Tin Thế Giới.
TT Ukraina từ Thổ Nhĩ Kỳ trở về cùng 5 chỉ huy Azov, Nga giận dữ (RFI)
Tròn 500 ngày Nga xâm lược là một dịp cay đắng với đông đảo người dân Ukraina, đang phải hàng ngày đối mặt với chiến tranh, bom đạn. Sự trở về bất ngờ hôm 08/07/2023, của 5 cựu chỉ huy lực lượng bảo vệ nhà máy luyện kim Azovstal, cùng tổng thống Zelensky trong chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ là một tin vui.
Tổng thống Ukraina đã thành công trong việc thuyết phục Ankara cho phép 5 quân nhân nói trên trở về nước, trái ngược với thỏa thuận ba bên Thổ Nhĩ Kỳ – Nga – Ukraina hồi năm ngoái. Đối với nhiều người Ukraina, các quân nhân bảo vệ thành phố cảng Mariupol là những huyền thoại sống’’. Việc 5 chỉ huy Azov trở về là một thắng lợi biểu tượng của Kiev.
Thông tín viên Stéphane Siohan tường trình từ Kiev :
‘‘Chúng tôi trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ, và chúng tôi đã đưa được những người anh hùng của chúng ta trở về nhà’’, trên đây là tuyên bố hôm qua của tổng thống Volodymyr Zelensky, sau chuyến công du theo lời mời của đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Zelensky đã đưa lên mạng một đoạn video về 5 chỉ huy Azovstal, cùng với ông lên một phi cơ của chính quyền Cộng Hòa Séc, trở về Ukraina.
Thông tín này rất nhanh chóng gây một làn sóng xúc động tại Ukraina, nơi những người bảo vệ thành phố cảng Mariupol đã trở thành các huyền thoại sống, biểu tượng của tinh thần kháng chiến chống xâm lược.
Nhờ trung gian của Ankara hồi năm ngoái, 5 sĩ quan, xuất thân từ lữ đoàn hải quân 36, lữ đoàn cơ giới 72, của lực lượng Cận vệ quốc gia, cũng như của lực lượng Azov, đã có thể được đưa về Thổ Nhĩ Kỳ, nơi họ sẽ phải ở lại cho đến khi chiến tranh kết thúc, theo thỏa thuận giữa các bên.
Tuy nhiên, vào cái dịp mang tính biểu tượng 500 ngày này, ít ngày trước thượng đỉnh NATO tại Vilnius, tổng thống Zelensky đã đạt được thỏa thuận với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về việc hồi hương 5 cựu chỉ huy Azov. Đây là một thắng lợi mang tính biểu tượng thực sự đối với Ukraina, được chào mừng tối qua tại thành phố Lviv, nơi tổng thống Ukraina đã giới thiệu các cựu tù binh trước công chúng.
Điện Kremlin đã giận dữ khi được biết tin này. Bộ máy tuyên truyền của Nga từ lâu nay đã sử dụng tiểu đoàn Azov để tạo ra một hình ảnh sai lạc về một nước Ukraina do các thế lực phát xít điều hành. Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitry Peskov, tuyên bố là một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ đã bị hủy bỏ. Đây là một đòn hạ nhục thực sự đối với Nga, trong lúc ngày thứ Bảy này, người Ukraina hân hoan với sự trở về của những người chỉ huy anh hùng’’.
Hiện tại chưa rõ Nga sẽ trả đũa ra sao về vụ này. Giới quan sát ghi nhận có nhiều khả năng Matxcơva không triển hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraina qua đường Biển Đen, sẽ hết hạn vào ngày 17/07. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng thuyết phục tổng thống Nga, khi Putin đến Ankara vào tháng 8 tới. Trả lời truyền thông Nga, hôm qua 08/07, phát ngôn viên điện Kremlin cho biết ‘‘chưa có thời điểm cụ thể’’ cho chuyến đi của lãnh đạo Nga. Về nguyên tắc, điện Kremlin hoan nghênh ‘‘vai trò trung gian’’ của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến xung đột tại Ukraina.
Pháp cung cấp tên lửa hành trình tầm xa cho Ukraine (VOA)
Pháp sẽ cùng với Anh cung cấp cho Ukraine các tên lửa hành trình tầm xa, có thể bay tới 250 km (155 dặm), một động thái cho phép các lực lượng Ukraine tấn công quân đội và tiếp tế của Nga ở sâu phía sau tiền tuyến, các quan chức Pháp cho biết hôm thứ Ba (11/7).
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông đã quyết định tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine để giúp nước này phản công khi ông đến dự hội nghị thượng đỉnh của liên minh NATO gồm 31 thành viên ở Litva.
“Tôi đã quyết định tăng cường chuyển giao vũ khí và thiết bị để Ukraine có khả năng tấn công sâu”, ông Macron nói, đồng thời từ chối cho biết sẽ gửi bao nhiêu tên lửa.
Một nguồn tin ngoại giao Pháp cho biết đó là 50 tên lửa SCALP do nhà sản xuất châu Âu MBDA sản xuất.
Một nguồn tin quân sự Pháp nói với các phóng viên rằng các tên lửa này sẽ được lấy từ các kho dự trữ quân sự hiện có của Pháp, đồng thời cho biết thêm rằng đó sẽ là một “số lượng đáng kể”.
Paris trước đây đã cung cấp tên lửa phòng không vác vai Mistral cho Ukraine và tên lửa phòng không tầm ngắn Crotale, được sử dụng để đánh chặn tên lửa và máy bay bay thấp.
Ukraine đã yêu cầu cung cấp tên lửa tầm xa trong nhiều tháng nhưng Mỹ, nhà cung cấp chính của nước này, vẫn chưa đồng ý cung cấp.
