Tin Thế Giới.
ĐIỂM TUẦN BÁO. Ukraina tổng phản công : Giờ của sự thật đã điểm! (RFI)
The Economist, L’Obs, L’Express, Courrier International đều nhận định cuộc phản công của Ukraina đã bắt đầu ở mọi hướng, nhưng dường như mũi nhọn là ở Zaporijia. Khoảng thời gian vài tuần lễ tới là rất quan trọng, người Ukraina cần một chiến thắng hơn bao giờ hết.
The Economist đăng ảnh trang nhất một bàn tay giơ cao mang hai màu xanh vàng – màu cờ Ukraina – với dòng tít lớn « Ukraina phản công ». Đây cũng là chủ đề nóng nhất trên trang web của các tuần báo.
Thủ lãnh Wagner : Số thương vong của Ukraina do Matxcơva công bố là « hoang đường »
The Economist nhận định cuộc phản công đang được tiến hành, và khoảng thời gian vài tuần tới là rất quan trọng.Ukraina đã có những hoạt động dọc theo 1.000 kilomet chiến tuyến để thăm dò những điểm yếu của phía Nga. Và nay trắc nghiệm khả năng phòng thủ của địch với cường độ chưa từng thấy kể từ nhiều tháng qua, với một loạt tấn công ở miền đông và miền nam.
Một blogger quân sự Nga hôm 08/06 đã báo động là lực lượng Ukraina đánh vào Zaporijia. Trước tiên là pháo kích ồ ạt, rồi xe tăng tiến vào. Có đến bốn đoàn xe gồm 120 thiết giáp, mỗi đoàn được mười mấy xe tăng dẫn đầu, tiến từ Orikhiv đến Tokmak, một thị trấn nằm trên dải đất chiếm đóng nối với Crimée. Cuộc tấn công trong đêm ở Zaporijia là một cột mốc quan trọng cho quân đội Ukraina kể từ đầu cuộc chiến : tiến đánh quy mô vào ban đêm, từ hai hướng.
Những dấu hiệu đầu tiên được nhận thấy từ ngày 04/06, khi nhiều lữ đoàn Ukraina tiến về phía Velyka Novosilka đến Novodonetske, những ngôi làng nằm gần Vuhledar đang bị Nga chiếm. Theo chuyên gia Rob Lee của King’s College ở Luân Đôn, khu vực này quân Nga khá yếu vì đã bị thiệt hại nặng vào mùa xuân, và một số đơn vị đã được điều đến Bakhmut. Việc tấn công vào Tokmak và gần Vuhledar đe dọa không chỉ Melitopol mà cả những thành phố cảng Berdyansk, Mariupol nằm xa hơn ở miền nam, phía Biển Azov. Nếu xuyên thủng được hàng phòng ngự dày đặc của Nga, có hy vọng cắt đứt được cây cầu trên bộ này.
Nga nói rằng đã đẩy lùi được cuộc tấn công gần Vuhledar, phía Ukraina có đến 3.715 chiến binh thương vong. Không chỉ Kiev, mà cả thủ lãnh Wagner Evgueni Prigojine cũng bác bỏ, nói rằng con số này là « khoa học giả tưởng hoang đường và phi lý ». Phương Tây nhận định Ukraina có được những tiến triển cho dù các video cho thấy giao tranh rất ác liệt. Chuyên gia John Helin của Black Bird Group cho biết Ukraina đã chiếm được những điểm cao ở Storozheve, tạo thuận lợi để đánh tiếp, cầm chân được hai sư đoàn cơ giới của Nga.
Quân Nga được bố trí theo hình lưỡi liềm từ Kherson ở miền nam tới Luhansk ở đông bắc, và cả hai đầu đều phải đối phó với những cuộc tấn công của Ukraina. Hơn nữa Matxcơva còn bị phân tâm trước những vụ xâm nhập của các lực lượng người Nga lưu vong tại Belgorod, hôm 05/06 một đại tá Nga đã tử thương.
Nếu miền đông bị chiếm lại, mục tiêu « giải phóng » của Putin tan tành
Trong khi đó giao tranh vẫn chưa ngưng tại Bakhmut và ở Soledar – nằm phía bắc thành phố này, cho thấy quân Nga có thể bị Ukraina bao vây. Nếu Kiev giành lại được Bakhmut, sẽ xóa sạch kết quả khả dĩ duy nhất của Nga trong năm ngoái. Một bước tiến lớn hơn quanh Donbass cũng giúp Ukraina tái chiếm lãnh thổ đã mất năm 2014. Đó sẽ là nỗi nhục cho Nga, mục tiêu « giải phóng » miền đông coi như tiêu tan.
Một trong số 9 lữ đoàn được phương Tây giúp huấn luyện là lữ đoàn 37 có thể đã tham gia gần Vuhledar, vì có sự xuất hiện của các xe tăng hạng nhẹ Pháp AMX-10RC và xe chống mìn Mastiff của Anh. Trên lý thuyết, chừng đó là đủ xuyên thủng phòng tuyến nhiều lớp của Nga dọc theo một chiến tuyến khoảng 20 kilomet.
Quân Ukraina giành thêm được ba ngôi làng ở miền đông nam (RFI).
Bộ Quốc Phòng Ukraina hôm qua, 12/06/2023, thông báo đã giành thêm được ‘‘ba ngôi làng ở miền đông nam’’ tiếp theo các chiến thắng ở miền đông. Tổng cộng quân đội Ukraina đã chiếm được 7 làng kể từ đầu cuộc phản công. Bốn ngôi làng chiếm được trước đó thuộc tỉnh miền đông Donetsk.
