Tin Thế Giới.

Ngoại trưởng Mỹ đến Kiev để khẳng định ủng hộ cuộc phản công của Ukraina (RFI)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bất ngờ đến Kiev ngày 06/09/2023, bắt đầu chuyến công du hai ngày để khẳng định sự ủng hộ của Washington đối với chiến dịch phản công của Ukraina. Hoa Kỳ sẽ viện trợ thêm hơn 1 tỉ đô la cho Kiev trong bối cảnh có nhiều nghi ngại về sự ủng hộ của Mỹ, cũng như về « hiệu quả » cuộc phản công của Ukraina.

Theo một quan chức bộ Ngoại Giao Mỹ được AFP trích dẫn, trong chuyến công du Ukraina lần thứ 4 này, ông Blinken sẽ gặp tổng thống Volodymyr Zelensky, ngoại trưởng Dmitro Kuleba, nhiều quan chức cấp cao và đại diện xã hội dân sự. Washington muốn thảo luận với chính quyền Kiev về tiến triển của cuộc phản công, những nhu cầu quân sự, cũng như mọi biện pháp để bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng của Ukraina trước mùa đông.

Về tình hình chiến sự, sáng sớm 06/09, Nga lại oanh kích Kiev. Theo cơ quan quân sự thủ đô, toàn bộ « tên lửa hành trình » và « tên lửa đạn đạo » trong vụ tấn công đã bị hệ thống phòng không Ukraina bắn hạ trước khi đến mục tiêu. Hiện tại, chưa có ghi nhận thiệt hại về người và vật chất. Matxcơva chưa bình luận về cuộc tấn công. Ngoài Kiev, Nga cũng dùng drone tấn công thành phố cảng Odessa, miền nam Ukraina, khiến 1 người thiệt mạng.

Rumani quan ngại Nga tấn công sát biên giới

Từ tháng 07, sau khi thỏa thuận ngũ cốc bị đình chỉ, Nga liên tục oanh kích các hải cảng ở tây nam Ukraina, gần biên giới với Rumani. Theo Kiev, nhiều drone tự sát của Nga đã nổ và rơi trên lãnh thổ Rumani trong đêm 03 rạng sáng 04/09. Trong cuộc họp báo ngày 05/09 với thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, tổng thống Klaus Iohannis phủ nhận thông tin trên, nhưng không che giấu lo ngại :

« Không một mảnh vỡ nào, không một drone nào hay không một bộ phận nào rơi xuống Rumani. Chúng tôi kiểm soát hoàn toàn không phận quốc gia. Chúng tôi đã kiểm trả tất cả và chúng tôi có thể trấn an người dân. Không có gì rơi xuống Rumani. Nhưng đúng, chúng tôi lo ngại, bởi vì những vụ tấn công đó xảy ra rất gần biên giới Rumani. Ngay hôm nay (05/09), bộ trưởng Quốc Phòng của chúng tôi báo cho tôi biết là nhiều cuộc tấn công đã được xác nhận xảy ra cách biên giới nước chúng tôi có 800 mét. Có nghĩa là rất, rất gần ».

Hơn một năm chiến tranh đã khiến Ukraina trở thành quốc gia có số nạn nhân bom chùm nhiều nhất thế giới. Năm 2022, Ukraina có 890 người bị thiệt mạng hoặc bị thương vì bom chùm, chiếm khoảng 4/5 tổng số nạn nhân (1.172 người, chủ yếu là dân thường) trên khắp thế giới. Trong báo cáo công bố ngày 05/09, liên minh các tổ chức phi chính phủ do Human Rights Watch (Quan Sát Nhân Quyền) chủ trì, cho biết Nga sử dụng phổ biến loại vũ khí này từ khi xâm lược nước láng giềng vào tháng 02/2022.


Thỏa thuận ngũ cốc Ukraina vẫn bế tắc sau cuộc gặp Putin – Erdogan (RFI)

Kết thúc cuộc gặp với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Sochi, tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 04/09/2023, nhắc lại lập trường « bất di bất dịch » : Thỏa thuận ngũ cốc chỉ được khôi phục một khi phương Tây đáp ứng các yêu cầu của Matxcơva về xuất khẩu nông sản Nga.

Trước giới báo chí, tổng thống Nga nhấn mạnh, nếu những cam kết được tôn trọng, Nga có thể trở lại bàn đàm phán « trong vòng vài ngày ». Theo AP, tuyên bố này của ông Putin đã làm tiêu tan hy vọng rằng hội đàm của ông với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp khôi phục một thỏa thuận được coi là quan trọng đối với nguồn cung lương thực cho thế giới, đặc biệt là cho châu Phi, Trung Đông và châu Á.

Tuyên bố cứng rắn này của nguyên thủ quốc gia Nga còn là một thất bại của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực thuyết phục Matxcơva trở lại với thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.

Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer tường thuật :

“Recep Tayyip Erdogan từng hứa rằng, khi đến Sochi, ông sẽ có một thông báo “rất, rất quan trọng cho thế giới” về ngũ cốc Ukraina, sau cuộc gặp của ông với Vladimir Putin. Vài giờ sau, chính một tổng thống Nga kiên quyết xuất hiện trước các ống kính, tố cáo Ukraina và phương Tây đã “đánh lừa” đất nước ông với thỏa thuận ngũ cốc này.

Về phần mình, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đành phải bằng lòng với những phát biểu lạc quan. Ông Erdogan bày tỏ hy vọng : “Tôi nghĩ rằng có thể đạt được nhiều kết quả. Tôi tin rằng chúng ta sẽ sớm có được một giải pháp“. Ông nói đến những đề xuất mới, được soạn thảo với sự tham vấn Liên Hiệp Quốc” để khôi phục thỏa thuận.

Vladimir Putin yêu cầu hủy bỏ các rào cản đối với xuất khẩu nông sản Nga. Recep Tayyip Erdogan tán thành yêu cầu đó, nhưng ông không có đủ lập luận để thuyết phục đồng nhiệm Nga. Trên thực tế, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không thể đưa ra một sự nhượng bộ, một sự bảo đảm nào, vì điều đó không phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên duy nhất của khối NATO không trừng phạt Nga về cuộc chiến ở Ukraina. Như một lời thừa nhận bất lực, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, xin trích, Ukraina phải “dịu bớt lập trường của mình” để Nga trở lại với thỏa thuận.”


