Tin Hoa Kỳ và Thế Giới

Đặc Vụ Trung Cộng Nhắm Mục Tiêu Vào Pháp Luân Công Ở Hoa Kỳ

Các công tố viên liên bang đã buộc tội hai người đàn ông tìm cách hối lộ viên chức công vụ hàng chục ngàn dollar nhằm giúp Trung Cộng triệt hạ Pháp Luân Công ại Hoa Kỳ. Theo hồ sơ tòa án còn niêm phong hôm 26/05, ông John Chen, một công dân Hoa Kỳ 70 tuổi sinh ra ở Trung Cộng, và ông Lin Feng, một công dân Trung Cộng 43 tuổi, “dùng cách hối lộ và lừa dối để thao túng Chương Trình Tố Cáo của Sở Thuế Vụ (IRS)”, với mục tiêu tước bỏ tư cách miễn thuế của một tổ chức do Pháp Luân Công điều hành.

Thông tin họ gửi cho IRS một đơn kiện, “thiếu sót về mặt hình thức và chứa đựng những luận điệu tuyên truyền của Trung Cộng để biện minh cho việc đàn áp và sách nhiễu các học viên của Pháp Luân Công”.

Phát ngôn viên của văn phòng FBI Los Angeles nói với The Epoch Times rằng, ông Chen và Feng, cư trú tại thành phố Chino và Los Angeles của California, đã bị bắt tại nơi cư trú của họ vào sáng sớm hôm thứ Sáu (26/06.

Cả hai ông này bị cáo buộc âm mưu, hối lộ, và rửa tiền. Ông Chen bị giam giữ không được tại ngoại hầu tra, và Cảnh sát Tư Pháp Hoa Kỳ sẽ chuyển ông đến New York. Phiên tòa giam giữ ông Feng đã bị hoãn lại cho đến ngày 01/06. Một phát ngôn viên của Văn phòng Biện lý Liên bang tại Los Angeles nói với The Epoch Times rằng ông ta sẽ vẫn bị giam giữ cho đến lúc đó.

Hành động này đánh dấu lần truy tố đầu tiên của nhà chức trách Hoa Kỳ để ngăn chặn nhà cầm quyền Trung Cộng nhắm vào Pháp Luân Công — một môn tu luyện thiền định ôn hòa đề cao chân, thiện, và nhẫn — tại Hoa Kỳ. Tại Trung Cộng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong 23 năm qua đã và đang đàn áp khốc liệt nhóm người này.

Những bản cáo trạng này của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ theo sau vụ bắt giữ hai nghi can Trung Cộng được cho là điều hành một đồn công an mật của Trung Cộng đặt ở New York. Theo Bộ Tư pháp, một trong hai người đàn ông này đã tổ chức các cuộc phản đối các cuộc biểu tình của Pháp Luân Công ở Hoa Thịnh Đốn trong dịp Tập Cận Bình đến Hoa Kỳ và năm 2015.


Tiết Lộ Lớn Nhất Từ Báo Cáo Durham

Cuối cùng Biện lý Đặc biệt Durham cũng giải thích tại sao Tổng Thanh tra Horowitz đã phạm sai lầm khi tuyên bố rằng FBI có lý do chính đáng để điều tra ông Trump.  

ông John Durham

Khi tình hình bắt đầu lắng xuống và mọi thứ trở nên rõ ràng sau những tiết lộ của Báo Cáo Durham hồi tuần trước, có thể mất hàng tuần, hàng tháng, và có khi hàng năm để xem xét đầy đủ mọi góc cạnh trong âm mưu của FBI chống lại cựu Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, có một chút nghi ngờ rằng phát giác quan trọng nhất của báo cáo này có liên quan đến sự mở đường của FBI cho cuộc điều tra chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Cho đến tuần trước, câu chuyện chính thức là một cố vấn chiến dịch của ông Trump, ông George Papadopoulos, đã say rượu trong một quán bar ở London và nói với một nhà ngoại giao Úc, ông Alexander Downer, về một âm mưu bí mật giữa Nga và chiến dịch tranh cử của ông Trump nhằm đánh bại bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 bằng cách tiết lộ thư điện tử của bà Hillary. Theo câu chuyện chính thức này, ông Downer đã mang thông tin của ông Papadopoulos đến Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở London, sau đó Tòa Đại sứ đã thông báo cho FBI.

Câu chuyện về một cuộc gặp gỡ lúc say rượu tại một quán bar ở London đã nhanh chóng trở thành một sự thật không thể nghi ngờ bởi đã được đi lặp lại quá nhiều trên báo chí. Rồi câu chuyện trở thành cốt truyện trung tâm trong chương trình truyền hình ngắn “The Comey Rules” (Các Quy tắc của ông Comey), mô tả câu chuyện chính thức này rằng, ông Trump thông đồng với Nga.

Mặc dù ông Papadopoulos luôn phủ nhận câu chuyện này, nhưng dấu hiệu chính thức đầu tiên cho thấy có điều gì đó không ổn đã xuất hiện khi Tổng Thanh tra Bộ Tư pháp Michael Horowitz công bố báo cáo hồi tháng 12/2019 về cách FBI giải quyết cuộc điều tra chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Vào thời điểm đó, Bộ Trưởng Tư Pháp Barr và công tố viên liên bang đương thời John Durham đều đưa ra những tuyên bố không đồng tình với ông Horowitz về vấn đề dự đoán cuộc điều tra đối với ứng cử viên khi đó là Donald Trump và chiến dịch tranh cử của ông ấy.

