Tin Hoa Kỳ và Thế Giới
Bộ An Ninh Lãnh Thổ Buộc Phải Tiếp Tục Xây Dựng Tiếp Bức Tường Biên Giới
Hôm thứ Sáu (30/06), Bộ An Ninh Lãnh Thổ (DHS) cho biết họ sẽ xây dựng thêm 20 dặm (32 km) bức tường biên giới Hoa Kỳ-Mexico, thực hiện một số lời hứa trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của cựu Tổng thống (TT) Donald Trump.
Cục Hải Quan và Biên Phòng Hoa Kỳ (CBP) cho biết trong bản tuyên bố, “Luật pháp yêu cầu DHS sử dụng các khoản tiền phù hợp với mục đích mà tiền này được phân bổ, cho đến khi và trừ phi Quốc hội hủy bỏ các khoản tiền này”. Trước đây, Tổng thống Joe Biden kêu gọi Quốc Hội ngăn chặn việc tiếp tục xây dựng thêm bức tường. Nhưng lúc này thì đảng Cộng Hoà đang kiểm soát HạViện nên ông Biden không thể làm việc đó. Cục Hải Quan cho biết, khoảng 20 dặm “tấm bollard thép” sẽ được dựng lên dọc theo Khu vực Thung lũng Rio Grande của Lực lượng Tuần tra Biên giới, theo yêu cầu phân bổ hàng rào biên giới năm 2019 của chính phủ ông Trump. Tuyên bố lưu ý rằng Ngũ Giác Đài đã nhận lại “một phần đáng kể các khoản tiền không bắt buộc đã được chuyển hướng từ Bộ Quốc phòng”.
DHS đã ủy quyền cho CBP đẩy nhanh các Dự án Thay thế Hàng rào Yuma Andrade và El Centro Calexico để giảm thiểu rủi ro về tính mạng, an toàn và hoạt động tức thời cho cộng đồng địa phương, người di cư, và các nhân viên Tuần tra Biên giới (USBP) trong khu vực. Bản tuyên bố viết, “Cả hai dự án sẽ thay thế các đoạn hàng rào cũ đã đổ nát có thể tạo ra mối lo ngại về an toàn và an ninh cho các nhân viên USBP, người di cư, và cộng đồng xung quanh”.
Tuyên bố nói thêm: “Những dự án thay thế này, tương tự như các dự án đã được phê chuẩn trước đây, ưu tiên hoàn thành các hoạt động và dự án cần thiết để giải quyết các rủi ro về tính mạng, an toàn và hoạt động — bao gồm cả sự an toàn và an ninh của các cá nhân, nhân viên Tuần tra Biên giới, người di cư, và các cộng đồng lân cận”.
Cơ quan biên giới này cho hay họ vẫn sẽ dự trù phối hợp với các chủ đất và chính phủ tiểu bang, địa phương, và bộ lạc về nơi xây dựng hàng rào biên giới. Tuyên bố cho biết: “DHS vẫn cam kết bảo vệ môi trường và sẽ tiến hành khảo sát môi trường, phân tích khả năng tác động đến môi trường từ việc thực hiện các dự án, và phát triển các biện pháp tránh hoặc giảm thiểu tác động ở mức độ lớn”.
Vào năm 2020, ông Biden đưa ra lời hứa rằng sẽ không tiếp tục xây bức tường. Nhưng nay đã cho thấy lời hứa ấy là hứa cuội, mà phải làm theo lời hứa của ông Trump.
Đảng Cộng Hòa Chấp Nhận Việc Thu Thập Phiếu Bầu, Nhưng Một Số Người Lại Tỏ Ra Nghi Ngại
Khi vòng bầu cử năm 2024 ngày càng đến gần, các thành viên Đảng Cộng Hòa bắt đầu nhận ra rằng việc thu thập phiếu bầu đã trở thành một phần không thể thiếu và cần thiết trong bất cứ chiến lược bầu cử nào. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều về việc quyết định nhượng bộ và áp dụng cách thu thập lá phiếu.
Mặc dù các chiến dịch đang được tiến hành thuận lợi, nhưng vòng bầu cử tổng thống năm 2024 mà mọi người đang rất mong đợi sẽ chưa chính thức bắt đầu cho đến khi các cuộc họp kín ở Iowa diễn ra vào ngày 22/01/2024. Nhưng mặc dù ngày Thứ Ba Trọng đại (Super Tuesday*) mới chỉ được dự định sẽ diễn ra vào ngày 05/03/2024, nhưng các cuộc tranh luận về những ưu và nhược điểm của việc thu thập lá phiếu và các lá phiếu gửi qua thư đã bắt đầu nổ ra.
Các thành viên Đảng Cộng Hòa đã dành nhiều năm để chỉ trích hoạt động bỏ phiếu qua thư và thu thập phiếu bầu, nhưng giờ đây họ đang nhận ra rằng, để giành chiến thắng, thì họ phải nhập cuộc.
Thu thập lá phiếu là một quá trình mà các bên thứ ba có thể thu thập các lá phiếu gửi qua thư đã được các cử tri điền xong rồi chuyển chúng với số lượng lớn đến thùng phiếu hoặc văn phòng bầu cử địa phương.
Mặc dù mọi tiểu bang đều cho phép bỏ phiếu khiếm diện, nhưng các quy tắc và hướng dẫn ở mỗi tiểu bang lại rất khác nhau.
Theo Hội Nghị Quốc Gia Các Cơ Quan Lập Pháp Tiểu Bang, có 31 tiểu bang cho phép cử tri ủy quyền cho người khác thay mặt họ gửi lá phiếu đi. Trong số đó có 9 tiểu bang giới hạn số lượng phiếu bầu mà người được ủy quyền có thể gửi đi, và bốn tiểu bang giới hạn khoảng thời gian mà người được ủy quyền được giữ các lá phiếu đó trước khi gửi đi.