Theo hãng tin Anh Reuters, trên mạng Telegram, thứ trưởng Quốc Phòng Ukraina Hanna Maliar hôm qua, 12/06/2023, cho biết ba làng mà họ mới chiếm lại nằm dọc chiến tuyến dài khoảng 100 cây số, phía nam thành phố Zaporijjia, thủ phủ tỉnh Zaporijjia. Trong phát biểu hàng ngày vào tối hôm qua, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky khẳng định chiến dịch phản công đẩy lùi quân Nga là ‘‘khó khăn’’, nhưng ‘‘đang tiến triển’’.
Phóng sự của Julien Chavanne và Jad El Khoury từ Kiev :
Một người đàn ông tên Sacha nói : ‘‘Binh sĩ của chúng tôi đã sẵn sàng 100%’’. Sacha tin tưởng hoàn toàn là chiến dịch được bắt đầu từ mấy ngày nay để đẩy lùi quân Nga sẽ đạt kết quả. Người đàn ông về hưu này không thể hình dung một viễn cảnh nào khác hơn là chiến thắng. Ông nói : ‘‘Tôi tin tưởng 100%. Tôi đã nghe tổng thống Zelensky khẳng định là chiến dịch đã bắt đầu, và không có đường lui’’.
Trong khi đó, Yulia, phóng viên của một tờ báo mạng, cảnh báo về tâm lý tin tưởng quá mức. Nữ phóng viên này tỏ ra thận trọng : ‘‘Không nên ăn mừng chiến thắng quá sớm. Tất cả mọi người đều biết chiến dịch phản công sẽ diễn ra. Giờ đây chúng tôi chỉ biết chờ quân đội chính thức thông báo các chiến công. Như chúng ta đã thấy, khi Kherson được giải phóng, ai cũng đều trào nước mắt. Nhưng phải đợi thông báo chính thức của quân đội’’.
Đối đầu với cuộc phản công, quân đội Nga lần này đã có thời gian chuẩn bị và đây là điều khiến Arthur – một quân nhân tình nguyện thuộc binh đoàn quốc tế bảo vệ Ukraina – lo ngại. Súng lục đeo trên thắt lưng, trong bộ quân phục ngụy trang, Arthur cho biết: ‘‘Tại vùng Donestk, quân Nga đã chiếm được nhiều vị trí chiến lược và về phía Zaporijjia, họ đã có thời gian để củng cố chiến tuyến, đào giao thông hào. Họ đã có thời gian chuẩn bị, họ đã sử dụng tốt khoảng thời gian này. Họ cũng đã có một chiến lược tốt, nhưng tôi không nghĩ rằng điều này sẽ giúp họ’’.
Quân đội Ukraina đang tiến hành nhiều cuộc đột kích, đặc biệt là nhằm xác định được các điểm yếu của phía Nga. Về phần mình, Nga khẳng định đã ‘‘đẩy lùi’’ nhiều đợt tấn công của các lực lượng Ukraina’’.
Trong khi đó, quân Nga đã oanh kích vào một khu chung cư ở Kryvyï Rig, tỉnh Dnipropetrovsk, miền trung Ukraina. Ít nhất 6 người chết, 25 người bị thương, và 7 người khác ‘‘có thể đang bị vùi trong các đống đổ nát’’, theo thông báo của chính quyền địa phương hôm nay, 13/06/2023. Kryvyï Rig, với khoảng 600 nghìn dân trước chiến tranh, là thành phố quê hương của tổng thống Ukraina Zelensky.
Mỹ ‘đã làm chậm lại’ sự bành trướng quyền lực của Trung Cộng ở nước ngoài (BBC)
Chính quyền của Tổng thống Biden đã thực hiện các bước đi ngoại giao để làm chậm lại nỗ lực của Trung Cộng nhằm khuếch trương sức mạnh quân sự khắp thế giới, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay vào hôm thứ Hai, trước chuyến thăm Bắc Kinh vào cuối tuần này, theo Reuters.
Trong cuộc họp báo, ông Blinken được hỏi về phản ứng của Washington trước thông tin mới công bố của Wall Street Journal cuối tuần trước, dẫn lời một quan chức Mỹ nói rằng một nỗ lực gián điệp mới của Trung Cộng đang được thực hiện ở Cuba.
Ông Blinken nói rằng nỗ lực của Trung Cộng ở Cuba là một phần trong nỗ lực toàn cầu của nước này nhằm mở rộng sự hiện diện của họ ở nước ngoài, và rằng các hành động của Mỹ để giải quyết vấn đề này kể từ khi ông Biden lên nắm quyền vào tháng 1/2021 đã đạt được các kết quả, nhưng không nói rõ chúng là gì.
“Các chuyên gia của chúng tôi đánh giá rằng các nỗ lực của chúng tôi đã làm chậm lại nỗ lực này của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC),” ông Blinken nói.
Hôm thứ Hai, Trung Cộng đã phủ nhận việc sử dụng Cuba làm căn cứ gián điệp.
Ông Blinken nói rằng chính quyền của cựu tổng thống Donald Trump đã biết đến việc Trung Cộng nâng cấp các cơ sở thu thập thông tin tin báo vào năm 2019, nhưng các hành động để giải quyết vấn đề này ‘không đạt được tiến triển cần thiết”.
