Tin Thế Giới.

Ukraine lần đầu tiên sử dụng thành công tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp (BBC).

Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine đã sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp lần đầu tiên.

Bình luận của ông được đưa ra sau khi có thông tin về loại vũ khí mang tên ATACMS đã phá hủy chín máy bay trực thăng tại các căn cứ của Nga ở phía đông đất nước.

Ukraine cho biết hệ thống phòng không và các thiết bị khác nằm trong số các mục tiêu bị tấn công ở Berdyansk và Luhansk.

 “Chúng đã hoạt động rất chính xác. ATACMS đã chứng tỏ năng lực của mình”, ông Zelensky nói trong một bài phát biểu đăng trên mạng xã hội hàng đêm mà không đưa ra thông tin chi tiết về thời gian và địa điểm chúng được sử dụng.

Quân đội Nga chưa bình luận.

Chính quyền Biden trước đó đã từ chối cung cấp ATACMS cho Ukraine, nhưng đã quyết định “trong những tuần gần đây” sẽ âm thầm gửi loại tên lửa tầm xa này, hãng truyền thông Mỹ CNN dẫn lời hai quan chức Mỹ.

Người ta nói rằng Washington muốn gây bất ngờ cho Moscow, phòng trường hợp Nga di chuyển thiết bị và vũ khí ra khỏi tầm bắn trước khi tên lửa có thể được sử dụng.

Theo hãng tin AP, do lo ngại căng thẳng với Nga nên tên lửa cung cấp cho Ukraine, có tầm bắn thấp hơn mức tối đa mà hệ thống này có thể đạt được.

AP đưa tin, tên lửa biến thể được chuyển tới Kyiv mang theo bom chùm có khả năng phóng hàng trăm quả bom nhỏ từ trên không thay vì một đầu đạn đơn lẻ.

Bom chùm đang gây tranh cãi và bị cấm ở hơn 100 quốc gia do chúng đe dọa dân thường.

Vladimir Rogov, Thống đốc vùng Zaporizhzhia do Nga bổ nhiệm, cho biết các hệ thống phòng không “đã đánh chặn thành công tên lửa của đối phương” trên Berdyansk, đồng thời cho biết thêm thông tin về thương vong và thiệt hại đang được kiểm kê và sẽ cập nhật sau.

Tuy nhiên, một đoạn video chưa được xác minh trên một tài khoản mạng xã hội thân Nga – được cho là quay ở Berdyansk – dường như cho thấy các vụ nổ và tên lửa bay, trong đó có giọng nói giải thích rằng một bãi chứa đạn dược đã bị tấn công.

Một blogger người Nga khác đã viết về một cuộc tấn công vào sân bay bằng tên lửa ATACMS, gây ra điều mà tác giả mô tả là một “cú nổ nghiêm trọng”, gây thiệt hại về người và công nghệ.

ATACMS không xuất hiện trong danh sách viện trợ quân sự cho Kyiv được Mỹ công bố hồi tháng 9.

Nhưng những bức ảnh chưa được xác minh đăng trên mạng xã hội hôm thứ Ba cho thấy các căn cứ của Nga đã bị tấn công bằng cách sử dụng biến thể MGM-140A đời đầu của ATACMS – phiên bản tầm ngắn hơn của dòng vũ khí này với khoảng cách tấn công khoảng 160 km.

Đặc biệt, số hợp đồng được đóng dấu ở bên cạnh chỉ về một hợp đồng cung cấp tên lửa dự kiến ​​hoàn tất vào năm 1997.

Việc Kyiv có được hệ thống ATACMS thể hiện sự tăng cường đáng kể về khả năng tấn công sâu hơn vào lãnh thổ do Nga chiếm giữ.

Quân đội Ukraine cho biết cuộc tấn công vào Berdyansk xảy ra lúc 04:00 giờ và vào Luhansk lúc 11:00 giờ, theo giờ địa phương.

Berdyansk cách tiền tuyến gần nhất khoảng 85 km và có tầm quan trọng chiến lược vì nằm giữa Mariupol và Crimea. Luhansk cách tiền tuyến gần 100km.


Bệnh viện Gaza bị tấn công làm hàng trăm người chết, Israel và Hamas đổ trách nhiệm cho nhau (RFI).

Vài giờ trước khi tổng thống Mỹ Joe Biden đến Israel, đêm 17/10/2023 một cuộc tấn công vào bệnh viện al Ahli Arab ở thành phố Gaza đã làm hàng trăm người chết. Chính quyền của tổ chức Hamas tại Gaza hôm nay khẳng định có tổng cộng 471 người thiệt mạng. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lên án vụ « thảm sát » và ban bố ba ngày quốc tang. Israel và Hamas đổ trách nhiệm cho nhau về vụ tấn công đang làm dấy lên làn sóng phẫn nộ khắp thế giới.

Bệnh viện al Ahli Arab ở thành phố Gaza bị trúng đạn pháo

Phong trào Hồi Giáo vũ trang Palestine cầm quyền tại Gaza ngay lập tức tố cáo Israel là thủ phạm vụ tấn công « tàn sát » tại bệnh viện. Nhưng Israel phủ nhận cáo buộc đó, khẳng định, theo các thông tin tình báo, chính phong trào Thánh chiến Hồi Giáo Palestine, một tổ chức vũ trang của người Palestine ở Gaza, đã bắn rocket lệch mục tiêu và rơi vào bệnh viện al Ahli Arab.

Phát ngôn viên quân đội Israel, Phó đô đốc Daniel Hagari thuyên bố “vào lúc 18:59 giờ địa phương, một loạt 10 hỏa tiễn do nhóm chiến binh ‘Palestinian Islamic Jihad’ được bắn lên, và không ảnh của IDF cho thấy rõ vụ nổ (ở bệnh viện Al Ahli) là do một hỏa tiễn bắn chệch. Khả năng là trái tên lửa đó bị hư buồng đốt. Từ đó, một vụ cháy lớn lan vào bệnh viện.” Ông cho biết thêm: « trong vài giờ nữa sẽ cung cấp các bằng chứng » cho những khẳng định của họ. Nhưng Thánh chiến Hồi Giáo Palestine đã phủ nhận và cũng quy trách nhiệm vụ tấn công cho Israel.

Những hình ảnh tang thương được ghi nhận tại hiện trường bệnh viện đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Sự việc xảy ra vời thời điểm hàng trăm rocket được bắn đi từ vùng lãnh thổ Palestine vào miền trung Israel, nhất là quanh khu vực Tel Aviv. Hành động này có thể là nhằm trả đũa cái chết của một chỉ huy quân sự cao cấp của Hamas trong các vụ oanh kích của Israel, mới được xác nhận hôm qua.

