Tin Thế Giới.

Quân đội Ukraina giải phóng ngôi làng thứ 9, vượt sông Dniepr (RFI)

Quân đội Ukraina tiếp tục cuộc phản công. Hôm 26/06/2023, bộ Quốc Phòng Ukraina thông báo giải phóng được ngôi làng thứ 9 tính từ đầu cuộc phản công. Cũng trong cùng ngày, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đến thăm hai địa điểm ở tiền tuyến miền đông Ukraina.

Một bước tiến của cuộc phản công được nhiều nhà quan sát chú ý là quân đội Ukraina đã vượt sông Dniepr ở tỉnh miền nam Kherson, và dường như đã lập được một ‘‘đầu cầu’’ phía tả ngạn sông, đối diện với thủ phủ Kherson, vị trí chiến lược cho phép kiểm soát trục đường chính hướng về bán đảo Crimée. Thông tín viên Stéphane Siohan tường trình từ Kiev :

‘‘Các lực lượng Ukraina vẫn tiếp tục tiến về phía trước. Đây trước hết là điều toát ra từ các phát biểu của tổng thống Zelensky, đã đến vùng Donbass hôm thứ Hai, 26/06. Nguyên thủ Ukraina trao tặng huân chương cho binh sĩ. Thậm chí ông còn tham gia chụp hình selfie, thanh thản uống cà phê với các nhân viên phục vụ tại một cây xăng.

Bất chấp tính chất nghiêm trọng của tình hình, tổng thống Ukraina cho rằng đây là một ngày hạnh phúc, bởi quân đội Ukraina đã giành thêm đất. Trên thực tế, bộ Quốc Phòng đã chính thức thông báo chiếm lại được làng Rivnopil tại vùng Donbass. Đây là địa phương thứ 9 được chính thức giải phóng khỏi các lực lượng chiếm đóng Nga.

Nhưng điều đặc biệt quan trọng là quân đội Ukraina dường như đã thiết lập được một đầu cầu ở phía nam Kherson, bên tả ngạn sông Dniepr, tại Olechky. Đây là một khu vực đầm lầy, rộng vài cây số, khá khó kiểm soát. Nhưng người Ukraina đã thực sự vượt được sông ở địa điểm mà quân Nga không ngờ tới, sau khi phá hủy đập Nova Kakhovka.

Nếu quân đội Kiev cố gắng duy trì và củng cố được đầu cầu này, đối diện với thành phố Kherson, họ sẽ kiểm soát được đoạn đầu của xa lộ dẫn thẳng đến bán đảo Crimée. Tất cả điều này tất nhiên sẽ diễn ra rất chậm chạp, khó khăn, tổn thất nhiều về sinh mạng. Nhưng đối với người Ukraina, điều  này quan trọng hơn nhiều so với trò múa rối đang diễn ra ở điện Kremlin’’.


Vụ ‘‘nổi loạn’’ của Prigojine phơi bày sự ‘‘rữa nát’’ của Nhà nước Nga (RFI, Điểm báo)

Vụ ‘‘nổi loạn’’ ngắn ngủi chống Matxcơva của chủ nhân công ty lính đánh thuê Wagner, bùng lên rồi tắt ngấm ngay trong ngày thứ Bảy 24/06/2023, là chủ đề trang nhất của các nhật báo Pháp số ra đầu tuần. Le Figaro nói đến ‘‘Cuộc nổi dậy làm rung chuyển quyền lực Putin’’. Tựa chính của Libération : ‘‘Prigojine, kẻ phản bội điện Kremlin’’, đã tung ra ‘‘một thách thức chưa từng thấy nhắm vào đồng minh Putin, khi đe dọa thẳng tiến Matxcơva, trước khi rút lui bí ẩn’’.

Ấn tượng nổi bật là vụ nổi loạn của Prigojine làm rung chuyển quyền lực của cựu sĩ quan KGB, người cai trị nước Nga hơn hai thập niên với bàn tay sắt cùng rất nhiều thủ đoạn tinh vi. Trang nhất La Croix đăng hình binh lính Wagner trên một xe tăng trên nền trời đen kịt, cùng hàng tựa ‘‘Ngày mà Putin phải run rẩy’’.

Putin phải ‘‘run rẩy’’.

Prigizhin, thủ lãnh của lực lượng lính đánh thuê Wagner

Cuộc ‘‘binh biến’’ của Wagner đã ‘‘gây bất ngờ cho điện Kremlin, gieo rắc nỗi bàng hoàng trong hệ thống quyền lực Nga’’. Bài xã luận của nhật báo Công Giáo, nhan đề ‘‘Những rạn nứt ở điện Kremlin’’, khẳng định lãnh đạo Nga phải đương đầu với ‘‘cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất’’ trong 23 năm cầm quyền, khi bị chính ‘‘thuộc hạ thân tín thách thức’’. Evgueni Prigojine là sản phẩm của Putin, cựu sĩ quan KGB, vốn ‘‘tin tưởng có thể duy trì quyền lực với việc trực tiếp điều hành hàng loạt thủ hạ và những tổ chức’’, như kiểu công ty Wagner, nhưng rút cục ‘‘đã bị tay chân phản lại’’. Và đây có thể chỉ là ‘‘cảnh báo đầu tiên’’.

Bài xã luận nhan đề ‘‘Rung chuyển’’ của Libération cũng dự báo ‘‘kể từ cuộc nổi dậy của Prigojine, toàn thế giới đã đi đến kết luận Putin không còn kiểm soát được tình hình. Các diễn biến kiểu như ngày 24/06 có thể sẽ tái diễn. Các băng đảng, phe nhóm hay các lực lượng vũ trang tư nhân… Trong số những thế lực thù địch trong nước này, sắp tới kẻ nào sẽ thẳng tiến về Matxcơva ?’’

Không phải là ‘‘người hùng’’

Đối với Le Figaro, cho đến hiện tại, với việc lãnh đạo tối cao Nga tỏ ra ‘‘khoan dung’’, nhân nhượng bất ngờ với kẻ bị gọi là ‘‘phản quốc’’ chỉ ít giờ trước, ‘‘người hùng của nước Nga đã hoàn toàn không phải là con người như mọi người vẫn tưởng’’. Putin đã phải ‘‘run rẩy’’. Đây là điều diễn ra ngay trước mắt bàn dân thiên hạ.

Bài xã luận của Le Figaro, nhan đề ‘‘Prigojine, người tiết lộ’’ nhấn mạnh : ‘‘những diễn biến không thể tin nổi’’ mà nước Nga cho thấy trong ngày thứ Bảy 24/06 vừa qua chỉ là ‘‘phần hiển lộ của một tình trạng bất ổn sâu hơn nhiều. Khi chà đạp lên các định chế của đất nước từ hai thập niên qua, chính Putin đã mở màn cho tiến trình phân rã của Nhà nước Nga – cuộc chiến tranh tại Ukraina chỉ khiến quá trình thối rữa này thêm tăng tốc’’.

”Tuyên chiến” với Putin hay ”mặc cả” với Putin ?