Các quan chức sắp tới của chính quyền Biden đã được thông tin ngắn gọn về nỗ lực của Trung Cộng trong việc ‘mở rộng cơ sở hạ tầng, hậu cần ở nước ngoài, các cơ sở thu thập thông tin tình báo, để cho phép họ triển khai và duy trì sức mạnh quân sự từ xa,” bao gồm cả việc nâng cấp các cơ sở ở Cuba, ông Blinken nói.
Tổng thống Biden đã yêu cầu các cộng sự thực hiện các bước tiếp cận trực tiếp hơn, bao gồm tương tác với các chính phủ đang xem xét cho Trung Cộng đặt căn cứ, và trao đổi thông tin với họ.
“Chúng tôi đã thực hiện các bước tiếp cận đó một cách lặng lẽ, cẩn thận, nhưng theo đánh giá của chúng tôi, có kết quả. Tôi không thể đi vào từng chi tiết việc chúng tôi đã thực hiện, nhưng chiến lược bắt đầu bằng ngoại giao,” ông Blinken nói.
NATO khởi động cuộc tập trận không quân lớn nhất trong lịch sử, với Nga trong tầm nhắm (RFI)
Bắt đầu từ hôm nay, 12/06/2023 và sẽ kéo dài cho đến ngày 23/06, hàng trăm chiến đấu cơ và các loại máy bay quân sự khác của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO và các đối tác, tham gia một cuộc tập trận không quân được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử của khối này. Dù không nói ra, nhưng mục tiêu cuộc tập trận là phô trương lực lượng trước các mối đe dọa đến từ Nga.
Cuộc diễn tập không quân mang tên “Air Defender 23 – Bảo vệ bầu trời 23” do Đức dẫn đầu sẽ huy động khoảng 250 máy bay quân sự từ 25 thành viên NATO và các quốc gia đối tác trong đó có Nhật Bản và Thụy Điển. Lực lượng tham gia cuộc tập trận lên đến 10.000 người trong đó riêng Hoa Kỳ huy động đến 2.000 Vệ Binh Không Quân Quốc Gia Hoa Kỳ và khoảng 100 máy bay.
Cuộc diễn tập “Air Defender 23” nhằm tăng cường khả năng tương tác và sẵn sàng tự vệ chống lại các loại drone và tên lửa hành trình trong trường hợp các thành phố, sân bay hoặc cảng biển trong lãnh thổ NATO bị tấn công. Cuộc tập trận bao gồm các bài tập huấn chiến và tác chiến, chủ yếu diễn ra ở Đức, nhưng cũng ở Cộng hòa Séc, Estonia và Latvia.
Khi giới thiệu cuộc tập trận vào tuần trước, trung tướng Không Quân Đức Ingo Gerhartz khẳng định rằng sự kiện này “không nhằm vào bất kỳ ai”, nhưng lại cho biết là “Air Defender” được thiết kế vào năm 2018 như một phần trong các phản ứng đối với việc Nga sáp nhập vùng Crimée của Ukraina trước đó 4 năm.
Theo tướng Gerhartz, mặc dù NATO sẽ bảo vệ từng tấc đất của mình, nhưng cuộc tập trận sẽ không “thực hiện bất kỳ phi vụ nào như hướng về Kaliningrad chẳng hạn”. Kaliningrad là vùng lãnh thổ của Nga giáp giới với các thành viên liên minh là Ba Lan và Litva.
Điều đáng chú ý là cuộc tập trận không quân rầm rộ lần này của khối NATO lại diễn ra ở Đức, và đặt dưới quyền chỉ huy của Berlin.
Theo thông tín viên RFI Delphine Nerbollier tại Đức, thực tế này chứng tỏ tầm quan trọng không ngừng gia tăng của Đức trong liên minh:
“Miền đông nước Đức đang bị một liên minh quân sự nước ngoài chiếm đóng, nguồn cung cấp năng lượng của đất nước đang bị giảm thiểu, các chiến dịch tung thông tin sai lệch đang gia tăng và Berlin kêu gọi NATO giúp đỡ: Vừa rồi là kịch bản cơ bản của cuộc tập trận không quân trong 10 ngày tới đây.
Trong kịch bản này, Berlin nổi bật trong vai trò nhà tổ chức cuộc tập trận rất hùng hậu, qua đó khẳng định vai trò ngày càng tăng của mình trong NATO.
Trung Cộng tập trận bắn đạn thật ở biển Hoa Đông, phía bắc Đài Loan (RFI)
Trung Cộng hôm 13/06/2023, bắt đầu các cuộc luyện tập quân sự ở biển Hoa Đông hướng đến phía bắc Đài Loan, bao gồm cả các cuộc tập trận bắn đạn thật từ tàu chiến, trong bối cảnh Hoa Kỳ và các đồng minh vừa tập trận ở khu vực tây Thái Bình Dương.
Reuters nhắc lại Trung Cộng thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận dọc theo bờ biển của nước này, nhưng các cuộc tập trận gần Đài Loan thường thu hút chú ý nhất. Hôm nay, các cuộc tập trận của Trung Cộng diễn ra gần quần đảo Dachen mà Đài Loan từng kiểm soát cho đến năm 1955, sau khi đảo này và nhiều đảo lân cận khác bị các lực lượng Trung Cộng chiếm giữ sau một trận chiến đẫm máu.
