Tin Thế Giới.

Hai chiếc Il-76 của Nga bị drone bắn cháy tại sân bay vùng Pskov (BBC).

Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (drone) vào sân bay ở thành phố Pskov phía tây bắc nước Nga đã làm hư hại hai phi cơ vận tải quân sự, các hãng thông tấn Nga đưa tin. Các báo cáo cho biết một chiếc Ilyushin 76 đã bốc cháy trong cuộc tấn công.

Thống đốc địa phương trước đó cho biết quân đội đang đẩy lùi một cuộc tấn công.

Vận tải cơ hạng nặng Ilyushin 76

Ông đã đăng lên một video cho thấy một đám cháy lớn và cùng lúc có thể nghe thấy tiếng nổ.

Pskov cách Ukraine hơn 600km, gần biên giới với Estonia.

Ukraine không nói họ có liên quan đến vụ tấn công mới nhất này không nhưng họ hiếm khi lên tiếng về các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga.

Trong những tuần gần đây, Ukraine được cho là đã tăng cường sử dụng máy bay không người lái (drone) mang theo chất nổ để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.

Trong các diễn biến khác:

Quân đội Nga cho biết lực lượng của họ đã phá hủy bốn tàu cao tốc Ukraine chở tổng cộng khoảng 50 binh sĩ trong một chiến dịch trên Biển Đen vào khoảng nửa đêm theo giờ Moscow. Ukraine không bình luận ngay lập tức.

Quân đội Nga cho biết họ đã bắn hạ ba máy bay không người lái của Ukraine ở khu vực Bryansk phía nam và một chiếc khác ở khu vực miền trung Oryol.

Hãng thông tấn Tass của Nga đưa tin không phận phía trên sân bay Vnukovo ở Moscow đã bị đóng lại.

Thống đốc vùng Pskov Mikhail Vedernikov cho biết trên Telegram: “Bộ Quốc phòng đang đẩy lùi một cuộc tấn công bằng drone nhắm vào sân bay Pskov”.

Ông Vedernikov, người cho biết ông có mặt tại hiện trường vụ tấn công, nói thêm: “Theo thông tin ban đầu, không có thương vong nào”.

Báo cáo ban đầu của hãng thông tấn Tass của Nga dẫn lời các cơ quan dịch vụ khẩn cấp cho biết bốn chiếc vận tải cơ Ilyushin 76 (Il-76) đã bị hư hại và hai chiếc bốc cháy. Hãng tin Ria sau đó cho biết hai chiếc máy bay Il-76 đã bốc cháy.

Vùng Pskov trước đây từng là mục tiêu của máy bay không người lái vào cuối tháng 5.

Ukraine không nói là đã dùng drone tấn công Nga

Các quan chức Nga cho biết một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào khu vực Belgorod của Nga đã làm ba người thiệt mạng vào tuần trước, vài giờ sau khi một máy bay không người lái tấn công trung tâm Moscow.

Vụ việc xảy ra chỉ vài ngày sau khi một máy bay ném bom tầm xa hàng đầu của Nga bị phá hủy trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine gần thành phố St Petersburg.

Dù Ukraine không cho biết họ đã thực hiện các cuộc tấn công cụ thể bằng máy bay không người lái, nhưng Tổng thống Volodymyr Zelensky trước đó đã nói rằng các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga là một “quá trình tất yếu, tự nhiên và hoàn toàn công bằng” khi cuộc chiến với Nga vẫn tiếp diễn.


Ukraina giành lại làng Robotyne, Nga bắn hạ drone ở khu vực Matxcơva (RFI)

Thứ trưởng Quốc Phòng Ukraina, hôm nay 28/08/2023, thông báo là ở mặt trận phía nam, quân đội Ukraina đã chiếm lại làng Robotyne từ lực lượng Nga.

Thứ trưởng Ganna Maliar

Thứ trưởng Ganna Maliar nói trên truyền hình Ukraina rằng Robotyne đã được giải phóng, đồng thời lực lượng Ukraina đang tiến về các khu vực nằm ở phía đông nam ngôi làng này và phía nam Mala Tokmashka. Bà Maliar, được AFP trích dẫn, cho biết : “Quân địch đang hứng chịu tổn thất nặng nề ở những vùng này, nhưng vẫn tập trung lực lượng ở đó, không rời bỏ những vị trí đã chiếm được.”

Ukraine cho biết quân đội của họ tuần trước đã giương quốc kỳ tại khu làng mang tính chiến lược và đăng video chứng minh bước tiến này. Kyiv cho biết các lực lượng của họ sau đó đã tiến hành hoạt động truy quét cho đến khi xác nhận được quyền kiểm soát hôm 28/8.

Khu dân cư cách thị trấn tiền tuyến Orikhiv ở vùng Zaporizhzhia 10km về phía nam, trên một con đường huyết mạch hướng tới Tokmak, nơi là trung tâm đường bộ và đường sắt mà Nga đang chiếm đóng.

Nếu chiếm lại được Tokmak sẽ là một cột mốc quan trọng khi quân đội Ukraine tiến về phía nam tới Biển Azov trong một nỗ lực quân sự nhằm chia rẽ lực lượng Nga sau cuộc xâm lược toàn diện của Moscow vào tháng 2/2022.

Còn ở mặt trận phía đông bắc, thứ trưởng Quốc Phòng Ukraina thừa nhận là giao tranh đang diễn ra “rất ác liệt” ở khu vực Kupyansk, nơi quân đội Nga đã giành được nhiều thắng lợi trong những tuần gần đây. Quân đội Ukraina cho biết Nga đã triển khai thêm 100.000 binh sĩ ở khu vực Kupiansk-Lyman.

AFP nhắc lại rằng quân đội Ukraina đang tiến hành một cuộc phản công rất khó khăn kể từ tháng 6.