Alabama có luật không cho phép bất cứ ai ngoại trừ cử tri được gửi đi lá phiếu của mình, và ở Mississippi, một số tổ chức dân quyền đang kiện về một đạo luật gần đây của tiểu bang này vốn cấm thu thập phiếu bầu.
Dữ kiện do USA Facts tổng hợp vào năm 2021 cho thấy ba tiểu bang — Florida, Georgia, và Iowa — đã giảm số lượng thùng phiếu được phép cho mỗi quận và thiết lập các quy định yêu cầu các viên chức bầu cử của quận phải giám sát liên tục các thùng phiếu. Ngược lại, Illinois, Kentucky, và Virginia đã thông qua luật tăng số lượng địa điểm để thùng phiếu.
Ngày 04/01/2021, Dân biểu John Sarbanes (Dân Chủ-Maryland) đã giới thiệu dự luật H.R.1 tại Hạ viện. Dự luật mà các thành viên Đảng Dân Chủ gọi là “Đạo luật vì Người dân” này sẽ không cho phép các tiểu bang ra lệnh cấm thu thập phiếu bầu. Mặc dù dự luật này đã được thông qua tại Hạ viện do Đảng Dân Chủ kiểm soát lúc bấy giờ, nhưng một cuộc tranh luận không giới hạn của Đảng Cộng Hòa đã khai tử dự luật này. Năm 2019, ông Sarbanes đã thực hiện một nỗ lực tương tự.
Lãnh đạo Đa số Thượng viện đương thời Mitch McConnell đã ngăn không cho dự luật này được đưa ra sàn Thượng viện.
Chương Trình Xóa Nợ Cho Sinh Viên Đã Bị Bác Bỏ
Cuối cùng, cuộc chiến pháp lý về đề xướng “xóa” hàng tỷ dollar nợ sinh viên liên bang của Tổng thống Joe Biden đã đi đến hồi kết, cùng với toàn bộ các câu hỏi và sự nhầm lẫn về thời điểm, hoặc nếu khả dĩ, là về việc những người vay các khoản vay sinh viên sẽ lại phải bắt đầu trả nợ.
Trước phán quyết hôm thứ Sáu (30/06), Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã nghe một loạt tranh luận về tính hợp hiến của kế hoạch trị giá 400 tỷ USD của Tổng thống Biden. Kế hoạch này đề nghị xóa tới 10,000 USD nợ sinh viên cho mỗi người vay nào kiếm được dưới 125,000 USD mỗi năm trong khi xóa tới 20,000 USD nợ cho mỗi người nhận Pell Grant nào đáp ứng tiêu chuẩn thu nhập đó.
Theo ước tính của Tòa Bạch Ốc, kế hoạch này sẽ cung cấp một khoản cứu trợ chung cho tối đa 43 triệu người vay, với khoảng 20 triệu người trong số họ sẽ thấy toàn bộ số dư nợ còn lại của mình được xóa sạch.
Tuy nhiên, toàn bộ sự cứu trợ này sẽ không xảy ra nữa, vì Tối cao Pháp viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ 6 phiếu thuận – 3 phiếu chống để phán quyết kế hoạch này là một nỗ lực vi hiến.
Theo bản ý kiến đa số do Chánh án John Roberts chấp bút, Tối Cao Pháp Viện tuyên bố rằng tổng thống không thể đưa ra một quyết định nào có tác động kinh tế sâu rộng như vậy nếu không có sự cho phép rõ ràng của Quốc hội.
Ông Roberts viết: “Tiền lệ của chúng ta — trước đó và mới đây — đòi hỏi Quốc Hội phải cho phép rõ ràng trước khi một vị Bộ trưởng nào đó có thể đơn phương thay đổi khu vực lớn của nền kinh tế Mỹ”.
Với việc xóa nợ sinh viên liên bang bị loại bỏ, người vay sẽ cần phải trả lại mọi khoản nợ còn lại đang chờ họ thanh toán khi thời gian tạm dừng thanh toán ba năm kết thúc.
Theo văn phòng trợ giúp sinh viên của Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ, các khoản nợ sinh viên liên bang sẽ bắt đầu tính lãi vào tháng Chín, và các khoản thanh toán đầu tiên sẽ tới hạn phải trả vào tháng Mười. Văn phòng này cho biết họ sẽ thông báo cho người vay “trước khi việc trả nợ tái khởi động”.
Thời hạn này phù hợp với luật mà Quốc Hội đã thông qua vào đầu tháng này như một phần của thỏa thuận lưỡng đảng về việc đình chỉ giới hạn nợ mà chính phủ liên bang có thể vay cho đến tháng 01/2025. Về căn bản, luật đó yêu cầu việc thanh toán nợ sinh viên phải được tiếp tục bất kể Tối Cao Pháp Viện có thể phán quyết ra sao về các vụ kiện thách thức kế hoạch xóa nợ của ông Biden.
Việc bắt đầu trả các khoản vay có thể khiến nhiều người bối rối, vì thực tế rằng một số công ty quản lý nợ sinh viên, chẳng hạn như Navient và GSMR, đã ngừng gia hạn hợp đồng với Bộ Giáo Dục trong ba năm qua. Do đó, theo một phân tích của Cục Bảo Vệ Tài Chính Người Tiêu Dùng (CFPB), một tổ chức thuộc Cục Dự Trữ Liên Bang, hàng chục triệu người đi vay sẽ phải làm việc với một công ty dịch vụ về nợ sinh viên liên bang hoàn toàn mới đối với họ.
Nếu chưa tìm hiểu xem công ty dịch vụ mới của họ là ai, thì những người đi vay sẽ cần bắt đầu làm việc này. Họ có thể cần phải đăng nhập với nhà cung cấp dịch vụ mới và ghi danh thanh toán tự động.
Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ Bãi Bỏ Việc Tuyển Sinh Dựa Trên Chủng Tộc
Tối cao Pháp viện đã bác bỏ trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 6 phiếu thuận-3 phiếu chống về việc sử dụng các chính sách tuyển sinh mang tính phân biệt chủng tộc tại các trường đại học Hoa Kỳ. Phán quyết ban hành hôm 29/06 này đã chấm dứt việc sử dụng cái gọi là hành động khẳng định trong giáo dục đại học, là một mục tiêu lâu dài của những người theo phái bảo tồn truyền thống.