ASEAN họp thượng đỉnh vẫn với hai hồ sơ chính là Miến Điện và Biển Đông (RFI).

Lãnh đạo các nước ASEAN họp thượng đỉnh lần thứ 43 tại Jakarta, Indonesia ngày 05/09/2023. Biển Đông và Miến Điện vẫn là hai chủ đề chính gây bất đồng tại thượng đỉnh. Phát biểu khai mạc thượng đỉnh, tổng thống Joko Widodo khẳng định, Indonesia, với tư cách là chủ tịch luân phiên, ưu tiên và tôn trọng giá trị bình đẳng giữa các nước ASEAN và tiếp tục đoàn kết để đối phó với mọi thách thức trên thế giới.

Theo trang web ASEAN Indonesia 2023, tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh đến « đoàn kết » của ASEAN trong việc xử lý nhiều hồ sơ nhưng cũng lưu ý « đoàn kết không có nghĩa là thiếu sự khác biệt về quan điểm ». Ý ông muốn nói đến những chỉ trích về bất đồng của khối trong các hồ sơ lớn như Biển Đông, Miến Điện, sự cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ-Trung trong vùng.

Tổng thống Indonesia tái khẳng định « ASEAN không chấp nhận trở thành bên ủy nhiệm của bất kỳ cường quốc nào » và « hợp tác với tất cả các nước vì hòa bình và thịnh vượng ». Ông cảnh cáo « đừng biến ASEAN thành một đấu trường cạnh tranh hủy diệt, mà hãy biến ASEAN thành vùng đất phồn thịnh cho hợp tác ».

Về tình hình Miến Điện, theo AFP, các nhà lãnh đạo ASEAN đã lên án trình trạng bạo lực và các cuộc tấn công thường dân ở Miến Điện, đồng thời cáo buộc trực tiếp tập đoàn quân sự cầm quyền. Nước chủ tịch luân phiên thừa nhận « có rất ít tiến bộ trong kế hoạch hòa bình (5 điểm) đã được nhất trí ».

Còn theo dự thảo thông cáo chung mà AFP tham khảo được, phần dành nói về Miến Điện vẫn để trống, cho thấy các nước không đồng thuận về cuộc khủng hoảng kéo dài hai năm nay. Philippines sẽ thay Miến Điện làm chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2026. Điều này cho thấy « thái độ thực dụng » để lịch trình hoạt động của khối không bị kẹt theo cuộc khủng hoảng Miến Điện.

Về tình hình Biển Đông, các nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ quan ngại về những « sự cố nghiêm trọng và hoạt động gần đây ở trên biển », dù không chỉ trích hoạt động gây hấn của tầu thuyền Trung Cộng, đặc biệt đối với Philippines. Theo dự kiến, thời hạn 2026 cũng được ấn định để đúc kết bộ Quy tắc Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC), mà đàm phán đã bị bế tắc từ năm 2011.

Les Echos nhận thấy các nước thành viên họp thượng đỉnh ở Indonesia đang bị chia rẽ trước áp lực Trung Cộng. Trong bối cảnh đối địch Mỹ-Trung, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á không xác định được phương án chung nhằm đối phó với tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh. Cuối tháng Tám, chỉ vài ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh ASEAN khai mạc tại Jakarta, Bắc Kinh tung ra tấm bản đồ trong đó gộp luôn nhiều lãnh thổ của các nước láng giềng và nhất là hầu như toàn bộ Biển Đông.Malaysia, Việt Nam và nhất là Philippines giận dữ phản đối, đề nghị các đối tác cùng lên án đồng thời kêu gọi Trung Cộng tôn trọng luật pháp quốc tế. Manila cực lực tố cáo vụ tuần duyên Trung Cộng dùng vòi rồng tấn công tàu tiếp liệu của Philippines tại một đảo nhỏ cách xa Hoa lục đến 1.200 kilomet trong tháng Tám.


La Habana tố cáo Nga tuyển mộ người Cuba cho chiến trường Ukraina (RFI)

Chính phủ Cuba hôm 04/09/2023, cho biết đã phát hiện một “mạng lưới buôn người” của Nga nhằm tuyển mộ người Cuba cho “các hoạt động quân sự ở Ukraina” và đã truy tố hình sự những người liên quan.

Theo AFP, bộ Nội Vụ Cuba cho biết “đang nỗ lực vô hiệu hóa và triệt phá mạng lưới buôn người hoạt động từ Nga để tuyển mộ các công dân Cuba sống ở đó, và thậm chí đưa một số người từ Cuba vào những lực lượng tham gia các hoạt động quân sự ở Ukraina”.

Trên mạng xã hội X (tiền thân là Twitter), ngoại trưởng Bruno Rodriguez khẳng định chính phủ Cuba “sử dụng pháp luật” chống lại các hoạt động này và cho biết đã tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự đối với những người liên quan, nhưng không đưa ra thông tin chi tiết. Ông Rodriguez nhấn mạnh La Habana dứt khoát không chấp nhận việc tuyển mộ lính đánh thuê và nhắc lại Cuba không tham gia cuộc chiến ở Ukraina.

AFP nhắc lại hôm 01/09, hãng truyền thông America TeVe của Miami đã đăng tải lời khai của hai thanh thiếu niên bị lừa đi làm thợ xây tại các công trường ở Ukraina, nhưng lại bị đưa ra chiến trường.

Điện Kremlin vẫn chưa có phản ứng chính thức về tố cáo của phía Cuba

Matxcơva và La Habana đã tăng cường quan hệ song phương trong thời gian gần đây, với việc chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel gặp tổng thống Nga Vladimir Putin tại Matxcơva vào cuối năm ngoái.


Mỹ cảnh cáo Bắc Hàn phải ‘trả giá’ nếu cấp vũ khí cho Nga (VOA)

Các cuộc đàm phán vũ khí giữa Nga và Triều Tiên đang tiến triển tích cực, một quan chức Mỹ cho biết ngày 5/9 và cảnh cáo nhà lãnh đạo Kim Jong Un rằng đất nước của ông sẽ phải trả giá nếu cung cấp vũ khí cho Nga để sử dụng ở Ukraine.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc rằng việc cung cấp vũ khí cho Nga “sẽ không tốt cho Triều Tiên và họ sẽ phải trả giá với cộng đồng quốc tế cho điều này”.

Trước đó, Điện Kremlin tuyên bố “không có gì để nói” về phát biểu của các quan chức Mỹ rằng ông Kim dự định tới Nga trong tháng này để gặp Tổng thống Vladimir Putin và thảo luận về việc cung cấp vũ khí cho Moscow.

