Tin Thế Giới.

Tổng thống Ukraine: Cuộc phản công không nhanh như mong đợi (VOA).

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm 21/6 cho biết tiến độ phản công của Ukraine trước quân Nga ‘chậm hơn mong muốn’, nhưng Kyiv không bị áp lực phải đẩy nhanh tiến độ.

Một số người tin rằng đây là phim hay của Hollywood và muốn thấy kết cục ngay bây giờ. Không phải vậy”, ông Zelenskyy được BBC trích lời nói trong một cuộc phỏng vấn. “Ở đây là chuyện định đoạt sinh mạng con người”, vẫn lời ông.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy

Đối thủ của ông, Tổng thống Nga Vladimir Putin, nói rằng Moscow đã thấy có ‘khoảng lặng’ trong cuộc phản công của Ukraine vốn khởi động từ đầu tháng này. Mặc dù Ukraine vẫn có tiềm năng phản công, Kyiv hiểu rằng họ ‘không có cửa’, ông Putin phát biểu như vậy trên truyền hình.

Ukraine cho hay họ đã giành lại 8 ngôi làng cho đến nay trong cuộc phản công được chờ đợi từ lâu, những bước tiến đáng kể đầu tiên của họ trên chiến trường trong 7 tháng.

Nhưng các lực lượng Ukraine cho đến nay vẫn chưa tiến tới các tuyến phòng thủ chính mà Nga đã củng cố trong nhiều tháng. Kyiv được cho là đã lập lực lượng trù bị gồm 12 lữ đoàn, mỗi lữ đoàn hàng nghìn quân, hầu hết trong số này vẫn chưa tham chiến.

Reuters đã đến thăm một số ngôi làng mà Ukraine tái chiếm và xác nhận bước tiến vài cây số. Moscow cho hay họ đã kháng cự cuộc phản công của Ukraine kể từ đầu tháng 6.

BBC dẫn lời ông Zelenskyy nói rằng cuộc tiến công quân sự không diễn ra dễ dàng vì 200.000 km vuông lãnh thổ Ukraine đã bị quân Nga gài mìn.

Cho dù ai đó có muốn gì, bao gồm cả nỗ lực gây áp lực cho chúng tôi, nhưng với tất cả lòng tôn trọng, chúng tôi sẽ tiến quân trên chiến trường theo cách mà chúng tôi cho là tốt nhất”, ông nói thêm.

Sau một loạt chiến thắng ban đầu, Kyiv tuyên bố chỉ chiếm thêm một ngôi làng trong tuần qua, làng Pyatikhatky. Các quan chức Ukraine hôm 21/6 cho biết các lực lượng của họ ở miền nam chủ yếu củng cố những chỗ đã chiếm được trước đó, trong khi lực lượng phía đông đang chặn các cuộc tấn công của quân Nga.


Hơn 60 nước tham gia Hội nghị tái thiết Ukraina khai mạc tại Luân Đôn (RFI)

Hội nghị tái thiết Ukraina khai mạc hôm nay 21/06/2023 tại Luân Đôn, Anh Quốc. Đây là năm thứ hai hội nghị được tổ chức, năm ngoái là tại Logano, Thụy Sỹ. Hội nghị lần này diễn ra trong hai ngày 21 và 22/06, với sự tham gia của đại diện các chính phủ, doanh nghiệp đến từ hơn 60 quốc gia và nhiều định chế tài chính quốc tế.

Từ Luân Đôn, thông tín viên Emeline Vin gửi về bài tường trình : 

« Dự kiến ​​sẽ có hơn một nghìn người tham gia hội nghị ở Luân Đôn, trực tiếp hoặc qua video hội nghị. Đó là đại diện của khoảng 60 chính phủ, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà đầu tư … Trong hai ngày, họ suy tính cho tương lai kinh tế của Ukraina, để chuẩn bị cho thời kỳ hậu chiến.

Luân Đôn giải thích rằng đây không phải là hội nghị của các nhà tài trợ, mà là nhằm thúc đẩy các tác nhân kinh tế có mong muốn tái đầu tư vào Ukraina. Đặt mình ở vị trí là một trong những nước chính ủng hộ Ukraina kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraina, chính phủ Anh sẽ triển khai nền tảng « thiết lập liên lạc » cho các doanh nghiệp và cũng sẽ thông báo một quỹ « năng lượng xanh » trị giá 110 triệu euro.

Ngân Hàng Thế Giới ước tính chi phí tái thiết và phục hồi Ukraina trong 10 năm tới là hơn 400 tỷ đô la, con số này chắc chắn sẽ còn tăng chừng nào chiến tranh vẫn tiếp diễn, và điều này khiến Kiev phụ thuộc vào tình đoàn kết trợ của quốc tế.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky sẽ có phát biểu trực tuyến tại Hội nghị. Thủ tướng Ukraina dự kiến có bài phát biểu phê phán khá gay gắt các biện pháp trừng phạt của Anh nhắm vào Nga. »

Một ngày trước khi hội nghị tái thiết Ukraina khai mạc, Liên Hiệp Châu Âu hôm qua 20/06 dự kiến hỗ trợ cho Kiev 50 tỉ euro trong vòng 4 năm, dưới dạng các khoản cho vay và tài trợ.


Bắc Kinh đặt điều kiện với Washington để giảm căng thẳng (Phân tích: RFI)

Hôm 19/06/2023, chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình đã tiếp ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và để ngỏ khả năng Bắc Kinh sẵn sàng hạ nhiệt căng thẳng với Washington nhưng theo một số điều kiện.  

Khi tiếp ngoại trưởng Mỹ, nguyên thủ Trung Cộng đánh giá chuyến thăm của ông Blinken đã góp phần tích cực cho « sự ổn định của mối quan hệ » giữa hai nước. Nhưng ông Tập Cận Bình cũng không ngần ngại cảnh báo, « những quan hệ tương tác giữa hai nước phải được dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. » 

Việc lãnh đạo số một Trung Cộng bỏ qua những nghi thức ngoại giao nghiêm ngặt để tiếp ngoại trưởng Mỹ được một số nhà quan sát đánh giá như là một dấu hiệu Bắc Kinh cũng muốn làm dịu căng thẳng với Washington. 

Trong nhãn quan của giới lãnh đạo Trung Cộng, Hoa Kỳ là nguồn cội sâu thẳm của mọi căng thẳng giữa hai nước vì những « cảm nhận sai lệch » về Trung Cộng, động cơ của những leo thang đối đầu bắt đầu từ thời tổng thống Donald Trump.  