Đằng sau ấn tượng ban đầu về quyền lực Putin bị lung lay sau vụ ‘‘binh biến’’ chưa từng có này, những diễn biến bất ngờ ngày 24/06 tại Nga cũng khiến báo chí Pháp đặt nhiều câu hỏi. Hiện tại, theo Libération, chưa có lời đáp cho những vấn đề như : Ông chủ Wagner đã đạt được điều gì để chấp nhận sự ‘‘thất bại nhục nhã’’ này, khi buộc phải lưu vong tại Belarus, với nguy cơ bị ám sát đè nặng ? Tại sao ông ta rời khỏi thành phố Rostov trên sông Đông với nụ cười trên môi ?

Với Le Figaro, vụ rút lui của Prigojine ngược lại hoàn toàn không phải là ‘‘đầu hàng’’, mà đã có một thỏa hiệp, với nhiều bồi hoàn có lợi. Và bí ẩn lớn bao trùm lên vụ nổi dậy vẫn là vai trò của các lực lượng quân đội, được coi là các đồng minh của Prigojine, và vì sao tổng thống Nga không có phản ứng sớm hơn, khi có thể đã biết trước thông tin về vụ ‘‘nổi dậy’’ trước đó 24 giờ ?

Prigojine, ”kẻ lên án” cuộc chiến của Putin

Lực lượng Wagner chiếm thành phố Rostov hôm Thứ Bảy

Một bí ẩn lớn khác liên quan đến quan hệ Prigojine – Putin, được Le Monde nêu bật trong bài xã luận ‘‘Lột mặt nạ nước Nga của Putin’’. Không chỉ đe dọa quyền lực của chủ nhân điện Kremlin với cuộc tiến quân về Matxcơva, chủ nhân công ty Wagner còn bác bỏ thẳng thừng luận điệu tuyên truyền của tổng thống Nga về ‘‘chiến dịch quân sự’’ tại Ukraina, được Matxcơva coi là chính nghĩa.

Bài xã luận của Le Monde thuật lại quan điểm của Prigojine, được nhắc đi nhắc lại trong buổi sáng ngày thứ Bảy 24/06, cùng lúc với thời điểm đoàn xe của Wagner tiến về thủ đô Nga. Lãnh đạo Wagner lên án cuộc chiến khiến hàng chục nghìn sinh mạng của hai bên bị cướp đi này, ‘‘hoàn toàn không phải vì lợi ích quốc gia, mà chỉ phục vụ cho những kẻ hưởng lợi nhờ chiến tranh’’. Mục tiêu tấn công của Prigojine không chỉ là giới thân cận đang bị coi là ‘‘ru ngủ tổng thống Nga’’, mà còn nhắm thẳng vào chính chủ nhân điện Kremlin.

Nhà nước của băng đảng: Nước Nga Putin lộ nguyên hình

Thực chất của nước Nga của Putin đã hiện nguyên hình với cuộc xâm lăng Ukraina. Vầng hào quang về sức mạnh quân sự Nga trước ngày 24/02/2022, giờ không còn nữa. Và giờ đây, cuộc ‘‘binh biến’’ nửa chừng của Prigojine cho thấy nước Nga chỉ còn là nơi cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các băng đảng, phe phái, mà tất cả dường như đều khẳng định trung thành với lãnh đạo tối cao.

Phần kết của bài ‘‘Lột mặt nạ nước Nga của Putin’’ của Le Monde lo ngại trước nguy cơ ‘‘nước Nga ngày càng lún sâu hơn nữa trong quá trình phân rã đầy bất trắc này’’. Le Monde cảnh báo : một nước Nga lâm vào tình trạng như vậy chắc chắn cũng sẽ không có lợi cho các quốc gia vốn có lập trường gần gũi với Nga, bất chấp các tội ác của quân đội Nga tại Ukraina, ‘‘trước hết là Trung Cộng’’.

Nhật báo kinh tế Les Echos cũng dành chủ đề chính cho biến cố Wagner tại Nga. Với Les Echos, hiển nhiên đây là một dấu hiệu cho thấy ‘‘Chế độ Putin chao đảo’’, nhưng ‘‘bí ẩn vẫn bao trùm hoàn toàn vụ động binh của Prigojine’’. Đối với chuyên gia trung tâm Carnegie, ông Andrei Kolesnikov, được coi là ‘‘một trong những nhà chính trị học độc lập cuối cùng’’ còn trụ lại ở Nga, rất khó nói ai có lợi trong biến cố kỳ lạ này : ‘‘Prigojine biết sẽ không được gì, còn Putin không cần đến cuộc khủng hoảng này, trong bối cảnh ông ta từ nhiều tuần này đã tìm cách trấn an dân chúng’’.

Vụ binh biến Wagner: Kẻ hưởng lợi lớn nhất là ai ?

‘‘Cuộc binh biến có mầu sắc đảo chính’’ của Prigojine rõ ràng cho thấy tình hình hoàn toàn không có gì bình thường. Thông tín viên của Les Echos tại Matxcơva, Benjamin Quénelle, đã thu thập tiếng nói của nhiều người dân thủ đô nước Nga. Nhiều giả thiết ‘‘khó tin nhất’’ được đặt ra. Một doanh nhân tại Matxcơva cho rằng ‘‘kẻ được hưởng lợi duy nhất có thể là thủ lĩnh một thế lực trong hậu trường, vừa có mục tiêu loại Prigojine ra khỏi cuộc chơi, vừa giảm uy tín của Putin’’.

Ngoài Giáo hội Chính Thống Giáo Nga và một số nhân vật trong Quốc Hội Nga, không có bất cứ một tên tuổi nào trong chính giới Nga lên tiếng trong thời gian diễn ra cuộc binh biến. Một số người cho rằng, cuộc binh biến có thể dẫn đến thay đổi nhanh hơn về nhân sự trong hàng ngũ lãnh đạo bộ Quốc Phòng Nga, theo đòi hỏi của chủ nhân Wagner. Việc lực lượng của Wagner di chuyển dễ dàng về Matxcơva, rất ít gặp cản trở từ các lực lượng an ninh địa phương dẫn đến nghi ngờ có sự đồng lõa, hoặc ít nhất cũng nhắm mắt làm ngơ. Theo Les Echos, đa số quân nhân Nga ủng hộ chiến tranh tại Ukraina, nhưng có thể phần nào ủng hộ các chỉ trích của Prigojine nhắm vào quân đội và tầng lớp chỉ huy tham nhũng.

Với Les Echos, rõ ràng vụ binh biến cho thấy ‘‘những điểm yếu của chế độ Putin’’. Số lượng người công khai ủng hộ tổng thống Nga trong bộ máy dường như không nhiều. Theo dõi phản ứng của dân Nga trên các mạng xã hội, ít bị kiểm soát chặt, như Telegram, có thể thấy đông đảo dân Nga coi cuộc nổi loạn của Prigojine như một điều ”không quá lạ lùng”.


NATO: Cuộc binh biến cho thấy ‘sai lầm chiến lược lớn’ của Moscow khi tấn công Kyiv (VOA)

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm thứ Hai (26/6) cho biết cuộc binh biến bị hủy bỏ bởi nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga vào cuối tuần đã cho thấy quy mô sai lầm chiến lược của Điện Kremlin khi tiến hành chiến tranh với Ukraine, theo Reuters.