Ông Horowitz khẳng định rằng FBI đã mở cuộc điều tra này một cách hợp lý; ông tuyên bố rằng “chúng tôi đã kết luận rằng thông tin của nhà ngoại giao Úc Đại Lợi… kể lại lời kể của một nhân viên ngoại giao về một cuộc trò chuyện với ông Papadopoulos, là đủ bằng chứng cho cuộc điều tra này”.

Ông Barr đã đưa ra một tuyên bố nói rằng những căn cứ để mở cuộc điều tra này “không đủ để biện minh cho những biện pháp đã được thực hiện”.

Ông Durham nói rằng “ông ấy đã khuyên Tổng Thanh tra Horowitz rằng, ông Barr không đồng tình với các kết luận của báo cáo về việc FBI mở cuộc điều tra”.

Sự bất đồng này tập trung vào việc liệu những gì nhà ngoại giao Úc nói có đủ để mở một cuộc điều tra toàn diện hay không, thì cả ông Barr và ông Durham đều không đưa ra bất cứ chi tiết nào.

Nhưng hiện nay, sau ba năm rưỡi chờ đợi, báo cáo của biện lý đặc biệt Durham cuối cùng cũng đã làm sáng tỏ các chi tiết của cuộc tranh luận đó.

Sự việc quan trọng nhất trong toàn bộ báo cáo dài 308 trang đó, ông Durham tuyên bố rằng “Theo ông [Alexander] Downer, ông Papadopoulos không đề cập đến các thư điện tử của bà Clinton, sự gièm pha hoặc bất cứ cách tiếp cận cụ thể nào của chính phủ Nga đối với nhóm vận động tranh cử của ông Trump với một đề nghị hoặc gợi ý nào”. Ông Durham đã bác bỏ cơ sở pháp lý của FBI về cuộc điều tra Crossfire Hurricane của cơ quan này. Không có đề cập đến các thư điện tử của bà Clinton, không đề cập đến bất cứ điều gièm pha nào, và cũng không đề cập đến lời đề nghị từ Nga. Câu chuyện này là sai rõ ràng, nhưng được FBI sử dụng không chỉ để mở cuộc điều tra này mà còn để có được những trát lệnh theo đạo luật FISA đối với ông Carter Page (trợ lý chiến dịch tranh cử của ông Trump), để thúc đẩy Bộ Trưởng Tư Pháp Lâm thời Rod Rosenstein bổ nhiệm một Biện lý Đặc biệt, và gây áp lực buộc Quốc Hội điều tra ông Trump.

Điều đáng chú ý là, FBI cũng đã đưa câu chuyện sai sự thật về việc ông Papadopoulos tiết lộ cho giới truyền thông về sự thông đồng với Nga trong một cuộc gặp gỡ lúc say rượu tại một quán rượu ở London.

Theo ông Durham, ông Papadopoulos đã gặp một nhà ngoại giao chuyên nghiệp người Úc tại London vào ngày 06/05/2016. Qua sự điều tra, từ các thư điện tử, nhà ngoại giao đó là bà Erika Thompson. Sau đó, bà Thompson đã sắp xếp một cuộc gặp thứ hai vào ngày 10/05/2016, bao gồm cả ông Downer.

Một ngày trước khi ông Papadopoulos gặp bà Thompson, nhà phân tích Andrew Napolitano của Fox News đã đưa tin rằng gần như chắc chắn rằng Nga đã có các thư điện tử của bà Hillary Clinton từ thời bà còn làm ngoại trưởng. Vào thời điểm đó, những thư điện tử này là chủ đề của nhiều suy đoán rằng bà Clinton đã sử dụng một máy chủ riêng bất hợp pháp để liên lạc thay vì một trương mục thư điện tử của Bộ Ngoại giao. Sau đó, vào một ngày trước khi ông Papadopoulos gặp ông Downer, ông Napolitano đã đưa tin rằng Điện Kremlin đã có trong tay các thư điện tử của bà Clinton và đang tranh luận về việc có nên tiết lộ các thư điện tử đó hay không.

Việc ông Papadopoulos lặp lại một câu chuyện đang được đưa tin trên Fox News, về một chủ đề mà nhiều người đang bàn tán vào thời điểm đó, hầu như không đáng đưa tin.

Sau đó, ông Downer nói với ông Durham rằng điều quan trọng duy nhất mà ông Papadopoulos nói là “người Nga có được thông tin”, mà điều này khớp với những gì ông Napolitano đã đưa tin cho Fox News. Điều này cũng phù hợp với những gì đã được đưa tin trước đó trên tạp chí Forbes.

Cuộc trao đổi với ông Papadopoulos có vẻ bình thường đến mức ông Downer đã không đưa ra câu chuyện của mình về cuộc gặp gỡ đó cho đến ngày 26/07/2016, tròn 2 tháng rưỡi sau cuộc gặp đó. Ông Durham lưu ý rằng ông không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy thông tin của ông Downer đã được các viên chức tình báo Úc phân tích hoặc xem xét kỹ lưỡng, một lần nữa cho thấy rằng bình luận của ông Papadopoulos có vẻ không mấy quan trọng.