Cục An toàn Hàng hải Trung Cộng hôm nay 13/06 đã phát đi cảnh báo cấm tàu thuyền lưu thông từ cuối buổi sáng đến giữa buổi chiều ở khu vực ngoài khơi thành phố Thái Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang, do có tập trận bắn đạn thật từ tàu chiến. Các cuộc tập trận khác trong cùng khu vực kéo dài đến tối nay. Cục An toàn Hàng hải cũng cho biết Trung Cộng sẽ tổ chức các cuộc tập trận khác ở một vùng phía bắc biển Hoa Đông cho đến chiều mai.
Hải quân Nhật – Mỹ – Pháp thao dượt chung ở Thái Bình Dương và biển Hoa Đông
Theo đài NHK, lực lượng phòng vệ của Nhật hôm nay thông báo đã tham gia thao dượt đa phương với Hải quân Mỹ và Pháp tại Thái Bình Dương và biển Hoa Đông từ ngày 7 đến 10/06. Cuộc thao dượt có sự tham gia của 9 tàu chiến, trong đó có 2 tàu khu trục của Nhật, 2 tàu sân bay của Mỹ và 1 tàu chiến của Pháp.
Máy bay của Lực lượng phòng không Nhật và oanh tạc cơ của Không quân Mỹ cũng tham gia diễn tập để cải thiện khả năng chiến thuật và tăng cường hợp tác giữa các bên tham gia. Theo NHK, đây là lần thứ 6 ba nước tổ chức diễn tập chung, nhưng là lần đầu tiên các tàu sân bay của Mỹ được triển khai.
Biển Đông : Trung Cộng cử tàu tuần tra mới Haixun 03 đến vùng biển có tranh chấp chủ quyền
Còn tại vùng Biển Đông, theo South China Morning Post, Trung Cộng đã cử tàu tuần tra mới Haixun 03 đến quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp ở Biển Đông để củng cố yêu sách của Bắc Kinh đối đối với khu vực. Truyền thông nhà nước Trung Cộng hôm qua 12/06 đưa tin là tàu Haixun 03 đã đến Đảo Phú Lâm (mà Trung Cộng gọi là Yongxing) và sẽ tuần tra vùng biển xung quanh đảo này cho đến đầu tháng 07/2023.
Cố vấn an ninh Mỹ Nhật Philippines lần đầu tiên họp ba bên (RFI)
Nhà Trắng ngày 13/06/2023 ra thông cáo cho biết, tổng thống Mỹ Joe Biden cử cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đến Tokyo gặp các đồng cấp Nhật, Hàn Quốc và Philippines trong tuần này. Thông cáo của Nhà Trắng còn cho biết thêm ông Sullivan sẽ dự cuộc họp « các cố vấn an ninh ba bên Mỹ – Nhật – Philippines đầu tiên ».
Tuy nhiên, Nhà Trắng cung cấp rất ít chi tiết về chuyến đi Tokyo hai ngày của ông Sullivan bắt đầu từ thứ Năm 15/6, và chỉ cho biết rằng cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng cùng các đồng cấp « sẽ thảo luận cách thức thắt chặt quan hệ hợp tác trong nhiều vấn đề chủ chốt của khu vực và toàn cầu ».
Chuyến thăm Tokyo của Jake Sullivan diễn ra không lâu sau cuộc thao dợt tuần duyên giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines gần vùng Biển Đông có tranh chấp, được tổ chức vào đầu tháng Sáu này. Theo hãng tin Mỹ AP, Washington đang gia tăng nỗ lực củng cố các liên minh tại châu Á trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt với Bắc Kinh.
Quan hệ Mỹ – Trung đã xuống cấp nghiêm trọng trong nhiệm kỳ tổng thống Biden. Đôi bên căng thẳng trong nhiều vấn đề từ tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, hồ sơ Đài Loan, hoạt động gián điệp của Trung Quốc trên lãnh thổ Mỹ và tại Cuba.
Theo AP, hiện cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đang có mặt tại Ấn Độ, gặp người đồng cấp Ajit Doval, để chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước của thủ tướng Narendra Modi đến Washington vào ngày 22/6. Trong cuộc gặp ngày hôm qua, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ – Ấn đã thảo luận về khả năng hợp tác giữa đôi bên trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và quốc phòng, theo như thông báo từ bộ Ngoại Giao Ấn Độ.
Gia nhập NATO: Thổ Nhĩ Kỳ muốn Thụy Điển tỏ nhiều thiện chí hơn (RFI)
Hôm nay, 14/06/2023, các quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Phần Lan và khối NATO – Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương gặp nhau tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, để tiếp tục đàm phán về việc Thụy Điển xin gia nhập NATO.
Từ 13 tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn đề nghị của Thụy Điển với lý do chính quyền Stockholm đã có thái độ dung túng đối với những cá nhân và các nhóm mà Ankara coi là khủng bố.
Thụy Điển hôm thứ Hai, 12/6, đã thông báo cho dẫn độ sang Thổ Nhĩ Kỳ một thành viên ủng hộ Đảng Lao Động Kurdistan (PKK), bị kết án ở Thụy Điển vì tội buôn thuốc phiện. Một đạo luật khác siết chặt quy định chống khủng bố đã có hiệu lực từ ngày 01/6. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn trông chờ Thụy Điển có nhiều cử chỉ thiện chí hơn.
