Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBCL) gồm 13 Tỉnh, diện tích 40.577,6 km² với tổng dân số cư khoảng 18 triệu người (2022), lần đầu tiên csVN nhìn nhân và chính thức báo động là “một trong ba vùng đồng bằng bị ngập mặn, mất đất lớn và nhanh nhất trên thế giới”. Dự báo đến cuối Thế kỷ XXI, mực nước biển dâng từ 0,5 đến 1 mét nữa, thì chừng 39% diện tích của ĐBCL, bằng trên 15 ngàn Km2 đất bị sụt lún và ngập nước, khiến 35% dân số, tương trên 6 triệu người mất nơi cư ngụ. 

ĐBCL chiếm 19% dân số, đóng góp gần 19% GDP cả nước. Nơi có vị trí giao thương thuận tiện với các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mekong nhưng lại phải gánh lấy tang thương do tác động nhiều mặt: (i) từ biến đổi khí hậu; đến (ii) phát triển nội tại thiếu hợp lý; (iii) khai thác nguồn nước ngầm quá mức khiến mặt bằng sụt lún trên diện rộng; và (iv) do trên 20 đập thủy điện thượng nguồn sông Mê kong kiểm soát nguồn nước phục vụ tư lợi, trong đó 11 đập thủy điện vĩ đại do Bắc Kinh xây ở đầu nguồn gây thảm họa cho nhiều quốc gia hạ nguồn, mà ĐBCL là vùng cuối nguồn chịu thương tổn lớn hơn cả. Đây là lý do gây ra ngập mặn trong lúc nước biển dâng cao được dự báo rất đáng lo ngại. Cho đến nay khoảng 2 triệu người, đã rời bỏ quê hương tha phương cầu thực.

Chỉ riêng lúa gạo, DBCL đã chiếm 47% diện tích và 56% sản lượng lúa cả nước; chiếm 90% gạo xuất cảng. Thủy sản chiếm 70% diện tích, 60% xuất cảng so với cả nước. . . Năm trước sơ kết cho biết có đến 240.215 mẫu lúa, 18.335 mẫu hoa màu, 104.106 mẫu cây công nghiệp; 4.641 mẫu thủy sản bị thiệt hại. Ước tính tổng thiệt hại lên đến gần 6.000 tỷ đồng. . . Tình huống này đang đưa trên 18 triệu con người chết dần mòn tại ĐBCL do mỗi năm nước mặn lại xâm nhập vào sâu hơn trong đất liền. 

Thu nhập bình quân đầu người tại ĐBCL chỉ ở mức mức 54 triệu đồng mỗi năm! Theo kế hoạch “mò cua trong lỗ” của csVN thì đến năm 2030 thu nhập bình quân đầu người toàn quốc sẽ vượt trên 270%, khoảng 146 triệu đồng, tương đương 6.300 Mỹ kim! Trong khi theo nghị quyết của đảng csVN, GDP bình quân đầu người năm 2030 sẽ là 7.500 Mỹ kim. 

Cơ quan Phát Triển Pháp quốc, Agence Française de Développement (AFD) trong một cuộc hội thảo phối hợp với csVN về “Quy hoạch & Phát triển Đô thị Bền vững vùng ĐBCL” diễn ra giữa tháng 7 năm 2023 tại Thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, nhìn nhận là ĐBCL đang chịu tác động lớn về thiên tai, biến đổi khí hậu khiến đây là một trong ba vùng đồng bằng bị ngập mặn, mất đất lớn nhất trên thế giới.

Dự báo đến cuối thế kỷ XXI, mực nước biển dâng từ 0,5 đến 1 mét sẽ khiến vùng ĐBCL mất chừng 39% diện tích đất đai, khiến 35% dân số không còn đất canh tác, đồng thời mất luôn sản nghiệp, nhà cửa.

Ngoài  các khu vực dân cư rải rác lân cận, cảnh báo chỉ ra 6 thành phố lớn và trung bình tại khu vực này đứng trước nguy cơ ngập mặn, xếp theo dân số ước lượng lần lượt từ đông dân nhất, gồm: Thành phố Cần Thơ 1 triệu 250 ngàn người; Rạch Giá 230 ngàn người; Cà Mau 224 ngàn người; Sóc Trăng 137 ngàn người; Hà Tiên 49 ngàn người và  Vị Thanh 21 ngàn người.

Cùng gióng lên hồi chuông báo động như cơ quan ADF, Hôm 26/7/2023, Stimson Center, một think tank ở Washington DC, thực hiện hội nghị trực tuyến trao đổi về các vấn đề về nguồn nước trên sông Mekong. Theo các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đưa ra những dấu hiệu rõ ràng về hạn hán trên khắp lưu vực sông Mekong. Do đó, sông Mekong dường như đang trên bờ vực của một mùa mưa có dòng chảy cực thấp.