Cũng trong ngày hôm nay, bộ Quốc Phòng Nga thông báo đã bắn hạ một drone Ukraina bay về phía Matxcơva. Chiếc drone này bị bắn hạ ở khu vực Lioubertsy, nằm ở phía đông nam thủ đô của Nga. Cơ quan Vận tải Hàng không Nga Rosaviatsia thông báo đã đóng cửa 3 sân bay thuộc vùng Matxcơva và ngưng các chuyến bay đi và đến trong lúc xảy ra vụ việc.


Lãnh đạo Wagner được chôn cất bí mật tại một nghĩa trang ở Saint-Petersburg (RFI)

Lễ an táng lãnh đạo tập đoàn bán quân sự Wagner Yevgeny Prigozhin, được cho là bị thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay, đã được tiến hành một cách « kín đáo » hôm 29/08/2023, tại một nghĩa trang ở Saint-Petersburg. Tập đoàn Wagner khẳng định, lễ tiễn biệt đã được tổ chức riêng trong vòng thân thuộc.

Một phóng viên ảnh của AFP cho biết đã nhìn thấy từ xa ngôi mộ được cho là của ông Prigozhin tại khu nghĩa trang Porokhovskoié, cực đông bắc của thủ đô hoàng gia cũ. Tuy nhiên, phóng viên này đã không thể tiếp cận khu mộ trước một hàng rào lực lượng an ninh vây quanh khu vực. 

Trên trang mạng Telegram, cơ quan truyền thông Concord của hãng Wagner khẳng định, « một lễ tiễn biệt Yevgeny Prigozhin đã được tổ chức trong vòng những người thân. Những ai mong muốn nói lời vĩnh biệt có thể đến nghĩa trang Porokhoskoié ».

Tuy nhiên theo phóng viên thường trú của báo Le Monde tại Nga, chính quyền đã tìm mọi cách để đánh lừa các nhà báo và người tò mò, đến mức, cư dân mạng gọi đây là một « chiến dịch tang lễ đặc biệt », nhái lại « chiến dịch quân sự đặc biệt », cách gọi của điện Kremlin khi xâm lược Ukraina.

Công tác chuẩn bị được thực hiện tại ba nghĩa trang khác nhau, trong số này có nghĩa trang Serafimovski, nơi yên nghỉ của song thân tổng thống Putin. Ngày giờ và địa điểm chôn cất tám người còn lại thiệt mạng trong vụ rơi máy bay cũng được giữ bí mật. 

Trong số các thủ thuật đánh lừa, chính quyền còn cho bố trí một số xe tang, dường như trống rỗng, chạy khắp Saint-Petersburg, đi từ nghĩa trang này sang nghĩa trang khác. Một buổi lễ chia tay giả cũng được tổ chức tại tòa nhà chính thức ở thành phố nhưng bị cảnh sát phong tỏa. 


Hải quân Mỹ: Phải thách thức hành vi của Trung Cộng ở Biển Đông (VOA)

“Hành vi hung hăng” của Trung Cộng ở Biển Đông, bao gồm việc lực lượng tuần duyên của Bắc Kinh dùng vòi rồng nhắm vào tàu Philippines, phải bị thách thức và kiểm soát, Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ tuyên bố ngày 27/8.

Phó Đô đốc Karl Thomas đảm bảo với Philippines về sự ủng hộ của Hoa Kỳ khi đối mặt với “những thách thức chung” trong khu vực, rằng: “Lực lượng của tôi có mặt ở đây là có lý do.”

Phó Đô đốc Karl Thomas

Là hạm đội lớn nhất được triển khai ở tiền phương của Hải quân Hoa Kỳ, Hạm đội 7, có trụ sở chính tại Nhật Bản, vận hành tới 70 tàu, có khoảng 150 máy bay và hơn 27.000 thủy thủ.

Hạm đội hoạt động trên diện tích 124 triệu km2 từ các căn cứ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

Phải thách thức những ai hoạt động trong vùng xám. Khi họ càng ngày càng tiến xa và đẩy mình, mình phải đẩy lại, mình phải ra khơi và hoạt động,” ông Thomas nói với Reuters.

Ông nói thêm: “Thực sự không có ví dụ nào sống động hơn về hành vi hung hăng hơn là hoạt động hôm 5/8 trên bãi cạn này”.

Vào ngày 5/8, một tàu tuần duyên Trung Cộng đã dùng vòi rồng chống lại một tàu Philippines chở hàng tiếp tế cho quân đội đóng trên một con tàu chiến Manila cố tình cho mắc cạn trên một bãi cạn ở Biển Đông.

Tòa đại sứ Trung Cộng tại Manila không trả lời yêu cầu bình luận.

Phó Đô đốc Thomas cho biết ông đã thảo luận với Phó Đô đốc Alberto Carlos, người đứng đầu Bộ Tư lệnh phía Tây Philippines giám sát Biển Đông, “để hiểu những khó khăn của ông ấy là gì để tìm cơ hội có thể giúp đỡ ông ấy”.

Ông Thomas, người đang ghé thăm cảng ở Manila, nói: “Chúng tôi chắc chắn chia sẻ những thách thức. Vì vậy, tôi muốn hiểu rõ hơn cách ông nhìn nhận các hoạt động mà ông chịu trách nhiệm. Và tôi muốn đảm bảo rằng ông hiểu những gì tôi có trong tay.”

Hôm 26/8, ông Thomas cho biết ông đã lên chuyến bay từ Manila “bay ra kiểm tra Biển Đông”.

Philippines đã thắng trong phán quyết của trọng tài quốc tế chống lại Trung Cộng vào năm 2016, sau khi tòa trọng tài cho rằng yêu sách sâu rộng của Bắc Kinh về chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.

Trung Cộng đã xây dựng, quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, và tuyên bố chủ quyền lịch sử của Bắc Kinh chồng chéo với các vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia.


Cổ phiếu bất động sản Evergrande của Trung Cộng khủng hoảng, lao dốc 80% (BBC)

Cổ phiếu của nhà phát triển bất động sản Trung Cộng Evergrande đang gặp khó khăn, giảm khoảng 80% khi họ bắt đầu giao dịch tại Hong Kong lần đầu tiên sau một năm rưỡi tạm dừng.

