Tin Hoa Kỳ và Thế Giới

Bà Yellen Nói Với Giới Chức Trung Cộng Rằng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ Không Thể Thoả Hiệp

Sau chuyến công du 4 ngày tới Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngân Khố Hoa Kỳ, bà Janet Yellen cho biết bà đã nói với giới chức Trung Cộng rằng an ninh quốc gia của Hoa Kỳ sẽ không bị thỏa hiệp.

Bộ trưởng Ngân Khố Janet Yellen

Trong một cuộc phỏng vấn với thông tấn CBS hôm Chủ nhật (09/07), bà Yellen nói rằng: “Một mục tiêu trong chuyến công du của tôi là để giải thích rằng an ninh quốc gia là điều mà chúng ta không thể thỏa hiệp và chúng ta sẽ bảo vệ, và chúng ta sẽ làm như vậy ngay cả khi điều đó gây tổn hại cho lợi ích kinh tế, được xem là  nhỏ nhoi”.

Bà Yellen đã kết thúc chuyến công du hôm Chủ nhật (09/07) sau khi hội đàm với một số viên chức cao cấp của Trung Cộng, bao gồm Thủ tướng Lý Cường, Phó Thủ tướng Hà Lập Phong, Thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc Dịch Cương, Bí thư Đảng ủy Phan Công Thắng, và cựu Phó Thủ tướng Trung Cộng Lưu Hạc.

Tuy nhiên, bà Yellen vẫn chưa gặp chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình. Người này đã gặp Ngoại trưởng Antony Blinken hồi tháng trước trong chuyến công du của ông ta. Giống như chuyến công du Trung Cộng của ông Blinken, chuyến đi của bà Yellen cũng không mang lại kết quả gì nhiều giữa hai quốc gia. Bà Yellen nói,

“Tổng thống Biden và tôi không nhìn mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng qua khuôn khổ xung đột quyền lực. Chúng tôi tin rằng thế giới đủ lớn để cả hai quốc gia Mỹ Tàu cùng phát triển”.

Đảng Cộng Hòa lâu này chỉ trích chính phủ Biden không cứng rắn với Trung Cộng và mô tả chế độ cộng sản này là một “mối đe dọa” đối với Hoa Kỳ. Nghị sĩ Marsha Blackburn (Cộng Hòa-Tennesess) viết trên Twitter hôm 08/07 rằng,

“Tập Cận Bình đã nói rõ ý định của ông ta. Ông ấy muốn Trung Cộng thay thế Mỹ để trở thành siêu cường quốc của thế giới. Trung Cộng không phải là bạn của chúng ta và ông Biden nên ghi nhận”.

Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia, trong báo cáo được công bố hồi tháng Hai, đã cảnh báo rằng Trung Cộng đang sử dụng các âm mưu và sáng kiến — bao gồm kế hoạch Một Vành – Một Con đường (BRI) và Sáng kiến An ninh Toàn cầu — để “thực hiện giải pháp thay thế do Trung Cộng dẫn đầu” cho trật tự thế giới, một trật tự ưu tiên “chủ quyền quốc gia và ổn định chính trị hơn là các quyền cá nhân”.

Bà Yellen cho biết, bà mong muốn cả hai bên sẽ liên lạc thường xuyên hơn ở cấp nhân viên, mặc dù bà thừa nhận rằng bà không ý kiến gì cụ thể cho vấn đề này trong tương lai.

Bà Yellen cho biết bà đã “gây áp lực” với Trung Cộng về các hoạt động kinh tế không công bằng của họ. Bà giải thích: “Điều đó bao gồm cả chiều rộng và chiều sâu của các chính sách của Trung Cộng bất chấp nguyên tức thị trường, cùng với các rào cản tiếp cận thị trường đối với các công ty ngoại quốc và các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ (IP)”.

Ủy ban về Chống Trộm Cắp Sở Hữu Trí Tuệ Hoa Kỳ ước tính vào năm 2017 rằng nền kinh tế Hoa Kỳ chịu tổn thất hàng năm từ 225 tỷ đến 600 tỷ USD mỗi năm do hành vi của Trung Cộng chuyên trộm cắp IP.

Hồi tháng Ba, ông William Evanina, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Evanina Goup, cho biết trong một phiên điều trần do Ủy Ban Tư Pháp Hạ viện tổ chức, nói rằng, nhà cầm quyền Trung Cộng sử dụng cách tiếp cận “toàn xã hội” để đánh cắp tài sản trí tuệ.

Ông Evanina nói: “Trung Cộng sử dụng các dịch vụ tình báo, đầu tư khoa học và kỹ nghệ, hợp tác học thuật, hợp tác nghiên cứu, liên doanh, công ty bình phong, mua bán và sát nhập, trộm cắp trắng trợn, đe dọa nội gián và xâm nhập mạng”.

Ông giải thích thêm rằng Trung Cộng đang theo đuổi các bí mật thương mại và sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực được nhấn mạnh bởi chính sách công nghiệp được gọi là “Made in China 2025”, chẳng hạn như hàng không vũ trụ, kỹ nghệ biển sâu, kỹ nghệ sinh học, kỹ nghệ thông tin, năng lượng sạch, kỹ nghệ pin điện, và kỹ nghệ gen DNA.

Bắc Kinh cũng đã khai triển các chương trình tuyển dụng nhân tài khác nhau, tìm cách lôi kéo người Trung Quốc và người ngoại quốc đang làm việc trong lãnh vực khoa học và kỹ nghệ đến làm việc tại Trung Quốc. Một số ứng viên trong các chương trình này đã bị các công tố viên Hoa Kỳ cáo buộc ăn cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại.

Bà Yellen cho biết bà cũng bày tỏ lo ngại về “sự gia tăng gần đây trong các hành động cưỡng bách nhắm vào các công ty Mỹ”.

Hồi tháng Sáu, nhà sản xuất vi mạch bán dẫn Micron Technology của Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt của Trung Cộng khiến doanh thu toàn cầu có “tỷ lệ phần trăm thấp ở mức hai con số” gặp rủi ro.

Ba chuyên gia về chính trị và đối ngoại của Trung Cộng nói với The Epoch Times hôm Chủ Nhật rằng họ không thấy mối bang giao song phương sẽ sớm được cải thiện. Họ cũng không lường trước được mối quan hệ ngoại giao của hai bên có thể sẽ đoạn giao.

Bà Yellen nhắc lại rằng Hoa Thịnh Đốn không tìm cách đoạn giao với Trung Cộng mà các chuyên gia đồng ý rằng, nếu làm như vậy sẽ là “thảm họa cho cả hai quốc gia và gây bất ổn cho thế giới”.

Bà Yellen nói thêm rằng, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện “các hành động có mục tiêu” cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia và của các đồng minh.


Ông Biden Đưa Ra Lời Hứa Khác Về Vụ Xoá Nợ Cho Sinh Viên

Khi kế hoạch xóa hơn 400 tỷ USD nợ vay sinh viên liên bang của chính phủ Biden đã thất bại tại Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, thì cả Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa đều nói rằng, có thể có một giải pháp để giúp đối phó với cuộc khủng hoảng nợ vay sinh viên sắp xảy ra.

