tại ngân hàng SCB, cơ quan chức năng đã chỉ đạo xử lý quyết liệt và Manulife đã đồng ý hoàn tiền cho một số nạn nhân. Điều này làm dấy lên hy vọng cho các nạn nhân trái phiếu rằng họ cũng sẽ được đền tiền.

Hôm 28/4, Cơ quan cảnh sát cảnh sát điều tra Công an Thành phố Saigon đã chính thức nhận đơn kiện tập thể của 92 cá nhân tố cáo SCB đã có hành vi chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, hôm 28/3, bà Đỗ Thị Nhàn, cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II – Ngân hàng Nhà nước, cùng 4 cán bộ Ngân hàng nhà nước đã bị khởi tố, bắt tạm giam vì đã ‘báo cáo không trung thực’ việc thanh tra ngân hàng SCB. Đây là những cán bộ đầu tiên bị bắt trong vụ bê bối SCB, làm dấy lên đồn đoán về sự tiếp tay của các cơ quan Nhà nước.

Nếu tính luôn 5 bị can này thì cho đến nay, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố 32 bị can liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, trong đó có bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn.

Báo chí trong nước cũng bắt đầu có những bài viết bênh vực các nạn nhân SCB, chẳng hạn như báo Lao Động đã gọi vụ việc là ‘sập bẫy trái phiếu SCB’, cho rằng có sự ‘nhập nhằng giữa trái phiếu và tiết kiệm’ và ‘Có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự SCB’. Tờ báo này cũng mô tả các nạn nhân trái phiếu là ‘tuổi già ốm đau, tiền để dành có nguy cơ mất trắng’. Trong khi đó, trang mạng Dân trí chạy những dòng tít như ‘Nạn nhân nếm trái đắng trái phiếu SCB’, ‘Rớt nước mắt với những cảnh đời hẩm hiu mắc kẹt trái phiếu tại SCB’. (trich VOA)


[pvc_stats postid=”” increase=”1″ show_views_today=”0″]

