Tin Hoa Kỳ

Những Điểm Nổi Bật Trong Ngày Đầu Tiên Xét Xử Tổng Thống Trump

Hôm 02/10, cựu Tổng thống Donald Trump đã có mặt tại một phiên tòa chưa từng có tại tòa nhà Tối Cao Pháp Viện của Tiểu bang New York ở Manhattan, để bắt đầu phiên tòa xét xử vụ án gian lận dân sự chống lại ông Trump và những người khác.

Tổng thống Donald J. Trump

Trong lúc nghỉ trưa, ông Trump cho biết “Tôi muốn xem cuộc săn phù thủy này ra sao. Tôi đã chịu đựng cuộc săn phù thủy của họ nhiều năm rồi, nhưng giờ thì chuyện này quả thực đã quá hèn hạ”.

Cựu tổng thống Trump, cho đến nay vẫn là ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng Hòa, khẳng định rằng ông không làm gì sai và vụ án này có động cơ chính trị.

Ông nói: “Họ đã khiến tôi không còn thì giờ cho cuộc tranh cử bởi vì tôi đã ngồi trong phòng xử án này suốt cả ngày”.

Trước và sau ngày đầu tiên của phiên tòa và trong thời gian nghỉ giải lao, cựu tổng thống đã tự bảo vệ mình tổng cộng bốn lần khi xuất hiện trên truyền thông. Không được phép quay phim, chụp ảnh phòng xử án, ngoại trừ một thời gian ngắn vào đầu ngày, khi Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện New York Arthur Engoron cho phép nhóm ghi hình được vào.

Sau ba năm điều tra, hồi tháng 09/2022, Bộ trưởng Tư Pháp New York Letitia James đã kiện cựu Tổng thống Trump, cho rằng ông đã lừa gạt các ngân hàng và các công ty bảo hiểm ở tiểu bang New York. Bà đang yêu cầu mức phạt 250 triệu USD và cấm cựu tổng thống cùng những người con trai trưởng thành của ông nắm giữ các chức vụ điều hành kinh doanh trong tiểu bang.

Hôm 26/09, Thẩm phán Engoron đã ban hành một phán quyết tóm tắt trước khi xét xử đối với một trong những khiếu nại của bà James — rằng cựu Tổng thống Trump đã thổi phồng giá trị tài sản ròng của ông từ 812 triệu USD lên 2.2 tỷ USD trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2021 — và tuyên bố rằng ông phải chịu trách nhiệm về việc “gian lận liên tục và nhiều lần”.

Phiên tòa sẽ giải quyết sáu “hành động bị kiện” (cause of action) còn lại chống lại ông và các hình phạt có thể áp dụng đối với cựu Tổng thống Trump, bao gồm cả việc Trump Organization và các công ty trách nhiệm hữu hạn liên quan đến Trump Organization có thể phải giải thể.

Những hành động bị kiện còn lại là làm giả hồ sơ kinh doanh, âm mưu làm giả hồ sơ kinh doanh, lập báo cáo tài chính giả, âm mưu làm sai lệch báo cáo tài chính, gian lận bảo hiểm, và âm mưu lừa đảo bảo hiểm.

Trong nguyên nhân khởi kiện đầu tiên mà bà James yêu cầu một phán quyết tóm tắt, tiểu bang không cần phải chứng minh có sự tổn thất hay chứng minh báo cáo tài chính của Trump Organization là “sai đáng kể”. Tuy nhiên, điều này không áp dụng đối với các cáo buộc khác.

Thẩm phán Engoron đã hỏi về việc định giá quá cao bao nhiêu thì được xem là “đáng kể”. Các luật sư bào chữa cho cựu Tổng thống Trump cho biết các chuyên gia nên được triệu tập để làm chứng cho việc định giá, đồng thời không tán thành phán quyết tóm tắt nói trên.

Các công tố viên đang tìm cách xác định số tiền bồi hoàn cho mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay thương mại thông thường với lãi suất ưu đãi mà Trump Organization nhận được khi họ định giá quá cao khối tài sản. Các luật sư của cựu Tổng thống Trump lập luận rằng họ bị “định giá thấp” nếu xét đến giá trị thương hiệu của ông.

Khi nói chuyện với các phóng viên, cựu Tổng thống Trump nhiều lần nhắc đến phán quyết hồi tháng Sáu của tòa phúc thẩm, trong đó đặt ra mốc thời gian khởi kiện đối với các giao dịch hoàn thành sau ngày 06/02/2016, và các yêu cầu khiếu nại kể từ ngày 13/07/2014.

Sau phán quyết này, cô Ivanka Trump được bãi bỏ tư cách bị cáo vì cô đã ngừng làm việc cho Trump Organization hồi năm 2016.

Ông Trump và các luật sư của ông nói rằng khung thời gian mới bác bỏ khoảng “80%” vụ án chống lại ông. Ông cũng đã kiện Thẩm phán Engoron vì đã cho phép vụ án tiếp tục mà không tính đến vấn đề mốc thời gian khởi kiện đó.


Đằng Sau Cuộc Biểu Quyết Lịch Sử Nhằm Truất Phế Ông Mccarthy Khỏi Chức Chủ Tịch Hạ Viện

Ông Kevin McCarthy đã trở thành chủ tịch Hạ viện đầu tiên bị bãi nhiệm, sau hôm thứ Ba (03/10), tám dân biểu Đảng Cộng Hòa có lập trường bảo tồn truyền thống cứng rắn nhất ngừng đặt hy vọng vào sự lãnh đạo của dân biểu Đảng Cộng Hòa đến từ California này. Họ nói rằng ông đã không thực hiện những lời hứa mà ông đưa ra hồi tháng Giêng, đặc biệt là đấu tranh cho kế hoạch cắt giảm chi tiêu liên bang trở lại mức trước đại dịch COVID.

Dân biểu Kevin McCarthy

Màn thua bất ngờ của dân biểu Kevin McCarthy này có tỷ số 216 phiếu thuận và 210 phiếu chống.

Trong số các dân biểu Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện bỏ phiếu truất phế ông McCarthy thì ngoài Dân biểu Matt Gaetz (Cộng Hòa-Florida) ra, còn có bảy dân biểu khác là: Andy Biggs (Cộng Hòa-Arizona), Tim Burchett (Cộng Hòa-Tennessee), Ken Buck (Cộng Hòa-Colorado), Matt Rosendale (Cộng Hòa-Mont.), Nancy Mace (Cộng Hòa-South Carolina), Cory Mills (Cộng Hòa-Florida), và Eli Crane (Cộng Hòa-Arizona).