Theo ông Durham, lý do tại sao lời nhận xét bình thường của ông Papadopoulos về việc Nga có thông tin về bà Clinton đột nhiên khiến ông Downer đưa thông tin đó đến Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở London là do Wikileaks công bố các thư điện tử được cho là đã bị tấn công của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân Chủ (DNC) vào ngày 22/07/2016. Vào thời điểm đó, chiến dịch tranh cử của bà Clinton đã nhanh chóng quy trách nhiệm cho Nga về vụ rò rỉ này.

Trụ sở chính của FBI đã nhận được lời mách nước của ông Downer vào ngày 28/07/2016, và điều tra viên Peter Strzok đã vội vàng mở một cuộc điều tra toàn diện về chiến dịch tranh cử của ông Trump vào ngày 31/07/2016, thậm chí là trước khi ông nói chuyện với ông Downer.

Theo ông Durham, ông Strzok sau đó đã thẩm vấn ông Downer và bà Thompson tại London vào ngày 02/08/2016. Ông Durham lưu ý rằng bản ghi âm cuộc thẩm vấn của ông Strzok không nhất quán với những tuyên bố sau đó của điều tra viên FBI này.

Cụ thể, ông Strzok đã viết trong quyển sổ của mình, cũng như nói với ông Horowitz và những người phỏng vấn trên truyền hình, rằng ông Downer đã được thúc đẩy để tiếp tục khi nghe ông Trump nói trong một bài diễn văn vận động tranh cử, “Này nước Nga, nếu quý vị có đang lắng nghe, thì tôi hy vọng quý vị có thể tìm thấy 30,000 thư điện tử bị thất lạc”.

Tuy nhiên, ông Downer chưa bao giờ nói về điều này và không thể nói đến điều đó bởi vì ông đã cung cấp thông tin của mình trước khi ông Trump đọc bài diễn văn.


Tiểu bang Montana Cấm Giờ Đọc Truyện Của Diễn Viên Giả Trai hoặc giả gái

Montana đã trở thành tiểu bang đầu tiên trong cả nước cấm “giờ đọc truyện của diễn viên giả trang” (thường gọi là drag story hour) cho trẻ em tại các trường công lập và thư viện. Giờ đọc truyện do những người đổi giống hay giả dạng đổi giống để đọc truyện cho trẻ em trong thư viện hay trường học.

Hôm 22/05, Thống đốc Greg Gianforte (thuộc Đảng Cộng Hòa), đã ký ban hành dự luật mới sau khi Quốc Hội thông qua. Luật này, vốn đã có hiệu lực ngay lập tức, được soạn thảo để ngăn cản trẻ vị thành niên tham dự “các buổi biểu diễn có khuynh hướng tính dục” hoặc xem các buổi biểu diễn khiêu dâm ở những nơi công cộng.

Luật mới này định nghĩa một nghệ sĩ giả gái (drag queen) là “một diễn viên hóa trang thành một nhân vật nữ, trang điểm lộng lẫy hoặc cường điệu”, trong khi một nghệ sĩ giả trai (drag king) là một diễn viên hóa trang đóng vai một con trai.

Luật này cũng định nghĩa “giờ đọc truyện của diễn viên giả/hoá trang”“một sự kiện được một nghệ sĩ giả trai hay giả gái tổ chức, và người này đọc sách cho trẻ em hoặc tham gia các hoạt động khác với sự có mặt của trẻ vị thành niên”.

Phát ngôn viên Kaitlin Price cho biết, ông Gianforte đã ký dự luật này vì ông “tin rằng việc trẻ em, đặc biệt là trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học, tiếp xúc với nội dung khiêu dâm là không phù hợp”.

Ban đầu, tiểu bang Montana đã đưa ra một dự luật tương tự như Florida và Tennessee, vốn cấm các buổi trình diễn hoá trang khơi gợi tính dục với sự hiện diện của trẻ em với mục đích bảo vệ học sinh trong trường học và thư viện.

Những chương trình giờ đọc truyện của nghệ sĩ hoá trang đã bị bậc cha mẹ cáo buộc là một thứ “mồi chài” gây nguy hiểm cho con em. Tuy nhiên, đạo luật của Montana thì độc đáo, vì luật này xác định các sự kiện hoá trang dù mang nội dung tính dục hay không, cũng bị cấm. Trong khi, những dự luật của Florida và Tennessee đều yêu cầu các buổi biểu diễn có mang nội dung tính dục thì mới bị cấm. Điều này khiến cho dự luật dễ bị gặp phải khó khăn pháp lý trong tương lai.

Dân biểu Tiểu bang Đảng Cộng Hòa Braxton Mitchell, là người bảo trợ của dự luật nói trên, cho biết ông soạn ra luật này “bởi vì các buổi biểu diễn giả trai, giả gái trong những năm gần đây đặc biệt nhắm vào trẻ em”.

Ông Mitchel cho biết, “Theo ý kiến của tôi, không có thứ gọi là chương trình biểu diễn giả trai, giả gái dành cho gia đình”. Các nghệ sĩ biểu diễn với cái vỏ giả trai, hay giả gái, họ phản đối luật này, nói rằng, họ có các buổi biểu diễn riêng biệt dành cho trẻ em khác với những buổi biểu diễn dành cho người lớn.

Đảng Cộng Hòa và những người bảo thủ khác từ lâu đã phản đối các màn trình diễn giả trai, giả gái nhằm đầu độc trẻ vị thành niên.