Từ Istanbul, thông tín viên Anne Lauder, gửi về bài tường trình ::
« Ankara xem những nỗ lực gần đây của Thụy Điển như là “những cử chỉ tích cực”. Dù vậy, Ankara cho là vẫn chưa đủ để chấp thuận cho nước này gia nhập NATO, hơn nữa, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ không vội và cũng không chịu áp lực nào để thay đổi ý kiến trước kỳ họp thượng đỉnh của Liên minh Quân sự ở Vilnius ngày 11 và 12/7.
Recep Tayyip Erdogan, người quyết định duy nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ, muốn nhiều hơn nữa. Ông đòi Thụy Điển cho dẫn độ hàng chục công dân Thổ Nhĩ Kỳ, chí ít là một số nhân vật biểu tượng có liên hệ với Đảng Lao Động Kurdistan và Fethullah Gulen, nhà thuyết giáo bị cáo buộc đã chỉ đạo cuộc đảo chính hụt tháng 7/2016.
Yêu cầu này không những được các cử tri của tổng thống ủng hộ, mà cả một số đảng đối lập, vốn dĩ cũng xem PKK và ông Fethullah Gulen như là những kẻ thù chính của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, phần lớn các nhà quan sát nhận định rằng ông Erdogan không phải đang đàm phán với Thụy Điển, mà thực ra là với Hoa Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ muốn trang bị khoảng 40 chiếc chiến đấu cơ F-16. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắn tiếng với Recep Tayyip Erdogan rằng việc giao số máy bay này tùy thuộc vào quyết định của Erdogan liên quan đến hồ sơ Thụy Điển. »
Tin Việt Nam.
Việt Nam: 2 trụ sở công an xã trên Tây Nguyên bị tấn công bằng súng, nhiều người chết
Hai trụ sở công an địa phương tỉnh Đắk Lắk, vùng Tây Nguyên miền trung Việt Nam, bị tấn công rạng sáng ngày 11/06/2023. Nhiều công an, cán bộ thiệt mạng, sáu nghi phạm bị bắt, theo báo chí trong nước. AFP ghi nhận, một số báo mạng tại Việt Nam đã rút tin này xuống, sau đó được đăng trở lại.
Ngày hôm sau 12/6, Truyền thông quốc tế nói có 45 người thuộc diện tình nghi bị bắt trong vụ tấn công hai trụ sở Công an xã Ea Tiêu và Ea Ktur diễn ra ở Đắk Lắk vào rạng sáng ngày 11/6.
Ngày 13/6, trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho báo chí biết, các lực lượng đang tiếp tục truy tìm số nghi phạm còn lại. “Hiện chưa có thống kê cụ thể số người lẩn trốn”.
Theo trang VnExpress, khoảng 0 giờ 35 phút ngày 11/6, tại địa bàn xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin có một nhóm đối tượng khoảng 10 người mặc đồ rằn ri, đi xe máy kéo đến trụ sở Uỷ ban và Công an xã Ea Tiêu. Sau khi sát hại hai cán bộ công an, nhóm này ra ngã ba Ea Sim, quốc lộ 27, chặn ôtô bán tải và bắn chết tài xế.
Cùng lúc, một nhóm khác gồm 30 người đi hai xe Jeep và xe máy, tấn công trụ sở UBND và Công an xã Ea Ktur. Chúng dùng súng và dao tấn công một thiếu tá 42 tuổi, một đại uý 35 tuổi và hai thượng uý 21-29 tuổi. Gây án xong, chúng ra đường bắn Bí thư, Chủ tịch xã và một thanh niên, trích VnExpress.
Thông Tấn Xã Việt Nam dẫn lời trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn bộ Công An, cho hay ‘‘một nhóm người chưa xác định danh tính dùng súng tấn công trụ sở Công an xã Ea Tiêu và Ea Ktur làm chết, bị thương một số đồng chí công an xã, cán bộ xã, người dân.’’ Bộ Công An Việt Nam cũng ‘‘khuyến cáo, các cơ quan truyền thông cần kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải để đảm bảo thông tin đúng sự thật’’.
Báo Sài Gòn Giải Phóng online đưa tin, ngay sau vụ tấn công này, cơ quan chức năng phát hiện hơn 1.000 bộ quần áo, mũ rằn ri và thắt lưng đã qua sử dụng tại cơ sở kinh doanh ở thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) mà chủ cơ sở buôn bán không xuất trình được hoá đơn chứng từ. Nhà chức trách đã tạm giữ số hàng trên để xử lý theo pháp luật.
Nhà bình luận thời sự ở Hà Nội cho rằng, việc truy tìm và thu giữ quần áo rằn ri cũng giống như hành động mới đây phản đối đồng xu lưu niệm 50 năm kết thúc cuộc tham chiến của Australia trong Chiến tranh Việt Nam, hay cấm cờ vàng, thể hiện một tâm thế ti tiện, hoảng loạn như “con én sợ cành cong.” Nó không có cơ sở pháp lý nào mà lại gây cười trong khi hàng giả, hàng cấm thì tràn lan không ai quản lý được.
Ông Y-Duen Buondap, Giám đốc điều hành của Tổ chức Dega Tây Nguyên (Dega Central HighLands Organization) có địa chỉ liên lạc ở tiểu bang North Carolina – Hoa Kỳ , tuyên bố tổ chức của ông không liên quan gì đến sự việc vừa xảy ra. Trong cuộc phỏng vấn của RFA vào ngày 12/6 ông khẳng định.