Nga đã tìm cách khôi phục lại sự yên bình hôm 26/6 sau khi các chiến binh Wagner dừng cuộc tiến công nhanh chóng vào Moscow, rút khỏi thành phố Rostov họ chiếm giữ ở miền nam Nga và quay trở lại căn cứ của họ vào cuối ngày thứ Bảy (24/6) theo một thỏa thuận đảm bảo an toàn cho họ.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

Điện Kremlin cho biết, chỉ huy của họ, ông Yevgeny Prigozhin, sẽ chuyển đến Belarus theo thỏa thuận do Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko làm trung gian.

“Các sự kiện cuối tuần qua là vấn đề nội bộ của Nga, và là một minh chứng khác cho sai lầm chiến lược lớn mà Tổng thống (Vladimir) Putin đã mắc phải với việc sáp nhập Crimea bất hợp pháp và cuộc chiến chống Ukraine”, ông Stoltenberg nói với các phóng viên trong chuyến thăm thủ đô Vilnius của Litva.

Các sự kiện bất thường và khó hiểu vào cuối tuần đã khiến các chính phủ phương Tây phải mò mẫm tìm câu trả lời cho những gì có thể xảy ra tiếp theo ở quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới – và cuộc chiến của nước này với Ukraine.

Ông Stoltenberg cho biết NATO đang theo dõi tình hình ở Belarus và một lần nữa lên án việc Moscow tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân ở đó.

Chúng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân nhưng NATO vẫn cảnh giác”, ông nói và cho biết thêm khả năng răn đe của NATO đủ mạnh để giữ an toàn cho người dân trong một “thế giới nguy hiểm hơn”.

Đồng thời, ông Stoltenberg đảm bảo với Kyiv về sự hỗ trợ tiếp tục của NATO.

Nếu Nga nghĩ rằng họ có thể đe dọa chúng tôi vì ủng hộ Ukraine, thì họ sẽ thất bại”, ông nói. “Chúng tôi sát cánh cùng Ukraine lâu dài”.

Ông Stoltenberg đến Litva để tham dự một cuộc tập trận nhằm kiểm tra khả năng tăng cường nhanh chóng của nhóm chiến đấu NATO do Đức dẫn đầu ở nước này với quy mô của một lữ đoàn, một đơn vị quân đội bao gồm tới 5.000 quân, một kịch bản sẽ được ban hành trong trường hợp căng thẳng gia tăng hoặc một cuộc xung đột với Nga.

Ông mô tả cuộc tập trận này là thông điệp rõ ràng rằng NATO sẵn sàng bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ của đồng minh.


Tổng thống Putin thừa nhận Nhà nước Nga tài trợ Wagner (RFI)

Lần đầu tiên tổng thống Vladimir Putin chính thức khẳng định Nhà nước Nga đã tài trợ cho công ty lính đánh thuê của Yevgeny Prigozhin. Trong bài diễn văn ngày 27/06/2023 trước đông đảo đại diện của quân đội, các lực lượng an ninh và Vệ binh Quốc gia được mời đến điện Kremlin, nguyên thủ Nga cũng khẳng định riêng Yevgeny Prigozhin, ông chủ Wagner, còn nhận thêm 80 tỉ rúp (khoảng 850 triệu euro) từ hợp đồng cung cấp thực phẩm giữa công ty Concord và quân đội.

Thông tín viên RFI Anissa El Jabri tại Matxcơva tường thuật :

« Ngồi bên bàn làm việc, thỉnh thoảng liếc vào một tờ giấy, tổng thống Nga « tính sổ » trên truyền hình và khoản thống kê rất đặc biệt : Đó là số tiền mà Nhà nước Nga tài trợ cho Wagner. Chưa hết, ông Vladimir Putin chỉ đưa ra con số thống kê của 12 tháng.

Ông cho biết từ tháng 05/2022 đến tháng 05/2023, công ty lính đánh thuê này đã lĩnh trực tiếp tổng cộng 86.262 tỉ rúp, tương đương với gần 1 tỉ euro, trực tiếp từ Nhà nước và bộ Quốc Phòng. Tổng thống Vladimir Putin đã thừa nhận điều mà ông luôn bác bỏ : Đó là Nhà nước tài trợ hoàn toàn tập đoàn Wagner. Tổng thống Nga nói : « Tôi hy vọng là trong suốt những chiến dịch đó, không ai ăn cắp hoặc là « ăn bớt ». Đương nhiên là chúng tôi sẽ kiểm tra việc đó ».

Như vậy, ông Putin cho thấy là ông chưa chấm dứt với Wagner, mà ngược lại, mọi việc mới chỉ bắt đầu. Trong lúc đó, ông khen thưởng và vũ trang cho những lực lượng trung thành với ông, đứng đầu là Lực lượng Vệ binh Quốc gia (Rosgvardia), được thành lập năm 2018. Một trong những cựu vệ sĩ của ông Putin là Viktor Zolotov hôm nay (28/06) thông báo các nhóm của ông này được trang bị nhiều thiết bị mới, xe tăng và vũ khí hạng nặng tầm xa ».

Theo AFP, việc « chuyển giao » vũ khí hạng nặng của Wagner cho quân đội chính quy đang trong quá trình chuẩn bị. Trước khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraina, điện Kremlin luôn bác bỏ mọi mối liên hệ với tập đoàn lính đánh thuê được Yevgeny Prigozhin thành lập năm 2014, sau đó can dự vào cuộc chiến ở Syria. Chỉ đến tháng 09/2022, Prigozhin mới chính thức thừa nhận đứng đầu Wagner và tuyển tù nhân đi chiến đấu ở Ukraina. Lúc đó, Matxcơva cũng thừa nhận có liên hệ với tập đoàn bán quân sự : bộ Quốc Phòng cung cấp cho Wagner thiết bị quân sự, doanh trại và trại huấn luyện.

Theo ngoại trưởng Nga, hoạt động của Wagner ở châu Phi vẫn được duy trì. Ngày 27/06, người phát ngôn của bộ Ngoại Giao Mỹ Matthew Miller cho biết Hoa Kỳ sẽ « có thêm nhiều biện pháp » chống tập đoàn bán quân sự Nga tại châu Phi nhưng không nêu rõ chi tiết.


Nga: Prigojine nổi loạn chống Putin, Mỹ vừa mừng vừa lo nên thận trọng

Hoa Kỳ và NATO “không liên quan gì” đến cuộc nổi loạn bất thành của nhóm Wagner tại Nga, “đó là vấn đề nội bộ của Nga”. Tuyên bố hôm 26/06/2023 vừa qua của tổng thống Mỹ Joe Biden về cuộc khủng hoảng chưa từng thấy tại Nga nổ ra trước đó ít lâu cho thấy rõ phản ứng rất thận trọng của Hoa Kỳ.

Lẽ ra các khó khăn vừa đổ ập xuống đầu đối thủ số một hiện nay của Mỹ phải khiến Washington mừng vui, thế nhưng sự suy yếu của tổng thống Nga Putin có thể kéo theo nhiều hậu quả đáng lo ngại, và đây chính là lý do khiến Hoa Kỳ phản ứng dè dặt trước các diễn biến tại Nga.

Theo nhận định của phóng viên nhật báo Pháp Le Monde tại Washington, trước khi tổng thống Mỹ lên tiếng, ngay từ hôm 25/06, ngoại trưởng của ông là Antony Blinken đã có phản ứng cảnh giác và thận trọng trước cuộc nổi loạn chống Putin của thủ lĩnh Wagner. Trên kênh truyền hình Mỹ NBC, dù có vẻ vui mừng trước “những rạn nứt mới” trong chế độ Putin, ông Blinken vẫn khẳng định rằng cuộc tiến quân bị bỏ ngang của lực lượng Wagner tới Matxcơva là một “vấn đề nội bộ” của nước Nga.