Chánh án John Roberts đã viết rằng trong một thời gian dài, các trường đại học đã “kết luận một cách sai lầm rằng tiêu chuẩn đánh giá bản sắc của một cá nhân không phải là những thử thách mà họ chiến thắng, kỹ năng đã đạt được, hay những bài học kinh nghiệm mà là màu da của họ. Lịch sử Hiến Pháp của chúng ta không chấp nhận sự lựa chọn đó”.
Nhưng trong phần chú thích cuối trang, ông Roberts đã đưa ra một ngoại lệ cho các học viện quân sự. Bởi vì các học viện quân sự không tham gia vào vụ kiện này và “không có tòa án cấp dưới nào giải quyết sự liên quan của hệ thống tuyển sinh dựa trên chủng tộc trong bối cảnh đó”, phán quyết mới chỉ áp dụng cho các tổ chức giáo dục đại học dân sự, ông viết. Ngoại lệ này dường như gợi ý rằng trong tương lai Pháp viện có thể xem xét việc sử dụng hành động khẳng định trong việc tuyển sinh vào các học viện quân sự.
Thẩm phán Sonia Sotomayor đã viết một bản ý kiến bất đồng. Bà nói rằng, phán quyết mới này “đẩy lùi hàng thập niên tiến bộ đáng kể trước đó”.
Trong vụ kiện này, hai kháng cáo riêng biệt đã được xét xử cùng nhau vào ngày 31/10/2022: Tổ chức Tuyển sinh Công bằng cho Sinh viên (SFFA) kiện Chủ tịch và Học giả của Đại học Harvard, hồ sơ tòa án 20-1199, và SFFA kiện Đại học North Carolina. (UNC), hồ sơ tòa án 21-707.
Ông Roberts đã viết bản ý kiến đa số trong vụ kiện UNC, với sự đồng ý của các Thẩm phán Clarence Thomas, Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh, Samuel Alito, và Amy Coney Barrett. Ba thẩm phán thiên tả của tòa án, bà Sonia Sotomayor, bà Elena Kagan, và bà Ketanji Brown Jackson đã không đồng ý với bản ý kiến này. Kết quả cuộc bỏ phiếu là 6 phiếu thuận-3 phiếu chống.
Các ý kiến của các thẩm phán trong vụ Harvard đều giống nhau, ngoại trừ việc bà Jackson không tham gia vào phán quyết này sau khi bà tự rút lui vì bà có quan hệ thân thiết với Harvard. Bà Kagan đã không tự mình cáo tỵ mặc dù bà từng là Khoa Trưởng của Trường Luật Harvard từ năm 2003 đến năm 2009. Kết quả bỏ phiếu trong vụ kiện này là 6 phiếu thuận-2 phiếu chống.
Được coi là một nhóm theo phái bảo tồn truyền thống, SFFA tự gọi mình là “một nhóm thành viên bất vụ lợi gồm hơn 20,000 sinh viên, các bậc cha mẹ, và những người khác, những người tin rằng phân loại theo chủng tộc và ưu tiên trong tuyển sinh đại học là không công bằng, không cần thiết, và vi hiến”.
Harvard là trường tư thục và UNC là trường đại học công lập lâu đời nhất ở Hoa Kỳ.
Trong vụ kiện của Harvard, Thẩm phán Địa hạt Liên bang Allison Dale Burroughs trước đó đã kết luận sau một phiên tòa kéo dài 15 ngày không có bồi thẩm đoàn đối với Harvard, rằng chính sách tuyển sinh của trường được cho là phân biệt đối xử với các ứng viên người Mỹ gốc Á châu không được thúc đẩy bởi “hận thù chủng tộc… hoặc phân biệt đối xử có chủ ý” và được “thiết lập một cách tỉ mỉ để đạt được sự đa dạng và những lợi ích học thuật bắt nguồn từ sự đa dạng”.
Tòa phúc thẩm Khu vực 2 của Hoa Kỳ giữ nguyên quyết định của tòa án cấp dưới, phán quyết SFFA thua kiện.
Trong vụ kiện North Carolina, Thẩm phán Địa hạt Liên bang Loretta Copeland Biggs trước đó đã tổ chức một phiên tòa kéo dài 8 ngày không có bồi thẩm đoàn để xác định xem UNC có tuân thủ tiền lệ hiện có hay không.
Tòa án này đã chấp thuận chính sách tuyển sinh của trường vì chính sách này sử dụng chủng tộc “một cách linh hoạt như một yếu tố ‘cộng thêm’” và chỉ là “một trong nhiều yếu tố”. Tòa án nhận thấy UNC không có giải pháp thay thế trung lập về chủng tộc khả thi nào để giúp UNC “đạt được lợi ích giáo dục về sự đa dạng cũng như các chính sách và thông lệ có ý thức về chủng tộc hiện tại của mình”.
Các Chủ Doanh Nghiệp Nhỏ Của Hoa Kỳ Đang Gặp Khó Khăn Trong Việc Trả Tiền Thuê Nhà
Một báo cáo gần đây cho biết nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ không trả được tiền thuê nhà đúng hạn do giá thuê nhà đang tăng, với các lĩnh vực như giáo dục và sản xuất đang gặp khó khăn nhất.
Trong tháng Sáu, giá thuê đã tăng vào tháng thứ năm liên tiếp đối với các doanh nghiệp nhỏ, theo báo cáo ngày 28/06 của mạng lưới doanh nghiệp nhỏ Alignable, dựa trên một cuộc thăm dò 4,801 chủ doanh nghiệp. “Tình hình căng thẳng đến mức gần bốn trong số 10 doanh nghiệp nhỏ không thể trả đủ và đúng hạn tiền thuê nhà tháng Sáu của họ. Tỷ lệ nợ quá hạn tiền thuê nhà này có liên hệ với mức cao nhất của tháng Tư từ đầu năm đến nay — mức 39%”, báo cáo cho biết. “55% nói rằng họ đang trả nhiều tiền hơn so với sáu tháng trước. Và 16% nói rằng tiền thuê nhà của họ cao hơn 20% so với tháng Một (tăng 2% so với tháng trước)”.