Thế nên, bất kỳ sự nhượng bộ nào cũng có cái giá phải trả. Bắc Kinh, thông qua lời vị lãnh đạo ngoại giao cao cấp nhất, ông Vương Nghị đặt ra những điều kiện để giảm căng thẳng, buộc Hoa Kỳ phải có những nhượng bộ về vấn đề Đài Loan, dỡ bỏ các cấm vận nhắm vào lĩnh vực công nghệ của Trung Cộng và chấm dứt « những hành động can thiệp » vào nội bộ Trung Cộng, nói một cách khác là Mỹ nên ngưng chỉ trích Trung Cộng về vấn đề Tân Cương và Hồng Kông. 

Cũng theo ông Vương Nghị, Hoa Kỳ nên từ bỏ những luận điệu « mối đe dọa » Trung Cộng trong các cuộc tranh luận cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024. Bắc Kinh cho rằng khó thể nối lại các kênh đối thoại khi mà « cuộc cạnh tranh có nguy cơ biến thành xung đột » do việc Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược « bao vây » Trung Cộng. Do vậy, ông Vương Nghị cho rằng Washington phải chọn giữa « hợp tác và xung đột ». 

Ngoại trưởng Mỹ như để trấn an Bắc Kinh, đã khẳng định với chủ tịch Tập Cận Bình rằng, Hoa Kỳ không muốn « kềm hãm » đà đi lên về kinh tế của Trung Cộng, cũng không hậu thuẫn « nền độc lập » cho Đài Loan, hay tìm cách thay đổi chế độ ở Bắc Kinh. Ông Blinken nhắc lại lập trường không thay đổi của Mỹ từ năm 1979 : Thừa nhận nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất, nhưng không chấp nhận việc dùng vũ lực thống nhất với Đài Loan.  

Vận mệnh Đài Loan một lần nữa được đặt lên bàn cờ chính trị giữa Mỹ và Trung Cộng. Người ta còn nhớ năm 1971, để có thể bình thường hóa quan hệ với Trung Cộng nhằm dễ bề chống đối Liên Xô, cả tổng thống Mỹ Richard Nixon ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đều hiểu rằng đã đến lúc phải chấp nhận nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất và phải hy sinh Đài Loan. 

Theo như lời thuật từ Lyle J. Goldstein, biên tập viên cho tạp chí Defense Priorities, với kênh truyền hình Arte, vào thời điểm đó Hoa Kỳ đã chấp nhận mọi yêu cầu từ Trung Cộng như rút hết các căn cứ quân sự, nhân sự và các loại vũ khí, kể cả các chiến đấu cơ và đầu đạn hạt nhân. Vào thời điểm đó, Trung Cộng chưa là cường quốc kinh tế thứ hai như hiện nay và dân số chỉ khoảng 800 triệu dân. 

Le Figaro nhắc lại, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Cộng không ngừng gia tăng kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình tại Bali, Indonesia hồi tháng 11/2022. Những cáo buộc về hoạt động gián điệp của Trung Cộng (vụ khinh khí cầu) buộc ngoại trưởng Mỹ phải hoãn chuyến công du Bắc Kinh dự trù từ tháng 2/2023. Washington nhiều lần tìm cách nối lại các kênh đối thoại nhưng bất thành, và gần đây nhất Bắc Kinh từ chối đề nghị cuộc gặp giữa bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin với đồng nhiệm Trung Cộng Lý Thượng Phúc bên lề diễn đàn An ninh Shangri-La, ở Singapore hồi tháng 5/2023. 


Các công nghệ trọng yếu: Một động lực chính của hợp tác Mỹ – Ấn (RFI)

Thủ tướng Ấn Độ Nerendra Modi công du Mỹ 4 ngày, bắt đầu từ hôm nay, 21/06 dến 24/06/2023. Đây là lần thứ hai tổng thống Hoa Kỳ đón một lãnh đạo nước ngoài với nghi thức cấp Nhà nước. Đây cũng là lần đầu tiên thủ tướng Ấn Độ công du Hoa Kỳ cấp nhà nước, kể từ khi lên cầm quyền từ năm 2014. Chuyến công du của thủ tướng Ấn hiển nhiên được cả hai bên đặc biệt coi trọng.

Theo giới quan sát, hợp tác về các công nghệ trọng yếu được coi là một động lực hàng đầu của hợp tác Ấn – Mỹ, đang được siết chặt trong những năm gần đây. RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.

iCET: Hợp tác công nghệ do Hội Đồng An ninh Quốc gia điều hành

Cách đây một năm, hồi tháng 5/2022, tổng thống Joe Biden Mỹ và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công bố Sáng kiến Ấn Độ-Hoa Kỳ về Công nghệ Trọng yếu và Mới nổi (Initiative on Critical and Emerging Technology, gọi tắt là iCET), bên lề Hội nghị thượng đỉnh của nhóm Bộ Tứ Quad ở Tokyo. Trang mạng Carnegie Ấn Độ, có bài tổng thuật về Sáng kiến Ấn Độ-Hoa Kỳ về Công nghệ Trọng yếu và Mới nổi iCET.

Sáng kiến iCET đã được các cố vấn an ninh quốc gia của hai nước, Jake Sullivan và Ajit Doval, chính thức công bố vào ngày 31/01/2023 tại thủ đô Washington. ICET, “một khuôn khổ liên kết hợp tác về các công nghệ quan trọng và mới nổi”, nhằm định hướng và thúc đẩy các hợp tác giữa hai nước, trước hết trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như trí thông minh nhân tạo (AI), chip bán dẫn và điện toán lượng tử, và đặc biệt các hợp tác liên quan đến lĩnh vực quốc phòng.

‘‘Những điều không thể có cách đây ít năm’’

Sáng kiến iCET do Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) Hoa Kỳ và Ban Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia (NSCS) Ấn Độ điều hành. Từ một năm nay, kể từ khi được tung ra, Sáng kiến này đã cho phép làm sâu hơn và làm rộng thêm các đàm phán hợp tác giữa các giới chức Mỹ và Ấn Độ. Giới chức hai bên thừa nhận là:  “Ấn Độ và Hoa Kỳ đã thảo luận về các mối quan hệ chiến lược và những thách thức chung ở tầm mức mà chỉ vài năm trước đây đã là điều không thể.”.

Một năm kể từ khi Sáng kiến này lần đầu tiên được đề cập ở Tokyo, Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) Hoa Kỳ và Ban Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia (NSCS) Ấn Độ đã tập trung nhiều thời gian để thiết lập chương trình hành động cho iCET, bao gồm việc tiếp cận với một các tập đoàn đầu tư vào ‘‘công nghệ của tương lai’’, nhiều tổ chức học thuật tập trung vào các công nghệ trọng yếu và mới nổi, các start-up – công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), các nhóm tư vấn, và gần như tất cả mọi bộ, ngành và cơ quan ở Hoa Kỳ và ở Ấn Độ có liên quan nhiều đến lĩnh vực công nghệ này. Kể từ khi Sáng kiến iCET được công bố, từ 4 tháng nay, hai bên đã bắt đầu triển khai nhiều hợp tác cụ thể.