Ngay trong cùng ngày xảy ra vụ việc, tổ chức Người Thượng vì Công Lý ra thông cáo báo chí tuyên bố tổ chức này không liên quan đến sự kiện bạo lực. Trong thông cáo này, nhóm nói rằng họ không liên quan đến bất kỳ nhóm hoặc cá nhân nào xúi giục, thúc đẩy, âm mưu hoặc tiếp tay cho việc sử dụng bạo lực vì bất kỳ mục đích gì.
Dư luận lo ngại rằng Nhà nước Việt Nam có thể sẽ sử dụng những vụ việc tương tự để làm căn cứ biện minh cho chính sách đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập từ trước đến nay trong khi cộng đồng quốc tế sẽ dè dặt trong việc trợ giúp cho người Thượng đang bị áp bức.
Hiện tại, chưa rõ động cơ của hai vụ tấn công nói trên. Bạo lực với súng ống hiếm khi xảy ra tại Việt Nam, nơi việc sở hữu súng là bất hợp pháp và ‘‘thị trường súng chợ đen có quy mô hạn chế’’. Theo hãng tin Pháp, ‘‘các vùng đất thuộc khu vực Tây Nguyên, nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, được coi là một khu vực nhạy cảm đối với nhà cầm quyền, và từ lâu tại khu vực này, đã có nhiều phản kháng trong dân chúng, cụ thể như với các tranh chấp về đất đai’’. (Tổng hợp)
Ba luật sư vụ án Tịnh thất Bồng Lai bị Công an Long An truy tìm
Ngày Chủ Nhật 11 Tháng Sáu, Công an tỉnh Long An đăng tải trên trang báo điện tử của họ bản “Thông báo truy tìm người” với nội dung “truy tìm 3 đối tượng”, là 3 luật sư tham gia bào chữa vụ án Tịnh thất Bồng Lai, bị cáo buộc phổ biến trên mạng video clip những hình ảnh, lời nói, bài viết bị vu cho là “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” theo điều 331 Luật Hình sự.
Bản thông báo này được phần lớn các báo tuyên truyền chính thống của chế độ Hà Nội đăng tải lại cùng ngày. Ba người bị hài tên trong bản thông báo kể trên là ba luật sư tham gia bào chữa trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai gồm luật sư Đặng Đình Mạnh, 55 tuổi, luật sư Nguyễn Văn Miếng, 57 tuổi, và luật sư Đào Kim Lân, 56 tuổi. Họ đều có văn phòng luật và sống ở Sài Gòn, Thủ Đức.
Bản “Thông báo truy tìm” nói rằng cả ba luật sư nói trên đã bị Công an Long an triệu tập nhiều lần vì những clip và bình luận trên mạng xã hội về vụ án Tịnh thất Bồng Lai mà họ tham gia bào chữa hồi năm ngoái. Vì họ không đến hẹn theo giấy triệu tập, Công an phường đến chỗ ở của họ đều không thấy và “không liên lạc được” nên Công an Long An phát “thông báo truy tìm người”.
Bản “Thông báo truy tìm” đó nêu tên 3 luật sư nói trên nhưng trước đó cũng thấy tin cả luật sư Trịnh Vĩnh Phúc cũng bị “triệu tập”. Khi gắn cái “Thông báo truy tìm người” với cáo buộc “có dấu hiệu tội phạm “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” điều này có vẻ gián tiếp cho thấy rất có thể họ bị bắt giữ để bỏ tù theo điều 331 của Luật hình sự mà bản án có thể đến 7 năm tù.
Vụ án Tịnh thất Bồng Lai ở Long An hồi năm ngoái mà ông cụ Lê Tùng Vân, 90 tuổi, và các đệ tử hoạt động độc lập, không gia nhập tổ chức Phật giáo quốc doanh, đã bị nhà cầm quyền địa phương triệt hạ rồi gán ghép cho tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…”. Cụ Lê Tùng Vân đã bị kết án 5 năm tù, còn 4 đệ tử và một bà tu đạo đều bị kết án từ 3 năm đến 4 năm tù.
Nay các luật sư của họ cũng đang đối diện với cùng một điều luật.
USCIRF đến Việt Nam đánh giá tình hình tự do tôn giáo
Ủy hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế (USCIRF) vào ngày 12/6 ra thông báo về chuyến đến Việt Nam từ ngày 15-19/5 để đánh giá về tình hình tự do tôn giáo tại đất nước toàn trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản này.
Thông cáo báo chí phát đi từ Washington DC nêu rõ, phái đoàn USCIRF do Phó Chủ tịch Frederick A. Davie và Ủy viên Eric Ueland dẫn đầu. Phái đoàn có những cuộc làm việc tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với giới chức Chính phủ, các cộng đồng tôn giáo, đại diện các tổ chức xã hội dân sự để thảo luận về những mối quan tâm về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Phó Chủ tịch Frederick A. Davie cho biết nguyên văn: “Trong khi USCIRF công nhận có những tiến triển tiệm tiến về tự do tôn giáo tại Việt Nam trong những năm qua, cơ quan này tiếp tục nhận thấy có những điểm quan ngại tồi tệ và đáng kể. Ủy hội đặc biệt quan ngại về những vụ bị cưỡng bức từ bỏ niềm tin mà ngày càng tăng trong năm qua; bản chất giới hạn của Luật Tín ngưỡng- Tôn giáo, tính chất phức tạp của luật này cũng như những quy định đăng ký nặng nề; và thực tế áp dụng Luật Tín ngưỡng- Tôn giáo không thống nhất, vênh nhau tại các nơi trên khắp cả nước…”
Thông cáo báo chí của USCIRF còn nêu ra quan ngại về hai dự thảo nghị quyết thực hiện Luật Tín ngưỡng- Tôn giáo đưa ra vào tháng 6/2022. Hai dự thảo này bị cho nếu được chuẩn thuận sẽ hạn chế thêm nữa quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Từ tháng 2/2002, USCIRF đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào lại “Danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm” (CPC) về tự do tôn giáo. Lý do được nêu rõ, dù có một số lĩnh vực tiến bộ đáng chú ý, nhưng những vi phạm có hệ thống, tiếp diễn và nặng nề” đối với tự do tôn giáo vẫn tiếp diễn.