Cổ phiếu Evergrande đã mất hơn 99% giá trị trong ba năm qua khi Bắc Kinh trấn áp các công ty bất động sản.

Evergrande đang là tâm điểm của cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản, đe dọa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Vào Chủ nhật, công ty đã lỗ 33 tỷ nhân dân tệ (4,5 tỷ USD) trong sáu tháng đầu năm.

Tuy nhiên, đó là sự khởi sắc so với khoản lỗ 66,4 tỷ nhân dân tệ mà hãng đã báo cáo cùng kỳ năm trước.

 “Các giám đốc của công ty đã thực hiện một số biện pháp để cải thiện tình hình thanh khoản và tình hình tài chính của tập đoàn”, Evergrande cho biết trong hồ sơ gửi tới Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong.

Công ty nói thêm rằng doanh thu của họ trong sáu tháng đầu năm nay đã tăng 44% lên 128,2 tỷ nhân dân tệ so với một năm trước đó. Tuy nhiên, lượng tiền mặt dự trữ lại giảm 6,3% trong cùng kỳ.

Cổ phiếu Evergrande đã bị đình chỉ giao dịch kể từ tháng 3 năm ngoái.

“Chìa khóa cho các nhà hoạch định chính sách tại thời điểm này là ngăn chặn sự lây lan tài chính và hạn chế hiệu ứng lan tỏa sang hệ thống tài chính tổng thể”, Qian Wang, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại công ty đầu tư Vanguard nói với BBC.

Bà nói thêm: “Các nhà hoạch định chính sách sẽ cần cung cấp thêm hỗ trợ thanh khoản và tín dụng cho nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản”.

Các vấn đề trên thị trường bất động sản Trung Cộng làm tăng thêm lo ngại về sự phục hồi sau đại dịch của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Cũng trong hôm thứ Hai, Trung Cộng đã giảm một nửa thuế 0,1% đối với giao dịch chứng khoán để “tiếp thêm sinh lực cho thị trường vốn và tăng cường niềm tin của nhà đầu tư”. Động thái này diễn ra vài ngày sau khi ngân hàng trung ương nước này lần thứ hai cắt giảm một trong những mức lãi suất trọng yếu trong vòng ba tháng, trước tình trạng xuất khẩu và chi tiêu tiêu dùng sụt giảm.

Các chỉ số cổ phiếu chính ở Hong Kong và Trung Cộng đại lục đều giao dịch cao hơn sau tin tức này.

Tháng trước, Evergrande tiết lộ rằng trong năm 2021 và 2022, công ty đã lỗ tổng cộng 581,9 tỷ nhân dân tệ.

Đầu tháng này, Country Garden, cũng là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Cộng, đã lên tiếng cảnh báo rằng họ có thể lỗ tới 7,6 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã hạ vị trí của công ty với lý do “rủi ro thanh khoản và tái cấp vốn tăng cao”. Ngành bất động sản Trung Cộng rung chuyển khi các quy định mới nhằm kiểm soát lượng tiền mà các công ty bất động sản lớn có thể vay được đưa ra vào năm 2020.

Evergrande, từng là nhà phát triển bất động sản bán chạy nhất Trung Cộng, đã phải gánh khoản nợ hơn 300 tỷ USD khi táo bạo mở rộng để trở thành một trong những công ty lớn nhất đất nước.

Công ty đã bỏ lỡ thời hạn quan trọng vào năm 2021 do không thể thanh toán lãi cho khoản vay quốc tế trị giá khoảng 1,2 tỷ USD.

Evergrande đang nỗ lực tái đàm phán các thỏa thuận của mình với các chủ nợ sau khi không trả được nợ.

Đầu tháng này, công ty đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 15 tại tòa án ở New York.

Chương 15 bảo vệ tài sản của một công ty nước ngoài tại Hoa Kỳ trong khi công ty này tiến hành tái cơ cấu các khoản nợ của mình.

Các vấn đề tài chính của Evergrande đã ảnh hưởng đến ngành bất động sản của đất nước, với hàng loạt chủ đầu tư khác vỡ nợ và các dự án xây dựng trên khắp cả nước rơi vào tình trạng “đắp chiếu”.


Ấn Độ phản đối mạnh mẽ Trung Quốc công bố bản đồ gộp phần lãnh thổ có tranh chấp (RFI)

Hôm 29/08/2023, New Dehli gởi công hàm « kịch liệt phản đối » Bắc Kinh công bố bản đồ cho năm 2023 gộp cả những vùng lãnh thổ mà Ấn Độ cho là thuộc chủ quyền của mình, kể cả vùng lãnh thổ gần với khu vực mà hai bên đã có « ẩu đả » nhau năm 2020. 

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Ấn Độ, Arindam Bagchi, trong một thông cáo khẳng định New Dehli mạnh mẽ phản đối qua đường ngoại giao, liên quan đến điều gọi là « bản đồ chuẩn » 2023 của Trung Quốc. Ông cho rằng những xác quyết này của Trung Quốc là « không có cơ sở ». « Những biện pháp như thế do chính quyền Trung Quốc đưa ra chỉ gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp biên giới ».

Theo tuyên bố của New Dehli, hai vùng nằm trong bản đồ mới là bang Arunachal Pradesh (đông bắc) và Aksai Chin, hành lang chiến lược nối Tây Tạng với phía tây Trung Quốc, đăng trên Global Times, cơ quan ngôn luận của Trung Quốc, là thuộc về Ấn Độ.