Nhận được thông tin về vụ tấn công bệnh viện tại Gaza trước giờ lên máy bay tới Israel, tổng thống Mỹ Joe Biden đã tỏ sự phẫn nộ và đau buồn sâu sắc vì vụ tấn công này, Nhà Trắng thông báo ông Biden hủy chặng công du Jordani như dự kiến. Tuy nhiên trước đó, Jordani cũng đã thông báo hủy cuộc gặp thượng đỉnh giữa ba tổng thống Mỹ, Ai Cập và Palestine tại Jordani.

Hơn 2,4 triệu dân Gaza vẫn bị Israel phong tỏa toàn bộ, điện, nước, thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men bị cắt kể từ sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel hôm 07/10.

Từ đầu cuộc xung đột đến nay đã có khoảng 3.000 người thiệt mạng tại Gaza. Về phía Israel, số người chết là hơn 1.500. Trong khi đó quân đội Israel trong tư thế sẵn sàng mở các chiến dịch trên bộ vào Gaza để tấn công vào Hamas.


Chuyến thăm của TT Biden bị phủ bóng bởi vụ nổ ‘giết 417 người ở bệnh viện’ tại Gaza (BBC)

Chuyến thăm tới Israel của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/10 bị phủ bóng bởi vụ nổ lớn “làm chết hàng trăm người ở bệnh viện Al Ahli” ngày hôm trước.

Gặp Thủ tướng nước chủ nhà Benjamin Netanyahu ngay sau khi xuống sân bay, ông Biden nóivụ nổ ở Gaza đêm trước như là do đội khác (the other team) gây ra”, tức là không phải Israel.

Ông cũng cam kết ủng hộ Israel trong khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) nói họ có bằng chứng là một trái hỏa tiễn của nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine (Palestinian Islamic Jihad), bắn đi từ một nghĩa địa, gây nổ trong bãi đỗ xe của bệnh viện.

Tin mới nhất từ Gaza cho thay Bộ Y tế Palestine nói có 417 người bị chết và 314 bị thương vì vụ nổ.

Đại diện nước chủ nhà, ông Netanyahu cảm ơn Hoa Kỳ, cá nhân ông Biden và lên án Hamas và coi tổ chức này “như Nhà nước Hồi giáo IS”.

Một loạt quốc gia Ả Rập đã lên án Israel. Trung Quốc vừa lên tiếng lên án vụ tấn công vào bệnh viện Al Ahli nhưng không đổ lỗi cho bên nào cả.

Hamas, Chính quyền Palestine và một số nước khác thì đổ cho hỏa tiễn của Israel bắn vào bệnh viện. Hamas, tổ chức kiểm soát Dải Gaza nói có tới 500 người bị giết trong vụ nổ ở bệnh viện.

Nhưng Israel lại nói có ít nhất 450 trái tên lửa bắn đi từ Gaza đã rơi xuống Gaza.

BBC Verify, nhóm chuyên xác thực các tin tức của đài BBC rà lại các phát biểu của Phó đô đốc Daniel Hagari, phát ngôn cho quân đội Israel về các chi tiết và ghi lại như sau: Ông Hagari nói vào lúc 18:59 giờ địa phương (16:59 giờ mùa hè ở Anh-BST) một loạt 10 hỏa tiễn do nhóm chiến binh ‘Palestinian Islamic Jihad’ được bắn lên, và không ảnh của IDF cho thấy rõ vụ nổ (ở bệnh viện Al Ahli) là do một hỏa tiễn bắn chệch. Khả năng là trái tên lửa đó bị hư buồng đốt. Từ đó, một vụ cháy lớn lan vào bệnh viện.

Theo ông Hagari, tại điểm hư hại, vẫn còn dấu hiệu bốc cháy là bãi đỗ xe, còn nếu đó là hỏa tiễn của Israel thì thường hủy hoại mạnh lớn, như “gây ra hố bom và phá hủy cấu trúc địa hình”.

Sau vụ Hamas đột nhiên tấn công Israel hôm 07/10, giết 1.300 người và bắt gần 200 làm con tin, phi cơ và pháo Israel liên tục bắn vào Gaza, giết chết hơn 3.000 người.

Vụ nổ ở bệnh viện vừa qua có nguy cơ làm cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Gaza thêm trầm trọng và khiến Jordan hủy cuộc họp thượng đỉnh ngày thứ Tư 18/10 dự kiến có TT Joe Biden, vua Abdullah và các nhà lãnh đạo Palestine và Ai Cập.


Tướng cấp cao của Mỹ bay tới Israel giữa lúc cuộc chiến với Hamas ngày càng lún sâu (VOA)

Vị tướng hàng đầu của Hoa Kỳ giám sát các lực lượng Mỹ ở Trung Đông bất ngờ đi tới Israel hôm thứ Ba 17/10, nói rằng ông hy vọng đảm bảo quân đội của họ có những gì họ cần khi tiến hành cuộc chiến ngày càng sâu rộng chống nhóm hiếu chiến Hamas của Palestine.

Chuyến đi của Tướng Lục quân Michael “Erik” Kurilla, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ, là chuyến đi mới nhất của một quan chức Mỹ cấp cao tới Israel trước một cuộc tấn công trên bộ dự kiến của quân đội Israel ở Gaza. Nó diễn ra một ngày trước chuyến thăm được lên kế hoạch của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới nước này.

Tướng Lục quân Michael “Erik” Kurilla, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ

Quân đội Hoa Kỳ đang tăng cường hỏa lực trong khu vực, nhằm ngăn chặn Iran và các nhóm khác được Iran hậu thuẫn tham gia vào cuộc xung đột trong lúc quốc tế lo ngại về một cuộc chiến tranh khu vực trên bình diện rộng hơn.

Lầu Năm Góc cũng đang gấp rút cung cấp vũ khí, bao gồm cả hệ thống phòng không và đạn dược, cho Israel. “Tôi ở đây để đảm bảo Israel có những gì cần thiết để tự vệ, đặc biệt tập trung vào việc tránh các bên khác mở rộng xung đột”, ông Kurilla nói với Reuters, hãng tin được tháp tùng ông, trong bài phát biểu ngắn gọn trước khi hạ cánh.

Một quan chức Mỹ nói với Reuters rằng ông Kurilla dự kiến tổ chức các cuộc gặp cấp cao với lãnh đạo quân sự Israel để đảm bảo hiểu rõ các yêu cầu phòng thủ của đồng minh thân cận của Mỹ.