TT Joe Biden

Để thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông Biden, ông ta đã cam kết rằng ông sẽ tiếp tục thúc đẩy việc xóa nợ sinh viên hàng loạt, nhưng sử dụng một thẩm quyền pháp lý khác. Trong khi đó, các dân biểu Cộng Hòa thì ủng hộ “một giải pháp thay thế có mục tiêu và có trách nhiệm về tài khóa” đối với kế hoạch của ông Biden nhằm giúp người đi vay dễ dàng trở lại việc trả nợ.

Kế hoạch của ông Biden, sẽ “xóa” khoản nợ vay sinh viên lên tới 10,000 USD cho những người có thu nhập dưới 125,000 USD và thêm 10,000 USD cho những người nhận trợ cấp Pell Grant nào đáp ứng giới hạn thu nhập đó, ban đầu dựa trên cái được gọi là Đạo luật HEROES, một luật được thông qua sau hậu quả của vụ tấn công khủng bố 11/09.

Quốc hội đã thông qua phiên bản đầu tiên của Đạo luật HEROES vào năm 2001, cho phép bộ trưởng Giáo Dục miễn trừ hoặc sửa đổi các quy tắc cho sinh viên vay tiền của liên bang, đối với những người bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công đó. Luật này đã được mở rộng vào năm 2003 để bảo vệ những người vay bị ảnh hưởng bởi “chiến tranh, hoạt động quân sự, hoặc tình trạng khẩn cấp quốc gia” khi bộ trưởng Giáo Dục cho là cần thiết.

Luật này định nghĩa một người “bị ảnh hưởng” là một người đang tại ngũ, sống trong một khu vực xảy ra thảm họa, hoặc đã trải qua “khó khăn kinh tế trực tiếp” do hậu quả trực tiếp của tình trạng khẩn cấp quốc gia. Chính phủ Biden lập luận rằng điều này sẽ cho phép bộ trưởng hủy các khoản vay của sinh viên để đối phó với tình trạng khẩn cấp về vụ COVID-19.

Tuy nhiên, Tối Cao Pháp Viện không tin rằng Đạo luật HEROES sẽ trao cho chính phủ Biden quyền thực hiện một kế hoạch sâu rộng như vậy. Chánh án John Roberts viết trong bản ý kiến, được bỏ phiếu 6 thuận – 3 chống, cho rằng, kế hoạch của ông Biden đã “tạo ra một chương trình xóa nợ mới khác lạ về căn bản” nhằm “mở rộng khả năng xóa nợ cho hầu hết mọi người vay trong nước”.

Vài giờ sau phán quyết của Tối Cao Pháp Viện, từ Tòa Bạch Ốc, ông Biden nói rằng ông sẽ tìm một cơ sở pháp lý mới cho kế hoạch xóa nợ này. Ông ta có thể sẽ dựa vào Đạo luật Giáo dục Đại học (HEA) năm 1965, theo ông, bao gồm một quy định cho phép bộ trưởng Giáo Dục “thỏa hiệp, từ bỏ, hoặc miễn trừ các khoản vay trong một số trường hợp nhất định”.

Ông Biden nói rằng, “Quyết định hôm nay đã đóng lại một con đường. Bây giờ chúng ta sẽ theo đuổi một con đường khác.  Ông Biden đưa ra một lời hứa khác giúp sinh viên xoá nợ, sẽ có lợi cho cuộc tranh cử sắp tới.


Các Nhà Kinh Tế Của Cục Dự Trữ Liên Bang Cho Biết Các Khoản Tiết Kiệm Đã Cạn Kiệt

Một nhóm các nhà kinh tế của Cục Dự Trữ Liên Bang (Fed) đã phát giác ra rằng tiền tiết kiệm mà các gia đình người Mỹ tích lũy được trong vài năm qua kể từ khi bắt đầu đại dịch hiện đã bốc hơi phần lớn.

Việc người tiêu dùng Hoa Kỳ chi tiêu bằng khoản tiết kiệm vượt trội một phần đến từ các chi phiếu kích thích kinh tế trong đại dịch của chính phủ, vốn đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm qua, bất chấp lạm phát cao.

Theo một ghi chú nghiên cứu gần đây của các nhà kinh tế học Fed Francois de Soyres, Dylan Moore, và Julio Ortiz, giờ đây, số tiền tiết kiệm vượt trội này phần lớn đã tiêu mất khi người Mỹ dần dần xài hết số tiền đó trong hai năm qua.

Các nhà nghiên cứu của Fed cho biết phần còn lại đã cạn kiệt trong ba tháng đầu tiên của năm nay.

Tiền kích thích kinh tế của liên bang đã làm tăng chi tiêu của người tiêu dùng sau khi Quốc hội thông qua hai gói kích thích tài khóa rất lớn trong năm đầu tiên xảy ra đại dịch, dưới hình thức thanh toán trực tiếp cho các gia đình người Mỹ, bên cạnh các biện pháp tạm thời khác như tạm dừng việc thanh toán nợ vay sinh viên và mở rộng tín thuế trẻ em.

Điều này đã làm cho tiền trong các trương mục gia đình trở nên dồi dào trong khi chi tiêu giảm do những lo ngại về dịch bệnh, gián đoạn chuỗi cung ứng, và các đợt phong tỏa do chính phủ áp đặt.

Theo dữ kiện của Fed, những yếu tố này có nghĩa là hầu hết người tiêu dùng ở Hoa Kỳ đã không bắt đầu chi tiêu khoản tiết kiệm vượt trội của họ cho đến cuối năm 2021. Ba nhà kinh tế được đề cập ở trên của Fed đã định nghĩa tiết kiệm vượt trội là lượng tiết kiệm của các gia đình duy trì ở mức cao hơn xu hướng tiết kiệm trước đó.

Các nhà kinh tế đã viết, “Để giảm thiểu tác động về sức khỏe và kinh tế do đại dịch gây ra, các chính phủ trên thế giới đã tham gia vào các chương trình trợ giúp tài khóa phong phú, làm tăng nhu cầu đối với hàng hóa tiêu dùng, nhưng việc sản xuất những mặt hàng này đã không điều chỉnh đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh”.

Họ cũng lưu ý rằng khoản tiền tiết kiệm vượt trội này đã góp phần làm tăng lạm phát vào năm ngoái. Người dân Mỹ chi nhiều tiền tiết kiệm hơn người dân ở các quốc gia khác.

Các nước phát triển khác cũng chứng kiến một ​​xu hướng tương tự khi các gia đình dần dần chi tiêu khoản tiền tiết kiệm đã tích lũy được trong thời kỳ đại dịch, khi các chính phủ trên thế giới cung cấp trợ giúp tài chính lớn làm tăng nhu cầu đối với hàng hóa tiêu dùng. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho biết, người dân ở những nước đó vẫn có khoản tiết kiệm tương đương với khoảng 3 đến 5% GDP của quốc gia họ, so với người dân ở Hoa Kỳ.

