Tin Hoa Kỳ và Thế Giới

Bồi Thẩm Đoàn Quận Fulton Muốn Truy tố Nghị Sĩ Lindsey Graham Và Hai Cựu Nghị Sĩ Đảng Cộng Hòa

Theo một báo cáo được công bố hôm thứ Sáu (08/09), đại bồi thẩm đoàn ở quận Fulton, Georgia, đề nghị truy tố hình sự đối với nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina) và hai cựu nghị sĩ đảng Cộng Hòa Kelly Loeffler và David Perdue.

nghị sĩ Lindsey Graham

Các phần của bản báo cáo kể trên đã được công bố hồi đầu năm nay, nhưng một thẩm phán đã trì hoãn công bố cho đến khi có bản cáo trạng về tổng Tổng thống Donald Trump và 18 người khác vào tháng trước (08/2023). Bồi thẩm đoàn này đề ra cáo buộc Trung tướng đã về hưu Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, và ông Boris Epshteyn, cũng là cố vấn hàng đầu của tổng thống Trump.

Bồi thẩm đoàn này cho biết họ đã nghe lời khai của khoảng 75 nhân chứng trước khi hoàn thành báo cáo hồi tháng Mười Hai với các khuyến nghị về các cáo buộc liên quan đến những nỗ lực về cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Bà Willis đã nói rằng bà cần có trát đòi hầu tòa của đại bồi thẩm đoàn để buộc các nhân chứng phải cho lời khai.

Tuy nhiên, văn phòng của bà Willis cuối cùng đã truy tố 19 người kể trên, trong đó có luật sư Sidney Powell, cựu Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc Mark Meadows, cựu Thị trưởng thành phố New York Rudy Giuliani, cựu luật sư của ông Trump Jenna Ellis, và nhiều người khác, vì họ vi phạm luật chống gian lận có tổ chức của Georgia. Những người này không nhận tội.

Hôm thứ Sáu (08/09), ông Graham nói với các phóng viên rằng ông lo ngại về sự việc hình sự hóa công việc của ông trong tư cách là một nghị sĩ. Ông cho rằng, báo cáo của đại bồi thẩm đoàn này là “đáng lo ngại đối với đất nước”.

Ông lập luận: “Quý vị không thể hình sự hóa các nghị sĩ vì công việc của họ phải hành động theo Hiến Pháp”.

Bà Loeffler, ông Graham, ông Perdue, và những người khác không nằm trong số những người bị buộc tội vào tháng trước và không rõ liệu họ có bị truy tố trong tương lai hay không. Bà Loeffler và ông Perdue đã thất cử trong cuộc bầu cử vào đầu năm 2021.

Hồi tháng Hai, Thẩm phán Tòa án Thượng thẩm Quận Fulton Robert McBurney đã ra lệnh công bố một phần của bản báo cáo, nhưng từ chối công bố các khuyến nghị của đại bồi thẩm đoàn về việc ai nên hoặc không nên bị truy tố. Thẩm phán cho biết ông muốn áp dụng thủ tục tố tụng hợp pháp cho mọi người.

Thẩm phán McBurney cho biết trong một lệnh mới được công bố hôm 28/08 rằng những lo ngại về thủ tục tố tụng hợp pháp là vô hiệu vì một đại bồi thẩm đoàn thông thường đã truy tố cựu Tổng thống Trump và 18 người khác theo luật chống gian lận có tổ chức của tiểu bang.

Các phần của báo cáo được công bố trước đó hồi tháng Hai bao gồm phần giới thiệu và kết luận, cũng như một phần trong đó đại bồi thẩm đoàn bày tỏ lo ngại rằng một hoặc nhiều nhân chứng có thể đã nói dối mặc dù có tuyên thệ và kêu gọi các công tố viên truy tố tội khai man. Trưởng đại bồi thẩm đoàn đã nói trong các cuộc phỏng vấn với báo chí rằng đại bồi thẩm đoàn đặc biệt này đã đề nghị truy tố nhiều người, có vẻ lung tung.

Các thành viên đại bồi thẩm đoàn tuyên bố rằng họ tin cuộc bầu cử năm 2020 ở Georgia không có “gian lận trên diện rộng”, trái với những tuyên bố bấy lâu của cựu tổng thống và những người khác.