Về phần mình, nhật báo Mỹ The Washington Post ngày 24/06 tiết lộ: rằng các cơ quan tình báo Hoa Kỳ ngay từ giữa tháng 6 đã phát hiện ra việc lực lượng Wagner đang chuẩn bị một chiến dịch lớn ngay trên lãn thổ Nga. Nhưng trái với thời kỳ những tuần trước khi nổ ra cuộc chiến ở Ukraina, khi chính quyền Biden liên tục tố cáo việc Nga điều quân đến vùng biên giới, lần này Washington chọn phương án im lặng, để khỏi giúp ích cho Putin cũng như tránh khỏi những lời buộc tội không thể tránh khỏi về một âm mưu can thiệp từ nước ngoài.

Theo Le Monde, Washington tất nhiên rất hài lòng khi thấy Vladimir Putin bị suy yếu, một tình trạng đã thể hiện rõ thêm trong phản ứng yếu kém trước cuộc nổi loạn vừa qua.

Đối với Hoa Kỳ, chế độ Putin giờ đây có vẻ yếu kém hơn nhiều so với trước tháng 2 năm 2022. Ảnh hưởng địa chính trị của nó ở các vùng ngoại vi bị suy giảm rất nhiều (ngoại trừ tại Belarus hay Gruzia). Quân đội Nga đã phải chịu một chuỗi dài thất bại nhục nhã trên mặt trận Ukraina khiến Putin bị buộc phải dựa vào một nhóm vũ trang tư nhân, tức là nhóm Washington thủ phạm vụ nổi loạn vừa qua.

Thê nhưng, sự suy yếu của chính chế độ Putin lại đang khiến Washington quan ngại, và như nhận định của Le Monde, dù chỉ là mới là giả thuyết, nguy cơ bộ máy nhà nước Nga bị phân rã đang khiến các quan chức Mỹ rùng mình hãi sợ.

Tại Washington, người ta đã sửng sốt trước phản ứng yếu ớt của chế độ trước cuộc nổi loạn của lực lượng Wagner. Vấn đề về lòng trung thành của các cơ quan an ninh và các đơn vị quân đội được đặt ra. Một hình ảnh minh họa cho tình trạng tệ hại kể trên: Chính quyền đã phải dùng xe đào đường để phá hủy đường cao tốc dẫn đến Mátxcơva nhằm ngăn chặn bước tiến của lực lượng Prigojine.

Chính sự yếu kém nói trên đã gây lo ngại, đặc biệt trên vấn đề sử dụng vũ khí hạt nhân, công cụ hủy diệt tối thượng. Cho đến nay, nhiều thành phần cực đoan tại Nga thường xuyên kêu gọi dùng vũ khí hạt nhân, nhưng quyền bấm nút vẫn nằm trong tay Putin.

Theo bà Maria Snegovaïa, nhà nghiên cứu tại trung tâm CSIS ở Washington: “Phương Tây luôn lo ngại về sự sụp đổ của nước Nga, với các thế lực xấu xa và điên rồ hơn Putin lên nắm quyền, với những hậu quả khủng khiếp về vũ khí hạt nhân”.


Các nghị sĩ Cộng hòa kêu gọi Mỹ hủy thỏa thuận khoa học với Trung Cộng (VOA)

Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa ngày 27/6 kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không gia hạn thỏa thuận hợp tác khoa học Mỹ-Trung đã có mấy chục năm qua, cho rằng Bắc Kinh sẽ tìm cách tận dụng thỏa thuận này để giúp quân đội của họ.

Thỏa thuận, được ký khi Bắc Kinh và Washington thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979 và được gia hạn khoảng 5 năm một lần kể từ đó, đã dẫn đến sự hợp tác trong các lĩnh vực từ khoa học khí quyển và nông nghiệp đến nghiên cứu cơ bản về vật lý và hóa học.

Nhưng những lo ngại về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Cộng và việc đánh cắp các thành tựu khoa học và thương mại của Hoa Kỳ đã đặt ra câu hỏi về việc liệu Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ (STA) sắp hết hạn vào ngày 27/8 có nên tiếp tục hay không.

Trong một bức thư gửi cho Ngoại trưởng Antony Blinken, chủ tịch ủy ban của Hạ viện Mỹ về Trung Cộng Mike Gallagher và chín đại diện khác của Đảng Cộng hòa cho biết thỏa thuận này nên bị hủy bỏ.

Bức thư trích dẫn những lo ngại về công việc chung giữa Cục Khí tượng Hoa Kỳ và Trung Cộng về “khí cầu có thiết bị”, cũng như hơn một chục dự án của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ với các thực thể Trung Cộng mà họ cho biết bao gồm các công nghệ có “ứng dụng sử dụng kép rõ ràng”, bao gồm kỹ thuật phân tích hình ảnh vệ tinh và máy bay không người lái phục vụ công tác quản lý tưới tiêu.

“PRC (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) sử dụng các nhà nghiên cứu hàn lâm, gián điệp công nghiệp, ép buộc chuyển giao công nghệ và các chiến thuật khác để đạt được lợi thế trong các công nghệ quan trọng, từ đó thúc đẩy quá trình hiện đại hóa Quân đội Giải phóng Nhân dân,” các nhà lập pháp viết.

Hoa Kỳ phải ngừng thúc đẩy sự hủy diệt của chính mình. Để STA hết hạn là bước đầu tiên nên làm,” các nhà lập pháp nói.

Trung Cộng đã tìm cách tăng tốc các nỗ lực để đạt được sự tự lực trong công nghệ nông nghiệp, bao gồm cả việc phát triển hạt giống. Chính quyền Hoa Kỳ đã tăng cường nỗ lực chống lại những gì họ nói là gián điệp công nghiệp của các cá nhân Trung Cộng trong lĩnh vực này.

Các quan chức Trung Cộng hy vọng sẽ gia hạn thỏa thuận và đã công khai nói rằng họ đã tiếp cận Hoa Kỳ vào năm ngoái để thảo luận về việc gia hạn, nhưng Washington đã tiến hành xem xét lại thỏa thuận.

Bộ Ngoại giao hồi đầu tháng đã từ chối bình luận về “các cuộc thảo luận nội bộ về các cuộc đàm phán.”

Những người ủng hộ gia hạn thỏa thuận lập luận rằng nếu không có nó, Mỹ sẽ mất đi cái nhìn sâu sắc có giá trị về những tiến bộ kỹ thuật của Trung Cộng. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng thỏa thuận này phải được sửa đổi về cơ bản để bảo vệ sáng kiến của Hoa Kỳ trong thời điểm cạnh tranh chiến lược gia tăng với Trung Cộng.

Trong một diễn biến khác liên quan tới mối quan hệ Trung-Nga, Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ và Bộ Ngoại giao Trung Cộng ngày 27/6 đã tổ chức một vòng tham vấn về phòng thủ chống phi đạn.

“Một cuộc trao đổi quan điểm kỹ lưỡng đã diễn ra trên nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề này, bao gồm cả khía cạnh toàn cầu và khu vực”, Bộ này cho biết trong một tuyên bố trên trang web của mình.