Thống Đốc Tiểu Bang Arizona Katie Hobbs Phủ Quyết Các Dự Luật Bầu Cử Quan Trọng

Hôm thứ Sáu (26/05), Thống đốc tiểu bang Arizona Katie Hobbs đã phủ quyết bốn dự luật liên quan đến bầu cử. Các dự luật bị từ chối này sẽ tạo ra nhiều thay đổi về luật bầu cử của tiểu bang Arizona đối với hệ thống ghi danh cử tri, thủ tục địa điểm bỏ phiếu, và các lá phiếu khiếm diện.

TĐ Katie Hobbs

Các quyết định của bà Hobbs hôm thứ Sáu nâng tổng số lần phủ quyết của bà lên 99, một con số lớn hơn số lần phủ quyết của các cựu thống đốc của tiểu bang Arizona.

Một trong các dự luật này, Dự luật Thượng viện 1135, đề xướng rút Arizona khỏi Trung tâm Thông tin Ghi danh Điện tử (ERIC) và chuyển việc ghi danh cử tri cho “một bên thứ ba được ký hợp đồng”. Dự luật cũng quy định các cử tri phải dùng bút mực màu xanh hoặc màu đen để điền vào các lá phiếu.

Bà Hobbs cho biết ERIC là cần thiết và giúp cải thiện tính liêm chính của các cuộc bầu cử.

Trong lá thư phủ quyết bà viết, “Tôi đã phủ quyết dự luật SB 1135. Dự luật này sẽ cấm Arizona tiếp tục là một phần của Trung tâm Thông tin Ghi danh Điện tử (ERIC), vốn là một quy định thiết yếu để bảo đảm các tính chính xác của danh sách ghi danh cử tri ở Arizona và trên toàn quốc. Thật không may là nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa trong Cơ quan lập pháp… gửi đến bàn của tôi một dự luật ngăn cản Arizona tham gia các tổ chức thực sự giúp cải thiện tính liêm chính của các cuộc bầu cử của chúng ta”.

Dự luật Thượng viện 1105, nguyên là sẽ cho phép nhân viên bầu cử kiểm điếm các lá phiếu sớm tại các địa điểm bỏ phiếu vào Ngày Bầu Cử, cũng bị phủ quyết.

Dự luật này đề xướng: “Thư ký quận hoặc nhân viên chuyên trách về các cuộc bầu cử khác của quận sẽ thực hiện tất cả những điều sau đây để kiểm đếm tại chỗ các lá phiếu sớm”.

Bà Hobbs cho rằng việc kiểm đếm lá phiếu tại chỗ sẽ “rất khó thực hiện đối với các viên chức bầu cử.

Một trong bốn dự luật bị từ chối, Dự luật Thượng viện 1066, sẽ yêu cầu phải in dòng chữ “Không phải từ một Cơ quan Chính phủ” (“Not from a Government Agency”) một cách rõ ràng trên phong bì tài liệu do các tổ chức ghi danh cử tri gửi đến. Dự luật Thượng viện 1180 đề xướng cấm các tổ chức trả lương cho nhân viên dựa trên số lượng ghi danh cử tri mà họ thu thập được.

Thượng nghị sĩ tiểu bang Arizona và là Chủ tịch Pro Tempore John Kavanagh, một nhà bảo trợ chính của hai trong số các dự luật bị từ chối này, cho biết ông thất vọng với quyết định của vị thống đốc này. Ông nói với The Arizona Republic. “Tôi vẫn đứng về phía minh bạch, và tôi rất tiếc khi thống đốc không đồng hành cùng tôi”.

Hiến pháp Arizona quy định rằng cần có một cuộc bỏ phiếu với 2/3 số phiếu ủng hộ để bác bỏ một sự phủ quyết. Không có khả năng là Đảng Cộng Hòa Arizona sẽ có đủ số phiếu bầu này để bác bỏ các phủ quyết của bà Hobbs.

Cơ quan lập pháp Arizona bao gồm 60 thành viên trong Hạ viện và 30 thành viên trong Thượng viện tiểu bang.

Đảng Cộng Hòa chiếm đa số ở cả Hạ viện và Thượng viện tiểu bang, nhưng không có đủ số phiếu bầu để lật ngược một sự phủ quyết và sẽ cần sự ủng hộ của Đảng Dân Chủ.


Phá Thai Nổi Lên Như Một Vấn Đề Trong Mùa Bầu Cử Tổng Thống Năm 2024

Cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 đánh dấu cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ quyết định trao lại thẩm quyền quy định về vấn đề phá thai cho các tiểu bang hồi năm ngoái (2022). Kể từ đó, vấn đề này đã trở thành một cuộc chiến cho tất cả mọi người. Một loạt các luật hạn chế hoặc bảo vệ việc phá thai rải rác trên toàn quốc, gây ra những thách thức pháp lý trong nhiều trường hợp. Do đó, tổng thống tiếp theo của Mỹ sẽ bị đẩy vào vai trò trọng tài cho một cuộc chiến đầy cảm xúc về tính hợp pháp và đạo đức của vấn đề phá thai.

Nhưng để giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, mỗi ứng cử viên đều phải gặp phải một thách thức khó khăn. Trong khi tự vấn lương tâm về vấn đề sinh tử này, họ cũng phải cân nhắc đến thực tế chính trị. Mỗi ứng cử viên đều phải xoa dịu nhóm những người ủng hộ bảo tồn truyền thống hoặc thiên tả của họ. Tuy nhiên, không ai có thể xa lánh những người độc lập mà lá phiếu của họ có thể tạo ra sự khác biệt giữa chiến thắng và thất bại trong Ngày Bầu Cử.

