Tin Thế Giới.

Ukraine đạt tiến triển phía nam, đang chống lại cuộc tấn công của Nga ở phía đông (BBC)

Các lực lượng Ukraine đang chống lại cuộc tấn công dữ dội của Nga ở các khu vực phía đông của mặt trận và gặp khó khăn ở phía đông bắc, nhưng đang đạt được nhiều bước tiến gần thành phố bị tàn phá Bakhmut và ở phía nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết hôm Chủ nhật, theo Reuters.

Tường thuật ở tiền tuyến của Nga nói các lực lượng của Moscow đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Ukraine gần các ngôi làng bao quanh Bakhmut và ở các khu vực xa hơn về phía nam, đặc biệt là thị trấn chiến lược Vuhlear trên đồi. Họ cũng báo cáo về thành công trong việc kìm chân quân đội Ukraine ở phía đông bắc.

Reuters không thể xác nhận bất kỳ tường thuật nào từ chiến trường.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trao giải thưởng cho quân đội ở cảng Odesa và thề: “Kẻ thù sẽ không bao giờ muốn làm gì cũng được ở Biển Đen!

Quân đội Ukraine đã thực hiện một cuộc phản công để tái chiếm các khu vực phía đông và phía nam bị chiếm giữ trong cuộc xâm lược kéo dài 16 tháng của Nga. Những bước tiến công ban đầu của Ukraine tập trung vào việc bảo vệ các cụm làng ở phía nam.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar, viết trên Telegram, cho biết “mọi nơi đang nóng” ở phía đông, với việc lực lượng Nga tiến công gần các thành phố đang bị bao vây – Avdiivka và Maryinka ở vùng Donetsk.

“Ngoài ra, kẻ thù đã bắt đầu tấn công ở khu vực Svatove,” bà nói, ý chỉ khu vực phía đông bắc Ukraine nơi các lực lượng Nga đang hoạt động.

Giao tranh ác liệt đang diễn ra…Tình hình khá phức tạp.”

Maliar ghi nhận “thành công một phần” ở phía nam Bakhmut, nơi bị lực lượng Nga chiếm vào cuối tháng 5 sau nhiều tháng giao tranh ác liệt.

Và ở mặt trận phía Nam, nơi các lực lượng Ukraine đã tái chiếm một số ngôi làng, bà Maliar cho biết đã có “những bước tiến từ từ” ở hai khu vực.

Bà viết: “Quân chúng tôi đang đối mặt với sự kháng cự quyết liệt của kẻ địch, vấp phải mìn điều khiển từ xa và việc tái triển khai quân dự bị của kẻ địch, nhưng chúng tôi vẫn không ngừng tạo ra những điều kiện để có thể tiến quân nhanh nhất.

Tướng Oleksander Tarnavskiy, chịu trách nhiệm mặt trận phía nam, cho biết các lực lượng Ukraine đang “tiêu diệt kẻ thù một cách có hệ thống” và báo cáo có hàng trăm lực lượng Nga tử trận trong 24 giờ qua. Trong một tuần phản công, quân đôi Ukraina cho biết đã giành lại được hơn 37 km2, chủ yếu ở phía nam.

Zelensky và Tổng tư lệnh Ukraine, Tướng Valery Zaluzhniy, đã ghi nhận những tiến ổn định trong chiến dịch. Tổng thống thừa nhận tiến độ còn hạn chế, nhưng nói rằng nỗ lực này “không phải là bộ phim Hollywood” với thành công tức thì.

Ukraine cũng đã phải hứng chịu các cuộc không kích dai dẳng của Nga nhắm vào các thành phố của Ukraine, dù Điện Kremlin phủ nhận việc tấn công các mục tiêu dân sự.

Nga đã phát động một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong đêm vào Kyiv và khu vực lân cận vào Chủ nhật sau 12 ngày tạm nghỉ, với các hệ thống phòng không phá hủy tất cả vũ khí trên đường tiếp cận của họ.


Ukraina và Nga cáo buộc nhau muốn tấn công phá hoại nhà máy hạt nhân Zaporijjia (RFI)

Kiev và Matxcơva cáo buộc nhau muốn phá hoại và tấn công nhà máy điện nguyên tử lớn nhất châu Âu, Zaporijjia ở miền nam Ukraina, nằm trong tay quân Nga từ tháng 03/2022.

Theo hãng tin AFP, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết, trong cuộc điện đàm ngày 04/07/2023, ông đã cảnh báo với tổng thống Pháp Emmanuel Macron là phía Nga “đang chuẩn bị những hành động gây hấn nguy hiểm” tại nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia.

Nhà máy điện nguyên tử lớn nhất châu Âu, Zaporijjia

Trước đó, quân đội Ukraina khẳng định “các vật thể giống như các khối chất nổ đã được đặt trên nóc của hai lò phản ứng 3 và 4”. Theo họ, nếu được kích hoạt, các khối chất nổ này sẽ không gây thiệt hại cho các lò phản ứng, nhưng sẽ tạo cảm giác là lò phản ứng bị phía Ukraina oanh kích.

Trong khi đó, tại Matxcơva, một cố vấn của tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga lại cáo buộc phía Kiev chuẩn bị một cuộc tấn công vào nhà máy hạt nhân Zaporijjia trong đêm nay.

Về tình hình chiến sự, hôm qua, tại vùng Kherson ở miền nam Ukraina, hai người đã thiệt mạng do các vụ pháo kích của Nga, theo thông báo của tỉnh trưởng trên mạng Telegram. Vùng Kharkiv cũng bị Nga tấn công bằng tên lửa khiến ít nhất 40 người bị thương, trong đó có 12 trẻ em, theo tổng kết mới nhất do tổng thống Zelensky công bố. 

Ngoài ra, theo thông báo của chính quyền thân Nga ở Makiivka, thành phố bị Nga chiếm đóng ở miền đông Ukraina, ít nhất một người đã thiệt mạng và 41 người bị thương trong một cuộc oanh kích của Ukraina đêm qua. Trước đó, trên mạng Telegram, quân đội Ukraina khẳng định đã tấn công vào một đội quân “khủng bố” Nga tại thành phố Makiivka.

