Tin Hoa Kỳ và Thế Giới

Ông Mccarthy Có Tầm Ảnh Hưởng Lớn Hơn Sau Trận Chiến Về Mức Trần Nợ

Mặc dù đã đắc cử chức chủ tịch Hạ Viện sau 15 vòng bỏ phiếu và bị Tổng thống Joe Biden phớt lờ nhiều lần, nhưng dân biểu California kiên quyết này đã thành công trong việc thuyết phục ông Biden ngồi vào bàn đàm phán, giữ vững lập trường về các vấn đề lằn ranh đỏ, và khiến một dự luật về mức trần nợ được Quốc Hội thông qua mặc dù chiếm một khối đa số mỏng manh.

dân biểu Kevin McCarthy
chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ

Với việc Đạo Luật Trách Nhiệm Tài Khóa được thông qua, ông McCarthy, 58 tuổi, đã nổi lên như một nhà chiến lược lành nghề và là người tập hợp được sự đồng thuận có khả năng tận dụng những thắng lợi nhỏ thành những thành tựu lập pháp lớn. Vài tuần trước đó, ông vẫn còn chật vật trong sự nghiệp chính trị của mình.

Việc bầu chọn một chủ tịch Hạ viện thường là một việc chiếu lệ. Khi không có người đương nhiệm, thì người lãnh đạo khối đa số được xem là người mặc định giành phần thắng. Nhưng đó không phải là trường hợp diễn ra với ông McCarthy.

Do thách thức từ những người bảo tồn truyền thống cực hữu trong chính đảng của ông, nên cuộc bầu cử của ông kéo dài đến hơn năm ngày và 15 cuộc bỏ phiếu.

Ông McCarthy đã giành được chiến thắng bằng cách đưa ra những nhượng bộ cho những người đối kháng, bao gồm một thay đổi quy định cho phép bất cứ dân biểu nào cũng có thể đề nghị truất phế vị trí chủ tịch Hạ Viện.

Các nhà bình luận chính trị cho biết ông McCarthy đang ở trong tình cảnh chịu sự chi phối từ các dân biểu bảo tồn truyền thống nhất trong đảng của ông và có thể là một chủ tịch Hạ Viện không có thực quyền.

Chỉ gần một tuần sau khi ông McCarthy nhậm chức, Bộ trưởng Ngân Khố đã tuyên bố rằng đất nước sẽ sớm chạm đến mức trần nợ theo luật định. Nếu như không có hành động từ phía Quốc Hội, thì khoảng bốn tháng nữa một cuộc khủng hoảng tài chính sẽ xảy ra.

Ông McCarthy ngay lập tức nói rằng Quốc Hội sẽ không tăng nợ nếu không cắt giảm chi tiêu và ông sẽ không đồng ý tăng thuế. Chủ tịch Hạ viện này đã kêu gọi tổng thống đàm phán các điều khoản để nâng giới hạn vay.

Sau cuộc trao đổi đầu tiên hôm 01/02, ông Biden, có lẽ cảm nhận được sự yếu thế về chính trị, đã từ chối gặp chủ tịch Hạ Viện này trong 97 ngày. Ông McCarthy đã yêu cầu một cuộc gặp. Ông đã phàn nàn trên báo chí. Ông đã viết một lá thư cho ông Biden. Thậm chí ông còn đề nghị gặp nhau để ăn trưa và mang theo “đồ ăn nhẹ”. Tuy nhiên, ông Biden đã từ chối gặp mặt. Nhưng chủ tịch Hạ Viện đã không nãn lòng.

Vào cuối đông đầu xuân, ông McCarthy đã giành được một loạt chiến thắng về mặt lập pháp. Không có bản thân dự luật nào mang tính đột phá, nhưng danh sách các chiến thắng nhỏ ngày càng tăng đó chứng tỏ ông có thể vừa quản lý đảng của mình vừa thách thức tổng thống.

Dự luật về Quyền của Cha mẹ, được Hạ viện thông qua hôm 24/03, nhằm tăng cường quyền của các bậc cha mẹ trong giáo dục.

Hạ Viện đã vô hiệu hóa một bản sửa đổi gây tranh cãi của bộ luật hình sự Thủ đô Hoa Thịnh Đốn hôm 19/04, về mối đe dọa về một quyền phủ quyết của tổng thống. Thượng viện cũng đã thông qua và tổng thống đã ký ban hành luật này.

Đạo Luật Bảo Đảm Biên Giới năm 2023, được Hạ viện thông qua hôm 11/05, nhằm tăng cường an ninh biên giới trước khi các điều khoản liên quan đến đại dịch hết hiệu lực.

Khi thế bế tắc về mức trần nợ tiếp tục kéo dài mà không có tiến triển, ông McCarthy bắt đầu đáp lại những nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của mình bằng cách nêu lên những thành tích của ông, mặc dù là khiêm tốn.