Anh cho biết vào tháng 5 rằng họ đang cung cấp tên lửa Pháp-Anh, do MBDA sản xuất, được gọi là Storm Shadow.
Phiên bản của Pháp, được gọi là SCALP, có tầm bắn khoảng 250 km, gấp ba lần khả năng tên lửa hiện có của Ukraine.
Các tên lửa đã được tích hợp vào các máy bay chiến đấu Ukraine do Nga sản xuất, nguồn tin quân sự Pháp cho biết.
Nguồn tin bác bỏ ý kiến cho rằng các tên lửa là một sự leo thang, nói rằng việc sử dụng chúng là tương xứng và lưu ý rằng Nga đang sử dụng tên lửa hành trình phóng từ khoảng cách hàng nghìn km.
“Nó tái cân bằng mọi thứ và cho phép Ukraine tấn công sâu vào phòng tuyến của Nga và có thể xâm nhập các mục tiêu khó khăn hơn”, ông nói.
Ông Macron cho biết việc chuyển giao sẽ tuân thủ chính sách của Pháp trong việc hỗ trợ Ukraine bảo vệ lãnh thổ của mình, ngụ ý rằng Paris đã nhận được sự đảm bảo từ Kiev rằng tên lửa sẽ không được bắn vào Nga.
Nguồn tin quân sự cho biết: “Có những đảm bảo (hạn chế) việc sử dụng các tên lửa này tới các biên giới được quốc tế công nhận của Ukraine”.
Điện Kremlin: Tổng thống Nga đã gặp ông chủ Wagner 5 ngày sau ‘‘binh biến’’ (RFI).
Lần đầu tiên chính quyền Nga thông báo về việc tổng thống Vladimir Putin đã gặp Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo công ty lính đánh thuê, ít ngày sau vụ ‘‘binh biến’’ bất thành.
Theo hãng tin Anh Reuters, trả lời báo giới hôm 10/07/2023, phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov, cho biết tổng thống Nga đã có một cuộc họp ngày 29/06 với 35 người, trong đó có Prigozhin và nhiều chỉ huy của Wagner. Cuộc họp kéo dài 3 giờ. Thông báo được điện Kremlin đưa ra sau khi nhật báo Pháp Libération hôm thứ Sáu 07/07, công bố một bài viết, dựa trên một số nguồn tin tình báo phương Tây, khẳng định Prigozhin bị giam tại điện Kremlin, sau khi đến phủ tổng thống Nga tham dự một cuộc họp.
Theo phát ngôn viên Dmitri Peskov, một nội dung chính của cuộc họp này là để ‘‘tổng thống đưa ra đánh giá về các hoạt động của công ty (Wagner) trên mặt trận trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt (tại Ukraina), và đưa ra đánh giá của riêng ông về các diễn biến ngày 24/06 (tức về cuộc binh biến bất thành)’’.
Trong cuộc họp này, ‘‘các chỉ huy quân sự đã trình bày quan điểm của họ về diễn biến (vụ nổi loạn). Tất cả đều nhấn mạnh họ là những người lính trung thành với quân đội, với tổng thống, với tư lệnh tối cao, đồng thời khẳng định sẵn sàng chiến đấu vì đất mẹ’’.
Vụ ‘‘binh biến’’ của ông chủ Wagner, cựu đầu bếp của tổng thống Nga, chỉ kéo dài chưa đầy 24 giờ. Nhiều nhà quan sát coi vụ ‘‘binh biến’’ này như thách thức lớn nhất với chế độ Putin kể từ năm 1999. Tuy nhiên, ngay sau đó, Yevgeny Prigozhin đã cho biết vụ nổi loạn hoàn toàn không có mục tiêu lật đổ chính quyền Nga.
Vụ ‘’binh biến’’ chấm dứt sau một thỏa thuận với trung gian của tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko, theo đó, lãnh đạo công ty Wagner sẽ phải lưu trú tại Belarus. Ngày 27/06, tức hai ngày trước cuộc họp nói trên, tổng thống Belarus khẳng định Yevgeny Prigozhin đã có mặt tại Belarus. Đến ngày 06/08, cũng lãnh đạo Belarus cho biết ông chủ Wagner đã quay trở về Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO nếu Liên Âu mở lại đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ (RFI)
Ngày 10/07/2023, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan gặp thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristensson tại Vilnius, Litva. Tại cuộc họp do tổng thư ký Liên minh Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg dàn xếp, ông Erdoğan tuyên bố sẽ ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO nhưng với điều kiện Liên Hiệp Châu Âu mở lại các cuộc đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ trước.
Theo ông Erdoğan, hầu hết các nước thành viên NATO cũng là thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị gia nhập Liên Âu từ năm 1999. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán song phương, bắt đầu từ năm 2005, đã bị đình chỉ từ nhiều năm qua do tồn tại nhiều bất đồng giữa hai bên.
Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết cản trở Thụy Điển gia nhập NATO vì muốn Stockholm nhân nhượng nhiều hơn về hồ sơ chống khủng bố Kurdistan, cho dù gần đây, tổng thống Mỹ không ngừng ủng hộ Thụy Điển. Ông Joe Biden đã điện đàm với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ để bày tỏ mong muốn « đón Thụy Điển vào NATO ngay khi có thể », theo thông cáo ngày 09/07 của Nhà Trắng.
Dù tổng thống Erdoğan công nhận hôm 09/07 là Thụy Điển đã « có những bước đi đúng hướng » chống đảng Lao Động Kurdistan – PKK nhưng ông vẫn cho là chưa đủ.
