Tin Hoa Kỳ và Thế Giới
Viên Chức Hàng Đầu Của Chính Phủ TT Biden Thừa Nhận Nói Dối Trước Quốc Hội
Một viên chức hàng đầu trong chính phủ Biden đã thừa nhận nói dối trước Quốc hội khi tuyên bố không sở hữu cổ phiếu cá nhân.
Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Graholm, một người được TT Biden bổ nhiệm, nói với Uỷ Ban Năng Lượng và Tài Nguyên Thiên Nhiên của Thượng Viện hôm 20/04 rằng, bà không sở hữu cổ phiếu cá nhân, thay vào đó sở hữu các quỹ hỗ tương.
Trong một bức thư hôm 09/06 gửi cho Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia), bà Granholm cho biết bà đã không trung thực trong lần xuất hiện tại Điện Capitol. Bà thú nhận, “Tôi đã nói nhầm với Ủy ban rằng tôi không sở hữu bất cứ cổ phiếu cá nhân nào, trong khi lẽ ra tôi phải nói rằng tôi không sở hữu bất cứ cổ phiếu có xung đột lợi ích nào”.
Bà Granholm cho biết bà đã thoái vốn khỏi những tài sản có thể xung đột với các nhiệm vụ của mình khi được xác nhận là bộ trưởng năng lượng nhưng bà vẫn giữ lại những cổ phiếu mà các viên chức đạo đức chính phủ xác định sẽ không mâu thuẫn với những nhiệm vụ đó, và bà đã bán những cổ phiếu đó.
Bà Granholm cho biết, “Để làm cho các tài sản tài chính của tôi phù hợp với lời khai của mình, vào ngày 18/05/2023, tôi đã thoái số tài sản cổ phiếu còn lại bao gồm cổ phiếu của sáu công ty, mặc dù những tài sản này được coi là không có xung đột lợi ích”. Bà Granholm đã không nêu tên các công ty, và bà nói thêm rằng, những công ty này sẽ được xác định trong báo cáo hàng năm của bà.
Bà Granholm đã vi phạm các quy tắc công bố thông tin chứng khoán bằng cách cung cấp doanh số bán cổ phiếu hồi năm 2022 muộn hơn so với yêu cầu, trước đây bà đã thừa nhận trước Thượng viện. Bà cũng đã vi phạm Đạo luật Hatch khi ủng hộ Đảng Dân Chủ trong khi làm việc trong chính phủ.
Theo đoạn video ghi lại phiên điều trần, bà Granholm dường như đã không tuyên thệ khi khai man trước ủy ban này hồi tháng Tư. Hầu hết các nhân chứng làm chứng trước Thượng viện đều không tuyên thệ.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hiếm khi đưa ra các vụ kiện đối với các viên chức nói dối, bất kể họ có tuyên thệ hay không.
Lập Pháp Mỹ Cảnh Báo Về Chiến Tranh Lạnh Mới Với Trung Cộng
Các nhà lập pháp cho biết, kế hoạch được cho là của nhà cầm quyền Trung Cộng nhằm tạo lập một cơ sở nghe lén bí mật ở Cuba đang cảnh tỉnh người dân Hoa Kỳ. Wall Street Journal đưa tin, dẫn lời các viên chức Hoa Kỳ ẩn danh thông thạo với tin tức tình báo tuyệt mật rằng, gần đây Trung Cộng đã được Cuba thoả thuận để Trung Cộng thiết lập một cơ sở gián điệp ở Cuba để nghe lén và rình rập Hoa Kỳ. Được biết nơi đặt cơ sở chỉ cách Hoa Kỳ khoảng 100 dặm.
Các viên chức chuyên môn nói rằng, với khoảng cách đó, Trung Cộng có thể thu thập các thông tin liên lạc điện tử từ vùng đông nam Hoa Kỳ, là nơi có nhiều căn cứ quân sự. Căn cứ này có thể thu thập email, điện thoại, dữ kiện truyền qua vệ tinh,… Tin cho biết, Trung Cộng chấp thuận trả cho Cuba hàng tỷ Đô-la.