Ông Michael New, trợ lý giáo sư thực hành tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ, cho biết trong môi trường hiện tại, những cử tri lâu nay ít quan tâm đến vấn đề phá thai có thể có động lực để đưa vấn đề phá thai lên thành “ưu tiên cao hơn”.

Trong những ngày gần đây, Tổng thống ủng hộ phá thai của Đảng Dân Chủ Joe Biden và Thống đốc ủng hộ sự sống Ron DeSantis của tiểu bang Florida, một ứng cử viên tổng thống được cho là có triển vọng của Đảng Cộng Hòa, đều chỉ trích ứng cử viên hàng đầu cho vị trí người được đề cử tổng thống của Đảng Cộng Hòa, cựu Tổng thống Donald Trump, về vấn đề phá thai.

Và ứng cử viên Đảng Cộng Hòa Nikki Haley nói với một người phỏng vấn trên truyền hình rằng không bên nào có đủ phiếu bầu để thông qua một luật phá thai liên bang, vì vậy sẽ là “phi thực tế” và gây chia rẽ nếu thảo luận thêm về vấn đề này.

Sau khi xuất hiện tại buổi gặp gỡ cử tri tại trên thông tấn CNN hôm 10/05, ông Trump đã chỉ trích cả cánh tả và cánh hữu về vấn đề phá thai này.

Ông Trump, người luôn trả lời thẳng thắn trước các câu hỏi, đã cẩn thận né tránh chủ đề này. Khi nhiều lần được hỏi liệu ông có ký lệnh cấm phá thai liên bang hay không, ông Trump không đưa ra câu trả lời trực tiếp. Thay vào đó, ông đưa ra những nhận xét như: “Chúng tôi muốn làm những gì đúng đắn cho tất cả mọi người”.

Ông đã lên án những người “cấp tiến” muốn phá thai không hạn chế, thậm chí cả trong giai đoạn cuối của bào thai. Lặp lại quan điểm mà ông đã duy trì trong nhiều năm, ông Trump cho biết ông tin rằng nên cho phép phá thai trong một số trường hợp nhất định, bao gồm các trường hợp mang thai liên quan đến cưỡng gian, loạn luân, hoặc tình trạng sức khỏe nguy hiểm đến tính mạng.

Nhận xét về thống đốc tiểu bang Florida, ông DeSantis, ông Trump nói, “Nếu quý vị nhìn vào những gì ông DeSantis đã làm, nhiều người thậm chí không biết liệu ông ấy có biết mình đang làm gì hay không. Nhưng ông ấy đã ký luật sáu tuần, và nhiều người trong phong trào ủng hộ sự sống cảm thấy rằng luật đó quá khắc nghiệt”.

Đáp lại ông Trump trong một cuộc họp báo, ông DeSantis cho biết ông bảo lưu quyết định phê chuẩn Đạo luật Bảo vệ Nhịp tim. Luật này cấm phá thai sau sáu tuần mang thai. Vào khoảng thời gian đó, hoặc sớm hơn, nhịp tim của nhiều thai nhi có thể được phát giác.

Ông DeSantis tuyên bố: “Bảo vệ thai nhi khi nhịp tim có thể phát giác được là điều mà gần như có lẽ 99% những người chống phá thai đều ủng hộ”. Ông DeSantis phê bình ông Trump về việc ông đã từ chối trả lời khi được hỏi liệu ông ấy có ký một dự luật tương tự hay không.

Ông New cho rằng, “Ông Trump vẫn chưa thực sự bày tỏ sự ủng hộ rõ ràng đối với bất cứ loại luật liên bang nào. Giờ đây có thể ông sẽ tuyên bố. Và đó là điều có thể tạo cơ hội cho ông DeSantis, và các ứng cử viên Đảng Cộng Hòa khác” để thu hút các phiếu bầu từ những người chống phá thai.


Trung Cộng Vừa Là Nhà Cung Cấp Vừa Là Kẻ Phá Hoại Lưới Điện Của Mỹ

Đồng thời với các nỗ lực của chính phủ Tổng thống (TT) Biden nhằm “làm xanh” cơ sở hạ tầng năng lượng của Mỹ, thì các công ty Trung Cộng đã trở thành những nhà cung cấp cương liệu then chốt cho lưới điện Hoa Kỳ. Các nhà phân tích lo ngại rằng điều đó có thể khiến Trung Cộng có khả năng đánh sập lưới điện nếu tình trạng thù địch leo thang.

Người Mỹ đã quá quen với việc cung cấp điện liên tục đến mức chúng ta thường không chú ý đến sự phụ thuộc vào lưới điện cho những nhu cầu căn bản nhất, như thực phẩm, nước, sưởi ấm, chăm sóc y tế, thông tin liên lạc, và ngày càng tăng lên là giao thông vận tải. Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng lưới điện của Mỹ là một gót chân Achilles.

Ông Joe Trotter, giám đốc Lực lượng Đặc nhiệm Năng lượng, Môi trường, và Nông nghiệp tại tổ chức American Legislative Exchange Counsel (Cố vấn Trao đổi Lập pháp Hoa Kỳ), nói với The Epoch Times rằng, “Nếu họ có thể đánh sập lưới điện này, thì về căn bản xã hội hiện đại sẽ sụp đổ. Lưới điện hiện đại cung cấp năng lượng cho toàn bộ cơ sở hạ tầng của chúng ta, vậy nên khi không có điện, thì chúng ta không thể bảo quản hàng hoá, nguồn cung cấp thực phẩm của chúng ta giảm xuống, nguồn cung cấp nước của chúng ta cũng giảm xuống. Nếu toàn bộ Hoa Kỳ bị mất điện trong một tháng, thì người ta sẽ đi đến tử vong. Sẽ có nạn cướp bóc lan rộng. Nếu hai đến ba tháng thì quý vị thực sự có thể bị sụp đổ hoàn toàn về mặt xã hội”.