Bài liên quan:
  • Tin Chính Trong Tuần 22-23-24/7/2024.
  • Chiến tranh Ukraina: Các cuộc tấn công bằng drone buộc hạm đội Nga rời Crimée
  • Bầu cử tổng thống Mỹ 2024: Biden bỏ cuộc, ẩn số mới cho cả Dân Chủ và Cộng Hòa
  • Ngoại trưởng Ukraina lần đầu tiên công du Trung Cộng tìm giải pháp hòa bình
  • Quan điểm của bà Kamala Harris về chính sách Mỹ đối với Trung Cộng
  • Hai bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng Mỹ trấn an đồng minh, đối tác châu Á
  • Bãi Cỏ Mây: Manila khẳng định quyền của Philippines sau khi đã "dàn "xếp" với Bắc Kinh
  • Hamas và Fatah ký tuyên bố tại Bắc Kinh, chấm dứt rạn nứt kéo dài nhiều năm
  • Hoa Kỳ cảnh báo về việc Nga-Trung tăng cường hợp tác ở Bắc Cực
  • Giám đốc Mật vụ Mỹ từ chức sau vụ ông Trump bị mưu sát
  • Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
  • Ông Trọng để lại ĐCSVN ở thế chín muồi cho sự cai trị độc tài
  • Việt Nam tăng cường trấn áp những người chỉ trích ông Trọng trên mạng
  • Anh quốc hồi hương người Việt không được chấp nhận quy chế tỵ nạn
  • Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 còn hơn 3.100 tỷ đồng
  • Project88: Nhà hoạt động môi trường Ngô Thị Tố Nhiên bị kết án 42 tháng tù
  • Tin Chính Trong Tuần 15-16-17/7/2024.
  • Mỹ: Khai mạc đại hội toàn quốc đảng Cộng Hòa sau vụ mưu sát cựu tổng thống Trump
  • Đại hội Đảng Cộng hòa: 'Con sư tử đã vùng dậy và gầm lên'
  • Vụ mưu sát ông Trump: Kỳ vọng và quan điểm chính trị Mỹ có thể thay đổi chỉ trong vài giây
  • Vụ mưu sát Donald Trump: Một bước ngoặt trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ
  • An ninh thắt chặt, vì sao sát thủ bắn Trump lọt qua được?
  • Bầu cử tổng thống Mỹ 2024: Các đối thủ cũ quay về ủng hộ Donald Trump
  • Trump chọn Vance làm phó tướng báo hiệu chính sách cứng rắn với Trung Cộng
  • Tổng thống Zelensky muốn Nga tham dự hội nghị hòa bình cho Ukraina
  • Trung Cộng và khí hậu: Trọng tâm của thượng đỉnh Diễn đàn Quần đảo TBD
  • Iran bác bỏ cáo buộc "có liên quan" đến vụ mưu sát cựu TT Mỹ Donald Trump
  • Công an được chỉ đạo kinh tế Đà Nẵng và Hưng Yên
  • Giải ngân đầu tư công thấp trong 6 tháng năm 2024
  • Việt Nam hợp tác với 2 tập đoàn của Mỹ để đào tạo kỹ sư bán dẫn
  • Việt Nam tiếp tục bàn giao hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích
  • Việt Nam bác bỏ cáo buộc đàn áp hai nhà hoạt động tự do tôn giáo ở Đắk Lắk
  • Dân biểu Mỹ Chris Smith nói Việt Nam đáng bị xếp vào Cấp độ 3 về buôn người
  • Tin Chính Trong Tuần 8-9-10/7/2024.
  • Thượng đỉnh NATO khai mạc: Hậu thuẫn Ukraina chống Nga xâm lược
  • Đan Mạch, Hà Lan viện trợ chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine
  • Chuyên gia Liên Hiệp Quốc: bệnh viện nhi ở Kyiv ‘bị Nga tấn công trực tiếp’
  • Trung Cộng và Belarus tập trận chung gần biên giới Ba Lan
  • Ấn Độ tiếp tục coi Nga như một chỗ dựa chính trong thế đối đầu với Trung Cộng
  • Bầu cử Hạ Viện Pháp: Cánh tả bất ngờ về đầu nhưng không đạt đa số tuyệt đối
  • Philippines và Nhật ký hiệp định phòng thủ nhằm ‘đối trọng’ lại Trung Cộng
  • Nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông diễn tập tại biển Philippines
  • Tân ngoại trưởng Anh dành vòng công du nước ngoài đầu tiên đến các nước trong Liên Âu
  • Gần 8.000 đảng viên bị kỷ luật trong vòng sáu tháng năm 2024
  • Nguyễn Phú Trọng liên tục vắng mặt trong nhiều sự kiện quan trọng
  • Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân bị bắt
  • Hai chiến hạm Mỹ thăm cảng Cam Ranh để thúc đẩy Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện
  • 11 Kitô hữu bị Việt Nam bỏ tù tổng cộng 90 năm hiện đang mất tích
  • Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi Thái Lan không dẫn độ Y Quynh Bdap về Việt Nam
  • Tin Chính Trong Tuần 1-2-3/7/2024.
  • Mỹ viện trợ quân sự thêm 2,3 tỉ đô la cho Ukraina
  • Các nước NATO cam kết viện trợ quân sự 40 tỷ euro cho Ukraine
  • Vòng 2 bầu cử Quốc Hội Pháp: Hơn 210 ứng viên rút để dồn phiếu ngăn chặn cực hữu
  • Bầu cử Vương quốc Anh 2024: Điều gì đang bị đe dọa và điều gì sẽ xảy ra?
  • Thủ tướng Hungary Viktor Orban lần đầu tiên đến Ukraina
  • Donald Trump được hưởng quyền “miễn trừ truy tố hình sự của tổng thống”
  • Lãnh đạo TC và Nga tới Kazakhstan dự thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải
  • Sức ép đòi Biden rút lui ngày càng gia tăng trong nội bộ đảng Dân Chủ
  • Tập Cận Bình loại trừ đối thủ trong đảng trước Hội nghị trung ương 3
  • Thêm 37 nhà lập pháp Mỹ yêu cầu không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam
  • Các hãng khổng lồ có kế hoạch chuyển đầu tư khỏi Việt Nam
  • Việt Nam nhập siêu từ Trung cộng đến 40 tỷ USD
  • Việt Nam nhận 15 tỷ USD để giảm khí thải, nhưng lại xây thêm nhà máy điện than
  • Công an chưa lên tiếng về việc người nhà trình báo sư Thích Minh Tuệ mất tích
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 24-25-26/2024.
  • Bán đảo Crimée: Nga tố cáo Mỹ đứng sau các vụ Ukraina tấn công bằng tên lửa ATACMS
  • CPI phát lệnh truy nã lãnh đạo quân đội và cựu bộ trưởng Quốc Phòng Nga
  • Có dấu hiệu cho thấy hiệp ước phòng thủ Nga-Triều khiến Trung Cộng lo lắng
  • Gia nhập Liên Âu: Bruxelles chính thức khởi động đàm phán với Ukraina và Moldova
  • Biển Đông: Philippines cảnh báo nguy cơ nổ ra xung đột toàn khu vực
  • Hiệp ước quân sự Nga-Triều: Seoul dọa sẽ không hạn chế viện trợ quân sự cho Kiev
  • Cuộc tranh luận Biden-Trump đầu tiên: những điều cần biết
  • Tổng thống Đài Loan nhắn gửi Trung Cộng: ‘Độc tài chuyên chế là tội ác’
  • Bắc Triều Tiên thất bại phóng thử tên lửa siêu thanh
  • Hoa Kỳ và Việt Nam lần đầu tiên tổ chức đối thoại kinh tế
  • CSVN muốn Trung cộng giúp vốn, xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam
  • Dự án 88:BNG Mỹ nâng hạng Việt Nam trong Báo cáo buôn người là "vô lương tâm"
  • Cựu Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên bị bắt
  • Vietnam Airlines có nguy cơ vỡ nợ vào tháng 7 nếu không được gia hạn trả nợ