“Ý định đã được tái khẳng định là tổ chức các cuộc tham vấn như vậy một cách thường xuyên trong tương lai.”

Kể từ khi xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022 trong cái mà nước này gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, Nga ngày càng ve vãn Trung Cộng để được hỗ trợ về thương mại và ngoại giao.

Trung Cộng đã không lên án cuộc xâm lược của Nga, và Washington và các đồng minh phương Tây đầu năm nay nói rằng Trung Cộng đang xem xét cung cấp vũ khí cho Nga, điều mà Bắc Kinh phủ nhận.


Đài Loan phát hiện hai chiến hạm của Nga ở ngoài khơi đảo (RFI)

Theo thông cáo của bộ Quốc Phòng Đài Loan hôm nay, 28/06/2023, tối qua, vào khoảng 23 giờ, giờ địa phương, quân đội Đài Loan đã phát hiện hai khu trục hạm của Nga ở ngoài khơi bờ biển phía đông của hòn đảo.

Khu trục hạm Nga (minh họa)

Bản thông cáo cho biết, quân đội Đài Loan đã theo dõi các di chuyển của hai chiến hạm Nga và đã triển khai các phi cơ và các tàu, đồng thời kích hoạt hệ thống tên lửa ở bờ biển phía đông để sẵn sàng bảo vệ. 

Theo hãng tin AFP, Đài Bắc thông báo gần như mỗi ngày các vụ xâm nhập của tàu Trung Quốc gần vùng biển của đảo này, nhưng sự hiện diện của các chiến hạm Nga tại đây là một điều bất thường.

Trong khi đó, hãng tin chính thức của Nga Interfax hôm qua loan tin là các chiến hạm thuộc Hạm Đội Thái Bình Dương “đã đi vào vùng biển Philippines sau khi băng qua Biển Đông”. Theo Interfax, các tàu của Nga đã thực hiện nhiều thao dượt, trong đó có “mô phỏng một trận hải chiến để đẩy lùi một cuộc tấn công bằng tên lửa của kẻ thù từ trên biển”. 

Cũng như đồng minh Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu, Đài Loan đã ban hành các trừng phạt đối với Matxcơva do cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina.

Vụ tàu Nga xâm nhập vùng biển gần Đài Loan xảy ra trong bối cảnh căng thẳng cao độ do việc Bắc Kinh gia tăng áp lực lên Đài Bắc, và cũng trong bối cảnh tại Nga vừa xảy ra vụ nổi loạn bất thành của chủ nhân tập đoàn lính đánh thuê Wagner Evgueni Prigogine. 

Kể từ khi tổng thống Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina vào tháng 2/2022, Matxcơva càng thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh. 


Thái Lan: Lãnh đạo Move Forward tin đủ số thượng nghị sĩ ủng hộ để đắc cử thủ tướng (RFI)

Quốc Hội mới của Thái Lan sẽ nhóm họp phiên đầu tiên vào thứ Hai tuần tới 02/07/2023. Theo AFP, chính trị gia Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Move Forward hôm nay, 27/06, cho biết đã nhận được đủ ủng hộ từ Thượng Viện, để được bầu làm thủ tướng.

Ông Pita Limjaroenrat

Để trở thành thủ tướng Thái Lan, ông Pita Limjaroenrat phải giành được đa số ở lưỡng viện Quốc Hội, bao gồm Thượng viện với 250 thành viên, do quân đội bổ nhiệm. Liên minh tám đảng của Pita Limjaroenrat ở Hạ Viện mới chỉ có 312 ghế. Lãnh đạo đảng Move Forward cần có thêm 64 thượng nghị sĩ ủng hộ để đắc cử.

Trả lời báo giới hôm nay tại Quốc Hội Thái Lan, ông Pita tự tin khẳng định: ‘‘Sẽ có đủ ủng hộ để tôi trở thành thủ tướng’’. Theo AFP, quyết tâm sửa đổi đạo luật phỉ báng hoàng gia khắc nghiệt của đảng Move Forward là lý do chủ yếu khiến phe bảo hoàng và quân đội lo sợ, và có thể cản đường ứng cử viên thủ tướng Pita. Một số thượng nghị sĩ đã tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho ông.

Theo trang mạng Thai PBS World, lãnh đạo đảng Move Forward Pita Limjaroenrat hôm nay khẳng định đảng này sẽ thúc đẩy sửa đổi luật khi quân cho phù hợp với “bối cảnh đang thay đổi của xã hội Thái Lan”, và lập trường của đảng ông về chủ đề vốn được coi là húy kỵ này sẽ không gây trở ngại cho việc lập chính phủ. Phiên khai mạc của Quốc Hội mới của Thái Lan sẽ được tổ chức dưới sự chủ trì của quốc vương. Việc bỏ phiếu bầu thủ tướng dự kiến diễn ra ​​vào giữa tháng Bảy tới.


Tin Việt Nam.

Bắc Kinh muốn Hà Nội hợp tác nhiều mặt để chống Mỹ

Nhân chuyến công du của thủ tướng csVN Phạm Minh Chính (25-28/06/2023), Bắc Kinh đã đề nghị hai bên hợp tác chặt chẽ hơn với nhau về nhiều mặt kể cả quân sự nhằm chống lại Hoa kỳ oa kyỳHH.

Hôm 27 Tháng 6, ông Chính đã diện kiến ông Tập Cận Bình. Dịp này, tuy không nêu đích danh Mỹ nhưng những gì được Tân Hoa Xã thuật lại lời ông Tập đều dẫn dụ Việt Nam cùng với Bắc Kinh: “chống lại đường lối cô lập hóa của Mỹ; đang cắt đứt chuỗi cung ứng kỹ nghệ sản xuất, đồng thời chống lại việc chính trị hóa các vấn đề kinh tế, khoa học và kỹ thuật”.

Phạm Minh Chính và Lý Cường

Cùng ngày, theo hãng tin Anh Reuters, bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phan Văn Giang, thành viên phái đoàn Việt Nam, đã có cuộc hội đàm với đồng nhiệm Trung cộng Lý Thượng Phúc. Lãnh đạo bộ Quốc Phòng Trung cộng khẳng định rằng Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để tăng cường liên lạc ở cấp cao và hợp tác giữa quân đội hai nước.

Đối với ông Lý Thượng Phúc, trong bối cảnh tình hình quốc tế đang hỗn loạn và an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phải đối mặt với nhiều thách thức, “Trung cộng và Việt Nam cần tiếp tục hợp tác và đoàn kết chặt chẽ với nhau trong một hành trình mới của chủ nghĩa xã hội, bảo vệ lợi ích chiến lược chung của hai nước và đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định khu vực”.

Bộ trưởng Trung cộng cho rằng quan hệ giữa quân đội hai nước đã phát triển tốt đẹp, và phía Trung cộng sẵn sàng thúc đẩy quan hệ lên một tầm cao mới.

Theo Reuters, cuộc tiếp xúc giữa hai bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam và Trung cộng diễn ra trong bối cảnh tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan vừa ghé cảng Đà Nẵng của Việt Nam ngày 25/06 trong một chuyến thăm thứ ba của một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ kể từ khi cuộc Chiến Tranh Việt Nam kết thúc.