Ngay trước cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, 207 dân biểu đảng Dân Chủ và 11 dân biểu Đảng Cộng Hòa đã đánh bại một đề nghị do Dân biểu Tom Cole (Cộng Hòa-Oklahoma) đưa ra nhằm bác bỏ kiến nghị của ông Gaetz về việc truất phế chủ tịch Hạ viện. Số phiếu cho kiến nghị này là 208 phiếu thuận và 218 phiếu chống.

Sau đó, sau một giờ đồng hồ tranh luận sôi nổi, Hạ viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ 216 phiếu thuận và 210 phiếu chống để truất phế ông McCarthy, với tất cả các dân biểu đảng Dân Chủ bỏ phiếu ủng hộ cuộc phản đối do ông Gaetz lãnh đạo.

The Epoch Times cho biết các dân biểu Cộng Hoà không muốn nói chi tiết nhưng điểm then chốt là “tín nhiệm”.

Bảy thành viên Đảng Cộng Hòa cùng với ông Gaetz đã bỏ phiếu cho Kiến nghị Truất phế (MTV) của ông, tạo thành nòng cốt của phe đối lập chống lại ông McCarthy, vốn bắt đầu liên kết lại hồi tháng Tư, kéo dài suốt kỳ nghỉ tháng Tám. Tám dân biểu này hiện là tâm điểm của một cuộc khủng hoảng về quyền lãnh đạo đang làm gián đoạn trầm trọng hoạt động tại Hạ Viện Hoa Kỳ.

Hôm 02/10, ông Gaetz đã đưa ra Kiến nghị Truất phế, vốn đe dọa đến chức vụ của ông McCarthy và buộc ông phải nhờ đến sự ủng hộ — trực tiếp hoặc gián tiếp — từ các thành viên đảng Dân Chủ hoặc bằng cách nào đó thuyết phục một số đối thủ của mình đảo ngược quan điểm vì muốn né tránh một vụ hỗn loạn rất tai hại về chính trị trong Hạ Viện.


Người Dân Mỹ Muốn Cắt Giảm Chi Tiêu Của Chính Phủ

Khi được hỏi liệu họ có muốn cắt giảm chi tiêu để cân bằng ngân sách và giảm lạm phát hay không, 78% nói “có” và chỉ 11% không đồng ý.

Khi được hỏi liệu có cần yêu cầu những người khoẻ mạnh phải làm việc thay vì nhận viện trợ liên bang hay không, 75% nói “có”. Chỉ 14% không đồng ý.

Hơn hai phần ba người Mỹ muốn cắt giảm chi tiêu liên bang (69% — bao gồm 86% cử tri Đảng Cộng Hòa, 68% cử tri độc lập, và 53% cử tri đảng Dân Chủ).

Trên thực tế, ngay cả khi thực hiện đóng cửa tạm thời, thì 57% vẫn muốn giảm chi tiêu hơn là tiếp tục tăng (77% cử tri đảng Cộng Hòa, 57% cử tri độc lập, và 39% cử tri đảng Dân Chủ).

Có quá nhiều thành viên đảng Cộng Hòa tại Thượng viện Hoa Kỳ vẫn muốn chi tiêu như bình thường và tránh xung đột với Tổng thống Joe Biden và các đồng sự thuộc đảng Dân Chủ.

Tuy nhiên, khi người Mỹ được hỏi liệu họ thích một thành viên đảng Cộng Hòa muốn cắt giảm chi tiêu — ngay cả khi việc cắt giảm chi tiêu dẫn đến việc đóng cửa — hay một thành viên đảng Dân Chủ muốn tăng chi tiêu và tránh việc đóng cửa, thì tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên Đảng Cộng Hòa là 51% so với 34%. Tương quan này có gia tăng cho đảng Cộng Hòa trong hiện tại, trong khi đảng Dân Chủ thì giảm 7%. Đảng Cộng Hòa đặc biệt giành được lợi thế trong số các cử tri độc lập (thêm 13%) và người Mỹ gốc Á (thêm 12%).

Mong muốn cân bằng ngân sách này đã chứng thực công việc khó khăn của Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ Viện Jodey Arrington và các đồng sự đảng Cộng Hòa của ông. Họ đã viết dự luật Ngân sách Cân bằng và báo cáo về dự luật này vào tuần lễ từ 16-22/09.

Tâm trạng đang hình thành ở Hoa Kỳ đã được thể hiện vào cuối tuần 28-29/09 bởi một cuộc thăm dò của Washington Post/ABC News cho thấy cựu Tổng thống Trump đánh bại Tổng thống Biden với tỷ lệ 52% so với 42%. Đáng kinh ngạc hơn nữa, trong khi ông Trump đang dẫn trước tất cả các đối thủ thuộc đảng Cộng Hòa để giành được đề cử của đảng Cộng Hòa với tỷ lệ 54%, thì ông Biden lại đang gặp rắc rối lớn với đảng Dân Chủ. Họ muốn đề cử ai đó ngoài ông Biden với tỷ lệ từ 62% so với 33%.


Ông Kevin Mccarthy Bị Cách Chức Chủ Tịch Hạ Viện

Dân biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đã bị cách chức Chủ tịch Hạ Viện trong một cuộc bỏ phiếu của Hạ Viện theo một đề nghị bãi nhiệm từ một thành viên trong đảng của ông đưa ra.

Hành động chưa từng có này đã đẩy Hạ Viện vào tình huống mà chắc chắn sẽ là cuộc chiến đầy tranh cãi cho chức chủ tịch khi cùng lúc đó Hạ Viện phải tranh đấu về lịch trình để hoàn tất tiến trình phân bổ ngân sách và tiếp tục cuộc điều tra đàn hặc Tổng thống Joe Biden.

Cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 216 phiếu thuận – 210 phiếu chống là một chiến thắng đáng kể — và mỉa mai — dành cho vị Dân biểu nổi loạn Matt Gaetz (Cộng Hòa-Florida). Ông Gaetz chỉ tập hợp được bảy thành viên Đảng Cộng Hòa tham gia cùng với ông dựa vào các thành viên đảng Dân Chủ để lật đổ ông McCarthy.

Một trong những điều chủ yếu mà ông Gaetz phàn nàn về ông Kevin McCarthy là, ông ấy đã nhượng bộ đảng Dân Chủ nhiều quá trong các chương trình không có lợi cho quốc gia mà đa số thành viên Đảng Cộng Hòa phản đối.