Ông Kurilla cũng dự kiến sẽ phác thảo sự hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ nhằm tránh mở rộng của cuộc xung đột Israel-Hamas.

Washington đã triển khai một nhóm tàu sân bay tấn công đến đông Địa Trung Hải và sẽ điều một tàu sân bay khác đến khu vực trong những ngày tới, những động thái mà chính quyền Biden cho rằng nhằm mục đích răn đe chứ không phải khiêu khích.

Mỹ đã có một mạng lưới căn cứ ở Trung Đông với quân đội, máy bay chiến đấu và tàu chiến.

Hoa Kỳ cũng đã yêu cầu một số binh sĩ, có khả năng là 2.000 người, sẵn sàng triển khai trong vòng 24 giờ nếu được thông báo – thay vì 96 giờ như thông thường – và có thể bao gồm các đơn vị cung cấp hỗ trợ như trợ giúp y tế nếu cần, một quan chức Mỹ cho biết hôm 16/10.

Israel tuyên bố sẽ tiêu diệt Hamas, nhóm được Iran hậu thuẫn và là lực lượng kiểm soát Dải Gaza, sau khi các phần tử Hồi giáo của lực lượng này tấn công các thị trấn của Israel cách đây 8 ngày, giết chết 1.300 người và bắt giữ con tin trong cuộc tấn công tồi tệ nhất nhằm vào thường dân trong lịch sử nước này.

Vụ này đã đặt Gaza, nơi sinh sống của 2,3 triệu người Palestine, dưới sự phong tỏa hoàn toàn và bị tấn công bằng các cuộc không kích chưa từng có, đồng thời có dự báo là Israel sẽ tiến hành một cuộc tấn công trên bộ. Chính quyền Gaza cho hay ít nhất 2.800 người đã thiệt mạng tại đây, khoảng 1/4 trong số đó là trẻ em.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã hội đàm trong nhiều với nội các chiến tranh của Israel ở nước này hôm 16/10, và từng bị buộc phải trú ẩn trong hầm trong 5 phút khi còi báo động không kích vang lên.

Hoạt động ngoại giao quốc tế đang tập trung vào tổn thất nhân đạo và ngăn chặn xung đột lan rộng – đặc biệt là ở Lebanon, nơi các chiến binh Hezbollah do Iran hậu thuẫn đã đấu súng với Israel qua biên giới trong nhiều ngày.

Trong dấu hiệu lớn nhất cho thấy chiến tranh có thể lan sang một mặt trận mới, hôm 16/10, Israel đã ra lệnh sơ tán 28 ngôi làng trong khu vực sâu 2 km (1,2 dặm) gần biên giới Lebanon. Hezbollah cho biết họ đã nhắm mục tiêu vào 5 vị trí của Israel.

Các cuộc đụng độ trong tuần trước được xem là đẫm máu nhất ở khu vực biên giới Lebanon kể từ cuộc chiến năm 2006 giữa Israel và Hezbollah.


Mỹ khẳng định Bắc Hàn gửi thiết bị quân sự cho Nga (BBC)

Các quan chức Mỹ cáo buộc Bắc Hàn cung cấp một lượng lớn khí tài quân sự cho Nga để sử dụng ở Ukraine.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết Bình Nhưỡng đã cung cấp tới 1.000 container “thiết bị và đạn dược” trong “những tuần gần đây”. Các quan chức cũng công bố những bức ảnh cho thấy 300 container được lắp ráp để vận chuyển ở Najin, Bắc Hàn.

Tháng trước, nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un đã đến thăm Nga để thảo luận về khả năng hợp tác quân sự.

Quân đội Moscow được cho là đang tiêu tốn một lượng lớn đạn pháo và tên lửa trong cuộc xâm lược Ukraine và đang tìm cách bổ sung nguồn cung từ một số đồng minh bị cô lập.

Một số nhà phân tích tin rằng chế độ của ông Kim có thể đang sở hữu kho vũ khí khổng lồ nhưng có thể không sẵn sàng chuyển giao quá nhiều do tương đối thiếu nguồn lực.

Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã theo dõi việc giao hàng, mà các quan chức cho biết diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 7/9 đến ngày 1/10.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm thứ Sáu, ông Kirby cho biết thiết bị này đã được xuất khẩu qua đường biển và đường sắt tới một kho cung ứng ở phía tây nam nước Nga, gần Tikhoretsk, cách biên giới Ukraine khoảng 290 km. Ông Kirby không nêu rõ bản chất của loại đạn dược mà ông cho là do nhà nước của ông Kim cung cấp, nhưng Mỹ trước đây đã cáo buộc Moscow mua tên lửa và đạn pháo từ Bình Nhưỡng.

Kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022, các quan chức Mỹ đã liên tục lên tiếng lo ngại rằng Bắc Hàn cung cấp đạn dược cho Nga.

Ông Kirby nói với các phóng viên: “Chúng tôi lên án [Bắc Hàn] vì đã cung cấp cho Nga thiết bị quân sự này, chúng sẽ được sử dụng để tấn công các thành phố của Ukraine, giết hại dân thường Ukraine và tiếp tục cuộc chiến tranh bất hợp pháp của Nga”.

Ông cho biết việc chuyển giao vũ khí của Bắc Hàn vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc “đó là lý do tại sao chúng tôi sẽ tiếp tục tích cực nêu vấn đề về các giao dịch vũ khí này tại Liên Hiệp Quốc cùng với các đồng minh và đối tác của chúng tôi”.

Vào tháng Bảy, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đến thăm Bắc Hàn cùng một phái đoàn quân sự và gặp ông Kim, người đã phô diễn một số hệ thống vũ khí – bao gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong (ICBM).

Và vào tháng Chín, ông Kim đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại trung tâm vũ trụ Vostochny ở vùng viễn đông của Nga.

Các nhà quan sát cho rằng vũ khí của Bắc Hàn sẽ chỉ thúc đẩy nỗ lực chiến tranh của Nga trong ngắn hạn. Họ chỉ ra rằng Moscow, với lượng đạn dược cực kỳ cạn kiệt, đang dựa vào kho đạn pháo cũ hơn, không đáng tin cậy hơn.

Và phát biểu gần đây tại một buổi lễ đánh dấu việc nghỉ hưu trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Mark Milley nói rằng ông “hoài nghi” rằng bất kỳ chuyến hàng nào như vậy sẽ đóng vai trò quyết định trong cuộc xung đột.

