Tin Thế Giới.

Điểm Báo: Drone tấn công thủ đô Nga, dân Matxcơva bắt đầu nếm mùi chiến tranh (RFI)

Sự kiện drone tấn công vào thủ đô nước Nga chẳng là gì so với bom đạn mà người dân Ukraina phải chịu đựng từ nhiều tháng qua. Nhưng như vậy cũng đủ để tạo cảm giác bất an cho cư dân Matxcơva : chiến tranh đang ở rất gần, và Putin chẳng phải toàn năng. Đây là một trong những chủ đề được các báo Pháp ra ngày hôm nay 31/05/2023 quan tâm.

Về thời sự quốc tế, sự kiện drone tấn công vào thủ đô nước Nga được các báo chú ý nhiều nhất.

La Croix đưa tin « Matxcơva trở thành mục tiêu trực tiếp của drone », Libération mô tả « Khi chiến tranh ở Ukraina xâm nhập vào Nga ». Le Figaro nhận thấy « Matxcơva bị drone tập kích ồ ạt nhất kể từ đầu cuộc chiến », Les Echos cho rằng « Bị drone tấn công, Matxcơva nửa lo ngại nửa thờ ơ ».

Dân Matxcơva bắt đầu nếm chút ít mùi vị chiến tranh

Bộ Quốc Phòng Nga lên án « hành động khủng bố », phát ngôn viên Kremlin tố cáo « Kiev trả đũa » những cuộc tấn công mới đây của Nga vào Ukraina. Vụ tập kích ồ ạt sáng hôm qua bằng 8 drone theo chính quyền, và hơn 30 theo các nguồn không chính thức, nhắm vào các tòa nhà ở Matxcơva và ngoại ô. Không có ai thiệt mạng, thiệt hại vật chất cũng không đáng kể. Một drone rơi gần phi trường Matxcơva, ba chiếc khác tại một khu ngoại ô sang trọng của giới tinh hoa, cách nhà nghỉ của Vladimir Putin khoảng mười mấy phút xe chạy. La Croix dẫn lời Ủy ban điều tra nói rằng đa số drone bị bắn rơi gần thủ đô, và có một chiếc xuyên vào một căn hộ ở tầng 14 của tòa nhà nằm trên một đại lộ chính.

Phát ngôn viên Dimitri Peskov vẫn khẳng định « hệ thống phòng không hoạt động tốt », « hiện cư dân không bị đe dọa ». Một người dân nhìn nhận « chiến tranh rõ ràng đã đến gần chúng tôi », người khác lo ngại những cuộc tấn công sẽ gia tăng với những drone có kích thước nhỏ khó nhận ra. Vladmir Soloviov, một trong những cái loa tuyên truyền của Kremlin nói rằng « phòng không Nga tiêu diệt được hầu hết mục tiêu », đồng thời dọa dẫm ai đưa « fake news » có nguy cơ lãnh đến 15 năm tù. Les Echos cho biết dù vậy, nhưng tin tức vẫn lan truyền trên mạng và khác hẳn với thông cáo chính thức.

Chuyên gia Andrei Kolesnikov của Quỹ Carnegie, một trong số hiếm hoi những nhà phản biện vẫn còn ở lại thủ đô Nga nhận xét, người dân Matxcơva chỉ cảm nhận được một ít so với cư dân các thành phố Ukraina, dưới bom đạn từ nhiều tháng qua. Nhưng như vậy cũng đủ để họ suy nghĩ một ít về chiến tranh. « Những cuộc tấn công này có thể tạo cảm giác bất an, kiểu như nhắc lại rằng chiến tranh ở rất gần, và Putin chẳng phải toàn năng ».

Phe cực đoan Nga thêm khích động

Dư luận Nga có thể rúng động, nhưng cũng là cái cớ để phe dân tộc chủ nghĩa hung hăng hơn. Evgueni Prigojine, ông chủ Wagner chất vấn bộ Quốc Phòng : « Tại sao lại để những drone này bay trên bầu trời Matxcơva ? ». Libération nhận xét ngay cả đối với những người từng vào tù ra khám, ngôn từ của Prigojine rất khó dịch, vì chạm đến cái ngưỡng của sự thô tục. Đại khái nhẹ nhất đối với bộ Quốc Phòng là : « Lũ súc vật hôi hám kia, bọn mày đang làm gì vậy ? Nhích mông ra khỏi chiếc ghế đã được cho ngồi vào để bảo vệ đất nước ! ».

Nhưng đây cũng là biểu lộ sự giận dữ của phe cực đoan. Làm thế nào điều này có thể xảy ra, trong khi Matxcơva có lực lượng phòng không hùng hậu gồm nhiều giàn hỏa tiễn địa-không S-400 cùng với Pantsir, được cho là hiệu quả nhất thế giới ? Nhất là Kremlin vừa bị tấn công cách đó vài tuần, và mới tuần trước Belgorod bị đột kích !

Le Figaro nhận xét, hình ảnh trên internet cho thấy có thể là những drone Raybird-3 có tầm bay lý thuyết từ 400 đến 1.000 kilomet, như vậy có thể phóng đi từ Ukraina. Ngược lại chuyên gia quân sự Vladislav Churygin cho rằng những drone tấn công Matxcơva có thể xuất phát từ lãnh thổ Nga.

Một nhân vật dân tộc chủ nghĩa mỉa mai : « Xin chào Matxcơva, hoan nghênh đến Donetsk » – vì sau khi hứa hẹn chiếm được Ukraina chỉ trong vài ngày, lâu nay bộ phận tuyên truyền của Vladimir Putin chuyển sang khoe khoang chất lượng phòng vệ thủ đô. Phản ứng chính thức của Matxcơva cũng rất yếu ớt. Như mọi lần đất Nga bị tấn công, thông điệp của Kremlin luôn là, mọi việc điều ổn, chẳng có gì đáng nói.

Trả đũa vào thường dân trở thành chuyện bình thường đối với Matxcơva. Hôm qua, thủ đô Ukraina bị drone Nga đánh vào đến lần thứ ba trong vòng 24 giờ, giết chết một người dân và làm mười mấy người khác bị thương. Les Echos nhận thấy Nga tiến hành một cuộc chiến « low cost » để duy trì áp lực lên Kiev.

Theo Andrii Iousov, phát ngôn viên tình báo quân sự Ukraina, số hỏa tiễn dự trữ của Nga đã giảm xuống rất nhiều, kỹ nghệ quốc phòng đang bị trừng phạt khó thể bổ sung kịp. Nga có nhiều hỏa tiễn S-300 đang đe dọa dọc theo vùng giới tuyến, nhưng số hỏa tiễn có độ chính xác cao Kinzhal và Kalibr còn rất ít.


Chiến tranh Ukraina: Các vụ tấn công trên lãnh thổ Nga tiếp diễn (RFI)

Sau vụ tấn công  bằng drone vào thủ đô Matxcơva, các vụ tấn công trên lãnh thổ Nga tiếp diễn. Theo tờ Le Monde, trên mạng Telegram hôm nay, 31/05/2023, lãnh đạo vùng Belgorod giáp với biên giới Ukraina, ông Viatcheslav Gladkov, thông báo thành phố Chebekino của vùng này đã bị oanh kích trong đêm qua, khiến một phụ nữ bị thương, nhiều tòa nhà bị hư hại và xe hơi bốc cháy.

Tại vùng Krasnodar của Nga, ở phía đông bán đảo Crimée, một nhà máy lọc dầu đã bị cháy, có thể là do bị tấn công bằng drone, theo thông báo của lãnh đạo vùng, Veniamin Kondratiev. Trong những ngày qua đã xảy ra nhiều vụ tấn công bằng drone vào các nhà máy lọc dầu của Nga. Nhưng chưa có ai lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ tấn công này. 