Khi hiện tượng mực nước trong sông thấp hơn mực nước biển, thì nước biển tràn vào sâu trong đất liền. Các vùng ven sông Tiền, sông Hậu nước biển với độ mặn 4,4%o đã xâm nhập sâu 45 – 55km; nếu thượng lưu vận hành xả nước bất thường có thể làm mặn vào sâu 50 – 60km gây ảnh hưởng lớn đến đời sống hàng triệu dân cư. Năm nay 2023, riêng vùng đất hai bờ Tiền Giang, khu vực sông Vàm Cỏ, ngập mặn vào sâu đến 93 cây số. Tai họa này lập lại hàng năm là do csVN phạm phải lỗi lầm chiến lược phát sinh từ thiếu hiểu biết và lòng tham vô độ.

Các nhà khoa học Mỹ khẳng định El Niño đã bắt đầu từ tháng 5 năm 2023. Trong trường hợp hạn hán vùng hạ lưu Mekong kết hợp với El Niño thì hậu quả sẽ vô cùng khốc hại cho trên 18 triệu dân cư vùng ĐBCL. Các nhà nghiên cứu tin rằng sự kiện El Niño có tới 84% khả năng vượt quá cường độ vừa phải làm trầm trọng thêm nạn hạn hán ngay trong mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 11 năm 2023. Như thế El Niño có thể sẽ khiến năm 2024 trở thành năm nóng nhất trong lịch sử.

Nhìn nhận của csVN và cảnh báo của các cơ quan chuyên ngành thủy lợi đưa ra đúng vào mùa Hè năm 2023, lúc Việt Nam hứng chịu đợt khô hạn trên diện rộng. Ở miền Bắc, hạn hán làm cho các hồ thủy điện bị sụt giảm nước đến mức không thể phát điện trong khoảng thời gian dài, khiến cho nhiều nhà máy phải cắt giảm sản xuất. Ở phía nam, ĐBCL cũng chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm nước nghiêm trọng trên dòng sông Mekong.

Ngay từ tháng 8-2019, nhóm nghiên cứu các nhà khoa học Hà Lan đã công bố báo cáo về tình trạng sụt lún ở ĐBCL. Báo cáo cho biết, cao trình trung bình so với mặt biển của ĐBCL chỉ có 0.8 m. Với phát hiện này, đến năm 2100 (tức 77 nữa), ước lượng trung bình nước biển dâng 40cm thì 25% ĐBCL sẽ ở dưới mực nước biển. Mức độ sụt lún vẫn tiếp tục tăng trung bình theo thời gian: hiện nay mức sụt lún  là 1.1cm mỗi năm. Như thế, phần lớn ĐBCL sẽ dưới mực nước biển trong những thập niên tới. Ngoài ra, các nhà khoa học Hà Lan cũng cảnh báo sẽ có khoảng 12 triệu người (tức 70% dân số ĐBCL) sống ở những vùng mà sau sẽ thấp hơn mực nước biển nếu mực nước biển dâng 1m, tức là nhiều gấp đôi con số ước lượng hiện nay chỉ có 6 triệu người.

Nghiên cứu của GEMMES thuộc ADF vào giữa tháng 3 năm 2022 cho biết: ĐBCL với 7 tầng chứa nước chính, chiều sâu phân bố nước ngầm từ vài chục mét đến 500 – 600 mét, các khu vực tiềm năng nguồn nước ngọt lớn phân bố ở các tỉnh Bạc Liêu, Long An, Đồng Tháp, Cà Mau, Trà Vinh, Cần Thơ.

Nhưng, nước ngầm ở khu vực này đang khai thác quá mức, cùng với cả trăm con đập ở thượng nguồn giam hãm dòng sông khiến mực nước ĐBCL hạ thấp dưới mặt biển, gây thảm họa ngập mặn.