Cả Trung tướng đã về hưu Flynn, bà Loeffler, ông Epshteyn, và ông Perdue đều chưa đưa ra tuyên bố nào vào sáng hôm thứ Sáu (08/2023). Trước đó, nghị sĩ đương nhiệm và hai cựu nghị sĩ đều đã phủ nhận về bất cứ hành vi sai trái nào liên quan đến cuộc bầu cử năm 2020.


Vấn Đề Quan Trọng Nhất Trong Lịch Sử Giáo Dục

Hệ thống giáo dục cần thích ứng với hiện thực của AI. Giáo trình học cần phải được viết lại. Thời gian chính là điều cốt yếu. Chỉ có một vấn đề, và đó là một vấn đề lớn: Những người phụ trách hệ thống giáo dục dường như chưa ghi nhận.

Chúng ta không thể tiếp tục giáo dục con em mình theo cách cũ. Bởi vì thế giới ngày mai sẽ rất khác so với thế giới ngày nay. Các kỹ năng cần thiết vào năm 2023 có thể trở nên hoàn toàn vô dụng trong 5 năm tới.

Rốt cuộc, như một bài viết của Goldman Sachs gần đây đã cảnh báo, AI là mối đe dọa trực tiếp đối với 2/3 việc làm ở Hoa Kỳ và châu Âu. Tới 300 triệu vị trí toàn thời gian có nguy cơ bị tự động hóa. Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, trong ba năm tới, 40% lực lượng nhân sự toàn cầu (khoảng 1.4 tỷ người) sẽ cần phải đào tạo lại kỹ năng do tác động của AI.

Ông Dan Fitzpatrick, hay còn được biết tới là Nhà giáo dục AI, được cho là người hiểu biết nhất hành tinh này khi xác định khoảng cách giữa các kỹ năng cần thiết để đối phó với cuộc xâm lược của AI và những kỹ năng mà trẻ em hiện đang được dạy trong trường học. Ông Fitzpatrick đang gióng lên hồi chuông cảnh báo và có lý do chính đáng. Tác giả cuốn sách “Lớp học AI: Hướng dẫn căn bản về trí tuệ nhân tạo trong giáo dục”, đã thẳng thắn nói về tình trạng thiếu kiến thức về AI trong trường học của chúng ta, sự thiếu kiến thức về AI trong giáo viên và điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tất cả chúng ta trong tương lai không xa.

Ông Dan Fitzpatrick nói rằng tất cả các trường học “cần phải nhanh chóng nâng cao trình độ về AI cho giáo viên, phát triển các giáo trình đọc và viết AI cho học sinh và phải thoát khỏi tình trạng giáo dục hạn chế của họ”.

Nói rõ hơn, ông Fitzpatrick đang kêu gọi các nhà lãnh đạo giáo dục “trên toàn thế giới” nên tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác “với kỹ nghệ, chính phủ, và các lãnh vực giáo dục khác, để tìm hiểu về tác động của AI, để họ thực sự có thể chuẩn bị cho sinh viên của mình đi vào thế giới mới này và đóng góp cho một xã hội đang liên tục thay đổi”.

Ông Fitzpatrick lập luận rằng, nếu cho rằng các sáng tạo được AI trợ giúp, chẳng hạn như ChatGPT, sẽ khiến học sinh lười biếng, là không chính xác và vô ích. AI đã có mặt ở đây, và sự hiện diện của nó sẽ ngày càng trở nên sâu rộng hơn. Chúng ta phải chấp nhận thực tế, hoặc phải gánh chịu hậu quả do sự thiếu hiểu biết của mình.


Tối Cao Pháp Viện Tạm Thời Tiếp Tục Cho Phép Chính Phủ TT Biden Kiểm Duyệt Mạng Xã Hội

Lệnh mới trong vụ án Murthy kiện Missouri (hồ sơ tòa án 23A243), do Tổng y sĩ Hoa Kỳ Vivek Murthy dẫn đầu đệ trình, được đưa ra vào hôm 22/09. Ông Murthy bị giới chỉ trích cáo buộc đã tham gia vào các nỗ lực của chính phủ nhằm ngăn chặn và kiểm duyệt việc thảo luận tự do về các vấn đề sức khỏe cộng đồng như COVID-19.