Nhưng điều này xảy ra khi Mỹ buộc phải tạm dừng kế hoạch gửi thêm 6 tỷ USD viện trợ quân sự cho Kiev, trong bối cảnh tranh cãi ngân sách đang diễn ra tại Hạ viện.

Tổng thống Biden hồi đầu tuần cho biết thỏa thuận tạm thời giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa tại Hạ viện có thể buộc ông phải tìm những cách khác để tài trợ cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine.


Bầu cử Quốc Hội Ba Lan: Liên minh đối lập về đầu và có cơ hội thành lập chính phủ (RFI).

Một vố đau đối với đảng bảo thủ cầm quyền Ba Lan, Pháp Luật và Công Lý (PiS). Theo các cuộc thăm dò ngay sau khi các phòng phiếu đóng cửa tối qua 15/10/2023, KO, liên minh 5 đảng cánh trung do ông Donald Tusk lãnh đạo, đã giành được đa số 248 trên tổng số 460 ghế dân biểu Quốc Hội. Đảng cầm quyền PiS dù có liên kết với đảng cực hữu cũng chỉ đạt được vỏn vẹn 212 ghế.

Ông Donald Tusk, lãnh tụ Liên Minh cánh Trung

Trên nguyên tắc liên minh KO, chủ trương thân châu Âu và có quan điểm cởi mở về xã hội, sẽ thành lập chính phủ liên minh. Liên Hiệp Châu Âu và nhất là Ukraina thở phào nhẹ nhõm. Ông Donald Tusk, một chính trị gia nhiều kinh nghiệm, nguyên là chủ tịch Hội Đồng Châu Âu (2014-2019) và từng là thủ tướng Ba Lan trong giai đoạn 2007-2014.

Kiev cũng an tâm trước viễn cảnh liên minh cầm quyền tại Vacxava trong tương lai trên nguyên tắc sẽ không bao gồm đảng Confederation cực hữu. Đảng này chống đối chính sách viện trợ hào phóng cho Ukraina chống Nga xâm lược.

Tuy nhiên kết quả bầu cử chính thức tại Ba Lan chưa được công bố và theo giải thích của đặc phái viên RFI Agnieszka Kumor từ Vacxava, sau 8 năm liên tục cầm quyền, đảng bảo thủ PiS vẫn có ảnh hưởng rất lớn và khả năng gây rối trên chính trường Ba Lan:

« Tất cả đều cho thấy Ba Lan đang hướng tới một chính phủ liên minh. Cánh trung của ông Donald Tusk đã huy động được đủ số phiếu để cùng với các đồng minh thành lập nội các. Đó sẽ là cánh dân chủ Thiên Chúa giáo của đảng mang tên là Con Đường Thứ Ba và đảng Cánh Tả Mới. Cả ba đảng đã giành được 248 ghế ở Quốc Hội trên tổng số 460. Đảng PiS và cực hữu cộng lại chỉ có được 212 dân biểu.

Thế nhưng chuyện dài nhiều tập trên chính trường Ba Lan chưa chắc đã kết thúc. Giờ đây mọi chú ý hướng về phía tổng thống Andrzeij Duda. Thật vậy, trước hết tổng thống Ba Lan sẽ chỉ định lãnh đạo của đảng giành được nhiều phiếu bầu nhất để lập nội các. Là một thành viên của đảng Pháp Luật và Công Lý-PiS, cách nay vài hôm ông đã tuyên bố sẽ chỉ định đảng nào về đầu trong cuộc bầu cử thành lập chính phủ, trong trường hợp này là đảng bảo thủ PiS. Nếu tổng thống thất bại, thì mới đến lượt Quốc Hội chỉ định thủ tướng và hội đồng bộ trưởng.

Nhưng ngay từ tối qua đã dấy lên lo ngại về khả năng tổng thống Ba Lan viện cớ không thể thông qua dự luật về ngân sách cho năm tới để giải tán Quốc Hội và cho tổ chức bầu cử lại vào mùa xuân năm tới ».


Trung Cộng: Diễn đàn “Vành đai, Con đường” khai mạc tại Bắc Kinh (RFI).

Theo truyền thông Nhà nước Trung Cộng, 4000 đại điện của 140 nước đã tới Bắc Kinh sáng nay 17/10/2023, dự lễ khai mạc diễn đàn về dự án « Một vành đai, một con đường » của Trung Cộng, đến nay đã qua 10 năm thực hiện. Khách mời được chú ý nhất là tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhưng nhiều đại diện của Châu Âu vắng mặt.

Tuy nhiên, một sự kiện ngoại giao quan trọng này của Bắc Kinh đã bị lu mờ do cuộc xung đột giữa Israel và Hamas.

Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh Stéphane Lagarde tường trình :

“Trên màn hình lớn đặt tại trung tâm báo chí của diễn đàn « Con đường tơ lụa » lần thứ 3, đặt gần công viên Olympic ở phía bắc thủ đô Trung Cộng, có hai hình ảnh xuất hiện liên tục từ sáng. Đó là những hình ảnh kinh hoàng của cuộc xung đột tại Cận Đông và đối lập lại là những bó hoa tặng cho phụ nữ, những cái bắt tay của những người đàn ông trên thảm đỏ tại nơi đón các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ trên sân bay của Bắc Kinh.

Tương phản lại với chiến tranh, các « con đường tơ lụa » đó được chính quyền mô tả như là con đường của hòa bình.

Ngay cả trên bức hình chụp kỷ niệm cũng thiếu vắng một số. Phía Liên Hiệp Châu Âu, người ta đặc biệt thấy có thủ tướng Hungary, Victor Orban. Ông vừa mới gặp tổng thống Nga.

Người « bạn thân thiết » của chủ tịch Tập Cận Bình, ông Vladimir Putin ngày mai có bài diễn văn trong khuôn khổ diễn đàn này.

Một tương phản cũng gây ấn tượng rất mạnh so với diễn đàn lần thứ 2 hồi 2019. Một loạt nước Áo, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Cộng Hòa Séc, Síp và Ý sẽ rút khỏi con đường tơ lụa vào năm tới, nên không tham dự diễn đàn lần này. Cựu thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin thay mặt cho chính phủ Pháp dự diễn đàn đã được chỉ thị phải tránh mọi giao tiếp với phía Nga dưới bất cứ hình thức nào.


Philippines tố Trung Cộng có những hành động “nguy hiểm và hung hăng” ở Biển Đông (RFI)

Trong thông cáo hôm 15/10/2023, quân đội Philippines yêu cầu Trung Cộng « ngừng các hành động nguy hiểm và hung hăng » tại Biển Đông. Lời kêu gọi được đưa ra sau sự cố hai ngày trước đó, một tàu hải cảnh Trung Cộng đã « bám sát và tìm cách chận đường » một tàu tiếp liệu của Hải Quân Philippines gần đảo Thị Tứ, Trường Sa.