Cụ thể là tạo điều kiện cho việc trao đổi công nghệ và vốn (ví dụ như xây dựng các cầu nối để gây dựng ‘‘năng lực cách tân bền vững’’ trong lĩnh vực quốc phòng), xây dựng các tiêu chuẩn trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo AI, nới lỏng kiểm soát đối với xuất khẩu để thúc đẩy đổi mới công nghệ và sản xuất (bắt đầu bao gồm một thỏa thuận ‘‘gần như đã được hoàn tất’’ về việc cùng sản xuất động cơ phản lực GE cho máy bay chiến đấu, sản xuất ngay tại Ấn Độ), thành lập các trung tâm lượng tử và các nhóm làm việc phối hợp của các nhóm chuyên gia hai bên, đồng thời nhân rộng hơn nữa các tác động của các tương tác giữa các tập đoàn và các tổ chức nghiên cứu, hiện đang đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ quan trọng và mới nổi ở cả hai quốc gia.


TT Macron thông báo một hệ thống phòng không Pháp–Ý được triển khai tại Ukraina (RFI)

Bên lề Triển lãm quốc tế về Hàng không và Không gian Le Bourget, ngoại ô Paris, hôm qua, 19/06/2023, Pháp đã tổ chức một cuộc họp báo về hệ thống phòng không của châu Âu và tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo, một hệ thống phòng thủ địa đối không do Pháp và Ý chế tạo nay đã được triển khai tại Ukraina. Đó là hệ thống phòng không SAMP/T tầm ngắn.

Chiến tranh Ukraina đã làm lộ rõ những thiếu hụt và yếu kém về phòng không của châu Âu. Khi thông báo việc triển khai hệ thống phòng không Pháp-Ý tại Ukraina, nguyên thủ Pháp muốn cho các đối tác biết là họ có nhiều lựa chọn khác, thay thế cho các hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ chế tạo.

Đối với nguyên thủ Pháp, vấn đề lựa chọn thiết bị để bảo vệ bầu trời châu Âu mang tính chiến lược. Ông nói rõ đây là vấn đề chủ quyền và cần phải ưu tiên phát triển nền tảng công nghiệp và công nghệ quốc phòng châu Âu, bởi vì Hoa Kỳ vào bất cứ lúc nào cũng có thể có những ưu tiên khác.

Theo AFP, Paris kiên quyết chống lại dự án lá chắn chống tên lửa do Đức đề xuất vì dự án này chủ trương mua hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ và hệ thống tên lửa tầm xa của Israel.

Kết thúc cuộc họp báo, tổng thống Macron thông báo Pháp, Phần Lan, Estonia, Hungary, Bỉ và Chypre sẽ mua chung các tên lửa địa đối không tầm ngắn Mistral. Theo những người thân cận của tổng thống Pháp Macron, con số này là khoảng 1.000 tên lửa.


Phát biểu ở Mỹ, Tổng thống Joe Biden gọi Chủ tịch Tập Cận Bình là ‘nhà độc tài’ (BBC).

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là kẻ độc tài (dictator) tại một sự kiện gây quỹ ở California.

Nhận xét của ông được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken gặp ông Tập để đàm phán ở Bắc Kinh hôm 19/06, nhằm mục đích giảm bớt căng thẳng giữa hai siêu cường.

Ông Biden cũng cho biết ông Tập cảm thấy xấu hổ sau khi một khinh khí cầu được cho là gián điệp của Trung Quốc bị Mỹ bắn hạ.

Trung Quốc cho biết họ “kiên quyết phản đối” bình luận của ông Biden.

Ông Biden nói tại sự kiện hôm thứ Ba: “Lý do khiến Tập Cận Bình rất khó chịu, khi tôi bắn hạ quả bóng bay đó, là vì ông ấy không biết nó ở đó”. “Đó là một sự xấu hổ lớn đối với các nhà độc tài. Khi họ không biết chuyện gì đã xảy ra“, ông nói thêm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi nhận xét của ông Biden là “cực kỳ vô lý và vô trách nhiệm”.

Chuyến thăm của ông Blinken vào cuối tuần qua, chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Hoa Kỳ trong gần 5 năm, đã khởi động lại các cuộc liên lạc cấp cao giữa hai nước.

Ông Tập cho biết một số tiến bộ đã đạt được ở Bắc Kinh, trong khi ông Blinken chỉ ra rằng cả hai bên đều sẵn sàng đàm phán thêm. Tuy nhiên, những khác biệt lớn vẫn tồn tại giữa hai nước.


Sụt giảm niềm tin, các công ty nước ngoài đang chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc (VOA)

Các công ty nước ngoài đang chuyển các khoản đầu tư và các trụ sở chính của họ ở châu Á ra khỏi Trung Quốc khi niềm tin sụt giảm sau khi luật chống gián điệp được mở rộng và các thách thức khác, một nhóm kinh doanh cho biết hôm 21/6.

Báo cáo của Phòng Thương mại Liên hiệp Châu Âu tại Trung Quốc cho biết thêm đây là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy chủ nghĩa bi quan đang gia tăng bất chấp những nỗ lực của Đảng Cộng sản cầm quyền nhằm khôi phục sự quan tâm đến nền kinh tế số 2 thế giới sau khi chấm dứt các biện pháp kiểm soát chống COVID.

Theo Phòng Thương mại Châu Âu, các công ty không yên tâm về các biện pháp kiểm soát an ninh, sự bảo vệ của chính phủ đối với các công ty Trung Quốc và thiếu hành động đối với các lời hứa cải cách. Họ cũng đang bị bóp nghẹt bởi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại và chi phí gia tăng.

Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu, Jens Eskelund, nói với các phóng viên trước khi công bố phúc trình rằng niềm tin kinh doanh ở Trung Quốc “gần như ở mức thấp nhất mà chúng tôi từng ghi nhận”.

Không có kỳ vọng môi trường pháp lý sẽ thực sự được cải thiện trong vòng 5 năm tới,” ông Eskelund nói.

Chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình, cố gắng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã giảm xuống 3% vào năm ngoái, đang cố gắng khuyến khích các công ty nước ngoài đầu tư và mang công nghệ vào. Nhưng họ không yên tâm về các luật lệ an ninh và các kế hoạch tạo đối thủ cạnh tranh với các nhà cung cấp toàn cầu về chip máy tính, máy bay thương mại và các công nghệ khác. Điều đó thường liên quan đến các khoản bao cấp và rào cản thị trường của Trung Quốc mà Washington và Liên hiệp châu Âu cho rằng vi phạm các cam kết thương mại tự do của Bắc Kinh.