Hôm 14/09, Thẩm phán Alito đã hoãn phán quyết ngày 04/07 của Thẩm phán Tòa Địa hạt Liên bang tại Louisiana, ông Terry Doughty, một người được Tổng thống (TT) Donald Trump bổ nhiệm, cho đến ngày 22/09.

Phán quyết của Thẩm phán Doughty đã cấm một vài cơ quan, bao gồm Bộ Tư pháp (DOJ), Bộ An ninh Nội địa, Bộ Ngoại giao, Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng, và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), uy hiếp các công ty truyền thông xã hội.

Vụ kiện dẫn đến lệnh cấm do các Bộ Trưởng Tư Pháp của Missouri và Louisiana đệ trình. Hai bộ trưởng này đã cáo buộc các viên chức chính phủ TT Biden tham gia vào hoạt động kiểm duyệt theo ủy quyền của chính phủ bằng cách dựa vào các công ty truyền thông xã hội để xoá bài đóng các trương mục.

Vụ kiện cáo buộc chính phủ TT Biden đã thúc giục hoặc thậm chí ủy quyền cho Facebook, Twitter, LinkedIn, và YouTube “kiểm duyệt các quan điểm và người dùng không được cánh Tả ưa chuộng”, dưới vỏ bọc gọi là chống lại “thông tin giả”, “thông tin sai lệch”, và “thông tin bị bóp méo”.

Lệnh cấm của Thẩm phán Doughty quy định rằng các cơ quan và nhân viên của họ không được liên lạc với các công ty truyền thông xã hội bằng cách “thúc giục, khuyến khích, gây áp lực, hoặc xúi giục dưới bất cứ hình thức nào để loại bỏ, xóa, chặn, hoặc giảm nội dung được bảo vệ theo quyền tự do ngôn luận”.

Lệnh cấm đó nêu rõ rằng, các cơ quan này không được gắn cảnh báo trên các mạng xã hội hoặc tìm cách loại bỏ nội dung hoặc ngăn chặn nội dung đó. Các cơ quan này cũng không được phép cưỡng bách các mạng xã hội thay đổi nguyên tắc về việc xóa, chặn, hoặc cắt bớt nội dung, vơn được bảo vệ theo quyền tự do ngôn luận.

Nhưng lệnh cấm lại cho phép các viên chức liên bang tiếp tục trao đổi thư từ với các công ty truyền thông xã hội về hoạt động tội phạm, vị cho là đe dọa an ninh quốc gia.

Hôm 08/09, Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 5 đã giữ nguyên một phần lệnh cấm của Thẩm phán Doughty, cho phép một số cơ quan nhất định liên lạc với các công ty trong một số trường hợp.

Tháng trước, Bộ trưởng Tư Pháp Missouri Andrew Bailey, một thành viên Đảng Cộng Hòa, nói rằng, chính phủ Biden đang nhắm mục tiêu vào tiếng nói của người Mỹ và thiết lập một bối cảnh “kịch bản đen tối, về bản chất như trong tiểu thuyết của nhà văn Orwell”, cần phải bị loại bỏ vĩnh viễn.

Ông Bailey cho biết, tại tòa hôm 26/05, thẩm phán xét xử thậm chí còn hỏi các công tố viên của Bộ Tư Pháp rằng “liệu họ đã đọc cuốn sách ‘Một Chín Tám Bốn’ của ông George Orwell, và có biết Bộ Sự Thật của Châu Đại Dương hay không”.

Ông Bailey nói rằng “Chúng ta phải xây một bức tường ngăn cách giữa kỹ nghệ và quốc gia để bảo vệ các quyền theo Tu chính án thứ Nhất của người Mỹ, và viên gạch đầu tiên của bức tường đó đã được đặt vào ngày 04/07. Tòa án đã đồng ý với chúng ta về vấn đề này và đưa ra một lệnh cấm toàn quốc cấm Tổng thống Biden và bộ máy quan liêu liên bang phối hợp với mạng xã hội của đại công ty kỹ nghệ để bịt miệng phát ngôn chính trị cốt lõi, vốn được bảo vệ theo Tu chính án thứ Nhất”.