Makiivka và các thành phố khác bị chiếm đóng từ năm 2014 ở miền đông Ukraina đã nhiều lần bị quân Ukraina oanh kích, nhất là Donetsk và Luhansk, hai cứ địa của phe ly khai thân Nga.

Trong cuộc điện đàm hôm qua, tổng thống Pháp Macron đã ủng hộ mong muốn của tổng thống Zelensky, theo đó, khối NATO có những cam kết rõ ràng đối với Ukraina nhân cuộc họp thượng đỉnh trong hai ngày 11 và 12/07 tới.


Putin lần đầu xuất hiện ở hội nghị thượng đỉnh trực tuyến SCO 2023 kể từ cuộc binh biến (BBC).

Các nhà lãnh đạo của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) sẽ tham dự một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến do Ấn Độ chủ trì vào hôm nay 4/7, theo Reuters.

Hội nghị nhằm tìm cách mở rộng sức ảnh hưởng của nhóm Âu Á (Eurasian) bằng cách chấp nhận cả Iran và mở đường gia nhập thành viên cho Belarus.

Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh trực tuyến, đây sẽ là lần đầu tiên ông Putin tham dự ở một sự kiện quốc tế kể từ khi ông dẹp tan cuộc binh biến của nhóm lính đánh thuê Wagner vào cuối tháng 6.

Được thành lập vào năm 2001 bởi Trung Cộng và Nga, SCO có các quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ là thành viên và sau đó là Ấn Độ và Pakistan. Với tám thành viên, SCO là một nhóm chính trị và an ninh tìm cách chống lại ảnh hưởng của phương Tây ở Âu Á.

Trong khi Iran dự kiến ​​​​sẽ được chấp nhận là thành viên, Belarus sẽ ký một biên bản ghi nhớ về nghĩa vụ để mở đường cho việc trở thành thành viên sau này. Khi cả hai nước, vốn có tư cách quan sát viên và có quan hệ chặt chẽ với Moscow, được chấp nhận là thành viên của SCO sẽ mở rộng sườn phía tây của nhóm ở cả châu Âu và châu Á.

Hội nghị thượng đỉnh diễn ra chỉ hai tuần sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có chuyến công du đến Mỹ và được Tổng thống Joe Biden chào đón bằng nghi lễ cấp nhà nước. Hai nước tự gọi mình là “trong số các đối tác thân thiết nhất trên thế giới“.

Ấn Độ, quốc gia giữ cương vị chủ tịch SCO và G20 năm nay, đã thắt chặt quan hệ ngoại giao khi quan hệ giữa các quốc gia phương Tâyquan hệ đối tác Nga-Trung trở nên căng thẳng do Moscow xâm lược Ukraine vào năm ngoái và sự hiện diện ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh trên chính trường địa chính trị toàn cầu.

Putin đã điện đàm với Modi vào tuần trước để thảo luận về hậu quả của cuộc binh biến của tập đoàn lính đánh thuê đã bị dập tắt. Trong cuộc thảo luận, ông Modi nhắc lại lời kêu gọi đối thoại và ngoại giao liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.

Năm ngoái, bên lề hội nghị thượng đỉnh ở Uzbekistan, ông Modi đã nói với ông Putin rằng đây không phải là kỷ nguyên chiến tranh, đây là lần gần nhất Ấn Độ đề cập trực tiếp vấn đề chiến tranh với nhà lãnh đạo Nga.


Vụ đốt kinh Coran tại Thụy Điển : Stockholm tìm cách xoa dịu phản ứng của các nước Hồi giáo (RFI).

Vài ngày sau vụ một người đốt kinh Coran ngay trước một đền thờ Hồi giáo ở Stockholm, Thụy Điển, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OCI), có trụ sở tại Ả Rập Xê Út, tập hợp 57 quốc gia Hồi giáo và đa tôn giáo, hôm Chủ Nhật 02/07/2023 kêu gọi các thành viên đoàn kết và có hành động tập thể để tránh tái diễn « hành vi báng bổ » này.

Theo AFP, cũng trong ngày Chủ Nhật 03/07, bộ Ngoại Giao Ả Rập Xê Út, nơi có các địa điểm linh thiêng nhất của Hồi giáo, ở thánh địa Mecca và Medina, đã triệu đại sứ Thụy Điển lên để yêu cầu Stockholm « chấm dứt mọi hành động trực tiếp chống lại các nỗ lực quốc tế về truyền bá các giá trị về lòng khoan dung, ôn hòa và bài trừ tư tưởng cực đoan ».

Người Hồi giáo đã chiếm tòa Đại Sứ Thụy Điển ở Baghdad, Iraq

Irak, Koweït và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cũng triệu mời đại sứ Thụy Điển để bày tỏ thái độ về vụ đốt kinh Coran xảy ra ở Stockholm.

Về phía Thụy Điển, trước nguy cơ xảy ra các đòn trả đũa ngoại giao mới, và cũng để xoa dịu Thổ Nhĩ Kỳ, tránh để Ankara có thêm lý do bác đơn xin gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, chính phủ đã ngay lập tức có phản ứng.

Từ Stockholm, thông tin viên Carlotta Morteo gửi về bài tường trình :

« Lần đầu tiên, bộ Ngoại Giao Thụy Điển đánh giá hành động này là bài Hồi giáo. Cũng theo bộ Ngoại Giao, ở Thụy Điển không có chỗ cho tư tưởng phân biệt sắc tộc, bài ngoại và thiếu khoan dung, cho dù Hiến Pháp Thụy Điển bảo vệ quyền tự do ngôn luận.

Nỗi lo ngại này sâu sắc nhưng đây là bài toán khó chưa có lời giải, bởi vì vài ngày trước khi xảy ra vụ đốt kinh Coran ở Stockholm, Tòa án Tối cao Thụy Điển đã ra phán quyết bác bỏ quyết định của cảnh sát trong những tháng gần đây nhiều lần cấm kiểu biểu tình như vậy, bởi theo cảnh sát, việc này làm tăng nguy cơ khủng bố.