Lực lượng tuần duyên của Philippines

Theo hãng tin Anh Reuters, tàu mang số hiệu 621 của Hải Quân Trung Cộng đã bám sát và tìm cách vượt qua mặt tàu tiếp liệu Philippines RP Benguet. Hai tàu chỉ cách nhau chừng 350 mét. Tư lệnh Hải Quân Philippines Romeo Brawner coi đây là một « hành động nguy hiểm và mang tính hung hăng, vì hai tàu có nguy cơ đâm vào nhau và đe dọa trực tiếp đến sinh mạng của các thuyền viên của cả hai phía ».

Bộ Ngọai Giao Trung Cộng lập tức đáp trả. Phát ngôn viên Mao Ninh sáng nay tố ngược lại rằng Manila đã « chiếm đóng một cách bất hợp pháp một phần Trung Nghiệp đảo ( đảo Thị Tứ ), vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Cộng ». Quan chức này đồng thời cho rằng « việc tàu chiến của Trung Cộng thường xuyên tuần tra các vùng biển gần Trung Nghiệp đảo là bình thường và hợp pháp ».

Trung Cộng khẳng định chủ quyền trên 90 % diện tích Biển Đông, nơi mỗi năm hơn 3.000 tỷ đô la hàng hóa thương mại trên thế giới trung chuyển. Quan hệ giữa Bắc Kinh với Manila căng thẳng từ khi tổng thống Philippines Marcos Jr. tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ, chủ yếu về quân sự.


Cuộc chiến chip bán dẫn: Mỹ cắt giảm thêm xuất khẩu sang Trung Cộng (BBC)

Chính quyền Biden đã công bố kế hoạch cắt giảm thêm hoạt động xuất khẩu chip tiên tiến sang Trung Cộng. Chúng nhằm mục đích lấp những lỗ hổng dần hiện rõ, sau khi Mỹ công bố hạn chế xuất khẩu chip vào tháng 10 năm ngoái.

Các biện pháp hạn chế được thiết kế để ngăn quân đội Trung Cộng nhập khẩu chất bán dẫn hoặc thiết bị tiên tiến.

Động thái này sẽ khiến các công ty như Nvidia, Advanced Micro Devices và Intel gặp trở ngại hơn trong việc bán cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới những con chip hiện có hoặc chip mới.

Nvidia cho biết trong một hồ sơ rằng các hạn chế xuất khẩu mới sẽ ngăn việc bán hai loại chip trí tuệ nhân tạo cao cấp mà hãng đã tạo ra cho thị trường Trung Cộng và một trong những chip chơi game của hãng cũng sẽ bị chặn lại.

Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, đại diện cho 99% ngành bán dẫn Hoa Kỳ tính theo doanh thu, cho biết trong một tuyên bố rằng các biện pháp mới là “quá rộng” và “có nguy cơ gây tổn hại cho hệ sinh thái bán dẫn Hoa Kỳ mà không thúc đẩy an ninh quốc gia vì chúng khuyến khích khách hàng nước ngoài tìm kiếm ở nơi khác.”

Người phát ngôn của đại sứ quán Trung Cộng cũng cho biết họ “kiên quyết phản đối” các hạn chế mới, vốn cũng nhắm vào Iran và Nga và sẽ có hiệu lực sau 30 ngày.

Hai tháng trước, để trả đũa Mỹ, Trung Cộng bắt đầu hạn chế xuất khẩu hai loại vật liệu là gali và gecmani, đóng vai trò chủ chốt của ngành công nghiệp bán dẫn.

Cho đến nay, Trung Cộng là nước lớn nhất trong chuỗi cung ứng gali và germani toàn cầu. Theo cơ quan công nghiệp của Liên minh Nguyên liệu thô Quan trọng (CRMA), nước này sản xuất 80% gali và 60% gecmani của thế giới.

Các vật liệu này là “kim loại phụ”, nghĩa là chúng thường không được tìm thấy trong tự nhiên và thường là sản phẩm phụ của các quá trình luyện kim khác.

Ngoài Mỹ, cả Nhật Bản và Hà Lan – quê hương của nhà sản xuất thiết bị chip chủ chốt ASML – cũng đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu công nghệ chip đối với Trung Cộng.

Sự ăn miếng trả miếng liên tục giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm dấy lên mối lo ngại về sự trỗi dậy của cái gọi là “chủ nghĩa dân tộc tài nguyên” khi các chính phủ tích trữ các nguyên liệu quan trọng để gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác.


Tin Việt Nam.

Liên Âu: không chấp nhận csVN theo dõi điện thoại của các chính khách

Báo Nhật Nikkei ngày Thứ Hai 16 Tháng Mười dẫn các cuộc phỏng vấn viên chức nước ngoài nói, Liên Âu: không chấp nhận csVN theo dõi điện thoại của các chính khách.

Cuộc điều tra do một nhóm nhà báo Mỹ và Châu Âu hợp tác với tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Amnesty International cáo buộc chế độ Hà Nội dùng “Predator” theo dõi những người bị họ nhắm đến. Tuy nhiên, ít nhất 58 dịp xâm nhập đã có vẻ không thành công. Mà nếu thành công, tin tặc lấy được nội dung, dữ liệu của máy hình điện thoại, máy vi âm.

Phần mềm gián điệp có tên “Predator” (dã thú, kẻ săn mồi) xuất phát từ Việt Nam bị tìm thấy đã len lỏi vào máy tính hay điện thoại các chính trị gia, nhà báo Mỹ, Đài Loan và Âu châu. Việc này đưa đến sự tức giận của nhiều nước Âu, Mỹ.

Chính phủ Liên Âu cho hay họ đang chất vấn csVN về những cáo buộc trên. Chính phủ Mỹ thì coi vụ việc là “nghiêm trọng” còn chính phủ Pháp nói theo dõi bất hợp pháp “không thể dung thứ”. Một tổ chức nghiên cứu an ninh mạng có tên Citizen Lab ở Canada trước đây cho hay cả chính phủ Indonesia và Phi Luật Tân cũng có thể dùng phần mềm gián điệp.

Tin tặc có liên quan với chế độ Hà Nội lâu nay đã bị một số công ty an ninh mạng ở Mỹ tố cáo tấn công các người bất đồng chính kiến ở trong nước hay hải ngoại, nhiều phần học theo sách lược của Trung cộng. Những gì mới bị phơi bày hồi tuần qua cho thấy họ tấn công những người từ các nhà lập pháp đến ký giả báo chí ngoại quốc.