Nhóm các nhà nghiên cứu của Fed này đã viết rằng tiền tiết kiệm ở Hoa Kỳ sụt giảm mạnh cho thấy rằng kể từ đầu năm 2022 việc chi tiêu bằng tiền kích thích kinh tế đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng.


Kết Quả Thăm Dò Cho Thấy Tự Do Ngôn Luận Đang Bị Xói Mòn

Một cuộc thăm dò do Quỹ Khối Thịnh Vượng Chung (Commonwealth Foundation) ở Pennsylvania tiến hành trong tháng Sáu cho thấy hầu hết mọi người — 56% số người được hỏi — cảm thấy quyền tự do ngôn luận bị hạn chế nhiều hơn so với 10 năm trước, và 41% cho biết họ phải kiềm chế nói chuyện một cách tự do trong năm vừa qua vì sợ bị trả thù hoặc bị chỉ trích nặng nề.

Ông Jeremy Samek, cố vấn cao cấp tại Viện Gia đình Pennsylvania, nói với The Epoch Times rằng, “Chúng tôi đã nghe từ nhiều người rằng, những người bị uy hiếp phải im lặng và sợ bị trả thù nếu họ lên tiếng. Họ sợ các chủ doanh nghiệp tư nhân, nhà tuyển dụng chính phủ, và thậm chí những người trong giới truyền thông trả thù. Họ từng chứng kiến các bậc cha mẹ và thậm chí cả trẻ em vị thành niên — những người lên tiếng phản đối việc nam giới ở trong phòng thay đồ nữ, hoặc nam giới chơi trong đội thể thao nữ — bị nhân viên nhà trường xem là phân biệt chủng tộc, và bị đe dọa khi lên tiếng trái chiều. Ngay cả những người không lên tiếng về một chủ đề nào cũng bị đe dọa tung thông tin cá nhân chỉ vì thân nhân gia đình của họ nói về các vấn đề mà các nhà hoạt động tư tưởng về chuyển giới phản đối”.

Ông Samek kể rằng, ở Vermont, một người cha cùng với con gái đã phàn nàn về một người đàn ông ở trong phòng thay đồ nữ và bé gái này đã bị đình chỉ đến trường vì đã phàn nàn, còn ở Massachusetts, một học sinh bị không cho đến trường vì mặc một chiếc áo có dòng chữ “chỉ có hai giới tính”.

Ông Samek cho biết: “Ngay cả khi những vấn đề này được giải quyết tường tận theo hướng có lợi cho người nói bằng cách ra tòa hoặc bằng một sự thỏa thuận, thì các cuộc tấn công liên tục vào tự do ngôn luận vẫn dẫn đến một tác động ức chế đối với những ai lên tiếng, có thể chịu hàng loạt cuộc tấn công hoặc lo sợ cho công ăn việc làm”.

Ông Ilan Srulovicz, nhà làm phim, diễn viên, và là Tổng giám đốc của hãng đồng hồ Egard Watches, nói rằng những người theo phái bảo thủ đã quá lịch sự. Ông nói, “Chúng ta đã trải qua nhiều thập niên khi mà quyền tự do bị lợi dụng để chống lại chúng ta. Nền giáo dục đang dần bại hoại, kết hợp với việc dùng kỹ nghệ hiện đại/mạng xã hội làm công cụ để kiểm duyệt bất cứ ai không đồng ý với tin tức của các hãng truyền thông thiên tả”.

Ông Srulovicz nói thêm, Ngày nay, việc nói những điều thông thường lại giống như đang nói lời thù ghét. Chúng ta nên ngừng chấp nhận điều đó và hãy bắt đầu lên tiếng. Chúng ta nên ủng hộ các ngành và doanh nghiệp nào đặt tự do ngôn luận lên trên hết và quan trọng nhất là không tự kiểm duyệt những quyết định có nhận thức”.

Luật sư dân quyền Alan Dershowitz nói rằng tự do ngôn luận đang gặp hiểm họa ở nhiều nơi trên đất nước này. Ông nói, “Phe cực tả đang dẫn đầu chiến dịch nhằm hạn chế tự do ngôn luận trong các trường đại học, mạng Internet, công sở, và các nơi khác. Các giáo sư đang giảng dạy rằng Tu chính án thứ Nhất là sự bảo vệ cho chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng, chế độ gia trưởng, và chủ nghĩa đế quốc vốn làm suy yếu những người theo cánh tả. Tình trạng này đang trở nên tồi tệ hơn, chứ không hề tốt hơn”.

Luật sư Bruce L. Castor Jr. của Pennsylvania đã nói, người ta dễ dàng quên rằng tự do ngôn luận bắt nguồn từ Tu chánh án thứ Nhất, là một quyền được phát ngôn công khai mà không bị chính phủ can thiệp, đồng thời cho biết thêm rằng một cơ quan chính phủ không thể trừng phạt một người nào đó vì đã phát ngôn công khai, trừ phi tuyên bố đó là sai sự thật và ngay lập tức gây ra rủi ro cho sự an toàn của người khác, chẳng hạn như la hoảng lên “cháy nhà” trong một rạp hát có đông người dù không có hỏa hoạn xảy ra.

Ông Castor, người từng giúp dẫn đầu nhóm pháp lý bào chữa thành công trong phiên đàn hặc cựu Tổng thống Donald Trump trước Thượng viện Hoa Kỳ hồi năm 2021, giải thích rằng, rủi ro đối với quyền được an toàn của mọi người lớn hơn so với quyền của người phát ngôn khi tuyên bố sai sự thật về một vụ hỏa hoạn, thứ có thể gây ra một vụ hoảng loạn khiến mọi người bị thương, do đó sẽ khiến cho người phát ngôn có thể bị truy tố.


Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ Tiết Lộ Chi Phí Mà Người Đóng Thuế Phải Trả Cho Cuộc Điều Tra Của Biện Lý Đặc Biệt Jack Smith

Theo một báo cáo mới được công bố của chính phủ hôm thứ Sáu vừa qua (07/07), cuộc điều tra trên diện rộng của biện lý đặc biệt, ông Jack Smith, nhắm vào cựu Tổng thống Donald Trump đã khiến người đóng thuế phải trả hơn 9 triệu USD kể từ khi ông ta được bổ nhiệm vào năm ngoái.

Theo số liệu do DOJ công bố hôm thứ Sáu, nhóm của ông Jack Smith đã phải chi trả 5.4 triệu dollar tiền thuê nhà, nhân sự, và các chi phí khác, và 3,8 triệu dollar khác cho “chi phí thành phần” phát sinh từ các cơ quan khác của Bộ Tư Pháp (DOJ) trong hơn bốn tháng. Năm ngoái, Bộ trưởng Tư Pháp Merrick Garland đã chỉ định ông Smith, cựu công tố viên ở tòa án La Haye, để giám sát nhiều cuộc điều tra nhắm vào cựu tổng thống, trong khi ông Trump mô tả ông Smith là một diễn viên đảng phái đang làm việc thay mặt cho Đảng Dân Chủ trong việc hạ thấp uy thế của mình.