Vào tháng 11/2022, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào “Danh sách Giám sát Đặc biệt” vì can dự hoặc dung dưỡng cho những vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo.
Tổng thống Nam Hàn sắp thăm Việt Nam mở rộng hợp tác
Hãng tin Yonghap cho hay ông Yoon Suk Yoel sẽ đi thăm nước Pháp từ 19 đến 21 Tháng Sáu, rồi sau đó đến thăm Việt Nam từ 22 đến 24 Tháng Sáu, để cổ võ nâng cao quan hệ nhiều mặt, nhất là về kinh tế. Tại cả hai nơi ông đều gặp các lãnh tụ của hai nước. Tháp tùng ông có một đoàn doanh nhân hùng hậu hơn 200 người.
Ông Yoon đến Pháp vào dịp giới doanh nhân Hàn Quốc đang cổ võ cho kỹ nghệ nước họ vận động đứng đầu cuộc triển lãm công kỹ nghệ toàn cầu 2030 Expo dự trù sẽ được lựa chọn vào Tháng Mười Một cuối năm nay và sẽ diễn ra tại Busan, Hàn quốc. Nhưng chuyến thăm viếng Việt Nam mang nhiều ý nghĩa địa chính trị hơn là thuần túy kinh tế.
Việt Nam quan hệ ngoại giao với cả hai nước Hàn. Nửa bắc Triều Tiên là một nước Cộng sản độc tài cuồng tín sắt máu nhất thế giới, xã hội khép kín dưới sự lãnh đạo cha truyền con nối dòng họ Kim từ thập niên 1950 đến nay. Dân Triều Tiên đói khổ và bị tuyên truyền nhồi sọ trong khi nhà độc tài Kim Young-un chỉ dồn nỗ lực sản xuất võ khí nguyên tử, hỏa tiễn tầm xa đe dọa Nam Hàn, Nhật Bản, Mỹ.
Nửa phía nam, Hàn Quốc, theo thể chế dân chủ đa nguyên. Năm 1975, kinh tế Nam Hàn chỉ tương đương với Việt Nam Công Hòa. Cho tới ngày nay, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt dù dưới thời lãnh tụ nào được bầu lên, họ hiện là một cường quốc của thế giới về tất cả mọi mặt, kinh tế, kỹ nghệ, quân sự.
Tuy vẫn có mối quan hệ “đồng chí anh em” với Bắc Hàn, đầu Tháng Mười Hai 2022, CSVN lại ký hiệp định nâng cấp mối quan hệ với Nam Hàn lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện”. Dịp này, hai nước ký nhiều thỏa hiệp hợp tác song phương từ giáo dục đến an ninh, thương mại, kỹ nghệ, đặc biệt là hợp tác khai thác đất hiếm tức các loại kim loại cần thiết trong việc sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Hà Nội mong muốn Seoul gia tăng đầu tư và thương mại mà nhờ bàn đạp đó, Việt Nam tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu theo chân Đại Hàn. Seoul thì muốn gia tăng hợp tác với các nước khu vực ASEAN mà Việt Nam là mắt xích chính yếu, nhằm giảm bớt sự lệ thuộc cả về đầu tư và thương mại với Trung cộng.
Hàn quốc là một nước kỹ nghệ cao hàng đầu thế giới, muốn khai thác trữ lượng khổng lồ đất hiếm tại Việt Nam vốn được ước lượng nhiều thứ nhì thế giới chỉ sau Trung cộng.
Quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc đã gia tăng 160 lần từ năm 1992 đến nay, riêng năm 2021 đã đạt hơn 80 tỉ đô la. Hàn Quốc là nước có nhiều dự án đầu tư nhất tại Việt Nam từ điện tử đến sản xuất quần áo tổng cộng 80 tỉ đô la, tính đến Tháng Chín 2022. Khoảng 9,000 công ty Hàn Quốc đầu tư sản xuất tại Việt Nam, gồm những đại công ty như Samsung, Hyundai, Daewoo, Lotte.
6 ‘Thanh tra Chính phủ’ bị ‘buộc thôi việc’ vì tham nhũng
Nhiều báo tại Việt Nam ngày Chủ Nhật 11 Tháng Sáu dẫn thông tin từ cơ quan “Thanh tra Chính phủ” nói 6 ông gồm cả ông Lê Quốc Khanh, Phó cục trưởng Cục II, của cơ quan thanh tra nhà nước, đều bị “buộc thôi việc” với cáo buộc “vi phạm quy định về phòng chống tiêu cực, tham nhũng”.