Buộc phải chấp nhận kiểu hành động đó của một người tị nạn Irak, nhưng cảnh sát cũng đã ngay lập tức mở một cuộc điều tra về tội kích động hận thù sắc tộc, bởi vì lần này vụ đốt kinh Coran xảy ra trước một đền thờ Hồi giáo, vào giờ cầu nguyện, ngày lễ Aid.

Việc xét xử sẽ kéo dài nhiều tháng, nhưng từ nay cho đến lúc đó, chính phủ Thụy Điển, vốn xem cuộc chiến chống nhập cư là một trong những ưu tiên, đã không bỏ lỡ dịp nhắc lại rằng cá nhân đó không phải là công dân Thụy Điển, rằng người này mới chỉ có giấy phép cư trú tạm thời và nhà chức trách sẽ « gia tăng nỗ lực để ngăn ngừa và chống lại bất kỳ mối đe dọa mới nào ».


Thái Lan : Lãnh đạo đảng Tiến Bước buộc thỏa hiệp, khó trở thành thủ tướng (RFI)

Các nhà lập pháp Thái Lan hôm nay, 04/07/2023, đã nhất trí bầu một chính trị gia kỳ cựu và là lãnh đạo một đảng nhỏ làm chủ tịch Hạ Viện. Kết quả này báo hiệu một sự hòa hoãn giữa hai đảng đối lập lớn nhất trong việc thương lượng thành lập một chính phủ liên minh mới.

Reuters nhận định, việc đề cử ông Wan Muhamad Noor Matha, 79 tuổi, được nhiều người xem như là một sự thỏa hiệp giữa các đối tác liên minh, đảng Move Forward – MFP (Tiến Bước) về đầu trong cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 14/05/2023 và đảng Pheu Thai. Hai vị trí phó chủ tịch thuộc về đảng Move Forward và đảng Pheu Thai.

Ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo MFP

Vài giờ trước cuộc bỏ phiếu, ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo MFP, đã chấp nhận rút ứng cử vị trí chủ tịch Hạ Viện, do cho đến phút chót, đảng Pheu Thai vẫn từ chối ủng hộ ông Pita vào vị trí quan trọng, liên quan đến việc thông qua các dự luật, theo như tường thuật từ AFP. 

Ông Wan Muhamad Noor Matha, lãnh đạo đảng Prachachart, một thành viên trong liên minh tám đảng do Move Forward và Pheu Thai thống lĩnh, gốc người miền Nam, thuộc sắc tộc Mã Lai Hồi Giáo, từng nắm giữ vị trí chủ tịch Hạ Viện. 

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của ông là ấn định ngày cho cuộc bỏ phiếu chung của Quốc Hội lưỡng viện gồm 750 thành viên để bầu chọn thủ tướng cho phép thành lập một chính phủ mới, dự trù diễn ra vào cuối tuần tới. Liên minh tám đảng tập hợp được 312 ghế đang ủng hộ ông Pita Limjaroenrat. 

Tuy nhiên, để trở thành lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo đảng Move Forward phải hội đủ 376 lá phiếu, tức quá bán của lưỡng viện. Như vậy, trong trường hợp này, ông Pita còn phải cần đến 64 lá phiếu từ các đảng đối thủ hoặc từ 250 thành viên Thượng Viện do quân đội bổ nhiệm, vốn dĩ có xu hướng bảo thủ phản đối đường lối tự do của đảng MFP. 

Điều này làm dấy lên lo ngại, không rõ động thái tiếp theo của liên minh tám đảng sẽ là gì nếu ông Pita thất bại. Một chuyên gia trường đại học Ubon Ratchathani được Reuters dẫn lại, đặt câu hỏi « liệu Pheu Thai có đổi phe nếu cuộc bỏ phiếu ban đầu cho Pita thất bại hay không ? »

Còn theo phân tích của nhà chính trị học Punchada Sirivunnabood, trường đại học Mahidol, được AFP trích dẫn, việc ông Pita không có được sự hậu thuẫn của liên minh cho chức chủ tịch Hạ Viện cho thấy cơ may hạn hẹp để ông Pita lên nắm quyền lãnh đạo cao nhất trong chính phủ, nhưng điều đó cho phép « tạm thời chấm dứt xung khắc » trong nội bộ liên minh cầm quyền.

Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, MFP đã thu hút sự quan tâm của giới trẻ với một loạt các cam kết trong đó có việc chấm dứt gọi tòng quân, chấp nhận hôn nhân đồng tính và đề nghị cải cách gây tranh cãi về luật khi quân hà khắc.


Nhật Bản và Australia vừa tập trận chung tại Biển Đông dưới sự quan sát chặt chẽ của Trung Cộng (RFA)

Hải quân Australia và Lực lượng Phòng vệ Biển của Nhật Bản vào hai ngày 24 và 25/6 vừa qua tiến hành cuộc tập trận chung tại Biển Đông. Trung Cộng giám sát chặt chẽ hoạt động này.

Hãng tin ABC tại Australia loan tin ngày 29/6, trong khi Bộ Quốc Phòng nước này không công khai cuộc diễn tập khi đang diễn ra.

Tin cho biết cuộc tập trận chung giữa hai phía được nhấn mạnh vào hoạt động hành quân chiến thuật gồm phòng không, chiến đấu đối mặt.

Hai chiến hạm Nhật bản tham gia cuộc diễn tập chung là JS Izumo và JS Samidare. Cả hai trước khi tham gia cuộc diễn tập đã có chuyến thăm tại cảng Cam Ranh, Việt Nam.

Phía Hải quân Australia cử chiến hạm HMAS AnZac hiện đang thực hiện nhiệm vụ tại khu vực Đông Nam Á và hai máy bay do thám RAAF P-8A Poseidon tham gia cuộc diễn tập.

Chuẩn đô đốc Nhật Bản Takahiro Mishiyama phát biểu với truyền thông Australia rằng Canberra, một đồng minh của Washington, là đối tác chiến lược đặc biệt của Tokyo trong khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.