Thông tín viên RFI Anne Andlauer tại Istanbul cho biết thêm về chiến lược của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ :
Ông Recep Tayyip Erdoğan tiếp tục cáo buộc Thụy Điển bảo vệ những kẻ khủng bố, đặc biệt là để thành viên của đảng Lao Động Kurdistan (PKK) biểu tình, chiêu mộ và gây quỹ tại Thụy Điển. Tổng thống Erdoğan yêu cầu dẫn độ vài chục công dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Thụy Điển đã nhiều lần nhân nhượng. Nhưng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chưa hài lòng. Ông tiếp tục mặc cả chừng nào còn có thể. Ông Erdoğan vẫn nổi tiếng là hay đổi ý và có thói quen ký các thỏa thuận vào phút chót. Cho nên có thể là ông sẽ bỏ quyền phủ quyết. Nhưng sau khi đã đối đầu với Stockholm và các đồng minh suốt một năm trời, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ nhân nhượng khi ông có thể coi việc bật đèn xanh là một thắng lợi ngoại giao cho Ankara.
Cuộc mặc cả này có lợi cho Matxcơva, nhưng không ngăn cản ông Erdoğan đưa ra quyết định khiến đồng nhiệm Nga Vladmir Putin tức giận. Thứ Bẩy (08/07), ông đã cho phép nhiều chỉ huy của binh đoàn Azov trở về Ukraina trong khi lẽ ra họ phải ở lại Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi hết chiến tranh.
Sự kiện này minh họa rất rõ cho khoảng cách lớn, thường trực của ông Tayyip Erdoğan giữa Ukraina và Nga, giữa NATO và Nga. Các nước thành viên NATO phải liên tục đối phó với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh khó khăn, nhưng cần thiết.
Ông Pita đối mặt với hai vụ kiện ngay trước ngày bỏ phiếu chọn thủ tướng Thái Lan (VOA).
Ông Pita Limjaroenrat, người đang hy vọng trở thành thủ tướng Thái Lan, phải đối mặt với một trở ngại lớn hôm 12/7 khi hai đơn kiện riêng biệt chống lại ông được tòa thụ lý, đe dọa phá hỏng nỗ lực tranh quyền lãnh đạo đất nước của ông trước thềm cuộc bỏ phiếu quan trọng để chọn thủ tướng, theo Reuters.
Những người ủng hộ ông Pita, nhiều người trong số họ là những cử tri trẻ tuổi phản đối việc quân đội bảo hoàng tham gia vào chính trị, đã kêu gọi biểu tình vào cuối ngày 12/7, làm dấy lên khả năng xảy ra một đợt hỗn loạn nữa sau trong hai thập kỷ chính trị đầy bất ổn của Thái Lan.
Tòa Bảo hiến cho biết họ đã chấp nhận đơn kiện của một luật sư chống lại ông Pita và Đảng Move Forward (Đảng Tiến lên) đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử của ông. Đơn kiện nói rằng kế hoạch cải cách luật cấm xúc phạm hoàng gia của họ là một nỗ lực “lật đổ chế độ dân chủ của chính phủ với nhà vua là nguyên thủ quốc gia”.
Vụ việc diễn ra chỉ vài giờ sau khi ủy ban bầu cử đề nghị Tòa Bảo hiến truất quyền làm nhà lập pháp của ông Pita. Uỷ ban này nói rằng họ thấy một đơn khiếu nại có cơ sở khi cáo buộc ông Pita không đủ tiêu chuẩn để tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử ngày 14/5, vì ông có cổ phần trong một công ty truyền thông, và điều đó vi phạm quy chế bầu cử.
Không có dấu hiệu ngay lập tức cho thấy vụ này sẽ ngăn ông Pita, 42 tuổi, tranh cử chức thủ tướng trong cuộc bỏ phiếu ngày 13/7, nơi ông phải đối mặt với thách thức là phải giành đủ số phiếu ủng hộ cần thiết của hơn một nửa cơ quan lập pháp.
Ông Pita cho biết việc ủy ban bầu cử khuyến nghị ông nên bị loại là không công bằng và ông đặt câu hỏi về thời điểm của khuyến nghị này.
“Việc này hơi vội vàng, một ngày trước cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng, điều đó không nên xảy ra”, ông nói với các phóng viên.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình khi tòa án công bố vụ án mới, ông Pita nhấn mạnh rằng đề xuất sửa đổi điều 112 của đảng ông không phải là một nỗ lực nhằm phá hoại chế độ quân chủ.
Phấn chấn trước sự ủng hộ to lớn từ các cử tri trẻ tuổi cho các kế hoạch cải cách táo bạo của mình, Đảng Move Forward và một đảng đối lập khác đã đánh bại các đối thủ liên minh với quân đội bảo hoàng trong cuộc bầu cử tháng 5, mà nhiều người coi là sự bác bỏ áp đảo của công chúng đối với 9 năm dưới chính phủ do quân đội lãnh đạo hoặc hậu thuẫn.
Đảng Move Forward đã dẫn hơn đảng dân túy Pheu Thai, vốn trước đó được cho là sẽ giành chiến thắng, 10 chiếc ghế trong nghị viện và hai đảng này cùng hy vọng thành lập chính phủ liên minh sau cuộc bỏ phiếu ngày 13/7.
Mỹ cấp bom chùm cho Ukraina: Nga chỉ trích mạnh mẽ (RFI)
Mỹ thông báo cung cấp đạn chùm cho Ukraina từ hôm 07/07 làm dấy lên nhiều phản ứng trong những nước ủng hộ Kiev, trong đó có nhiều nước đã cấm sử dụng loại vũ khí được đánh giá là quá nguy hiểm đối với thường dân này.
Đây là một « quyết định rất khó khăn » nhưng cần thiết, theo tổng thống Mỹ. Với thông báo hôm 07/07 gửi các loại bom và đạn chùm để giúp quân đội Ukraina tiến hành phản công Nga, Hoa Kỳ đã vượt qua một ngưỡng mới trong hậu thuẫn cho Ukraina.