“Con số 55% thể hiện sự gia tăng ổn định về số lượng các doanh nghiệp nhỏ phải ứng phó với việc giá thuê tăng đột biến — tăng tám điểm phần trăm từ mức 47% trong tháng Một”.
Lãnh vực gặp khó khăn nhất là giáo dục, khi 55% doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) không thể trả tiền thuê nhà trong tháng Sáu. Trong lĩnh vực sản xuất, con số này là 46%, còn ở vị trí thứ ba là các chủ nhà hàng với 45%.
Tiểu bang có số doanh nghiệp nhỏ bị quá hạn trả tiền thuê nhà cao nhất trong tháng Sáu là New Jersey, nơi có 48% số chủ doanh nghiệp trả lời khảo sát không thể trả tiền thuê nhà. Florida đứng thứ hai với 46% chủ doanh nghiệp bị nợ quá hạn, kế đó là Georgia và Ohio với 44% mỗi tiểu bang.
Báo cáo của Alignable cũng trích dẫn lạm phát như là mối lo ngại lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ, “62% SMB vẫn chưa kiếm được nhiều doanh thu hàng tháng như trước khi có COVID vào thời điểm hơn ba năm về trước. Các tác động tích lũy của lạm phát cao hơn bình thường đã đóng một vai trò lớn trong việc ngăn chặn sự phục hồi”.
Do đó, các chủ doanh nghiệp nhỏ đang gặp tình trạng doanh thu giảm trong bối cảnh giá thuê tăng, lạm phát tăng, lãi suất tăng, và các thách thức khác.
Báo cáo Chỉ số Doanh nghiệp Nhỏ của Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho tam cá nguyệt 2/2023 cũng cho thấy lạm phát được xem như là thách thức lớn nhất đối với đa số các chủ doanh nghiệp nhỏ (54%).
Báo cáo cho biết, “Xu hướng này vẫn nhất quán kể từ tam cá nguyệt 3/2022 và thể hiện mức tăng 35 điểm phần trăm kể từ tam cá nguyệt 3/2021. Tâm lý như vậy là phổ biến, và lạm phát là mối lo ngại hàng đầu đối với các doanh nghiệp nhỏ bất kể khu vực, số lượng nhân viên, hay lĩnh vực của họ”.
Ba phần tư doanh nghiệp nhỏ nói rằng lãi suất tăng đang hạn chế khả năng huy động vốn cho hoạt động kinh doanh của họ. Hơn một nửa cho biết đã trì hoãn kế hoạch mở rộng của họ do lãi suất cao hơn. Trong khi 74% đổ lỗi cho lãi suất cao khiến việc hoàn trả các khoản nợ vay kinh doanh hiện tại trở nên khó khăn hơn, thì 73% cho biết giờ đây họ thấy khó vay tiền từ ngân hàng hơn khi các hạn mức tín dụng đang dần thắt chặt.
Báo cáo nêu rõ: “Các chủ doanh nghiệp nhỏ cũng cho biết họ đang chuyển sang nhiều nguồn vốn/tài chính khác hơn cho hoạt động kinh doanh của mình. Đa số cho biết họ đang dựa vào tiền tiết kiệm cá nhân (71%), thẻ tín dụng (67%), và ngân hàng địa phương hoặc nghiệp đoàn tín dụng (59%) của mình để tài trợ. Bốn trong số 10 doanh nghiệp nhỏ (41%) nói rằng họ đã chuyển sang các khoản vay có lãi suất cố định trong khi 26% nói rằng họ đã sử dụng các khoản vay có lãi suất thả nổi”.
Trong phiên điều trần ngày 07/06 của Ủy ban Hạ viện về Doanh nghiệp nhỏ, chủ sở hữu của các doanh nghiệp nhỏ đã quy trách nhiệm cho chính phủ Tổng thống Biden vì đã tạo ra tình cảnh khó khăn cho họ.
Công Tố Viên Vụ Hunter Biden Yêu Cầu Cần Phải Có Biện Lý Đặc Biệt
Hôm 30/06, công tố viên, người đã đưa ra các cáo buộc đối với con trai của Tổng thống (TT) Joe Biden, cho biết ông không có thẩm quyền để buộc tội ở bên ngoài một tiểu bang nào đó.
Biện lý Quận Delaware David Weiss thừa nhận rằng thẩm quyền buộc tội của ông “bị giới hạn về mặt địa lý chỉ trong quận nhà của tôi”.
Ông Weiss, một người được cựu TT Trump bổ nhiệm, đã tuyên bố rằng ông “được trao cho toàn quyền trong vụ việc này, trong đó có trách nhiệm quyết định địa điểm, thời điểm, và liệu có nên đưa ra các cáo buộc hay không”.
Tuy nhiên, những người tố cáo trong cuộc điều tra ông Hunter Biden đã làm chứng rằng trong một cuộc họp với ông Weiss, ông Weiss nói rằng ông không phải là “người quyết định” liệu có đưa ra những cáo buộc hay không và rằng ông đã cố gắng đưa ra những cáo buộc ở cả Hoa Thịnh Đốn và California nhưng đã bị chặn.
Các thành viên Đảng Cộng Hòa đặt nghi vấn liệu ông Weiss có đang nói thật hay không, bởi vì hồi tháng Sáu ông nói với họ rằng ông có “toàn quyền”.
Hôm thứ Sáu (30/06), ông Weiss đã trả lời, nói với Chủ tịch Tư pháp Hạ Viện Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio) rằng ông bảo vệ lời tuyên bố của mình.