Ông Kim kỳ vọng các cuộc thảo luận về vũ khí sẽ tiếp tục, kể cả ở cấp lãnh đạo và “thậm chí có thể là trực tiếp”, ông Sullivan nói.

Chúng tôi tiếp tục siết chặt cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga”, ông Sullivan nói, và Moscow hiện đang “tìm kiếm bất kỳ nguồn nào họ có thể tìm thấy” đối với các loại hàng hóa như đạn dược.

Ông Sullivan nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các cam kết công khai không cung cấp vũ khí cho Nga vốn sẽ dẫn tới việc giết hại người dân Ukraine”.

Hôm 4/9, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Adrienne Watson nói ông Kim và ông Putin có thể đang lên kế hoạch gặp nhau, và tờ New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ và đồng minh giấu tên cho biết ông Kim có kế hoạch tới Nga ngay trong tuần tới để gặp ông Putin.

Khi được hỏi liệu ông có thể xác nhận các cuộc đàm phán này hay không, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Không, tôi không thể. Không có gì để nói cả”.

Theo các nhà phân tích chính trị, khi sự cô lập của Nga vì cuộc chiến ở Ukraine ngày càng gia tăng, nước này ngày càng nhận thấy giá trị ở Triều Tiên. Về phần Triều Tiên, quan hệ với Nga không phải lúc nào cũng nồng ấm như thời kỳ đỉnh cao của Liên Xô, nhưng giờ đây nước này đang thu được những lợi ích rõ ràng từ nhu cầu kết bạn của Moscow.

Hợp tác quốc phòng Moscow-Bình Nhưỡng

Một quan chức Bộ Quốc phòng Triều Tiên hồi tháng 11 năm ngoái nói Bình Nhưỡng “chưa bao giờ có ‘thỏa thuận vũ khí’ với Nga” và “không có kế hoạch làm như vậy trong tương lai”.

Moscow và Bình Nhưỡng đã hứa tăng cường hợp tác quốc phòng.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, người đã đến thăm Bình Nhưỡng vào tháng 7 năm nay để tham dự các buổi trình diễn vũ khí bao gồm phi đạn đạn đạo bị cấm của Triều Tiên, hôm 4/9 cho biết hai nước đang thảo luận về khả năng tập trận chung.

Ông Keir Giles, thành viên tư vấn cấp cao của Chương trình Nga và Á-Âu của Chatham House, nói: “Giống như bạn có thể nhận biết một người qua bạn bè của họ, bạn có thể nhận biết một quốc gia thông qua nước bạn mà quốc gia đó có”. “Trong trường hợp của Nga, nước bạn đó hiện bao gồm phần lớn các quốc gia bất hảo.”

Chuyến đi này sẽ là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Kim sau hơn 4 năm và là chuyến đầu tiên kể từ đại dịch virus corona.

Mặc dù thực hiện nhiều chuyến công du nước ngoài hơn cha mình với tư cách là lãnh đạo, nhưng chuyến đi của ông Kim thường được giữ bí mật và an ninh nghiêm ngặt. Không giống như cha mình, người được cho là không thích đi máy bay, ông Kim đã đi máy bay cá nhân do Nga sản xuất trong một số chuyến đi nhưng các quan chức Mỹ nói với New York Times rằng ông có thể đi tàu bọc thép qua biên giới đất liền mà Triều Tiên chia sẻ với Nga.

Ông Andrei Lankov, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Seoul, cho biết ông Kim có thể muốn nhấn mạnh cảm giác được Nga hậu thuẫn và có thể tìm kiếm các thỏa thuận bán vũ khí, viện trợ và đưa lao động sang Nga.

Hoa Kỳ hồi tháng 8 đã áp đặt các chế tài đối với ba thực thể mà nước này cáo buộc có liên quan đến các thỏa thuận vũ khí giữa Triều Tiên và Nga.

Triều Tiên đã tiến hành sáu vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006 và đã thử nhiều loại phi đạn khác nhau trong những năm gần đây.

Nga đã cùng với Trung Quốc chống lại các chế tài mới đối với Triều Tiên, ngăn chặn nỗ lực do Mỹ dẫn đầu và lần đầu tiên công khai chia rẽ Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc kể từ khi Hội đồng bắt đầu trừng phạt Bình Nhưỡng vào năm 2006.


Hải quân Philippines và Mỹ tuần tra chung ở Biển Đông (VOA)

Quân đội Manila hôm thứ Hai 4/9 cho biết các tàu hải quân của Philippines và Mỹ đã tiến hành một cuộc tuần tra chung qua các khu vực trên Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Lực lượng vũ trang thuộc Bộ Tư lệnh miền Tây của Philippines cho biết đây là lần đầu tiên Philippines và Washington thực hiện cuộc tuần tra chung ở vùng biển phía tây đảo Palawan.

Cuộc tuần tra chung phản ánh sự hợp tác giữa Mỹ và Philippines diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Manila và Trung Cộng, quốc gia tuyên bố chủ quyền phần lớn Biển Đông.

Tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường BRP Jose Rizal của Hải quân Philippines và tàu khu trục trang bị tên lửa lớp Alrleigh Burke USS Ralph Johnson của Hải quân Hoa Kỳ đã diễn tập tuần tra chung, trong đó các tàu thực hành chuyển động gần các tàu khác.

Bộ Tư lệnh miền Tây tuyên bố: “Sự kiện này nhằm tạo cơ hội cho Hải quân Philippines và Hải quân Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thử nghiệm và hoàn thiện học thuyết hàng hải hiện có”.

Manila đã nhiều lần phàn nàn về điều mà họ mô tả là các hành động “hung hăng” của Trung Cộng ở Biển Đông, bao gồm việc lực lượng tuần dương Trung Cộng bắn vòi rồng vào một tàu của Philippines đang làm nhiệm vụ tiếp tế vào ngày 5/8.


Trung Cộng công bố bản đồ mới nhằm gây áp lực trước các thượng đỉnh quan trọng (RFI)

Trung Cộng công bố một bản đồ mới thể hiện yêu sách của họ đối với vùng Biển Đông đang tranh chấp chính là nhằm thu hút sự chú ý đến những yêu sách này và khẳng định lại lập trường của Bắc Kinh trước khi diễn ra các hội nghị thượng đỉnh đa phương. Đó là nhận định chung của các nhà phân tích được hãng tin CNA của Singapore trích dẫn hôm qua, 31/08/2023.