Tấn công vào lưới điện là một chiến thuật chiến tranh kể từ Đệ nhị Thế chiến, như Hoa Kỳ đã từng phá hủy lưới điện trong các cuộc chiến tranh ở Bắc Hàn, Việt Nam, và Iraq. Mới đây nhất, Nga đã sử dụng các chiến thuật tương tự trong cuộc xâm lăng Ukraine.

Nhưng cũng có rất nhiều ví dụ về các vụ phá hoại ngầm của các nước như Nga, Trung Cộng, và Iran vào cơ sở hạ tầng của Mỹ trong hai thập niên vừa qua. Tuy nhiên, bất chấp những rủi ro này, các công ty điện lực của Mỹ lắp đặt ngày càng nhiều các phụ tùng thiết yếu, như máy biến áp, được sản xuất tại Trung Cộng vào lưới điện Hoa Kỳ.

Làm chứng trước Bộ Năng lượng Hoa Kỳ hồi tháng 12/2021, ông Michael Mabee, Thượng sĩ Lục quân Hoa Kỳ đã về hưu, nêu rõ: “Điều đáng lo ngại là Trung Cộng kiểm soát đất nước này, đang bán thiết bị hoặc hệ thống cho các cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ mà nhiều cơ quan chính phủ Hoa Kỳ đã xác nhận, Hoa Kỳ là mục tiêu của các hoạt động gián điệp của Trung Cộng trong công tác thăm dò, và tấn công mạng trong quá khứ và hiện tại”.

Một báo cáo năm 2020 của Atlantic Council (Hội đồng Đại Tây Dương) cho thấy rằng “trong thập niên vừa qua, Trung Cộng đã xuất cảng hơn 200 máy biến áp công suất lớn để Hoa Kỳ sử dụng trong lưới điện của mình” trong khi các ước tính khác lên tới 300. Cho rằng trên khắp lưới điện của Mỹ có khoảng 2,000 máy biến áp, thì các hệ thống do Trung Cộng sản xuất chiếm khoảng 10–15% tổng số. Và trong khi chiến tranh mạng có thể đến từ nhiều nguồn ngoại quốc, thì Trung Cộng là nước duy nhất gây ra mối đe dọa về máy móc.

Báo cáo này nêu rõ: “Có những quốc gia khác có thể là nguy cơ ảnh hưởng đến mạng lưới năng lượng, như Iran hoặc Nga, nhưng họ không cung cấp cácphụ tùng với số lượng nhiều như Trung Cộng”.

Trong một báo cáo hồi tháng 12/2022, ông Trotter nêu rõ rằng “mặc dù các công ty điều hành điện lực đang liên tục nỗ lực thiết lập sự an toàn và dự phòng vào cơ sở hạ tầng điện của chúng ta, nhưng thực tế vẫn là nếu một tỷ lệ tương đối nhỏ trong số hơn 2,000 máy biến áp công suất lớn của quốc gia bị ngắt kết nối cùng một lúc, thì phần lớn đất nước có thể bị cúp điện trong nhiều tuần, hoặc thậm chí có thể nhiều tháng”.

Ông Joseph Weiss, một kỹ sư hệ thống điều khiển và là đối tác của công ty Applied Control Solutions (Giải Pháp Điều Khiển Ứng Dụng), cho biết, “Những gì mà một máy biến áp làm chỉ đơn giản là tăng hoặc giảm điện áp”.

Các máy biến áp được lắp đặt tại các nhà máy điện để “nâng” điện áp lên hàng trăm ngàn volt để truyền tải. Những máy biến áp này được lắp đặt dọc theo lưới điện để bù cho ma sát và tổn thất điện năng trên đường đi, đồng thời cũng được lắp đặt gần người dùng đầu cuối để có thể giảm điện áp xuống 440, 220 hoặc 110 volt để cung cấp năng lượng cho máy móc và thiết bị.

Ông Trump ban lệnh cấm kỹ nghệ Trung Cộng, còn ông Biden hủy bỏ lệnh này

Trong một báo cáo năm 2021 cho Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang Hoa Kỳ (FERC), ông Weiss nêu rõ rằng “một trong những cuộc tấn công mạng cấp quốc gia đầu tiên do chính quyền bảo trợ nhằm vào lưới điện Hoa Kỳ là cuộc tấn công mạng của Trung Cộng nhằm vào Nhà điều hành Hệ thống Độc lập California hồi năm 2001”. Ông Weiss đã nêu lên nhiều nỗ lực khác của Trung Cộng nhằm phá hoại mạng lưới của Mỹ kể từ  sự việc đó.

Ông Weiss nói, “hầu hết các cuộc tấn công mạng của Trung Cộng là để đánh cắp dữ kiện, nhưng với lưới điện thì Trung Cộng chỉ truy cập vào hoạt động của các máy biến áp này”.