Hồi tháng Tư, trong một trao đổi với các thành viên của thị trường chứng khoán ở New York, ông McCarthy nói,“Tôi không quan tâm đến việc bị đánh giá thấp. Tôi nghĩ nếu tôi chỉ đánh những cú nhỏ, tôi sẽ ghi bàn thắng nhiều hơn”.

Sau đó ông McCarthy đã ghi một chiến thắng làm thay đổi đáng kể động lực của cuộc chiến mức trần nợ. Bằng chênh lệch một phiếu bầu duy nhất, các dân biểu Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã thông qua Đạo Luật Giới Hạn, Tiết Kiệm, Tăng Trưởng hôm 26/04. Dự luật này cho phép mức nợ trần được tăng nhẹ, cùng với một loạt yêu cầu của Đảng Cộng Hòa về cắt giảm chi tiêu, các yêu cầu công việc, cải tổ về việc cấp giấy phép, và thu hồi quỹ cứu trợ COVID-19 chưa sử dụng.

Và với điều đó, ông McCarthy đã đạt được điều mà ít người nghĩ là có thể. Ông đã hiệp lực các dân biểu Đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện để ủng hộ một giới hạn nợ và gói chi tiêu, gây áp lực buộc ông Biden chấp nhận các điều khoản.

Năm ngày sau, ông Biden đã mời ông McCarthy thảo luận về việc cắt giảm chi tiêu.

Thượng nghị sĩ John Cornyn (Cộng Hòa-Texas) cho biết hôm 01/06, “Không đời nào Tổng thống Biden có thể hình dung ra được rằng, sau cuộc chạy đua vất vả để đắc cử mà chúng ta đã thấy hồi tháng Một, Chủ tịch Hạ Viện, McCarthy sẽ có thể hiệp lực các dân biểu Đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện và thực sự thông qua dự luật nâng mức trần nợ. Và tôi nghĩ Tổng thống Biden đã sửng sốt khi ông ấy có thể hoàn thành việc đó… điều đó đã thay đổi toàn bộ động lực của cuộc đàm phán này”.

Theo cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, điều gây ấn tượng mạnh hơn là sự xuất hiện của ông McCarthy với tư cách là một nhà lãnh đạo vượt ra phạm vi Hạ Viện.

Những cuộc đàm phán đó đã kết thúc bằng một thỏa hiệp, Đạo Luật Trách Nhiệm Tài Khóa đã được cả hai viện của Quốc hội thông qua với sự ủng hộ của lưỡng đảng.

Tuy nhiên, ông McCarthy đã nhiều lần nói rằng tất cả các cuộc đàm phán đều liên quan đến nhượng bộ lẫn nhau, đồng thời ông sẽ chỉ nhấn mạnh vào hai điểm không thể thương lượng. Trước khi tăng giới hạn nợ, ông đã nhấn mạnh vào việc cắt giảm chi tiêu và không tăng thuế. Ông nói: “Mọi thứ khác đều để ngỏ cho các cuộc đàm phán”.

Dân biểu Tim Burchett (Cộng Hòa-Tennessee) đã phản đối cả Đạo Luật Giới Hạn, Tiết Kiệm, Tăng Trưởng lẫn Đạo Luật Trách Nhiệm Tài Khóa. Tuy nhiên, ông khen ngợi năng lực và nhân cách của ông McCarthy. Ông Burchett nói với The Epoch Times hôm 31/05, “Ông ấy là một nhà lãnh đạo tuyệt vời. Ông ấy giữ lời hứa”.


Những Điều Chưa Biết Về Xe Điện

Tin tức cho biết, chính phủ Biden không thể buộc người ta mua xe điện, dù là bằng cách giới hạn lượng khí thải từ ống khói và các biện pháp cưỡng chế khác, họ có thể buộc các nhà sản xuất cắt giảm hầu hết việc sản xuất xe động cơ và tăng giá xe chạy bằng xăng. Điều đó có thể sẽ dẫn đến việc tái cấu trúc căn bản ngành kỹ nghệ xe hơi của Hoa Kỳ, vốn chiếm khoảng 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hoa Kỳ và tuyển dụng hơn 1.7 triệu người Mỹ.

Chính sách ngành kỹ nghệ xe hơi của chính phủ Biden có sự kết hợp của các quy định về khí thải ngày càng thắt chặt, trợ cấp cho các nhà sản xuất xe chạy bằng điện, thường gọi là xe điện (EV), và các khoản trợ cấp của chính phủ cho người sử dụng EV. Đạo luật Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng và Việc Làm, được ban hành năm 2021, dành 25 tỷ USD cho những dự án như trạm sạc, sản xuất xe điện, và khai thác mỏ. Đạo luật Giảm Lạm Phát năm 2022 đã trợ cấp thêm hàng tỷ dollar, và một vài quốc gia ở châu Âu và các tiểu bang của Hoa Kỳ đã cấm hoặc dự định cấm bán các loại xe xăng dầu (ICE) mới, trong vài năm tới.