Theo tổng thống Mỹ Joe Biden, việc cung cấp loại vũ khí đó là cực kỳ cần thiết để giải tỏa tình hình bế tác trên chiến trường giữa lúc quân đội Ukraina gặp rất nhiều khó khăn để vượt qua các chiến hào của Nga ở miền đông.
Bộ Quốc Phòng Nga, hôm 08/07/2023, trong thông cáo cho rằng quyết định của Mỹ cấp bom chùm cho Ukraina là một « lời thừa nhận về sự yếu kém », đồng thời tố cáo Hoa Kỳ « đồng lõa » với việc gây thương vong cho dân thường do loại vũ khí còn nhiều tranh cãi tạo ra.
Từ Matxcơva, thông tín viên đài RFI Jean-Didier Revoin, tường thuật :
« Một cử chỉ tuyệt vọng và một sự thừa nhận yếu kém trong thất bại của điều gọi là cuộc phản công của Ukraina. Đây là những lời lẽ do bộ Quốc Phòng Nga đưa ra để đánh giá việc Washington quyết định cấp bom chùm cho Ukraina.
Trong thông cáo, bộ Quốc Phòng Nga nêu rõ là Nga sẽ đáp trả mối đe dọa này trên cơ sở các biện pháp quân sự. Điều này nên được hiểu rằng các lực lượng Nga sẽ tấn công những nhà kho nào cất trữ loại bom này.
Cùng lúc, Matxcơva không ngần ngại cáo buộc Hoa Kỳ đồng lõa với việc giết hại dân thường do việc sử dụng những loại vũ khí này, xin nhắc lại là có thể phóng ra một lượng lớn mìn, có thể phát nổ một khi chạm đất hay sau đó khi có người bước qua.
Một phương thức chiến đấu mà chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Thượng Viện Nga mô tả là khủng bố, khi nhấn mạnh rằng việc bảo vệ công dân vẫn là một ưu tiên của chính quyền Nga, một biện pháp phòng ngừa trong trường hợp có sử dụng bom chùm. »
Bom hoặc đạn chùm được bắn đi từ mặt đất hoặc thả từ máy bay. Chúng phát nổ trong khi bay và làm tung ra hàng trăm quả đạn nhỏ trên một chu vi rộng. Nhưng vì các đầu đạn này không nổ hết khi được bắn ra và có thể nằm trong đất nhiều năm thậm chí nhiều thập kỷ như những trái mìn nhỏ.
Bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina, Oleksii Reznikov đã khen ngợi quyết định của Hoa Kỳ. Ông khẳng định trên Twitter : « Lập trường của chúng tôi đơn giản là chúng tôi phải giải phóng lãnh thổ của mình đang bị tạm chiếm và cứu sinh mạng của nhân dân mình », đồng thời cam kết không sử dụng các loại vũ khí này « trên lãnh thổ được thừa nhận chính thức của Nga .»
Bản thân Nga cũng bị tố cáo đã oanh tạc nhiều lần các khu dân cư của Ukraina bằng loại vũ khí này. Mỹ còn đánh giá những vụ tấn công như vậy chứng tỏ « sự yếu kém » của quân Nga trước cuộc phản công của Ukraina. Đầu tuần này, Trung Cộng đã cảnh cáo việc « chuyển giao vô trách nhiệm » bom chùm cho Ukraina có thể làm nảy sinh những « vấn đề nhân đạo ».
Mỹ xúc tiến chuyển giao máy bay phản lực F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ (VOA)
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan hôm thứ Ba cho biết Washington sẽ xúc tiến chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ với sự tham vấn của Quốc hội, một ngày sau khi Ankara bật đèn xanh cho Thụy Điển gia nhập NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ, từng là trở ngại chính trên con đường tiến tới liên minh của Thụy Điển, vào tháng 10 năm 2021 đã yêu cầu mua 20 tỷ đô la máy bay chiến đấu F-16 của Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ và gần 80 bộ dụng cụ hiện đại hóa cho các máy bay chiến đấu hiện có của nước này.
Phát biểu trước hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo NATO, bắt đầu vào thứ Ba tại thủ đô Vilnius của Litva, ông Sullivan cho biết Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden “đã nói rõ rằng ông ấy ủng hộ việc chuyển giao”.
“Ông không hề báo trước về điều này… Ông dự định sẽ tiếp tục tiến hành vụ chuyển nhượng giao”, ông Sullivan nói với các phóng viên mà không đưa ra bất kỳ chi tiết nào về thời gian.
Cả quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền Biden đều bác bỏ mọi gợi ý rằng việc Ankara chấp thuận cho Thụy Điển gia nhập NATO có liên quan đến thương vụ bán F-16 sau nhiều tháng đàm phán nhằm giải quyết sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao và nhà phân tích tin rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã sử dụng đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển để gây áp lực với Washington về thương vụ máy bay chiến đấu và ông Biden đã thực hiện một thỏa thuận.
Camille Grand, một chuyên gia quốc phòng tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho biết: “Chính quyền Biden dường như đã thúc đẩy mạnh mẽ việc cho phép Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại hóa lực lượng không quân và mua những chiếc F-16 mới”.
Phương Tây công bố “kế hoạch bảo đảm an ninh lâu dài” cho Ukraina (RFI)
Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO không cam kết cụ thể về lịch trình kết nạp Ukraina nhưng để đưa ra « một tín hiệu mạnh » gửi tới Matxcơva, phương Tây hôm nay 12/07/2023 công bố một « kế hoạch bảo đảm an ninh lâu dài » cho Ukraina. Trong khi đó, khối G7 và một số quốc gia khác cam kết hỗ trợ Ukraina « xây dựng lại một lực lượng quân đội đủ sức tự vệ và tránh mọi cuộc tấn công trong tương lai ».