Bài điều tra này là công trình tìm hiểu của một số nhà báo chuyên về mạng của Washington Post, Der Spiegel (Đức) điều tra về hoạt động của nhóm tin tặc “Predator”.


Chủ tịch Việt cộng thăm Bắc Kinh

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng thăm Bắc Kinh từ ngày 17-20 tháng 10, theo lời mời của Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình, nhân dịp tham dự Diễn đàn Hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường (BRI) lần thứ III tại Bắc Kinh.

Thông tin trên được Đại sứ Việt Nam tại Trung cộng Phạm Sao Mai xác nhận với báo giới hôm 13/10. Đây là chuyến công tác đầu tiên của ông Thưởng tới Trung cộng trên cương vị Chủ tịch nước và là lần thứ ba một lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự diễn đàn BRI do ông Tập khởi xướng từ năm 2012.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra thông báo tương tự hôm 12/10, nhưng không nói rõ liệu ông Thưởng và ông Tập có tổ chức các cuộc gặp song phương hay không.

Chuyến đi Bắc Kinh của ông Thưởng diễn ra trong lúc có tin rằng các quan chức Việt Nam và Trung cộng đang chuẩn bị cho chuyến công du của ông Tập đến Hà Nội vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11, trong một nỗ lực mà các chuyên gia gọi là gia tăng ảnh hưởng ở khu vực sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 10 và 11 tháng 9. (Trích VOA)


Nguyễn Phú Trọng vẫn nắm quyền chia xôi thịt khóa tới

Cuộc họp Trung ương đảng CSVN kỳ 8 đã chấm dứt ngày 8 Tháng Mười, nhưng mãi một tuần sau mới thấy được loan tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “có nhiệm vụ xây dựng phương hướng công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa 14”. Nổi cộm nhất, ông ta giành lấy việc “giới thiệu nhân sự Trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của đảng khóa 14, nhiệm kỳ 2026-2031”.

Theo nhận định của một giáo sư tại Học viện U.S. National War College ở Washington viết trên tạp chí Nhật Nikkei hồi Tháng Sáu, các chuyện đấu đá trong nội bộ đảng CSVN vẫn liên tục và ngấm ngầm diễn ra. Sự việc có vẻ gia tăng nhiều hơn khi tiến gần đến các kỳ đại hội đảng. Cuộc họp Trung ương đảng hơn tuần lễ trước như tiếng trống chính thức ra hiệu cho các vụ mặc cả, kèn cựa để “vào trung ương” hay béo bở hơn, chui vào được Bộ chính trị.

Theo tác giả bài viết trên Nikkei, phe cánh ông Trọng có thể không “chơi” các phe đối thủ một cách công khai cho tới kỳ đại hội đảng sắp tới. Tuy nhiên, họ có thể duy trì áp lực lên gia đình, hệ thống tài phiệt đỡ đầu và các đối tác kinh doanh, các “sân sau” của phe cánh có ý thách đố quyền lực. Cái bình phong quen thuộc để triệt hạ các phe cánh khác là trò chống tham nhũng. Gần đây là thái độ ù lỳ tránh né các dự án đầu tư công.

Báo chí trong nước thuật lời phát biểu bế mạc cuộc họp ngày 8 Tháng Mười, ông Trọng lập lại lời nhắc nhở “nếu phát hiện cán bộ có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, phải kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch”. Thật ra, chúng chỉ là “những đồng chí bị lộ”. Các đại án “chuyến bay giải cứu” hay “kít xét nghiệm COVID-19” có bị phơi bày, người ta mới biết có hang loạtnhững quan chức cấp cao của chế độ cấu kết với nhau để dính chàm tập thể.

Chỉ một ngày trước khi hệ thống tuyên truyền của chế độ đưa tin ông Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng ôm trọn quyền cắt đặt, chia ghế cho Trung ương khóa 14, ông ta họp mặt “cử tri” Hà Nội khoe rằng cái chế độc độc tài và cực kỳ tham những tại Việt Nam hiện đang do ông ta cầm đầu là “ưu việt nhất trong thời địa bay giờ”.

Trên các trang Facebook, hàng trăm người không giấu nổi những lời mỉa mai, nguyền rủa, coi đó là những lời tuyên truyền của kẻ đại bịp.


Việt Nam khuyến cáo công dân rời Israel

Theo tin đài VOA, Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 16/10 đã khuyến cáo “nếu không thật sự cần thiết”, công dân Việt Nam nên rời Israel, và “không nên đến hoặc tránh đến Israel”.

Thông báo còn nói thêm rằng “nếu đang ở Israel thì cần có phương án sớm sơ tán an toàn người và tài sản đến nước thứ 3 hoặc về Việt Nam”.

Cục lãnh sự kêu gọi người Việt Nam ở Israel “thường xuyên theo dõi những thông tin” của chính quyền sở tại và cảnh báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam để “phản ứng kịp thời”.

Thông báo của Cục này không đề cập tới công dân Việt Nam ở Dải Gaza. Hiện không rõ là có người Việt nào còn bị kẹt ở vùng đất hiện đang trải qua đợt oanh kích dữ dội của Israel hay không.

Theo tin từ báo chí trong nước, có khoảng 500 người Việt Nam sinh sống và làm việc ở Israel.


Mưa bão tại Miền Trung, Đà Nẵng di tản 5000 người

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Dự báo diễn biến mưa lớn trong 24 giờ đến 48 giờ tới: Từ ngày 18/10 đến ngày 19/10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 300mm. Khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to, có nơi mưa rất to; lượng mưa phổ biến từ 50-150mm, có nơi trên 200mm. Khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; lượng mưa phổ biến từ 20-60mm, có nơi trên 100mm.

Thanh Hóa và các tỉnh miền Bắc từ sáng ngày 18/10 bắt đầu có mưa rào và dông rải rác ở vùng ven biển, cục bộ có mưa vừa đến mưa to. Từ 19-21/10, miền Bắc và Thanh Hóa tiếp tục có mưa rào và dông tố rải rác.

Vài ngày trước, hôm 13/10, ông Bùi Trung Khánh – Chủ tịch phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) Đà Nẵng cho biết, các lực lượng cứu hộ đã di dời khoảng 5.000 người dân tại các khu vực thấp trũng như Mẹ Suốt, Hoàng Văn Thái, thuộc Đà Nẵng…đến nơi an toàn.