Hai phần ba trong số 570 công ty trả lời cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Châu Âu cho biết hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc trở nên khó khăn hơn, tăng so với chưa đầy một nửa trước đại dịch. Ba trong số năm công ty cho biết môi trường kinh doanh “chính trị hơn”, tăng so với nửa năm trước.

Các công ty đang gặp khó khăn sau khi cảnh sát đột kích văn phòng của hai công ty tư vấn và một công ty thẩm định mà không có lời giải thích công khai. Nhà chức trách cho biết các công ty có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp nhưng không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy vi phạm.

Các công ty cũng không yên tâm về việc Bắc Kinh thúc đẩy quyền tự chủ quốc gia. Chính phủ của ông Tập đang thúc ép các nhà sản xuất, bệnh viện và những người khác sử dụng các nhà cung cấp Trung Quốc ngay cả khi điều đó làm tăng chi phí của họ. Các công ty nước ngoài lo lắng rằng họ có thể bị loại khỏi thị trường của họ.

Tháng trước, chính phủ đã cấm sử dụng các sản phẩm từ nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất của Mỹ, Micron Technology Inc., trong các máy tính xử lý thông tin nhạy cảm. Chính phủ cho biết Micron có lỗi bảo mật không xác định nhưng không đưa ra lời giải thích.

Một trong mười công ty trong cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Châu Âu cho biết họ đã chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc. Một trong năm công ty khác đang trì hoãn hoặc cân nhắc chuyển hướng đầu tư. Trong ngành hàng không và vũ trụ, cứ năm công ty thì có một công ty không có kế hoạch đầu tư vào Trung Quốc trong tương lai.

Trung Quốc từ lâu đã là điểm đến đầu tư hàng đầu nhờ thị trường tiêu dùng khổng lồ và đang phát triển, nhưng các công ty phàn nàn về các hạn chế tiếp cận thị trường, áp lực chuyển giao công nghệ và các yếu tố khó chịu khác. Đảng cầm quyền đã thắt chặt kiểm soát kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, thúc ép các công ty nước ngoài trao ghế trong hội đồng quản trị cho đảng và có tiếng nói trực tiếp trong việc tuyển dụng cùng các quyết định khác.

Phòng Thương mại Châu Âu lưu ý rằng không chỉ các công ty nước ngoài đang di chuyển: hai trong số năm công ty trong cuộc khảo sát cho biết khách hàng Trung Quốc hoặc nhà cung cấp Trung Quốc cũng đang chuyển đầu tư ra nước ngoài.


Dân Úc sẽ ủng hộ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công (VOA)

Người Úc sẽ ủng hộ việc đáp trả một cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan bằng các chế tài kinh tế, cung cấp vũ khí hoặc sử dụng hải quân để ngăn chặn một cuộc phong tỏa, nhưng không ủng hộ việc gửi quân đội, một cuộc thăm dò dư luận công bố ngày 21/6 cho thấy.

Canberra nói họ phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi nguyên trạng ở Đài Loan, trong khi Hoa Kỳ từ lâu giữ chính sách “mơ hồ chiến lược” về việc liệu họ có đáp trả quân sự trước một cuộc tấn công vào hòn đảo hay không, điều mà Bắc Kinh không loại trừ.

Thủ tướng Anthony Albanese phát biểu tại cuộc họp an ninh hàng đầu châu Á vào tháng 6 rằng Úc ủng hộ đối thoại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vì một cuộc xung đột ở Eo biển Đài Loan sẽ “tác hại thế giới.”

Cuộc thăm dò hàng năm của Viện Lowy về thái độ của công chúng đối với thế giới cho thấy 82% những người được khảo sát ủng hộ liên minh an ninh với Hoa Kỳ, mặc dù 3/4 người được hỏi cũng nghĩ rằng điều đó có nghĩa là Úc sẽ bị lôi kéo vào cuộc chiến ở Châu Á.

Viễn cảnh xung đột quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vì Đài Loan được 64% người Úc tham gia khảo sát coi là “mối đe dọa nghiêm trọng”.

68% số người được hỏi nêu ra mối đe dọa hàng đầu là các cuộc tấn công mạng từ các quốc gia khác.

Ông Ryan Neelam, giám đốc quan điểm công chúng tại tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại, cho biết cuộc thăm dò cho thấy người Úc “thận trọng về xung đột”, nhưng sẵn sàng hỗ trợ Đài Loan mà không phải tham chiến trên thực địa.

“Khi nói đến một kịch bản cụ thể, trong đó Đài Loan bị đe dọa quân sự và Hoa Kỳ can dự, người Úc cảm thấy khá nghiêng về việc có hành động để hỗ trợ Đài Loan về khoản nhận người tị nạn, áp đặt chế tài đối với Bắc Kinh, gửi vũ khí và vật tư, thậm chí cho hải quân can dự, nhưng điều đó không mở rộng đến mức đưa quân đến,” ông nói.

80% người Úc ủng hộ việc chấp nhận người tị nạn Đài Loan, 76% ủng hộ “áp đặt các chế tài kinh tế và ngoại giao đối với Trung Quốc”, 64% ủng hộ “Úc gửi vũ khí và vật tư quân sự cho chính phủ Đài Loan” và 61% ủng hộ “sử dụng Hải quân Úc để giúp ngăn chặn Trung Quốc áp đặt một cuộc phong tỏa xung quanh Đài Loan.”

Chỉ 42% ủng hộ việc gửi “quân nhân Úc đến Đài Loan để giúp bảo vệ đảo này khỏi Trung Quốc.

87% cho biết họ lo ngại Trung Quốc có thể mở một căn cứ quân sự ở các đảo Thái Bình Dương.

Cuộc thăm dò cũng phản ánh mối quan hệ ổn định giữa Úc và Trung Quốc, hai đối tác thương mại lớn; 56% cho biết việc nối lại liên lạc ngoại giao là vì lợi ích quốc gia.

Giám đốc điều hành Viện Lowy Michael Fullilove cho biết mức độ tin tưởng của Úc đối với Trung Quốc vẫn ở mức “rất thấp”, với 15% nói rằng họ tin tưởng Trung Quốc hành động có trách nhiệm trên thế giới.

Cuộc thăm dò dựa trên khảo sát 2.000 người vào tháng 3 và 4.000 người vào tháng 4 năm nay.


