Tin Hoa Kỳ và Thế Giới

Lại Có Thêm Chính Trị Gia Hoa Kỳ Rời Khỏi đảng Dân Chủ

Trong một bài bình luận trên nhật báo Wall Street Journal, cho biết khi chuyển từ đảng Dân Chủ sang đảng Cộng Hòa, ông Eric Johnson, thị trưởng Dallas, đã viết rằng ông “không có ý định thay đổi cách thức làm việc” nhưng các thành phố ở Mỹ quốc cần có chủ nghĩa bảo tồn truyền thống về tài khóa và tôn trọng luật pháp đảng Cộng Hòa chủ trương.

Eric Johnson –
thị trưởng Dallas, Texas

Ông không phải là người duy nhất. Trong năm nay đã có năm vị dân biểu tiểu bang chuyển từ đảng Dân Chủ sang đảng Cộng Hòa. Hồi năm ngoái, Nghị sĩ Kyrsten Sinema (Độc Lập-Arizona) rời đảng Dân Chủ và trở thành một chính trị gia độc lập. Nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) từng nói ông đang cân nhắc đến việc rời đảng Dân Chủ, và được cho là đang nhắm đến một bên thứ ba tranh cử vào Oval Office năm 2024.

Năm 2022, có báo cáo cho thấy 1 triệu cử tri đã chuyển sang đảng Cộng Hòa, trong khi đó 630,000 cử tri chuyển sang đảng Dân Chủ.

Mặc dù việc chuyển đổi đảng phái không phải là điều gì đó hiếm thấy, nhưng việc chuyển đổi đảng phái khi đang giữ một chức vụ nào đó là rất hiếm có. Theo Bellotpedia, từ năm 1994 đến nay, có 173 nhà lập pháp đã chuyển đổi đảng phái khi còn đương chức, hầu hết là chuyển sang đảng Cộng Hòa.

Trong bài bình luận, ông Eric Johnson nhấn mạnh rằng chức vụ của ông là một chức vụ phi đảng phái.

Ông viết rằng, “Tôi chưa bao giờ là người được yêu thích trong nhóm kín của đảng Dân Chủ, và ngược lại. Vào thời điểm mà tôi được bầu làm thị trưởng — một chức vụ phi đảng phái — vào năm 2019, tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi thoát khỏi tình trạng siêu đảng phái và sẵn sàng tập trung vào giải quyết các vấn đề”.

Theo bà Mesha Mainor, dân biểu tiểu bang Georgia, lý do chuyển đổi đảng phái của những nhà lập pháp tiểu bang không phải là những tuyên bố “trọng đại” về đất nước. Trong hầu hết các trường hợp, lý do thay đổi đảng phái là do vấn đề địa phương, có khi vì lý do cá nhân.

Từng là nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bà Mainor dành 20 năm làm việc với những người thuộc mọi giai tầng xã hội để tìm kiếm giải pháp cho họ, và bà cho biết bà đã tham gia Cơ Quan Lập Pháp Tiểu Bang với mong muốn làm điều tương tự. Tuy nhiên bà đã nhanh chóng nhận ra rằng đảng của bà không sẵn sàng hợp tác với các đảng phái khác, và một vài lần yêu cầu bà bỏ phiếu bác bỏ các dự luật của đảng Cộng Hòa, không phải do chính sách không tốt, mà là do đảng Dân Chủ muốn chống lại.

Ông Roger Simon cho rằng, đảng Dân Chủ cần phải cải tổ toàn diện từ ‘Đảng Không Lập Trường’.

Bà Mainor nói với The Epoch Times rằng, “Tôi nghĩ nước Mỹ đang chán ngán trước tình trạng siêu đảng phái”. Bà cho biết nhiều cử tri của bà đã nhắn tin và gọi điện để bày tỏ sự ủng hộ sau khi bà loan báo chuyển đổi sang đảng phái chính trị khác hồi tháng Bảy.


Đảng Cộng Hòa Và đảng Dân Chủ Tại Hạ Viện Không Thống Nhất Về Cuộc Điều Tra Tổng Thống Biden

TT Joe Biden

Đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ vẫn không thống nhất, sau phiên điều trần của Ủy Ban Giám Sát Hạ Viện khi thảo luận về luận cứ của cuộc điều tra đàn hặc đang diễn ra đối với Tổng thống Biden. Các thành viên của lưỡng đảng bày tỏ quan điểm khác nhau về mục đích của cuộc điều tra đàn hặc cũng như về việc liệu các bằng chứng có thể dùng cho cuộc đàn hặc hay không.

Phiên điều trần hôm thứ Năm đánh dấu lần đầu tiên các nhà lập pháp Hạ Viện gặp nhau để thảo luận về cơ sở của cuộc điều tra đàn hặc tổng thống kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy chính thức công bố tiến hành cuộc điều tra đàn hặc hôm 12/09. Cuộc điều tra diễn ra sau cáo buộc của các thành viên đảng Cộng Hòa tại Hạ viện về việc Tổng thống Biden cố dùng ảnh hưởng từ vai trò công chức trong suốt sự nghiệp của mình để trục lợi cho cá nhân và các thành viên trong gia đình trong các giao dịch kinh doanh của họ.