Sau khi thừa nhận thẩm quyền của mình bị hạn chế, ông nói rằng nếu ông muốn đưa một vụ án đi nơi khác, thì ông cần phải yêu cầu văn phòng biện lý Hoa Kỳ tại địa phương đó “cùng cộng sự trong vụ án”.
Ông Weiss cho biết, văn phòng này có thể từ chối yêu cầu đó. Nếu bị từ chối, thì “tôi có thể yêu cầu tư cách Biện lý Đặc biệt từ Bộ Trưởng Tư Pháp theo Mục 515 Bộ luật 28 U.S.C.”. Luật đó cho phép Bộ Tư Pháp ủy nhiệm cho các công tố viên làm biện lý đặc biệt. Điều đó khác với tư cách biện lý đặc biệt.
Ông Weiss nói, “Tôi đã được bảo đảm rằng, sau thủ tục trên, nếu cần thiết tôi sẽ được cấp Thẩm quyền theo Mục 515 tại Washington D.C., Địa hạt Trung tâm California, hoặc bất cứ địa hạt nào khác nơi có thể đưa ra các cáo buộc trong vấn đề này”. Ông không cho biết ai đã bảo đảm với ông, hoặc khi nào.
Bộ Tư pháp đã từ chối bình luận về những diễn biến của người tố cáo. Lặp lại lời chứng đã được đưa ra trước Quốc Hội, mới đây, Bộ Trưởng Tư Pháp Merrick Garland nói với các phóng viên rằng ông Weiss “được phép… đưa ra một quyết định truy tố theo bất cứ cách nào mà ông muốn và ở bất cứ địa hạt nào mà ông muốn”.
Trong một bức thư điện tử gửi cấp trên vào ngày 07/10/2022, ông Gary Shapley, một trong những người tố cáo của IRS, nói rằng trong một cuộc họp, ông Weiss cho biết ông đã đến Văn phòng Biện lý Hoa Kỳ của Địa hạt Hoa Thịnh Đốn và được biện lý do TT Biden bổ nhiệm này bảo rằng sẽ không có cáo buộc nào được đưa ra trong địa hạt này.
Đảng Cộng Hòa Có Thể Ngăn Cản Hoa Kỳ Tái Gia Nhập UNESCO
Bộ Ngoại Giao cho biết việc tái gia nhập UNESCO giúp thúc đẩy lợi ích và khôi phục vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ, nhưng các nhà phê bình thì nói rằng cơ quan này gây lãng phí và bị chính trị hóa cực độ.
Bất chấp vụ bê bối đang diễn ra liên quan đến ban lãnh đạo của Tổ Chức Giáo Dục, Khoa Học, và Văn Hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) và xem thường luật pháp Hoa Kỳ của cơ quan này khi thừa nhận “Nhà nước Palestine” là một quốc gia thành viên, Hoa Kỳ hiện đang chính thức tìm cách tái gia nhập UNESCO.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp có thể ngăn cản nỗ lực này bằng cách từ chối cung cấp kinh phí cần thiết. Nếu việc tiếp diễn, thì việc tái gia nhập cơ quan văn hóa và giáo dục của Liên Hiệp Quốc dự định sẽ khiến người đóng thuế ở Hoa Kỳ phải trả hơn nửa tỷ dollar chỉ để tái gia nhập cùng với các khoản tài trợ thêm có thể phát sinh mỗi năm trong tương lai.
Đã có một số nghị sĩ lên tiếng chỉ trích. Những nghị sĩ của ủy ban phân bổ ngân sách của Quốc Hội đặc trách về các hoạt động ngoại quốc và tài trợ của Bộ Ngoại Giao đã tuyên bố sẽ chấm dứt tài trợ cho UNESCO trong ngân sách năm 2024.
Chính phủ Tổng thống Biden và những người ủng hộ hành động này lập luận rằng việc tái gia nhập cơ quan này sẽ giúp đương đầu với ảnh hưởng của Trung Cộng.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói rằng hành động này sẽ thúc đẩy các lợi ích của Hoa Kỳ và khôi phục vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ.
Trong một bức thư đề ngày 08/06 gửi Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách Quản lý và Tài nguyên Richard Verma cũng lập luận rằng cơ quan quốc tế này đã đạt được tiến bộ trong việc giải quyết những mối lo ngại đã khiến chính phủ Hoa Kỳ rút khỏi UNESCO hồi năm 2018.
Nhưng các nhà phê bình cho rằng, bên cạnh những mối lo ngại khác, việc tái gia nhập cơ quan Liên Hiệp Quốc thực sự sẽ mang lại lợi ích cho Trung Cộng vì họ có các đảng viên nắm giữ các vị trí cao cấp.
Theo các chuyên gia, các nhà lập pháp, và các cựu viên chức, làm như vậy cũng sẽ tạo thuận lợi cho các lực lượng thù địch của Hoa Kỳ cũng như các thù địch của đồng minh như Israel.
Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Các vấn đề Tổ chức Quốc tế Kevin Moley, người đã cùng với cựu Đại sứ Liên Hiệp Quốc Nikki Haley dẫn đầu việc hoàn toàn rút khỏi tổ chức này, cho rằng: “Họ nên trả tiền để chúng ta tham gia”.
Tòa Đại sứ Hoa Kỳ Cảnh Báo Công Dân Mỹ Tránh Xa Các Thành Phố Của Pháp
Tòa Đại sứ Hoa Kỳ đã ban hành một thông cáo kêu gọi công dân Mỹ ở Pháp thận trọng trong bối cảnh bạo loạn và bất ổn lan rộng sau vụ nổ súng liên quan đến cảnh sát hồi đầu tuần này.
Tòa Đại sứ Hoa Kỳ cho biết trong một thông cáo đề ngày 29/06, “Sau vụ cảnh sát nổ súng hôm 27/06 ở vùng ngoại ô Nanterre của Paris, các cuộc biểu tình đang diễn ra ở khu vực Paris rộng lớn hơn và các trung tâm đô thị lớn khác với các báo cáo về thiệt hại đối với tài sản tư nhân và các tòa nhà công cộng”.