Về vụ tấn công bằng drone vào Matxcơva hôm qua, phía Ukraina khẳng định không có liên quan, nhưng điện Kremlin cáo buộc Kiev là thủ phạm. Theo hãng tin AFP, tổng thống Vladimir Putin cho rằng Ukraina muốn « làm nước Nga kinh sợ » và muốn « hù dọa các công dân Nga ». Nhưng ông tỏ vẻ hài lòng về hệ thống phòng không của Nga đã bắn chặn được các drone trong vụ tấn công. Bộ Ngoại Giao Nga thì các buộc các nước phương Tây chịu trách nhiệm về vụ tấn công « vô trách nhiệm » vào Matxcơva, vì họ yểm trợ chính quyền Kiev.

Sau vụ tấn công bằng drone vào Matxcơva, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã tuyên bố là Hoa Kỳ « không ủng hộ các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga », mà chỉ cung cấp thiết bị quân sự cho Kiev và tham gia huấn luyện quân đội Ukraina để họ đủ khả năng giành lại các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng.

Trong khi đó, đêm qua, 30/05/2023, một vụ oanh kích vào một ngôi làng ở vùng Lugansk bị Nga chiếm đóng đã khiến ít nhất 5 người chết và 19 người bị thương, theo thông báo của nhà chức trách Nga. Họ tố  cáo các nhóm vũ trang Ukraina đã tiến hành vụ oanh kích này « bằng giàn phóng rocket HIMARS do Mỹ cung cấp cho Kiev ».

Vùng Lugansk, mà Nga hiện chiếm đóng phần lớn, là một trong bốn vùng lãnh thổ Ukraina mà Matxcơva tuyên bố sát nhập vào nước Nga vào tháng 9 năm ngoái.

Theo nhật báo Le Monde, vụ Matxcơva bị tấn công bằng drone khiến chủ nhân tập đoàn lính đánh thuê Wagner, Evgueni Prigojine càng chỉ trích nặng nề các lãnh đạo quân sự của Nga. Thậm chí, trả lời phỏng vấn báo chí hôm 24/05, lãnh đạo Wagner đã gián tiếp đả kích tổng thống Vladimir Putin về mục đích của cuộc chiến tranh Ukraina. Theo ông  Prigojine, cái gọi là “phi phát xít hóa” Ukraina chỉ là cái cớ, và việc “phi quân sự hóa” chính quyền Kiev đã thất bại hoàn toàn, bởi vì “ Ukraina nay có một trong những đội quân hùng mạnh nhất thế giới”. Đối với ông tương lai của “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraina rất “đen tối”.


EU tổ chức thượng đỉnh với Trung Á lần thứ hai trong vòng nửa năm (RFI)

Thượng đỉnh giữa Liên Hiệp Châu Âu (EU) với các nước Trung Á sẽ diễn ra ngày 02/06/2023, theo thông báo của chính quyền Kyrgyzstan và Liên Âu vào hôm nay 29/05.

Văn phòng tổng thống Kyrgyzstan cho biết ,thượng đỉnh giữa các lãnh đạo Trung Á với chủ tịch Hội Đồng Châu Âu sẽ diễn ra tại thành phố Tcholpon-Ata, Kyrgyzstan. Trong hiện tại, lãnh đạo của hai trong số năm quốc gia Trung Á, là nước chủ nhà Kyrgyzstan và Kazakhstan, đã thông báo sẽ tham gia hội nghị.

Trả lời AFP, người phát ngôn của chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel cho biết : ‘‘Mục tiêu chính của cuộc thượng đỉnh là để tăng cường các quan hệ song phương’’. Đây là lần thứ hai Liên Âu tổ chức thượng đỉnh với khối Trung Á kể từ tháng 10/2022. Thượng đỉnh được tổ chức chỉ hai tuần sau một thượng đỉnh chưa từng có giữa lãnh đạo 5 nước Trung Á, quốc gia thành viên của Liên Xô trước đây, và chủ tịch Tập Cận Bình tại Tây An, Trung Cộng.

Kể từ khi Matxcơva xâm lược Ukraina, Trung Á đã trở thành tâm điểm của nhiều vận động ngoại giao quốc tế. Ngoài các lãnh đạo châu Âu và Trung Cộng, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã viếng thăm Trung Á trong những tháng gần đây.

Cho dù ảnh hưởng suy giảm, nhưng Nga tiếp tục là quốc gia có vị thế tại khu vực. Theo AFP, các nước Trung Á bị phương Tây nghi ngờ hỗ trợ Nga lách các trừng phạt do xâm lược Ukraina. Đây là điều mà các quốc gia nói trên không thừa nhận.


Bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ : Erdogan tái đắc cử (RFI).

Sau 20 năm cầm quyền, tổng thống mãn nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ tái đắc cử thêm nhiệm kỳ 5 năm nữa. Theo kết quả kiểm phiếu gần như toàn bộ, Recep Tayyip Erdogan giành được thắng lợi ở vòng nhì cuộc bầu cử tổng thống hôm Chủ Nhật 28/05/2023 với hơn 52 % số phiếu thuận. Ứng cử viên đối lập, Kemal Kiliçdaroglu ghi nhận thất bại. Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới gửi điện chúc mừng đến tổng thống Erdogan.

Bất chấp những khó khăn kinh tế, lạm pháp ngựa phi, đồng tiền quốc gia mất giá hơn 50 % và những báo động về tham nhũng làm lũng đoạn xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan, 69 tuổi, vẫn được cử tri tín nhiệm, như tường thuật của đặc phái viên RFI, Daniel Vallot từ Istanbul :

« Mọi người chào mừng chiến thắng của ông Erdogan trước khi kết quả chính thức được công bố. Trước trụ sở của đảng AKP, hàng ngàn người ca hát, nhảy múa, reo mừng. Một phụ nữ nói : ‘Tôi thực sự là vui sướng. Erdogan thắng rồi. Tôi thực sự vô cùng quý mến ông ấy. Mọi việc giờ đây sẽ đâu vào đấy thôi đối với chúng tôi’.

Một người khác hân hoan nói : Erdogan là lãnh tụ của chúng tôi. Đây là một niềm tự hào và tôi ủng hộ ông ấy ngay từ đầu. Nhờ ông ấy mà tôi có thể đội khăn choàng đầu mà không bị ai dè bỉu. Trước đây tôi không thể làm được điều đó, bây giờ thì tự do.

Một trong những chìa khóa dẫn đến thắng lợi này, theo quan điểm của phe ủng hộ Recep Tayyip Erdogan, là ông đã bảo vệ những giá trị truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ và bảo vệ tổ quốc. Điều đó còn quan trọng hơn cả khủng hoảng kinh tế đang làm rung chuyển đất nước. Một người đàn ông cho biết : Đối với chúng tôi, điều đó không quan trọng. Quan trọng ở đây là tôn giáo là Nhà nước, là nhân dân. Erdogan sẽ đưa chúng tôi ra khỏi giai đoạn khó khăn này. Chỉ cần nhìn vào ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ, ắt sẽ thấy. Mỹ từ chối giao vũ khí mà chúng tôi đã đặt mua, vậy thì chúng tôi tự sản xuất.

Với 52% số phiếu ủng hộ, Erdogan không thắng lớn như mong đợi, điều đó không quan trọng. Theo những người ủng hộ Erdogan, cái chính là giờ đây tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bước vào một thập kỷ thứ ba để tiếp tục lãnh đạo đất nước ».