Ông McCarthy, là người giữ cái búa Chủ tịch Hạ Viện hồi tháng Giêng sau 15 vòng bỏ phiếu, đã giữ cái búa này được 9 tháng.

Đây là lần đầu tiên một chủ tịch Hạ Viện bị cách chức thông qua một kiến nghị bãi nhiệm. Năm 2015, Dân biểu John Boehner (Cộng Hòa-Ohio) đã từ chức chủ tịch và rời khỏi Quốc hội trước khi một kiến nghị như vậy được đưa ra. Lần cuối cùng có một cuộc bỏ phiếu về một kiến nghị như vậy là vào năm 1910 nhưng không thành công.

Trước khi có sự bãi nhiệm, một hành động đưa ra đề nghị bãi nhiệm đã thất bại qua một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 208 phiếu thuận – 218 chiếu chống. Mười một thành viên đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu phản đối việc đưa ra đề nghị này.

Sáng ngày 03/10, ông McCarthy nói trên CNBC rằng ông sẽ không thực hiện bất cứ sự nhượng bộ nào với đảng Dân Chủ để giữ lấy chiếc búa.

Các thành viên đảng Dân Chủ đã tham gia cùng một số thành viên đảng Cộng Hòa để truất phế ông McCarthy khỏi vị trí chủ tịch khi Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York) nói rằng lãnh đạo đảng Dân Chủ tại Hạ viện sẽ bỏ phiếu ủng hộ đề nghị bãi nhiệm này.

Ông Jeffries tuyên bố, “Bây giờ là lúc các thành viên đảng Cộng Hòa phải có trách nhiệm chấm dứt Nội chiến của đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện. Bởi vì họ không sẵn lòng thoát khỏi chủ nghĩa MAGA (Make America Great Again) một cách toàn diện, nên lãnh đạo đảng Dân Chủ tại Hạ viện sẽ bỏ phiếu đồng ý với Đề nghị Truất phế Chủ tịch của Đảng Cộng Hòa”.

Dưới thời ông McCarthy làm chủ tịch, Hạ Viện đã thông qua đạo luật giải quyết mức trần nợ, một thỏa thuận mà ông đã đạt được với Tổng thống Joe Biden; an ninh biên giới; năng lượng Mỹ; và các đặc vụ IRS mới. Ngoại trừ dự luật mức trần nợ, thì các dự luật này đã dừng lại khi đến Thượng Viện và không có cơ hội trở thành luật.

Để có được chức chủ tịch, ông McCarthy đã đồng ý chấp nhận một sự thay đổi quy tắc trong đó cho phép bất cứ thành viên nào có thể đưa ra kiến nghị bãi nhiệm bất cứ lúc nào.

Một ngày sau khi Quốc Hội ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa bằng cách thông qua nghị quyết chi tiêu tạm thời (CR) trong vòng 45 ngày để gia hạn tài trợ sau khi kết thúc năm tài khóa, ông Gaetz đã lên truyền hình để loan báo ý định bãi nhiệm vị chủ tịch này.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm 01/10, ông Gaetz cho biết: “Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã đạt được một thỏa thuận với những người theo phái bảo tồn truyền thống trong Hạ Viện hồi tháng Giêng và kể từ đó, ông ấy đã vi phạm thỏa thuận đó nhiều lần”.

Mặc dù ông Gaetz và những người khác thường xuyên đề cập đến thỏa thuận này, nhưng không ai sẵn sàng cung cấp đầy đủ chi tiết về nội dung của thỏa thuận.


Danh Sách Các Thiết Bị Mà Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ Dự Định Nhắm Đến Trong Vòng 12 Tháng Tới

Theo Nghị trình Thống nhất nửa năm một lần, một danh sách do các cơ quan liên bang chuẩn bị nêu chi tiết các quy định mà họ dự định thực hiện trong vòng 12 tháng tới, Bộ Năng lượng (DOE) sẽ đẩy mạnh các đề nghị để quản lý một số thiết bị máy móc ở Hoa Kỳ.  

Chỉ vài ngày trước đây, DOE đã công bố các tiêu chuẩn mới về tiết kiệm năng lượng cho lò sưởi gas dân dụng — hạn chế mới nhất trong một làn sóng những hạn chế, mà trước đó bao gồm máy bơm hồ bơi, bộ sạc pin, quạt trần, máy hút ẩm, lò gas, và bóng đèn sợi đốt, cùng với các máy móc khác.

Danh sách mới nhất của Nghị trình Thống nhất không phải là tuyệt đối nhưng mang đến cái nhìn sâu sắc về quan điểm của các cơ quan liên bang đối với người tiêu dùng Mỹ trong tương lai.

Ông Ben Lieberman, một thành viên cao cấp tại Viện Doanh Nghiệp Cạnh Tranh, nói với Fox News rằng: “Hạn chế này đang lan sang nhiều thiết bị khác. Có vẻ như hầu hết mọi thứ cắm vào hoặc nóng lên xung quanh nhà đều phải tuân theo quy định đang chờ giải quyết hoặc sẽ sớm phải tuân theo. Người tiêu dùng sẽ không thích bất cứ điều nào trong số đó. Những quy định này hầu như luôn có hại cho người tiêu dùng vì lý do đơn giản là những quy định đó hạn chế lựa chọn của người tiêu dùng”.

Ông Lieberman nói thêm: “Những quy tắc này buộc mọi người phải tuân theo, cho dù điều đó có hợp lý với họ hay không. Hầu hết các tiêu chuẩn thiết bị này đều làm tăng chi phí trả trước. Không rõ liệu  người ta có lấy lại được số tiền đó dưới hình thức tiết kiệm năng lượng hay không”.


Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ Bác Bỏ Vụ Kiện Nhằm Ngăn Chặn TT Trump Tranh Cử Vào Năm 2024

Ông John Anthony Castro đã đệ đơn kháng cáo lên Tối Cao Pháp Viện vài tuần trước và tuyên bố rằng cựu tổng thống Trump nên bị loại theo một cách diễn giải Tu Chính Án thứ 14 của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Ông Castro, một luật sư ở Texas đang tranh cử tổng thống, tuyên bố cựu TT Trump đã tham gia vào một cuộc nổi dậy chống lại chính phủ liên bang trong sự kiện vụ xâm nhập Điện Capitol vào ngày 06/01/2021.