Ông Bailey cho biết, sau khi tòa sơ thẩm hành động, Bộ Tư Pháp “gần như ngay lập tức” chống lại lệnh cấm và “thực sự đã trơ tráo lập luận rằng quốc gia sẽ phải chịu tổn hại nếu họ không được phép tiếp tục vi phạm các quyền theo Tu chính án thứ Nhất của người Mỹ”.

Thẩm phán Doughty một lần nữa đề cập đến tác phẩm của cố tác giả George Orwell, viết rằng “trong đại dịch COVID-19, có lẽ đây là giai đoạn có thể mô tả tốt nhất bằng sự hồ nghi và bất ổn lan rộng, Chính phủ Hoa Kỳ dường như đã đảm nhận một vai trò tương tự như ‘Bộ Sự Thật’ trong tiểu thuyết của nhà văn Orwell”.


Tòa Bạch Ốc Chào Đón Ông Zelensky Trong Khi Quốc Hội Không thống Nhất Viện Trợ Cho Ukraine

Ông Zelensky đã gặp gỡ các nhà lập pháp ở cả hai đảng, mặc dù việc đáp ứng yêu cầu viện trợ của ông ngày càng trở nên khó khăn khi các nhà lập pháp đảng Cộng Hòa không đồng nhất về vấn đề viện trợ cho Ukraine trong tương lai.

Đây là cuộc gặp trực tiếp thứ sáu của ông Zelensky với Tổng thống Biden và là chuyến thăm Toà Bạch Ốc lần thứ ba.

Tth Zelensky và Biden

Trong cuộc họp, Tổng thống Biden đã công bố một gói viện trợ quân sự mới trị giá 325 triệu USD cho Ukraine, bao gồm vũ khí phòng không.

Hồi tháng trước (08/2023), chính phủ TT Biden đã yêu cầu Quốc Hội cấp phép tài trợ thêm 24 tỷ USD cho Ukraine trong một đề nghị tăng thêm ngân sách. Tuy nhiên, yêu cầu mới này đang gặp phải tranh cãi.

Khi được hỏi về sự ủng hộ của Quốc Hội đối với việc tài trợ cho Ukraine trong cuộc gặp song phương với ông Zelensky, Tổng thống Biden nói: “Tôi đang trông cậy vào quyết định của Quốc Hội Hoa Kỳ. Không có lựa chọn nào khác”.

Kể từ tháng 02/2022, Hoa Kỳ đã phân bổ 113 tỷ USD viện trợ quân sự, kinh tế, và nhân đạo cho Ukraine và các quốc gia bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này. Khoản tài trợ hiện tại dự định sẽ kéo dài đến ngày 30/09. Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan xác nhận rằng số tiền này sẽ sớm cạn kiệt.

Trong khi đó, hôm 21/09, hơn hai chục nghị sĩ đảng Cộng Hòa tại Thượng Viện và Hạ Viện đã gửi một lá thư mới tới Tòa Bạch Ốc, cam kết sẽ phản đối việc tài trợ thêm cho Ukraine và yêu cầu tổng thống giải thích tiền của người nộp thuế đã đi đâu.

Bức thư viết, “Người dân Mỹ có quyền được biết tiền của họ đã đi đâu. Cuộc phản công diễn ra như thế nào? Người Ukraine có tiến gần đến chiến thắng hơn so với thời điểm cách đây 6 tháng hay không? Chiến lược của chúng ta là gì, và kế hoạch rút lui của tổng thống là gì? Chính phủ định nghĩa chiến thắng ở Ukraine là gì”?.


Tin Thế giới

Công Ty Do Trung Cộng Hậu Thuẫn Xây Dựng Nhà Máy Điện Mặt Trời Gần Căn Cứ Quân Sự Của Hoa Kỳ ở Nhật Bản

Ông Takashi Ishimoto, thành viên hội đồng thành phố Iwakuni, cho biết các nhà máy điện mặt trời quy mô lớn có dính líu tới công ty Trung Cộng nói trên đều nằm ở tỉnh Yamaguchi — một nhà máy nằm ở thị trấn Miwa (hay Miwa-cho), thành phố Iwakuni (hay Iwakuni-shi) ở phía bắc, và một nhà máy khác nằm ở thành phố Yanai (hay Yanai-shi) ở phía nam — kẹp giữa hai nhà máy này chính là Căn cứ Không Quân Iwakuni của Lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.