Ủy Ban Giám Sát Hạ Viện đã nghe ý kiến từ ba nhân chứng do khối đa số đảng Cộng Hòa lựa chọn và một nhân chứng do khối thiểu số đảng Dân Chủ đề nghị.

Nhân chứng khối đa số gồm có ông Bruce Dubinsky, một nhà kế toán pháp y kiêm điều tra viên gian lận nổi tiếng; cựu phụ tá bộ trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ kiêm trưởng Bộ phận Thuế vụ thuộc Bộ Tư Pháp Eileen O’Connor; và giáo sư trường luật thuộc Đại học George Washington.

Giáo sư luật Michael Gerhardt của Đại học North Carolina–Chapel Hill là nhân chứng khối thiểu số. Đảng Dân Chủ cho rằng có rất ít bằng chứng cho việc đàn hặc.

Một điểm chính gây chia rẽ trong phiên điều trần hôm thứ Năm là liệu những nỗ lực điều tra Tổng thống Biden trước đó có chứng minh được ông không tham nhũng hay không, hay liệu những phát giác đó cho thấy cần phải có một cuộc điều tra kỹ lưỡng hơn. Các thành viên đảng Dân Chủ cho rằng nỗ lực điều tra chưa đưa ra được bằng chứng nào cho cuộc đàn hặc này.

Bà Eleanor Holmes Norton, một đại diện không có quyền bỏ phiếu của đảng Dân Chủ tại địa hạt Columbia thuộc Ủy Ban Giám Sát Hạ Viện, nói rằng, “Gần như đây là một phiên điều trần giả tạo bởi vì chẳng có gì cả”.

Dân biểu Mark DeSaulnier (Dân Chủ-California), người không phải là thành viên của Ủy Ban Giám Sát, xem các nỗ lực điều tra của đảng Cộng Hòa cho đến nay là một màn kịch chính trị.

Ông DeSaulnier nói với NTD rằng, “Tất cả mọi người cần phải tuân thủ luật pháp, điều mà các đồng sự đảng Dân Chủ của tôi và tôi, đều tin là đúng. Tuy nhiên đến một thời điểm nào đó cần phải có bằng chứng. Vì vậy theo quan điểm của tôi sân khấu chính trị có thể phục vụ một số mục đích, nhưng không phục vụ Hiến Pháp Hoa Kỳ”.

Các thành viên đảng Cộng Hòa tại Ủy Ban Giám Sát Hạ Viện đã bác bỏ những tuyên bố cho rằng họ không có bằng chứng. Các nỗ lực điều tra của đảng Cộng Hòa đã ghi nhận những dịp mà trong đó Tổng thống Biden đã có mặt trong các điện thoại kinh doanh và trong những cuộc họp mặt trực tiếp liên quan đến các đối tác kinh doanh của người con trai Hunter Biden của ông. Các điều tra viên cũng xác định được số tiền bạc triệu trong các khoản thanh toán từ các giao dịch kinh doanh ngoại quốc đã đến tay gia đình ông Biden cũng như các cộng sự của họ trong suốt thời gian Tổng thống Biden nắm quyền.

Dân biểu Virginia Foxx (Cộng Hòa-North Carolina), một thành viên của Ủy Ban Giám Sát, nói với NTD rằng, “Thật ngạc nhiên khi được biết rằng đảng Dân Chủ cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy tổng thống dính líu đến việc này”.

Khi được hỏi về điều gì khiến bà cảm thấy là điều thuyết phục nhất về cuộc đàn hặc của đảng Cộng Hòa, bà Foxx không nói rõ về bằng chứng cụ thể, nhưng cho biết, “Quý vị sẽ thấy những mảnh ghép có liên hệ với nhau”.

Dân biểu Warren Davidson (Cộng Hòa-Ohio) nhìn nhận cuộc điều tra có căn cứ. Ông nói: “Rõ ràng là Hunter Biden từng ở trong hội đồng quản trị của Burisma. Rõ ràng là cậu ta không thực sự đủ tư cách để được tham gia hội đồng quản trị của Burisma. Rõ ràng là khi cậu ấy còn ở trong hội đồng quản trị, họ đã tìm kiếm sự trợ giúp của cậu ta để công tố viên ngưng truy cứu Burisma. Và sau đó quý vị có tất cả những bằng chứng về việc ông Joe Biden, khi còn là phó tổng thống, đã tích cực can thiệp để khiến cuộc điều tra chống lại Burisma bị dừng lại và công tố viên bị sa thải, giữ lại các khoản ngân quỹ [cho Ukraine] cho đến khi việc sa thải xảy ra”.