Mỹ khuyến cáo công dân cân nhắc rủi ro khi tới Trung Cộng (VOA)

Hoa Kỳ khuyến cáo người Mỹ cân nhắc việc du hành tới Trung Cộng vì thực thi pháp luật tùy tiện và các lệnh cấm xuất cảnh tùy tiện cũng như nguy cơ bị giam giữ sai trái.

Không có trường hợp cụ thể nào được trích dẫn, nhưng khuyến cáo được đưa ra sau khi một công dân Hoa Kỳ 78 tuổi bị kết án tù chung thân vì tội gián điệp vào tháng 5 năm nay.

Diễn biến này theo sau việc thông qua Luật Quan hệ Đối ngoại sâu rộng vào tuần trước vốn đe dọa sẽ có các biện pháp đối phó chống lại những người bị coi là gây tổn hại đến lợi ích của Trung Cộng.

Trung Cộng gần đây cũng đã thông qua luật phản gián được viết rất bao quát khiến cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài quan ngại, với các văn phòng bị khám xét cùng một điều luật trừng phạt những người nước ngoài chỉ trích Trung Cộng.

Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) tùy tiện thực thi luật pháp địa phương, bao gồm ban hành lệnh cấm xuất cảnh đối với công dân Hoa Kỳ và công dân của các quốc gia khác, mà không có quy trình công bằng và minh bạch theo luật,” khuyến cáo của Hoa Kỳ cho biết.

Công dân Hoa Kỳ đi du lịch hoặc cư trú tại Trung Cộng có thể bị giam giữ mà không được tiếp cận với các dịch vụ lãnh sự của Hoa Kỳ hoặc tiếp cận với thông tin về hành vi mà họ bị cáo buộc phạm tội,” khuyến cáo cảnh báo.

Khuyến cáo cũng nói rằng chính quyền Trung Cộng “dường như có toàn quyền coi nhiều loại tài liệu, dữ liệu, số liệu thống kê hoặc tài liệu là bí mật nhà nước và bắt giữ cũng như truy tố các công dân nước ngoài với cáo buộc hoạt động gián điệp.”

Khuyến cáo liệt kê một loạt các hành vi có thể bị xem là phạm tội, từ tham gia biểu tình đến gửi tin nhắn chỉ trích chính sách của Trung Cộng hoặc thậm chí chỉ đơn giản là tiến hành nghiên cứu về các lĩnh vực được coi là nhạy cảm.

Các lệnh cấm xuất cảnh có thể được sử dụng để buộc các cá nhân tham gia vào các cuộc điều tra của chính phủ Trung Cộng, gây áp lực buộc các thân nhân trong gia đình trở về từ nước ngoài, giải quyết các tranh chấp dân sự có lợi cho công dân Trung Cộng và “đạt được đòn bẩy thương lượng đối với các chính phủ nước ngoài”, khuyến cáo cho biết.

Khuyến cáo tương tự đã được ban hành cho các khu vực bán tự trị của Trung Cộng như Hong Kong và Macao. Khyến cáo đề ngày 30/6 và loan báo qua email cho báo giới vào ngày 3/7.

Trước đây, Hoa Kỳ đã đưa ra các khuyến cáo tương tự cho công dân của mình, nhưng những khuyến cáo trong những năm gần đây chủ yếu cảnh báo về sự nguy hiểm của việc bị phong tỏa nghiêm ngặt và kéo dài trong khi Trung Cộng đóng cửa biên giới trong ba năm theo chính sách hà khắc “zero-COVID”.

Nhìn chung, Trung Cộng phản ứng một cách giận dữ với điều mà họ coi là những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm bôi xấu hệ thống độc tài do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Trung Cộng đã đưa ra các khuyến cáo du hành của riêng mình liên quan đến Hoa Kỳ, cảnh báo về sự nguy hiểm của tội phạm, của nạn phân biệt đối xử chống người châu Á và chi phí chăm sóc y tế khẩn cấp đắt đỏ.

Trung Cộng chưa phản hồi đối với khuyến cáo du hành của Mỹ ngày 3/7.

Không có thông tin chi tiết về các cáo buộc chống lại điệp viên John Shing-Wan Leung vì hệ thống chính trị độc đoán của Trung Cộng và do sự kiểm soát tuyệt đối của Đảng Cộng sản cầm quyền đối với các vấn đề pháp lý. Ông Leung, người cũng có hộ khẩu thường trú tại Hong Kong, đã bị giam giữ tại thành phố Tô Châu phía đông nam từ ngày 15 tháng 4 năm 2021 — thời điểm Trung Cộng đóng cửa biên giới và hạn chế chặt chẽ việc di chuyển của người dân trong nước để kiểm soát sự lây lan của COVID-19.

Các cảnh báo được đưa ra khi quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm, về thương mại, công nghệ, về vấn đề Đài Loan và nhân quyền, mặc dù các bên đang thực hiện một số bước để cải thiện tình hình. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tuần trước đã có chuyến thăm Bắc Kinh bị trì hoãn từ lâu và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen sẽ thực hiện chuyến đi rất được mong đợi tới Bắc Kinh trong tuần này. Trung Cộng gần đây cũng đã bổ nhiệm một đại sứ mới tại Washington, người đã trình ủy nhiệm thư trong cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden tại Tòa Bạch Ốc.

Tuy nhiên, các sự kiện khác cũng chỉ ra sự thử thách trong mối quan hệ. Trung Cộng đã chính thức phản đối vào tháng trước sau khi ông Biden gọi lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình là “nhà độc tài”, vài ngày sau chuyến thăm của ông Blinken.

Ông Biden phớt lờ sự phản đối, nói rằng những lời nói của ông sẽ không có tác động tiêu cực đến quan hệ Mỹ-Trung và ông vẫn mong sớm gặp ông Tập. Ông Biden cũng đã khiến Bắc Kinh chỉ trích bằng cách tuyên bố rõ ràng rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan tự trị nếu Trung Cộng, nước tuyên bố hòn đảo này là lãnh thổ của mình, tấn công hòn đảo này.