Báo cáo của DOJ viết, “Mặc dù không bắt buộc về mặt pháp lý, các bộ phận của DOJ hỗ trợ cho văn phòng luật sư đặc biệt Smith đã được yêu cầu theo dõi các chi phí không được hoàn trả, chi cho cuộc điều tra này, bao gồm số giờ làm việc của các đặc vụ và nhà phân tích hỗ trợ điều tra, cũng như chi phí cho các chi tiết bảo vệ cho Biện lý Đặc biệt khi được bảo đảm. Tổng chi phí cho giai đoạn này là 3,818,818 dollar”.

Khoảng 2 triệu dollar được sử dụng để trả lương cho nhân viên liên bang, 1 triệu dollar khác được chi trả cho việc trợ giúp điều tra và khoảng 80,000 dollar được sử dụng để giúp nhân viên chuyển chỗ ở, khi họ làm việc cho ông Smith. Báo cáo kéo dài đến ngày 31/03 năm nay.

So sánh với chi phí của các các cuộc điều tra khác, các bản tin cho thấy, cuộc điều tra của biện lý đặc biệt John Durham về nguồn gốc của cuộc điều tra gây tranh cãi Crossfire Hurricane của FBI, vốn tiêu tốn khoảng 1 triệu dollar trong cùng khoảng thời gian, hay cuộc điều tra của biện lý đặc biệt Robert Hur tiêu tốn khoảng 600.000 dollar. Trong khi đó, cuộc điều tra của cựu biện lý đặc biệt Robert Mueller, cuối cùng không đưa ra được bằng chứng ông Trump thông đồng với chính phủ Nga, đã tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ 32 triệu dollar sau khi kết thúc.

Nhiều tháng sau khi ông Smith được bổ nhiệm, ông Hur được ông Garland chỉ định đứng đầu cuộc điều tra về việc quản lý các tài liệu mật được tìm thấy tại nhà và văn phòng riêng của Tổng thống Joe Biden. Một báo cáo do DOJ đưa ra cho thấy ông ấy đã chi phần lớn chi phí của mình để trả lương cho nhân viên.

Theo hồ sơ, nhìn chung, nhóm của ông Durham đã chi khoảng 9.4 triệu dollar trong vài năm, bắt đầu từ cuối năm 2020 sau khi Bộ trưởng Tư Pháp là ông Bill Barr chỉ định ông Durham đứng đầu cuộc điều tra về nguồn gốc của cuộc điều tra Trump-Nga và câu chuyện thông đồng. Công việc của ông ĐÃ kết thúc hồi tháng Năm sau khi công bố một báo cáo quan trọng dài 300 trang đổ lỗi cho người đứng đầu FBI vì đã phê chuẩn cuộc điều tra về ông Trump — mặc dù không có cáo buộc nào được đưa ra đối với bất cứ nhân viên hiện tại nào tại FBI hoặc DOJ và không ai bị sa thải.

Cuộc điều tra đó đã thu được một lời nhận tội từ một cựu luật sư FBI, người thừa nhận đã làm sai lệch việc thực hiện lệnh giám sát đối với một cựu phụ tá của ông Trump. Các vụ truy tố của ông Durham chống lại một luật sư tranh cử của Đảng Dân Chủ, các ông Michael Sussmann, và ông Igor Danchenko, người bị lợi dụng làm nguồn cơn cho một hồ sơ gây tranh cãi và mất uy tín rộng rãi, đều lần lượt kết thúc bằng những tuyên bố trắng án.


Ngũ Giác Đài Ngừng Liên Kết Với Những Hãng Phim Quỳ Phục Trung Quốc

Gần đây, Bộ Quốc phòng (DoD) đã cập nhật một tài liệu về sản phẩm truyền thông, tuyên bố rằng họ sẽ không làm việc với những hãng phim nào chấp nhận yêu sách của Trung Cộng để sửa phim theo ý của Trung Cộng.

Một tài liệu được cung cấp cho Epoch Times rằng, “DoD sẽ không tài trợ cho việc sản xuất khi có bằng chứng rõ ràng rằng việc sản xuất đã tuân thủ yêu cầu từ nhà cầm quyền Trung Cộng, Đảng Trung Cộng, hoặc một tổ chức làm theo chỉ thị của Trung Cộng để kiểm duyệt nội dung của dự án nhằm làm lợi cho Trung Cộng”.  

Tài liệu cho biết các sản phẩm truyền thông bao gồm phim truyện, chương trình truyền hình nhiều tập, phim tài liệu, và trò chơi điện tử.

Theo tài liệu đó, bản cập nhật được thực hiện theo một điều khoản (Mục 1257) thuộc Đạo Luật Ủy Quyền Quốc Phòng Năm Tài khóa 2023, một dự luật chi tiêu quốc phòng khổng lồ mà Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật hồi tháng Mười Hai năm ngoái.

Ngũ Giác Đài cho Epoch Times biết quy định mới này “hiện đang có hiệu lực” sau khi tài liệu đó được cập nhật hôm 28/06.

Trong nhiều thập niên, Hollywood và quân đội Mỹ đã duy trì một liên kết đôi bên cùng có lợi, trong đó các bộ phim được phép quay ở các căn cứ quân sự, phi cơ, và chiến hạm, trong khi quân đội có được những mô tả tích cực về binh lính của mình — đôi khi sau khi phim ngừng chiếu thì số lượng đơn xin nhập ngũ cũng tăng vọt.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhà cầm quyền Trung Cộng đã và đang ngày càng sử dụng sức hấp dẫn của thị trường phim ảnh rộng lớn của họ để khiến các hãng phim Hollywood kiểm duyệt hoặc thay đổi phim, một xu hướng vừa gây nguy hiểm cho quyền tự do ngôn luận vừa phải đánh đổi các giá trị và nguyên tắc của Hoa Kỳ.

Vấn đề kiểm duyệt của Trung Cộng được dò xét vào thời điểm phát hành bộ phim “Top Gun: Maverick” (Phi công siêu đẳng Maverick) năm 2022. Trong bộ phim “Top Gun” bản gốc, nhân vật mà diễn viên Tom Cruise thủ vai, Pete “Maverick” Mitchell, mặc một chiếc áo khoác bomber có hình cờ Đài Loan và Nhật Bản. Tuy nhiên, một đoạn giới thiệu cho phần sản xuất thứ hai cho thấy cả hai lá cờ đã bị gỡ bỏ và thay thế bằng các huy hiệu khác, làm dấy lên suy đoán rằng hành động này được thực hiện để xoa dịu Bắc Kinh. Cuối cùng, hai biểu tượng quốc kỳ đó đã được phục hồi trong phiên bản cuối cùng của bộ phim.

Ngoài ra, trong năm 2022, bộ phim “Minions: The Rise Of Gru” (Minions: Sự trỗi dậy của Gru) đã thay đổi phần kết ở Trung Quốc để ủng hộ các chính sách của Trung Cộng.