Dân biểu Robert Garcia (Dân Chủ-California), cũng như các thành viên khác trong đảng Dân Chủ cứ lặp đi lặp lại rằng, không có bằng chứng nào cho việc đàn hặc. Đã vậy, ông Garcia còn nói bừa rằng, “Đây hoàn toàn là một trò hề và là một màn xiệc đang diễn ra.


Ông RFK Jr. Có Thể Sẽ Thông Báo Tranh Cử Tổng Thống

Hôm 29/09, những đồn đoán về việc ông Robert F. Kennedy Jr. sẽ sớm tuyên bố tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập lại càng bùng lên thêm khi ông phát hành một video thông báo rằng tại một sinh hoạt ở Philadelphia vào ngày 09/10, ông sẽ cho biết, “con đường đến Tòa Bạch Ốc”. Ông nói Tôi sẽ tới Philadelphia vào ngày 09/10 để đưa ra một thông báo quan trọng tại nơi khai sinh ra đất nước chúng ta. Ngay lúc này, tôi sẽ không nói cho quý vị biết chính xác thông báo đó sẽ có gì. Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng nếu quý vị đến tham dự cuộc gặp gỡ trước công chúng của tôi thì đây sẽ là một sự kiện để quý vị nên đến”.

nghị sĩ Robert F. Kennedy Jr.

Ông nói thêm: “Tôi sẽ nói về một sự thay đổi lớn lao trong nền chính trị Mỹ cũng như vai trò của quý vị và đảng của tôi trong sự thay đổi đó. Rất nhiều người Mỹ trước đây thất vọng, sẽ tìm thấy tia hy vọng mới trong việc tôi ra ứng cử”.

Ở phần sau của video, ông Kennedy lưu ý: “Chính phủ của chúng ta có thể thất bại, nhưng người dân của chúng ta tốt bụng, dũng cảm, và chu đáo nên lòng tử tế sẽ vượt lên trên sự chia rẽ đang khiến tất cả chúng ta xa cách. Tôi nhận thấy điều đó hàng ngày trong quá trình vận động tranh cử, và càng nhìn thấy thì tôi lại càng tin tưởng hơn.  Và tôi càng tin tưởng điều đó hơn thì con đường dẫn đến chiến thắng càng trở nên rõ ràng hơn”.

Ông Anthony Lyons là đồng chủ tịch của American Values 2024 PAC, nơi đang chuẩn bị để giúp ông Kennedy ứng cử tổng thống. Ông nói với The Epoch Times hôm 29/09 rằng một cuộc thăm dò mà họ ủy quyền với Zogby International sẽ được công bố vào ngày 02/10 tới và cho thấy rằng nếu ông Kennedy tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập hoặc bên thứ ba trong cuộc chạy đua với Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump, thì ông ấy sẽ bắt đầu ở mức 19% so với “37% đến 38%” của Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump. Và rồi ông Kennedy sẽ “thu hút sự chú ý của công chúng ra khỏi ông Biden lẫn ông Trump”.

Sau khi tuyên bố ứng cử hồi tháng Tư để thách thức Tổng thống Biden cho việc đề cử ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ năm 2024, trong nhiều tháng, ông Kennedy nói với các hãng truyền thông và những người ủng hộ rằng: “Tôi là thành viên đảng Dân Chủ. Đảng Dân Chủ đã lạc lối và tôi muốn đưa đảng này trở lại với lý tưởng truyền thống”.


Nhiều Rắc Rối Lớn Cho Ông Biden

Hai cuộc thăm dò toàn quốc gần đây đang gây thiệt hại nặng nề cho Tổng thống Joe Biden. Đáng ngạc nhiên, cả hai đều đến từ giới truyền thông thiên tả — vốn thường tìm cách bảo vệ tổng thống của ông Biden.

Một cuộc thăm dò của Washington Post–ABC News đã có một tiêu đề tai hại cho đội ngũ của ông Biden. Cuộc thăm dò này cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ đánh bại Tổng thống Biden với tỷ lệ 52% so với 42%. Chênh lệch này lớn hơn rất nhiều so với các cuộc thăm dò khác, đến nỗi người ta ngay lập tức đặt câu hỏi liệu đây có phải là một ngoại lệ hay không.

Một cuộc thăm dò khác từ NBC News cũng phù hợp với xu hướng gần đây với việc Tổng thống Biden và Tổng thống Trump có tỷ lệ ngang nhau 46% so với 46%. Thậm chí, kết quả này còn là một minh chứng rõ ràng cho sự phản đối của người dân Mỹ đối với Tổng thống Biden. Cuộc thăm dò của Post-ABC cho thấy 62% người theo đảng Dân Chủ muốn có một ứng cử viên khác ngoài Tổng thống Biden, so với chỉ 23% muốn vị tổng thống hiện tại. NBC News cũng có kết quả gần tương tự, với 59% ủng hộ việc có một ứng cử viên khác lên thay thế Tổng thống Biden, và chỉ 36% phản đối ứng cử viên khác thay thế.