“Buộc thôi việc” là cách nói khác của những từ như “cách chức”, “sa thải”. Những người bị nêu tên trong vụ việc kể trên, ngoài ông Lê Quốc Khanh, còn có các ông Nguyễn Nho Định, Hoàng Văn Xuân, Trần Văn Tuấn, Trương Việt Hưng, và Nguyễn Duy Phương. Họ đều là thanh tra viên, thanh tra chính hay thanh tra cao cấp tại Cục II, tức dưới quyền của ông Lê Quốc Khanh.
Hiện chưa thấy tin các ông vừa kể sẽ bị bắt hay không, mà mới chỉ thấy nói “vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự”, tức báo hiệu sẽ xảy ra. Báo chí tại Việt Nam mới chỉ đưa tin hình thức kỷ luật đầu tiên mang tính nội bộ của Thanh tra Chính phủ. Chưa thấy các bản tin trên báo chí nói hồ sơ tội trạng của họ đã được chuyển đến cơ quan truy tố hình sự hay chưa.
Thanh tra Chính phủ là cơ quan trung ương có thẩm quyền ngang với một Bộ trong guồng máy công quyền CSVN. Cơ quan này có trách nhiệm “thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng trên phạm vi cả nước”. Đứng đầu hiện nay là ông Tổng thanh tra tên Đoàn Hồng Phong.
Trong guồng máy tổ chức, Thanh tra Chính phủ chia làm 3 Vụ và 4 Cục, mỗi Vụ và mỗi Cục chịu tránh nhiệm về một số khu vực, lãnh vục. Tuy nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra Chính phủ chính yếu là chống tham nhũng, ngăn ngừa cán bộ đảng viên làm bậy, nhưng cái cơ quan này lâu nay vẫn nổi tiếng là cái ổ tham nhũng ăn trên đầu các ổ tham nhũng khác.
Nhóm quan thanh tra của ông Cục phó Lê Quốc Khanh thuộc Cục II tức phụ trách thanh tra, giải quyết khiếu nại các tỉnh miền Trung gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Báo Ấn độ: CSVN đàm phán mua hỏa tiễn siêu thanh Brahmos
Ấn Độ nhiều phần sẽ bán cho Việt Nam hỏa tiễn siêu thanh Brahmos, dấu hiệu của sự gia tăng mối quan hệ giữa hai nước.
Báo mạng Zeebiz của Ấn cho hay cuối tuần qua, Ấn Độ nhiều phần sẽ bán cho Việt Nam hỏa tiễn siêu thanh Brahmos, dấu hiệu của sự gia tăng mối quan hệ giữa hai nước. Theo nguồn tin trên, Việt Nam dự trù đặt mua từ 3 đến 5 hệ thống hỏa tiễn Brahmos, mỗi giàn trị giá khoảng $125 triệu USD. Tổng trị giá của thương vụ nằm trong khoảng từ $375 triệu đến $625 triệu USD tùy theo số lượng nào Hà Nội sẽ đặt mua. Loại hỏa tiễn tấn công này do hai nước Ấn Độ và Nga hợp tác nghiên cứu và sản xuất chung, được tiếng đa dụng, chính xác, nhất là nhanh gấp 3 lần vận tốc âm thanh, sử dụng cho cả tấn công các mục tiêu trên đất liền và trên biển.
Hiện Ấn đã thử nghiệm thành công tất cả các phiên bản trang bị trên xe tải, trên chiến hạm, máy bay chiến đấu, và cả tàu ngầm. Một năm trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Rajnath Singh đến Hà Nội, ký bản tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giữa hai nước hướng đến năm 2030. Ấn Độ đã từng cấp tín dụng cho Việt Nam đóng 12 chiếc tàu tuần tra trị giá $100 triệu USD, trong đó, 5 chiếc đóng tại Ấn Độ, 7 chiếc đóng tại Việt Nam. Báo chí tại Việt Nam hồi Tháng Tư 2021 đưa tin hạ thủy chiếc tàu tuần tra đầu tiên đóng mới với tín dụng Ấn Độ.
Theo báo Ấn Zeebiz, nhiều phần Bộ trưởng Quốc phòng CSVN Phan Văn Giang sẽ đi thăm Ấn Độ vào ngày 19 Tháng Sáu tới đây, dấu hiệu có thể sẽ có việc ký kết mua bán hỏa tiễn Brahmos. Thông thường, CSVN không bao giờ loan báo trước các chuyến đi có tính cách nhậy cảm chính trị, cũng như tin về các vụ mua sắm trang bị an ninh quốc phòng.
Hỏa tiễn Brahmos, tùy phiên bản, dài từ 6m đến 8.4m, nặng từ 1,200kg đến 3,000kg, vận tốc mach 3, tầm bắn xa đến 500km nhưng phiên bản xuất khẩu chỉ có tầm bắn xa tối đa đến 290km. Tùy phiên bản, trị giá mỗi hỏa tiễn từ $3.5 triệu USD đến $5.5 triệu USD, theo chi tiết của Wikipedia. Hiện người ta không rõ Hà Nội mua phiên bản nào. Các tàu chiến của CSVN thì quá nhỏ bé, không thể trang bị loại hỏa tiễn này nên rất có thể chỉ để ý đến phiên bản vận chuyển trên bộ.
Mấy ngày trước, dư luận chú ý đến việc một số tàu khảo cứu, hải cảnh, tàu dân quân Trung cộng hoạt động ngang dọc trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bất chấp sự phản đối của Hà Nội.