Bản đồ tiêu chuẩn năm 2023của Trung Cộng đã được bộ Tài Nguyên Thiên Nhiên Trung Cộng công bố ngày 28/08. Ấn Độ đã là quốc gia đầu tiên lên tiếng phản đối, vì bản đồ mới bao gồm cả một số vùng mà New Delhi đang tranh chấp với Bắc Kinh, cụ thể là ở bang Arunachal Pradeshvùng Aksai Chin.

Tiếp theo Ấn Độ, ba nước Đông Nam Á Malaysia, Philippines và Việt Nam hôm qua đã lần lượt bác bỏ bản đồ mới của Trung Cộng. Kuala Lumpur và Manila phản đối vì bản đồ này bao gồm cả một số khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế của hai nước này. Hà Nội thì có phản ứng thông qua phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Phạm Thu Hằng, cho rằng bản đồ mới của Trung Cộng “xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của mình được xác định theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.”

Trả lời RFI Việt ngữ, chuyên gia về Biển Đông Hoàng Việt ghi nhận bản đồ mới này cho thấy là Trung Cộng không hề từ bỏ yêu sách đường 9 đoạn (còn được gọi là đường lưỡi bò), mà thậm chí tăng lên thành 10 đoạn, với thêm một đoạn ở phía đông đảo Đài Loan. Cho nên, Đài Bắc cũng đã lên tiếng phản đối.

“Bản đồ tiêu chuẩn năm 2023” của Trung Cộng được công bố đúng vào thời điểm sắp diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ ngày 5 đến 7/9 tại Jakarta, Indonesia, rồi đến Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 tại New Delhi, Ấn Độ từ ngày 9 đến 10/9. Cả hai thượng đỉnh này đều có sự tham dự của các nhà lãnh đạo Trung Cộng.

Trả lời hãng tin CNA, ông Allan Behm, giám đốc Chương trình Các vấn đề An ninh và Quốc tế tại Viện Úc, cho rằng, khi công bố bản đồ vào thời điểm này, Trung Cộng giống như đang “khuấy nồi” để giữ cho vấn đề các yêu sách lãnh thổ của họ luôn “sôi sục”.

Vị chuyên gia này nói: “Một số cuộc họp khu vực quan trọng sắp diễn ra, Trung Cộng dường như muốn gây áp lực trở lại lên hội nghị và lên những người tham gia hội nghị bằng cách thúc đẩy các yêu sách chủ quyền của họ một lần nữa”. Theo ông Allan Behm, “các yêu sách đó không giúp đẩy nhanh các cuộc đàm phán về những tranh chấp và bất đồng, nhưng cũng không làm phức tạp thêm tiến trình đàm phán”.

Nhà phân tích chính trị, giáo sư James Chin, Đại học Tasmania của Úc nói với hãng tin CNA rằng hành động này của Trung Cộng là “điển hình cho nền ngoại giao Trung Cộng”. Trong vụ Philippines kiện Trung Cộng về Biển Đông, Tòa án Trọng tài Thường trực năm 2016 đã phán quyết rằng yêu sách đường 9 đoạn của Trung Cộng là không có cơ sở pháp lý. Theo giáo sư James Chin, việc Bắc Kinh công bố bản đồ mới có đường 10 đoạn là tín hiệu cho cộng đồng quốc tế rằng họ “không công nhận phán quyết đó” và sẵn sàng kiên quyết thực hiện các yêu sách của họ.

Ông Allan Behm, giám đốc Chương trình Các vấn đề An ninh và Quốc tế tại Viện Úc, cho rằng các yêu sách lãnh thổ của Trung Cộng ở Biển Đông là “những yêu cầu quá đáng”. Theo ông, Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam đều có căn cứ hợp lý cho các yêu sách của họ theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). ​Nhưng ông Allan Behm cũng công nhận là các nước này khó mà buộc được Trung Cộng từ bỏ những yêu sách chủ quyền ở vùng Biển Đông.

Hôm thứ tư vừa qua, phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Cộng Uông Văn Bân (Wang Wenbin) đã yêu cầu “các bên liên quan” xem xét bản đồ mới của Trung Cộng một cách “khách quan và hợp lý”.


Mỹ, Indonesia và 5 nước khác tổ chức tập trận giữa quan ngại của Trung Cộng (VOA)

Binh lính Mỹ, Indonesia và năm quốc gia khác bắt đầu cuộc tập trận hàng năm hôm 31/8 trên đảo Java của Indonesia trong khi sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Cộng đang gây lo ngại. Cuộc tập trận hỗn hợp bao gồm 7 quốc gia sẽ kéo dài trong 2 tuần.

Binh sĩ Mỹ và Indonesia đã tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật Lá chắn Siêu Garuda từ năm 2009. Úc, Nhật Bản và Singapore cũng tham gia vào năm ngoái. Lực lượng Anh và Pháp tham gia cuộc tập trận năm nay với tổng số khoảng 5.000 quân nhân.

Trung Cộng coi các cuộc tập trận mở rộng này là một mối đe dọa, cáo buộc Mỹ xây dựng một liên minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tương tự như NATO để hạn chế ảnh hưởng quân sự và ngoại giao ngày càng tăng của Trung Cộng trong khu vực.

Brunei, Brazil, Canada, Đức, Ấn Độ, Malaysia, Hà Lan, New Zealand, Papua New Guinea, Philippines, Hàn Quốc và Đông Timor cũng cử quan sát viên tới cuộc tập trận kéo dài hai tuần ở Baluran, một thị trấn ven biển ở tỉnh Đông Java của Indonesia.

Tướng Charles Flynn, Tư lệnh Lục quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, cho biết 19 quốc gia tham gia huấn luyện là sự thể hiện mạnh mẽ tinh thần đoàn kết đa phương nhằm bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Lá chắn Siêu Garuda 2023 được xây dựng dựa trên thành công to lớn của năm ngoái,” ông Flynn cho biết trong một tuyên bố do Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Jakarta đưa ra hôm 29/8. “Cuộc tập trận chung, đa quốc gia này thể hiện cam kết tập thể và sự đoàn kết cùng chí hướng của chúng ta, cho phép một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ổn định, an toàn, hòa bình, tự do và cởi mở hơn.