Hôm 30/06, Dân biểu Mark Green (Cộng Hòa-Tennessee), Chủ tịch Ủy ban An Ninh Nội Địa, đã ban hành một tuyên bố tán thưởng quyết định của Ngũ Giác Đài.

Ông Green viết rằng, “Tôi vui mừng khi thấy Ngũ Giác Đài đứng lên chống lại việc Trung Cộng kiểm duyệt và kiểm soát ngành điện ảnh của Mỹ. Các hãng phim quỵ lụy trước đường lối chính trị của một quốc gia thù địch thì không xứng đáng nhận được sự ủng hộ từ các cơ quan quốc phòng của chúng ta”.

Ông Green nói, “Ngành sản xuất phim của Mỹ đáng lẽ phải ủng hộ quyền tự do biểu đạt và các giá trị của Mỹ, chứ không nên bị sử dụng như một cỗ máy tuyên truyền cho Trung Cộng. Mặc dù quy định mới của Ngũ Giác Đài là một bước tiến lớn, nhưng điều chúng ta cần là các biện pháp bảo vệ trước hoạt động tuyên truyền của Trung Cộng phải được viết thành luật”.


Bắc Kinh Không Trả Lời Lời Mời Gia Nhập Liên Minh Chống Ma Túy

Các viên chức cho biết Trung Cộng đã không đáp lại lời mời tham gia Liên minh Toàn Cầu Ứng Phó với các Mối đe dọa từ Ma túy Tổng hợp, có thể là do mối bang giao căng thẳng với Hoa Kỳ.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Anthony Blinken cho biết Hoa Kỳ sẽ tham gia cùng hơn 80 quốc gia và hàng chục cơ quan quốc tế để chống lại các loại opioid tổng hợp như fentanyl.

Ông Blinken đã có bài diễn văn khai mạc tại cuộc họp trực tuyến hôm 07/07 dành cho các nhà lãnh đạo thế giới của liên minh này để chia sẻ các nguồn lực, chiến lược, và thông tin trong cuộc chiến kiểm soát các loại ma túy tổng hợp.

Trung Quốc là nguồn cung cấp các loại hoá chất được sử dụng trong quá trình sản xuất fentanyl, một vấn đề trầm trọng ở Hoa Kỳ.

Trong một cuộc họp báo trực tuyến về các cuộc họp của liên minh một ngày trước đó, ông Todd D. Robinson, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách các vấn đề ma túy và thực thi luật pháp quốc tế, cho biết trước đây Trung Cộng đã hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ và cơ hội nối lại sự hợp tác đó vẫn rộng mở.

Ông Robinson cho biết, “Trước đây, chúng ta đã hợp tác thành công với PRC (Trung Cộng) về chống ma túy. Họ đã không tham gia với chúng ta về vấn đề này trong những tháng gần đây. Chúng tôi vẫn không ngừng chủ động tìm kiếm sự hợp tác của họ”.

Ông nói thêm rằng Trung Cộng vẫn đang đàm phán với các quốc gia liên minh khác và có thể sẽ thực hiện phần việc của mình theo lời của họ.

Ông Robinson cho biết, “Chỉ là vì Trung Cộng sẽ không nói chuyện với Hoa Kỳ, nên họ mới nói chuyện với các nước khác. Và đó là một phần lý do chúng tôi đang cố gắng tập hợp liên minh này lại với nhau để thu hút sự tham gia của các quốc gia khác. Đây không chỉ là về Hoa Kỳ và Trung Cộng”.

Việc thiếu các phương tiện liên lạc cởi mở giữa những quốc gia này được cho là đã gây nên nỗi lo trong cộng đồng quốc tế, trong đó Bắc Kinh miễn cưỡng tham gia vào các cuộc đàm phán như thường lệ giữa quân đội hai nước với Hoa Thịnh Đốn khiến các quốc gia lân bang của Trung Cộng lo lắng.

Cuộc chiến Nga-Ukraine đã khiến mối bang giao giữa Nga, Mỹ, Tàu trở nên xa cách, thu hút sự chú ý của quốc tế. Ông Robinson cho biết việc ứng phó với vấn đề opioid tổng hợp có thể giúp thu hẹp khoảng cách này.

Ông nói, “Đây là một vấn đề toàn cầu sẽ đòi hỏi một phản ứng toàn cầu. Chúng tôi nghĩ rằng nếu các quốc gia khác có thể giao tiếp với Trung Cộng, thì cuối cùng cũng thu được trái ngọt”.

Mexico, quê hương của các băng đảng sản xuất và buôn lậu fentanyl vào Hoa Kỳ, dự định sẽ gia nhập liên minh. Ông Robinson cho biết, “Mexico sẽ tham gia”.

Trong bài diễn văn khai mạc, ông Blinken đã nêu ra phạm vi của vấn đề ở Hoa Kỳ. Ông cho biết chỉ riêng ở Mỹ quốc, fentanyl là kẻ sát nhân hàng đầu đối với những người trong độ tuổi từ 18 đến 49. Trong năm qua, 110,000 người đã tử vong vì dùng thuốc quá liều. Hai phần ba trong số đó liên quan đến các loại opioid tổng hợp.

Ông cho biết ma túy đã cướp đi nhiều sinh mạng hơn cả súng và tai nạn xe hơi cộng lại.


Tesla Và Các Đối Thủ Trung Quốc Báo Hiệu Kết Thúc Cuộc Chiến Giá Xe Điện Bằng Cam Kết Mang Giá Trị Xã Hội Chủ Nghĩa

Sau một cuộc chiến giá cả kéo dài hàng tháng, Tesla và các đối thủ sản xuất xe điện (EV) của Tesla ở Trung Quốc đã báo hiệu kết thúc cuộc chiến và đồng ý một cam kết mang “các giá trị xã hội chủ nghĩa”.

Ông Elon Musk, Tổng giám đốc (CEO) Tesla kiêm chủ sở hữu của Twitter và SpaceX, cùng với các CEO của các hãng sản xuất xe hơi Trung Quốc, đã đồng ý tuân thủ một cam kết mang “các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi” và cạnh tranh công bằng trên thị trường xe điện của Trung Cộng sau khi Bắc Kinh ra lệnh cho các công ty trong ngành này kiềm chế sự xung đột.

Các công ty xe hơi này cũng cho biết họ sẽ tránh “việc định giá bất thường”, mà điều này có thể báo hiệu sự kết thúc của cuộc chiến giá cả năm 2023 đã gây gián đoạn ngành kỹ nghệ xe hơi ở Trung Quốc.

Các nhà sản xuất xe hơi này tiếp tục cam kết không lừa dối người tiêu dùng và tuyên bố sẽ giúp ổn định tăng trưởng và tránh rủi ro ở Trung Quốc.

Trớ trêu thay, Twitter lại bị cấm ở Trung Quốc, và vị CEO của Tesla đã bị cấm sử dụng nền tảng của chính mình trong chuyến viếng thăm đó.