Gần đây nhất là các quy định mới của Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường (EPA) đưa ra các tiêu chuẩn khí thải CO2 cao hơn đối với các xe chở khách, xe tải hạng nặng, và xe bus. Hành động này tuân theo chỉ thị của ông Joe Biden rằng một nửa số xe chở khách và xe tải mới phải là xe không phát ra khí thải, vào năm 2030.

TT Biden tuyên bố rằng, những quy định này sẽ cắt giảm 10 tỷ tấn khí thải carbon dioxide (CO2) vào năm 2055, và theo EPA, xe điện không những tốt cho địa cầu mà cũng tiết kiệm tiền cho người dân.

Tuy nhiên, các nhà phân tích dự đoán rằng chính sách kỹ nghệ xe điện của TT Biden sẽ thất bại nặng nề, và tốn kém, cũng như hầu hết các kế hoạch khác của chính phủ cũng chỉ là tìm cách chi phối và kiểm soát các ngành kỹ nghệ của khu vực tư nhân.

TT Biden tuyên bố rằng xe điện sẽ cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Nhưng các quy định của EPA chỉ tập trung vào lượng khí thải từ ống khói của xe. Nhưng khi tính đến việc sản xuất và sạc xe điện, thì xe điện gây ô nhiễm hơn rất nhiều và thực sự có thể làm tăng lượng khí thải CO2.

Theo báo cáo của Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế (IEA), chuyên phân tích năng lượng cho biết, “Việc chuyển sang một hệ thống năng lượng sạch sẽ thúc đẩy nhu cầu rất cao đối với các khoáng chất”. Theo IEA, “một chiếc xe điện thông thường cần lượng khoáng chất để sản xuất, cao gấp sáu lần so với một chiếc xe chạy bằng xăng”. Để đáp ứng sản lượng của xe điện, tua-bin gió, và tấm pin quang năng, IEA dự đoán rằng nhu cầu về lithium sẽ tăng lên gấp 40 lần vào năm 2040; nhu cầu về than chì, coban, và niken sẽ tăng từ 20 đến 25 lần; nhu cầu về các nguyên tố đất hiếm sẽ tăng gấp 3–7 lần; và nhu cầu về đồng sẽ tăng gấp đôi.

Lượng khí thải CO2 từ tất cả hoạt động khai thác mới này chắc chắn sẽ gia tăng, nhưng mức tăng bao nhiêu thì chưa ai biết một cách rõ ràng. Ông Mills viện dẫn một tập hợp gồm 50 tài liệu nghiên cứu khoa học cho thấy lượng khí thải để có một cục pin cho xe điện sẽ là từ 8 đến 20 tấn CO2, tùy thuộc vào địa điểm và cách thức nguyên liệu thô được khai thác và chế biến.

Ông Mills nhấn mạnh, “Xin nhắc lại, đó là xe điện được sản xuất trước khi giao cho khách hàng và mới chỉ chạy được một quãng đường ngắn đầu tiên”.

Rủi ro đối với các nhà sản xuất xe hơi Hoa Kỳ là người tiêu dùng sẽ không mua xe điện, nhà sản xuất không thể tìm ra nguồn nguyên liệu cần thiết với giá rẻ; lưới điện sẽ không thể cung cấp đủ điện cho xe điện trên quy mô lớn, và các nhà sản xuất sẽ mất ưu thế cạnh tranh với các nhà máy sản xuất Trung Cộng. Nếu liều lĩnh đầu tư vào lãnh vực xe điện mà không thành công, thì kết quả có thể là một số nhà sản xuất xe hơi sẽ phá sản và yêu cầu chính phủ cứu trợ. Đến lúc đó, ngành kỹ nghệ xe hơi của Hoa Kỳ sẽ giống như một ngành kỹ nghệ của chính phủ hơn là của tư nhân độc lập, kéo theo một đợt trợ cấp nữa bằng tiền thuế của người dân trong lãnh vực xe điện.


Bảo Tàng Thiên An Môn Mới Mở Cửa Ở New York

Các nhà tổ chức triển lãm cho biết hôm thứ Năm (01/06) trước lễ tưởng niệm 34 năm vụ thảm sát Thiên An Môn rằng, hy vọng về một “Trung Quốc tự do” vẫn tồn tại trong phòng bảo tàng mới ở Manhattan, trưng bày dấu tích về cuộc đàn áp của chế độ Trung Cộng vào năm 1989, đối với các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ xung quanh Quảng trường Thiên An Môn.

Bảo tàng được gọi là Tưởng niệm Sự Kiện Lục Tứ (tức ngày 04/06) ở New York sẽ là cuộc triển lãm thường trực duy nhất trên thế giới, sau khi một viện bảo tàng tương tự ở Hồng Kông bị đóng cửa vào năm 2021 dưới áp lực của nhà cầm quyền.

Trước bình minh ngày 04/06/1989, những chiếc xe tăng đã tiến vào quảng trường Bắc Kinh để chấm dứt nhiều tuần lễ biểu tình của sinh viên và công nhân. Nhiều thập niên sau khi các nhà lãnh đạo Trung Cộng ra lệnh tấn công bằng quân sự, các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng mục tiêu ban đầu của những người biểu tình này — gồm tự do báo chí và tự do ngôn luận.