Căn cứ Không Quân Iwakuni của lực lượng Thủy Quân Lục Chiến là cơ sở quân sự quan trọng nhất của Hoa Kỳ ở Viễn Đông, nơi Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và Lực lượng Phòng Vệ Duyên Hải Nhật Bản cùng nhau đồn trú.

Hôm 10/09, ông Ishimoto nói với The Epoch Times rằng vốn đầu tư của Trung Cộng vào công trình xây dựng các nhà máy điện mặt trời quy mô này đang “gây ra các vấn đề đối với an ninh quốc gia nói riêng và khu vực nói chung”.

Trong một bài đăng ngày 04/04 trên X, trước đây gọi là Twitter, ông Ishimoto đã kêu gọi quan tâm chính trị về việc “ngăn chặn” hành vi đáng ngờ của Tập đoàn Điện Lực Thượng Hải (Shanghai Electric Power) về các hoạt động xây dựng nhà máy điện trong phạm vi lãnh thổ tỉnh Yamaguchi, vốn là nơi tọa lạc của “tám căn cứ của Lực lượng Phòng Vệ và các căn cứ trên không, trên bộ và trên biển của Nhật Bản, cũng như một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở Iwakuni”.

Tập đoàn Điện Lực Thượng Hải là một chi nhánh của Tập đoàn Đầu tư Điện lực Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước được cơ quan giám sát tài sản của Quốc Vụ viện thành lập.

Trang web chính thức của Tập đoàn Điện Lực Thượng Hải cho biết hoạt động kinh doanh ở hải ngoại của họ trải dài đến Malta, Nhật Bản, Montenegro, Thổ Nhĩ Kỳ, và trên đường “Nhất Đới Nhất Lộ”  (Vành đai và Con đường), với tổng tài sản ở hải ngoại vượt quá 12.5 tỷ nhân dân tệ (1.71 tỷ USD). “Vành đai và Con đường” là sáng kiến cơ sở hạ tầng ở hải ngoại của Trung Cộng nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Cộng trên toàn cầu.

Hồi tháng 09/2021, Chi nhánh Nhật Bản của Tập đoàn Điện Lực Thượng Hải đã mua lại toàn bộ vốn sở hữu của dự án quang điện Iwakuni Yamaguchi qua RS Asset Management, một công ty quản lý quỹ có trụ sở tại Nhật Bản.

Dự án này trù hoạch lắp đặt 300,000 tấm quang năng trên diện tích 117 hecta (289 mẫu Anh), với sản lượng điện lên tới 75 MW, tương đương mức tiêu thụ năng lượng của khoảng 22,500 gia đình.

Theo thông báo của Tập đoàn Điện Lực Thượng Hải năm 2021, công trình xây dựng có liên quan đã được khởi công vào tháng 11/2019 và dự định sẽ được kết nối với lưới điện vào tháng 06/2023.

Từ lâu, người dân Iwakuni đã phản đối việc xây dựng các nhà máy điện mặt trời quy mô lớn vì lo ngại sẽ gây ra lở đất, ô nhiễm đất, làm cạn kiệt các giếng nước và hủy hoại môi trường.

Ông Ishimoto, người đại diện cho người dân địa phương giải quyết vấn đề này, đã nhiều lần tìm cách liên lạc với văn phòng của Tập đoàn Điện Lực Thượng Hải tại Nhật Bản. Tuy nhiên, giám đốc chi nhánh này luôn từ chối thảo luận về dự án xây dựng nhà máy điện.

Theo những gì ông Ishimoto tiết lộ, Tập đoàn Điện Lực Thượng Hải cũng đang được liên kết với một nhà máy điện mặt trời quy mô lớn khác đặt tại Thành phố Yanai do công ty Yamaguchi Yanai Mega Solar LLC làm chủ.