Là một người ủng hộ tự do ngôn luận ở Tây phương, ông Musk đã hứng chịu nhiều chỉ trích từ các nhóm nhân quyền với những cáo buộc về việc tuân thủ sự kiểm duyệt của Trung Cộng và việc ông ký cam kết mang “các giá trị xã hội chủ nghĩa”.

Trung Cộng ban hành thỏa thuận giữa các nhà sản xuất xe điện. Bốn điều khoản chính trong thỏa thuận chung này, do Bloomberg biên dịch, có nội dung như sau:

“Tuân thủ các quy tắc và quy định của ngành, điều chỉnh các hoạt động tiếp thị, duy trì sự cạnh tranh công bằng và không phá vỡ sự cạnh tranh công bằng bằng cách định giá bất thường”.

“Hãy chú ý đến các phương pháp tiếp thị và quảng cáo, không phóng đại hoặc sử dụng quảng cáo sai sự thật để thu hút sự chú ý hoặc có được các khách hàng mới”.

“Đặt phẩm chất lên hàng đầu, và cải thiện cuộc sống bằng các sản phẩm và dịch vụ phẩm chất cao”.

“Phát huy các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội, và gánh vác trách nhiệm nặng nề là duy trì tăng trưởng ổn định, củng cố lòng tin và ngăn ngừa các rủi ro”.

Thỏa thuận chung này được đưa ra theo lệnh của Bộ Công Nghiệp và Kỹ Nghệ Thông Tin (MIIT) của Trung Cộng. Cơ quan này đã gửi một bức thư khuyến khích các nhà lãnh đạo ngành EV đình chiến.

Hôm 06/07, các giám đốc điều hành của 16 nhà sản xuất xe hơi đã tham dự lễ ký kết tại Diễn đàn Xe hơi Trung Cộng ở Thượng Hải để thừa nhận và cam kết thực hiện bốn điều khoản được đưa ra trong cam kết không ràng buộc này.

Các bên ký kết chính bao gồm BYD, Nio, Xpeng, Geely và Chery Automobile, và Tesla.

Các công ty khác có liên quan bao gồm Tập đoàn Xe hơi Đệ nhất (FAW Group), Tập đoàn Xe hơi Bắc Kinh (BAIC Group), Công ty Xe hơi Giang Hoài (JAC Motors), Tập đoàn Xe hơi Đông Phong (Dongfeng Motor), Tập đoàn Xe hơi Quảng Châu (GAC Group), Tập đoàn Xe hơi Thượng Hải (SAIC Motor), Công ty Sinotruk, Công ty Xe hơi Trường Thành (Great Wall Motor), và Công ty Xe hơi Trùng Khánh Trường An (Chongqing Changan Automobile).

Tesla là nhà sản xuất xe hơi ngoại quốc duy nhất ký tên vào cam kết của Trung Cộng. Ông Miêu Vu (Miao Wei), người đứng đầu MITT của Trung Cộng, cho biết rằng, MIIT đã chỉ thị Hiệp hội các Nhà Sản Xuất Xe Hơi Trung Quốc tập hợp 16 công ty này lại với nhau để ký thỏa thuận nêu trên.

Theo The Financial Times, ông Miêu Trường Hưng (Miao Changxing), một thanh tra cao cấp của MIIT, nói rằng ngành kỹ nghệ xe hơi của Trung Cộng cần tránh việc giảm giá “liều lĩnh”.

Cam kết nêu trên là một ví dụ về cách mà ông Musk đang cố gắng điều hướng mối quan hệ kinh doanh ngày càng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khi hai cường quốc đối thủ này cạnh tranh trên thị trường xe điện lớn nhất thế giới.

Cuộc chiến giá xe điện đã bắt đầu sau khi Tesla giảm giá xe Model 3 và Model Y của họ vào tháng Mười năm ngoái (2022) trước sự cạnh tranh gia tăng trong nước ở Trung Quốc, khiến các thương hiệu khác ở nước này phải giảm giá mạnh trong đầu năm 2023 để thu hút khách hàng trong khi doanh số bán hàng chậm lại.

Hồi tháng Ba, một số mẫu xe được sản xuất tại nhà máy Tesla ở Thượng Hải đã rẻ hơn 14% so với năm 2022.

Thị trường Trung Quốc chiếm gần một phần ba doanh thu thường niên của Tesla, khiến nơi đây trở thành một trong những thị trường sinh lợi nhất của họ.

Một phần lý do khiến nhu cầu xe hơi ở Trung Quốc không nhiều là do ảnh hưởng của đại dịch và do có dự báo cho rằng giá xe điện sẽ bắt đầu giảm sau khi lượng hàng tồn kho gần đây tăng cao.

Tại Bắc Kinh, nơi đang khuyến khích sử dụng xe điện ở các vùng nông thôn nhằm thúc đẩy ngành kỹ nghệ xe hơi trong nước và tăng nhu cầu của người tiêu dùng, việc tích tụ hàng tồn kho sau đó đã dẫn đến việc giảm giá đáng kể cho xe điện và làm dấy lên các mối lo ngại.


Chính Phủ Hoa Kỳ Đưa Ra Cảnh Báo ‘Cấp Độ 3’ Về Việc Đi Du Lịch Tới Trung Quốc

Trước việc nhà cầm quyền Trung Cộng thi hành luật tùy tiện, có thể dẫn đến việc có người sẽ bị bỏ tù mà không biết mình bị cáo buộc bởi tội danh gì. Chính phủ Hoa Kỳ đã cảnh báo người Mỹ không nên đi du lịch đến Trung Quốc.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ban hành khuyến cáo hôm 30/06, “Nhà cầm quyền Trung Cộng tùy tiện thực thi luật nội bộ, bao gồm ban hành lệnh cấm xuất cảnh đối với công dân Hoa Kỳ và công dân của các quốc gia khác, mà không dựa trên thủ tục công bằng và minh bạch theo luật. Công dân Hoa Kỳ đi du lịch hoặc cư trú tại CHND Trung Hoa có thể bị giam giữ mà không được tiếp cận các dịch vụ lãnh sự của Hoa Kỳ hoặc thông tin về hành vi phạm tội mà họ bị cáo buộc”.

Theo khuyến cáo trên, Trung Cộng được xếp vào “Cấp độ 3”, nghĩa là những du khách sau này nên “cân nhắc lại việc du lịch” tới Trung Hoa lục địa. Đây là cấp cao thứ hai trong bốn cấp khuyến cáo du lịch do Bộ Ngoại Giao ban hành.

Khuyến cáo khẳng định rằng đã có các nhân viên chính phủ ngoại quốc, học giả, ký giả, và doanh nhân, và nhiều người khác, đã bị các viên chức Trung Cộng “thẩm vấn và giam giữ” vì cáo buộc vi phạm luật an ninh quốc gia.

Khuyến cáo còn cho biết, “Nhà cầm quyền Trung Cộng dường như có toàn quyền quyết định nhiều loại tài liệu, dữ kiện, số liệu thống kê, hoặc tài liệu là bí mật quốc gia và bắt giữ cũng như truy tố các công dân ngoại quốc vì cáo buộc hoạt động gián điệp”.