Phản đối mạnh mẽ này của Ấn Độ được đưa ra vài ngày sau cuộc gặp trực diện hiếm hoi giữa thủ tướng Narendra Modi và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nam Phi, nhân kỳ thượng đỉnh lần thứ 15 của nhóm BRICS. Và nhất là trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa, New Dehli tổ chức thượng đỉnh G20 trong hai ngày 09-10/09/2023 với sự tham dự của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

AFP nhắc lại, cuộc đối đầu giữa lực lượng biên phòng hai nước hồi tháng 06/2020 tại thung lũng sông Galwan, sát cạnh bang Aksai Chin, đã làm thiệt mạng khoảng 20 binh sĩ Ấn và ít nhất 4 lính Trung Quốc. Bất chấp 19 vòng đàm phán giữa các quan chức quân sự cấp cao, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn dồn đóng hàng chục ngàn binh sĩ ở hai bên Lằn ranh Kiểm soát Thực tế (LAC).

Ấn Độ cũng tỏ ra lo lắng trước đà bành trướng quân sự của Trung Quốc và đường biên giới chung dài hơn 3.500 km luôn là nguồn cội những căng thẳng giữa hai nước. 


Tuần duyên Mỹ sẽ thực thi các quy định hàng hải tại vùng biển Palau (RFI)

Hoa Kỳ vừa ký một thỏa thuận mới với Palau, cho phép các tàu Mỹ đơn phương thực thi các quy định hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế của đảo quốc nhỏ bé Thái Bình Dương này, theo thông báo của lực lượng tuần duyên Mỹ hôm qua, 29/08/2023.

Theo hãng tin AFP, thỏa thuận được ký trong bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương. Hoa Kỳ cũng đáp ứng yêu cầu của tổng thống Palau muốn được Washington giúp đỡ nhằm ngăn chặn “các hoạt động không mong muốn” của Bắc Kinh ở vùng biển của Palau.

Trong thỏa thuận được ký kết cách đây một tuần, các tàu tuần duyên Hoa Kỳ có thể thay mặt Palau thực thi các quy định bên trong vùng đặc quyền kinh tế của đảo quốc này mà không cần có sự hiện diện của sĩ quan Palau.

Trong một thông cáo, tổng thống Palau, Surangel S. Whipps Jr. tuyên bố: “Thỏa thuận này giúp Palau giám sát vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi, bảo vệ chống lại hoạt động đánh bắt trái phép, không báo cáo và không theo quy định, đồng thời ngăn chặn các tàu không được mời thực hiện những hoạt động đáng ngờ trong vùng biển của chúng tôi.”

Bản thông cáo không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng vào tháng 6, tổng thống Palau tiết lộ với các phóng viên ở Tokyo rằng ba tàu Trung Quốc đã xâm nhập “mà không được mời” vào vùng biển của Palau kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2021.

Palau là một trong số ít quốc gia vẫn công nhận Đài Loan và duy trì quan hệ ngoại giao với hòn đảo này.

Căng thẳng đang gia tăng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương do Trung Quốc muốn áp đặt các yêu sách chủ quyền trong khu vực, buộc Mỹ và các đồng minh phải có các hành động đáp trả.

Vào tuần trước, hai tàu Philippines, với sự điều khiển của máy bay giám sát của hải quân Hoa Kỳ, đã vượt qua vòng phong tỏa của lực lượng hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông để tiếp tế cho lực lượng Philippines bảo vệ một bãi đá đang có tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh.


Quân đội Mỹ đàm phán với Philippines để xây cảng ở đảo trọng yếu (VOA)

Quân đội Mỹ đang đàm phán để xây dựng một cảng dân sự ở các hòn đảo cực bắc xa xôi của Philippines, tỉnh trưởng địa phương và hai quan chức khác nói với Reuters, động thái này sẽ củng cố khả năng tiếp cận của Mỹ với các hòn đảo có vị trí chiến lược đối diện Đài Loan.

Sự tham gia của quân đội Hoa Kỳ vào cảng được đề xuất ở quần đảo Batanes, cách Đài Loan chưa đầy 200 km có thể gây căng thẳng vào thời điểm Mỹ va chạm ngày càng nhiều với Trung Quốc và Washington nỗ lực tăng cường sự hợp tác lâu đời theo hiệp ước quốc phòng với Philippines.

Kênh Ba Sĩ giữa các đảo này và Đài Loan được coi là nút cổ chai đối với tàu bè di chuyển giữa Tây Thái Bình Dương và Biển Đông và là tuyến đường biển quan trọng trong trường hợp Trung Quốc xâm lược Đài Loan. Quân đội Trung Quốc thường xuyên đưa tàu và máy bay đi qua kênh này, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết.

Cuộc tập trận đổ bộ hỗn hợp giữa quân đội Phi và Hoa Kỳ (Minh họa)

Marilou Cayco, tỉnh trưởng quần đảo Batanes, nói với Reuters qua tin nhắn rằng bà đã tìm kiếm ngân sách từ Mỹ để xây dựng một ‘cảng thay thế’ ở đó, nhằm hỗ trợ bốc dỡ hàng hóa chuyển đến từ thủ đô Manila, trong thời gian biển động trong mùa mưa.

Bà cho biết kế hoạch là xây một cảng trên đảo Basco, nơi chính quyền địa phương cho biết sóng cao thường khiến tàu bè không vào cảng hiện tại được và quyết định có thể được đưa ra vào tháng 10.

Philippines trong năm qua đã tăng gần gấp đôi số lượng căn cứ quân sự mà các lực lượng Mỹ có thể tiếp cận, trên danh nghĩa là để hỗ trợ nhân đạo, và cũng có hàng ngàn binh lính Mỹ ở nước này tại bất kỳ thời điểm nào, họ luân phiên trú đóng cho các cuộc tập trận chung. Trung Quốc nói rằng những động thái này của Mỹ đang ‘châm ngòi’ căng thẳng trong khu vực.

Hai quan chức Philippines khác yêu cầu giấu tên vì họ không được phép nói chuyện với truyền thông, cho biết quân đội Mỹ gần đây đã đến thăm Batanes để thảo luận việc xây cảng.

Một quan chức quân sự cấp cao cho biết các lực lượng vũ trang Philippines quan tâm đến radar và cải thiện khả năng giám sát trong khu vực.