Ông Hideki Hirano, một giáo sư tại Đại học Himeji chia sẻ về việc làm thế nào để vốn của Trung Cộng phân tán ra hải ngoại. Ông nói, “thông thường, người Trung Cộng mua nhưng không xuất hiện mà thay vào đó sử dụng một công ty trách nhiệm hữu hạn (LLC) của Nhật Bản làm bình phong” bởi vì bản chất của LLC cho phép các nhà đầu tư có quyền điều hành công ty.

Ông Ishimoto cho biết, Tập đoàn Điện Lực Thượng Hải có khả năng đang xây dựng các nhà máy điện mặt trời trên khắp Nhật Bản, trong đó có Hokkaido và Tokushima. Hầu như tất cả những nơi này đều là nơi tập trung của các cơ sở quân sự, nhà máy hạch tâm, tháp truyền dẫn viễn thông, và trạm trung chuyển của Nhật Bản.

Ngoài ra, tỉnh Yamaguchi còn có một nhà máy điện mặt trời khác ở thành phố Hofu (Hofu-shi); theo viên chức Nhật Bản, ban lãnh đạo nhà máy đều là người của Trung Cộng.

Nhà máy điện mặt trời Hofu chỉ cách căn cứ Không Quân của Lực lượng Phòng Vệ Nhật Bản một kilomet. Căn cứ không quân này là nơi đặt đơn vị quân sự đầu tiên của Nhật Bản chuyên bảo đảm an toàn ngoài không gian.

Ông Ishimoto nghiêm túc đặt nghi vấn tại sao người Trung Cộng lại nhắm vào các nhà máy và trạm điện của Nhật Bản. Ông tin rằng mục đích của phía Trung Cộng không chỉ là kiếm tiền.

Ông Ishimoto cho biết, ngoài các cơ sở sản xuất điện, Trung Cộng dường như chỉ muốn mua đất gần các căn cứ quân sự.

Đối diện nhà máy điện mặt trời Yanai, có một hòn đảo nhỏ ở Iwakuni tên là Kasashima, có chu vi chỉ khoảng 4 km (khoảng 2.5 dặm). Ông Ishimoto dẫn nguồn tin cho biết, năm 2017, một người của Trung Cộng đã mua một phần đảo Kasashima và hiện đang xây dựng biệt thự hoặc condo trên đảo.


Tổng thống Assad Của Syria Đến Thăm Trung Cộng Tìm Cách Thoát Khỏi Sự Cô Lập Ngoại Giao

Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã đến thành phố Hàng Châu của Trung Cộng, bắt đầu chuyến công du đầu tiên tới quốc gia Châu Á này kể từ năm 2004, nhằm chấm dứt hơn một thập niên cô lập ngoại giao dưới các lệnh trừng phạt của Tây phương.

Ông Assad đến Trung Quốc trên một chiếc phi cơ của Air China trong điều kiện sương mù dày đặc. Nhà lãnh đạo Syria này hiếm khi xuất hiện bên ngoài đất nước kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến cướp đi sinh mạng của hơn nửa triệu người.

Theo dự định ông sẽ tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Châu Á, cùng với hơn chục viên chức ngoại quốc, trước khi dẫn đầu một phái đoàn tới tham dự các cuộc họp ở một số thành phố của Trung Quốc, bao gồm cả một hội nghị thượng đỉnh với chủ tịch Tập Cận Bình.

Một thành viên của phái đoàn Syria vốn sẽ tham dự các cuộc họp khác theo lịch trình tại Bắc Kinh vào ngày Chủ Nhật (24/09) và thứ Hai (25/09), cho biết, ông Assad sẽ gặp Tập Cận Bình vào thứ Sáu (22/09), một ngày trước khi Tổng thống Syria tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội.

Lần gần đây nhất ông Assad đến thăm Trung Quốc là vào năm 2004 để gặp chủ tịch đương thời Hồ Cẩm Đào. Đó là chuyến công du đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Syria kể từ khi mối quan hệ ngoại giao được thiết lập vào năm 1956.

Trung Cộng, giống như các đồng minh chính của Syria là Nga và Iran, vẫn duy trì các mối quan hệ đó.