Khuyến cáo này được đưa ra sau khi nhà cầm quyền Trung Cộng ​​kết án tù chung thân một công dân Hoa Kỳ 78 tuổi, ông Lương Thành Vận (John Shing-Wan Leung) vì tội gián điệp hồi tháng Năm. Tòa án trung cấp của thành phố Tô Châu đã công bố bản án trong một tuyên bố ngắn gọn thông qua mạng xã hội mà không cung cấp bất cứ chi tiết nào.

Những phiên tòa như vậy thường được tiến hành bí mật và thường không cung cấp bất cứ thông tin nào cho công chúng. Mới đây Trung Cộng cũng đã thông qua luật đe dọa sẽ có những hành động nghiêm khắc đối với các cá nhân và tổ chức ngoại quốc được coi là một nguy cơ đối với nhà cầm quyền Trung Cộng.

Trong một bài đăng trên Tweeter hôm 01/07, ông Daren Nair, người dẫn chương trình podcast “Ngoại Giao Con Tin” (Pod Hostage Diplomacy), đã chỉ trích chính phủ Mỹ vì đã mềm mỏng với Trung Cộng. “Tại sao lại gán Cấp độ 3 cho Trung Cộng trong khi Iran, Venezuela, và Nga đều ở Cấp độ 4? Có phải mối quan hệ kinh tế của chúng ta với Trung Cộng là lý do khiến Trung Cộng được đối xử khác đi chăng”?.

Khuyến cáo du lịch này còn cảnh báo rằng các viên chức Trung Cộng có thể giam giữ công dân Hoa Kỳ vì đã tiến hành nghiên cứu, truy cập tài liệu sẵn có, và gửi tin nhắn riêng tư bằng thiết bị điện tử, chỉ trích nhà cầm quyền Trung Cộng.

Ngoài ra, khuyến cáo này còn cho biết, Bắc Kinh đã sử dụng các biện pháp hạn chế đi lại và xuất cảnh, còn được gọi là lệnh cấm xuất cảnh, để buộc các cá nhân ngoại quốc tham gia vào các cuộc điều tra của nhà cầm quyền, gây áp lực buộc các thành viên gia đình của họ ở hải ngoại phải trở về Trung Quốc, giải quyết các tranh chấp dân sự có lợi cho Trung Cộng, và tạo lợi thế hơn các quốc gia khác.

“Công dân Hoa Kỳ chỉ có thể biết về lệnh cấm xuất cảnh khi họ sắp rời khỏi Trung Quốc, và có thể không có sẵn thủ tục pháp lý để phản đối lệnh cấm xuất cảnh tại tòa án. Thân nhân, kể cả trẻ em vị thành niên, của những người đang bị điều tra tại Trung Quốc có thể là người bị cấm xuất cảnh”.

Trong một bài đăng trên twitter hôm 03/07, ông Mike Abramowitz, chủ tịch của tổ chức ủng hộ nhân quyền Freedom House, đã gọi khuyến cáo du lịch này là một lời khuyên “hãi hùng” đối với những người Mỹ nào đang nghĩ về việc đến thăm Trung Quốc.


Chính Phủ Hoà Lan Sụp Đổ Vì Chính Sách Nhập Cư

Hôm thứ Sáu (07/07), Chính phủ Hoà Lan sụp đổ sau khi không đạt được một thỏa thuận hạn chế nhập cư. Điều này sẽ khởi phát các cuộc bầu cử mới vào mùa thu.

Cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ việc đảng bảo thủ VVD của Thủ tướng Mark Rutte thúc đẩy hạn chế dòng người nhập cư bất hợp pháp vào Hoà Lan, điều mà hai trong số liên minh chính phủ bốn đảng của ông từ chối ủng hộ. Ông Rutte nói trong một cuộc họp báo qua truyền hình, “Không có gì phải giấu giếm khi các đối tác liên minh có quan điểm khác nhau về chính sách nhập cư. Hôm nay, chúng tôi rất tiếc phải kết luận rằng những khác biệt đó đã không thể khắc phục được. Vì vậy, tôi sẽ đệ trình đơn từ chức của toàn bộ nội các lên nhà vua”,

Những căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm vào tuần này, khi ông Rutte yêu cầu ủng hộ cho một đề xướng hạn chế việc tiếp nhận trẻ em của những người tị nạn chiến tranh đã có mặt tại Hoà Lan và để cho các gia đình phải đợi ít nhất hai năm trước khi họ có thể đoàn tụ.

Đề xướng mới nhất này đã vượt quá giới hạn đối với Đảng Liên Minh Cơ Đốc và Đảng D66 thiên tả, gây ra một sự bế tắc. Liên minh của ông Rutte sẽ tiếp tục với tư cách là một chính phủ tạm thời cho đến khi một chính phủ mới được thành lập sau các cuộc bầu cử mới.

Trong bối cảnh chính trị rạn nứt của Hoà Lan thường thì quá trình này phải mất hàng tháng. Hãng thông tấn ANP, dẫn lời ủy ban bầu cử quốc gia, cho biết các cuộc bầu cử sẽ không được tổ chức trước giữa tháng Mười Một. Một chính phủ tạm thời không thể quyết định các chính sách mới, nhưng ông Rutte cho biết điều đó sẽ không ảnh hưởng đến sự ủng hộ của nước này dành cho Ukraine.

Hoà Lan vốn đã có một trong những chính sách nhập cư khó khăn nhất châu Âu, nhưng dưới áp lực từ một số bên, trong nhiều tháng ông Rutte đã cố gắng tìm cách giảm hơn nữa dòng người nhập cư bất hợp pháp.

Năm ngoái, đơn xin tị nạn ở Hoà Lan tăng một phần ba, lên hơn 46,000, và chính phủ dự đoán ​​con số này có thể tăng lên hơn 70,000 trong năm nay, vượt qua mức cao trước đó của năm 2015.

Một lần nữa, điều này sẽ gây quá tải cho các cơ sở tị nạn của nước này, nơi mà trong nhiều tháng hồi năm ngoái, tại một thời điểm mà hàng trăm người tị nạn buộc phải ngủ trong điều kiện ngặt nghèo với rất ít hoặc không được tiếp cận với nước uống, nhà vệ sinh, hoặc chăm sóc sức khỏe.

Năm ngoái, ông Rutte cho biết ông cảm thấy “hổ thẹn” về những vấn đề này, sau khi nhóm nhân đạo Medecins sans Frontieres lần đầu tiên cử một đội đến Hoà Lan để trợ giúp nhu cầu y tế của những người nhập cư bất hợp pháp tại trung tâm giải quyết các yêu cầu xin tị nạn.

Ông hứa sẽ cải thiện điều kiện tại những cơ sở này, chủ yếu bằng cách giảm số lượng người nhập cư bất hợp pháp đến Hoà Lan. Nhưng ông đã không giành được sự ủng hộ của các đối tác liên minh vì họ cảm thấy các chính sách của ông đã vượt quá giới hạn.