Ông Cayco xác nhận có chuyến thăm này và nói rằng họ đến ‘để đánh giá’ đề án xây cảng thay thế.

Kanishka Gangopadhyay, phát ngôn nhân của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Manila, cho biết Đại sứ quán và các chuyên gia của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Quân đội Mỹ (USARPAC) đã tiếp xúc với tỉnh trưởng và chính quyền địa phương, ‘theo yêu cầu của họ, để thảo luận về cách USARPAC có thể hỗ trợ các dự án kỹ thuật, y tế và phát triển nông nghiệp trong tỉnh’.

Ông không nhắc cụ thể đến cảng này.

Tổng thống Philippines tiền nhiệm, ông Rodrigo Duterte, đã đe dọa bãi bỏ liên minh Mỹ-Philippines và xích lại gần hơn với Bắc Kinh nhưng quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đã trở nên căng thẳng dưới thời Tổng thống đương nhiệm, ông Ferdinand Marcos Jr.

Tổng thống Marcos muốn có quan hệ chặt chẽ hơn với Washington. Ông đã cho phép Washington tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự, bao gồm một số căn cứ gần Đài Loan, mặc dù không ở quần đảo Batanes, và tuyên bố các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông.

Ông Marcos cho biết các căn cứ theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) có thể hữu ích nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan.


Đồng rúp hụt hơi: Kinh tế Nga xuống dốc, chiến tranh Ukraina sẽ sớm kết thúc ? (RFI)

Libération hôm nay 28/08/2023 nhận định « Một năm rưỡi sau khi khởi đầu cuộc chiến tranh ở Ukraina, đồng rúp bị hụt hơi ». Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất chỉ đạo từ 8,5 % lên 12,5 % để cố gắng ngăn đồng rúp bị sụt giá tiếp. Nhiều nhà kinh tế nhận định tình trạng này cho thấy viễn cảnh không mấy gì tốt đẹp cho nước Nga, có người không hiểu tại sao phương Tây không nhân đó trừng phạt thêm.

Đồng rúp sẽ còn mất giá

Không mấy ai ngạc nhiên, vì từ đầu năm, đồng rúp đã bị mất giá 25 % so với đô la Mỹ, vượt ngưỡng 100 rúp đổi 1 đô la. Giáo sư Oleg Itskhoki của đại học California giải thích : « Đồng rúp sụt giá vì vốn đầu tư rút đi nhiều hơn thặng dư thương mại ». Tư bản chạy khỏi Nga từ đầu cuộc xâm lăng, nhưng thặng dư thương mại rất cao vào mùa xuân 2022 do những biện pháp trừng phạt đầu tiên khiến giá nguyên vật liệu của Nga tăng cao, còn nhập khẩu ít đi. Do đó đồng rúp vào tháng 6/2022 ở mức cao nhất kể từ bốn năm.

Từ mùa hè vừa qua, xuất khẩu bắt đầu đi xuống còn nhập khẩu tăng nên thặng dư thương mại giảm, nhưng vốn đầu tư tiếp tục ra đi. Thế nên việc đồng rúp mất giá là xu hướng kéo dài chứ không phải nhất thời, và vụ nổi loạn của Yevgeny Prigozhin hồi tháng Sáu càng đẩy nhanh hơn quá trình. Việc phương Tây áp đặt trần giá 60 euro/thùng dầu khiến giá bán của Nga giảm mất 40 % so với năm 2022.

Nguồn thu từ năng lượng ít đi là vấn đề lớn cho nỗ lực chiến tranh của Nga. Theo Viện Kinh tế Gaidar ở Matxcơva, trong 5 tháng đầu năm nay chính quyền Nga chi cao hơn 50 % so với cùng kỳ năm 2021. Tuần báo The Economist ước tính ngân sách Nga đã phải chi thêm 5.000 tỉ rúp (63 tỉ euro) cho vũ khí. Bán đảo Crimée và những vùng giáp giới với Ukraina được lợi về kinh tế nhờ đầu tư quân sự, tuy nhiên cư dân gần như hàng ngày phải chịu đựng những vụ tấn công của Ukraina bằng rốc-kết và drone.

Chỉ có cách « làm chư hầu cho Trung Cộng hay nhờ cậy vùng Vịnh »

Chi nhiều nhưng nguồn thu từ dầu khí ít đi dẫn đến thâm hụt ngân sách, cần phải vay nợ. Cho dù có thể dựa vào Ngân hàng Trung ương và 585 tỉ dự trữ bằng vàng, ngoại tệ, cuộc chiến tiêu tốn rất nhiều và kéo dài không biết đến bao giờ. Chuyên gia Julien Vercueil của Inalco lưu ý : Dù Nhà nước Nga nợ ít, nhưng ít có khả năng vay mượn, « trừ phi làm chư hầu cho Trung Cộng hay nhờ cậy các nước vùng Vịnh».

Từ đầu cuộc xâm lăng, Nga cố tự cung tự cấp, một chiến lược « kỹ nghệ hóa đảo ngược ». Tuy nhiên chỉ có 30 % doanh nghiệp tìm được sản phẩm nội địa thay thế hàng nhập từ phương Tây, có nghĩa là Nga tiếp tục lệ thuộc đến hai phần ba. Việc quay sang nhập hàng châu Á khiến giá thành tăng mà chất lượng giảm. Đặc biệt trong nhiều lãnh vực, công nghệ phương Tây tân tiến hơn rất nhiều so với thị trường châu Á. Theo giáo sư Maria Demertzis ở Florence, Nga không thể tự sản xuất tất cả và nhiều loại hàng sẽ có chất lượng tệ hơn nhưng giá mắc hơn.

Bên cạnh đó, tăng cường sản xuất còn vấp phải vấn đề thiếu nhân công. Tại Saint-Pétersbourg, các xưởng may không tìm được công nhân có tay nghề và vật liệu để đáp ứng những đơn đặt hàng quân phục ồ ạt. Ở vùng công nghiệp Sverdlovsk, một nhà máy xe tăng mới đây phải nhận hàng trăm tù nhân ở địa phương vào làm việc để đạt chỉ tiêu.