Tuyên bố cho biết có ít nhất 2.100 binh sĩ Mỹ và 1.900 quân Indonesia sẽ tăng cường khả năng tương tác thông qua huấn luyện và trao đổi văn hóa, bao gồm mô phỏng chỉ huy và kiểm soát, diễn tập đổ bộ, hoạt động trên không, diễn tập chiếm giữ sân bayhuấn luyện thực địa chung kết hợp với đỉnh cao là một sự kiện bắn đạn thật.

Lá chắn Garuda đang được triển khai ở một số nơi, bao gồm cả vùng biển xung quanh Natuna ở phần phía nam của Biển Đông.

Indonesia và Trung Cộng nhìn chung có mối quan hệ tích cực, nhưng Jakarta bày tỏ lo ngại về điều mà họ coi là sự xâm lấn của Trung Cộng vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở Biển Đông.

Rìa của vùng đặc quyền kinh tế chồng chéo với “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố nhằm phân định yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.

Các hoạt động gia tăng của tàu tuần duyên và tàu đánh cá Trung Cộng trong khu vực đã làm cho Jakarta lo lắng, khiến hải quân Indonesia tiến hành một cuộc tập trận lớn vào tháng 7 năm 2020 tại vùng biển quanh Natuna.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi ngày 31/8 bình luận về “Bản đồ Tiêu chuẩnmới được công bố của Trung Cộng, trong đó thể hiện các yêu sách lãnh thổ của nước này ở Biển Đông, vượt qua các vùng đặc quyền kinh tế hàng hải của Malaysia gần Sabah và Sarawak, và một số quốc gia khác như Brunei, Philippines, Indonesia và Việt Nam.

Bà kêu gọi Trung Cộng tôn trọng luật pháp quốc tế, nói rằng “việc vẽ bất kỳ đường (lãnh thổ) hoặc bất kỳ yêu sách nào đều phải phù hợp” với Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng Uông Văn Bân hôm 30/8 kêu gọi các nước khác kiềm chế “diễn giải quá mức” bản đồ này.

Bộ Ngoại giao Malaysia hôm 30/8 bác bỏ “tuyên bố đơn phương” của Trung Cộng và cho biết bản đồ này “không ràng buộc” đối với Malaysia.

Ấn Độ hôm 29/8 đã chính thức phản đối bản đồ trong đó cho thấy Arunachal Pradesh và Cao nguyên Doklam, nơi hai bên có quan hệ thù địch, nằm trong biên giới của Trung Cộng.

Philippines ngày 31/8 nói tấm bản đồ này là nỗ lực mới nhất của Trung Cộng nhằm đòi chủ quyền đối với các thực thể và vùng biển của Philippines và cho biết nó không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.


Hoa Kỳ bác bỏ bản đồ mới của Trung Cộng (RFA)

Hoa Kỳ vào ngày 5/9 lên tiếng bác bỏ cái gọi là “bản đồ chuẩn” của Trung Cộng; đồng thời kêu gọi Bắc Kinh hãy ứng xử phù hợp trong tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông cũng như những nơi khác.

Phó Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Vedant Patel, nói với báo giới tại cuộc họp thường kỳ rằng những tuyên bố chủ quyền mờ rộng và phi pháp của Trung Cộng tại Biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế.

Hoa Kỳ là nước công khai bác bỏ bản đồ mới của Trung Cộng công bố hôm 28/8; sau các nước gồm Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Đài Loan, Ấn Độ. Nepal cũng kêu gọi Trung Cộng tôn trọng bản đồ ấn bản năm 2020.

Ngay cả đại diện Nga ở Ấn Độ, ông Denis Alipov, cũng cho rằng cái gọi là “bản đồ chuẩn” của Trung Cộng không làm thay đổi gì trên thực tế.

Vào ngày 31/8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng nói rõ cái gọi là “bản đồ chuẩn” của Trung Cộng không có giá trị. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng, nói với báo giới rằng “yêu sách chủ quyền và yêu sách biển dựa trên đường đứt đoạn như thể hiện trong bản đồ (mới của Trung Cộng) là vô giá trị, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.”


Tin Việt Nam.

Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị “đưa người cửa trước, rước người của sau”?

Thông tấn xã CSVN ngày Thứ Ba mùng 5 Tháng Chín viết rằng Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã “tiếp Trưởng ban liên lạc đối ngoại Trung ương đảng Công sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu thăm và làm việc tại Việt Nam”. Chuyến thăm Việt Nam của Lưu Kiến Siêu diễn ra chỉ 5 ngày trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt chân tới Hà Nội cho người ta cảm tưởng cái gì đó bất thường.

Tin này loan ra khiến các quan sát viên chính trị có lý do để hiểu rằng, Hanoi và Bắc Kinh đang giàn xếp để tiếp đón Chủ Tịch Tập Cận Bình ngay sau khi đón Tổng Thống Mỹ Biden thăm Việt Nam ngày Chúa Nhật, mùng 10 tháng 9. Tin tức cho hay ông Biden dự trù gặp ông Nguyễn Phú Trọng để ký kết nâng cấp mối quan hệ song phương Mỹ từ “Đối tác toàn diện” lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện” ngang hàng với Trung Quốc, Nga, Đại Hàn và Ấn Độ.

Vài tuần trước, người ta đã thấy một số nhà phân tích thời sự quốc tế dẫn các nguồn tin không chính thức nói rằng có thể Tập Cận Bình đi Việt Nam ngay trước hoặc sau vài tuần lễ của Tổng thống Mỹ Biden. Vì đã cận kề với lịch tiếp ông Biden mà Lưu Kiến Siêu mới đến nên nếu Chủ tịch Trung Quốc thăm Việt Nam, chỉ có thể xảy ra sau đó.

Một số nhà phân tích thời sự nhận định, dù có ký thỏa hiệp “Đối tác chiến lược toàn diện” với Mỹ, không có nghĩa CSVN sẽ nghiêng theo quỹ đạo Washington và lại càng không thể chống lại Bắc Kinh vì “nước ở xa không chữa được lửa gần”.


Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ: Việt Nam thụt lùi về tự do tôn giáo

Vài ngày trước khi tổng thống Joe Biden công du Việt Nam nhằm nâng cấp quan hệ ngoại giao, một ủy ban của chính phủ Hoa Kỳ cáo buộc Hà Nội lại không tuân thủ các cam kết về bảo đảm quyền tự do tôn giáo.