“Quyết định của Tòa án Địa hạt Liên bang cho Địa hạt Phía Nam Florida đã bác bỏ vụ kiện dân sự của Nguyên đơn John Anthony Castro với lý do ông không có đủ tư cách Hiến Pháp để kiện một ứng cử viên khác”. Tuy nhiên, ông Castro yêu cầu xét xử lại. Đồng thời, ông khẳng định rằng bởi vì ông là một ứng cử viên thuộc đảng Cộng Hòa, nên việc tên của cựu TT Trump nằm trên lá phiếu sẽ gây khó khăn cho ông trong việc gây quỹ.

Theo hồ sơ từ Ủy ban Bầu cử Liên bang, ông Castro đã vận động được chính xác là 0 USD và dường như đã chi cho chiến dịch tranh cử của chính mình 20 triệu USD.

Đơn kiến nghị của ông được gửi lên Tối Cao Pháp Viện trong bối cảnh một số nhóm cánh tả cũng đang cố gắng ngăn cản tên tổng thống xuất Trump xuất hiện trên các lá phiếu cấp tiểu bang, sử dụng lý do tương tự như lập luận của ông Castro.

Chẳng hạn, tổ chức cánh tả Free Speech for People (Tự do Ngôn luận cho Mọi người) đã viết thư cho đổng lý của các tiểu bang Florida, New Hampshire, New Mexico, Ohio, và Wisconsin, kêu gọi họ không đưa tên cựu TT Trump vào lá phiếu của các tiểu bang đó. Hồi đầu tháng Chín, sáu cử tri Colorado cũng đã đệ đơn kiện với lý do tương tự.

Tuy nhiên, ngay cả các đổng lý của đảng Dân Chủ dường như cũng không muốn ngăn cản cựu TT Trump bằng những lý do này. Một số nhà phân tích pháp lý cũng nói rằng điều khoản nổi dậy theo Tu chính án thứ 14 là nhắm vào những cá nhân có dính dáng đến Liên Minh Miền Nam mang tinh thần Nội chiến.

Đổng lý Michigan Jocelyn Benson, một thành viên đảng Dân Chủ, thường xuyên chỉ trích tổng thống Trump, đã nói với Axios hồi tháng Chín rằng: “Chúng tôi không phải là cảnh sát xét duyệt điều kiện tham gia tranh cử. Chúng tôi chịu trách nhiệm về những người được vào lá phiếu”. Đó là phản ứng của bà đáp lại áp lực nhằm ngăn cản cựu tổng thống Trump có tên trong lá phiếu ở tiểu bang của bà.


Tin Thế Giới

Đảng Cộng sản Trung Quốc Sụp Đổ ‘Là Xu Hướng Khó Tránh’

Theo truyền thông nhà nước Trung Cộng, cả bảy Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị của đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đều đã tham dự tiệc chiêu đãi vào tối ngày 28/09. Ông Tập Cận Bình có bài diễn văn thừa nhận “con đường phía trước sẽ không thuận buồm xuôi gió”.

Mặc dù Tập Cận Bình nói trong bài diễn văn rằng “chúng ta đoàn kết vui vẻ”, nhưng trong video cho thấy nét mặt ông Tập có vẻ lo lắng, một số thành viên khác trong Ban Thường Vụ thì có vẻ mặt đờ đẫn.

Chiến dịch zero COVID kéo dài 3 năm của ông Tập Cận Bình khiến lòng người phẫn nộ, gây thiệt hại trầm trọng cho nền kinh tế và sinh kế của người dân. Sau khi chiến dịch này được dỡ bỏ vào cuối năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục trì trệ. Do nền kinh tế yếu kém, nên ĐCSTQ đã phong tỏa data kinh tế, đồng thời chỉ trích truyền thông ngoại quốc nói xấu nền kinh tế của Trung Cộng, thậm chí không cho công bố tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt của thanh niên hồi tháng Tám.

Nhà văn kiêm nhà bình luận độc lập Thái Thận Khôn (Cai Shenkun) nói với The Epoch Times rằng tình hình chính trị của Trung Cộng  sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng quốc tế trong tương lai; mà vấn đề lớn nhất của Trung Cộng là tình trạng kinh tế tồi tệ.

Ông Thái cho hay, “Tiêu dùng trì trệ, kinh tế suy thoái, xuất cảng rớt giá, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, thu nhập của người dân chỉ giảm không tăng, dân chúng bất mãn, các cuộc biểu tình liên tiếp xảy ra… Đây là tình hình ở Trung Quốc”.

Tập đoàn Evergrande của Trung Cộng đang gặp khủng hoảng nợ lớn. Hôm 28/09, tập đoàn này thông báo chủ tịch hội đồng quản trị Hứa Gia Ấn bị “thực hiện các biện pháp cưỡng chế”, Evergrande đang gặp nguy cơ sụp đổ.

Ông Thái Thận Khôn cho biết hiện tại không có biện pháp hóa giải nào tốt hơn để giải quyết vấn đề nợ nần, và những trái bom lớn sẽ đe doạ nổ ra.

Ngoài ra, ĐCSTQ còn phải gặp tình thế khó khăn trong chiến dịch chống tham nhũng. Sau khi người thân tín của ông Tập Cận Bình là Lý Hi, đặc trách Ủy ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung ương cho biết, tính đến ngày 05/09, số viên chức trung ương bị “ngã ngựa” trong năm nay đã lên tới 33 người.

Ông Thái nói rằng tất nhiên việc chống tham nhũng sẽ tiếp tục, nhưng nếu làm tiếp thì sẽ gặp trở ngại, vì các viên chức chủ chốt đều là do đích thân ông Tập lựa chọn.


Hôm 29/09, ông Vương Hách, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc nói với The Epoch Times rằng, tình hình chính trị hiện tại của  Trung Cộng rất kỳ lạ. Đầu tiên là những người ở cấp cao nhất của ĐCSTQ và Bộ Chính trị Trung ương đều là “quân nhà Tập”. Đây là điều Mao Trạch Đông không làm được, nhưng Tập Cận Bình làm được.

Ông Vương nói: “Ông Mao Trạch Đông có ông Chu Ân Lai bí mật đối phó; ông Đặng Tiểu Bình có ông Trần Vân và ông Lý Tiên Niệm kiềm chế; ông Giang Trạch Dân đấu đá với ông Hồ Cẩm Đào. Ông Tập Cận Bình đã phá vỡ quy tắc này và khởi động nhiệm kỳ thứ ba. Lẽ ra ông ấy có thể thư thả nghỉ ngơi, nhưng cuối cùng tình hình lại chuyển biến xấu. Trung Quốc thời xưa có câu ‘vật cực tất phản’. Ông Tập Cận Bình càng leo cao thì càng té nặng. Hiện tại cho dù là người trong hay ngoài đảng, cũng như trong hay ngoài nước, đều đang mắng ông ấy. Tình thế này đang phát triển nhanh chóng vượt ngoài sức tưởng tượng của tất cả mọi người”.