Thông cáo chung của G7 nhấn mạnh, đây sẽ là một chương trình « đầu tư lâu dài ». Lãnh đạo 7 cường quốc công nghiệp thế giới (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Canada) có một cuộc họp với tổng thống Ukraina và các bên chính thức công bố « kế hoạch hỗ trợ an ninh lâu dài » đó.
Trở lại với ngày họp đầu tiên tại Vilnius, Litva, tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg khẳng định « tương lai của Ukraina là ở trong NATO » nhưng khối này không đưa ra lịch trình kết nạp. Tổng thống Ukraina đến dự thượng đỉnh đã thất vọng trước lập trường cứng rắn của NATO.
Đặc phái viên Anastasia Becchio từ Vilnius tường trình :
« Những tuyên bố cứng rắn của Volodymyr Zelensky vào lúc mà các nước đồng minh đang đúc kết bản tuyên bố chung đã không thay đổi được gì. Tổng thống Ukraina không thuyết phục được các lãnh đạo NATO đồng ý về một bản tuyên bố chung cùng với một lịch trình cụ thể kết nạp Kiev vào liên minh.
Chung cuộc, lập trường thận trọng nhất đã chiếm thế áp đảo. Đó là quan điểm của Mỹ và Đức, muốn tránh leo thang xung đột với Nga. Như vậy là Ukraina sẽ được mời gia nhập NATO khi các nước đồng minh chấp thuận và hội đủ các điều kiện. Nhượng bộ duy nhất là Ukraina sẽ đốt ngắn được một giai đoạn, tức là sẽ không phải trải qua giai đoạn thực hiện các nghĩa vụ chính trị, kinh tế và quân sự được ấn định trong kế hoạch hành động để gia nhập tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương. Trong khi chờ đợi Kiev và NATO sẽ đẩy mạnh thêm quan hệ nhằm chuẩn bị cho các cuộc thương lượng trong tương lai trong khuôn khổ Hội đồng NATO – Ukraina. Và Hội đồng có cuộc họp đầu tiên vào hôm nay. Đây cũng sẽ là cơ hội để các bên bàn thảo trở lại về những biện pháp bảo đảm an ninh, hỗ trợ quân sự, tài chính, về vật chất cho một quốc gia đang phải đối mặt với chiến tranh.
Khối G7 cam kết tiếp tục yểm trợ Ukraina đặc biệt là giúp quốc gia này nâng cao khả năng phòng không, pháo binh, tình báo, huấn luyện. Một số quốc gia khác sẽ tham gia vào sáng kiến này, trong đó có Ba Lan và Rumanie cũng như một số quốc gia trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương như Úc, Hàn Quốc hay Nhật Bản. »
Mỹ kêu gọi Trung Cộng ngừng quấy rối tàu thuyền ở Biển Đông (VOA)
Hoa Kỳ kêu gọi Trung Cộng “chấm dứt hành vi quấy rối thường xuyên” đối với các tàu thuyền của các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với phán quyết trọng tài năm 2016, mà Trung Cộng hôm 12/7 cho biết họ không công nhận, theo Reuters.
Phán quyết do Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague đưa ra 7 năm trước kết luận rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ Biển Đông, nơi hàng hóa vận chuyển bằng đường biển trị giá khoảng 3 nghìn tỷ đôla lưu thông mỗi năm, là vô căn cứ.
Trong một tuyên bố hôm 11/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller nói rằng phán quyết đó là cuối cùng và ràng buộc về mặt pháp lý đối với Philippines và Trung Cộng, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh “tuân thủ các yêu sách hàng hải của mình theo luật pháp quốc tế”.
Ông cũng kêu gọi Bắc Kinh “chấm dứt hành vi cản trở quyền chủ quyền của các quốc gia trong việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên, đồng thời chấm dứt sự can thiệp của họ đối với quyền tự do hàng hải và hàng không của các quốc gia hoạt động hợp pháp trong khu vực”.
Nhưng Trung Cộng – nước có các hành động “hung hăng” ở Biển Đông là đối tượng của hàng trăm phản đối ngoại giao do Philippines đệ trình – khẳng định nước này không chấp nhận bất kỳ yêu sách hay hành động nào dựa trên phán quyết đó.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Cộng Uông Văn Bân nói trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Với phán quyết của mình, tòa đã vi phạm nguyên tắc được sự đồng ý của nhà nước, vượt quá thẩm quyền xét xử vụ việc và làm sai luật”.
Để đánh dấu ngày phán quyết của trọng tài tròn 7 năm – đã nhận được sự ủng hộ của các quốc gia như Nhật Bản, Vương quốc Anh và Úc – Bộ Ngoại giao Philippines hôm 12/7 đã ra mắt một trang web chuyển tải những “thông tin chính thức” về chiến thắng pháp lý của Manila trước Bắc Kinh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines Theresa Lazaro phát biểu tại một diễn đàn về Biển Đông: “Chúng tôi kiên quyết bác bỏ những nỗ lực cố tình làm giảm hoặc làm suy yếu hiệu lực pháp lý dứt khoát của Phán quyết trong luật pháp quốc tế”. Bà nói thêm: “Đã được đưa ra cuối cùng, phán quyết đó không còn có thể tranh cãi và không thể thỏa hiệp”.
Tin Việt Nam.
“Thánh rắc hành” Bùi Tuấn Lâm bị kỷ luật cùm chân sau phiên sơ thẩm (RFA)
Nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm, người nổi tiếng với biệt danh “thánh rắc hành,” bị kỷ luật cùm chân trong phòng biệt giam ngay sau phiên toà sơ thẩm cuối tháng năm vừa qua.
Ông Lâm, một nhà hoat động nhân quyền tích cực ở khu vực miền Trung, bị bắt ngày 07/9/2022 về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Trong phiên toà ngày 25/5, ông bị kết án năm năm sáu tháng tù giam và bốn năm quản chế vì nhiều bài viết cổ suý dân chủ và nhân quyền trên mạng xã hội.