Kinh tế có thể là yếu tố giúp chấm dứt chiến tranh

Tình hình còn tệ hơn trong những ngành kỹ nghệ dân sự. Hàng ngàn người đã bị đưa ra mặt trận, nhiều người khác chạy trốn từ đầu cuộc chiến. Sử dụng lao động nhập cư cũng phức tạp vì trừng phạt khiến họ không thể gởi tiền về nước.

Kinh tế gia Liam Peach của Capital Economics phân tích, hầu như không còn cung trong nền kinh tế Nga, và kết quả tất nhiên là lạm phát. Nhà kinh tế Oleg Itskhoki kinh ngạc khi phương Tây không nhân lúc Nga đang yếu đi để trừng phạt thêm. Ông nhấn mạnh : « Đây chính là lúc kinh tế Nga đặc biệt dễ tổn thương. Cho đến mùa hè này, chúng tôi không nghĩ rằng kinh tế là nhân tố có thể làm kết thúc chiến tranh. Nhưng giờ đây ngày càng rõ là như vậy ».

Tuy Nga còn lâu mới sụp đổ như bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire dự báo vào lúc cuộc chiến mới bắt đầu, nhưng ngày càng chịu đựng kém hơn trước những đòn cấm vận từ các đồng minh của Ukraina và cái giá của cuộc chiến – mà chính mình đã gây ra, khi xâm lăng nước láng giềng cách đây 18 tháng.


Tin Việt Nam.

Kinh Tế thụt lùi, “ghế” của ông Chính chênh vênh

Một bài phân tích thời sự Việt Nam của báo tài chính Bloomberg ngày Thứ Hai 28 Tháng Tám ngụ ý “Sinh mệnh chính trị của ông Thủ tướng csVN Phạm Minh Chính chênh vênh theo sự trồi sụt của nền kinh tế đang thụt lùi”.

Kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 3.72% nửa đầu năm 2023, mức độ thấp nhất trong suốt một thập niên qua, dĩ nhiên không kể các năm 2020 và 2021 khi nước này gần phải ngừng mọi hoạt động sản xuất để chống dịch COVID-19. Thay vì giảm mục tiêu tăng trưởng, ông Chính lại thúc ép cả chính phủ và ngân hàng trung ương chạy đua để đạt mục tiêu.

Trong tháng này ông Chính đã ra lệnh cho các cơ quan chính phủ đẩy mạnh kế hoạch đầu tư công với nỗ lực có thể giúp nền kinh tế tăng trưởng tới 9% trong nửa sau của năm nay. Ông đã thúc ngân hàng trung ương nới lỏng việc cấp phát tín dụng cũng như hạ lãi suất căn bản tới 5 lần kể từ đầu năm.

Việc thúc ép quá đáng này đã khiến một phó thống đốc ngân hàng nhà nước (Đào Minh Tú), phát biểu tại một hội nghị hồi Tháng Bảy là việc cắt giảm lại suất không phải là “đôi đũa thần” mà nó chỉ là “công cụ hỗ trợ” cho nền kinh tế. Trong chế độ toàn trị Việt Nam, thống đốc ngân hàng tương đương bộ trưởng, phó thống đốc tương đương cấp bậc thứ trưởng, tức thuộc cấp của ông thủ tướng. Lời phát biểu như vừa kể có thể kể như phản ứng lại lệnh lạt cấp trên.

Hai ông phó thủ tướng của ông đã bị đánh văng ra ngoài (Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam) cuối năm ngoái. Đến đầu năm nay thì ông chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng bị “thôi chức” dù ông này là một trong những người đang nhòm ngó cái ghế tổng bí thư mà ông Nguyễn Phú Trọng nay đã 79 tuổi lại bệnh hoạn, sắp phải về vườn.

Tại đại hội đảng hai năm trước, ông Trọng đã được “bầu” ngồi lại tới nhiệm kỳ thứ ba, khó lòng ngồi thêm nhiệm kỳ nữa. Tiếp theo chuyện Nguyễn Xuân Phúc bị đẩy ra khỏi hệ thống quyền lực, Võ Văn Thưởng, tay ủy viên Bộ chính trị trẻ nhất với 52 tuổi, ngồi thay Phúc tại ghế Chủ tịch nước, nhiều phần sẽ là kẻ đứng đầu danh sách thay thế Nguyễn Phú Trọng khi có đại hội đảng đầu năm 2026.

“Họ phải đạt sự đồng thuận khi chọn người kế nhiệm nên có lẽ họ phải loại bỏ bất cứ ai chống lại người được ông Trọng lựa chọn (kế vị).” Phân tích gia Lê Hồng Hiệp tại Viện nghiêm cứu ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore nhận định rằng một số đảng viên muốn ông Chính bị hất cẳng “vì nếu ông ấy vẫn còn ngồi đó, ông ta có thể là chướng ngại”.

Vì vậy, lý do không đạt chỉ tiêu kinh tế chế độ đã đề ra từ đầu năm sẽ được đánh giá sự thành công hay thất bại của ông Chính khi điều hành chính phủ.


Việt Nam y án đối với hai ông Bùi Tuấn Lâm, Trần Văn Bang

Hôm 30/8, Tòa án Cấp cao ở Đà Nẵng y án 5 năm rưỡi tù và 4 năm quản chế đối với nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm, một ngày sau tòa tương tự ở Saigon cũng y án 8 năm tù và 3 năm quản chế đối nhà hoạt động Trần Văn Bang.

Nhà chức trách cho rằng ông Lâm đã soạn thảo, đăng tải 19 bài viết lên trang mạng xã hội Facebook cá nhân và 25 video, bài viết lên mạng xã hội Youtube “với nội dung không đúng sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ, phỉ báng Đảng, Nhà nước”.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, vợ ông Lâm, viết trên Facebook sau phiên xử: “Vở kịch hôm nay họ diễn xong. Bùi Tuấn Lâm [bị] y án”.