Theo ông Vương: “Một người làm sai một việc là chuyện rất bình thường, nhưng ông Tập Cận Bình đã làm sai mọi việc. Ông ấy lên nắm quyền bằng cách đả hổ. Lúc đó, ông ấy có những con bài rất tốt. Tuy nhiên, ông đã chọn sai phương hướng, khiến tình hình tồi tệ nhanh chóng. Tập Cận Bình trở thành người đẩy nhanh sự diệt vong của nhà cầm quyền Trung Cộng”.


Ông Tập Cận Bình Thân Thiện Với Nam Hàn Vì Bắc Hàn Liên Kết Với Nga

Trong một loạt diễn biến mới đây, lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình đã đề nghị một chuyến thăm cấp tới Nam Hàn, báo hiệu một chương mới trong mối bang giao chiến lược giữa hai nước. Cử chỉ này được xem như là một phần của sáng kiến ​​lớn hơn nhằm thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Các chuyên gia cho rằng lời đề nghị của ông Tập là một biện pháp đối phó với liên minh đang phát triển giữa Bắc Hàn và Nga — một liên minh có thể phá vỡ ảnh hưởng lâu dài của Trung Cộng trong khu vực.

Nam Hàn vẫn là cường quốc duy nhất có khả năng chống lại Bắc Hàn về mặt quân sự, khiến nước này trở thành một yếu tố quan trọng trong tính toán của Trung Cộng. Hơn nữa, Tập Cận Bình đặt mục tiêu phá bỏ liên minh ba bên hiện có giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Nam Hàn, đặc biệt trong bối cảnh chính phủ đương nhiệm của Nam Hàn do Tổng thống Yoon Suk Yeol đứng đầu có lập trường chống cộng sản.

Mặc dù Nam Hàn có những ràng buộc về mặt kinh tế với Trung Cộng, nhưng mối bang giao giữa hai nước đã có những dấu hiệu căng thẳng kể từ khi Tổng thống Yoon nhậm chức. Không giống như người tiền nhiệm Moon Jae-in, người duy trì một chính sách thân thiện với Trung Cộng, Tổng thống Yoon đã tiếp tục duy trì các chuẩn mực ngoại giao được thiết lập từ lâu của Nam Hàn, từng làm Bắc Kinh lo ngại.

Thống kê từ Hiệp Hội Thương Mại Quốc Tế Nam Hàn (KITA) tiết lộ một thay đổi đáng chú ý: Sự phụ thuộc của Nam Hàn vào thị trường xuất cảng Trung Cộng đã giảm từ 26.8% vào năm 2018 xuống còn 19.5% trong ba tháng đầu năm 2023.

Sự sụt giảm này tương ứng với những nỗ lực của Nam Hàn trong việc tuân thủ chặt chẽ hơn các chính sách của Hoa Kỳ, vốn liên quan đến việc hạn chế xuất cảng chất bán dẫn tân tiến sang Trung Cộng. Hậu quả là xuất cảng sang Trung Quốc giảm mạnh 29.8% trong ba tháng đầu năm nay.

Nam Hàn cũng đang tích cực đa dạng hóa thị trường xuất cảng. Năm 2021, xuất cảng sang các quốc gia như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc Đại Lợi, và Việt Nam đã tăng mạnh, với chỉ số Lợi Thế So Sánh Thị Trường (MCA) từ 6 đến 7 — cao hơn đáng kể so với chỉ số 4 của Trung Cộng.

Nhà phân tích độc lập Chư Cát Minh Dương (Zhuge Mingyang) cho rằng sự phụ thuộc nền kinh tế Nam Hàn vào Trung Cộng ngày càng giảm có thể gây ra những hậu quả địa chính trị sâu rộng. Bằng cách đa dạng hóa danh mục đầu tư kinh tế, Nam Hàn có nguy cơ làm nới lỏng sự kiểm soát của Trung Cộng, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt ảnh hưởng chiến lược đối với Bán đảo Triều Tiên.


Đảng Cộng Hòa Tại Hạ Viện Yêu Cầu DOD, FBI Trả Lời Về Việc Trung Cộng Xâm Nhập Vào Căn Cứ Quân Sự Của Hoa Kỳ

Hôm thứ Hai (02/10), Chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Hạ Viện James Comer (Cộng Hòa-Kentucky) công bố một cuộc điều tra mới về những nỗ lực rõ ràng của các đặc vụ Trung Cộng nhằm xâm nhập vào quân đội Hoa Kỳ.

Cùng ngày, ông Comer và Dân biểu Glenn Grothman (Cộng Hòa-Wisconsin), chủ tịch tiểu ban Giám sát về An ninh Quốc gia, Biên giới, và Ngoại giao, đã gửi một bức thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Giám đốc FBI Chris Wray, gióng lên một hồi chuông cảnh báo về nhiều trường hợp người Trung Cộng lao qua cổng an ninh tại các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ. Các nhà lập pháp đảng Cộng Hòa đã kêu gọi ông Austin và ông Wray tường trình tóm lược về những biến cố an ninh này cho Quốc Hội trước ngày 16/10.

Tháng trước, Wall Street Journal lần đầu tiên đưa tin rằng một cuộc đánh giá chung của Bộ Quốc phòng (DOD), FBI, và các cơ quan khác của Hoa Kỳ đã phát giác hơn một trăm trường hợp công dân Trung Cộng tìm cách tiến vào các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ và các cơ sở nhạy cảm khác trong những năm gần đây. Các phát giác cho thấy nhiều trường hợp các công dân Trung Cộng ăn mặc như khách du lịch, và phóng nhanh qua cổng an ninh trước khi bị giam giữ, truy tố hình sự, và áp giải ra khỏi căn cứ.

Được biết, cuộc đánh giá đã gọi những công dân Trung Quốc này là “những kẻ phá cổng”.