Hồi tháng 05/2020, cựu Tổng thống Donald Trump đã ký Sắc lệnh 13920, trong đó tuyên bố một tình trạng khẩn cấp đối với tình trạng lưới điện đồng thời cấm nhập cảng thiết bị của Trung Cộng trong quá trình xây dựng lưới điện. Ngay sau khi nhậm chức hồi tháng 01/2021, Tổng thống Biden đã hủy bỏ sắc lệnh đó.

Trình bày tại phiên điều trần của Ủy ban Năng lượng Thượng viện hôm 23/03, Thượng nghị sĩ John Barrasso (Cộng Hòa-Wyoming) nói rõ: “Chỉ vài tuần trước, giám đốc cơ quan an ninh cơ sở hạ tầng và an ninh mạng của Hoa Kỳ đã cảnh báo chúng tôi về Trung Cộng; bà ấy nói rằng trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược Đài Loan, Trung Cộng có thể sẽ tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Mỹ. Chính phủ TT Biden đã sai lầm khi ưu tiên phủ xanh lưới điện hơn là độ tin cậy của việc sản xuất và cung cấp năng lượng. Đây là một sai lầm nguy hiểm”.


Lãnh Đạo Thương Mại Hoa Kỳ và Trung Cộng Không Tìm Được Điểm Chung

Hôm 25/05, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo đã gặp người đồng cấp Trung Cộng, Vương Văn Đào. Hai bên đã trao đổi những lời phàn nàn nhưng không đạt được bước tiến mới trong mối quan hệ thương mại Mỹ-Hoa đang gặp khó khăn.

Theo một tuyên bố do Bộ Thương mại đưa ra, bà Raimondo “nêu những lo ngại” về các hành động của Trung Cộng đối với các công ty Hoa Kỳ tại Trung Quốc.

Một tuyên bố từ Bộ Thương mại của Trung Cộng cho biết, tương tự như vậy, ông Vương bày tỏ lo ngại về những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn Trung Cộng mua chất bán dẫn tiên tiến và các kỹ nghệ quan trọng khác.

Báo cáo của Bộ Thương Mại cho biết thêm rằng các cuộc đàm phán bao gồm “các cuộc thảo luận thẳng thắn về các vấn đề liên quan đến mối quan hệ thương mại Hoa Kỳ-Trung Cộng”. Những cuộc thảo luận này bao gồm thảo luận về các lĩnh vực thương mại và đầu tư đã đến lúc sẵn sàng cho “sự hợp tác tương lai”, nhưng không bên nào đưa ra bất cứ dấu hiệu nào cho thấy cuộc thảo luận đó mang lại kết quả, họ cũng không nêu rõ những lĩnh vực hợp tác có thể diễn ra.

Cả hai bên không cung cấp thêm chi tiết về tính chất của các cuộc đàm phán này và dường như không có tiến triển nào trong việc giải quyết các tranh chấp đang diễn ra về kỹ nghệ, an ninh, và thương mại này. Tuy nhiên, bà Raimondo và ông Vương hứa sẽ tăng cường trao đổi về các vấn đề thương mại trong tương lai.

Trong khi chính phủ Biden tìm cách ve vãn Trung Cộng thì Trung Cộng lại đàn áp các doanh nghiệp ngoại quốc đang có mặt tại Trung Quốc.

Cuộc họp của các nhà lãnh đạo thương mại của Mỹ và Trung Cộng đã diễn ra trong bối cảnh một loạt các cuộc đàn áp mới đây của Trung Cộng, trong đó ĐCSTQ đã đột kích các công ty tư vấn và các doanh nghiệp ngoại quốc khác, thu giữ các tài liệu cá nhân và giam giữ nhân viên mà không có lý do rõ ràng. Các cuộc bố ráp này, có cả các công ty Bain & Co., Capvision, và Mintz Group của Hoa Kỳ, tuân theo sự mở rộng đầy tranh cãi của luật tình báo và an ninh quốc gia Trung Cộng,  vốn cho phép nhà cầm quyền Trung Cộng có nhiều quyền kiểm soát.

Trung Cộng đã không đưa ra lời giải thích nào cho các cuộc bố ráp đó, vốn đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn thế giới và làm dấy lên lo ngại về việc nhà cầm quyền này sẽ gia tăng lạm dụng nhân quyền đối với nhân viên của các công ty ngoại quốc.


Dân Biểu McCaul Yêu Cầu Ngoại Trưởng Blinken Phúc Đáp Về Việc Tạm Dừng Trừng Phạt Trung Cộng

Chủ tịch Uỷ Ban Ngoại Giao Hạ Viện, Dân biểu Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas) đang yêu cầu Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cung cấp các thông tin chi tiết về quyết định về việc tạm dừng các hành động để ứng phó với các mối đe dọa từ Trung Cộng.

Trong một bức thư được công bố hôm 24/05, ông McCaul đã trích dẫn một bản tin gần đây của hãng thông tấn Reuters nói rằng Bộ Ngoại giao “đã hoãn các lệnh trừng phạt liên quan đến nhân quyền, kiểm soát xuất cảng, và các hành động nhạy cảm khác nhằm cố gắng hạn chế thiệt hại cho mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Cộng”.

Bản tin này đã dẫn lời ông Rick Waters, phó trợ lý ngoại trưởng đặc trách Trung Cộng và Đài Loan, nói với các nhân viên trong một thư điện tử rằng, “Hướng dẫn từ S (Secretary, Ngoại trưởng) là bỏ qua các hành động không thường xuyên để chúng ta có thể tập trung vào phản ứng đối xứng và hiệu chỉnh. Chúng ta có thể xem xét lại các hành động khác trong một vài tuần tới”. Thư điện tử này được đề ngày 06/02, hai ngày sau khi Hoa Kỳ bắn hạ khinh khí cầu do thám Trung Cộng và ba ngày sau khi Ngoại trưởng Antony Blinken hoãn chuyến công du dự định tới Bắc Kinh vì vụ việc khinh khí cầu.