Ông Biden nói những tuyên bố thẳng thừng của ông về Trung Cộng “không phải là điều mà tôi sẽ thay đổi nhiều”.

Chính quyền Biden cũng chịu áp lực từ cả hai đảng phải có đường lối cứng rắn đối với Trung Cộng, khiến vấn đề này trở thành một trong số ít vấn đề mà hầu hết các đảng viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đồng ý.

Cùng với một số người Mỹ bị giam giữ, hai người Úc gốc Hoa, Cheng Lei, người trước đây làm việc cho đài truyền hình nhà nước Trung Cộng, và nhà văn Yang Jun, đã bị giam giữ lần lượt từ năm 2020 và 2019 mà không có thông tin gì về bản án của họ.

Có lẽ trường hợp giam giữ tùy tiện khét tiếng nhất liên quan đến hai người Canada, Michael Kovrig và Michael Spavor, đã bị giam giữ ở Trung Cộng vào năm 2018, ngay sau khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của Huawei Technologies và là con gái của người sáng lập tập đoàn công nghệ này theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ.

Họ bị buộc tội về các tội liên quan đến an ninh quốc gia mà không bao giờ được giải thích và được trả tự do ba năm sau khi Hoa Kỳ dàn xếp các cáo buộc gian lận đối với bà Mạnh. Nhiều quốc gia gọi hành động của Trung Cộng là “chính trị con tin.”


Biển Đông : Tuần duyên Philippines tố cáo Trung Cộng có những hành động « nguy hiểm » ở bãi Cỏ Mây (RFI).

Lực lượng tuần duyên Philippines, hôm nay 05/07/2023, tố cáo các tàu tuần tra Trung Cộng có những hành động « rất nguy hiểm » khi tìm cách ngăn chặn hai tàu của Philippines trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Sự cố mới nhất xảy ra hôm 30/06 khi các tàu của hải quân Philipines tiến hành tiếp tế như thường lệ cho lực lượng thủy quân lục chiến đóng trên con tàu cũ mà Philippines cho mắc cạn tại bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), để khẳng định chủ quyền của Manila tại đây.

Khi đến khu vực này, hai tàu của Philippines đi hộ tống các tàu tiếp tế đã bị hai tàu hải cảnh Trung Cộng áp sát.

Theo AFP, phát ngôn viên lực lượng tuần duyên Philippines, chuẩn đô đốc Jay Tarriela cho biết, một trong các tàu của Trung Cộng đã tiến đến sát mũi tàu BRP Malabrigo chỉ chừng 90 m, buộc chỉ huy chiếc tàu này phải giảm tốc độ để tránh va chạm.

Ông Tarriela nói, tàu Trung Cộng “đã thực hiện nhiều thao tác nguy hiểm, thậm chí băng qua rất gần mũi tàu của Philippines, và đó là hành động rất nguy hiểm vì ở khoảng cách này rất dễ xảy ra va chạm.”

Đại sứ quán Trung Cộng tại Manila vẫn chưa đưa ra bình luận nào về sự cố này.

AFP nhắc lại, Bắc Kinh tuyên bố có chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông bất chấp các phản đối của Philippines, Việt Nam hay Malaysia, và phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực năm 2016, không thừa nhận các đòi hỏi của Bắc Kinh.

Philippines phàn nàn rằng các tàu tuần duyên của họ thường xuyên bị lực lượng hải quân Trung Cộng theo dõi và chặn đầu.


Tin Việt Nam.

GDP 6 tháng của Việt Nam chỉ tăng 3,72%

Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) hôm thứ Năm 29/6 nhìn nhận tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II của Việt Nam chỉ được 4,14% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, GDP chỉ tăng 3,72%

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng – Manufacturing Purchasing Managers’ Index (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global thì PMI trong tháng 6 vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm đến tháng thứ tư liên tiếp, cho thấy sản xuất tiếp tục suy giảm. Với kết quả 46.2, tăng so với mức 45.3 điểm của tháng 5, chỉ số lần này cho thấy các điều kiện kinh doanh tiếp tục lao dốc


Việt Nam: Hai tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ra tù với sức khỏe ‘suy kiệt’

Hai cha con ông Bùi Văn Trung và Bùi Văn Thâm của Đạo Tràng Út Trung (thuộc Phật giáo Hòa Hảo), vừa được trả tự do sau sáu năm tù với tội danh “Gây rối trật tự công cộng” và “Chống người thi hành công vụ”, nhưng ông Trung về nhà với sức khỏe suy kiệt.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt từ An Giang, anh Thiện Tâm, một người con của ông Trung (62 tuổi) cho hay sức khỏe của ông Trung suy giảm trầm trọng trong trại giam.

Các tín hữu đạo tràng Út Trung, Phật Giáo Hòa Hảo (Nguồn BBC)

Trước khi được trả về nhà, ông Trung trải qua một ca mổ cấp cứu khối ung thư đại tràng tại Bệnh viện Chợ Rẫy hôm 12/6.

“Cha tôi ung thư đại tràng giai đoạn hai, răng rụng, mắt gần như mù. Trại giam tắc trách, họ phát hiện trễ, ban đầu họ chẩn đoán rối loạn tiêu hóa nhẹ và đau bao tử, chỉ kê thuốc giảm đau. Chỉ đến khi cha đi vệ sinh ra máu trại mới đưa ông đi bệnh viện, chữa trị sơ sài rồi đưa về trại lại.

“Khi bệnh viện chẩn đoán khối u đại tràng họ giấu không nói cho cha và gia đình biết, nếu biết mà phẫu thuật gấp thì không đến nỗi như hiện nay.

“Đến khi bệnh cha ngày càng nặng, họ cho đến bệnh viện Bình Phước, nhưng tại đây không đủ phương tiện điều trị. Gia đình phải đấu tranh kịch liệt mới đưa được cha đến bệnh viện Chợ Rẫy.

“Tại đây cha tôi được phẫu thuật khi khối u bằng quả cam sành. Bác sỹ nói quá trễ. Hiện sau phẫu thuật sức khỏe cha tạm ổn định.”