Biển Đông: ASEAN dời diễn tập chung ra ngoài vùng biển có tranh chấp với Trung Cộng (RFI)

Hãng tin Pháp AFP dẫn thông báo của quân đội Indonesia ngày 20/06/2023 cho biết Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á – ASEAN đã quyết định chuyển địa điểm cuộc diễn tập chung đầu tiên của khối ra xa vùng biển có tranh chấp với Trung Cộng.

Thông cáo của quân đội Indonesia cho hay, cuộc diễn tập chung của hải quân các nước ASEAN từ ngày 18 đến 25/09 tới đây sẽ diễn ra trong vùng biển phía nam quần đảo Natuna, tránh xa khu vực đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Cộng.

Cuộc tập trận chung đầu tiên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ban đầu dự kiến diễn ra trong vùng biển phía bắc đảo quần Natuna, nơi đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Indonesia và Trung Cộng.

Jakarta vẫn coi vùng biển phía bắc quần đảo này thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình, nhưng Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền, thỉnh thoảng vẫn đưa tàu tuần tra vào vùng biển này bất chấp sự phản đối của Indonesia.

Với bản đồ “đường 9 đoạn” riêng của mình, Trung Cộng đòi hỏi chủ quyền gần như toàn bộ vùng Biển Đông, tạo ra những tranh chấp chủ quyền với nhiều nước khu vực Đông Nam Á, đặc biệt với Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia.

Sau cuộc họp bộ trưởng Quốc Phòng của ASEAN hôm 08/06, quân đội Indonesia đã thông báo tổ chức cuộc diễn tập của hải quân các nước thành viên trên Biển Đông. Sáng kiến được các nước có biển trong ASEAN hưởng ứng, duy nhất chỉ Cam Bốt từ chối xác nhận có tham gia hay không.

Trong thông cáo ra hôm qua, quân đội Indonesia cho biết các chỉ huy quân sự cấp cao của 10 nước ASEAN sẽ tham dự cuộc tập trận này. Trước đó, đô đốc Indonesia, Yudo Margono đã cho báo chí biết, cuộc diễn tập sắp tới sẽ tập trung vào các bài tập về an ninh hàng hải và cứu hộ, sẽ không có thao tác chiến đấu.

Một số nước thành viên ASEAN vẫn tham gia các cuộc tập trận hoặc tuần tra chung với hải quân Hoa Kỳ trong vùng Biển Đông, nhưng chưa bao giờ tổ chức một cuộc diễn tập riêng của khối.


Tin Việt Nam.

Bạo động ở Đắk Lắk vì áp bức ‘tức nước vỡ bờ’?

Đại đa số guồng máy thông tin tuyên truyền của chế độ Hà Nội đều đưa tin về cuộc tấn công chết người tại 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur quận Cư Kuin ngày 11 Tháng Sáu vừa qua với những lời lên án bạo loạn mà không hề đề cập gì tới nguyên nhân: do bị áp bức, dồn nén quá lâu nên tới lúc bùng vỡ.

Ngày Chủ Nhật 18 Tháng Sáu, tờ Công An nhân dân, báo tuyên truyền chính thức của Bộ Công an CSVN, có một bài viết đả kích nhóm “Người Thượng vì công lý” – MSFJ (Montagnards Stand For Justice) như một tổ chức chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công nói trên. Tổ chức này có một trang mạng và trang Facebook thông tin về tình hình người Thượng bị đàn áp tại Việt Nam và đã khẳng định với truyền thông quốc tế về chủ trương đường lối ôn hòa, đồng thời từ chối mối liên hệ với vụ việc.

Báo CAND cáo buộc nhóm người Thượng vừa kể, phần lớn là những người Thượng đang tạm trú trên đất Thái Lan xin đi tị nạn ở nước thứ ba, và một số người Thượng đã định cư tị nạn ở Mỹ, “kích động những người thiếu hiểu biết trong nước vi phạm pháp luật…vu cáo Việt Nam phân biệt đối xử, đàn áp người dân tộc…chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.”

Những nghi phạm bị công an bắt trong các đợt truy lùng

Hai ngày trước, tờ CAND dẫn lời tướng Công an Đặng Hồng Đức cáo buộc trong một cuộc họp của Ban Tuyên giáo trung ương Hà Nội là các người Thượng tham gia vụ tấn công ngày 11 Tháng Sáu vừa qua “do bị xúi giục, kích động qua không gian mạng và bị kích động chia rẽ giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số…” Ông tướng Đức, dịp này, đã thấy đổ vạ cho “các thế lực thù địch, một số đối tượng Fulro lưu vong, kích động một số người dân tộc thiểu số chia rẽ người Kinh với dân tộc thiểu số gây mất trật tự và gây tiếng vang ra nước ngoài”. Hai ngày sau vẫn lập lại luận điệu tuyên truyền đó trong khi giới quan sát thời sự tin rằng việc mới xảy ra có hậu quả từ sự áp bức cả về tôn giáo và sinh kế.

Tờ báo Le Monde, với hàng triệu độc giả tại Pháp ở trong nước chưa kể hải ngoại, bình luận hôm 20/6/2023 rằng, vụ tấn công vũ trang làm thiệt mạng nhiều người và khiến nhiều người bị bắt giữ ở Tây Nguyên Việt Nam, là một sự kiện ‘gây sốc’, ‘hiếm hoi’ xảy ra ở quốc gia dưới sự cầm quyền của chính quyền do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và đã làm dấy lên điều mà nhật báo này gọi là ‘bóng ma xung đột sắc tộc.’

Những người tấn công từ các sắc dân thiểu số ở vùng cao nguyên đã giết chết các quan chức của Đảng Cộng sản ở hai thị trấn và phóng hỏa công sở trước khi bị bắt giữ bởi một chiến dịch phối hợp chung của quân đội và cảnh sát,” tờ Le Monde hôm 20/6 viết.

“Ở quốc gia cộng sản Việt Nam, các cuộc tấn công vào các cơ quan đại diện của Đảng Cộng sản hiếm đến mức cuộc tấn công vũ trang kép vào chủ nhật, ngày 11 tháng 6, nhằm vào trụ sở các ủy ban nhân dân ở hai xã thuộc khu vực cao nguyên và các cơ quan công an liền kề, đã gây ra một cú sốc. 

Vẫn theo Le Monde, kể từ khi thống nhất, vào năm 1976, dưới sự bảo trợ của Đảng Cộng sản, chính quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam “đã bị cáo buộc đàn áp các nhóm sắc dân này, những người đã từng chiến đấu với họ trong các cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ hay Campuchia”.