 Thế giới chúc mừng Erdogan

Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới, từ Ấn Độ đến các nước trong vùng Vịnh, Ukraina, Hoa Kỳ, châu Âu, Nga…đã chúc mừng ông Recep Tayyip Erdogan tái đắc cử.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trên Twitter nhấn mạnh « với tư cách là đồng minh trong NATO », Washington « nóng lòng tiếp tục cùng làm việc » với Thổ Nhĩ Kỳ để đối mặt với những « thách thức đang đặt ra trên thế giới ».

Tổng thống Vladimir Putin trong lời chúc mừng gửi đến đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ đã nêu bật những nỗ lực của ông Erdogan nhằm « duy trì một chính sách đối ngoại độc lập ».

Tổng thống Ukraina mong muốn « đẩy mạnh » quan hệ giữa Kiev và Ankara vì an nin h chung của toàn châu Âu.

Nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh Ankara và Paris sẽ cùng nhau « thúc đẩy vãn hồi hòa bình tại Châu Âu, cùng hành động vì tương lai của liên minh giữa hai bờ Đại Tây Dương, của các nước trong vùng Địa Trung Hải ».

Tại Đức, nơi có đông cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống, thủ tướng Olaf Scholz xem việc ông Erdogan tái đắc cử « tạo đà mới » cho quan hệ song phương. Thụy Điển hy vọng sau thắng lợi này, Recep Tayyip Erdogan sẽ quan tâm nhiều hơn đến « an ninh chung » và không còn gây khó dễ cho đơn xin gia nhập liên minh Bắc Đại Tây Dương của Stockholm.


Chiến đấu cơ Trung Cộng lượn ‘hung hãn’ gần máy bay quân sự Mỹ (BBC).

Một máy bay chiến đấu của Trung Cộng đã thực hiện một thao thác ‘gây hấn không cần thiết’ gần một máy bay quân sự của Mỹ trên Biển Đông trong không phận quốc tế, Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Ba 30/05.

Bộ chỉ huy quân sự Mỹ chịu trách nhiệm tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói rằng máy bay J-16 của Trung Cộng đã thực hiện thao tác ‘gây hấn’ này tuần trước và buộc máy bay RC-135 của Mỹ phải bay qua vùng nhiễu động.

Ảnh chụp từ máy bay RC-135 của Mỹ (Nguồn: BBC)

Mỹ sẽ tiếp tục bay, điều tàu thuyền, và hoạt động – an toàn và có trách nhiệm – ở bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép,” Mỹ nói trong một tuyên bố.

Một video cho thấy cảnh một máy bay chiến đấu tạt ngang trước mũi máy bay của Hoa Kỳ và buồng lái chiếc RC-135 của Mỹ rung chuyển trong vùng nhiễu động.

Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Cộng tại Washington, ông Lưu Bằng Vũ, không bình luận về việc này, nhưng nói rằng từ lâu, Mỹ đã thường xuyên điều máy bay và tàu do thám áp sát Trung Cộng, gây nguy hiểm nghiêm trọng cho nền an ninh quốc gia của quốc gia này.

Trung Cộng kêu gọi Mỹ ngưng cách hành động khiêu khích nguy hiểm như vậy, và ngưng đổ lỗi cho Trung Cộng,” ông Lưu nói trong email phản hồi đề nghị bình luận về tuyên bố của Mỹ từ Reuters.

Ông Lưu nói thêm rằng Trung Cộng sẽ “tiếp tục tiến hành các biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ lãnh thổ và an ninh của mình, và sẽ làm việc với các quốc gia trong khu vực để bảo vệ vững chắc hòa bình và ổn định trên Biển Đông”

Trung Cộng khẳng định chủ quyền ở hầu hết Biển Đông, nơi một vài nước khác cũng có khẳng định chủ quyền. Bắc Kinh thường xuyên nói rằng Mỹ đưa tàu và máy bay vào Biển Đông là hành động gây phương hại tới hòa bình.

Sự việc mới đây xảy ra trước khi Trung Cộng từ chối yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp gỡ bên lề Thượng đỉnh về an ninh châu Á, Đối thoại Shangri-La, tại Singapore tuần này. Một quan chức quốc phòng Mỹ, phát biểu giấu tên, nói rằng từ 2021 Trung Cộng đã từ chối hoặc không phản hồi hàng loạt đề nghị đối thoại của Lầu Năm Góc, trong đó nói rằng những cuộc tiếp xúc như vậy là rất quan trọng để tránh hiểu lầm hoặc những hậu quả không lường trước.

Cuộc chạm trán diễn ra sau điều Mỹ gọi là xu hướng hành vi ngày càng nguy hiểm gần đây của máy bay Trung Cộng.

Những vụ bay chặn đầu như vậy thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Vào tháng 12, một máy bay quân sự Trung Cộng đã áp sát trong khoảng cách ba mét với một máy bay của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ và buộc máy bay Mỹ phải lượn vòng để tránh xảy ra va chạm trong không phận quốc tế.

Mối quan hệ giữa Trung Cộng và Mỹ đang căng thẳng. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có xung đột trong nhiều vấn đề, từ Đài Loan tới hồ sơ nhân quyền của Trung Cộng, tới các hành động quân sự của Trung Cộng trên Biển Đông.


Philippines, Mỹ, Nhật Bản lần đầu diễn tập chung bảo vệ bờ biển (VOA)

Các lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ, Nhật Bản và Philippines sẽ tổ chức diễn tập hàng hải ba bên ở Biển Đông trong tuần này. Đây là cuộc diễn tập đầu tiên giữa ba nước trong lúc lo ngại đang gia tăng về những hành động của Trung Cộng trong khu vực.

Cuộc tập trận từ ngày 1 đến 7 tháng 6 ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Bataan là sáng kiến của Mỹ và Nhật Bản, trong khi Úc sẽ tham gia với tư cách quan sát viên, người phát ngôn lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines Armand Balilo cho biết.

Bốn tàu Philippines và một tàu từ Mỹ và từ Nhật Bản sẽ tham gia cuộc diễn tập được thiết kế để cải thiện việc hợp tác tìm kiếm cứu nạn và thực thi pháp luật, ông Balilo nói.

Nhật Bản và Mỹ đã tiếp cận Philippines về việc tổ chức diễn tập hàng hải chung vào tháng 2, cùng tháng khi Manila cáo buộc Trung Cộng có các hoạt động gây hấn ở Biển Đông, vùng biển rộng lớn mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

“Đây là một hoạt động thường lệ giữa các cơ quan bảo vệ bờ biển,” ông Balilo nói trong một cuộc họp báo.

“Không có gì sai khi tổ chức diễn tập với các đối tác của mình.”

Nhật Bản, Úc và Mỹ thường xuyên lên án Trung Cộng quân sự hóa Biển Đông và tìm cách xích lại gần hơn với đồng minh của Mỹ là Philippines kể từ khi Ferdinand Marcos Jr lên nắm quyền tổng thống kế tục người tiền nhiệm thân Trung Cộng là Rodrigo Duterte vào năm ngoái.

Mối quan hệ của Philippines với Mỹ đã được củng cố dưới thời ông Marcos. Ông đã lên tiếng ngày càng nhiều về hành vi của Trung Cộng, bao gồm cả việc nước này bị cáo buộc sử dụng “tia laser cấp độ quân sự” chiếu vào một tàu hỗ trợ nhiệm vụ tiếp tế thực phẩm của hải quân.

Philippines cũng đã phàn nàn về một số lượng lớn những người nghi là dân quân lảng vảng gần các thực thể do Philippines kiểm soát ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Trung Cộng khẳng định các hành động của lực lượng hải cảnh của họ là hợp pháp và trong vùng biển của mình.

Ông Balilo nói cuộc diễn tập hàng hải sắp tới sẽ bao gồm các hoạt động mô phỏng chống cướp biển, và có thể là diễn tập nghênh cản một tàu mang vũ khí hủy diệt hàng loạt.