Trong cả hai cuộc thăm dò trên, Tổng thống Trump rõ ràng chiếm ưu thế trong việc được đảng Cộng Hòa đề cử. Cuộc thăm dò của Post-ABC cho thấy cựu Tổng thống Trump đạt 54%. Tất cả các ứng cử viên khác cộng lại chiếm 43%. Trong cuộc thăm dò của NBC, Tổng thống Trump đạt tỷ lệ 59%, so với 38% cho tổng số các ứng cử viên còn lại. Trong cả hai cuộc thăm dò, Thống đốc tiểu bang Florida Ron DeSantis đều ở vị trí thứ hai nhưng với mức chênh lệch cao hơn trước.

Điểm yếu của Tổng thống Biden trong các cuộc thăm dò này là do ông không làm được việc. Ông đã thất bại trong các công việc. Trong cuộc thăm dò của Post-ABC, người Mỹ không ủng hộ hiệu quả công việc của Tổng thống Biden với tỷ lệ 56% so với 37% ủng hộ. Họ không công nhận hiệu quả hoạt động kinh tế của ông với tỷ lệ 64% so với 30%. Họ phản đối chính sách biên giới của ông với tỷ lệ 62% so với 23% đồng ý.

Đây không phải là tuyên truyền.  Bởi vì người dân Mỹ đang theo dõi những gì đang diễn ra — và họ không thích điều đó.

Những thất bại trong hiệu quả công việc tương tự cũng xuất hiện trong cuộc thăm dò của NBC. Phần lớn người Mỹ tin rằng đất nước đang đi sai hướng (tỷ lệ 73% so với 23%). Hơn nữa, họ không tán thành hiệu quả công việc chung của Tổng thống Biden.

Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi thăm dò các lãnh vực cụ thể. Về kinh tế, tỷ lệ người Mỹ không tán thành Tổng thống Biden là 59%, so với 37% tán thành. Khi được hỏi liệu họ có hài lòng với nền kinh tế hay không, 72% nói “không”. Theo thăm dò của NBC, Phó Tổng thống Kamala Harris không thể giúp Tổng thống Biden, vì bà có tỷ lệ tán thành là 31% và không tán thành là 51%.

Kết quả cuộc thăm dò của Post-ABC với tỷ lệ 52% ủng hộ Tổng thống Trump và 42% ủng hộ Tổng thống Biden đã gây bất ngờ đến mức các thành viên đảng Dân Chủ và những người ủng hộ ông Biden đã phải nỗ lực rất lớn để bác bỏ điều đó. Nhưng thực tế là cả hai cuộc thăm dò này đều thẳng thừng phủ nhận các chính sách cũng như điểm yếu cá nhân của Tổng thống Biden.

Nhớ lại vào năm 1958, khi cư dân São Paulo, Brazil, nổi giận đến mức họ đã bầu cử con tê giác của vườn thú vào hội đồng thành phố bằng cách viết thêm tên của con tê giác đó vào lá phiếu. Cacareco là một con tê giác 4 tuổi, và nó đã nhận được hơn 100,000 phiếu bầu — gấp 10 lần so với ứng cử viên đứng vị trí dẫn đầu. Tất nhiên, tê giác không được phép nhậm chức, nhưng người dân có phần hài lòng khi bày tỏ sự giận dữ của họ đối với hệ thống chính trị.

Từ đó, người ta tiên liệu người dân sẽ nổi giận và sẽ có phản ứng mạnh mẽ không thể lường được.


Ma Tuý Là Mối Đe Dọa An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ Trong Năm 2024

Trong năm 2022, hơn 100,000 người Mỹ đã tử vong vì dùng ma túy quá liều, và con số này ngày càng tăng. Bởi vì nhờ chính phủ Biden mà Narcan, một loại thuốc dùng để cứu sống những nạn nhân dùng opioid quá liều, luôn có sẵn để dùng. Do đó tổng số ca dùng thuốc quá liều cao hơn rất nhiều so với số ca tử vong. Tòa Bạch Ốc ước tính, hồi năm ngoái có 181,000 ca dùng quá liều không gây tử vong, chỉ do opioid.

Trái ngược với báo cáo của Bộ An Ninh Lãnh Thổ Hoa Kỳ (Department of Homeland Security – DHS), bảng Đánh giá Mối đe dọa Thường niên của Cộng đồng Tình Báo Hoa Kỳ lại xác định Trung Quốc, Nga, Iran, Bắc Hàn, và chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo là những mối đe dọa lớn nhất đối với Hoa Kỳ. Trong vài năm qua, những tác nhân này đã trở thành 5 mối đe dọa hàng đầu và được dự đoán sẽ vẫn là những mối đe dọa hàng đầu trong năm 2024.

Lý do có sự khác biệt giữa hai báo cáo này nằm ở sự khác nhau về nhiệm vụ và thành phần của Cộng đồng Tình báo Quốc gia so với của DHS.