Trước khi vụ tấn công xảy ra ngày 11 Tháng Sáu, đại diện Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của chính phủ Hoa kỳ (USCIRF) đã đến một số nơi tại Việt Nam vào các ngày 15 đến 19 Tháng Năm vừa qua để tìm hiểu. Chuyến đi đã diễn ra một tháng trước nhưng mãi đến ngày 12 Tháng Sáu USCIRF mới ra một bản thông báo, trong đó có đoạn trích dẫn lời ông Frederick A. Davie, Phó chủ tịch, “bày tỏ đặc biệt quan ngại về sự gia tăng các vụ cưỡng ép người dân bỏ đạo” trong khi “Luật Tín ngưỡng Tôn giáo” thì “phức tạp và đòi hỏi đơn từ xin phép khó khăn”. Ông kêu gọi chế độ Hà Nội sửa luật cho thích hợp với luật lệ quốc tế cũng như không bắt buộc người ta phải làm đơn.

Bản thông báo của USCIRF không dẫn chi tiết cụ thể nhưng trong những tháng qua, các vụ đàn áp người Thượng, người Hmong ép họ bỏ đạo, tấn công các buổi sinh hoạt tôn giáo lấy cớ “bất hợp pháp” được thấy nhiều trên mạng xã hội.

Những năm 2001 và 2004, hàng chục ngàn người Thượng ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông từ các buôn làng kéo về các thành phố Buôn Ma Thuột, Pleiku biểu tình đòi quyền tự do tôn giáo và đòi lại đất đai đã bị người Kinh tước đoạt, làm họ mất quyền canh tác sinh sống suốt bao đời qua. Chế độ Hà Nội huy động một lực lượng hùng hậu gồm cả chiến xa, máy bay tới đàn áp.

Số người bị bắt giữ lên hàng trăm nhưng không ai biết con số chính xác. Hàng ngàn người Thượng đã vượt biên sang Cam Bốt để xin đi tị nạn chính trị. Các vụ đàn áp tôn giáo và quyền sống kinh tế của người Thượng vẫn còn nguyên đó trong chế độ độc tài toàn trị. Khi có cơ hội thì lại bùng lên.

Ngày 16 Tháng Sáu, nhiều báo tuyên truyền tại Việt Nam đưa tin cuộc họp cùng ngày của Bộ Chính trị tức cơ quan chóp bu của đảng CSVN, trong đó thấy nhìn nhận “đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền, khu vực còn lớn”. Đồng thời lại còn nhìn nhận “quyền làm chủ của nhân dân, nhất là dân chủ ở cơ sở có lúc, có nơi còn vi phạm”.

Không thấy có thứ tin tức gì nói đến sửa lại những sai lầm, vi phạm đó mà người ta chỉ nhìn thấy một số người Thượng bị bắt sau vụ tấn công hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur huyện Cư Kuin khó tránh khỏi bản án tử hình.


Ba thập niên csVN đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa

RFA. Một báo cáo mới của Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) công bố hôm 20/6 tố cáo chính quyền Việt Nam đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa tại Việt Nam trong suốt hơn ba thập niên qua.

“Sự trấn áp bao gồm: sử dụng vũ lực thô bạo không cần thiết, bắt bớ, giam giữ, kết án tùy tiện, và các hình thức đánh đập, sách nhiễu, tấn công đối với các nhà lãnh đạo biểu tình, những người tham gia và những người đồng tình.” Thông cáo báo chí của FIDH và VCHR cho biết.

Bản phúc trình dài 58 trang liệt kê một loạt các vụ biểu tình, tập trung nổi tiếng ở Việt Nam đã bị chính quyền đàn áp bao gồm: các vụ khiếu kiện, biểu tình của các dân oan mất đất, của những nông dân phản đối quan chức địa phương tham nhũng như vụ Thái Bình vào năm 1997, các vụ cưỡng chế đất ở Hà Nội và TPHCM trong giai đoạn những năm 2000, vụ hàng ngàn người Thượng biểu tình ở Tây nguyên vào năm 2001 và 2004, vụ đàn áp người dân ở xã Đồng Tâm (ngoại thành Hà Nội) hồi năm 2020, các cuộc tập trung, biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội và Saigon năm 2011, biểu tình phản đối công ty Formosa thải chất độc ra biển Việt Nam năm 2016,  cuộc biểu tình của hàng ngàn người dân phản đối dự luật đặc khu và Luật an ninh mạng hồi năm 2018, các vụ đàn áp tôn giáo bao gồm đạo Dương Văn Mình, Hòa Hảo…

Theo báo cáo mới, mặc dù Hiến pháp Việt Nam khẳng định người dân Việt Nam có các quyền về tự do bày tỏ ý kiến, tự do tập trung, lập hội, nhưng Quốc hội Việt Nam suốt hơn 10 năm qua vẫn không thể thảo luận và thông qua một luật cụ thể đảm bảo quyền biểu tình của người dân.

Không những thế, Bộ luật Hình sự Việt Nam còn sử dụng các điều luật bị cho là đi ngược với các công ước quốc tế về nhân quyền. Đó là các Điều 109 – “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, Điều 117 – “Tuyên truyền chống Nhà nước”, Điều 331 – “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.

Đây là những điều luật thường được dùng để kết án những người dám chỉ trích chính quyền.

Theo báo cáo, những người tham gia các cuộc biểu tình ở Việt Nam bị bắt giữ và thường bị chuyển đi các trại giam xa gia đình, tạo thêm khó khăn cho người thân của họ khi muốn thăm nuôi. Những người này sau khi ra tù thường còn phải chịu án quản chế từ một đến năm năm.

Những nhà hoạt động nhân quyền bị tuyên án tù và thường bị đẩy ra nước ngoài. Các trường hợp nổi tiếng trong các năm gần đây gồm: luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và 3 luật sư Việt nam mới phải chạy sang Mỹ hôm 16/6 như bản tin dưới đây.


Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng về việc ba luật sư nhân quyền Việt Nam đến Mỹ

Theo tin của VOA, 3 luật sư nhân quyền Việt Nam Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, và Đào Kim Lân đã đến Mỹ hôm 16/6 giữa lúc các ông đang bị công an truy tìm, Bộ Ngoại giao Mỹ nói với VOA rằng chính quyền Việt Nam chớ nên trả thù các luật sư.

Hoa Kỳ khuyến khích chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền được xét xử công bằng như đã được đảm bảo theo luật pháp Việt Nam, bao gồm cả việc đảm bảo các luật sư bào chữa các vụ án hình sự có thể hành nghề tư vấn pháp lý một cách hiệu quả mà không sợ bị trả thù”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra ý kiến với VOA biết qua email vào tối ngày 19/6.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng và Luật sư Đặng Đình Mạnh tại thủ đô Washington, D.C Hoa Kỳ hôm 16/6/2023.(RFA)

Bộ Ngoại giao Mỹ không xác nhận cũng không bác bỏ việc ba luật sư đến Mỹ, nói thêm rằng “do những cân nhắc về quyền riêng tư, chúng tôi không chia sẻ thông tin về chuyến đi cá nhân đến Hoa Kỳ”.