Thông tin ông bị cùm chân được vợ của ông, bà Lê Thanh Lâm cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết sau khi đi thăm gặp chồng vào ngày 04/7 tại Trại tạm giam của Công an thành phố Đà Nẵng.
“Đợt thăm gặp vừa rồi thì tôi thấy sức khỏe của chồng tôi giảm sút nhìn anh ốm hơn rồi nhìn thần sắc anh có vẻ không tốt như lần trước thì anh có báo là anh vừa trải qua một đợt bị kỷ luật án kỷ luật bảy ngày nhưng mà họ cùm chân anh năm ngày thì họ thả anh ra.
Tôi chưa biết rõ được thông tin vì sao chồng tôi bị kỷ luật và anh chỉ nói nhanh là cái án kỷ luật đó là diễn ra trước phiên tòa nhưng mà sau phiên tòa thì họ mới thực hiện án kỷ luật đó.”
Về hậu quả của án kỷ luật, bà nói:
“Giờ anh đi lại bình thường tại vì anh hết án kỷ luật cách ngày tôi thăm gặp hơn một tuần nên anh nói anh ổn không có gì phải lo lắng cả.”
Phóng viên có gửi email cho Công an thành phố Đà Nẵng và Trại tạm giam của công an thành phố để hỏi thông tin về vụ kỷ luật ông Lâm, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Bà Lâm cho biết hồ sơ kháng cáo của ông Lâm đã được chuyển lên Tòa án Nhân dân Cấp cao tại thành phố Đà Nẵng và vẫn chưa có lịch xử kháng cáo cụ thể.
Hai luật sư Lê Đình Việt và Ngô Anh Tuấn vẫn sẽ bào chữa cho ông Lâm trong phiên phúc thẩm, bà Lâm nói.
Bà bày tỏ về hy vọng một kết cục tốt đẹp hơn từ phiên phúc thẩm:
“Chồng tôi nghĩ rằng là đó là một bản án oan dành cho anh cho nên anh mới kháng cáo và thực sự đó là một bản án oan. Tôi hi vọng rằng với cái nỗ lực kháng cáo này thì có thể bản án sẽ có thể được thay đổi.”
Ông Bùi Tuấn Lâm, 39 tuổi, bị bắt vào đầu tháng 9 năm ngoái. Việc bắt giữ diễn ra sau khi ông đưa video clip rắc hành lên mạng xã hội mà nhiều người cho rằng ám chỉ việc Bộ trưởng Công an Tô Lâm ăn thịt bò dát vàng ở một tiệm ăn sang trọng ở London lên mạng xã hội.
Ông bị cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Khoản 1, Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, ông bị kết tội đăng tải 19 bài viết trên danh khoản Facebook “Peter Lam Bui” cùng 25 video và bài viết lên kênh YouTube trong thời gian 2020-2022 với nội dung bị cho là “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân” và “bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân.”
Cáo trạng không nhắc gì đến hành động rắc hành, nhại lại động tác của “thánh rắc muối” Salt Bae trong video đút món bò dát vàng đắt đỏ cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm tại nhà hàng nổi tiếng ở thủ đô Anh quốc khi ông này tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị về biến đổi khí hậu COP26.
Trong phiên toà sơ thẩm, ông Lâm thừa nhận một số hành vi nhưng không cho đó là hành vi phạm tội, vì ông cho rằng đó là thực hành quyền tự do ngôn luận.
Cũng trong phiên sơ thẩm, thẩm phán chủ toạ đã đuổi luật sư bào chữa Ngô Anh Tuấn ra khỏi phòng xử án khi ông đề nghị đại diện Viện Kiểm sát tranh luận nhằm làm rõ các cáo buộc trong cáo trạng. Sau đó, luật sư Ngô Anh Tuấn bị lập biên bản và phạt hành chính.
VN xử đại án ‘Chuyến bay giải cứu’: Chi 2,65 triệu USD ‘chạy án’ không thành
Sáng 11/7, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên toà xét xử vụ án “Chuyến bay giải cứu” và dự định kéo dài liên tục trong 30 ngày.
Theo hồ sơ, 54 bị can trong vụ án bị đưa ra xét xử với 5 tội danh là “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
10 bị cáo được tại ngoại, 44 bị cáo còn lại bị tạm giam trong vụ án được giới quan sát cho là thể hiện nỗ lực làm trong sạch bộ máy và bảo vệ hình ảnh của thể chế tại VN.
Hơn 120 luật sư đăng ký bào chữa cho 54 bị can bao gồm hàng loạt các quan chức cấp cao như ông Tô Anh Dũng – cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao – và ông Nguyễn Quang Linh – cựu trợ lý cho Phó thủ tướng Phạm Bình Minh- cùng bị đưa ra xét xử về tội nhận hối lộ, với khung truy tố có mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Đây là vụ án có số lượng luật sư bào chữa kỷ lục. Riêng cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng có 3 luật sư, cựu trợ lý Phó thủ tướng, ông Nguyễn Quang Linh, có 2 người bào chữa…
Kế hoạch “chạy án” triệu đô
Đáng chú ý, truyền thông Việt Nam trước đó dẫn nguồn cơ quan điều tra mô tả việc “các bị can đối phó rất quyết liệt khiến cơ quan điều tra tương đối tốn thời gian trong công tác điều tra, xác minh vụ việc”.
Ngoài hành vi đưa nhận hối lộ, cáo trạng cáo buộc ông Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội, đã nhận 2,65 triệu USD (khoảng 61,6 tỷ đồng) trong khoảng một năm (từ tháng 1 – tháng 12/2022), để chạy án cho hai bị cáo Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng, Tổng Giám đốc và Phó Tổng giám đốc Công ty Bầu trời xanh.