Ông Thiện Tâm phê phán điều ông cho là “cách đối xử của trại giam với các bệnh nhân bệnh nặng”.

Dân biểu QH Liên bang Đức nay đã nghỉ hưu, ông Martin Patzelt, người từng bảo trợ và giúp đỡ trường hợp của cha con ông Trung khi cả hai còn ngồi tù, nói với BBC rằng ông biết về tình trạng bệnh tật của ông Trung và cũng biết rằng nhà tù đã giấu, không nói cho ông Trung biết tình trạng bệnh của mình.

“Tôi đã nghe nói về căn bệnh mà người ta đã không nói cho tù nhân Trung biết. Nhờ nỗ lực cao độ của gia đình và NGO hỗ trợ mà chúng ta mới biết được chẩn đoán thực sự về bệnh của ông và đấu tranh để ông được điều trị chuyên khoa.

Đã có không ít trường hợp gia đình các tù nhân tôn giáo và chính trị phản ánh về điều kiện tồi tệ trong các trại giam của Việt Nam.


Việt Nam họp toàn quốc bàn thúc đẩy sản xuất

Hôm Thứ Ba mùng 4 Tháng Bảy, gần như toàn Nội Các Pham minh Chính đã họp trực tuyến với các địa phương “bàn cách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh” để “thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” đang lao dốc.

Đây là lần thứ tư kể từ đầu năm đến nay chế độ Hà Nội đã phải mở cuộc họp loại này. Tăng trưởng kinh tế quý I chỉ được 3.28%. Khiến cho tăng trưởng 6 tháng đầu năm cũng chỉ được 3.72%, theo công bố của Tổng cục Thống kê ngày cuối Tháng Sáu. Năm nay, CSVN đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6.5% mà với các dấu hiệu như vừa kể khi xuất cảng giảm, chỉ tiêu này thấy xa vời.

Trong cuộc họp nói trên, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư thấy được tường thuật, cho rằng muốn tăng trưởng được 6.5%, quý III phải tăng được 7.4% và quý IV phải được tới 10.3%. Cho dù muốn tăng trưởng ít hơn, ở mức 6%, quý III phải tăng trưởng được 6.8% và quý IV cũng phải được 9%.

Tổ chức tư vấn đầu tư Capital Economics giữa tuần qua dự báo kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng được khoảng 4.5% cho năm 2023, thấp hơn dự báo 5% họ từng đưa ra trước đây. “Với các yếu tố ngoại tại không thuận lợi nhiều phần vẫn còn kéo dài sang nửa cuối năm nay, chúng tôi dự báo kinh tế của Việt Nam sẽ còn gặp khó khăn những quý sắp tới”. Capital Economics viết trong một bản nhận định được thông tấn Reuters dẫn lại.

Ở trong nước, không những Tổng cục Thống kê kêu rằng chỉ tiêu tăng trưởng đề ra 6.5% cho năm nay là “khó khả thi”, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) trong kỳ tham vấn với chức sắc cầm đầu kinh tế tài chính của Hà Nội cũng cho rằng kinh tế của Việt nam cũng chỉ tăng trưởng được chừng 4.7% cho năm nay dù xuất cảng hồi phục được phần nào nhờ các chính sách nới lỏng nội địa.

Truyền thông Nhà Nước thuật rằng, để kích thích guồng máy kinh tế chạy nhanh hơn, nhà cầm quyền trung ương thúc “Bộ Công thương tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường xuất khẩu…không để thiếu điện, xăng dầu” bên cạnh những chỉ thị khác.


Việt Nam có 3 máy bay cán đinh hư lốp trong 5 ngày

Trong vòng năm ngày qua, thợ máy tại hai sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, đã phát hiện ba máy bay bị cán đinh, phải thay lốp để tiếp tục khai thác.

Vụ gần nhất được truyền thông loan xảy ra hôm 3/7, sau khi một máy bay Airbus A321 bay từ Cam Ranh hạ cánh, lăn vào bến đỗ số 10, thợ máy kiểm tra phát hiện lốp số hai càng sau bên trái máy bay có vết cán đinh. Do đinh ghim sâu vào trong lốp nên thợ máy thay lốp khác để máy bay tiếp tục được khai thác.

Trước đó trong hai ngày 28 và 30/6, thợ máy cũng phát hiện chiếc Airbus A321 bay từ Phú Quốc hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 20h32, bị cán đinh ở lốp số 2 càng trái, với đinh vít dài 1cm, đường kính 0,2; và tại sân bay Nội Bài, thợ máy máy bay Airbus A350 dự kiến bay từ Hà Nội đi Melbourne (Úc) vào 0h05 ngày 29/6, bị phát hiện lốp số 2 càng trái cũng bị một đinh mũ ghim vào. Chiếc đinh này dài 1,5cm, đường kính mũ 1cm, đường kính thân 0,3cm.

Cũng theo lãnh đạo Cục hàng không, với dòng máy bay kích cỡ như Airbus A321 trở lên, các cụm bánh máy bay thường có 2 cặp lốp được thiết kế khi một lốp bị hỏng, mất áp suất thì lốp còn lại vẫn có khả năng đảm bảo máy bay hạ cánh an toàn. Còn với động cơ, xác suất dị vật văng hỏng cả 2 động cơ cùng lúc ít khi xảy ra. Cục Hàng không đã từng có các chỉ đạo đối với công tác kiểm soát vật ngoại lai và bảo đảm vệ sinh trên đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ.

Đại diện một hãng hàng không không muốn nêu tên nói rằng, dù vấn đề không quá nghiêm trọng nhưng vẫn ảnh hưởng đến an toàn khai thác của hãng hàng không, gây thiệt hại về kinh tế do các hãng phải sửa chữa, thay lại phụ tùng máy bay. Ngoài ra, khi phát hiện vấn đề ở lốp, các hãng phải sửa chữa, thay thế, ảnh hưởng lịch khai thác của các chuyến bay.