Bảo tàng nhỏ ở New York này — nằm trong một căn phòng chật chội trên tầng bốn của một tòa nhà văn phòng Sixth Avenue — lưu giữ các hiện vật từ sự kiện Thiên An Môn, như biểu ngữ, thư từ, và một chiếc áo sơ mi vấy máu, cũng như các hình ảnh và các bài báo chi tiết từ thời điểm đó đến nay.

Tại một cuộc họp báo, ông Zhou Fengsuo, 55 tuổi, một cựu lãnh đạo sinh viên Thiên An Môn lưu vong, người đã giúp thành lập bảo tàng này, nói rằng, nơi đây là địa điểm mang “hy vọng về một Trung Quốc tự do”.

Ông Zhou nói: “Bởi vì có một tia hy vọng. Bất kể chúng tôi đã phải trải qua bao nhiêu thất bại, hay bao nhiêu khó khăn, thì giấc mơ đó vẫn tồn tại ở đây”.

Lễ khai trương phòng Bảo Tàng diễn ra thứ Sáu (02/06). Báo chí đã yêu cầu Tòa Đại sứ Trung Cộng tại Hoa Thịnh Đốn lên tiếng nhưng không được phúc đáp.

Trung Cộng chưa bao giờ cho biết số người thiệt mạng trong cuộc đàn áp bạo lực năm 1989, nhưng các nhóm nhân quyền và nhân chứng nói rằng con số này có thể lên tới hàng ngàn người.

Ở Hoa lục, việc tưởng niệm Sự kiện Lục Tứ là điều cấm kỵ, và ĐCSTQ đã tăng cường kiểm duyệt trong những năm gần đây. Các lễ tưởng niệm công khai về vụ thảm sát này đã từng được cho phép ở Hồng Kông, nhưng kể từ năm 2020, cảnh sát Hồng Kông đã cấm tổ chức các buổi thắp nến cầu nguyện ở đó, với lý do lo ngại về COVID-19. Không rõ liệu nhà cầm quyền ở Hồng Kông có cho phép tổ chức các lễ tưởng niệm công khai trong năm nay hay không.

Các nhóm hoạt động ở hải ngoại đang giúp tổ chức các sự kiện ở các thành phố như Đài Bắc, London, Berlin, và Hoa Thịnh Đốn. Ông Wang Dan, một cựu lãnh đạo sinh viên Thiên An Môn khác, người đã giúp thành lập bảo tàng này, cho biết ông cảm thấy mình có nghĩa vụ phải thể hiện sự tôn trọng đối với những người biểu tình đã thiệt mạng. Ông Wang Dan đưa ra lời kêu gọi: “Đừng bỏ cuộc”. Ông đã nói với thông tấn Reuters,  “Đó là thông điệp của tôi gửi đến người dân ở lục địa Trung Hoa ngày nay”.


Thảm Kịch Đẫm Máu Thiên An Môn 32 Năm Trước

Chiếc xe tải bọc thép đầu tiên xuất hiện vào khoảng 11 giờ đêm ngày 3/6/1989. Khoảng 1h30 sáng hôm sau, tiếng súng đã nổ ra và vang lên suốt đêm khi những chiếc xe tăng bắt đầu lăn bánh, nghiền nát bất cứ người hay vật thể nào cản bước tiến của họ.

Đó là một đêm hỗn loạn tại Quảng trường Thiên An Môn: đạn bắn khắp nơi, người người ngã xuống, và những người biểu tình hoảng loạn đang cố gắng xếp chồng chất những người bị thương lên xe đạp, xe buýt và xe cứu thương để chở họ đi. Ước tính, có hàng nghìn người biểu tình ủng hộ tự do, dân chủ đã chết.

Bà Lily Zhang là y tá trưởng tại một bệnh viện Bắc Kinh cách quảng trường thành phố khoảng 15 phút đi bộ. Đêm hôm đó bà đã tỉnh dậy vì tiếng súng. Một y tá khác khóc nức nở nói với bà rằng, máu của những người biểu tình bị thương đã “chảy thành sông tại bệnh viện”.

Ba mươi năm sau, với tên gọi là vụ thảm sát Thiên An Môn, vẫn tiếp tục ám ảnh những người sống sót. Nhiều người đã tìm cách trốn khỏi Trung Cộng để có tự do hơn. Họ hy vọng rằng bằng cách nói lên những gì đã xảy ra vào ngày định mệnh đó, công chúng sẽ luôn nhớ về những giá trị nhân quyền đã bị tước đi.

Ông Daniel Lou, hiện là một doanh nhân ở New York, cho biết trong một cuộc phỏng vấn, “Đây là điều nhỏ bé nhất tôi có thể làm cho quê hương của mình”.

Các cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn vốn thuộc một phong trào do các thanh niên sinh viên lãnh đạo nhằm ủng hộ cải cách dân chủ, đã trở thành một chủ đề cấm kỵ ở Trung Cộng. Cho đến ngày nay, đảng cộng sản Trung Cộng vẫn nhất quyết không tiết lộ số liệu hay danh tính của những người thiệt mạng trong cuộc đàn áp dã man này.