Cơ quan công an xác định hành vi của bị can Nguyễn Anh Tuấn phạm vào tội Môi giới hối lộ, với số tiền môi giới hối lộ là 2,65 triệu USD (tương đương gần 62 tỉ đồng). Trong đó, ông Nguyễn Anh Tuấn phải chịu trách nhiệm đối với số tiền 1,85 triệu USD (tương đương gần trên 42,8 tỉ đồng).
Truyền thông Việt Nam miêu tả kế hoạch chạy án vụ chuyến bay giải cứu ly kì như một kịch bản phim.
253 lần hối lộ cho thư ký thứ trưởng
Một vấn đề được quan tâm khác trong vụ án này là người bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất là ông Phạm Trung Kiên, cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ y tế Đỗ Xuân Tuyên. Cáo trạng cho thấy ông Kiên đã có 253 lần nhận hối lộ với số tiền lên tới 42,6 tỷ đồng trong vòng 11 tháng.
Trên Facebook cá nhân, nhà báo Trương Huy San đặt câu hỏi: “Bạn nghĩ, 253 lần đưa hối lộ ấy là cho thư ký hay cho thứ trưởng?”
Ông Trương Huy San cũng viết rằng khi đó, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên là người được Bộ Y tế phân công xem xét, “phê duyệt hoặc không phê duyệt các chuyến bay giải cứu theo đề xuất của Bộ Ngoại giao”. Và, để được thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên phê duyệt, thư ký riêng của ông đã “yêu cầu các bên liên quan nộp một mức phí từ 50 – 200 triệu/1 chuyến bay hoặc 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/1 khách đối với chuyến bay combo và từ 7 đến 15 triệu đồng/1 khách đối với khách lẻ tùy thời điểm”.
Bài đăng có đoạn: “trong phiên tòa hôm nay không có tên ông Đỗ Xuân Tuyên; trong số những người bị kỷ luật tới mức phải về hưu cũng không có tên ông Đỗ Xuân Tuyên” của ông San đã nhận được hơn 6,000 lượt thích và hàng trăm lượt chia sẻ sau vài giờ đồng hồ.
Phiên tòa của vụ án dự kiến diễn ra trong 1 tháng, kể cả thứ bảy và chủ nhật.
Giới quan sát cho rằng nỗ lực chống tham nhũng của TBT Nguyễn Phú Trọng được đẩy lên một bước với các vụ đại án “chuyến bay giải cứu” và Việt Á.
Tuy thế, cũng có các bình luận rằng để chống tham nhũng thành công thì đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam cần cho phép báo chí hoạt động cởi mở hơn và dần cho tiến tới cơ chế tam quyền phân lập, điều mà “rào cản thể chế” không cho phép. (BBC)
GS Jonathan London nói về tham nhũng trong giáo dục tại Việt Nam
Trả lời BBC News Tiếng Việt ở London, GS Jonathan London nêu ba điều ông cho là đang cản trở sự thăng tiến của lực lượng lao động tại Việt Nam.
Trao đổi với nhà báo Nguyễn Giang của BBC News Tiếng Việt, PGS Jonathan London, giảng viên ĐH Leiden, Hà Lan cho biết ba điều này bao gồm bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục chất lượng cao, tham nhũng trong nhà trường và bệnh bằng cấp, cùng sự thiếu vắng của các trường nghề dạy kỹ thuật tiên tiến cho người lao động.
Trong quyển sách “The Routledge Handbook of Contemporary Vietnam” xuất bản tháng 7/2022, với nhiều tác giả quốc tế và Việt Nam do ông chủ biên, nhiều vấn đề của hệ thống chính trị, xã hội, và nền giáo dục Việt Nam được đánh giá chi tiết, với các số liệu đầy đủ.
Trong một lần trả lời BBC News Tiếng Việt trước khi ra sách hồi tháng 6/2022, ông nói rằng Việt Nam cần có không gian đa nguyên hơn để phát triển.
PGS Jonathan London là nhà nghiên cứu, giảng viên đại học người Mỹ chuyên về giáo dục và chính trị đương đại Việt Nam. (BBC, 12/7/2023)
Hàng xuất cảng từ Việt Nam bị hàng loạt vụ kiện bán phá giá
Hàng hóa xuất cảng từ Việt Nam bị các nước nhập cảng kiện hàng loạt mà phần lớn bị cáo buộc bán phá giá, thiệt hại cho kỹ nghệ địa phương.
Bộ Công thương Hà Nội đưa ra con số thống kê nói rằng nếu kể tới cuối Tháng Sáu 2023, các loại hàng hóa xuất cảng từ Việt Nam đã bị các nước khởi kiện tới 231 vụ, gọi chung là các vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước nhập cảng nhằm bảo vệ các nhà sản xuất hàng hóa tương tự tại nước họ.
Nguồn tin nói trên liệt kê ra 128 vụ bị kiện với cáo buộc bán phá giá, 23 vụ việc chống trợ giá, 47 vụ tự vệ và 33 vụ việc chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước sở tại. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, các loại hàng xuất cảng từ Việt Nam đã bị 4 vụ kiện, trong đó có 3 vụ kiện bán phá giá và một vụ kiện “tự vệ”.
Vẫn theo nguồn tin trên, trong 4 vụ thì 3 vụ do chính phủ Mỹ khởi kiện. Thị trường Mỹ là thị trường xuất cảng lớn nhất của các loại hàng hóa Việt Nam từ nông ngư sản phẩm, quần áo, giày dép đến sắt thép xây dựng, hàng điện tử. Riêng 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất cảng số hàng hóa trị giá hơn $164 tỉ USD, trong đó xuất sang thị trường Mỹ được hơn $44 tỉ USD dù tình hình xuất cảng không được khả quan bằng năm ngoái.