Cộng đồng Tình báo Hoa Kỳ bao gồm 18 tổ chức. Tất cả các tổ chức này gồm có 2 cơ quan độc lập — Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) và Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) — cũng như 9 cơ quan của Bộ Quốc phòng (chẳng hạn như Cơ quan Tình báo Quốc phòng – DIA, và các cơ quan tình báo của nhiều nhánh khác nhau của quân đội), và 7 cơ quan của các bộ và cơ quan khác (như FBI, Cục Tình báo và Nghiên cứu của Bộ Ngoại giao, và Văn phòng Tình báo và Phân tích của Bộ Ngân khố).

Theo trang web của Cộng đồng Tình báo, “Nhiệm vụ của Cộng đồng Tình báo là thu thập, phân tích, và cung cấp thông tin tình báo và phản gián ngoại quốc cho các nhà lãnh đạo Mỹ để họ có thể đưa ra những quyết định đúng đắn nhằm bảo vệ đất nước của chúng ta”.

DHS có 80,000 nhân viên ở 9 cơ quan và văn phòng, tập trung vào quan thuế, biên giới, thực thi di trú, ứng phó khẩn cấp với thiên tai và nhân họa, công tác chống khủng bố, và an ninh mạng. Do đó, DHS tham gia nhiều hơn vào việc bảo vệ biên giới trước tình trạng nhập cư bất hợp pháp và buôn lậu ma túy, cũng như hành động thực thi pháp luật nội trong Hoa Kỳ.

Theo quan điểm của DHS, ma túy là mối đe dọa lớn nhất vì chất này đã khiến nhiều người Mỹ tử vong trong mọi năm hơn bất cứ quân đội hoặc chính phủ ngoại quốc nào. Trên thực tế, mỗi năm, số người Mỹ tử vong vì ma túy nhiều hơn số người tử trận trong bất cứ cuộc chiến nào ở Mỹ kể từ Đệ nhị Thế chiến.

Trong các trường hợp tử vong vì dùng ma túy quá liều, khoảng 75% nguyên nhân là do ma túy tổng hợp như fentanyl, mà phần lớn được buôn lậu vào Hoa Kỳ qua biên giới phía Nam. Các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia (TCO) ở Mexico, đặc biệt là băng đảng Sinaloa và Jalisco Thế hệ Mới, mua các hóa chất từ Trung Cộng để sản xuất fentanyl.

Bằng cách sử dụng hoạt động buôn người và nhiều cách khác, các băng đảng này đã buôn lậu ma túy vào Hoa Kỳ. Tại đây, các băng đảng đường phố, vốn thường có mối liên hệ với các băng đảng đó, sẽ phân phối nguồn ma túy này. Bộ An toàn Công cộng Texas báo cáo rằng nhóm Tango Blast, một băng nhóm Latin có tới 25,000 thành viên, và Mafia Mexico có mối liên hệ trực tiếp với các băng đảng đó. Theo Cơ quan Thực thi Ma túy, các đại băng đảng của Mexico, chẳng hạn như băng đảng Sinaloa và Vùng Vịnh, có các hoạt động ở Chicago và các thành phố khác của Hoa Kỳ.

Ngoài tình trạng sử dụng ma túy quá liều và tử vong, DHS cảnh báo rằng những loại ma túy bất hợp pháp này còn gây thêm nguy hiểm cho công dân Mỹ bằng cách “trợ giúp các tổ chức tội phạm bạo lực, rửa tiền, và tham nhũng làm suy yếu nền pháp quyền”. Vì lý do này, Lực lượng Đặc nhiệm Chống băng đảng Xuyên quốc gia (TAG) của FBI đã thành lập văn phòng tại El Salvador, Guatemala, và Honduras để chống lại các băng nhóm đường phố được xem là TCO, chẳng hạn như băng nhóm Mara Salvatrucha (MS-13) và 18th Street — cả hai vốn đều được coi là những băng nhóm bạo lực nhất ở Hoa Kỳ.

Ngoài ma túy xâm nhập vào đất nước qua Biên giới phía Nam, DHS cũng ghi nhận “số lượng ngày càng nhiều những cá nhân trong Bộ Dữ Kiện Sàng Lọc Khủng bố (TSDS), còn được gọi là ‘danh sách theo dõi’”. DHS dự đoán những kẻ khủng bố sẽ tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ trong năm tới và nhà cầm quyền Trung Cộng sẽ tiếp tục các hoạt động gián điệp của họ.

Ngày càng có nhiều người Trung Cộng và Nga lợi dụng tình hình hỗn loạn ở biên giới phía Nam để lẻn vào Hoa Kỳ. Trong phiên điều trần hồi đầu năm nay, Chủ tịch August Pfluger (Cộng Hòa-Texas) của Tiểu ban An Ninh Nội Địa về Chống khủng bố, Thi Hành Luật Pháp, và Tình Báo đã nhấn mạnh “ngày càng nhiều cuộc chạm trán với những người nhập cư bất hợp pháp có liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở biên giới phía Tây Nam”.