Tin này đã làm cho Hoa Thịnh Đốn phải quan tâm. Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal (Dân Chủ-Connecticut) nói với The Epoch Times rằng: “Bất cứ khi nào có hoạt động giám sát quá gần Hoa Kỳ, thì đó là hồi chuông cảnh báo cho chúng ta”. Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng Hòa-Florida), một nhà phê bình lâu năm về Trung Cộng cho rằng, sẽ có những hệ lụy rất tồi tệ sinh ra bởi kế hoạch của Bắc Kinh. Ông Rick Scott tuyên bố: “Hành động này của Trung Cộng đặt ra những mối đe dọa trầm trọng đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ mà không ai có thể làm ngơ. Tất cả người Mỹ nên cảnh giác về điều này. Đây không chỉ là hành động do thám chính phủ, vốn đã đủ xấu xa, mà còn là hành động theo dõi quý vị, xem thư điện tử và dữ kiện của quý vị”.
Thượng nghị sĩ Mike Braun (Cộng Hòa-Indiana) đã mô tả tin tức này là “đáng lo ngại”. Ông nói với The Epoch Times, “Tôi nghĩ đó là thêm một dấu hiệu nữa cho thấy Trung Cộng đang vượt qua ranh giới như thế nào, vì vậy tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta cần phải để mắt đến điều đó”.
Thượng nghị sĩ Pete Ricketts (Cộng Hòa-Nebraska) cho biết mặc dù ông chưa xem xét các chi tiết của tin tức này nhưng vẫn nói rằng: “Chúng ta không nên ngạc nhiên khi Trung Cộng tiếp tục có hành vi hung hăng đối với Hoa Kỳ, đó là lý do tại sao chúng ta cần có một lập trường mạnh mẽ để đẩy lùi họ”.
Sáu mươi mốt năm đã trôi qua kể từ khi Hoa Kỳ và Liên Xô tiến gần đến một cuộc xung đột hạch tâm nguy hiểm. Trong cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba năm 1962, Moscow đã đặt vũ khí hạch tâm ở Cuba, khiến Hoa Kỳ phải cô lập đảo quốc này. Liên Xô cuối cùng đã lùi bước và dỡ bỏ các cơ sở ấy.
Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) tuyên bố rằng, thỏa thuận mới của Trung Cộng với Cuba đã gợi nhớ lại những khoảnh khắc đó. Điều này “nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đang ở trong một cuộc Chiến Tranh Lạnh Mới, một lần nữa, đã đến trước cửa nhà chúng ta. Việc chúng ta hăng hái theo đuổi ngoại giao Trung Cộng sau vụ khinh khí cầu do thám chỉ càng làm cho Trung Cộng hung hăng thêm”.
Ông Gallagher, Chủ tịch Ủy Ban Đặc Trách Về Trung Cộng của Hạ Viện, cho biết tin tức ấy kêu gọi Hoa Kỳ thực hiện các hành động để đối phó với Bắc Kinh, bao gồm ngừng cấp phép xuất cảng vi mạch bán dẫn cho nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Trung Cộng Huawei vốn đã nằm trong danh sách đen; hạn chế đầu tư ra các nước ngoại quốc như Trung Cộng trong các lĩnh vực quan trọng; đóng các lỗ hổng thương mại cho phép hàng nhập cảng từ Trung Cộng được vào Hoa Kỳ miễn thuế, tăng cường an ninh nghiên cứu, và hạn chế cho phép người Trung Cộng mua đất gần các căn cứ quân sự nhạy cảm.
Ông nói, “Chúng ta phải lặp lại rằng, như Tổng thống Kennedy đã nói hơn 60 năm trước: ‘một con đường chúng ta sẽ không bao giờ chọn đi, đó là con đường đầu hàng hay khuất phục”.
Các Nhà Lập Pháp Thành Lập Lực Lượng Đặc Nhiệm Lưỡng Đảng Để Chống Lại Ảnh Hưởng Của Trung Cộng
Trong một cuộc họp báo tại House Triangle (khu vực họp báo ngoài trời phía Đông Điện Capitol Hoa Kỳ) ở Hoa Thịnh Đốn, Chủ tịch Ủy ban Hạ Viện về Tài Nguyên Thiên Nhiên Bruce Westerman (Cộng Hòa-Arkansas) và Thành viên Cao cấp Raúl M. Grijalva (Dân Chủ-Arizona) đã thông báo về việc thành lập lực lượng đặc nhiệm mới.