Y tá Zhang, người đã ở tại quảng trường để chăm sóc cho các sinh viên tuyệt thực cho đến đêm 3/6, đã nhanh chóng đến bệnh viện vào buổi sáng hôm sau khi nghe tin về vụ thảm sát. Bà đã rất kinh hoàng khi đến bệnh viện của mình và chứng kiến một cảnh tượng giống như “ở chiến trường”.

Sau khi cuộc đàn áp bắt đầu, xe cứu thương từ tất cả 30 bệnh viện thành phố đã được huy động. Các sinh viên bị chấn thương lấp đầy giường bệnh, một số thậm chí phải chia sẻ giường bệnh với người khác. Máu của họ nhuộm đỏ sàn nhà, hành lang và cầu thang. Tại bệnh viện của bà Zhang, có ít nhất 18 người đã chết khi họ được đưa vào bệnh viện. Bà Zhang lưu ý rằng, các binh sĩ khi đó đã sử dụng những viên đạn dumdum – loại đạn khi đã bắn ghim vào cơ thể, nếu có va chạm, nó sẽ xé vết thương thêm rộng hơn. Nhiều vết thương trầm trọng kéo dài và chảy máu dữ dội đến mức “không thể hồi phục”.

Tại cổng bệnh viện, một phóng viên – bị thương nặng – của tờ China Sports Daily trực thuộc ĐCSTQ nói với 2 nhân viên y tế đang dìu ông; ông nói rằng “không thể ngờ rằng ĐCSTQ đã thực sự nổ súng”.

y tá Zhang kể lại lời bất mãn của phóng viên của China Sports Daily, “Bắn hạ những sinh viên và thường dân không vũ trang, đây là loại đảng cầm quyền gì vậy”?.

Một nhà báo của tạp chí tin tức quốc gia Beijing Review lúc bấy giờ là ông Lou đã đứng ở một con phố gần đó, theo dõi điều mà ông gọi là “một đêm định mệnh”.

Ông gọi đó là “một thảm kịch”, và nói thêm, “đó là một sự khởi đầu cho sự suy đồi đạo đức của nhà cầm quyền Trung Cộng. Nhà cầm quyền Trung Cộng do ĐCS lãnh đạo đã quay lưng lại với chính người dân của mình. [Những người hy sinh bản thân] thì lại bị trừng phạt thay vì được khen thưởng. Đất nước muốn gửi thông điệp gì đến chính người dân của mình đây”?.. Nhiều nhà hoạt động sinh viên tham gia phong trào đã bị bỏ tù sau vụ thảm sát đẫm máu này.

Ông Zhou Fengsuo, một nhà lãnh đạo sinh viên trong các cuộc biểu tình, đã đếm được 40 xác chết vào sáng sớm ngày 4/6 khi ông đi bộ từ Quảng trường Thiên An Môn đến Đại học Thanh Hoa, nơi ông đang theo học khi đó.

Trước khi rời khỏi quảng trường, ông Zhou đã có một bài phát biểu ngắn thề rằng những người biểu tình ủng hộ dân chủ sẽ trở lại vào một ngày nào đó. Ông Zhou nói với tờ The Epoch Times, “Tôi cảm thấy khi nhà cầm quyền Trung Cộng đã dùng đến bạo lực để chống lại người dân, họ đã đánh mất nền tảng đạo đức”.

Bà Zhang, khi đó mới 28 tuổi, được nhà cầm quyền địa phương chọn làm “nhân viên gương mẫu”, đã từng nghĩ rằng bà sẽ “một lòng yêu Trung Cộng”. Nhưng vào ngày hôm đó, bà đã khóc với đồng nghiệp khi nói rằng sự dã man của cuộc đàn áp này đã “khiến trái tim bà lạnh toát”. Bà nói: “Tôi không bao giờ nghĩ rằng chính phủ này lại như vậy”.

Cảm giác không tin tưởng càng được khắc sâu hơn, sau khi các viên chức Trung Cộng nhanh chóng tố cáo những người biểu tình là những kẻ bạo loạn, và tuyên bố rằng “không ai bị bắn chết trong khi dọn dẹp Quảng trường Thiên An Môn”. Một cuộc họp chính phủ đã diễn ra ngay sau đó.

Ông Zhou, một sinh viên tại một trường đại học hàng đầu, đã bị giam trong tù 1 năm và không được phép quay lại trường.

Tại bệnh viện của bà Zhang, một cuộc họp đã được triệu tập, yêu cầu tất cả mọi người “phải giữ vững lập trường” bằng cách khẳng định rằng không có trường hợp chết người. Nhưng các nhân viên đều cùng thống nhất từ ​​chối tham dự cuộc họp này.

Bà Zhang nhớ lại: “Chúng tôi đều nghĩ rằng liệu ai có thể thốt ra những lời đi ngược lại lương tâm của mình như vậy”?..