Hồi tháng Năm, Tổng thống Joe Biden đã xác định một cách sai lầm rằng quyền tối thượng của người da trắng là mối đe dọa an ninh quốc gia số 1. Tuyên bố của tổng thống mâu thuẫn với các đánh giá mối đe dọa thường niên của DHS và Cộng Đồng Tình Báo. Sự hớ hênh của tổng thống thật đáng báo động vì việc này đã được lặp đi lặp lại trên khắp các hãng truyền thông thiên tả và mạng xã hội.

Những sai lầm như vậy có thể làm lạc hướng sự chú ý, khiến quốc gia dễ bị tấn công.


Hạ Viện Thông Qua Dự Luật Tài Trợ Tạm Thời 45 Ngày

Hạ viện đã thông qua một dự luật tài trợ tạm thời sẽ ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa vào nửa đêm nay (30/09) nếu được Thượng viện thông qua và được Tổng thống Joe Biden ký.

Dự luật này đã gia hạn tài trợ liên bang ở mức hiện tại trong 45 ngày. Dự luật cũng bao gồm khoản cứu trợ thiên tai và tái cấp phép tài trợ FAA. Mặc dù dự luật vẫn tiếp tục trợ giúp như hiện có cho Ukraine, nhưng không bao gồm nguồn tài trợ bổ sung cho nỗ lực chiến tranh mà đảng Dân Chủ và một số nghị sĩ đảng Cộng Hòa ủng hộ.

Lãnh đạo phe thiểu số Hạ Viện Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York) đã yêu cầu thêm thời gian để xem xét nghị quyết chi tiêu tạm thời (CR) dài 70 trang mà ông cho biết đã được trình bày chỉ vài phút trước cuộc bỏ phiếu được đề nghị và chỉ vài giờ trước khi chính phủ có thể đóng cửa.

Các nghị sĩ đảng Dân Chủ khác đã chỉ trích dự luật này vì không cung cấp thêm tài trợ cho nỗ lực chiến tranh ở Ukraine.

Tuy nhiên, vẫn có đủ nghị sĩ đảng Dân Chủ tham gia nỗ lực này để đạt được đa số 2/3 cần thiết để thông qua dự luật trong bối cảnh các quy định của Hạ Viện bị đình chỉ. Túc số chung cuộc là 335 phiếu thuận – 91 phiếu chống.

Đảng Cộng Hòa lập luận thành công rằng dự luật đã thể hiện một nỗ lực công bằng nhằm giữ cho chính phủ hoạt động hết công suất sau nửa đêm nay khi năm tài khóa kết thúc cùng với thẩm quyền chi tiêu của chính phủ.

Gần 50 nghị sĩ đảng Cộng Hòa đã phản đối dự luật này, nhiều hơn gấp đôi so với 21 người đã cùng đảng Dân Chủ đánh bại một CR khắt khe hơn do Chủ tịch Hạ Viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) trình bày vào ngày hôm trước (29/09).

Điều đó khiến các nhà lãnh đạo đảng Cộng Hòa phải chật vật tìm ra một số biện pháp theo các điều kiện của đảng Cộng Hòa nhằm tránh cho chính phủ phải đóng cửa.

Trong khi đó, Thượng viện chuẩn bị bỏ phiếu về phiên bản CR của riêng mình. Dự luật đó sẽ gia hạn tài trợ ở mức hiện tại cho đến ngày 17/11, đồng thời bổ sung thêm 6.15 tỷ USD tài trợ cho nỗ lực chiến tranh ở Ukraine và 5.99 tỷ USD dùng để cứu trợ thảm họa trong nước.

Nhiều nghị sĩ đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện bày tỏ sự thất vọng trước sự thất bại của CR trước đó do đảng Cộng Hòa đề xướng, bao gồm việc cắt giảm tổng cộng 8% chi tiêu tùy ý phi quốc phòng và một ngân sách cải thiện an ninh biên giới.

Những nghị sĩ đảng Cộng Hòa phản đối dự luật đó tin rằng bất cứ CR nào chắc chắn sẽ dẫn đến sự chậm trễ bổ sung trong việc lập kế hoạch chi tiêu cả năm, mà điều này sẽ dẫn đến sự cần thiết phải đưa ra một dự luật tổng hợp vào phút cuối để bỏ phiếu ủng hộ hoặc chống mà không có thời gian để tranh luận hoặc đề nghị sửa đổi.


Tập Cận Bình Thanh Trừng Các Viên Chức Cao Cấp Trong Quân Đội Trung Cộng

Cuộc thanh trừng chính trị của nhà độc tài Trung Cộng Tập Cận Bình đối với các viên chức cao cấp trong quân đội và bộ quốc phòng của chế độ nước này đã thu hút sự chú ý. Ông Tập lần lượt loại bỏ các nhà lãnh đạo quân đội một cách có chọn lọc, bề ngoài là vì tham nhũng. Nhưng đằng sau hậu trường, nhiều người nghi ngờ rằng hành động của ông bắt nguồn từ các cuộc chiến đang diễn ra giữa các phe phái lãnh đạo trong nội bộ Trung Cộng, và sự phản đối của những nhân vật này đối với các chính sách và chiến lược quân sự của Tập Cận Bình.  