Từ nay đến hết năm 2023, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 2-3 cơn bão, trong đó có khoảng 1-2 trận bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, khu vực ảnh hưởng bão là miền Trung Việt Nam. (Tổng hợp)


Tù lương tâm Lê Trọng Hùng tuyệt thực 42 ngày không có tin tức

Gia đình tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng lo lắng không có tin tức gì tiếp theo dù đến nay ông đã tuyệt thực 42 ngày, nguy hiểm tính mệnh.

Viết trên trang Facebook Tử Đinh Hương ngày Thứ Bảy 14 Tháng Mười, bà Đỗ Lê Na, vợ ông Lê Trọng Hùng, cho hay bà đến nhà tù ở huyện miền núi Thanh Chương, Nghệ An, thăm ông ngày 24 Tháng Chín và được biết ông đã tuyệt thực 21 ngày. Nay thêm 21 ngày nữa trôi qua, bà không hề có tin tức.

“Những gì có thể làm em đã đều làm cả. Song từng ngày, từng giờ vẫn lặng lẽ, nặng nề qua đi mà tuyệt không có một tin tức tốt lành nào”. Bà Đỗ Lê Na viết trên Facebook. “Là bởi lòng người quá lạnh lùng, ích kỷ hay bản thân em quá bất lực?! Chỉ biết còn nguyện cầu ơn trên che chở, giữ gìn anh mà thôi”.

Bà Đỗ Lê Na là một người khiếm thị và cũng là giáo viên tại một trường dạy những người khiếm thị ở Hà Nội. 

Hơn 50 người phản hồi, bày tỏ xúc động trước sự lo lắng, bối rối và bất lực của một người vợ tù nhân lương tâm không thể làm gì hơn trước sự an nguy của chồng trong chốn lao tù. “Thương quá!”. Một người khác viết  “Họ biết mình lo lắng thì họ sẽ giấu tin để mình lo hơn. Đây là một cách hành hạ người ở ngoài. Em hãy để mọi việc cho Thượng Đế an bài. An nhiên vượt qua nhé!”.

Ông Lê Trọng Hùng, bắt đầu tuyệt thực từ ngày 3 Tháng Chín, một tuần lễ trước ngày chế độ Hà Nội chọn ngày 11 Tháng Chín là “Ngày pháp luật Việt Nam” nhằm “tôn vinh hiến pháp và pháp luật” của chế độ. Mục đích cuộc tuyệt thực được ông nói với vợ khi bà đến thăm định kỳ vào tháng trước và nhờ vợ viết thư cho “Ủy ban Tư pháp”, “Ủy ban dân nguyện” của quốc hội CSVN kêu goi xúc tiến thành lập “Tòa án hiến pháp”. Theo ông, “khá nhiều tổ chức, cá nhân và cơ quan ở Việt Nam vi phạm một cách nghiêm trọng Hiến pháp Việt Nam”.

Đồng thời, ông cũng đòi hỏi “trại giam phải tôn trọng quyền lợi cũng như quyền làm người của các tù nhân nói chung cũng như là tù nhân lương tâm nói riêng, chẳng hạn như quyền được chăm sóc y tế, được khám chữa bệnh, phải cho họ viết thư liên lạc với gia đình…”

Bà Đỗ Lê Na còn cho hay ông Hùng có viết thư cho Chủ tịch nước cũng như viết nhiều đơn tố cáo các sai phạm của hệ thống tư pháp CSVN trong các phiên tòa xét xử ông. Tuy nhiên “cán bộ quản giáo không gửi thư và đơn tố cáo của ông đi những nơi mà ông yêu cầu”.

Ông Lê Trọng Hùng, năm nay 44 tuổi. Ông bị CSVN bắt giam từ Tháng Ba 2021 sau một thời gian ngắn nộp đơn ứng cử đại biểu quốc hội. Ông bị vu cho tội “Tuyên truyền chống nhà nước” độc tài đảng trị và cực kỳ tham nhũng tại Việt Nam. Trước khi nộp đơn ứng cử quốc hội, ông và một số bạn bè lập một kênh truyền hình thông tin trực tiếp trên YouTube từ năm 2017 và một trang Facebook dưới bút hiệu “Hùng Gàn Lê” trình bày các vấn đề của đất nước, không qua sự kiểm soát của nhà nước CSVN.

Ông Hùng từng là giáo viên của Trường câm điếc Xã Đàn (Hà Nội). Năm 2015, ông nghỉ việc và tố cáo sai phạm của hiệu trưởng nhà trường nhằm bảo vệ quyền lợi cho các đồng nghiệp và học sinh khuyết tật nơi đây.

Phiên tòa sơ thẩm diễn ra ngày 31 Tháng Mười Hai 2021 và phiên xử phúc thẩm ngày 19 Tháng Tư 2022 bà Đỗ Lê Na đều bị ngăn cản không được đến dự khán. Thậm chí, bà chỉ được biết có phiên phúc thẩm ngày 19 Tháng Tư 2022 qua lời nói của một công an viên khi bà đến đòi thăm gặp ông.