Ông Westerman nói, “Có lẽ không có mối đe dọa nào đối với an ninh quốc gia và sự thịnh vượng trong tương lai của Hoa Kỳ lớn hơn sự phát triển không ngừng của Trung Cộng và ảnh hưởng của nước này trên vũ đài thế giới”.
Các nhà lập pháp cho biết lực lượng đặc nhiệm này sẽ chống lại các chiến lược dài hạn của nhà cầm quyền Trung Cộng nhằm thống trị khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có một số vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ như Samoa thuộc Mỹ, Khối thịnh vượng chung Quần đảo Bắc Mariana (CMNI) và đảo Guam, cũng như các đối tác Thái Bình Dương bao gồm Liên bang Micronesia, Cộng hòa Quần đảo Marshall, và Cộng hòa Palau, được gọi chung là Các Quốc Gia Liên Kết Tự Do. Khu vực này cũng là quê hương của các đối tác quốc tế như Nhật Bản, Ấn Độ, và Nam Hàn.
Trong một thông cáo báo chí, ủy ban này nói rằng Trung Cộng, tên chính thức là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC), “đang tích cực tìm cách định hình lại các liên kết chính trị, kinh tế, và chiến lược trong khu vực”.
Họ cho biết Trung Cộng “đang tìm cách lợi dụng nền kinh tế tương đối yếu kém của các quốc đảo. Qua những lời đề nghị viện trợ kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng, Trung Cộng vừa tận dụng các nguồn lực của mình để định hình những kết quả chính trị cũng như nhận thức về Hoa Kỳ trong khu vực này, vừa tiến hành chiến tranh chính trị để giành ảnh hưởng hoặc gây bất ổn cho các quốc đảo”.
Như một phần trong chiến lược của mình, Trung Cộng đang tìm cách mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực này, lợi dụng các thỏa thuận thương mại với các quốc gia lân bang để thiết lập các căn cứ quân sự mới trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trung Cộng từ lâu cũng bị cáo buộc đánh cắp tài nguyên ở Biển Đông từ các nước khác trong khu vực.
Cũng có những lo ngại rằng Trung Cộng sẽ đưa sức mạnh quân sự đáng kể vào cuộc thử nghiệm và cố gắng xâm chiếm Đài Loan, một đảo quốc tự do tự trị mà Trung Cộng tuyên bố là của mình. Hồi tháng Tư, Trung Cộng đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận quân sự nhằm đe dọa các đối thủ.
Khi Nga và Trung Cộng ngày càng xích lại gần nhau sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, thì các quan chức an ninh quốc gia và các nhà lập pháp Hoa Kỳ ngày càng trở nên lo lắng trước mối đe dọa mà Trung Cộng gây ra trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ông Westerman cho biết, “Trung Cộng đã xây dựng một chiến lược nhằm thống trị các đảo quốc và vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương như một nền tảng để khai triển và duy trì lực lượng của mình. Chiến lược này là mối đe dọa trực tiếp đến ảnh hưởng và lợi ích kinh tế của Hoa Kỳ. Việc nhắm mắt làm ngơ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thì ít nhất là hành động vô trách nhiệm, và tệ nhất là một thảm họa an ninh quốc gia”.
Ông Westerman gọi việc thành lập lực lượng đặc nhiệm này là “một bước thiết yếu để hiểu toàn bộ các vấn đề đang diễn ra, nhờ đó chúng ta có thể hạn chế tốt hơn ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Cộng, đồng thời củng cố và duy trì mối bang giao của Mỹ với khối Các Quốc Gia Liên Kết Tự Do”.
Lực lượng đặc nhiệm gồm 14 thành viên sẽ được chia đều giữa các thành viên Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa.