Hồi tháng 01/2019, hai công dân Trung Cộng, ông Vương Vũ Hào (Wang Yuhao) và ông Trương Kiệt Luân (Zhang Jielun), bị bắt tại Trạm Không Quân của Hải Quân (NAS) Key West sau khi mạo hiểm đi vào căn cứ hải quân này và chụp hình. Theo hồ sơ tòa án, một nhân viên bảo vệ đã hướng dẫn cho hai công dân Trung Cộng này rằng họ không được phép vào cơ sở và chỉ có thể tiến vào vừa đủ để quay đầu xe trở ra ngay. Tuy nhiên, hai người này lại tiếp tục đi vào căn cứ.

Sau đó, hai người Trung Cộng này đã nhận tội xâm nhập trái phép vào căn cứ của Hải quân và bị kết án tù vào tháng 06/2020.

Một công dân Trung Cộng thứ ba, ông Liệu Liễu Hữu (Lyuyou Liao), cũng đã nhận tội và bị kết án vào tháng 06/2020 vì đã tìm cách xâm nhập trái phép vào NAS Key West.

Mặc dù những “kẻ phá cổng” này chỉ chụp hình thoáng qua bên ngoài trước khi bị bắt, nhưng hai nhà lập pháp đảng Cộng Hòa này vẫn lo ngại đặc vụ Trung Cộng có thể do thám Hoa Kỳ. Trong thư, ông Comer và ông Grothman lưu ý những trường hợp mà trong đó các công dân và doanh nghiệp Trung Cộng đã tìm cách mua đất ở gần các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ, cũng như khinh khí cầu giám sát tầm cao của Trung Cộng đã bay qua khắp Hoa Kỳ hồi đầu năm nay trước khi bị bắn rơi trên Đại Tây Dương.


Tin Việt Nam

Hơn 1,200 Xí Nghiệp Ở Sài Gòn Cắt Giảm Nhân Công Năm Nay

Bản khảo sát gần 10,000 xí nghiệp với hơn 233,400 công nhân trong 3 tháng gần đây đã đưa ra dự báo: “1,200 công ty lớn nhỏ mọi ngành nghề ở Sài Gòn dự trù cắt hoặc giảm công nhân trong năm nay, do kinh tế Việt Nam chưa sáng sủa”. Bản tin của thông tấn xã CSVN (TTXVN) đưa ra các con số bi quan về tình kình sản xuất, kinh doanh đủ mọi lãnh vực, ngành nghề ở Sài gòn từ xây dựng, sửa chữa xe, vận tải, buôn bán v.v… vì họ “tiếp tục gặp khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp thâm dụng lao động”.

Bản tin kể trên của TTXVN chỉ một ngày sau khi ông Thủ tướng Phạm Minh Chính họp với tất cả các bộ ngành, cơ quan trung ương và các tỉnh thị cả nước thúc ép phải làm sao cho nền kinh tế tăng trưởng được 10.6% trong ba tháng cuối năm để đạt được thành tích cả năm trung bình tăng trưởng được 6%, giúp ông giữ được cái ghế thủ tướng. Cả 9 tháng cộng lại chỉ tăng trưởng được 4.24%.

Cả hai định chế tài trợ quốc tế Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đều cho rằng kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng khoảng 4.7% cho năm nay. Nền kinh tế nước này dựa vào khối hàng hóa xuất cảng của các nhà đầu tư ngoại quốc hầu đạt thành tích tăng trưởng cao, trong khi các thị trường tiêu thụ lại không nhập cảng nhiều, dù mùa tiêu thụ lễ tết cuối năm đang đến.

Cuối Tháng Năm vừa qua, “Ban nghiên cứu Phát Triển Kinh Tế Tư Nhân” (bộ phận cố vấn cải cách thủ tục hành chính của nhà cầm quyền trung ương) đã đưa ra dự báo là khoảng 5,200 xí nghiệp trên cả nước dự trù cắt giảm lối 5% công nhân trong lãnh vực xây dụng và công nghiệp năm nay. Lý do chính buộc họ cắt giảm công nhân vì đơn đạt hàng họ nhận được giảm xuống.

Cũng vào dịp này, Sở Lao Động thành phố Sài Gòn cho hay chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có gần 92,000 công nhân thuộc các hãng xưởng ở địa phương đã mất việc. Thành phố Sài Gòn là con bò sữa nuôi sống chế độ Hà Nội, hàng năm đóng góp khoảng 27% cho ngân sách nhà nước. Khi số xí nghiệp ở Sài gòn tới con số ngàn phải cắt giảm nhân công, ảnh hưởng không nhỏ.

Bởi vậy, Tổng cục Thống Kê trong bản báo cáo ngày 29 Tháng Chín nói rằng, thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm mất 8.3% so với năm ngoái. Nguyên nhân, theo cơ quan này thì “khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm”.


Ba-Đình ráo riết “sắp xếp” ghế chóp bu cho khóa sắp tới

Cuộc họp kỳ thứ 8 của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN khóa XIII bắt đầu diễn ra từ ngày 2 Tháng Mười với chương trình nghị sự gồm cả việc thảo luận “xem xét, cho ý kiến về quy hoạch Ban chấp hành trung ương khóa XIV” chính thức bắt đầu từ đầu năm 2026.

Trong ngày họp đầu tiên của kỳ thứ 8 năm nay đã có 2 Ủy viên trung ương đảng là Lê Đức Thọ, nguyên bí thư tỉnh ủy Bến Tre và Trịnh Văn Chiến, nguyên bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa bị “cách hết tất cả các chức vụ trong đảng”. Còn Điểu K’Ré, phó bí thư thường trực tỉnh ủy Đắk Nông, thì bị cho “thôi” cái ghế ủy viên trung ương, tức bị đuổi ra ngoài.

Cuộc họp bắt đầu từ ngày 2 Tháng Mười chỉ chính thức hóa những cái gì diễn ra trong hậu trường để tuyên truyền với quần chúng. Trong khi trên thực tế không ai biết có gì đang xảy ra trừ những kẻ trong cuộc. Khóa XIII bắt đầu từ đầu năm 2021 gồm 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết nhưng từ đó đến nay đã có một số ngồi tù vì tham nhũng và một số khác đang chờ có án.

Một số ủy viên trung ương đảng CSVN đương nhiệm và Bộ Chính Trị bị mất ghế gây rúng động dư luận từ năm ngoái đến giờ như Ủy Viên Bộ Chính Trị giữ chức Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ông Phúc thì được “xin thôi chức” trong khi hai ông Minh và Đam thì bị “cho thôi chức” mà tin tức chính thức không thấy nói vì tội gì.