Bản thông báo lưu ý rằng những cuộc biểu tình đó, mà nhiều người đã mô tả là bạo loạn, “có thể sẽ tiếp diễn và có thể trở nên bạo lực”.
Thông báo nói rằng công dân Mỹ nên tránh các cuộc tụ họp lớn và các khu vực có nhiều cảnh sát hoạt động. Một số thành phố cũng đang áp đặt lệnh giới nghiêm giữa bối cảnh bạo lực. Cảnh báo viết, “Như mọi khi, việc thông báo cho bằng hữu hoặc người thân về nơi ở của quý vị vẫn luôn là một thói quen nên duy trì, và nên lưu ý phương tiện giao thông công cộng đang bị ảnh hưởng”.
Tòa Đại sứ khuyên người Mỹ ở Pháp nên tránh các cuộc biểu tình hay tham gia vào hoạt động biểu tình; tránh các khu vực có hoạt động đáng kể của cảnh sát; nếu không thể tránh những nơi đó, thì hãy tự bảo vệ mình hoặc tìm nơi trú ẩn; làm theo lời khuyên của cảnh sát và nhà chức trách địa phương; đồng thời theo dõi phương tiện truyền thông địa phương để cập nhật tình hình.
Bạo lực bùng phát ở các thành phố Marseille, Lyon, Pau, Toulouse, Strasbourg, và Lille cũng như Paris sau sự tử vong của một thanh niên 17 tuổi gốc Algérie và Moroc.
Đoạn phim được tải lên mạng xã hội hình như cho thấy một người ngồi sau tay lái của một chiếc xe hơi màu vàng đang dừng xe thì các nhân viên cảnh sát đến gần chiếc xe, họ tựa người vào cửa kính phía tài xế và rút súng ra. Khi người lái xe toan bỏ chạy thì một trong những viên cảnh sát đó, dường như là người đang ngồi mém trên mui xe, đã nổ súng.
Cũng trong hôm thứ Sáu (30/06), Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh đã đưa ra cảnh báo cho các công dân rằng “kể từ hôm 27/06, các cuộc bạo loạn đã bùng phát khắp nước Pháp. Địa điểm và thời gian bạo loạn là không thể đoán trước. Quý vị nên theo dõi các phương tiện truyền thông, tránh những khu vực đang diễn ra bạo loạn”.
Tổng thống Emmanuel Macron đã rời một hội nghị thượng đỉnh của Liên minh Âu Châu tại Brussels sớm để dự cuộc họp nội các thứ hai về khủng hoảng trong hai ngày. Ông đã yêu cầu các phương tiện truyền thông xã hội xóa các cảnh bạo loạn “nhạy cảm nhất” và tiết lộ danh tính của những người kích động bạo lực.
Tại thành phố Marseille ở phía nam, thành phố lớn thứ hai của Pháp, nhà chức trách đã cấm các cuộc biểu tình diễn ra vào thứ Sáu, và khuyến khích các nhà hàng đóng cửa sớm các khu vực ngoài trời. Họ nói rằng tất cả các phương tiện giao thông công cộng sẽ ngừng hoạt động lúc 7 giờ tối.
Thủ tướng Elisabeth Borne cho biết chính phủ sẽ xem xét toàn bộ các phương án có thể để ngăn chặn tình trạng bạo lực “không chấp nhận được”.
Bộ trưởng Nội vụ Darmanin cho biết 1,200 cảnh sát đã được khai triển trong đêm và 2,000 cảnh sát sẽ được điều động vào thứ Tư (28/06) tại khu vực Paris và các thành phố lớn khác ở xung quanh để “duy trì trật tự”.
Trung Cộng Muốn Siết Chặt Hơn Nữa Việc Kiểm Soát Tư Tưởng
Chế độ cộng sản của Trung Quốc đã soạn thảo “luật giáo dục lòng yêu nước” trong một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, cơ quan lập pháp bù nhìn của Bắc Kinh, để duy trì “đoàn kết dân tộc”.
Hôm 25/06, một phát ngôn viên của Ủy ban Lập pháp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc cho biết một bản dự thảo luật giáo dục lòng yêu nước sẽ được xem xét trong những ngày tiếp theo.
Phát ngôn viên này cho biết hành động này nhằm để thúc đẩy và bảo đảm “giáo dục lòng yêu nước trong thời đại mới” bằng cách dùng luật.
Các chuyên gia nói rằng Trung Cộng luôn cố tình gây nhầm lẫn giữa khái niệm Đảng và quốc gia. Họ cho biết việc ban hành luật giáo dục lòng yêu nước này là một nỗ lực khác nhằm buộc người dân Trung Quốc phải yêu Đảng và nhà cầm quyền.
Hôm 26/06, ông Li Yuanhua, một học giả sống tại Úc và là cựu giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô ở Bắc Kinh, nói rằng Trung Cộng đã gộp tình yêu đất nước, yêu Đảng, và yêu chủ nghĩa xã hội lại với nhau. Ông Li nói với The Epoch Times rằng, “Dự luật này là để bảo vệ Đảng khỏi sự sụp đổ, bảo vệ chủ nghĩa xã hội, và quyền cai trị độc tài”
Luật sư Trung Cộng với bí danh Yang Ning cho biết, Trung Cộng đã và đang rao giảng lòng yêu nước trong nhiều thập niên qua hình thức giáo dục bắt buộc kéo dài 9 năm.
Ông Yang nói, “Bây giờ Trung Cộng cảm thấy lừa dối bằng ngòi bút không còn kết quả nữa, nên họ sử dụng hình thức luật pháp để buộc mọi người phải cúi đầu hoặc im lặng. Đây là mục đích trực tiếp nhất của hình thức này”.
Việc dự thảo luật này được đưa ra sau ba năm nhà cầm quyền thực hiện chính sách “zero COVID” hà khắc trong bối cảnh suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp cao.
Luật này đang được xem là một phần trong nỗ lực tăng cường kiểm soát ý thức hệ ở Trung Quốc, bao gồm cả xây dựng thêm các luật và quy định về thông tin và quyền tự do ngôn luận.