Trước đó, vào ngày 16/6 các luật sư và gia đình đã đến Mỹ “an toàn”, kết thúc những tháng ngày lẩn trốn do bị Công an tỉnh Long an truy tìm giữa lúc các luật sư bị điều tra với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự.

“Chuyến đi khá bất ngờ trong một thời gian quá ngắn”, luật sư Đào Kim Lân cho VOA biết qua tin nhắn. “Tôi đã ở một nơi rất an toàn nhưng còn sắp xếp một vài công việc trước khi chính thức bước vào cuộc sống mới”.

Trả lời phỏng vấn đài RFA hôm 19/6 sau khi đặt chân đến Mỹ, luật sư Nguyễn Văn Miếng nói: “Tôi như trút được một gánh nặng sau 100 ngày bị săn đuổi”, trong khi Luật sư Đặng Đình Mạnh nói rằng việc ông xuất cảnh, đi lại là thực hiện “quyền tự do theo Hiến pháp” và rằng ông “không có trách nhiệm phải chấp hành” các quyết định truy tìm của công an vì các quyết định đó “không căn cứ theo những quy định của tố tụng hình sự”.

Hồi tuần trước, công an tỉnh Long An ra quyết định truy tìm 3 luật sư đã tham gia bào chữa trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai hay còn gọi là Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ với lý do các luật sư “không đến để làm việc” liên quan đến tin tố giác tội phạm từ Cục An ninh mạng sau khi đã được mời “nhiều lần”.

Công an tỉnh Long An và Bộ Ngoại giao Việt Nam không phản hồi ngay đề nghị đưa ra bình luận của VOA.

Giới hoạt động cho nhân quyền Việt Nam nhận định rằng việc các luật sư nhân quyền rời bỏ Việt Nam sang Mỹ cho thấy việc bào chữa các các vụ án “an ninh quốc gia” liên quan đến tự do tôn giáo, nhân quyền là rất rủi ro và sự thấp kém trong ngành tư pháp Việt Nam.

Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân nêu nhận định với VOA:

Khi các luật sư đứng ra bào chữa trước tòa theo quan điểm của các thân chủ thì luôn luôn đụng chạm. Phía Việt Nam thì có thể căn cứ vào các lời bào chữa đó và họ coi là vi phạm pháp luật. Như các luật sư vừa rồi bị tiến hành triệu tập và thậm chí họ có thể khởi tối vụ án. Đó là một sự rủi ro rất lớn”. (trích VOA)


Hoa Kỳ: Việt Nam chưa bị giám sát vì thao túng tiền tệ

Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa bảy nền kinh tế vào danh sách giám sát về thao túng tiền tệ nhưng không có Việt Nam.

Bảy nước nằm trong danh sách giám sát gồm Trung cộng, Hàn Quốc, Đức, Malaysia, Singapore, Thụy Sĩ và Đài Loan.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho truyền thông hay tin trên trong ngày 21/6, nêu rõ, trong ngày 17/6/2023 Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ban hành báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại chính, với ba tiêu chí: Thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ; thặng dư cán cân vãng lai; can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ kết luận trong báo cáo, không có đối tác thương mại lớn nào của Hoa Kỳ thao túng tiền tệ trong giai đoạn từ tháng 1-12/2022.

Việt Nam vượt ngưỡng một tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hoá và dịch vụ với Hoa Kỳ, do đó Bộ Tài chính Hoa Kỳ tiếp tục không đưa Việt Nam vào Danh sách giám sát.

Vào tháng 5/2019, Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam vào “danh sách giám sát” thao túng tiền tệ.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã phàn nàn với Hà Nội về tình trạng nhập siêu của Mỹ với Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ nguồn chính phủ Mỹ, nhập siêu của Mỹ từ Việt Nam liên tục tăng theo các năm.

Vào tháng 11 năm 2021, Bộ Tài chính Mỹ thông báo đưa Việt Nam khỏi “danh sách giám sát” thao túng tiền tệ. Lý do được phía Mỹ đưa ra là Việt Nam chỉ vượt ngưỡng một tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hoá và dịch vụ với Mỹ. (RFA)


Hai tàu khu trục Nhật Bản ghé cảng Việt Nam

Hai tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản là Izumo và Samidare hôm 20/6 đã cập cảng Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Khu trục hạm trực thăng Izumo

Theo NHK, chuyến thăm của đội tàu của Nhật Bản sẽ kéo dài 4 ngày, tới ngày 23/6.

Cơ quan truyền thông công cộng của Nhật Bản dẫn lời Chuẩn đô đốc Nishiyama Takahiro, người chỉ huy đội tàu Izumo, nói rằng Lực lượng Phòng vệ Biển của Nhật Bản “hy vọng sẽ tăng cường trao đổi thường xuyên với hải quân Việt Nam và củng cố quan hệ hợp tác để có thể sẵn sàng phối hợp khi cần thiết”.

Tin từ NHK cho hay, trước khi ghé Việt Nam, tàu Izumo đã diễn tập chung với tàu sân bay Ronald Reagan của Hải quân Mỹ và các tàu khác ở Biển Đông từ ngày 10/6 đến 14/6.

Theo báo Quân đội Nhân dân, Đại tá Nguyễn Thái Học, Phó tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, chủ trì lễ đón và chuyến thăm này là một sự kiện đánh dấu 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Tin cho hay, trong khuôn khổ chuyến thăm này, chỉ huy đội tàu của Nhật Bản đã tới thăm Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân, thăm Học viện Hải quân, trong khi các chiến sĩ, thủy thủ hai nước giao lưu thể thao.

Cơ quan ngôn luận của Quân đội Việt Nam viết rằng chuyến thăm “góp phần thêm hiểu biết lẫn nhau và khả năng phối hợp” giữa hai bên đồng thời “tích cực củng cố, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam-Nhật Bản nói riêng, hợp tác giữa hai nước nói chung lên tầm cao mới”.