Chuyến ghé cảng Việt Nam của tàu sân bay Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung cộng và Hoa Kỳ ở Biển Đông, một vùng biển mà Bắc Kinh khẳng định chủ quyền trên phần lớn diện tích, bất chấp các tuyên bố chủ quyền của nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Chuyến thăm cũng diễn ra chỉ ít lâu sau khi Việt Nam lên tiếng phản đối Trung cộng liên tục đưa tàu xâm nhập vùng đặc quyền Kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.

Về tranh chấp ở Biển Đông, theo Reuters, hôm 26/06/2023, nhân cuộc hội đàm với đồng nhiệm Việt Nam Phạm Minh Chính tại Bắc Kinh, thủ tướng Trung cộng Lý Cường tuyên bố rằng Trung cộng sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để quản lý các bất đồng thông qua đối thoại và tham vấn, đồng thời đẩy nhanh các cuộc tham vấn về Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông.

Theo báo chí chính thức Trung cộng, trong phần liên quan đến Biển Đông, ông Lý Cường còn nói thêm: “và tránh các hành động có thể làm tình hình phức tạp hoặc nghiêm trọng thêm”.

Về phía Việt Nam, báo chí trong nước ghi nhận là thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh đến “tầm quan trọng của việc kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông” đồng thời cho rằng hai bên cần: Tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của nhau; giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; phát huy hiệu quả các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển; thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên Bố về Ứng Xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ Quy Tắc ứng Xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. (Tổng hợp)


Tù Nhân Lương Tâm, Mục Sư Nguyễn Trung Tôn nguy kịch, trại giam từ chối điều trị y tế

Mục sư Nguyễn Trung Tôn, người hiện đang thi hành án tù 12 năm ở Trại giam Gia Trung (tỉnh Gia Lai), đang bị nhiều bệnh nguy hiểm nhưng trại giam không cho ông đi khám bệnh và điều trị.

Theo thông tin từ gia đình, cựu chủ tịch của Hội Anh em Dân chủ đang bị ho triền miên trong hơn một năm qua do hậu quả của bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, mắt ông bị mộng thịt kéo xuống con ngươi làm thị giác của ông gần như mất hẳn.

Bà Nguyễn Thị Lành, vợ của ông Tôn, vào ngày 27/6 cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết cụ thể về sức khoẻ của chồng :

Tù nhân lương tâm Nguyễn Trung Tôn tại phiên tòa vào tháng 6/2018 (RFA)

“Vừa rồi anh Tôn được trại giam cho gọi điện về theo thường lệ. Anh có nói về tình hình sức khoẻ hiện tại không được ổn lắm. Bệnh ho kéo dài, cả ngày lẫn đêm. Trại giam không cho người nhà gửi thuốc vào, yêu cầu có toa đơn bác sỹ mới được gửi vào nên giờ có gửi vào họ cũng không cho anh uống.

Ho do hậu COVID kéo dài, kéo dài hàng năm hai năm. Trại giam cứ để đó, không điều trị cũng không cho gửi thuốc.

Giờ anh lại bị bệnh mồng mắt, kéo con ngươi xuống làm anh không nhìn thấy gì. Nó kéo dài vì trong đó môi trường không được tốt, ẩm thấp và tối.”

Bà Lành cho biết về bệnh của mắt, chồng bà đã nhiều lần làm đơn đề nghị trại giam cho đi viện để phẫu thuật cắt bỏ mộng thịt, nhưng giám thị Trại giam Gia Trung không chịu giải quyết.

Thêm nữa, ông còn suy kiệt sức khoẻ do bị viêm tuyến tiền liệt từ nhiều năm qua trong khi không được thăm khám và điều trị vì cơ sở y tế của trại giam rất hạn chế..

Bà cho biết đã nhiều lần làm đơn đề nghị trại giam và Cục Cảnh sát Quản lý trại giam cho phép chồng bà được khám và chữa bệnh, và gia đình sẵn sàng chịu mọi phí tổn, miễn sao bảo vệ được tính mạng của ông.

Bà vô cùng lo lắng cho sức khoẻ của chồng mình, và e ngại cho tính mạng của ông khi có nhiều tù nhân lương tâm chết trong tù do bị đối xử vô nhân đạo, thiếu chăm sóc y tế trong các trại giam và trại tạm giam trong thời gian gần đây.

“Tôi e ngại là nhiều trường hợp đang khoẻ như ông Đào Quang Thực và mục sư Diêm (Đinh Diêm- PV), đang khoẻ bình thường ở nhà nhưng vào trại với án 16 năm tù chưa hết nửa án ông đã chết trong tù ở Nghệ An.”

Chế độ giam giữ hà khắc đối với các tù nhân lương tâm tại các nhà tù Việt Nam đã nhiều lần bị các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án. Đặc biệt là tình trạng bỏ mặc về sức khoẻ khiến nhiều tù nhân chính trị qua đời vì họ mắc bệnh nặng mà không được chữa trị kịp thời.

Từ năm 2019 đến nay, có ít nhất 7 tù nhân chính trị chết khi đang bị giam giữ, bao gồm: Mục sư Đinh Diêm, nhà báo công dân Đỗ Công Đương, ông Phan Văn Thu, ông Huỳnh Hữu Đạt, thầy giáo Đào Quang Thực, và ông Đoàn Đình Nam.

Mục sư Nguyễn Trung Tôn là một nhà hoạt động xã hội tích cực. Ông bị bắt năm 2011 với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” và sau đó bị kết án hai năm tù giam. Ông trở thành Chủ tịch Hội Anh em Dân chủ sau khi ra tù năm 2013.

Ông từng nhiều lần bị chính quyền sách nhiễu, tra tấn, đánh đập, bôi nhọ vì những nổ lực đấu tranh cho dân chủ Việt Nam, trong đó có lần bị an ninh bắt cóc và bị đánh đến mức tàn phế cả hai chân tại khu vực rừng núi Hà Tĩnh trong tháng 2 năm 2017.

Ông bị bắt lại vào tháng 7 năm 2017 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và bị kết án 12 năm tù giam và 3 năm quản chế trong phiên tòa diễn ra vào tháng 4 năm 2018.


Giới Trẻ Việt Nam chọn lao động nước ngoài thay vì lên đại học

RFA thuật tình trang thực tế của gần một triệu học sinh tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông từ ngày 27 – 29/6 năm nay. Trong số này, rất đông thí sinh đã chọn sẵn cho bản thân con đường mưu sinh nơi đất khách, thay vì bước vào giảng đường đại học.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho thấy số thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào đại học của năm 2022 giảm mạnh. Trong số hơn 900.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, chỉ có hơn 620.000 em có nộp nguyện vọng vào đại học, giảm 20% so với năm 2021.

Năm 2023, Việt Nam có tổng số 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi, nhưng số trường đại học ghi nhận con số học sinh đăng ký xin tuyển vào đại học sớm bằng học bạ giảm kỷ lục, có nơi chỉ bằng 35% – 50% so với năm ngoái.

Chi phí căn bản cho bốn năm đại học của một sinh viên, bao gồm học phí, tiền thuê nhà trọ, đi lại cũng với các khoản tiền lặt vặt khác, tính ra mỗi tháng cũng tầm sáu triệu đồng. Trong khi đó sau khi tốt nghiệp, mức lương của tân sinh viên mới ra trường vào năm 2022 chỉ đạt tầm hơn 10 triệu đồng/tháng, và không có gì đảm bảo cho một công việc ổn định.