Bắc Triều Tiên thất bại trong việc phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên (RFI)

Bình Nhưỡng đã thất bại trong việc phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên. Vụ phóng được thực hiện sáng nay, 31/05/2023. Theo các chuyên gia Bắc Triều Tiên, động cơ đẩy ở tầng hai tên lửa đã không khởi động.

Từ Seoul, thông tín viên Trần Công cho biết thêm thông tin:

“Theo thông tấn xã chính thức Bắc Triều Tiên KCNA, vào lúc 6 giờ 27 phút hôm nay, 31/05/2023, vệ tinh trinh sát quân sự ‘Malligyeong-1’ đã được gắn trên một tên lửa đẩy ‘Chollima-1 (hay còn được gọi là phương tiện phóng không gian) và được phóng từ Trạm phóng vệ tinh Seohae ở huyện Cholsan , tỉnh Bắc Pyongan.

Sau khi hoàn thành việc tách rời tầng một, tên lửa đẩy ‘Chollima-1’ gặp sự cố khi khởi động động cơ ở tầng hai. Do vậy, tên lửa bị mất lực đẩy và rơi xuống vùng biển Hoàng Hải. Người phát ngôn của cơ quan phát triển vũ trụ quân sự của Triều Tiên cho biết đang tiến hành điều tra và làm rõ các lỗ hổng nghiêm trọng và sẽ phóng lại “càng sớm càng tốt”. Một số nguồn tin dự đoán có thể Bắc Triều Tiên sẽ phóng tên lửa tiếp theo vào ngày 11/06/2023, hạn chót cho vụ phóng vệ tinh trinh sát đầu tiên.

Theo hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ – Hàn, tên lửa đã  bay qua vùng biển phía tây đảo Baengnyeong và rơi cách đảo Eocheong hơn 200km về phía tây do đường bay bất thường. Hiện tại quân đội Hàn Quốc đã thu thập được một số mảnh vỡ còn sót lại của tên lửa đẩy và có thể sẽ kiểm tra nguồn gốc các thành phần của tên lửa và trình độ công nghệ của tên lửa đẩy này.

Sáng hôm nay vào lúc 6 giờ 41 phút, toàn bộ còi cảnh báo của thành phố Seoul vang lên, các tin nhắn khẩn cấp yêu cầu sơ tán được gửi liên tục vào điện thoại của người dân. Sau đó là chuỗi tin nhắn xác nhận cảnh báo không chính xác vì lý do Bắc Triều Tiên đã thất bại trong vụ phóng tên lửa vũ trụ lần này.”

Còn tại Nhật Bản, chính quyền tỉnh Okinawa cũng đã phát lệnh báo động kêu gọi người dân tìm nơi trú ẩn, nhưng 30 phút sau đã bãi bỏ báo động này.

Theo AFP, hôm nay, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều đã “mạnh mẽ” lên án vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên, xem đây là một hành động vi phạm các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc Liên Hiệp Quốc. Hoa Kỳ cũng đã lên án vụ phóng vệ tinh của Bắc Triều Tiên, vì vụ phóng này “sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo” và “có nguy cơ gây mất ổn định an ninh của khu vực và thế giới”.


Đức đóng cửa lãnh sự quán Nga trong động thái ăn miếng trả miếng (VOA)

Hôm 31/5, chính phủ Đức cho biết họ sẽ đóng cửa 4 trong số 5 lãnh sự quán Nga tại nước này bằng cách thu hồi giấy phép của họ, một động thái ăn miếng trả miếng sau quyết định của Moscow giới hạn số lượng nhà ngoại giao Đức hiện diện ở Nga ở mức 350 người, theo Reuters.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết chính phủ Nga sẽ vẫn được phép vận hành đại sứ quán của mình ở Berlin và một tổng lãnh sự quán, nhưng Đức dự kiến các cơ quan còn lại sẽ ngừng hoạt động vào cuối năm nay.

Đồng thời, Đức sẽ đóng cửa các lãnh sự quán của mình ở Kaliningrad, Yekaterinburg và Novosibirsk, chỉ để Đại sứ quán Đức ở Moscow và lãnh sự quán ở St Petersburg hoạt động.

Động thái của Berlin cho thấy mối quan hệ song phương đang bị xuống cấp nghiêm trọng trong bối cảnh quan hệ hai bên ngày càng sụp đổ kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào năm ngoái. Bộ Ngoại giao Đức cáo buộc Moscow làm leo thang căng thẳng bằng cách áp đặt giới hạn số lượng quan chức được phép làm việc tại Nga.

“Quyết định phi lý này đang buộc chính phủ liên bang phải cắt giảm đáng kể trong tất cả các lĩnh vực hiện diện của họ ở Nga”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đức cho biết hôm 31/5.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết một tuyên bố sẽ được đưa ra về việc đóng cửa các lãnh sự quán, theo các hãng thông tấn Nga.

Quan hệ giữa Nga và Đức, quốc gia từng là khách hàng mua dầu khí lớn nhất của Nga, đã rạn nứt kể từ cuộc xâm lược vào tháng 2 năm 2022 và phương Tây đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt Nga và cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Đức đang lên kế hoạch giảm nhiều nhân viên làm việc tại các cơ quan đại diện của họ ở Nga sau khi Moscow áp đặt giới hạn về số lượng được phép làm việc tại nước này, bao gồm cả giáo viên và nhân viên tại Viện Goethe.


Trung Cộng bác đề nghị của Mỹ về cuộc gặp giữa bộ trưởng Quốc Phòng hai nước (RFI)

Bắc Kinh đã từ chối đề nghị của Washington về một cuộc gặp giữa bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin với đồng nhiệm Trung Cộng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) bên lề Đối Thoại Shangri-La mở ra trong tuần này tại Singapore. Khi loan báo tin trên, ngày 29/05/2023, Lầu Năm Góc Mỹ đã lấy làm tiếc về một thái độ “đáng lo ngại”.

Trong thông báo, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ xác nhận Trung Cộng đã thông báo với Hoa Kỳ quyết định từ chối lời mời đưa ra vào đầu tháng 5 để bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Austin gặp bộ trưởng Quốc Phòng Trung Cộng Lý Thượng Phúc tại Singapore. Phát ngôn viên Mỹ nói thêm: “Việc CHND Trung Hoa không sẵn sàng tham gia vào các cuộc thảo luận quân sự có ý nghĩa sẽ không làm giảm quyết tâm của chúng tôi trong việc tìm cách mở ra các tuyến liên lạc với quân đội Trung Cộng”.

Ông Lloyd Austin dự kiến ​​tới Singapore trong tuần này để tham dự Đối Thoại Shangri-La, một diễn đàn thường niên quan trọng về quốc phòng và an ninh ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Nhân Đối Thoại Shangri-La lần trước vào tháng 6 năm 2022, ông Austin đã tiếp xúc với bộ trưởng Quốc Phòng Trung Cộng lúc đó là Ngụy Phượng Hòa.

Theo hãng tin Pháp AFP, đương kim bộ trưởng bộ Quốc Phòng Trung Cộng đã bị chính quyền Mỹ trừng phạt vào năm 2018 vì đã mua vũ khí của Nga, nhưng Lầu Năm Góc bảo đảm rằng điều đó không ngăn cản bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ làm việc với đồng nhiệm Trung Cộng.

Vào cuối năm 2022, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington leo thang vì vấn đề Đài Loan và một khinh khí cầu bị cho là do thám của Trung Cộng đã bị một máy bay Mỹ bắn hạ khi bay qua Hoa Kỳ.