Hai Ủy viên trung ương cộm cán khác, Chu Ngọc Anh, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội mà trước đó là Bộ trưởng Khoa học và Kỹ nghệ, Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Y tế thì đều bị cáo buộc ăn hối lộ hàng triệu USD trong vụ bán “kít xét nghiệm” dỏm của công ty Việt Á. Cả hai ông đang chờ ra tòa cùng với nhiều người khác liên quan.

Tháng Bảy vừa qua, nhiều báo tại Việt Nam đưa tin cuộc họp Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng họp ngày 10 Tháng Bảy loan báo trong nửa đầu năm nay đã có 361 đảng viên bị “khai trừ đảng” sau khi kiểm tra thấy “có dấu hiệu vi phạm đối với 914 tổ chức đảng và 3,057 đảng viên”. Không thấy liệt kê chi tiết lý do nhưng thông thường là tham nhũng hoặc “lợi dụng chức vụ” để làm bậy.

Ngoài những lý do tham nhũng và lạm dụng chức vụ để bị đẩy ra khỏi đảng, giới theo dõi chính tình tại Việt Nam cũng nhận diện được các cuộc đấu đá kéo bè kết cánh trên thượng tầng của chế độ. Nó liên tục xảy ra theo chu kỳ đại hội đảng lặp đi lặp lại. Nhiều lá thư tố cáo, vạch lưng tham nhũng hoặc kéo bè kết đảng người ta từng thấy phổ biến trên mạng.


Kinh Tế Việt Nam Tăng Trưởng Ỳ Ạch Trong Năm 2023

Ngày 1 Tháng Mười, nhà cầm quyền trung ương CSVN họp trực tuyến định kỳ với tất cả các tỉnh thị cả nước. Cuộc họp diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng cục Thống kê, trực thuộc Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, công bố bản báo cáo tình hình kinh tế xã hội cả nước Tháng Chín và cả 9 tháng đầu của năm 2023. Trong đó, dù khá hơn 6 tháng trước, kinh tế Việt Nam trong 3 tháng vừa qua cũng chỉ tăng trưởng được 5.33%.

Riêng trong Tháng Chín, Ba-Đình “đã ban hành 6 nghị định, 13 nghị quyết”. Cá nhân ông thủ tướng đã đưa ra “2 quyết định quy phạm và 8 công điện” hối thúc. Cộng chung lại, nhà cầm quyền trung ương CSVN đã đưa ra “67 nghị định, 175 nghị quyết” và riêng ông thủ tướng đã “ban hành 25 quyết định quy phạm, nhiều quyết định cá biệt và 24 chỉ thị” nhằm đẩy cỗ máy sản xuất kinh tế chạy đua với chỉ tiêu nhưng không thể chạy nhanh hơn nổi.

Ba tháng đầu năm nay chỉ tăng trưởng được 3.28%, 3 tháng kết tiếp tăng trưởng 4.05%. Khi cộng chung cả 9 tháng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ được 4.24% trong khi chỉ tiêu đề ra từ đầu năm cho năm nay là 6.5%. Chỉ còn ba tháng nữa là hết năm, chế độ Hà Nội thúc hối các bộ ngành và các địa phương “tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh”.

Tại cuộc họp nói trên, Bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư thấy báo cáo nếu muốn tăng trưởng được 6%, ba tháng cuối năm nay phải tăng trưởng được 10.6% một khả năng khó lòng “phấn đấu”. Giữa tuần trước, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) dự báo kinh tế Việt Nam năm 2023 chỉ tăng trưởng được khoảng 4.7% vì tình hình suy thoái chung của kinh tế thế giới.

Ngày 10 Tháng Tám, Ngân hàng Thế giới (WB), định chế tài trợ quốc tế tài trợ rất nhiều giúp Việt Nam xóa đói giảm nghèo, cũng đã dự báo nước này khó tăng trưởng nhiều hơn 4.7%. Để vượt thoát khó khăn, WB khuyến cáo Việt Nam phải kích thích tiêu thụ nội địa nhiều hơn thay vì trông nhờ vào hàng hóa xuất cảng từ các nhà đầu tư nước ngoài.


Việc Đổi Tên Đại Học Ở Anh Thành Tỷ Phú Việt Nam Bị Hủy

Theo tin đài RFA, kế hoạch đổi tên của Linacre College thuộc Đại học Oxford, Anh Quốc theo tên của nữ tỷ phú Việt Nam- chủ hãng Vietjet, đã bị hủy bỏ.

Mạng báo Telegraph của Anh loan tin vào cuối tháng Chín vừa qua. Tin dẫn báo cáo tài chính thường niên 2021/2022 của Linacre College về khoản tài trợ trị giá 155 triệu bảng Anh theo Bản ghi nhớ ngày 31/10/2021 với Sovico Group của bà chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo. Tuy nhiên sau thời hạn cuối tháng 6/2022 nhiều tháng, khoản tài trợ đầu tiên vẫn không được chuyển cho Linacre College theo như thỏa thuận đã ký. The Telegraph chưa nhận được bình luận về tin liên quan từ Linacre College và Đại học Oxford.

Hồi tháng 6/2022, Chính phủ Anh cho biết về biện pháp điều tra, thẩm định khoản tài trợ trị giá 115 triệu bảng Anh từ một tập đoàn ở Việt Nam. Dân biểu Julian Lewis khi đó cảnh báo với Hạ viện Anh Quốc rằng bà Nguyễn Thị Phương Thảo “cực kỳ thân thiết với chính quyền cộng sản Việt Nam” và nghi ngờ nguồn tiền mà bà Thảo hứa tài trợ là không trong sạch.

Kết quả sau cùng của cuộc điều tra cho biết giới chức Bộ Giáo dục Anh Quốc khen Linacre College tiến hành tốt qui trình thẩm định.

Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 18-19-20/11/2024.
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga
  • Tổng thống Nga ký sắc lệnh mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân
  • Ukraine lần đầu tiên tấn công Nga bằng tên lửa của Mỹ vào ngày thứ 1.000 của cuộc chiến
  • Bắc Triều Tiên cung cấp cho Nga tên lửa và pháo tầm xa
  • Đặc phái viên Mỹ: Khả năng chấm dứt chiến tranh Israel-Hezbollah 'trong tầm tay'
  • An ninh Đông Á bị tác động nghiêm trọng vì lính Bắc Triều Tiên can dự chiến tranh Ukraina
  • Nhóm 5 nước lớn nhất châu Âu "ủng hộ" trái phiếu quốc phòng
  • Liên Âu bất đồng về việc cho Ukraina dùng vũ khí được cung cấp tấn công lãnh thổ Nga
  • Thượng đỉnh G20 khép lại với tuyên bố chung chống nạn đói toàn cầu
  • Manila tố cáo Trung Cộng ngụy trang tàu chiến thành tàu cá xâm chiếm biển Philippines
  • Ba tù nhân chính trị đang thụ án 26 năm tù được trao Giải Nhân quyền Việt Nam 2024
  • Giám đốc Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA tuyên bố ủng hộ nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Mỹ xác định Việt Nam ‘không thao túng tiền tệ’.
  • Nghiên cứu mới: 99% quần đảo Trường Sa nằm trong tầm với của Bắc Kinh
  • Mỹ cho Việt Nam 5 máy bay huần luyện
  • Hà Nội dự kiến hạn chế xe máy vào nội thành
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 11-12-13/11/2024
  • Nghị trình "Làm Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại" được định hình: Nội các của TT Trump
  • Ông Trump gặp ông Biden tại Tòa Bạch Ốc
  • Tổng thống Ukraina: Nga điều 50.000 quân tới khu vực Kursk và chuẩn bị tấn công
  • Ngoại trưởng Blinken cam kết củng cố ủng hộ cho Ukraine trước khi chuyển giao quyền lực
  • Chiến tranh tiếp tục lan rộng tại Liban
  • Các nước Ả Rập họp hội nghị cấp cao khẩn cấp về xung đột tại Trung Đông
  • Donald Trump chọn nhân sự cứng rắn với Trung Cộng vào các vị trí chủ chốt
  • APEC 2024: Peru bắt đầu tuần lễ Diễn đàn Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương
  • Nhật Bản: Hạ Viện mới bầu lại ông Shigeru Ishiba giữ chức thủ tướng
  • Mỹ yêu cầu TSMC ngừng cung cấp lô hàng chip bán dẫn cho Trung Cộng
  • Philippines lên án Trung Cộng gây áp lực trong hồ sơ chủ quyền ở Biển Đông
  • Tô Lâm - Donald Trump: cuộc điện đàm dự báo mối quan hệ
  • Chile trục xuất viên chức an ninh Việt Nam vì tấn công tình dục
  • Chính phủ khẳng định với LHQ không trả thù luật sư Đặng Đình Mạnh
  • CSVN buộc người dùng mạng xã hội phải định danh mới được livestream
  • TIN ĐẶC BIỆT: BẦU CỬ HOA KỲ 2024. Tổng Thống Donald Trump Đắc Cử Vẻ Vang
  • Foreign Policy: Nước Mỹ đã quyết định
  • RFI: Theo truyền thông Mỹ, Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ
  • BBC: Donald Trump đã chiến thắng, một sự trở lại ngoạn mục
  • BBC: Những phát biểu đặc sắc của TT Trump
  • Tổng thống Biden gọi điện chúc mừng ông Trump
  • Nhiều nước chúc mừng chiến thắng của Donald Trump
  • Cựu Tổng thống Bush chúc mừng ông Trump
  • Kamala Harris: thua cuộc nhưng không từ bỏ
  • Bầu cử Mỹ: Đảng Cộng Hòa giành lại quyền kiểm soát Thượng Viện
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 28-29-30/10/2024.
  • Ukraina huy động thêm 160.000 binh sĩ
  • Kiev và Seoul sẽ tăng cường hợp tác chống quân Bắc Triều Tiên tham chiến ở Ukraina
  • Hamas nói sẵn sàng bàn thảo thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Gaza
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng vũ khí không giới hạn nếu lính Bắc Triều Tiên hỗ trợ Nga
  • Tổng thống Ai Cập đề xuất hưu chiến tại Gaza để phóng thích các con tin Israel
  • Hezbollah chọn Naim Qassem làm thủ lĩnh kế nhiệm ông Nasrallah
  • Bầu cử Quốc Hội Gruzia: Cơ quan Công tố mở điều tra về "gian lận" quy mô lớn
  • Brazil trở thành quốc gia BRICS thứ hai không tham gia dự án BRI của TC
  • Mỹ ban hành các quy định hạn chế đầu tư vào các công ty công nghệ tiên tiến của TC
  • Nhật Bản: Đảng cầm quyền mất đa số tại Hạ Viện, thủ tướng Ishiba không định từ chức
  • Việt Nam “sẵn sàng” hợp tác với BRICS
  • Tổ chức nhân quyền Canada kêu gọi trừng phạt 14 quan chức Việt Nam
  • UAE tính xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ sản phẩm dầu mỏ tại VN
  • Giới hoạt động đánh giá cao việc LHQ xác nhận người Thượng là dân tộc bản địa
  • Nhóm công tác của LHQ: Việt Nam bắt giữ tùy tiện có hệ thống
  • Blogger Đường Văn Thái bị kết án 12 năm tù giam trong phiên toà kín
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 21-22-23/10/2024.
  • Gia nhập NATO: Ukraina trông đợi vào kết quả bầu cử Mỹ
  • Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tới Ukraina để thể hiện tình đoàn kết
  • Israel tăng cường tấn công ở Gaza, Lebanon sau khi thủ lĩnh Hamas bị diệt
  • BRICS: Tổng thống Nga phá thế cô lập, tiếp đón hơn 20 nguyên thủ quốc gia
  • Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác nhận quân đội Triều Tiên đang ở Nga
  • Nam Hàn có thể cân nhắc cấp vũ khí cho Ukraine do ‘thông đồng quân sự’ Nga-Triều
  • EU lấy 35 tỷ euro tài sản bị đóng băng của Nga để cho Ukraine vay
  • Đài Bắc theo dõi sát sao tàu sân bay Trung Cộng Liêu Ninh đi qua eo biển Đài Loan
  • Mỹ - Nhật khởi động tập trận chung
  • Indonesia: Prabowo nhậm chức tổng thống
  • Modi nói với Putin: ‘Ấn Độ muốn hòa bình ở Ukraine’
  • Tướng Mỹ: Triển khai phi đạn Mỹ tới Philippines là ‘cực kỳ quan trọng’
  • Việt Nam có tân chủ tịch nước xuất thân từ tướng quân đội
  • HRF, KKF kêu gọi LHQ can thiệp vụ hai nhà hoạt động Khmer bị VN giam cầm
  • LHQ kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị BRICS, khẳng định tình bạn thủy chung với Nga
  • Bão Trà Mi hướng vào Việt Nam, miền Trung sẽ mưa lớn diện rộng