Trung Cộng Mở Căn Cứ Gián Điệp Ở Cuba, Hoa Kỳ Gửi Phi Cơ Không Người Lái Đến Đài Loan
Nhà cầm quyền Trung Cộng được cho là đang chuẩn bị thiết lập một căn cứ gián điệp ở Cuba, trong khi đó Hoa Kỳ lại đang tìm cách gửi phi cơ không người lái và thông tin tình báo đến Đài Loan. Một nhà lập pháp Hoa Kỳ đã mô tả tình hình này là một cuộc “Chiến Tranh Lạnh Mới”.
Trung Cộng đang cai trị Trung Quốc như là một quốc gia độc tài độc đảng, đã đạt được một thỏa thuận bí mật với chế độ cộng sản của Cuba để thành lập một căn cứ gián điệp ở đó. Tin được loan tải lần đầu bởi Tạp chí Wall Street Journal, vốn chỉ trích dẫn các nguồn ẩn danh, căn cứ này sẽ được nhà cầm quyền cộng sản sử dụng và có thể bao gồm các hoạt động như nghe lén các cuộc gọi điện thoại, thư điện tử, và liên lạc vệ tinh của Mỹ.
Cơ sở được dự tính sẽ được xây dựng cách bờ biển Florida chưa đầy 100 dặm (160.93 km), có khả năng cho phép nhà cầm quyền nước này thu thập bất hợp pháp thông tin liên lạc điện tử từ một vùng rộng lớn ở đông nam Hoa Kỳ, bao gồm các tàu đi qua và các cơ sở quân sự.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã không đưa ra cách giải quyết trực tiếp đối với các cáo buộc trong bản tin kể trên nhưng lại nói với The Epoch Times rằng bộ đang theo dõi và tìm cách chống lại các nỗ lực của Trung Cộng nhằm phát triển cơ sở hạ tầng quân sự ở khu vực Tây Bán cầu này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao cho biết, “Chúng tôi không thể nói cụ thể về tin tức này. Nhưng chúng tôi biết rằng, những nỗ lực của Trung Cộng nhằm đầu tư vào cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới bao gồm mục đích quân sự. Chúng tôi theo dõi tình hình này chặt chẽ, thực hiện các bước để chống lại hoạt động đó, và vẫn tự tin rằng chúng tôi có thể đáp ứng tất cả các cam kết an ninh ở trong nước, trong khu vực, và trên toàn thế giới”.
Bản tin của Wall Street Journal trích dẫn các quan chức ẩn danh nói rằng Trung Cộng đã đồng ý trả cho Cuba hàng tỷ dollar để đổi lấy cơ hội xây dựng căn cứ gián điệp ở sân sau của Mỹ.
Hành động này là một thách thức trực tiếp đối với an ninh của Hoa Kỳ và khiến người ta liên tưởng đến cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba năm 1962. Khi đó, Liên Xô đã khai triển các hỏa tiễn mang đầu nguyên tử tới Cuba. Hoa Kỳ đáp trả bằng cách “cô lập” đảo quốc này.
Cuộc khủng hoảng đó được xem là cuộc đối đầu trực tiếp đẩy hai cường quốc này tới cận kề chiến tranh hạch tâm. Tuy nhiên, hai quốc gia này cuối cùng đã lùi bước, cụ thể là Liên Xô đã rút hỏa tiễn khỏi Cuba và Hoa Kỳ rút hỏa tiễn khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.
Hoa Kỳ đã không nối lại quan hệ ngoại giao với Cuba từ khi mối bang giao này bị cắt đứt vào năm 1961, cho đến khi chính phủ Obama xóa tên Cuba khỏi danh sách Các Nước Tài trợ Khủng bố vào năm 2015.
Trong khi Trung Cộng chuyển sang do thám trực tiếp trong nội địa Hoa Kỳ, thì Hoa Kỳ lại đang tìm cách sắp đặt các phương tiện an ninh mới đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo một bản tin mới của tờ Financial Times, Hoa Kỳ dự định sẽ cung cấp bốn phi cơ không người lái cho Đài Loan, và sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động chia sẻ thông tin tình báo giữa ba cường quốc.
General Atomics, một nhà thầu quốc phòng, sẽ giao bốn phi cơ không người lái MQ-9B SeaGuardian cho Đài Loan vào năm 2025. Kết hợp với chương trình chia sẻ thông tin tình báo, có thể cải thiện đáng kể khả năng của Đài Loan trong việc định vị, theo dõi, và tiêu diệt các tàu có thái độ thù địch trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Trung Cộng.