Chính quyền Mỹ đang cố gắng củng cố các liên minh và quan hệ đối tác ở châu Á nhằm đối phó với Trung Cộng, nhưng vẫn tìm cách giảm căng thẳng với Bắc Kinh. Vào đầu tháng này, cố vấn An Ninh Quốc Gia Nhà Trắng Jake Sullivan đã gặp lãnh đạo ngoại giao Trung Cộng Vương Nghị tại Vienna (Áo), và gần đây, tổng thống Mỹ Joe Biden đã tỏ ý tin tưởng rằng quan hệ Washington-Bắc Kinh sẽ tan băng “rất sớm”.


Tin Việt Nam.

Người Việt ở Mỹ góp sức hỗ trợ người tị nạn đồng hương từ Thái Lan sang định cư (VOA)

Nhiều người Việt ở Mỹ đang thực hiện các khâu chuẩn bị cần thiết để có thể hỗ trợ đưa những người tị nạn đồng hương đến Mỹ định cư theo một chương trình mới được thành lập bởi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Chương trình Welcome Corps, ra mắt vào tháng 1 năm nay, cho phép công dân hoặc thường trú nhân ở Hoa Kỳ có thể bảo trợ những người tị nạn hội đủ tiêu chuẩn sang Mỹ định cư.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mô tả chương trình này là “sự canh tân táo bạo nhất trong lĩnh vực tái định cư người tị nạn trong bốn thập niên qua” vì nó được thiết kế để mở rộng năng lực của Chương trình Tiếp nhận Người Tị nạn Hoa Kỳ (USRAP) thông qua sự góp sức của các cá nhân trong xã hội Mỹ muốn phục vụ trong tư cách người bảo trợ tư nhân.

Khi người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới đến Mỹ, họ đối mặt với một lối sống hoàn toàn khác. Để giúp quá trình chuyển tiếp suôn sẻ hơn, theo truyền thống, Bộ Ngoại giao làm việc với các tổ chức phi lợi nhuận chuyên về các vấn đề người tị nạn. Bây giờ, với chương trình Welcome Corps, công dân và thường trú nhân tại Mỹ có thể đứng ra thành lập các nhóm 5 người để giúp hoàn thành vai trò này.

Họ được yêu cầu quyên góp tối thiểu 2.275 đôla cho mỗi người tị nạn mà họ muốn bảo trợ. Sự hỗ trợ sẽ bao gồm mọi thứ từ chào đón những người tị nạn tại sân bay cho đến tìm cho họ nơi ở và đưa con cái của họ đến trường.

Các nhóm bảo trợ cũng sẽ được yêu cầu vượt qua kiểm tra lý lịch và lập kế hoạch hỗ trợ, theo website của Welcome Corps.

Trong sáu tháng đầu tiên của chương trình, Bộ Ngoại giao sẽ kết nối các nhà bảo trợ với những người tị nạn đã được chấp thuận, Bộ cho biết.

Một số người Việt hiện đang chuẩn bị tham gia chương trình nói với VOA họ xem đây một cơ hội quý giá để giúp đỡ những người đã rời bỏ Việt Nam vì những lý do chính trị hoặc tôn giáo và đang chật vật sinh tồn ở Thái Lan trong khi chờ đợi được tái định cư ở một nước thứ ba.

Một số hội đoàn và cá nhân gốc Việt ở một số tiểu bang có đông người Việt sinh sống trong những tháng qua đã tổ chức liên lạc và thành lập các nhóm 5 người theo quy định của chương trình như một phần trong công tác chuẩn bị trước khi chương trình chính thức đi vào hoạt động. Một số nhóm thậm chí còn tổ chức những chuyến đi sang Thái Lan, nơi mà nhiều người tị nạn Việt Nam đang cư trú, để tìm hiểu hoàn cảnh và nhu cầu của những người mà họ sẽ bảo trợ.

Bà Kimmy Dương, một mạnh thường quân gốc Việt có tiếng ở khu vực thủ đô Washington, cho biết cách đây một tháng bà qua Bangkok trong chuyến đi khoảng một tuần để gặp gỡ những người Việt đã được Liên hiệp quốc cấp quy chế người tị nạn và đang chờ được các nước thứ ba nhận để tái định cư. Bà Kimmy cam kết bảo trợ cho 24 gia đình, tổng cộng khoảng từ 80 đến 100 người, dưới chương trình Welcome Corps.


Biển Đông: Việt Nam phản đối Trung Cộng đặt phao đèn ở Trường Sa (RFI)

Trang mạng ANI của Ấn Độ ngày 27/05/2023 cho biết bộ Ngoại Giao Việt Nam phản đối Trung Cộng lắp đặt phao đèn tại nhiều thực thể tại quần đảo Trường Sa. Theo Hà Nội, hành động này của Bắc Kinh là đi ngược với luật pháp quốc tế.

Trong một cuộc trả lời báo chí ngày 25/05, khi được hỏi về việc Trung Cộng cho lắp đặt phao đèn tại các bãi đá Cá Nhám, đá Ba Đầu (Whitsun) và bãi đá Ga Ven ở quần đảo Trường Sa, bà Phạm Thu Hằng, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam nhắc lại là Hà Nội có đủ cơ sở pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền tại nhiều thực thể trong quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông. Cũng theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, hành động này của Bắc Kinh mà không có sự chấp thuận của Việt Nam là « vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa ». 

Một ngày sau tuyên bố của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam, đại sứ Trung Cộng tại Manila cho biết không có gì sai trái khi Bắc Kinh cho lắp đặt các phao đèn ở Biển Đông để xác quyết chủ quyền. Quyết định này được đưa ra sau khi chính quyền Manila tuyên bố đặt phao đèn tại bãi đá ngầm đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa, hồi giữa tháng 5, nhằm « biểu thị quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines đối với vùng đặc quyền kinh tế EEZ ».  Chính phủ Việt Nam cũng đã lên án động thái mới của Manila.

Theo trang mạng The Diplomat, hồi trung tuần tháng Năm, tầu hải quân Việt Nam và Trung Cộng nhiều lần đối đầu sau việc một tầu nghiên cứu của Trung Cộng đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam để tiến hành khảo sát tại bãi Tư Chính. Hà Nội cũng chỉ trích việc Bắc Kinh cho mở một nhà hàng trên đảo Phú Lâm (đảo Woody) thuộc quần đảo Hoàng Sa, khu vực diễn ra trận chiến đẫm máu năm 1974 giữa Hải quân Trung Cộng và Hải quân của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát phần tây quần đảo Hoàng Sa vào thời điểm đó.


Việt Nam muốn cắt giảm 44% lượng gạo xuất cảng.

Trong khi các mặt hàng xuất cảng khác đang suy giảm kỷ lục, thì gạo của Việt Nam trong 5 tháng qua đã đạt bán ra nước ngoài gần 3,9 triệu tấn, đạt giá trị hơn 2 tỷ Mỹ kim, tăng 40,8% về lượng và tăng 52% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, cùng mặt hàng này Việt Nam sẽ xuất cảng đến 7 triệu tấn trong năm nay theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Ảnh minh họa

Các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam gồm: Philippines chiếm khoảng 45% tổng lượng và 43,2% tổng trị giá xuất khẩu; Trung cộng đứng thứ hai; Bờ Biển Ngà đứng thứ ba.

Việt Nam đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo trong năm 2023 sau Ấn Độ (22,5 triệu tấn) và Thái Lan (8,5 triệu tấn), chiếm 12,7% thương mại gạo toàn cầu.

Theo Reuters, Chính phủ Việt Nam dự định cắt giảm lượng gạo xuất khẩu xuống còn bốn triệu tấn một năm từ nay đến năm 2030 từ mức xuất khẩu 7,1 triệu tấn năm 2022. Mục đích là để thúc đẩy xuất khẩu gạo chất lượng cao, đảm bảo an ninh lương thực trong nước, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là chiến lược của chính phủ được đưa ra vào ngày 26/5 vừa qua, theo Reuters.