Trong một báo cáo được công bố hôm qua, 05/09/2023, và được hãng tin Anh Reuters trích dẫn, Ủy Ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) cho biết kể từ khi Washington xóa Việt Nam khỏi danh sách “các quốc gia đáng quan tâm đặc biệt” (CPC) về tự do tôn giáo năm 2006, chính quyền Hà Nội đã “có nhiều tiến bộ” về tự do tín ngưỡng. Tuy nhiên, việc đàn áp xã hội dân sự trong thời gian gần đây, việc gia tăng áp lực lên các cộng đồng tôn giáo độc lập, cùng với những thông tin đáng báo động về việc ép buộc bỏ đạo, những hành động vi phạm quyền tự tôn giáo gia tăng cho thấy Việt Nam đang đi thụt lùi trở lại trong vấn đề này.

Phái đoàn USCIRF gặp các nhóm tôn giáo độc lập tại Tp. HCM ngày 18/5/2023. Photo Facebook Trung Kien Pham.

Báo cáo cũng cho biết, phó chủ tịch USCIRF, ông Frederick Davie và ủy viên Eric Ueland, trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5, đã nhận thấy rằng trong khi các tổ chức tôn giáo ở khu vực đô thị được tự do tương đối nhiều hơn, thì các vùng nông thôn vẫn gặp nhiều thách thức. USCIRF cho biết thêm là các cơ quan chính phủ tiếp tục giám sát chặt chẽ tất cả hoạt động tôn giáo, thường xuyên xách nhiễu, bắt giữ, ngăn chặn các cộng đồng tôn giáo chưa đăng ký thực hiện quyền cơ bản về tự do tôn giáo.

Hoa Kỳ coi Việt Nam là đối tác quan trọng trước ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung cộng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và dự định nâng cấp quan hệ ngoại giao với Hà Nội nhân chuyến công du của tổng thống Biden tới Hà Nội vào ngày 10/09, nhưng giới phân tích cho rằng những quan ngại về nhân quyền có thể là trở ngại cho một số hợp tác song phương. (RFI)

Nhiều giới yêu cầu TT Biden nêu vấn đề nhân quyền khi đến Việt Nam

Theo tin đài VOA, Khoảng 60 gia đình tù nhân lương tâm Việt Nam vừa gửi thư chung đến Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi ông nêu vấn đề nhân quyền khi gặp giới lãnh đạo tại Hà Nội, cùng lúc nhóm các tổ chức nhân quyền tại Mỹ hối thúc Nhà Trắng gây áp lực với Việt Nam mạnh hơn về nhân quyền.

Bức thư được 61 gia đình đồng ký tên, đề ngày 1/9 có đoạn viết: “Chúng tôi tha thiết kêu gọi Tổng Thống Biden hãy thúc đẩy việc cải thiện tình trạng nhân quyền tại Việt Nam mà cần nhất là việc phải chấm dứt trả thù các tù nhân lương tâm (TNLT) trong các trại giam; phải để các TNLT ngã bệnh được chữa trị đúng mức; phải trả tự do cho tất cả những TNLT bị vu cáo vô căn cứ; và phải chấm dứt việc dùng TNLT làm hàng mặc cả trong các thương lượng với chính phủ các nước tự do”.

Cũng hôm 1/9, đại diện các tổ chức nhân quyền bao gồm Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, và Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam, gửi thư chung đến Nhà Trắng, chỉ ra rằng thành tích nhân quyền của Việt Nam đã trở nên “tồi tệ hơn”.

“Trong những năm gần đây, chính quyền Việt Nam đã gia tăng đàn áp và bỏ tù những người bất đồng chính kiến. Tất cả tù nhân lương tâm đều bị giam giữ một cách tùy tiện vì những cáo buộc bịa đặt theo mục An ninh Quốc gia của Bộ luật Hình sự và bị xét xử bởi một hệ thống tư pháp bất công. Trong thời gian bị giam giữ, các tù nhân lương tâm bị đối xử vô nhân đạo.

Bức thư viết. “Chúng tôi trân trọng đề nghị Ngài đặt điều kiện cải thiện nhân quyền trong quan hệ với Việt Nam: Hoa Kỳ sẽ chỉ hỗ trợ về kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ cho Việt Nam khi Hà Nội cam kết tôn trọng các quyền cơ bản của người dân”.


CSVN loay hoay ‘tháo gỡ’ khó khăn, thúc ép tăng trưởng kinh tế

Các khó khăn từ bên trong đến bên ngoài vẫn đang trì kéo nền kinh tế của Việt Nam trong khi chế độ Hà Nội loay hoay “tháo gỡ”.

Ngày Thứ Hai mùng 4 Tháng Chín, tờ Người Lao Động đưa tin Ngân hàng Nhà nước “trả lời cử tri” tỉnh Thanh Hóa theo kiểu bắn tiếng tuyên truyền là hệ thống ngân hàng “phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.”

Lời dỗ dành của Ngân hàng Nhà nước CSVN đưa ra cùng một ngày với bản tin TTXVN nói Bộ Tài chính báo cáo giải ngân các dự án đầu tư công trên cả nước 8 tháng qua “tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm 2022”. Dù vậy, tỉ lệ giải ngân với vốn từ ngân sách nhà nước cũng chỉ được 43% trong khi vốn vay từ nước ngoài chỉ được gần 26%.

Vì đám quan chức từ trung ương tới địa phương tránh né thi hành, báo cáo của Bộ Tài chính CSVN than rằng “vẫn còn 41 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương đạt giải ngân dưới 40% kế hoạch vốn. Trong đó có 33 bộ, cơ quan trung ương và 8 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 25% kế hoạch vốn”.

Trước thái độ ù lỳ của đám thuộc cấp, giữa Tháng Tám, ông thủ tướng Phạm Minh Chính thấy báo chí đưa tin dọa là sẽ thay thế đám chức sắc đảng viên làm việc “kém hiệu quả” để giải ngân các dự án đầu tư công, nhưng chưa thấy có ai bị thay thế.

Tin tức trên nhiều báo tại Việt Nam thời gian gần đây kêu rên hệ thống ngân hàng thừa tiền để cho vay nhưng các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty nhỏ, muốn vay lại không tiếp cận được. Chế độ Hà Nội thúc ép tiến hành nhanh các dự án đầu tư công trong khi nới lỏng tín dụng kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng “nhạc trưởng” điều phối có vẻ không chuyên nghiệp nên bộ máy chập choạng leo dốc.