Ít nhất ba trong số sáu thành viên của Quân ủy Trung ương Trung Cộng đã mất tích khỏi tầm mắt của công chúng. Dựa trên các xu hướng trước đây của Đảng Cộng sản Trung Cộng, những cá nhân đó có thể đã bị cách chức hoặc đang bị điều tra.

Hôm 07/09, có tin cho rằng ông Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Trung Cộng đang bị điều tra vì bị tình nghi là tham nhũng.

Được biết, tại cuộc họp của Quân ủy Trung ương hôm 04/09, ông Tập đã thông báo rằng ông Lý đã bị áp dụng một biện pháp kỷ luật gọi là “tạm giam”. Bản thân ông Lý cũng vắng mặt trong cuộc họp này. Sự việc của ông Lý đã được các hãng truyền thông lớn của Hoa Kỳ đưa tin hôm 14/09 và 15/09.

Ông Thái Thân Khôn (Cai Shenkun), một nhà bình luận độc lập, cho biết, “Sự thanh trừng ông Lý Thượng Phúc ngụ ý rằng ông Tập Cận Bình đã bắt đầu thanh trừng những thái tử đảng, vốn là thế hệ lãnh đạo quân sự thứ hai của ĐCSTQ”. Các thái tử đảng này là hậu duệ của các viên chức đầy quyền lực của chế độ ĐCSTQ.

Những thông lệ gia đình trị như vậy là vô cùng phổ biến trong hệ thống chính trị và quân sự của Trung Cộng. Tuy nhiên, những sự kiện gần đây cho thấy rằng niềm tin và sự tín nhiệm giữa ông Tập và các viên chức đó của chế độ đang trải qua những rạn nứt đáng kể.

Ông Lý Thượng Phúc là con trai của ông Lý Thiệu Châu (Li Shaozhu), một cựu Hồng Vệ Binh đồng thời là cựu chỉ huy quân đội. Vào tháng 10/2022, ông Lý Thượng Phúc được ông Tập thăng chức làm ủy viên của Quân ủy Trung ương trong Đại hội lần thứ 20 của ĐCSTQ.

Theo nhiều nguồn tin, ông Lý Thượng Phúc đã bị bắt và sau đó liên lụy đến hơn chục viên chức cao cấp khác của Tổng bộ Trang bị Trung Quốc. Sau khi ông Lý mất tích, ông Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), Phó Chủ tịch đầu tiên của Quân ủy Trung ương, đã không được nhìn thấy trong nhiều ngày. Lần xuất hiện gần đây nhất của ông là hôm 08/09 khi ông tháp tùng ông Tập trong một đợt thị sát quân đội. Các nguồn tin cho biết ông Trương hiện đang bị quản thúc tại gia.

Hôm 18/09, ông Trương Thăng Dân (Zhang Shengmin), ủy viên Quân Ủy Trung Ương kiêm bí thư Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật, đã trở thành người bị liên lụy trong cuộc thanh trừng của ông Tập.

Ông Trương Thăng Dân đồng thời giữ cả chức Bí thư của Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật, và Phó Bí thư của Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương của ĐCSTQ. Nói cách khác, ông ấy được nhiều người xem là người giám sát quân đội trung thành nhất của ông Tập.

Ủy ban Kiểm Tra Kỷ Luật trong quân đội Trung Cộng là một cơ quan quan trọng trong việc giám sát quân đội và có tính chất độc lập hơn các cơ quan khác. Nếu ông Trương Thăng Dân, người vốn chịu trách nhiệm kiểm tra kỷ luật và được cho là được ông Tập tín nhiệm, bị thanh trừng, điều đó có nghĩa là có sự bất ổn đáng kể trong quân đội của Trung Cộng.


Tướng Milley Nói Một Nhật Bản ‘Hùng Mạnh’ Có Giúp Hoa Kỳ Ngăn Chặn Trung Cộng

Hôm thứ Sáu (29/09), một viên chức quân sự hàng đầu Hoa Kỳ đã ca ngợi hành động của Nhật Bản trong việc tăng cường an ninh, nói rằng việc có một đồng minh “hùng mạnh” như Nhật Bản có thể giúp Hoa Kỳ ngăn chặn các mối đe dọa từ Trung Cộng và Bắc Hàn.

Nhật Bản đang tìm cách tăng ngân sách quốc phòng năm 2023 lên mức kỷ lục 6.8 ngàn tỷ yên (50 tỷ USD), tăng 20% so với năm trước. Trong đó bao gồm 211.3 tỷ yên (1.55 tỷ USD) dành cho hỏa tiễn hành trình tầm xa Tomahawk do Hoa Kỳ sản xuất.

Trao đổi với các phóng viên tại Tokyo, Chủ tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ, Tướng Mark Milley, cho biết việc tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản sẽ giúp chống lại Trung Cộng, nước cũng đã tăng chi tiêu quốc phòng thêm 7.2% lên tới 1.55 ngàn tỷ nhân dân tệ (230 tỷ USD).