Mỹ là thị trường xuất cảng nhiều hàng hóa nhất của Việt Nam nên cũng đối diện nhiều nhất với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Trong số các nước đã kiện, tính đến hết năm 2022, Mỹ đã kiện Việt Nam tới 52 vụ việc phòng vệ thương mại, chiếm 23% tất cả các vụ kiện điều tra với hàng hóa từ Việt Nam.
Vì Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương với nhiều nước và khu vực nên ngày càng đối diện với các vụ kiện tụng sau khi các hàng rào thuế quan được dần dần dỡ bỏ, hàng xuất cảng gia tăng.
Không những hàng hóa từ Việt Nam bị kiện bán phá giá, một số loại hàng còn bị cáo buộc không phải là sản phẩm nội địa Việt Nam mà là hàng của nước khác “núp bóng” để tránh né thuế quan trừng phạt của Mỹ như đồ gỗ, sắt thép, quần áo v.v… gọi chung là “lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại”.
Tháng Tư vừa qua, trong một báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư CSVN thú nhận xuất hàng hóa khẩu của Việt Nam những năm qua đều phụ thuộc phần lớn vào các cơ sở sản xuất của giới tư bản nước ngoài. Còn các sản phẩm nội địa của Việt Nam thì “chậm đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường”. Trước đó, Bộ Công thương cũng báo cáo tương tự với Quốc hội.
Cả năm 2022 Việt Nam xuất cảng các loại hàng hóa trị giá hơn 371 tỉ USD thì 74% là từ khối sản xuất công nghệ của các hãng xưởng ngoại quốc sản xuất tại Việt Nam để xuất cảng, lợi dụng giá nhân công rẻ mạt. Các con số thống kê ấn tượng giúp chế độ Hà Nội tuyên truyền mỵ dân nhưng lợi nhuận lại chui vào túi tư bản ngoại quốc.
Để giảm phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài, nhiều cuộc họp, hội thảo đã từng được tổ chức với sự cố vấn của các định chế tài trợ quốc tế nhưng năm nào cũng vẫn thấy kêu ca và đề nghị. Rồi những cuộc họp “tháo gỡ khó khăn” và “đẩy mạnh sản xuất” vẫn chỉ là những lời hô hò và không thấy nền kinh tế gỡ được cái “vòng kim cô” phụ thuộc tư bản ngoại quốc.
Ba năm trước, ông Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia kinh tế giảng dạy tại đại học Fulbright Việt Nam, phát biểu trong một cuộc hội thảo do “Viện chiến lược phát triển” của Bộ Kế Hoạch và Đầu tư phối hợp với Chương trình Phát tiển LHQ (UNDP). Ông thấy khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam “rất nhiều về số lượng” nhưng lại “yếu về chất lượng”. Nếu không cải thiện được vấn đề này thì “triển vọng kinh tế của Việt Nam 10 năm tới sẽ không thể sáng sủa”.
Cuối Tháng Hai 2023, báo tài chính Nhật Bản Nikkei dẫn nguồn từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay có đến 59% các doanh nghiệp được khảo sát nói thủ tục xuất cảng phiền hà và nạn vòi vĩnh hối lộ gây nhức đầu và thêm tốn kém cho doanh nghiệp, từ trước đến nay vẫn vậy.
Netflix gỡ phim bộ có đường ‘Lưỡi bò’ khỏi thị trường Việt Nam
Sau khi bị Việt Nam phản đối, công ty Netflix đã lập tức loại bỏ bộ phim Trung cộng có tuyên truyền đường “Lưỡi bò” khỏi thị trường Việt Nam.
Tap chí chuyên về điện ảnh, trình diễn sân khấu Variety ngày Thứ Hai 10 Tháng Bảy cho hay công ty điện ảnh trực tuyến Netflix đã gỡ bỏ ra khỏi thị trường Việt Nam toàn bộ phim “Flight to you” (ở Việt Nam dịch là “Hướng gió mà đi”) do Trung cộng sản xuất theo đòi hỏi của Cục Điện ảnh.
Cục Điện ảnh trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ kiểm duyệt và cấp phép trình chiếu trước công chúng các loại phim ảnh sản xuất trong ngoài nước. Sau khi được báo động bộ phim nói trên, cơ quan vừa kể đã duyệt lại và thấy ít nhất 9 tập phim “Fligt to you” có những phân cảnh hiển thị các vạch Trung cộng tuyên bố chủ quyền ngang ngược tại Biển Đông.
Tạp chí Variety dẫn tuyên bố gửi qua điện thư của phát ngôn viên công ty Netflix cho hay, bộ phim Trung cộng nói trên chỉ bị gỡ bỏ khỏi thị trường Việt Nam thôi, nên khán giả mọi nơi khác trên thế giới của Netflix không bị ảnh hưởng.
Đài BBC hôm 12 tháng 7, trong một bản tin có tựa đề “Philippines không cấm Barbie vì ‘không phải đường chín đoạn’: Dư luận Việt Nam đọc nhầm bản đồ?
Bản tin này có nội dung nói: Philippines hôm 12/7 quyết định không cấm phim Barbie vì phân cảnh trong phim không phản ánh ‘đường chín đoạn’.
Thông cáo từ Ủy ban Thẩm định và Phân loại Phim ảnh và Truyền hình (MTRCB) Philippines có nội dung như sau:
“Sau khi đã tiến hành hai phiên thẩm định, thông qua xem xét và tham vấn toàn diện với các cơ quan chính phủ liên quan, bao gồm một chuyên gia về luật pháp tại vùng biển Tây Philippines, Ủy ban Thẩm định và Phân loại Phim ảnh và Truyền hình (MTRCB) phân loại phim “Barbie” là Parental Guidance (“PG”), có nghĩa là người xem dưới mười ba (13) tuổi phải có một bậc phụ huynh hoặc người lớn giám sát.”