Theo chiến lược này, doanh thu xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ giảm xuống còn 2,62 tỷ Mỹ kim một năm vào năm 2030 từ mức 3,45 tỷ đô la vào năm 2022.

Việt Nam cũng sẽ đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo, tránh lệ thuộc vào một quốc gia. Đến năm 2025, 60% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là vào thị trường Châu Á, 22% là thị trường Châu Phi, 7% thị trường Châu Mỹ, 4% Trung Đông, 3% Châu Âu (RFA)


Nông sản Việt Nam lại kẹt ở cửa khẩu Trung cộng  

Phía Trung công cho biết, do đang vào mùa cao điểm của các loại trái cây như sầu riêng, xoài nên tình hình thông quan tại các cửa khẩu có dấu hiệu quá tải, vượt quá năng lực của các khu vực cửa khẩu.

Lo sợ tình trạng nông sản bị kẹt tại cửa khẩu Trung cộng như các năm 20221-2022, phía Việt nam vừa đưa các viên chức về Canh Nông sang các Tỉnh biên giới để thu xếp nhằm tránh thiệt hại cho sản phẩm nông nghiệp, từng gây thiệt hại cho phía Việt Nam trên 4000 ngàn tỷ đồng.

Báo Công Thương dẫn lời của Tổng lãnh sự Việt Nam tại thủ phủ Nam Ninh của Quảng Tây cho biết, một số mặt hàng nông sản, trái cây tiềm năng của Việt Nam hiện vẫn chưa được xuất khẩu chính ngạch vào Trung cộng bao gồm: bưởi, bơ, na, roi, dừa, thảo quả, dứa.

Truyền thông Nhà nước dẫn số liệu thống kê của Chính phủ cho biết, trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt – Trung đạt 14,2 tỷ Mỹ kim, tăng hơn 12% so với năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung cộng đạt 10,4 tỷ Mỹ kim, tăng hơn 10% so với năm 2021. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Trung cộng hơn 3,7 tỷ Mỹ kim, tăng hơn 19% so với năm trước đó.


Ukraine tước danh hiệu công dân danh dự của ông Trường Chinh

Trước ngày Ukraine mừng Lễ Đốc Lập 28/5, Hội đồng Thành Phố Kiyv (Thủ Đô Ukraine) hôm 25/5 đã bỏ phiếu nhất trí tước danh hiệu công dân danh dự của cố Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Trường Chinh trong một cuộc bỏ phiếu tước danh hiệu này từ một loạt các cựu lãnh đạo cộng sản của Liên Xô trước đây bao gồm cả Leonid Brezhnev – Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô (1964 – 1982).

Trường Chinh

Hội đồng TP Kyiv cho rằng ông Brezhnev đóng vai trò quan trọng trong việc đàn áp các cuộc biểu tình ở các nước trong Hiệp ước Warsaw, cuộc chiến Afghanistan mà Liên Xô can dự từ năm 1979 đến 1989, cuộc chạy đua vũ trang, và hậu thuẫn các chế độ “cách mạng” ở các nước “thế giới thứ ba” – tên gọi dành cho các quốc gia đang phát triển ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La tinh. Việt Nam cũng nằm trong danh sách các nước này.

Theo Tiếng nói Kyive, danh hiệu công dân danh dự được giới thiệu vào năm 1982 và trao lần đầu tiên cho cố Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Brezhnev.

Ông Trường Chinh, tên thật là Đặng Xuân Khu (1907 – 1988), là một trong những lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam từ những năm 1930 và là người được cho là trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin. Ông được Đảng Cộng sản chọn làm Tổng bí thư trong giai đoạn từ năm 1940 đến 1956 và vào tháng 5/186 sau khi Tổng bí thư Lê Duẩn mất cho đến tháng 12/1986.

Theo một số tài liệu nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế đã công bố, ông được đánh giá là người bảo thủ và có sai lầm trong giai đoạn cải cách ruộng đất ở Việt Nam những năm 1950 chịu ảnh hưởng của Liên Xô và Trung Quốc. Ông từng được cử làm Trưởng ban cải cách ruộng đất vào năm 1953 đã gây cho hàng trăm ngàn nông dân chết dưới tay đảng công sản Việt Nam.


Ông Trần Huỳnh Duy Thức lại tuyệt thực đòi trả tự do

Ông Trần Huỳnh Duy Thức lại tuyệt thực, đòi nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho ông theo đúng tinh thần “thượng tôn pháp luật”.

Trang Facebook Trần Huỳnh Duy Thức và trang Facebook của em trai của ông, Trần Huỳnh Duy Tân, đều đưa tin ông Trần Huỳnh Duy Thức, bắt đầu tuyệt thực trở lại kể từ ngày 24 Tháng Năm. Ngày này đúng 14 năm trước là ngày nhà cầm quyền CSVN bắt giam ông.

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức

Ban đầu, ông bị vu cho tội “trộm cắp cước điện thoại” nhưng sau đó, đổi sang tội danh “hoạt động lật đổ” chế độ độc tài đảng trị tại Việt Nam cùng với các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long. Vụ án nổi tiếng dư luận trong ngoài nước khi các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, các chính phủ Hoa Kỳ và Liên Âu đả kích mạnh mẽ việc bắt giam họ.

Ngày 20 Tháng Giêng năm 2010, tại một phiên tòa ở Sài Gòn, ông Trần Huỳnh Duy Thức bị kết án nặng nhất với 16 năm tù vì ông cả quyết không vi phạm luật. Luật sư Lê Công Định và ông Lê Thăng Long đều bị kết án 5 năm tù, còn ông Nguyễn Tiến Trung bị 7 năm tù. Cả 3 người sau này đều được trả tự do trước thời hạn, riêng ông Trần Huỳnh Duy Thức vẫn bị cầm tù.

Khi vụ án xảy ra, ông Trần Huỳnh Duy Thức là một doanh nhân thành đạt. Từ một cửa hàng nhỏ bán và lắp ráp máy vi tính những năm thập niên 1990, đến năm 2000, ông chuyển hướng sang dịch vụ Internet khi Việt Nam bắt đầu lao vào hình thức thông tin mới.

Công ty tư nhân của ông phát triển nhanh chóng nhưng rồi ông và ông Lê Thăng Long bị bắt mà nhiều người suy đoán do nhà cầm quyền muốn độc quyền kinh doanh thị trường béo bở bắt đầu bùng phát này. Phần khác, không phải chỉ lo kinh doanh kiếm tiền, ông Trần Huỳnh Duy Thức còn mở những blog cá nhân như Trần Đông Chấn, Change We Need thông qua “Nhóm nghiên cứu Chấn” với các bài viết nghiên cứu, phân tích về tình hình chính trị, kinh tế, thời sự Việt Nam, thúc đẩy cải cách. Động cơ thứ hai này đã bị chế độ Hà Nội thấy không thể để cho tồn tại, dẫn đến vụ án.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức, năm nay 57 tuổi, đã nhiều lần tuyệt thực trong tù từ năm 2016 đến nay. Tháng Mười 2020, ông yêu cầu tòa án CSVN xét đơn miễn thời hạn tù còn lại vì mức án mới cho tội danh “hoạt động nhằm lật đổ” theo Bộ Luật Hình sự mới được sửa đổi chỉ còn 5 năm trong khi ông đã phải ngồi tù 10 năm. Ông đã tuyệt thực hơn một tháng nhưng ngừng lại vì gia đình kêu gọi.