Ba-Đình chưa có chiến lược hiệu quả để giảm sụt lún do con người gây ra. Các Tỉnh Thành thuộc ĐBCL chưa thống nhất và không kiểm soát được tình trạng khai thác nước ngầm. Ngoài mỗi Công ty cổ phần khoan từ 20 – 65 giếng lấy nước để bán, còn khoảng 9.650 giếng khai thác nước ngầm trên 10m3/ngày, với tổng lưu lượng khoảng 1,97 triệu m3/ngày. Trên 1 triệu giếng khai thác lẻ trong gia đình, với lưu lượng khai thác khoảng 840 nghìn m3/ngày… Hầu như nhà nào cũng có 1 giếng khoan riêng, có gia đình 3-4 giếng. Nước lấy từ các giếng khoan và giếng đào nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho dân trong vùng chiếm khoảng 42% lượng khai thác; phục vụ sản xuất nông nghiệp 40% và sản xuất công nghiệp khoảng 18%. [1]

Là vựa lúa cuối nguồn của dòng sông Mekong, đúng ra csVN phải đòi hỏi giữ nguyên như năm 1957, điều khoản mỗi hội viên trong Ủy ban sông Mekong hay ít ra là nước chịu tác động lớn nhất từ thượng nguồn là Việt Nam có quyền phủ quyết bất cứ một dự án nào bị coi là có ảnh hưởng tác hại tới một vùng dân cư rộng lớn sinh sống ở đồng bằng Cửu Long (ĐBCL). Tuy nhiên trên thực tế, hẳn có chủ đích còn phải giữ kín, Ba-Đình đã ký kết để chấp nhận “không một quốc gia nào có quyền phủ quyết” ghi trong nội quy mới của Ủy Ban Mekong năm 1995. (https://vanhoimoi.org/?p=16288)

Bác Sỹ Ngô thế Vinh, tác giả nhiều cuốn sách nghiên cứu về dòng Mekong, nhận định: chính sách của Việt Nam kể từ 1995 đã phạm sai lầm chiến lược, bị động và mất cảnh giác liên quan đến sông Mekong về bảo vệ an toàn 18 triệu dân khi từ bỏ quyền phủ quyết liên quan đến dòng sông này.

Tài liệu của Kỹ Sư Phạm Phan Long, Việt Ecology cho biết, công ty quốc doanh Dầu khí Việt Nam (PVPC / PetroVietnam Power Co.) đã được Ba-Đình, vì lợi nhuận, bật đèn xanh cho đem vốn sang làm chủ đầu tư con đập thủy điện trên dòng chính Luang Prabang, tổng công suất lắp đặt 1.460mW lớn nhất trên lãnh thổ Lào. Đập Luang Prabang xây trong 7 năm, được khởi công tháng 4 năm 2020. [2]

Ngày khởi công đập thủy điện Luang Prabang, cũng là lúc chế độ toàn trị csVN cuốn “vành khăn tang” cho toàn thể 18 triệu cư dân 13 tỉnh Miền Tây.

Chắc chắn Ba-Đình đã cân nhắc được/mất của đại dự án thủy điện Luang Prabang, nhưng chế độ không màng đến sự thiệt hại của 18 triệu cư dân ĐBCL cho bằng mối tư lợi thu về qua công ty quốc doanh PVPC. Cũng giống như vụ án “2000 chuyến bay giải cứu”, đã kết thúc với mục tiêu “công lý vẫn mua được bằng tiền trấn lột của dân”: Hội đồng xét xử tuyên bố “bị cáo đã thành khẩn, ăn năn hối cải, đã nộp 42,2 tỷ đồng khắc phục hậu quả nên “không cần loại ai khỏi xã hội”. [3] Nhưng 200 ngàn nạn nhân bị cán bộ mọi tầng, cấp “trấn lột” cho đến nay, chưa thấy chế độ ngó ngàng gì.

Trần nguyên Thao
10 Aug, 2023

[1] https://vneconomy.vn/dong-bang-song-cuu-long-se-bi-nhan-chim-neu-khong-dung-khai-thac-nuoc-ngam.htm

[2] https://www.voatiengviet.com/a/dong-bang-song-cuu-long-luang-prabang/5244989.html

[3] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/clwz98r3qego

Bài liên quan:
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 28/4/2024. Tháng Tư Đen Sau 49 Năm: Đe dọa từ quan thầy phương Bắc, đấu đá tranh giành quyền lực trên thượng tầng, bài học nào cho VN?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • So sánh các chiến thuật vùng xám ở Biển Đỏ và Biển Đông
    Thomas Lim & Eric Ang
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 27/4/2024. Chứng nhân lịch sử: GSTS Nguyễn Tiến Hưng và 8 thủ đoạn nham hiểm và Bức Tử VNCH của Kissinger!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Ukraine là tiền tuyến của một cuộc xung đột lớn hơn nhiều
    Gideon Rachman
  • HỘI LUẬN ngày 27/4/2024. Ukraine phản công ngoạn mục! Tháng Tư Đen và CSVN sau 49 năm: Khủng hoảng lãnh đạo; Trang giành quyền lực; Tham nhũng ở thượng tầng; Hèn với giặc, ác với dân!
    BS Nguyễn Trong Việt