Chuyến công du kéo dài nhiều ngày của ông Assad tới Trung Quốc sẽ đánh dấu một trong những đợt vắng mặt dài nhất của ông ở Syria kể từ khi cuộc nội chiến ở nước ông nổ ra.

Ông Assad phải chịu ảnh hưởng các lệnh trừng phạt do Úc, Canada, châu Âu, Thụy Sĩ, và Hoa Kỳ áp đặt, nhưng những nỗ lực áp dụng các biện pháp trừng phạt đa phương không nhận được sự ủng hộ đồng lòng tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nơi có Trung Quốc và Nga là thành viên.

Trung Quốc đã ít nhất 8 lần phủ quyết các kiến nghị của Liên Hiệp Quốc lên án chính quyền của ông Assad và nhằm để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hàng thập niên đã lôi kéo sự tham gia của các nước lân bang và cường quốc thế giới.

Không giống như Iran và Nga, Trung Cộng không trực tiếp trợ giúp cho những nỗ lực của chính quyền ông Assad nhằm giành lại quyền kiểm soát đất nước.

Syria có tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Cộng vì nước này nằm giữa Iraq, quốc gia cung cấp khoảng 1/10 lượng dầu mỏ nhu cầu của Trung Cộng, Thổ Nhĩ Kỳ, điểm cuối cùng của các hành lang kinh tế trải dài từ châu Á đến châu Âu, và Jordan, quốc gia thường làm trung gian hòa giải các tranh chấp trong khu vực.


Trận Động Đất Cấp 6 Làm Rung Chuyển New Zealand

Sáng nay (19/09), trận động đất mạnh 6 độ đã khiến South Island của New Zealand rung chuyển.

Trận động đất đã xảy ra ở trung tâm hòn đảo lúc 9 giờ 14 phút sáng theo giờ địa phương hôm 20/09 ở độ sâu 11 km (6.8 dặm), cách thị trấn Geraldine khoảng 45 km (27.2 dặm) về phía bắc.

Sự rung lắc, được GeoNet, hệ thống giám sát nguy cơ địa chất của New Zealand, mô tả là “mạnh”, và được cảm nhận lan rộng khắp khu vực Canterbury.

Theo hệ thống giám sát này, hơn 14,000 người cho biết họ cảm nhận được sự rung lắc.

Trận động đất được ghi nhận ban đầu là 6.2, rồi sau đó thì được điều chỉnh thấp xuống.

Theo GeoNet, đã có ít nhất 32 cơn dư chấn sau trận động đất đầu tiên, trong đó mạnh nhất là hai trận động đất mạnh 3.6 độ, rồi sau đó rung chuyển “yếu” và “không đáng kể”.

Sau một cuộc đánh giá, cơ quan Quản Lý Khẩn Cấp Quốc Gia cho biết không có nguy cơ sóng thần.

GeoNet cũng lưu ý rằng cường độ của trận động đất này là “tương đối nhỏ” mặc dù tâm của trận động đất nằm ở khu vực có hai đoạn đứt gãy đang hoạt động giao nhau — Đứt gãy Ben McLeod và Đứt gãy Hồ Heron.

Tuy nhiên, khu vực này chưa từng có trận động đất nào trên 5 độ.

Bà Sarah Hussey, một nông dân trong vùng cho biết trận động đất được cảm nhận mạnh hơn nhiều so với những trận động đất trước đây.

Bà nói với 1News: “Trước đây, ngôi nhà chỉ rung chuyển. Nhưng với trận động đất này, tôi có cảm giác như căn nhà thực sự được nâng lên”.

Nhà bà cách tâm chấn khoảng 15 km.

Bà nói: “Ở đây không bị thiệt hại gì… tôi tưởng ngôi nhà đã được nâng lên một chút. Ai nấy đều bình an vô sự. Chúng tôi đã kiểm tra các bình dự trữ và mọi thứ có vẻ ổn”.

Hội đồng Quận Timaru cho biết sau trận động đất không có tường trình về thiệt hại nhưng một số cơ sở sẽ tạm thời đóng cửa để đề phòng.


Moscow Nói Kyiv Đang Mất Dần Các Đồng Minh

Theo một nhà lập pháp nổi tiếng của Nga, mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa Kyiv và Warsaw — về xuất cảng ngũ cốc và chuyển giao vũ khí — là dấu hiệu cho thấy Ukraine đang “mất đi các đồng minh”.