Các lực lượng của Đài Loan sẽ được huấn luyện về cách sử dụng hệ thống này cùng với các đối tác Mỹ và Nhật Bản.
Khả năng này cũng sẽ mang lại cho Đài Loan một cái nhìn rộng hơn về các hoạt động quân sự của Trung Cộng xung quanh hòn đảo và khắp chuỗi đảo thứ nhất trải dài từ bắc xuống nam vốn ngăn cách Trung Cộng với khu vực Thái Bình Dương rộng mở.
Ông Robert F. Kennedy Jr. Bác Bỏ Mối Đe Dọa Quân Sự Của Trung Cộng
Trong một cuộc trò chuyện trên Twitter Spaces hồi đầu tuần này với ông Elon Musk, ông Robert F. Kennedy, một ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Chủ đã kêu gọi Hoa Kỳ nên tham gia đàm phán với Trung Cộng và cạnh tranh kinh tế chứ không nên cạnh tranh quân sự.
Ông Kennedy nói: “Trung Cộng không thể và không muốn cạnh tranh quân sự với chúng ta. Vậy, đây phần nào là một lời tiên tri tự ứng nghiệm nói rằng, ‘Trung Cộng không muốn trở thành kẻ thù của chúng ta. Những gì chúng ta nên làm là giảm leo thang áp lực quân sự đối với Trung Cộng”.
Ông Kennedy đặt ưu tiên cho việc xây dựng lại cơ sở kỹ nghệ của Hoa Kỳ. Ông tin rằng chế độ Trung Cộng đã làm tốt hơn rất nhiều ở phương diện “đưa sức mạnh kinh tế ra ngoại quốc”. Ông Kennedy cho rằng, Hoa Kỳ đang ở trong thế đơn độc vì gây hấn với Trung Cộng và đừng nghĩ rằng, thế giới đang đứng về phía Hoa Kỳ. Ông cũng cho rằng, các nước Úc, New Zealand, Nam Hàn, Nhật Bản, Anh, Canada cũng muốn Hoa Kỳ hoà hoãn với Trung Cộng thì tại sao Hoa Kỳ lại muốn chiến tranh.
Ông Kennedy tin rằng, “Họ không muốn chiến tranh, họ muốn hòa bình và họ muốn thịnh vượng, và điều đó không thể xảy ra khi có chiến tranh. Hoa Kỳ nên giảm nói chuyện chiến tranh về các vấn đề như Đài Loan và nên có “một cuộc đàm phán thông minh hơn với Trung Cộng”.
Ông Kennedy còn cho rằng, “Đài Loan và Trung Cộng – có thể tự giải quyết vấn đề xung đột và tự rút lui về mặt quân sự”.
Hồi tháng trước, trong khi Giám đốc CIA William Burns thực hiện một chuyến đi bí mật tới Trung Cộng để tái lập mối bang giao với Bắc Kinh, thì ông Kennedy lại nói rằng ông muốn có một “cuộc thảo luận kinh tế và chính trị thực sự” với Trung Cộng, để xem liệu có những cách nào mà chúng ta có thể làm việc với nhau một cách hòa bình hay không.
Đối với ông John Mills, một đại tá quân đội đã về hưu, người trước đây giám sát chính sách an ninh mạng và các vấn đề quốc tế tại Bộ Quốc Phòng, cho rằng, những lời nhận xét đó cho thấy ông Kennedy “gần như quá ngây thơ trước hành vi thâm độc của Trung Cộng”. Ông Mills lấy làm lạ và nói rằng, “Chính ông ấy từng có những quan điểm mạnh mẽ về virus và vaccine. Ông ấy không biết virus đến từ đâu sao”?.
Mở rộng sức mạnh quân sự và sự hiện diện ở ngoại quốc là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh. Hồi tháng Ba, lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình đã nhắc lại lời kêu gọi phát triển nhanh hơn một “quân đội có tầm vóc” của ông, chỉ vài tháng sau khi ông ra lệnh cho quân đội Trung Cộng tăng cường và chuẩn bị cho chiến tranh.