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 18-19-20/11/2024.
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga
  • Tổng thống Nga ký sắc lệnh mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân
  • Ukraine lần đầu tiên tấn công Nga bằng tên lửa của Mỹ vào ngày thứ 1.000 của cuộc chiến
  • Bắc Triều Tiên cung cấp cho Nga tên lửa và pháo tầm xa
  • Đặc phái viên Mỹ: Khả năng chấm dứt chiến tranh Israel-Hezbollah 'trong tầm tay'
  • An ninh Đông Á bị tác động nghiêm trọng vì lính Bắc Triều Tiên can dự chiến tranh Ukraina
  • Nhóm 5 nước lớn nhất châu Âu "ủng hộ" trái phiếu quốc phòng
  • Liên Âu bất đồng về việc cho Ukraina dùng vũ khí được cung cấp tấn công lãnh thổ Nga
  • Thượng đỉnh G20 khép lại với tuyên bố chung chống nạn đói toàn cầu
  • Manila tố cáo Trung Cộng ngụy trang tàu chiến thành tàu cá xâm chiếm biển Philippines
  • Ba tù nhân chính trị đang thụ án 26 năm tù được trao Giải Nhân quyền Việt Nam 2024
  • Giám đốc Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA tuyên bố ủng hộ nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Mỹ xác định Việt Nam ‘không thao túng tiền tệ’.
  • Nghiên cứu mới: 99% quần đảo Trường Sa nằm trong tầm với của Bắc Kinh
  • Mỹ cho Việt Nam 5 máy bay huần luyện
  • Hà Nội dự kiến hạn chế xe máy vào nội thành
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 11-12-13/11/2024
  • Nghị trình "Làm Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại" được định hình: Nội các của TT Trump
  • Ông Trump gặp ông Biden tại Tòa Bạch Ốc
  • Tổng thống Ukraina: Nga điều 50.000 quân tới khu vực Kursk và chuẩn bị tấn công
  • Ngoại trưởng Blinken cam kết củng cố ủng hộ cho Ukraine trước khi chuyển giao quyền lực
  • Chiến tranh tiếp tục lan rộng tại Liban
  • Các nước Ả Rập họp hội nghị cấp cao khẩn cấp về xung đột tại Trung Đông
  • Donald Trump chọn nhân sự cứng rắn với Trung Cộng vào các vị trí chủ chốt
  • APEC 2024: Peru bắt đầu tuần lễ Diễn đàn Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương
  • Nhật Bản: Hạ Viện mới bầu lại ông Shigeru Ishiba giữ chức thủ tướng
  • Mỹ yêu cầu TSMC ngừng cung cấp lô hàng chip bán dẫn cho Trung Cộng
  • Philippines lên án Trung Cộng gây áp lực trong hồ sơ chủ quyền ở Biển Đông
  • Tô Lâm - Donald Trump: cuộc điện đàm dự báo mối quan hệ
  • Chile trục xuất viên chức an ninh Việt Nam vì tấn công tình dục
  • Chính phủ khẳng định với LHQ không trả thù luật sư Đặng Đình Mạnh
  • CSVN buộc người dùng mạng xã hội phải định danh mới được livestream
  • TIN ĐẶC BIỆT: BẦU CỬ HOA KỲ 2024. Tổng Thống Donald Trump Đắc Cử Vẻ Vang
  • Foreign Policy: Nước Mỹ đã quyết định
  • RFI: Theo truyền thông Mỹ, Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ
  • BBC: Donald Trump đã chiến thắng, một sự trở lại ngoạn mục
  • BBC: Những phát biểu đặc sắc của TT Trump
  • Tổng thống Biden gọi điện chúc mừng ông Trump
  • Nhiều nước chúc mừng chiến thắng của Donald Trump
  • Cựu Tổng thống Bush chúc mừng ông Trump
  • Kamala Harris: thua cuộc nhưng không từ bỏ
  • Bầu cử Mỹ: Đảng Cộng Hòa giành lại quyền kiểm soát Thượng Viện
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 28-29-30/10/2024.
  • Ukraina huy động thêm 160.000 binh sĩ
  • Kiev và Seoul sẽ tăng cường hợp tác chống quân Bắc Triều Tiên tham chiến ở Ukraina
  • Hamas nói sẵn sàng bàn thảo thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Gaza
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng vũ khí không giới hạn nếu lính Bắc Triều Tiên hỗ trợ Nga
  • Tổng thống Ai Cập đề xuất hưu chiến tại Gaza để phóng thích các con tin Israel
  • Hezbollah chọn Naim Qassem làm thủ lĩnh kế nhiệm ông Nasrallah
  • Bầu cử Quốc Hội Gruzia: Cơ quan Công tố mở điều tra về "gian lận" quy mô lớn
  • Brazil trở thành quốc gia BRICS thứ hai không tham gia dự án BRI của TC
  • Mỹ ban hành các quy định hạn chế đầu tư vào các công ty công nghệ tiên tiến của TC
  • Nhật Bản: Đảng cầm quyền mất đa số tại Hạ Viện, thủ tướng Ishiba không định từ chức
  • Việt Nam “sẵn sàng” hợp tác với BRICS
  • Tổ chức nhân quyền Canada kêu gọi trừng phạt 14 quan chức Việt Nam
  • UAE tính xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ sản phẩm dầu mỏ tại VN
  • Giới hoạt động đánh giá cao việc LHQ xác nhận người Thượng là dân tộc bản địa
  • Nhóm công tác của LHQ: Việt Nam bắt giữ tùy tiện có hệ thống
  • Blogger Đường Văn Thái bị kết án 12 năm tù giam trong phiên toà kín
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 21-22-23/10/2024.
  • Gia nhập NATO: Ukraina trông đợi vào kết quả bầu cử Mỹ
  • Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tới Ukraina để thể hiện tình đoàn kết
  • Israel tăng cường tấn công ở Gaza, Lebanon sau khi thủ lĩnh Hamas bị diệt
  • BRICS: Tổng thống Nga phá thế cô lập, tiếp đón hơn 20 nguyên thủ quốc gia
  • Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác nhận quân đội Triều Tiên đang ở Nga
  • Nam Hàn có thể cân nhắc cấp vũ khí cho Ukraine do ‘thông đồng quân sự’ Nga-Triều
  • EU lấy 35 tỷ euro tài sản bị đóng băng của Nga để cho Ukraine vay
  • Đài Bắc theo dõi sát sao tàu sân bay Trung Cộng Liêu Ninh đi qua eo biển Đài Loan
  • Mỹ - Nhật khởi động tập trận chung
  • Indonesia: Prabowo nhậm chức tổng thống
  • Modi nói với Putin: ‘Ấn Độ muốn hòa bình ở Ukraine’
  • Tướng Mỹ: Triển khai phi đạn Mỹ tới Philippines là ‘cực kỳ quan trọng’
  • Việt Nam có tân chủ tịch nước xuất thân từ tướng quân đội
  • HRF, KKF kêu gọi LHQ can thiệp vụ hai nhà hoạt động Khmer bị VN giam cầm
  • LHQ kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị BRICS, khẳng định tình bạn thủy chung với Nga
  • Bão Trà Mi hướng vào Việt Nam, miền Trung sẽ mưa lớn diện rộng