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 22-23-24/4/2024.
  • Hạ Viện Mỹ thông qua khoản viện trợ 61 tỷ đô la: Ukraina ăn mừng, Nga lên án (RFI)
  • Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố gởi vũ khí cho Ukraina “ngay từ tuần này”
  • Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân: Nguy cơ leo thang với Nga
  • Ukraina dùng drone tấn công các cơ sở năng lượng và nhà máy luyện kim trên lãnh thổ Nga
  • Nhân viên nghị viện EU bị bắt ở Đức vì làm gián điệp cho Trung Cộng
  • Mỹ - Philippines khởi động cuộc tập trận Balikatan ở Biển Đông
  • LHQ muốn một cuộc điều tra quốc tế về các hố chôn tập thể tại một bệnh viện ở Gaza
  • Ngoại trưởng Mỹ đến gây sức ép với Trung Cộng nhưng vẫn cố giữ ổn định
  • Bắc Triều Tiên tập trận tấn công hạt nhân, Nam Hàn dọa "xóa sổ" chế độ Bình Nhưỡng
  • Trợ lý bị bắt, Vương Đình Huệ liệu có lâm nguy?
  • World Bank: Kinh tế Việt Nam đang dần ‘phục hồi’
  • Hạn hán kéo dài khiến khoảng 77.000 trẻ ở Việt Nam không có nước sạch
  • CSVN phạt tù 10 người vì tham gia tổ chức “phản động” ở Mỹ
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 15-16-17/4/2024.
  • Hai chục nước mua đạn pháo ngoài châu Âu để cung cấp cho Ukraina
  • Chiến tranh Ukraina: Lãnh đạo AIEA báo động nguy cơ tai nạn hạt nhân ở Zaporijjia
  • Quân đội Israel tuyên bố sẽ đáp trả cuộc tấn công của Iran
  • Lần đầu tiên quyết định oanh kích trực tiếp Israel: Iran được gì, mất gì?
  • Mỹ-EU chuẩn bị trừng phạt thêm Iran, Anh và Đức thuyết phục Israel ‘"kiềm chế"
  • Úc công bố Chiến lược Quốc phòng đầu tiên để đối phó Trung Cộng
  • BT Quốc Phòng Mỹ, Trung nối lại đối thoại: Biển Đông và Đài Loan là trọng tâm
  • Hạ viện Mỹ có thể bỏ phiếu về viện trợ cho Ukraine, Israel trong tuần này
  • Mỹ và Việt Nam quan ngại về dự án kênh đào do TC tài trợ ở Cam Bốt
  • Reuters: Việt Nam bơm tới 24 tỷ USD để giải cứu ngân hàng SCB bị chìm trong vụ lừa đảo khổng lồ
  • Việt Nam bắt thêm các lãnh đạo tập đoàn vì ‘đưa, nhận hối lộ’
  • CSVN phạt một phụ nữ 12 năm tù vì tham gia tổ chức ‘khủng bố’ ở Mỹ
  • Số người Việt vượt eo biển Manche vào Anh là đông nhất
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 8-9-10/4/2024.
  • Thủ tướng Nhật Bản công du Hoa Kỳ trong bối cảnh lo ngại chung về Trung Cộng
  • Tổng thống Zelensky cảnh báo: “Mất viện trợ của Mỹ, Ukraina bại trận”
  • Xung đột dải Gaza: Israel ấn định ngày cho cuộc tấn công Rafah
  • Philippines-Mỹ-Nhật-Úc tập trận phối hợp đối phó "các tình huống hàng hải" ở Biển Đông
  • Fitch hạ điểm triển vọng tín nhiệm Trung Cộng (RFI)
  • Ukraine và Anh ký thỏa thuận hợp tác sản xuất vũ khí
  • Washington không để Trung Cộng đe dọa việc làm và ngành công nghiệp Hoa Kỳ
  • Miến Điện: Phe nổi dậy kiểm soát một thành phố quan trọng sát biên giới Thái Lan
  • Bầu cử Quốc Hội Nam Hàn: Trắc nghiệm về uy tín của tổng thống Yoon Suk Yeol
  • Tỉnh đầu tiên của Việt Nam ban bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán
  • Việt Nam sẽ đầu tư thêm hơn 7 tỷ USD để đẩy mạnh khai thác bô xít
  • Việt Nam đề nghị Ả Rập Xê Út tiếp nhận thêm lao động giúp việc nhà
  • Cổ phiếu VinFast rớt giá kỷ lục xuống mức đáy từ khi lên sàn Nasdaq ở Mỹ
  • Việt Nam ‘ưu tiên’ khởi công đường sắt cao tốc tới Trung Quốc trước năm 2030
  • Việt Nam phá đường dây tín dụng đen 2000% tiền lời
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 1-2-3/4/2024
  • Ukraine: Drone oanh kích sâu trong lãnh thổ, nguồn xăng dầu của Nga
  • Viện trợ quân sự cho Ukraina: NATO bàn lập quỹ 100 tỉ euro
  • Israel không kích Gaza, nhiều nhân viên cứu trợ nhân đạo nước ngoài thiệt mạng
  • Bầu cử thị trưởng ở Thổ Nhĩ Kỳ: Phe đối lập thắng lớn
  • Teheran thề trả đũa vụ Israel oanh kích Damas, giết chết 7 Vệ binh Iran
  • Chính quyền Biden cân nhắc giao vũ khí trị giá 18 tỷ USD cho Israel
  • “Hội chứng La Havana”: Màn bí mật đã được vén lên
  • Nhật Bản và Mỹ thắt chặt hợp tác an ninh với Anh, Úc và Philippines
  • New Delhi phản đối Bắc Kinh đặt tên Tầu cho 30 địa điểm ở biên giới Himalaya
  • Bộ Ngoại giao Mỹ: án tù cho nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam là bất công
  • Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh Vatican sẽ thăm Việt Nam
  • Phật Giáo Hòa Hảo bị cấm hành lễ
  • Nạn nhân Việt Nam trong hoạt động buôn người ở Đông Nam Á
  • Thanh niên chết tại trụ sở Công an Long Thành
  • FB của chính phủ Việt Nam chỉ trích Facebooker ngoại quốc về hành vi phỉ báng
  • Gần 74.000 doanh nghiệp Việt rời thị trường trong quý một
  • Tin Chính Trong Tuần 25-26-27/3/2024.
  • Hai tàu chiến Nga tại bán đảo Crimée bị Ukraina ''oanh kích''
  • Khủng bố: Putin thừa nhận thủ phạm là Hồi giáo cực đoan, nhưng vẫn cáo buộc Ukraina
  • Trước đe doạ khủng bố, hàng loạt nước châu Âu nâng mức cảnh báo an ninh
  • Bộ Quốc Phòng Anh: Hạm đội Biển Đen của Nga đã ‘‘tê liệt’’ trên thực tế
  • Nam Hàn 'quan ngại sâu sắc' việc Trung Cộng dùng vòi rồng tấn công tàu Philippines
  • LHQ thông qua nghị quyết ngưng bắn ở Gaza, quan hệ Mỹ - Israel căng thẳng
  • Nhật Bản phê duyệt sửa đổi quy định xuất khẩu chiến đấu cơ
  • Mỹ, Anh và New Zealand đồng loạt tố cáo Trung Cộng tấn công mạng
  • Ấn Độ ủng hộ Philippines bảo vệ chủ quyền lãnh hải
  • TBT Nguyễn Phú Trọng mời TT Putin thăm Hà Nội
  • Võ Văn Thưởng mất chức, Giới đầu tư nước ngoài nghi ngại
  • Hơn 10.000 tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam trong năm qua
  • 500 người Việt vượt biển vào Anh quốc
  • Việt Nam sa thải HLV Troussier sau khi gần hết cơ hội vào World Cup
  • Giới hoạt động quan ngại về cái chết ‘bất thường’ của một tín đồ ở Đắk Lắk
  • Việt nam bắt Sư trụ trì chùa Đại Thọ với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”
  • Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh không được tại ngoại để chữa ung thư