Trái lại, nếu theo con đường xuất khẩu lao động, mức lương mỗi tháng có thể đạt từ 30 đến 50 triệu đồng.

Với phép so sánh đơn giản như vậy, hiện nay, ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện trào lưu học sinh vừa tốt nghiệp cấp ba là ngay lập tức làm hồ sơ đi lao động ở nước ngoài, như Nhật, Hàn hay Đài Loan…

Hà Nội, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh… dẫn đầu các tỉnh – thành có tỉ lệ học sinh không xin tuyển đại học nhiều nhất cả nước trong năm qua.

Một giảng viên hiện đang giảng dạy tại một trường đại học đầu ngành ở Hà Nội, thừa nhận rằng hiện ngày càng ít học sinh chọn học đại học ở Việt Nam. Các em có kinh tế khá giả thường đi du học, còn những em không có điều kiện thì xin đi lao động ngoài nước. Nếu ngày càng nhiều người sang nước ngoài làm việc theo đúng nghĩa “bán sức lao động” cũng không có gì sai, nhưng hiện tượng giới trẻ thay vì chọn học đại học lại phải đi lao động nước ngoài nhiều như đang diễn ra là một thảm họa cho tương lại Việt Nam.


Nhiều công ty công nghệ lớn ở Việt Nam giảm sản xuất

Công nhân làm việc cho các nhà máy của các công ty công nghệ lớn tại các khu công nghiệp của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu việc, cắt giảm giờ làm, thu nhập giảm, nhiều người thậm chí phải bỏ việc.

Trang tin Rest of World hôm 26/6 có bài viết của tác giả Lam Le nói về tình trạng này. Tác giả phỏng vấn một số công nhân đang làm việc cho hãng Samsung tại các khu công nghiệp miền Bắc. Những người này cho biết họ đã bị cắt giảm giờ làm việc nhiều tháng nay, thu nhập giảm gần một nửa.

Tác giả trích số liệu cho biết chỉ trong năm tháng đầu năm 2023, khoảng 45.000 công nhân trong lĩnh vực điện tử ở Việt Nam đã mất việc.

Samsung là hãng tuyển dụng nhiều công nhân tại Việt nam với khoảng 100.000 công nhân. Năm ngoái, doanh thu xuất cảng của hãng tại Việt Nam chiếm khoảng 9% xuất cảng của cả nước.

Giá trị xuất cảng các mặt hàng điện thoại di động, máy tính bảng và các mặt hàng điện tử của hãng từ Thái Nguyên đã giảm 25% trong tháng ba năm nay so với năm ngoái. Đã có những bài báo cho biết công ty đang cắt giảm việc sản xuất điện thoại di động toàn cầu, tuy nhiên hãng không xác nhận thông tin này.

Cũng theo phỏng vấn của các công nhân được bài báo trích đăng, nững công nhân ở các hãng công nghệ lớn khác như Foxconn và Luxshare ở Bắc Giang và Bắc Ninh cũng không khá gì hơn. (RFA)


Standard Chartered: tăng trưởng GDP Việt Nam quý II chỉ tăng 1,5% so với cùng kỳ

Tại báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, hôm 23/6, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam sẽ chậm lại, tăng 1,5% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức 3,3% trong quý I.

Các chuyên gia từ Standard Chartered đánh giá, kết quả này có thể sẽ ảnh hưởng tới dự báo tăng trưởng 6,5% cho năm 2023 được đưa ra trước đó. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP được dự báo sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay.

Theo Standard Chartered, dữ liệu vĩ mô tháng 6 có thể sẽ tiếp tục cải thiện nhẹ so với tháng 5 nhưng vẫn tương đối yếu do hoạt động thương mại tiếp tục suy giảm dẫn đến hoạt động sản xuất và kinh tế chậm lại. Vấn đề mất điện gần đây đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế.

Standard Chartered dự báo xuất nhập cảng sẽ tiếp tục xu hướng giảm, trong đó, xuất cảng được dự đoán sẽ giảm 5,2% so với cùng kỳ trong tháng 6, nhập cảng giảm 17%. Thặng dư thương mại có khả năng tăng lên 4,1 tỷ USD từ mức 2,2 tỷ USD trong tháng 5. Vốn FDI giải ngân trong 5 tháng đầu năm 2023 cũng được dự báo giảm 0,8% so với cùng kỳ xuống 7,6 tỷ trong khi đó, vốn FDI cam kết giảm 7,3% xuống 10,9 tỷ .

Tín hiệu tích cực nằm ở một số chỉ số như: Tăng trưởng sản xuất công nghiệp dù vẫn thấp nhưng được dự báo sẽ tăng lên 1,2%. Lạm phát cũng có thể tiếp tục giảm xuống 2,2% so với cùng kỳ, theo ước tính của Standard Chartered. Tổng doanh số bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng được dự báo vẫn tăng trưởng mạnh ở mức 12,2% so với cùng kỳ. 


Việt Nam bị liệt vào “danh sách xám” các nước rửa tiền, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt

Theo tin RFI, Việt Nam bị tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố – FATF đưa vào « danh sách xám » các nước cần « tăng cường theo dõi ». Theo thông cáo ngày 23/06/2023 của FATF, ngoài Việt Nam còn có Cameroon và Croatia bị đưa vào danh sách đã có 23 nước trước đó.

Như vậy, danh sách xám của FATF hiện có 26 nước bị cho là « thiếu chiến lược trong việc đấu tranh » chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và phổ biến vũ khí hủy diệt nhưng « hợp tác tích cực » với tổ chức để giải quyết vấn đề và « cam kết giải quyết nhanh chóng ». Theo Reuters, vào tháng 03/2023, Hà Nội đã ban hành nhiều quy định về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, tổ chức giám sát tài chính có trụ sở ở Paris cho rằng biện pháp cải tổ đó vẫn chưa đủ để tránh cho Việt Nam bị liệt vào « danh sách xám ».

FATF cũng cho biết Việt Nam đã cam kết giám sát các ngân hàng, giới kế toán, luật sư một cách hiệu quả để ngăn tài trợ cho vũ khí hủy diệt hàng loạt, như vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học. Hà Nội cũng đồng ý chứng minh là có thể ngăn chặn việc lách các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân, thực thể liên quan đến việc phổ biến vũ khí hủy diệt.

Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi trên thế giới duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Triều Tiên. Quốc gia khép kín này cùng với Miến Điện và Iran là ba nước duy nhất nằm trong « danh sách đen » của FATF, trong khi chế độ Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình phát triển vũ khí nguyên tử bất chấp việc cộng đồng quốc tế lên án và trừng phạt.

Ngày 24/06, bộ Ngoại Giao Việt Nam chưa trả lời đề nghị bình luận của Reuters. Trước đó, trong chuyến công du Hà Nội của tổng thống Hàn Quốc hôm 23/06, Việt Nam cho biết sẽ tham gia quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Là tổ chức phụ trách nghiên cứu cách thức tài trợ khủng bố, rửa tiền, FATF thảo ra những quy định và khuyến cáo để các nước thành viên có thể đưa ra những biện pháp cần thiết nhằm điều chỉnh những thiếu sót.