Ngoài ra, về an toàn hàng không, báo chí Nhà Nước cũng loan tin, tại sân bay quốc tế Nội Bài vào lúc 21 giờ 20 giờ địa phương ngày 24-6-2023 có hai máy bay thương mại, một chuẩn bị cất cánh, và một khác sắp hạ cánh, cả hai máy bay  suýt nữa đâm vào nhau ngay trên cùng một đường băng. (Tổng hợp)


10 ngày tới, Miền Bắc nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao từ 39-40 độ C

Theo dự báo, đợt nắng nóng gay gắt đang diễn ra ở các tỉnh miền Bắc có thể kéo dài đến giữa tháng 7, trở thành đợt nắng nóng kéo dài nhất từ đầu mùa Hè đến nay

Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia loan báo: ngày 3/7 vùng đồng bằng Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ buổi trưa khoảng 35-36 độ.

Khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có gay gắt với nhiệt độ lúc ban trưa khoảng 35-38 độ, độ ẩm tương đối phổ biến 50-60%; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-65%..

Hà Nội nắng nóng gay gắt, nền nhiệt duy trì ở mức cao 39-40 độ C

Theo tin từ cơ quan khí tượng, trong 10 ngày tới nền nhiệt tại Hà Nội luôn ở mức tương đối cao. Trong đó, ngày 5-8 tháng 7, nền nhiệt cao nhất ghi nhận ở ngưỡng 36 độ C. Tuy nhiên những ngày sau đó, nền nhiệt luôn ở mức cao, thời tiết oi nóng. Có lúc nhiệt dộ lên đến 40 dộc C

Từ ngày 9 -12/7, dù dự báo có mưa dông tuy nhiên nền nhiệt vẫn duy trì ở mức từ 37 -39 độ C. Thời tiết này được xem là đợt nắng nóng kéo dài nhất kể từ đầu mùa hè 2023. 

Cơ quan khí tượng cảnh báo, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.


Nắng nóng quá độ, nông dân Việt Nam phải soi đèn cấy lúa ban đêm

Tuần lễ đầu Tháng Năm vừa qua, có ngày nhiệt độ lên tới 44.2oC (gần 112oF) ở huyện Tương Dương, Nghệ An. Trong khi các vùng khac từ miền Bắc đến miền Trung, nhiệt độ nóng nắng đang hoành hành nửa nước Việt Nam như bản tin thời tiết ở trên; Khiến nông dân ở miền bắc và miền trung Việt Nam đã đổi cách canh tác từ ngày sang đêm. Theo một ký sự ngắn của hãng tin AFP, nông dân Việt Nam lội xuống ruộng cấy lúa từ 3 giờ sáng ở một khu vực ngoại thành Hà Nội. Và phải cố làm cho xong việc trước khi cái nóng tàn bạo ban ngày kéo đến.

Bởi vì “Rất khó trồng lúa ban ngày khi ánh nắng mặt trời gay gắt chiếu thẳng vào lưng trong khi nước nóng trên ruộng bắn lên mặt”.

Vì mò mẫm trồng ban đêm với chiếc đèn pin không soi sáng được nhiều, nông dân nhìn nhận “luống mạ có thể không thẳng hàng. Dù vậy, họ cố gắng cắm nhanh những tép mạ xuống ruộng nhờ ánh đèn pin gắn trên trán. Nông dân phải thức dậy làm ruộng từ 4 giờ sáng đến 9 giờ thì nghỉ, có ngày làm từ 3 giờ sáng đến 9 giờ sáng. Nông dân cho biết làm ban đêm có cái lợi là giúp ông “làm được nhiều hơn lại ít bị chia trí”.

Những năm trước người nông dân làm ruộng không có đèn pin để làm đêm nhưng thời tiết không nóng gay gắt như bây giờ. Tuy nhiên, trồng đêm thì nước ruộng mát hơn, tốt cho cây mạ phát triển.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thu nhập trung bình mỗi tháng của nông dân Việt Nam chỉ được 3.6 triệu đồng (khoảng $153 USD) vào năm 2021. Năm 2022 mỗi tháng trung bình được 3.86 triệu đồng (khoảng $165 USD). Vì vậy những người trẻ tuổi đều bỏ ruộng đi tìm những công việc ít cực khổ hơn. Trong khi người dân ở các thành phố kiếm dược trung bình 5.95 triệu đồng (khoảng $254 USD) nhưng lại phải chịu đựng vật giá mọi thứ đắt đỏ hơn.