Hai xướng ngôn viên Đài truyền hình CCTV, cơ quan ngôn luận của Trung Cộng đã đuổi việc vì họ đã mặc đồ đen trong khi báo cáo về vụ thảm sát vào ngày 4/6. Tổng biên tập của tờ Beijing Review cũng từ chức để bảo vệ nhân viên của mình là ông Lou, người mà trước đó đã tổ chức các cuộc biểu tình ôn hòa để ủng hộ các sinh viên. Tuy nhiên, ông Lou đã trở thành một “mục tiêu chính” và bị điều tra về “vai trò” của ông trong phong trào này.

Cả 3 người kể trên đã trốn cộng sản và xin tỵ nạn tại Hoa Kỳ, bởi họ không thấy được hy vọng gì về tương lai dưới sự cai trị của đảng cộng sản Trung Cộng.


Trung Cộng Ban Hành Chính Sách Hàng Hải Mới, Gây Căng Thẳng Ở Biển Đông

Mới đây, Hải cảnh Trung Cộng đã áp dụng các điều luật mới từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Căn cứ vào những tranh chấp lãnh thổ hiện có trong khu vực Quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, các chính sách mới trao cho Hải cảnh Trung Cộng quyền được bắt giữ công dân ngoại quốc này đã gây tác động lớn đối với cộng đồng quốc tế. Hành động này của ĐCSTQ được xem là một sự leo thang tranh chấp.

Hôm 15/05, Hải cảnh Trung Cộng đã thông qua bộ quy tắc mới liên quan đến việc giải quyết “các vụ án hình sự”, vốn sẽ có hiệu lực vào ngày 15/06/2023. Bộ quy tắc này quy định rằng người ngoại quốc có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi phạm tội chống lại công dân Trung Cộng hoặc nhà nước Trung Cộng, ngay cả khi họ phạm tội bên ngoài vùng lãnh hải của Trung Cộng.

Ông Xia Yifan, thành viên của Liên đoàn Mặt trận Trung Quốc Dân chủ và là chuyên gia về các vấn đề xã hội của Trung Cộng, tin rằng theo phán quyết năm 2016 của Tòa án Quốc tế về Luật Biển, các yêu sách và hành động hàng hải của nhà cầm quyền Trung Cộng ở Biển Đông vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Do đó, ĐCSTQ muốn thực thi luật này dựa trên sắc lệnh do chính họ ban hành, và đảng này ủy quyền cho Hải cảnh Trung Cộng bắt giữ những người mà họ xem là “nghi phạm” ngoại quốc. Chính hành vi như vậy đã vi phạm vào luật pháp quốc tế.

Từ lâu, nhà cầm quyền Trung Cộng đã tham gia vào các tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, và thậm chí cả Đài Loan về các đảo và rạn san hô trong khu vực Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã leo thang sự bành trướng ra bên ngoài, và các tàu Hải cảnh Trung Cộng, bao gồm cả các tàu đánh cá có sự hậu thuẫn của nhà cầm quyền, thường xuyên đối đầu hoặc đụng độ với các quốc gia nói trên.

Hôm 06/02, một Tuần duyên hạm Philippines đang thực hiện nhiệm vụ tiếp vận cho Lực lượng Hải quân Philippines ở Biển Đông trên Bãi Cỏ Mây thì bị một tàu Hải cảnh Trung Cộng tiếp cận. Lực lượng Tuần duyên Philippines đã buộc phải thay đổi hướng đi do tàu Trung Cộng chiếu tia laser quân sự và gây mù tạm thời cho một số thủy thủ đoàn của Philippines. Bộ Ngoại giao Trung Cộng tuyên bố rằng tàu Philippines đã ở trong vùng biển của Trung Cộng mặc dù Philippines đang kiểm soát khu vực đảo san hô tranh chấp này.

Hôm 07/05, một tàu Hải cảnh Trung Cộng đã chụp ảnh một giàn khoan dầu của Việt Nam trong vùng biển của Bãi Tư Chính để thu thập “bằng chứng”, nhưng đã bị tàu của Cục Kiểm ngư Việt Nam chặn lại. Đây được xem là một sự va chạm mới giữa hai nước.

Việt Nam xem trữ lượng dầu khí ở Biển Đông là rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, vì nguồn trữ lượng này đóng góp một lợi tức rất lớn vào tổng thu ngân sách nhà nước của CSVN. Trữ lượng dầu mỏ của Bãi Tư Chính đạt tổng cộng hơn 5 tỷ tấn, và trữ lượng khí đốt tự nhiên là hàng ngàn tỷ mét khối, khiến khu vực này trở thành một trong ba khu vực có trữ lượng dầu khí lớn nhất ở Quần đảo Trường Sa. Bãi Tư Chính chỉ cách bờ biển Việt Nam 250 dặm nhưng cách điểm cực nam của Trung Quốc hơn 750 dặm.