Luật sư Lê Đình Việt cho VOA biết thêm rằng ông không được gặp thân chủ hôm 29/8, mặc dù đã đến trại giam Công an Tp. Đà Nẵng và chờ hàng giờ ở đó.

“Việc bác kháng cáo của ông Trần Văn Bang và ông Bùi Tuấn Lâm trong tuần này có nghĩa là hai nhà hoạt động này sẽ phải ngồi tù nhiều năm chỉ vì chỉ trích chính quyền Việt Nam”, bà Bryony Lau, Phó Giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nêu nhận định qua tin nhắn với VOA hôm 30/8.

Trước phiên xử, HRW và tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) hôm 28/8 kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông Bang và ông Lâm “Việt Nam phải chấm dứt việc giam giữ các nhà hoạt động chỉ vì họ thực hiện quyền tự do ngôn luận và trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người bị giam giữ tùy tiện”.

Công an Việt Nam bắt giữ ông Trần Văn Bang vào tháng 3/2022 và bắt ông Bùi Tuấn Lâm vào tháng 9/2022, rồi cáo buộc cả hai tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ Luật Hình sự. Hồi tháng 5, trong hai phiên tòa riêng biệt, ông Bang bị tuyên 8 năm tù và ông Lâm Bùi Tuấn Lâm bị tuyên 5 năm rưỡi tù.

Vẫn theo HRW, chính quyền Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất là 159 người, vì đã thực thi các quyền tự do cơ bản. 23 người khác đang bị tạm giam chờ xét xử với các cáo buộc ‘‘mang động cơ chính trị’’. Ông Robertson chỉ trích : “Sự vi phạm trắng trợn các nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền của chính quyền Việt Nam còn trở nên nghiêm trọng hơn vì Việt Nam hiện đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc’’


Ngư dân Việt Nam tố cáo tàu Trung cộng tấn công, gây thương tích ở Hoàng Sa

Một số ngư dân ở Quảng Ngãi hôm 30/8 trình báo với cơ quan chức năng Việt Nam rằng tàu cá của họ đã bị tàu hải cảnh Trung cộng truy đuổi và dùng vòi rồng tấn công trong khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa, khiến 2 ngư dân trên tàu bị gãy tay và chấn thương vùng đầu, còn tàu cá cùng thiết bị hàng hải của họ bị cháy và hư hỏng nặng.

Tàu đáng cá của ngư dân Quảng Ngãi (Ảnh minh họa)

Tàu này sau đó tiếp tục truy đuổi, phun vòi rồng, áp sát liên tục và tìm cách lên tàu cá của các ngư dân. Mãi đến 3 giờ chiều cùng ngày tàu hải cảnh Trung cộng mới bỏ đi.

Lúc này, tàu cá của các ngư dân đã hư hỏng rất nặng, trong đó nhiều chỗ trên tàu làm bằng gỗ và kính bị vỡ vụn, có dấu hiệu chìm. May nhờ có máy bơm nước trên tàu nên các ngư dân đã kịp hút nước ra.

Sau đó, một tàu sắt khác của Trung cộng mang số hiệu 4104 tiến lại gần, yêu cầu được lên tàu cá để cứu chữa cho các ngư dân. Thấy những người trên tàu Trung cộng mang vũ khí, các ngư dân lo sợ bị bắt giữ nên đã từ chối và chạy về đất liền vào tối 29/8.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi hôm 30/8 cho biết sẽ trình báo lên cơ quan chức năng cấp trên để điều tra, làm rõ vụ việc.

Đây là vụ tấn công mới nhất trong rất nhiều vụ tàu Trung cộng tấn công, rượt đuổi, gây hư hại tài sản và thương tích cho ngư dân Việt Nam.

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, chỉ trong tháng 8 này, ngoài vụ tàu cá QNg 90495 TS mới bị tấn công, có hai tàu cá khác cũng bị “tàu nước ngoài” tấn công là tàu QNg 90648 TS với 12 ngư dân của chủ tàu Trương Thị Bích Chi và tàu cá QNg 95961 TS với 10 ngư dân của chủ tàu Nguyễn Văn Quang. (VOA)