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 18-19-20/11/2024.
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga
  • Tổng thống Nga ký sắc lệnh mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân
  • Ukraine lần đầu tiên tấn công Nga bằng tên lửa của Mỹ vào ngày thứ 1.000 của cuộc chiến
  • Bắc Triều Tiên cung cấp cho Nga tên lửa và pháo tầm xa
  • Đặc phái viên Mỹ: Khả năng chấm dứt chiến tranh Israel-Hezbollah 'trong tầm tay'
  • An ninh Đông Á bị tác động nghiêm trọng vì lính Bắc Triều Tiên can dự chiến tranh Ukraina
  • Nhóm 5 nước lớn nhất châu Âu "ủng hộ" trái phiếu quốc phòng
  • Liên Âu bất đồng về việc cho Ukraina dùng vũ khí được cung cấp tấn công lãnh thổ Nga
  • Thượng đỉnh G20 khép lại với tuyên bố chung chống nạn đói toàn cầu
  • Manila tố cáo Trung Cộng ngụy trang tàu chiến thành tàu cá xâm chiếm biển Philippines
  • Ba tù nhân chính trị đang thụ án 26 năm tù được trao Giải Nhân quyền Việt Nam 2024
  • Giám đốc Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA tuyên bố ủng hộ nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Mỹ xác định Việt Nam ‘không thao túng tiền tệ’.
  • Nghiên cứu mới: 99% quần đảo Trường Sa nằm trong tầm với của Bắc Kinh
  • Mỹ cho Việt Nam 5 máy bay huần luyện
  • Hà Nội dự kiến hạn chế xe máy vào nội thành
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 11-12-13/11/2024
  • Nghị trình "Làm Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại" được định hình: Nội các của TT Trump
  • Ông Trump gặp ông Biden tại Tòa Bạch Ốc
  • Tổng thống Ukraina: Nga điều 50.000 quân tới khu vực Kursk và chuẩn bị tấn công
  • Ngoại trưởng Blinken cam kết củng cố ủng hộ cho Ukraine trước khi chuyển giao quyền lực
  • Chiến tranh tiếp tục lan rộng tại Liban
  • Các nước Ả Rập họp hội nghị cấp cao khẩn cấp về xung đột tại Trung Đông
  • Donald Trump chọn nhân sự cứng rắn với Trung Cộng vào các vị trí chủ chốt
  • APEC 2024: Peru bắt đầu tuần lễ Diễn đàn Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương
  • Nhật Bản: Hạ Viện mới bầu lại ông Shigeru Ishiba giữ chức thủ tướng
  • Mỹ yêu cầu TSMC ngừng cung cấp lô hàng chip bán dẫn cho Trung Cộng
  • Philippines lên án Trung Cộng gây áp lực trong hồ sơ chủ quyền ở Biển Đông
  • Tô Lâm - Donald Trump: cuộc điện đàm dự báo mối quan hệ
  • Chile trục xuất viên chức an ninh Việt Nam vì tấn công tình dục
  • Chính phủ khẳng định với LHQ không trả thù luật sư Đặng Đình Mạnh
  • CSVN buộc người dùng mạng xã hội phải định danh mới được livestream
  • TIN ĐẶC BIỆT: BẦU CỬ HOA KỲ 2024. Tổng Thống Donald Trump Đắc Cử Vẻ Vang
  • Foreign Policy: Nước Mỹ đã quyết định
  • RFI: Theo truyền thông Mỹ, Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ
  • BBC: Donald Trump đã chiến thắng, một sự trở lại ngoạn mục
  • BBC: Những phát biểu đặc sắc của TT Trump
  • Tổng thống Biden gọi điện chúc mừng ông Trump
  • Nhiều nước chúc mừng chiến thắng của Donald Trump
  • Cựu Tổng thống Bush chúc mừng ông Trump
  • Kamala Harris: thua cuộc nhưng không từ bỏ
  • Bầu cử Mỹ: Đảng Cộng Hòa giành lại quyền kiểm soát Thượng Viện
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 28-29-30/10/2024.
  • Ukraina huy động thêm 160.000 binh sĩ
  • Kiev và Seoul sẽ tăng cường hợp tác chống quân Bắc Triều Tiên tham chiến ở Ukraina
  • Hamas nói sẵn sàng bàn thảo thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Gaza
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng vũ khí không giới hạn nếu lính Bắc Triều Tiên hỗ trợ Nga
  • Tổng thống Ai Cập đề xuất hưu chiến tại Gaza để phóng thích các con tin Israel
  • Hezbollah chọn Naim Qassem làm thủ lĩnh kế nhiệm ông Nasrallah
  • Bầu cử Quốc Hội Gruzia: Cơ quan Công tố mở điều tra về "gian lận" quy mô lớn
  • Brazil trở thành quốc gia BRICS thứ hai không tham gia dự án BRI của TC
  • Mỹ ban hành các quy định hạn chế đầu tư vào các công ty công nghệ tiên tiến của TC
  • Nhật Bản: Đảng cầm quyền mất đa số tại Hạ Viện, thủ tướng Ishiba không định từ chức
  • Việt Nam “sẵn sàng” hợp tác với BRICS
  • Tổ chức nhân quyền Canada kêu gọi trừng phạt 14 quan chức Việt Nam
  • UAE tính xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ sản phẩm dầu mỏ tại VN
  • Giới hoạt động đánh giá cao việc LHQ xác nhận người Thượng là dân tộc bản địa
  • Nhóm công tác của LHQ: Việt Nam bắt giữ tùy tiện có hệ thống
  • Blogger Đường Văn Thái bị kết án 12 năm tù giam trong phiên toà kín
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 21-22-23/10/2024.
  • Gia nhập NATO: Ukraina trông đợi vào kết quả bầu cử Mỹ
  • Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tới Ukraina để thể hiện tình đoàn kết
  • Israel tăng cường tấn công ở Gaza, Lebanon sau khi thủ lĩnh Hamas bị diệt
  • BRICS: Tổng thống Nga phá thế cô lập, tiếp đón hơn 20 nguyên thủ quốc gia
  • Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác nhận quân đội Triều Tiên đang ở Nga
  • Nam Hàn có thể cân nhắc cấp vũ khí cho Ukraine do ‘thông đồng quân sự’ Nga-Triều
  • EU lấy 35 tỷ euro tài sản bị đóng băng của Nga để cho Ukraine vay
  • Đài Bắc theo dõi sát sao tàu sân bay Trung Cộng Liêu Ninh đi qua eo biển Đài Loan
  • Mỹ - Nhật khởi động tập trận chung
  • Indonesia: Prabowo nhậm chức tổng thống
  • Modi nói với Putin: ‘Ấn Độ muốn hòa bình ở Ukraine’
  • Tướng Mỹ: Triển khai phi đạn Mỹ tới Philippines là ‘cực kỳ quan trọng’
  • Việt Nam có tân chủ tịch nước xuất thân từ tướng quân đội
  • HRF, KKF kêu gọi LHQ can thiệp vụ hai nhà hoạt động Khmer bị VN giam cầm
  • LHQ kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị BRICS, khẳng định tình bạn thủy chung với Nga
  • Bão Trà Mi hướng vào Việt Nam, miền Trung sẽ mưa lớn diện rộng