Hôm 20/09, ông Leonid Slutsky, người đứng đầu ủy ban các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia Nga, cho biết, “Các viên chức Âu Châu… đang dần nhận ra rằng các quốc gia của họ — và chính họ — sẽ phải trả giá như thế nào để giúp đỡ chính phủ Tổng thống Zelensky”.

Ông Slutsky, cũng là người lãnh đạo Đảng Dân Chủ Tự Do của Nga, cho biết trên Telegram: “Khi sự sụp đổ của dự án chống Nga [của Tây phương] ngày càng trở nên rõ ràng, Kyiv đang mất đi các đồng minh”.

Khẳng định của ông Slutsky trùng hợp với một thông báo của Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki rằng Warsaw sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho chiến tranh ở Ukraine.

Warsaw sau đó làm rõ rằng họ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine — nhưng chỉ những thứ đã được thỏa thuận.

Kể từ khi Nga xâm lăng miền đông Ukraine hồi đầu năm 2022, Ba Lan là một trong những quốc gia ủng hộ Ukraine trung thành nhất nhưng trong những tháng gần đây, xích mích giữa hai nước đã gia tăng do tranh chấp gay gắt về xuất cảng ngũ cốc.

Tuần trước, căng thẳng nổ ra khi Ba Lan, cùng với Hungary và Slovakia đơn phương áp đặt lệnh cấm nhập cảng đối với ngũ cốc Ukraine.

Ba nước đã thực hiện bước đi này sau khi Ủy ban Âu Châu từ chối gia hạn lệnh cấm đối với ngũ cốc của Ukraine ở 5 quốc gia EU, trong đó có Romania và Bulgaria.

Những lệnh cấm này nhằm bảo vệ nông dân địa phương khỏi dòng ngũ cốc Ukraine tràn vào sau khi Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải giữa Kyiv và Moscow sụp đổ hồi tháng Bảy.

Trong khi đó, Kyiv đã nộp một đơn khiếu nại chính thức lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới với hy vọng lệnh cấm nhập cảng được bãi bỏ.

Ukraine đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế riêng đối với hàng hóa nhập cảng của Ba Lan và Hungary nếu hai nước này từ chối bãi bỏ lệnh cấm nhập cảng.

Về phần Ba Lan, ông Morawiecki đã cảnh báo Kyiv rằng nếu chọn leo thang tranh chấp, Warsaw sẽ “bổ túc thêm nhiều sản phẩm hơn vào lệnh cấm của họ đối với hàng nhập cảng từ Ukraine”.

Diễn thuyết trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 19/09, ông Zelensky chỉ trích những lệnh cấm nhập cảng này trong lời nhận xét dường như nhằm vào Ba Lan, “Thật đáng lo ngại khi thấy một số người ở châu Âu đang làm suy yếu tình đoàn kết và dàn dựng một sân khấu chính trị”. Tổng thống Zelensky lo ngại rằng các lệnh cấm nhập cảng này có tác dụng củng cố vị thế của Nga. Bộ Ngoại giao Ba Lan sau đó đã triệu tập đại sứ Ukraine tại Warsaw để bày tỏ sự không hài lòng với bình luận của ông Zelensky tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

Bài liên quan:
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 15/10/2023. Chiến tranh Trung Đông lan rộng? Hệ lụy: Ukraine, Iran, Lebanon, Biển Đông, Bắc Hàn, Đài Loan?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Tập Cận Bình đang chuẩn bị Trung Quốc cho chiến tranh
    John Pomfret & Matt Pottinger
  • Phân tích các kịch bản leo thang chiến tranh ở Ukraine
    John J. Mearsheimer
  • HỘI LUẬN 07/05/2022. Chiến tranh Ukraine vẫn khốc liệt! Ấn Độ cố đứng trung lập? Nhật Bản và an ninh Châu Á.
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • THỎA THUẬN NGUYÊN TỬ IRAN: Những Bất Cập Trong Quá Khứ Và Thách Thức Trong Tương Lai
    Trọng Việt