Bài liên quan:
  • Tin Cuối Tuần (27-28-Apr-2024)
  • Ngân Hàng Republic First Bank Phá Sản
  • Đảng Cộng sản Thất Bại Trong Cuộc Đàn Áp Đức Tin
  • Dự Luật Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Cho Phép Hoa Kỳ Gửi Thêm Vũ Khí Tới Israel, Ukraine
  • Tỷ Lệ Tín Nhiệm Trong Ba Tháng Vừa Qua Của Biden Xuống Thấp Nhất
  • Ủy Viên Hội Đồng Thành Phố New York Phản Đối ‘Phong Trào Ủng Hộ Khủng Bố’
  • Tây Phương Cần Thoái Vốn Khỏi Trung Cộng Để Ngăn Chặn Chiến Tranh Không Gian
  • Châu Âu Cho Rằng Trung Cộng Là Nền Kinh Tế Quốc Doanh
  • Sản Phẩm Mang Thương Hiệu Nổi Tiếng Bị Nghi Ngờ Do Tù Nhân Sản Xuất
  • Ngoại Trưởng Blinken Nêu Vấn Đề Nhân Quyền Trong Chuyến Công Du Trung Cộng
  • Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken Lo Ngại Về Các Hoạt Động Thương Mại Không Công Bằng Của Trung Cộng
  • Việt Nam: Sài Gòn, Bình Dương Cháy Lớn
  • Đài Loan Hợp Tác Với Các Công Ty Kỹ Nghệ Hoa Kỳ Để Sản Xuất Máy Bay Điều Khiển Từ Xa
  • Nhật Bản Mở Rộng Quân Sự Vượt Quá Ranh Giới Hiến Pháp
  • Hàng Trăm Ngàn Người Tuần Hành Ủng Hộ Palestine Hôm Thứ Bảy
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 22-23-24/4/2024.
  • Hạ Viện Mỹ thông qua khoản viện trợ 61 tỷ đô la: Ukraina ăn mừng, Nga lên án (RFI)
  • Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố gởi vũ khí cho Ukraina “ngay từ tuần này”
  • Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân: Nguy cơ leo thang với Nga
  • Ukraina dùng drone tấn công các cơ sở năng lượng và nhà máy luyện kim trên lãnh thổ Nga
  • Nhân viên nghị viện EU bị bắt ở Đức vì làm gián điệp cho Trung Cộng
  • Mỹ - Philippines khởi động cuộc tập trận Balikatan ở Biển Đông
  • LHQ muốn một cuộc điều tra quốc tế về các hố chôn tập thể tại một bệnh viện ở Gaza
  • Ngoại trưởng Mỹ đến gây sức ép với Trung Cộng nhưng vẫn cố giữ ổn định
  • Bắc Triều Tiên tập trận tấn công hạt nhân, Nam Hàn dọa "xóa sổ" chế độ Bình Nhưỡng
  • Trợ lý bị bắt, Vương Đình Huệ liệu có lâm nguy?
  • World Bank: Kinh tế Việt Nam đang dần ‘phục hồi’
  • Hạn hán kéo dài khiến khoảng 77.000 trẻ ở Việt Nam không có nước sạch
  • CSVN phạt tù 10 người vì tham gia tổ chức “phản động” ở Mỹ
  • Tin Cuối Tuần (20-21-Apr-2024)
  • Đề Nghị Truất Phế Chủ Tịch Hạ Viện Johnson ‘Sắp Được Đưa Ra’
  • Ông Bill Barr Cho Biết Tại Sao Ông Ủng Hộ Cựu TT Trump Nhiều Hơn TT Biden
  • Thời Tổng thống Biden, Lạm Phát Kéo Dài Và Việc Làm Suy Giảm
  • Các Cuộc Thăm Dò Không Cho Biết Về Sự Dẫn Đầu Của Cựu TT Trump
  • Số Phận Các Tỷ Phú Của Trung Cộng, Sụt Giảm, Phá Sản, Hoặc Bị Bắt Giữ
  • Chủ Nghĩa Tư Bản Trung Cộng Đang Bóp Méo Thị Trường Toàn Cầu
  • TT Biden Kêu Gọi Tăng Gấp Ba Lần Thuế Quan Đối Với Nhôm Thép Trung Cộng
  • Thủ Tướng Đức Vận Động Trung Cộng Chơi Công Bằng Trên Thị Trường EU
  • Trung Cộng Đóng Góp Cho Ngành Kỹ Nghệ Quốc Phòng Nga
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 15-16-17/4/2024.
  • Hai chục nước mua đạn pháo ngoài châu Âu để cung cấp cho Ukraina
  • Chiến tranh Ukraina: Lãnh đạo AIEA báo động nguy cơ tai nạn hạt nhân ở Zaporijjia
  • Quân đội Israel tuyên bố sẽ đáp trả cuộc tấn công của Iran
  • Lần đầu tiên quyết định oanh kích trực tiếp Israel: Iran được gì, mất gì?
  • Mỹ-EU chuẩn bị trừng phạt thêm Iran, Anh và Đức thuyết phục Israel ‘"kiềm chế"
  • Úc công bố Chiến lược Quốc phòng đầu tiên để đối phó Trung Cộng
  • BT Quốc Phòng Mỹ, Trung nối lại đối thoại: Biển Đông và Đài Loan là trọng tâm
  • Hạ viện Mỹ có thể bỏ phiếu về viện trợ cho Ukraine, Israel trong tuần này
  • Mỹ và Việt Nam quan ngại về dự án kênh đào do TC tài trợ ở Cam Bốt
  • Reuters: Việt Nam bơm tới 24 tỷ USD để giải cứu ngân hàng SCB bị chìm trong vụ lừa đảo khổng lồ
  • Việt Nam bắt thêm các lãnh đạo tập đoàn vì ‘đưa, nhận hối lộ’
  • CSVN phạt một phụ nữ 12 năm tù vì tham gia tổ chức ‘khủng bố’ ở Mỹ
  • Số người Việt vượt eo biển Manche vào Anh là đông nhất
  • Tin Cuối Tuần (13-14-Apr-2024)
  • TT Biden Tìm Cách Giảm Căng Thẳng Cuộc Xung Đột Giữa Iran Và Israel
  • Hạ Viện Sẽ Cố Gắng Về Gói Tài Trợ Cho Israel
  • Trung Cộng Có Mối Liên Hệ Với Tội Phạm Có Tổ Chức
  • Đảng Dân Chủ Sử Dụng Chiến Lược Ít Được Biết Đến Để Giành Chiến Thắng Trong Năm 2024
  • Cựu Đại Sứ Hoa Kỳ Làm Gián Điệp Cho Cuba Lãnh 15 Năm Tù
  • Cuộc Điện Đàm Giữa Ông Biden Và Ông Tập Không Làm Thay Đổi Được Bất Cứ Điều Gì
  • Trung Cộng Đẩy Mạnh Xuất Cảng Khiến Các Nhà Đầu Tư Ngoại Quốc Lo Lắng
  • CEO Apple Đến Hà Nội, Thăm Việt Nam Trong 2 Ngày
  • Iran Không Kích Israel, Phóng Hàng Loạt Máy Bay Không Người Lái
  • 3 Con Trai Của Thủ Lĩnh Hamas Haniyeh Thiệt Mạng Trong Cuộc Không Kích Của Israel
  • Nhật Bản Có Thể Sẽ Gia Nhập Liên Minh AUKUS Chống Bắc Kinh
  • Nữ Ký Giả Trung Quốc Bị Trục Xuất Khỏi Thụy Điển Từng Kể Về Gia Cảnh Bị ĐCSTQ Bức Hại
  • Vương Quốc Anh Sẽ Không Bao Giờ Giao Quyền Lực Cho WHO