Theo bản tin trên, một số hành động bị hoãn này bao gồm kiểm soát xuất cảng nhắm vào nhà cung cấp viễn thông Trung Quốc Huawei và các lệnh trừng phạt đối với các viên chức Trung Cộng vì nhân quyền.

Bản tin của hãng thông tấn Reuters, trích dẫn các nguồn tin ẩn danh, cũng cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman mong muốn “vượt qua” vụ khinh khí cầu và sắp xếp lại chuyến đi của ông Blinken.

Đối với ông McCaul, người ủng hộ lập trường mạnh mẽ hơn đối với Trung Cộng, những chỉ thị như vậy là “rất đáng lo ngại” và chứng tỏ “sự yếu kém và thụ động tiếp diễn” của Bộ Ngoại giao trước sự hung hăng của Trung Cộng. Ông McCaul

cho rằng, “Quốc hội đã trao quyền cho nhánh hành pháp có các công cụ an ninh quốc gia như lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất cảng với mục đích rõ ràng là bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, nhưng Bộ dường như từ chối thi hành các công cụ này”.


Hoa Kỳ Cần Có Giải Pháp Thay Thế Một Vành Đai, Một Con Đường của Trung Cộng

Các chuyên gia cho rằng chính phủ Hoa Kỳ cần cung cấp cho thế giới một giải pháp thay thế cho Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Cộng ngoài cách kêu gọi “đừng hợp tác với Trung Cộng”.

Đã khoảng một thập niên trôi qua kể từ khi nhà cầm quyền Bắc Kinh công bố BRI, trước đây được gọi là Một Vành đai, Một Con đường (One Belt One Road). Sáng kiến này xây dựng và cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng, giao thông, kỹ nghệ, và năng lượng trên khắp châu Phi, châu Á, châu Âu, và Nam Mỹ.

Các viên chức Trung Cộng khẳng định rằng BRI là một nỗ lực quốc tế lành mạnh nhằm thúc đẩy thương mại, mặc dù các nhà phê bình đã mô tả việc Trung Cộng mở rộng vai trò của họ đối với các nền kinh tế trên khắp toàn cầu là “ngoại giao bẫy nợ”. Chính sách này có thể khiến những bên đi vay dễ bị Trung Cộng gài bẫy làm cho tổn hại tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên thương trường và chính trường thế giới. Kế hoạch này, đôi khi được gọi là Con đường Tơ lụa Mới, đã đưa Trung Cộng trở thành chủ nợ chính thức lớn nhất thế giới, đầu tư ước tính 1 ngàn tỷ USD vào hàng chục quốc gia trong 10 năm qua. Một khoản tài chính đáng kể bao gồm các khoản vay kèm theo các điều khoản và điều kiện có lợi cho Bắc Kinh.

Người ta ước tính rằng Ngân hàng Trung Cộng áp dụng mức lãi suất 5% đối với các khoản cho vay, cao hơn nhiều so với mức 2% của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

BRI tiếp tục cam kết đầu tư hàng ngàn tỷ dollar trong những năm tới, thu hút các quốc gia đang gặp khó khăn. Vào thời điểm mà nhiều quốc gia đang vật lộn với những mức nợ lớn, lạm phát cao, và tăng trưởng kinh tế chậm lại, thì Trung Cộng đưa ra các gói tài chính hấp dẫn để dụ dỗ.

Các nhà nghiên cứu từ Ngân hàng Thế giới, Trường Harvard Kennedy, Viện Kinh tế Thế giới Kiel, và AidData cho biết Trung Cộng đã trở thành một bên cho vay cứu trợ khẩn cấp, chi 240 tỷ USD để cứu trợ gần hai chục quốc gia mắc nợ, chẳng hạn như Pakistan và Kenya. Các chuyên gia đã so sánh việc này với những gì xảy ra sau Đệ nhị Thế chiến, khi đó Hoa Kỳ trở thành một cường quốc tài chính toàn cầu và quản lý khủng hoảng quốc tế.

Vì Trung Quốc và Nga cố gắng thay đổi lại trật tự thế giới sau cuộc xâm lược Ukraine của Moscow, nên lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã thúc giục các nước Á-Âu tại một diễn đàn Liên minh Kinh tế Á-Âu phải tăng cường tham gia vào BRI “để mở ra một con đường mang lại lợi ích cho toàn thế giới”.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Cộng-Trung Á lần đầu tiên hồi đầu tháng này, Tập Cận Bình đã cam kết tài trợ gần 4 tỷ USD để phát triển kinh tế, năng lượng, và an ninh cho Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, và Uzbekistan.

Các quốc gia đang sụp đổ rất cần có tiền mặt đang tìm đến Trung Cộng vì tuyệt vọng, từ Afghanistan do Taliban cai trị đến Argentina bị lạm phát tàn phá cho đến các quốc gia châu Phi bất ổn.

Các nhà quan sát chính trị cho biết những quyết định đó dẫn đến tổn thất cho Hoa Kỳ vì BRI có thể làm giảm tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên thế giới.


[pvc_stats postid=”” increase=”1″ show_views_today=”0″]