Sang năm 2021, ông tuyệt thực kéo dài 4 tháng, gia đình ông sợ ông không qua khỏi nên đã thúc giục ông ngừng lại trong khi nhà cầm quyền Hà Nội vẫn tảng lờ các đòi hỏi cứu xét lại bản án của ông.


Hơn 82% doanh nghiệp Việt Nam đang “hấp hối”

Hơn 82% doanh nghiệp dự tính “giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh” những tháng còn lại của năm 2023, dấu hiệu không sáng sủa của kinh tế Việt Nam.

Ngày 26 Tháng Năm, báo Đầu Tư (cơ quan thông tin tuyên truyền cũng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư CSVN) dẫn một bản khảo sát của “Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân” gửi thủ tướng Phạm Minh Chính báo động tình hình sản xuất kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp tư nhân, một trong ba trụ cột chống đỡ nền kinh tế, đang đối diện tương lai bất định.

Theo bản khảo sát vừa kể, “Có 82.3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Trong đó, tỉ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10.9%, dự kiến tạm ngừng kinh doanh là 12.4%, dự kiếm giảm quy mô là 38.5%, dự kiến giảm nhẹ quy mô là 20.5%…

Rồi bản khảo sát kể thêm về các doanh nghiệp còn hoạt động trong năm 2023 thì có tới 71.2% dự tính giảm công nhân 5% trong khi có tới 22.2% các doanh nghiệp tính giảm tới “trên 50%”. Còn nói về triển vọng doanh thu của họ, bản khảo sát nói “Có 80.7% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu trên 5%” và phần còn lại thì than có thể giảm doanh thu tới 50%.

Trước viễn ảnh tình hình kinh doanh không có gì sáng sủa, bản nghiên cứu nói “Niềm tinh của doanh nghiệp đối với nền kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này đặc biệt thấp”. Đồng thời “Có đến 81.4% doanh nghiệp được khảo sát có đánh giá tiêu cực hay rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023”.

Bản khảo sát nói thêm là “Trong bức tranh tối màu chung đó, doanh nghiệp ngành xây dựng, các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp tại thành phố Sài Gòn thể hiện mức độ đánh giá tiêu cực hơn”.

Doanh nghiệp tư nhân bị kỳ thị trên thị trường tín dụng mấy chục năm qua, bị kêu ca mãi nhưng vẫn không thấy thay đổi trong khi ông thủ tướng thì lập lại lời hô hò “quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” nhằm cứu nền kinh tế đang đi thụt lùi.


Không doanh nghiệp nào muốn bôi trơn nhưng “không bôi thì không trơn”

 “Không doanh nghiệp nào muốn bôi trơn nhưng không bôi thì không trơn”, bài bình luận trên tờ Lao Động nói về tham nhũng kinh niên tại Việt Nam.

Doanh nghiệp chịu nhiều hoạnh họe, gây khó, nhũng nhiễu, phải bôi trơn mới mong yên thân – đó là một thực tế xã hội ai cũng biết nhưng không ai tránh được và cũng không dẹp được”. Tờ Lao Động ngày Chủ Nhật 28 Tháng Năm nói về thực tế phũ phàng chống tham nhũng tại Việt Nam.

Vấn nạn “bôi trơn” mà giới kinh doanh tại Việt Nam, cả các xí nghiệp lớn nhỏ trong nước cũng như các xí nghiệp ngoại quốc đầu tư sản xuất tại Việt Nam, kêu rên hàng chục năm qua. Tiền phải hối lộ cho các quan ở các cấp tạo thêm khó khăn và tốn kém cho doanh nghiệp. Họ cáo buộc mỗi khi có các cuộc đối thoại giữa nhà nước với giới kinh doanh.

Ông Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng lập đi lập lại rất nhiều lần, và được các quan chóp bu của chế độ rập khuôn hô hoán “Chống tham những không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Nhưng khẩu hiệu tuyên truyền và thực tế vẫn diễn ra “dưới gầm bàn” không song hành với nhau.

Tờ Lao Động viết bài bình luận kể trên nhân dịp một số báo đưa tin nhà cầm quyền tỉnh Bắc Giang thúc giục giới doanh nghiệp không “bôi trơn” cho cán bộ công chức để được hưởng những lợi ích “ngoài quy định của pháp luật”. Tỉnh này mới được chấm điểm cao nhất nước cho năm 2022 về chỉ số “Chi phí không chính thức” trên cả nước.

Chi phí “bôi trơn” hay gọi một cách lịch sự là “chi phí không chính thức” là tiền hối lộ mà các doanh nghiệp và người dân thường khi cần dịch vụ công phải cống nạp cho các quan. Chuyện nhỏ từ thị thực chữ ký đến chuyện lớn như cấp giấy phép cho một dự án, tham gia một vụ đấu thầu, xưa nay, người ta kêu ca về cái phí “bôi trơn” đó từ năm này sang năm khác.

“Muốn cho hồ sơ dự án được “chạy” thì doanh nghiệp phải “bôi trơn”. Tùy theo dự án lớn nhỏ để “bôi” cho đúng liều lượng thì động cơ mới “trơn” được”. Bài viết kể trên của tờ Lao Động nói.

Ngày Thứ Hai 29 Tháng Năm, nhiều báo đưa tin 3 cơ quan gồm cả Tuyên Giáo, Sở Thông tin và Truyền thông và đại diện Văn phòng tỉnh Cà Mau đã họp báo thuật lời ông S. phó chủ tịch huyện Phú Tân, chối không mặc cả, vòi nhà thầu hối lộ 30% mới cho trúng thầu, như một audio clip phổ biến trên Facebook. Ông S. không xuất hiện trong cuộc họp báo để phủ nhận mà để các quan chức khác thay mặt, khiến người ta nghi ngờ ông không dám để người ta so sánh giọng nói thật của ông ta với giọng nói trong clip âm thanh được một số báo đính kèm.

Cũng trong ngày Thứ Hai, tại một cuộc họp ở Quốc Hội, một bà “đại biểu nhân dân” dẫn báo cáo của Bộ Công An nói hiện đã có 107 ông bà đã bị khởi tố trong vụ ăn hối lộ 800 tỉ đồng của công ty Việt Á bán kít xét nghiệm COVID-19 và 54 ông bà bị đề nghị truy tố về vụ các “chuyến bay giải cứu” đưa công dân về nước tránh dịch các năm 2020 và 2021.

Số quan chức cấp cao gồm cả bộ trưởng, thứ trưởng của nhiều bộ ngành hợp tác với nhau, làm thành một mạng lưới tham nhũng ngang dọc, phơi bày sự mục ruỗng của guồng máy công quyền tại Việt Nam hết sức nghiêm trọng. Muốn được việc thì phải “bôi” vì không “bôi” sẽ không “trơn”.

Vụ án đấu thầu xây dựng bệnh viện ở Đồng Nai đưa các quan đầu tỉnh này vào tù. Từ đây người ta thấy thêm nhiều vụ đấu thầu ở các tỉnh khác đều có bàn tay của bà Nguyễn Thị Thanh Nhà “bôi” hết, gồm cả tỉnh Quảng Ninh, nơi ông Thủ tướng Phạm Minh Chính còn làm bí thư tỉnh ủy.

Ngày mùng 3 Tháng Hai, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính thấy kêu “22/63 địa phương để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí – tiền “bôi trơn”, theo tường thuật cuộc họp về cải cách hành chính được đăng tải trên trang mạng của nhà cầm quyền trung ương.

Đầu Tháng Mười Một 2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng với Tổng cục Hải quan công bố cuộc khảo sát về mức độ hài lòng của giới doanh nghiệp. Trong đó nói rằng 59% doanh nghiệp “không phải trả các chi phí ngoài” qua cuộc khảo sát 2,800 doanh nghiệp. Sự thật có đúng như vậy về tình trạng phí “bôi trơn” hay vẫn chỉ là con số để tuyên truyền, không kiểm chứng được.