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 22-23-24/4/2024.
  • Hạ Viện Mỹ thông qua khoản viện trợ 61 tỷ đô la: Ukraina ăn mừng, Nga lên án (RFI)
  • Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố gởi vũ khí cho Ukraina “ngay từ tuần này”
  • Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân: Nguy cơ leo thang với Nga
  • Ukraina dùng drone tấn công các cơ sở năng lượng và nhà máy luyện kim trên lãnh thổ Nga
  • Nhân viên nghị viện EU bị bắt ở Đức vì làm gián điệp cho Trung Cộng
  • Mỹ - Philippines khởi động cuộc tập trận Balikatan ở Biển Đông
  • LHQ muốn một cuộc điều tra quốc tế về các hố chôn tập thể tại một bệnh viện ở Gaza
  • Ngoại trưởng Mỹ đến gây sức ép với Trung Cộng nhưng vẫn cố giữ ổn định
  • Bắc Triều Tiên tập trận tấn công hạt nhân, Nam Hàn dọa "xóa sổ" chế độ Bình Nhưỡng
  • Trợ lý bị bắt, Vương Đình Huệ liệu có lâm nguy?
  • World Bank: Kinh tế Việt Nam đang dần ‘phục hồi’
  • Hạn hán kéo dài khiến khoảng 77.000 trẻ ở Việt Nam không có nước sạch
  • CSVN phạt tù 10 người vì tham gia tổ chức “phản động” ở Mỹ
  • Tin Cuối Tuần (20-21-Apr-2024)
  • Đề Nghị Truất Phế Chủ Tịch Hạ Viện Johnson ‘Sắp Được Đưa Ra’
  • Ông Bill Barr Cho Biết Tại Sao Ông Ủng Hộ Cựu TT Trump Nhiều Hơn TT Biden
  • Thời Tổng thống Biden, Lạm Phát Kéo Dài Và Việc Làm Suy Giảm
  • Các Cuộc Thăm Dò Không Cho Biết Về Sự Dẫn Đầu Của Cựu TT Trump
  • Số Phận Các Tỷ Phú Của Trung Cộng, Sụt Giảm, Phá Sản, Hoặc Bị Bắt Giữ
  • Chủ Nghĩa Tư Bản Trung Cộng Đang Bóp Méo Thị Trường Toàn Cầu
  • TT Biden Kêu Gọi Tăng Gấp Ba Lần Thuế Quan Đối Với Nhôm Thép Trung Cộng
  • Thủ Tướng Đức Vận Động Trung Cộng Chơi Công Bằng Trên Thị Trường EU
  • Trung Cộng Đóng Góp Cho Ngành Kỹ Nghệ Quốc Phòng Nga
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 15-16-17/4/2024.
  • Hai chục nước mua đạn pháo ngoài châu Âu để cung cấp cho Ukraina
  • Chiến tranh Ukraina: Lãnh đạo AIEA báo động nguy cơ tai nạn hạt nhân ở Zaporijjia
  • Quân đội Israel tuyên bố sẽ đáp trả cuộc tấn công của Iran
  • Lần đầu tiên quyết định oanh kích trực tiếp Israel: Iran được gì, mất gì?
  • Mỹ-EU chuẩn bị trừng phạt thêm Iran, Anh và Đức thuyết phục Israel ‘"kiềm chế"
  • Úc công bố Chiến lược Quốc phòng đầu tiên để đối phó Trung Cộng
  • BT Quốc Phòng Mỹ, Trung nối lại đối thoại: Biển Đông và Đài Loan là trọng tâm
  • Hạ viện Mỹ có thể bỏ phiếu về viện trợ cho Ukraine, Israel trong tuần này
  • Mỹ và Việt Nam quan ngại về dự án kênh đào do TC tài trợ ở Cam Bốt
  • Reuters: Việt Nam bơm tới 24 tỷ USD để giải cứu ngân hàng SCB bị chìm trong vụ lừa đảo khổng lồ
  • Việt Nam bắt thêm các lãnh đạo tập đoàn vì ‘đưa, nhận hối lộ’
  • CSVN phạt một phụ nữ 12 năm tù vì tham gia tổ chức ‘khủng bố’ ở Mỹ
  • Số người Việt vượt eo biển Manche vào Anh là đông nhất
  • Tin Cuối Tuần (13-14-Apr-2024)
  • TT Biden Tìm Cách Giảm Căng Thẳng Cuộc Xung Đột Giữa Iran Và Israel
  • Hạ Viện Sẽ Cố Gắng Về Gói Tài Trợ Cho Israel
  • Trung Cộng Có Mối Liên Hệ Với Tội Phạm Có Tổ Chức
  • Đảng Dân Chủ Sử Dụng Chiến Lược Ít Được Biết Đến Để Giành Chiến Thắng Trong Năm 2024
  • Cựu Đại Sứ Hoa Kỳ Làm Gián Điệp Cho Cuba Lãnh 15 Năm Tù
  • Cuộc Điện Đàm Giữa Ông Biden Và Ông Tập Không Làm Thay Đổi Được Bất Cứ Điều Gì
  • Trung Cộng Đẩy Mạnh Xuất Cảng Khiến Các Nhà Đầu Tư Ngoại Quốc Lo Lắng
  • CEO Apple Đến Hà Nội, Thăm Việt Nam Trong 2 Ngày
  • Iran Không Kích Israel, Phóng Hàng Loạt Máy Bay Không Người Lái
  • 3 Con Trai Của Thủ Lĩnh Hamas Haniyeh Thiệt Mạng Trong Cuộc Không Kích Của Israel
  • Nhật Bản Có Thể Sẽ Gia Nhập Liên Minh AUKUS Chống Bắc Kinh
  • Nữ Ký Giả Trung Quốc Bị Trục Xuất Khỏi Thụy Điển Từng Kể Về Gia Cảnh Bị ĐCSTQ Bức Hại
  • Vương Quốc Anh Sẽ Không Bao Giờ Giao Quyền Lực Cho WHO
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 8-9-10/4/2024.
  • Thủ tướng Nhật Bản công du Hoa Kỳ trong bối cảnh lo ngại chung về Trung Cộng
  • Tổng thống Zelensky cảnh báo: “Mất viện trợ của Mỹ, Ukraina bại trận”
  • Xung đột dải Gaza: Israel ấn định ngày cho cuộc tấn công Rafah
  • Philippines-Mỹ-Nhật-Úc tập trận phối hợp đối phó "các tình huống hàng hải" ở Biển Đông
  • Fitch hạ điểm triển vọng tín nhiệm Trung Cộng (RFI)
  • Ukraine và Anh ký thỏa thuận hợp tác sản xuất vũ khí
  • Washington không để Trung Cộng đe dọa việc làm và ngành công nghiệp Hoa Kỳ
  • Miến Điện: Phe nổi dậy kiểm soát một thành phố quan trọng sát biên giới Thái Lan
  • Bầu cử Quốc Hội Nam Hàn: Trắc nghiệm về uy tín của tổng thống Yoon Suk Yeol
  • Tỉnh đầu tiên của Việt Nam ban bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán
  • Việt Nam sẽ đầu tư thêm hơn 7 tỷ USD để đẩy mạnh khai thác bô xít
  • Việt Nam đề nghị Ả Rập Xê Út tiếp nhận thêm lao động giúp việc nhà
  • Cổ phiếu VinFast rớt giá kỷ lục xuống mức đáy từ khi lên sàn Nasdaq ở Mỹ
  • Việt Nam ‘ưu tiên’ khởi công đường sắt cao tốc tới Trung Quốc trước năm 2030
  • Việt Nam phá đường dây tín dụng đen 2000% tiền lời