Ông Milley cảnh báo Trung Cộng có thể trở thành “bá chủ khu vực trên toàn châu Á” trong vòng 10 đến 15 năm tiếp theo, điều này có thể dẫn đến tình hình an ninh “rất bất ổn” và “nguy hiểm” cho khu vực.

Ông mô tả việc Bắc Hàn phóng hỏa tiễn liên lục địa (ICBM) nhiên liệu rắn là một dấu hiệu rõ ràng về “ý định phát triển khả năng tấn công lục địa Hoa Kỳ” của nhà cầm quyền Bắc Hàn.

Trước những mối đe dọa này, ông Milley tin rằng “một Nhật Bản có năng lực quân sự” cùng mối liên minh mật thiết với Hoa Kỳ và các quốc gia khác “sẽ là yếu tố quan trọng để ngăn chặn chiến tranh” trong khu vực.

Ông nói với các phóng viên: “Tôi không nghi ngờ gì về việc quân đội Nhật Bản có thể nhanh chóng phát triển quy mô, tầm cỡ, phạm vi và kỹ năng vô cùng nhanh”.

Mục tiêu chi tiêu mới của Nhật Bản đáp ứng các tiêu chuẩn của NATO và cuối cùng sẽ đẩy ngân sách quốc phòng hàng năm của quốc gia này lên khoảng 10 ngàn tỷ yên (73 tỷ USD), khiến nước này trở thành quốc gia có chi tiêu quân sự lớn thứ ba thế giới sau Hoa Kỳ và Trung Cộng.


Trung Cộng Chi Hàng Tỷ USD Để Loan Tin Vịt

Theo một báo cáo công bố hôm 28/09, hàng năm, Trung Cộng chi hàng tỷ dollar để phổ biến tin giả và tuyên truyền trên khắp thế giới, và với những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo, chế độ cộng sản này sẽ có thể sớm “nhắm mục tiêu chính xác vào khán giả ngoại quốc” bằng các hoạt động gây ảnh hưởng của mình.

Trong báo cáo của Trung Tâm Hợp Tác Toàn Cầu (GEC) của Bộ Ngoại giao đã chỉ ra rằng Trung Cộng có lịch sử lâu dài về việc bóp méo sự thật. GEC giải thích rằng giờ đây họ đang rao bán “nội dung sai sự thật hoặc thiên vị ủng hộ Trung Cộng” trên toàn cầu trong khi ngăn chặn những tiếng nói bất đồng chính kiến.

Báo cáo của GEC cho biết, “Kể từ khi thành lập đảng vào năm 1921, Trung Cộng đã dùng cách thao túng thông tin để bảo đảm sự tồn tại của chế độ và gia tăng quyền lực của mình. Ngày nay, khi Trung Cộng tìm cách định hình lại trật tự quốc tế theo hướng có lợi cho mình, thì Bắc Kinh xây dựng di sản này bằng cách tận dụng tuyên truyền và kiểm duyệt”.

Để truyền bá tốt hơn những câu chuyện được ưa chuộng của mình, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện một cách tiếp cận tập trung hơn trong thập niên qua, với nhiều tài trợ hơn dành cho Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD), một cơ quan nhà nước chủ chốt chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng ở ngoại quốc.

Báo cáo của GEC cho biết: “Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông ta đã tăng đáng kể nguồn tài trợ cho UFWD và nâng cao sự phối hợp tập trung trong các nỗ lực của tổ chức này nhằm định hình môi trường quốc tế — bao gồm cả lãnh vực thông tin — theo hướng có lợi cho Bắc Kinh”.

Mặc dù Trung Cộng đang chi hàng tỷ USD mỗi năm để xây dựng một thống thông tin mà trong đó tuyên truyền và đưa tin giả của Trung Cộng “đã chiếm thế thượng phong”, nhưng báo cáo lưu ý rằng số tiền cấp cho các hoạt động gây ảnh hưởng của nước này “đang tăng lên”.

Báo cáo của GEC cho biết thêm: “Việc tiếp cận dữ kiện toàn cầu kết hợp với những phát triển mới nhất trong kỹ nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ cho phép Trung Cộng nhắm mục tiêu chính xác là vào khán giả ngoại quốc và do đó có thể gây ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế và an ninh có lợi cho Trung Cộng”.

Bài liên quan:
  • Tác động của chính quyền “kiểu Trump” đối với Trung Quốc
    James Palmer
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 22/12/2024. Năm 2024: Những biến cố gây bất ổn, những thách thức, đối đầu tại Trung Đông và Châu Á-Thái Bình Dương
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Về vấn đề kiểm soát vũ khí thông thường và chấm dứt chiến tranh Ukraine
    William Lippert
  • Trung Quốc cần một cách tiếp cận mới ở Syria
    James Palmer
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/12/2024. Năm 2024: Những sự kiện làm thay đổi chiến lược an ninh Châu Âu!
    BS Nguyễn Trọng Việt