Hôm 26/06, ông Yuan Hongbing, một học giả pháp lý sống tại Úc, nói với The Epoch Times rằng, Trung Cộng đã gây ra sự căm phẫn bất bình trong dân chúng Trung Quốc. Đảng CSTQ muốn sử dụng sức mạnh cưỡng chế của luật pháp để bảo đảm người dân “trung thành” với đảng — “buộc người dân phải yêu chính thể chuyên chế, đó là những gì họ đang làm hiện nay”.
Những Bất Thường Trong Quân Đội Trung Cộng
Gần đây, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tiết lộ rằng lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình không hay biết gì về khí cầu do thám đã bay khắp Bắc Mỹ. Theo một chuyên gia về Trung Quốc, điều này là một trong một vài ví dụ gần đây về tình trạng bất hòa giữa Tập Cận Bình và các bộ phận trong quân đội của Trung Cộng.
Hôm 20/06, Joe Biden cho biết Tập Cận Bình không hề biết trước về khinh khí cầu do thám bị quân đội Hoa Kỳ bắn hạ hồi tháng Hai năm nay.
Trong dịp vận động gây quỹ ở California, ông Biden cho biết, “Lý do khiến Tập Cận Bình rất khó chịu khi Hoa Kỳ bắn hạ quả khí cầu đó với hai thùng hàng chở đầy thiết bị gián điệp, là ông ấy không biết khinh khí cầu này đã được thả qua Hoa Kỳ. Đó là một việc mất thể diện lớn đối với các nhà độc tài khi họ không biết chuyện gì đã xảy ra”.
Các viên chức Hoa Kỳ cho biết quân đội Trung Cộng có thể là trung tâm của hoạt động do thám khinh khí cầu và các nhà sản xuất khinh khí cầu có liên hệ trực tiếp với quân đội Trung Cộng. Hoa Kỳ cho biết những khí cầu do thám của Trung Quốc, vốn sở hữu khả năng thu thập các tín hiệu tình báo, là một phần trong chương trình giám sát quân sự toàn cầu của Trung Cộng.
Hôm 24/06, ông Li Yanming, một chuyên gia đang sống tại Mỹ, chuyên về các vấn đề Trung Cộng, nói với The Epoch Times rằng những bất thường gần đây trong quân đội của Trung Cộng đã thường xuyên xảy ra bấy lâu nay.
Ông Li nói rằng vẫn còn những lực lượng chống Tập Cận Bình trong quân đội của Trung Cộng — và sự bất ổn của quân đội khiến Tập Cận Bình vô cùng lo lắng.
Một thông tin nội bộ cho biết vvef bản án tử hình dành cho Thượng tướng không quân PLA đã về hưu Liu Yazhou, cho thấy quân đội của Trung Cộng đang trải qua một cuộc thanh trừng khốc liệt. Theo phân tích của ông Li, bè cánh của cố chủ tịch Giang Trạch Dân đã kiểm soát quân đội trong một thời gian dài. Sau khi ông Bạc Hy Lai và ông Chu Vĩnh Khang bị lật đổ, thì hoạt động nội bộ của âm mưu đảo chính chống lại Tập Cận Bình của phe ông Giang đã bị phơi bày — và quân đội đã có sự liên đới sâu sắc.
Khinh Khí Cầu Do Thám Trung Quốc Không Thu Thập Dữ kiện Khi Bay Ngang Qua Hoa Kỳ
Hôm 29/06, Ngũ Giác Đài nói với các phóng viên rằng khinh khí cầu do thám Trung Cộng bay qua các địa điểm quân sự nhạy cảm của Mỹ hồi đầu năm nay đã không thu thập hoặc truyền bất cứ thông tin nào trước khi bị bắn rơi ngoài khơi bờ biển Carolina.
Theo các bản tin của truyền thông trích dẫn các kết quả sơ bộ từ một cuộc điều tra do chính phủ dẫn đầu, khinh khí cầu này, đã bay từ Alaska đến Bờ Đông, được trang bị các thiết bị thương mại do Hoa Kỳ sản xuất cho phép vật thể này chụp ảnh, quay video và thu thập các thông tin khác.
Theo báo Wall Street Journal, hãng thông tấn đầu tiên đưa tin về cuộc họp báo này, trong vụ việc mà các viên chức nhìn nhận là một nỗ lực giám sát sáng tạo của Bắc Kinh, máy móc của khinh khí cầu được trộn lẫn với một số cảm biến chuyên dụng hơn của Trung Cộng và các thiết bị khác.
Hôm thứ năm (29/06), phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Chuẩn Tướng Pat Ryder, không xác nhận liệu các bộ phận do Hoa Kỳ chế tạo có được gắn trên khinh khí cầu hay không, nhưng cho biết Bộ Quốc Phòng đã biết về các trường hợp trước đây khi quân đội ngoại quốc sử dụng các thiết bị sẵn có của Hoa Kỳ như các drone chẳng hạn. Ông nói trong một cuộc họp báo, “Vì vậy, điều đó không có gì đáng ngạc nhiên”.
Mặc dù khinh khí cầu này có “khả năng thu thập thông tin tình báo” nhưng ông Ryder cho biết Ngũ Giác Đài xác định rằng “vật thể này không thu thập được thông tin gì khi bay ngang qua lãnh thổ Hoa Kỳ”.
Ông Ryder nói trước đây các viên chức quốc phòng đã thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế khả năng thu thập thông tin nhạy cảm của khinh khí cầu, và “chắc chắn những nỗ lực mà chúng tôi thực hiện đã có tác dụng”.
Sự xâm nhập của khinh khí cầu làm căng thẳng thêm mối bang giao vốn đã lạnh nhạt của Hoa Kỳ và Trung Cộng, khiến Ngoại trưởng Antony Blinken phải hoãn một cuộc họp đã được ấn định ở Bắc Kinh mà ông vừa mới hoàn thành. Sau khi khinh khí cầu này bị bắn rơi, Bắc Kinh đã từ chối cuộc gọi của Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin cũng như một số yêu cầu của Hoa Kỳ về thông tin liên lạc giữa quân đội hai nước.