Tuy nhiên, kể từ tháng 07/2017, CSVN đã thiệt hại hơn 1 tỷ USD vì bị nhà cầm quyền Trung Cộng gây áp lực buộc CSVN phải dừng các hợp đồng thăm dò dầu khí ở khu vực Quần đảo Trường Sa với các công ty năng lượng Tây Ban Nha, Nga, và Nhật Bản.

Trước tình hình đó, năm 2020, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đương thời là ông Mike Pompeo đã công khai cáo buộc Trung Cộng dùng các chiến thuật bắt nạt ở Biển Đông, nói rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Cộng ở Biển Đông là hoàn toàn phi pháp. Tuyên bố này cho biết Hoa Kỳ có thể sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam cũng như các quốc gia khác trong việc bảo vệ trữ lượng dầu khí ngoài khơi của họ trước hành động gây hấn của Trung Cộng.

Lãnh đạo Trung Cộng, Tập Cận Bình đang tăng chi tiêu quân sự để phát triển lực lượng hải quân Trung Cộng. Trung Cộng hiện đang khai triển hai hàng không mẫu hạm, nhằm mục đích tăng cường kiểm soát Quần đảo Trường Sa và các rặng san hô ở Biển Đông.

Căng thẳng giữa Trung Cộng và Philippines trở nên trầm trọng hơn kể từ năm 2014. Điều này một phần là do Trung Cộng xây dựng 10 căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, trong đó có một căn cứ quân sự nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.

Ông Herman Kraft, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Philippines, cho rằng bang giao song phương giữa Manila và Bắc Kinh trước đây không có trục trặc gì Ông Kraft nói, “Tuy nhiên, vào năm 2012, Trung Cộng đã hung hăng giành quyền kiểm soát Bãi Cỏ Mây, và sau đó vào năm 2014, họ bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo này”. Điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến mối bang giao giữa hai nước.

Căng thẳng hơn nữa giữa Trung Quốc và Philippines xuất phát từ phán quyết hồi năm 2016 của Tòa án Quốc tế tại The Hague ủng hộ Philippines thay vì Trung Cộng trong các yêu sách chủ quyền tương ứng của hai nước ở Biển Đông. Tòa đồng thuận đưa ra phán quyết rằng Trung Cộng không có chủ quyền lịch sử đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Vào ngày 02/02, các bộ trưởng Quốc Phòng của Hoa Kỳ và Philippines đã đưa ra một tuyên bố chung, thực hiện Thỏa Thuận Hợp Tác Quốc Phòng Tăng Cường (EDCA) năm 2014 do Hoa Kỳ và Philippines phối hợp thực hiện. Từ đó Hoa Kỳ sẽ được sử dụng thêm bốn căn cứ quân sự. Thông báo này được xem là một hành động nhằm chống lại Trung Cộng trong khu vực. Lực lượng hải cảnh Trung Cộng và lực lượng tuần duyên Philippines đã xảy ra xung đột chỉ ba ngày sau thông báo trên.

Hôm 01/05, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã tổ chức một cuộc hội đàm tại Tòa Bạch Ốc. Hai vị tổng thống đã tái khẳng định liên minh an ninh đã có từ lâu lên đến hàng chục năm giữa Hoa Kỳ và Philippines.


[pvc_stats postid=”” increase=”1″ show_views_today=”0″]