Hai ngày trước, báo tài chính Nhật Nikkei cho hay nền kinh tế của Việt Nam trông nhờ vào sản xuất điện thoại của Samsung cũng như đầu tư của tổ hợp Hàn Quốc này. Nhưng Samsung cũng đang phải giảm cả sản xuất và giảm đầu tư vì nhu cầu tiêu thụ khắp nơi không như mong đợi. Hệ quả, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không khỏi bị ảnh hưởng lây.

Theo Nikkei, đầu tư của Samsung tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay đã giảm 67.6% so với một năm trước. Samsung giảm đầu tư vì “nhu cầu tiêu thụ toàn cầu tuột dốc”. Các cơ sở của Samsung tại Việt Nam sản xuất phân nửa số điện thoại của họ bán ra trên thế giới chưa kể các sản phẩm gia dụng khác.

Tháng trước, một tổ chức nghiên cứu thị trường cho hay số lượng hàng hóa của Samsung bán ra thế giới từ Việt Nam đã giảm mất 25.5%, phần lớn là điện thoại. Trước đây, người ta từng nói khi “ông lớn” Samsung hắt hơi sổ mũi thì nền kinh tế Việt Nam cũng ốm theo. Trị giá hàng hóa xuất cảng của Samsung chiếm hơn 70% trị giá hàng xuất cảng của Việt Nam.

Chế độ Hà Nội thúc ép sản xuất để giữ mức tăng trưởng cho cả năm 6.5% như đề ra từ đầu năm. Với những gì đang diễn ra, nhiều chuyên viên kinh tế cũng như các định chế tài trợ quốc tế không tin có thể đạt được.


Cá ngựa khô, rắn chết, dầu mù u từ Việt Nam nhập lậu vào Mỹ

Hai người từ Việt Nam vào Mỹ qua phi trường quốc tế Dulles ở thủ đô Washington bị xét thấy một số hàng nhập lậu rất đặc biệt, gồm dược thảo, rắn chết khô và cá ngựa khô.

Theo nguồn tin vừa kể, chuyên viên canh nông của Cục Quan Thuế khám xét thấy hai túi xách chứa đựng 77 con cá ngựa khô, 50 hộp nhỏ dược thảo, 5 con rắn chết khô, 5 lọ dầu ốc sên, và một số sản phẩm thịt heo bất hợp pháp. Dầu rắn là một trong trong những thành phần chính của dược thảo dạng lỏng đã bị bắt giữ ở phi trường.

Các sản phẩm thịt heo bị giữ ở phi trường là các đồ bị cấm vì nguy cơ đem bệnh dịch tả heo Phi Châu và bệnh mụn nước cho loài heo hiện vẫn bị Bộ Canh Nông Mỹ ngăn chặn nghiêm ngặt. Những người đi từ các nước khác vào Mỹ thường đem vào đây các loại “thực phẩm truyền thống” từ xứ họ, viên chức Quan thuế Steve Sapp nói với báo chí.

Ông cho hay “những loại thực phẩm đó bị cấm vì nguy cơ mang theo vào nước Mỹ các loại bệnh tật cho cây cối hay động vật ở đây”. Do vậy, những ai mang chúng vào nước Mỹ đều là vi phạm các điều khoản ngăn cấm của chính phủ.

Ba ngày sau, hành khách thứ hai cũng từ Việt Nam đến San Francisco, tiểu bang California cũng bị xét hành lý tại cửa khẩu quốc tế của phi trường Dulles cùng một thủ tục như người kia.

“Khách du lịch thường bị bắt giữ khi vi phạm luật lệ của Bộ Canh Nông”, ông Sapp nói với CNN. “Họ bị khám xét lần thứ hai rất lâu để chuyên viên của quan thuế và biên phòng khám xét hành lý của họ rồi tịch thu hàng cấm”.

Hệ quả của những vi phạm kiểu này là tất cả các loại hàng cấm đều bị tịch thu và có thể kèm theo phạt hành chính. Thông thường, lần đầu họ bị phạt $300 nhưng những lần vi phạm sau đó họ bị phạt $500, theo lời ông Sapp.

Dù khách du lịch không bị Quan thuế Mỹ phạt dân sự, họ vẫn vi phạm một số lệnh cấm quốc tế, chẳng hạn Công ước quốc tế về cấm buôn bán động vật và thảo mộc hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng cao, cũng như đạo luật Lacey mà cả hai luật vừa kể đều được các nước đồng thuận thi hành.

“Tất cả các động vật và thảo mộc hoang dã dù đưa vào Mỹ hay xuất cảng đều phải có giấy phép đầy đủ, theo lời ông Ryan Noel, đặc vụ của Sở bảo vệ cá và động vật hoang dã. Ông cho hay buôn bán các loài hoang dã bất hợp pháp đã đẩy nhiều loài đến tuyệt chủng.

Buôn bán động vật hoang dã phỏng định lên tới hàng triệu đô la mỗi năm. Thú vật, thảo mộc, sống hay chết đều bị khai thác dưới nhiều hình thức từ làm món ăn đến làm đồ trang sức, quần áo, quà lưu niệm cho du khách, đủ cả.

Năm 2018, một người Việt cư dân quận Cam bị kết án 1.5 năm tù bên cạnh $5,500 tiền phạt khi nhập lậu một số chim hoang dã từ Việt Nam. Người này xếp hơn 20 con chim loại quý hiếm trong va ly tính qua mặt quan thuế ở phi trường Los Angeles. Năm 2010, ông ta đã từng bị phạt 4 tháng tù vì nhập lậu 14 con chim sơn ca bằng cách khâu những cái túi nhỏ mặt bên trong quần.