Cũng trong hôm thứ Năm, Bộ Ngoại giao cũng từ chối bình luận về khinh khí cầu do thám Trung Cộng, nhưng nói rằng việc ép buộc chuyển giao kỹ nghệ là một chủ đề được đưa ra trong chuyến công du mới đây của ông Blinken tới Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết trong một cuộc họp báo rằng, Ngoại trưởng đã nói rõ với Bắc Kinh “chúng tôi sẽ không cho phép quý vị lấy kỹ nghệ của Hoa Kỳ và sử dụng chúng chống lại chúng tôi; và nếu quý vị ở trong hoàn cảnh của chúng tôi, thì quý vị cũng sẽ làm điều tương tự”.
Về việc liệu Hoa Kỳ có công khai những phát giác của mình về khinh khí cầu do thám đó hay không, ông Miller cho biết việc này do FBI quyết định.
Chính phủ Hoa Kỳ đã đánh giá khinh khí cầu này nằm trong một chương trình giám sát quy mô lớn của Trung Cộng nhắm vào hơn 40 quốc gia. Các viên chức đã mô tả vật thể này lớn bằng khoảng ba chiếc xe buýt. Lúc trước, Bộ Ngoại giao đã nói với The Epoch Times rằng khinh khí cầu này được trang bị ăng-ten có khả năng chặn thông tin liên lạc và các tấm pin mặt trời để có thể “vận hành nhiều bộ kiểm duyệt thu thập thông tin tình báo chủ động (active intelligence)”.
Ông David Stilwell, từng là trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Văn phòng các Vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump, cho biết các bài báo viết về các đồ phụ tùng do Hoa Kỳ chế tạo được Trung Cộng sử dụng trên khinh khí cầu đó để do thám nước Mỹ sẽ giúp người Mỹ “hiểu được ý đồ của Trung Cộng”.
Các Nhà Lập Pháp Điều Tra Kẽ Hở Pháp Lý Cho Phép Các Công Ty Trung Cộng Tránh Sự Giám Sát Của Hoa Kỳ
Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) và Dân biểu James Comer (Cộng Hòa-Kentucky) đang điều tra các công ty Trung Cộng tận dụng kẽ hở để né tránh các hoạt động kiểm tra giám sát của Mỹ đối với hàng hóa dành cho thị trường Hoa Kỳ.
Ông Gallagher, Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về Trung Cộng của Hạ viện, và ông Comer, Chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Hạ Viện, đã gửi thư tới Tổng Giám đốc Bưu điện Hoa Kỳ Lous DeJoy yêu cầu các tài liệu, thông tin, và dữ kiện do USPS biên soạn liên quan đến bưu phẩm đến từ Trung Cộng.
Họ đang làm điều này như một phần của cuộc điều tra xem liệu các công ty Trung Cộng có thể lách luật của Hoa Kỳ và tránh các loại thuế, phí, và các luật khác của Mỹ hay không.
Họ viết: “Hầu hết các lô hàng có giá trị dưới 800 USD đều thuộc cái gọi là quy tắc tối thiểu, được vào Hoa Kỳ mà không phải nộp thuế hải quan, không bị đánh thuế, và không bị giám sát. Các công ty Trung Cộng có thể lợi dụng quy tắc tối thiểu để vận chuyển sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng Hoa Kỳ thông qua các công ty vận chuyển thương mại mà không phải trả thuế và phí, hoặc không phải trải qua quá trình kiểm tra sản phẩm của các nhà chức trách”.
Bức thư này là phần tiếp theo của cuộc điều tra của Ủy ban Đặc biệt về Trung Cộng đối với các công ty dựa vào điều khoản tối thiểu mà họ tin rằng cho phép họ né tránh tuân thủ Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA).
“Có thông tin cho rằng các công ty Trung Cộng thường xuyên chia các lô hàng lớn thành nhiều lô hàng nhỏ hơn để tận dụng ngưỡng tối thiểu, qua đó né tránh thuế hải quan và thuế xuất nhập cảng”.
Ủy ban Đặc biệt về Trung Cộng của Hạ viện hiện đang điều tra các cáo buộc về lao động cưỡng bức tại hai nhãn hiệu “thời trang ăn liền” (loại trang phục bắt kịp xu hướng nhanh chóng và có giá thành rẻ) của Trung Cộng là Shein và Temu, đã thúc đẩy yêu cầu này.
Theo kết quả của cuộc điều tra, mô hình kinh doanh của các tập đoàn như vậy “chủ yếu” dựa vào quy tắc tối thiểu cho phép họ vận chuyển các mặt hàng thẳng đến khách hàng Mỹ mà không chịu bất cứ trách nhiệm nào đối với việc tuân thủ các lệnh cấm lao động cưỡng bức.
Các nhà lập pháp tuyên bố rằng thông tin về các lô hàng từ Trung Cộng có thể sử dụng con đường tiểu ngạch này đã được các cơ quan liên bang bao gồm Cục Hải Quan và Biên Phòng Hoa Kỳ công bố. Họ viết, “Những hành vi như vậy lạm dụng mục đích của ngưỡng tối thiểu và mang lại những lợi thế không công bằng cho các nhà nhập cảng Trung Cộng nhằm gây tổn hại cho nền kinh tế và an ninh quốc gia Hoa Kỳ”.
Do thực tế là một “tỷ lệ đáng kể các lô hàng bưu kiện nhỏ đi qua đường bưu chính USPS và không được chia công khai theo quốc gia”. Ông Gallagher và ông Comer nhấn mạnh rằng USPS đang “được bố trí đặc biệt” để cung cấp thông tin.
Họ viết rằng, “Những thông tin như vậy sẽ cung cấp cho các ủy ban nhận thức sâu sắc về khối lượng và giá trị của các lô hàng từ Trung Cộng”.