Ông Rutte, 56 tuổi, là lãnh đạo chính phủ tại vị lâu nhất trong lịch sử Hoà Lan và là người thâm niên nhất ở EU sau ông Viktor Orban của Hungary. Ông được cho là ​​sẽ lãnh đạo đảng VVD của mình một lần nữa trong các cuộc bầu cử tiếp theo.

Liên minh hiện tại của ông Rutte, lên nắm quyền hồi tháng 01/2022, là chính phủ thứ tư liên tiếp của ông kể từ khi ông trở thành thủ tướng vào tháng 10/2010.


Các Nước Vùng Baltic Rời Khỏi Khối Đông Âu

Sau khi Lithuania rời khỏi một diễn đàn Đông Âu do Trung Cộng dẫn đầu hồi tháng 05/2021, tuần trước (08-14/08) Latvia và Estonia cũng thông báo rằng hai nước này sẽ rời khỏi khối.

Các chuyên gia chỉ ra việc các nước Baltic rời khỏi khối “17+1” của Trung Cộng là một đòn giáng mạnh vào các mối bang giao quốc tế hiếu chiến của nhà cầm quyền này ở Âu Châu.

Diễn đàn Hợp tác 17+1, còn được gọi là Hợp tác giữa Trung Cộng với các nước Trung và Đông Âu (China-CEEC), được thành lập vào năm 2012. Diễn đàn được tổ chức mỗi năm một lần, và là một cơ chế cho các cuộc họp giữa Bắc Kinh và 17 nước Trung và Đông Âu. Hầu hết các nước này trước đây đều thuộc Liên Xô cũ.

Năm ngoái, Lithuania đã rời bỏ sáng kiến ​​ngoại giao này của Bắc Kinh, khuyến khích các nước khác làm theo đồng thời kêu gọi họ tăng cường bang giao với Liên minh Âu Châu để hình thành một khối vững mạnh dựa trên các giá trị chung. Nước này đã và đang thắt chặt bang giao với Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc). Hành động của Lithuania đã khiến Bắc Kinh tức giận và trả đũa về kinh tế.

Hôm 11/08, Latvia và Estonia đã đưa ra các tuyên bố riêng về việc rời khỏi khối nói trên do Bắc Kinh đứng đầu.

Bộ Ngoại Giao Latvia tuyên bố, “Xét các ưu tiên hiện nay trong chính sách ngoại giao và thương mại của Latvia, Latvia đã quyết định ngừng tham gia vào khuôn khổ hợp tác giữa các nước Trung và Đông Âu với Trung Cộng”.

“Latvia sẽ tiếp tục cố gắng cho những mối bang giao mang tính xây dựng và thực tế một cách song phương với Trung Quốc, cũng như thông qua hợp tác Âu Châu–Trung Quốc dựa trên lợi ích chung, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhân quyền, và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Trong một tuyên bố tương tự, Bộ Ngoại Giao Estonia tuyên bố rằng nước này sẽ “tiếp tục hướng tới các mối quan hệ mang tính xây dựng và thực tế với Trung Cộng, trong đó có việc thúc đẩy mối bang giao Âu Châu-Trung Quốc phù hợp với các giá trị và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ chẳng hạn như nhân quyền”.

Tuyên bố này viết: “Estonia đã không tham dự bất cứ cuộc họp nào theo dạng này sau hội nghị thượng đỉnh hồi tháng Hai năm ngoái”.

Hành động kể trên diễn ra sau khi Trung Cộng áp dụng các lệnh trừng phạt với một thứ trưởng Lithuania đến thăm Đài Loan hôm 07/08.

Người ta tin rằng các mối bang giao quốc tế ngày càng gây hấn của Trung Cộng và việc nước này ủng hộ Nga trong cuộc chiến Nga-Ukraine là những nguyên nhân trực tiếp khiến những quốc gia nói trên tự lánh xa nhà cầm quyền Trung Cộng.


Iran Gia Nhập Khối Á-Âu Đang Mở Rộng Nhanh Chóng Do Moscow Và Bắc Kinh Lãnh Đạo

Iran đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), một khối có sức mạnh đáng gờm gồm các quốc gia Á-Âu do Moscow và Bắc Kinh lãnh đạo.

Putin – Tập Cận Bình – Hassan Rouhani

Việc Tehran gia nhập SCO đã được chính thức công bố tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm 04/07 do Ấn Độ, một thành viên SCO, hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của tổ chức này, chủ trì.

Trình bày trước những người tham gia, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi bày tỏ hy vọng rằng tư cách thành viên SCO sẽ cung cấp cho đất nước của ông một “nền tảng bảo đảm an ninh tập thể” và một “cơ hội phát triển kinh tế lâu dài”.

Ông nói: “Hòa bình và ổn định lâu dài chỉ có thể thực hiện được khi các quốc gia trong khu vực [Á-Âu] tin tưởng vào những lý tưởng chung bắt nguồn từ nền văn hóa và văn minh của họ”.

Iran đã có các mối liên kết khá mật thiết với các quốc gia thành viên SCO hàng đầu. Quốc gia này là nhà cung cấp dầu chính cho Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời có “liên kết đối tác chiến lược” với Nga.

Quá trình chính thức để Iran gia nhập tổ chức này bắt đầu từ tháng Ba năm ngoái (2022). Tháng Mười năm ngoái, nghị viện Iran đã thông qua hành động này.

Diễn thuyết tại hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Nga Vladimir Putin chào đón Iran, một quốc gia mà theo ông, “giờ đây sẽ tham gia vào tổ chức của chúng tôi một cách toàn diện”.

Trong một tuyên bố chung được đưa ra khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc, các quốc gia thành viên nhấn mạnh mong muốn chung của họ về “một trật tự thế giới… đa cực mang tính đại diện hơn”.

Tuyên bố cũng kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên “trong các lĩnh vực chính trị và an ninh, thương mại, kinh tế, tài chính, và đầu tư, [cũng như] sự kết nối về văn hóa và con người”.

Tuyên bố tiếp tục khẳng định rằng SCO “không có mục đích chống lại các quốc gia và tổ chức quốc tế khác, và sẵn sàng hợp tác rộng rãi… phù hợp với các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Hiến chương SCO, và luật pháp quốc tế”.

Tuy nhiên, trong hội nghị thượng đỉnh đã có ​​nhiều lời kêu gọi các quốc gia thành viên thực hiện các giao dịch tài chính bằng các loại tiền tệ khác ngoài đồng dollar Mỹ.

Ông Rassi nói, “Sự thống trị của đồng dollar tạo thuận lợi cho sự thống trị của Tây Phương. Cần phải từ bỏ đồng dollar và sử dụng tiền tệ quốc gia trong các khoản thanh toán giữa các quốc gia để tạo ra một hệ thống kinh tế mới”.

Khẳng định này được ông Putin và lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình lặp lại, cả hai đều kêu gọi các quốc gia thành viên SCO thực hiện các giao dịch bằng đồng tiền quốc gia của họ.

Theo ông Putin, hơn 80% thương mại Nga-Tàu hiện được thực hiện bằng đồng rúp và đồng nhân dân tệ.