Nay nạn “bôi trơn” vẫn còn nguyên đó, khắp nơi, như một con ma khi ẩn khi hiện mà tờ Lao Động nói rằng “trên thực tế, không làm không được”.


[pvc_stats postid=”” increase=”1″ show_views_today=”0″]

Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 18-19-20/11/2024.
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga
  • Tổng thống Nga ký sắc lệnh mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân
  • Ukraine lần đầu tiên tấn công Nga bằng tên lửa của Mỹ vào ngày thứ 1.000 của cuộc chiến
  • Bắc Triều Tiên cung cấp cho Nga tên lửa và pháo tầm xa
  • Đặc phái viên Mỹ: Khả năng chấm dứt chiến tranh Israel-Hezbollah 'trong tầm tay'
  • An ninh Đông Á bị tác động nghiêm trọng vì lính Bắc Triều Tiên can dự chiến tranh Ukraina
  • Nhóm 5 nước lớn nhất châu Âu "ủng hộ" trái phiếu quốc phòng
  • Liên Âu bất đồng về việc cho Ukraina dùng vũ khí được cung cấp tấn công lãnh thổ Nga
  • Thượng đỉnh G20 khép lại với tuyên bố chung chống nạn đói toàn cầu
  • Manila tố cáo Trung Cộng ngụy trang tàu chiến thành tàu cá xâm chiếm biển Philippines
  • Ba tù nhân chính trị đang thụ án 26 năm tù được trao Giải Nhân quyền Việt Nam 2024
  • Giám đốc Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA tuyên bố ủng hộ nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Mỹ xác định Việt Nam ‘không thao túng tiền tệ’.
  • Nghiên cứu mới: 99% quần đảo Trường Sa nằm trong tầm với của Bắc Kinh
  • Mỹ cho Việt Nam 5 máy bay huần luyện
  • Hà Nội dự kiến hạn chế xe máy vào nội thành
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 11-12-13/11/2024
  • Nghị trình "Làm Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại" được định hình: Nội các của TT Trump
  • Ông Trump gặp ông Biden tại Tòa Bạch Ốc
  • Tổng thống Ukraina: Nga điều 50.000 quân tới khu vực Kursk và chuẩn bị tấn công
  • Ngoại trưởng Blinken cam kết củng cố ủng hộ cho Ukraine trước khi chuyển giao quyền lực
  • Chiến tranh tiếp tục lan rộng tại Liban
  • Các nước Ả Rập họp hội nghị cấp cao khẩn cấp về xung đột tại Trung Đông
  • Donald Trump chọn nhân sự cứng rắn với Trung Cộng vào các vị trí chủ chốt
  • APEC 2024: Peru bắt đầu tuần lễ Diễn đàn Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương
  • Nhật Bản: Hạ Viện mới bầu lại ông Shigeru Ishiba giữ chức thủ tướng
  • Mỹ yêu cầu TSMC ngừng cung cấp lô hàng chip bán dẫn cho Trung Cộng
  • Philippines lên án Trung Cộng gây áp lực trong hồ sơ chủ quyền ở Biển Đông
  • Tô Lâm - Donald Trump: cuộc điện đàm dự báo mối quan hệ
  • Chile trục xuất viên chức an ninh Việt Nam vì tấn công tình dục
  • Chính phủ khẳng định với LHQ không trả thù luật sư Đặng Đình Mạnh
  • CSVN buộc người dùng mạng xã hội phải định danh mới được livestream
  • TIN ĐẶC BIỆT: BẦU CỬ HOA KỲ 2024. Tổng Thống Donald Trump Đắc Cử Vẻ Vang
  • Foreign Policy: Nước Mỹ đã quyết định
  • RFI: Theo truyền thông Mỹ, Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ
  • BBC: Donald Trump đã chiến thắng, một sự trở lại ngoạn mục
  • BBC: Những phát biểu đặc sắc của TT Trump
  • Tổng thống Biden gọi điện chúc mừng ông Trump
  • Nhiều nước chúc mừng chiến thắng của Donald Trump
  • Cựu Tổng thống Bush chúc mừng ông Trump
  • Kamala Harris: thua cuộc nhưng không từ bỏ
  • Bầu cử Mỹ: Đảng Cộng Hòa giành lại quyền kiểm soát Thượng Viện
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 28-29-30/10/2024.
  • Ukraina huy động thêm 160.000 binh sĩ
  • Kiev và Seoul sẽ tăng cường hợp tác chống quân Bắc Triều Tiên tham chiến ở Ukraina
  • Hamas nói sẵn sàng bàn thảo thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Gaza
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng vũ khí không giới hạn nếu lính Bắc Triều Tiên hỗ trợ Nga
  • Tổng thống Ai Cập đề xuất hưu chiến tại Gaza để phóng thích các con tin Israel
  • Hezbollah chọn Naim Qassem làm thủ lĩnh kế nhiệm ông Nasrallah
  • Bầu cử Quốc Hội Gruzia: Cơ quan Công tố mở điều tra về "gian lận" quy mô lớn
  • Brazil trở thành quốc gia BRICS thứ hai không tham gia dự án BRI của TC
  • Mỹ ban hành các quy định hạn chế đầu tư vào các công ty công nghệ tiên tiến của TC
  • Nhật Bản: Đảng cầm quyền mất đa số tại Hạ Viện, thủ tướng Ishiba không định từ chức
  • Việt Nam “sẵn sàng” hợp tác với BRICS
  • Tổ chức nhân quyền Canada kêu gọi trừng phạt 14 quan chức Việt Nam
  • UAE tính xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ sản phẩm dầu mỏ tại VN
  • Giới hoạt động đánh giá cao việc LHQ xác nhận người Thượng là dân tộc bản địa
  • Nhóm công tác của LHQ: Việt Nam bắt giữ tùy tiện có hệ thống
  • Blogger Đường Văn Thái bị kết án 12 năm tù giam trong phiên toà kín
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 21-22-23/10/2024.
  • Gia nhập NATO: Ukraina trông đợi vào kết quả bầu cử Mỹ
  • Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tới Ukraina để thể hiện tình đoàn kết
  • Israel tăng cường tấn công ở Gaza, Lebanon sau khi thủ lĩnh Hamas bị diệt
  • BRICS: Tổng thống Nga phá thế cô lập, tiếp đón hơn 20 nguyên thủ quốc gia
  • Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác nhận quân đội Triều Tiên đang ở Nga
  • Nam Hàn có thể cân nhắc cấp vũ khí cho Ukraine do ‘thông đồng quân sự’ Nga-Triều
  • EU lấy 35 tỷ euro tài sản bị đóng băng của Nga để cho Ukraine vay
  • Đài Bắc theo dõi sát sao tàu sân bay Trung Cộng Liêu Ninh đi qua eo biển Đài Loan
  • Mỹ - Nhật khởi động tập trận chung
  • Indonesia: Prabowo nhậm chức tổng thống
  • Modi nói với Putin: ‘Ấn Độ muốn hòa bình ở Ukraine’
  • Tướng Mỹ: Triển khai phi đạn Mỹ tới Philippines là ‘cực kỳ quan trọng’
  • Việt Nam có tân chủ tịch nước xuất thân từ tướng quân đội
  • HRF, KKF kêu gọi LHQ can thiệp vụ hai nhà hoạt động Khmer bị VN giam cầm
  • LHQ kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị BRICS, khẳng định tình bạn thủy chung với Nga
  • Bão Trà Mi hướng vào Việt Nam, miền Trung sẽ mưa lớn diện rộng