Bài liên quan:
  • Tin Cuối Tuần (20-21-Apr-2024)
  • Đề Nghị Truất Phế Chủ Tịch Hạ Viện Johnson ‘Sắp Được Đưa Ra’
  • Ông Bill Barr Cho Biết Tại Sao Ông Ủng Hộ Cựu TT Trump Nhiều Hơn TT Biden
  • Thời Tổng thống Biden, Lạm Phát Kéo Dài Và Việc Làm Suy Giảm
  • Các Cuộc Thăm Dò Không Cho Biết Về Sự Dẫn Đầu Của Cựu TT Trump
  • Số Phận Các Tỷ Phú Của Trung Cộng, Sụt Giảm, Phá Sản, Hoặc Bị Bắt Giữ
  • Chủ Nghĩa Tư Bản Trung Cộng Đang Bóp Méo Thị Trường Toàn Cầu
  • TT Biden Kêu Gọi Tăng Gấp Ba Lần Thuế Quan Đối Với Nhôm Thép Trung Cộng
  • Thủ Tướng Đức Vận Động Trung Cộng Chơi Công Bằng Trên Thị Trường EU
  • Trung Cộng Đóng Góp Cho Ngành Kỹ Nghệ Quốc Phòng Nga
  • Tin Cuối Tuần (13-14-Apr-2024)
  • TT Biden Tìm Cách Giảm Căng Thẳng Cuộc Xung Đột Giữa Iran Và Israel
  • Hạ Viện Sẽ Cố Gắng Về Gói Tài Trợ Cho Israel
  • Trung Cộng Có Mối Liên Hệ Với Tội Phạm Có Tổ Chức
  • Đảng Dân Chủ Sử Dụng Chiến Lược Ít Được Biết Đến Để Giành Chiến Thắng Trong Năm 2024
  • Cựu Đại Sứ Hoa Kỳ Làm Gián Điệp Cho Cuba Lãnh 15 Năm Tù
  • Cuộc Điện Đàm Giữa Ông Biden Và Ông Tập Không Làm Thay Đổi Được Bất Cứ Điều Gì
  • Trung Cộng Đẩy Mạnh Xuất Cảng Khiến Các Nhà Đầu Tư Ngoại Quốc Lo Lắng
  • CEO Apple Đến Hà Nội, Thăm Việt Nam Trong 2 Ngày
  • Iran Không Kích Israel, Phóng Hàng Loạt Máy Bay Không Người Lái
  • 3 Con Trai Của Thủ Lĩnh Hamas Haniyeh Thiệt Mạng Trong Cuộc Không Kích Của Israel
  • Nhật Bản Có Thể Sẽ Gia Nhập Liên Minh AUKUS Chống Bắc Kinh
  • Nữ Ký Giả Trung Quốc Bị Trục Xuất Khỏi Thụy Điển Từng Kể Về Gia Cảnh Bị ĐCSTQ Bức Hại
  • Vương Quốc Anh Sẽ Không Bao Giờ Giao Quyền Lực Cho WHO
  • Tin Cuối Tuần (06-07-Apr-2024)   
  • Mạng Xã Hội X Sẽ Không Tuân Theo Lệnh Của Tối Cao Pháp Viện Brazil
  • Los Angeles Công Bố Dữ kiện Về Số Người Vô Gia Cư Tử Vong Trong Năm 2023
  • Các Thượng Nghị Sĩ Sẽ Trở Thành Bồi Thẩm Viên Vào Ngày 11/04, Vụ Đàn Hặc Ông Mayorkas
  • Ủy Ban Hạ Viện Sẽ Cân Nhắc Nghị Quyết Phản Đối Áp Lực ‘Một Chiều’ Từ Phía TT Biden Cho Một Lệnh Ngừng Bắn Ở Gaza
  • Bộ Trưởng Ngân Khố Janet Yellen Chỉ Trích Những Hành Động ‘Cưỡng Ép’ Của Bắc Kinh Đối Với Các Công Ty Hoa Kỳ
  • Ông Biden Và Tập Cận Bình Nói Chuyện Lần Đầu Tiên Kể Từ Tháng Mười Một
  • Hoa Kỳ Trừng Phạt Tin Tặc Trung Cộng Vì Kế Hoạch 14 Năm Xâm Nhập Vào Cơ Sở Hạ Tầng Quan Trọng
  • 5 Dấu Hiệu Cho Thấy Kinh Tế Trung Quốc Đang Thâm Hụt Tài Chính Trầm Trọng
  • Căng Thẳng Leo Thang Ở Khu Vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
  • Tin Cuối Tuần (30-31-Mar-2024)
  • Hoa Kỳ Và Mexico Công Bố Quan Hệ Đối Tác Vi Mạch Bán Dẫn Để Ứng Phó Với Những Thách Thức Toàn Cầu
  • Tình Trạng Di Cư Ồ Ạt Đe Dọa Đến An Ninh Lương Thực Của Hoa Kỳ
  • Chủ Tịch Hạ Viện Johnson Đàm Luận Thống Đốc Abbott Về An Ninh
  • TT Trump Yêu Cầu TT Biden Xin Lỗi Vì Tuyên Bố Xúc Phạm Công Dân Hoa Kỳ
  • Trung Cộng Vũ Khí Hóa Lực Lượng Hải Cảnh Để Kiểm Soát Các Vùng Biển Tranh Chấp
  • Trục Ma Quỷ’ Mới Đã Hình Thành, ĐCSTQ Là Địch Thủ Lớn Nhất Của Hoa Kỳ
  • Các Viên Chức Trung Cộng Chọn Cách Phản Kháng Thụ Động Với Tập Cận Bình
  • Sự Thâm Nhập Của Trung Cộng Trở Thành Cơn Ác Mộng Của Hoa Kiều
  • Israel Sẽ ‘Tự Mình’ Tiến Hành Cuộc Tấn Công Vào Rafah
  • Tin Cuối Tuần (23-24-Mar-2024)   
  • Đảng Cộng Hòa Phản Đối Sáng Kiến Của Bộ Tư Pháp
  • Tiểu Bang Theo Đảng Cộng Hoà ‘Tiếp Đón’ Người Nhập Cư Bất Hợp Pháp
  • Gói Tài Trợ Chính Phủ Trị Giá 1.2 Ngàn Tỷ USD Của Hoa Kỳ
  • Cách Đưa Tin ‘Bóp Méo’ Của New York Times Về Các Cuộc Đàn Áp Của Trung Cộng
  • Cảnh Báo Về Việc ‘Phân Biệt Đối Xử’ Tại Phi Trường Chicago
  • Cần Ứng Phó Với Trung Cộng, Kế Hoạch Hành Động Toàn Diện
  • Tập Cận Bình Làm Suy Yếu Quốc Vụ Viện