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 18-19-20/11/2024.
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga
  • Tổng thống Nga ký sắc lệnh mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân
  • Ukraine lần đầu tiên tấn công Nga bằng tên lửa của Mỹ vào ngày thứ 1.000 của cuộc chiến
  • Bắc Triều Tiên cung cấp cho Nga tên lửa và pháo tầm xa
  • Đặc phái viên Mỹ: Khả năng chấm dứt chiến tranh Israel-Hezbollah 'trong tầm tay'
  • An ninh Đông Á bị tác động nghiêm trọng vì lính Bắc Triều Tiên can dự chiến tranh Ukraina
  • Nhóm 5 nước lớn nhất châu Âu "ủng hộ" trái phiếu quốc phòng
  • Liên Âu bất đồng về việc cho Ukraina dùng vũ khí được cung cấp tấn công lãnh thổ Nga
  • Thượng đỉnh G20 khép lại với tuyên bố chung chống nạn đói toàn cầu
  • Manila tố cáo Trung Cộng ngụy trang tàu chiến thành tàu cá xâm chiếm biển Philippines
  • Ba tù nhân chính trị đang thụ án 26 năm tù được trao Giải Nhân quyền Việt Nam 2024
  • Giám đốc Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA tuyên bố ủng hộ nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Mỹ xác định Việt Nam ‘không thao túng tiền tệ’.
  • Nghiên cứu mới: 99% quần đảo Trường Sa nằm trong tầm với của Bắc Kinh
  • Mỹ cho Việt Nam 5 máy bay huần luyện
  • Hà Nội dự kiến hạn chế xe máy vào nội thành
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 11-12-13/11/2024
  • Nghị trình "Làm Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại" được định hình: Nội các của TT Trump
  • Ông Trump gặp ông Biden tại Tòa Bạch Ốc
  • Tổng thống Ukraina: Nga điều 50.000 quân tới khu vực Kursk và chuẩn bị tấn công
  • Ngoại trưởng Blinken cam kết củng cố ủng hộ cho Ukraine trước khi chuyển giao quyền lực
  • Chiến tranh tiếp tục lan rộng tại Liban
  • Các nước Ả Rập họp hội nghị cấp cao khẩn cấp về xung đột tại Trung Đông
  • Donald Trump chọn nhân sự cứng rắn với Trung Cộng vào các vị trí chủ chốt
  • APEC 2024: Peru bắt đầu tuần lễ Diễn đàn Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương
  • Nhật Bản: Hạ Viện mới bầu lại ông Shigeru Ishiba giữ chức thủ tướng
  • Mỹ yêu cầu TSMC ngừng cung cấp lô hàng chip bán dẫn cho Trung Cộng
  • Philippines lên án Trung Cộng gây áp lực trong hồ sơ chủ quyền ở Biển Đông
  • Tô Lâm - Donald Trump: cuộc điện đàm dự báo mối quan hệ
  • Chile trục xuất viên chức an ninh Việt Nam vì tấn công tình dục
  • Chính phủ khẳng định với LHQ không trả thù luật sư Đặng Đình Mạnh
  • CSVN buộc người dùng mạng xã hội phải định danh mới được livestream
  • TIN ĐẶC BIỆT: BẦU CỬ HOA KỲ 2024. Tổng Thống Donald Trump Đắc Cử Vẻ Vang
  • Foreign Policy: Nước Mỹ đã quyết định
  • RFI: Theo truyền thông Mỹ, Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ
  • BBC: Donald Trump đã chiến thắng, một sự trở lại ngoạn mục
  • BBC: Những phát biểu đặc sắc của TT Trump
  • Tổng thống Biden gọi điện chúc mừng ông Trump
  • Nhiều nước chúc mừng chiến thắng của Donald Trump
  • Cựu Tổng thống Bush chúc mừng ông Trump
  • Kamala Harris: thua cuộc nhưng không từ bỏ
  • Bầu cử Mỹ: Đảng Cộng Hòa giành lại quyền kiểm soát Thượng Viện
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 28-29-30/10/2024.
  • Ukraina huy động thêm 160.000 binh sĩ
  • Kiev và Seoul sẽ tăng cường hợp tác chống quân Bắc Triều Tiên tham chiến ở Ukraina
  • Hamas nói sẵn sàng bàn thảo thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Gaza
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng vũ khí không giới hạn nếu lính Bắc Triều Tiên hỗ trợ Nga
  • Tổng thống Ai Cập đề xuất hưu chiến tại Gaza để phóng thích các con tin Israel
  • Hezbollah chọn Naim Qassem làm thủ lĩnh kế nhiệm ông Nasrallah
  • Bầu cử Quốc Hội Gruzia: Cơ quan Công tố mở điều tra về "gian lận" quy mô lớn
  • Brazil trở thành quốc gia BRICS thứ hai không tham gia dự án BRI của TC
  • Mỹ ban hành các quy định hạn chế đầu tư vào các công ty công nghệ tiên tiến của TC
  • Nhật Bản: Đảng cầm quyền mất đa số tại Hạ Viện, thủ tướng Ishiba không định từ chức
  • Việt Nam “sẵn sàng” hợp tác với BRICS
  • Tổ chức nhân quyền Canada kêu gọi trừng phạt 14 quan chức Việt Nam
  • UAE tính xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ sản phẩm dầu mỏ tại VN
  • Giới hoạt động đánh giá cao việc LHQ xác nhận người Thượng là dân tộc bản địa
  • Nhóm công tác của LHQ: Việt Nam bắt giữ tùy tiện có hệ thống
  • Blogger Đường Văn Thái bị kết án 12 năm tù giam trong phiên toà kín
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 21-22-23/10/2024.
  • Gia nhập NATO: Ukraina trông đợi vào kết quả bầu cử Mỹ
  • Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tới Ukraina để thể hiện tình đoàn kết
  • Israel tăng cường tấn công ở Gaza, Lebanon sau khi thủ lĩnh Hamas bị diệt
  • BRICS: Tổng thống Nga phá thế cô lập, tiếp đón hơn 20 nguyên thủ quốc gia
  • Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác nhận quân đội Triều Tiên đang ở Nga
  • Nam Hàn có thể cân nhắc cấp vũ khí cho Ukraine do ‘thông đồng quân sự’ Nga-Triều
  • EU lấy 35 tỷ euro tài sản bị đóng băng của Nga để cho Ukraine vay
  • Đài Bắc theo dõi sát sao tàu sân bay Trung Cộng Liêu Ninh đi qua eo biển Đài Loan
  • Mỹ - Nhật khởi động tập trận chung
  • Indonesia: Prabowo nhậm chức tổng thống
  • Modi nói với Putin: ‘Ấn Độ muốn hòa bình ở Ukraine’
  • Tướng Mỹ: Triển khai phi đạn Mỹ tới Philippines là ‘cực kỳ quan trọng’
  • Việt Nam có tân chủ tịch nước xuất thân từ tướng quân đội
  • HRF, KKF kêu gọi LHQ can thiệp vụ hai nhà hoạt động Khmer bị VN giam cầm
  • LHQ kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị BRICS, khẳng định tình bạn thủy chung với Nga
  • Bão Trà Mi hướng vào Việt Nam, miền Trung sẽ mưa lớn diện rộng